Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 21/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Y tế: Ung thư nhiều không phải do thực phẩm bẩn; Hiệu quả từ bệnh viện vệ tinh Yên Bái; Bộ Y tế đang sửa quy định khiến 'bệnh nhân kêu cứu'; Thiếu bảo hiểm y tế, bệnh nặng dễ đổ nợ; Suy thận cấp chỉ sau liều thuốc nam của 'lang vườn'; Nhiều nhân viên y tế bị phơi nhiễm HIV từ bệnh nhân; Gỡ khó giúp y tế biển, đảo phát triển; ...

 

Bộ trưởng Y tế: Ung thư nhiều không phải do thực phẩm bẩn

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-truong-y-te-ung-thu-nhieu-khong-phai-do-thuc-pham-ban-3573308.html

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170420/tranh-hieu-nham-an-gi-cung-so-ung-thu/1301421.html

"Nói một năm chết 70.000 người và phát hiện thêm 200.000 ca ung thư nguyên nhân do thực phẩm bẩn là không chính xác mà nguyên nhân là bệnh nhiễm trùng cấp tính và mãn tính", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.

Chiều 20/4, đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Kết quả cho thấy tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm diễn ra nghiêm trọng ở một số địa phương. Đã có hơn 1.000 vụ ngộ độc với khoảng 30.400 người mắc, hơn 25.600 người phải nhập viện, trong đó 164 người chết.

"Bệnh ung thư mỗi năm làm khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (chiếm 26,6%)", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho hay.

Theo ông Dũng, kết quả kiểm nghiệm rau, quả tươi sống giai đoạn 2011-2016 cho thấy tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép gần 8,5%. Trong hơn 54.700 hộ dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị kiểm tra thì hơn 9.000 vụ vi phạm. Ở một số địa phương đoàn đến giám sát, các tiểu thương không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc diễn ra phổ biến.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng hiện nay hạn chế lớn nhất là xử phạt không nghiêm minh nên mới xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Các nhà sản xuất kinh doanh bất chấp quy định, coi thường sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng. Bà Tiến kiến nghị cần đưa các tội liên quan đến thực phẩm bẩn vào hình sự với mức xử phạt cao hơn.

"Nói một năm chết 70.000 người và phát hiện thêm 200.000 ca ung thư, nguyên nhân thực phẩm bẩn là không chính xác. Bộ Y tế đã mời chuyên gia trong và ngoài nước hội thảo và đã thông báo là hiện nay nguyên nhân gây ung thư hàng đầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính và mãn tính. Ví dụ viêm gan B, viên gan C gây viêm gan mãn tính, ung thư gan", bà Tiến nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng đồng tình với bà Tiến là ung thư không phải do thực phẩm bẩn mà là nhiều nguyên nhân khác.

Lý giải về việc số lượng vi phạm nhiều nhưng xử lý hình sự còn rất ít, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương cho biết, hành vi vi phạm an toàn thực phẩm gây hậu quả nhưng phải liên quan giám định chất đó thế nào, nếu dẫn đến chết người thì nguyên nhân có phải do thức ăn, đồ uống không? Điều này rất khó khăn. Bình thường xác định hoá chất độc tố có khi hậu quả không xảy ra ngay, uống rượu vài ngày mới gây phản ứng, Hà Giang vừa qua là như vậy.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đạt yêu cầu. "Báo cáo nói các hộ gia đình chưa nhận thức hết tồn tại hoặc nhận thức nhưng cố ý vi phạm. Tôi nói người ta trồng rau, luống này là để ăn, luống kia để bán, đó là cố ý vi phạm chứ không phải nhận thức chưa tới", bà Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, hàng ngày mở tivi ra thấy tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm, "thấy cuộc sống của dân không yên bình, quá nhiều rủi ro rình rập". Bà Ngân đề nghị nâng cao vai trò kiểm tra, kiểm soát theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn, phân khúc ra để các bộ phối hợp quản lý.

 

Bộ Y tế đang sửa quy định khiến 'bệnh nhân kêu cứu'

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170420/bo-y-te-dang-sua-quy-dinh-khien-benh-nhan-keu-cuu/1301430.html

Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm nay 20-4, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế Lê Văn Khảm cho hay đúng là đang có một số thuốc không được BHYT thanh toán nếu sử dụng ngoài phạm vi ghi trong hồ sơ đã được duyệt của nhà sản xuất.

Trong khi thuốc có thể có các tác dụng ngoài tác dụng ghi trong hồ sơ, được bác sỹ sử dụng theo phác đồ hoặc các hướng dẫn điều trị chuẩn.

Theo ông Khảm, ngoài các rắc rối về một số thuốc điều trị cho bệnh nhân lupus ban đỏ, hội chứng thận hư gây khó khăn cho bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, còn có Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai… có thuốc không được chi trả cùng do lý do này.

Ông Khảm cho biết Bộ Y tế đã có công văn từ cuối 2016 đề nghị BHYT tiếp tục chi trả cho các bệnh viện đã sử dụng thuốc trước tháng 9-2016. Sau tháng 9-2016 thì thực hiện theo thông tư 40, tức là chỉ chi trả khi sử dụng theo đúng tác dụng ghi trong hồ sơ.

“Tuy nhiên do một loại thuốc có thể có nhiều tác dụng, ngoại trừ tác dụng trong hồ sơ, nên Bộ Y tế đang sửa thông tư 40 trong đó có sửa nội dung này. Chúng tôi sẽ mời hội đồng chuyên gia thẩm định về danh mục thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm”- ông Khảm cho biết.

 

Thiếu bảo hiểm y tế, bệnh nặng dễ đổ nợ

http://thanhnien.vn/suc-khoe/thieu-bao-hiem-y-te-benh-nang-de-do-no-827596.html

Từ ngày 1.6, giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với người bệnh tự chi trả sẽ tăng, nên nhiều người vì không mua bảo hiểm y tế, mà không may lâm bệnh nặng, chi phí chữa trị cao, nguy cơ bỏ điều trị.

Theo GS-TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), tại khoa thường có hàng chục bệnh nhân “thập tử nhất sinh”, chi phí điều trị trung bình lên đến 20 - 50 triệu đồng/người.

Bộ Y tế cho biết, từ ngày 1.3.2016 sẽ thực hiện thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc.

“Khoa còn khoảng 25% số bệnh nhân không có bảo hiểm y tế (BHYT), họ là người ở ranh giới giữa nghèo và cận nghèo. Nếu không có BHYT, gia đình không có tiền tích lũy, chỉ cần một người ốm nặng, có những trường hợp phải bán cả nhà mà không đủ chi phí điều trị”, GS Bình nói.

Có trường hợp chi trả hơn 1 tỉ đồng

Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, nhiều ca bệnh chi phí rất lớn, mới đây có bệnh nhân điều trị tại BV Bạch Mai được BHYT chi trả hơn 1 tỉ đồng. Hoặc các chi phí điều trị các bệnh lớn, lâu dài: ung thư với chi phí hàng chục triệu đồng/đợt điều trị; hàng trăm triệu đồng/năm cũng được BHYT chi trả. Tham gia BHYT hỗ trợ cho bệnh nhân khi đau ốm, nhất là bệnh nặng.

“Hồi còn khỏe không nghĩ đến BHYT”

Trong khi đó, ngay cả khi giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa tăng lên, thì không ít người dân vì thiếu BHYT nên rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn nếu lâm bệnh nặng.

Sau gần một tháng điều trị ngộ độc nấm tại Trung tâm chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội), hai vợ chồng ông bà H.T.C và C.V.M (ở Chi Lăng, Lạng Sơn) vừa ra viện.

Tổng chi phí điều trị của hai người gần 400 triệu đồng nhưng cả 2 ông bà đều không có BHYT. BV phải kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.

“Giá như gia đình tôi tham gia BHYT thì đâu đến nỗi. Vô cùng biết ơn sự giúp đỡ của BV và những tấm lòng gần xa đã ủng hộ. Giờ tôi mới thấy sự cần thiết của BHYT”, con gái 2 bệnh nhân bày tỏ.

Bác sĩ Bích Mận, Trưởng phòng Công tác xã hội (BV Bạch Mai, Hà Nội), cho biết mới đây cũng kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ cho các bệnh nhân không có BHYT. Đó là bệnh nhân H.T.Đ (23 tuổi, quê Thanh Hóa) đang mang thai 29 tuần vào viện do suy hô hấp, viêm phổi do cúm A. Việc áp dụng các kỹ thuật cao, lọc máu sử dụng kháng sinh mạnh… tiêu tốn mỗi ngày đến 50 triệu đồng. Đây là khoản chi quá lớn với gia đình thuần nông, 2 vợ chồng làm nghề tự do như chị Đ.”, bác sĩ Bích Mận chia sẻ.

Hồi còn khỏe không nghĩ đến BHYT, đùng một cái bị bệnh nhanh quá. Bà Lê Thị Thu Thảo, đang điều trị ung thư cổ tử cung. Đang điều trị ung thư cổ tử cung tại Khoa Xạ 2 BV Ung bướu TP.HCM, bà Lê Thị Thu Thảo (43 tuổi, quê Bình Dương) lo lắng vì tiền đã cạn. Từ khi nhập viện (tháng 12.2016) đến giữa tháng 4, bà đã chi hơn 32 triệu đồng (trong đó 22 triệu đồng vừa tạm ứng để xạ trị). Bà không mua BHYT. Bà Thảo lo lắng vì chi phí điều trị về lâu dài không biết sẽ xoay xở thế nào. “Hồi còn khỏe không nghĩ đến BHYT, đùng một cái bị bệnh nhanh quá”, bà Thảo nói.

Tháng 2.2017, bà Trần Thị Phượng (43 tuổi, quê An Giang) vào BV Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị do bệnh tim nặng. Tiền bà dành dụm và con cái gom hết được 141 triệu đồng nhưng vẫn không đủ trả tiền viện phí, do bà không có BHYT. Bệnh nhân cầu cứu Phòng Công tác xã hội BV. Sau khi xem xét, phòng này đã hỗ trợ 35 triệu đồng để bà Phượng trả viện phí. Bà Nguyễn Thị Hương mắc bệnh tim mạch nặng vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy, phải mổ cấp cứu. Do nghề nghiệp không ổn định, gia cảnh khó khăn nên bà vét sạch cũng chỉ có 41 triệu đồng, trong khi viện phí cho đợt can thiệp này để cứu tính mạng bà lên đến 63 triệu đồng. Bà không có BHYT. Phòng Công tác xã hội BV cũng đã hỗ trợ cho bà 21 triệu đồng để bà an tâm điều trị. Bà Hương “hứa” xuất viện, về nhà bà sẽ mua BHYT thủ thân.

Giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị

Ở BV Ung bướu TP.HCM, trường hợp như bà Thảo là không hiếm. Theo thống kê của BV, trước đây số người có BHYT đến BV điều trị nội trú là 65%, hiện giảm còn 51 - 52%. Còn ngoại trú thì số bệnh nhân sử dụng BHYT chỉ 32%.

 “Ở khu khám bệnh ngoại trú, bệnh nhân đi trái tuyến không được hưởng BHYT nên con số 68% không BHYT là dễ hiểu. Theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, qua phân tích của BV cho thấy 80% viện phí thu từ 51 - 52% bệnh nhân có BHYT; 20% viện phí còn lại là từ số người không có BHYT. Điều này cho thấy bệnh nhân có BHYT điều trị đầy đủ hơn, còn người không có BHYT tỷ lệ bỏ điều trị cao hơn. Vì bệnh ung thư có người điều trị 200 - 300 triệu đồng là bình thường.

Để giải quyết cho người không có thẻ BHYT khó khăn trong điều trị, BV Ung bướu TP.HCM mỗi năm trích khoảng 8 tỉ đồng từ các quỹ xã hội để hỗ trợ cho hàng ngàn lượt bệnh nhân vô thuốc, đồng thời còn hỗ trợ tiền tàu xe, cơm cháo… Bà Trần Thị Phượng (43 tuổi, An Giang) lúc nằm viện được Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy “làm tư tưởng” để bà mua BHYT. Trước khi xuất viện bà đã photocopy thẻ BHYT gửi BV để chứng minh là mình đã hiểu và mua BHYT. Theo ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy, cho biết: “Nếu bệnh nhân Phượng mua BHYT trước đó thì được BHYT chi trả lên đến cả trăm triệu đồng”.

 “Ở Khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình BV Chợ Rẫy, bệnh nhân thường có hoàn cảnh rất khó khăn, do vậy, BV đưa ra chương trình vận động là phải làm sao 100% số bệnh nhân không BHYT đến BV phải mua BHYT, nói cho bệnh nhân biết tính ưu việt của BHYT. Với người không có điều kiện thì BV kêu gọi nhà hảo tâm mua giúp, có gia đình được nhà hảo tâm mua BHYT cho cả 5 người. Có bệnh nhân được tư vấn vẫn không mua, BV dọa “không mua sẽ không hỗ trợ viện phí” thì họ mới mua”, ông Hiển cho biết.

Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K (Hà Nội), BHYT đã giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội điều trị bởi chi phí điều trị ung thư rất lớn. Nhiều trường hợp phải bán tài sản, bán nhà để chữa bệnh nếu không có BHYT. Vừa qua đợt điều trị ung thư đại tràng tại BV K (Hà Nội), ông N.Q.M (43 tuổi, ở Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay vợ chồng ông mua BHYT được gần một năm thì phát hiện bệnh. “Đợt điều trị tốn hơn 40 triệu đồng, may mà có BHYT, nếu không thì phải vay nợ để chi trả bởi chúng tôi không có tiền”, ông M. nói.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết hiện có hơn 80% dân số cả nước mua BHYT. Do đó BV cần phối hợp chặt chẽ với bảo hiểm xã hội đảm bảo mọi người bệnh được hưởng tối đa quyền lợi, tạo thuận lợi cho bệnh nhân khi đi khám bệnh. Phải nâng cao chất lượng BV không chỉ là chuyên môn mà còn tinh thần thái độ phục vụ; giảm thiểu các thủ tục, giảm thời gian chờ đợi trong khám chữa bệnh BHYT.

GS-TS Nguyễn Gia Bình cho rằng: “Các địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn, đặc biệt là tạo thuận tiện về thủ tục mua BHYT để nhiều người dân được biết và tham gia BHYT”. Tương tự, bác sĩ Bích Mận cũng nói: “Chính quyền cần giúp người dân có thêm thông tin, hiểu biết về BHYT. Thực tế, có một số người khỏe mạnh, thanh niên nghĩ mình không bệnh tật gì nên không mua BHYT. Nhưng khi không may mắc bệnh hiểm nghèo sẽ không có tiền điều trị”.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, thống kê trên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT) trong 8 tháng qua (từ 7.2016 - 2.2017) cho thấy có trên 1,2 triệu người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh từ 2 lần trở lên mỗi tháng.

 

Suy thận cấp chỉ sau liều thuốc nam của 'lang vườn'

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170420/suy-than-cap-chi-sau-lieu-thuoc-nam-cua-lang-vuon/1301394.html

Chỉ mới uống một liều thuốc nam mua của “lang vườn” gần nhà, ông L.V.Đ (63 tuổi, ở Lạng Sơn) bị đau bụng, nôn nhiều, không đi tiểu được.

Đến ngày thứ tư, ông Đ. vào bệnh viện tỉnh cấp cứu và được xác định bị suy thận cấp. Sau hai ngày điều trị tích cực, ông Đ. được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cấp cứu.

Theo lời kể của ông Đ., hai tháng trước ông được xác định bị sỏi thận, chưa cần can thiệp. Nhưng ông sợ sỏi thận tiến triển, ảnh hưởng về sau, đồng thời cho rằng uống thuốc nam nếu không hết bệnh thì cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe nên đã mua thuốc nam về uống.

Bác sĩ Nghiêm Trung Dũng, khoa Thận - Tiết niệu, bệnh viện Bạch Mai, cho biết ông Đ. nhập viện trong tình trạng suy thận cấp tính: bụng chướng, chân tay phù nề, vô niệu, nôn nhiều… Ông Đ. được lọc máu tích cực, rút dịch… Tuy nhiên không cần can thiệp ngoại khoa.

Đến ngày 20-4 tức là sau hai ngày điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, tình trạng của ông Đ. vẫn chưa hồi phục: bụng chướng to, chân tay phù nề, vô niệu, chỉ số nhiễm độc vẫn tăng khi dừng lọc máu.

Theo bác sĩ Dũng, chỉ tính riêng khoa Thận - Tiết niệu, bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi tháng tiếp nhận từ 3-4 bệnh nhân bị suy thận cấp do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

Thường những bệnh nhân này tiên lượng rất khó khăn, phụ thuộc vào tình trạng nhiễm độc của người bệnh. Có bệnh nhân nhiễm độc nhẹ, được thải độc hoàn toàn, hết suy thận và không ảnh hưởng đến sức khỏe về sau nhưng có những bệnh nhân nhiễm độc nặng bị suy đa tạng, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém, nếu cứu được cũng bị di chứng rất nặng nề như suy thận mãn…

"Nếu muốn điều trị bằng đông y thì nên đến các cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép, sử dụng thuốc rõ nguồn gốc thì đã không ở trong tình trạng nguy hiểm đến sức khỏe như trên”- bác sĩ Dũng nói.

 

Sản phụ tự đỡ đẻ khiến con nguy kịch

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/san-phu-tu-do-de-khien-con-nguy-kich-3573467.html

Chuyển dạ tại nhà, thấy đầu con lồi ra mà không rặn được, người mẹ dùng tay bóp vào đầu bé kéo mạnh ra khiến trẻ rách một miếng da đầu và lún mảnh xương sọ.

Sản phụ người dân tộc Ma Kong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, sinh con tại nhà.

Theo gia đình, vì nhà xa trạm y tế, sản phụ lại chuyển dạ vào đêm khuya nên người nhà không kịp đưa đến trạm y tế mà để tự sinh tại nhà. Trong khi người chồng chạy đi gọi cán bộ y tế, người mẹ ở nhà trong quá trình chuyển dạ thấy đầu bé lồi ra nhưng không rặn sinh được nên đã dùng tay bóp vào đầu trẻ kéo mạnh ra ngoài.

3 ngày sau khi sinh, bé sốt cao bỏ bú, người nhà đưa đến trạm xá để xin thuốc thì được bác sĩ yêu cầu phải đưa đi viện cấp cứu.

Tối 12/4, trẻ được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, khó thở, bỏ bú, người teo đét, nhiễm trùng sơ sinh nặng, vết thương vùng đỉnh đầu rỉ máu. Chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện một mảnh xương vùng đỉnh phải của bé kích thước khoảng 1,5x1 cm đã bị tiêu xương.

Sau khi hồi sức tích cực cho bé, các bác sĩ xử lý khâu vết thương. Hiện trẻ đã qua cơn nguy kịch và được chăm sóc đặc biệt.

Đây là lần sinh con thứ ba của sản phụ. Hai lần đầu chị cũng tự sinh con ở nhà. Các bác sĩ khuyên thai phụ nên khám thai định kỳ và quản lý quá trình thai nghén tốt. Khi có dấu hiệu chuyển dạ, sản phụ nên đến các trạm y tế gần nhất để sinh con, tránh sinh ở nhà có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của mẹ lẫn con.

 

Từ 1/6/2017: Tăng viện phí với người không có thẻ BHYT

http://khampha.vn/suc-khoe/tu-1-6-2017-tang-vien-phi-voi-nguoi-khong-co-the-bhyt-c11a519880.html

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/tu-16-ap-gia-vien-phi-moi-voi-nguoi-khong-co-the-bhyt-696759.html

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp. Theo đó, một số thủ thuật, phẫu thuật được điều chỉnh tăng khoảng 20 - 30% so với mức giá hiện hành.

Theo đó từ ngày 1/6 tới đây, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp dụng giá mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế, bao gồm: Mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh kiểm tra sức khoẻ; dịch vụ ngày giường điều trị; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm...

Thông tư cũng sẽ điều chỉnh giá viện phí với những người chưa tham gia bảo BHYT, hoặc có thẻ nhưng đi KCB hoặc sử dụng các dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT (không bao gồm đi khám tại các khoa khám tự nguyện, theo yêu cầu).

Bộ Y tế cho biết, thông tư này áp dụng cho các cơ sở KCB công lập, người bệnh chưa tham gia BHYT, người có thẻ BHYT nhưng khi KCB hoặc sử dụng các dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Theo đó, mức tối đa khung giá dịch vụ KCB gồm: chi phí trực tiếp như thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện các dịch vụ KCB, chi phí về điện nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ dụng cụ. Chi phí tiền lương gồm tiền lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật...

Cụ thể khi đi khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh nhân sẽ phải đóng 39.000 đồng/lần khám, tại bệnh viện hạng 2 là 35.000 đồng, hạng 3 là 31.000 đồng; hạng 4 và trạm y tế xã là 29.000 đồng. Một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20 - 30% so với mức giá hiện hành. Bộ Y tế cũng bổ sung giá của 35 dịch vụ chưa được BHYT chi trả dịch vụ thẩm mỹ, thay răng giả, trợ thính, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ...

Với những dịch vụ này, người có thẻ BHYT vẫn áp giá như người không có thẻ BHYT bởi các dịch vụ này chưa được Quỹ BHYT chi trả. Giá ngày giường được tính mỗi người trên một giường, nằm ghép hai chỉ được thu tối đa 50%, nằm ghép từ 3 trở lên chỉ được thu tối đa 30%. Trường hợp nằm trên băng ca, giường gấp tạm thời áp dụng mức giá ngày giường cho nằm ghép 2.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này để tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT.

Hiện nay theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người tham gia BHYT đạt 82% dân số, như vậy vẫn còn 18% dân số chưa tham gia BHYT. Thực tế cho thấy đã có nhiều gia đình người bệnh chưa tham gia BHYT nên khi mắc bệnh trọng đã trở thành khó khăn trong quá trình điều trị, nhiều người đã phải cầm cố cả tài sản, qua đó mới thấm thía giá trị của chiếc thẻ BHYT.

 

Nhiều nhân viên y tế bị phơi nhiễm HIV từ bệnh nhân

http://laodong.com.vn/suc-khoe/nhieu-nhan-vien-y-te-bi-phoi-nhiem-hiv-tu-benh-nhan-657703.bld

Thường xuyên tiếp xúc với máu và dịch tiết từ bệnh nhân, phải mổ khẩn cấp mà không biết bệnh nhân có bệnh truyền nhiễm, bác sĩ, nhân viên y tế là một trong những người dễ bị phơi nhiễm HIV nhất.

Tại Hội nghị khoa học thường niên của Bệnh viện Chợ Rẫy 2017, ThS.BS Đặng Thị Vân Trang, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đã trình bày báo cáo tình hình phơi nhiễm với máu và dịch tiết do nghề nghiệp của nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là nghiên cứu nhằm đánh giá tình hình phơi nhiễm và hiệu quả của phòng ngừa sau phơi nhiễm nhằm có biện pháp dự phòng cho nhân viên y tế.

Theo kết quả nghiên cứu của BS Trang, từ năm 2014-2016, có tất cả 191 trường hợp nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy bị phơi nhiễm với máu và dịch tiết từ người bệnh. Trong số đó có 43 bác sĩ, 55 điều dưỡng, 8 kỹ thuật viên, 73 sinh viên chuyên ngành điều dưỡng, 12 nhân viên làm sạch.

Đáng chú ý, BS Vân Trang cho biết, trong số 191 nhân viên y tế bị phơi nhiễm thì phơi nhiễm trên bệnh nhân có HIV dương tính chiếm 9,9%; không rõ nguồn gốc chiếm 8,4%. Các trường hợp phơi nhiễm xảy ra chủ yếu là do kim hoặc dao đâm (chiếm 85,4%). Bên cạnh đó, nhiều nhân viên y tế bị phơi nhiễm do máu và dịch tiết bắn vào mắt. Nhân viên y tế có thể bị phơi nhiễm từ những thao tác nhỏ nhất như tiêm truyền, rút máu, đậy nắp kim, hủy kim, thao tác phẫu thuật và thu gom rác: “Chỉ cần một thao tác bất cẩn hoặc không tuân thủ phòng hộ theo quy định cũng có thể khiến nhân viên y tế bị phơi nhiễm” – BS Trang nhấn mạnh.

Tất cả các nhân viên y tế bị phơi nhiễm với HIV và không rõ nguồn gốc đều được điều trị phác đồ với thuốc trong 4 tuần và theo dõi trong 1 năm. Các trường hợp chưa có kháng thể hoặc kháng thể thấp với viêm gan B đều được tiêm ngừa ngay sau phơi nhiễm. Đa số các trường hợp phơi nhiễm được điều trị đều cho kết quả tốt.

 

Ăn quả ngô đồng cho thông minh, 50 học sinh ngộ độc

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/32660702-hon-50-hoc-sinh-tieu-hoc-cua-lo-bi-nghi-ngo-doc-vi-an-qua-ngo-dong.html

http://dantri.com.vn/suc-khoe/tuong-hat-ngo-dong-la-qua-oc-cho-hang-chuc-hoc-sinh-phai-cap-cuu-2017042020020311.htm

Quả ngô đồng thì học sinh tiểu học cho rằng đó là quả óc chó nên "ăn quả này thông minh hơn", khiến khoảng 50 học sinh ăn vào bị ngộ độc.

Cuối buổi chiều 20-4, giáo viên Trường tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) hốt hoảng khi phát hiện nhiều em học sinh đau bụng, nôn mửa...

Nhiều phụ huynh chạy đến trường thấy con bị ngộ độc nên hốt hoảng, lo sợ khiến sân trường thêm "náo loạn".

Ngay lúc đó, các em học sinh được chuyển đến Trạm y tế phường Nghi Hòa để cấp cứu. Các em bị ngộ độc nặng được chuyển lên BV Đa khoa thị xã Cửa Lò tiếp tục cấp cứu, giải độc.

Theo một số em cho biết, các em lớp 2 có rủ nhau ăn hạt quả óc chó "cho thông min hơn". Tuy nhiên, thực tế đó không phải là quả óc chó mà chính là quả ngô đồng. Có hơn 50 em học sinh đã ăn hạt quả ngô đồng dẫn đến bị ngộ độc.

Đến tối 20-4, có 20 em đã được chuyển lên đang cấp cứu tại BV Đa khoa thị xã Cửa Lò. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò cho biết: "Phòng GD&ĐT thị xã đã nắm được sực việc, hiện trưởng phòng đang túc trực tại bệnh viện cấp cứu các em. Sáng ngày mai chúng tôi sẽ có báo cáo lên Sở GD&ĐT".

Phụ huynh và giáo viên cũng đang yêu cầu các em có ăn ít hạt ngô đồng (một hai hạt) lên trạm xá và bệnh viện để kiểm tra, đề phòng ngộ độc lúc nửa đêm.

Trước đó, chiều 10-4, 12 em học sinh Trường tiểu học Tân Giang (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) cũng ăn quả ngô đồng rồi về nhà thì có triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng. 12 em được chuyển đến Khoa Cấp cứu - Chống độc  BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu bị ngộ độc do ăn phải quả cây ngô đồng.

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/an-qua-ngo-dong-cho-thong-minh-50-hoc-sinh-ngo-doc-696980.html

 

Phụ nữ mang thai sau ghép thận có tỷ lệ biến chứng cao

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/phu-nu-mang-thai-sau-ghep-than-co-ty-le-bien-chung-cao-696867.html

http://dantri.com.vn/suc-khoe/phu-nu-mang-thai-sau-ghep-than-co-ty-le-bien-chung-cao-20170420180240404.htm

Kết quả nghiên cứu trên các phụ nữ đã trải qua ghép thận tại BV Chợ Rẫy TP.HCM cho thấy, những phụ nữ này thường gặp khá nhiều biến chứng khi mang thai.

Sáng 20-4, tại Hội nghị Khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2017, bác sĩ Hoàng Khắc Chuẩn – Khoa Ngoại Tiết Niệu – Bệnh viện Chợ Rẫy đã cho biết thông tin trên. Theo đó, việc mang thai ở những phụ nữ sau ghép thận sẽ có nguy cơ ảnh hưởng mẹ, thai nhi và cả quả thận ghép.

“Biến chứng xảy ra trên bà mẹ mang thai sau ghép thận chủ yếu là thiếu máu, tăng huyết áp, tiền sản giật, tăng đạm niệu...  Biến chứng đối với thai nhi thường gặp là sinh non, sẩy thai, nhẹ cân...", bác sĩ Chuẩn cho biết thêm.

 

Ung thư không phải là dấu chấm hết

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/32659702-ung-thu-khong-phai-la-dau-cham-het.html

Đó là nội dung cuộc tọa đàm do Hội Nội khoa Việt Nam phối hợp Trung tâm ung bướu (Bệnh viện T.Ư Huế) tổ chức chiều ngày 20-4 tại TP Huế với sự đồng hành của nhãn hàng CumarGold Kare của Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình truyền thông vì sức khỏe người Việt của Hội Nội khoa Việt Nam.

Tại tọa đàm, các nhà khoa học, bác sĩ và chính người bệnh chia sẻ kiến thức mới trong việc điều trị; các giải pháp nâng cao thể trạng, sống khỏe với ung thư, đồng thời củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho người bệnh vượt qua những khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.

Chia sẻ thông tin tại tọa đàm, PGS, TS Nguyễn Đình Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện T.Ư Huế) cho biết: hiện nay mỗi năm trên thế giới có khoảng 11 triệu ca mắc ung thư mới, trong đó có 5 triệu ca ở các nước phát triển và 6 triệu ca ở các nước đang phát triển. Ước tính đến năm 2020 sẽ tăng lên gần 30 triệu người mắc ung thư, trong đó 60% số ca mắc mới là ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, mô hình bệnh tật kép cùng xu hướng mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư đang ngày càng gia tăng. Ước tính sẽ có khoảng hơn 150 nghìn ca mắc ung thư mới và khoảng 75 nghìn ca chết/năm.

Mười loại ung thư phổ biến ở nam giới là: phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm họng, lymphoma, máu, tuyến tiền liệt, bàng quang. Còn mười loại ung thư thường gặp ở phụ nữ là: vú, đại trực tràng, phổi, cổ tử cung, dạ dày, tuyến giáp, gan, buồng trứng, lymphoma, máu.

“Tuy nhiên, với những tiến bộ trong điều trị ung thư cùng sự hỗ trợ về tinh thần, tâm lý cho các bệnh nhân, áp dụng những phương pháp chăm sóc tại nhà khoa học và sử dụng những sản phẩm hỗ trợ điều trị có nguồn gốc thảo dược an toàn sẽ giúp cho bệnh nhân tăng cường sức đề kháng trong và sau hóa, xạ trị” – PGS.TS Nguyễn Đình Tùng nêu rõ.

GS,TS Đào Văn Phan, nguyên Trưởng bộ môn Dược lý (Trường đại học Y Hà Nội) đánh giá phức hệ Nano FGC (công trình nghiên cứu vừa mang lại danh hiệu top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam cho TS Hà Phương Thư, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn) đã tạo được bước đột phá trong công nghệ Nano, giúp phát huy tối đa hiệu quả của các hoạt chất Curcumin (Nghệ), Fucoidan (Rong nâu), NotoGinseng (Tam thất)

GS.TS Đào Văn Phan phân tích: Gốc tự do, chất oxy hóa trong cơ thể sẽ phá hoại tế bào, gây đột biến gen và là nguồn gốc phát sinh ung thư. Curcumin, Fucoidan, NotoGinseng đều là những chất chống oxy hóa mạnh, tiêu diệt các gốc tự do để dự phòng ung thư, đồng thời có tác dụng nâng cao thể trạng, ức chế phân bào, ức chế tạo mạch mới, tăng cường miễn dịch, giảm bớt tác dụng phụ trong quá trình hóa xạ trị. Ba chất này gần tương tự như nhau, khi dùng trong cùng một phức hệ sẽ hiệp đồng tác dụng, mang lại hiệu quả vượt trội so với việc sử dụng riêng lẻ.

Phức hệ Nano FGC đã được chuyển giao cho Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI chế tạo thành sản phẩm CumarGold Kare, sản phẩm được đánh giá mở ra một kỷ nguyên mới trong dự phòng và hỗ trợ điều trị ung bướu, nâng cao thể trạng người bệnh, giảm độc tính hóa, xạ trị bằng sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược trong nước.

Trong buổi tọa đàm, chị Trần Thị Cẩm Bào, người đã có bốn năm chiến đấu với căn bệnh ung thư vú đã chia sẻ kinh nghiệm về chặng đường chiến đấu với bạo bệnh, đó là những điểm tựa tinh thần; nhất là bí quyết sống khỏe “4 chữ T” và nhìn ung thư bằng con mắt mỹ học. Chị Bào khẳng định luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, dũng cảm và áp dụng bí quyết sống khỏe 4T (tinh thần, thể thao, thuốc và thảo dược).

 

Gỡ khó giúp y tế biển, đảo phát triển

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/32652502-go-kho-giup-y-te-bien-dao-phat-trien.html

Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km, hơn 3.000 hòn đảo, bãi đá ngầm; có vùng nội thủy, lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích hơn một triệu km2... Việt Nam xác định kinh tế biển là mũi nhọn ưu tiên phát triển. Vì vậy, việc phát triển y tế biển, đảo nhằm vừa thực hiện chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, người lao động trên biển vừa bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” (Đề án 317) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo hành lang pháp lý để các bộ, ngành, địa phương đầu tư cho phát triển mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe lực lượng vũ trang và người lao động đang sinh sống, hoạt động trong vùng biển, đảo Việt Nam; giúp người dân an tâm làm ăn, sinh sống, bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua bốn năm triển khai Đề án, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Nhờ đó, các cơ sở khám, chữa bệnh trên các huyện đảo, xã đảo và ven bờ từng bước được cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, giúp người dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng hơn. Thống kê cho thấy, trên toàn tuyến biển, đảo các lực lượng dân y, quân y đã thực hiện cấp cứu, điều trị cho hàng chục nghìn lượt người bệnh; khám bệnh, phát thuốc điều trị cho hàng trăm nghìn người; phẫu thuật cho hàng nghìn trường hợp; tổ chức hàng chục chuyến bay trực thăng và chuyến tàu quân sự vận chuyển người bệnh an toàn về đất liền…

Chương trình “Cùng ngư dân bám biển” được cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế tích cực tham gia quyên góp mua tặng hàng nghìn tủ thuốc cho các nghiệp đoàn nghề cá đánh bắt xa bờ của các tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hải Phòng. Hàng loạt đề án đang được triển khai, từ việc luân chuyển cán bộ từ tuyến trên về giúp đỡ tuyến dưới theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” đến xây dựng “ngân hàng máu” trong cộng đồng dân cư trên các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Phú Quý, Phú Quốc, Côn Đảo, Trường Sa... Từ năm 2015 đến nay Bệnh viện Bạch Mai tổ chức đào tạo, chuyển giao 17 gói kỹ thuật thiết yếu và chuyên sâu thuộc 11 chuyên ngành: cấp cứu, tiêu hóa, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần, thận tiết niệu, thận nhân tạo, hóa sinh, huyết học, chẩn đoán hình ảnh, nội soi tiêu hóa, dược, quản lý bệnh viện cho lực lượng Quân y Hải quân. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức đào tạo, cập nhật chuyên môn tại các đơn vị Quân y Hải quân, hỗ trợ Viện Y học Hải quân qua hệ thống trực tuyến; triển khai hỗ trợ phương tiện vận chuyển cấp cứu, trang thiết bị y tế cho Trung tâm y tế quân dân y huyện đảo Bạch Long Vĩ, huyện đảo Lý Sơn…

Thông qua kinh phí dự án “Kết hợp quân dân y” cũng bổ sung trang bị kỹ thuật số có thể kết nối hệ thống Telemedicine cho phòng mổ của trung tâm y tế quân dân y các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Phú Quý và xã đảo Thổ Châu và nhiều trang thiết bị y tế chăm sóc chuyên khoa cho các huyện, xã đảo. Hệ thống Telemedicine kết nối giữa huyện đảo Bạch Long Vĩ với Viện Y học biển và Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng, xử lý kịp thời một số ca bệnh hiểm nghèo.

Lực lượng quân y của các đơn vị quân đội và ngành y tế các địa phương đã triển khai tuyên truyền cho người dân biết tự bảo vệ sức khỏe mỗi khi ra khơi; tập huấn cho ngư dân biết cách phòng tránh bệnh tật và biết tự cấp cứu khi bị thương; biết trang bị và sử dụng thuốc điều trị thông thường trên biển; tổ chức và huấn luyện các đội cấp cứu ngoại viện sẵn sàng tăng cường ra biển… Đầu tư các cơ sở khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân sống ở ven biển, trên các huyện đảo, xã đảo. Riêng các địa phương có huyện đảo đã quan tâm đầu tư nhân lực, trang thiết bị y tế, chế độ chính sách cho nhân viên y tế công tác tại các huyện đảo.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tạo sự chuyển biến rõ nét. Một số mục tiêu của đề án vẫn chưa được triển khai, trong khi thời gian thực hiện không còn nhiều. Điều đó đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực phấn đấu để triển khai thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Hiện nay, y tế ở các huyện đảo, xã đảo, các ngành kinh tế biển, lực lượng vận tải biển, lực lượng bảo vệ trên biển… mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là khi có thiên tai thảm họa và những tình huống đặc biệt xảy ra như tai nạn, những bệnh lý cấp tính… Các đơn vị chưa có các đội cơ động cấp cứu vận chuyển chuyên nghiệp trên biển; trang thiết bị chuyên dụng và thuốc thiết yếu thiếu; việc phổ cập kiến thức về y học biển cho lực lượng còn hạn chế; ý thức chủ quan, kiến thức tự bảo vệ sức khỏe của người lao động, ngư dân trên biển vẫn còn là một thách thức lớn đối với ngành y tế. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư riêng cho Đề án 317. Ngân sách đầu tư cho y tế biển, đảo thời gian qua còn dàn trải và chủ yếu từ nguồn ngân sách địa phương và các bộ, ngành cho nên chưa có nguồn lực thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Để triển khai được các nhiệm vụ, nội dung của Đề án giai đoạn 2017 - 2020, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về y tế biển, đảo Phạm Lê Tuấn cho rằng cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành ở trung ương và chính quyền các địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền kế hoạch tổng thể, kế hoạch hằng năm và các dự án để triển khai. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức, điều phối hệ thống vận chuyển cấp cứu trên biển bằng các phương tiện do các địa phương, bộ, ngành quản lý; đề xuất chủ trương đầu tư đóng mới, hoán cải tàu biển hiện có để có đủ điều kiện cấp cứu, điều trị trên các tàu quân sự, cảnh sát biển; đầu tư cho một số cơ sở cấp cứu biển để thực hiện nhiệm vụ đề án đề ra. Chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và UBQG Tìm kiếm cứu nạn xây dựng các phương án tổ chức, huy động phương tiện tàu thuyền, máy bay phục vụ công tác cấp cứu, cứu nạn trên biển; tăng cường công tác kết hợp quân dân y củng cố y tế cơ sở, xây dựng các cơ chế phối hợp liên ngành nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội.

Các bộ, ngành rà soát, xây dựng dự án nâng cao năng lực các trung tâm y tế để phục vụ y tế biển, đảo; chủ động tìm kiếm các nguồn vốn viện trợ, ODA… và bố trí ngân sách ưu tiên để triển khai các hoạt động của Đề án. Đối với các địa phương ven biển cần rà soát, kiện toàn kế hoạch triển khai thực hiện theo các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án 317, bổ sung các dự án vào danh mục đầu tư công của địa phương và chủ động bố trí ngân sách từ nhiều nguồn để thực hiện. Nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tăng cường kết hợp quân dân y trong củng cố y tế cơ sở, sẵn sàng đáp ứng các tình huống khẩn cấp, phòng, chống dịch bệnh và góp phần xây dựng thế trận phòng thủ trên đảo.

 

Hiệu quả từ bệnh viện vệ tinh Yên Bái

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/32652402-hieu-qua-tu-benh-vien-ve-tinh-yen-bai.html

Tháng 11-2016, UBND tỉnh Yên Bái ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ y tế toàn diện với Bệnh viện Bạch Mai, mở ra sự liên kết đặc biệt trong phát triển bệnh viện vệ tinh, giảm tải cho tuyến trên.

PGS, TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hơn 10 năm qua, chúng tôi đã luôn quan tâm, hỗ trợ ngành y tế tỉnh Yên Bái qua công tác chỉ đạo tuyến và triển khai các chương trình, dự án như: Dự án hợp tác với JICA, Đề án 1816, Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh miền núi phía bắc, Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng, Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015; các chương trình mục tiêu quốc gia như: chống viêm phổi tắc nghẽn, phòng chống tăng huyết áp… Bệnh viện cũng đã tổ chức gần 200 khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cơ bản và chuyên sâu cho hàng nghìn lượt cán bộ y tế của tỉnh Yên Bái tại Bệnh viện Bạch Mai và tại tỉnh Yên Bái. Hơn 100 chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã trực tiếp luân phiên, đồng cam cộng khổ cùng các y, bác sĩ tỉnh Yên Bái để nâng cao chất lượng công tác điều trị. Hàng chục nghìn người bệnh của tỉnh Yên Bái đã được các thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai khám, hội chẩn và điều trị ngay tại địa phương.

Thông qua hoạt động hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai, chất lượng khám, chữa bệnh tuyến tỉnh của Yên Bái đã có những bước phát triển tốt. Nhiều kỹ thuật mũi nhọn Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao đến nay đã được bệnh viện của tỉnh Yên Bái áp dụng hiệu quả, người dân được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tỉnh thay vì phải về Hà Nội.

Sau gần bốn năm thi công, với tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng, tháng 9-2016, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái (quy mô 500 giường) đã đi vào hoạt động với 32 khoa, phòng với trang, thiết bị hiện đại đồng bộ. Tỉnh Yên Bái đã bổ sung một Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, thu hút tám bác sĩ chuyên khoa II, 48 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa I làm việc tại các khoa chức năng. UBND tỉnh có Đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh, theo đó các dược sĩ, bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi được tuyển thẳng vào vị trí theo yêu cầu; được hỗ trợ tiền nhà ở và một số ưu đãi khác. Hiện tại, Bệnh viện đa khoa tỉnh là vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Tim Hà Nội… Qua sự hỗ trợ nhiệt tình của tuyến T.Ư, đến nay đội ngũ cán bộ y tế Yên Bái từng bước làm chủ được các kỹ thuật cao, không phải chuyển người bệnh lên tuyến trên như trước.

Tại Khoa Hồi sức tích cực, chúng tôi gặp người bệnh Trần Văn Bích, 73 tuổi, trú tại xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình vừa được phẫu thuật thành công phình tách động mạch chủ bụng, một ca hiếm gặp nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong. Ông Bích cảm động nói: Người khỏe thì có rất nhiều điều ước, còn người bệnh như tôi có một điều ước duy nhất là sức khỏe. Tôi bị bệnh nặng, được mổ cấp cứu kịp thời, chứ chở ô-tô đi quãng đường gần 200 km về Hà Nội chắc gì còn được ngồi đây nói chuyện với các anh. Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm!

Nhờ chuyển giao kỹ thuật theo cách “cầm tay, chỉ việc” của các bác sĩ đầu ngành T.Ư, đến nay đội ngũ cán bộ y tế Yên Bái đã làm chủ được các phẫu thuật: nội soi tiết niệu, tán sỏi bằng la-de, thay khớp gối, khớp háng toàn phần; nội soi khớp gối, tái tạo dây chằng chéo; lọc máu liên tục và thay huyết tương trong hồi sức tích cực; chẩn đoán hình ảnh với 64 lớp cắt; máy cộng hưởng từ nhằm chẩn đoán các bệnh lý về cột sống, khối u mà trước đó phải chuyển tuyến... Từ tháng 4-2015, bệnh viện đã thành lập đơn vị đột quỵ thuộc Khoa Hồi sức tích cực. Bác sĩ điều trị Nguyễn Song Hào cho biết: Trước đây, khi chưa sử dụng những phương pháp mới trong điều trị đột quỵ thì tỷ lệ tử vong khoảng 40% và nếu sống cũng để lại di chứng nặng nề. Khi phương pháp mới được áp dụng, tỷ lệ tử vong giảm còn khoảng 10%, người bệnh được chữa trị kịp thời trong vòng ba giờ kể từ lúc phát bệnh và tổn thương mạch máu, điều đó cho thấy việc điều trị rất hiệu quả, người bệnh phục hồi gần như hoàn toàn. Ông Trần Văn Quyền, trú tại xã Yên Thành, huyện Yên Bình nhập viện trong tình trạng hôn mê, liệt tay phải, chân phải, kíp trực xác định có triệu chứng đột quỵ cấp khởi phát, đã nhanh chóng chỉ định cho người bệnh dùng thuốc tiêu sợi huyết. Nhờ cấp cứu kịp thời, nay ông Quyền đã cử động được tay chân phải, không để lại di chứng liệt não.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái Trần Lan Anh khẳng định: Cùng với việc nâng cao y đức và thái độ phục vụ người bệnh, bệnh viện xác định đào tạo con người đi đôi với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Hiện tại, bệnh viện có 77 cán bộ đang đi học dài hạn, 31 cán bộ đang đi học chuyên khoa sâu và chuyển giao kỹ thuật, tiếp tục hoàn thiện các trang, thiết bị hiện đại, hướng tới quý III-2017 được xếp hạng bệnh viện hạng một. Nhờ hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ bác sĩ tuyến trên, chúng tôi đã làm chủ được nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang