Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 23/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM không dùng thuốc của VN Pharma; Việt Nam là một trong những nước có dân số già hóa nhanh nhất thế giới; Hàng loạt bác sỹ tay nghề cao nghỉ việc ở các bệnh viện công Đồng Nai; Tập trung dập bệnh tại 12 khu vực báo động đỏ về sốt xuất huyết; Vụ VN Pharma: Cục Quản lý dược có trách nhiệm gì?; ...

 

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM không dùng thuốc của VN Pharma

http://infonet.vn/benh-vien-ung-buou-tphcm-khong-dung-thuoc-cua-vn-pharma-post235038.info

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khẳng định, bệnh viện không sử dụng thuốc của công ty VN Pharma trong điều trị ung thư cho bệnh nhân.

Dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, bệnh viện chưa từng sử dụng thuốc H-Capita của Công ty VN Pharma vì số thuốc này đã bị niêm phong và bắt giữ trước khi đưa ra thị trường, dù VN Pharma đã trúng thầu của Sở Y tế TP.HCM.

Theo cơ quan điều tra, tháng 4/2014, cơ quan chức năng đã bắt giữ lô thuốc 9.300 hộp thuốc H-Capita (thuốc chữa ung thư) có trị giá 750.000 USD của Công ty VN Pharma nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.

Đến 19/9/2014, Cục An ninh chính trị nội bộ bắt khẩn cấp Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma), đồng thời khám xét tại kho chứa thuốc của Công ty CP VN Pharma, thu giữ 9.268 hộp H-Capita 500mg Caplet. Như vậy số thuốc H-Capita đã được lưu hành trên thị trường là rất ít.

Thời điểm VN Pharma đấu thầu thuốc H-Capita 500mg với Sở Y tế TP.HCM (tháng 5/2014), Bệnh viện Ung bướu cũng đã có đề xuất được cung cấp hoạt chất Capecitabine (chỉ định điều trị các bệnh ung thư: vú, dạ dày và đại trực tràng), tuy nhiên bệnh viện chưa từng sử dụng thuốc H-Capita 500mg. Hiện bệnh viện đang sử dụng 3 loại thuốc có chứa hoạt chất Capecitabine là Xeloda (biệt dược gốc của hãng Roche) và 2 loại thuốc Generic tương đương sinh học với biệt dược gốc.

Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg của Công ty VN Pharma chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, nếu thuốc giả lọt vào bệnh viện, sử dụng cho bệnh nhân sẽ có tác hại rất lớn, không chỉ không đem lại hiệu quả điều trị mà đặc biệt khi các thành phần của thuốc không rõ nguồn gốc có thể sẽ có các tác dụng phụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.

Nói về thị trường thuốc ung thư hiện nay, theo dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, thuốc ung thư là một loại biệt dược, có những điều kiện khắt khe khi sản xuất so với thuốc thông thường, không có nhiều nhà máy, cơ sở đạt đủ điều kiện để sản xuất nên về cơ bản, thị trường này tương đối ổn định.

Trước vụ việc làm giả các loại giấy tờ của VN Pharma, dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, các cơ quan thẩm định, cấp phép cần kỹ lưỡng và chặt chẽ hơn, nếu không sẽ rất nguy hại cho các bệnh viện và người bệnh.

 

Việt Nam là một trong những nước có dân số già hóa nhanh nhất thế giới

http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-la-mot-trong-nhung-nuoc-co-dan-so-gia-hoa-nhanh-nhat-the-gioi/462391.vnp

Chiều 22/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhóm công tác về y tế APEC (HWG) tổ chức Đối thoại chính sách y tế về tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm vì một châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM 3) và các cuộc họp liên quan thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2017), thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, đại diện của các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, các nhà nghiên cứu, nhà cung cấp dịch vụ y tế...

Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Phạm Lê Tuấn cho biết già hóa dân số mang lại nhiều cơ hội và thách thức, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của kinh tế, xã hội. Mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi và số người lớn tuổi sẽ tăng lên 2 tỷ người vào năm 2050.

Hiện dân số của các nền kinh tế thành viên APEC chiếm 40,5% dân số thế giới, nhưng các thành viên APEC chiếm gần 50% số người cao tuổi. APEC đồng thời là một trong những khu vực có tốc độ lão hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đã và đang phải đối mặt với vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, Việt Nam bắt đầu thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011, với tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm 10%, là một trong những quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất thế giới.

Với các nền kinh tế phát triển, việc chuyển đổi sang dân số già có thể diễn ra một vài thế kỷ, Việt Nam chỉ mất trên 20 năm. Hiện tại, Việt Nam có hơn 10 triệu người lớn tuổi và dự báo số người cao tuổi sẽ tăng cao vào năm 2030, có thể đạt tới con số 28 triệu vào năm 2050.

Tại buổi đối thoại, đại diện một số nền kinh tế thành viên APEC cùng các chuyên gia y tế trình bày các vấn đề như tổng quan già hóa dân số trong khu vực APEC và những khuyến nghị chính sách; gánh nặng bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số; phòng chống và kiểm soát bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi, những bài học kinh nghiệm của một số thành viên...

Theo ông Phạm Lê Tuấn, sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm cùng với quá trình già hóa dân số nhanh chóng đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống y tế toàn cầu.

Các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và bệnh mãn tính của người cao tuổi là nguyên nhân hàng đầu gia tăng tình trạng bệnh tật và tử vong. Vì vậy, làm thế nào để ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm của người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số là một vấn đề quan tâm của các nền kinh tế thành viên APEC.

Chính vì vậy, đối thoại lần này là cơ hội để các nhà quản lý y tế, nhà khoa học, các tổ chức và cá nhân chia sẻ tình huống và học hỏi kinh nghiệm về các bệnh không lây nhiễm trong bối cảnh già hóa dân số.

Thông qua đó, các đại biểu sẽ thảo luận để tìm ra các phương pháp thực tiễn phù hợp với luật pháp và điều kiện kinh tế xã hội của từng nền kinh tế thành viên; tiến tới một khu vực châu Á-Thái Bình Dương lành mạnh và thịnh vượng./.

 

Hàng loạt bác sỹ tay nghề cao nghỉ việc ở các bệnh viện công Đồng Nai

http://www.vietnamplus.vn/hang-loat-bac-sy-tay-nghe-cao-nghi-viec-o-cac-benh-vien-cong-dong-nai/462274.vnp

Hiện tượng “chảy máu chất xám” tại các bệnh viện công của Đồng Nai diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hàng loạt bác sỹ xin nghỉ việc, trong đó có những bác sỹ có nhiều năm kinh nghiệm, thậm chí là các trưởng hoặc phó khoa. Hiện tượng này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công trên địa bàn.

Thống kê của Sở Y tế Đồng Nai cho thấy, năm 2016, Sở đã đồng ý cho 65 bác sỹ xin rút khỏi các bệnh viện công. 6 tháng đầu năm 2017, tiếp tục có 38 bác sỹ làm đơn nghỉ việc, trong đó, có 16 bác sỹ chuyên khoa I, số còn lại là các trưởng hoặc phó khoa.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, bệnh viện đã phải đồng ý ký đơn nghỉ việc cho 80 bác sỹ, trong đó có 4 trưởng khoa, 6 phó khoa còn lại là các bác sỹ sau đại học.

Theo ông Phạm Văn Dũng, hầu hết bác sỹ trẻ muốn trưởng thành đều phải đầu quân làm việc cho các bệnh viện công lập. Vì chỉ có những bệnh viện công mới cấp chứng chỉ hành nghề. Các bệnh viện tư ít gặp các trường hợp bệnh khó, bệnh nặng nên đây không chỉ là môi trường để chữa bệnh mà còn là môi trường để các bác sỹ học tập, rèn luyện về chuyên môn. Tuy nhiên, khi đã vững về mặt chuyên môn các bác sỹ lại muốn bỏ bệnh viện công do thu nhập thấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân chính vẫn là do áp lực công việc và thu nhập. Thời gian qua, mặc dù những chế độ đãi ngộ của tuyến y tế công lập đã có những thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Những vấn đề như môi trường làm việc, áp lực công việc, sự quá tải của cơ sở y tế công lập… khiến nhiều bác sỹ từ bỏ làm việc tại các bệnh viện công, tìm đến bệnh viện tư nhân như một giải pháp an toàn lại có lợi hơn.

Ở những bệnh viện công lập, trung bình một bác sỹ trẻ thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng, những bác sỹ có trình độ chuyên môn cao có thể đạt mức 15-20 triệu đồng/tháng. Những con số này nếu đem ra so sánh với mức thu nhập khi làm việc tại các bệnh viện tư nhân thì không đáng kể, bởi làm việc cho các bệnh viện tư nhân thu nhập có thể lên tới hàng chục triệu đồng/tháng chưa kể môi trường làm việc, áp lực công việc không nhiều như bệnh viện công lập.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bác sỹ sẵn sàng “nộp phạt” vì trước đó được tỉnh cấp kinh phí đào tạo theo chương trình thu hút nguồn nhân lực y tế về phục vụ cho địa phương. Nhiều cơ sở y tế tư nhân không ngại chi tiền nộp phạt cho ngành y tế để lôi kéo bác sỹ về làm việc.

Bác sỹ Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai khẳng định, việc nhiều bác sỹ, trong đó có các bác sỹ có tay nghề cao, nhiều năm kinh nghiệm rời khỏi các bệnh viện công đã ảnh hưởng tới chất lượng của tuyến y tế công lập, đặc biệt là các cơ sở y tế tuyến huyện. Dù vậy, chính sách thu hút nhân lực ngành y tế của Đồng Nai vẫn đang tiếp tục thực hiện và có những hiệu quả nhất định. Từ 2016 đến nay, tỉnh đã có thêm 165 bác sỹ trẻ về làm việc. Quan trọng hơn là các bác sỹ dày dạn kinh nghiệm, chuyên môn cao vẫn mong muốn gắn bó với các bệnh viện công.

Để hạn chế tình trạng trên, hỗ trợ cho cán bộ ngành y tế, Sở Y tế sẽ đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh dành 35% Quỹ cải cách tiền lương của tỉnh để giải quyết lương tăng thêm cho cán bộ công chức viên chức của ngành. Sở đang chỉ đạo các hệ thống bệnh viện của ngành đẩy mạnh thực hiện công tác tự chủ để giải quyết phần nào những khó khăn của cán bộ công chức ngành y tế.

 

Hà Nội: Nhân viên văn phòng bị bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất

http://www.vietnamplus.vn/ha-noi-nhan-vien-van-phong-bi-benh-sot-xuat-huyet-nhieu-nhat/462302.vnp

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, với 14 quận huyện đang trong tình trạng “báo động đỏ.”

Đáng lưu ý, theo công tác thống kê cho thấy, đối tượng mắc sốt xuất huyết nhiều nhất là nhân viên văn phòng, tiếp sau đó là học sinh, sinh viên.

Hà Nội đứng đầu cả nước

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo số liệu thống kê đến ngày 21/8, thành phố Hà Nội đã chính thức trở thành nơi đứng đầu cả nước về số người mắc sốt xuất huyết với gần 20.000 ca mắc bệnh.

Thông tin trên được đưa ra trong buổi tập huấn về phòng chống dịch sốt xuất huyết cho tình nguyện viên của hai trường Đại học Y Hà Nội và trường Đại học Y tế công cộng, do Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội tổ chức sáng 22/8, tại Hà Nội.

Tại cuộc tập huấn, bà Đặng Kim Hạnh – Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội) cho hay, về việc phân bố bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô từ 1/1-14/8 theo nghề nghiệp thì nhân viên văn phòng mắc bệnh sốt xuất huyết chiếm tỷ lệ nhiều nhất là 34%.

Đứng sau đó là các đối tượng khác như: học sinh (24%), sinh viên (18%), lao động tự do (9%), hưu trí (7%), công-nông dân (4%), trẻ em (4%).

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp. Có một câu hỏi đặt ra là Hà Nội đã làm tốt, làm triệt để, làm mạnh mà dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp? Nguyên nhân là do sự vào cuộc của cộng đồng vẫn chưa triệt để.

Hiện nay, tại Hà Nội có 14 quận nằm trong mức báo động đỏ tại bao gồm: Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín và Hoàn Kiếm…

Trong tuần vừa qua số trường hợp mắc mới bệnh không tăng cao so với các tuần trước so có sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, thời gian tới công tác phòng chống dịch sẽ khả quan hơn.

Tăng cường đội giám sát dịch

Tại cuộc tập huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, hiện tại dịch bệnh đang có xu hướng tăng nhanh trong mỗi tuần, đây là loại bệnh đặc biệt nguy hiểm nên cần được giám sát chặt chẽ và xử lý phòng chống với sự chung tay của mỗi cá nhân, tập thể, cán bộ nhân viên y tế.

Thời gian qua, để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, Hà Nội đã thành lập được 26.000 đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết (mỗi đội từ 2-3 người) và 4.000 tổ giám sát phòng chống dịch sốt xuất huyết (mỗi tổ 2 người).

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng của đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế quyết định điều động nhóm 90 tình nguyện viên tham gia vào công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội gồm có 70 sinh viên của Trường Đại học Y và 20 sinh viên của Trường Đại học y tế công cộng.

Đại diện Bộ Y tế công bố kế hoạch hoạt động nhóm tình nguyện tham gia chống dịch sốt xuất huyết trong hai tuần kể từ ngày 22/8-4/9.

Các nhóm tình nguyện có nhiệm vụ giám sát, đánh giá hoạt động diệt bọ gậy của các đội xung kích diệt bọ gậy và phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc của đội xung kích cho trưởng đoàn giám sát để có kế hoạch xử lý kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc sinh viên các trường y tế tham gia vào công tác giám sát này là rất quan trọng bởi các bạn là những người có kiến thức về ngành y, đã được học và trải qua các giờ giảng thực tiễn, vì vậy sẽ góp phần nâng cao chất lượng của công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả hơn.

Buổi tập huấn đã cập nhật chi tiết các thông tin từ cách nhận biết những loại muỗi truyền bệnh, chu kỳ sinh sản của muỗi Aedes, thực trạng số ca mắc bệnh, số người tử vong.

 

Tập trung dập bệnh tại 12 khu vực báo động đỏ về sốt xuất huyết

http://www.vietnamplus.vn/tap-trung-dap-benh-tai-12-khu-vuc-bao-dong-do-ve-sot-xuat-huyet/462352.vnp

Sáng 22/8, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Thanh Oai, địa bàn có số người mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực ngoại thành.

Kiểm tra tại Công ty cổ phần Long Mã-Cụm công nghiệp Thanh Oai, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trò chuyện và nhắc nhở các công nhân, chủ cơ sở cần giữ gìn vệ sinh nơi ăn ở, thực hiện biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Tại một hộ dân thuộc xã Bích Hòa làm nghề sản xuất đậu phụ, người dân đã ý thức được nguy cơ cũng như chủ động phòng, chống sốt xuất huyết cho những người trong gia đình và cộng đồng xung quanh.

Theo báo cáo của huyện Thanh Oai, tất cả 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn đều đã có bệnh nhân sốt xuất huyết với 649 ca sốt xuất huyết được ghi nhận, 58 ổ bệnh, tăng cao so với cùng kỳ năm trước; trong đó, bệnh nhân tập trung nhiều tại các xã Bích Hòa, Cự Khê, Dân Hòa, Bình Minh. Hiện vẫn còn 162/648 bệnh nhân đang điều trị, 17/58 ổ bệnh đang hoạt động.

Huyện Thanh Oai đã huy động sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị và người dân tham gia chống bệnh; triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt bọ gậy; thành lập các đội xung kích thường xuyên đôn đốc và giám sát việc diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết.

Nhìn chung, hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, tăng cường đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và động viên người dân tham gia tích cực vào hoạt động phòng chống bệnh. Kỹ năng giám sát và xử lý dịch bệnh của cán bộ y tế được nâng lên, các ổ bệnh sốt xuất huyết được điều tra dịch tễ, bao vây khoanh vùng xử lý tốt.

Tuy vậy, hiện nay công tác phòng chống bệnh trên địa bàn huyện Thanh Oai còn gặp một số khó khăn do nhân lực y tế ít, nhiều ca bệnh, ổ bệnh xuất hiện cùng thời gian nên công tác điều tra bệnh nhân, côn trùng, xử lý và thu dung, điều trị bệnh nhân gặp khó khăn.

Ngoài ra, nhiều địa phương có làng nghề truyền thống như làm lồng chim tại xã Dân Hòa; làm miến, tương tại xã Cự Khê có nhiều phế thải đọng nước tạo thành các ổ bọ gậy; người dân chưa hoàn toàn phối hợp và chủ động trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi.

Bên cạnh đó, thời tiết đang thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Sự tham gia giao lưu buôn bán và làm việc của người dân tới các quận nội thành, nơi có số ca sốt xuất huyết cao khiến bệnh tiếp tục gia tăng trên địa bàn.

Trên thực tế, số bệnh nhân sốt xuất huyết còn cao hơn số liệu trong báo cáo do người dân tự điều trị tại cộng đồng và phòng khám đa khoa khu vực. Nhân lực cán bộ dập bệnh được tăng cường tối đa nhưng đã có những cán bộ y tế mắc sốt xuất huyết trong khi nguy cơ bệnh vẫn tăng cao.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết đến nay, thành phố có 18.862 ca sốt xuất huyết, trong đó 16.343 ca đã khỏi; có 2.112 ổ bệnh, hiện còn 654 ổ bệnh đang hoạt động.

Gần đây, số lượng bệnh nhân chững lại, bước đầu giảm dần nhưng diễn biến còn phức tạp, trọng tâm dịch trong tháng 9-10, có thể kéo dài đến tháng 12.

Thành phố đã yêu cầu các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống bệnh, lấy xã, phường, thị trấn làm đơn vị giám sát; người dân là lực lượng nòng cốt và phát huy vai trò giám sát của tổ xung kích.

Cùng với đó, thành phố huy động người dân tích cực tham gia phòng bệnh sốt xuất huyết và sẽ thực hiện cưỡng chế nếu người dân không tự giác thực hiện.

Biện pháp căn bản là phải thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Các xã, thị trấn củng cố lại đội xung kích, xây dựng kế hoạch diệt bọ gậy tại gia đình, khu vực công cộng; thực hiện phun thuốc diệt muỗi toàn diện và trọng điểm...

Sau khi kiểm tra thực tế tại địa bàn điểm nóng của bệnh sốt xuất huyết, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu lãnh đạo huyện tiếp tục huy động hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể, nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp lãnh đạo để triển khai hiệu quả công tác phòng chống bệnh.

Dự báo, bệnh sẽ còn phát triển trong tháng 9-10 và khả năng kéo dài đến tháng 12 nên cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai các hoạt động dập bệnh; tăng cường kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với lãnh đạo quận, huyện nếu để bệnh tiếp tục phát triển.

Ngoài ra, các đơn vị sử dụng hiệu quả trang thiết bị, hóa chất phục vụ phòng chống bệnh, không để thiếu nhưng cũng tránh lãng phí; điều tiết nhân lực, tập trung cho những khu vực trọng điểm bệnh sốt xuất huyết như huyện Thanh Oai và 12 khu vực báo động đỏ trên địa bàn thành phố để dập tắt bệnh sốt xuất huyết trong thời gian sớm nhất./.

 

APEC: Đối thoại chính sách y tế người cao tuổi

http://vov.vn/xa-hoi/apec-doi-thoai-chinh-sach-y-te-nguoi-cao-tuoi-662381.vov

Đối thoại chính sách y tế về tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm vì một châu Á – Thái Bình Dương khỏe mạnh.

Chiều nay (22/8) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhóm công tác về y tế APEC 2017 tổ chức Đối thoại chính sách y tế về tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm vì một châu Á – Thái Bình Dương khỏe mạnh, thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, đại diện của các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, các nhà nghiên cứu, các nhà cung cấp dịch vụ y tế.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Phạm Lê Tuấn cho biết Việt Nam bắt đầu thời kỳ già hoá dân số từ năm 2011, với tỉ lệ người trên 60 tuổi chiếm 10%, là một trong những quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất trên thế giới. Với các nền kinh tế phát triển, việc chuyển đổi sang dân số già có thể diễn ra một vài thế kỷ, thì Việt Nam chỉ mất khoảng 20 - 22 năm. Hiện tại, Việt Nam có hơn 10 triệu người lớn tuổi và dự báo sẽ tăng cao vào năm 2030 và có thể đạt tới 28 triệu người cao tuổi vào năm 2050.

Tại buổi đối thoại, đại diện một số nền kinh tế thành viên APEC cùng các chuyên gia y tế trình bày các vấn đề như tổng quan già hóa dân số trong khu vực APEC và những khuyến nghị chính sách; gánh nặng bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số; phòng chống và kiểm soát bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi, những bài học kinh nghiệm của một số thành viên…

Hiện nay, sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm cùng với quá trình lão hóa dân số nhanh chóng đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống y tế toàn cầu. Các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và bệnh mãn tính của người cao tuổi là nguyên nhân hàng đầu gia tăng tình trạng bệnh tật và tử vong. Vì vậy, làm thế nào để ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm của người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số là một vấn đề quan tâm của các nền kinh tế thành viên APEC.

Ông Keizo Takemi, thành viên Hội đồng tư vấn, Chủ tịch Ủy ban các Nhiệm vụ đặc biệt về Chiến lược Y tế toàn cầu cho biết: "Một số bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng được nếu mọi người thay đổi được thói quen sống của họ như không hút thuốc, uống rượu quá nhiều. Đối với người già, đều quan trọng là vừa để họ có sức khỏe tốt hơn mà làm sao để người già có thể đóng góp cho nền kinh tế, vẫn sáng tạo và làm việc, có thể làm việc, không tạo gánh nặng cho nền kinh tế".

 

Phun thuốc muỗi chỉ diệt phần ngọn

http://vov.vn/xa-hoi/phun-thuoc-muoi-chi-diet-phan-ngon-662380.vov

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc phun thuốc diệt muỗi chỉ là diệt phần ngọn có tính “hạ hỏa” diệt muỗi đang sống.

Chiều 22/8, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, báo cáo về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, khi tiến hành công tác phun thuốc diệt muỗi tại hộ gia đình, nhiều cán bộ chỉ phun tầng 1, các tầng còn lại thì không phun. Qua kiểm tra giám sát cho thấy các đội phun hóa chất chưa triệt để. 80 sinh viên y khoa được tập huấn sẽ tham gia vào việc giám sát phun thuốc.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, thời gian vừa qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội bùng phát dữ dội với 18.862 ca mắc, 7 trường hợp tử vong. Trên phạm vi cả nước hiện tại cả nước đã ghi nhận trên 90.000 ca mắc với 24 tử vong, số mắc tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2016. Trong tuần qua, Thành phố ghi nhận 3.524 trường hợp (giảm 54 trường hợp so với tuần trước). Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cảnh báo, dự báo tình hình dịch có thể còn kéo dài đến tháng 12 bởi năm nay xu hướng diễn biến khó lường, thời tiết lại thất thường, công tác phòng dịch còn quá nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Hạnh, sốt xuất huyết có 4 tuýp lưu hành do vậy một người có thể mắc 4 lần sốt xuất huyết với các thể khác nhau. Nếu như thời gian trước số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội chỉ lưu hành hai tuýp là D1 và D2 nhưng hiện Hà Nội mới phát hiện thêm tuýp D4 ở Tây Hồ, điều đó đồng nghĩa với việc mở rộng thêm số lượng ca mắc.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: tính đến thời điểm này, Hà Nội đã chi 20 tỷ để mua hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết và đang đề xuất xin thêm 70 tỷ nữa để đối phó với dịch bệnh đang lây lan.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, người dân cần biết rằng, việc phun thuốc diệt muỗi diện rộng không có nghĩa là phun thuốc cả thành phố mà cần phải tập trung vào nơi xuất hiện dịch. Việc phun thuốc diệt muỗi chỉ là diệt phần ngọn có tính “hạ hỏa” diệt muỗi đang sống, phun xong là có muỗi. Cần xử lý làm sạch môi trường các nơi có nước tồn đọng như đổ vôi bột để diệt bọ gậy…

Trao đổi với báo chí về việc thời điểm nào Hà Nội công bố dịch sốt xuất huyết, theo ông Hạnh Hà Nội chưa công bố dịch bởi việc công bố dịch nhằm 2 mục đích. Thứ nhất, công khai tình hình dịch bệnh để nhân dân biết. Thứ hai, là huy động nguồn lực để làm tốt công tác phòng, chống dịch. Với mục đích thứ nhất hiện Hà Nội đã công khai các ca bệnh sốt xuất huyết trên các phương tiện thông tin đại chúng với số ca mắc và tử vong để nhân dân Thủ đô nắm được.

"Với mục đích huy động nguồn lực chống dịch hiện Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực cho phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, do tình hình sốt xuất huyết hiện nay đang diễn biến phức tạp nên các đơn vị liên quan đang theo dõi chặt chẽ. Trong tình hình cụ thể, Hà Nội sẽ cân nhắc và đề xuất việc công bố dịch sốt xuất huyết sao cho phù hợp”, ông Hoàng Đức Hạnh nói.

Ở thời điểm hiện nay lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo Bộ ngành thường xuyên kiểm tra công tác phòng dịch sốt xuất huyết “Hà Nội là thủ đô của cả nước, là trung tâm kinh tế, chính trị lớn, do vậy trước khi công bố một quyết định cần cân nhắc và tính toán lợi ích và ổn định tâm lý, tinh thần của người dân”, ông Hạnh nói./.

 

An ninh bệnh viện ở đâu khi bác sĩ bị hành hung?

http://phunuvietnam.vn/khoe/an-ninh-benh-vien-o-dau-khi-bac-si-bi-hanh-hung-post31707.html

Hầu hết các bệnh viện đều có nhân viên an ninh. Tuy nhiên, nhiều vụ việc nhân viên y tế bị hành hung và dù có mặt nhân viên an ninh nhưng họ cũng chẳng có hành động gì. Dư luận đặt câu hỏi, trong những vụ việc ấy, lực lượng này đã làm gì?

Gần đây, tại các cơ sở y tế liên tục xảy ra trường hợp người nhà bệnh nhân đuổi đánh, hành hung nhân viên y tế khiến những người làm nghề y càng thêm lo sợ.

Mới đây nhất, tại BV Đa khoa 115 Nghệ An, ông Nguyễn Đình Hoàng Thắng (Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Tân Thắng) người nhà bệnh nhân đã liên tiếp dùng tay đánh vào mặt và đầu người nữ bác sĩ.

Sau mỗi vụ hành hung, hàng ngàn ý kiến lên tiếng bảo vệ các y bác sĩ, yêu cầu xử lý những đối tượng côn đồ. Đồng thời, ngành y cũng yêu cầu các cơ sở y tế thắt chặt an ninh BV.

Hiện nay, ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhân và người nhà có thể vào ra 24/24h. Cũng vì vậy mà các BV đều có lực lượng bảo vệ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự.

Vậy an ninh BV làm gì trong mỗi vụ việc hành hung nhân viên y tế.

Xem lại clip nhân viên y tế BV Đa khoa 115 Nghệ An bị hành hung, chúng ta thấy trong phòng bệnh là y bác sĩ và người nhà bệnh nhân (được xác định là ông Nguyễn Hoàng Đình Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Đình Thắng, Nghệ An) còn nhân viên an ninh ngồi bên ngoài sau cánh cửa. Ngay sau khi ông Thắng tát nữ bác sĩ 3 cái, thì rất nhanh chóng nhân viên an ninh đẩy cửa vào.

Thấy nhân viên an ninh, ông Thắng đã chỉ tay vào mặt (có buông lời nói) và nhân viên an ninh kia thay vì hành đồng đã đứng im. Tiếp sau đó, ông Thắng quay lại chửi bới nhân viên y tế. Thấy vậy, mấy người trong phòng đã cản ông Thắng lại. Ngay lúc đó, nữ bác sĩ bị hành hung đã phải nhanh chóng rời ra ngoài. Tuy nhiên, sau đó, ông Thắng tiếp tục xô đẩy, rồi chạy theo nữ bác sĩ định hành hung tiếp.

Trong khoảng thời gian ấy, nhân viên an ninh vẫn đứng im, không có động thái gì?

Câu hỏi đặt ra, an ninh BV có để làm gì? Tại sao ngay lúc đó, nhân viên an ninh không khống chế đối tượng hành hung y bác sĩ, hoặc chí ít thì cũng can ngăn, không để cho ông Thắng có hành động tiếp theo là chạy theo tìm nữ bác sĩ tiếp tục hành hung.

Tại các cơ sở y tế, những hiện tượng tiêu cực vẫn còn, cùng với đó các dịch vụ y tế chưa tốt hoặc nhân viên có hành vi giao tiếp khiến người nhà và bệnh nhân không thoái mái gây bức xúc. Trong khi đó, vấn đề an ninh tại các BV chưa được quan tâm đúng mức.

Lực lượng an ninh BV có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, nội quy của BV, phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm có thể xảy ra trong khuôn viên của cơ sở đó.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là đại đa số nhân viên an ninh BV chưa có chuyên môn, chưa được đào tạo bài bản. Nhiều nơi thì bảo vệ BV trẻ quá, có nơi bảo vệ lại già quá. Thậm chí, có nơi lực lượng an ninh được khoán trắng hay làm dịch vụ đơn thuần như trông xe.

Vì vậy, khi có sự cố nhân viên an ninh BV chỉ “đến cho có” hoặc đã xử lý xong rồi.

Trước đó, một bảo vệ tại BV Sản Nhi Nghệ An đã tử vong sau khi bị người nhà một bệnh nhân đâm thấu tim. Có lẽ, nhân viên an ninh thấy vậy nên “chùn tay” trước hành động của những kẻ “côn đồ”.

Trao đổi với PNVN xung quanh vấn đề an ninh bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến rất bức xúc trước tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế bị bạo hành như hiện nay. Thứ trưởng đề xuất, lực lượng an ninh cần phải được trang bị công cụ hỗ trợ, đồng thời huấn luyện chuyên nghiệp từ đó mới có thể hạn chế được tình trạng mất an ninh BV.

Mới đây, người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ tại BV Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) đã bị Tòa án nhân dân huyện Thạch Thất phạt 9 tháng tù giam. Tuy nhiên, những hình phạt này còn quá ít nơi thực hiện nên chưa khiến những kẻ “côn đồ” khiếp sợ. Cần phải có những bản án nghiêm khắc với hành vi hành hung bác sĩ. Điêu đó cũng góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

 

Đà Nẵng: Số ca sốt xuất huyết tăng 90%, người dân vẫn chủ quan

https://laodong.vn/suc-khoe/da-nang-so-ca-sot-xuat-huyet-tang-90-nguoi-dan-van-chu-quan-550694.ldo

7 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn TP.Đà Nẵng ghi nhận gần 3.900 ca sốt xuất huyết, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Đà Nẵng cũng là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực Miền Trung.

Số ca sốt xuất huyết tăng gần 90%

Theo báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang, 6 tháng đầu năm, tại 11 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ghi nhận hơn 10.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, Đà Nẵng có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực, tập trung ở độ tuổi dưới 15.

Đầu tháng 8, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế do Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ngành y tế Đà Nẵng về tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn.

Báo cáo với Đoàn, ông Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng - cho biết, 7 tháng đầu năm 2017, TP. Đà Nẵng tăng 87%,38 ca mắc sốt xuất huyết so với cùng kỳ năm ngoái. Các địa bàn có số mắc cao là Thanh Khê (790 ca), Hải Châu (620 ca), Liên Chiểu (624 ca)…

Tính theo tỷ lệ ca mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân, Đà Nẵng là địa phương đứng đầu cả nước với 367,60 ca/100.000 dân.

Cũng theo ông Thạnh, tính từ đầu năm đến nay, toàn TP. Đà Nẵng ghi nhận 267 ổ dịch nhỏ, tập trung một số phường như Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc, Hòa Khánh Bắc, Hòa khánh Nam, Hòa Minh, An Hải Bắc… Ngành y tế địa phương đã tiến hành diệt bọ gậy, phun hóa chất trên diện rộng. Đà Nẵng là một trong 4 địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước.

Người dân còn chủ quan

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, TP.Đà Nẵng đã cấp 4 tỷ đồng cho ngành Y tế thành phố tập trung chống dịch.

Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Đà Nẵng cho biết, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn về giám sát, xử lý bệnh cho cán bộ y tế các quận, huyện và gần 300 cộng tác viên Dân số - sức khỏe cộng đồng; Tăng cường điều tra, giám sát xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định; đồng thời tiến hành phun hóa chất chủ động phòng chống sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ cao…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù các ngành chức năng rốt ráo diệt muỗi, phòng chống dịch nhưng người dân lại khá chủ quan.

GIữa tháng 8 vừa qua, Sở Y tế đã tiến hành công tác khảo sát thực địa và kiểm tra công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại các địa phương. Qua kiểm tra thực tế tại một số hộ dân cho thấy, tính tự giác của người dân trong việc tham gia phòng bệnh sốt xuất huyết chưa cao, nhiều hộ dân còn thói quen sử dụng dụng cụ chứa nước để sinh hoạt, không súc rửa thường xuyên làm nơi sinh sản của bọ gậy...

Đội tuyên truyền phòng chống dịch của quận Liên Chiểu cho biết, vẫn còn nhiều gia đình có con nhỏ chỉ cho phun thuốc bên ngoài, nhiều người dân còn thờ ơ, chủ quan trước thông tin về dịch bệnh.

“Có gia đình nhập viện 2, 3 người nhưng những nhà xung quanh vẫn xem như bệnh thường. Gia đình chúng tôi có quét dọn thường xuyên nhưng nếu các nhà khác không làm cùng thì muỗi truyền bệnh vẫn sinh sản”, chị Hồng, người dân Đà Nẵng cho hay.

Bs Nguyễn Hoá- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng - chia sẻ, dịch sốt xuất huyết tại Đà Nẵng tăng cao là do nhiều nguyên nhân từ môi trường, ý thức người dân, mùa sinh sản của muỗi…. “Mặc dù không thể nói dập hẳn dịch bệnh ngay lập tức nhưng nếu ý thức người dân tăng cao, dọn dẹp vệ sinh môi trường mỗi ngày, mỗi tuần thì mức độ lây truyền bệnh sẽ giảm, bảo vệ được cho chính người thân trong gia đình. Bên cạnh việc phòng chống thì trong điều trị bệnh, nếu có người nhà bị sốt cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà tránh trường hợp xấu xảy ra”, ông Hoá cho hay.

 

Sở Y tế Hà Nội lý giải vì sao chưa công bố dịch sốt xuất huyết

https://laodong.vn/suc-khoe/so-y-te-ha-noi-ly-giai-vi-sao-chua-cong-bo-dich-sot-xuat-huyet-550672.ldo

Liên quan đến tình hình dịch sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội đã có thêm các thông tin mới cập nhật tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy thường kỳ chiều 22.8.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch bệnh trong tuần từ ngày 14.8 – 20.8 ghi nhận 3.524 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong tuần không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tính từ 1.1.2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận: 18.862 trường hợp, 7 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi: 16.343 (chiếm 86,6%). Hiện còn 2.519 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.

Giải thích lý do Thủ đô chưa công bố dịch, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, việc công bố dịch nhằm 2 mục đích. Thứ nhất, công khai tình hình dịch bệnh để nhân dân biết. Thứ hai, là huy động nguồn lực để làm tốt công tác phòng, chống dịch. Với mục đích thứ nhất, Hà Nội đã công khai các ca bệnh sốt xuất huyết trên các phương tiện thông tin đại chúng với số ca mắc và tử vong để nhân dân Thủ đô nắm được.

Đồng thời, Hà Nội cũng đã huy động mọi nguồn lực cho phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Cụ thể, Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo, UBND TP đã có chỉ thị, các đoàn thể, cơ sở y tế đã vào cuộc chống dịch.

Cụ thể, gần đây nhất, chính quyền TP đã bổ sung thêm ngân sách cho chống dịch sốt xuất huyết. Kế hoạch chống dịch được UBND TP đặt ra cũng khá chi tiết với việc thành lập các đội phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh; các đội xung kích diệt bọ gậy. Được biết, hơn 60.000 người đã được Hà Nội huy động để phòng chống sốt xuất huyết.

“Như vậy, cả 2 yếu tố công khai dịch bệnh và huy động nguồn lực Hà Nội đã làm quyết liệt và đầy đủ. Tuy nhiên, do tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp nên các đơn vị liên quan đang theo dõi chặt chẽ. Trong tình hình cụ thể, Hà Nội sẽ cân nhắc và đề xuất việc công bố dịch sốt xuất huyết sao cho phù hợp”, ông Hạnh nói.

Nói về việc tại sao phun thuốc diện rộng mà có những địa bàn phường chưa được phun thuốc, ông Hạnh lý giải rằng, phun diện rộng không có nghĩa là phun tất cả toàn thành phố. Phun thuốc chỉ là biện pháp ngọn, căn bản vẫn là diệt bọ gậy. Chính mỗi người dân cần phải chung tay trong việc diệt bọ gậy, loăng quăng, chống dịch.

Hiện các ngành chức năng của Hà Nội tiếp tục tổ chức phun hóa chất diện rộng phòng chống sốt xuất huyết tại các trường học, công trường, nghĩa trang và các xã phường trọng điểm... Huy động 19 máy phun công suất lớn của 19 tỉnh thành và 2 máy của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (tổng 21 máy), kết hợp với máy phun mù nóng và máy phun đeo vai triển khai phun diện rộng tại các quận, huyện trọng điểm.

Sở Y tế ban hành văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện việc ra quân tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phối hợp với ngành y tế tổ chức phun hóa chất diện rộng theo chỉ đạo của UBND thành phố; ngành y tế tổ chức giao Ban chỉ đạo phòng chống dịch của ngành.

 

Thuốc giả, nỗi lo thật của người bệnh

https://laodong.vn/suc-khoe/thuoc-gia-noi-lo-that-cua-nguoi-benh-550688.ldo

Vụ việc Cty Cổ phần VN Pharma nhập hơn 9.000 hộp thuốc trị ung thư H-Capita 500mg chữa ung thư giả đưa vào các bệnh viện (BV) ở Việt Nam đang được đưa ra xét xử. Đây thực sự là vụ việc rúng động dư luận, khiến người bệnh hoang mang.

Tất cả đều giả, chỉ có bệnh là thật

9.300 hộp thuốc H - Capita 500mg Caplet được đưa vào Việt Nam chữa bệnh ung thư đã được làm hồ sơ kỹ thuật giả. Nghi ngờ nguồn gốc thuốc, Cục Quản lý dược thanh tra Cty Cổ phần VN Pharma, kiểm tra lô hàng. Kết quả mẫu giám định của Bộ Y tế cho thấy, lô thuốc nhập khẩu này chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

“Hồ sơ giả, thuốc giả, chỉ có người mắc bệnh ung thư thật. Và sau đó là cái chết về ung thư là thật. Bệnh giả hoặc sai bệnh, uống thuốc thật còn nguy hiểm, đằng này thuốc giả” - GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên giám đốc BV K Trung ương, phải thốt lên.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, việc thuốc điều trị ung thư giả được phát hiện thật sự bất ngờ. Nhiều năm gắn bó tại BV K Trung ương, chưa bao giờ ông ghi nhận hay nghi ngờ về thuốc điều trị giả, kém chất lượng. Mỗi thuốc nhập về đều phải có kiểm định, giấy phép, cấp phép đầy đủ. Thuốc nhập khẩu bao giờ cũng phải có cả giấy kiểm định, cấp phép của nước đó.

GS.TS Đức đưa ra khuyến cáo, sử dụng thuốc kém chất lượng, thuốc giả khiến cả bác sĩ và người bệnh đều gặp thất bại trong điều trị. Thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng có hại (thường gọi là ADR). Tuy nhiên, nếu tác dụng có hại của thuốc thật với tỷ lệ nằm trong khoảng 1/10.000-1/100.000 thì nguy cơ của thuốc giả lên đến 1/10, trong đó, nguy hiểm nhất là ngộ độc và dị ứng thuốc.

Người bệnh luôn đối mặt với những di chứng khó lường khi sử dụng thuốc quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Bởi chúng không chỉ tác hại lớn đến sức khỏe như: Phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc… mà còn gây vô hiệu hóa các giải pháp điều trị, khiến người bệnh dễ tử vong.

Thuốc giả Việt Nam giảm nhưng không thể hết

Bộ Y tế cho biết, trong năm 2017, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) tiếp tục thực hiện kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các Cty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam; đồng thời tăng cường kiểm tra các Cty sản xuất thuốc trong nước.

Trong năm 2016, kết quả kiểm tra chất lượng thuốc cho thấy, do tập trung triển khai các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc, thời gian qua, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã giảm rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ thuốc giả giảm từ 7% (năm 1990) xuống còn dưới 0,1%; tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở mức dưới 3%.

Hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm đã lấy hơn 30.000 mẫu thuốc trên thị trường để kiểm tra chất lượng. Việc lấy mẫu thực hiện theo kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm để phát hiện các thuốc có nguy cơ không đạt chất lượng cao. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng được phát hiện năm 2016 tiếp tục có xu hướng giảm so với các năm trước…

TS Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, đặc biệt, từ 1.1.2017, Luật Dược năm 2016 có hiệu lực, các quy định chi tiết về thu hồi thuốc sẽ được thực hiện hiệu quả hơn nữa, khắc phục những “kẽ hở” trước đó. Trước đây, thời gian từ khi phát hiện thuốc kém chất lượng cho đến khi có thông báo rộng rãi là khá dài. Trong khoảng thời gian chờ quyết định thu hồi, đình chỉ lưu hành thì một lượng thuốc đáng kể đã đến tay người bệnh.

Bên cạnh đó, không ai chịu trách nhiệm chính để giám sát việc thu hồi các thuốc kém chất lượng. Theo Luật Dược 2016, thời gian thu hồi thuốc được rút ngắn từ 3- 15 ngày tùy theo mức độ vi phạm của thuốc. Ngoài ra, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong hoạt động thu hồi thuốc đã được quy định đầy đủ, chi tiết trong các văn bản quy phạm về dược.

 

Nhiều cán bộ thoát truy cứu hình sự vụ buôn lậu tại VN Pharma

http://www.tienphong.vn/phap-luat/nhieu-can-bo-thoat-truy-cuu-hinh-su-vu-buon-lau-tai-vn-pharma-1179905.tpo

Lẽ ra đứng trước vành móng ngựa không chỉ 9 bị cáo mà còn có công chức của Bộ Y tế, Cục Hải quan TP.HCM… Tuy nhiên họ đã ‘thoát’ vành móng ngựa ‘ngoạn mục’.

Chiều nay (22/8), phiên tòa của TAND TP.HCM, xét xử chủ tịch Cty VN Pharma và đồng phạm “Buôn lậu”, Làm giả con dấu cơ quan tổ chức” vào phần tranh tụng. Trước đó vào buổi sáng, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX mức án các bị cáo.

Trong vụ án này, sáng nay các bị cáo đứng trước vành móng ngựa để nghe VKS đề nghị án, với án thấp nhất là 2-3 năm tù. Riêng hai bị cáo đứng đầu vụ án là chủ tịch VN Phrama Nguyễn Minh Hùng và Cường cùng bị đề nghị mỗi bị cáo 10- 12 năm tù.

Tại phiên tòa, VKS đã công bố tài liệu cho thấy: Nếu không có cú ‘thoát hiểm’ ngoạn mục vào phút cuối, con số bị cáo đứng trước vành móng ngựa sáng nay không dừng ở con số 9.

Theo VKS, hàng loạt cán bộ của Bộ Y tế đã có những sai phạm. Cụ thể là ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược), ông Phạm Công Chiến (Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, Trưởng phòng pháp chế), bà Lê Thúy Hương (chuyên viên) – là những người trong Tổ thẩm định, có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita 500 mg Caplet của Cty VN Pharma.

Lạ lùng là cả Tổ thẩm định với những cán bộ trên đã hoàn toàn không phát hiện Cty Austin (Hồng Kông) – đơn vị bán thuốc cho VN Pharma – đã hết hạn giấy phép hoạt động, một số nội dung không thống nhất với hồ sơ.

Trái lại – theo VKS – Tổ thẩm định cho rằng “hồ sơ đạt yêu cầu”, rồi đề xuất Cục Quản lý Dược ký duyệt, cấp phép cho Cty VN Pharma nhập hàng!

Cũng theo VKS, Cơ quan điều tra không truy cứu hình sự các công chức Bộ Y tế vì trong quá trình khởi tố vụ án, điều tra vụ án do Cục Quản lý Dược đã tích cực phối hợp, cung cấp tài liệu phục vụ điều tra.

Tuy nhiên, với các sai phạm này, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế xử lý, khắc phục thiếu sót trong quản lý kinh doanh dược phẩm.

Một người khác cũng ‘thoát’ vành móng ngựa là công chức Hải quan TP.HCM. Ông Phạm Đình Cung (Công chức Hải quan Chi cục cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất), là người kiểm tra hồ sơ nhập khẩu lô thuốc H-Capita nói trên. Ông Cung ‘thoát hiểm’ vì tình tiết ông Nguyễn Minh Hùng chỉ đạo và thực hiện hành vi Cty VN Pharma làm giả hợp đồng rồi ghi lùi ngày trên hợp đồng nhập khẩu.

Chính hành vi gian dối ‘tinh vi’ của VN Pharma khiến ông Cung không phát hiện ra sự gian dối của Cty này, đó cũng là lý do ông Cung ‘thoát’ vành móng ngựa.

Hiện phiên tòa đang vào phần tranh tụng, các công chức Bộ Y tế và Hải quan dù không bị truy cứu hình sự, tuy nhiên có ‘góp phần’ để Nguyễn Minh Hùng và đồng bọn thực hiện vụ buôn lậu ‘động trời’ này.

Đáng lưu ý là trong phần nêu quan điểm sáng nay (22/8), đại diện VKS cũng kiến nghị HĐXX làm rõ trách nhiệm của một số đối tượng, đơn vị có liên quan trong vụ án này…

Tiền Phong tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa buôn lậu ‘động trời’ này.

Cáo trạng quy buộc, đầu năm 2013, Nguyễn Minh Hùng đã thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường (giám đốc Cty Hàng hải Quốc tế H&C), đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix pharmaceuticals (Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam.

Cơ quan điều tra, Bộ công an xác định, từ năm 2013 đến 19/9/2014, Hùng thông qua Cường làm giả giấy tờ, con dấu để được Bộ y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, trị giá hàng buôn lậu 251 ngàn USD.

Trong vụ án, Cơ quan điều tra kết luận Phạm Văn Kiệt (giám đốc Cty Dược Sài Gòn) đã giúp sức qua hành vi sử dụng con dấu, chữ ký  bất hợp pháp, giúp Cty VN Pharma nhập khẩu thuốc.

Các bị cáo Hùng, Cường, Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc (phó tổng giám đốc Cty VN Pharma), Phan Cẩm Loan và Lê Thị Vũ Phương bị VKS buộc tội “Buôn lậu”; Bùi Ngọc Duy, Phạm Văn Thông và Phạm Anh Kiệt tội “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”.

 

Thanh Hóa:Xử phạt 60 triệu đồng người tự ý bán thuốc chữa bệnh

http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/xu-phat-60-trieu-dong-nguoi-tu-y-ban-thuoc-chua-benh-1179872.tpo

http://nld.com.vn/thoi-su/chua-bach-benh-bi-phat-60-trieu-dong-20170821230356172.htm

Ngày 22/8, thông tin từ Sơ Y tế Thanh Hóa cho biết, Thanh tra Sở Y tế vừa có quyết định xử phạt người đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là bán thuốc cho người bệnh...

Cụ thể, xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Đình Mùi (SN 1955), ở thôn 1, xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa vì đã bán thuốc cho người bệnh và hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép. Tổng số tiền phạt hai hành vi trên là 60 triệu đồng.

Ngoài bị phạt số tiền trên, ông Mùi còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời gian 6 tháng kể từ ngày 10/8/2017.

Trước đó, báo chí đã phản ánh việc: Mặc dù chỉ được cấp phép tiêm, thay băng, đếm mạch, đo huyết áp nhưng ông Mùi vẫn tự ý tổ chức khám, chữa nhiều bệnh cho nhiều người tại gia đình riêng. Ngay sau đó, Sở Y tế Thanh Hóa đã tiến hành thanh tra, ra thông báo, quyết định xử phạt vi phạm của ông Mùi.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn thanh tra đã phát hiện ông Mùi khám bệnh, điều trị và mua thuốc bán cho một số bệnh nhân tại cơ sở hành nghề. Đoàn thanh tra đã tịch thu tiêu hủy toàn bộ số bơm kim tiêm có chứa dung dịch pha sẵn để tiêm cho bệnh nhân đã bị tạm giữ ngày 3/8/2017.

 

Nữ bác sỹ bị vây đánh tại Nghệ An nói gì?

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nu-bac-sy-bi-vay-danh-tai-nghe-an-noi-gi-1179876.tpo

Khóc, hoảng loạn, trốn vào góc phòng là những gì mà nữ bác sỹ Hoàng Thị Minh trải qua khi bị người nhà bệnh nhân vây đánh tại phòng cấp cứu của bệnh viện 115 Nghệ An.

Bác sỹ Hoàng Thị Minh (khoa Cấp cứu, bệnh viện 115 Nghệ An) kể: “Lúc bệnh nhân vào cấp cứu, chúng tôi đã khám và sơ cứu bệnh nhân, tôi có giải thích với những người đi cùng và hỏi “gia đình có đồng ý để bệnh nhân nhập viện ở đây không?”, bệnh nhân đồng ý nhập viện. Lúc đấy, tôi liền ra các chỉ định để chụp phim, xét nghiệm, mọi thủ tục cơ bản hoàn tất. Khoảng thời gian lấy máu, đợi kết quả xét nghiệm cũng lâu hơn nên lấy máu trước rồi sau đó mới đi chụp phim.

Đang chuẩn bị chụp phim thì anh Thắng đến, anh ấy yêu cầu cho bệnh nhân đi chụp phim luôn, tôi giải thích là chờ để bệnh nhân được sơ cứu ổn định rồi sẽ đưa đi chụp phim. Không hiểu chuyện gì, anh ấy “xửng cồ” lên, chửi tôi lời lẽ xúc phạm rồi dùng tay tát, đấm vào mặt tôi.

Tôi bị ngã ngửa va vào tập hồ sơ phía sau tường. Lúc đó, anh Lê Quang Hòa (điều dưỡng) chạy ra hỏi “có vấn đề gì?”. Một lúc sau, tôi chạy vào phòng trực thì không bị đánh nữa mà anh Hòa bị đánh. Tôi hoảng loạn, khóc và nép vào góc phòng. Tôi hoảng loạn nên cũng không biết các anh ấy là ai. Nhưng chỉ có một người đánh tôi thôi”.

“Vậy người nhà bệnh nhân phản ánh, bệnh viện cho bệnh nhân cấp cứu chậm có liên quan đến tiền viện phí? - PV”. Trả lời câu hỏi này, bác sỹ Minh nói: “Tôi đã cho chỉ định và nói với người con gái đi cùng bệnh nhân “bệnh nhân ra làm thủ tục tạm thu vào viện, tức là có mượn đồ cho bệnh nhân luôn”, song, người con gái này quay lại nói “em không đủ tiền, chị cứ cho bệnh nhân làm đi rồi sếp nhà em đến và đóng”. Tôi liền đáp lại “Dạ, để em cho bệnh nhân làm luôn”. Chứ tôi không hề phản bác lại gây khó khăn gì cho bệnh nhân và người nhà.

“Nếu chúng tôi vì tiền thì chúng tôi đã không cho gửi máu lên xét nghiệm vào lúc đó cả, bởi vì lấy máu xét nghiệm là cũng mất một khoản trong đó rồi. Không có chuyện nộp tiền rồi mới làm, tiền tạm thu là thủ tục nhập viện, chưa có, chúng tôi vẫn làm bình thường. Tôi biết chắc, họ đã đồng ý nhập viện thì không bao giờ khó khăn khoản đó cả”.

Bác sỹ Minh cho biết vào làm việc tại khoa cấp cứu của bệnh viện đã 2 năm. “Chuyện người nhà, họ bức xúc nhiều rồi còn bị đánh như thế này  thì chưa. Tôi khẳng định lại một lần nữa, tôi không hề nói gì đến chuyện tiền, chuyên môn của tôi là khám chữa bệnh”.

Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, vào khoảng 21h30p (ngày 18/8), tại khoa Cấp Cứu, Bệnh viện 115 Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Nam (26 tuổi, trú phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) bị tai nạn giao thông. Tình trạng lúc nhập viện của bệnh nhân tỉnh táo, tinh thần ổn định, bị phù nề ở mặt. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân Nam bị vỡ xương gò má. Bác sĩ thông báo lại với người nhà đề nghị đưa bệnh nhân đi chụp phim.

Đến khoảng gần 22h cùng ngày, khi các bác sĩ đang tiếp tục sơ cứu cho bệnh nhân nói trên thì một nhóm người đến. Lúc này, một người đàn ông đến nói chuyện với bác sỹ Hoàng Thị Minh (khoa Cấp Cứu), nhưng sau đó người đàn ông này đã dùng tay đánh liên tiếp vào mặt, đầu của bác sỹ Minh khiến nữ bác sỹ này ngã về phía sau. Thấy bác sĩ Minh bị đánh, điều dưỡng Lê Quang Hòa đã chạy đến can ngăn nhưng bị người này lớn tiếng đe dọa. Người hành hung bác sỹ và điều dưỡng khoa cấp cứu, bệnh viện 115 Nghệ An là ông Nguyễn Đình Hoàng Thắng – Giám đốc Công ty CP xây lắp Tân Thắng, trụ sở tại phường Vinh Tân (TP Vinh).

 

Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết lan ra ngoại thành, số mắc cao nhất cả nước

http://anninhthudo.vn/doi-song/dich-sot-xuat-huyet-lan-ra-ngoai-thanh-so-mac-cao-nhat-ca-nuoc/738938.antd

Đến ngày 21-8, Hà Nội đã có tổng cộng 18.862 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), chính thức vượt TP.HCM (với 18.200 ca) trở thành địa phương có số mắc SXH cao nhất cả nước.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 6 ngày qua, số ca mắc SXH mới ở Hà Nội đã “đi ngang” (tức không tăng hơn so với tuần trước đó) nhưng vẫn ở mức cao với khoảng 440-450 ca/ngày. Đáng lo ngại, dịch đang có xu hướng lan từ nội thành ra ngoại thành.

Thêm 2 huyện  “báo động đỏ”

Từ đầu năm 2017 đến đầu tuần này, Hà Nội chỉ đứng thứ ba cả nước về số ca mắc SXH, trong khi TP.HCM luôn dẫn đầu. Tuy nhiên, đến ngày 21-8, Hà Nội đã có tổng cộng 18.862 ca mắc SXH, 7 trường hợp tử vong, chính thức trở thành địa phương có số mắc SXH cao nhất cả nước thời điểm này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, con số trên cho thấy tốc độ lây lan dịch SXH ở Hà Nội thời điểm này là nhanh nhất, diễn biến phức tạp nhất. Đáng lo ngại hơn bởi hiện tại vẫn chưa phải đỉnh dịch SXH ở Hà Nội mà rất có thể đỉnh dịch sẽ rơi vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 tới.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 6 ngày qua, số ca SXH mới ở Hà Nội đang chững lại dù vẫn ở mức cao với khoảng 440-500 bệnh nhân mỗi ngày. Cụ thể, trong tuần qua (từ 14 đến 21-8), thành phố ghi nhận 3.524 trường hợp mắc SXH (giảm 54 trường hợp so với tuần trước đó, từ ngày 6 đến 13-8).

Đáng chú ý, dịch đang có chiều hướng lan ra các huyện ngoại thành. Các quận, huyện có số mắc cao trong tuần qua, ngoài những quận trọng điểm như Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân... đã có thêm các huyện như Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín. Nhìn vào bản đồ dịch tễ dịch SXH của thành phố, nếu như ở tuần trước có 12 quận, huyện nằm trong vùng báo động đỏ thì đến nay đã có 14 quận, huyện.

Trong tổng số ca mắc SXH ở Hà Nội, hiện đã có 16.343 bệnh nhân khỏi bệnh (chiếm 86,6%), chỉ còn 2.519 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện. Cũng từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 2.112 ổ dịch SXH, trong đó hiện có 1.468 ổ dịch đã được khống chế (chiếm 69,5%). Ông Hoàng Đức Hạnh nhận định, số ổ dịch cũng như số mắc SXH của thành phố chưa dừng lại.

Huy động sinh viên trường y đi giám sát đội xung kích

Theo Sở Y tế Hà Nội, trước diễn biến vẫn hết sức phức tạp của dịch SXH, đến thời điểm hiện tại, các quận, huyện, thị xã của thành phố đều đã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy, loăng quăng phòng chống dịch SXH theo chỉ đạo của thành phố cũng như lập đội giám sát hoạt động của đội xung kích này.

Ở những địa phương có ổ dịch SXH, các thành viên đội xung kích và tổ giám sát sẽ được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày, còn với trường hợp địa phương chưa có ổ dịch thì bồi dưỡng cho thành viên đội xung kích không quá 50.000 đồng/người/ngày. Dù vậy, hoạt động của một số đội xung kích hiện chưa hiệu quả, qua các cuộc kiểm tra của thành phố vẫn phát hiện các ổ bọ gậy trong nhà dân. “

Trước thực trạng đó, sáng 22-8, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Bộ Y tế điều động 80 sinh viên của trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y tế Công cộng cùng tham gia công tác phòng chống dịch. Số sinh viên này được tập huấn và sẽ được huy động làm nhiệm vụ giám sát công tác diệt bọ gậy của các đội xung kích diệt bọ gậy ở các quận, huyện. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, 80 sinh viên sẽ được chia thành 10 nhóm để hỗ trợ và giám sát việc diệt bọ gậy tại 10 quận, huyện có số ca mắc SXH cao nhất trên địa bàn thành phố.

Các đội sẽ chọn ngẫu nhiên 10 hộ gia đình trong danh sách các hộ gia đình mà 2 đội xung kích địa phương quản lý để kiểm tra số lần đội xung kích đến với hộ gia đình, soi tìm ổ bọ gậy và xử lý. Trong thời gian hoạt động, các sinh viên sẽ có hỗ trợ kinh phí từ Bộ Y tế và hỗ trợ của TP Hà Nội theo quy định 100.000đồng/người/ngày.

 

Thành lập 6 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Trung thu

http://www.vietnamplus.vn/thanh-lap-6-doan-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-dip-trung-thu/462420.vnp

Đoàn kiểm tra phân công các đơn vị chức năng thuộc các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và các ngành thành viên Ban chỉ đạo tham gia 6 đoàn kiểm tra liên ngành.

Các đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố từ ngày 11 đến 30/9, nhằm đánh giá thực trạng chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Đối tượng thanh tra, kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu (như: bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt…).

Trong đó, các đoàn Trung ương và cấp tỉnh, thành phố sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như: cơ sở sản xuất lớn, chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, cơ sở nhập khẩu thực phẩm…

Việc kiểm tra nhằm ngăn chặn, phòng ngừa cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phảm giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn.

Các đoàn liên ngành cấp huyện, xã, phường thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…/.

 

Phẫu thuật lấy khối u khổng lồ ở tủy sống

http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/33854202-phau-thuat-lay-khoi-u-khong-lo-o-tuy-song.html

Trải qua ca mổ kéo dài sáu tiếng, Bệnh viện K vừa phẫu thuật thành công cho một nữ bệnh nhân 61 tuổi ở Quảng Ninh mắc khối u khổng lồ hình quả tạ ở tủy sống và lồng ngực.

Gần một năm đi khám chữa tại nhiều nơi với triệu chứng tức ngực kéo dài, đau lưng và vai tay, bệnh nhân Hứa Thị Y. (61 tuổi) vẫn không điều trị dứt điểm. Bệnh nhân lên khám tại Bệnh viện K và qua chụp cộng hưởng từ cho thấy có khối u từ trong ống sống ngực T2T3 của bệnh nhân đã phát triển vào trong lồng ngực với kích thước lớn 6cm x 5 cm. Khối u này đã phát triển vào trung thất sau ăn sát hõm đỉnh lồng ngực, đè đẩy vào bó mạch thần kinh cánh tay, đặc biệt là tĩnh mạch dưới đòn trái.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân Y. bị khối u thần kinh tủy sống. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối u nhằm giải phóng chèn ép tủy và chèn ép khoang trung thất. Các bác sĩ nhận định đây là ca mổ phức tạp vì khối u hình quả tạ vừa nằm trong ống tủy ngực vừa nằm trong lồng ngực liên quan đến nhiều chức năng quan trọng như: vận động, cảm giác, đại tiện, phổi, buồng tim, các tĩnh mạch và động mạch lớn xuất phát từ tim. Việc lựa chọn đường mổ cũng được tính toán kỹ nhằm bảo đảm lấy toàn bộ khối u và an toàn cho người bệnh.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân Y. được chia thành hai kíp. Kíp 1 tiến hành phẫu thuật lấy khối u ở trong tủy sống và lỗ liên hợp, do ThS, BS Nguyễn Đức Liên và các cộng sự thực hiện. Tiếp đó, kíp 2 do TS Nguyễn Khắc Kiểm, Phó trưởng Khoa Ngoại lồng ngực thực hiện đã tiến hành phẫu thuật lấy phần u nằm trong lồng ngực . Hai ê kíp đã mở ngực lấy bỏ khối u nằm trong trung thất, vì khối u dính vào bó mạch thần kinh cánh tay nên có thể làm tổn thương đám rối cánh tay hoặc ra tĩnh mạch dưới đòn trái, đòi hỏi các phẫu thuật viên phải dày dạn kinh nghiệm.

Sau 6 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công, bệnh nhân tỉnh trở lại, cử động hai chân và tự thở bình thường. Được biết, đây là khối u lành tính, bệnh nhân có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Bệnh nhân ra viện sau bảy ngày điều trị, đi lại bình thường và trở lại cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Theo TS Nguyễn Khắc Kiểm, trường hợp khối u nằm trong ống tủy phát triển ra ngoài trung thất (u rễ thần kinh - Dumbell) tại tủy ngực rất hiếm gặp, chỉ ≈ 2% nhưng tổn thương thường phức tạp nặng nề, có thể dẫn tới các rối loạn cảm giác, vận động thậm chí liệt hai chi do khối u chèn ép tủy.

Ths, BS Nguyễn Đức Liên cho biết, u tủy là khối u có triệu chứng khởi phát khá kín đáo và tiến triển chậm, dễ bị bỏ qua trong giai đoạn đầu. Vì đa số u trong tủy sống phát triển chậm ở giai đoạn đầu bệnh nhân thường nghĩ do các nguyên nhân thông thường như đau lưng do thoái hóa.

Theo BS Liên, các triệu chứng lâm sàng sớm của bệnh u trong tủy sống gồm đau cột sống, đi lại khó khăn thoáng qua. Khi u phát triển đủ lớn thường gây các rối loạn chức năng thần kinh như rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, rối loạn cơ tròn (gây tiêu, tiểu khó, táo bón), co cứng cơ, teo cơ và các triệu chứng khác. Trường hợp khối u ở cột sống ngực có thể gây ra đau ngực, hoặc ho kéo dài nếu khối u phát triển vào lồng ngực.

 

Tường trình vênh nhau vụ đánh bác sĩ ở bệnh viện

http://plo.vn/an-ninh-trat-tu/tuong-trinh-venh-nhau-vu-danh-bac-si-o-benh-vien-723048.html

Chủ tịch phường cho là vào can ngăn trong khi bệnh viện bảo ông này xông vào phòng đòi đánh bác sĩ.

Liên quan vụ nữ bác sĩ (BS) bị đánh trong phòng cấp cứu ở Bệnh viện (BV) đa khoa 115 Nghệ An, chiều 22-8, lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Vinh cho biết đã nhận được bản tường trình của ông Nguyễn Xuân Huân, Chủ tịch UBND phường Trung Đô. “Sự việc đang được Công an TP Vinh xác minh, điều tra và chúng tôi đang chờ kết luận từ công an mới có hướng xử lý” - lãnh đạo Thành ủy TP Vinh nói.

Trong ngày, BV cũng đã có tường trình gửi Sở Y tế tỉnh Nghệ An yêu cầu xử lý vụ việc.

Tường trình chỏi nhau

Tường trình của ông Huân và phía BV có vênh nhau về chuyện nhân viên y tế bị đánh.

Như chúng tôi đã thông tin, đêm 18-8, anh Nguyễn Văn Nam (trú huyện Đô Lương, Nghệ An) bị tai nạn, được đưa đến BV 115 Nghệ An cấp cứu. Sau đó ông Nguyễn Đình Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Thắng và ông Huân có mặt tại phòng cấp cứu.

Tại đây, khi các BS, điều dưỡng đang làm việc thì ông Thắng đến chỉ tay vào mặt BS Hoàng Thị Minh chửi bới, đánh vào mặt, đầu nhiều cái khiến BS Minh choáng váng, phải dựa vào tường.

Thấy BS bị hành hung, anh Lê Quang Hòa, điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, đến can ngăn liền bị ông Thắng chửi bới, đòi đánh. Khi có thêm người đến can, anh Hòa và BS Minh đi vào phòng trực cạnh bên đóng cửa lại để lánh nạn…

“Người đàn ông tiếp tục đuổi theo. Ông ta cùng với một người (ông Huân - PV) tay cầm ghế nhựa xông vào phòng để đòi đánh BS Minh và điều dưỡng Hòa ở trong đó, một số người can ngăn nên cả hai người này bị đẩy ra khỏi phòng” - báo cáo của BV gửi Sở Y tế tỉnh Nghệ An nêu.

Trong khi đó, tường trình của ông Huân gửi Thường trực Thành ủy và UBND TP Vinh thì cho là khi ông đến, thấy phía trong phòng cấp cứu lộn xộn: “Tôi hoang mang chưa biết xử lý thế nào, cầm lấy cái ghế định ngồi xuống thì thấy anh Thắng (người cùng công ty với người nhà tôi) đi vào phía trong buồng BS. Liền đó, tôi thả ghế và ôm anh Thắng ra ngoài trước sự chứng kiến của mọi người...”. Ông Huân cũng cam đoan ông không hề gây gổ, không đánh nhau. “Tôi là người can ngăn và yêu cầu mọi người ra ngoài để đảm bảo an ninh trật tự” - ông viết.

Người trong cuộc nói gì?

Ông Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc BV 115 Nghệ An, cho biết: “BS và điều dưỡng rất hoang mang vì sự việc xảy ra nhiều ngày nhưng người hành hung nhân viên y tế chưa bị xử lý…”.

Về hành động của ông Huân cầm ghế trong phòng cấp cứu, ông Dũng nói: “Toàn bộ sự việc đang được camera quay lại. Người này (chỉ ông Huân - PV) chạy thẳng vào phòng cấp cứu rồi đi theo sau ông Thắng để hùa. Khi thấy ông Thắng căng thẳng mới thả ghế chứ không phải chạy theo để can ngăn...”.

Còn ông Thắng, người đánh BS bị camera an ninh ghi hình, nói: “Tôi là người đưa nạn nhân vào cấp cứu nhưng không cấp cứu, máu chảy tràn ra. Tôi nóng tính, khi nớ (khi đó - PV) mấy nhân viên, BS không làm rồi bắt đầu cãi qua cãi lại, tôi có đưa tay lên tát họ mấy cái. Còn lại có sự việc gì đâu, không có gì phức tạp cả. Nhưng bây giờ họ làm ầm lên…”.

Ông Thắng nói thêm: “Nhân viên Nam bị tai nạn giao thông. Lúc đó thấy nhân viên mình bị chảy máu như vậy, tôi đã không làm chủ được bản thân. Tôi sẽ trao đổi với lãnh đạo BV và xin lỗi nạn nhân. Trong lúc bức xúc, hành động thái quá nên dẫn tới hậu quả như vậy”.

BS Minh, người bị đánh, cho hay: “Chúng tôi đã tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân Nam đúng quy trình, y lệnh. Tôi không những bị đánh mà khi đã chạy xuống phòng trực vẫn bị rượt đuổi, đe dọa nhưng tôi tránh được. Điều dưỡng Hòa có bị đánh ở phòng trực. Sau sự việc xảy ra tôi sốc, buồn và lo lắng”.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Đức Trường, Trưởng Công an xã Nghi Phú, cho biết công an xã và Công an TP Vinh đang tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.

Bộ Y tế yêu cầu báo cáo

Tối 22-8, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết ông vừa ký công văn gửi giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An đề nghị chỉ đạo BV đa khoa 115 Nghệ An báo cáo chi tiết vụ việc; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an địa phương điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm đối với người đã hành hung nhân viên y tế trong vụ việc trên; tăng cường bảo đảm an ninh trật tự BV. Báo cáo nhanh kết quả xử lý vụ việc về Bộ Y tế trước ngày 26-8.

• TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết vụ việc trên thể hiện đạo đức xã hội.

Theo ông Quang, BS bị hành hung có ba nguyên nhân: Do bức xúc của người bệnh và người nhà bệnh nhân; do bản thân người bệnh mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn từ bên ngoài rồi kéo vào BV giải quyết; do đã có thù hằn trước với BS, nhân viên y tế.

Trong ba nguyên nhân trên thì nguyên nhân người nhà bệnh nhân có bức xúc với tinh thần, thái độ phục vụ của thầy thuốc, nhân viên y tế nên có những hành vi manh động là chủ yếu. Vì vậy, chất lượng khám chữa bệnh cần được nâng cao, thái độ phục vụ của nhân viên y tế tốt hơn sẽ giảm được bức xúc của người bệnh.

Còn hành lang đã tương đối đầy đủ trong Luật Khám chữa bệnh, luật hình sự, dân sự… nhưng Tổng hội Y học Việt Nam, một số hội chuyên ngành cũng nên bảo vệ nhân viên y tế.

 

'Thuốc ung thư giả là bình thường': thật bất nhẫn!

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/phan-hoi/20170822/thuoc-ung-thu-gia-la-binh-thuong-that-bat-nhan/1373098.html

'Thật bất nhẫn. Đến người bị ung thư, chuẩn bị bước vào cửa tử mà họ còn lừa tiền'... Đó là một trong rất rất nhiều ý kiến bạn đọc xung quanh phát biểu của nguyên tổng giám đốc VN Pharma.

Như đã thông tin, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và buôn lậu xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma vào sáng 21-8 tại TAND TP.HCM, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty Cổ phần VN Pharma) thừa nhận quá trình mua thuốc, thừa nhận đã “không chuẩn” khi dùng giấy tờ giả để hoàn thiện hồ sơ nhập khẩu thuốc như cáo trạng truy tố.

Khai trước tòa, bị cáo này đã mạnh miệng nói: “Bị cáo mua sản phẩm này cũng giống mua sản phẩm khác. Khi thực hiện có những việc không chuẩn, nhưng bị cáo khẳng định đây là sản phẩm kinh doanh bình thường, không có gì đặc biệt mà làm giả hoặc buôn lậu…”

Chính phát biểu coi thường sinh mạng đồng bào mình, vô cảm trước cái khổ của người bệnh, đã khiến nhiều bạn đọc phẫn nộ và đề nghị xử thật nặng để làm gương.

Bạn đọc Tạ Trường bức xúc: "Hết sức vô nhân tính, biết bao nhiêu người bị chết oan bởi những liều thuốc giả này. Hãy cho bọn người này cái giá mà chúng gây ra cho người khác nhất là những bệnh nhân ung thư."

Còn bạn đọc Huynh Lai cảm thán: "Người bệnh ung thư, tia hy vọng sống duy nhất là nhờ đến thuốc chữa bệnh, vậy mà vẫn lừa được".

Nhìn vấn đề sâu xa hơn, bạn đọc Trinh Tan: "Khi giết người, nạn nhân chết trong vài giây. Thuốc ung thư giả làm bệnh nhân đau đớn tuyệt vọng, chết từ từ, làm ảnh hưởng tinh thần, suy kiệt kinh tế của cả bệnh nhân và người thân. Chưa kể, thuốc giả làm hại cả ngàn mạng. Vậy tội nào nặng hơn?"

Đề nghị công lý xử thật nặng để làm gương, bởi vì đây là tội gián tiếp giết người, bạn đọc LN viết: "Đây không phải là giết người ư? Làm giả thuốc từ 2012, đến 2014 mới bị phát hiện. Bao nhiêu loại thuốc đã nhập? Bao nhiêu bệnh nhân bị lừa tiền mất tật mang? Thậm chí, chết vì không được uống thuốc thật để điều trị."

Truy tìm nguyên nhân dẫn đến việc làm ăn bất nhân này, một số bạn đọc cho rằng Bộ Y tế, mà cụ thể là Cục quản lý dược phải có phần trách nhiệm bởi đây là các loại biệt dược mà lại xét duyệt cho lưu hành quá dễ dàng, được nhập khẩu và lưu thông thoải mái.

Về vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Trường Giang đề nghị: "Tôi nghĩ cá nhân kinh doanh khó tránh khỏi cám dỗ. Tội thì rõ ràng rồi!. Nhưng, tôi xin đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế. Có như vậy mới trọn vẹn thế thời tình và lý."

 

Có nơi khám bệnh mới khang trang cho bệnh nhân ung thư

http://thanhnien.vn/suc-khoe/co-noi-kham-benh-moi-khang-trang-cho-benh-nhan-ung-thu-868262.html

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM, cho biết từ ngày 21.8, BV chính thức đưa vào hoạt động Khoa khám bệnh mới tại số 47 Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh, TP.HCM (đối diện BV chính).

Khoa khám bệnh mới gồm 5 tầng, được chia thành các khu vực: Khu tầm soát, khu xét nghiệm, siêu âm, giải phẫu bệnh, tiểu phẩu, chẩn đoán hình ảnh… Về giờ giấc hoạt động, BV sẽ tiếp nhận bệnh từ 5 giờ 30 mỗi ngày. Khi người bệnh khi có chỉ định nhập viện sẽ được vận chuyển vào khu điều trị nội trú tại cơ sở chính bằng xe điện nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân khi qua đường.

Như vậy, Khoa khám bệnh mới khang trang này sẽ dành cho bệnh nhân mới, có thể tiếp nhận 1.800 đến 2.000 lượt khám mỗi ngày. Bệnh nhân khám ung thư cũng không còn cảnh ngồi chen lấn trong không khí oi bức ở Khoa khám bệnh cũ ở BV chính. Khoa khám bệnh cũ sẽ được làm khu văn phòng và mở rộng nội trú nhi và chăm sóc giảm nhẹ.

Tuy nhiên, với những bệnh nhân tái khám (khoảng 1.000 lượt/ngày) thì vẫn sẽ khám tại Khu B của BV chính như trước đây.

 

Cứu sống bệnh nhân hồi tỉnh trong lúc đang chuẩn bị hậu sự

http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/cuu-song-benh-nhan-hoi-tinh-trong-luc-dang-chuan-bi-hau-su-1179861.tpo

Sau khi điều trị 2 ngày tại một BV lớn ở TPHCM, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ngày càng xấu. Vì thấy tình trạng bệnh quá nặng không thể cứu chữa được, bác sĩ khuyên nên đưa bệnh nhân về nhà. Trong lúc gia đình đang chuẩn bị hậu sự thì người đàn ông này có dấu hiệu hồi sức, được gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời, nên đã được cứu sống.

Ngày 21/8, thông tin từ BV Trưng Vương( TPHCM) cho biết vừa cứu sống bệnh nhân  P.V.L( 61 tuổi, quê Long An) có dấu hiệu hồi sức trong lúc gia đình đang chuẩn bị thắp nhang lo hậu sự cho ông.

Theo BS Nguyễn Thiên Bình( Trưởng Khoa hồi sức tích cực, BV Trưng Vương), bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản. Các BS phải tiến hành sử dụng thuốc vận mạch liều cao. Kết quả xét nghiệm cho thấy bênh nhân bị tổn thương đa cơ quan, trong đó có gan và thận.

Trước đó bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu tại một BV ở địa phương khi có dấu hiệu đau dữ dội ở ngực, vã mồ hôi và người tái xanh. Tại BV này, ông L đã có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở và được chuyển lên một BV tuyến trên tại TPHCM. Các BS khuyên người nhà nên đưa bệnh nhân về vì không thể cứu chữa được.

Trong lúc gia đình đang chuẩn bị hậu sự cho bệnh nhân thì ông L có dấu hiệu hồi tỉnh. “Lúc mọi người cột 2 chân của ông để khi mất chân thẳng, không bị cong và đang thắp nhang, chuẩn bị một nồi cháo to để cúng thì ông L có dấu hiệu cử động. Tôi thấy tay ông ngoắc nên liền nói với người nhà. Lập tức gia đình chuyển ngay đến BV Trưng Vương để cấp cứu”, một người thân của bệnh nhân cho biết.

Nhận xét về trường hợp của bệnh nhân L, các BS tại BV Trưng Vương cho biết qua các xét nghiệm cận lâm sàn phát hiện ông L có một hiện tượng may mắn, cơ thể tái thông  tự nhiên. “Cục huyết khối do nhồi máu cơ tim của bệnh nhân này giảm dần, sức khỏe hồi phục và huyết áp ngày càng ổn định”, BS Bình thông tin.

Hiện tại sức khỏe của ông L đã ổn định, tự đi đứng, ăn uống bình thường.

 

Vụ VN Pharma: Cục Quản lý dược có trách nhiệm gì?

http://nld.com.vn/thoi-su/vu-vn-pharma-cuc-quan-ly-duoc-co-trach-nhiem-gi-20170822224608774.htm

Cục Quản lý dược đã để Công ty CP VN Pharma lợi dụng sơ hở thực hiện hành vi buôn lậu thuốc kém chất lượng

Ngày 22-8, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Buôn lậu" xảy ra tại Công ty CP VN Pharma.

Phủ nhận hành vi

Tại phiên tòa, 2 bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty Hàng hải Quốc tế H&C) tiếp tục phủ nhận trách nhiệm về nguồn gốc của lô thuốc chữa bệnh ung thư giả. "Chúng tôi nhập khẩu thuốc chỉ để phục vụ bệnh nhân. Chúng tôi sẵn sàng không cần thu về lợi nhuận để phục vụ cho nền y tế" - bị cáo Hùng khẳng định. Luật sư của Nguyễn Minh Hùng còn phủ nhận vai trò đồng chủ mưu của Cường và Hùng, cho rằng bị cáo Hùng chỉ giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho Cường.

Trả lời về vấn đề này, bị cáo Võ Mạnh Cường trình bày: "Bị cáo không chịu trách nhiệm về nguồn gốc lô thuốc. Bị cáo hoàn toàn không biết gì về dược, mà chỉ là người môi giới cho 2 công ty gặp nhau nói chuyện trực tiếp. Bị cáo không biết sản phẩm là giả, cũng không tham gia các việc khác". Theo luật sư của bị cáo Cường, hành vi mua bán thuốc giữa Cường và Hùng chỉ diễn ra sau khi Bộ Y tế cấp phép nên về mặt thủ tục pháp lý thì số thuốc này được coi là hợp pháp.

Phát biểu quan điểm luận tội, đại diện VKSND cho rằng Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ kỹ thuật để được cấp phép nhập khẩu thuốc. Ngoài ra, bị cáo này còn sử dụng con dấu, chữ ký của 2 công ty nước ngoài để làm giả hợp đồng mua bán, nhập khẩu nhiều loại thuốc. Còn bị cáo Võ Mạnh Cường đóng vai trò giới thiệu bán thuốc. Cụ thể, Cường mua thuốc với giá 0,6 USD/viên, bán lại cho Hùng giá 0,9 USD/viên để hưởng 2 tỉ đồng tiền chênh lệch. "Võ Mạnh Cường và Nguyễn Minh Hùng đóng vai trò cầm đầu như nhau trong vụ án. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, nhập hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dung" - đại diện VKSND nhấn mạnh.

"Lỗi do cơ chế, quy trình"

Cũng tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng cho rằng cần chia vụ án thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, Công ty CP VN Pharma có chức năng kinh doanh đúng ngành nghề, không xảy ra sai phạm. Giai đoạn 2 là sau khi công ty này có giấy phép tiến hành nhập khẩu, Nguyễn Minh Hùng có chỉ đạo cấp dưới là trách nhiệm của lãnh đạo phải chỉ đạo cấp dưới làm việc. Giai đoạn 3, sau khi công ty nhập khẩu thuốc, Nguyễn Minh Hùng nghi ngờ thuốc không bảo đảm chất lượng nên đã gửi mẫu đi thẩm định. Theo luật sư này, thân chủ của ông không chủ động sai phạm, nếu có lỗi là do cơ chế, quy trình.

Trong khi đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Mạnh Cường cho rằng cần xem xét bản chất vụ án bởi bị cáo không biết lô thuốc này và các giấy tờ là giả. Theo luật sư, cần bảo đảm tính khách quan trong giám định lô thuốc, đề nghị trưng cầu giám định lại với thành phần Hội đồng giám định mới, không có các thành viên thuộc Cục Quản lý dược.

Cụ thể, Cục Quản lý dược đã cấp giấy phép nhập khẩu cho Công ty CP VN Pharma nhập 9.300 hộp thuốc chữa bệnh ung thư. Đồng thời, theo Hội đồng Giám định thì chất lượng thuốc này chưa đạt tiêu chuẩn. Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500 mg nói trên chứa 97% hoạt chất Capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng chữa bệnh cho người.

"Đề nghị xem xét cơ quan này không phát hiện được những điểm không thống nhất trong hồ sơ thuốc, dẫn đến quyết định duyệt cho nhập khẩu. Cục Quản lý dược chưa làm hết trách nhiệm để cho Công ty CP VN Pharma lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, cấp phép, thực hiện hành vi buôn lậu thuốc" - vị luật sư nói.

 

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ thông tin nhân viên y tế bị hành hung ở Bệnh viện Đa khoa 115

http://baotintuc.vn/phap-luat/bo-y-te-yeu-cau-lam-ro-thong-tin-nhan-vien-y-te-bi-hanh-hung-o-benh-vien-da-khoa-115-20170822204424383.htm

Bên cạnh đề nghị Sở Y tế Nghệ An khẩn trương xác minh thông tin báo chí nêu, Bộ Y tế còn yêu cầu Bệnh viện Đa khoa 115 phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an địa phương điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm đối với người đã hành hung nhân viên y tế trong vụ việc.

Ngày 22/8, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, trước thông tin trên các phương tiện truyền thông ngày 21/8 phản ánh về trường hợp một nhân viên y tế bị người nhà người bệnh hành hung tại Phòng Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa 115 tỉnh Nghệ An trong khi đang thực hiện nhiệm vụ, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa 115 khẩn trương xác minh thông tin báo chí nêu.

Bên cạnh đó, Bệnh viện phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an địa phương điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm đối với người đã hành hung nhân viên y tế trong vụ việc nêu trên.

Sở Y tế tỉnh Nghệ An chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa 115 nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường bảo đảm an ninh trật tự bệnh viện; báo cáo nhanh kết quả xử lý vụ việc về Bộ Y tế trước ngày 26/8/2017.

 

Luật sư đề nghị điều tra lại vụ buôn lậu thuốc của VN Pharma

http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/luat-su-de-nghi-dieu-tra-lai-vu-buon-lau-thuoc-cua-vn-pharma-69980.html

http://www.baohaiquan.vn/pages/de-nghi-muc-an-12-nam-tu-doi-voi-nguyen-giam-doc-vn-pharma.aspx

http://phununews.vn/tin-tuc/cuu-chu-tich-vn-pharma-xin-giam-nhe-hinh-phat-217104/

http://anninhthudo.vn/phap-luat/hanh-vi-ban-thuoc-gia-phai-bi-coi-la-toi-ac/738953.antd

Cho rằng các bị cáo thực hiện đúng quy trình ký hợp đồng nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg Caplet nên không thể gọi là buôn lậu thuốc, trong khi đó quy trình thủ tục tố tụng bị vi phạm nghiêm trọng, các luật sư bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại.

Hợp đồng mua bán là đúng quy định (!)

Trong phần tranh luận tại tòa vào chiều 22.8, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 2 bị can được xem là cầm đầu trong vụ “buôn lậu thuốc chữa bệnh” là Nguyễn Minh Hùng, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma và Võ Mạnh Cường - nguyên Giám đốc công ty TNHH Thương Mại và Hàng hải Quốc tế H&C (Công ty H&C).

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Hùng thì thân chủ của mình đàm phán và ký hợp đồng với Công ty Helix Canada để mua 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet (thuốc chữa bệnh ung thư) là hoàn toàn đúng, và sau đó thông qua Công ty Austin (Hồng Kông) đề chuyển số thuốc trên về Việt Nam và được Hải quan cửa khẩu Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra cho nhập là hoàn toàn hợp lệ, không thể nói là buôn lậu.

Vị luật sư bào chữa cho bị cáo Hùng đã trưng giấy ủy quyền của Công ty Helix Canada cho ông Võ Mạnh Cường làm người đại diện của công ty này.

Trong giấy ủy quyền cho ông Cường làm đại diện Công ty Helix Canada có chữ ký của người lãnh đạo công ty này là Raymundo để trực tiếp trao đổi, đàm phán với ông Hùng, người đại diện cho Công ty Cổ phần VN Pharma.

“Chúng ta không thể nói ông Cường là người môi giới, vì ông ta có giấy ủy quyền của Công ty Helix Canada - nơi sản xuất thuốc H-Capita 500mg Caplet - làm người đại diện để đứng ra đàm phán nên ông Hùng có quyền đàm phán với ông Cường. Sau đó 2 bên đã đồng ý ký hợp đồng mua bán thuốc H-Capita 500mg Caplet là điều hợp lý”, vị luật sư này nhấn mạnh.

Cũng theo vị luật sư này, chính ông Cường có giấy ủy quyền làm người đại diện cho Công ty Helix Canada, nên khi ông này đưa ra những giấy tờ có liên quan đến công ty như giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) để được lưu hành thuốc trên thế giới và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) do Bộ Y tế Canada cấp và được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada nên ông Hùng không thể nào không tin.

“Toàn bộ giấy tờ trên ông Cường đã cung cấp cho ông Hùng rất hợp lệ, nên không thể nào ông Hùng nghĩ những giấy tờ trên là giả được, nhưng sau này được Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) xác định là giấy tờ giả. Như vậy, bị cáo Hùng chỉ là nạn nhân của một việc làm ăn gian dối. Nếu biết giấy tờ trên là giả mạo thì chắc chắn bị cáo Hùng đã không đàm phán để ký hợp đồng”, vị luật sư này cho biết.

Đề cập đến việc ông Hùng chỉ đạo cho 2 nhân viên dười quyền mình là Bùi Ngọc Duy - Trưởng phòng nghiên cứu phát triển Công ty Cổ phần VN Pharma - và Hoàng Trúc Vy - nhân viên của phòng này - tự làm Hồ sơ kỹ thuật cũng như “tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc” đối với thuốc H-Capita 500mg Caple là sai quy trình, chứ không phải là giả tạo.

“Lẽ ra hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg Caplet phải do Công ty Helix Canada thực hiện. Tuy nhiên do Công ty VN Pharma muốn đẩy nhanh tiến độ nhập thuốc này nên đã làm luôn hồ sơ kỹ thuật để đưa cho Công ty Helix Canada xem và ký sau đó chuyển lại cho VN Pharma để có đầy đủ hồ sơ xin Cục quản lý Dược cấp phép nhập khẩu. Thật ra hồ sơ kỹ thuật của loại thuốc này theo tiểu chuẩn Mỹ (cũng là tiêu chuẩn mà Canada áp dụng) có đầy trên mạng, chỉ chép lại là xong”, vị luật sư này phân tích.

“Vừa đá bóng vừa thổi còi”?

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM, kết quả giám định số 31/ KLGĐ-BYT ngày 22.4.2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế kết luận: “Lô thuốc H-Capita 500mg Caplet nói trên chứa 97% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được làm thuốc chữa bệnh cho người”.

Luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho bị cáo Võ Mạnh Cường, cho rằng kết luận trên là hoàn toàn không hợp lý. “Theo tìm hiểu của tôi, hoạt chất Capecitabine được chỉ định trong điều trị ung thư đại trực tràng, ung thư vú và các hội chứng khác nên không thể nói là thuốc giả, kém chất lượng; còn việc chỉ còn 97% hoạt chất này có thể là do để thời gian lâu ngày nên thuốc đã bị lẫn thêm tạp chất”, ông Hoài nói.

Tuy nhiên luật sư Hoài cho rằng sai phạm nghiêm trọng nhất ở đây là vi phạm Luật tố tụng. Cục quản lý Dược, đơn vị cấp giấy phép nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg Caple cũng là đơn vị giám định thuốc. “Ông Cục trưởng Cục quản lý Dược chính là chủ tịch Hội đồng giám định, trong khi cũng chính ông này là người ký công văn cho phép nhận khẩu lô thuốc H-Capita 500mg Caplet. “Vừa đá bóng vừa thổi còi” như thế là sai phạm nghiêm trọng Luật tố tụng”, luật sư Hoài  chia sẻ.

Bên cạnh đó, luật sư Hoài cũng đề nghị Hội đồng xét xử phải làm rõ người đứng đằng sau trong vụ án này chính là Raymundo, đó là người ký ủy uyền cho ông Cường trực tiếp đàm phán, cũng như các giấy tờ khác của Công ty Helix Canada đều do người này ký.

“Cần phải triệu tập Raymundo đến tòa để làm rõ những vấn đề nói trên. Người này chính là người có quyền và liên quan đến vụ án; đồng thời làm rõ mối quan hệ của người này với các bị cáo trên. Việc giám định lô thuốc H-Capita 500mg Caplet phải do một đơn vị độc lập, chứ không thể nào để Cục quản lý Dược vừa đá bóng vừa thổi còi là vi phạm luật tố tụng. Do đó, tôi đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ, điều tra trở lại”, luật sư Hoài đề nghị.

 

Bình Định: Sản phụ đau quằn quại gần 10 ngày sau sinh, GĐ Trung tâm Y tế không hay biết?

http://dantri.com.vn/suc-khoe/san-phu-dau-quan-quai-gan-10-ngay-sau-sinh-gd-trung-tam-y-te-khong-hay-biet-20170823030307643.htm

Gần 10 ngày sau sinh, sản phụ Vân vẫn bị hành hạ bởi những cơn đau vật vã vì 2 lần bị cắt, khâu lại “cửa mình”. Quá lo lắng, gia đình xin chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng không đồng ý. Còn ông giám đốc trung tâm y tế thì không hay về vụ việc?

Trưa ngày 22/8, báo Dân trí nhận được thông tin của bạn đọc phản ánh về việc sản phụ Trần Thị Hồng Vân (24 tuổi, trú thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định) sinh đẻ thường tại Trung tâm Y tế huyện Phù Cát, đã phải tự thuê xe lên bệnh viện tuyến trên trong tình trạng đau đớn vật vã sau 10 ngày điều trị tại Trung tâm Y tế huyện do các bác sĩ ở đây không đồng ý chuyển viện.

Theo trình bày của bà Trần Thị Cúc (50 tuổi, mẹ ruột sản phụ Vân), khoảng 3h sáng ngày 13/8, sản phụ Vân sinh đẻ thường tại Trung tâm Y tế huyện Phù Cát. Tuy nhiên, sau khi sinh chị Vân bị đau bụng dữ dội. Các sĩ thăm khám thì phát hiện nguyên nhân gây đau là do bị chảy máu, tụ máu trong bụng.

“Đẻ nhanh hay đẻ lâu thì sau khi sinh, bác sĩ cũng phải may (bấm) cửa mình hết. Nhưng do bác sĩ làm không cẩn thận nên bị chảy máu, đóng cục bên trong bụng. Sau đó, bác sĩ đưa vào phòng mổ cắt ra, may lại lần 2, nhưng đến giờ vẫn đau không đi được. Giờ cháu đau quá, gia đình lo lắng xin chuyển vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định điều trị, nhưng bác sĩ nói để lại theo dõi điều trị. Hai lần cắt ra may lại con tôi đã đau lắm rồi, nếu phải cắt ra may lần ba thì sợ con tôi chịu không nổi”- bà Cúc nói trong lo lắng.

Cũng theo gia đình sản phụ, đến khoảng 15h chiều 22/8, không đành lòng nhìn chị Vân đau đớn nên gia đình tự thuê xe chuyển đi vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định điều trị.

Chị Trần Thị Nga (45 tuổi, cô ruột sản phụ Vân), cho biết: “Ở bệnh viện huyện Phù Cát, bác sĩ khám nói không sao, nhưng vào bệnh viện đa khoa tỉnh thì bác sĩ khám nói bị sót nhau. Nếu bác sĩ có chuyên môn cao thì không để xảy ra sự việc này, cháu tôi không phải chịu đau đớn vì may đi may lại”.

Để làm rõ về vụ việc trên, chiều 22/8, PV Dân trí đã liên lạc qua điện thoại với ông Võ Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phù Cát (Bình Định), nhưng ông Chí vẫn chưa nắm được thông tin và nói đang dự đại hội, để ông hỏi lại Khoa Sản. Tuy nhiên, hơn 1 tiếng sau, PV tiếp tục liên lạc bằng điện thoại với ông Chí, nhưng vị giám đốc trung tâm này không nghe máy.

 

Sơn La: 13 người ngộ độc vì dùng nước sinh hoạt nhiễm thuốc trừ sâu

http://dantri.com.vn/suc-khoe/13-nguoi-ngo-doc-vi-dung-nuoc-sinh-hoat-nhiem-thuoc-tru-sau-20170822101548423.htm

13 người (trong đó có 3 trẻ em) ở bản Phiêng Pồng, xã Nà Nghịu (huyện Sông Mã, Sơn La) đều bị ngộ độc phải vào viện cấp cứu. Theo chính quyền địa phương, nguyên nhân ban đầu là do những người này dùng nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm.

Liên quan đến sự việc trên, ông Lò Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nà Nghịu cho biết, ngày 21/8, 13 người của 3 gia đình, trong đó có 3 trẻ em tại địa phương trên đã bị mắc các triệu chứng đau bụng, nhức đầu, buồn nôn sau khi dùng nước sinh hoạt không qua đun sôi.

Sau đó, nguyên nhân được xác định do 3 gia đình có đào một hố chứa nước trên khe đồi để dẫn nước về dùng chung. Trong khi đó, hai bên đồi người dân trồng lúa đã tiến hành phun thuốc trừ sâu cho lúa. Do trời mưa to kéo dài, nguồn nước trên đã bị nhiễm thuốc trừ sâu.

Hiện tại, sức khỏe các bệnh nhân đã trở bình thường, 7 người đã được xuất viện, những người còn lại đang được tiếp tục điều trị, theo dõi.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang