Ngành y tế còn khó khăn lắm
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151019/nganh-y-te-con-ngon-ngang-lam/987397.html
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Nam Liên - vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề nhu cầu đầu tư cho các bệnh viện cũng như cơ sở y tế trong cả nước.
Ông Liên nói:
- Nhu cầu đầu tư cho y tế trong thời gian 2016 - 2020 là rất lớn. Theo các nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020 phải hoàn thành việc đầu tư các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, đồng thời phải có 70% trạm y tế xã phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, 90% trạm y tế đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thời gian qua, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư cho các bệnh viện huyện, một số bệnh viện tỉnh, trung ương từ nguồn trái phiếu Chính phủ, ODA nhưng hiện vẫn còn khoảng 30 bệnh viện tuyến huyện, chủ yếu các huyện miền núi, huyện khó khăn. Ngoài ra còn có khoảng 20 bệnh viện đa khoa tỉnh, 58 bệnh viện y học cổ truyền cần đầu tư theo nhưng chưa có nguồn.
Ở các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối, ngoài năm bệnh viện hiện đại đang được đầu tư thì vẫn còn một số bệnh viện phải tiếp tục đầu tư xây dựng mới, nâng cấp để giảm bớt tình trạng quá tải.
Chẳng hạn như nhu cầu cấp thiết là xây dựng khoa khám bệnh và khu điều trị ban ngày tại các bệnh viện Bạch Mai, E, Hữu Nghị (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP.HCM).
Chưa kể hệ thống y tế còn thiếu nhiều bệnh viện chuyên khoa, miền Nam chưa có Bệnh viện Nội tiết, khu vực ĐBSCL cần Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình... Nói về nhu cầu thì ngành y tế vẫn còn nhiều ngổn ngang lắm.
* Thưa ông, dư luận đang rất xôn xao về quyết định sẽ bán vốn nhà nước ở 10 công ty hàng đầu để đầu tư cho nhiều hạng mục, trong đó có đầu tư xây dựng bệnh viện. Nếu ngành y tế được đầu tư từ nguồn vốn này, liệu y tế dự phòng có được đầu tư mạnh?
- Nếu ngành y tế được Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư từ nguồn vốn này thì quá tốt. Tôi cho rằng không những phải chú trọng đầu tư xây dựng bệnh viện để giảm quá tải, việc hết sức cần thiết là phải tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đây là một trong những giải pháp căn cơ, lâu dài để giảm quá tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
* Có một vấn đề là thời gian vừa qua các dự án của y tế đều dành phần đáng kể cho điều trị, nhưng dự phòng lại chưa nhiều...
- Rõ ràng đầu tư cho y tế dự phòng là lợi ích rất lớn, đầu tư 1 đồng cho y tế dự phòng tương đương 5 - 7 đồng đầu tư cho điều trị. Nhưng thời gian vừa qua phải tập trung đầu tư cho điều trị vì số lượng giường bệnh của nước ta còn thấp, tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên và thành phố lớn còn cao.
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu dành 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, nhưng đa số địa phương chưa đạt mức chi này. Việc phân bổ ngân sách y tế của các địa phương do HĐND các tỉnh quyết định, nên Bộ Y tế cũng rất mong muốn HĐND các tỉnh thành quan tâm dành phần xứng đáng tối thiểu 30% cho y tế dự phòng cũng như ưu tiên nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở.
* Đầu tư cho y tế từ ngân sách không ngừng tăng trong năm năm qua, nhưng so với nhu cầu thì khả năng cung cấp dịch vụ y tế vẫn còn rất thấp, rất hạn chế, dẫn đến chất lượng dịch vụ cũng hạn chế. Nguồn vốn ở đâu để giải quyết tình trạng cung cầu bất hợp lý này?
- Có một số dự án đầu tư theo hình thức vốn ngân sách nhà nước 30%, vốn vay Ngân hàng Phát triển VN 70%. Bệnh viện có trách nhiệm trả vốn và lãi cho ngân hàng.
Nếu không có hình thức đầu tư này và nguồn vốn vay ngân hàng thì đến nay không thể hoàn thành Bệnh viện Nội tiết T.Ư 500 giường, Viện Huyết học - truyền máu T.Ư 300 giường, Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM, khu nhà kỹ thuật cao Bệnh viện Việt Đức 400 giường, Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư 300 giường, khu điều trị theo yêu cầu và quốc tế của Bệnh viện T.Ư Huế 300 giường, sắp tới sẽ hoàn thành một tòa nhà 300 giường của Bệnh viện Phụ sản T.Ư...
Trên cơ sở hiệu quả việc vay vốn đầu tư, thực hiện nghị quyết của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, vừa qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) có công bố những gói vốn tín dụng ưu đãi dành cho y tế.
Trong điều kiện ngân sách khó khăn cùng với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế thì việc vay vốn ngân hàng để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị là một giải pháp có thể thực hiện được.
Tôi được biết UBND tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch vay vốn của ngân hàng để xây dựng bệnh viện đa khoa tỉnh và tỉnh sẽ bố trí kinh phí hằng năm để trả. Nên tôi rất hi vọng các bệnh viện sẽ có đề án vay vốn ngân hàng để tăng số bệnh viện và giường bệnh.
* Cùng lúc có nhiều loại hình như Nhà nước đầu tư, vay vốn ngân hàng, tư nhân đặt máy... trong cùng cơ sở y tế công, theo ông, có nảy sinh những bất hợp lý về quyền lợi? Sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào để hài hòa lợi ích các bên bệnh viện, bệnh nhân, nhà đầu tư? Giá dịch vụ y tế sẽ tính toán như thế nào?
- Nhu cầu thì lớn nhưng Nhà nước không thể lo hết được nên việc xã hội hóa, huy động các nguồn vốn là tất yếu. Để giải quyết các vấn đề bất hợp lý thì đề án của từng cơ sở y tế phải hết sức cụ thể, được cơ quan có thẩm quyền duyệt, chọn cơ chế, phương thức quản lý phù hợp tại các cơ sở liên kết liên doanh, xã hội hóa hoặc vay vốn đầu tư.
Đặc biệt giá cả, thu chi tài chính, hạch toán phải công khai, rõ ràng. Nếu hoạt động theo mô hình là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư thì giá được tính đúng, tính đủ nhưng phải nằm trong khung giá do liên bộ Y tế - Tài chính ban hành. Nếu hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, bệnh viện được tự quyết định giá và phải kê khai, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.
Y tế là ngành đặc thù, tôi thấy nếu bệnh viện không mạnh dạn vay vốn thì có thể hợp tác đầu tư theo phương thức nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, bệnh viện thuê lại để vận hành, hằng tháng hoặc quý, năm trả tiền cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Nhưng ở hình thức nào tôi cũng cho rằng người bệnh vẫn được lợi, như thời gian qua nhờ hệ thống thiết bị y tế có được do xã hội hóa, nhiều dịch vụ chẩn đoán, xét nghiệm... đã tiếp cận công nghệ của thế giới. Qua đó người bệnh, kể cả người nghèo, được nhận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại VN, trong đó phần nào bảo hiểm y tế chi trả thì bảo hiểm thanh toán, còn phần chênh lệch do người bệnh chi trả.
Không để người bệnh trả thêm khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế
http://phapluattp.vn/suc-khoe/khong-de-nguoi-benh-tra-them-khi-dieu-chinh-gia-dich-vu-y-te-585508.html
(PL)- Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế dự kiến thực hiện cuối tháng 11-2015 sẽ có tác động hỗ trợ tích cực đối với những người có thẻ BHYT.
Theo đó, toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, chi phí trực tiếp sẽ được kết cấu vào giá dịch vụ y tế và sẽ được Quỹ BHYT chi trả. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ quyết không thu thêm từ người bệnh những khoản đã được tính vào giá dịch vụ y tế.
Với những người chưa có thẻ BHYT (chiếm khoảng 27% dân số hiện nay) thì đến 1-3-2016 vẫn áp dụng theo giá dịch vụ y tế cũ.
Trước lo ngại BHYT phải chi trả tăng có nguy cơ vỡ quỹ, ông Sơn cho biết năm 2014 Quỹ BHYT kết dư hơn 5.000 tỉ đồng vì vậy có khả năng cân đối trong hai năm tới. “Đến năm 2018, khi viện phí tính đầy đủ 7/7 yếu tố cấu thành dịch vụ y tế thì bài toán cân đối quỹ mới được đặt ra và khi đó mới cân nhắc việc có điều chỉnh mức đóng BHYT hay không. Theo Luật BHYT, mức trần thu phí bảo hiểm được Quốc hội cho phép là 6% nhưng hiện đang thu 4,5%” - ông Sơn nói.
Tính đúng, tính đủ giá viện phí để xoá... bao cấp ngược!
http://dantri.com.vn/suc-khoe/tinh-dung-tinh-du-gia-vien-phi-de-xoa-bao-cap-nguoc-20151020051742015.htm
Theo lộ trình, đến năm 2020 viện phí sẽ được tính đúng, tỉnh đủ trên cả 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh. Kế hoạch trên sẽ xóa tình trạng bao cấp ngược, cải cách tài chính công, xã hội hóa lĩnh vực y tế, mang lại quyền lợi cho người bệnh.
Xóa tình trạng bao cấp viện phí
Trong tháng 11/2015 các bệnh viện trên cả nước sẽ đồng loạt áp dụng giá mới với mức tăng từ 20% đến 30% cho 1.800 dịch vụ.
Phân tích của ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế ) tại buổi chia sẻ thông tin về lộ trình điều chỉnh viện phí với báo chí ngày 19/10 chỉ ra, giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố: chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Ngành Y tế đang có kế hoạch tạo bước đột phá trong điều chỉnh giá dịch vụ
Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế hiện nay mới chỉ tính một phần các chi phí trực tiếp của 3/7 yếu tố, phần còn lại đang được nhà nước bao cấp cho hệ thống y tế công. Điều đó cho thấy sự bao cấp tràn lan đang diễn ra, nhà nước phải cấp những chi phí chưa cấu thành vào giá cho các bệnh viện, trong khi đó, những người không tham gia bảo hiểm y tế, có khả năng chi trả toàn bộ viện phí nhưng cũng chỉ phải trả chi phí thấp do ngẫu nhiên được hưởng bao cấp từ nhà nước.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay: Đây là tình trạng bao cấp ngược mà các tổ chức quốc tế khi nghiên cứu về y tế Việt Nam đã chỉ ra. Nhà nước đáng ra chỉ phải bao cấp cho những người không có khả năng chi trả viện phí như trẻ dưới 6 tuổi, gia đình hộ nghèo, cận nghèo, người có công… thì hiện tại đang bao cấp cho cả người giàu, có khả năng thanh toán toàn bộ viện phí.
Để tránh tình trạng bao cấp tràn lan, từ năm 2008, Quốc hội đã có chủ trương giao Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về viện phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí phục vụ người bệnh, trong đó có phần kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Thực hiện chủ trương trên, Chính phủ đã đề ra lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế, xã hội, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, mức đóng và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm.
Sau thông tư liên tịch (số 04/2012) của liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế giá viện phí đã chính thức được áp dụng theo hướng tính đúng đối với 3/7 yếu tố trực tiếp. Sau 2 năm điều chỉnh, đến nay giá dịch vụ y tế ở các địa phương mới chỉ điều chỉnh từ 60% đến 80% nhưng đang mang lại hiệu quả khả quan, quyền lợi của bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế đã tăng lên, các bệnh viện được sử dụng 15% tiền khám bệnh, giường chăm sóc bệnh để tái đầu tư trang thiết bị phục vụ bệnh nhân.
Quyền lợi người bệnh có bảo hiểm y tế tăng cao
Trước những thành quả đạt được, ngày 14/2/2015 Chính phủ ban hành Nghị định (số 16/2015/NĐ-CP) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp, quy định lộ trình: đến năm 2016 sẽ tính đúng chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp nhưng chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định; đến năm 2018 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định; đến năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Đây là chủ trương cải cách tài chính công, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giảm dần việc cấp ngân sách trực tiếp cho các bệnh viện, chuyển sang hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng thông qua bảo hiểm y tế.
Người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn
Khi giá dịch vụ được tính đủ tiền lương và chi phí trực tiếp, bệnh viện sẽ phải tuyển dụng thêm viên chức theo đúng định mức nhân lực để chăm sóc người bệnh tốt hơn. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng sẽ có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị nhà cửa. Khi giá dịch vụ được tính đủ tất cả các yếu tố, bệnh viện sẽ không còn được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động, nguồn kinh của bệnh viện sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán cho người có thẻ bảo hiểm và người bệnh không có thẻ bảo hiểm tự chi trả. Bệnh viện muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nếu không người bệnh sẽ không đến điều trị, bảo hiểm y tế sẽ không ký hợp hợp đồng với bệnh viện.
Mặt khác, khi giá dịch vụ được tính đủ, có cả khấu hao thì giá dịch vụ của bệnh viện công, giá từ các hoạt động xã hội hóa và giá của bệnh viện ngoài công lập sẽ tương đương không còn tồn tại tình trạng 2 giá công - tư như hiện nay. Lúc này, giá sẽ phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ. Cuộc cạnh tranh công bằng giữa các loại hình dịch vụ y tế sẽ diễn ra, góp phần khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích bệnh viện tư, đồng thời gây sức ép buộc bệnh viện công phải nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển kỹ thuật hiện đại để thu hút người bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho bệnh viện vào giá sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế giúp người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được hưởng quyền lợi cao nhất. Khi giá viện phí tính đúng, tính đủ thì bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho những khoản nằm ngoài danh mục trước đây nên giảm sự đóng góp thêm của người bệnh. Ngược lại, đối tượng không có bảo hiểm y tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi họ không còn được nhà nước bao cấp.
Khi không còn phải bao cấp về giá dịch vụ khám chữa bệnh cho các bệnh viện nhà nước sẽ dành được ngân sách để mua thẻ bảo hiểm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ học sinh, sinh viên, và các đối tượng nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình để thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Bên cạnh đó nhà nước cũng sẽ có nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng.
Hồi sức lưu động giành giật sự sống cho bé bị sốc phản vệ ở Ninh Bình
http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/hoi-suc-luu-dong-gianh-giat-su-song-cho-be-bi-soc-phan-ve-o-ninh-binh-20151019141818787.htm
http://dantri.com.vn/suc-khoe/hoi-suc-luu-dong-cuu-be-gai-3-thang-tuoi-bi-soc-thuoc-tai-ninh-binh-20151020051143556.htm
Nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, chỉ sau 1 giờ đồng hồ, nhóm bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã kịp thời có mặt cứu sống thành công một bệnh nhi nguy kịch vì sốc phản vệ.
Trong quá trình điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, ngày 9/10, bé gái N.T.L. (3 tháng tuổi) có hiện tượng sốc phản vệ dẫn đến tím tái, trụy tim mạch. Tuy đã được các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cấp cứu theo phác đồ điều trị sốc phản vệ, hỗ trợ thở máy nhưng tình trạng của bé không tiến triển. Trước tình hình đó, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình quyết định nhờ đến sự hỗ trợ của Bệnh viện Nhi Trung ương. Cuộc hội chẩn nhanh chóng qua điện thoại giữa lãnh đạo hai bệnh viện đi đến quyết định cử bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu xuống tận nơi cấp cứu cháu bé.
Nhớ lại khoảnh khắc “thần tốc” để giành giật sự sống cho bệnh nhi, bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng- khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ “Quãng đường từ Hà Nội đến Ninh Bình chưa đầy 1 giờ đồng hồ nhưng tâm trạng của tôi như ngồi trên đống lửa, càng khẩn trương thì cơ hội cứu sống cháu bé càng lớn”.
Tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng nặng: mạch rất nhanh (220-230 nhịp/pH), không đo được huyết áp, da tái, chân tay lạnh, tiểu tiện ít, tình trạng thiếu dịch, ngay lập tức, bác sĩ Dũng đã khẩn trương bù dịch với tốc độ cao (100ml/ kg/giờ) kèm nhiều thuốc vận mạch để xử lý tình trạng sốc của cháu bé. Trong hơn 1 giờ, sau hàng loạt các biện pháp can thiệp tích cực, huyết áp của bé L. đã ổn định trở lại (78/45 mmHg). Tuy nhiên, tình trạng sốc của bé chưa có dấu hiệu hồi phục nên các bác sĩ phải chỉ định lọc máu cấp cứu. Lúc này, tính mạng bệnh nhi “ngàn cân treo sợi tóc”, cộng với sự thiếu thốn trang thiết bị ở bệnh viện tuyến dưới khiến các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đứng trước hai lựa chọn khó khăn: nếu chuyển bé lên bệnh viện tuyến trên thì bệnh nhân với tình trạng huyết động không ổn định sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong ngay trên đường cấp cứu, nếu để cháu ở lại thì không đủ điều kiện lọc máu liên tục.
Trước tình hình đó, PGS. TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung uơng cùng với TS. Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi TW ngay lập tức đã chỉ đạo thành lập một nhóm gồm có 1 điều dưỡng viên, 1 kỹ sư phụ trách kỹ thuật cùng hệ thống máy lọc máu và trang thiết bị dụng cụ đi kèm đến tận nơi hỗ trợ đồng nghiệp tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình.
Vào 21 giờ tối cùng ngày, cháu bé được các bác sĩ tiến hành lọc máu ngay tại giường. Hơn 6 tiếng sau, các chỉ số về chức năng sống của bé đã cải thiện đáng kể: Mạch giảm dần, huyết áp ổn định, chân tay ấm hơn, giảm được liều thuốc vận mạch, tiểu tiện tốt và sau 36 giờ được chỉ định dừng lọc máu, rút nội khí quản. Các bác sĩ tiếp tục theo dõi cháu bé tích cực trong vòng 48 giờ. Hiện tại, trẻ tỉnh táo, tự thở, ăn tốt, không sốt và được các bác sĩ tại bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình tiếp tục chăm sóc.
PGS.TS. Trần Minh Điển cho biết, những cuộc hội chẩn khẩn cấp qua điện thoại và xuống trực tiếp điều trị cho các bệnh nhi nguy kịch tại các bệnh viện các tuyến như trường hợp của cháu N.T.L. là một trong số các hoạt động thường quy của Bệnh viện Nhi Trung ương nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các đồng nghiệp tuyến dưới.“Chúng tôi hy vọng, với sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trung ương, các đồng nghiệp tại bệnh viện tuyến cơ sở sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm xử trí các ca bệnh nặng, nâng cao chất lượng điều trị ở cơ sở”– PGS Điển chia sẻ.
Dịch heo tai xanh bùng phát tại Nghệ An và Hà Tĩnh
http://phapluattp.vn/suc-khoe/dich-heo-tai-xanh-bung-phat-tai-nghe-an-va-ha-tinh-585523.html
Ngày 18-10, Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An cùng UBND huyện Hương Nguyên (Nghệ An) tiến hành tiêu hủy hơn 100 con heo bị dịch heo tai xanh ở xã Hưng Mỹ (huyện Hưng Nguyên).
Theo người dân ở xã Hưng Mỹ, từ ngày 15-10, heo của họ bắt đầu có dấu hiệu chán ăn rồi bị ốm... Họ đã tự đi mua thuốc về điều trị cho heo nhưng không khỏi nên đã lên cơ quan chức năng, kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với dịch heo tai xanh.
l Chiều 18-10, Trung tâm Thú y vùng III cũng cho biết dịch heo tai xanh cũng đã bùng phát tại sáu hộ dân thuộc ba thôn của xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từ ngày 13-10. Tổng số heo chết và ốm do mắc dịch tai xanh buộc phải tiêu hủy là 204 con. Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Cẩm Xuyên đang thực hiện các biện pháp dập dịch.
Tôn vinh cán bộ, viên chức nữ y tế vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ
http://baohatinh.vn/lao-dong-viec-lam/ton-vinh-can-bo-vien-chuc-nu-y-te-vuot-kho-hoan-thanh-tot-nhiem-vu/103343.htm
(Baohatinh.vn) - Chiều 19/10, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Sở Y tế Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2010-2015; tôn vinh chị em phụ nữ vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện tới dự.
Ngành Y tế Hà Tĩnh có nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động chiếm 66,8% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành. Tỷ lệ lao động nữ đông, đời sống chị em còn gặp nhiều khó khăn, lại làm việc trong môi trường độc hại.
Thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2010-2015, cấp ủy đảng, chính quyền toàn ngành đã đưa mục tiêu vào nghị quyết và cụ thể hóa bằng các chương trình hành động của toàn ngành. Việc thực hiện các chính sách đối với cán bộ nữ được ngành đặc biệt quan tâm, trong đó chú trọng đến cải thiện chế độ làm việc, chế độ bảo hộ lao động đối với các đơn vị, các phương tiện bảo hộ lao động… Đảm bảo bình đẳng trong tuyển dụng, bố trí việc làm, không sử dụng lao động nữ làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, hoặc tiếp xúc với các chất độc hại ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh đẻ và nuôi con…
Số lãnh đạo là nữ của đơn vị hiện có 2/31 đồng chí (chiếm tỷ lệ 6,5%); số nữ là Phó Giám đốc có 6/46 đồng chí (chiếm 13%); số lãnh đạo nữ giữ chức trưởng phòng và tương đương là 70/282 đồng chí (chiếm 24,8%), phó trưởng phòng và tương đương là 74/100 đồng chí (chiếm 37,8%). Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng trong toàn ngành đạt 31%...
Được cấp ủy Đảng quan tâm “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” nên đội ngũ công chức, viên chức ngành y tế giai đoạn 2010-2015 phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng và không ngừng phát huy truyền thống “lương y như từ mẫu”, thường xuyên nghiên cứu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kể cả quản lý trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trong hoàn thành các mục tiêu của ngành; xứng đáng là người phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Giai đoạn 2016 - 2020, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Y tế tỉnh tập trung các giải pháp thực hiện các mục tiêu trọng tâm như: 100% chị em trong ngành có việc làm ổn định và phù hợp với năng lực, trình độ, địa bàn công tác; tạo điều kiện cho chị em có thu nhập phù hợp với ngành nghề và năng lực của từng người; đảm bảo yêu cầu nguyên vọng chính đáng về học tập, nghiên cứu khoa học cho lao động nữ; phấn đấu đạt hơn 15% tỷ lệ nữ được bố trí vào các vị trí chủ chốt là giám đốc, các phó giám đốc trong ngành; trên 40% phụ nữ là các trưởng, phó trưởng các khoa, phòng các đơn vị; 100% chị em được học tập nâng cao kỹ năng CSSK sinh sản; trên 95% gia đình nữ cán bộ viên chức trong ngành đạt gia đình văn hóa.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Y tế Hà Tĩnh đạt được trong giai đoạn 2010-2015.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị ngành tiếp tục là một trong những đơn vị trụ cột thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, trong đó chú trọng mục tiêu tiếp cận các dịch vụ CSSK của phụ nữ và trẻ em; bổ sung thêm phần chiến lược giai đoạn 2016-2020 rõ hơn theo từng năm; chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ nguồn, sẵn sàng giới thiệu nhân sự đảm bảo các tiêu chí khi có yêu cầu; tích cực xây dựng mô hình điển hình tiên tiến về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, có đánh giá, tổng kết và nhân rộng mô hình trên mọi lĩnh vực…
Cảnh báo kiến ba khoang xuất hiện ở nhiều nơi
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/10/399787/
(SGGP).- Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thời gian gần đây đã ghi nhận nhiều người bị tổn thương da phải nhập viện điều trị do tiếp xúc với kiến ba khoang, trong đó nhiều nhất là tại TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng. Hơn nữa, kiến ba khoang thường xuất hiện vào mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ lúa mùa, với mật độ nhiều hơn so với các tháng trong năm.
Do đó, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, nếu kiến ba khoang xuất hiện nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Ngoài ra, người dân có thể ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách: sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào; nên ngủ trong màn; vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà; mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng.
Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, kiến ba khoang không đốt hay cắn người nhưng do trong dịch cơ thể của chúng có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da. Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng nào đó hoặc vô ý đập làm cho chúng chết trên da thì chất độc theo dịch cơ thể chúng tiết ra ngoài, dính vào da người, gây bệnh ngay tại vùng da đó... Khi dính vào da tay, nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm chất độc dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan tỏa. Biểu hiện viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở những vùng da hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân. Ban đầu người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6 - 12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều, 1 - 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Vì thế khi thấy kiến ba khoang bò trên người, người dân không nên đập hoặc chà xát chúng mà nên tìm cách lấy nó ra khỏi cơ thể. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc, sau đó nên đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
"Đa số mẹ Việt đang “đổ” thức ăn vào dạ dày con"
http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/267826/-da-so-me-viet-dang--do--thuc-an-vao-da-day-con-.html
Nhiều trẻ em Việt thiếu vi chất, suy dinh dưỡng. Nguyên nhân chính do đa số phụ huynh đang cho con ăn theo kiểu “đổ” thức ăn vào dạ dày hơn là tạo cho trẻ bữa ăn thực thụ.
Ths - Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã cảnh báo như trên tại ngày Hội dinh dưỡng do Bộ Y tế phát động chiều ngày 15/10.
Theo thống kê của Viện dinh dưỡng Quốc gia, trong 50 ngàn trẻ em Việt Nam ở độ tuổi từ 2 – 5 thì khoảng 20% bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và gần 30% suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất ở trẻ (thiếu máu, thiếu vitamin A tiền lâm sàng và kẽm) còn khá phổ biến. Không chỉ thế, số trẻ đến khám vì lý do biếng ăn ở mức rất cao (chiếm tỷ lệ 50% các bệnh nhi gặp vấn đề về dinh dưỡng).
Bác sĩ Phi cho rằng nguyên nhân chính do phụ huynh chỉ đang cho con ăn theo cách “đổ” thức ăn vào dạ dày, chứ chưa tạo cho trẻ bữa ăn thực thụ.
“Tôi gặp nhiều đứa trẻ tới 7 tuổi mà mẹ vẫn đút cơm, vừa ăn vừa coi quảng cáo, chơi game hoặc đi rong ngoài đường. Như vậy trẻ không nhai mà các bé chỉ nuốt, bởi lúc đó giác quan của trẻ tập trung vào hoạt động khác. Thời gian bữa ăn kéo dài qua lâu mà bản tính của trẻ hiếu động dễ sinh chán nản, từ đó ăn biến thành một cực hình.”, bác sĩ Phi nói.
Từ đó, bác sĩ Phi khuyên phụ huynh, hãy tạo môi trường bữa ăn thật công bằng cho trẻ: ngồi vào bàn như mọi người, có quyền lựa chọn món mình thích và tự đút. Khi ấy trẻ sẽ tập trung tất cả giác quan, cảm nhận thức ăn tốt nhất.
Đặc biệt, bữa ăn của trẻ chỉ nên diễn ra trong 30 phút. Hết 30 phút mà trẻ vẫn chưa ăn xong, phụ huynh có thể cho ăn bù bằng thực phẩm khác.
Theo tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng, dạ dày của trẻ em khoảng 200 ml, nếu tốc độ đút thức ăn vài phút/muỗng thì trong 30 phút dạ dày sẽ đầy.
Cứ cố ép sẽ chỉ nảy sinh tiêu cực, làm tâm lý trẻ xáo trộn, từ đó ám ảnh sợ ăn.
Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển từ ngày 16 – 23/10. Thông qua tuần lễ này, nhiều thông điệp sẽ được gửi tới các bậc cha mẹ để mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 đạt hiệu quả tốt.
Quảng Bình: Vụ ngộ độc bánh mỳ là do trực khuẩn thương hàn Salmonella
http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/mientrung/2015/10/399873/
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151019/222-nguoi-ngo-doc-vi-banh-mi-nhiem-truc-khuan/987757.html
http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-hang-tram-nguoi-ngo-doc-tai-quang-binh-phat-hien-khuan-doc-trong-banh-my-20151019191002876.htm
(SGGPO).- Ngày 19-10, Bác sĩ Lại Văn Hải, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Đồng Hới, Quảng Bình cho biết, vụ ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc từ bánh mỳ của 4 cơ sở Vươn Tiến Thành trên địa bàn Đồng Hới đã lên đến 244 trường hợp. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm chưa từng có tại khu vực Bắc miền Trung với thời gian kéo dài từ ngày 14-10 đến 19-10 vẫn chưa dứt điểm.
Xét nghiệm dịch tễ từ mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân cho thấy, có trực khuẩn thương hàn Salmonella nên gây ra các triệu chứng sốt, nhức đầu kéo dài, nôn ói, tiêu chảy. Hiện có ít nhất 34 bệnh nhân vẫn còn triều trị tại Bệnh viên Đa khoa Đồng Hới, gần 30 trường hợp khác nằm tại các trạm xá xã phường, trong khi đó cũng có hơn 30 người đang điều trị ở Bệnh viện Trung ương Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới).
Theo cơ quan y tế, số người bị ngộ độc thực phẩm có thể chưa dừng lại ở con số 244 trường hợp vì trực khuẩn thương hàn Salmonella có thời gian ủ bệnh hơn một tuần, nên những người đã ăn bánh mỳ, bánh bao của cơ sở Vương Tiến Thành trong hai ngày 14 và 15-10 vẫn có khả năng đang ủ bệnh. Bác sĩ Lại Văn Hải khuyến cáo, người dân đã ăn các sản phẩm ở cơ sở này, trong thời gian trên nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.
Chủ cơ sở bánh mỳ Vương Tiến Thành cho biết, trong hai ngày 14 và 15-10, ở 4 cơ sở đã bán ra hơn 1.000 ổ bánh mỳ, bánh bao.
Hiện các cơ quan chức năng chưa cho phép cơ sở này mở lại chuỗi cửa hàng của mình. Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Bình đang kiểm tra toàn bộ các cơ sở của Vương Tiến Thành.
Trị bệnh bằng muối hột và thảo dược
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151019/tri-benh-bang-muoi-hot-va-thao-duoc/987307.html
Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM đang thu hút bệnh nhân đến trị bệnh bằng cách chườm muối hột và thảo dược được làm nóng kết hợp với châm cứu và bấm huyệt.
Những bệnh nhân chọn phương pháp điều trị này đa số bị bệnh mãn tính, người lớn tuổi, sợ dùng thuốc tây có nhiều tác dụng phụ hoặc đã điều trị bằng thuốc tây nhưng không lui bệnh.
Bệnh giảm
Lầu 1 khoa khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM thường thơm nức mùi thảo dược. Các điều dưỡng luôn tay cho muối hột, lá ngải cứu vào một cái tô rồi bỏ vào lò vi sóng làm nóng. Sau bốn phút, tô muối hột và ngải cứu được đặt vào miếng vải trắng lớn cột chặt lại đem chườm nóng cho bệnh nhân.
Tùy theo bệnh nhân đau ở cổ, vai, tay, đầu gối, lưng, hông mà các chị điều dưỡng nhẹ nhàng chườm vào. Sau khi chườm nóng muối với thảo được, bệnh nhân còn được bác sĩ, kỹ thuật viên xoa bóp, ấn huyệt hoặc châm cứu vào các huyệt trên cơ thể.
Bà Trần Kim Phương (52 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là một trong những bệnh nhân thường xuyên đến điều trị bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM bằng phương pháp chườm muối hột và thảo dược làm nóng kết hợp với châm cứu.
Theo chỉ định của bác sĩ phải điều trị một tháng, nên cả tháng 9-2015 ngày nào (trừ thứ bảy, chủ nhật) bà cũng đến khoa khám bệnh điều trị bệnh thoái hóa cột sống cổ. Theo bà Phương, cách đây bốn năm bà bị đau mỏi cổ, tê một bên tay và đến đây điều trị. Với phương pháp điều trị này, bệnh bà giảm hẳn, đến nay mới tái phát.
ThS.BS Đỗ Tân Khoa - trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM - cho biết theo các tài liệu y văn cổ, muối hột rang nóng có tác dụng chính là trừ phong thấp. Hơi nóng và vị mặn của muối ở nồng độ rất cao giống như một giác hút khổng lồ hút phong thấp trong người của bệnh nhân ra ngoài.
Ngoài ra, các thảo dược sử dụng chung với muối hột chủ yếu là các loại dược liệu chứa nhiều tinh dầu như ngải cứu, hương nhu, tía tô, lá lốt, lá cây đại bi, lá cây đại tướng quân (tùy theo vùng miền mà chọn loại thảo dược nào).
Tinh dầu có trong các loại thảo dược này có tác dụng giãn mạch, tăng cường lưu thông khí huyết, chống ứ trệ tuần hoàn. Khi phối hợp muối hột và thảo dược có nhiều tinh dầu sẽ làm thông kinh mạch, trục được phong thấp.
Túi chườm tại nhà
Đối với bệnh nhân không thể đến điều trị trực tiếp tại bệnh viện, bác sĩ Khoa cho biết bệnh viện đã nghiên cứu, sản xuất hai loại túi chườm có thể mua về sử dụng tại nhà rất tiện lợi. Loại có thể chườm tổng quát tất cả vùng của cơ thể và loại chườm đau lưng.
Thành phần chính của túi chườm tại nhà có chín loại dược liệu (gồm hai nhóm) có tác dụng chống viêm, giảm đau và giúp giữ nhiệt lâu dài như thảo quyết minh, gạo lứt. Việc phối hợp chín loại thảo dược này theo tỉ lệ nào, bào chế ra sao, cách bảo quản lâu dài đều được các y bác sĩ tính toán, kể cả việc đặt túi trong lò vi sóng bao nhiêu phút, ở nhiệt độ nào đều có nghiên cứu bài bản.
Với túi chườm dược liệu sử dụng tại nhà có chỉ định điều trị cho bệnh nhân bị đau nhức cơ xương khớp cấp tính và mãn tính (trừ khớp đau đang sưng nóng, đỏ). Túi chườm này còn sử dụng được cho người muốn giảm cân (chườm vùng có nhiều mỡ), bệnh nhân đau nhức cơ xương khớp do lạnh, người bị đau cứng cổ gáy do lạnh, đau bụng do lạnh, rối loạn tiêu hóa do ăn uống đồ lạnh, phụ nữ sau sinh, viêm đại tràng mãn hoặc viêm dạ dày, tá tràng mãn.
“Phương pháp này còn giúp người bệnh có thể tự can thiệp vào việc điều trị bệnh lý của chính mình, về mặt tâm lý rất cần thiết” - bác sĩ Khoa chia sẻ.
Phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú ngày càng sớm
http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap-luat/268320/phu-nu-viet-nam-mac-ung-thu-vu-ngay-cang-som.html
GS Nguyễn Bá Đức cho biết, phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú sớm hơn khoảng 10 năm so với các nước trên thế giới, nguyên nhân chính do môi trường, thức ăn ô nhiễm.
Học sinh cũng mắc ung thư vú
Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 11.000 ca mắc mới và hơn 4.500 trường hợp tử vong vì ung thư vú, chiếm 25% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới dù tỉ lệ phụ nữ Việt Nam mang gen ung thư vú rất thấp, chỉ 2%, trong khi tỉ lệ này ở các nước lên tới 40%.
Đáng lưu ý, nhiều năm trở lại đây, độ tuổi phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú có xu hướng ngày càng trẻ hoá.
GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Hà Nội nhấn mạnh: “Phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú sớm hơn khoảng 10 năm so với các nước, phần lớn từ 40 tuổi trong khi thế giới, bệnh thường bắt đầu 50-60 tuổi”.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng cho biết thêm, trong quá trình khám và điều trị đã gặp nhiều trường hợp ung thư vú ở độ tuổi 30. Đặc biệt có trường hợp ở độ tuổi 20, một số học sinh, sinh viên cũng đã mắc.
Lý giải nguyên nhân, GS Đức cho rằng do tác động từ môi trường, thức ăn ô nhiễm với đủ các loại thuốc kích thích, tăng trưởng, thuốc trừ sâu, ăn nhiều thực phẩm rán cháy, lười vận động....
Trong khi đó rất ít phụ nữ ý thức được tầm quan trọng của việc khám sàng lọc phát hiện ung thư sớm. Hầu hết trường hợp khi nhập viện đã ở giai đoạn muộn.
Ông Thuấn cho hay, từ 2008 đến nay, việc khám sàng lọc ung thư vú chủ yếu dựa vào các chương trình dự án như We care for her - Vì phụ nữ, vì ngày mai do Bộ Y tế, Quỹ Ngày mai tươi sáng tổ chức và các chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ung thư.
Tuy nhiên số lượng không nhiều do nguồn kinh phí hạn chế, BHXH chưa đồng ý chi trả cho công tác khám sàng lọc.
80% ung thư vú có thể chữa khỏi
“Ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi. Trong đó việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Càng sớm việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả điều trị càng cao, chi phí điều trị càng ít”, ông Thuấn nhấn mạnh.
Theo ông Thuấn, nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh tới hơn 80%, ở giai đoạn 2 tỷ lệ này là 60%, sang giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn 4 thì thường việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.
Hiện nay có thể điều trị ung thư vú dựa vào phẫu thuật, xạ trị, thuốc (hoá chất, nội tiết, sinh hoc). Việc áp dụng 1 hay nhiều phương pháp tuỳ thuộc vào từng giai đoạn và từng trường hợp cụ thể.
Để dự phòng ung thư vú, cách tốt nhất là có chế độ dinh dưỡng hợp lý với hàm lượng đạm vừa phải, hạn chế tối đa mỡ động vật, tăng cường hoa quả, rau xanh kết hợp thể dục thể thao.
Ngoài ra, để phát hiện sớm ung thư vú, các chị em có thể tự khám, nếu thấy u cục, mảng dày ở ngực cần đi khám bác sĩ chuyên khoa. Đối với phụ nữ có tiền sử gia đình (mẹ, chị, em gái mắc ung thư vú) cần khám thường xuyên hơn và ở độ tuổi sớm hơn.
“Ung thư nói chung khi có biểu hiện đau thì bệnh đã ở giai đoạn muộn nhưng ung thư vú giai đoạn muộn cũng không đau, do đó nếu dựa vào biểu hiện này rất khó phát hiện”, PGS.TS Trần Văn Thuấn lưu ý.
“Tuổi càng lớn tỉ lệ mắc ung thư vú càng cao. Phụ nữ thừa cân, béo phì và dùng thuốc tránh thai trên 10 năm trở lên có nguy cơ cao hơn”, ông Thuấn cho hay.
Ông Thuấn cho biết thêm, hiện nay Việt Nam đã áp dụng kĩ thuật xét nghiệm gen để phát hiện sớm ung thư vú với chi phí khoảng 4-5 triệu đồng/lần. Trường hợp phát hiện các đột biến cần phải tầm soát với tần số mau hơn.
Báo điện tử Thanh niên online: 16% mẫu thịt phát hiện có chất cấm
http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/16-mau-thit-phat-hien-co-chat-cam-622807.html
Nhiều mẫu xét nghiệm thực phẩm phát hiện tồn dư chất cấm, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép là “vấn đề nóng” tại hội nghị trực tuyến phát động đợt cao điểm hành động an toàn thực phẩm (ATTP) trong nông nghiệp, do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 19.10 tại Hà Nội.
Thông tin kết quả kiểm tra giám sát ATTP trong nông nghiệp 9 tháng qua, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết tỷ lệ mẫu vi phạm ATTP vẫn cao, một số chỉ tiêu về ATTP không cải thiện so với cùng thời điểm năm 2014. Theo ông Tiệp, có 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; 16% mẫu thịt phát hiện có chất cấm Salmonella; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nhìn nhận thực tế đang có tình trạng người chăn nuôi lạm dụng chất cấm, kháng sinh cấm vốn chỉ dùng làm thuốc cho con người, cụ thể là chất Clenbuterol để pha vào nước dùng nuôi thủy sản, trộn vào thức ăn vừa để kích thích tăng trưởng vừa để phòng ngừa, trị bệnh nên để lại tồn dư trong thực phẩm rất lớn. Cơ quan chức năng phải làm rõ nguồn thuốc này từ đâu ra, có thể từ đối tượng buôn lậu hay công ty dược phẩm tuồn ra bên ngoài, vì vừa qua vẫn có 68 tấn Clenbuterol được cấp phép nhập khẩu về nước. “Tôi đã chỉ đạo Cục Thú y kiểm soát chặt chẽ doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và đề nghị ngành y tế, công an vào cuộc truy quét tận gốc. Sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm để lại tồn dư trong thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng thì tội ác không kém gì ma túy, phải truy quét như tội phạm ma túy”, ông Phát thúc giục.
Thông tin ông Phát đưa ra đã làm nóng không khí tranh luận tại hội nghị. Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, giải thích Clenbuterol là một trong những nguyên liệu sản xuất thuốc kháng sinh điều trị một số bệnh rối loạn về hô hấp ở người, phải nhập khẩu phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhưng đều có quy trình kiểm soát chặt chẽ. Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cũng lên tiếng, nguyên liệu sản xuất kháng sinh làm thuốc điều trị bệnh cho con người có giá thành rất đắt. Doanh nghiệp nhập về bao nhiêu, sử dụng như thế nào đều được quản lý và giám sát chặt chẽ nên khó có chuyện doanh nghiệp mua kháng sinh cho người để đưa vào thức ăn chăn nuôi. Đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an cho biết, qua thực tế điều tra cho thấy đang có tình trạng người chăn nuôi mua thuốc kháng sinh thành phẩm nói là dùng để chữa bệnh nhưng thực chất là sử dụng trong chăn nuôi.
Giữ nguyên quan điểm và kiến nghị lực lượng chức năng trên toàn quốc vào cuộc trấn áp, xử lý hành vi lạm dụng chất cấm, kháng sinh cấm trong chăn nuôi, ông Cao Đức Phát cho rằng, nếu chỉ để ngành nông nghiệp lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu vật nuôi để phát hiện chất cấm, kháng sinh cấm như hiện nay chỉ giải quyết được ở “phần ngọn”.
“Phát hiện người chăn nuôi sử dụng chất cấm xử phạt mấy đồng là xong thì không giải quyết được vấn đề, phải phối hợp, điều tra truy ra các đầu nậu, đối tượng buôn bán chất cấm đưa vào thức ăn chăn nuôi”, ông Phát nói.