Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 19/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Xây dựng khu khám, điều trị dịch vụ Bệnh viện Nhi đồng I theo hình thức PPP; 3 dịch vụ của bệnh viện ở Sài Gòn bị khách phàn nàn nhiều nhất; SOS nhiễm khuẩn bệnh viện; Bệnh nhân tố bác sĩ gây tàn phế rồi bỏ trốn; Em bé trong vụ người cha hành hung bác sỹ ra viện khỏe mạnh; 3,3 triệu người tử vong mỗi năm vì đồ uống có cồn; ...

 

Xây dựng khu khám, điều trị dịch vụ Bệnh viện Nhi đồng I theo hình thức PPP

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2017/4/455740/

Sáng nay, 18-4, Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng An Điền (ANDIENCO) cùng Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam (VINAMED) đã ký thỏa thuận hợp tác liên danh giữa HFIC và ANDIENCO - VINAMED nhằm mục đích góp vốn hình thành một liên danh đủ năng lực để lập đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tham gia lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện đầu tư Dự án Xây dựng khối 1 – Khu khám và điều trị dịch vụ của Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 là bệnh viện chuyên khoa nhi của TPHCM có lượt khám chữa bệnh trung bình từ 5.500 đến 6.000 lượt khám/ngày, cao điểm đạt hơn 7.000 lượt khám/ngày. Số lượng bệnh nhân nội trú thường xuyên ở mức 1.600 - 1.800 bệnh nhân, trong đợt cao điểm như hiện nay bệnh viện có trên 2.000 bệnh nhân nội trú. Với mật độ lượng bệnh nhi nội trú và bệnh nhi đến khám bệnh tại khu khám cùng với thân nhân nuôi bệnh và thăm bệnh, sinh viên thực tập và nhân viên y tế túc trực khám và điều trị cho trẻ trong giờ hành chính luôn trên mức 10.000 người trong khu nội trú và khu khám bệnh.

Theo ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc HFIC, cơ sở vật chất của bệnh viện được xây dựng trên 50 năm, mặc dù có nhiều lần cải tạo và sửa chữa nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu, luôn trong tình trạng quá tải. Tình trạng mỗi giường có từ 2 – 3 bệnh nhân, thậm chí bệnh nhi còn phải nằm trên hành lang lối đi dành cho người đi bộ là thường xuyên. Do đó việc đầu tư xây dựng khối 1 – Khu khám và điều trị dịch vụ của Bệnh viện Nhi đồng 1 theo hình thức đối tác công tư (PPP) là cần thiết và cấp bách góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em TPHCM và các tỉnh lân cận.

Trước đó, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu lập đề xuất dự án nói trên theo hình thức PPP. Theo như chỉ đạo, UBND TP chấp thuận đề xuất của Sở KH-ĐT về chủ trương giao HFIC tự cân đối kinh phí để nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư theo hình thức PPP. Sau khi dự án hoàn chỉnh, UBND TPHCM giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định đề xuất dự án, trình UBND TP phê duyệt.

 

SOS nhiễm khuẩn bệnh viện

http://cand.com.vn/y-te/Nhiem-khuan-benh-vien-la-ganh-nang-cho-benh-nhan-437371/

Khảo sát của Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại 15 BV trên cả nước cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn BV là 27,3%. Nguy hiểm hiện nay là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị dao động trong khoảng 50% đến 75%.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 18-4.

Ông Hoàng Văn Thành-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn được thiết lập ở hầu hết các BV trong toàn quốc (92,23% BV có Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn; 88,66% BV có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn; 72,27% BV có khoa kiểm soát nhiễm khuẩn).

Tuy nhiên, các BV chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát nhiễm khuẩn BV. Vì thế, dù hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn có ở hầu hết các BV nhưng chỉ có 35,29% BV có bộ phận giám sát chuyên trách.

Tỷ lệ BV thực hiện giám sát nhiễm khuẩn đối với các bệnh trọng điểm tăng so với năm 2015 nhưng vẫn còn thấp. Trong số 121 BV thực hiện giám sát nhiễm khuẩn vết mổ chỉ chiếm 25,42%. Những con số này còn thấp hơn trong giám sát viêm phổi thở máy (14,46%); giám sát nhiễm khuẩn huyết (12,61%) và giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu (14,29%).

Đặc biệt, chỉ có gần 41% BV giám sát vi sinh trong môi trường tại khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm. Việc triển khai giám sát nhiễm khuẩn kém, dẫn tới khó kiểm soát được thực trạng nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế.

Trong 93 BV thực hiện giám sát nhiễm khuẩn năm 2016, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV chung là 3,6%, ttrong đó cao nhất là tuyến tỉnh với 5,06%, tuyến trung ương 2,79%, tuyến huyện 2,11% và BV tư nhân 1,45%. Giám sát vi sinh và vi khuẩn kháng thuốc dù tăng so với năm 2015 (8,1%), ở mức 13,45%, nhưng vẫn ở mức thấp. 40,97% giám sát nhiễm khuẩn thực hiện giám sát vi sinh trong môi trường tại những khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế trở thành gánh nặng cho người dân cũng như cho các cơ sở khám, chữa bệnh, khi làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật, tăng chi phí dùng thuốc vv…

Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV là 5,8% và viêm phổi BV chiếm tới 55,4%. Một nghiên cứu gần đây ở BV Chợ Rẫy cũng cho thấy, nhiễm khuẩn BV kéo dài thời gian điều trị là 15 ngày với viện phí phát sinh ước tính khoảng 2,9 triệu đồng/ca. Đây là con số không nhỏ đối với một nước có mức thu nhập GDP/người còn thấp như ở Việt Nam.

Tại hội thảo, câu chuyện đau xót của vụ gần 150 trẻ em tử vong do dịch sởi năm 2014 được nhắc lại, như một bài học xương máu cho ngành y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn kém, khiến bệnh nhi bị lây chéo. Nguyên nhân là do tình trạng quá tải ở tuyến trên, cộng với việc kiểm soát nhiễm khuẩn kém đã dẫn đến nỗi đau này.

Vì thế, nhiều đại biểu kiến nghị cần sớm xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia. Bộ Y tế cần hỗ trợ cho 6 BV là Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Nhiệt đới Trung ương, Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh và BV Nhi Đồng 1 hoàn thiện mô hình BV mẫu về giám sát nhiễm khuẩn. Trong đó, hoàn thiện hoạt động giám sát nhiễm khuẩn BV trước hết là giám sát nhiễm khuẩn huyết và nhiễm khuẩn tiết niệu.

Biện pháp hiệu quả và ít tổn hại kinh tế nhất để có thể giảm nhiễm khuẩn BV là rửa tay được WHO khuyến cáo mạnh mẽ. Theo đó, các thầy thuốc phải vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn là biện pháp quan trọng nhất để phòng chống nhiễm khuẩn BV.

 

Bệnh nhân tố bác sĩ gây tàn phế rồi bỏ trốn

HTTP://MOTTHEGIOI.VN/THOI-SU-C-66/BENH-NHAN-TO-BAC-SI-GAY-TAN-PHE-ROI-BO-TRON-61017.HTML

Cho rằng bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn (TP.HCM) mổ chân sai sót rồi bỏ trốn, khiến bệnh nhân bị biến chứng nhiễm trùng, phải cắt lọc hoại tử và cuối cùng chịu cảnh tàn phế, bệnh nhân đã làm đơn tố cáo hành vi trên. Đòi bệnh viện này phải bồi thường những thiệt hại đã gây ra.

Bác sĩ mổ xong bỏ trốn

Mới đây ông Lê Chấn Hưng (74 tuổi, ngụ ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) đã làm đơn tố cáo một bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn thiếu trách nhiệm, không đủ khả năng mổ chân nhưng vẫn quyết giữ ông ở lại bệnh viện mổ bằng được để cuối cùng ông phải chịu cảnh tàn phế.

Theo ông Hưng, vào ngày 22.6.2015, ông bị tai nạn xe gắn máy được người dân chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, ông tỉnh lại, xin bác sĩ ở đây cho chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM).

Tuy nhiên lúc này bác sĩ Duẩn (khoa Ngoại chấn thương - bỏng, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn) nói: “Bác chỉ bị gãy ống chân trái, đơn giản thôi, ở đây chữa khỏi, không cần phải chuyển lên tuyến trên”.

Sau đó ông Hưng tiếp tục đề nghị bác sĩ cho ông chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 để mổ cho an toàn. Bác sĩ Duẩn lại trấn an: “Bác đừng quá lo lắng, chân của bác chỉ bị gãy bình thường, ở đây mổ được, sau 3 tháng là đi lại bình thường”. Nghe đến đây gia đình ông mới đồng ý ký mổ ở bệnh viện này.

Sau khi ký đồng ý mổ xong, bác sĩ Duẩn còn đề nghị người nhà của ông bồi dưỡng cho ê kíp mổ 3 triệu đồng. Vì muốn việc mổ diễn ra an toàn, suôn sẻ nên gia đình ông Hưng đồng ý đưa cho bác sĩ Duẩn 3 triệu đồng tiền “bồi dưỡng”.

Ông Hưng cho hay sau khi mổ đặt khung bất động ngoài cẳng chân (dạng chữ T) được 3 ngày, ông thấy tình hình chân của mình không ổn muốn gặp bác sĩ Duẩn để hỏi thì được các nhân viên y tế ở đây thông báo: “Bác sĩ Duẩn đã đi rồi, ông chỉ là bác sĩ hợp đồng, làm việc xong là đi”.

Sau đó ông Hưng tiếp tục điều trị hậu phẫu tại đây khoảng 2 tháng, nhưng chân vẫn đau nhức, nơi xương gãy bị hóp sâu, bàn chân trái bị hoại tử. Thấy tình hình không ổn, bệnh viện này đã chuyển ông đến Bệnh viện Nhân dân 115.

Tại đây, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết xương ghép ở chân của ông bị hở; vặn bu lông đặt khung bất động ngoài cẳng chân quá chặt khiến bàn chân trái bị vênh.

"Nếu bác đến đây lúc mới xảy ra tai nạn, bệnh viện có ngân hàng xương sẽ ghép lại cho bác phần xương gãy bị thiếu và vặn bu lông bằng máy để đặt khung bất động ngoài cẳng chân thì sẽ không xảy tình trạng trên. Nếu muốn vặn bu lông chính xác phải sử dụng máy đo vặn bu lông, chứ không thể vặn bằng tay”, ông Hưng thuật lại lời một bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân 115.

Bệnh viện trốn trách nhiệm

Ông Hưng cho rằng chính Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn không có trang thiết bị đo vặn bu lông nên vặn bằng tay không chính xác dẫn đến bàn chân trái của ông bị vênh. Ngoài ra bệnh viện này không có ngân hàng xương nên không có xương để nối lại. Khi bị gãy, xương hụt đi nhưng phẫu thuật không có xương để bù vào gây ra tình hở xương, đau nhức, hoại tử da khiến ông phải tàn phế.

Theo ông Hưng, trong suốt thời gian gần 2 năm qua, ông đã nhiều lần “gõ cửa” Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn đề nghị được gặp lãnh đạo bệnh viện này để làm rõ những sai sót trong quá trình phẫu thuật chân của ông. Tuy nhiên lần nào ông đến đây cũng đều nhận được câu trả lời: “Lãnh đạo đi vắng”.

Có lần ông vào phòng tiếp dân của bệnh viện thì được nơi đây giới thiệu đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 để được xử lý lại nhưng những nơi này đều không dám xử lý.

Sau khi nhận được câu trả lời từ các bệnh viện trên, ông quay lại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn yêu cầu nơi đây phải bồi thường cho ông thì nhận được câu trả lời: “Bác cứ từ từ rồi chân sẽ lành, cái này không gấp được đâu”. Và cứ như thế, mỗi  lần ông gặp thì mỗi lần bác sĩ ở đây đều trả lời với ông như vậy.

Trong suốt thời gian nằm một chỗ, các con của ông phải ở nhà chăm sóc ông.  Đặc biệt, đứa con trai của ông phải nghỉ bán hàng thuê ở nhà chăm sóc ông, không có tiền để lo cho gia đình. Trong khi đó, ngày nào ông cũng phải uống thuốc giảm đau 3, 4 lần để chống chọi với những cơn đau nhức triền miên.

“Tôi không thể chờ đợi mãi được nữa. Đã 2 năm trôi qua nhưng chân trái của tôi vẫn đau nhức, không đi lại được phải nằm liệt một chỗ. Tất cả những lời hứa của bác sĩ Duẩn đều trái ngược. Bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho tôi, không thể lãng tránh làm ngơ như thế được” ông Hưng bức xúc nói.

Bệnh viện không biết chuyện bác sĩ Duẩn hứa

Sáng 18.3 phóng viên đã đến làm việc với Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn về những vấn đề trên. Tại đây, bác sĩ Trần Trường Khoa- Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp khẳng định bác sĩ Huỳnh Văn Duẩn là người trực tiếp mổ cho ông Hưng. Tại thời điểm mổ bác sĩ Duẩn là người biên chế của của bệnh viện với chức danh là Phó khoa Ngoại chấn thương – bỏng.  Sau khi mổ xong ca này thì bác sĩ Duẩn mới xin nghỉ việc ở đây để đi làm bên ngoài.

Về vấn đề xử lý chấn thương của bệnh nhân Hưng, bác sĩ Huỳnh Văn Lem- trưởng khoa Ngoại chấn thương – bỏng cho biết bệnh nhân Hưng bị gãy nát 2 tầng 1/3 dưới xương chày trái. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị gãy hở độ III A 1/3 dưới xương chày trái.

Khoảng 16 giờ 15 phút ngày 22.6 bác sĩ Duẩn tiến hành cắt lọc, rửa sạch, nắn chỉnh xương và đặt khung bất động ngoài cẳng chân. Bệnh nhân sau đó được điều trị hậu phẫu. Tuy nhiên đến ngày 2.7.2015, các bác sĩ phát hiện mạch máu ở bàn chân trái của bệnh nhân lúc có lúc không. Do bệnh viện không có Dopler mạch máu nên đã chuyển bệnh nhân Hưng đến Bệnh viện Nhân dân 115 để kiểm tra. Kết quả siêu âm và Dopler mạch máu cho thấy bệnh nhân không tổn thương mạch chày trước, chày sau. Bệnh nhân sau đó quay trở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị và đến ngày 14.7.2015 thì xuất viện.

Câu hỏi được đặt ra lúc này, tại sao xương chày trái của ông Hưng bị lõm sâu, bàn chân trái bị hoại tử khiến bệnh nhân không thể đi đứng được sau gần 2 năm phẫu thuật, bác sĩ Lem cho rằng do tình trạng chấn thương của bệnh nhân rất nặng kèm theo đó là bệnh nhân lớn tuổi.

“Bệnh nhân bị gãy hở độ 3, xương gãy nát, gãy nhiều tầng và tổn thương mô mềm rất nhiều. Nguyên tắc lành xương có rất nhiều yếu tố như: thể trạng, chế độ dinh dưỡng. Càng lớn tuổi thì mức độ loãng xương càng nhiều, khả năng liền xương thấp. Theo y văn thế giới, nếu gãy hở như bệnh nhân Hưng thì việc chậm liền xương chiếm 16%, diễn biến xấu chiếm 4%, còn lại 80% lành xương tốt. Trường hợp của bệnh nhân Hưng là nằm trong số 4% do thể trạng yếu. Ngoài ra có thể bệnh nhân này tập vận động quá sớm cũng dễ dẫn đến mất độ vững chắc của xương, khiến xương bị mất đi. Riêng việc hoại tử bàn chân trái của bệnh nhân là do tổn thương mô mềm quá nhiều”, bác sĩ Lem giải thích.

Dù biết có nhiều yếu tố nguy cơ xấu xảy ra đối với bệnh nhân Hưng nhưng tại sao bác sĩ Duẩn lại trả lời chắc nịch với người bệnh: “Sau mổ 3 tháng sẽ đi đứng được, không cần lên tuyến trên”, bác sĩ Lem trả lời: “Cái đó tôi không biết. Chuyện bác sĩ Duẩn hứa điều đó”.

Ông Lem cũng cho hay, trong giai đoạn đó ông đang theo học bác sĩ chuyên khoa cấp 2 nên giao cho bác sĩ Duẩn quán xuyến công việc của khoa nên vấn đề trao đổi giữa bệnh nhân Hưng và bác sĩ Duẩn ông không được biết.

 

Em bé trong vụ người cha hành hung bác sỹ ra viện khỏe mạnh

http://www.vietnamplus.vn/em-be-trong-vu-nguoi-cha-hanh-hung-bac-sy-ra-vien-khoe-manh/441859.vnp

Ngày 18/4, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi tên Cấn Ngọc T. (1 tuổi), ở xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã được xuất viện về nhà.

Bé T. là con trai của người cha đã hành hung bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất xảy ra vào ngày 16/4.

Thạc sỹ Lê Ngọc Duy, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay), sức khỏe của bé T. đã ổn định và được ra viện trong sáng nay (18/4).

Theo bác sỹ Duy, cháu bé bị tiêu chảy do mắc Rotavirus, vì vậy trong hai ngày điều trị tại bệnh viện, các bác sỹ chỉ bù dịch bằng truyền tĩnh mạch và theo dõi, không dùng kháng sinh. Cháu bé đã chơi ngoan, không sốt, ăn tốt. Bác sỹ cho bé về nhà tiếp tục uống thuốc và theo dõi tại nhà.

Trước đó, tối 13/4, bé trai Cấn Ngọc T. được gia đình đưa đến Khoa Cấp cứu bệnh viện Thạch Thất, trong tình trạng nôn, đi ngoài phân lỏng. Dù bé tỉnh nhưng mệt, thể trạng gầy, môi se, mắt trũng, khát nước, sốt khoảng 37,5 độ, họng viêm đỏ.

Đến ngày 16/4, bệnh nhân đã được bệnh viện làm thủ tục chuyển viện tới Bệnh viện Nhi Trung ương theo yêu cầu của người nhà./.

 

3,3 triệu người tử vong mỗi năm vì đồ uống có cồn

http://news.zing.vn/3-3-trieu-nguoi-tu-vong-moi-nam-vi-do-uong-co-con-post738824.html

Đây là con số được TS.BS Trương Hồng Sơn cung cấp tại Hội thảo đồ uống và Sức khỏe do Viện ứng dụng Y học Việt Nam tổ chức.

Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong nhóm những quốc gia tiêu thụ thức uống có cồn hàng đầu thế giới. Con số tiêu thụ xếp thứ 2 Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Theo Bộ Y tế, chỉ tính riêng trong năm 2015, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu. Chưa kể, mỗi năm thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu do người dân tự nấu.

Trình bày báo cáo tại hội thảo, TS.BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng cho biết: “Theo Tổ chức Y tế thế giới cho biết lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra 30 mã bệnh và là nguyên nhân liên quan của 200 mã bệnh. Số người tử vong vì sử dụng đồ uống có cồn lên tới 3,3 triệu người/năm”.

Các chuyên gia cảnh báo cần giảm nhiệt những đồ uống có cồn, thay vào đó là các chế phẩm nguồn gốc tự nhiên như trà xanh, thảo mộc. Lý giải nguyên do, ông Sơn nói thêm: “Trong tỷ lệ tử vong chung thì đồ uống có cồn là nguyên nhân góp phần gây ra khoảng 5,9%. Theo từng khu vực, việc lạm dụng rượu bia có thể khiến mỗi người giảm tuổi thọ từ 6 tháng đến gần 13 năm”.

TS. Trương Hồng Sơn phân tích caffein trong trà xanh giúp con người sảng khoái hơn. Đặc biệt EGCG trong nguyên liệu này có vai trò hiệu quả trong việc phòng chống các loại bệnh tật như viêm khớp, tim mạch, tăng cholesterol, truyền nhiễm… Trà xanh với các hoạt chất chống oxy hóa giúp chúng ta giảm được 74-80% các gốc tự do bị phá hủy, qua đó ngăn ngừa, làm chậm quá trình lão hóa.

Từ lá chè xanh, tùy thuộc vào cách chế biến mà chúng ta có được các loại thức uống như trà xanh, trà đen, trà ô long… với các mức độ oxy hóa khác nhau. Nhìn chung, các loại trà này đều rất giàu các chất chống oxy hóa (tương đương với một cốc rượu vang đỏ), đặc biệt là polyphenol và catechin. Đây là những chất có tác dụng bảo vệ ADN và các tế bào hiệu quả.

Bên cạnh trà xanh, các loại trà thảo mộc cũng được các chuyên gia xếp vào nhóm đồ uống có lợi cho sức khỏe. “Kết quả nghiên cứu trong 10 năm gần đây từ 20 kiểm nghiệm lâm sàng trên thế giới và khoảng 297 tài liệu tham khảo cho thấy, trà thảo mộc có tác dụng chống viêm thông qua việc ức chế hoạt động của các chất trung gian gây viêm, chất tiền viêm”, TS.BS. Trương Hồng Sơn nói thêm.

Ông dẫn giải cụ thể, các nguyên liệu kim ngân hoa, cúc hoa, cam thảo, hạ khô thảo… chứa các chất chống oxy hóa mạnh, thu nhặt các gốc tự do, giúp làm giảm các tổn thương do quá trình oxy hóa gây ra. Nhờ đó trà thảo mộc có khả năng phòng chống nhiễm vi khuẩn, virus, chống nấm và dự phòng một số bệnh mạn tính không lây”.

Cũng tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng viện Dinh dưỡng khẳng định: “Câu hỏi uống gì tốt cho sức khỏe luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Các thức uống từ thảo dược nếu chúng ta biết lựa chọn thì rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo tôi, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có hàm lượng đường thấp nhất, để tránh thừa cân béo phì”.

 

Phẫu thuật khối u nang buồng trứng khổng lồ

http://cand.com.vn/y-te/Benh-vien-San-Nhi-tinh-Quang-Ninh-Cat-khoi-u-nang-khong-lo-nang-hon-6kg-437383/

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh vừa phẫu thuật thành công khối u nang buồng trứng "khổng lồ" cho bệnh nhân Tô Thị Y. (trú tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)...

Ngày 18-4, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân Tô Thị Y. (trú tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng đau tức vùng hạ vị, bụng to bất thường. Các bác sĩ đã khám bệnh và phát hiện bệnh có khối u nang buồng trứng rất lớn trong ổ bụng và tư vấn cho người nhà cho bệnh nhân nhập viện để điều trị.

Kết quả xét nghiệm, siêu âm và chụp cắt lớp cho thấy bệnh nhân bị u xơ tử cung khổng lồ, có kích thước hơn 35x25x35 cách mạng, chiếm toàn bộ ổ bụng. Qua hội chẩn, các bác sỹ chỉ định phẫu thuật cắt khối u cho bệnh nhân.

Chị Tô Thị Yến cho biết, chị bị đau tức vùng hạ vị đã 4 tháng nay, tuy nhiên do chủ quan nên đến khi khối u tăng dần về kích thước chèn ép ổ bụng, đến ngày 18-4 chị mới đi khám và mới phát hiện ra khối u.

Kíp phẫu thuật gồm bác sĩ chuyên khoa I Bùi Minh Cường, bác sỹ Phạm Thị Ngần, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh và các kỹ thuật viên Khoa Gây mê đã khẩn trương tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau hơn 1h, ca phẫu thuật cắt khối u khổng lồ nặng hơn 6kg cho bệnh nhân đã thành công.

Hiện tại bệnh nhân đã được đưa về phòng hậu phẫu, sức khỏe ổn định và nói chuyện được.

 

Trẻ nhỏ, người già nhập viện tăng đột biến

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2017/4/455713/

TPHCM đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt, khiến người dân không chỉ khó chịu mà còn đổ bệnh. Với mức nhiệt độ đo được trên địa bàn TP, có khi lên tới hơn 38°C, trong những ngày qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già, khiến số người nhập viện tăng đột biến.

Gia tăng bệnh về hô hấp, tiêu hóa ở trẻ

Hơn một tuần nay, mỗi ngày Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM tiếp nhận khoảng 6.000 bệnh nhi đến khám chữa bệnh, với chủ yếu là các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, tay chân miệng… (chiếm gần 80%). Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 17-4, các khoa, phòng của BV đã đông nghẹt bệnh nhi đến khám và điều trị. Cộng thêm, do là ngày đầu tuần nên lượng bệnh nhi từ các tỉnh, thành phố khác đổ về khá lớn đã gây nên tình trạng quá tải cục bộ. Các dãy ghế ngồi ở sảnh và trước cửa các phòng khám không còn một chỗ trống, thậm chí ngay cả ngoài vườn hoa, hành lang cũng la liệt bệnh nhân chờ khám bệnh. Thời tiết nóng bức, cùng với số bệnh nhân tới khám đông, càng làm cho không khí trở nên ngột ngạt. Các bác sĩ tại đây cho biết, mặc dù mới chỉ gần một tuần nắng nóng gay gắt, nhưng số trẻ bị mắc các bệnh do thời tiết nóng bức gây ra tới BV khám đã tăng rất cao.

Vừa chăm sóc cho con đang bị nôn, vừa cẩn thận lau chùi sạch sẽ chỗ ngồi, chị Thu Huyền, mẹ bé Nguyễn Minh Tuấn (2 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM), chia sẻ: “Ở nhà mấy ngày nay, cháu thường xuyên nôn. Tôi và gia đình cứ nghĩ cháu không hợp với cháo dinh dưỡng nên chủ quan không đưa đi khám. Không ngờ, chỉ sau hai ngày, bé bắt đầu thở khó, sốt cao. Đến BV kiểm tra thì các bác sĩ nói cháu bị tắc ruột và nhiễm trùng tại ruột”. Theo bác sĩ Đinh Thạc, BV Nhi đồng 2, vì nắng nóng, nhu cầu uống nước của mỗi người đều tăng. Tuy nhiên, do nhiều trẻ uống nguồn nước không đảm bảo nên dễ dẫn đến đau bụng. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cũng làm thực phẩm dễ hư hỏng, ôi thiu nên dễ mắc các bệnh tiêu hóa.

Mặc dù, dịch bệnh mùa nóng thường không đáng sợ nhưng nếu chủ quan, không điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển hướng xấu, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Bác sĩ Đinh Thạc cho rằng, có hai nhóm bệnh hay gặp khi thời tiết nắng nóng, đó là nhiễm khuẩn đường hô hấp và rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp nguyên nhân chính là do mùa nắng nóng, trẻ hay nằm điều hòa, môi trường bên ngoài và môi trường trong phòng điều hòa có sự chênh lệch lớn khiến trẻ dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, cần sử dụng máy lạnh, quạt máy ở chế độ hợp lý để không làm ảnh hưởng đến trẻ. Với tình trạng tiêu chảy, nôn nhiều ở trẻ nhỏ, cần được xử lý bù nước bằng oresol kịp thời, cha mẹ cần lưu ý trong việc giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà cửa để phòng ngừa các mầm bệnh.

Bệnh tai biến, tâm thần tăng mạnh

Tại BV Đại học Y Dược TPHCM, nếu ngày thường tiếp nhận trung bình khoảng 3.500 - 4.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú thì trong những ngày nắng nóng vừa qua, con số này tăng trên 5.000 bệnh nhân, thậm chí vào những ngày đầu tuần lên đến 5.700 - 5.800 ca (tăng hơn 10% so với bình thường và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái), với chủ yếu các bệnh về tiêu hóa, huyết áp, tim mạch, hen suyễn. Đặc biệt, số bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, đột quỵ vào thời điểm này cũng tăng thêm 10%. Hiện tại, BV cũng đang điều trị cho 6 ca đột quỵ nhập viện tuần qua và khả năng biến chứng rất cao. Còn tại BV Tâm thần TPHCM, số bệnh nhân nhập viện trong tuần qua cũng liên tục tăng so với bình thường, khiến xảy ra tình trạng quá tải. Theo BS Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Tâm thần TPHCM, sự gia tăng đột biến này được cho là nắng nóng bất thường khiến cho những bệnh nhân có tiền sử tâm thần, trầm cảm bị nặng hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế đi ra ngoài trời vào những ngày nắng nóng. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp đi ra trời nắng đột ngột dễ bị chênh lệch nhiệt độ. Do vậy, nên tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời, để cơ thể thích nghi. Người lớn tuổi phải theo dõi huyết áp thường xuyên, nhất là phải uống nước đầy đủ, tránh để mất nước, gây rối loạn điện giải, tụt huyết áp, làm những bệnh tiềm ẩn (huyết áp, rối loạn tim mạch) thêm nặng và dễ tử vong.                                            

14 tuổi đã nhập viện vì ảo giác do nghiện thuốc ho gây phê

http://dantri.com.vn/suc-khoe/14-tuoi-da-nhap-vien-vi-ao-giac-do-nghien-thuoc-ho-gay-phe-2017041808462953.htm

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) chia sẻ, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất bác sĩ từng gặp là cậu học sinh 14 tuổi (Hà Nội) nhập viện vì ngộ độc chất gây ảo giác từ thành phần thuốc ho dễ mua trên thị trường.

Đa số là người trẻ

Tại Hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc năm 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia cảnh báo về tình trạng ngày càng có nhiều loại ma túy mới. Đáng nói, giới trẻ dễ bị thu hút, dụ dỗ, thậm chí lừa dùng bởi nhiều loại ma túy thế hệ mới được bào chế thành những viên kẹo bắt mắt, trộn vào bánh quy, ma túy dưới dạng tem giấy dán dưới lưỡi, hay lạm dụng chính các loại thuốc điều trị trong y tế để mang lại cảm giác này. Đã có bệnh nhân bị ngộ độc ma túy do ăn bánh có trộn ma túy cần sa vào bánh.

Có những loại thuốc điều trị, có thành phần ức chế thần kinh khi dùng ở liều cao sẽ gây cảm giác phê, ảo giác. Điều nguy hiểm là nhiều bạn trẻ chấp nhận tác dụng phụ, dùng tăng liều để gây phê, gây nhiều hệ lụy nguy hiểm.

“Trung tâm từng tiếp nhận học sinh 14 tuổi lạm dụng thuốc ho để tăng cảm giác. Lúc đầu chỉ dùng ít sau dùng hàng chục viên, vài chục viên, tiếp tục tăng liều do thời gian. Bệnh nhân này bị ngộ độc do tăng liều nhưng còn tỏ ra là một bệnh nhân rất thông thái khi còn tranh luận với thầy thuốc về hội chứng cai, tác dụng thuốc”, BS Nguyên nói.

Theo đó, bệnh nhân chia sẻ đọc được những thông tin này trên mạng. “Thông tin y tế trên mạng có nhiều sự méo mó dẫn đến sự lạm dụng nguy hiểm. Loại thuốc bệnh nhân uống tạo cảm giác phê là từ thuốc cảm chữa ho, thuốc chống dị ứng kháng histamin có tác dụng lên thần kinh”, BS Nguyên cho biết.

Nếu như trước kia tại trung tâm rất hay tiếp nhận các trường hợp ngộ độc heroin (tháng nào cũng có vài ca), thì khoảng chục năm trở lại đây, số ca ngộ độc này giảm hẳn (mỗi năm chỉ còn vài trường hợp). Tuy nhiên thay vào đó là tình trạng các ca ngộ độc những loại ma túy mới (là ma túy tổng hợp) như: Amphetamin và các chất cùng loại, lá Khat, cần sa, ma túy dạng thấm (LSD) có phần nhiều lên. Các trường hợp vào viện chủ yếu là người trẻ, thanh niên, cả học sinh sinh viên.

Hệ lụy lên thần kinh, tim mạch

Có một đặc điểm chung của các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới khi vào viện đó là hầu như họ đều bị ngộ độc nặng kèm ảo giác. Đa phần các trường hợp này đều không hợp tác điều trị với nhân viên y tế, thậm chí có trường hợp còn mang theo dao.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân chỉ đến viện khi các biểu hiện vượt quá giới hạn chịu đựng, như co giật, kích thích, vật vã không kiểm soát được… Bệnh viện cũng chỉ là nơi điều trị triệu chứng, còn để cách ly được với nguồn chất gây nghiện cần sự vào cuộc của gia đình, cộng đồng và chính bản thân người nghiện.

Các chất ma túy thế hệ mới thường gây ra các triệu chứng nhiễm độc thần kinh, tim mạch, loạn nhịp tim, tăng huyết áp.

Về triệu chứng thần kinh, bệnh nhân nhập viện đều có biểu hiện như: kích thích, lơ mơ, lẫn lộn, tâm thần hoang tưởng, ảo giác, có những hành vi ý tưởng nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Thậm chí có bệnh nhân đã nhảy lầu vì bị các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng.

Dùng lâu dài các chất gây nghiện này sẽ gây hệ lụy rối loạn tâm thần.

Bên cạnh đó, khi sử dụng các chất gây nghiện, bệnh nhân cũng có thể bị co giật, có biểu hiện khác tăng thân nhiệt, các rối loạn bên trong cơ thể rất nhiều, tổn thương tim mạch.

BS Nguyên cũng khuyên cáo, ngày càng có quá nhiều loại ma túy mới xuất hiện, núp bóng dưới nhiều loại thuốc, trò chơi mà không dễ nhận biết. Vì thế, các bậc phụ huynh luôn cần để mắt tới con trẻ, kịp thời phát hiện những bất thường, phòng nguy cơ con bị lừa, bị dụ dỗ dùng các chất gây nghiện nguy hiểm.

 

Phát hiện thuốc tim mạch bị làm giả trên thị trường

http://dantri.com.vn/suc-khoe/phat-hien-thuoc-tim-mach-bi-lam-gia-tren-thi-truong-20170418145040952.htm

Cơ quan chức năng vừa phát hiện trên thị trường xuất hiện thuốc Vastarel 20mg giả trên thị trường và đang tiến hành truy tìm thuốc giả này. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đưa ra hướng dẫn chi tiết để các cơ sở y tế, người dân kịp thời phát hiện thuốc giả.

Theo Cục Quản lý Dược, Cục đã nhận được báo cáo của Văn phòng đại diện thường trú tại Hà Nội của Công ty Les Laboratories Servier kèm theo kết quả điều tra, phân tích hóa học, đặc điểm nhận biết về thuốc giả mang tên Vastarel 20mg, số đăng ký VN-16510-13; số lô sản xuất: 929852, vỉ 30 viên, trên nhãn ghi mạo danh nhà sản xuất là Công ty Les Laboratories Servier – France.

Thuốc Vastarel 20mg là loại thuốc được sử dụng trong điều trị dự phòng cơn đau thắt ngực, chống thiếu máu cục bộ.

Được biết, mẫu thuốc này do Phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (PC 46) công an Thành phố Hồ Chí Minh bát giữ và yêu cầu xác minh.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc Vastarel 20mg, số đăng ký VN-16510-13; số lô sản xuất: 929852, vỉ 30 viên, trên nhãn ghi mạo danh nhà sản xuất là Công ty Les Laboratories Servier – France.

Mẫu thuốc giả này có một số đặc điểm khác với mẫu thuốc Vastarel 20mg thật do Công ty Les Laboratories Servier – France sản xuất như sau:

Thuốc Vastarel 20mg giả có chữ in nhòe, khó đọc, chữ NSX ghi “Les Laboratories Servier - France. Trong khi đó, thuốc Vastarel 20mg thật in chữ rõ nét, dễ đọc.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông tin rộng rãi để người dân biết, không sử dụng loại thuốc Vastarel 20mg giả có các dấu hiệu nhận biết nêu trên. Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh truy tìm nguồn gốc xuất xứ của thuốc giả này…

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho biết đã ra thông báo rộng rãi đến các cơ sở y tế, phòng y tế quận, huyện, thị xã, trung tâm y tế dự phòng thông báo về việc trên thị trường hiện có lưu hành thuốc giả mang tên Vastarel 20mg.

Sở Y tế Thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh thuốc, bán lẻ thuốc, cơ sở y tế trên địa bàn thông báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện loại thuốc giả lưu hành trên thị trường; phòng y tế các quận, huyện, thị xã tiến hành kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các đơn vị nêu trên và xử lý vi phạm theo quy định.

 

Dùng dằng 22 tỉ BHYT, hai bệnh viện bị ngưng “thu gom” bệnh nhân

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170418/dung-dang-22-ti-bhyt-hai-benh-vien-bi-ngung-thu-gom-benh-nhan/1300178.html

Ngày 17-4, ông Doãn Hữu Long, giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết đã yêu cầu Bệnh viện Mắt Đắk Lắk và Bệnh viện Mắt Tây nguyên (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột) tạm dừng đưa đón, tập trung bệnh nhân thông qua các chương trình khám từ thiện.

Lí do của việc dừng này là hiện nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đang có nguy cơ vượt quỹ, cần ưu tiên thanh toán cho các bệnh nhân đặc thù hơn.

“Khám từ thiện nhưng yêu cầu phải mang theo... thẻ bảo hiểm y tế”

Trước đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk phát hiện số tiền đề xuất thanh toán tại Bệnh viện Mắt Tây nguyên và Bệnh viện Mắt Đắk Lắk tăng cao. BHXH Đắk Lắk cho rằng có tình trạng hai bệnh viện này “thu gom” bệnh nhân về trụ sở chính khám chữa, từ đó thanh toán chế độ BHYT.

Cụ thể, theo một lãnh đạo BHXH Đắk Lắk, hai bệnh viện này đã sử dụng các chương trình khám sàng lọc, tổ chức xe đưa đón bệnh nhân từ nơi khám sàng lọc về bệnh viện chính để phẫu thuật mắt.

Trước khi về cơ sở để khám, các bệnh viện đã gửi kế hoạch khám sàng lọc đến các bệnh viện cơ sở, kế hoạch có ghi rõ khuyến mãi xe đưa đón và các bệnh nhân được yêu cầu mang theo thẻ BHYT và CMND. Các bệnh nhân được đưa đón hầu hết là bệnh nhân trên 55 tuổi, đối tượng chính sách, hộ nghèo... và có thẻ BHYT.

Sáu tháng đầu năm 2016, BHXH Đắk Lắk đã phải chi trên 26 tỉ đồng để thanh toán phí khám chữa bệnh. Khi phát hiện ra việc “thu gom” bệnh nhân, Bảo hiểm xã hội đã giám định ngược và xác định có tới 92% trường hợp được giám định thuộc diện “thu gom”.

Sau đó, BHXH Đắk Lắk đã có cảnh báo, đề nghị các đơn vị liên quan chấm dứt. Nhưng tình trạng này vẫn có dấu hiệu tiếp diễn.

Ông Trương Văn Sáng, giám đốc BHXH Đắk Lắk, cho rằng đã có dấu hiệu lợi dụng thanh toán BHYT, giới thiệu bệnh nhân tới bệnh viện trong các chương trình khám sàng lọc. Từ đây số tiền chế độ thanh toán cao lên.

Nhiều bệnh nhân khi khám sàng lọc dù không phải là bệnh cấp cứu nhưng vẫn được đề nghị đưa về bệnh viện để phẫu thuật.

Ông Sáng cho biết đã báo cáo sự việc lên Sở Y tế và UBND tỉnh Đắk Lắk. Hiện BHXH Đắk Lắk cũng tạm dừng việc thanh toán tổng số tiền trên 22 tỉ đồng chế độ bảo hiểm sáu tháng cuối năm 2016 của hai bệnh viện này (Bệnh viện Mắt Đắk Lắk 12 tỉ đồng và Bệnh viện Mắt Tây nguyên hơn 10,1 tỉ đồng).

Bảo hiểm xã hội Đắk Lắk cũng tạm ngưng kí hợp đồng với hai bệnh viện này cho tới từ 1-4 thì việc thanh toán mới được nối lại, nhưng khoản 22 tỉ bảo hiểm y tế vẫn đang bị “treo”.

“Chúng tôi đang làm báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội VN” – ông Sáng nói và cho biết hiện quỹ BHYT của Đắk Lắk đã vượt trên 50 tỉ đồng.

“Bệnh nhân đông là do khám chữa bệnh có uy tín!”

Ngoài tình trạng “thu gom” bệnh nhân, BHXH tỉnh Đắk Lắk cũng khẳng định hai bệnh viện này đã “thu dụng” bệnh nhân bằng nhiều hình thức khác, từ đó có nhiều bệnh nhân được khám theo diện BHYT không đúng quy định.

Ông Doãn Hữu Long cũng xác nhận hiện đoàn kiểm tra chuyên môn của sở đang kiểm tra hồ sơ thanh toán BHYT. Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đang làm việc với các bệnh viện liên quan.

“Chúng tôi không có thẩm quyền đồng ý hay không đồng ý việc bảo hiểm quyết toán khoản 22 tỉ cho hai bệnh viện mắt bởi đây là việc của hai bên. Tuy nhiên chúng tôi yêu cầu hai bệnh viện này không được tập trung bệnh nhân bởi hiện nay quỹ bảo hiểm đã rất căng, cần ưu tiên cho các đối tượng đặc thù hơn” - ông Long nói.

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, đại diện Bệnh viện Mắt Tây nguyên và Bệnh viện Mắt Đắk Lắk đều khẳng định “làm đúng luật”.

“Việc đi khám từ thiện là nghĩa vụ của bệnh viện và đem lại quyền lợi cho những đối tượng thiệt thòi ở vùng sâu vùng xa. Khi phát hiện nhưng ca cần phải phẫu thuật, điều trị thì chúng tôi có nghĩa vụ tư vấn để lên điều trị tuyến trên.

BHXH tỉnh Đắk Lắk nói chúng tôi thu gom nhưng không đưa ra được văn bản, quy định nào đủ cơ sở pháp lý.

Còn việc tại sao số tiền thanh toán bảo hiểm của chúng tôi tăng cao là do lượng bệnh nhân đến điều trị, khám chữa bệnh ngày càng đông, việc này do uy tín của bệnh viện mà có” - bác sĩ CKII Trần Đình Tuấn, chủ tịch HĐTV Bệnh viện Mắt Tây nguyên, nói.

 

Rước họa từ thuốc nam của ông lang bà mế

http://thanhnien.vn/suc-khoe/ruoc-hoa-tu-thuoc-nam-cua-ong-lang-ba-me-826913.html

Sau 2 tháng uống thuốc nam chữa bệnh đau khớp gối, chị Nguyễn Thanh H. (30 tuổi, ngụ tại quận Hà Đông, Hà Nội) đã phải nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi, tổn thương thần kinh. Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân H. nhập viện điều trị vào cuối tháng 3 với bệnh cảnh chính là thiếu máu, hạn chế vận động, thậm chí không thể ngồi dậy, không thể tự nghiêng mình được.

Người nhà bệnh nhân H. cho biết, khoảng 5 tháng trước nhập viện, chị H. bị đau 2 bên đầu gối nên mua thuốc nam về uống. Sau 2 tháng uống thuốc, chị H. bắt đầu có biểu hiện bị yếu chân tay, xanh xao, sụt cân và tình trạng ngày càng tăng nặng nên được gia đình đưa đến bệnh viện. “Thuốc mua của một thầy lang cách nhà khoảng 7 cây số, do người quen mách. Thầy lang cho uống thuốc bột và viên có màu hồng cam”, người nhà chị H. cho hay.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong mẫu thuốc nam bệnh nhân H. uống có hàm lượng chì 2,95%, cao gấp nhiều lần mức cho phép. Nồng độ chì trong máu lên đến 188,79 microgam/100 dL trong khi nồng độ cho phép thấp hơn 10mcg/dL. Bệnh nhân được xác định ngộ độc chì do dùng thuốc nam dài ngày gây tổn thương thần kinh nặng nề và teo cơ.

Các bác sĩ cho biết, sau gần 3 tuần điều trị thải độc chì và chăm sóc đặc biệt, hiện bệnh nhân H. đã có thể đứng dậy, tự đi lại được. Tuy nhiên, việc thải độc chì cần điều trị lâu dài, dùng thuốc thải độc kết hợp với tập luyện phục hồi chức năng.

Nhiều trẻ nhỏ ở Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định… được gia đình đưa đến khám, điều trị ngộ độc chì tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai do dùng “thuốc cam” mua từ người bán thuốc dạo, ông lang, bà mế không có nguồn gốc, không được kiểm soát chất lượng.

Trung tâm này cũng từng điều trị cho bệnh nhân Lê Thị Nh. (22 tuổi, ngụ tại Ninh Bình) bị ngộ độc chì sau khi dùng thuốc nam với mục đích tăng khả năng có thai. Chị Nh. cho biết, sau 8 tháng lập gia đình chưa có thai, được bạn giới thiệu, chị đến nhà ông lang L. ở cùng huyện bắt mạch và kê thuốc dùng 3 loại thuốc trong đó một loại thuốc dạng lá để sắc uống và 2 loại viên.

Sau khoảng 10 ngày dùng thuốc, chị bị đau mỏi toàn thân, cảm giác trống ngực, đau bụng nên đến khám tại Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai và được các bác sĩ kết luận bị ngộ độc chì (nồng độ chì máu 59,02 mcg/dL). Hai người khác cùng quê với chị Nh. cũng uống thuốc nam của ông lang L. là các chị Hoàng Thị M. và Ninh Thị V. cũng bị nhiễm độc chì, phải điều trị thải độc.

Nói “không” với thuốc nam trôi nổi

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Chì là chất cực độc, khó thải loại, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Khi vào cơ thể, chì sẽ theo máu vào gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… gây các triệu chứng thiếu máu, suy nhược cơ bắp, liệt chi, liệt thần kinh mắt, suy thận…”.

Các bác sĩ đặc biệt lưu ý, chì hoàn toàn không có tác dụng làm tăng khả năng có thai mà ngược lại gây giảm khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Chì từ máu của mẹ dễ dàng sang bào thai và gây độc cho thai nhi. Mẹ mang thai bị ngộ độc chì thì con chắc chắn cũng bị ngộ độc chì, đồng thời mẹ dễ bị sảy thai, đẻ non. Kim loại này đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển thể chất và tinh thần của trẻ ngay từ bào thai. Việc dùng thuốc nam có chì để tăng khả năng có thai là phản khoa học và gây hại cho bệnh nhân.

“Các trường hợp nhiễm chì dự định sinh con cần được kiểm tra sức khỏe hết sức kỹ lưỡng và chỉ nên mang thai khi chắc chắn nồng độ chì trong máu đã giảm về mức an toàn. Quá trình điều trị giải độc phải mất nhiều tháng”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.

Theo Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, thuốc nam được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi dạng bột hoặc viên có màu đỏ, vàng cam hoặc hồng (còn gọi là hồng đơn) không nhãn mác lưu hành bất hợp pháp khiến nhiều trẻ nhỏ bị nhiễm độc chì. Kết quả xét nghiệm một số mẫu “thuốc” các gia đình cho con uống cho thấy có nồng độ chì cao. Tùy mức độ, trẻ nhiễm độc chì sẽ bị thiếu máu nặng, còi cọc, tổn thương thần kinh, chậm phát triển trí não. Chì tập trung chủ yếu ở xương. Với người lớn, 95% lượng chì của cơ thể ở xương, trong khi ở trẻ em là 70%, do đó rất khó thải độc.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, để phòng nhiễm độc chì, người dân không tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam mua của những ông lang, bà mế bán ở chợ, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh, không xác định được thành phần hoạt chất trong thuốc. Nên đưa trẻ có những biểu hiện bất thường như sụt cân, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, co giật... đi khám để được các bác sĩ xác định và điều trị kịp thời.

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thông báo cho y tế địa phương có bệnh nhân ngộ độc chì do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để có biện pháp ngăn chặn.

 

3 dịch vụ của bệnh viện ở Sài Gòn bị khách phàn nàn nhiều nhất

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/3-dich-vu-cua-benh-vien-o-sai-gon-bi-khach-phan-nan-nhieu-nhat-3571839.html

Kiốt khảo sát độ hài lòng người bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận được nhiều phàn nàn về dịch vụ giữ xe, nhà vệ sinh và thời gian chờ xét nghiệm.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết trong những ngày đầu tiên lắp đặt kiốt điện tử, bệnh viện liên tục nhận được phản ánh không hài lòng về khâu trông giữ xe của bệnh viện. Nguyên nhân là bãi giữ xe bệnh viện đã nhận trông cho rất nhiều người đến gửi xe để đi làm nơi khác. Diện tích giữ xe cho người bệnh bị thu hẹp, người đến viện khám phải chật vật tìm nơi khác gửi xe. Bệnh viện đã làm việc và yêu cầu nhà xe chỉ giữ xe cho người đến khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó nhà vệ sinh bệnh viện và thời gian chờ xét nghiệm cũng khiến người bệnh không hài lòng. Bệnh viện giám sát phát hiện nhân viên công ty vệ sinh đã làm việc không hiệu quả. Bệnh viện đã ngưng hợp đồng đơn vị vệ sinh này và chọn công ty khác dù phải trả phí cao hơn.

"Ngoài ra để cải tiến thời gian chờ xét nghiệm, bệnh viện đã tăng cường 2 máy xét nghiệm tại khoa khám bệnh", bác sĩ Hùng cho biết. Sau những giải pháp này, các phản ánh tương tự của bệnh nhân không còn nữa. Bệnh viện đang triển khai 2 siêu thị mini theo công nghệ Nhật Bản phục vụ nhu cầu người bệnh.

Kiốt khảo sát độ hài lòng của người bệnh ở Sài Gòn lần đầu tiên được lắp đặt tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vào ngày 31/3, nối mạng với Sở Y tế TP HCM. Máy có tùy chọn: “Nếu quý khách không hài lòng về phục vụ của bệnh viện, xin vui lòng bấm vào đây”. Ngay dưới câu mời này là bộ 15 câu hỏi. Người bệnh có thể chọn một hoặc nhiều nội dung trong 15 câu hỏi để có ý kiến nếu cảm thấy không hài lòng sau khi khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Hệ thống kiốt được kỳ vọng giúp lãnh đạo bệnh viện biết những công đoạn nào trong quy trình khám chữa bệnh chưa được bệnh nhân hài lòng, từ đó có các biện pháp cải tiến hoặc chấn chỉnh. Dữ liệu từ hệ thống kiốt được liên thông về Sở Y tế thành phố. Sở sẽ tổng hợp kết quả, phản hồi về lãnh đạo các bệnh viện có tỷ lệ không hài lòng cao để có kế hoạch cải tiến quy trình phục vụ.

Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết đến ngày 10/5 sẽ hoàn tất lắp đặt và triển khai kiốt khảo sát không hài lòng của người bệnh tại tất cả bệnh viện tuyến thành phố và quận, huyện.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang