Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 22/3/2016

  • |
T5g.org.vn - “Quốc nạn” thực phẩm bẩn và sự ra đi của Trần Lập; Mất an toàn thực phẩm đã trở thành ‘quốc nạn’; Bé 2 tuổi tử vong do hóc kẹo: BV không được phép mở khí quản?...

“Quốc nạn” thực phẩm bẩn và sự ra đi của Trần Lập

Việc tạo ra thực phẩm bẩn “muôn hình vạn trạng” không thể nào kể hết, và nói không quá lời, là chính chúng ta đang tự giết chúng ta.

Ca sĩ nổi tiếng Trần Lập mới qua đời ở tuổi 42, để lại tiếc thương cho người thân, bạn bè, người hâm mộ.

Những ngày tháng cuối cùng chống chọi với bệnh ung thư trực tràng, Trần Lập vẫn thể hiện một bản lĩnh đáng khâm phục. Anh gặp gỡ, chụp hình chung với bạn bè, chia sẻ trên Facebook bệnh tình của mình một cách tỉnh táo, lạc quan, và còn nén đau đớn tham gia cuộc biểu diễn âm nhạc “Đôi bàn tay thắp lửa” để trích một phần doanh thu hỗ trợ bệnh nhân ung thư…

Những điều đó tiềm ẩn ở anh một khát vọng sống, nhưng tiếc thay, khát vọng đó bị dập tắt, khi căn bệnh ung thư đã di căn đến mức thầy thuốc phải bó tay.

Cái chết của Trần Lập làm nhiều người nhớ lại cái chết của đạo diễn nổi tiếng Huỳnh Phúc Điền ở TP.HCM vào năm 2009. Cũng như Trần Lập, Huỳnh Phúc Điền bình tĩnh giao lưu, chia sẻ với những người hâm mộ, nhưng cuối cùng anh cũng chia tay cõi đời ở tuổi 39, vì ung thư gan.

Cái chết vì bệnh ung thư của Trần Lập, Huỳnh Phúc Điền cũng như những người nổi tiếng khác được nhiều người quan tâm, vì công chúng hâm mộ họ, biết đến họ. Nhưng ở nước ta còn hàng vạn, hàng vạn người đủ mọi tầng lớp chống chọi với căn bệnh ung thư ở bệnh viện, ở nhà riêng, mà chỉ bạn bè, người thân mới biết.

Số người bị ung thư ở Việt Nam hàng năm đang tăng lên đáng sợ. Theo thống kê của Hội Ung thư Việt Nam, năm 2000, phát hiện 69.000 ca ung thư, năm 2010 phát hiện 126.000 ca, dự kiến năm 2020 dự kiến con số tăng lên 200.000 ca.

Riêng về ung thư đại tràng, trực tràng (căn bệnh Trần Lập mắc phải), theo PGS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, chủ yếu “do con đường ăn uống”.

Còn GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung Thư Việt Nam thì khẳng định “cứ 10 người bị ung thư, thì 4 người do sử dụng thực phẩm bẩn có chứa các chất độc hại tạo ra đột biến tế bào ở cơ thể con người”.

Từ đó có thể suy ra rằng, thực phẩm bẩn càng bán tràn lan, người tiêu dùng sẽ mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều.

Chúng ta chưa rõ Trần Lập mắc bệnh ung thư trực tràng do nguyên nhân mà GS. Nguyễn Bá Đức nêu ra không, nhưng rõ ràng, thực phẩm bẩn đang là “đại hoạ” của cả xã hội.

Có hai nguồn chính, nguồn thực phẩm chứa chất độc hại từ bên ngoài nhập vào, và nguồn thứ hai, theo người viết bài này, còn lớn hơn nhiều, và điều đau đớn là nó xuất phát từ chính người Việt chúng ta.

Để rau, hoa quả tươi tốt, rất nhiều nhà vườn, nông dân đã sử dụng vô tội vạ thuốc trừ sâu, hoá chất kích thích tăng trưởng.

Để giữ hàng bán được đẹp, người ta tẩm chất hoá học bảo quản vào thực phẩm như thịt cá, hoa quả, đồ ăn chín, thậm chí cho cả vào đồ đóng hộp.

Người ta còn dùng hoá chất biến thịt thối thành thịt tươi, nhuộm phẩm da gà để gà bán có màu vàng hấp dẫn, xịt nhớt thải vào rau muống để rau được mướt, thực  phẩm nuôi heo trộn lẫn hoá chất tạo nạc…

Việc tạo ra thực phẩm bẩn “muôn hình vạn trạng” không thể nào kể hết, và nói không quá lời, là chính chúng ta đang tự giết chúng ta.

Khi nói đến đạo đức, người ta thường dùng từ “thiện-ác”. Trong câu chuyện thực phẩm bẩn này, cái ác, lợi nhuận thực dụng đang “lên ngôi”; người sản xuất, người kinh doanh đang đẩy cái mầm mống bệnh tật, trong đó, có bệnh ung thư, về phía người tiêu dùng.

Tất nhiên, gia đình những người tạo ra hoặc bán thực phẩm bẩn không xài các sản phẩm mà hơn ai hết họ biết là độc hại, và họ cũng biết hành vi của họ là trái pháp luật. Nhưng làm sao ngăn chặn?

Hiện nay có bốn bộ chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Công an. Bộ nào cũng than thiếu biên chế, thiếu lực lượng kiểm tra, xử lý thực phẩm bẩn đang kinh doanh, sản xuất tràn lan.

Mà quả thực đúng vậy, những vụ bắt bớ thực phẩm bẩn chẳng là bao so với thực trạng thực phẩm bẩn đang hoành hành trong cả nước. Nhưng bắt, phạt tiền rồi cho kinh doanh tiếp thì không có tác dụng gì cả. Chưa thấy có vụ làm và bán thực phẩm bẩn nào bị đưa ra toà xử thì răn đe được ai?

Có một chuyện khó tin nhưng có thật. Một gia đình ở thủ đô Hà Nội suốt 6 năm không đi chợ vì sợ thực phẩm bẩn, như một tờ báo đã thuật lại. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Xuân ở quận Đống Đa.

Trong một lần tìm đến các nhà vườn ở huyện Đông Anh để mua rau sạch theo như lời quảng cáo của nhà sản xuất, ông Xuân nhận thấy các chủ vườn rau khoanh một thửa nhỏ trồng rau dùng cho gia đình, còn thửa lớn để… bán.

Bị ám ảnh từ đó, người đàn ông này không còn tin vào chất lượng thực phẩm ở chợ, siêu thị, mà chuyển sang đặt hàng người thân, họ hàng ở quê mang đến cho ông, từ rau, cá, củ hành cho đến các thực phẩm khác.

Câu chuyện chống thực phẩm bẩn của ông Xuân có vẻ cực đoan, nhưng phần nào thể hiện việc người dân không tin và không trông chờ việc ngăn chặn thực phẩm bẩn của các cơ quan quản lý Nhà nước, mà phải tự phòng thân, tự cứu lấy mình…

Bức tranh hỗn độn thực phẩm bẩn ở nước ta nói lên điều gì? Dễ thấy nhất là việc quản lý hàng hoá từ sản xuất đến lưu thông rất lỏng lẻo, thụ động, không ngăn chặn được từ gốc.

Ở nhiều nước, trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất, doanh nghiệp được đề cao. Hệ thống kinh doanh từ sản xuất, tiêu thụ đầu cuối là một chuỗi liên hoàn, có thể kiểm soát được. Chỉ một mắt xích có vấn đề - như thực phẩm chứa độc tố có hại cho sức khoẻ - cũng có thể bị phát hiện.

Pháp luật cũng rất nghiêm minh: thương hiệu mặt hàng có hại cho sức khoẻ bị đình chỉ ngay và nếu phạm vi ảnh hưởng lớn, lãnh đạo doanh nghiệp thậm chí phải hầu toà.

Dư luận xã hội, phản ánh của báo chí cũng tạo áp lực lớn đối với nhà sản xuất và kinh doanh, có thể “xoá sổ” một thương hiệu nổi tiếng nếu gây hại cho người tiêu dùng. Chỉ một cá nhân có thể kiện một sản phẩm không an toàn về sức khoẻ, doanh nghiệp thua kiện phải bồi thường số tiền lớn.

Chính vì sự liên đới trách nhiệm giữa nhà nước, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng, mà tạo ra cái “kiềng ba chân” quản lý an toàn thưc phẩm.

Còn với thực trạng hiện nay tại Việt Nam, việc ngăn chặn sự “bành trướng” của thưc phẩm bẩn chưa có lời giải. Hiện tượng thực phẩm bẩn tràn lan nói lên sự “đứt gãy”, sự suy đồi của đạo đức xã hội, khi việc tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá đang trở thành động lực tàn phá các chuẩn mực giá trị.

Nhưng, đề tài này có lẽ phải dành cho một bài viết khác.

http://bizlive.vn/thoi-su/quoc-nan-thuc-pham-ban-va-su-ra-di-cua-tran-lap-1641576.html

Mất an toàn thực phẩm đã trở thành ‘quốc nạn’

Tình trạng mất an toàn thực phẩm hiện “rất nghiêm trọng” và đang trở thành "quốc nạn".

Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã ví nguy cơ mất an toàn thực phẩm là “quốc nạn” và kiến nghị cần phải tập trung giải quyết ngay khi trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII vào sáng nay, 21-3.

“Cử tri lo lắng, bức xúc về việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm, việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước” - ông Nhân nói. Theo ông Nhân, mặc dù thời gian qua nhiều cơ quan chức năng nhà nước đã vào cuộc thanh kiểm tra, tuy nhiên tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn “rất nghiêm trọng”.

Báo cáo của UBTWMTTQ VN dẫn chứng thêm: Tính từ 17-12-2015 đến 16-2-2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 784 người bị ngộ độc, trong đó một trường hợp tử vong. Trong năm 2015, Bộ NN&PTNT đã tiến hành thanh tra 20 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với kết quả 80% số cơ sở phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

Theo đó, ông Nhân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp, tổ chức lại thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đặc biệt trong kiến nghị gửi tới Quốc hội, ông Nhân nhấn mạnh vấn đề mất an toàn thực phẩm thực sự đang là “quốc nạn”, cần phải được tập trung giải quyết.

“Về “quốc nạn” mất an toàn thực phẩm như phản ánh và bức xúc của cử tri và nhân dân đã nêu, với trách nhiệm của mình, ngay trong năm 2016 này, UBTWMTTQ sẽ phối hợp với Chính phủ xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2021 và huy động toàn bộ hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên từ Trung ương tới cơ sở và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi chức năng, trách nhiệm của mình có giải pháp căn cơ, hiệu quả để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm và phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện chương trình phối hợp nêu trên” - ông Nhân nói.

http://plo.vn/suc-khoe/mat-an-toan-thuc-pham-da-tro-thanh-quoc-nan-618533.html

Gia Lai: Bệnh sốt xuất huyết tăng chóng mặt

Bác sĩ Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai, cho biết, tính từ đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh ghi nhận có 606 người mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 750% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 8 bệnh nhân).

Theo bác sĩ Gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sốt xuất huyết bùng phát mạnh là do khí hậu diễn biến bất thường, thay đổi liên tục, ban ngày nóng, đêm lạnh, độ ẩm cao nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi mang mầm bệnh sinh sôi mạnh. Mặt khác, một phần do người dân vẫn còn chủ quan đối với việc tự phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Một số địa phương đứng đầu về số người mắc bệnh sốt xuất huyết ở Gia Lai là TP Pleiku (166 trường hợp), huyện Krông Pa (115 trường hợp)… “Điều đáng lo ngại hiện nay là bệnh sốt xuất huyết xảy ra rải rác tại 86 xã thuộc 16/17 huyện, thị xã, thành phố. Mầm bệnh có ở khắp nơi đã gây khó khăn cho công tác phòng chống, khoanh vùng dập dịch”, bác sĩ Gia cho biết thêm.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), sốt xuất huyết được đánh giá là lây lan nhanh nhất thế giới, tuy nhiên, cho tới nay căn bệnh này vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/gia-lai-benh-sot-xuat-huyet-tang-chong-mat-201603211210109.htm

Nhiều trẻ nhập viện do thủy đậu dù đã được tiêm phòng

Hiện nay, nhiều người đang bị bệnh thủy đậu. Đáng lưu ý là nhiều phụ huynh cho biết con bị thủy đậu dù đã được tiêm phòng, nên băn khoăn về chất lượng vaccine.

Về ý kiến này, ngày 21-3, PV Báo CAND đã trao đổi với PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) và được ông cho biết: Trước hết, cần phải đi khám để xác định xem trẻ có đúng là mắc bệnh thủy đậu không, hay do chẩn đoán nhầm.

Bởi hiện nay đang có dịch tay –chân- miệng và cũng dễ nhầm bệnh này với bệnh thủy đậu. Cũng có thể những nốt phồng là do trẻ bị viêm da dị ứng, hay zona. Tuy nhiên, bệnh zona gặp nhiều hơn ở người lớn.

Còn về vấn đề liên quan đến chất lượng vaccine tiêm phòng,  PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết: Khi tiêm vaccine phòng thủy đậu, hiệu lực cao cũng chỉ 90%, còn 10 là không miễn dịch với vaccine. Có thể trẻ được tiêm phòng mà vẫn bị thủy đậu, là nằm trong số 10% này.

Trước tình hình bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng những ngày gần đây, PGS.TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo: Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước, nhưng rất dễ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Các bậc phụ huynh chý ý tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

http://cand.com.vn/y-te/nhieu-tre-nhap-vien-do-thuy-dau-du-da-duoc-tiem-phong-386430/

Hoang mang 'khẩu trang y tế' làm từ giấy vệ sinh gây mẩn ngứa

Hầu hết khẩu trang y tế bán ở vỉa hè đều được may từ chất liệu trôi nổi, chưa qua khâu xử lý vô trùng và có thể chứa cả ổ vi khuẩn trên đó.

Trong thời gian gần đây, những biển báo quảng cáo khẩu trang giá rẻ giật mình 'mọc' lên tràn lan trên các vỉa hè, ven đường phố. Điều không ai ngờ là 90% sản phẩm đang được rao bán sôi nổi đó lại xuất phát từ những “đầu mối” không ai chứng nhận, kiểm soát và theo một số người tiêu dùng thì đây chính là nguyên nhân gây nên triệu chứng mẩn ngứa, mụn đỏ, lở loét...

Trên thị trường, loại khẩu trang này có giá chỉ 25.000 - 40.000đ/hộp 50 cái, theo thông tin trên hộp chúng được ghi xuất xứ Made in Vietnam hoặc Malaysia...

Theo lời của người bán hàng quảng cáo: “Khẩu trang ba lớp lọc hiệu quả 99% vi khuẩn, ngăn bụi bẩn, không khí độc hại…” nhưng khi qua kiểm tra cụ thể thì chiếc khẩu trang y tế này từ dây quai cho đến phần lớp vải đều sơ sài và mỏng không đảm bảo 3 lớp như những thông tin ghi trên hộp. Nhiều hộp giá rẻ còn có mùi rất khó chịu, khi gặp nước lã là bở ra, lớp trong cùng như giấy vệ sinh.

Là một phụ nữ có thói quen mua hàng vỉa hè vì tiện lợi, chị Thái Hà (31 tuổi, nhân viên sale tại một công ty ở Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi “sốt” loại khẩu trang dùng 1 lần giống các sao Hàn Quốc đang dùng, mình cũng mang hộp khẩu trang y tế mua ở Phạm Văn Đồng về dùng thử. Ban đầu cũng tự tin lắm vì chị bán hàng nói là hàng Nhật nên an toàn về chất lượng. Nhưng khi kiểm tra thì thật sự rất sốc, bên trong là một lớp giấy vệ sinh mỏng”. Điều chị Hà bức xúc hơn là trong thời gian dùng mặt chị xuất hiện nốt ngứa và mụn.

Không chỉ bán trôi nổi ở các ven đường, vỉa hè, những loại sản phẩm giá rẻ này còn được bán online tràn lan trên các trang mạng điện tử. Thông tin về loại khẩu trang này càng trở nên rầm rộ hơn khi 1 bạn trẻ đăng lên trang cá nhân của mình tấm ảnh ảnh gương mặt bị nổi mụn rất nhiều, có chỗ còn lở loét khi sử dụng 'khẩu trang y tế' đen. Hình ảnh này ngay lập tức được cư dân mạng quan tâm, chia sẻ và bày tỏ sự e ngại đáng kể.

Trả lời báo giới trước thông tin đáng lo ngại này, bác sỹ Lê Huỳnh Mai, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cảnh báo: “Hầu hết các loại khẩu trang bán ở vỉa hè được may từ chất liệu trôi nổi, chưa qua khâu xử lý vô trùng, có thể chứa cả ổ vi khuẩn trên đó. Nặng hơn có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bác sĩ Mai lưu ý: “Khẩu trang than hoạt tính có mùi hôi là do cơ sở sản xuất sử dụng keo để phun cố định các hạt than hoạt tính. Chính những hạt keo khi bao quanh các hạt than sẽ làm lớp than mất tác dụng”. Còn khẩu trang diệt khuẩn có nhiều kích cỡ khác nhau, ôm gọn được vùng mũi miệng, ngăn được các tác nhân gây bệnh có kích cỡ 1-10µm. Loại này được nhân viên y tế và người chăm sóc bệnh nhân sử dụng; chỉ dùng một lần và tiêu hủy theo chế độ rác thải y tế độc hại.

Để tránh loại khẩu trang kém chất lượng, gây dị ứng da, các trình dược viên tại một số nhà thuốc (Hà Nội) khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi mua hàng vì sự an toàn cho chính mình, đừng vì ham rẻ mua khẩu trang tiền nghìn rồi mất tiền triệu cũng không chữa hết bệnh. Nên mua khẩu trang y tế ở các cơ sở y tế chất lượng, không nên mua trên các shop online không có chất lượng đảm bảo. Cách nhận biết khẩu trang thật là phần giấy than sẽ dai và không thấm nước, vò mạnh không rách.

http://vietq.vn/hoang-mang-khau-trang-y-te-lam-tu-giay-ve-sinh-gay-man-ngua-d85270.html

Việt Nam có thể điều chế được thuốc trị ung thư giá rẻ

Nhóm nhà khoa học tại trường Đại học Dược Hà Nội đã bào chế thành công chế phẩm điều trị trúng đích trong chữa bệnh ung thư bằng công nghệ nano liposome đã được kiểm nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm, và giá chỉ bằng 30% chế phẩm nước ngoài hiện nay.

Với công nghệ này, hoạt chất diệt ung thư Doxorubocin được đưa đến trúng “đích” là khối u ác tính để tiêu diệt khối u ác tính hiệu quả mà không gây tổn thương phần lành, giảm thấp nhất tình trạng cơ thể bị nhiễm độc do thuốc.

Hiện chế phẩm trên đã được thí nghiệm thành công trên chuột mang tế bào ung thư người. Các chuyên gia của Học viện Quân Y đã cấy thành công khối u từ tế bào ung thư người trên chuột, trong đó có ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư cổ, ung thư lưỡi và một số ung thư khác.

PGS Minh Huệ cho biết: “Chúng tôi đã thử nghiệm theo tiêu chuẩn như thế giới quy định, tối thiểu 4 lô, mỗi lô 6 con chuột. Theo đó, trên các con chuột được cấy thành công khối u từ tế bào ung thư người, có con chuột mang khối u nhưng không được tiêm thuốc; Con chuột mang khối u được truyền thuốc nhưng không phải dạng nano này; Con chuột được tiêm thuốc của Mỹ; Con chuột được tiêm chế phẩm mà chúng tôi bào chế. Kết quả cho thấy khối u ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư lưỡi giảm đi rõ rệt, kéo dài thời gian sống của con vật. Kết quả này là tương đương, có phần nổi trội với chế phẩm nhập ngoại hiện nay”.

Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ dự định sẽ hỗ trợ giai đoạn 2 cho thí nghiệm này. Mục đích là sản xuất thuốc trên quy mô lớn thử nghiệm lâm sàng trên người, thử tương đương sinh học và đưa thuốc ra thị trường.

Được biết tại Mỹ, loại thuốc được cấp bản quyền với tính năng điều trị ung thư có chi phí rất cao, khoảng trên 350 - 500 USD/lọ. Trong khi giá trị của thuốc trúng đích nếu thành công chỉ bằng 30% giá trị trên. Ngoài ra, việc làm chủ công nghệ nano liposome sẽ giúp các nhà khoa học Việt Nam bào chế các thuốc “trúng đích” khác như điều trị tim, thận trong tương lai.

 http://baobaovephapluat.vn/suc-khoe-doi-song/thong-tin-y-duoc/201603/viet-nam-co-the-dieu-che-duoc-thuoc-tri-ung-thu-gia-re-2476089/

Hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tâm thần trong thảm họa

Mục đích của chương trình nhằm tăng cường sự an toàn và khả năng hồi phục của cộng đồng thông qua việc phát triển năng lực của đội ngũ nhân viên y tế.

Từ ngày 21 đến 25-3, lần đầu tiên tại Nha Trang (Khánh Hòa), Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc Gia Hà Nội), phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Sở Y Khánh Hòa, tổ chức tập huấn về hỗ trợ tâm lý xã hội và sức khỏe tâm thần trong thảm họa, thiên tai cho 35 học viên đến từ 15 tỉnh miền Trung.

Các báo cáo viên đã hệ thống những vụ thảm họa, thiên tai đã xảy ra như vụ sóng thần tại Nhật Bản, cơn bão Haiyan tàn phá đất nước Philippines... Gần đây nhất là vụ nổ ở Hà Đông (Hà Nội), vụ sập cầu Gềnh,… gây nhiều thương vong, hoảng loạn cho người dân. Ngoài công tác khắc phục ngay các hậu quả cấp bách thì những hậu quả sang chấn về tinh thần trong cơ thể người là khá lâu dài, đòi hỏi cộng đồng cần phải có kiến thức để sơ cứu và khắc phục sức khỏe tâm thần...

Chương trình tập huấn là một phần trong chuỗi chương trình đào tạo Hỗ trợ tâm lý và Sức khỏe tâm thần được thực hiện bởi Trung tâm Phòng, chống Thảm họa châu Á (ADPC) với các cơ quan đối tác Trung tâm Tâm lý trong khủng hoảng (CCP) Na Uy, Trung tâm Thông tin Hướng nghiệp và Nghiên cứu Ứng dụng Tâm lý (CRISP) thuộc ĐH Quốc Gia, Việt Nam và Trường ĐH Y tế Công cộng. Chương trình này được xem như một cột mốc quan trọng trong công tác hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần ở Việt Nam cho nạn nhân trong các trường hợp khẩn cấp, đặc biệt tập trung vào hỗ trợ vấn đề tâm lý cho trẻ em.

Được biết, khóa đào tạo đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam năm 2013, tập trung vào các kỹ thuật giúp trẻ phục hồi. Năm nay, khóa tập huấn tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ của các tỉnh miền Trung Việt Nam, vùng đất chịu nhiều thảm họa và thiên tai nhất Việt Nam. Nhiều quốc gia ở châu Á đã minh chứng rằng khả năng hồi phục của họ sau thiên tai thảm họa tự nhiên đã có nhiều cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Chương trình đã được bản địa hóa để đáp ứng nhu cầu và những vấn đề ưu tiên của Việt Nam trong việc cải thiện công tác hỗ trợ tâm lý xã hội trong trường hợp khẩn cấp.

Mục đích của Chương trình Đào tạo Hỗ trợ Tâm lý và Sức khỏe tâm thần trong tình huống khẩn cấp của Trung tâm Phòng, chống thảm họa châu Á nhằm tăng cường sự an toàn và khả năng hồi phục của cộng đồng thông qua việc phát triển năng lực của đội ngũ nhân viên y tế. Mục tiêu cụ thể là tăng cường năng lực của các nhân sự liên quan để quản lý các tác động tâm lý xã hội của tất cả các tình huống khẩn cấp hoặc ngay sau khi xảy ra thiên tai hay thảm họa nhằm tăng tỉ lệ sống sót của các nạn nhân.

Nội dung lớp tập huấn ngày đầu được các học viên đánh giá rất hữu ích. Lớp học sẽ kết thúc vào ngày 25-3.

http://plo.vn/suc-khoe/ho-tro-tam-ly-suc-khoe-tam-than-trong-tham-hoa-618523.html

Cứu sống bệnh nhi 35 ngày tuổi bị dập não

Ngày 20-3, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám Đốc Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, cho biết, lần đầu tiên, các bác sĩ của bệnh viện thực hiện thành công ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhi 35 ngày tuổi bị vết thương sọ não, dập não vùng trán trái do dao quắm đâm vào trán.

 Bệnh nhi này là bé Phùng Thanh V. (sinh ngày 13-2-2016, ở Móng Cái, Quảng Ninh), được đưa tới bệnh viện cấp cứu vào đêm 19-3.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, qua chụp cắt lớp sọ não, các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh phát hiện vết thương sọ não gây chảy máu dưới màng cứng, dập não vùng trán trái. Ngay sau đó, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật và sau gần 3 giờ, ca phẫu thuật đã thành công. Kíp mổ đã lấy ra 10ml máu cục và não dập tại vùng trán trái của bệnh nhi, cầm máu vùng não dập bằng dao điện lưỡng cực, khâu treo màng não, dẫn lưu. Hiện bệnh nhi V. đã tỉnh lại, không sốt, các chỉ số sinh tồn và xét nghiệm trong giới hạn.

 http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/3/415330/

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160321/be-35-ngay-tuoi-bi-dao-quam-xuyen-tran/1071097.html

5.000 người chạy hưởng ứng 'Ngày sức khỏe răng miệng thế giới'

Sáng 20/3, tại Hà Nội, khoảng 5.000 người đã tham gia chạy hưởng ứng nhân ngày “Ngày sức khỏe răng miệng thế giới” Hội Răng hàm mặt Việt Nam (VOSA), Liên đoàn Nha khoa thế giới (FDI) phối hợp cùng Unilever Việt Nam tổ chức.

Cũng trong sáng qua, khoảng 100 bé đã được các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm khám răng và tư vấn về răng miệng tại chỗ. Hoạt động này như một tua khám bệnh ngoài trời của các nhà chuyên môn giỏi đã mang lại không ít niềm vui và lạ trong kỳ nghỉ cuối tuần cho trẻ em Thủ đô.  

http://daidoanket.vn/suc-khoe/5000-nguoi-chay-huong-ung-ngay-suc-khoe-rang-mieng-the-gioi/93259

Tổ chức xã hội dân sự tham gia phòng, chống HIV/AIDS sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn

Là lực lượng quan trọng, mấu chốt và cũng là kênh hiệu quả, ít tốn kém nhất giúp Chính phủ đạt được những mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự tham gia phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả khả quan. Hiện nay, dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, song các tổ chức này đang nỗ lực hơn nữa để khẳng định vai trò của mình trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Luôn có sự đồng hành

Xuyên suốt trong quá trình phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta luôn có sự đồng hành của các tổ chức xã hội dân sự. Đây cũng là một trong những chiến lược tích cực được triển khai mạnh mẽ thời gian qua. Khẳng định vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây là lực lượng quan trọng, mấu chốt trong các chương trình quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS. Đây là kênh hiệu quả và ít tốn kém nhất, giúp Chính phủ đạt được những mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực này.

Thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự tham gia hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS ngày càng phát triển mạnh mẽ với độ bao phủ ngày càng lớn mạnh. Chỉ tính riêng Dự án thành phần Vusta - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AISD đã hỗ trợ việc hình thành và phát triển hơn 82 nhóm để thực hiện các hoạt động dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ toàn diện.

Có thể nói, đây là những nhân tố hỗ trợ cho các cơ quan chức năng thực hiện dự phòng, công tác chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại cộng đồng thông qua các hoạt động tư vấn, chăm sóc tại nhà và chuyển gửi đến các dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội dân sự cũng đã tham gia triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người nhiễm HIV và gia đình họ xây dựng mô hình sinh kế giúp nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định. Đồng thời, truyền thông, nâng cao nhận thức cho người nhiễm HIV, những đối tượng có nguy cơ và người thân của họ về kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, các con đường lây truyền cũng như các biện pháp can thiệp giảm hại, chăm sóc triệu chứng, phác đồ điều trị, dinh dưỡng cho người nhiễm HIV hay kiến thức dự phòng HIV… Thông qua các hoạt động của mình, các tổ chức xã hội dân sự tham gia hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS có thể nói lên tiếng nói của mình đối với những người làm chính sách và thực thi chính sách liên quan đến HIV/AIDS.

Còn đối mặt với nhiều thách thức

Đánh giá cao vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong phòng, chống HIV/AIDS với các mức độ đóng góp khác nhau tùy thuộc vào chức năng và khả năng của từng tổ chức, song  theo Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Bùi Đức Dương, sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự rất cần thiết và đóng vai trò tích cực, nhưng thực tế lại thiếu một khuôn khổ pháp lý nhất quán cho việc đăng ký và quản lý các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và đoàn thể quần chúng. Đồng thời, nguồn tài trợ thiếu bền vững, hầu hết phụ thuộc vào tài trợ quốc tế, trong khi đó sau năm 2017 và bước sang năm 2018, các nhà tài trợ quốc tế sẽ rút khỏi Việt Nam sẽ là thách thức không nhỏ để các tổ chức này có thể tiếp tục duy trì hoạt động nhằm hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hơn nữa, sự kỳ thị và phân biệt đối xử cũng là những rào cản mà các tổ chức xã hội dân sự tham gia hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS đang phải đối mặt…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong phòng, chống HIV/AIDS, đó là nguy cơ tăng mạnh về tỷ lệ lây nhiễm ở một số khu vực như miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long; tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ đồng tính nam có xu hướng tăng, khó kiểm soát, nhất là tại những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng. Bên cạnh đó là thách thức về thiếu hụt nguồn nhân lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS khi nguồn tài trợ đang cạn dần.

Trước những khó khăn và thách thức đang phải đối mặt, theo nhiều chuyên gia việc rà soát và tiến hành xây dựng đề xuất cơ chế tài chính cho các tổ chức xã hội dân sự tham gia hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS là điều cần thiết, có ý nghĩa quyết định để phát triển và duy trì sự bền vững của các hoạt động này. Song song với đó, chính các tổ chức này cũng cần tự khẳng định vai trò của mình trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, cần chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác từ việc kết nối với các cơ quan liên quan để tham gia các hoạt động của các chương trình, chiến lược phòng, chống HIV/AIDS.

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=369271

Một thuốc kháng viêm nhập khẩu bị đình chỉ lưu hành

Ngày 21/3, tin từ Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, Giám đốc Sở này vừa ký công văn gửi các đơn vị trực thuộc thông báo về việc đình chỉ lưu hành thuốc Cefpomed-200.

Theo nguồn tin trên, Cefpomed-200 (Cefpodoxim Proxettil capsules 200mg), số đăng kiểm: VN-8050-09, số lô: CEO406, NSX: 01/03/2014, HSD: 28/7/2017, do công ty Medico Remedies Pvt. Ltd., India sản xuất và được Công ty Cổ phần Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng (Dapharco) nhập khẩu.

Theo công văn trên, lý do thuốc Cefpomed-200 bị đình chỉ là không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng và độ hòa tan.

Đây là loại thuốc kháng viêm, dùng điều trị bệnh đường hô hấp trên, viêm phổi, nhiễm lậu.

Sở Y tế Cà Mau cũng đã ra thông báo chỉ đạo Phòng Y tế khẩn trương thông báo đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc biết và thu hồi lô thuốc không đạt chuẩn nói trên, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện, xử nghiêm những đơn vị cố ý làm trái quy định.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/mot-thuoc-khang-viem-nhap-khau-bi-dinh-chi-luu-hanh-20160321153154656.htm

11 học sinh nhập viện…do thức ăn đường phố

Về vụ việc 11 học sinh trường tiểu học Phú Mỹ (phường 2, TP.Sa Đéc) nhập viện sau bữa ăn trưa ngày 18/2/2016, mới đây Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Tháp đã có kết luận xung quanh vụ việc này.

Theo báo cáo sơ bộ của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, học sinh vào viện trong tình trạng tỉnh, than đau bụng, nôn ói, không sốt, chưa có biểu hiện tiêu chảy. Hiện sức khỏe tất cả học sinh ổn định, đã đi học lại, ăn uống và sinh hoạt bình thường. Kết luận đây là các ca bệnh nghi do rối loạn tiêu hóa sau khi ăn các thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh.

Được biết, buổi sáng số học sinh nhập viện có ăn uống tại nhà, mua thức ăn đường phố, mua nước uống tại căn tin trường sau đó cùng tập trung ăn buổi trưa tại trường. Ngay sau khi xảy ra vụ 11 học sinh nghi ngộ độc, ngành chức năng kiểm tra phát hiện căn tin tại trường phục vụ học sinh chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Như thông tin vụ việc, ngày 18/02/1016, Trường Tiểu học Phú Mỹ có sử dụng thức ăn từ cơ sở cung cấp thức ăn sẵn bên ngoài cho 526 học sinh của trường. Trong buổi ăn trưa cùng ngày có 11 học sinh nữ học lớp 2/3 sau khi ăn khoảng 30 phút có triệu chứng buồn nôn, đau bụng và phải nhập viện điều trị nghi ngờ do ngộ độc thực phẩm.

Riêng cơ sở cung cấp thức ăn chế biến sẵn cho nhà trường thì qua các kết quả kiểm nghiệm vi sinh và kiểm nghiệm hóa chất thức ăn tại cơ sở này đều đạt các tiêu chuẩn quy định.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/11-hoc-sinh-nhap-viendo-thuc-an-duong-pho-20160321152730711.htm

Hàng chục người nhập viện sau khi ăn đám cưới

Sau khi dự đám cưới của một gia đình tổ chức tại thị trấn Kiên Lương, TP Rạch Giá trưa 20-3, 49 thực khách đã phải đến bệnh viện cấp cứu vì nôn ói, đau bụng dữ dội...

Đến trưa 21-3, hơn 20 thực khách vẫn còn được theo dõi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Kiên Lương tỉnh Kiên Giang sau khi cùng dự một đám cưới tổ chức trên địa bàn vào trưa hôm trước. Một số trường hợp khác cũng lần lượt nhập viện sau khi dự đám cưới nói trên.

Bác sĩ Hồ Hữu Phước - phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Kiên Lương cho biết khoảng từ 20g ngày 20-3 đến 2g sáng 21-3, bệnh viện này đã tiếp nhận tổng cộng 49 bệnh nhận đến cấp cứu với cùng triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần nghi do ngộ độc thực phẩm.

Theo các bệnh nhân trưa 20-3, họ cùng dự chung một đám cưới tổ chức tại thị trấn Kiên Lương.

“Sau khi tiếp nhận, bệnh viện đã cho truyền nước điện giải, uống thuốc giảm đau, thuốc hỗ trợ tiêu hóa, khoảng một nửa số ca đã có biểu hiện thuyên giảm được cho xuất viện. Số còn lại tiếp tục theo dõi và điều trị, chưa có ca nào phải chuyển tuyến trên” - bác sĩ Phước nói.         

Nhiều thực khách khác ở TP Rạch Giá cùng dự đám cưới nói trên cũng cho biết đã bị nôn ói, tiêu chảy và đau bụng dữ dội sau khi dự đám cưới, nhiều người đã phải nhập viện điều trị.

Được biết đám cưới trên tổ chức tại công viên cây xanh ở trung tâm thị trấn Kiên Lương và thức ăn được gia chủ thuê nấu, thực đơn gồm các món như cơm ghẹ, mực, gà hấp…

Theo bác sĩ Hồ Hữu Phước, bệnh viện đã thông báo cho Trung tâm Y tế huyện để cùng phối hợp lấy mẫu bệnh phẩm, thực phẩm để xác định nguyên nhân.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160321/hang-chuc-nguoi-nhap-vien-sau-khi-an-dam-cuoi/1071094.html

http://vov.vn/tin-24h/sau-an-tiec-dam-cuoi-50-nguoi-nhap-vien-491782.vov

http://plo.vn/suc-khoe/kien-giang-nhieu-nguoi-bi-ngo-doc-sau-khi-du-tiec-cuoi-618673.html

GS Lân Dũng 'cạch' ăn vỉa hè vì sợ ung thư

GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ ông đã giật mình khi ở Việt Nam đâu đâu cũng bón thúc cho rau trong khi ở Mỹ gần như không có.

Câu chuyện 2 nền nông nghiệp

Câu chuyện ăn uống và ung thư hiện là mối quan tâm hàng đầu của người Việt. Là nhà khoa học luôn trăn trở với miếng cơm của người dân, GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam chia sẻ, ông đã có hơn 1 tháng đi qua 4-5 bang của Mỹ, sống cùng người dân để xem họ ăn uống thế nào.

Theo GS Lân Dũng, cái đập vào mắt đầu tiên là thực phẩm của họ luôn được đảm bảo. Tất cả đều là siêu thị thực phẩm, có nơi rộng hàng nghìn m2, không có bóng dáng của chợ cóc nhỏ lẻ như Việt Nam.

"Những thực phẩm chỉ hơi héo, dập, siêu thị lập tức nhặt dồn ra hành lang cho lên xe tải để bỏ đi. Có thể hơi lãng phí nhưng họ tôn trọng người tiêu dùng", GS Lân Dũng chia sẻ.

GS cũng cho biết, ông đã trực tiếp đến 1 nông trang lớn sản xuất hàng loạt và một trang trại nhỏ của một hộ gia đình để tận mục xem họ canh tác như nào và đã hết sức ngạc nhiên.

"Nông trang lớn nhưng họ không phải phun thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ. Với cà chua, họ phủ tấm nhựa lên mặt luống, đục lỗ nhỏ để trồng cây, sau đó che kín nilon phía trên để lọc ánh sáng thích hợp, ngăn bướm xâm nhập. Chỉ khi thu hoạch họ mới bỏ ra", GS Lân Dũng kể.

Còn tại trang trại gia đình ở bang Georgia, tuyệt nhiên họ không bao giờ dùng phân đạm. Tất cả đều dùng phân ngựa ủ mục.

"Thấy vậy tôi mới giật mình khi ở ta thúc phân đạm nhiều quá. Đạm vào cây trở thành nitrit - yếu tố gây ung thư, chưa cần phun kích thích. Cái này rất nguy hiểm. Giờ người Việt mình ung thư nhiều quá nhưng ít người nghĩ đến nitrit. Ở quê có người còn tưới đạm hôm trước, hôm sau đã thu hái luôn", GS Lân Dũng trăn trở.

Ông cũng ngạc nhiên khi trang trại nhỏ nhưng không dùng lưới, không dùng thuốc trừ sâu mà vẫn không có sâu. Khi thắc mắc thì ông được trả lời rằng do chọn những cây không thích hợp với sâu.

Theo GS Lân Dũng, việc chọn không hề dễ nhưng mới đây Trung Quốc cũng đưa rau rừng về trồng thành rau thiên nhiên. Việt Nam cũng nên nghiên cứu, chọn ra loại rau rừng kháng sâu để biến nó thành đặc sản. Ngày xưa các chiến sĩ đã phát hiện ra rất nhiều rau rừng.

“Rau là cái quan trọng nhất. Cơm không rau như đau không thuốc. Rau là thứ phải ăn hàng ngày và không ai tiếc tiền để mua rau sạch. Tôi tin nếu có đắt gấp đôi giá tiền hiện nay thì người tiêu dùng vẫn sẵn sàng mua nếu đảm bảo. Còn hiện nay, người dân không tin vào rau an toàn, rau hữu cơ", GS Lân Dũng nói.

Với bữa ăn hàng ngày của gia đình mình, GS cho biết hiện đang được cháu trai có trang trại ở huyện Đông Anh cấp rau sạch 1 tuần/lần.

Luống rau riêng vẫn... độc

Lý giải cho tình trạng người tiêu dùng mất niềm tin vào các sản phẩm rau sạch, GS Lân Dũng cho rằng vì người nông dân hiện nay chỉ nhận tiền tài trợ và chỉ hứa không được phun thuốc bao nhiêu ngày trước khi thu hoạch, còn lại vẫn phun.

Theo GS, nhiều người bảo nhà tôi ăn rau sạch vì trồng 2 luống rau, 1 luống ăn, 1 luống bán. Nhưng thực tế khi phun thuốc sâu vẫn tạt vào luống rau còn lại và vào người.

"Chỉ khi nào trồng rau trong nhà lưới hoặc trồng rau sâu không thích ăn - như rau chùm ngây gần đây thì mới có rau sạch được. Nếu được góp ý với lãnh đạo, nhất thiết các thành phố phải hỗ trợ nông dân trồng rau trong nhà lưới, vì lưới không đắt, chắn được bướm, không làm nóng lên nhưng người tiêu dùng phải chấp nhận mua giá cao hơn một chút", GS Lân Dũng đề xuất.

Ngoài ra nông dân phải có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, làm theo hợp đồng. Khi vi phạm, cơ quan kiểm nghiệm phải xử nghiệm nghiêm. Mỗi gia đình phải được cấp một mã vạch riêng, khi phân tích thấy thuốc trừ sâu, thấy nitrit thì ngoài công ty bị phạt, chủ gia đình đó cũng phải chịu trách nhiệm.

"Chuyện rau đã thế, chuyện chăn nuôi giờ cũng rất nóng. Nào là vàng ô, nào là chất tăng trưởng, tăng trọng, chất siêu nạc. Người dân rất loay hoay, đụng đâu cũng thấy nhưng không thể tránh được. Cái này tôi cho là sự thiếu trách nhiệm của người lãnh đạo", ông nói và chia sẻ thật rằng rất hiếm khi ông ăn hàng vỉa hè, ngoài hàng bún cạnh nhà vì biết rõ nguồn gốc.

GS Lân Dũng cho rằng, để có thịt sạch, rất đơn giản, cần có những thiết bị test nhanh trước khi đóng dấu thú y. Cái quan trọng nữa là phải tìm được đầu vào của các loại thuốc trên.

Việt Nam không làm được những thuốc đó mà chủ yếu qua đường biên mậu. Khi kiểm tra chặt chẽ, phạt thật nặng thì sẽ không còn vì đây không chỉ là chuyện nhập lậu trái phép mà còn là chuyện ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.

"Chúng ta phải nghĩ tới cái dài lâu. Tôi nghĩ sức khoẻ phải quý hơn vàng, vàng mua được, sức khoẻ không mua được. Khi khoẻ mạnh, người ta muốn rất nhiều thứ, nhưng khi ốm đau, người ta chỉ cần sức khoẻ. Mà với ung thư chỉ mong kéo dài cuộc sống. Giờ tỉ lệ mắc ung thư ở ta lớn quá", GS Lân Dũng nói.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/gs-lan-dung-cach-an-via-he-vi-so-ung-thu-20160322041847672.htm

Tâm sự của người mang thai hộ cặp song sinh đầu tiên

"Khi hai đứa em ngỏ lời nhờ mang thai giúp, tôi tá hoả vì đã bao giờ nghe đến mang thai hộ là gì, lại còn nghĩ làm sao mình có con với em mình được", chị Ngô Thị Mỹ (34 tuổi, ngụ tại huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), người đã mang thai hộ cặp song sinh đầu tiên của bệnh viện Từ Dũ chia sẻ.

Vượt cạn thành công sau ca mổ bắt con tại bệnh viện Từ Dũ, thịt da còn đau nhức nhưng chị luôn niềm nở trò chuyện cùng những người đến thăm. Với chị, cuộc sống đã tươi đẹp hơn kể từ khi quyết định mang thai hộ cho vợ chồng người em họ.

Trước khi quyết định mang thai hộ, chị Mỹ đã có chồng và hai đứa con. Tuy nhiên, đứa con trai đầu lòng vắn số đã sớm ra đi, cuộc sống hôn nhân của vợ chồng chị cũng đổ vỡ bởi những mâu thuẫn nhỏ nhặt “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Phải làm thuê, làm mướn vất vả để sống qua ngày, hạnh phúc nhỏ nhoi còn lại với chị là được thấy đứa con trai (10 tuổi, học lớp 4) lớn khôn từng ngày.

Chị cho biết: “Tôi và vợ chồng cô H. ở sát nhà nên tối lửa tắt đèn đều có nhau. Cuộc sống của tôi vốn đã khó khăn nhưng hai đứa em cũng không khấm khá hơn bao nhiều bởi đồng lương công nhân bèo bọt. Dù vật chất không đủ đầy như bao người, nhưng ít ra tôi còn có đứa con bầu bạn, mỗi lần thấy cô H. nhìn những đứa trẻ trong xóm với ánh mắt khát thèm, tôi hiểu mong muốn được làm mẹ của em mình rất lớn.”

Chị tiếp lời: “Khổ thân cho chúng, lấy nhau đã 5 năm, không biết bao nhiêu lần ngược xuôi đến bệnh viện thăm khám nhưng thời gian cứ trôi đi mà “bầu bí” thì chẳng thấy gì. Không chỉ vợ chồng H. mong mỏi mà hai bên gia đình cũng đỏ mắt trông mong đứa cháu để bế bồng. Nhiều lần có người không hiểu chuyện nên nói có phần ác miệng, “vợ chồng này mải lo kiếm tiền làm giàu không tính gì đến con cái cả”. Những lúc như vậy H. đều quay mặt nuốt nước mắt mà không biết phải giải thích thế nào.”

Hơn một năm trước, khi đi khám và được bác sĩ bệnh viện Từ Dũ tư vấn về phương pháp mang thai hộ, vợ chồng chị H. đã đắn đo cân nhắc rồi quyết định mở lời với chị Mỹ. “Thấy hai đứa em ấp úng nói không ra lời, tôi hỏi có chuyện gì thì chúng bảo, vợ chồng em muốn nhờ chị mang thai giúp. Ban đầu tôi cũng tá hỏa vì đã bao giờ nghe đến mang thai hộ là gì, lại còn nghĩ làm sao mình có con với em mình được. Nhưng khi nghe chúng giải thích rồi bác sĩ tư vấn, tôi đã xuôi lòng rồi tặc lưỡi “hai đứa cứ lo cho thằng con chị ăn học bằng khoản tiền mỗi ngày chị đi làm mướn là được”.

Nhớ lại quyết định của mình chị Mỹ tâm sự: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình làm chị giúp được em cái gì thì cố gắng, chứ không đòi hỏi gì cả. Hạnh phúc của chúng cũng là niềm vui của mình.” Tuy nhiên, khi đã được cấy phôi và bắt đầu thời kỳ thai nghén, ngoài những khó nhọc chung của phụ nữ trong thời kỳ mang thai chị Mỹ còn gặp phải không ít điều tiếng. Người hiểu chuyện thì cảm thông chia sẻ nhưng người “độc mồm, độc miệng” lại xì xào bàn tán vì cho rằng chị lăng nhăng nên có thai rồi kiếm cớ để ngụy tạo. Khó khăn nhất là việc giải thích câu hỏi “sao mẹ lại có bầu” của đứa con nhỏ.

Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi, bằng tình yêu với hai bào thai đang lớn dần trong cơ thể mình và tình thương, sự chia sẻ với vợ chồng người em, chị Mỹ đã vượt qua tất cả. Với sự giúp đỡ chuyên môn của các y bác sĩ, trong suốt thời gian thai kỳ, hai đứa trẻ đã chào đời bằng phương pháp sinh mổ tại bệnh viện Từ Dũ. “Nghe tiếng con thơ khóc, thấy giọt nước mắt hạnh phúc của vợ chồng đứa em, tôi cảm nhận được, từ nay cuộc sống của mình sẽ có thêm nhiều niềm vui mới.”

Chị Mỹ lâng lâng mường tượng đến một ngày không xa sẽ thấy hai đứa trẻ tung tăng ở sân nhà và lớn lên trong sự che chở, yêu thương của chính chị và vợ chồng người em. “Tôi tin rằng, khi lớn khôn các con, các cháu của tôi sẽ thấu hiểu sự thiêng liêng của tình cảm gia đình, tình mẫu tử để trở thành những người có ích cho xã hội. Xin cảm ơn các y bác sĩ của bệnh viện Từ Dũ đã luôn đồng hành cùng gia đình chúng tôi để đến hôm nay, hai đứa trẻ đã chào đời khỏe mạnh.”

BS Trần Thanh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện Từ Dũ cho biết, hiện sức khỏe của cả mẹ và bé trong ca mang thai hộ sinh tại bệnh viện đã ổn định. Dự kiến, ngày 23/3 sản phụ và hai bé sẽ được xuất viện. Đây là trường hợp mang thai hộ đầu tiên thành công tại bệnh viện Từ Dũ sau khi Luật mang thai hộ được thông qua. Bằng phương pháp mang đầy tính nhân văn này, bệnh viện tin tưởng trong thời gian tới ngày càng nhiều những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con nhưng sẽ hưởng hạnh phúc thiêng liêng khi thực hiện được thiên chức làm cha mẹ.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/tam-su-cua-nguoi-mang-thai-ho-cap-song-sinh-dau-tien-20160321100426033.htm

Bóc mẽ gã lang băm ngày lái máy cày, đêm hóa "thánh"

Gã nghĩ ra kế hoạch lập điện và loan tin “thánh cô” đã nhập vào người nhằm đánh lừa các con bệnh. Từ “độc chiêu” chữa bệnh quái lạ này, hàng trăm người bệnh lần lượt kéo đến mong “thánh” giúp đỡ, từ đó gã thu về bộn tiền.

Bắt bệnh bằng “âm”?

Một ngày giữa tháng Ba, trong vai một người mắc bệnh sỏi thận chúng tôi tìm đến nhà ông Lý để tìm hiểu thực hư câu chuyện về vị “thánh” chữa bách bệnh. Đúng như tin đồn, người đàn ông này nổi tiếng đến mức vừa đặt chân đến ngôi nhà nằm xã Phú Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), hỏi nhà “thánh Lý” chữa bệnh từ người già đến trẻ con ai cũng biết.

Vì “thánh” chỉ khám và chữa bệnh vào ban đêm nên chúng tôi phải đến từ rất sớm. Khi chúng tôi vừa đến đã có hơn chục người bệnh ngồi chờ đến lượt mình. Người bệnh đủ mọi lứa tuổi, từ người già đến trẻ nhỏ, những cặp vợ chồng vô sinh hoặc hiếm muộn, sỏi thận, gãy xương..., thậm chí có cả bệnh nan y cũng đến cầu cứu.

Theo tìm hiểu của PV, lang băm này có tên là Ngô Bá Lý (SN 1972, trú trại thôn Đông Thịnh, xã Phú Lộc). Phía trước của nhà “thánh” có một bàn thờ được trang bị đủ các loại tượng phật, vài nhành hoa và lốc nước ngọt. Khi chúng tôi vừa đến cổng, một người nhà của “thánh” ra tiếp đón niềm nở và liên tục hỏi về thân nhân của từng người với vẻ rất cẩn thận rồi mới cho vào bên trong.

Khi vào trong, một người đàn ông trung tuổi xuất hiện, tự giới thiệu là Lý, có thể chữa được các loại bệnh, rồi mời chúng tôi ngồi chờ ở ghế dành cho khách. Theo lời “thánh” thì phải đợi đến giờ hoàng đạo mới khám bệnh được. Sau đó, người đàn ông này tiếp tục dò hỏi chúng tôi những câu hỏi dạng như: “Anh chị quê ở đâu? Tìm đến chữa bệnh gì? Xin cái gì? Làm sao hai anh chị biết mà tới đây? Nghe ai nói, hay thế nào?...”.

Trò chuyện một lúc, “thánh nổ” có thể chữa bách bệnh, người đến đây chữa chủ yếu là các bệnh nan y, bệnh viện trả về nhưng sau khi đến chữa ở đây đều khỏi bệnh. “Tôi có biết chữa bệnh tật gì đâu, chỉ là “thánh cô” nhập vào người rồi khám, chữa bệnh cho mọi người đấy chứ. Tôi cũng không muốn làm việc này, tại dưới “âm” người ta giao trách nhiệm phải đội nhân cứu thế, chữa bệnh cho dân nghèo chứ không phải làm vì tiền bạc”, ông Lý nói.

Ông Lý cho biết thêm, cách đây khoảng bốn đời có một bà cô bị chết oan, năm ngoái người nhà đi cầu siêu thì được nhà ngoại cảm tìm mộ giúp. Từ tháng Sáu vừa rồi, bà cô linh thiêng báo mộng về bảo ông lập điện thờ để chữa bệnh cho người dân.

Ngồi cạnh chúng tôi, một người dân tên Thuận ở xã Kim Lộc đến nhà “thánh” Lý chữa bệnh phản ánh: “Thầy này có phương pháp chữa bệnh rất kỳ lạ. Từng bệnh nhân đến thay phiên nhau ngồi, quỳ và nằm ở trong ngôi nhà của thầy. Bệnh nhân kêu đau chỗ nào thì người dưới “âm” nhập váo “thánh” chỉ cho cách chữa và kê đơn thuốc cho về uống. Tôi bị bệnh sỏi thận như chú nhưng uống hết 2 triệu đồng tiền thuốc của “thánh” rồi mà chưa khỏi, “thánh” bảo phải uống khoảng 4 tháng nữa thì mới khỏi hoàn toàn. Nếu không khỏi thì “thánh” sẽ vận khí công đẩy bệnh ra ngoài giúp”.

Lật tẩy chiêu trò lừa bịp

Khoảng 20h tối, “thánh” bắt đầu vào điện thờ làm lễ, sau khi thắp 3 nén hương, chắp tay vái 3 vái, “thánh” bỗng nhiên lăn đùng giữa nhà như người giãy chết. Một lúc sau, ông Lý đứng dậy tự xưng là “thánh cô”, chỉ từng người đứng dậy khám bệnh. Lúc này, “thánh” khoa tay múa chân, nhắm mắt lại nói lảm nhảm, đưa tay ra làm phép để… khám bệnh. Người đầu tiên được khám là một cô gái tên Tuyết, đang là sinh viên học ở Hà Nội, được người thân mách nước tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần về quê chữa bệnh.

“Thánh” phán: “Con bị bệnh này cũng nặng đấy, may mà gặp được ta, ta sẽ giúp con chữa lành bệnh. Bệnh này con phải dùng 7 loại thuốc gồm: Một quả trứng gà nướng khô, 1 cây tía tô, 1 cây rau má, 3 hạt mùng tơi, 1 củ khoai tây, 1 hạt táo khô. Sau đó con về rang khô lên, giã thật nhỏ pha với mật ong đem uống. Mỗi ngày uống hai lần vào lúc 10h sáng và 10h tối, ắt sẽ khỏi”.

Khám cho cô gái xong, đến lượt tôi kể bệnh, “thánh” Lý khua tay một lúc và thẳng thừng phán: “Cậu đích thị mang bệnh sỏi thận nha (?!). Chiều mai đến đây ta đưa cho 3 thang thuốc, bây giờ con về tìm thêm các vị thuốc sau đây: Một cây vừng, 5 lá cà chua, 5 lá sắn dây, 1 con cua biển, 5 con cua đồng, 2 cái tai dê, sau đó kết hợp với thuốc của ta, rồi nấu lên uống. Bốn tháng sau đảm bảo khỏi ngay”.

Cũng khá nhiều người bệnh được “thánh” làm phép, luyện khí công, đuổi con bệnh ra khỏi người. Sau khi khám và chữa bệnh cho các bệnh nhân xong, ông Lý lại ngã lăn ra, rồi lại tỉnh táo như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Ông ta bảo “thánh cô” đã đi rồi.

Mỗi thang thuốc của ông Lý có giá 140 nghìn đồng. Cứ trung bình mỗi người bệnh tìm đến chữa trị cũng mất khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng, chưa kể tiền khám. “Thánh” Lý bắt người bệnh uống thuốc kéo dài 3 đến 4 tháng trời. Cứ 9 ngày lại đến nhà “thánh” để vận công một lần và lấy 3 thang thuốc về uống. Bệnh nhân tuyệt đối phải kiêng rượu, không được ăn cơm ở những nhà có đám tang, nhà có người mới sinh nở… Người nhà của ông Lý nói rằng, ở đây chỉ khám và chữa bệnh vào tối thứ Ba và tối thứ Năm hàng tuần.

Để hiểu rõ hơn về lang băm này, chúng tôi tìm gặp nhiều người dân để tìm hiểu. Được biết, “thánh” Lý thực chất là một người nông dân bình thường, chẳng có bằng cấp gì nhưng vẫn bốc thuốc chữa bệnh bình thường. Ban ngày, ông Lý lái máy cày, cày ruộng thuê còn ban đêm thì cùng một số người nhà hành nghề chữa bệnh. Các loại thuốc của ông chỉ là những loại lá, rễ cây tầm thường như củ nghệ, củ riềng, lá cà chua, hạt đậu, cua đồng… và ngoài ra gã bán thêm thuốc không rõ nguồn gốc, kết hợp để bệnh nhân nấu uống.

“Bản thân thầy lang bốc thuốc này làm nông, không biết chữa bệnh. Nghe nói sau một giấc mơ lạ, ông Lý bỗng dưng thành thầy thuốc. Thời gian qua, chúng tôi ở đây bức xúc lắm. Nhiều lần chúng tôi lên tiếng yêu cầu ông Lý dẹp chuyện lừa đảo lại để khỏi gây tiếng xấu cho địa phương, công an xã đến dẹp nhưng cũng không ăn thua. Bây giờ họ sợ nên chữa vào ban đêm để tránh bị công an bắt. Nhà ông Lý trước đây cũng nghèo xác nghèo xơ, nhờ chiêu trò chữa bệnh “lạ” mà giờ cuộc sống cũng khấm khá hơn”, một người hàng xóm cho hay.

Nhiều người dân khác cho biết, nạn nhân của người đàn ông tự xưng mình là “thánh” này không hề ít. Họ là những người nhẹ dạ cả tin ở vùng xa xôi, kém hiểu biết. Trong đó, có những người vì mắc bệnh nặng, bệnh viện trả về, khi nghe tin ông Lý có “thánh cô” nhập vào có khả năng chữa bách bệnh nên tìm đến. Tuy nhiên, người dân tìm hiểu thì ông Lý chưa chữa khỏi cho bệnh nhân nào.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Công Thắng, Phó trưởng Công an xã Phú Lộc xác nhận: “Thời gian qua chúng tôi cũng đã nhận được phản ánh từ người bệnh về cách chữa trị của ông Lý. Dù đã đến gia đình cảnh cáo việc làm sai trái của ông này nhưng ông ta lại chuyển sang hoạt động ban đêm. Để đảm bảo an ninh trật tự và bài trừ mê tín dị đoan, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý tới cùng. Nếu ông ấy không chấp hành, chúng tôi sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn”.

http://kienthuc.net.vn/doc-30s/boc-me-ga-lang-bam-ngay-lai-may-cay-dem-hoa-thanh-654195.html

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang