Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh ung thư
http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/ruou-bia-la-nguyen-nhan-hang-dau-gay-ra-cac-benh-ung-thu-505164
Thông tin trên được TS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của rượu bia và ung thư do Cục Y tế dự phòng phối hợp với Viện Nghiên cứu ung thư tổ chức ngày 19-4, tại Hà Nội.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (Who), hiện nay trên toàn cầu có khoảng 25 triệu người sống chung với bệnh ung thư và mỗi năm có khoảng hơn 11 triệu người mắc mới (5 triệu ở các nước phát triển và 6 triệu ở các nước đang phát triển). Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong đứng hàng đầu trên thế giới, chiếm 12% các trường hợp tử vong. Theo số liệu của WHO năm 2012, gánh nặng tử vong do ung thư chiếm hàng thứ 2 sau các bệnh tim mạch ở cả nam và nữ. Các bệnh ung thư là nguyên nhân của 18% số trường hợp tử vong trong cả nước. Ung thư gan, ung thư phổi và khí phế quản, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng nằm trong số 20 nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Theo kết quả điều tra STEPs, năm 2015 Việt Nam có khoảng 77,3% số nam giới và 11% nữ giới hiện tại đang sử dụng rượu bia ( tức là uống trong vòng 30 ngày qua), tỷ lệ chung cho cả 2 giới là 43,8%. Có 44,2% số nam giới và 1,2% nữ giới uống ở mức nguy hại (trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 6 đơn bị cồn trở lên); 45% số người sử dụng rượu bia điều khiển các phương tiện cơ giới sau khi uống...
Phát biểu tại hội thảo, TS Trương Đình Bắc cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... Các bệnh này chiếm tới 73% tổng số ca tử vong do các nguyên nhân và chiếm tới 66% tổng gánh nặng bệnh tật. Trong đó, rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các loại bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư. Đặc biệt, rượu bia là chất gây ra 7 loại ung thư đối với con người như: Ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Người uống rượu bia ở mức độ nào thì cũng có nguy cơ gây ung thư; uống càng nhiều thì nguy cơ ung thư càng tăng.
Cũng theo TS Trương Đình Bắc, hiện lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam rất cao, cao nhất khu vực Đông Nam Á sau Nhật Bản và Trung Quốc. Tại Việt Nam nam giới uống trung bình 27,4 lít trên/năm; Đông Nam Á 23,1 lít, Tây Thái Bình Dương 15 lít, châu Âu 16 lít. Tổng lượng rượu tiêu thụ trong năm tại Việt Nam mỗi năm là 200 triệu lít, hơn 3 tỷ lít bia. Đặc biệt, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu bia trước tuổi 15 thì có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người 21 tuổi mới uống như: Khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần; khả năng tham gia bạo lực sau khi uống cao gấp 6 lần; khả năng tai nạn xe cộ do uống rượu bia cao gấp hơn 6 lần; khả năng bị chấn thương cao gấp gần 5 lần… “Rượu bia được buôn bán rất dễ dàng, giá rẻ, dễ mua ai cũng có thể mua và mua ở bất kỳ ở thời gian nào trong ngày... Trong khi nhận thức tác hại của rượu bia đối với sức khỏe của con người chưa cao dẫn tới mất khả năng kiểm soát”, TS Trương Đình Bắc nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Thanh Hương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư, ở Việt Nam ước tính mỗi năm có 100.000-150.000 trường hợp mới mắc và khoảng 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Ước tính đến năm 2020 Việt Nam sẽ có tối thiểu 189.344 ca ung thư mắc mới. Đặc biệt có rất nhiều nhóm gây ra các bệnh ung thư như: Nhóm các tác nhân hóa học đó là khói thuốc lá, hoá chất bảo vệ thực vật, chất độc màu da cam (dioxin), hoá chất sử dụng trong công nghiệp. Nhóm các tác nhân vật lý đó là tia X, tia cực tím. Nhóm các tác nhân sinh học đó là nhiễm vi-rút Epstein-Barr, vi-rút viêm gan B, vi-rút gây u nhú ở người (HPV). Nhóm nguy cơ liên quan đến lối sống như ít vận động thể lực. Nhóm yếu tố liên quan đến con người như tuổi, giới tính, gen đi truyền và Nhóm tác nhân liên quan tới ăn uống như uống rượu, bia, chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm.
Thời gian qua, các vụ ngộ độc do rượu có hàm lượng methanol cao đều do người tiêu dùng sử dụng rượu sản xuất, kinh doanh không rõ nguồn gốc; do tự ngâm động vật, thực vật độc để uống; do gian lận thương mại, đặc biệt là tình trạng sử dụng methanol làm tăng nồng độ cồn trong rượu. Chính vì vậy, công tác phòng chống ngộ độc do rượu, rượu có hàm lượng methanol cao cần được triển khai đồng bộ, quyết liệt và thường xuyên, hiệu quả. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng methanol cao; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt. Người dân không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên; không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, quá 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần. Đặc biệt, phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên uống rượu; trẻ em dưới 18 tuổi không uống rượu bia.
Vừa dứt lao phổi, người bệnh lại ho ra máu
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/vua-dut-lao-phoi-nguoi-benh-lai-ho-ra-mau-696654.html
Ngày 19-4, Bệnh viện (BV) Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) cho biết nơi đây vừa điều trị thành công tình trạng ho ra máu lâu ngày cho ông NMC (56 tuổi, ở huyện Củ Chi, TP.HCM).
Trước đó, BV tiếp nhận ông C. trong tình trạng mệt mỏi, sức khỏe suy kiệt. Ông C. cho biết ông bị ho ra máu lâu ngày do biến chứng của giãn phế quản thùy trên và giữa phổi phải. Chưa hết, ông từng bị bệnh lao phổi kèm theo đái tháo đường.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm, nội soi, bác sĩ (BS) xác định ông C. có biến chứng giãn phế quản khu trú thùy trên và máu chảy ra từ đây mỗi khi ông C. ho. Do đó, ông C. cần được phẫu thuật sớm nhằm tránh nguy cơ ho ra máu ồ ạt gây nghẽn đường thở, dễ dẫn đến tử vong.
Các BS đã phẫu thuật mở ngực bên phải và lồng ngực ở gian sườn số bốn bên phải. Sau khi kiểm tra, các BS ghi nhận tình trạng tổn thương giãn phế quản cả thùy trên lẫn thùy giữa phổi phải.
Sau ca phẫu thuật hai giờ, hiện sức khỏe ông C. đã ổn định. Một BS khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực BV Đa khoa Xuyên Á khuyến cáo nếu bệnh nhân có những bệnh lý kèm lao phổi cũ nên đến BV kiểm tra sức khỏe thường xuyên để được kịp thời phát hiện những bệnh lý bất thường và điều trị sớm.
Hà Nội: Thêm một người ngộ độc rượu methanol
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/867021/ha-noi-them-mot-nguoi-ngo-doc-ruou-methanol
Ngày 19-4, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm một bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp), nâng tổng số trường hợp bị ngộ độc rượu từ tháng 2 đến nay lên 31 người, trong đó có 3 người tử vong.
Được biết, bệnh nhân là anh Đỗ Tấn M. (40 tuổi ở Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai)lúc 23h ngày 15-4 trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, mắt nhìn mờ. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân cho thấy, hàm lượng methanol là 98,2 mg/dL. Trong khi, nồng độ methanol trong máu >20 mg/dL là ngộ độc, nếu >40 mg/dL là tình trạng ngộ độc rất nặng.
Theo gia đình bệnh nhân, trước khi nhập viện, anh M. uống 500 ml rượu trắng mua tại nhà ông Ca, bà Dậu (ở thôn Bá Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại viện Bạch Mai trong tình trạng tỉnh táo nhưng người mệt mỏi, mắt nhìn mờ.
Ngay sau sự việc, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế, Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng và huyện Đan Phượng làm việc với UBND phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) và UBND xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) nắm bắt tình hình bệnh nhân và tổ chức kiểm tra cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống có bán rượu liên quan đến bệnh nhân, truy xuất nguồn gốc rượu.
*Cùng ngày, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Thanh Trì về vấn đề an toàn thực phẩm và rượu.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn huyện Thanh Trì, tại đây có 856 hộ sản xuất, kinh doanh rượu. Trong số 266 hộ sản xuất rượu mới chỉ có 19 hộ có đăng ký kinh doanh, 3 cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, 2 hộ có giấy phép sản xuất rượu thủ công.
Trong số 590 hộ kinh doanh rượu, có 103 hộ có đăng ký kinh doanh, 1 hộ có giấy phép kinh doanh rượu. Các đoàn kiểm tra của huyện đã nhắc nhở gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh bán lẻ rượu, trong đó xử lý 15 cơ sở với số tiền gần 42 triệu đồng, tịch thu hơn 1500 lít rượu không nguồn gốc, tiêu huỷ hơn 1.000 lít rượu.
Tiêu hủy các sản phẩm của 'Ngọc Linh Tinh hoa núi rừng Việt"
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum cho biết đang hoàn thiện các hồ sơ pháp lý để xử phạt Cửa hàng kinh doanh rượu sâm Ngọc Linh Tinh hoa núi rừng Việt (địa chỉ số 941, đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum) do chưa có đủ hồ sơ pháp lý trong kinh doanh.
Trước đó, trong ngày 17/4, khi kiểm tra đột xuất cửa hàng trên, lực lượng chức năng phát hiện nhiều mặt hàng được chủ cửa hàng giới thiệu là các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như rượu, cốm, cao, trà sâm; trong đó có 48 hũ thủy tinh chứa cốm sâm không có tên, nhãn mác, 10 hũ cao sâm, 18 bình chứa rượu ngâm củ sâm, dung tích 3,5 lít/hũ, 16 bình thủy tinh chứa rượu ngâm củ sâm (được giới thiệu là củ sâm Ngọc Linh)...
Tất cả các sản phẩm này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tổng giá trị các sản phẩm hơn 289 triệu đồng (theo đơn giá cửa hàng bán). Đây là lần đầu tiên tỉnh Kon Tum phát hiện một cửa hàng kinh doanh các sản phẩm được giới thiệu là sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh có quy mô lớn.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy chủ cửa hàng trên đã kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có giấy phép bán lẻ rượu, không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm...
Theo ông Lê Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum, toàn bộ số sản phẩm trên của cửa hàng đã bị cơ quan chức năng tịch thu và sẽ phải tiêu hủy. Cửa hàng kinh doanh rượu sâm Ngọc Linh Tinh hoa núi rừng Việt phải tạm dừng kinh doanh.
Trong thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh các sản phẩm được giới thiệu là từ sâm Ngọc Linh.
Hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hai doanh nghiệp chuyên trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích trên 300ha (chưa kể diện tích cây sâm do dân trồng). Tuy nhiên, số diện tích trên chủ yếu để bảo tồn, nhân giống mở rộng diện tích.
Hiện, các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh được trồng trên địa bàn vẫn chưa được các doanh nghiệp bán ra thị trường./.
Nguy hại kinh hoàng từ thói quen uống nước vào mùa hè
http://laodongxahoi.net/nguy-hai-kinh-hoang-tu-thoi-quen-uong-nuoc-vao-mua-he-1306402.html
Nguy hại kinh hoàng từ thói quen uống nước vào mùa hè - ai muốn khỏe mạnh cần biết ngay!
Uống nước nhiều vào mùa hè rất tốt cho sức khỏe nhưng uống nước sao cho đúng cách không phải ai cũng biết. Cùng xem những sai lầm trong cách uống nước hàng ngày bạn có thể mắc phải nào.
Uống quá nhiều nước đá
Có thể nói mùa hè nắng nóng nên những thứ đồ giải khát có đá khiến con người cảm thấy "rất đã". Tuy nhiên hãy uống ít nước đá thôi, nếu khôngsức khỏecủa bạn sẽ bị ảnh hưởng nhiều đấy.
Uống nhiều đá lạnh sẽ là nguy cơ tiềm ẩn của nhiều loại bệnh mãn tính như: viêm mũi dị ứng, suyễn, thấp khớp, huyết áp … Chưa kể, chất lượng đá tại các cửa hàng cũng không hẳn đã an toàn. Dù bạn có tự làm đá tại gia thì nó cũng chưa chắc đã sạch và không có vi khuẩn. Đối với trẻ em, các bé thường rất thích uống nước đá, tuy nhiên, bố mẹ cần phải hạn chế điều này bởi nước đá sẽ khiến bé rất dễ ốm yếu.
Uống nước ngay sau khi vận động
Sau khi vận động, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi nên bạn cảm thấy rất khát nước. Tuy nhiên, việc bạn uống nước ngay sau khi vận động sẽ gây loãng máu. Mặt khác, lúc nàytimđang phải hoạt động cật lực để bơm máu đi khắp cơ thể, hiện tượng loãng máu sẽ gây những hậu quả nguy hiểm.
Uống quá nhiều nước lọc
Mặc dù mùa hè cần một lượng nước nhiều hơn so với mùa đông tuy nhiên uống quá nhiều nước lại gây quá tải cho da trong việc thải các sản phẩm chuyển hóa, máu loãng ra và làm tăng gánh nặng cho tim. Mỗi ngày, dù nóng đến đâu bạn cũng chỉ nên uống khoảng 2 lit nước lọc. Chú ý uống đúng cách, không uống quá nhiều một lúc.
Uống nhiều nước khi khát
Lười uống nước nhưng khi khát lại uống rất nhiều là "bệnh" của khá nhiều người, đặc biệt là những người làm việc văn phòng ngại đi lại. Việc làm tăng khối lượng nước trong cơ thể một cách đột ngột sẽ làm loãng máu, tăng gánh nặng cho hoạt động của hệ tuần hoàn và tim, giảm hiệu suất lao động, làm việc. Bạn nên chia nhỏ các lần uống. Không cần phải đợi khát mới uống, và nên chú ý khi khát cũng chỉ nên uống một cách từ từ. Uống nước quá nhanh trong khi khát có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt cho tim mạch.
Loại ung thư khiến nhiều người nhầm bệnh... trĩ
http://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/loai-ung-thu-khien-nhieu-nguoi-nham-benh-tri-c62a868895.html
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư đứng thứ 5 trong nhóm bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến với tỷ lệ tử vong cao. Trong khi bệnh nhân thường đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, chủ quan nghĩ những biểu hiện lâm sàng trước đó là nguyên nhân từ bệnh trĩ gây nên.
Tá hỏa khi biết bị ung thư đại tràng
Mấy năm trước chị Mai Thị Thơm (ở Hà Nam) thấy đi tiểu ra máu, đi nội soi trực tràng chị được bác sỹ xác định bị trĩ nội độ 2. Bác sĩ kê đơn thuốc về khuyên chị ăn nhiều chất xơ. Từ đó đến nay bệnh không bao giờ tái lại nên đợt này thấy đi ngoài ra máu chị nghĩ do thời tiết nóng, ăn nhiều đồ nhiệt nên bệnh trĩ tái phát.
Ngại đi khám, chị vừa tự mua thuốc kết hợp thêm uống nước rau diếp cá để cải thiện tình hình táo bón, tránh bệnh trĩ tái phát. Dù vậy, cả tuần liền áp dụng chị vẫn không thấy đỡ và đi ngoài ra máu tươi nhiều hơn, cân nặng sụt bất thường vì mệt mỏi, chán ăn. Không thể chịu đựng được nữa, chị mới đến viện kiểm tra. Sau khi làm nội soi tiêu hóa, bác sỹ phát hiện chị có khối u ở đại tràng khuyên chị sang bên Bệnh viện K theo dõi. Tại đây khi nội soi lại và sinh thiết tế bào, chị mới tá hỏa khi biết mình bị ung thư.
Cũng nghĩ mình bị bệnh trĩ nên ông Nguyễn Văn Phú, ở Quốc Oai (Hà Nội) đã phát hiện bệnh ung thư muộn. Trước đó, hơn hai tuần ông Phú thường đi ngoài lỏng, thậm chí còn phát hiện có máu tươi ra ngoài cùng phân và đau bụng. Uống thuốc không thuyên giảm lại thấy cơ thể xanh xao, sụt cân nhanh, rối loạn tiêu hóa lúc táo bón, lúc tiêu chảy vẫn kèm theo máu ông mới vào viện. Lúc này, bệnh ung thư đại trực tràng của ông đã ở giai đoạn muộn. Để kéo dài thêm sự sống, bác sĩ khuyên ông làm làm phẫu thuật ngay.
TS.BS cao cấp Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết, hơn 70% trường hợp phát hiện ung thư đại trực tràng khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, khó có thể cứu chữa. Nhiều bệnh nhân khi xuất hiện các dấu hiệu ung thư đại trực tràng ở giai đoạn đầu thường bỏ qua và cho rằng những triệu chứng có thể tự khỏi sau một thời gian không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Một số khác lại cho rằng, những biểu hiện đi ngoài ra máu, rối loạn tiêu hóa, có ngày bị táo bón ngày lại đi lỏng kiểu tiêu chảy là dấu hiệu của bệnh trĩ, rối loạn tiêu hóa do ăn uống.
Bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng đều có dấu hiệu đại tiện ra máu. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh trĩ chảy máu sau khi đi đại tiện, lượng máu thay đổi lúc nhiều lúc ít, máu và phân không bị lẫn vào nhau, khi đại tiện có cảm giác đau, rát khó chịu ở hậu môn. Ung thư đại trực tràng lượng máu chảy ra ít hơn và máu, dịch, mủ ra cùng phân có kèm các triệu chứng đau bụng, vùng bụng căng tức, chán ăn, mệt mỏi.
Hơn nữa, bệnh cũng do thói quen ăn uống không khoa học như ăn nhiều thực phẩm cay, nóng, ăn quá nhanh hoặc ít rau xanh làm tổn thương dạ dày, thói quen vệ sinh thay đổi. Với ung thư đại tràng còn có nguyên nhân khác là có yếu tố tuổi tác, di truyền, mắc bệnh polyp đại tràng…
Phát hiện sớm, bệnh điều trị dễ dàng hơn
Chia sẻ tại buổi tọa đàm Ung thư đại tràng mới được tổ chức do Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt phối hợp với Hội đồng Du lịch Y tế Malaysia, BS Lam Kai Seng-chuyên gia tư vấn ung thư (Bệnh viện Pantai Kuala Lumpur, Malaysia) cho biết, trước đây phần lớn ca mắc ung thư đại trực tràng thuộc nhóm những quốc gia có nền kinh tế phát triển ở châu Âu. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, bệnh có xu hướng tăng nhanh ở nhiều nước châu Á và đang ngày càng trẻ hóa khi nhiều người bị ở độ tuổi còn trẻ. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây, trên toàn thế giới mỗi năm có khoảng 11 triệu ca mắc mới và gần 7 triệu ca tử vong do ung thư đại trực tràng.
Hiện nay chưa có một tài liệu chính xác nào khẳng định chắc chắn nguyên nhân nào gây ra căn bệnh nguy hiểm này. Hầu hết nguyên nhân liên quan đến sự thay đổi vật liệu di truyền (ADN) trong tế bào, lối sống thiếu khoa học của con người. Một trong số đó là thói quen ăn thực phẩm bẩn, ăn không cân bằng dưỡng chất (bổ sung quá nhiều thịt đỏ, thiếu chất xơ), lười vận động, thói quen hút thuốc lá, mắc bệnh béo phì hay tiểu đường tuýp 2, người cao tuổi hoặc những trường hợp từng mắc viêm đại tràng và không điều trị đúng cách nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.
Theo các chuyên gia, căn bệnh gây chết người phổ biến trên thế giới này hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tỷ lệ sống còn khi mắc ung thư đại trực tràng phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh. Nếu phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi bệnh có thể lên tới 85%. Ước tính có hơn một nửa số ca ung thư đại trực tràng có thể phòng ngừa bằng cách sàng lọc soi đại tràng thường quy để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hoặc phát hiện và cắt bỏ các polyp.
Điều quan trọng là người dân nên tiến hành kiểm tra sức khỏe, nội soi một lần/năm. Với những người nằm trong nhóm có nguy cơ cao như trong gia đình có một hoặc nhiều người thân được chẩn đoán ung thư đại trực tràng nên làm kiểm tra sớm hơn, thường xuyên hơn.
Hiện nay các xét nghiệm phát hiện ung thư sớm như xét nghiệm phân tìm máu ẩn, nội soi đại tràng, các phương pháp để phát hiện polyp khác bao gồm nội soi đại tràng sigma bằng ống mềm, nội chụp đối quang kép có thụt đại tràng bơm baryt cản quang và nội soi ảo đại tràng…
10 thực phẩm mới chống ung thư mạnh mẽ nên ăn hằng ngày
Căn bệnh ung thư với hơn 100 loại ung thư đang đe dọa hàng triệu người trên thế giới. Tuy vậy, cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra cách trị tận gốc căn bệnh này trong khi các phương pháp điều trị y khoa đều có những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Do đó, để hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh thì phòng ngừa vẫn là điều quan trọng nhất. Bạn có thể làm điều đó dễ dàng bằng việc chỉ cần thêm các thực phẩm sau vào chế độ ăn hàng ngày.
1. Tiêu lốp (tiêu dài, tiêu thất, tiêu lá tim)
Các nhà khoa học Mỹ đã khám phá ra tiêu lốp có chứa một loại hóa chất tên là piperlongumine (PL) có khả năng chống ung thư. Chất này có thể chống lại nhiều bệnh ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, vú, phổi, ruột kết, ung thư hạch, bệnh bạch cầu, não nguyên phát, dạ dày...
Tiêu lốp thường được sử dụng ở Ấn Độ như một loại gia vị, có khả năng giúp tái tạo tế bào, nội tạng, gien. Ở Việt Nam, loại gia vị này được biết đến với các tên gọi tiêu dài, tiêu thất, tiêu lá tim...
2. Táo
Táo chứa quercetin, epicatechin, anthocyanins và triterpenoids có tính kháng sưng viêm, chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
Vỏ táo là phần bổ dưỡng nhất vì chứa đến 80% quercetin. Táo còn có thể kháng ung thư phổi, vú, dạ dày.
3. Việt quất
Việt quất có tính chống oxy hóa mạnh vì chứa các chất phytochemical và flavonoids như anthocyanins, acid ellagic và urolithin. Chúng có khả năng làm giảm tổn hại ADN do các gốc tự do gây ung thư, đồng thời làm giảm sự phát triển, kích thích tự diệt của các tế bào ung thư miệng, vú, ruột kết.
4. Bông cải xanh, bắp cải, cải xoăn, súp lơ
Chất glucosinolates trong các loại rau này chuyển thành isothiocyanates và indoles khi ăn vào, làm giảm sưng viêm dẫn tới ung thư. Beta-carotene trong những thực phẩm này còn giúp các tế bào liên lạc, kiểm soát tế bào phát triển bình thường.
5. Quả anh đào
Anh đào ngọt hay chua đều chứa chất xơ, vitamin C, kali. Chất anthocyanins tạo màu đỏ có tính chống oxy hóa.
6. Nam việt quất
Giàu chất xơ và vitamin C, anthocyanins, proanthocyanidins, ursolic acid, benzoic acid và hydroxycinnamic acid có tính chống oxy hóa. Proanthocyanidins và ursolic acid làm giảm sự phát triển, trừ diệt các tế bào trong một vài loại ung thư.
7. Bưởi
Bưởi chứa naringenin và các chất flavonoids như limonin, limonoids, beta-carotene và lycopene giúp giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến.
8. Trà xanh
Cả trà xanh lẫn trà đen đều chứa nhiều chất có lợi như polyphenols và flavonoids chống oxy hóa.
Catechins trong trà có khả năng chống ung thư mạnh, trà xanh chứa nhiều chatechins gấp ba lần trà đen. Trà xanh có khả năng làm chậm hoặc hoàn toàn ngăn chặn ung thư phát triển ở ruột già, gan, vú và tuyến tiền liệt, phổi, da, hệ tiêu hóa.
9. Bí ngô
Chứa alpha và beta carotene chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể. Chất tạo màu vàng lutein, zeaxanthin giúp thanh lọc tia cực tím mạnh làm hại mắt, võng mạc.
Nghiên cứu cho thấy ăn bí ngô thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ ung thư da.
10. Quả óc chó
Những chất có tác dụng kháng ung thư trong quả óc chó là elligtannins, gamma-tocopherol, alpha-linolenic acid, phytosterols và melatonin.
Nghiên cứu cho thấy ăn thường xuyên loại hạt này giúp phòng ung thư vú, ruột, tuyến tiền liệt, ngoài ra còn giảm tổn hại ADN nói chung.
Phẫu thuật cứu người đàn ông nguy cơ tử vong vì ho ra máu
http://toquoc.vn/y-te/phau-thuat-cuu-nguoi-dan-ong-nguy-co-tu-vong-vi-ho-ra-mau-235920.html
Nội soi phế quản của người đàn ông 56 tuổi, bác sĩ nhận thấy máu tươi chảy ra từ phế quản thùy trên. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân ho ra máu, nếu không được phẫu thuật sớm có thể ho ra máu ồ ạt gây nghẽn đường thở, thậm chí tử vong.
Hôm nay (19/4), Bệnh viện Xuyên Á (TP.HCM) đã phẫu thuật thành công, điều trị tình trạng ho ra máu lâu ngày do biến chứng của giãn phế quản thùy trên và giữa phổi phải cho bệnh nhân N.M.C. (56 tuổi, ngụ tại Xã Tân Thạnh Tây, H. Củ Chi,TP Hồ Chí Minh).
Ông C. có bệnh lao phổi cũ kèm theo đái tháo đường, đã điều trị nội khoa nhưng không có kết quả. Bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, sức khỏe suy kiệt.
Qua thăm khám và các xét nghiệm, bác sĩ đã xác định bệnh nhân có biến chứng giãn phế quản khu trú thùy trên. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân ho ra máu. Do đó, bệnh nhân cần được phẫu thuật sớm nhằm tránh nguy cơ ho ra máu ồ ạt gây nghẽn đường thở, thậm chí tử vong.
Bệnh nhân sau đó đã được gây mê nội khí quản, kiểm soát đường thở. Ê-kíp bác sĩ đã tiến hành mở ngực bên phải vào lồng ngực ở gian sườn IV bên phải. Kiểm tra thấy tổn thương giãn phế quản cả thùy trên và thùy giữa phổi phải, nhu mô phổi vôi, viêm nhiễm rõ ở cả hai thùy, đông đặc và xơ nhu mô.
Các bác sĩ quyết định cắt thùy trên và thùy giữa phổi phải điển hình, khâu mỏm cắt phế quản thùy trên và giữa, khâu nhu mô phổi thùy dưới, khâu cầm máu các mỏm cắt động mạch phổi và tĩnh mạch phổi thùy trên, giữa. Sau đó, tiến hành cầm máu thành ngực, đặt 2 dẫn lưu, đóng ngực theo các lớp.
Sau 2 giờ, ca mổ diễn ra thành công tốt đẹp, hiện tại tình trạng bệnh nhân đã ổn định.
Nỗ lực hồi sinh người đàn ông nhiều lần chết đi sống lại
Bệnh nhân đã nhiều lần ngưng tim ngưng thở, được bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất nỗ lực đưa từ cõi chết trở về.
Người đàn ông 60 tuổi sức khỏe đang bình thường thì đột nhiên chóng mặt, ngất xỉu, ngưng tim ngưng thở và được đưa vào phòng khám gần nhà cấp cứu. Khi có dấu hiệu sự sống, bệnh nhân trên đường được chuyển vào Bệnh viện Thống Nhất thì trái tim lại tiếp tục ngừng đập, hơi thở tắt hẳn.
Không đành lòng buông xuôi, các bác sĩ khoa cấp cứu đã nỗ lực dùng thuốc kích tim, nâng huyết áp, đánh sốc điện, ép tim, đặt ống thở để đưa bệnh nhân một lần nữa từ cõi chết trở về. Tiến sĩ Hoàng Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất cho biết nhờ cấp cứu hiệu quả, kịp thời và tích cực nên bệnh nhân từ trạng thái “ngưng tim ngưng thở” đã trở lại tỉnh táo, nói chuyện được vào hôm sau. Tuy nhiên vài giờ sau ông lại liên tục lên cơn vật vã, khó thở.
“Diễn tiến ca bệnh vô cùng cam go bất thường. Bệnh nhân nhiều lần sống đi chết lại, vừa tỉnh táo tự thở được, rút ống nội khí quản vài giờ thì lại rơi vào suy hô hấp”, bác sĩ Quang chia sẻ. Song song với điều trị phù phổi cấp, các bác sĩ phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh cảnh có liên quan đến hội chứng mạch vành cấp nên đã tiến hành hội chẩn cùng bác sĩ tim mạch. Quy trình chụp và can thiệp mạch vành cấp được triển khai gấp rút cho bệnh nhân.
Phó giáo sư Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, phụ trách khối Tim mạch can thiệp cho biết kết quả kiểm tra ghi nhận bệnh nhân có tổn thương mạch vành nặng nề ở cả 2 nhánh hai bên phải và trái. Nhánh mạch vành bên phải lớn, hẹp khít lan tỏa đoạn giữa. Động mạch vành trái hẹp nặng đe dọa ngay đoạn gần nhánh liên thất trước lớn. Bệnh nhân được can thiệp đặt stent để mở dòng chảy 2 nhánh của mạch vành trái.
“Do can thiệp trong bệnh cảnh nguy kịch, bệnh nhân vẫn suy hô hấp, thở máy, huyết động không ổn định nên phải duy trì song song 2 ê kíp”, bác sĩ Dũng nói. Một kíp bác sĩ lo hồi sức về tuần hoàn hô hấp, hỗ trợ thở, nâng huyết áp bệnh nhân để một kíp khác tiến hành đặt stent. Vượt qua ca can thiệp nhiều thử thách, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục đi đứng khỏe mạnh, không còn khó thở thất thường.
Theo bác sĩ Dũng, ở những bệnh nhân ngưng tim ngưng thở, đột tử sau khi được cứu sống lại, luôn phải nghĩ đến một trong những nguyên nhân chính là bệnh động mạch vành. Một số bệnh nhân trước đó hoàn toàn không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ không điển hình. Chỉ khi phát hiện và giải quyết được nguyên nhân gốc rễ thì tính mạng bệnh nhân mới không bị tiếp tục đe dọa và an toàn thật sự.
Đánh chửi bác sĩ để ép họ cứu chữa tốt hơn là thiếu thông minh
http://danviet.vn/y-te/danh-chui-bac-si-de-ep-ho-cuu-chua-tot-hon-la-thieu-thong-minh-763057.html
Đây là nhận định của tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 19.4, về hàng loạt vụ bạo hành bác sĩ diễn ra trong thời gian gần đây.
Trước việc người nhà, bệnh nhân đánh chửi nhân viên y tế với lý do thấy bác sĩ chậm trễ điều trị, điều trị không hiệu quả nên muốn đe dọa để họ phải sợ, phải cứu chữa tốt hơn, TS. Hùng đánh giá: “Đây là điều hết sức thiếu minh mẫn. Vì về mặt quan hệ xã hội thì không có lĩnh vực nào mà người ta lại đánh người mình đang cầu cạnh, mong muốn họ đối xử tốt hơn với mình. Các cụ đã dạy “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, phải chăng với bác sĩ cũng nên tôn trọng, yêu quý thì mới mong được chữa trị tốt”.
Theo TS Hùng, khi nhân viên y tế bị đánh, chửi, họ bức xúc, mệt mỏi, thậm chí bị thương tích thì không thể khám chữa bệnh tốt được, hệ số an toàn của khám chữa bệnh sẽ bị giảm sút. Bác sĩ sẽ phải vừa khám bệnh vừa đề phòng bị đánh, hoặc căng thẳng, chán ghét vì bị xúc phạm danh dự thì sẽ không có sự tỉnh táo trong điều trị. Đó có thể là lý do xảy ra tai biến y khoa.
TS Hùng so sánh, một hành khách đi máy bay nếu có thái độ xúc phạm nhân viên hàng không đã có thể bị cấm bay, phạt hành khách rất nặng, thậm chí là cấm bay vĩnh viễn. Một người dân nếu không hợp tác với công an có thể bị truy tố vì tội chống thi hành công vụ. Một nhân viên y tế đang điều trị cho bệnh nhân cũng được coi là đang làm nhiệm vụ tại sao bị đánh chửi mà người đánh chửi lại không bị phạt vì tội “chống thi hành công vụ”?
“Ra sân bay nếu không thực hiện các quy định của sân bay, không có giấy tờ thì đừng hòng lên máy bay nhưng tại sao đến bệnh viện, không mang giấy tờ, không thực hiện đúng quy trình lại cứ đòi “bác sĩ nhân nhượng em”. Còn nếu bác sĩ không thực hiện yêu cầu vô lý là chống đối, mắng chửi. Không thể nào chấp nhận chuyện vô lý như vậy” – TS Hùng bức xúc.
Bác sĩ Phạm Vũ Thiên – Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số thì thẳng thắn bày tỏ sự bất bình: “Không có xã hội nào, ngành nào mà người bị đánh chửi lại vẫn phải nhẫn nhịn quay sang phục vụ người đánh chửi mình như vụ việc các bác sĩ bị đánh chửi ở Việt Nam. Bác sĩ cần có quyền từ chối điều trị cho những kẻ đe dọa tính mạng, nhân phẩm bác sĩ như vậy”.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thiên, hiện tại các quy định khám chữa bệnh, các văn bản y tế lại hầu như ép nhân viên y tế phải điều trị cho bệnh nhân trong bất cứ trường hợp nào, không có quyền từ chối khám chữa bệnh với bất cứ ai, cho dù đối tượng đó vừa đe dọa, buông lời xúc phạm mình, thậm chí là đánh đập. Và cũng chưa có văn bản nào quy định, người mắng chửi nhân viên y tế bị buộc phải ra khỏi bệnh viện. Do đó, bác sĩ vẫn căng mình chịu đựng sự bạo hành của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mà không dám có hành vi nào để bảo vệ mình.
“Thật bất bình khi bệnh nhân mắng chửi, gây khó khăn cho nhân viên y tế thì được bỏ qua mà nếu có nhân viên y tế nào không kiềm chế nổi cơn nóng nảy “vặc” lại bệnh nhân thì y như rằng sẽ bị dư luận “ném đá”, bị lãnh đạo xử phạt. Đó là mối quan hệ không công bằng” – bác sĩ Thiên nói.
Trong quá trình thực hiện dự án về tăng cường truyền thông trong y tế, bác sĩ Thiên nhận thấy, hiện nay, việc chăm sóc tâm lý cho bác sĩ đang bị bỏ trống. “Thăm dò ý kiến của 45 bác sĩ thì có đến 28-29 bác sĩ cho biết, họ đã từng trải qua cảm xúc sợ hãi, mệt mỏi, căng thẳng, chán nản trong công việc. Một trong những mối lo đó là mệt mỏi vì người nhà bệnh nhân và bệnh nhân có thái độ hỗn hào, xúc phạm, thậm chí đe dọa. Do đó, cần phải có những quy định chặt chẽ để bảo vệ nhân viên y tế khỏi sự xúc phạm của bệnh nhân và người nhà. Đồng thời, ngành y tế cũng cần quan tâm hơn đến tâm lý của nhân viên y tế” – bác sĩ Thiên cho biết.
Bệnh viện Xuyên Á: Phẫu thuật thành công giãn phế quản sau lao phổi
Ngày 19-4, Bệnh viện Xuyên Á (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật Tim Mạch – Lồng Ngực của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công điều trị tình trạng ho ra máu lâu ngày do biến chứng của giãn phế quản thùy trên và giữa phổi phải cho bệnh nhân N.M.C. (56 tuổi, ngụ tại xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh).
Ông C từng bị bệnh lao phổi kèm theo đái tháo đường, đã điều trị nội khoa nhưng không có kết quả. Bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, sức khỏe suy kiệt. Qua thăm khám, xét nghiệm chi tiết và hình ảnh chụp MSCT 160 lát, các bác sĩ đã xác định bệnh nhân có biến chứng giãn phế quản khu trú thùy trên. Nội soi phế quản có máu tươi chảy ra từ phế quản thùy trên. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân ho ra máu, cần được phẫu thuật sớm nhằm tránh nguy cơ nghẽn đường thở dẫn đến tử vong.
Các y, bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim Mạch – Lồng Ngực trực tiếp thực hiện ca mổ. Bệnh nhân được gây mê nội khí quản, kiểm soát đường thở, sau đó tiến hành phẫu thuật cắt thùy trên và thùy giữa phổi phải điển hình, khâu mỏm cắt phế quản thùy trên và giữa, khâu nhu mô phổi thùy dưới, khâu cầm máu các mỏm cắt động mạch phổi và tĩnh mạch phổi thùy trên, giữa; cầm máu thành ngực, đặt 2 dẫn lưu, đóng ngực theo các lớp. Sau 2 giờ, ca mổ thành công tốt đẹp. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định.
Đây là phẫu thuật khó đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ và chuyên môn sâu. Việc can thiệp phẫu thuật nhưng vẫn bảo tồn chức năng phổi, đảm bảo chức năng hô hấp đủ cho người bệnh trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày sau này.
Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh phẫu thuật thành công khối u hơn 6kg
Lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cho biết, Bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u nang buồng trứng lớn nhất từ trước đến nay.
Bệnh nhân là chị Tô Thị Yến thường trú tại Phường Hà Lầm, TP Hạ Long nhập viện trong tình trạng đau tức vùng hạ vị, bụng to bất thường. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện có khối u nang buồng trứng lớn trong ổ bụng và tư vấn cho người nhà cần cho bệnh nhân nhập viện để điều trị.
Kết quả xét nghiệm, siêu âm và chụp cắt lớp cho thấy bệnh nhân bị u xơ tử cung to, khối u kích thước hơn 35x25x35 cm, nặng 6,5kg, chiếm toàn bộ ổ bụng. Qua hội chuẩn, các bác sỹ chỉ định phẫu thuật cắt khối u cho bệnh nhân.
Sau hơn 1giờ phẫu thuật, kíp phẫu thuật gồm bác sĩ Bùi Minh Cường, bác sỹ Phạm Thị Ngần, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh cùng các kỹ thuật viên Khoa Gây mê đã tiến hành đã phẫu thuật thành công cắt khối u khổng lồ cho bệnh nhân an toàn.
Bác sĩ Bùi Minh Cường, Trưởng khoa phụ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cho biết "Bệnh viện sản nhi đã xác nhận đây là ca u buồng trứng đầu tiên to như thế. Bệnh nhân được mổ gây mê, sau khi cắt bỏ khối u thì hồi phục tốt. Hiện nay bệnh nhân đã tỉnh sau khi hậu phẫu".
Hiện chị Tô Thị Yến đang được các bác sỹ chăm sóc tại phòng hậu phẫu, sức khỏe ổn định và chờ ngày ra viện.