Ổn định giá thuốc thời gian tới bằng cách nào?
Thời gian qua, giá thuốc khá ổn định và xếp trong mặt hàng đặc biệt, CPI luôn xếp thứ 8-9 trong mục mặt hàng được xác định xếp hạng.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Hữu Đức (đoàn Đồng Tháp) về vấn đề quản lý giá thuốc và những giải pháp sắp tới để ổn định giá thuốc trong phiên chất vấn chiều ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nêu thực trạng về giá thuốc trong nước cũng như các giải pháp của Bộ Y tế đã, đang và sẽ thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2012, Bộ Y tế cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban các vấn đề xã hội và một số cuộc đi khảo sát tình hình giá thuốc tại Thái Lan và Trung Quốc. Thời điểm đó, giá thuốc của Trung Quốc hơn giá thuốc tại Việt Nam 2,25 lần. Giá thuốc của Thái Lan cũng gấp 3,12 lần và thu nhập đầu người của Thái Lan cũng gấp Việt Nam 3,3 lần.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, giá thuốc khá ổn định và xếp trong mặt hàng đặc biệt, CPI luôn xếp thứ 8-9 trong mục mặt hàng được xác định xếp hạng. Trong năm 2013-2014, khi thực hiện Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính, lần đầu tiên bảo hiểm xã hội đã có những báo cáo của các địa phương là giá chi phí về thuốc đối với nguồn bảo hiểm y tế giảm từ 30-35% và thuốc nội đã dùng tăng lên khoảng 2 lần.
Bộ trưởng dẫn chứng, điển hình như TP.Hồ Chí Minh báo cáo, với hình thức quản lý giá này đã giảm, tiết kiệm được 1.400 tỷ đồng. Và theo khảo sát của Viện chiến lược chính sách y tế (theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới) thì cũng thấy giá thuốc gốc của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực; đối với thuốc biệt dược thì tương đương. Gần đây nhất, vào tháng 3/2015, Tổ chức của quốc tế khảo sát về giá thuốc của Việt Nam chỉ ra giá thuốc chỉ bằng 0,79 mặt bằng giá chung của các nước trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, trong thời gian qua, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã ban hành một loạt các Thông tư về hướng dẫn đấu thầu thuốc, hồ sơ thuốc, để hướng dẫn đấu thầu thuốc, chia loại thuốc thành các nhóm của các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á và của Việt Nam. Bên cạnh đó, quy định giá thuốc được lường tối đa đối với các quầy thuốc bệnh viện là không quá từ 2 đến 15% tùy giá của thuốc. Ngoài ra, theo Thông tư 50 liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tất cả các thuốc từ nhập khẩu, đăng ký xin nhập khẩu, lưu hành và đấu thầu phải công khai giá, kê khai giá.
“Với quản lý chặt chẽ như vậy nên thời gian qua giá thuốc không bị đột biến và chi phí về thuốc cho bảo hiểm đã giảm”, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, hiện nay hạn chế vẫn là giá thuốc giữa các địa phương không giống nhau. Và có những lúc giá trúng thầu cao hơn giá kê khai, các cửa hàng quầy thuốc bán lẻ không kê khai một cách công khai minh bạch, niêm yết giá để người dân có thể chọn giữa nhà thuốc theo ý và cũng không mặc cả được.
Về giải pháp sắp tới để ổn định giá thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm xây dựng Thông tư đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia và kèm theo đó là ban hành danh mục các thuốc được đấu thầu tập trung cấp quốc gia mà chỉ có hai bộ được thực hiện nghị định đó là Bộ Tài chính và Bộ Y tế đối với mặt hàng thuốc. Đồng thời sẽ ban hành danh mục thuốc sản xuất trong nước ưu tiên, danh mục thuốc đàm phán giá. Đây cũng là lần đầu tiên hình thức đàm phán mới được đưa ra trong Luật Đấu thầu, đặc biệt với mặt hàng có thể tăng giá đột xuất, nhất là thuốc biệt dược. Thành lập trung tâm mua sắm tập trung tại Bộ Y tế...
http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/on-dinh-gia-thuoc-thoi-gian-toi-bang-cach-nao-20151118124050297.htm
Đánh giá chất lượng bệnh viện: Tiêu chí… giảm chuẩn!
Một trong những xu hướng tất yếu của dịch vụ khám chữa bệnh là ngày càng phải tăng chất lượng, tăng tiêu chí đánh giá có lợi cho người bệnh, nhưng nay Bộ Y tế có xu hướng đi ngược lại. Với việc hàng ngàn dịch vụ y tế tăng giá, lẽ ra tiêu chí chất lượng phải tăng tương ứng. Thế nhưng, bộ tiêu chí mà ngành y tế đưa ra áp dụng từ năm 2016 lại có một số tiêu chí giảm xuống.
Tiêu chí chất lượng giảm
Tại hội nghị “Hướng dẫn triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2015” vừa tổ chức tại TPHCM, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, bộ tiêu chí quốc gia chất lượng bệnh viện Việt Nam 2015-2016 sẽ lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế làm then chốt.
Tuy nhiên, thực tế so với bộ tiêu chí được ban hành năm 2013 thì lại “rút bớt” những yếu tố đáng lẽ ra người bệnh được hưởng. Chẳng hạn, tiêu chí năm 2013 quy định khoảng cách giữa 2 giường bệnh liền kề tối thiểu phải 2m để đảm bảo một phần sự yên tĩnh riêng tư của người bệnh, nhưng trong tiêu chí mới thì khoảng cách này chỉ còn 1m. Hay thay vì phòng chờ cho bệnh nhân phải có máy điều hòa 2 chiều hoạt động thường xuyên như quy định trước đó thì nay chỉ cần đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho bệnh nhân!
Về an ninh trật tự, trước đây quy định các bệnh viện không được để xảy ra người bệnh/người nhà người bệnh đánh nhân viên y tế, nay thì chỉ cần lực lượng bảo vệ thường trực và can thiệp kịp thời các vụ hành hung, gây rối hoặc đập phá tài sản, đồ đạc của người bệnh hoặc người nhà người bệnh, nhân viên y tế…
“Việc quy định những tiêu chí mới có lẽ dễ dàng cho bệnh viện hơn là cho quyền lợi người bệnh”, một chuyên gia y tế nhận xét.
Tuy nhiên, điểm mới của bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện mà Bộ Y tế vừa triển khai là người bệnh tham gia góp ý đánh giá dựa trên 5 tiêu chí: Khả năng tiếp cận thông tin khi vào bệnh viện; Sự minh bạch thông tin; Thủ tục khám, điều trị; Cơ sở vật chất; Thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn và kết quả dịch vụ. Người bệnh cũng sẽ đánh giá sự quan tâm của bác sĩ, điều dưỡng thông qua một loạt câu hỏi về việc giao tiếp, sự quan tâm, thăm hỏi, động viên tại phòng điều trị và biểu hiện gợi ý bồi dưỡng của nhân viên y tế.
Theo Bộ Y tế, bộ tiêu chí là cơ sở đánh giá thực trạng chất lượng bệnh viện Việt Nam, hỗ trợ bệnh viện xác định mình đang ở mức chất lượng nào để tiến hành các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng; định hướng cho các bệnh viện xác định vấn đề ưu tiên để cải tiến chất lượng...
Bình mới, rượu cũ
Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã ký ban hành bộ công cụ nhằm đánh giá thực trạng chất lượng bệnh viện ở Việt Nam, gồm 83 tiêu chí. Tuy nhiên, thực tế cho thấy qua 2 năm triển khai, thái độ phục vụ, ứng xử của một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế và thủ tục khám chữa bệnh chưa làm người bệnh hài lòng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tình trạng tai biến sau điều trị không được công khai; quy trình khám chữa bệnh chưa chuẩn hóa; tiếng nói người bệnh chưa được tôn trọng; thái độ y bác sĩ còn chưa đúng mực; tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết… Trong khi giá dịch vụ y tế ở hầu hết các tỉnh thành đã tăng và tiếp tục tăng nhưng chất lượng khám, điều trị chưa được nâng cao tương xứng.
Theo các chuyên gia y tế, một số cơ sở y tế vẫn chậm cải tiến quy trình khám bệnh. Thậm chí có những bệnh viện vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nên lơ là việc quản lý chất lượng bệnh viện. “Có bệnh viện quá tải nhưng không muốn cải tiến quy trình khám, điều trị vì bệnh nhân có chen chúc thì y bác sĩ mới có uy, mới nạt nộ được”, một chuyên gia y tế bức xúc.
Còn khi có tai biến xảy ra thì bệnh viện đùn đẩy trách nhiệm, không thừa nhận, không công khai để rút kinh nghiệm. Nhiều chuyên gia cũng thừa nhận hầu hết bệnh viện chưa xây dựng quy trình bình bệnh án, bình đơn thuốc nên không rút được bài học kinh nghiệm, tình trạng lạm dụng thuốc, lạm dụng kháng sinh dẫn đến tỷ lệ kháng thuốc rất lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, trước đây việc đánh giá bệnh viện dựa trên kiểm tra quy chế cuối năm. Do các bệnh viện đều thực hiện quy chế nên phần lớn đạt tiêu chuẩn xuất sắc toàn diện. Với bộ công cụ tiêu chí mới, các yếu tố gắn với người bệnh, chất lượng chuyên môn, chất lượng nhân lực bệnh viện đều có tiêu chí rõ ràng để đánh giá bệnh viện theo thang điểm. Theo đó, các bệnh viện phải lấy người bệnh làm trung tâm; phải xây dựng kế hoạch, đề án về quản lý chất lượng trong bệnh viện; áp dụng bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng bệnh viện được Bộ Y tế thừa nhận; xây dựng cơ sở dữ liệu, chỉ số chất lượng và đo lường chất lượng bệnh viện; tổ chức triển khai các quy định và hướng dẫn chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện kiểm định chất lượng; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế…
Theo các chuyên gia y tế, điều quan trọng thể hiện chất lượng bệnh viện là phải nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, nêu cao y đức, thể hiện sự hài lòng của người bệnh chứ không phải để… xếp hạng lấy thành tích!
Theo Bộ Y tế, trong quý 1-2016 sẽ công bố phân loại chất lượng của 200 bệnh viện tuyến trung ương, hạng 1 và tương đương. Phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 30% số bệnh viện tham gia chương trình đánh giá của tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập; trên 50% bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên và 30% bệnh viện tuyến huyện áp dụng tối thiểu một phương pháp quản lý chất lượng, phù hợp với đặc điểm của bệnh viện vào năm 2018; trên 70% bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên và 50% bệnh viện tuyến huyện có kế hoạch và đề án cải tiến chất lượng vào năm 2018.
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/11/402986/
Nhiều bệnh viện ở Cần Thơ luôn trong tình trạng quá tải
Tại các bệnh viện Nhi đồng, bệnh viện Ung bướu, lượng bệnh nhân đã tăng mạnh trong 3 tháng qua, gây ra tình trạng quá tải trầm trọng lên đến 5 bệnh nhi chung 1 giường.
Ban văn hóa xã hội, HĐND TP Cần Thơ vừa họp và thông báo tình trạng giám sát các bệnh viện trên địa bàn Cần Thơ. Kết quả cho thấy các bệnh viện Nhi đồng, Ung bướu, phụ sản đều luôn trong tình trạng quá tải.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, bệnh viện này thường xuyên quá tải, đặc biệt 3 tháng gần đây lượng bệnh nhi tăng lên đột biến, có nhiều ngày đã xảy ra tình trạng 5 bệnh nhi chung một giường.
Cụ thể, hiện tại bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ số bệnh ngoại trú tăng 95, bệnh nội trú tăng 23,5%, công suất giường bệnh tăng gần 28% so với cùng kỳ. Các loại bệnh tăng cao là tay chân miệng, sốt xuất huyết...
Tương tự bệnh viện Nhi đồng là bệnh viện Ung bướu, hằng năm lượng bệnh tăng 27%. Chỉ tiêu giao 250 giường bệnh nhưng bệnh viện này phải kê 300 giường và vẫn quá tải. Công suất giường bệnh hơn 124%. Bệnh viện này phải tận dụng các hành lang để làm phòng bệnh, có phòng 7 giường thì có tới 20 bệnh nhân, cao điểm lên hơn 30 bệnh nhân.
Còn bệnh viện Phụ sản chỉ tiêu giao 250 giường bệnh, nhưng thực kê lên tới 368 giường. 9 tháng đầu năm 2015, công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 147%. Nhằm đáp ứng chuyên môn bệnh viện phải hợp đồng thêm 46 nhân sự.
Lãnh đạo 2 bệnh viện trên đều cho biết, tình hình cơ sở vật chất chật hạn hẹp, xuống cấp, thiếu kinh phí mua sắm trang thiết bị, không đủ biên chế (do giường bệnh thực kê cao hơn giường kế hoạch)…là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng quá tải bệnh viện.
Để giảm thiểu tình trạng quá tải, lãnh đạo sở y tế cho biết, năm 2016 sở này sẽ xin cho tăng giường bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng lên 150 giường, bệnh viện Phụ sản thêm và Ung bướu tăng thêm 100 giường.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/nhieu-benh-vien-o-can-tho-luon-trong-tinh-trang-qua-tai-2015111812532855.htm
Trảng Bom: Vụ bé trai tử vong bất thường tại bệnh viện là do sặc sữa
“Bé trai sơ sinh ba ngày tuổi tử vong bất thường tại BV Đa khoa Trảng Bom là do sặc sữa chứ không liên quan đến việc tiêm ngừa vaccine”. Chiều 18-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết.
Theo ông Trung, chiều 18-11, Sở y tế tỉnh Đồng Nai đã làm việc với BV Đa khoa Trảng Bom và đưa ra kết luận như trên về nguyên nhân tử vong của bé trai sơ sinh là con của sản phụ Nguyễn Thị Suốt (25 tuổi, ngụ ấp 6, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai).
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, trước đó lúc 11 giờ 50 ngày 13-11, sản phụ Nguyễn Thị Suốt nhập viện tại khoa Sản và sau đó chuyển dạ sinh thường một bé trai lúc 16 giờ 15 phút cùng ngày.
Sau sinh, bé khỏe, Apgar tốt, da hồng, bú khỏe. Đến 10 giờ ngày 14-11, ca trực của BV Đa khoa Trảng Bom tư vấn cho người nhà và chích ngừa BCG cho bé.
Tuy nhiên, đến 14 giờ ngày 15-11, người nhà phát hiện bé bị tím tái và bế bé vào phòng trực của khoa. Lúc đó ca trực ghi nhận bé tím tái và mất phản xạ hoàn toàn. Ngay lập tức nhân viên trực đưa bé vào phòng cấp cứu, mời bác sĩ tập trung cấp cứu nhưng không hiệu quả.
Người nhà bức xúc cho rằng bé tử vong là do chích ngừa. Tuy nhiên, sau đó gia đình không đồng ý mổ tử thi để phục vụ điều tra nguyên nhân tử vong của bé mà đồng ý với kết luận của bệnh viện là bé tử vong do sặc sữa và không có khiếu nại gì đối với kết luận này.
http://phapluattp.vn/suc-khoe/vu-be-trai-tu-vong-bat-thuong-tai-benh-vien-la-do-sac-sua-592100.html
Nhiều việc làm nhân văn ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu
Cùng với những cố gắng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hơn mười năm qua, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều việc làm mang đậm tính nhân văn, đó là trực tiếp tham gia hiến máu cứu người; tổ chức các đoàn tình nguyện về khám sức khỏe cho người dân vùng khó khăn.
Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Trần Văn Khánh, phong trào hiến máu cứu người đã trở thành truyền thống và nét đẹp cao cả của bệnh viện từ nhiều năm nay. Mỗi năm cán bộ, nhân viên tại bệnh viện tự nguyện hiến hàng nghìn đơn vị máu để cứu người bệnh.
Khoa Xét nghiệm là một điểm sáng trong phong trào hiến máu khi có rất nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên tích cực tham gia hiến máu nhiều lần. Tiêu biểu như các bác sĩ Huỳnh Thị Mộng Thùy, Phan Việt Duy, Lê Hải Bằng, Ngô Hoàng Anh, Nguyễn Văn Nhanh… từ năm 2010 đến nay, mỗi người đều tự nguyện hiến máu từ năm lần trở lên, có người một năm hiến bảy, tám lần… Phó trưởng Khoa Xét nghiệm Huỳnh Thị Mộng Thùy, chia sẻ: Bản thân tôi và nhiều cán bộ, nhân viên trong khoa từ nhiều năm nay luôn tích cực hiến máu cứu người khi ngân hàng máu tại bệnh viện “khô máu”. Vì sự sống còn của nhiều người bệnh trong lúc cấp cứu, những thầy thuốc tại bệnh viện chia sẻ một phần máu quý giá của chính mình. Nhờ máu của những người thầy thuốc hiến tặng, nhiều người bệnh trong tình trạng nguy kịch đã được cứu sống.
Ngoài việc thành lập ngân hàng máu sống nêu trên, hơn mười năm qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu đã được Bộ Y tế và nhiều bệnh viện trong cả nước biết đến với mô hình Câu lạc bộ (CLB) y sĩ, bác sĩ trẻ. Có thể nói, CLB bác sĩ trẻ đã phát huy được tinh thần xung kích, tình nguyện, luôn hết lòng vì người bệnh nghèo. Những thầy thuốc trẻ không ngại về tận vùng nông thôn khám bệnh cho người nghèo đã trở thành hình ảnh đẹp trong phong trào tình nguyện của tuổi trẻ tỉnh nhà. Được thành lập từ năm 1990, chỉ với vài chục thành viên, đến nay số thành viên của CLB đã tăng lên 178 người là y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên, dược sĩ đang công tác tại bệnh viện. CLB luôn duy trì tốt các hoạt động khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo ở các địa phương chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Được sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, sự hỗ trợ tích cực của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, chỉ tính trong gần 5 năm trở lại đây, CLB đã tổ chức hơn 20 chuyến khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho gần 10 nghìn lượt bệnh nhân nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng quê cách mạng của tỉnh như huyện Hồng Dân, Phước Long, Đông Hải, Vĩnh Lợi… Ngoài việc khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, các bác sĩ trẻ còn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chăm sóc sức khỏe như: Cách phòng chống bệnh cao huyết áp ở người cao tuổi, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, tay chân miệng, suy dinh dưỡng ở trẻ em, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình…
Sự cố gắng và những việc làm cụ thể, thiết thực nêu trên đã để lại ấn tượng và hình ảnh tốt đẹp đối với mỗi người dân Bạc Liêu về sự hy sinh thầm lặng, cao cả của những thầy thuốc ở bệnh viện đa khoa tỉnh.
http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/28018202-nhieu-viec-lam-nhan-van-o-benh-vien-da-khoa-tinh-bac-lieu.html
Khẩn trương điều tra, xử lý vụ hàng trăm công nhân bị ngộ độc ở Đồng Nai
Ngày 18.11, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế Đồng Nai khẩn trương điều tra xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Chánh Ích (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) làm hàng trăm công nhân mắc và phải nhập viện xảy ra vào ngày 17.11
Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đồng Nai khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt các nội dung sau: Tổ chức cấp cứu, thu dung và điều trị kịp thời cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc. Điều tra xác định rõ cơ sở cung cấp thức ăn, tìm nguyên nhân gây vụ ngộ độc thực phẩm. Phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các đối tượng, đặc biệt là các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn. Kiên quyết không để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể không đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm hoạt động trên địa bàn.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở tổ chức bếp ăn tập thể… theo quy định của Thông tư số 30/2012/TT - BYT ngày 5/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố, Thông số 47/2014/TT – BYT ngày 11/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và các quy định khác có liên quan.
Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.
http://laodong.com.vn/suc-khoe/khan-truong-dieu-tra-xu-ly-vu-hang-tram-cong-nhan-bi-ngo-doc-o-dong-nai-398162.bld
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng với thông tin không chính thống
Trong những ngày gần đây có thông tin cho rằng sản phẩm mỳ Kokomi tôm chua cay của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan có dị vật như giun, sán.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Trung tâm kiểm nghiệm, Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá tiến hành lấy mẫu sản phẩm cùng loại trên thị trường để phân tích.
Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hoá số 158/2015 và báo cáo số 343/BC-ATTP của Chi cục ATVSTP tỉnh Thanh Hoá ngày 16 tháng 11 năm 2015 cho thấy sản phẩm mỳ Kokomi tôm chua cay đạt các tiêu chuẩn kiểm nghiệm như công bố, không có vật lạ như thông tin trên
Cục An toàn thực phẩm thông báo để người tiêu dùng biết và thận trọng với các thông tin không chính thống nêu trên.
http://laodong.com.vn/suc-khoe/cuc-an-toan-thuc-pham-khuyen-cao-nguoi-tieu-dung-than-trong-voi-thong-tin-khong-chinh-thong-398153.bld
Đình chỉ bếp ăn khiến 69 công nhân ngộ độc
Ngày 18-11, ông Nguyễn Văn Hữu - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Sở Y tế Đồng Nai, cho biết: Sau khi vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra đã đưa 69 công nhân nhập viện để điều trị và theo dõi. Đến chiều 18-11, số công nhân này đã xuất viện do sức khỏe đã ổn định. Bước đầu, xét nghiệm lâm sàng xác định nguyên nhân khiến 69 công nhân bị ngất xỉu, nôn mửa và hàng trăm công nhân khác bị hoảng loạn là do các công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn chiều 17-11.
Đoàn liên ngành Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai đã tiến hành thanh kiểm tra bếp ăn tại Công ty TNHH TM-DV-SX Chánh Ích (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) và phát hiện nhiều lỗi vi phạm của công ty và nhà thầu thực hiện nấu ăn cho công nhân.
Đoàn đã lập biên bản và đình chỉ việc nấu ăn của bếp ăn tập thể tại đây. Nhà thầu thực hiện việc nấu ăn cho công nhân tại đây là Công ty TNHH Nhà hàng 369, thị xã Thuận An, Bình Dương.
Theo một số công nhân, vào lúc 17 giờ ngày 17-11, họ đã ăn cơm chiều tại công ty để chuẩn bị tăng ca, thức ăn gồm có canh rau má và trứng hấp thịt. Tuy nhiên, khi ăn cơm, một số người có ngửi thấy có mùi cơm thiu, nhưng vẫn cố gắng ăn. Sau khi ăn khoảng 30 phút, nhiều người mệt, khó thở, nôn ói, ngất xỉu nên được công ty đưa vào Trung tâm bảo vệ sức khỏe và môi trường Đồng Nai cấp cứu, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa.
° Ngày 18-11, phản ứng trước một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng sản phẩm mì Kokomi tôm chua cay của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan có dị vật như giun, sán, Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Trung tâm kiểm nghiệm, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa tiến hành lấy mẫu sản phẩm cùng loại trên thị trường để phân tích.
Sau khi phân tích, kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa và của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa đều khẳng định sản phẩm mì Kokomi tôm chua cay đạt các tiêu chuẩn kiểm nghiệm như công bố, không có vật lạ như thông tin nêu trên. Trước kết quả kiểm nghiệm trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng cần phải rất thận trọng và không nên hoang mang trước thông tin không chính thống nêu trên.
http://www.sggp.org.vn/xahoi/2015/11/403211/
http://www.vietnamplus.vn/dong-nai-dieu-tra-nguyen-nhan-70-cong-nhan-ngo-doc-thuc-pham/356062.vnp
Tăng trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống sốt xuất huyết
Trước diễn biến dịch sốt xuất huyết (SXH) phức tạp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng dịch. Trong đó, cần phân rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp và người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn.
Trước diễn biến dịch SXH trong cả nước vẫn rất phức tạp (báo cáo của Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận 51.858 trường hợp mắc tại 54 tỉnh, thành phố, 32 trường hợp tử vong), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương cần tăng cường các hoạt động liên ngành phòng chống SXH. Trong đó đặc biệt cần phân rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp và người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn.
Theo Bộ Y tế, diễn biến dịch SXH năm nay đang rất phức tạp, dù số mắc không tăng đột biến so với các năm nhưng so với năm 2014 là năm dịch SXH có số mắc thấp nhất trong 10 năm trở lại đây nên dịch năm 2015 đó con số mắc tăng vọt. Còn trung bình mỗi năm Việt Nam ghi nhận từ 50 - 100 ngàn người mắc và gần 100 trường hợp tử vong. Năm 2015 đến thời điểm này số mắc là hơn 51 nghìn trường hợp, 32 ca tử vong.
Tuy nhiên, do năm nay lượng lượng mưa lớn, xảy ra trên diện rộng; tốc độ đô thị hóa tiếp tục tăng tạo điều kiện cho muỗi phát triển nên dịch SXH từ giờ đến cuối năm còn nhiều nguy cơ gia tăng. Hơn nữa, vì SXH có tính chất chu kỳ (4-5 năm bùng phát một lần) nên dự báo năm 2015 SXH có thể bùng phát thành dịch lớn.
Trong tổng số hơn 51 nghìn ca mắc, bệnh nhân tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (36.521 trường hợp mắc chiếm 70,4%, 29 trường hợp tử vong chiếm 90,6%); 78,9% là trẻ dưới 15 tuổi, 83,3% là nữ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý dịch và thực hiện chế độ giám sát, báo cáo theo quy định.
Phó Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp tại Công điện 1632/CĐ-TTg ngày 11/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Được biết, dịch SXH không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà dịch bệnh này đang hoành hành trên toàn cầu. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 390 triệu người mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi. SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Từ đầu năm đến nay, SXH vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại một số quốc gia và trong khu vực.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/tang-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-trong-phong-chong-sot-xuat-huyet-20151118213511124.htm
Người dân "làng ung thư" Yên Lão được sử dụng nước sạch
Xã Hoàng Tây, Kim Bảng, Hà Nam có nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng với hàm lượng Asen vượt ngưỡng cho phép từ 5 - 10 lần dù nước đã được lọc qua bể lọc, trong đó “làng ung thư” Yên Lão là một trong 10 ngôi làng có nguồn nước được coi là ô nhiễm nhất cả nước theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Xã Hoàng Tây, Kim Bảng, Hà Nam có nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng với hàm lượng Asen vượt ngưỡng cho phép từ 5 - 10 lần dù nước đã được lọc qua bể lọc, trong đó “làng ung thư” Yên Lão là một trong 10 ngôi làng có nguồn nước được coi là ô nhiễm nhất cả nước theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tỷ lệ người dân địa phương chết trước tuổi 50 vì ung thư, bệnh tật chiếm khoảng 35% trong tổng số người chết toàn xã Hoàng Tây. Theo thống kê của trạm y tế xã, trong 11 người phải điều trị ung thư ở toàn xã, riêng thôn Yên Lão đã có tới 8 người. Số người mắc bệnh ung thư, da liễu và các bệnh đường tiêu hóa ngày một gia tăng là tình trạng đang diễn ra tại xã Hoàng Tây, Kim Bảng, Hà Nam.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Nam đã xuống lấy gần 50 mẫu nước làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy, một số mẫu nước có hàm lượng Asen vượt 5 - 10 lần mức cho phép.
Sau khi bơm lên bể được khoảng 30 phút cả bể nước bắt đầu nổi váng. Cũng theo kết quả xét nghiệm, thẩm định nguồn nước ở xã Hoàng Tây có tỷ lệ tạp chất cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Ảnh báo Lao động
“Đối với những cộng đồng dân cư tiếp xúc với nguồn nước bị nhiễm độc Asen từ 3 năm trở lên, chúng tôi thấy có 4,6% người dân có dấu hiệu rối loạn sắc tố da; 32% có dấu hiệu bệnh mạch vành; 32 % có dấu hiệu bệnh lý về sinh sản; 4% những thành viên của gia đình sống trong vùng bị nhiễm độc Asen sẽ có khả năng xuất hiện khối u trong cơ thể” - TS Dương Khánh Vân - Viện sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường thông tin.
Tại chương trình, TS Dương Khánh Vân cũng đã có bài chia sẻ về mối quan hệ giữa nước với sức khỏe nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước tinh khiết để bảo vệ sức khỏe cũng như chia sẻ kiến thức tới người dân để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trước tình trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm. Cán bộ của Viện cũng đã tổ chức khảo sát nguồn nước tại thôn Yên Lão để phân tích, đánh giá và đề xuất một giải pháp triệt để nhằm xử lý nguồn nước ô nhiễm cho người dân nơi đây.
Chương trình “Tận tâm vì tương lai Việt” do Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường- Bộ Y tế phối hợp tổ chức được khởi động từ tháng 8/2015. Thông qua chương trình này, ban tổ chức sẽ tặng 75 triệu lít nước tinh khiết thông qua lắp đặt và duy trì vận hành 300 máy lọc nước đến các điểm ô nhiễm trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó, chương trình sẽ triển khai hoạt động kiểm tra tình trạng sức khỏe kết hợp tuyên truyền về sử dụng nước sạch cũng như tác động của nước tới sức khỏe cho người dân trong những làng bị ô nhiễm nặng. Tổng giá trị gói tài trợ tương đương 4.3 tỷ đồng
http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/nguoi-dan-lang-ung-thu-yen-lao-duoc-su-dung-nuoc-sach-2015111812113918.htm
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội sẽ có tòa nhà khám bệnh chất lượng cao
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6059/QĐ-UBND phê duyệt Đề án vay vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư tòa nhà khám chữa bệnh theo yêu cầu chất lượng cao Bệnh viện Ung bướu Hà Nội nhằm phát triển dịch vụ y tế chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Dự án được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2016-2020.
Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến 145,5 tỷ đồng, trong đó, vốn vay tín dụng ngân hàng khoảng 130 tỷ đồng còn lại là vốn từ quỹ đầu tư phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Thời gian thực hiện tổng thể từ năm 2016-2020, trong đó, thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị trong năm 2016. Thời gian vận hành, khai thác tòa nhà khám chữa bệnh theo yêu cầu chất lượng cao từ năm 2017 đến năm 2030.
Tòa nhà khám chữa bệnh theo yêu cầu chất lượng cao được tổ chức theo mô hình trực thuộc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, hoạt động dưới sự điều hành của Ban quản lý trực thuộc Ban Giám đốc bệnh viện.
Bệnh viện được quyết định các khoản thu và mức thu cụ thể đối với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trên cơ sở khung giá khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Giá dịch vụ xây dựng trên cơ sở khung giá của liên Bộ Tài chính-Y tế, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí và có tích lũy; quản lý theo các quy định của pháp luật về giá và các văn bản hiện hành của trung ương và thành phố.
Là bệnh viện chuyên khoa hạng I về ung bướu, tuyến 1 về khám, chữa bệnh ung bướu của thành phố Hà Nội, với quy mô 300 giường bệnh, những năm gần đây, bệnh viện đã áp dụng thành công nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị thành công các ca bệnh ung thư khó.
Các kỹ thuật như nút động mạch gan, chọn lọc trong điều trị ung thư tế bào gan nguyên phát trên hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA và phương pháp xạ trị gốc, kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư cũng đã được thực hiện thường quy tại bệnh viện.
Thời gian qua, công tác chuyên môn và chất lượng khám chữa bệnh tại đơn vị được nâng lên rõ rệt. Nhiều kỹ thuật mới được triển khai, số người đến khám và điều trị ngày càng tăng, số giường bệnh được đưa vào sử dụng tăng từ 200 lên 300 giường./.
http://www.vietnamplus.vn/benh-vien-ung-buou-ha-noi-se-co-toa-nha-kham-benh-chat-luong-cao/356068.vnp
150 gian hàng dự Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược 2015
Với chủ đề “Hướng tới phát triển bền vững và tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm và trang thiết bị y tế,” triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược lần thứ 22 (Vietnam Medi Pharm Expo 2015) sẽ diễn ra từ ngày 02-04/12 tại Hà Nội.
Triển lãm do Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại Vinexad tổ chức.
Với 150 gian hàng, các doanh nghiệp đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Siberia, Đức, Hy Lạp, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh tập trung trưng bày các sản phẩm trong các lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng, dịch vụ khám chữa bệnh, thiết bị làm đẹp, thẩm mỹ, thiết bị nha khoa, thiết bị nhãn khoa và kính mắt.
Theo thống kê của Hiệp Hội Thiết bị y tế Thành phố Hồ chí Minh, mỗi năm, hàng trăm tỷ đồng đã được chi cho các thiết bị y tế nhập khẩu, sản xuất trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế.
Bên cạnh việc mở rộng sản xuất các thiết bị y tế thông dụng, đảm bảo cung cấp khoảng 60% nhu cầu trong những năm tới, Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều chính sách ưu đãi đối với đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như hỗ trợ tài chính hoặc miễn tiền sử dụng đất. Việc thành lập các bệnh viện mới đang được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Cục quản lý Dược Việt Nam, mục tiêu hướng đến năm 2030 về cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng, sản xuất thuốc chuyên khoa đặc trị, chủ động sản xuất vắcxin, sinh phẩm cho phòng chống dịch bệnh, sản xuất nguyên liệu làm thuốc. Các nhà máy sản xuất dược phẩm Việt nam và liên doanh chiếm thị phần đến 80%.
Khác với lĩnh vực trang thiết bị y tế, ngành Dược có những công ty đáp ứng sản xuất trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty Cổ phần Dược Đạt Vi Phú (Davipharm).
Đại diện Ban tổ chức cho biết, một trong những kênh quảng bá và thu hút hiệu quả các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, phải kể đến các kỳ tổ chức Triển lãm chuyên ngành Y Dược ở hai đầu thành phố lớn là Hà Nội (02-04 /12/2015), Thành phố Hồ Chí Minh (10-13/08/2016) và phát triển tại thị trường Myanmar (19-21/05/2016)./.
http://www.vietnamplus.vn/150-gian-hang-du-trien-lam-quoc-te-chuyen-nganh-y-duoc-2015/356038.vnp
Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai phẫu thuật thành công trẻ sau sinh không hậu môn
Sáng 18-11, Ban Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai cho biết, vừa làm thủ tục xuất viện sau khi phẫu thuật tạo hình thành công hậu môn cho cháu Lý A Páo hơn một năm tuổi, dân tộc Mông.
Cháu Lý A Páo, sinh ngày 21-10-2014, trú tại thôn Hầu Chư Ngài, xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Sau khi sinh ra, các bác sĩ Bệnh viện Sản -Nhi tỉnh Lào Cai phát hiện bé không có lỗ hậu môn, nên đã được phẫu thuật, làm hậu môn tạm; sau đó cháu được phẫu thuật lần thứ hai để tạo hình lỗ hậu môn ổn định. Tiếp đó, cháu Páo được điều trị để thực hiện phẫu thuật đóng hậu môn tạm.
Sau gần một năm, với ba lần phẫu thuật, cháu Lý A Páo đã có thể ăn, uống, sinh hoạt bình thường. Ca phẫu thuật tạo hình hậu môn nhân tạo đã thành công, bảo đảm an toàn.
Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt- Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai cho biết: Trong suốt thời gian phẫu thuật và điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi, ngoài chính sách bảo hiểm đối với người nghèo, cháu Páo còn được sự quan tâm, hỗ trợ của các bác sĩ, nhân viên y tế tại đây.
Kể từ khi thành lập, đây là trường hợp đầu tiên, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai phẫu thuật và điều trị thành công trường hợp dị tật không có hậu môn sau sinh. Trước đó, những trường hợp như vậy, phải chuyển về các bệnh viện tuyến T.Ư để phẫu thuật và điều trị nên rất tốn kém và vất vả cho bệnh nhân.
http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/28010802-benh-vien-san-nhi-lao-cai-phau-thuat-thanh-cong-tre-sau-sinh-khong-hau-mon.html
Cứu sống sản phụ nguy kịch vì sốc trụy mạch
Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết, bệnh viện vừa mới cứu sống sản phụ Nguyễn Thị Hương bị nguy kịch vì sốc trụy mạch.
Vào Khoảng 5h30, ngày 16.11 sản phụ Nguyễn Thị Hương (37 tuổi), huyện Diễn Châu, Nghệ An nhập viện Bệnh viện đa khoa Nghệ An trong tình trạng sốc trụy mạch do mất máu nhiều, nguy cơ tử vong rất lớn.
Trước đó, vào 1h30 sáng cùng ngày, sản phụ Hương nhập viện sinh đẻ tại bệnh viện tuyến huyện. Sau khi sinh, sản phụ đột nhiên bị đờ tử cung, băng huyết ồ ạt, dần rơi vào trạng thái sốc.
Thạc sỹ, BS. Trần Minh Long, Trưởng khoa Hồi sức ngoại khoa cho biết: “Chị Hương bị thiếu máu nặng do chảy máu trong sau cắt tử cung, cần chuyển mổ cấp cứu để cầm máu. Bệnh nhân nhập viện trong tình thế nguy hiểm, đồng tử đã giãn rộng, không đo được huyết áp, nhịp tim đập rời rạc, thở ngáp, da trắng nhợt nhạt, sốc mất máu sau cắt tử cung bán phần do băng huyết sau sinh”.
Sau khi chẩn đoán, các bác sỹ của bệnh viện đã mổ cầm máu, sau đó nhanh chóng cắt phần đoạn cổ tử cung còn lại, khâu thắt đáy động mạch tử cung, khâu cầm máu mỏm cắt…
Ca mổ diễn ra trong vòng 12 tiếng, sản phụ Hương may mắn qua cơn nguy kịch.
Hiện sản phụ Hương đang được theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện đa khoa Nghệ An.
http://laodong.com.vn/suc-khoe/cuu-song-san-phu-nguy-kich-vi-soc-truy-mach-397999.bld
Cuộc chiến vì sức khỏe
Trước thềm Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Pa-ri (Pháp), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tình trạng BĐKH đang làm hàng triệu người chết mỗi năm. Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão từ, lụt lội cùng với tình trạng ô nhiễm không khí, thực phẩm và nguồn nước đã và đang gây ra những chứng bệnh nan y.
Theo WHO, trong năm 2012, thế giới có khoảng bảy triệu người tử vong do mắc những căn bệnh liên quan không khí bị ô nhiễm. Dự báo, từ năm 2030 tới năm 2050, BĐKH sẽ khiến mỗi năm có thêm 25.000 người tử vong do mắc các bệnh sốt rét, tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Trẻ em, phụ nữ và người nghèo ở những quốc gia có thu nhập thấp sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Chống BĐKH còn là cuộc chiến giúp cải thiện sức khỏe con người. Đầu tư cho việc phát triển các dây chuyển sản xuất ít khí thải CO2, tăng cường sử dụng năng lượng sạch nhằm cải thiện bầu khí quyển cũng là đầu tư cho sức khỏe. Theo WHO, chỉ cần giảm bớt 0,5oC nhiệt độ trên toàn cầu tới năm 2050 là có thể cứu được gần 2,4 triệu sinh mạng mỗi năm.
Tại các quốc gia, việc tăng cường xây dựng các hệ thống bảo vệ nguồn nước, cải tiến các dịch vụ vệ sinh dịch tễ để đối phó những trận lụt hoặc hạn hán cũng là những biện pháp thiết thực giúp người dân có sức đề kháng tốt hơn trước những mối đe dọa của BĐKH.
http://www.nhandan.org.vn/thegioi/chuyen-thoi-su/item/28017302-cuoc-chien-vi-suc-khoe.html