Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 20/9/2016

  • |
T5g.org.vn - Báo điện tử Dân việt, ngày 19/9/2016, 17:19: Nghi mắc vi rút Zika, Việt Nam xét nghiệm 2.679 mẫu bệnh phẩm; Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống online, ngày 19/9/2016, 15:45: Tự động hóa và ứng dụng CNTT trong xét nghiệm tăng chất lượng dịch vụ...

Báo điện tử Dân việt, ngày 19/9/2016, 17:19: Nghi mắc vi rút Zika, Việt Nam xét nghiệm 2.679 mẫu bệnh phẩm

7 nước ASEAN đã xuất hiện bệnh do virus Zika và đang tiếp tục lan rộng. Bộ Y tế các nước đã phải mở phiên họp trực tuyến đặc biệt để bàn giải pháp ứng phó vào chiều 19.9.

Tính đến ngày 19.9, đã có 7 quốc gia của ASEAN đã xuất hiện ca bệnh do virus Zika. Chỉ còn 3 nước: Lào, Brunei, Myanmar chưa phát hiện ra ca bệnh nào. Đặc biệt, từ cuối tháng 8 đến nay, tại Singapore đã bùng phát dịch với số mắc tăng nhanh, có tổng số 368 ca mắc. Điều đáng nói, kết quả giải trình tự gen cho thấy, virus Zika ở Singapore đang mắc không trùng với chủng đang lưu hành ở Châu Mỹ. Virus Zika lưu hành ở ASEAN hiện nay có nguồn gốc châu Á và lưu hành từ năm 1960.

Tại cuộc họp, các nước ASEAN đã ra bản tuyên bố chung với các nội dung: Tăng cường hệ thống giám sát của quốc gia và đẩy mạnh các cơ chế đánh giá nguy cơ hiện có của khu vực với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Các nước sẽ đẩy mạnh các cơ chế hiện có để kịp thời chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong khu vực nhằm có được sự đánh giá nguy cơ một cách chính xác; Thực hiện các nghiên cứu, chia sẻ phát hiện mới và bài học kinh nghiệm liên quan đến dịch bệnh do virus Zika.

TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Zika, có nguy cơ xâm nhập và lan rộng tại Việt Nam, Bộ Y tế đã đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh.

Kết quả, đã có 2.679 mẫu bệnh phẩm lấy từ các ca nghi mắc virus Zika từ 45 tỉnh, thành phố được xét nghiệm. Qua đó, xác định 3 trường hợp dương tính với virus Zika tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Yên. Đây là ba trường hợp nhiễm virus Zika không có tiền sử đi về từ vùng dịch.

Kết quả giải trình tự gen cho thấy, mẫu virus tại Khánh Hòa có nguồn gốc từ châu Á và mẫu virus tại Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ châu Mỹ. “Đây là 3 ca bệnh đơn lẻ. Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, Bộ Y tế đã tổ chức khoanh vùng, giám sát ca bệnh nên không xuất hiện thêm các ca mới từ ổ dịch. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh Zika bùng phát tại Việt Nam là rất lớn” – TS Phu nhận định. Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai cấp tập các biện pháp như: giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh, tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm, phát động chiến dịch người dân diệt muỗi, loăng quăng...

http://danviet.vn/y-te/nghi-mac-vi-rut-zika-viet-nam-xet-nghiem-2679-mau-benh-pham-709406.html

Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống online, ngày 19/9/2016, 15:45: Tự động hóa và ứng dụng CNTT trong xét nghiệm tăng chất lượng dịch vụ

Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học “Gia tăng chất lượng dịch vụ y tế bằng xu hướng tự động hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng xét nghiệm”

Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học “Gia tăng chất lượng dịch vụ y tế bằng xu hướng tự động hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng xét nghiệm” - hội thảo chia sẻ những giá trị trong quản lý chất lượng dịch vụ y tế bệnh viện nói riêng và trong toàn hệ thống y tế nói chung.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. BS Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, ngày nay, xu hướng tự động hóa phòng xét nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin giúp quản lý tốt hiệu suất, tối ưu hóa nguồn nhân lực đã được ứng dụng tại nhiều trung tâm y khoa hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Tại Việt Nam nói chung và bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng cũng không ngừng cập nhật các xu hướng hiện đại nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh. Và cùng với xu hướng đó, vừa qua, bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa vào khai thác hệ thống xét nghiệm tự động Accelerator a3600 và bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người bệnh.

Mỗi ngày, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khám, điều trị cho gần 10.000 lượt bệnh nhân nội và ngoại trú. Vì vậy, quá tải luôn là thực trạng của Bệnh viện nói chung và lĩnh vực xét nghiệm nói riêng. Việc đưa vào ứng dụng hệ thống xét nghiệm tự động hiện đại Accelerator a3600 có tính năng tích hợp Sinh hóa- Miễn dịch - Huyết học đã mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân đồng thời tiết giảm được thời gian và nhân sự cho công việc này, như: giảm số lượng máu cần lấy cho việc xét nghiệm; rút ngắn thời gian thực hiện xét nghiệm xuống 50% giúp trả kết quả sớm hơn cho bệnh nhân; Hệ thống tự động mới cũng giảm thiểu các nguy cơ sai sót, quy trình xét nghiệm giảm từ 33 bước xuống 15 bước; số lượng mẫu vận hành có thể lên đến 3.600 mẫu/giờ; thực hiện được gần 200 loại xét nghiệm miễn dịch và sinh hóa khác nhau - trong đó có nhiều xét nghiệm chuyên sâu giúp chẩn đoán và phát hiện sớm nhiều loại bệnh như ung thư, tim mạch, viêm gan, bệnh truyền nhiễm khác, thận, cấy ghép…

Với những hiệu quả tích cực từ hệ thống xét nghiệm tự động hiện đại Accelerator a3600 – hệ thống xét nghiệm hiện đại nhất lần đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam, bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống này đạt hiệu suất xét nghiệm đẳng cấp thế giới với công cụ quản lý chất lượng 6 sigma. Đây là công cụ quản lý được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới nhằm hướng đến các quy trình, sản phẩm và dịch vụ ở cấp độ hoàn hảo. Được biết, đến cuối năm 2015, tại Châu Á chỉ có 11 phòng xét nghiệm đạt chuẩn six sigma.

Tại Hội nghị, các báo cáo viên cũng đã trình bày nhiều chủ đề về hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hệ thống xét nghiệm; hướng đến những tiêu chuẩn mới trong phòng xét nghiệm… mở ra cách nhìn đầy đủ hơn cho khách tham dự về mối liện hệ giữa lĩnh vực xét nghiệm với hệ thống công nghệ thông tin.

http://suckhoedoisong.vn/tu-dong-hoa-va-ung-dung-cntt-trong-xet-nghiem-tang-chat-luong-dich-vu-n122634.html

Báo điện tử Pháp luật TP Hồ Chí Minh, ngày 19/9/2016, 01:17: Truy tìm người ngâm rau muống bào với hóa chất độc

Rau muống bào ngâm sulfat đồng có thể gây ngộ độc cấp tính. Do đó, hành vi này sẽ bị xử phạt vì vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 “Từ lời khai của người cung cấp hóa chất độc hại dùng ngâm rau muống bào, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục truy tìm những người đã sử dụng hóa chất nói trên”. Ông Dương Đức Trọng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TP.HCM, cung cấp thông tin sáng 17-9.

Xác định được người bán hóa chất độc hại

Trước đó, đêm 7-9, Chi cục BVTV TP.HCM cùng cơ quan chức năng thanh tra đột xuất các hộ sản xuất rau muống bào trên địa bàn xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Đoàn kiểm tra phát hiện ba hộ Nguyễn Đức Thìn (ấp 6B), Nguyễn Văn Thư (ấp 6B) và Nguyễn Văn Giang (ấp 5) ngâm rau muống bào trong hóa chất màu xanh dương.

Làm việc với đoàn kiểm tra, cả ba hộ đều cho biết rau muống bào sau khi ngâm với hóa chất nói trên sẽ có màu xanh đẹp mắt, dễ bán.

Cơ quan chức năng lấy các mẫu rau muống bào đã ngâm và hóa chất màu xanh để xét nghiệm, đồng thời tiêu hủy 1.400 kg rau muống bào của cả ba hộ này.

“Ba hộ trên còn cho biết đã mua hóa chất màu xanh của bà Nguyễn Thị Tâm (cư ngụ tại phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM)” - bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm thuộc Chi cục BVTV TP.HCM, nói.

Biết độc nhưng vẫn xài

Tối 15-9, Chi cục BVTV TP.HCM cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra đột xuất nhà bà Tâm tại địa chỉ nói trên. Khi đến nơi, đoàn phát hiện nhà đối diện đang bào rau muống nên đã kiểm tra. Phát hiện người lạ, chủ nhà là bà Nguyễn Thị Sự nhanh tay đổ thau dung dịch màu xanh và chai nhựa cũng đựng dung dịch nói trên. Tuy nhiên, một thành viên trong đoàn kiểm tra đã kịp giữ lại chai nhựa còn sót lại một ít dung dịch.

Bị đoàn kiểm tra chất vấn, bà Sự cho biết đó là hóa chất không được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Bà Sự lúc thì nói hóa chất được người quen cho, lúc thì nói mua của một người mang tới tận nhà. Tuy nhiên, cuối cùng bà Sự chỉ nói đã mua hóa chất màu xanh của một người hiện sống ở quận Gò Vấp.

Sau đó, đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với bà Tâm. Bà này thừa nhận đã bán hóa chất màu xanh cho ba hộ sản xuất rau muống ở xã Bình Mỹ (Củ Chi). Bà Tâm khai hóa chất mua ở chợ Kim Biên (TP.HCM) nhưng không đưa ra được chứng từ, hóa đơn. Bà này cũng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hóa chất.

“Cơ quan chức năng tiếp tục yêu cầu bà Tâm cung cấp địa chỉ những nơi bà đã bán hóa chất màu xanh, sau đó sẽ tiến hành kiểm tra để kịp thời ngăn chặn rau muống độc hại bán ngoài thị trường” - bà Thoa cung cấp thông tin.

Bà Thoa nói thêm, sau khi có kết quả xét nghiệm, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định xử phạt ba hộ ở xã Bình Mỹ, bà Sự và bà Tâm.

 Theo TS Phan Thế Đồng, Trưởng dự án An toàn thực phẩm Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM), hóa chất màu xanh dương ngâm rau muống bào có thể là dung dịch sulfat đồng. “Sulfat đồng ở dạng bột, hòa tan trong nước để ngâm rau muống bào nhằm mục đích giúp rau luôn có màu xanh. Sulfat đồng một khi thấm vô rau thì không tiêu hủy ở nhiệt độ cao, không thải ra khi ngâm trong nước sạch. Rau muống bào ngâm sulfat đồng có thể gây ngộ độc cấp tính. Sử dụng lâu dài sẽ tích lũy trong cơ thể, hại não, thận, gan, da nổi mẩn ngứa, viêm kết mạc, giác mạc…

Ông Nguyễn Văn Minh, một tiểu thương kinh doanh rau muống bào ở chợ đầu mối Hóc Môn, còn cho biết rau muống bào sau khi được ngâm dung dịch sulfat đồng có thể giữ màu xanh suốt 20 tiếng. Bốc rau muống bào ngâm hóa chất, màu sẽ dính trên tay. Rau muống bào ngâm hóa chất khi rửa thì nước trong thau có màu vàng tựa như nước phèn. Trong khi rau muống bào không ngâm hóa chất trong vòng tám tiếng đã chuyển màu vàng, không bắt mắt.

Họ đã nói kiểm tra rau muống và bắp chuối bào ở các chợ đầu mối

Liên tục trong các đêm từ 12 đến 16-9, Chi cục BVTV TP.HCM đã lấy 13 mẫu rau muống bào và bắp chuối bào, ba mẫu nước ngâm bắp chuối bào, ba mẫu bột trắng không rõ nguồn gốc tại ba chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn để phân tích hóa chất độc hại. Nếu phát hiện sai phạm, Chi cục sẽ phạt đúng quy định và công khai trên báo, đài. Nếu sai phạm nặng, Chi cục đề nghị ban quản lý chợ ngưng hợp đồng kinh doanh.

Bà NGUYỄN THỊ LỆ THOA, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm thuộc Chi cục BVTV TP.HCM

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/truy-tim-nguoi-ngam-rau-muong-bao-voi-hoa-chat-doc-653275.html

Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, ngày 19/9/2016, 07:49: Cân đối quỹ bảo hiểm y tế bằng những giải pháp căn cơ

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH), đến tháng 8.2016 đã có trên 40 tỉnh, thành phố bội chi Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Nếu không triển khai đồng bộ những giải pháp căn cơ bảo đảm cân đối Quỹ BHYT, thì nguy cơ vỡ quỹ có thể xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân tham gia BHYT - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam NGUYỄN MINH THẢO cho biết.

- Xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến bội chi cao Quỹ BHYT trong thời gian vừa qua?

- Năm 2016 có những điều chỉnh về mặt chính sách theo Luật BHYT, đó là thực hiện chính sách viện phí và tài chính y tế; liên thông khám, chữa bệnh (KCB) BHYT tuyến huyện, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, lựa chọn nơi KCB tốt hơn. Điều này khiến tần suất sử dụng các dịch vụ KCB BHYT tăng lên.Thực hiện chính sách viện phí và tài chính y tế thông qua Thông tư 37 với việc điều chỉnh giá dịch vụ kỹ thuật y tế theo hướng tính đúng tính đủ, đương nhiên sẽ đẩy chi phí cao lên. Để bảo đảm tài chính minh bạch, Nhà nước sẽ không cấp ngân sách trực tiếp cho các cơ sở KCB mà điều chỉnh thông qua hỗ trợ BHYT, đương nhiên việc chi trả từ Quỹ BHYT cho các dịch vụ y tế sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, tần suất khám tăng từ 5 - 7% do người dân hưởng những điều kiện thuận lợi về KCB; giá dịch vụ y tế điều chỉnh khiến chi phí y tế tăng từ 17 - 20%; cùng với sự phát triển các dịch vụ kỹ thuật, yếu tố trượt giá… năm nay Quỹ BHYT phải chi trả khoảng 66.000 tỷ so với 49.000 tỷ đồng trong năm 2015, tăng khoảng 35%. Đặc biệt, do những yếu kém về kiểm soát lạm chi KCB tại nhiều địa phương nên hiện có trên 40 tỉnh, thành phố trên cả nước không cân đối được Quỹ BHYT Trung ương phải hỗ trợ.

- Vậy BHXH Việt Nam đã có những giải pháp nào để giúp các tỉnh, thành phố  hạn chế bội chi, cân đối được Quỹ BHYT, thưa ông?

- Trong những tháng vừa qua, bên cạnh những yếu tố khách quan cũng có yếu tố chủ quan từ phía các cơ sở KCB. Phần từ người dân, phần từ trách nhiệm quản lý giám sát của ngành y tế, cơ quan bảo hiểm đã dẫn đến tình trạng bội chi Quỹ BHYT ở nhiều địa phương. Để khắc phục tình trạng này, các bộ, ngành liên quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể như: Mở rộng nhanh các đối tượng tham gia để có nguồn thu tốt hơn cho Quỹ BHYT; căn cơ các chi phí, những gì cần làm thì làm những gì cần tiêu thì tiêu, thuốc nào cần phải sử dụng thì sử dụng; hạn chế tình trạng trục lợi Quỹ BHYT. Thực tế cho thấy, việc trục lợi Quỹ BHYT không phải là tình trạng hiếm gặp trong thời gian qua. Có tình trạng bệnh nhân chỉ cần khám 1 lần, lại hẹn bệnh nhân khám nhiều lần, cơ sở KCB không chữa được song vẫn giữ lại làm xét nghiệm, vẫn chụp chiếu; Khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, tuyến trên lại làm lại không sử dụng kết quả của tuyến dưới, dẫn đến lãng phí các chi phí trung gian. Ngoài ra cũng có trường hợp, kê thuốc đắt gấp đôi giá gốc, các vật tư y tế nhiều nơi sử dụng lãng phí. Một số nơi đưa bệnh nhân vào nội trú không đúng mức độ bệnh lý để được thanh toán tiền giường, tiền bảo hiểm làm tăng chi phí lên. Thậm chí có cơ sở y tế còn thu gom bệnh nhân, vận động người dân KCB miễn phí song lại lấy thẻ bảo hiểm kê khống để thanh toán với cơ quan bảo hiểm. Thời gian tới cơ quan BHXH sẽ cùng ngành y tế và chính quyền các cấp địa phương quyết liệt kiểm tra xử lý nghiêm những hành vi trục lợi BHYT. BHXH Việt Nam kiên quyết không thanh toán quỹ BHYT cho các cơ sở KCB có hành vi trục lợi quỹ BHYT. Còn đối với những địa phương có số bội chi quỹ KCB BHYT do những nguyên nhân khách quan như: Tăng giá viện phí, tần suất KCB tăng, phát triển các dịch vụ kỹ thuật đúng cần thiết đã được phê duyệt… sẽ được BHXH Việt Nam chuyển kinh phí về để cân đối quỹ.

- Ông có thể nói rõ hơn về giải pháp nhanh chóng mở rộng, phát triển các đối tượng tham gia BHYT để tăng nguồn thu cho Quỹ BHYT?

- Hiện cả nước còn khoảng 20% dân số chưa tham gia BHYT, tập trung ở đối tượng lao động tự do; đối tượng làm việc phi chính thức, công việc không ổn định có mức sống trung bình, đối tượng ở khu vực nông thôn… đây là những đối tượng có thể tuyên truyền vận động tham gia BHYT. Bên cạnh đó, có một giải pháp có thể tăng phí BHYT, song trước tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nên BHXH Việt Nam chưa đề nghị Chính phủ tăng thu BHYT trong thời điểm này mà xin Chính phủ đồng ý cho sử dụng quỹ dự phòng BHYT bù tăng chi phí KCB.

- Xin cảm ơn ông!

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=378466

Báo điện tử Đại biểu nhân dân, ngày 19/9/2016, 07:49: Bắc Ninh đạt 99% bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Theo Sở GD - ĐT tỉnh Bắc Ninh, đến nay, gần 99% học sinh, sinh viên (HSSV) tỉnh Bắc Ninh tham gia BHYT. Đây là một trong số địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ HSSV tham gia BHYT.

Hiện nay, công tác BHYT HSSV đang gặp phải nhiều khó khăn do việc tuyên truyền Luật BHYT đối với người dân đạt hiệu quả chưa cao, chất lượng khám chữa bệnh (KCB) tại một số cơ sở y tế, nhất là trạm y tế cấp xã chưa đáp ứng được nhu cầu; hoạt động y tế tại một số trường học còn thấp, ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của phụ huynh học sinh. Nhiều người thường xuyên có thói quen đi chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế tư nhân.

Việc phát triển, mở rộng BHYT HSSV không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để chăm sóc sức khỏe HSSV tại các nhà trường, góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng là giáo dục toàn diện cho HSSV mà còn là chỗ dựa vững chắc cho mỗi HSSV và gia đình, giảm gánh nặng bệnh tật. Bởi vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng BHYT HSSV bên cạnh việc tuyên truyền ý nghĩa của nó, đòi hỏi ngành y tế nâng cao chất lượng KCB, nhất là ở tuyến cơ sở, tập trung các giải pháp chống quá tải bệnh viện, cải cách thủ tục hành chính… tạo điều kiện cho người tham gia BHYT tin tưởng và được thụ hưởng tốt các dịch vụ y tế.

Xác định rõ việc thực hiện tốt BHYT HSSV là nền tảng vững chắc, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. BHXH tỉnh Bắc Ninh đã chủ động phối hợp với Sở GD - ĐT Bắc Ninh ký kết chương trình phối hợp, ban hành các công văn liên ngành hướng dẫn các đơn vị trường học thực hiện BHYT cho HSSV ngay từ đầu các năm học; đưa tỷ lệ HSSV tham gia BHYT và kết quả thực hiện công tác y tế trường học là một trong tiêu chí thi đua, đánh giá xếp loại hàng năm của các nhà trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với nhiều hình thức đa dạng góp phần nâng cao nhận thức của nhà trường, giáo viên, HSSV và nhân dân về chính sách BHYT. Nhờ đó, công tác BHYT HSSV đã đạt được những kết quả tích cực, trở thành địa phương dẫn đầu toàn quốc thực hiện BHYT học đường.

Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tỉnh Bắc Ninh luôn đạt mức cao, năm học sau cao hơn năm học trước: Năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh có 91,1% HSSV tham gia BHYT; năm học 2013 - 2014, tỷ lệ này tăng lên 96,74% và đến nay đạt 99%. Trong đó huyện Quế Võ và Tiên Du đạt 100%; toàn tỉnh có trên 70% trường học có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt 100%.

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=378469

Báo Tuổi trẻ online, ngày 19/09/2016 11:03: “Bùa lưỡi” - ma túy gây ảo giác nguy hiểm

 “Bùa lưỡi”, “tem giấy”… là một dạng ma túy gây ảo giác mạnh đang được nhiều đối tượng rao bán công khai, bất chấp pháp luật nghiêm cấm.

Theo tìm hiểu, “bùa lưỡi” hay “tem giấy” đang bán trên thị trường được thiết kế dưới hình thức là những miếng giấy nhỏ đủ loại hình thù được tẩm chất gây ảo giác. Người sử dụng chỉ cần liếm hoặc ngậm nơi đầu lưỡi sẽ nhanh chóng... không còn là chính mình.

“Vô thế giới tâm linh”

Ngày 14-9, chúng tôi liên hệ với Phong (ngụ Q.11), một đầu mối nhận cung cấp “bùa lưỡi” có tiếng ở TP.HCM. Không một chút đề phòng, Phong kêu chúng tôi nhắn tin địa chỉ và số lượng để tiện giao dịch.

Ít phút sau Phong có mặt tại điểm hẹn trên đường Bùi Thị Xuân (Q.Tân Bình), lôi từ trong túi xách ra nhiều miếng tem nhỏ chào bán với giá 350.000 đồng/miếng.

Theo quan sát, các tem này được bỏ trong các bịch nilông để tránh bị tan ra khi tiếp xúc với nước. Người chơi chỉ việc ngậm trong miệng, tem có thể tan hoàn toàn trong nửa tiếng đồng hồ, còn tác dụng gây ảo giác thì 
kéo dài nhiều giờ liền.

Thanh niên này khẳng định đây là hàng nhập từ châu Âu. “Chơi cái này vô nói chung nó cho mình có những chuyến đi vô thế giới tâm linh, giúp mình nhìn mọi vật xung quanh đang hoạt động. Như cái bàn anh mình đang ngồi mình sẽ nhìn thấy nó đang hoạt động uốn éo này nọ.

Cái này không có ghiền, không làm cho người chơi cảm giác đói hay hư hại cơ thể mà mang đến cho người chơi những ảo giác rất riêng, không giống với chơi ma túy đá hay cỏ Mỹ” - Phong quảng cáo.

Để khách tin tưởng, Phong lấy dẫn chứng việc mình từng chơi: “Em thử hết một lần, nó đưa em qua vũ trụ luôn đó, cảm thấy đã lắm, làm cho mình yêu đời lắm. Nếu một lần sử dụng có thể sau này sẽ cảm nhận được cuộc đời có ý nghĩa lắm”.

Ma túy nguy hiểm nhất

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển - trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, thì “tem giấy” hay “bùa lưỡi” thực chất là miếng giấy được tẩm chất ảo giác LSD - lysergicacid diethylamide.

LSD là chất tổng hợp từ nấm cựa gà xuất xứ từ Thụy Sĩ năm 1938, sau một thời gian dài tạm ngưng sản xuất nay “tái xuất” trở lại. Chất này được đánh giá là chất gây ảo giác mạnh nhất, chỉ cần vài chục mcg (micrograms) là có thể gây ảo giác. Đây cũng là một trong hai chất ma túy nguy hiểm nhất.

Theo bác sĩ Hiển, LSD gây ảo thị, gây những hình ảnh không có thật, nhìn người này ra người khác hoặc không có biến thành có, mất đi khoảng cách ở không gian.

“Ví dụ tôi đứng tầng 10 nhưng cứ nghĩ mình đang đứng dưới đất hoặc thậm chí tôi nghĩ mình là con chim đang chao lượn trên bầu trời, hoặc là thấy mình như siêu nhân... Tất cả những triệu chứng hoang tưởng này đều dẫn đến những hậu quả nặng nề, làm hại chính mình và người khác” - bác sĩ Hiển lý giải.

Bác sĩ Hiển dẫn chứng trường hợp cháu N.T.D. (13 tuổi) được người nhà đưa đến khám trong tình trạng hoảng sợ, thường xuyên la hét khi mẹ đến gần.

Sau khi được bác sĩ thăm khám thì bé D. thừa nhận có ngậm “bùa lưỡi” mỗi ngày dẫn đến bị loạn thần, khiến bé nhìn mẹ thấy mọc hai răng nanh, lúc nào cũng giống ác quỷ nên sợ hãi la hét.

Bác sĩ Hiển còn nói cơ chế tác động lên não bộ của LSD khá phức tạp. Thời gian bán hủy của LSD là 5 giờ nhưng thời gian gây tác động kéo dài đến 12 giờ và nếu dùng liều >1mcg/kg thì các triệu chứng loạn thần có thể kéo dài đến vài ngày.

Bác sĩ Hiển đánh giá các loại “tem giấy” hay “bùa lưỡi” thường rất nhỏ, dễ cất giấu, giá lại rẻ, các gia đình hãy quản lý và chăm sóc con mình thật kỹ lưỡng.

“Kịp thời cảnh báo cho con biết đây không phải là kẹo, không phải đồ chơi để phòng tránh” - bác sĩ 
Hiển khuyến cáo.

Tuyệt đối cấm sử dụng

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ ban hành danh mục chất ma túy và tiền chất, LSD tem giấy được xếp vào danh mục I là các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội.

Người mua bán và sử dụng LSD có thể bị xử lý theo điều 194 Bộ luật hình sự.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-9, một lãnh đạo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TP.HCM cũng cho biết cơ quan này đang rất quan tâm tới tình trạng rao bán và sử dụng các loại “tem giấy”, “bùa lưỡi” ở TP.HCM. PC47 đã lấy các mẫu của chất này gửi Sở Y tế TP phân tích, xét nghiệm.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160919/bua-luoi-ma-tuy-gay-ao-giac-nguy-hiem/1173702.html

http://tintuconline.com.vn/suc-khoe/tem-giay-loai-ma-tuy-khien-tre-loan-than-hoang-tuong-p0c1069n20160916151707773.vnn

Báo điện tử Thanh niên online, ngày 19/09/2016 07:58: Bác sĩ gia đình là ai?: 'Dĩ nhiên, ổng phải đến tận nhà khám bệnh rồi'

Tuy nhiên, những người “trong cuộc” cho rằng nhiều người dân và thậm chí là đồng nghiệp của họ trong ngành y vẫn có những quan niệm chưa đúng về bác sĩ gia đình (BSGĐ).

Chỉ khám cho người già yếu, tàn tật?

Ngày 27.4.2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1568/QĐ-BYT phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2020.

Theo quyết định này, phòng khám BSGĐ hướng đến mục tiêu chung là: Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện.

Cũng theo quyết định trên, mô hình phòng khám BSGĐ bao gồm: Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; Phòng khám BSGĐ tư nhân (bao gồm cả phòng khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính có nhu cầu hoạt động theo mô hình phòng khám BSGĐ); Phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện (bệnh viện nhà nước).

Tại Bệnh viện Quận 2, TP.HCM, chúng tôi gặp chị Nguyễn Huỳnh Phương Thảo (25 tuổi) đang khám bệnh theo hình thức phòng khám BSGĐ. Chị Phương Thảo cho hay: “Lúc đầu, tôi cũng chưa rõ mô hình này như thế nào, nghe BSGĐ thì cứ nghĩ là họ sẽ tới tận nhà nhưng không hẳn vậy. Đến khám ở đây, tôi không phải chờ đợi lâu. Bác sĩ chu đáo, hỏi han tận tình như người nhà, tạo cho tôi không có cảm giác xa lạ”.

Đang ngồi chờ đến lượt tại phòng khám BSGĐ Bệnh viện Quận 10, bà Nguyễn Thị Lụa (55 tuổi) chia sẻ: “Khám ở đây được chọn bác sĩ, được tư vấn rõ hơn. Nếu bệnh nặng, phòng khám sẽ ký giấy chuyển viện cho chúng tôi”.

Tuy nhiên, số người biết và tìm đến phòng khám BSGĐ như trên còn khá... “khiêm tốn”.

Khi chúng thăm dò ý kiến, nhiều người dân cho hay họ chưa từng nghe về BSGĐ. Không ít người lập luận chắc nịch: “Đã gọi là BSGĐ thì dĩ nhiên ổng phải đến tận nhà khám bệnh!”.

Bà Dương Thị Ba (60 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) bộc bạch: “Tôi cũng không rõ BSGĐ là gì, chỉ nghe mấy đứa cháu ở nhà nói bây giờ có dịch vụ gọi điện thoại bác sĩ đến nhà khám bệnh”.

Tương tự, chị Nguyễn Thùy Linh (P.10, Q.Tân Bình) cho rằng đây là một hình thức khám bệnh được lập ra để chăm sóc sức khỏe cho những người giàu.

Chị Thái Thị Thùy Ngân (ngụ ở P.16, Q.11) góp chuyện: “Trước đây, nhà tôi cũng hay mời BSGĐ đến nhà khám bệnh, kê toa thuốc cho bà nội tôi. Tôi thấy BSGĐ chỉ cần cho những gia đình neo đơn hoặc những người già yếu, tàn tật không đi lại được. Còn những đối tượng khác đều đến thẳng bệnh viện, để nếu cần thì làm xét nghiệm này nọ nữa…”.

Mỗi người hiểu một kiểu

Trên thực tế, việc tới tận nhà khám, điều trị chỉ chiếm một nội dung nhỏ và không bắt buộc trong số những chức năng, nhiệm vụ của BSGĐ. Tuy vậy, ngay cả người trong ngành y cũng có những góc nhìn khác nhau về BSGĐ.

Một BSGĐ có nhiều năm kinh nghiệm, đang công tác trong một bệnh viện lớn tại TP.HCM chia sẻ: “Trước giờ có nhiều người suy nghĩ không đúng rằng BSGĐ là chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ gia đình đó hoặc khám sức khỏe tại gia đình. Thực ra, BSGĐ là chăm sóc sức khỏe của cá nhân trong bối cảnh gia đình”.

Vị bác sĩ này giải thích: Chẳng hạn, cần phải biết bệnh nhân này sống trong gia đình như thế nào? Nếp sống, văn hóa, ba mẹ, nghề nghiệp, bệnh lý ra sao? Ai là người nấu ăn cho anh ta? Ai là người thương yêu anh nhất? Những khi gặp sự cố hay bị chấn động về tâm lý, ai sẽ là người trực tiếp chăm sóc, nuôi nấng, hỗ trợ nhiều nhất cho anh? Một sự căng thẳng, tâm sự của thanh thiếu niên dẫn đến việc tự tử, BSGĐ cũng có nhiệm vụ làm việc với ba mẹ em này để cho họ biết đứa con họ đang trong tình trạng nào… Như vậy, BSGĐ không những quan tâm về mặt bệnh lý mà còn kể cả về mặt tâm lý.

“BSGĐ là chăm sóc suốt cả vòng đời của bệnh nhân trong bối cảnh gia đình. BSGĐ rộng lắm chứ không phải là khám bệnh tại nhà, khám cho gia đình mà là chăm sóc sức khỏe, quản lý bệnh từ tuyến y tế cơ sở”, vị bác sĩ này nói.

Trong khi đó, tiến sĩ - bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM kiêm Chủ tịch Trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS, cho rằng: “Đã nói là BSGĐ phải gắn liền với gia đình, là bác sĩ thân thiết với bệnh nhân như gia đình. Khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện, họ vẫn phải theo để báo tình hình sức khỏe đã theo dõi”.

Bác sĩ Lê Trường Giang nói thêm: “BSGĐ không bắt buộc phải đến nhà bệnh nhân. Đến nhà mà không có sự gắn bó thì cũng chưa chắc bằng những người bác sĩ không đến nhà mà gắn bó. Cho nên ai đến với ai là do nhu cầu, thí dụ người này già yếu quá người ta không đi được thì BSGĐ nên tới nhà, còn người khỏe sẽ tìm đến BSGĐ. Chi tiết đến gia đình mới là BSGĐ là không phải, chữ gia đình ở đây là sự gắn bó”. (còn tiếp)

http://thanhnien.vn/suc-khoe/bac-si-gia-dinh-la-ai-di-nhien-ong-phai-den-tan-nha-kham-benh-roi-745481.html

Báo điện tử Vnexpres net, ngày 19/09/2016 20:47: Người cha hiến da cứu con gái biến dạng toàn thân do bỏng xăng

Hằng bị bỏng toàn thân phải tháo 10 đốt ngón tay, cha của cô hiến da ghép cho con gái với hy vọng giữ được mạng sống đứa con.

Bị tai nạn giao thông hôm 2/9, Thanh Hằng sinh năm 1994 vừa tốt nghiệp Đại học Tài chính - Marketing, ở An Nhơn, Bình Định, cùng mẹ là Nguyễn Thị Thanh Hồng và em trai Nguyễn Minh Tiến bị bỏng nặng toàn thân, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Người cha Nguyễn Văn Thành đau đớn kể lại, hôm ấy Hằng đi xe máy chở mẹ và em trai không may va chạm với xe máy của 2 thanh niên đang vừa cầm túi xăng vừa hút thuốc. Sau cú va chạm, túi xăng của hai thanh niên bắt lửa thuốc lá khiến cả 5 người cùng xe bốc cháy.

5 nạn nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa Bình Định cấp cứu. Mẹ và em trai bị bỏng cấp độ 4, riêng Hằng bị bỏng cấp độ 5 toàn thân trong đó nặng nhất là đôi bàn tay bị cháy khô. Ngày 6/9, gia đình đã chuyển cô gái trẻ đến Viện bỏng Quốc gia ở Hà Nội tiếp tục cấp cứu.

Để giữ lại tính mạng cho Hằng, các bác sĩ ở Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội) đã tháo 10 khớp ngón tay. Trước đó, bác sĩ cũng đã phẫu thuật cấy ghép da cho Hằng. Hiện bệnh viện không đủ nguồn da để tái tạo nên người cha hiến da ở tay trái mình để cấy ghép cho con gái. Cuộc phẫu thuật diễn ra vào ngày 15/9, ông Thành hiện cũng nằm trong phòng bệnh để phục hồi sức khỏe sau khi hiến da.

Mẹ và em trai Hằng cũng vừa được chuyển từ bệnh viện Bình Định đến Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác để tiếp tục điều trị. Sức khỏe của hai người cũng chưa tiến triển, sốt nhiều và đau đớn, song đã tỉnh táo.

"Tỷ lệ bỏng rộng và sâu, những vùng da bị chết trên cơ thể Hằng không thể phục hồi nên phải ghép da mới. Còn nước còn tát, dù thế nào đi nữa cha con tôi cũng chiến đấu đến cùng", người bố tâm sự.

Bác sĩ Lê Quang Thảo trực tiếp điều trị Hằng cho biết, em bị bỏng lửa xăng 73%, trong đó có 60% bỏng sâu. Sau ca cấy ghép da vào ngày 15/9, Hằng vẫn trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, suy hô hấp phải thở bằng máy. Những phương tiện máy móc và thuốc tốt nhất được dùng chữa trị cho Hằng song chưa có gì đảm bảo giữ lại mạng sống cho cô gái. Với ca bệnh này, dự kiến tỷ lệ tử vong là 80%.

Chị Lê Ánh Hoa, chị họ của Hằng chia sẻ: "Gia đình Hằng có 5 người thì hiện 4 người nằm viện. Em trai Hằng là Nguyễn Văn Thuận đang học đại học tại TP HCM cũng phải xin nghỉ để ra Hà Nội chăm sóc gia đình do bố phải nằm theo dõi sau ca ghép da cho chị".

Cũng theo bác sĩ, gia đình phải xác định thời gian điều trị lâu và kinh phí rất tốn kém. Bệnh nhân vẫn trong tình trạng rất nặng, phải chờ vào sự phục hồi và tự miễn dịch, đồng thời tiến hành nhiều ca phẫu thuật ghép da tiếp theo.

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/nguoi-cha-hien-da-cuu-con-gai-bien-dang-toan-than-do-bong-xang-3470477.html

Báo điện tử Dân việt, ngày 19/09/2016 14:40: Bệnh viện đa khoa Mộc Châu (Sơn La): Nơi hội tụ những tấm lòng

 “Các bác sỹ ở đây tốt lắm. Chính họ đã cứu sống con gái tôi và nhiều người khác trong xã, trong bản. Nhiều lần đến bệnh viện này, tôi thấy thêm tin yêu các bác sỹ, y tá…” – chị Lường Thị Tuấn, dân bản Hua Đán, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn la, bảo vậy.

   Như một gia đình

Có mặt tại khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La) vào đúng thời điểm bệnh viện đang tiếp nhận một bệnh nhân tự tử bằng lá ngón, được gia đình đưa tới. Nạn nhân là nữ, khuôn mặt tái mét, hơi thở yếu ớt. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào điều trị cấp tốc. Không chỉ có các bác sỹ, y tá có nét mặt căng thẳng mà ngay cả các điều dưỡng viên cũng có những bước chân vội vã hơn. Họ vừa sốt sắng phục vụ cho công tác cấp cứu vừa chuẩn bị giường bệnh để đón tiếp bệnh nhân. Chừng nửa tiếng sau, bệnh nhân được đưa lại phòng nằm điều trị bởi “đã qua cơn nguy kịch”.

 Tiếp xúc với người nhà bệnh nhân – anh Lý A Va, được biết nạn nhân và gia đình không phải người Vịệt Nam, họ là dân tộc Mông, mang quốc tịch Lào, sống tại huyện Sốp Bâu – bên kia biên giới. “Sáng nay, Lý Thị Số (nạn nhân) cãi nhau với gia đình và quay sang ăn lá ngón tự tử. Thấy tình trạng của Số nguy cấp quá, gia đình chúng tôi bàn bạc và thấy rằng tin tưởng ở bệnh viện Mộc Châu hơn nên dù xa xôi chúng tôi vẫn quyết đưa Số đến đây nhờ vả. Thật may là chúng tôi đã được bệnh viện tiếp nhận và cấp cứu kịp thời. Nhiều người bên nước chúng tôi đã sang điều trị ở bệnh viện này nên chúng tôi đã được nghe nói nhiều về tình thương và trách nhiệm cao của bệnh viện Mộc Châu…”

Nằm ngay cạnh giường của chị Số là giường của bệnh nhân Vì Thị Quyết, 16 tuổi – nạn nhân trong một vụ tự tử bằng thuốc diệt cỏ và đã được các y, bác sỹ bệnh viện  Mộc Châu cứu chữa kịp thời nên sức khỏe đang hồi phục. Rớm rớm nước mắt, Quyết bảo: “Cháu dại quá, lúc bị bố mẹ mắng đã lấy thuốc diệt cỏ ra uống. Khi người quay cuồng, nôn mửa thì bố, mẹ cháu đưa xuống bệnh viện này cấp cứu. Sau 5 ngày điều trị, bây giờ cháu đã ăn, uống tốt, đi lại bình thường, đang chờ xuất viện. Cháu rất biết ơn các y, bác sỹ ở đây”.

Nói về bệnh viện Mộc Châu, chị Lường Thị Tuấn – mẹ cháu Quyết, bảo: Bệnh viện đã sinh ra con gái tôi một lần nữa đấy. Nếu không có tấm lòng rộng mở và tay nghề cao thì chắc bây giờ con tôi đã nằm dưới mộ rồi. Tuy không phải người ở địa bàn này nhưng nhiều người dân ở chỗ chúng tôi khi bị ốm đau, nguy kịch vẫn tìm về với bệnh viện Mộc Châu vì tình người nơi đây ấm áp lắm. Các y, bác sỹ chăm sóc người bệnh như người nhà của mình”

Chúng tôi luôn quan tâm đến y đức

Cùng bác sỹ Phạm Thị Hường, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đi thăm các phòng bệnh nhân nằm điều trị, nhận thấy các phòng bệnh ở đây dù phần lớn bệnh nhân là nông dân, có cả những người không biết chữ, không thạo tiếng phổ thông, số lượng bệnh nhân nhiều nhưng không gian luôn sạch sẽ, thoáng mát. Bác sỹ Hường bảo: Với ngành y, tay nghề cao là rất đáng trân trọng. Nhưng bên cạnh đó thì văn hóa ứng xử cùng giống như một liều thuốc kháng sinh, nó có thể làm bệnh nhân ốm thêm nếu sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ. Ngược lại, nếu ứng xử tốt thì đó là liều thuốc bổ với người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân. Môi trường phòng bệnh cũng vậy, nếu không sạch sẽ, thoáng mát, đủ ánh sáng cần thiết thì cũng sẽ tạo nên những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe bệnh nhân. Tôi và người nhà đã 5 lần nằm viện ở đây nhưng chưa một lần bị mắng mở hay vòi vĩnh phong bì, tiền nong nên cả bán cứ bảo nhau: Có ốm đau gì, cứ đến bệnh viện Mộc Châu mà điều trị

Bệnh nhân Vì Thị An, trú tại xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, bảo rằng: Tuy bệnh viện đồng người nhưng Bệnh viện ở đây còn sạch hơn nhiều so với ở nhà tôi. Hàng ngày tôi thấy cán bộ bệnh viện quét dọn, lau chùi rất kỹ. Người dân tộc chúng tôi khi vào viện thường có thói quen ăn, ở không sạch sẽ, lôi thôi, luộm thuộm nhưng khi vào đây là được các điều dưỡng viên, cán bộ bệnh viện nhắc nhở, hướng dẫn ngay. Đặc biệt là sự hướng dẫn của họ rất nhẹ nhàng chứ không hề quát tháo, mắng mỏ như một số nơi khác. Ngay cả cán bộ trưởng, phó khoa, khi đi kiểm tra, nếu thấy nền nhà, hàng lang bẩn thì vẫn cầm chổi lau ngay chứ không bỏ qua như một số nơi khác mà tôi từng nằm điều trị.

Trao đổi với bác sỹ Khuất Thanh Bình, Phó giám đốc bệnh viện, anh bảo: Làm nghề y là nghề phải có chữ Nhẫn song cùng chữ Trí, chữ Tài. Ở bệnh viện này, bao năm qua chúng tôi luôn chú trọng y đức như một thương hiệu. Song song với việc đào tạo cán bộ có tay nghề cao, mua sắm các trang thiết bị hiện đại, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân các dân tộc thì văn hóa ứng xử là một tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đánh giá chất lượng bệnh viện. Ứng xứ của chúng tôi là cả trong lời nói và việc làm. Mọi người giám sát lẫn nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, điều chỉnh lẫn nhau. Chính nhờ thế nên nhiều năm qua, bệnh viện chúng tôi luôn là đơn vị dẫn đầu trong tốp các bệnh viện của tỉnh Sơn La và là một trong những đơn vị giữ vững danh hiệu “Đơn vị văn hóa”.

http://danviet.vn/y-te/benh-vien-da-khoa-moc-chau-son-la-noi-hoi-tu-nhung-tam-long-709339.html

Báo điện tử Soha, ngày 19/09/2016 18:41: 5 giáo sư không dám khẳng định máy ozone khử 99% thuốc trừ sâu

Trước câu hỏi khả năng phân huỷ 99% các chất bảo vệ thực vật của máy ozone, các giáo sư không khẳng định còn đại diện công ty HCT cho biết đã hết thời gian nên sẽ trả lời sau.

Được mời tọa đàm, 5 giáo sư không ai khẳng định máy ozone khử được 99% hoá chất và thuốc trừ sâu

Trước việc thông tin "Máy khử độc ozone lừa đảo cả triệu dân" được lan toả trong thời gian qua, Công ty CP Đầu tư và ứng dụng công nghệ cao HCT (Công ty HCT) cho rằng thông tin này đã gây hiểu nhầm, hoang mang đối với người tiêu dùng, ảnh hưởng tới kinh doanh của công ty.

Trên cơ sở đó, hôm nay, 19/9, Công ty này đã tổ chức một buổi toạ đàm trao đổi về khả năng khử khuẩn, hoá chất và sự an toàn đối với sức khoẻ của máy ozone gia dụng do công ty này sản xuất. Trong thông cáo báo chí, công ty này cho hay buổi toạ đàm có đến 10 nhà khoa học trong đó có 5 vị giáo sư.

Theo danh sách khách mời, với việc mời được nhiều vị GS trong ngành hoá học, vật liệu cũng như kỹ thuật tham gia buổi toạ đàm, doanh nghiệp này đã khiến không ít khách mời có mặt xuýt xoa nể phục.

Theo công ty này, sản phẩm máy khử độc ozone thương hiệu OZONE BK của công ty HCT được sản xuất dựa trên nghiên cứu khoa học của GS Nguyễn Hoàng Nghị. Và GS Nguyễn Hoàng Nghị cũng là người hợp tác, triển khai công nghệ sản xuất máy ozone với công ty HCT.

Biết được thông tin này nên nhiều người tham gia buổi toạ đàm cũng không quá bất ngờ trước phần giới thiệu thông tin đầy đủ về chất ozone cũng như khả năng của chiếc máy ozone gia dụng do công ty HCT sản xuất chiếm phần không nhỏ thời gian buổi toạ đàm.

Tại buổi toạ đàm, trước khi đến phần trả lời câu hỏi của các phóng viên cũng như những người tham gia khác, nhiều vị GS đã chia sẻ về việc chính gia đình mình cũng đang sử dụng máy ozone và cảm thấy hài lòng về sản phẩm.

Còn về vấn đề phân huỷ các chất bảo vệ thực vật, nhiều vị giáo sư ở buổi toạ đàm đều cho biết họ chưa chắc chắn về khả năng phân huỷ thuốc trừ sâu và hóa chất lên đến hơn 99% của máy sục ozone.

GS Trần Vĩnh Diệu khẳng định: "Không thể dùng ozone để phân huỷ hết các hoá chất".

Và các chuyên gia khoa học này cũng khuyên người tiêu dùng trước tiên phải mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn.

Công ty "không biết" mình quảng cáo như thế nào và xin "hẹn gặp" sau

Đến tham dự buổi toạ đàm, đa phần các phóng viên và những người có hứng thú với chiếc máy ozone này đều bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề dùng chiếc máy này như thế nào cho đúng cũng như những chất có hại sinh ra trong quá trình chiếc máy hoạt động.

Tại buổi toạ đàm, một phóng viên chia sẻ chính mẹ đẻ của chị cũng sử dụng máy ozone và "cái gì cũng cho vào để đảm bảo an toàn", khi cho thịt vào máy thì thấy có bọt khí, liệu bọt đó có phải là những chất bẩn đã bị ozone "khử"?

Tuy "khen đùa" rằng đây là người mẹ rất dũng cảm và trung thành với máy ozone nhưng GS Nguyễn Hoàng Nghị cho rằng: "Việc cho thịt vào ozone rất ngắn hạn và phải lấy mục tiêu là khử mùi. Bất kỳ mục tiêu khác là không được".

GS Nghị cũng giải thích thêm: "Bọt đó được sinh ra do ozone tương tác với protein có trong thịt, đó là rất nhiều chất. Còn đó là chất gì thì tôi chắc ngần này giáo sư cũng không trả lời được".

Còn về câu hỏi lượng chất oxit của Ni tơ sẽ sinh ra là bao nhiêu trong quá trình máy ozone hoạt động, GS Trần Vĩnh Diệu cho hay: "Khi phát sinh ozone, thì phản ứng giữa ozone và Ni tơ rất khó xảy ra".

Điều này đi ngược lại với khẳng định của nhiều nhà khoa học khác như TS Nguyễn Văn Khải, PGS Phạm Duy Hiển đã khẳng định trước đó là quá trình máy sục ozone gia đình hoạt động sẽ đồng thời sinh ra oxit ni tơ gây hại cho người sử dụng.

Ngoài ra, những thông tin quảng cáo lan tràn hiện nay về khả năng phân huỷ các chất bảo vệ thực vật của chiếc máy Ozone trên mạng cũng được nhiều phóng viên đặt ra trong các câu hỏi.

Tại buổi toạ đàm, nhiều phóng viên đã đưa ra hình ảnh công ty này quảng cáo về khả năng của máy ozone do họ sản xuất: "Khử sạch 99% các loại thuốc trừ sâu và 100% các loại vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, bệnh ngoài da, vi rút viêm gan B, vi rút yếm khí, vi khuẩn gây bệnh trong nước...".

Tuy nhiên, chính vị đại diện của doanh nghiệp cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước thông tin quảng cáo này.

Sau đó, đại diện của công ty HCT chỉ đưa ra được các văn bản: Đó là các bản kiểm tra (Test) thử do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chứng nhận máy khử trùng ozone có khả năng tiêu diệt các vi sinh, vi khuẩn có trong cá, rau, thịt.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đưa ra bản kết quả thử nghiệm ngày 16/3/2015 do Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiến hành kiểm tra về hiệu suất phân huỷ ba chất Cypermethrin, permethirin, deltamethrin. Theo kết quả, ba hoạt chất có trong thuốc trừ sâu này đều có hiệu suất phân huỷ là trên 95%.

Thấy câu hỏi của mình chưa được trả lời cụ thể, nhiều phóng viên đã hỏi lại đại diện công ty về con số 99% các loại thuốc trừ sâu cũng như việc 3 chất có trong thuốc bảo vệ thực vật này bị phân huỷ cụ thể trong môi trường nào.

Lúc này, đại diện công ty HCT nhanh chóng cầm micro thông báo đã hết giờ của buổi toạ đàm, những ai còn câu hỏi thì có thể liên hệ qua điện thoại và thư điện tử để giải đáp.

http://soha.vn/5-giao-su-khong-dam-khang-dinh-may-ozone-khu-99-thuoc-tru-sau-20160919164712813.htm

Báo điện tử Vnexpress net, ngày 20/9/2016 05:03: Người mẹ tranh cãi với bác sĩ cứu sống con trai cận kề cái chết

Trong khi bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân cảm lạnh thông thường, bà mẹ Alison Grocock (Anh) lại khăng khăng con trai mình bị viêm màng não.

Alison Grocock vô cùng hốt hoảng khi thấy con trai 4 tuần tuổi khóc thét rồi liên tục ngủ li bì và phản ứng kém. Báo với bác sĩ tất cả triệu chứng bất thường và tình hình sức khỏe của bé nhưng vợ chồng Alison vẫn phải chờ hàng tiếng đồng hồ tại khoa cấp cứu của bệnh viện. Sau khi thăm khám, bác sĩ thông báo em bé chỉ bị cảm lạnh, sức khỏe không đáng lo ngại và có thể đưa về nhà.

Alison không nghe và cho rằng con mình bị bệnh nguy hiểm hơn thế. Cô cho rằng con trai có thể bị bệnh viêm màng não do tìm hiểu khá rõ về các bệnh trẻ sơ sinh thường gặp. Đặc biệt, cô cho rằng tiếng khóc thét lên sau đó lịm dần là một trong những dấu hiệu của bệnh viêm màng não ở trẻ em. Cô yêu cầu các bác sĩ hãy kiểm tra lại cho em bé.

Các bác sĩ tranh cãi với người mẹ song cuối cùng phải làm xét nghiệm lại cho đứa bé. Thật bất ngờ, kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định bé bị viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Nhờ phát hiện kịp thời, em bé được điều trị ngay và qua cơn nguy kịch. Bệnh viện đã gửi lời xin lỗi đến gia đình.

Viêm màng não do vi khuẩn là một trong những bệnh nhiễm trùng nặng nhất ở trẻ vì tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng. Khởi đầu, trẻ thường bị sốt, một số đau đầu, nôn không rõ nguyên nhân. Trẻ trong cơn sốt mà đau đầu, nôn thì chưa nghi ngờ, nhưng hết sốt rồi mà vẫn còn các biểu hiện này thì đó có thể là dấu hiệu sớm của bệnh. Trường hợp nặng gây co giật, rối loạn thần kinh như lờ đờ, mệt, li bì, nặng hơn thì hôn mê. Chẩn đoán sớm và điều trị bằng kháng sinh đúng, kịp thời sẽ cứu sống trẻ, tránh được di chứng.

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/nguoi-me-tranh-cai-voi-bac-si-cuu-song-con-trai-can-ke-cai-chet-3470651.html

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang