Báo điện tử Tuổi trẻ online: 08:16: Từ 1-8, viện phí tăng, 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng mạnh
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội VN cho hay Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN đã bàn thảo để tiếp tục tăng viện phí từ ngày 1-8.
Mốc thời gian dự định tăng viện phí này đã tăng thêm một tháng so với lộ trình trước đây là tăng từ ngày 1-7 và cũng khác với lộ trình trước là không tăng trên diện rộng, trước mắt sẽ áp dụng ở 10 tỉnh thành có số người dân tham gia bảo hiểm y tế cao 90-95%.
Cụ thể, viện phí mới áp dụng từ ngày 1-8 đưa thêm lương thầy thuốc vào viện phí.
Trước đó từ ngày 1-3, tất cả 1.400 bệnh viện trên toàn quốc đều thu viện phí theo mức mới gồm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, chi phí trực tiếp cho người bệnh, riêng các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn (hầu hết bệnh viện tuyến T.Ư và một số bệnh viện tuyến tỉnh) đã thu viện phí bao gồm cả lương thầy thuốc.
Từ ngày 1-8, mức viện phí gồm các loại phụ cấp, lương này tiếp tục được áp dụng mở rộng thêm tại 10 địa phương. Với mức thu mới, giá của 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng mạnh, đặc biệt là các dịch vụ có cơ cấu lớn chi cho nhân lực y tế.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội VN, từ tháng 3 đến nay Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chất lượng dịch vụ sau khi tăng viện phí. Cơ bản đánh giá một số bệnh viện chất lượng có cải thiện, nhưng cũng có nhiều vụ việc được phát hiện thể hiện chất lượng dịch vụ còn thấp.
Trong đó có 2 vụ sập trần bệnh viện tại Bệnh viện Nhi T.Ư và Tai mũi họng T.Ư, hai vụ bác sĩ làm “cò bệnh viện” và nhận cả xấp phong bì phát hiện tại Bệnh viện K, một vụ cán bộ y tế tại Bệnh viện Bạch Mai nói chuyện điện thoại dài trong giờ làm việc trong khi bệnh nhân chờ đợi...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của ngành y tế cho biết đánh giá qua các đợt kiểm tra bệnh viện thì thấy chất lượng dịch vụ y tế có cải thiện sau tăng viện phí, nhưng đổi mới về tư duy và quản trị bệnh viện vẫn chưa rõ.
Chuyên gia này cũng cho rằng nên sớm cho các bệnh viện thu đúng thu đủ chi phí dịch vụ (áp dụng trước ở nhóm bệnh nhân bảo hiểm y tế), đồng thời chuyển phần ngân sách vốn dành bao cấp cho ngành y tế sang hỗ trợ người thụ hưởng dịch vụ, thông qua việc hỗ trợ người dân mua thẻ bảo hiểm y tế, sẽ tạo cạnh tranh giữa các bệnh viện trong cải thiện chất lượng dịch vụ.
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160620/tu-18-vien-phi-tang-1900-dich-vu-y-te-se-tang-manh/1121284.html
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/838073/tu-1-8-vien-phi-tang-1900-dich-vu-y-te-se-tang-manh
Báo điện tử Hà Nội mới, ngày 20/06/2016 20:53: Không quản lý tốt bệnh viện, khó thu hút người bệnh
Từ ngày 20 đến 25-6, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Khóa Đào tạo quản lý bệnh viện (BV) cho hơn 50 giám đốc, phó giám đốc và một số trưởng khoa của hơn 40 BV trong cả nước.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, lĩnh vực khám, chữa bệnh là một phần rất quan trọng của ngành y tế, trực tiếp cung cấp các dịch vụ khám, chẩn đoán và điều trị bệnh cho nhân dân. Trên 50% lao động có kỹ thuật làm việc tại đây và có tới 60% ngân sách của ngành y tế. Công tác khám, chữa bệnh yếu kém, không giữ được chân người bệnh là do lãnh đạo BV không nắm vững nhưng nguyên tắc về quản lý, chưa thực sự quan tâm đến vấn đề chất lượng BV.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê dẫn chứng, trong những năm qua, ngành Y tế và bản thân mỗi BV đã cố gắng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh dễ tiếp cận được các dịch vụ khám, chữa bệnh và được điều trị theo đúng yêu cầu bệnh tật. Dù vậy, công tác khám, chữa bệnh còn nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là tình trạng quá tải ở các BV, đặc biêt là tuyến trung ương; cơ sở vật chất không đáp ứng đươc yêu cầu của công tác khám, chữa bệnh; công tác quản lý BV chưa chặt chẽ, thiếu khoa học và chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, chưa tạo được động lực để phát triển mạnh các cơ sở khám, chữa bệnh; tính khoa học, tính kinh tế trong quản lý các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được quan tâm đúng mức; một số nơi xảy ra những rủi ro về chuyên môn đã ảnh hưởng đến uy tín của thầy thuốc, BV và ngành Y tế… Những bất cập trong công tác quản lý BV đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả phục vụ người bệnh. Nhắc tới một loạt những sự cố của ngành Y tế thời gian qua, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cảnh báo các lãnh đạo các BV phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng bệnh viện và an toàn người bệnh.
Hiện nay chính sách thông tuyến BHYT tại tuyến huyện, bệnh nhân có quyền lựa chọn BV tốt hơn để khám, chữa bệnh. Do đó, không làm tốt công tác quản lý và đưa ra được những giải pháp thu hút người bệnh sẽ không ít BV rơi vào cảnh vắng vẻ. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, muốn thu hút và giữ chân người bệnh, đặc biệt trong giai đoạn ngành y tế có những đổi mới về cơ chế tài chính hiện nay, lãnh đạo các BV phải đổi mới tư duy, đổi mới công tác quản lý BV. Đây cũng chính là lý do Bộ Y tế đang đẩy mạnh chương trình đào tạo công tác quản lý BV theo hướng hiện đại, từng bước tiếp cận với thế giới.
Theo chương trình, trong 6 ngày diễn ra lớp tập huấn, các học viên sẽ được đào tạo cơ bàn về công tác quản lý chất lượng BV, công tác điều dưỡng; những giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh, tổng quan về chính sách BHYT trong BV… Bên cạnh đó, lãnh đạo các BV còn được tập huấn về công tác quản lý nhân lực, quản lý trang thiết bị và hạ tầng cơ sở y tế; quản lý tài chính BV, quản lý truyền thông y tế...
Cuối khóa học, các học viên còn có buổi trực tiếp với lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế về những tồn tại và thách thức của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh.
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/838117/khong-quan-ly-tot-benh-vien-kho-thu-hut-nguoi-benh
Báo điện tử Pháp luật TP.Hồ Chí Minh, ngày 21/06/2016 05:00: Ngày đầu tiên ở BV khám bệnh lúc gà gáy
BV Ung bướu TP.HCM trở thành bệnh viện tiên phong áp dụng lịch khám chữa bệnh bắt đầu từ 5 giờ sáng để giảm tải.
Do lượng bệnh nhân hằng ngày quá đông, Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM từ trước đến nay luôn trong tình trạng quá tải. Từ 1, 2 giờ sáng, hàng trăm bệnh nhân đã rồng rắn ngồi xếp hàng chờ phát số khám. Nhằm giải quyết phần nào khó khăn của bệnh nhân, cũng như giải quyết tình trạng quá tải, từ ngày 20-6, BV Ung bướu TP.HCM đã huy động cán bộ, y, bác sĩ bắt đầu lịch khám bệnh từ 5 giờ.
Kịp chuyến phà đêm
Từ 11 giờ ngày 19-6, chị Lê Phùng Ngọc Phương (Đồng Tháp) cùng mẹ là bà Thiết đã bắt xe lên BV Ung bướu TP.HCM khám do nghi bà Thiết bị bướu cổ. Qua hướng dẫn của hàng xóm trước đó, mẹ con chị đã chuẩn bị đồ đạc để ở lại TP.HCM hai ngày.
“Người ta nói BV đông lắm, phải chờ bốc số từ rất sớm ngồi chờ tới lượt gọi tên. Có khi đến lúc được siêu âm, nội soi đã lưng chừng trưa. Loanh quanh đóng tiền, lấy thuốc là đến chiều tối. Từ BV ra bến phà thế nào cũng muộn giờ nên tôi chuẩn bị ở lại thuê trọ ngủ qua đêm, sáng sớm mai về” - chị Phương kể.
Chị Phương rất bất ngờ khi được biết hôm nay là ngày đầu BV áp dụng lịch khám bệnh từ 5 giờ sáng. Chị vội vã lấy số thứ tự, đóng tiền. Hơn 5 giờ 30, mẹ chị đã đến được phòng siêu âm. “Có thể đến trưa hai mẹ con đã có thể qua phà Cao Lãnh, không lỡ chuyến phà cuối như đã lo lắng. Bỏ ra thêm ít tiền đã có thể khám sớm, lấy kết quả sớm cũng xứng đáng. Các bác sĩ đã chịu thương, chịu khó dậy sớm khám cho người dân thôi” - cô Thiết vui vẻ nói.
Ông Nguyễn Văn Hậu (Di Linh, Lâm Đồng) cho biết ngày trước đưa vợ đi khám, dù đã bỏ tiền khám dịch vụ nhưng vẫn phải xếp hàng từ sớm, chờ đợi quá lâu. Sáng nay đi tái khám cũng phải tranh thủ từ tờ mờ sáng, chuẩn bị vật vờ chờ đợi. “Vậy mà lại có cái vụ khám 5 giờ này thiệt sướng. Ngày trước đi BV Ung bướu về là cả nhà ỉu xìu, đuối sức, vậy mà sáng nay chưa thấy mệt” - ông Hậu vui vẻ nói.
Ngày đầu còn lúng túng
Theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP.HCM từ 2 giờ sáng 20-6, BV Ung bướu TP.HCM đã có hơn 1.000 bệnh nhân “đặt cọc” xếp hàng ngoằn ngoèo ra tận các lối đi chờ lấy số, đóng tiền khám bệnh. Gần 4 giờ sáng, êkíp khám bệnh bắt đầu thông báo cho bà con về chương trình khám sớm tại BV.
Mặc dù giờ khám bắt đầu từ 5 giờ nhưng nhân viên BV đã có mặt từ 4 giờ 30 sáng, hướng dẫn bệnh nhân cũng như người nhà thứ tự khám bệnh, xếp hàng trước quầy “khám dịch vụ 5 giờ sáng”. Lượng bệnh nhân xếp hàng ban đầu từ 1, 2 giờ sáng dịch chuyển khá nhiều sang vị trí khám dịch vụ 5 giờ sáng. Chỉ hơn 25 phút đầu tiên, chỉ tiêu cho 500 bệnh nhân khám dịch vụ đã hết, các khâu thu tiền, khám bệnh, siêu âm, nội soi đã bắt đầu hoạt động phục vụ người dân. Những bệnh nhân xếp hàng ở quầy nhưng hết chỉ tiêu đành quay lại khâu hành chính tiếp tục chờ đợi.
Như bình thường, vào đầu giờ sáng lượng bệnh nhân đến khám chỉ tập trung ở quầy bốc số, thu tiền và khám bệnh. Nhưng sáng 20-6, mọi hoạt động đã được tiến hành sớm hơn, bệnh nhân được trải ra khắp BV. Các phòng khám, phòng siêu âm... đều sáng đèn từ trước giờ hành chính. Đến 7 giờ sáng, cảnh tượng bệnh nhân chen lấn, đổ dồn ra hai bên đường trước cổng BV giảm đi rất nhiều so với thường lệ.
BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, giải thích tâm lý của người dân ở xa muốn tranh thủ thời gian nên sáng sớm đã xếp hàng. Vì vậy, BV thực hiện chương trình này với mục tiêu làm sao có thể giải tỏa bớt một khối lượng bệnh nhân, vừa giảm thời gian chờ đợi của bà con, vừa giảm áp lực cho BV trong giờ hành chính.
“Theo quan sát của tôi, chương trình khám bệnh vẫn còn hai khâu gây ùn tắc. Một là khâu đóng tiền, lượng người chờ đợi vẫn còn nhiều. BV sẽ sắp xếp lại và tăng cường thêm nhân lực. Thứ hai, phải nghĩ cách làm sao để cho bệnh nhân hiểu được sau khi lấy số và đóng tiền thì họ đi ngay vào phòng khám để được khám sớm. Vì hiện giờ vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là lấy số và đóng tiền sớm, còn khám bệnh phải đợi đến 7 giờ. Người dân vẫn ngồi đợi đến giờ hành chính khám bệnh thì việc giảm tải không thể giải quyết được” - BS Thịnh lưu ý.
Phí siêu âm, xét nghiệm như trong giờ hành chính
Theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, những ngày cao điểm BV tiếp nhận khoảng 1.600-1.800 bệnh nhân đến khám chữa bệnh, trong đó có tới hơn 60% người bệnh đến từ miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Người dân thường có thói quen đi khám bệnh vào buổi sáng và đi từ rất sớm vì thế lượng bệnh dồn về rất đông, tốn nhiều thời gian chờ đợi đến giờ hành chính cũng như gây quá tải, tạo áp lực cho y, bác sĩ. Vì thế, từ ngày 20-6 BV triển khai chương trình khám bệnh lúc 5 giờ. Người bệnh khám trong thời điểm từ 5 giờ đến 7 giờ 30 sẽ áp dụng mức phí khám bệnh ngoài giờ 60.000 đồng/lượt. Bệnh nhân khám trong khung giờ hành chính phí khám bệnh sẽ theo giá quy định của Nhà nước 20.000 đồng/lượt.
Để không tạo thêm gánh nặng cho bệnh nhân, ngoài việc trả tiền khám ngoài giờ, các khoản phí khác vẫn được tính như trong giờ hành chính.
BV ước tính trong khoảng thời gian từ 5 giờ đến 7 giờ sẽ khám được 500 bệnh nhân. Hiện tại, BV sắp xếp một êkíp gồm 32 y, bác sĩ tham gia khám chữa bệnh từ 5 giờ đến 7 giờ. Sau giờ khám sớm, êkíp này vẫn tiếp tục làm việc cả ngày và giải quyết chế độ tám tiếng/ngày. Các êkíp luân phiên thay đổi các ngày trong tuần cho nhau. Những nhân viên làm việc ngoài giờ này sẽ được BV hỗ trợ phụ cấp thêm giờ.
Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM
http://plo.vn/suc-khoe/ngay-dau-tien-o-bv-kham-benh-luc-ga-gay-635932.html
Báo điện tử Pháp luật TP.Hồ Chí Minh, ngày 21/06/2016 04:05: Già hóa dân số thách thức hệ thống y tế
Ngày 20-6 đã diễn ra hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và dân số - phát triển” tại TP.HCM do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức.
ThS-BS Nguyễn Trung Anh (Phó Giám đốc BV Lão khoa Trung ương) cảnh báo về thách thức của “già hóa dân số” đối với hệ thống y tế. “Người cao tuổi thường gặp nhiều bệnh mạn tính phải điều trị suốt đời. Chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ nhưng khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế. Nguồn nhân lực là bác sĩ chuyên khoa lão, điều dưỡng lão khoa còn thiếu” - BS Anh nhận định.
Đồng tình với ý kiến trên, ThS Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, cũng chia sẻ: “Dự báo năm 2017, Việt Nam có tỉ lệ người cao tuổi từ 60 trở lên không ngừng tăng. Hiện nay có trên 8.000 người cao tuổi đang được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và thiếu sự liên kết, kết nối mang tính hệ thống với các cơ quan phúc lợi xã hội...”
Bàn giải pháp thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”, ông Tô Đức đề xuất cần tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ công về chăm sóc người cao tuổi. Còn ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, kiến nghị cần xây dựng hệ thống lão khoa và các mô hình chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng trên toàn quốc.
http://plo.vn/thoi-su/xa-hoi/gia-hoa-dan-so-thach-thuc-he-thong-y-te-635923.html
Báo điện tử Khám phá, ngày 21/06/2016 00:54: Hàng loạt bé trai Hà Nội dưới 5 tuổi dễ trở thành “thái giám”
Với 2675 bé trai tham gia khám sàng lọc, chỉ có 1023 trẻ phát triển bình thường, số còn lại là có vấn đề về bộ phận sinh dục như: viêm nhiễm, hẹp bao quy đầu, thiếu tinh hoàn…
Hiện nay, tình trạng vô sinh, hiếm muộn đang là vấn đề thực sự đáng báo động đối với toàn xã hội. Theo thống kê hiện ở Việt Nam có xấp xỉ 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, trong đó tỷ lệ được chia đều cho cả nam và nữ.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh hiếm muộn, các chuyên gia cho biết rất khó để trả lời một cách chính xác. Nhưng rất nhiều nguyên nhân đến từ sự chủ quan của mọi người, ngay như việc vệ sinh bộ phận sinh dục ngay từ khi còn nhỏ, đặc biệt là ở những bé trai.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi nhiều phụ huynh đang có những quan niệm sai lầm, đó là chỉ quan tâm vệ sinh bộ phận sinh dục cho các bé gái, còn đối với các bé trai thì đơn giản hơn rất nhiều, đó là chỉ cần cọ rửa sơ sơ bên ngoài. Không chỉ có vậy, nhiều phụ huynh khi con bị khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục như tinh hoàn nằm không đúng chỗ, thiếu một bên tinh hoàn nhưng bố mẹ không hề hay biết vì ít quan tâm, vệ sinh bộ phận đó cho con.
Minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này đó là kết quả khám sàng lọc của “Chương trình sàng lọc các chỉ số phát triển, sàng lọc khiếm thính, sàng lọc phát hiện các bất thường bộ phận sinh dục ở trẻ trai tuổi đầu đời tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn quận năm 2016” vừa được Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tổ chức thực hiện hồi tháng 5 vừa qua.
Theo đó, qua sàng lọc nhằm phát hiện các bất thường ở bộ phận sinh dục ở bé trai tuổi đầu đời (thực hiện thăm khám tại 35 trường trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn quận Hoàn Kiếm), kết quả cho thấy, tổng số trẻ tham gia sàng lọc là 2675 trẻ, trong đó chỉ có 1023 trẻ phát triển bình thường (chiếm 38,24%); 465 trẻ (chiếm 17,38%) cần chú ý vấn đề vệ sinh hành ngày do dính, bán dính bao quy đầu, viêm nhiễm; 1187 trẻ (chiếm 42,29%) cần can thiệp chuyên khoa ở các dạng khác nhau.
Đặc biệt, trong số 1187 trẻ cần can thiệp chuyên khoa này thì có 56 trẻ cần can thiệp càng sớm càng tốt. Lý do vì 56 trẻ này thiếu tinh hoàn, cá biệt có 16 trường hợp thiếu cả hai bên tinh hoàn.
Trao đổi với phóng viên bà Trương Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Trung tâm khám và thấy những con số “bất thường” như vậy. Bà Hoa cho biết, qua số liệu trên có thể thấy, những vấn đề trẻ thường mắc phải đó chính là hẹp, dính và viêm nhiễm bao quy đầu.
“Hiện nay việc chăm sóc vệ sinh cơ bản đang bị phụ huynh bỏ qua. Vấn đề chăm sóc vệ sinh bộ phận sinh dục đối với bé trai cũng như bé gái đó là phải được chăm sóc vệ sinh hàng ngày, nhưng khi chúng tôi khảo sát và kiểm tra thì chúng tôi thật sự sốc khi phụ huynh bỏ bẵng đi việc chăm sóc vệ sinh tối thiều hàng ngày cho các bé trai”, bà Hoa cho biết.
Qua thực tế khám sàng lọc, bà Hoa chia sẻ: “Nhiều ông bố còn ngạc nhiên và hỏi lại chúng tôi: Thế là phải vệ sinh hàng ngày sao bác sĩ? Em tưởng là vệ sinh “cái đó” thì lâu lâu mới làm một lần?…Những suy nghĩ đó rất sai lầm và để lại nhiều hệ lụy đối với trẻ sau này, nó không đơn giản chỉ là bệnh lý mà nó còn là vấn đề sinh sản khi trường thành”.
http://khampha.vn/suc-khoe/hang-loat-be-trai-ha-noi-duoi-5-tuoi-de-tro-thanh-thai-giam-c11a419858.html
Báo điện tử Giáo dục và Thời đại ngày 21/06/2016 00:30: Khi người dân thích tiêm, truyền
Khi thấy cơ thể mệt mỏi hoặc đau nhức ở bộ phận nào đó, người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn lại ra trạm y tế hoặc mời bác sĩ đến nhà để tiêm, truyền cho dù chưa biết chính xác mình mắc bệnh gì. Tâm lý sính tiêm, truyền không chỉ xảy ra ở người lớn, người cao tuổi mà nhiều khi trẻ nhỏ cũng bị vạ lây.
Làm bác sĩ cho chính mình
Dù đã ra viện được hơn 1 tháng nhưng cô Lê Thị Diệp (Tứ Kỳ, Hải Dương) chưa hết sợ cách tự chữa bệnh của mình. Cô Diệp cho biết: Tự nhiên cảm thấy nửa người bên trái không bình thường. Lúc đầu nghĩ do bị tiền đình, máu không lên não nên vậy, nhưng càng ngày tay trái càng run mạnh và lan xuống cả chân.
Nghĩ mình bị suy nhược cơ thể do làm việc vất vả, cô Diệp gọi bác sĩ gần nhà đến truyền thuốc bổ. Hết 2 chai nước hoa quả, 1 chai đạm mà tình trạng bệnh không tiến triển nên cô Diệp lại đi châm cứu. Sau 10 ngày tay vẫn run, các con đưa cô lên Hà Nội để cấy chỉ ở phòng khám tư của bác sĩ.
Lần thứ nhất thấy tay đỡ run nghĩ mình gặp thầy gặp thuốc nhưng đến lần thứ 2 vừa về đến nhà lăn ra ngất xỉu khiến mọi người hoảng sợ đưa lên viện cấp cứu. Kết quả kiểm tra cho thấy, não không có khối u. Bác sĩ kết luận tay, chân run do parkinson. “Biết nguyên nhân gây bệnh và cách dùng thuốc tâm lý thoải mái hơn nhiều. Cứ nghĩ đến cảnh quỵ xuống nền nhà, không đứng dậy nổi mà… sởn da gà”, cô Diệp chia sẻ.
Cũng “thần tượng” việc tiêm, truyền, cô Đoàn Thị Huê (Văn Giang, Hưng Yên) cứ mệt là gọi bác sĩ đến nhà truyền nước. Còn nếu ốm sốt thì đề nghị bác sĩ, y tá tiêm kháng sinh cho nhanh khỏi. Theo cô Huê, ở quê ai cũng như vậy nên bác sĩ, y tá làm không hết việc. Nhiều khi muốn tiêm, truyền phải hẹn trước, thậm chí có lần mấy người phải tập trung một chỗ để bác sĩ truyền cho một thể.
Tương tự, anh Lê Văn Dực (Thanh Miện, Hải Dương) cũng rất thích tiêm. Không chỉ tiêm kháng sinh vào ven, có lần anh bị đau đầu gối còn đề nghị bác sĩ tiêm trực tiếp vào chỗ đau. Lần thứ 1 thấy đỡ nhưng đến mũi thứ 3 thì chân sưng phù, không đi lại được. Kết quả gia đình phải đưa đi bệnh viện điều trị. Anh Dực kể: Vừa nghe người nhà trình bày, bác sĩ đã đe cho một trận vì tội tranh công việc của người khác.
Tiêm, truyền: Không phải thích là được
Tiêm, truyền là một thủ thuật đơn giản trong ngành Y. Tuy nhiên, không phải ai bị bệnh cũng phải tiêm, truyền mà còn phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và tình trạng cơ thể, bác sĩ mới đưa ra phác đồ điều trị cụ thể như uống/tiêm thuốc gì, truyền loại dịch nào, tốc độ truyền nhanh hay chậm, truyền bao nhiêu ngày…
Tuy nhiên, nhiều người do ngại đi khám, ngại làm các xét nghiệm nên cứ thấy mệt mỏi hoặc bệnh là yêu cầu được tiêm, truyền. Lạm dụng tiêm, truyền đương nhiên sẽ có hậu quả không tốt. Gần đây nhất, một nữ sinh ở TPHCM đã tử vong khi được truyền tại phòng khám tư. Dù chưa xác minh được nguyên nhân gây tử vong nhưng rõ ràng đây là lời cảnh tỉnh cho những ai có tâm lý thích tiêm, truyền để nhanh khỏi bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Thái (Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba), mỗi loại dịch truyền hay thuốc đều có chỉ định nhất định. Ví như dung dịch đường truyền cho người đang hạ đường huyết, hoặc phối hợp với chất đạm, béo để truyền cho người không thể ăn, uống được, phải nuôi ăn lâu dài.
Dung dịch chất đạm, chất béo được truyền để cung cấp dinh dưỡng cho người suy kiệt, không ăn uống được. Dung dịch điện giải chủ yếu dùng trong trường hợp mất nước, mất máu, chống sốc trong trường hợp tụt huyết áp. Nhóm dung dịch đặc biệt có chỉ định truyền khắt khe hơn. Thuốc cũng vậy, tùy tình trạng bệnh và đặc điểm cơ thể mỗi người mà có hàm lượng khác nhau.
Bình thường, cơ thể con người luôn duy trì ổn định các chỉ số về máu, chất đường, chất đạm, chỉ khi bị rối loạn thay đổi mới chỉ định truyền dịch, dùng thuốc. Chỉ định tiêm, truyền được bác sĩ quyết định sau khi khám lâm sàng với từng ca bệnh cụ thể. Nói vậy để thấy rằng, việc tiêm, truyền đơn giản nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ do khi đưa chất lạ vào mạch máu sẽ dễ bị phản ứng lại (sốc phản vệ), nhẹ thì gây ngứa, khó chịu, nặng có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Những người mắc bệnh mãn tính, huyết áp thấp cần thông báo cho bác sĩ biết tình trạng bệnh của mình để thử phản ứng trước khi dùng thuốc hoặc chỉ định liều tiêm, truyền phù hợp. Còn với người khỏe mạnh, nếu lạm dụng truyền nước cũng khiến thận làm việc quá sức, rối loạn chuyển hóa khiến cơ thể mệt mỏi hơn.
http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/khi-nguoi-dan-thich-tiem-truyen-1943908-b.html
Báo điện tử Hà Nội mới, ngày 20/06/2016 07:13: “Tuyên chiến” với thực phẩm “bẩn”
Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang là chủ đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Năm 2015 và trong những tháng đầu năm 2016, tại nhiều nơi trong cả nước, hàng loạt vụ vi phạm quy định về ATTP bị phát hiện, xử lý và báo chí đã luôn đồng hành cùng cơ quan quản lý trong cuộc đấu tranh chống thực phẩm "bẩn".
Nhận diện về thực trạng thực phẩm "bẩn"
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 59.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có hơn 34.000 cơ sở do ngành y tế quản lý. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hơn 43.000 cơ sở, phát hiện gần 8.000 cơ sở có vi phạm, xử phạt 654 cơ sở với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP (từ ngày 15-4 đến 15-5), các đoàn kiểm tra ATTP của thành phố đã kiểm tra hơn 10.000 cơ sở, phát hiện hơn 3.000 cơ sở vi phạm, phạt cảnh cáo 571 cơ sở, xử phạt hành chính 448 cơ sở với số tiền hơn 1,67 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, công tác bảo đảm ATTP đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, liên quan đến dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hóa chất bảo quản trong nông sản. Tình trạng không bảo đảm ATTP có thể xảy ra ở tất cả các khâu, từ nuôi trồng, bảo quản đến chế biến nếu chúng ta không tuân thủ đúng quy trình, quy định, nhất là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt... Mối lo luôn hiện hữu trong khâu chế biến thực phẩm do trình độ, quy mô chế biến thực phẩm ở nước ta còn nhỏ lẻ, chủ yếu chế biến theo phương pháp thủ công, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) không đạt yêu cầu. Qua khảo sát, hiện có tới 17% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố không bảo đảm các điều kiện về ATTP. Mặt khác, vấn đề buôn bán thực phẩm trên thị trường vẫn chưa kiểm soát hiệu quả; tình hình thực phẩm kém chất lượng, phụ gia thực phẩm… được nhập lậu qua biên giới vẫn có diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý thị trường.
Thực phẩm “bẩn” ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển giống nòi. Theo các chuyên gia y tế, người sử dụng thực phẩm không an toàn có khả năng bị ngộ độc thực phẩm, ung thư... Trong việc thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không an toàn, vai trò của các cơ quan truyền thông là vô cùng quan trọng. “Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã góp phần tích cực vào việc chống thực phẩm “bẩn”. Phát huy trách nhiệm xã hội của người làm báo, nhiều phóng viên có những tin bài hay, mang tính thời sự, vừa phanh phui, lên án các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về ATTP, vừa góp phần tôn vinh, quảng bá những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có cách làm hay, bảo đảm cung cấp thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng”, ông Nguyễn Khắc Hiền nói.
Kênh thông tin quan trọng
Ngoài việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, báo chí chính là một kênh thông tin quan trọng góp phần cung cấp kiến thức, nhận thức về ATVSTP, giúp người tiêu dùng tiếp cận với thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm “bẩn” và trở thành người tiêu dùng thông thái.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Chu Xuân Kiên, báo chí thực sự là kênh thông tin quan trọng không chỉ với người tiêu dùng, mà còn cả với cơ quan chức năng. Trong khi ý thức chấp hành pháp luật về ATVSTP của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân còn hạn chế, thời gian qua, chính báo chí đã giúp cơ quan chức năng có nhiều thông tin thiết thực trong lĩnh vực này để có thể kịp thời xử lý những vụ vi phạm ATTP, đồng thời nêu những vướng mắc trong vấn đề quản lý ATTP để cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung giải pháp.
Liên quan đến vai trò của báo chí trong công tác truyền thông về ATTP, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, vừa qua, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATTP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất ATTP. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP; các cơ quan báo chí cần tăng cường đưa tin, bài, chuyên mục về tình hình ATVSTP một cách khách quan, trung thực, kịp thời, đặc biệt là nêu gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và công khai các vụ việc vi phạm ATTP để nhân dân được biết. Sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, vai trò của báo chí trong “cuộc chiến” chống thực phẩm “bẩn” là rất quan trọng. Đó là cuộc đấu tranh không chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai, mà cả một chặng đường dài, rất cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có những người làm báo.
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/838051/tuyen-chien-voi-thuc-pham-ban
Báo điện tử Dân trí ngày 20/06/2016 17:27: Hơn 4 triệu nam giới đối mặt với nguy cơ “ế” vợ
Tỷ lệ giới tính khi sinh trên cả nước hiện đã có sự chênh lệch rất lớn với 108 nữ/ 100 nam. Ước tính đến năm 2050 sẽ có khoảng 4,3 triệu nam giới đối mặt với nguy cơ không kiếm được vợ. Tình trạng trên sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.
Đó là nội dung được ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình cho biết trong Hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách pháp luật về bình đẳng giới và dân số - phát triển” diễn ra sáng 20/6 tại TPHCM.
Theo ông Tân, dù Việt Nam đã có nhiều chính sách pháp luật liên quan đến dân số trong việc cấm sàng lọc giới tính khi mang thai. Tuy nhiên, “vấn nạn” trọng nam khinh nữ đang ngày càng trở nên trầm trọng. Tư tưởng muốn có con trai để “nối dõi tông đường” khiến nhiều cặp vợ chồng “lén lút” chọn lọc giới tính của con.
Tính đến hết năm 2015 tỷ lệ giới tính khi sinh trên cả nước đã lên tới 112,8 nữ/100 nam. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng từ nông thôn đến thành thị tại tất cả các vùng miền trên toàn quốc. Đặc biệt, có tới 15 tỉnh thành tỷ lệ giới tính khi sinh đã ở mức 115 nữ/100 nam.
Ngành dân số dự báo, thời gian tới mất cân bằng giới tính sẽ tiếp tục gia tăng. Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ, ước tính đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 4,3 triệu phụ nữ. Điều đó cũng đồng nghĩa với số nam giới tương ứng sẽ đối mặt với nguy cơ không tìm được vợ.
Mất cân bằng giới tính sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề xã hội, phá vỡ cấu trúc gia đình, khi một bộ phận không nhỏ nam giới sẽ bị “ế” vợ hoặc kết hôn muộn. Thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em gái, mại dâm, bạo hành giới,… gây mất ổn định trật tự an ninh, an toàn xã hội.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/hon-4-trieu-nam-gioi-doi-mat-voi-nguy-co-e-vo-20160620215117503.htm
Báo điện tử Sài Gòn giải phóng online ngày 20/06/2016 07:58: Thanh tra an toàn thực phẩm tại Coca-Cola Việt Nam
Ngày 19-6, ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết, Thanh tra Bộ Y tế vừa quyết định thành lập Đoàn thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam.
Thời gian thanh tra theo kế hoạch trong vòng 45 ngày. Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra sẽ kiểm tra, xác minh trực tiếp tại một số cơ sở phân phối các sản phẩm thực phẩm của Coca-Cola Việt Nam; cơ sở cung cấp nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì chứa đựng thực phẩm cho Coca-Cola Việt Nam; cũng như việc phát hiện các sơ hở, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục.
Đoàn thanh tra sẽ có kết luận cụ thể các nội dung đã tiến hành thanh tra, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Coca-Cola Việt Nam, phát hiện vi phạm (nếu có), xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Đồng thời kiến nghị, đề xuất biện pháp xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Được biết, theo kế hoạch thanh tra năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm tại 4 công ty sản xuất, kinh doanh nước giải khát: Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam; Công ty Nước giải khát Pepsico Việt Nam; Công ty TNHH URC Việt Nam; Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế Wonderfarm.
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/6/424674/
Báo điện tử Nhân Dân online ngày 20/06/2016 18:52: Bệnh viện vẫn thu tiền của người bệnh dù các chi phí đã được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả
Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí ngày 20-6, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) cho biết, kết quả kiểm tra việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) tuyến xã, huyện và Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC về điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại một số cơ sở y tế cho thấy còn số khó khăn vướng mắc.
Đó là, bệnh viện vẫn thu thêm của người bệnh hoặc đề nghị cơ quan BHXH thanh toán một số chi phí vật tư y tế, thuốc đã được tính trong giá dịch vụ kỹ thuật, như: xi-lanh năm ml, 10 ml; băng urgo; tiền tiêm truyền, gạc, ống sonde, găng tay… Nhiều bệnh viện để phòng khám bệnh, phòng điều trị không có quạt, điều hòa nhiệt độ, ghế ngồi, cây nước uống… dù các trang thiết bị này đã được tính vào giá khám bệnh, giá giường bệnh. Qua kiểm tra cho thấy, một số cơ sở KCB đã sử dụng các nhân viên y tế không có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ đào tạo phù hợp cung cấp dịch vụ y tế.
Thực hiện thông tuyến và điều chỉnh giá dịch vụ y tế cũng đã làm tăng chỉ định dịch vụ kỹ thuật, nhất là tại các cơ sở y tế tư nhân. Về việc sử dụng thuốc, vật tư y tế vẫn tồn tại tình trạng cơ sở KCB lựa chọn sử dụng thuốc có hàm lượng không phổ biến, ít cạnh tranh, giá cao để thanh toán với cơ quan BHXH, vật tư y tế cùng chủng loại nhưng các cơ sở y tế mua với giá khác nhau. Ví dụ, cùng loại stent Meril (Ấn Độ) có nơi mua 33,9 triệu đồng/cái, có nơi mua đến 62 triệu đồng/cái. Thủy tinh thể cùng chủng loại, hãng sản xuất, có nơi mua 3,5 triệu đồng/cái, có nơi mua 4,3 triệu đồng/cái…
BHXHVN cho biết, đã yêu cầu xuất toán các trường hợp thanh toán sai quy định; yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh, kịp thời chấn chỉnh các địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng người bệnh phải chi trả thêm tiền cho các chi phí đã được quỹ BHYT chi trả.
http://www.nhandan.com.vn/xahoi/suckhoe/item/29925902-benh-vien-van-thu-tien-cua-nguoi-benh-du-cac-chi-phi-da-duoc-quy-bao-hiem-y-te-chi-tra.html
Báo điện tử Vnexpress.net, ngày 20/06/2016 14:52: Bệnh viện Ung bướu TP HCM khám bệnh từ 5h sáng
Từ ngày 20/6, Bệnh viện Ung bướu TP HCM triển khai khám bệnh từ 5h sáng thay vì 7h mới bắt đầu.
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết người bệnh đến khám trong thời gian 5 đến 7h sẽ trả tiền theo giá khám ngoài giờ là 60.000 đồng mộtlượt. Sau 7h, giá khám theo quy định là 20.000 đồng một lượt. Ngoài tiền công khám, các chi phí về xét nghiệm, X-quang... được tính như trong giờ hành chính.
Theo bác sĩ Dũng, trong buổi đầu tiên triển khai, nơi đây tiếp nhận 450 lượt khám ngoài giờ, giúp giảm tải đáng kể lượt chờ đợi buổi sáng. Bệnh viện sẽ tiếp tục điều chỉnh hệ thống sắp tới để việc khám bệnh của người dân được thuận lợi hơn.
Bệnh viện Ung bướu TP HCM quá tải bệnh nhân nhiều năm liền. Mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 1.500 lượt bệnh nhân khám bệnh. Phần lớn bệnh nhân từ các tỉnh đổ về chờ đợi từ đêm khuya để được khám bệnh buổi sáng. Việc triển khai khám sớm nhằm giúp người bệnh, nhất là người dân từ tỉnh có thể được khám trong ngày, tránh tình trạng chờ đợi lâu.
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/benh-vien-ung-buou-tp-hcm-kham-benh-tu-5h-sang-3423036.html
Báo điện tử Tuổi trẻ online, ngày 20/06/2016 09:16: Gia đình "nữ sinh bị cưa chân" xin không đình chỉ bác sĩ
Ngày 19-6, ông Lê Văn Long (43 tuổi, ở thôn 3, xã Ea B’Hốk, Cư Kuin, Đắk Lắk), cha của Lê Thị Hà Vi, bị cưa chân do tắc trách của bệnh viện, xác nhận gia đình ông đã đề nghị không đình chỉ công tác các bác sĩ gây ra tai nạn cho Hà Vi.
Ông Long nói gia đình ông có ý kiến như trên trong cuộc làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk mới đây. “Gia đình tôi không muốn chuyện qua rồi mà các bác sĩ bị xử lý quá nặng” - ông Long nói.
Theo ông Long, gia đình ông đã rút đơn tố cáo gửi cho Công an huyện Cư Kuin trước đó về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với kíp trực gây tai nạn cho Hà Vi.
Dần trở lại cuộc sống bình thường
Hơn ba tháng sau biến cố, cuộc sống gia đình ông Lê Văn Long đang dần trở lại bình thường. Ông Long chia sẻ: “Bây giờ gia đình tôi chỉ mong Vi ổn định cuộc sống, học tập, còn những gì các bác sĩ hứa thì mong hãy thực hiện. Chúng tôi là nông dân, chỉ biết tin vào những gì lãnh đạo bệnh viện, Sở Y tế đã nói chứ cũng chẳng biết làm sao!”.
Hà Vi vừa trải qua kỳ thi cuối năm học lớp 10 và đang nghỉ hè ở nhà. Sức khỏe của Hà Vi hiện ổn định. Vi kể tuy ở trường (Vi học cách nhà 30km - phóng viên) bài vở khá nhiều nhưng được thầy cô, bạn bè giúp đỡ nên Vi đã dần hòa nhập, có thêm nhiều bạn mới.
Thỉnh thoảng em thấy hơi đau buốt ở chân nhưng không nghiêm trọng lắm. Việc mang chân giả hơi phức tạp và đau nên em vẫn sử dụng nạng gỗ” - Hà Vi nói thêm.
Trải lòng về con gái, bà Nguyễn Thị Lan (40 tuổi, mẹ của Hà Vi) chia sẻ: “Thấy con vui vẻ sau những mất mát quá lớn càng thương con hơn”...
Theo ông Long, Sở Y tế Đắk Lắk thông báo đã vận động được khoảng 200 triệu đồng từ cán bộ, bác sĩ ngành y tế nên hứa sẽ mở sổ tiết kiệm cho Hà Vi. “Cái chân giả hiện tại lắp vô, tháo ra rất phức tạp, gây mẩn ngứa, đau buốt. Còn muốn có chân giả loại tốt để cháu đỡ đau, không gây bất tiện phải mất từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, gia đình tôi không thể lo được” - ông Long nói.
Ông Long cho hay gia đình chưa nhận được kết luận thanh tra của Sở Y tế Đắk Lắk về trường hợp sai sót dẫn đến việc Hà Vi bị cưa chân. Tuy nhiên, gia đình có biết sơ lược nội dung qua bản dự thảo và thông tin trên báo chí.
“Hôm nghe dự thảo kết luận, chúng tôi chỉ nghe chứ cũng đâu hiểu gì. Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Bệnh viên Cư Kuin và lãnh đạo sở hứa sẽ chịu trách nhiệm, hỗ trợ Vi sau này nên gia đình tôi rất tin tưởng” - bà Lan nói.
Sẽ tăng cường hỗ trợ nhân lực cho tuyến dưới
Cùng ngày, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk tái khẳng định quy trình tiếp nhận, khám chữa bệnh cho Hà Vi tại Bệnh viện Cư Kuin là đúng.
Theo đó, bệnh nhân được tiếp nhận kịp thời, chu đáo và làm tất cả các cận lâm sàng cần thiết: xét nghiệm, X-quang, siêu âm. Ngoài ra, Hà Vi được chẩn đoán và xử trí ban đầu phù hợp, có hướng điều trị tích cực ngay từ đầu.
Ông Doãn Hữu Long - giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - giải thích thêm khi bệnh nhân có biểu hiện chèn ép khoang cấp đã được cắt bỏ bột và điều trị chống viêm, giảm phù nề. Khi có chỉ định phẫu thuật kết hợp xương, bệnh nhân được hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa và lãnh đạo bệnh viện. Diễn tiến nặng, vượt quá năng lực chuyên môn, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên có nhân viên y tế hỗ trợ suốt quá trình chuyển tuyến.
Tuy nhiên, theo ông Long, “quy trình” có sai sót ở chỗ “hồ sơ ghi chép chưa đầy đủ, tỉ mỉ các dấu hiệu khám lâm sàng”. Trình độ chuyên môn của các bác sĩ hạn chế nên không tiên lượng được các biến chứng có thể xảy ra của bệnh.
“Ngoài ra, bác sĩ Y Tâm chưa được đào tạo chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình, nhưng do tình trạng thiếu nhân lực nên được chỉ định làm việc tại khoa ngoại là chưa phù hợp” - ông Long thông tin.
Về giải pháp hạn chế sai sót chuyên môn, ông Doãn Hữu Long cho biết sở sẽ bổ sung nhân lực cho các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt đối với các khoa, phòng, đơn vị đang quá tải.
Bên cạnh đó, theo ông Long, sở sẽ tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế, đặc biệt đào tạo bác sĩ có chuyên khoa sâu; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tuyến trên đưa nhân lực về hỗ trợ tuyến dưới, tuyến dưới cử cán bộ lên tuyến trên học tập.
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160620/gia-dinh-nu-sinh-bi-cua-chan-xin-khong-dinh-chi-bac-si/1121278.html
Báo điện tử Sài Gòn giải phóng online ngày 20/06/2016 07:36: 53 tuổi, sinh con thành công nhờ thụ tinh trong ống nghiệm
Đây là thông tin được bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản (IVF), Bệnh viện Bưu điện cho biết sau khi trung tâm thực hiện thành công ca hỗ trợ sinh sản cho chị Trần Thị Phúc (53 tuổi) và chồng là anh Mạnh (54 tuổi) ở Hà Nội có được một bé gái xinh xắn sau hơn 10 năm anh chị điều trị vô sinh. Như vậy, chị Phúc là một trong những trường hợp phụ nữ cao tuổi nhất tại Việt Nam được can thiệp chữa vô sinh thành công bằng kỹ thuật IVF/ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng) và sinh nở “mẹ tròn con vuông”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã cũng cho biết, hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy ở nước ta hiện có 7,7% cặp vợ chồng bị hiếm muộn. Đáng chú ý, rất nhiều người hiện nay vẫn còn thiếu thông tin, kiến thức về vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay bằng những cải tiến vượt trội trong điều trị hiếm muộn và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã biến ước mơ có con của nhiều cặp vợ chồng thành hiện thực.
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/6/424669/
Báo điện tử Zing.vn, ngày 20/06/2016 20:39: 120 em bé ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm ở Đà Nẵng
Việc chào đón em bé thứ 120 ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã mở ra cơ hội điều trị hiếm muộn thành công cho các cặp vợ chồng ở miền Trung - Tây Nguyên.
Tại Hội nghị quốc tế sản phụ khoa - bất thường sinh dục trẻ em, diễn ra ngày 20/6 tại Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, sau 2 năm triển khai, đến nay bệnh viện đã chào đón em bé thứ 120 ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON).
Kể từ khi bắt đầu triển khai thụ tinh trong ống nghiệm đến nay, Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã thực hiện 506 chu kỳ chọc hút trứng, hơn 200 chu kỳ chuyển phôi tươi và 290 chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh, với tỷ lệ thành công đạt 40-45%, tương đương với các trung tâm lớn trên cả nước.
Đến nay, bệnh viện đã đón em bé thứ 120 ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, mở ra cơ hội điều trị hiếm muộn thành công cho các cặp vợ chồng ở miền Trung - Tây Nguyên với khoảng 50-70 triệu đồng/ca.
Ts.Bs Trần Đình Vinh - Giám đốc BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho hay, ở Việt Nam hiện nay, mỗi năm có khoảng 18.000 trường hợp thực hiện kỹ thuật TTTON và các kỹ thuật liên quan. Con số có thể tăng khoảng 10% mỗi năm.
TTTON đã được triển khai thành công từ năm 1998. Đi sau thế giới 20 năm, nhưng kỹ thuật này đã nhanh chóng phát triển và có những bước tiến vượt bậc. Tính đến năm 2016 đã có 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản được thành lập, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM. Ở miền Trung, một trung tâm ở Bệnh Viện Phụ sản Thanh Hóa, một ở Bệnh viện Trung Ương Huế và một ở Bệnh viện Đại học Y - Dược Huế và IVF Đà Nẵng. Đặc biệt, Việt Nam được xem là nước thực hiện số chu kỳ hỗ trợ sinh sản nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Thông thường, phương pháp TTTON có thể điều trị được cho những trường hợp nặng như nam giới không có tinh trùng, phụ nữ tắc ống dẫn trứng hai bên, bất thường thụ tinh và nhiều những trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân thất bại với điều trị IUI… Do đó, với phương pháp này, các cặp vợ chồng càng có thêm nhiều hy vọng để có con.
http://news.zing.vn/120-em-be-ra-doi-bang-thu-tinh-trong-ong-nghiem-o-da-nang-post659383.html
Báo điện tử Tuổi trẻ online, ngày 20/06/2016 16:57: Hành trình 10 năm của "chú lính chì" Thiện Nhân
Sáng 20-6, tại BV Phụ sản - nhi Đà Nẵng, hành trình “Thiện Nhân và những người bạn” đã tổ chức một cuộc hội ngộ đặc biệt của những người từng tham gia cứu chữa, đồng hành cùng "chú lính chì" Thiện Nhân.
"Chú lính chì" Thiện Nhân được gặp lại BS Đinh Thị Tố Trinh và BS Nguyễn Kiều Trinh - BV Đa khoa Quảng Nam - là hai bác sĩ đã cứu chữa cho cậu bé.
BS Kiều Trinh nhớ lại: “Vào ca trực tối đó, có một sinh linh nhỏ bé bị cắt cụt cả bộ phận sinh dục và chi dưới được đưa đến cấp cứu. Nhìn cảnh tượng đó, nhiều người rất bàng hoàng”. Các BS đã cấp cứu tích cực cho cậu bé.
BS Tố Trinh cho biết khi bà đang trực lãnh đạo thì có nhân viên báo vừa tiếp nhận trường hợp cháu bé bị thú vật cắn, mất máu trong khi máu trong ngân hàng không còn. Cậu bé có nhóm máu B cùng nhóm máu với mình nên bà Tố Trinh đã tự nguyện hiến máu.
Gần 1 tháng sau, khi sức khỏe của cậu bé ổn định, các bác sĩ nghĩ rằng phải có một cái tên cho cậu bé. Với ý nghĩ sau này cậu bé sẽ trở thành người có ích nên các BS đã đặt tên cậu bé là Thành Nhân, nhưng sau đó lấy tên Thiện Nhân vì có ý nghĩa hơn.
BS Roberto de Castro - người đã phẫu thuật tái tạo thành công “con chim xinh xinh” cho Thiện Nhân - đã gọi cậu là “cậu bé kỳ diệu”. Ông bảo rằng: “Sau ca phẫu thuật, chúng tôi đã có một kế hoạch thăm khám, chữa trị cho các cháu bé ở Việt Nam có cùng cảnh ngộ”.
Chị Trần Mai Anh (mẹ nuôi Thiện Nhân) đã không giấu được sự xúc động khi được gặp lại những vị ân nhân của con mình.
Chị chia sẻ: “Thiện Nhân đã đi rất nhiều nước từ Ý, Mỹ, Đức... để khắc phục những khiếm khuyết trong cơ thể, tiếp nối ca cấp cứu mà các bác sĩ ở Quảng Nam 10 năm trước. Nhưng dù con có đi đâu, đi hơn 3 vòng trái đất, thì vẫn là người con của Quảng Nam. Và bây giờ Thiện Nhân trở về quê hương để cùng đồng hành với những em bé, những bệnh nhân cùng cảnh ngộ khác”.
“Thiện Nhân và những người bạn” là chương trình của Quỹ phòng chống thương vong châu Á mà Thiện Nhân là đại sứ đã thực hiện 200 ca phẫu thuật, khám và tư vấn cho hơn 600 trẻ em bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160620/hanh-trinh-10-nam-cua-chu-linh-chi-thien-nhan/1121800.html
Báo điện tử Kênh 14.vn, ngày 20/06/2016, 19:50: Sử dụng kem chống nắng, cô bé 9 tuổi bị cháy da nghiêm trọng như bị nhỏ axit
Không chỉ có vậy, các bác sĩ cho biết vết cháy nắng trên cơ thể cô bé do sử dụng kem chống nắng sẽ để lại sẹo vĩnh viễn.
Khi mùa hè đang tới gần, những chuyến đi biển luôn nằm trong danh sách "việc phải làm" của mọi người. Tuy nhiên, những giờ nằm dài tắm nắng hay vẫy vùng trong làn nước mát cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu các bạn không biết cách đề phòng.
Mới đây, bà mẹ Louise Nickles 28 tuổi đã đưa con gái 9 tuổi Olivia đi du lịch tại Mexico. Được biết, trong chuyến đi, bà mẹ đã mua kem chống nắng loại phun Banana Boat Kids, SPF 50 cho con gái mình.
Tuy nhiên, ngay sau khi xịt kem chống nắng lên chân của con gái, bà mẹ mới phát hoảng khi thấy da chân của con gái mình có biểu hiện bị cháy với các vết đỏ. Louise nhanh chóng rửa sạch phần kem trên da chân con gái mình nhưng những tổn thương đã ăn sâu trên da. Các bác sĩ nói rằng Olivia có thể bị sẹo vĩnh viễn.
Louise nói rằng sau khi xịt kem chống nắng lên da, chân cô bé bắt đầu đau và khi kiểm tra, phần chân của Olivia đã bị cháy. Bà mẹ 28 tuổi còn cho rằng, chân của cô bé không phải là bôi kem chống nắng mà như thể bị nhỏ axit lên.
"Đáng nhẽ ra kem chống nắng phải giúp con bé tránh bị cháy nắng, nhưng nó chỉ khiến da con bé bị cháy và tổn thương nghiêm trọng".
Những vết tổn thương trên da làm Olivia khó ngủ suốt đêm. Cô bé luôn cảm thấy ngứa ngáy và đau đớn vì các vết bỏng trên da. Khi cô bé gãi ngứa, các vết thương bắt đầu chảy máu và ngày càng loang lổ. Dù được các bác sĩ điều trị và xịt dướng ẩm lên da, các vết thương vẫn kéo dài từ vùng đùi xuống chân và sẽ để lại sẹo suốt đời.
Phần cha sẽ để lại sẹo vĩnh viễn do bị bỏng từ kem chống nắng.
Năm 2012, nhiều sản phẩm của Banana Boat's Ultramist đã bị thu hồi tại Mỹ và Canada do nghi ngờ có chất dễ gây cháy. Các sự vụ tương tự đã xảy ra tại Australia và New Zealand khi các nạn nhân bị bỏng nặng sau khi sử dụng các sản phẩm kem chống nắng có độ SPF cao hơn. Đây được coi là một trong những loại kem chống nắng tồi tệ nhất năm 2016. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn được lưu hành tại Anh.
Trong suốt thời gian còn lại của kỳ nghỉ, Olivia phải mang quần tất hoặc váy để che đi vết bỏng và tránh cái nắng mùa hè của vùng Playa de Carmen, mexixco. Cô bé rất tức giận và không dám mặc váy hay quần đùi khi ra ngoài.
Bé Olivia và phần da chân bị cháy nắng.
Sau khi nhận được phản ánh từ gia đình, công ty Banana Boat cho biết sản phẩm của họ đủ tiêu chuẩn an toàn và đã được kiểm nghiệm tại 7 môi trường thực tế khác nhau. Họ cho rằng hai mẹ con cô bé đã không tuân thủ các quy định sử dụng kem chống nắng an toàn nên mới dẫn đến tình trạng như vậy.