Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 20/11/2017

  • |
T5g.org.vn - Lạng Sơn: Hơn 500 người dân được khám, cấp phát thuốc miễn phí; Trực thăng vượt 2000 cây số cứu ngư dân bị đột quỵ ở Trường Sa; Gia Lai: Thương thảo giảm giá thuốc đã trúng thầu; Những ca cứu sống sản phụ vỡ tử cung nguy kịch hy hữu...

 

Cụ ông 87 tuổi tử vong, người thân đến đập phá bệnh viện

http://phapluatnet.vn/y-te-giao-duc/cu-ong-87-tuoi-tu-vong-nguoi-than-den-dap-pha-benh-vien

Cho rằng các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời tắc trách khiến ông Nên tử vong nên người nhà ông đã đến đập phá bệnh viện.

Ông Lê Văn Nên (87 tuổi, ngụ ấp Công Nghiệp, xã Lợi An, H.Trần Văn Thời) được đưa vào Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời cấp cứu vào lúc 8 giờ ngày 17/11 với tình trạng khó thở.

Tại đây, ông Nên được chẩn đoán là suy hô hấp, viêm phổi và cho thở máy. Đến 9 giờ cùng ngày, ông Nên khó thở, phải đặt nổi khí quản, thở máy.

Sau một ngày điều trị, đến sáng 18/11 ông Nên tử vong.

Sau cái chết của ông Nên, người nhà bức xúc cho rằng thiết bị cung cấp ôxy của bệnh viện có vấn đề, thiếu khí khi bệnh nhân thở máy, nên la ó rồi đập phá một số thiết bị khoa cấp cứu.

Ngày 18/11, ông Huỳnh Văn Tạo, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời đã có báo cáo về sự việc trên.

Ông Tạo cho biết: “Bệnh nhân thở máy nên khi kéo đàm, máy báo một vài thông số. Người nhà không hiểu cho là thiếu oxy. Người nhà ông Nên đập hỏng cái cửa và 1 máy sốc tim".

 

Vụ sản phụ tử vong bất thường tại Hà Tĩnh: Bộ Y Tế yêu cầu làm rõ

http://antt.vn/vu-san-phu-tu-vong-bat-thuong-tai-ha-tinh-bo-y-te-yeu-cau-lam-ro-216126.htm

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra và xử lý các trường hợp sai phạm của Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân theo đúng quy định hiện hành.

Theo báo Pháp luật TP HCM, vừa qua một số tờ báo phản ánh về trường hợp tử vong của sản phụ Hồ Thị H. (35 tuổi), thai lần 3, có dấu hiệu chuyển dạ, đến sinh con tại Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh sáng 15/11.

Cụ thể, sản phụ H. đã được chỉ định mổ lấy thai lúc 8h. Tuy nhiên, sau khi được mổ lấy thai sản phụ H. có diễn biến xấu và đã tử vong lúc 12h cùng ngày trên đường vận chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đến nay chưa rõ nguyên nhân.

Để có cơ sở báo cáo lãnh đạo Bộ về trường hợp tử vong của sản phụ Hồ Thị H., Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hà Tĩnh kiểm tra ngay sự việc và xử lý các trường hợp sai phạm nếu có của Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân theo đúng quy định; Yêu cầu Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân và các đơn vị liên quan sớm gặp gỡ động viên gia đình đồng thời cung cấp thông tin trung thực, chính xác với gia đình và cơ quan truyền thông.

Thông tin đăng tải trên TTXVN, Sở Y tế Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh sản phụ khoa, nhi khoa và kế hoạch hóa gia đình nghiêm túc thực hiện theo Hướng dẫn quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 11/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh; Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về trực đường dây nóng.

Đồng thời tăng cường chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh, tuân thủ chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai tại Công văn số 3614/BYT-BM-TE ngày 26/6/2017.

 

Gia Lai: Thương thảo giảm giá thuốc đã trúng thầu

http://www.baogiaothong.vn/gia-lai-thuong-thao-giam-gia-thuoc-da-trung-thau-d233357.html

Sau khi đấu thầu thuốc chữa bệnh ở Gia Lai, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh này phát hiện hơn 40 loại thuốc vượt giá trung bình của BHXH nên yêu cầu Sở Y tế thương thảo giảm giá…

Ngày 13/10, Sở Y tế Gia Lai ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp tập trung một số loại thuốc cho tỉnh Gia Lai năm 2017 - 2018. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát, BHXH tỉnh Gia Lai đã phát hiện trên 40 mặt hàng thuốc có giá trúng thầu cao hơn giá trúng thầu trung bình đợt 1 năm 2017 của BHXH Việt Nam, tổng chênh lệch trên 3,1 tỉ đồng. Trong đó, 8 loại thuốc có mức tăng từ 21-110% như: Hoạt chất Acid Amin giá Max từ dữ liệu giá thuốc trúng thầu trung bình đợt 1 năm 2017 của BHXH là 82.500 đồng/chai, nhưng kết quả đấu giá vừa qua là 136.800 đồng/chai. Với số lượng trúng thầu 10.950 chai, tổng số tiền chênh lệch trên 594 triệu đồng. Hoạt chất Kẽm, tên Tonazinax Syrup do Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định sản xuất, số lượng 81.000 hộp, tổng giá chênh trên 586 triệu đồng…

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Quốc Khánh, Phó giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai cho biết, đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Gia Lai thương thảo với các nhà thầu cung ứng giảm giá. Việc này nhằm thanh toán phù hợp với mặt bằng chung toàn quốc và đảm bảo quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT. “Vì nếu không thương thảo và áp giá thuốc cao hơn so với danh mục giá do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và BHXH công bố thì sẽ không được thanh toán”, ông Khánh giải thích.

Khẳng định việc đấu thầu công khai theo quy định, ông Trần Duy Linh, Phó giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho rằng: Việc chênh lệch giá thuốc cao - thấp là chuyện bình thường đối với mỗi cuộc đấu thầu. Thực tế vừa qua tổ chức đấu thầu ở Gia Lai đã lấy giá thấp nhất của đơn vị đấu thầu. “Nếu ông Khánh nói không thanh toán được là hoàn toàn trái luật. Đó chỉ là ý kiến riêng của ông Khánh”, ông Linh nói và cho biết thêm: Trên thực tế, nhà thầu không giảm giá là quyền của họ, vì họ đã trúng thầu đúng quy định. Nếu BHXH tỉnh không thanh toán với các danh mục thuốc có giá cao hơn thì sẽ là trái quy định, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện thương thảo với các nhà cung ứng thuốc để thực hiện giảm giá. Hiện, 6/12 mặt hàng thuốc có giá chênh lệch trên 10% được công ty đấu thầu đồng ý giảm giá”.

 

Bộ Y tế phản hồi về việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed

http://baodautu.vn/bo-y-te-phan-hoi-ve-viec-sap-nhap-mediplast-vao-vinamed-d72806.html

Bộ Y tế vừa phúc đáp công văn số 10804/VPCP V-I của Văn phòng Chính phủ về việc phản ánh, kiến nghị của bà Lê Thị Minh Châu, cổ đông Công ty cổ phần Nhựa Y tế Mediplast (Mediplast) liên quan đến nội dung thoái vốn nhà nước, sáp nhập giữa Mediplast vào Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam – CTCP (Vinamed).

Theo công văn của Bộ Y tế, kể từ ngày 12/7/2016, Vinamed là doanh nghiệp cổ phần, không còn là doanh nghiệp nhà nước, mọi hoạt động của Vinamed được tuân thủ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ hoạt động công ty cổ phần thông qua Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông công ty.

Bộ Y tế cũng khẳng định, việc chuyển nhượng 750.000 cổ phần tại Mediplast và 358.333 cổ phần tại Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco là các khoản đầu tư của Vinamed tại các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Vinamed theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ hoạt động của Vinamed.

Về quản lý nguồn vốn nhà nước đầu tư, Vinamed là doanh nghiệp cổ phần, không phải công ty nhà nước; do đó Vinamed không thuộc đối tượng áp dụng theo điều 38, Nghị định 91/2015/NĐ-CP về chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên (không vi phạm nghị định 91/2015/NĐ-CP).

Liên quan đến việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed thành một pháp nhân dẫn đến thay đổi tỷ lệ vốn nhà nước từ 20% xuống còn 14%, Bộ Y tế cho rằng, số cổ phần nhà nước trong Vinamed vẫn được giữ nguyên là 1.760.000 cổ phần, sự thay đổi tỷ lệ vốn nhà nước là do vốn điều lệ của Vinamed sau sáp nhập tăng lên (từ 88 tỷ đồng lên hơn 125 tỷ đồng).

Việc sáp nhập không làm giảm trị giá số vốn nhà nước, số lượng cổ phần nhà nước tại Vinamed. Toàn bộ số cổ phần này cũng đã được chuyển giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào ngày 10/10/2017. Mặt khác, tỷ lệ vốn Nhà nước tại Vinamed vẫn còn tiếp tục thay đổi vào năm 2018 khi toàn bộ số vốn nhà nước sẽ được SCIC thực hiện thoái toàn bộ.

 Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam tiền thân là Cục Vật tư và Xây dựng cơ bản – Bộ Y tế, đơn vị chính thức được đổi tên thành Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam vào ngày 2/5/1996 theo quyết định số 720/BYT-QĐ của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ngày 12/7/2016, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam chính thức chuyển thành loại hình doanh nghiệp Công ty cổ phần và hiện tập trung hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất các sản phẩm phục vụ y tế; phân phối các thiết bị y tế; tư vấn và xây dựng y tế, các giải pháp công nghệ trong y tế đặc biệt là giải pháp PACS và đầu tư trong lĩnh vực y tế.

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2017 của Vinamed đạt 126 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 16,5 tỷ, tăng 16% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân người lao động là 10,2 triệu đồng/tháng. Dự án đầu tư nhà máy Nhựa Y tế tại Bắc Ninh đã hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định.

 

Nhiều giáo viên ở Sài Gòn nhập viện khi ăn tiệc mừng 20/11

 https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhieu-giao-vien-o-sai-gon-nhap-vien-khi-an-tiec-mung-2011-1209621.tpo0/11

10 giáo viên phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện choáng, đau bụng, buồn nôn, khi bữa tiệc chưa kết thúc.

Trưa 18/11, gần 70 giáo viên, nhân viên và khách mời của một trường mầm non song ngữ đã đến dự tiệc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại nhà hàng H.C ở quận Tân Bình, TP.HCM.

Sau khi ăn món thứ hai ở bữa tiệc, nhiều giáo viên, đa số là giáo viên nữ có biểu hiện choáng, đau bụng, buồn nôn. Những người này được đưa tới bệnh viện quận Phú Nhuận cấp cứu.

Được biết, có tổng cộng 10 giáo viên đã phải nhập viện khi bữa tiệc còn chưa kết thúc.

“Hiện cơ quan y tế quận Tân Bình đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ vụ việc để có kết luận chính xác.” – PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM cho biết.

Một cô giáo cho hay, khi vừa ăn xong 2 món đầu tiên của bữa tiệc là gỏi nấm bào ngư hải sản tôm hạt điều và mực nướng Phú Quốc tại nhà hàng, cô thấy choáng váng, đau bụng, buồn nôn, mệt lả.

Ngoài 2 món ăn kể trên, thực đơn bữa tiệc còn có gà hấp cải bẹ xanh, bò nấu lagu, bún Thái cá điêu hồng và rau câu.

Bác sĩ Đàng Năng Xinh, người trực tiếp điều trị cho các giáo viên tại bệnh viện quận Phú Nhuận, cho biết: Qua chẩn đoán đa phần các ca bệnh là theo dõi nhiễm trùng đường ruột nghi do ngộ độc thực phẩm.

Đến ngày 19/11, số giáo viên kể trên đều xuất viện nhưng vẫn còn rất mệt. Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà.

Anh Nguyễn Đại Ngọc - Phó Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm thuộc Ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết, ngộ độc thực phẩm chỉ xảy ra sau khi ăn uống nhiều giờ. Còn các trường hợp kể trên đều chỉ mới ăn món thứ hai của bữa tiệc. Thế nên chưa thể kết luận đây là một vụ ngộ độc thực phẩm.

Hơn nữa, không ít giáo viên và khách mời đã uống bia, ca hát trước khi nhập tiệc nên không ngoại trừ khả năng họ buồn nôn do say, mỏi mệt. Chưa kể tâm lý dây chuyền nên có thể chỉ một người ói mửa nhưng kéo theo những người khác rơi vào tình trạng tương tự.

“Hiện cơ quan y tế quận Tân Bình đã lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm. Bên cạnh đó, cơ quan y tế quận này cũng ghi nhận nhà hàng H.C có một vài vi phạm điều kiện ATTP” – ông Ngọc cho biết thêm.

 

Phối hợp đồng bộ trong công tác điều hành giá

http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34755802-phoi-hop-dong-bo-trong-cong-tac-dieu-hanh-gia.html

Từ ngày 1-6, hơn 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh chính thức được điều chỉnh tăng giá, trung bình khoảng 30% so với trước đó đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Theo thống kê, hiện có khoảng 20 triệu người chưa tham gia BHYT, phần lớn là nông dân và lao động tự do, là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của mức tăng giá dịch vụ lần này.

Việc giá dịch vụ y tế tăng mạnh, người không có thẻ BHYT sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất; trong khi, khám chữa bệnh là dịch vụ thiết yếu liên quan trực tiếp đến chăm sóc sức khỏe con người. Ở góc độ vĩ mô, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT phải đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Đây là việc không thể không làm, tạo áp lực không nhỏ cho các đơn vị thực hiện.

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu công tác điều hành giá năm 2017 nói chung và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nói riêng cần được tiến hành hết sức chặt chẽ và phối hợp bài bản. Đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, Chính phủ giao Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc điều chỉnh mức giá ngay trong năm 2017. Đồng thời, Bộ Y tế cần theo dõi, chỉ đạo quyết liệt, sát sao việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ. Bộ Y tế cũng chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Tài chính thực hiện tính toán, báo cáo Chính phủ lộ trình điều chỉnh phù hợp và các giải pháp để bảo đảm khả năng chi trả của quỹ BHYT khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá. Với giá thuốc chữa bệnh, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện việc đấu thầu tập trung, đẩy nhanh việc đàm phán giá thuốc đối với các loại thuốc biệt dược, các loại thuốc đã hết hạn hợp đồng; Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung theo Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7-7-2016, với mục tiêu kéo giá thuốc giảm từ 10 đến 15%. Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15-11-2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT theo hướng rà soát để xác định phạm vi hưởng BHYT phù hợp mức đóng cũng như khả năng cân đối quỹ BHYT...

Hy vọng với sự điều hành vừa quyết liệt vừa linh hoạt này, quyền được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT của người bệnh sẽ tiếp tục được bảo đảm; đồng thời, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Cải tiến chất lượng, nội dung sống còn của bệnh viện công

http://infonet.vn/cai-tien-chat-luong-noi-dung-song-con-cua-benh-vien-cong-post245094.info

Cải tiến chất lượng hay để bệnh nhân lựa chọn bệnh viện khác là nội dung được đưa ra tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam năm 2017 được tổ chức tại Tp. Đà Nẵng ngày 18/11.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Cải tiến chất lượng dịch vụ y tế và đảm bảo an toàn người bệnh là vấn để cốt lõi của công tác khám, chữa bệnh. Trong đó, người lãnh đạo bệnh viện đóng vai trò quyết định trong công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hội nghị này là cơ hội để lãnh đạo các bệnh viện học tập, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần giúp lãnh đạo các bệnh viện biết tận dụng cơ hội và đối diện với những thách thức trong khám, chữa bệnh.

Cùng với quan điểm trên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, nếu không cải tiến chất lượng các bệnh viện sẽ phải đối diện với việc trả lời giải trình trước những tai biến; người bệnh lựa chọn BV khác, BHXH xuất toán; thiếu kinh phí đầu tư hạ tầng; nợ tiền công ty vật tự y tế…Do đó, theo PGS.TS Khuê nhiệm vụ số một của lãnh đạo của các bệnh viện là cải tiến chất lượng bệnh viện và ưu tiên số 1 là an toàn người bệnh và an toàn cho nhân viên y tế.

Trước xu hướng tự chủ tài chính hiện nay, theo PGS.TS Khuê không còn con đường nào khác là cải tiến nâng cao chất lượng KCB bằng việc thực hiện nghiêm văn bản, chỉ đạo của Bộ Y tế, thực hiện 83 tiêu chí chất lượng BV; đổi mới tinh thần thái độ, trang phục, thực hiện tốt quản trị bệnh viện, tăng cường ứng dụng CNTT, bệnh án điện tử, đào tạo nâng cao năng lực quản lý bệnh viện; quản lý chuyên môn …

Về quản lý trang thiết bị để góp phần đảm bảo an toàn người bệnh, ThS Nguyễn Minh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Tran Thiết bị Y tế cho biết, trang thiết bị y tế (TTBYT) là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. TTYT hiệu quả phụ thuộc vào trình độ khai thác, trình độ người sử dụng và cần được bảo trì, sửa chữa đảm bảo chất lượng. Theo ThS Tuấn cần nhận thức rõ ràng sự khác nhau giữa việc quản lý chất lượng trang thiết bị với việc quy trình sử dụng, hiệu chỉnh, sửa chữa máy móc , trang thiết bị…Nhiều máy móc tốt nhưng quy trình sử dụng, hiệu chỉnh không được quản lý, giám sát sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Đối với việc an toàn trong sử dụng TTBYT, ThS Tuấn đề nghị các bệnh viện có kế hoạch đào tạo, chuẩn bị đội ngũ cán bộ chuyên môn, phòng ốc, hạ tầng tốt để khai thác, sử dụng tốt và hiệu quả các trang thiết bị được đầu tư. Các đơn vị có trách nhiệm bố trí kinh phí để chi cho công tác bảo trì, sửa chữa, kiểm định các thiết bị tế, đặc biệt là các thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, các thiết bị công nghệ cao có giá trị lớn….; Thực hiện việc kiểm tra hiệu chuẩn các TTBYT định kỳ,…. ThS Tuấn cũng đề nghị trong kiểm tra BV năm 2017 cần xem xét chi phí bảo trì cho trang thiết bị của các BV…

Với chủ đề “Cải tiến chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo an toàn người bệnh ”, 500 đại biểu là lãnh đạo, trưởng khoa các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện khu vực phía Nam đã trao đổi những kinh nghiệm trong nâng cao chất lượng bệnh viện; quản lý trang thiết bị hiệu quả; tầm soát, giám sát sự cố chủ động; liên thông xét nghiệm giữa các bệnh viện; tuyển dụng, duy trì và phát triển nguồn nhân lực tại các bệnh viện….

 

90% nước thải nhà vệ sinh VN xả thẳng ra môi trường

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/90-nuoc-thai-nha-ve-sinh-vn-xa-thang-ra-moi-truong-411841.html

VN vẫn còn 6% dân số ở thành thị không có nhà vệ sinh, 90% số hộ sử dụng nhà vệ sinh tự hoại xả trực tếp ra hệ thống tiêu thoát nước.

Đây là thông tin được PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế chia sẻ tại lễ hưởng ứng ngày Nhà vệ sinh thế giới hôm nay.

Bà Hương cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp, tính đến cuối 2016 vẫn còn 33% (giảm 2% so với 2015), khoảng 5 triệu người vẫn phóng uế bừa bãi ra môi trường, đặc biệt tại các khu vực miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên.

Tại thành thị, hiện vẫn còn 6% không có nhà vệ sinh; 90% số hộ sử dụng nhà vệ sinh tự hoại xả trực tiếp ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt, làm gia tăng ô nhiễm môi trường và nguồn nước.

Theo bà Hương, do chưa làm tốt công tác xử lý phân người, sử dụng nhà tiêu chưa hợp vệ sinh nên các bệnh đường tiêu hoá như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun sán... vẫn phổ biến, là một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi.

VN đặt mục tiêu, đến 2018 sẽ có khoảng 10 triệu người được cải thiện điều kiện vệ sinh; đến 2020 có 75% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh và cam kết đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc phóng uế bừa bãi.

Theo số liệu từ Ngân hàng thế giới, ước tính thiệt hại do kém vệ sinh gây ra cho VN mỗi năm lên tới 1,3% GDP, gần bằng 1 nửa chi tiêu của Nhà nước cho y tế (2,9% GDP năm 2009).

Tiếp cận điều kiện vệ sinh an toàn là quyền cơ bản của mỗi công dân, theo đó Liên Hợp Quốc lấy ngày 19/11 hàng năm là ngày Nhà vệ sinh thế giới. Trung bình có mỗi giây trên thế giới lại có 1 trẻ em tử vong do mắc phải những căn bệnh bắt nguồn từ điều kiện vệ sinh kém.

Chủ đề năm nay là “Nhà vệ sinh và nước thải” để nâng cao hơn nữa nhận thức, tầm quan trọng của việc sử dụng, bảo quản nhà vệ sinh đúng cách cũng như kêu gọi cộng đồng và chính quyền tăng cường quản lý, xử lý nước thải, bùn thải từ các bể tự hoại.

 

Băn khoăn xung quanh quy định đủ 18 tuổi mới được chuyển giới

http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/ban-khoan-xung-quanh-quy-dinh-du-18-tuoi-moi-duoc-chuyen-gioi-234304.html

Hiện đã có hơn 60 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ. Tại Việt Nam, ước tính có gần 300.000 người mong muốn chuyển giới, tuy nhiên điều kiện 18 tuổi mới được chuyển giới đang khiến nhiều người băn khoăn.

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, theo một số nghiên cứu, tỷ lệ người chuyển giớichiếm khoảng 0,3-0,5% dân số. Đến nay, hơn 60 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ.

Tại Việt Nam, hiện có gần 400.000- 500.000 người mong muốn chuyển giới. Hầu hết những người có mong muốn chuyển đổi giới tính vẫn phải ra nước ngoài phẫu thuật. Việc thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính có thể gây ra những nguy hiểm lớn về sức khỏe, tâm lý và khó khăn khi đối diện với sự thay đổi, kỳ thị từ phía gia đình và xã hội; đặc biệt là những khó khăn trong các thủ tục pháp lý, giấy tờ…

Ông Quang cho hay, Vụ Pháp chế đang xây dựng Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những người mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính hiểu về những tác động của việc chuyển đổi giới tính và thực hiện một cách tự nguyện.

Theo Dự thảo Luật, người muốn được chuyển đổi giới tính phải đáp ứng đủ 4 điều kiện như: Đủ 18 tuổi trở lên; là người độc thân; có giới tính sinh học hoàn thiện nhưng mong muốn giới tính khác giới tính sở hữu hiện tại, yêu cầu được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.         

Đưa ra quan điểm, ông Cianan B.Rusell - Cán bộ mảng nhân quyền và vận động chính sách cho rằng, các trở ngại pháp lý liên quan tới việc đáp ứng các điều kiện của quá trình thừa nhận giới tính mới khá phổ biến như quy định về độ tuổi, tình trạng hôn nhân và các điều kiện can thiệp y học.

Theo đó, trẻ em chuyển giới đã có thể xác định giới tính của bản thân khá sớm từ khi mới 2-3 tuổi, nhiều trẻ dậy thì trước 18 tuổi. Do đó, ông Cianan cho rằng, nếu yêu cầu độ tuổi cho người chuyển giới là 18 mới được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong quá trình định giới đẩy trẻ em chuyển giới phải trưởng thành sớm về mặt cơ thể mà không phát triển đồng đều và lành mạnh với bản dạng giới của họ. Áp lực tâm lý, bức bối vì không được sống với đúng giới tính khiến họ đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt, bạo lực học đường, nghỉ học sớm và thậm chí là tự tử.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ pháp chế, người chuyển đổi giới tính phải tự chịu trách nhiệm về quyết định chuyển giới của mình. Do đó, quy định độ tuổi 18 ở Việt Nam là hợp lý để lúc đó, một người trưởng thành về mặt sinh lý, có quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm về sự thay đổi liên quan đến thân thể của mình.

Ông Quang cũng cho biết, Việt Nam chưa không công nhận hôn nhân đồng giới, do đó, quy định về độc thân mới được công nhận chuyển đổi giới tính phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức và pháp luật về hôn nhân của Việt Nam.

 

Mở rộng bảo hiểm y tế với người có “H”

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/883228/mo-rong-bao-hiem-y-te-voi-nguoi-co-h

Các hoạt động nhân Tháng hành động quốc gia về phòng chống HIV/AIDS (từ ngày 10-11 đến 10-12) và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1-12) năm nay hướng tới mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh, 90% được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV và 90% kiểm soát số lượng vi rút ở mức thấp. Để đạt được mục tiêu đó, trong bối cảnh thuốc kháng vi rút ARV không còn được cấp phát miễn phí, việc sớm mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế đối với những người có “H” đặc biệt quan trọng.

Còn nhiều khó khăn

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính tại Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó chỉ có gần 200.000 người được quản lý. Hơn 50.000 người chưa biết về tình trạng bệnh và bởi vậy, những người này là nguồn truyền bệnh tiềm ẩn.

Ông Đỗ Hữu Thủy, Trưởng phòng Truyền thông và Huy động cộng đồng (Cục Phòng chống HIV/AIDS) cho biết, nguồn viện trợ điều trị miễn phí thuốc kháng vi rút ARV cho người nhiễm HIV từ các dự án quốc tế bị cắt giảm khiến công tác phòng, chống HIV/AIDS và điều trị cho người bệnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mối lo đó có thể được hóa giải phần nào nếu người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo lộ trình, từ ngày 1-1-2018, Việt Nam chính thức dừng hỗ trợ chi trả thuốc điều trị và xét nghiệm cho bệnh nhân HIV/AIDS. Người có “H” sẽ phải tự chi trả khi điều trị. Từ ngày 1-1-2019, Nhà nước sẽ thanh toán (thông qua Quỹ BHYT) đối với thuốc ARV và các dịch vụ điều trị khác nếu bệnh nhân HIV có thẻ BHYT. Như vậy, nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để điều trị bằng thuốc ARV.

Tính đến tháng 9-2017, 45/63 tỉnh, thành phố đã có tỷ lệ bao phủ BHYT trong số bệnh nhân điều trị bằng ARV đạt trên 80%. Thế nhưng, tại một số nơi, độ bao phủ BHYT trong nhóm đối tượng này vẫn còn thấp, thậm chí có nơi chỉ đạt khoảng 40%. “Nhiều người sợ bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để mua thẻ BHYT. Bên cạnh đó, có những bệnh nhân dù có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi để khám, chữa bệnh nhằm che giấu tình trạng bệnh. Cũng có người chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT bởi còn ngóng sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án”, ông Đỗ Hữu Thủy nói.

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng, nguy cơ lớn nhất khi người nhiễm HIV không có BHYT là họ sẽ gặp khó khăn về tài chính khi điều trị ARV, dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Khi đó, công tác điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém gấp bội. Mặt khác, hiện nay vấn đề cần được đặt ra là nhiều người nhiễm HIV chưa hiểu hết được lợi ích của BHYT. Một số người cho rằng thuốc ARV vẫn đang được cấp miễn phí nên không cần tham gia BHYT, không biết rằng trong thời gian tới họ sẽ phải tự chi trả tiền thuốc điều trị. Đó là chưa kể những trường hợp không đủ sức khỏe nên không thể lao động, đang sống lay lắt qua ngày nên không có tiền mua thẻ BHYT.

Cũng theo ông Hoàng Đình Cảnh, còn một rào cản nữa khiến người nhiễm HIV khó tiếp cận với BHYT, đó là hiện nay cả nước có 403 điểm điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV nhưng chỉ có 296 điểm thuộc các bệnh viện tỉnh, huyện là đủ điều kiện ký hợp đồng với cơ quan BHYT. Nguyên nhân của tình trạng này là trước đây, nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS thuộc hệ thống y tế dự phòng nên cán bộ y tế chưa có chứng chỉ hành nghề riêng về điều trị HIV...

Tạo mọi điều kiện để người bệnh có BHYT

Mục tiêu mà Việt Nam đề ra đến năm 2020 là 100% người nhiễm HIV phải có thẻ BHYT, 80% số thuốc ARV được Quỹ BHYT thanh toán. Hiện nay, ngành Y tế đang tìm các giải pháp thích hợp để tăng tỷ lệ người nhiễm HIV có BHYT.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, để khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT thì cần phải hoàn thiện hệ thống thanh toán BHYT tại các cơ sở điều trị trên cả nước. Vấn đề này cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ y tá, bác sĩ tại các trung tâm y tế, bệnh viện các tuyến có chức năng khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS để tạo điều kiện cho họ được cấp chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, ngành Y tế sẽ tăng cường công tác truyền thông, vận động để người nhiễm HIV tự nguyện mua BHYT.

Hiện nay, một số tỉnh, thành phố đã cân đối ngân sách của địa phương để mua BHYT cấp cho người nhiễm HIV. Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng đang rà soát nhu cầu mua BHYT cho người nhiễm HIV tại một số tỉnh khó khăn và trên cơ sở đó, dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế còn lại để hỗ trợ trong thời gian đầu.

Tại Hà Nội, hiện có 21 cơ sở điều trị HIV, trong đó có 6 cơ sở đã được Sở Y tế Hà Nội đề xuất Bảo hiểm xã hội Hà Nội ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV. Sắp tới, 11 trung tâm y tế sẽ tiếp tục được đề xuất ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV. Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho rằng, thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất về mặt thủ tục hành chính cho người nhiễm HIV mua thẻ BHYT. Những người nhiễm HIV không đủ điều kiện mua BHYT theo hộ gia đình có thể trực tiếp đến trung tâm y tế các quận, huyện hoặc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để báo cáo. Những trường hợp này sẽ được lập danh sách riêng để gửi Bảo hiểm xã hội Hà Nội xem xét và tạo điều kiện mua BHYT tự nguyện mà không nhất thiết phải mua theo hộ gia đình. Mọi thông tin về người có “H” khi mua BHYT sẽ được bảo mật.

 

Trực thăng vượt 2000 cây số cứu ngư dân bị đột quỵ ở Trường Sa

http://antt.vn/truc-thang-vuot-2000-cay-so-cuu-ngu-dan-bi-dot-quy-o-truong-sa-216080.htm

Trực thăng bay gần 2000km đưa ngư dân bị ngộ độc trên vùng biển khu vực đảo Sinh Tồn quần đảo Trường Sa vào đất liền điều trị.

Theo báo điện tử VOV, máy bay trực thăng Mi171-SAR02 đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đưa bệnh nhân Lê Văn Hai, bị nạn trên vùng biển khu vực đảo Sinh Tồn quần đảo Trường Sa vào đất liền, chuyển về Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175 của Bộ Quốc phòng để điều trị.

Báo Tri thức trực tuyến đăng tải, bệnh nhân này rơi vào tình trạng lơ mơ, liệt nửa người, phù não. Do ngư dân bị nạn tại khu vực đảo Sinh Tồn địa điểm xa nhất trong quần đảo Trường Sa nên các chuyên gia không thể chẩn đoán và chỉ đạo mổ cấp cứu qua hệ thống trực tuyến Telemedicine như các trường hợp khác.

Bệnh nhân được trực thăng đưa về đất liền trong tình trạng hôn mê. Nạn nhân đã được chụp CT sọ não và làm các xét nghiệm... Kết quả chụp cắt lớp cho thấy nạn nhân bị nhồi máu não.

Đại tá bác sĩ Trương Đình Cẩm, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết đối với những trường hợp đột quỵ não cho dù xuất huyết não hay nhồi máu đều tiên lượng rất dè dặt, phụ thuộc vào vị trí và độ lớn vùng tổn thương.

Trường hợp bệnh nhân này vùng nhồi máu tương đối lớn. Vì vậy, sau khi qua đoạn hội chứng não cấp sẽ trải qua giai đoạn di chứng.

Bệnh nhân được phẫu thuật và đã vượt qua cơn nguy kịch và đang chăm sóc tại khoa hồi sức tích cực.

 

Những ca cứu sống sản phụ vỡ tử cung nguy kịch hy hữu

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nhung-ca-cuu-song-san-phu-vo-tu-cung-nguy-kich-hy-huu-576845.ldo

6 bác sĩ và nhân viên y tế BV huyện Thạch Thất, Hà Nội vừa vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ y tế vì đã cứu sống mẹ và thai khi mẹ vỡ tử cung nguy kịch.

Chị Nguyễn Thị Thuyết, 22 tuổi, ở xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội, mang thai tuần thứ 37. Tối ngày 6.11, cảm thấy như có tiếng “bụp” bất thường trong bụng rồi đau dữ dội, gia đình đưa vào BV huyện cấp cứu lúc 21 giờ.

Tại khoa sản, các BS sau thăm khám nhanh đã chẩn đoán vỡ tử cung (TC) tự phát, mất máu rất nặng, dù TC mềm. Hội ý chớp nhoáng nếu không mổ ngay, cả mẹ và thai sẽ tử vong, nên sau hội chẩn nhanh qua điện thoại với BV Phụ Sản Hà Nội, chỉ định phẫu thuật cấp cứu, dù sản phụ chưa có kết quả xét nghiệm, chí ít là xét nghiệm máu đông, máu chảy...

Phẫu thuật viên chính, BS Phạm Phi Long - Trưởng kíp trực ngoại - sản, một BS phụ mổ và ekip gây mê, hồi sức vào cuộc, tất cả chỉ diễn ra trong vòng 11 phút từ khi sản phụ đến viện. Qua đường mở thành bụng thấy máu chảy đầy ổ bụng; TC vỡ hai đường ở phía sau; Thai nhi được đưa ra ngoài để cấp cứu, kíp mổ xử lý TC vỡ.

Do TC vỡ hai đường, lại ở mặt sau nên việc khâu vết vỡ để cầm máu rất khó khăn. Sản phụ còn trẻ, có thai lần đầu nên việc khâu phục hồi để bảo tồn TC có ý nghĩa rất lớn, giữ được khả năng làm mẹ sau này…

Sau 90 phút, thái độ khẩn trương và những căng thẳng của cả kíp phẫu thuật được đền đáp: Em bé 2,5 kg thở tốt, khỏe mạnh, mẹ được cứu sống. Với BV tuyến huyện, đây là thành công lớn, bởi cứu sống cả mẹ và thai trong tình trạng vỡ TC phức tạp, mất máu rất nặng, kỹ thuật khâu phục hồi TC ở mặt sau thuộc loại khó, không phải dễ dàng gì. Được biết, BV vừa thông báo, khoảng hai, ba ngày nữa hai mẹ con sẽ được ra viện, mẹ tròn con vuông.

Không phải là trường hợp hiếm gặp

Tỉ lệ vỡ trung bình khoảng 1/2000 cuộc đẻ. Trước đây, tử vong mẹ 60 - 80% (Jeannin, CH Pháp). Eastman, Mỹ, thống kê tử vong thai nhi khoảng 50 - 75%. Tai biến vỡ TC tuy không nhiều nhưng đều là nhưng ca hiểm nghèo.

Khoảng 01 giờ ngày 20.9, thai phụ Trần T. P, ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đau bụng và vỡ ối, gia đình đưa đến Trạm Y tế xã. Sau khoảng 10 phút rặn chưa sinh được, sản phụ có dấu hiệu choáng rồi ngất nên chuyển khoa Sản, BV tỉnh. Được hồi sức và khoảng 5 phút sau, sản phụ sinh bé trai 2,6kg, nhưng thấy chảy máu nhiều đường âm đạo, huyết áp tụt.

Khoa Sản hội chẩn chớp nhoáng và chuyển sản phụ vào phòng mổ, đồng thời đề nghị BS Daniel Derval, chuyên gia sản - phụ khoa, đang làm việc tại BV tỉnh Hà Tĩnh theo thỏa thuận hợp tác với tổ chức Cootes D’Armor, Cộng hòa Pháp, trợ giúp. Siêu âm trên bàn mổ, nghĩ đến vỡ TC nên lập tức can thiệp.

Mở ổ bụng thấy TC mềm, nhợt nhạt do mất máu và mặt trước eo tử cung tím bầm, niêm mạc (mặt trong) eo tử cung có vết rách dài 4cm, rộng 2cm, quanh vết rách ngấm máu, bầm tím nhiều. Đây là ca TC rách không hoàn toàn (không có lỗ rách thông với ổ bụng - nên chỉ chảy máu đường âm đạo), nhưng cùng với khâu vết rách, phải truyền 3 đơn vị máu (khoảng 1.500ml)...

Sau gần 2 giờ căng thẳng, sản phụ mới qua được nguy kịch. Ca bệnh này nếu không đến viện kịp thời chắc chắn tử vong cả mẹ lẫn con, bởi thông thường, người trưởng thành có trung bình 3.500 - 5.000ml máu, mất 1/3 lượng máu sẽ tử vong vì sốc.

Tháng 5, ngày 27, sản phụ Nguyễn Thị H., 35 tuổi, ở huyện Tân Phú, nhập BV huyện Định Quán, Đồng Nai, trong tình trạng đau bụng dữ dội. Chẩn đoán thai lần 3, 39 tuần, vỡ TC, tụt huyết áp, tuy nhiên tim thai còn tốt, chỉ định mổ cấp cứu. Khi mổ, thấy đầu thai nhi “chui” vào ổ bụng mẹ qua đường vỡ TC, phải hồi sức khẩn cấp mới cứu được bé.

Đồng thời với khâu vết rách TC cho mẹ phải truyền máu, hồi sức khẩn trương mới qua được nguy biến. Chị H có tiền sử sinh hai lần trước đều mổ, lần này vết mổ cũ giãn căng và đường vỡ chính là vết mổ cũ. Ai lại chủ quan đến thế, đáng ra đã mổ hai lần thì lần này phải vào viện sớm để theo dõi, vì đã mổ hai lần rồi thì nguy cơ vỡ ở vết mổ cũ rất cao, khi vỡ rồi mới đến viện, may mà qua được…

Một ca vỡ TC ở TPHCM làm các BS bốn BV của TP phải vất vả: Sản phụ Đ.T.H.N, 36 tuổi, công dân TP, sinh lần 3, thai 38 tuần, chuyển dạ nên vào BV Trưng Vương sáng ngày 7.3. Lúc 19h40 BS khám thấy tim thai có dấu hiệu suy nên lập tức chỉ định mổ cứu con.

BS phẫu thuật phát hiện bên trái TC bầm tím, chảy rất máu nhiều - dấu hiệu vỡ TC, phải quyết định cắt TC, nhưng lại phát hiện thêm động mạch chậu trong vỡ, chảy máu. Kích hoạt báo động đỏ liên viện, các BS BV Chợ Rẫy, Hùng Vương và Viện huyết học - truyền máu khẩn trương có mặt trợ giúp.

Sản phụ phải truyền gần 4 lít máu mới cầm được máu; thai nhi 3,1kg được cứu sống. Đây là ca bệnh phức tạp, mất máu cấp từ hai vị trí, nhưng một trung tâm y tế lớn phải huy động đến bốn BV để cứu sống mẹ và thai cho thấy mức độ hiểm nghèo của vỡ TC, nhưng cũng thấy BV huyện Định Quán rất xứng đáng được khen ngợi.

Vỡ TC có thể do thầy thuốc (dùng thuốc tăng co tử cung không đúng, hút thai (vantoux), kéo thai cơ học (forcep), xoay thai... Tuy nhiên, những ca này (và sản phụ đang nằm viện), thầy thuốc đã phát hiện những bất thường thai, phụ hoặc tiên lượng trước về biến chứng của chỉ định hay thủ thuật, nếu có triệu chứng dọa vỡ hoặc vỡ sẽ kịp thời xử lý.

Sản phụ ở ngoại viện phải chú ý nguyên nhân hàng đầu gây vỡ TC là vết mổ cũ (mổ đẻ, bóc tách khối u xơ, mổ chữa dị dạng...); bóc rau nhân tạo cũ làm tổn thương lớp cơ TC; nạo phá thai; đẻ nhiều lần làm cơ TC nhão; dinh dưỡng kém làm cơ TC yếu; hiếm hơn là cơn co TC quá mạnh; lỗ thủng đã khâu do chấn thương; các khối u tiền đạo như u nang buồng trứng, u xơ TC, các khối u tiểu khung hoặc âm đạo cản đường thai xổ; TC dị dang hay kém phát triển; TC đôi; khung chậu hẹp hay méo; thai to toàn phần hay to đầu (não úng thủy); dị dạng; dính nhau; các ngôi thai bất thường, kiểu thế bất thường hoặc đầu thai cúi không tốt.

Vỡ TC hoàn toàn (80%) là rách cả ba lớp niêm mạc, cơ và màng ngoài, làm buồng TC thông với ổ bụng (thường ở thân TC). Vỡ không hoàn toàn là rách niêm mạc và cơ, còn màng ngoài (thường ở eo TC, tương ứng vùng ngắn trên khớp vệ). Vỡ TC phức tạp là rách lan sang bàng quang hoặc trực tràng.

Cần thận trọng trong thời kỳ mang thai và khi chuyển dạ

Vỡ TC khi mang thai thường xảy ra khi có sẹo mổ cũ, nhất là sẹo mổ ở thân TC hoặc bóc tách u xơ to hay phẫu thuật Strassmann (tạo hình tử cung dị dạng - hai sừng hay có vách ngăn); đôi khi do TC kém phát triển (TC nhỏ). Dạng này không có triệu chứng dọa vỡ hoặc vỡ điển hình nên thường không đề phòng. Ngược lại, vỡ TC lúc chuyển dạ trước khi vỡ bao giờ cũng có giai đoạn doạ vỡ, nếu phát hiện được sẽ chủ động xử trí kịp thời, không bị lâm vào tình huống hiểm nghèo.

Doạ vỡ TC thường đau quằn quại, cơn đau kéo dài và cường độ tăng dần. TC bị thắt lại ở đoạn dưới (tương ứng ngay bờ trên xương vệ), sờ thấy lõm, mỏng, ấn đau - gọi là vòng Bandl, làm TC có hình nậm (rượu) ngược. Các dây chằng tròn (bao quanh tử cung, khi có thai to và dày để giữ TC) sờ rõ và căng, đau như bị bóp chặt hay dao đâm hoặc kim châm khi thay đổi tư thế; hoặc cảm thấy đau khởi đầu từ sâu bên trong hai bẹn, lan lên trên và ra phía ngoài hai bên chậu hông. TC thắt lại và dây chằng tròn căng, đau (dấu hiệu Bandl -Frommel) nếu không xử trí sẽ vỡ TC. Vòng Bandl từ trên khớp vệ, dịch chuyển cao lên, thường khi đến rốn thì TC vỡ.

Nếu có dấu hiệu dọa vỡ tử cung rõ, mà sản phụ đau trội lên, kêu la dữ dội, lăn lộn, vã mồ hôi rồi đột ngột hết đau, dấu hiệu co TC cùng dấu hiệu Bandl-Frommel mất đi; biểu hiện choáng... là TC vỡ.

Để giảm thiểu những ca vỡ TC và chủ động can thiệp sớm khi có những bất thường phụ, thai, chỉ cần khám thai định kỳ đầy đủ.

 

Lạng Sơn: Hơn 500 người dân được khám, cấp phát thuốc miễn phí

http://suckhoedoisong.vn/lang-son-hon-500-nguoi-dan-duoc-kham-cap-phat-thuoc-mien-phi-n138586.html

Nhằm tri ân những người có công với cách mạng, gia đình hộ nghèo và nêu cao truyền thống “đền ơn đáp nghĩa”, ngày 18/11, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Y tế tới xã Vạn Linh (Chi Lăng, Lạng Sơn) thực hiện cấp phát thuốc, khám, tư vấn sức khỏe, tặng quà miễn phí cho hơn 500 người dân địa phương.

Xã Vạn Linh là một trong những địa phương xa xôi của tỉnh Lạng Sơn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn và không thường xuyên được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao. Chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát hiện, điều trị các loại bệnh, đảm bảo chất lượng “sống vui, sống khỏe” của người dân địa phương.

Qua trao đổi thông tin với Huyện đoàn Chi Lăng; Đoàn TNCS Bộ Y tế, trong đó nòng cốt là Chi đoàn TNCS Văn phòng Bộ Y tế đã phối hợp với Đoàn thanh niên tại địa phương thực hiện chuyến tình nguyện tại xã Vạn Linh ngày 18/11. Tham gia trong chuyến tình nguyện cấp phát thuốc, thăm khám, tặng quà miễn phí...cho người dân xã Vạn Linh có đông đảo đoàn viên đến từ các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Y tế và các đoàn viên là bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện Bạch Mai, Phổi TW, Mắt TW, Viện huyết học truyền máu TW,  Bệnh viện E và BV Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng.

Trong ngày 18/11, hơn 500 người dân thuộc đối tượng là người có công với cách mạng, gia đình khó khăn, hộ nghèo...tại xã Vạn Linh đã được các bác sĩ của các bệnh viện hàng đầu tuyến trung ương thăm khám, tư vấn về sức khỏe miễn phí. Trên cơ sở khám ban đầu, các y bác sĩ đã kê đơn thuốc cho người dân và đưa ra lời khuyên, người dân cần tới các trung tâm y tế, bệnh viện để kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ. Hàng trăm người dân bày tỏ niềm xúc động, cảm kích trước sự gần gũi, tận tình và nhiệt huyết của các đoàn viên thanh niên là y bác sĩ tham gia chuyến tình nguyện.

Qua hoạt động này, người dân xã Vạn Linh đã có thêm kiến thức, sự hiểu biết để tự chăm lo, đảm bảo sức khỏe và phòng tránh các loại bệnh vốn luôn tiềm ẩn trong cơ thể cũng như đến từ việc ăn uống, sinh hoạt thường ngày. Một số hình ảnh của các y bác sĩ, đoàn viên thanh niên Bộ Y tế trong chuyến thăm khám, cấp phát thuốc, quà miễn phí cho người dân xã Vạn Linh vừa qua:

 

Huyện Lang Chánh nâng cao chất lượng tiêm chủng mở rộng

http://baothanhhoa.vn/vn/xa-hoi/n178297/huyen-lang-chanh-nang-cao-chat-luong-tiem-chung-mo-rong

Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về tiêm chủng mở rộng nên nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Lang Chánh được nâng lên rõ rệt, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa.

Bác sĩ Hà Văn Tiệp, Trưởng Trạm Y tế xã Lâm Phú cho biết: Là xã vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, có bản cách xa trạm y tế xã hơn 20 km đường đèo dốc. Trước đây cán bộ y tế phải xuống tận bản để tổ chức tiêm lưu động, nhưng nay do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và để bảo đảm an toàn tiêm chủng giờ người dân trực tiếp xuống trạm để tiêm. Đặc biệt khi đến tiêm trẻ còn được các y, bác sĩ khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm để bảo đảm an toàn, được tư vấn kiến thức chăm sóc trẻ... nên đến nay tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn xã đạt 95%. Chị Lương Thị Tuyến, bản Poọng, xã Lâm Phú  chia sẻ: Được nhân viên y tế thôn đến nhà đưa giấy thông báo, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tiêm chủng đầy đủ cho con, rồi cộng tác viên tuyên truyền trên loa nên mình đã hiểu và đưa con về Trạm Y tế xã Lâm Phú để tiêm chủng phòng các bệnh cho con.

Trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lang Chánh, được biết: Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, việc nâng cao nhận thức trong vấn đề tiêm chủng là thách thức không nhỏ đối với ngành y tế huyện Lang Chánh. Để đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, trung tâm y tế huyện đã tích cực chỉ đạo các cán bộ y tế xã, y tế thôn, bản tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, lồng ghép chương trình tiêm chủng mở rộng với các chương trình chăm sóc sức khỏe khác, kết hợp vai trò của y tế thôn, bản với y tế xã giúp cho người dân từng bước hiểu được lợi ích của tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi để phòng bệnh cho trẻ. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản đã theo dõi sát tình hình thực tế, rà soát, quản lý tốt đối tượng ngay từ khi sinh, không để sót trẻ trong độ tuổi tiêm chủng (kể cả những trẻ ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh) để đến tuyên truyền cho cha mẹ trẻ hiểu đúng về lợi ích của việc tiêm chủng đối với sự phát triển của trẻ... Vì thế, trong những năm qua tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn huyện Lang Chánh được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não, sởi, lao) đạt trên 95%, góp phần giảm số trẻ mắc bệnh.

Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, ngành y tế huyện Lang Chánh đã tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc tiêm chủng. Cụ thể, cán bộ tiêm chủng được tập huấn về thực hiện các bước an toàn trong tiêm chủng nhằm nâng cao kỹ năng, nắm vững quy trình lẫn kinh nghiệm, xử lý kịp thời những tình huống xảy ra sau khi tiêm chủng. Hàng tháng vào các ngày tiêm chủng mở rộng, trung tâm y tế huyện tăng cường cán bộ cho các trạm y tế; công tác bảo quản vắc-xin được thực hiện an toàn tuyệt đối, đồng thời chuẩn bị các trang thiết bị, dụng cụ y tế như: Sổ theo dõi tiêm chủng, bơm kim tiêm sạch, hộp đựng an toàn, hộp chống sốc và thuốc cấp cứu, để điều trị kịp thời các trường hợp phản ứng sau khi tiêm chủng... Nhờ vậy, những năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra trường hợp trẻ bị tai biến sau khi tiêm.

 

Hàn Quốc đặt mức cảnh báo cao nhất sau khi phát hiện một ổ cúm gia cầm

https://www.vietnamplus.vn/han-quoc-dat-muc-canh-bao-cao-nhat-sau-khi-phat-hien-mot-o-cum-gia-cam/476098.vnp

Giới chức Hàn Quốc ngày 19/11 đã nâng cảnh báo dịch cúm gia cầm lên mức cao nhất sau khi phát hiện ổ nhiễm virus H5N6 tại một trang trại vịt ở khu vực Tây Nam nước này.

Đây là ổ dịch đầu tiên được phát hiện kể từ tháng Sáu vừa qua đến nay.

Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết sau khi phát hiện virus tại trang trại ở huyện Gochang này từ ngày 18/11, toàn bộ 12.000 con vịt đã bị tiêu hủy.

Bộ này cũng tiến hành các bước khử trùng nhằm kiểm soát nguy cơ lây lan của loại virus dễ lây truyền này và ban bố lệnh cấm vận chuyển gia cầm trên toàn quốc trong vòng 48 giờ, bắt đầu từ 0h ngày 19/11 tại Seoul.

Các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm thường xảy ra vào mùa Đông.

Năm 2016, Hàn Quốc đã phải đối mặt với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất, kéo dài hơn sáu tháng, dẫn đến đợt thiếu hụt nghiêm trọng thịt và trứng gia cầm song không xảy ra vụ lây nhiễm cúm gia cầm sang người nào./.

 

Sinh viên chế tạo robot châm cứu

http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/sinh-vien-che-tao-robot-cham-cuu-3906712-b.html

Một sinh viên ở Nanjing, tỉnh Jiangsu, Trung Quốc, đã thiết kế robot có thể thực hiện châm cứu như người.

Xu Tiancheng, sinh viên thuộc Trường ĐH Y học cổ truyền Nanjing, cho biết anh lấy cảm hứng từ Baymax, một robot chăm sóc sức khỏe trong phim hoạt hình ăn khách Big Hero 6. Robot châm cứu của anh có thể châm cứu chữa những chứng bệnh như mất ngủ, đau dạ dày, nhức mỏi cơ bắp, nghiện thuốc lá…

“Bố tôi là một chuyên gia về châm cứu. Tôi thường để ý ông làm việc ở bệnh viện và thấy rằng các chuyên gia châm cứu dù tài giỏi và chăm chỉ đến mức nào cũng chỉ điều trị tối đa 100 bệnh nhân mỗi ngày”, Xu nói, “Những con robot có thể giúp những nhà y thuật khỏi công việc mệt nhọc lặp đi lặp lại đến nhàm chán để họ tập trung tốt hơn vào các kế hoạch điều trị”.

Theo anh, mặc dù mỗi người có hình dáng cơ thể khác nhau, nhưng các huyệt đạo đều có cùng vị trí. Robot của anh có thể đo chiều cao và lớp mỡ dưới da của một người để tính toán độ sâu của kim khi tiến hành châm cứu.

Nó cũng có những cảm biến siêu âm trên “bàn tay” để ngăn chặn kim vào quá sâu so với tính toán. “Với sự giúp đỡ của các cảm biến lắp trong, robot có thể tính toán độ căng của bắp thịt nhằm tránh đau đớn cho bệnh nhân”, anh nói, “Chúng tôi cũng đã thiết kế 27.000 phương pháp điều trị bằng châm cứu để robot thực hiện”.

Xu Tiancheng thừa nhận các robot chưa được tin tưởng giao châm cứu những bộ phận chủ yếu của cơ thể như đầu, cổ và phần thắt lưng. Nhiều thí nghiệm hơn nữa cần được thực hiện trước khi đưa những người máy này thao tác chính thức trên bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã tiếp xúc với Xu nhằm hợp tác chế tạo robot này.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang