Cấp cứu nạn nhân bị đâm nguy kịch
Ngày 23-11, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, sau một tuần điều trị tích cực nhưng tính mạng của nạn nhân V.V.Q, 55 tuổi ở huyện Thái Thụy (Thái Bình) vẫn rất nguy kịch do suy đa tạng. Người bệnh nhập viện đêm 15-11 trong tình trạng sốc mất máu do bị một con dao bầu cắm thẳng từ gáy. Các bác sĩ đánh giá, người bệnh bị dao đâm từ gáy, xuyên qua cột sống vào động mạch chủ. Đây là vị trí quan trọng và cũng là động mạch lớn nhất cơ thể, xuất phát từ tim và đi qua giữa ngực - bụng để dẫn máu đến các tạng và toàn bộ cơ thể.
Không kịp làm xét nghiệm cũng như chụp, chiếu các bác sĩ đưa thẳng người bệnh vào phòng mổ và áp dụng hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể bằng máy tim phổi nhân tạo và thực hiện phẫu thuật rút dao ra khỏi cơ thể. Sau khoảng 30 phút với các bước phẫu thuật lấy dị vật không theo nguyên tắc thông thường, con dao có vùng đâm vào cơ thể ước tính dài gần 20 cm, rộng 5,5 cm đã được rút ra khỏi cơ thể nạn nhân.
Dù được cứu, nhưng hiện tại sức khỏe nạn nhân tiên lượng vẫn rất xấu. Ngoài vết thương do dao đâm thấu nhiều bộ phận cơ thể khiến mất rất nhiều máu, nạn nhân này còn bị gãy xương cẳng chân.
* Ngày 23-11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cứu sống một người bệnh mắc sốt xuất huyết gây chèn ép tim cấp tính, rất hiếm gặp. Theo các y, bác sĩ tại bệnh viện, trên thế giới mới chỉ ghi nhận được hai ca (tại Mỹ và Ấn Độ) mắc bệnh như trên. Người bệnh là anh Trần Tuấn Quốc (24 tuổi) ở phường 4, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng). Anh Quốc nhập viện trong tình trạng còn tỉnh táo nhưng sau ba ngày điều trị bằng các biện pháp thông thường thì chuyển sang sốc nặng, tim đập nhanh, da tím tái, huyết áp tăng cao và dương tính với sốt xuất huyết. Bệnh viện đã nhanh chóng điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế và đến nay, tình trạng sức khỏe của người bệnh đã dần phục hồi.
http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/28065702-cap-cuu-nan-nhan-bi-dam-nguy-kich.html
Vụ “ác mộng tế bào gốc”: Lập hội đồng chuyên môn kiểm tra phòng khám đa khoa Bác Ái
Ngày 14.10, báo Lao Động có loạt bài điều tra: “Phòng khám đa khoa (PKĐK) Bác Ái: Làm tiền trên nỗi đau của người bệnh”. Bài báo phanh phui PKĐK Bác Ái (thuộc Cty TNHH Trung tâm y khoa quốc tế Bác Ái, địa chỉ 601B Cách Mạng Tháng Tám, P.15, Q.10, TP HCM) bị tố cáo chữa bệnh bằng “cấy tế bào gốc”, để lấy của bệnh nhân hàng trăm triệu đồng.v.v… Ngay sau bài báo, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã vào cuộc xác minh sự việc.
Ngày 19.11.2015, ông Tăng Chí Thượng – Phó GĐ Sở Y tế TP HCM – ra văn bản số 8274/SYT-TTra, gửi Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế), báo cáo sơ bộ công tác thanh kiểm tra PKĐK Bác Ái, theo phản ánh của báo Lao Động. Theo Sở Y tế TP HCM, trước dấu hiệu vi phạm trong việc điều trị cho bệnh nhân Dương Minh Đức, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra PKĐK Bác Ái và Cty TNHH – TM Nam Khoa (Q.7, TP HCM).
Tại PKĐK Bác Ái, thực tế cho thấy PK đang hoạt động. Đoàn kiểm tra thực tế PK có bác sĩ Nguyễn Thị Chinh đang thực hiện khám trĩ và tiêm BG60 cho bệnh nhân. Qua các sổ và phiếu điều trị có các bác sĩ tham gia điều trị gồm: Trần Thiên Định, Bùi Ngọc Thuận, Nguyễn Thị Kim Liên và Ciro Gargiulo (người Ý).
Ngày 2.11, Thanh tra Sở Y tế làm việc với bà Nguyễn Thị An Khánh (bác sĩ phụ trách chuyên môn) và bà Nguyễn Cao Diễm Kiều (Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Trung tâm y khoa quốc tế Bác Ái). PKĐK Bác Ái chỉ xuất trình chứng chỉ hành nghề bác sĩ của Nguyễn Thị Chinh, Nguyễn Thị Kim Liên và Trần Thiên Định. Riêng Bùi Ngọc Thuận và Ciro Gargiulo, vẫn chưa xuất trình được chứng chỉ hành nghề.
Trong khi đó, bà Khánh đã “tự nghỉ việc” từ tháng 4.2015, do đang điều trị ung thư, chưa thông báo cho Sở Y tế biết. Như vậy, suốt thời gian từ tháng 4 – tháng 6.2015, trùng với thời gian PKĐK Bác Ái chữa bệnh cho 3 bệnh nhân Dương Minh Đức, Bạch Thế Dũng và Dương Thị Thanh Hương (báo Lao Động đã phản ánh), PKĐK Bác Ái hoàn toàn không có bác sĩ phụ trách chuyên môn, nhưng vẫn chữa trị cho bệnh nhân…
hanh tra Sở Y tế đã yêu cầu PKĐK Bác Ái cung cấp toàn bộ hồ sơ điều trị và các giấy tờ có liên quan đến bệnh nhân Dương Minh Đức. Ngày 3.11, PKĐK Bác Ái cung cấp cho Thanh tra Sở Y tế hồ sơ bệnh án, bảng kê chi tiết thanh toán tiền của bệnh nhân Dương Minh Đức.
Kiểm tra tại Cty TNHH – TM Nam Khoa, Thanh tra Sở Y tế phát hiện Cty này chưa có hồ sơ pháp lý phòng xét nghiệm. Tuy nhiên, không hiểu tại sao, Cty Nam Khoa vẫn thực hiện các mẫu xét nghiệm, nuôi cấy tế bào gốc cho các bệnh nhân (theo tố cáo của bệnh nhân Dương Minh Đức) ?
Kiểm tra tại phòng nghiên cứu và phát triển của Cty Nam Khoa, Thanh tra Sở Y tế phát hiện hàng loạt thiết bị xét nghiệm như: Tử cấy vi sinh, máy giải mã gien), 2 máy PCR, máy ly tâm và tủ ủ ấm. Sở Y tế đã yêu cầu Cty Nam Khoa cung cấp danh sách các bệnh nhân do PKĐK Bác Ái chuyển đến Cty Nam Khoa thực hiện các xét nghiệm.
Qua xem xét hồ sơ bệnh án của ông Dương Minh Đức, hồ sơ của PKĐK Bác Ái cung cấp và hồ sơ của Cty Nam Khoa, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho rằng: Tại hồ sơ bệnh án của ông Dương Minh Đức, PKĐK Bác Ái “chưa có chẩn đoán bệnh lý”, nhưng lại “chỉ định điều trị” và việc chỉ định điều trị cũng “chưa phù hợp”. Những thông tin trên không được ghi rõ trong hồ sơ bệnh án… Thanh tra Sở Y tế cũng xác nhận “vụ việc tố cáo có liên quan đến kỹ thuật điều trị tế bào gốc”. Và, hồ sơ pháp lý phòng xét nghiệm của Cty TNHH – TM Nam Khoa chưa có.
Từ đó, Thanh tra Sở Y tế TP HCM kiến nghị Bộ Y tế cho phép Sở Y tế TP HCM thành lập Hội đồng chuyên môn nhằm xác định vụ việc có liên quan đến tế bào gốc – PKĐK Bác Ái (áp dụng kỹ thuật điều trị cho bệnh nhân) và Cty Nam Khoa (thực hiện xét nghiệm cho bệnh nhân Dương Minh Đức) để thanh tra làm căn cứ giải quyết, xử lý vụ việc.
http://laodong.com.vn/xa-hoi/vu-ac-mong-te-bao-goc-lap-hoi-dong-chuyen-mon-kiem-tra-phong-kham-da-khoa-bac-ai-399792.bld
Phòng, chống lạm dụng thuốc kháng sinh
Sử dụng kháng sinh tràn lan, không kiểm soát đang là mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị. Trước nguy cơ này, Sở Y tế Hà Nội đã phát động Tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc đến tất cả các đơn vị trong ngành và phấn đấu thu được 100 nghìn chữ ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.
Trưởng Bộ môn Dược lâm sàng, Trường đại học Dược Hà Nội Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, kháng thuốc đang trở thành gánh nặng toàn cầu. Đối với Việt Nam, vấn đề này càng đáng lo ngại khi tình trạng lạm dụng kháng sinh tràn lan như hiện nay, với 62% người dân sử dụng kháng sinh không theo đơn, thậm chí có địa phương con số này lên đến hơn 90%. “Kháng sinh đang được bán quá dễ dàng, ai cũng có thể mua” - bà Hương nhấn mạnh.
Không chỉ bệnh nhân, mà bác sĩ cũng lạm dụng kê đơn kháng sinh. Qua nghiên cứu của Bộ môn Dược lâm sàng, Trường đại học Dược Hà Nội, có đến 50% số hồ sơ bệnh án sử dụng kháng sinh. “Có những bệnh án, chúng tôi không tìm được lý do để sử dụng kháng sinh; có những bệnh nhân chỉ có dấu hiệu của nhiễm khuẩn như ho, sốt cũng bị bác sĩ kê đơn kháng sinh” - bà Hương cho biết.
Còn theo khảo sát mới đây của Bộ Y tế, có tới 91% số nhà thuốc ở nông thôn và 80% số nhà thuốc ở thành thị bán kháng sinh mà không cần đơn thuốc, 76% số bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% số người bệnh bị kháng thuốc. Trong khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4, chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% tổng chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân.
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), sử dụng kháng sinh là cần thiết để điều trị người bệnh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, nhất là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Chính vì thế, chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đang đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
Đềcập vấn đề này, TS Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, hiện nay, kháng thuốc đã trở nên nguy hiểm, cấp bách, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh. Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị y tế ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Cũng theo bác sĩ Yên, việc ký cam kết chỉ là sự khởi đầu của chiến dịch phòng, chống lạm dụng kháng sinh. Hy vọng sự khởi đầu này sẽ bền vững để các thầy thuốc cũng như người dân chung tay ngăn chặn tình trạng lạm dụng kháng sinh. Tới đây, Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các bệnh viện, nhà thuốc trên địa bàn.
Ngày 22-11, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức mít-tinh Tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc với chủ đề “Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”. Tuần lễ truyền thông nhằm thu hút sự chú ý và quan tâm của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp… về phòng, chống kháng thuốc; nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường... Trong Tuần lễ này, Bộ Y tế vận động lấy một triệu chữ ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.
http://www.nhandan.org.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/28060902-phong-chong-lam-dung-thuoc-khang-sinh.html
8 đoàn kiểm tra việc đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký quyết định số 4959/QĐ-BYT về việc thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” , trong đó có 5 đoàn do 5 đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế, 2 đoàn do đồng chí Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế TP.HCM làm trưởng đoàn. Và một đoàn trực tiếp bất cứ lúc nào đến do Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ- Bộ Y tế làm trưởng đoàn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký quyết định số 4959/QĐ-BYT về việc thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” , trong đó có 5 đoàn do 5 đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế, 2 đoàn do đồng chí Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế TP.HCM làm trưởng đoàn. Và một đoàn trực tiếp bất cứ lúc nào đến do Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ- Bộ Y tế làm trưởng đoàn.
Theo quyết định này, đoàn kiểm tra số 1 do Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên làm trưởng đoàn sẽ đi kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnhtrực thuộc Bộ do Thứ trưởng phụ trách và các cơ sở khám chữa bệnh thuộc 9 Sở Y tế các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Hồng gồm: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc.
Đoàn kiểm tra số 2 do Thứ trưởng Nguyễn Viêt Tiến làm trưởng đoàn sẽ đi kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ do Thứ trưởng phụ trách và các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Sở Y tế 5 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đoàn kiểm tra số 3 do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn sẽ đi kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ do Thứ trưởng phụ trách và các cơ sở khám chữa bệnh thuộc 5 Sở Y tế khu vực Tây Nguyên gồm: Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng
Đoàn kiểm tra số 4 do Thứ trưởng Lê Quang Cường làm trưởng đoàn sẽ đi kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ do Thứ trưởng phụ trách và các cơ sở khám chữa bệnh thuộc 6 Sở Y tế vùng Bắc Trung Bộ và 8 Sở Y tế khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Đoàn kiểm tra số 5do Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn làm trưởng đoàn sẽ đi kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ do Thứ trưởng phụ trách và các cơ sở khám chữa bệnh thuộc 15 Sở Y tế khu vực Tây Bắc
Đối với hai đoàn kiểm tra do Sở Y tế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thành lập sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở quản lý
Riêng đoàn kiểm tra số 8 do TS Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc theo kiến nghị, phản ánh trực tiếp, gián tiếp của công dân qua “đường dây nóng”, hòm thư góp ý và qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo quyết định của Bộ Y tế, việc kiểm tra này sẽ tập trung vào các nội dung: Việc thành lập ban chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; kết quả của việc tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế; Việc thực hiện nội dung thành lập đơn vị chăm sóc “khách hàng”; kiểm tra việc thực hiện trang phục của cán bộ y tế; kết quả triển khai thực hiện “đường dây nóng” theo Chỉ thị số 09/CT- BYT; kết quả duy trì, củng cố hòm thư góp ý; Việc triển khai đề án “Tiếp sức người bệnh trong bệnh viện” (áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ); kết quả xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực; Kết quả tổ chức ký cam kết ,thực hiện các nội dung cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh…
Theo TS Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, việc cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” là một quyết định hành chính nhưng lại trở thành một phong trào do Công đoàn Y tế Việt Nam phát động và được đón nhận bởi xã hội. Đảng và Nhà nước cũng đánh giá rất cao, đặc biệt là được người dân tán đồng. Đến nay, việc khởi động cuộc vận động ký cam kết trên đã được triển khai thực hiện tại tất cả các vùng miền trong cả nước, bắt đầu từ miền Bắc tới miền Nam và miền Trung. Hiện nay mới 5 tháng nhưng đã có khoảng trên 80 BV trên cả nước ký cam kết. Tính trong các bệnh viện của Bộ cũng đã có 25/38 bệnh viện trực thuộc ký cam kết. Tiến tới đầu năm 2016 sẽ hoàn thành ký kết ở tất cả các bệnh viện với gần nửa triệu cán bộ y tế đặt bút ký.
“Trong thời gian qua, bước đầu thực hiện cho thấy kế hoạch đổi mới được người dân hưởng ứng rất tích cực và cán bộ y tế cũng đang rất nỗ lực thực hiện, với những kết quả ban đầu rất khích lệ. Ví dụ như qua hoạt động của Đường dây nóng y tế theo Chỉ thị 09 và Hòm thư góp ý theo Thông tư 25 cho thấy, những phản ánh bức xúc của người dân khi đi khám chữa bệnh đã giảm dần, lời khen đã nhiều hơn tiếng chê. Người dân khi đi khám chữa bệnh cũng đã cảm nhận được sự thay đổi, chuyển mình thực sự của các y, bác sĩ trong hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện nhưng tất nhiên không thể là tuyệt đối 100%.”- Vụ trưởng Phạm Văn Tác thông tin
http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/8-doan-kiem-tra-viec-doi-moi-phong-cach-phuc-vu-cua-can-bo-y-te-20151123163440914.htm
Lùi thời điểm tăng viện phí
Theo dự kiến ban đầu, cuối tháng 11/2015 sẽ thực hiện điều chỉnh giá của hơn 1800 dịch vụ y tế. Tuy nhiên sau đó, lịch trình này có thay đổi lùi đến 15/12 và đến nay, liên bộ tiếp tục giãn thời gian thực hiện điều chỉnh viện phí vào một thời điểm thích hợp trong năm 2016.
Thông tin trên được ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết chiều 22/11, tại chương trình đối thoại trực tiếp "Điều chỉnh giá dịch vụ y tế hướng tới quyền lợi của người bệnh" do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.
Trước đó, một thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) về điều chỉnh mức giá viện phí dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 11/2015. Tuy nhiên sau đó thông tư này được lùi thời điểm điểm ban hành và thực hiện. Theo ông Liên, việc lùi thời điểm tăng giá các dịch vụ y tế là để Bộ Y tế có thời gian tập huấn cho các cơ sở y tế về chính sách viện phí mới, đồng thời tuyên truyền cho người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trước khi giá viện phí được áp dụng đồng loạt đối với tất cả các đối tượng.
Bởi theo báo cáo, hiện vẫn còn hơn 10 địa phương có tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt dưới mức 60%. Trong khi đó, việc điều chỉnh giá được thực hiện gồm 2 lộ trình. Cụ thể giai một mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật) và điều chỉnh giá lần này chỉ áp dụng cho người có thẻ BHYT (đối tượng chưa có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh vẫn được áp giá cũ). Còn giai đoạn hai sau đó giá viện phí mới sẽ gồm cả tiền lương và sẽ được tính chung cho mọi đối tượng khi đi khám chữa bệnh.
Như vậy, ở giai đoạn 2, khi mà giá viện phí được bao gồm cả tiền lương của nhân viên y tế và sẽ được thực hiện thống nhất trên toàn quốc cho mọi đối tượng, lúc này, những người không có thẻ BHYT sẽ là những đối tượng bị tác động lớn nhất do chi phí y tế tăng cao.
Một đại diện BHXH VN giải thích, khi viện phí hướng đến tính đúng, tính đủ, tấm thẻ BHYT thực sự sẽ ngày càng trở nên giá trị bởi nó chi trả cho người bệnh số tiền rất lớn mà những người không có thẻ sẽ khó có thể kham nổi việc điều trị nếu không có thẻ BHYT hỗ trợ.
Ví như với những bệnh nhân điều trị ung thư, bệnh mãn tính như suy thận phải chạy thận... 100% người bệnh đều có thẻ BHYT. “Nếu không có BHYT, dù người giàu cũng không kham nổi chi phí điều trị, từ giàu mà thành nghèo, rồi đến sạt nghiệp. Trong khi đó, có thẻ BHYT họ được đảm bảo điều trị. Như với ung thư vú, quỹ BHYT chi trả ít nhất 840 triệu/bệnh nhân/năm điều trị. Còn với các ung thư khác phải sử dụng thuốc điều trị trúng đích, có những loại ung thư quỹ BHYT chi trả 1,4 tỷ/bệnh nhân/năm điều trị. Khi mức giá viện phí điều chỉnh tăng, các chi phí này cũng tăng theo và người bệnh không có thẻ BHYT sẽ không kham nổi chi phí điều trị”, vị này nói.
Ông Liên cho biết, đợt điều chỉnh giá dịch vụ lần tính này theo nguyên tắc lấy mức giá tối đa quy định ở Thông tư về viện phí số 03 (năm 2006) và 04 (năm 2012) làm giá tính đủ 3 yếu tố trực tiếp, cộng thêm yếu tố thứ 4 là lương theo ngạch bậc, tính theo mức lương cơ sở, các loại phụ cấp đặc thù của ngành y tế. Như vậy, sẽ có khoảng hơn 1.800 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá trong lần tăng này với mức tăng giá dịch vụ y tế mạnh, từ 2 - 4 lần so với hiện tại.
Có thể kể đến một số điều chỉnh điển hình như tiền khám bệnh điều chỉnh tăng gấp đôi so với hiện tại (hiện tiền khám bệnh viện hạng 1 là 20 nghìn đồng/lượt khám). Tương tự, tiền khám ở bệnh viện hạng 3, hạng 4 sẽ là 30.000 đồng/lượt khám thay cho mức hiện là 7.000 đồng/lượt.
Hay như với tiền giường hồi sức cấp cứu sẽ là 354.000 từ 15/11 và lên 680.000 đồng từ tháng 3/2016 thay cho mức hiện đang được áp là 335.000 đồng/ngày giường.
Một số dịch vụ khác như rửa rạ dày sẽ lên 106.000 thay cho mức 30.000 đồng theo thông tư 03. Tương tự, lọc màng bụng cho bệnh nhân suy thận sẽ là 379.000 thay cho giá 300.000.
http://baobaovephapluat.vn/suc-khoe-doi-song/suc-khoe-cong-dong/201511/lui-thoi-diem-tang-vien-phi-2454710/
Cứu sống một trường hợp mắc sốt xuất huyết hiếm gặp trên thế giới
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue gây chèn ép tim cấp tính.
Theo các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue gây chèn ép tim cấp tính là trường hợp hiếm gặp. Đến nay cả nước vẫn chưa ghi nhận trường hợp này, trên thế giới mới chỉ có 2 ca ghi nhận tại Mỹ và Ấn Độ.
Bệnh nhận là anh Trần Tuấn Quốc, 24 tuổi, quê ở phường 4, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, nhập viện sau 3 ngày mắc bệnh trong tình trạng còn tỉnh táo, không sốc. Sau 3 ngày điều trị bằng các biện pháp thông thường thì chuyển sang sốc nặng, huyết áp tụt kẹp, tim đập nhanh và tím da, xét nghiệm HCT thì tăng cao và dương tính với sốt xuất huyết.
Ngay sau đó, bệnh viện đã tiến hành điều trị theo pháp đồ của Bộ Y tế, tình trạng huyết áp đã cải thiện, song tiếp tục tái sốc ngay sau đó. Siêu âm cho thấy là có dịch ngoài tim số lượng nhiều và có dấu hiệu chèn ép tim, có rối loạn đông cầm máu nặng.
Bệnh viện đã trì hoãn trong việc chọc dịch màng tim. Sau khi đã điều chỉnh đông cầm máu, truyền tiểu cầu thì đông cầm máu và tiểu cầu đã về mức bình thường, các y bác sĩ tiến hành chọc dịch màng ngoài tim. Sau đó, sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện.
Đến nay đã là ngày thứ 12 của bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhận đã phục hồi, bệnh viện đã ngưng truyền dịch, không còn hỗ trợ thở bằng máy và các hỗ trợ điều trị khác.
Bác sĩ Mạch Văn Quang, trưởng khoa Hồi sức tích cực, Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng nói: “Đây là một ca nặng. Nặng vì sốt xuất huyết bản thân nó có thể gây thất thoát huyết tương gây sốc, và nặng thêm nữa là có tràn dịch màng ngoài tim, gây chèn ép tim. Hai cái này càng làm cho bệnh nhân càng nặng nề, trầm trọng hơn. Đặc biệt là trong sốt xuất huyết thường có rối loạn đông máu. Và thực tế thì ca này có rối loạn đông máu nặng, có giảm tiểu cầu cho nên việc can thiệp chọc dịch màng tim là một trong những nguy cơ rất là lớn, bởi vì nó có thể gây chảy máu và khiến bệnh nhân tử vong. Chúng tôi phải rất cân nhắc, hội chẩn rất nhiều bác sĩ trong bệnh viện”.
Ông Trần Anh Bảo, cha của bệnh nhân cho biết, anh Quốc là kỹ sư kiến trúc đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh về nhà thăm gia đình. Đầu tiên, anh Quốc có dấu hiệu nóng lạnh, sau đó 1 ngày sức khỏe vẫn không cải thiện, gia đình nghĩ là bị cảm, viêm họng. Sang ngày thứ 3 khi đi xét nghiệm, được chẩn đoán có dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, ngay lập tức gia đình đưa đi bệnh viện./.
http://vov.vn/suc-khoe/cuu-song-mot-truong-hop-mac-sot-xuat-huyet-hiem-gap-tren-the-gioi-452967.vov
Kỳ họp thứ 33 Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam - Cuba: Ghi nhận những kết quả hợp tác về công nghệ sinh học và y tế
Kết quả hợp tác về công nghệ sinh học và y tế giữa Việt Nam - Cuba đạt được những thành tựu đáng kể, được ghi nhận tại kỳ họp thứ 33 Uỷ ban Liên Chính phủ (UBLCP) Việt Nam - Cuba, vừa tổ chức tại Hà Nội.
Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Y tế luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đăng ký lưu hành các thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế của các doanh nghiệp Cuba tại Việt Nam. Để thực hiện nội dung Bản ghi nhớ giữa cơ quan quản lý dược và thiết bị y tế (thuộc Bộ Y tế Cu Ba) với Cục Quản lý dược (thuộc Bộ Y tế Việt Nam), cả hai bên đã thành lập nhóm công tác chuyên trách triển khai hoạt động hợp tác với các nội dung nằm trong khuôn khổ nhóm công tác chung.
Hiện Trung tâm Quản lý dược phẩm và thiết bị y tế Cuba (CECMED) và Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế Việt Nam (NICVB) đang tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cán bộ chuyên môn, chia sẻ thông tin sản xuất sinh phẩm chuẩn và kiểm định chất lượng vắc xin, sinh phẩm y tế đã và đang lưu hành tại Việt Nam. Trong năm 2015, CECMED đã cử 02 chuyên gia sang NICVB hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý phòng thí nghiệm, trao đổi hợp tác về phương pháp kiểm định, mẫu chuẩn và các nội khác liên quan đến phòng kiểm nghiệm. NICVB cũng dự kiến cử 05 cán bộ sang CECMED thực hành kỹ thuật kiểm định các vắc xin mới.
Trong thời gian tới, phía Cuba sẽ nỗ lực thúc đẩy triển khai các dự án đóng gói và dán nhãn vắc xin viêm gan B (HB) và vắc xin Quimi-Hib (vắc xin viêm màng não mủ) với Viện Vắc xin Đà Lạt (Davac) và sản xuất viên đặt hậu môn Proctoquinasa với Cty Sao Kim Pharma của Việt Nam. Hiện loại thuốc này đã được sản xuất để bán tại Việt Nam cũng như xuất về Cuba, sau khi chuyên gia của CECMED sang Việt Nam kiểm định dây chuyền sản xuất và Sao Kim Pharma được cấp Giấy Chứng nhận thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP).
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang triển khai nhiều dự án hợp tác với Viện Vắc xin Finlay (FINLAY) của Cuba. Cty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) của Việt Nam tiếp tục hợp tác với FINLAY trong dự án phát triển vắc xin phòng viêm phổi. FINLAY và VABIOTECH cũng dự kiến triển khai chuyển giao giai đoạn cuối công nghệ sản xuất vắc xin và kiểm tra chất lượng đối với vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu polisacridos tuýp A, C và W135. Đồng thời, FINLAY và Cty CP Sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV Group) tiếp tục làm việc để thương mại hóa sản phẩm này. Dự án triển khai nghiên cứu sản xuất công nghiệp vắc xin phòng bệnh thương hàn cộng hợp thay thế vắc xin phòng sốt thương hàn vi đơn giữa Viện FINLAY với Cty TNHH MTV Vắc xin Pasteur Đà Lạt (DAVAC), dự kiến thực hiện trong 2 năm.
Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) của Việt Nam và Trung tâm Di truyền và Công nghệ sinh học Cuba (CIGB) đang phát triển sản xuất vắc xin chống sốt xuất huyết Dengue. Sản phẩm đã thành công khi được thử nghiệm trên động vật. CIGB sẽ tiếp tục trao đổi với VABIOTECH phát triển loại vắc xin khác có hiệu lực hơn.
Để đạt được những thành tựu ban đầu về công nghệ sinh học, y tế không thể không ghi nhận sự nỗ lực và tạo điều kiện thuận lợi từ phía Cục Quản lý dược (DAV) cũng như Bộ Y tế Việt Nam, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia hạn đăng ký lưu hành các sản phẩm của Cuba như: Hebervital (GCSF), Quimi-Hib bán thành phẩm, loại chai 20 lít, Cimavax-EGF. Một số sản phẩm khác của Cuba, Bộ Y tế Việt Nam chưa nhận được hồ sơ xin đăng ký lại và đăng ký gia hạn của công ty như: Heberpenta L (DPT-HB-Hib dạng lỏng), PEG-Heberon, Proctokinasa.
Tuy nhiên, một số vấn đề còn tồn tại, cần được cả hai bên sớm thống nhất và đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Hiện Bộ Y tế Việt Nam chưa gửi cho Bộ Y tế Cuba đề xuất hợp tác cụ thể về mô hình quản lý bệnh viện, mặc dù nội dung này đã được đưa vào thoả thuận hợp tác ký giữa hai Bộ tháng 3/2014 trong chuyến thăm Cuba của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Tại dự án hợp tác thực hiện thử nghiệm lâm sàng cho vắc xin Vamengoc-BC do VABIOTECH phối hợp thực hiện với Viện Y học dự phòng Quân đội, đã được Bộ Y tế Cuba thông qua. Do đó, phía Cuba mong muốn DAV sớm chấp thuận thông qua đăng ký lưu hành vắc xin này tại Việt Nam. Phía Cuba đã chuyển cho phía Việt Nam một số quan tâm hợp tác của CIGB đồng thời đề nghị Bộ Y tế Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để triển khai.
Bên cạnh đó, liên kết giữa CIGB và POLYVAC nhằm phát triển sản xuất vắc xin chống sốt xuất huyết (Dengue) đang gặp vướng mắc khi đề xuất của POLYVAC chưa được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Hiện, POLYVAC và CIGB vẫn đang thực hiện nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết bằng nguồn vốn tự có của hai bên.
Ngoài ra còn nhiều chương trình, dự án vẫn được đang được doanh nghiệp hai bên tiếp tục đàm phán, tìm kiếm thời cơ phù hợp để hợp tác, rất cần sự quan tâm, tiếp tục vào cuộc, tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan, ban, ngành hai Nhà nước. Và, cũng không thể phù nhận, trong kết quả hợp tác lần này chủ yếu thành công từ phía các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Nhà nước, chưa có sự hợp tác hiệu quả của khối các doanh nghiệp tư nhân, mặc dù các cơ quan Chính phủ hai nước hết sức tạo điều kiện thuận lợi.
http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/suc-khoe/ghi-nhan-nhung-ket-qua-hop-tac-ve-cong-nghe-sinh-hoc-va-y-te.html
Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ 16 triệu người phóng uế bừa bãi
Trên cả nước hiện còn 45% hộ gia đình ở nông thôn chưa có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, khoảng 16 triệu người đang phóng uế bừa bãi ra môi trường. Đây là nguyên nhân lây lan bệnh truyền nhiễm đặc biệt là tiêu chảy, giun sán, gia tăng chi phí y tế cho cộng đồng.
Thông tin trên được TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho hay trong buổi mít tinh hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới tại Trường THCS Trần Thị Tiết, xã Giao Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre (ngày 21/11).
Theo báo cáo của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011 đến 2015, trên cả nước mới chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Còn 45% hộ gia đình ở nông thôn (tương đương 16 triệu người) đang sử dụng nhà vệ sinh không đảm bảo, phóng uế bừa bãi ra môi trường.
Thực trạng trên là do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức về hành vi vệ sinh cá nhân còn thấp, các hộ gia đình không tự xây dựng được nhà vệ sinh tự hoại nên còn thói quen đi tiêu, đi tiểu theo kiểu “nguyên thủy”. Đây là nguyên nhân dẫn tới sự lưu hành và phát tán trên diện rộng một số bệnh dịch nguy hiểm lây truyền theo đường phân miệng như: tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán đặc biệt là bệnh tay chân miệng do nhiễm phải mầm bệnh có trong phân của người khác đã phát tán ra môi trường nước, đất, thực phẩm, bàn tay bẩn hoặc qua côn trùng trung gian truyền bệnh.
Theo đánh giá của đại diện Bộ Y tế, vệ sinh môi trường kém đang làm tăng chi phí cho công tác khám chữa bệnh, tiêu tốn mỗi năm khoảng 780 triệu USD, gây ra thiệt hại 1,3% GDP; ảnh hưởng tới sức khỏe cộng động, là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam lên đến 26%.
Theo tổ chức Liên Hợp Quốc, đến nay chỉ có khoảng 4,5 tỷ người trên thế giới sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, còn 2,5 tỷ người ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận với điều kiện vệ sinh cơ bản, trong đó có khoảng 1 tỷ người vẫn còn có hành đi tiêu bừa bãi. Tổ chức y tế thế giới đã chứng minh, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có thể giảm được 32% bệnh tiêu chảy. Việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có thể cứu sống hơn 200.000 trẻ em trên thế giới. Các nước có tỷ lệ đi tiêu bừa bãi cao cũng là nước có số trẻ em dưới 5 tuổi bị chết và suy dinh dưỡng cao, tỷ lệ đói nghèo lớn.
Do vậy từ năm 2001, các chuyên gia y tế trên toàn cầu đã quyết định chọn ngày 19/11 hàng năm làm “Ngày nhà vệ sinh thế giới” nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như của mỗi người dân về tầm quan trọng của vệ sinh môi trường đặc biệt là nhà tiêu hợp vệ sinh.
Phân tích của TS Liên Hương chỉ ra: “Để giải quyết tận gốc vấn đề trên, chúng ta phải làm tốt việc quản lý và xử lý phân người mà cụ thể là vận động toàn dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt tình trạng đi tiêu bừa bãi. Chính phủ Việt Nam cam kết đến năm 2025 sẽ chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và đầu năm 2030 thì 100% hộ gia đình người Việt có nhà tiêu hợp vệ sinh.”
Trong khuôn khổ của chương trình Ngày Nhà vệ sinh thế giới, Cục Quản lý Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan bàn giao khu nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho trường Tiểu học Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú. Dự kiến, trong năm 2016, chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng khoảng 1.000 nhà vệ sinh cho các trường học và hộ gia đình tại hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Đây là nỗ lực hướng tới một xã hội văn minh, giúp cộng đồng không còn bị nhiễm bệnh từ nguồn lây bởi những người đi tiêu bừa bãi.
http://baobaovephapluat.vn/suc-khoe-doi-song/thong-tin-y-duoc/201511/nguy-co-lay-lan-dich-benh-tu-16-trieu-nguoi-phong-ue-bua-bai-2454636/
Sản phẩm Long Time trên LAZADA.VN không được lưu hành tại Việt Nam
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) xác nhận, tính đến ngày 13/11/2015, trong danh mục các loại thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, không có thuốc nào có tên Long Time.
Sản phẩm không được lưu hành
Như PLVN đã phản ánh, hàng ngàn sản phẩm hỗ trợ tình dục được LAZADA.VN rao bán trên sàn giao dịch trực tuyến tại mục “Chăm sóc cá nhân và Hỗ trợ tình dục”, trong đó có sản phẩm Long Time, được giới thiệu có tác dụng trì hoãn xuất tinh dành cho nam giới, giá chỉ 89.000 đồng.
Đây là sản phẩm được LAZADA bán rộng rãi, công khai, quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhằm làm rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng của Long Time, phóng viên Báo PLVN đã đặt mua sản phẩm này, đưa lên Cục Quản lý Dược đề nghị xác định sản phẩm.
Trả lời PLVN về sản phẩm, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, căn cứ Thông tư 04/2008/TT-BYT ngày 12/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn ghi nhãn thuốc, thuốc được Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký lưu hành nhãn thuốc phải có đầy đủ các thông tin cơ bản như: tên thuốc, tên hoạt chất, dạng bào chế, số đăng ký hoặc số giấy phép nhập khẩu, số lô sản xuất, ngày sản xuất, hạn dùng, điều kiện bảo quản, xuất xứ của thuốc…
Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược xác nhận, vỏ hộp sản phẩm Long Time không có bất kỳ thông tin gì về sản phẩm ngoài tên gọi; không có số đăng ký hay giấy phép nhập khẩu, thành phần, công dụng…
“Tính đến ngày 13/11/2015, trong danh mục các loại thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, không có thuốc nào có tên Long Time”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược khẳng định.
Đơn vị trực tiếp kiểm tra sản phẩm Long Time là Phòng Thanh tra dược, mỹ phẩm (Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế). Ngoài vỏ sản phẩm không có thông tin, bên trong hộp sản phẩm có một mảnh giấy ghi toàn bộ bằng chữ nước ngoài, không có dòng chữ tiếng Việt nào. Lãnh đạo Phòng Thanh tra dược, mỹ phẩm cho biết, chỉ cần xem bằng mắt thường cũng nhận thấy đây là sản phẩm không đủ tiêu chuẩn lưu hành trên thị trường Việt Nam.
“Đơn vị bán sản phẩm này chắc chắn nhận thức được việc lưu hành những sản phẩm này trên thị trường là sai quy định, nhưng có thể vì mục đích lợi nhuận mà bất chấp kinh doanh”, cán bộ thanh tra dược nói.
LAZADA có trách nhiệm khắc phục
Trao đổi với PLVN, lãnh đạo Phòng Thanh tra dược, mỹ phẩm cho biết, những sản phẩm như Long Time có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc những sản phẩm không được lưu hành nhưng vẫn được bán tràn lan trên thị trường là điều đáng lo ngại, nhất là trên sàn giao dịch điện tử lớn và phổ biến như LAZADA.
Theo vị này, việc cần làm bây giờ để bảo vệ người tiêu dùng là các cơ quan chức năng như lực lượng quản lý thị trường, công an có trách nhiệm nhanh chóng vào cuộc, truy tìm nguồn gốc những sản phẩm như Long Time đã được đưa vào thị trường Việt Nam bằng cách nào. Đồng thời, tìm hiểu cách LAZADA đã lấy nguồn hàng đó từ đâu để phân phối, giao hàng khắp cả nước.
Luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc Công ty Luật Hà Huy (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, LAZADA có trách nhiệm phối hợp cùng nhà chức trách trong việc tìm nguồn gốc mặt hàng không được lưu hành Long Time. Đồng thời, LAZADA có nhiệm vụ thu hồi lại những sản phẩm như Long Time không được lưu hành ở thị trường nhưng đã bán cho người tiêu dùng.
“Sản phẩm không được phép lưu hành mà anh lại tự ý lưu hành và bán cho khách hàng là trái quy định. Do đó, LAZADA có trách nhiệm khắc phục hậu quả bằng cách thu hồi lại sản phẩm đã bán, có hình thức bồi thường thỏa đáng cho khách hàng”, Luật sư Từ cho biết.
Theo ông Từ, việc sản phẩm Long Time không được phép lưu hành ở Việt Nam nhưng LAZADA đã bán cho khách hàng ở khắp cả nước là vi phạm nghiêm trọng trong kinh doanh. LAZADA đã lừa đảo khách hàng, bán sản phẩm là hàng lậu, thậm chí hàng giả. Như vậy, để giữ uy tín trong kinh doanh, LAZADA nên khắc phục hậu quả, đền bù thỏa đáng cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, Luật sư Từ cũng cho biết, tùy mức độ sai phạm nặng nhẹ, sàn giao dịch trực tuyến có thể bị xử phạt hành chính hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.
Về phía người tiêu dùng, có thể khởi kiện LAZADA nếu xét thấy sức khoẻ bị xâm hại do sử dụng sản phẩm mua từ sàn giao dịch thương mại điện tử này.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
http://baophapluat.vn/tieu-dung-du-luan/san-pham-long-time-tren-lazadavn-khong-duoc-luu-hanh-tai-viet-nam-237840.html
Thuốc kháng sinh giả, kém chất lượng: Khi thu hồi đã tẩu tán hết
Công tác quản lý việc mua bán thuốc chữa bệnh theo kê đơn tại các nhà thuốc hiện nay gần như bị buông lỏng, là nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng lạm dụng kháng sinh diễn ra tràn lan. Trong khi đó, nhiều thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị phát hiện, yêu cầu thu hồi nhưng khi tổ chức thu hồi thì thuốc đã được tẩu tán hết đến tay… người tiêu dùng.
Chưa quản chặt người bán thuốc
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, kết quả khảo sát gần nhất về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc các tỉnh phía Bắc cho thấy: Có đến 88% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có đơn, không cần kê đơn của bác sĩ. Nguyên nhân do, ngoài việc người dân có tâm lý sử dụng kháng sinh tùy tiện mà không cần có đơn của bác sĩ thì không ít dược sĩ bán thuốc cũng không đúng quy định.
Trước tình trạng đáng lo ngại trên, để phòng chống kháng thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cần phải hướng tới 3 thành phần đối tượng vận động, đó là các thầy thuốc, cán bộ y tế; bệnh nhân; người bán thuốc.
Trong đó, với đối tượng là người bán thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ: “Tại Việt Nam, nếu người dân muốn mua thuốc, có thể tới bất kỳ hiệu thuốc nào cũng mua được mà không cần toa thuốc. Còn ở các nước, chỉ khi có toa thuốc người dân mới được mua thuốc. Luật Dược sửa đổi đang trình Quốc hội lần này sẽ quy định chặt hơn việc cấm mua, bán thuốc mà không có toa đơn thuốc của bác sĩ”.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong các hoạt động phòng chống kháng thuốc, Việt Nam hiện chưa hành động tích cực đối với hai đối tượng người dân và người bán thuốc, do đó cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
Trong phiên thảo luận tổ tại Quốc hội về Luật Dược (sửa đổi) cuối tuần qua, ĐBQH Vũ Công Tiến (đoàn ĐBQH Lâm Đồng) chỉ thêm một bằng chứng khác để chứng tỏ việc quản lý đối với người bán thuốc ở nước ta hiện còn buông lỏng: “Đang có tình trạng thuê bằng để mở cửa hàng bán thuốc, như vậy thuốc có đảm bảo không?”.
Tương tự, ĐBQH Lê Nam (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nói: “Hiện có tình trạng một dược sĩ được đứng tên rất nhiều cơ sở, cho thuê bằng, che mắt cơ quan quản lý Nhà nước”. Và như một câu trả lời cho vấn đề này, ĐBQH Phạm Xuân Thăng (đoàn ĐBQH Hải Dương) nêu: “Ở tỉnh Hải Dương có hơn 600 cửa hàng thuốc, trong khi chỉ có 2 thanh tra dược. Hai người này đi cả năm mới chỉ kiểm tra hết được một nửa, vì vậy cần thêm thanh tra mới quản lý hết được”.
Thu hồi thuốc phải nhanh chóng, quyết liệt
Trong khi việc quản lý các nhà thuốc còn khó khăn, quản lý chất lượng thuốc trên thị trường còn nhiều hạn chế thì ngay đến việc thu hồi thuốc kém chất lượng, thuốc giả sau khi cơ quan Nhà nước phát hiện vi phạm cũng đang tồn tại nhiều kẽ hở. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Thời gian để thu hồi thuốc kém chất lượng, thuốc giả kéo quá dài. Trong thời gian đó, doanh nghiệp đã kịp thời tẩu tán hết số thuốc vi phạm bị yêu cầu thu hồi”.
Để khắc phục tình trạng này, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: “Trong Luật Dược (sửa đổi) tới đây cần quy định rõ việc thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng phải được thực hiện trong vòng bao nhiêu ngày, trách nhiệm nếu thu hồi không tốt thuộc về ai. Rồi khi người dân đã sử dụng phải thuốc kém chất lượng nằm trong diện thuốc bị thu hồi mà không hay biết thì họ phải có quyền khiếu nại, đòi bồi thường chứ không phải lúc đó chỉ có… rút kinh nghiệm”.
Làm thuốc giả cũng là "hành vi tội ác"
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói thêm: “Về phản ánh có hiện tượng nhiều tân dược gần hết hạn nhưng vẫn được nhập về, doanh nghiệp gia công dập lại hạn sử dụng rồi đưa ra thị trường, tôi cho rằng đó là một trong những thủ thuật để người kinh doanh tuồn thuốc kém chất lượng ra thị trường. Vì lợi nhuận người ta có thể làm tất cả”. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, để xảy ra tình trạng trên, trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước làm chưa tốt, cần phải quyết liệt hơn.
“Mặt khác, cũng cần phải có nền tảng pháp lý để có thể xử lý thật nghiêm vấn đề này, tránh tình trạng những người làm thuốc giả, thuốc kém chất lượng hưởng lợi nhuận lớn nhưng khi bị phát hiện thì chỉ bị xử lý hành chính rồi vụ việc chìm vào quên lãng, không ai chịu trách nhiệm gì. Tôi cho rằng cần xác định đây là hành vi tội ác” - bà Phạm Khánh Phong Lan nói.
http://anninhthudo.vn/xa-hoi/thuoc-khang-sinh-gia-kem-chat-luong-khi-thu-hoi-da-tau-tan-het/646151.antd
Ưu tiên thuốc nội trong khám, chữa bệnh
Đó là chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM đối với các bệnh viện (BV) trực thuộc trên địa bàn TP.HCM
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các BV không đưa vào danh mục những thuốc có hàm lượng "lạ", dạng bào chế, dạng phối hợp ít cạnh tranh nhưng có giá cao bất hợp lý (như từng xảy ra - PV) theo các khuyến cáo của BHXH Việt Nam và Cục Quản lý Dược.
Ngoài ra, danh mục thuốc phải phù hợp với tình hình bệnh tật, khả năng chuyên môn kỹ thuật trong điều trị và phù hợp với khả năng tài chính của BV. Cần ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước.
Sở Y tế TP cho biết công tác đấu thầu thuốc tập trung năm 2016 được tiến hành sớm hơn các năm trước một tháng. Do đó dự kiến sẽ có kết quả thầu vào tháng 6-2016. Việc có kết quả đấu thầu sớm sẽ giúp các BV ký hợp đồng mới và mua được thuốc ngay sau khi hợp đồng năm 2015 kết thúc.
Đồng thời, các nhà thầu trúng thầu sẽ có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị nguồn thuốc, tránh tình trạng không đủ thuốc cung ứng giai đoạn đầu do một số nhà thầu chỉ nhập khẩu hoặc sản xuất thuốc sau khi có kết quả trúng thầu.
http://phapluattp.vn/suc-khoe/uu-tien-thuoc-noi-trong-kham-chua-benh-595049.html
Phòng khám đa khoa Hồng Bàng vẽ bệnh moi tiền trắng trợn
Sau bài viết “Một buổi ở phòng khám, mất... 37 triệu đồng” (Tuổi Trẻngày 10-11), nhiều bạn đọc tiếp tục phản ảnh phòng khám đa khoa Hồng Bàng (877-879 Hồng Bàng, Q.6, TP.HCM) “chặt chém” họ như nạn nhân trong bài viết trên.
Phản ảnh từ các bệnh nhân cho thấy quy trình điều trị của phòng khám đa khoa Hồng Bàng (phòng khám Hồng Bàng) không rõ ràng, lừa dối bệnh nhân bằng thủ đoạn hù dọa,“vẽ” thêm bệnh để moi tiền bệnh nhân.
Đánh vào tâm lý người bệnh
Một trong những nạn nhân của phòng khám Hồng Bàng là chị T.T.T.T. ở TP.HCM. Theo chị T., cách đây khoảng một tháng vùng mông gần hậu môn của chị rất ngứa, ngày 13-10 chị đến phòng khám Hồng Bàng khám bệnh với tiền tư vấn, khám, xét nghiệm là 400.000 đồng.
Khi vào khám thấy bác sĩ “xì xồ”, chị hỏi phiên dịch có phải bác sĩ Trung Quốc thì được trả lời là bác sĩ Đài Loan. Bác sĩ khám xong nói chị bị mụn rộp sinh dục và bảo phải đi soi cổ tử cung. Khi đang soi, bác sĩ lại nói cổ tử cung của chị bị lở loét và còn bị viêm lộ tuyến độ II, bảo chị đóng 1,7 triệu đồng để họ rửa và bôi thuốc.
Khi nằm lên bàn rửa, bác sĩ lại nói nên đốt laser mụn rộp để sau này không bị nặng thêm do “cổ tử cung lở loét hết rồi”.
Chị T. nói để hỏi ý chồng thì phiên dịch mời chồng chị T. đang đợi ở ngoài vào. Bác sĩ này tư vấn có ba mức đốt laser là 3,8 triệu, 4,8 triệu và 5,8 triệu đồng. Chồng chị T. chọn gói 5,8 triệu đồng cho an toàn. Rồi bác sĩ lại hỏi có xài thuốc ngoại nhập để “khử độc” tử cung không, nếu xài phải đóng thêm 1,8 triệu đồng.
Lo bệnh vợ trầm trọng nên chồng chị T. đồng ý đóng thêm 1,8 triệu đồng. Đóng tiền xong, bác sĩ mới rửa thuốc, truyền dịch và đốt laser cho chị T.. Bác sĩ lại gọi chồng chị T. vào nói vết đốt hơi sâu nên cần thêm thủ thuật ngăn ngừa chảy máu. Thế là chồng chị T. đóng thêm 2 triệu đồng. Tổng cộng, chị T. phải đóng 11,7 triệu đồng.
Thế nhưng đêm 13-10 khi đã chữa trị xong, chị T. vẫn thấy mấy mụn ở gần hậu môn rất ngứa. Sáng 14-10, chị T. quay lại tái khám và nói với bác sĩ mấy mụn đó vẫn ngứa thì bác sĩ bảo do tác dụng của thuốc. Rồi bác sĩ yêu cầu đóng thêm 2,4 triệu đồng để rửa thuốc, truyền dịch, quang phụ khoa vi sóng.
Tuy nhiên chị T. không hết ngứa nên chiều cùng ngày đã đến phòng khám tư của một bác sĩ làm việc ở Bệnh viện Từ Dũ khám lại. Bác sĩ khám xong kết luận chị không bị mụn rộp sinh dục mà chỉ là lác đồng tiền. Theo toa thuốc của bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, sau vài lần bôi thuốc tình trạng ngứa của chị giảm hẳn...
Mổ một nửa!
Chị C.V.T.A. (24 tuổi, Đồng Nai) cũng phản ảnh do bị ra huyết trắng hơi nhiều nên lên mạng tìm nơi khám bệnh và đã đến phòng khám Hồng Bàng khám phụ khoa ngày 11-10. Bác sĩ khám là người Trung Quốc nói chị bị u nang rất nặng và đã “ăn” đến tử cung. Rồi bà bác sĩ này bảo chị A. phải mổ gấp và truyền dịch.
Nhân viên phòng khám đưa chị đi mổ và báo có ba mức giá: 8,8 triệu, 12,8 triệu và 15,8 triệu đồng.
Do chỉ có 6 triệu đồng nên chị A. nói để bữa khác đến mổ và chỉ mổ giá 8,8 triệu đồng thì phiên dịch nói chị A. cứ trả trước một nửa tiền khám, còn một nửa bác sĩ đứng ra bảo lãnh cho chị A., khi tái khám sẽ trả tiếp.
Nghe vậy, chị A. đồng ý mổ và người mổ cũng là bác sĩ Trung Quốc. Khi mổ, bác sĩ còn bảo do bệnh chị A. nặng quá nên bác sĩ chỉ mổ một nửa, còn một nửa ngày mai mổ tiếp. Nghe vậy chị A. mới hỏi nếu mai mổ nữa có phải đóng phí gì nữa hay không thì được trả lời không phải đóng thêm. Hôm sau chị quay lại phòng khám thì nhân viên kêu chị đóng thêm hơn 4 triệu đồng.
Chị A. nói hôm qua y tá nói không phải đóng tiền sao bây giờ lại đóng thì họ bảo mỗi ngày phát sinh một loại chi phí khác, nếu không đóng thì bác sĩ không làm hết nên chị A. phải đóng thêm tiền. “Tổng cộng tôi phải đóng cho phòng khám này hơn 17 triệu đồng” - chị A. kể.
Anh N.V.T. (40 tuổi, Đồng Nai) cũng kể anh nghĩ mình bị yếu sinh lý nên ngày 4-11 đến phòng khám Hồng Bàng khám bệnh. Chỉ trong buổi sáng, anh cũng bị phòng khám này “móc túi” hơn 22 triệu đồng.
Trong khi đó, anh L.T.T. lo lắng nói anh cũng bị bác sĩ người Trung Quốc ở phòng khám Hồng Bàng cấy bệnh phẩm lên cánh tay như chị D. trong bài báo nói trên. Sau năm ngày điều trị ở phòng khám này, anh cũng “bay” mất gần 40 triệu đồng.
Phạt tiền, tước chứng chỉ
Ngày 22-11, thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đơn vị này vừa có tờ trình giám đốc sở đề xuất UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với phòng khám Hồng Bàng. Việc đề xuất xử phạt dựa trên kết quả kiểm tra phòng khám Hồng Bàng do thanh tra Sở Y tế thực hiện ngày 3-11 từ thông tin do PV báo Tuổi Trẻ cung cấp.
Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra đoàn phát hiện phòng khám này có nhiều sai phạm: lập sổ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định pháp luật, không niêm yết giá dịch vụ y tế, có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động, không sử dụng trang bị phòng hộ theo quy định, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép, quảng cáo các dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Thanh tra Sở Y tế đã đề xuất xử phạt phòng khám Hồng Bàng 142,4 triệu đồng vì các vi phạm nói trên. Bác sĩ Trung Quốc Chen Shi Gui bị đề xuất xử phạt 35 triệu đồng do hành nghề quá phạm vi chuyên môn được phép.
Ngoài ra, bà Gui còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 9 tháng (bà Gui đã nộp chứng chỉ hành nghề cho thanh tra Sở Y tế). Tổng mức tiền đề xuất xử phạt cả phòng khám và bà Gui là 177,4 triệu đồng.
Bác sĩ Trần Thị Bạch Yến - người đứng tên chịu trách nhiệm chuyên môn cho phòng khám Hồng Bàng - bị cảnh cáo vì không quản lý tốt hoạt động chuyên môn phòng khám.
Ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - đã ký văn bản yêu cầu Sở Y tế TP.HCM khẩn trương xác minh thông tin, làm rõ sự việc nêu trong bài báo, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể theo đúng quy định hiện hành.
Đồng thời nhanh chóng kiểm tra, rà soát hoạt động của các phòng khám tư trên địa bàn TP...
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151123/phong-kham-da-khoa-hong-bang-ve-benh-moi-tien-trang-tron/1007677.html
Cảnh báo cà phê giảm béo chứa chất cấm
Ngày 23/11, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm (FDA) Thái Lan vừa khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm “Brazil Potent Slimming Coffee” có chứa chất sibutramine là một chất đã bị rút khỏi thị trường.
Ngay sau khi nhận được thông báo của FDA Thái Lan, Cục An toàn thực phẩm đã rà soát tình hình nhập khẩu các sản phẩm này tại Việt Nam. Kết quả rà soát cho thấy từ năm 2012 đến nay, chưa có sản phẩm “Brazil Potent Slimming Coffee” được công bố tại Cục.
Để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm cho biết, sẽ tiếp tuc giữ liên hệ với Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm của Anh để cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người tiêu dùng.
Sibutramine là hoạt chất có tác dụng giúp những người beo phì giảm cân, nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người tiêu dùng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp. Hoạt chất này cũng được khuyến cáo gây ra các triệu chứng trầm cảm.
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/canh-bao-ca-phe-giam-beo-chua-chat-cam-937302.tpo