Cam kết hướng tới sự hài lòng của người bệnh
(Thanh tra) - Ngày 22/10, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tổ chức lễ Ký cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, nền tảng cơ bản của mọi ngành nghề, đặc biệt là ngành Y - ngành chăm sóc sức khỏe cho người dân chính là đạo đức nghề nghiệp. Ngành Y có rất nhiều tấm gương, nhiều tập thể, cá nhân đã không quản gian nan, hết lòng vì tính mạng, sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, có thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thậm chí có hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng tới hình ảnh người cán bộ y tế, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ hơn 400.000 cán bộ đang ngày đêm lặng lẽ, quên mình với nhân cách, trí tuệ để giành giật sự sống cho người bệnh, chăm sóc cho sức khỏe nhân dân. Do đó, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế là bước đột phá để củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức phong phú về các nội dung đổi mới. Bệnh viện phải quán triệt sâu sắc đối với cán bộ y tế việc đổi mới, chấn chỉnh phong cách, thái độ phục vụ người bệnh là nhu cầu thiết yếu, phù hợp với liên quan đến sự tồn tại, phát triển của đơn vị; Thực hiện phong cách, thái độ chuẩn mực của người cán bộ y tế không những là tinh thần, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người cán bộ y tế khi được đứng trong hàng của ngành Y.
Ban Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I kêu gọi tập thể cán bộ, viên chức, người lao động khắc phục khó khăn, triển khai đầy đủ các nội dung đồng thời mong muốn các cơ quan truyền thông, báo chí tích cực phối hợp cung cấp thông tin về việc tổ chức thực hiện cũng như góp ý xây dựng cho bệnh viện vì mục tiêu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/cam-ket-huong-toi-su-hai-long-cua-nguoi-benh_t114c9n94861
Hội Điều dưỡng Việt Nam kỷ niệm 25 năm ngày thành lập
(Thanh tra)- Ngày 22/10 tại Hà Nội, Hội Điều dưỡng Việt Nam tổ chức Kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập (26/10/1990-26/10/2015) và Hội nghị Khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ VII.
Ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam cho biết, 25 năm qua, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã gắn bó và đồng hành với sự phát triển của chuyên ngành Điều dưỡng; đã trở thành một tổ chức đại diện cho tiếng nói của hội viên cả nước và đang vững bước trên con đường thực hiện sứ mệnh “Vì nghề nghiệp, vì hội viên và vì sức khỏe cộng đồng”.
Đến nay, mạng lưới của Hội đã phủ tới 60/63 tỉnh, thành phố với trên 800 chi hội và hơn 80 nghìn hội viên. Đây là lực lượng Điều dưỡng phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo phương châm y tế của Đảng. Bên cạnh đó, chuyên ngành Điều dưỡng cũng đang thực sự trở thành một mắt xích quan trọng, chiếm phần nửa công tác chăm sóc sức khỏe.
Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục quan tâm tới một số chính sách nghề nghiệp mà hội viên đang quan tâm như: Xếp hạng ngạch viên chức điều dưỡng; xác định phạm vi hành nghề, đảm bảo biên chế điều dưỡng tại các khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, ông Phạm Đức Mục nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hội trong giai đoạn phát triển 25 năm qua và nhiệt liệt biểu dương toàn thể cán bộ hội viên, đã lập nhiều thành tích xuất sắc, khẳng định được vai trò bằng chính nội lực của Hội và mở ra những vận hội phát triển mới.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đề nghị trong thời gian tới, Hội Điều dưỡng cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nâng cao y đức và truyền lòng say mê nghề nghiệp cho đội ngũ điều dưỡng; thực hiện cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” do Bộ Y tế phát động. Cùng với đó, tiếp tục phủ kín tổ chức Hội trong cả nước và các Chi hội chuyên khoa, thường xuyên chăm lo bồi dưỡng cán bộ Hội, chăm sóc và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị, các Sở Y tế, các Viện, Bệnh viện, các Trung tâm và các Trường của ngành Y tế cần tiếp tục đổi mới nhận thức về Điều dưỡng, thực sự quan tâm đến lực lượng đông đảo và quan trọng này. Cung cấp đủ nhân lực Điều dưỡng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Điều dưỡng, Nữ hộ sinh và Kỹ thuật viên y học làm việc mẫu mực, có hiệu quả và giao tiếp tốt làm hài lòng người bệnh.
Hội Điều dưỡng Việt Nam cũng tổ chức Hội nghị Khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ VII với nhiều đề tài nghiên cứu điều dưỡng, nhiều báo cáo khoa học được trình bày bởi các báo cáo viên trong nước và quốc tế. Các báo cáo khoa học tập trung vào các chủ đề: Đào tạo; thực hành chăm sóc điều dưỡng; quản lý và hội nhập. Những báo cáo khoa học này rất có giá trị khi áp dụng trong chăm sóc, điều dưỡng người bệnh tại các cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc cũng như đem lại sự hài lòng cho người bệnh. http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/hoi-dieu-duong-viet-nam-ky-niem-25-nam-ngay-thanh-lap_t114c9n94862
Chữa bệnh - nhiều nỗi lo
Vào cuối tháng 11 tới hoặc chậm nhất là tháng 12, Thông tư liên bộ Y tế - Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ được ban hành và có hiệu lực. Và như vậy, sẽ có khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được BHYT đang thanh toán sẽ tăng giá do tính thêm tiền lương và phụ cấp của cán bộ, nhân viên y tế vào viện phí.
Lý giải về việc viện phí sẽ tiếp tục tăng, Bộ Y tế cho biết, giá viện phí nếu tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp..., nhưng hiện nay, viện phí mới tính một phần các chi phí trực tiếp cấu thành (3/7 yếu tố). Và thực tế sau 3 năm điều chỉnh viện phí, mặc dù hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60% - 80% của 3 yếu tố cấu thành nhưng đã mang lại hiệu quả nhất định cho người bệnh, nhất là người có BHYT. Các bệnh viện cũng có thêm nguồn kinh phí để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh tốt hơn. Bộ Y tế cũng khẳng định, việc tăng giá viện phí tới đây thì những người có thẻ BHYT và đặc biệt là khoảng 23,7 triệu người nghèo, đối tượng chính sách có thẻ BHYT được hưởng lợi nhất vì khi đi khám bệnh, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí (trước là 95%). Hơn nữa, không chỉ có người bệnh có thẻ BHYT được hưởng lợi mà các bệnh viện cũng sẽ được lợi dù áp lực nhiều hơn.
Như vậy, quan điểm của ngành y tế về việc tăng viện phí chính là nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh tốt hơn và bảo đảm hoạt động ổn định của bệnh viện. Theo Bộ Y tế, viện phí tăng tới đây chỉ những người không có BHYT (khoảng 24 triệu người) là bị ảnh hưởng nhất khi đi khám chữa bệnh vì họ sẽ phải gánh chịu thêm chí phí khám chữa bệnh và thuốc men tăng cao.
Thẳng thắn nhìn nhận, cũng như giá điện, xăng dầu, giá viện phí có những sự tác động trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội mà trực tiếp là người dân. Thực tế, ngay cả những người có BHYT như: người cận nghèo, người lao động… cũng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định khi viện phí tăng, vì theo quy định BHYT thì họ phải cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh từ 5% - 20%. Đồng thời, viện phí tăng cũng gây ra nguy cơ bội chi đối với Quỹ BHYT. Trong khi đó, công bằng mà nói, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện công lập nhiều năm qua mới chỉ được cải thiện ở mức độ... khiêm tốn. Tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương, người bệnh vẫn phải xếp hàng chờ đợi hàng giờ mới tới lượt khám, rồi phải nằm ghép 2 - 3 người/giường. Thái độ ứng xử của một số cán bộ y tế vẫn gây bức xúc, phiền lòng người bệnh. Chưa kể các bệnh viện tuyến dưới chất lượng điều trị không đảm bảo khiến người bệnh phải thường xuyên vượt tuyến lên bệnh viện tuyến trên...
Để “gánh nặng” trên vai người bệnh vơi đi khi viện phí điều chỉnh tăng, đòi hỏi Bộ Y tế, các cơ quan chức năng cũng như các bệnh viện phải nỗ lực hơn nữa, không chỉ cần đẩy nhanh BHYT toàn dân, giảm quá tải, nâng chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ vì sự hài lòng của người bệnh mà còn phải kiên quyết xử lý nghiêm minh mọi hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân mỗi khi đi khám chữa bệnh. http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/10/400145/
150.000 ca mắc mới ung thư và 75.000 ca tử vong mỗi năm
(SGGPO).- Sáng 22-10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phòng chống ung thư phối hợp cùng Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ VietinAviva tổ chức hội thảo “Tư vấn y khoa các bệnh hiểm nghèo – cách phòng chống và xử lý”.
Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, ung thư đã trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Trên thực tế tại Việt Nam, mỗi năm có tới 150.000 ca mắc mới ung thư và có khoảng 75.000 ca tử vong. Nhóm ung thư phổ biến là phổi, trực tràng, đại tràng, gan và ung thư vú, cổ tử cung ở phụ nữ; tiền liệt tuyến ở nam giới. Nhưng quan trọng nhất 1/3 ca ung thư có thể phòng, 1/3 số ca ung thư có thể chữa khỏi và 1/2 còn lại được kéo dài thời gian và nâng cao chất lượng sống nhờ điều trị.
Điều trị các căn bệnh hiểm nghèo rất tốn kém, đòi hỏi người dân phải có nguồn tài chính để điều trị theo phác đồ, tuân thủ chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, luyện tập. “Khi chúng ta khỏe, chúng ra có 1.000 ước mơ; nhưng khi bị bệnh, chúng ta chỉ có 1 ước mơ, đó là khỏe mạnh. Ung thư đang ngày càng gia tăng, và có thể phòng trừ bằng chế độ ăn uống, vận động phù hợp”, TS Nguyễn Bá Đức khuyến cáo.
Ngoài bệnh ung thư, hội thảo còn cung cấp kiến thức cần biết về các loại bệnh nguy hiểm và đang có xu hướng gia tăng khác như tim mạch, tai biến mạch máu não và gan, thận. Những giải pháp để phòng chống bệnh, lịch trình khám sức khỏe và phát hiện sớm để gia tăng cơ hội vượt qua bệnh tật hiểm nghèo cũng được các chuyên gia chia sẻ. http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/10/400191/
http://www.baomoi.com/Moi-nam-co-toi-150-000-ca-mac-moi-ung-thu/r/17809268.epi#suckhoe|contentlist
Quảng Nam: Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng
Số ca sốt xuất huyết trên địa bàn Quảng Nam đang liên tục tăng, nhiều bệnh viện bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 725 ca sốt xuất huyết.
Sáng 22/10, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (đóng tại thị xã Điện Bàn), có khoảng 70 bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại đây. Theo bác sĩ Phan Quang Dương, Trưởng Khoa truyền nhiễm, cho biết: trong tháng 9, bệnh viện tiếp nhận 141 ca; còn từ đầu tháng 10 đến ngày 22/10, có tất cả 254 ca cộng với 70 ca đang được điều trị.
Bác sĩ Phan Quang Dương cho hay, bệnh sốt xuất đang có xu hướng tăng trên địa bàn vì đây là cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết. Lúc cao điểm, có ngày bệnh viện tiếp nhận đến 112 ca nên gây ra tình trạng quá tải.
“Khoa có 30 giường bệnh trong biên chế nhưng phải kê thêm 20 giường nữa nhưng bệnh nhận lúc nào cũng gấp đôi so với số giường. Có những ca nặng nên bệnh viện cho chuyển viện ra Đà Nẵng để tiếp tục điều trị”, bác sĩ Phan Quang Dương cho hay.
Trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Trần Văn Hoàn, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, cho biết, từ đầu năm đến nay trên toàn tỉnh có tất cả 725 ca sốt xuất huyết; trong đó, dịch xuất hiện tại 9 địa phương, chủ yếu ở các huyện, thị ở đồng bằng; còn ở các huyện miền núi không có ca bệnh sốt xuất huyết nào. http://dantri.com.vn/suc-khoe/quang-nam-dich-sot-xuat-huyet-dang-gia-tang-20151022123446036.htm
Không hợp tác phòng, chống sốt xuất huyết sẽ bị xử phạt
(Thanh tra) - Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đến thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn đã cao gấp 4,9 lần so với năm 2014. Hiện còn gần 500 ca bệnh đang điều trị tại cộng đồng. Thời gian tới, dịch bệnh SXH vẫn có chiều hướng gia tăng.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng nhìn chung vẫn kém. Tỷ lệ số hộ gia đình được phun phun hoá chất mới đạt hơn 64%, trong đó có 18,4% số hộ đi vắng và 17,3% số hộ không đồng ý phun.
Hiện Thanh tra Bộ Y tế đã vào TP. Hồ Chí Minh để tập huấn triển khai việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những cá nhân, tập thể không tham gia phòng chống dịch SXH. Đến nay Hà Nội vẫn chưa thực hiện. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị Hà Nội sớm áp dụng việc xử phạt để người dân có ý thức hơn trong công tác phòng chống dịch.
Với quyết tâm khống chế dịch SXH trong 3 tháng cuối năm 2015, ngoài nguồn kinh phí phòng chống dịch thường xuyên, UBND TP. Hà Nội vừa tiếp tục chi thêm 14 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch SXH. Bằng nguồn kinh phí bổ sung, ngành Y tế Hà Nội trang bị thêm 80 máy phun hóa chất nhằm đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch trên diện rộng. 20 chiếc máy đầu tiên đã được sử dụng để phun hóa chất phòng chống SXH tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng vào ngày 19/10/2015. Đây là phường có số người mắc SXH cao của quận Hai Bà Trưng với 166 trường hợp được ghi nhận từ đầu năm đến nay. http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/khong-hop-tac-phong-chong-sot-xuat-huyet-se-bi-xu-phat_t114c9n94863
Lâm Đồng: 51 người nhập viện do ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ
Ngày 22/10, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) Nguyễn Văn Hải xác nhận từ ngày 19/10 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 51 bệnh nhân phải nhập viện điều trị do ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ.
Hiện vẫn còn 22 người đang được theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.
Tất cả các trường hợp nhập viện đều có chung các triệu chứng như tiêu chảy, nôn ói, nhức đầu, người mệt lả.
Các biểu hiện trên chứng tỏ người bệnh bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm độc qua đường thức ăn.
Trung tâm Y tế huyện đã điều tra và phát hiện tất cả các bệnh nhân trên đều đã ăn bánh mỳ thịt nguội từ xe bán bánh mỳ Như Ý, thường xuyên bán trước Bến xe trung tâm tại thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm).
Trong số 51 người bị ngộ độc, có trường hợp anh Nguyễn Đức Duy (16 tuổi, trú tại thị trấn Lộc Thắng) bị rất nặng phải chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh điều trị.
Cơ quan chức năng đã tạm dừng hoạt động bán hàng tại xe bán bánh mỳ Như Ý và lấy mẫu xét nghiệm để tiến hành điều tra.
Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể do ăn bánh mỳ dẫn đến bị ngộ độc. Tuy nhiên, hiện các ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả./. http://www.vietnamplus.vn/lam-dong-51-nguoi-nhap-vien-do-ngo-doc-sau-khi-an-banh-my/350994.vnp
Vụ trẻ tử vong ngay sau tiêm vắc xin:Tạm dừng sử dụng Quinvaxem trên toàn tỉnh
Sau sự việc cháu Lô Tuấn Trường (3 tháng tuổi) tử vong ngay sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, tỉnh Nghệ An đã chính thức tạm dừng tiêm lô thuốc này trên toàn tỉnh.
Chiều 22/10/2015, ông Hoàng Văn Hảo, PGĐ Sở Y tế Nghệ An, cho PV Dân trí biết, hiện tại Sở Y tế đã chỉ đạo trên địa toàn tỉnh tạm dừng tiêm lô thuốc Quinvaxem 5 trong 1.
“Hiện tại, chúng tôi đã niêm phong toàn bộ lô vắc xin 5 trong 1 nói trên, đồng thời tạm dừng tiêm lô thuốc này và chờ ý kiến chỉ đạo của Ban chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Hảo nói.
Cũng theo ông Hảo, việc cháu Trường tử vong sau khi tiêm Quinvaxem 5 trong 1 thì nghi nhiều về sốc phản vệ và Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến sau tiêm chủng của Sở cũng đã có ý kiến. “Kết luận chính xác hơn thì cần phải giải phẫu. Tuy nhiên, về vấn đề này do gia đình không đồng ý”, ông Hảo cho biết thêm.
Được biết vắc xin 5 trong 1 đã tiêm tại Trạm Y tế xã Quang Phong nhập về kho của Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An vào ngày 3/9/2015 thuộc lô số 1453322.03 với tổng số 36.000 liều và có hạn sử dụng đến ngày 1/7/2017. Số lô thuốc này đảm bảo theo quy định.
Hiện kết luận chính thức về nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu Lô Tuấn Trường vẫn đang tiếp tục được cơ quan chức năng làm rõ.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này….http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-tre-tu-vong-ngay-sau-tiem-vac-xin-tam-dung-su-dung-quinvaxem-tren-toan-tinh-20151022185841099.htm
http://vov.vn/xa-hoi/be-3-thang-tuoi-tu-vong-sau-khi-tiem-tam-ngung-su-dung-lo-vaccine-443378.vov
Vụ công nhân ngộ độc ở Nam Định là do ăn rau ngót có hóa chất
Ngày 22/10, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định Hoàng Tiến Cường cho biết, nguyên nhân khiến 48 công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Youngor Smart Shirts Việt Nam (trụ sở tại Khu Công nghiệp Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa 6/10 là do hóa chất bảo vệ thực vật trong canh rau ngót.
Qua xét nghiệm các mẫu thức ăn được lấy tại tủ bảo quản của công ty này trong bữa ăn xảy ra sự việc cho thấy, trong thực phẩm không có vi khuẩn gây bệnh đường ruột nhưng trong canh rau ngót nấu thịt có hóa chất bảo vệ thực vật thuộc nhóm lân hữu cơ. Chính hóa chất này đã gây ra các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau bụng.
Theo ông Hoàng Tiến Cường, với những ca ngộ độc thực phẩm do hóa chất, thời gian biểu hiện triệu chứng ngộ độc sẽ nhanh hơn so với ngộ độc do vi khuẩn. Diễn biến bệnh sau ăn thường xuất hiện sớm và chủ yếu là những hội chứng về thần kinh như choáng váng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Còn đối với những ca ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây bệnh đường ruột thường sẽ có thời gian ủ bệnh lâu hơn, có thể sau ăn từ 10-12 giờ và thường được biểu hiện bởi hội chứng tiêu hóa.
Sau khi xảy ra sự việc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định đã hướng dẫn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Youngor Smart Shirts vệ sinh cơ sở, dụng cụ nhà bếp, nhà ăn và khử trùng nguồn nước. Chi cục đã xử phạt công ty này 13 triệu đồng vì để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Như tin đã đưa, trưa 6/10, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Youngor Smart Shirts có 3.200 suất ăn cho công nhân được chia làm hai ca ăn vào lúc 11 giờ 15 phút và 12 giờ.
Sau khi ăn xong, 48 công nhân bị chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau bụng phải chuyển tới Bệnh xá Quân y (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định) để điều trị. Đến 18 giờ cùng ngày, tất cả công nhân được xuất viện, sức khỏe ổn định./. http://www.vietnamplus.vn/vu-cong-nhan-ngo-doc-o-nam-dinh-la-do-an-rau-ngot-co-hoa-chat/350977.vnp
Hà Tĩnh: Nghiêm khắc xử lý thầy thuốc nặng lời với bệnh nhân
Ngày 21/10, ông Phan Thanh Minh, Giám đốc Bệnh viện ĐK huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết đã tiến hành phê bình, trừ lương đối với nhiều bác sỹ trong bệnh viện vì đã có những lời lẽ thiếu chuẩn mực đối với người bệnh.
Trước đó, ông Lê Văn Minh (xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên) từng điều trị tại Bệnh viện ĐK huyện Cẩm Xuyên đã có đơn gửi lên các cơ quan chức năng phản ánh việc trong quá trình ông điều trị, nhiều vị bác sỹ đã có những lời lẽ thiếu chuẩn mực.
Ông Minh bức xúc cho biết, ông nhập viện vào ngày 20/7/2015. Trong quá trình điều trị tại đây, nhiều bác sỹ tỏ ra thờ ơ, thiếu quan tâm đối với bệnh nhân.
Ông Minh phản ánh:“Trong buồng bệnh có 7 bệnh nhân, nhưng ông Đoàn (Võ Văn Đoàn, Trưởng Khoa Nội Đông y_PV) chỉ thăm khám cho 4 người. Ông Đoàn vào buồng bệnh mà hai tay cứ chống hông, chẳng hỏi han hay thăm khám cho chúng tôi”.
Không chỉ có vậy, nhiều bác sỹ còn có những lời nói khó nghe, thậm chí đuổi ông ra khỏi bệnh viện.
Ông Minh cho biết: “Khi thấy thái độ làm việc của các bác sỹ hết sức khó chịu, hách dịch tôi hết sức bức xúc. Khi tôi thắc mắc và yêu cầu giải thích thì có 2 bác sỹ một nam, một nữ đã nói những lời lẽ rất khó nghe, rồi đuổi tôi ra khỏi phòng. Thậm chí vị nữ bác sỹ còn lớn giọng nói tôi đừng bao giờ bước chân vào đây nữa”.
“Người ta nói lương y như từ mẫu. Nhưng vào trong bệnh viện này tôi thấy quá rườm rà, hách dịch”,ông Minh bức xúc.
Sau khi nhận được phản ánh, Sở Y tế Hà Tĩnh đã yêu cầu Bệnh viện ĐK huyện Cẩm Xuyên làm rõ.
Cuối tháng 8/2015, Bệnh viện ĐK huyện Cẩm Xuyên đã có buổi làm việc với những người liên quan. Tại đây, các bác sỹ và cán bộ của bệnh viện bị phản ánh cũng đã thừa nhận việc mình đã có những lời lẽ thiếu chuẩn mực đối với bệnh nhân.
Ông Phan Thanh Minh, Giám đốc Bệnh viện ĐK huyện Cẩm Xuyên, cho biết: “Sau khi bệnh nhân bức xúc tại khoa, do không kiềm chế được nên bác sỹ Phạm Công Chiến, phó Khoa Nội Đông y, đã có phát ngôn chưa chuẩn mực. Còn Y sĩ Hằng thì lúc đó đã 12h trưa nên có nói với bệnh nhân Minh là về đi để các bác sỹ về chứ không phải là đuổi!”.
“Còn đối với bác sỹ Võ Văn Đoàn, Trưởng Khoa Nội Đông y, thời điểm đó tại phòng bệnh ông Minh điều trị, bác sỹ Đoàn trực tiếp phụ trách điều trị cho 4 bệnh nhân. Còn 3 bệnh nhân khác, trong đó có ông Minh là do bác sỹ Quảng phụ trách. Tuy nhiên bác sỹ Đoàn chưa cởi mở, chào hỏi bệnh nhân, là chưa đúng với quy chế giao tiếp ứng xử”.
Sau khi có kết luận cuối cùng, Ban giám đốc Bệnh viện ĐK huyện Cẩm Xuyên đã phê bình trước cơ quan đối với ông Võ Văn Đoàn, ông Phạm Công Chiến và 2 cán bộ khác vì đã để ra lỗi ứng xử, vi phạm quy chế giao tiếp ứng xử.
Ngoài ra, ông Võ Văn Đoàn, ông Phạm Công Chiến bị trừ nửa số tiền lương tăng thêm 6 tháng cuối năm. Y sĩ Cao Thị Huê (làm thất lạc thẻ bảo hiểm của ông Minh) và Y sĩ Nguyễn Thị Hằng bị trừ nửa số tiền lương tăng thêm quý III.
“Trước khi bị phê bình và trừ lương, những người liên quan cũng đã đến nhà và xin lỗi bệnh nhân Minh”, ông Phan Thanh Minh, Giám đốc Bệnh viện ĐK huyện Cẩm Xuyên, cho biết thêm. http://dantri.com.vn/suc-khoe/nghiem-khac-xu-ly-thay-thuoc-nang-loi-voi-benh-nhan-20151022074446531.htm
Bé 2 tuổi bị nghiến nát đùi vì vướng dây curoa của máy xát gạo
Với tổn thương do máy xát gạo nghiến nát phần đùi lên đến tận bẹn, nên dù phần cẳng chân vẫn còn, các bác sĩ đã buộc phải cắt cụt từ bẹn, không thể cứu được chân của bé.
Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết, hôm 13/10, bé gái 2 tuổi (Sóc Sơn, Hà Nội) được gia đình đưa đến bệnh viện này trong tình trạng nguy kịch với vùng đùi bị máy xát nghiến nát đến tận bẹn.
Theo người nhà của bé, bé đã chơi gần máy xát gạo đang hoạt động. Do không để ý nên chân trái của bé bị cuốn vào dây curoa của máy này. Sau khi dừng máy, toàn bộ vùng đùi đã bị chấn thương lên đến tận bẹn và chảy máu rất nhiều. Bé được đưa ra trạm xá băng bó rồi chuyển thẳng lên BV Nhi TƯ.
Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã phải tích cực hồi sức suốt 6 tiếng để bệnh nhi qua được sốc, mạnh đập trở lại, huyết áp ổn định, đủ điều kiện để tiến hành phẫu thuật.
ThS. BS Lê Tuấn Anh, chuyên khoa Chỉnh hình Nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương), người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, bé gái 2 tuổi bị chấn thương vùng đùi rất nghiêm trọng: vùng đùi chân trái bị dập nát hoàn toàn chỉ còn dính lại vạt da và cơ ở 1/3 sau đùi. Nguyên nhân trẻ bị gãy xương, đứt mạch toàn bộ vùng đùi là do dây curoa của máy xát gạo xiết chặt, quay vòng.
Các bác sĩ đã cố gắng hết sức có thể để xử lý vùng đùi, hi vọng nối để cứu chân nhưng cuối cùng buộc phải cắt hoàn toàn chân bị thương để bảo toàn tính mạng cho cháu bé. Hiện nay bé đã tỉnh táo. Các bác sĩ cũng đã động viên gia đình, tính đến phương án lắp chân giả sau khi vết thương ổn định.
Theo các bác sĩ, những tai nạn, chấn thương ở trẻ nhỏ rất hay gặp phải, phần lớn đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của người lớn. Bé thì cho tay vào máy xay thịt, cho tay vào máy ép mía, rồi rất nhiều tai nạn trong sinh hoạt ngày thường như bỏng, điện giật, ngã, tai nạn giao thông vì ngồi xe người lớn chở không an toàn... và hậu quả là trẻ phải chịu một phần dị tật, dị tật vĩnh viễn suốt đời.
“Sinh ra một đứa trẻ lành lặn, chăm bẵm bao khó khăn trẻ mới lớn khôn. Thế nhưng chỉ một phút bất cẩn có thể khiến trẻ từ một đứa trẻ lành lặn trở thành dị tật và phải gánh chịu dị tật đó cả đời. Vì thế, để phòng những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ, ngoài việc luôn để mắt đến các em, gia đình cần trang bị các bị kiến thức sơ cấp cứu cơ bản”, BS điều trị cảnh báo. http://dantri.com.vn/suc-khoe/be-2-tuoi-bi-nghien-nat-dui-vi-vuong-day-curoa-cua-may-xat-gao-20151022075952306.htm
Tái tạo thành công 1 ngón tay bị mất từ ngón... chân
Sau 9 giờ vi phẫu tỉ mẫn đến từng chi tiết, các bác sĩ đã cắt ngón chân phải ghép thành công vào ngón trỏ của bàn trái bị cụt cho bệnh nhân. Thành công của thủ thuật trên mở ra cơ hội tái tạo các ngón tay cho những người chẳng may bị cụt.
Thông tin từ BS Vũ Minh Đức, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, bệnh viện Nhân Dân 115, TPHCM cho hay, tại đây vừa thực hiện thành công ca ghép ngón chân làm ngón tay cho người bệnh.
Người vừa có tâm nguyện tái tạo bộ phận cơ thể là nam bệnh nhân 36 tuổi, ngụ tại TPHCM. Được biết, 6 năm trước trong khi làm việc, do sơ ý nên anh đã bị máy nghiến nát ngón trỏ của bàn tay trái. Do không thể điều trị bảo tồn nên bác sĩ đã phải cắt bỏ 3/4 ngón tay để tránh nhiễm trùng, hoại tử.
Với những thành công trong sự nghiệp, hiện nam bệnh nhân trên đã là chủ của một doanh nghiệp tư nhân. Nhưng ngón tay bị cụt khiến anh có phần mặc cảm, thiếu tự tin trong giao tiếp. Để vượt qua sự tự ti của bản thân, anh đã tìm đến bệnh viện 115 nhờ bác sĩ can thiệp, tái tạo lại ngón tay trỏ đã mất.
Sau khi kiểm tra chức năng của các ngón trên 2 bàn chân và độ tương thích với ngón tay bị cụt, bác sĩ quyết định cắt ngón thứ 2 của bàn chân phải để thực hiện cuộc ghép. “Do tĩnh mạch rất mong manh nên chúng tôi phải mất nhiều giờ để bóc tách hoàn toàn ngón chân kèm theo xương, gân, mạch máu, thần kinh ra ngoài. Ê kíp phẫu thuật đã mở mõm cụt ở đốt gốc của ngón tay trỏ và thực hiện vi phẫu ghép ngón cho bệnh nhân. Phải mất 9 giờ phẫu thuật cuộc ghép mới hoàn tất.”, BS Minh Đức cho hay.
Sau cuộc ghép, các mô hạt đang phát triển, ngón chân ghép đã hồng hào do được tưới máu tốt. Dự kiến, sau khi chức năng của ngón ghép đã tạm ổn, bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện tiểu phẫu cắt lọc mỡ thừa, gọt lại ngón để tăng tính thẩm mỹ cho ngón tay mới.
Được biết, đây là ca thứ 2 được phẫu thuật lấy ngón chân thay cho ngón tay bị cụt thực hiện thành công tại bệnh viện Nhân Dân 115. Ca bệnh trước, bác sĩ đã ghép ngón chân tạo ngón tay cái của bàn phải bị cụt cho nam bệnh nhân 18 tuổi do tai nạn lao động. Kỹ thuật trên được thực hiện thành công đang mở ra hy vọng tái tạo ngón tay cho nhiều người chẳng may bị cụt. http://dantri.com.vn/suc-khoe/tai-tao-thanh-cong-1-ngon-tay-bi-mat-tu-ngon-chan-20151022121942315.htm
Bình Dương: Hàng trăm công nhân bị ngộ độc thực phẩm
(SGGP).- Chiều 21-10, hàng trăm công nhân của Công ty Giày Vĩnh Nghĩa (chuyên may giày da đóng tại phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã phải vào viện cấp cứu do bị ngộ độc thực phẩm. Các công nhân nhập viện trong tình trạng nôn ói dữ dội, đau bụng, tiêu chảy và nhức đầu, trong đó nhiều công nhân nữ gặp triệu chứng sùi bọt mép, co giật, ngất xỉu.
Một số công nhân cho biết, vào trưa 21-10, công nhân đã ăn cơm tại bếp ăn của công ty gồm các món: tép xào thịt heo, bắp cải xào, bầu xào mỡ, canh cải chua nấu với trứng vịt lộn và cơm trắng. Sau khi ăn trưa xong, đến khoảng 14 giờ cùng ngày, các công nhân bắt đầu nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, nhức đầu dữ dội… Sau đó, nhiều người ngất xỉu đồng loạt, được chuyển vào các bệnh viện cấp cứu. Hiện có 3 bệnh viện tiếp nhận hàng trăm công nhân.
Đến 16 giờ ngày 21-10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận hơn 130 công nhân. Các công nhân tập trung vào khoa cấp cứu với số lượng lớn khiến khoa cấp cứu bị quá tải. Nhiều công nhân đang nằm tại hội trường do Bệnh viện Đa khoa Bình Dương dùng tạm thời để các bác sĩ tập trung sơ cứu. Các Bệnh viện Mỹ Phước (thị xã Bến Cát), Bệnh viện Vạn Phúc (TP Thủ Dầu Một) cũng đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân.
Bác sĩ Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Dương cho biết, bệnh viện đang huy động tổng lực y bác sĩ tập trung cấp cứu cho các công nhân; chuẩn bị sẵn thuốc men, phương tiện và nhân lực để tiếp tục cấp cứu cho số công nhân đang được tiếp tục chuyển đến.
Qua nắm sơ bộ, có hơn 5.000 công nhân của Công ty Giày Vĩnh Nghĩa đã ăn cùng món ăn nói trên. Công ty Thành Danh là đơn vị cung cấp suất ăn cho số công nhân này. Các cơ quan chức năng ở Bình Dương đang tập trung khẩn trương cấp cứu, điều trị cho công nhân, đồng thời làm rõ vụ ngộ độc tập thể nà.
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/10/400141/
Lần đầu tiên áp dụng phẫu thuật cho trẻ bị động kinh
TP - Chiều 21/10, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết đã phẫu thuật cho 2 trẻ bị động kinh kháng trị, với sự phối hợp của các bác sĩ thuộc Bệnh viện Rothchild (Cộng hòa Pháp).
Trường hợp được phẫu thuật là bé gái Q.G. (6 tuổi) mắc bệnh lý tổn thương não lan tỏa bẩm sinh, gây động kinh kháng trị và chậm phát triển tâm thần vận động từ khi bé mới được 5 tháng tuổi. Bé G. đã được điều trị phối hợp nhiều loại thuốc chống động kinh liều cao nhưng vẫn không kiểm soát được các cơn co giật. Ca phẫu thuật đã chọn phương án cắt thể chai để cắt mối liên kết giữa hai bán cầu đại não. Trường hợp thứ hai là bé trai A.T. (4 tuổi). Lúc 10 tháng tuổi, T. bị tai nạn. Sau đó bé bị động kinh liên tục, mức độ khá nặng với trung bình hơn 10 cơn co giật/ngày. Kéo theo bé T. bị chậm phát triển tâm thần vận động khá nặng. Các bác sĩ cũng đã tiến hành mổ cắt nửa bán cầu đại não bị tổn thương nhằm điều trị tình trạng động kinh kháng trị.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, phẫu thuật động kinh là chọn lựa tốt cho những trường hợp bệnh nhân bị động kinh kháng trị với các thuốc chống động kinh. Việc can thiệp phẫu thuật giúp bệnh nhân có thể hết bệnh hoàn toàn hoặc chí ít cũng làm giảm mức độ nặng của bệnh. Tại Việt Nam, đã có một số trung tâm thực hiện trên người lớn, nhưng đây là lần đầu tiên phẫu thuật điều trị động kinh được thực hiện trên trẻ em tại phía Nam. http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/lan-dau-tien-ap-dung-phau-thuat-cho-tre-bi-dong-kinh-924089.tpo
Mổ thành công ca u đốt sống đặc biệt
TP - Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị thành công cho bệnh nhân có khối u rất đặc biệt tại cột sống. Bệnh nhân là anh Chu Tiến Long (28 tuổi, ở thôn 1, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
TS Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây là một ca bệnh rất khó. Khối u xuất phát từ thân đốt sống, xâm lấn chèn ép vào thần kinh, ổ bụng, hệ thống động tĩnh mạch chủ chậu. Vị trí khối u nằm ở thắt lưng, ngay chỗ chia động mạch chủ chậu. Lo ngại lớn nhất của kíp mổ là bệnh nhân có thể bị chảy máu ồ ạt trong khi mổ dẫn đến tử vong ngay trên bàn mổ, nhẹ hơn có thể bị liệt hoặc không thể nói được sau khi mổ.
Người nhà bệnh nhân cho biết, 8 tháng trước anh Long thấy lưng đau nhói khi đang làm đồng. Khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát hiện khối u ở đốt sống nhưng gia đình đã xin về. Người thân mua thuốc nam về đắp nhưng bệnh tình không đỡ mà ngày càng nặng hơn.
Ca mổ kéo dài 6 tiếng đã thành công. Hiện tại, sức khỏe của anh Long đang hồi phục nhanh chóng và bệnh nhân có thể sinh hoạt, lao động trở lại sau khi ra viện. http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/mo-thanh-cong-ca-u-dot-song-dac-biet-924105.tpo
Bàn tay vàng đưa bệnh nhi trở về từ cửa tử
Vang danh bởi những ca cứu sống bệnh nhi vô cùng ngoạn mục như sơ sinh văng khỏi bụng mẹ, bé bị đâm xuyên sọ, nhưng đối với bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, nhiều trường hợp còn ý nghĩa, diệu kỳ hơn.
Gia đình xin về, bác sĩ cố níu
Bác sĩ Hiếu chia sẻ, ấn tượng nhất trong 28 năm làm phẫu thuật nhi của mình là trường hợp 2 em bé liên tiếp bị chung một bệnh (vừa xảy ra cách đây chưa đầy 3 tháng).
“Với 2 ca này, chính các đồng nghiệp và gia đình bệnh nhi đã hoàn toàn tuyệt vọng. Bản thân tôi níu kéo bệnh nhi nằm lại điều trị và cố trấn an người nhà nhưng thực lòng cũng cảm thấy bế tắc. Thế mà các cháu lại qua khỏi trước sự bất ngờ của bao người”, bác sĩ Hiếu nói.
Trường hợp thứ nhất là một bé trai 9 tuổi ở miền Trung. Cháu bé bị biến chứng sau ca phẫu thuật ổ bụng làm tắc ruột.
Bác sĩ Hiếu nhớ lại: “Bệnh viện bạn gọi, nói tình hình bi đát lắm rồi. Họ còn bảo Hiếu ơi, ca này bệnh nhi chết mất. Phẫu thuật 9 tiếng nhưng ruột hỏng hết rồi. Nghe xong tôi bảo cứ bình tĩnh, chưa chắc đến nỗi thế đâu, chuyển bé vào đây để tôi xem giúp được gì không”.
Khi chuyển đến BV Nhi đồng 1, mọi người đều chuẩn bị sẵn tâm lý còn nước còn tát, chủ yếu để khỏi cảm thấy có lỗi vì chưa tận sức với cháu bé.
“Khi mở ổ bụng cháu bé, tôi giật mình thấy nặng thật. Ruột của cháu bị dính, thanh mạc ruột mất đi độ trơn và… hỏng hết 3/4”, bác sĩ Hiếu kể.
Phải cắt toàn bộ ruột đồng nghĩa cháu bé sẽ tử vong, để nguyên thì bệnh nhi cũng chẳng sống nổi. Trong tích tắc, vị bác sĩ đã quyết định táo bạo.
Ông tỉ mỉ, cố gắng tìm ra những đoạn ruột may ra còn…bảo tồn được. Cuối cùng, hoàn tất ca phẫu thuật, một nửa bộ ruột của cháu bé bị cắt bỏ, phần còn lại chắp nối nhiều lần.
Sau ca mổ, bé không ăn được, ói ra hết, ruột không hoạt động, sống nhờ nuôi ăn qua tĩnh mạch. Bệnh nhi nằm hồi sức được hơn 1 tháng, gia đình lên xin bác sĩ cho đem con về quê vì kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần. Ngay cả nhân viên y tế chăm sóc bé cũng nản lòng, không dám nhìn vào mắt phụ huynh mỗi lần được hỏi hôm nay con họ có khá hơn không.
“Bản thân tôi lúc đó mơ hồ lắm nhưng vẫn cố động viên gia đình bé để con lại bệnh viện thêm một thời gian. Tôi bảo họ tại sao lại bỏ cuộc trước bác sĩ, tôi còn chưa chịu thua cơ mà.”, bác sĩ Hiếu nhớ lại phút giây khó khăn nhất.
Rồi điều kỳ diệu xảy ra, một buổi sáng thức dậy tự dưng bệnh nhi đi tiêu được. Ngay sau đó cháu kêu đói và uống liền mấy hộp sữa. Ngay 1 tuần sau bé được xuất viện.
Quá vui sướng, dù không khá giả nhưng cha mẹ của cháu còn thuê hẳn chuyến xe đưa bé đi chơi Đầm Sen trước khi về nhà để đón chào cậu con trai trở về từ cửa tử.
Những niềm vui nhỏ
Ca thứ 2 cũng bị bệnh cảnh tương tự, ngụ tại miền Tây. Ruột bị dính, bé được làm phẫu thuật tới 3 lần nhưng không cải thiện. Bản thân bác sĩ Hiếu phải xuống tận nơi thuyết phục vì gia đình không chịu đưa con lên TP. do hoàn cảnh quá nghèo.
Lúc lên tới bệnh viện Nhi Đồng 1, cháu bé bị nhiễm trùng máu, ổ bụng toàn chất thải do các mối nối ở ruột bị xì.
“Thời khắc mổ cho cháu, tôi còn nhớ mãi. Ruột bé gần như tan nát hết. Tôi tỉ mỉ tìm ra những đoạn ruột hy vọng xài được, lọ mọ nối lại. Vừa làm vừa thấy…không có lối thoát. Thế mà lại thành công và cháu đã sống!”, bác sĩ Hiếu rạng rỡ.
Nhắc đến chuyên môn, bác sĩ Hiếu toàn kể các kỷ niệm vui. Ông nói, chuyện buồn cũng có nhưng xin giữ lại cho riêng mình.
Bác sĩ Hiếu bật mí câu chuyện khiến ông mãi gắn bó với các bệnh nhi vô điều kiện: “Hôm đó, anh em bác sĩ chúng tôi kéo nhau ra vỉa hè liên hoan, mừng một cuộc phẫu thuật thành công. Tới 11h đêm, tôi kêu tính tiền thì chủ quản bảo có người trả rồi. Một cặp vợ chồng bước đến bảo họ nhận ra các bác sĩ. Chính các bác sĩ đã mổ cứu sống con họ nhiều năm về trước, cho họ xin phép được trả bữa ăn này.”
Trong gia đình, mỗi mình bác sĩ Hiếu theo nghề y, dù rất thần tượng ba nhưng cậu con trai cả lại chọn cho mình con đường khác, bởi cậu chứng kiến ba mình quá vất vả, cứ 2–3 hôm lại có xe bệnh viện đến đón đi mổ cả đêm cho tới hết ngày hôm sau.
Thế nhưng, bác sĩ Hiếu tâm sự: “Tôi nuôi hy vọng cậu con thứ 2 sẽ theo nghề ba. Làm bác sĩ có sự thú vị riêng, vất vả hay không do cách mình sắp xếp!” http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/269134/ba-n-tay-va-ng-dua-be-nh-nhi-tro--ve--tu--cu-a-tu-.html
Phương pháp mới kéo dài sự sống cho người ung thư gan
SKĐS - PGS.TS. Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân ung bướu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết...
PGS.TS. Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân ung bướu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở nước ta, ung thư gan có xu hướng gia tăng, là loại ung thư đứng thứ 2 về số ca ở nam và thứ 3 ở nữ, tỷ lệ tử vong, hàng đầu cho cả hai giới.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan, trong đó phẫu thuật cắt phần gan mang khối u, ghép gan, phá hủy khối u tại chỗ bằng sóng cao tần... áp dụng khi bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Chỉ có khoảng 2% bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn khối u. Gần đây bệnh nhân có thêm lựa chọn xạ trị bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90. Đến nay ở cả 3 bệnh viện: Bạch Mai, 108 và Chợ Rẫy có 65 người bệnh ung thư gan đã được điều trị bằng phương pháp nút mạch u gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 và cho kết quả khả quan. Nhiều trường hợp ngấp nghé “cửa tử” đã có thể kéo dài thời gian sống. Các hạt vi cầu phóng xạ sẽ được bơm trực tiếp vào động mạch nuôi khối u. Khối u bị tiêu diệt theo 2 cơ chế: tắc mạch cắt nguồn dinh dưỡng nuôi u và xạ trị. 90% mạch máu nuôi u là từ động mạch gan, 10% từ tĩnh mạch cửa; các tổ chức lành thì ngược lại. Với phương pháp này các tổ chức u lành ít bị ảnh hưởng, khối u bị tiêu hoàn toàn hoặc giảm thể tích.
Được biết, chi phí điều trị cho mỗi bệnh nhân khoảng 300-400 triệu đồng. http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/phuong-phap-moi-keo-dai-su-song-cho-nguoi-ung-thu-gan-20151023002555891.htm