Dừng lưu hành thêm hai lô C2 và Rồng đỏ
Thông tin từ Bộ Y tế cho hay sau buổi họp với thanh tra Bộ Y tế chiều 23-5, Công ty TNHH URC Việt Nam đã quyết định cho tạm dừng lưu thông và tự thu hồi hai lô trà xanh hương chanh C2 và tăng lực Rồng đỏ hương dâu.
Cụ thể, lô trà xanh hương chanh C2 bị tạm ngừng sử dụng sản xuất ngày 11-1-2016, hạn sử dụng 11-1-2017; nước tăng lực hiệu Rồng đỏ hương dâu sản xuất ngày 14-1-2016, hạn dùng 14-10-2016.
Theo ông Nguyễn Văn Nhiên - phó chánh thanh tra Bộ Y tế, lý do công ty tự thu hồi là hàm lượng chì theo phiếu kiểm nghiệm số 1600 ngày 16-2-2016 của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia với trà xanh hương chanh C2 lô kể trên lên tới 0,46mg/l (gấp trên 9 lần mức công bố), phiếu kiểm nghiệm 1599 ngày 16-2-2016 cũng của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia với nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu cho kết quả hàm lượng chì là 0,21 mg/l, gấp trên 4 lần mức công bố.
Theo giải trình của đại diện công ty, sau khi có kết quả kiểm nghiệm kể trên, công ty đã đem mẫu hai lô sản phẩm này đi kiểm nghiệm lại Quatest 3 và không phát hiện hàm lượng chì quá mức công bố, nên đã tiếp tục cho lưu hành lô sản phẩm. Tuy nhiên, tại cuộc làm việc ngày 23-5, thanh tra Bộ Y tế đã yêu cầu dừng lưu hành để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Theo ông Nhiên, Công ty URC Việt Nam đã yêu cầu các đại lý và kho lưu hai lô hàng kể trên báo cáo số đã bán, số còn tồn về công ty trong ngày 25-5.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mức độ cảnh báo của chính công ty và các cơ quan chức năng khiến việc dừng lưu hành và thu hồi lô hàng diễn ra quá chậm, có khả năng đã tiêu thụ gần hết hoặc thậm chí hết lô hàng này.
Chiều 23-5, Tuổi Trẻ đã liên lạc với nhiều cơ quan thuộc Bộ Y tế để hỏi về việc URC Việt Nam bán C2 hương chanh và Rồng đỏ hương dâu khi đã phát hiện hàm lượng chì cao liệu có phải là vi phạm, nhưng các vị đại diện này bằng cách này cách khác đều không trả lời câu hỏi. http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160523/dung-luu-hanh-them-hai-lo-c2-va-rong-do/1106236.html
Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh: Khám sàng lọc trước sinh gần 200 trường hợp
(Baonghean.vn) - Khoa Phụ sản - Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh liên kết với Trung tâm chẩn đoán trước sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương triển khai Chương trình sàng lọc chẩn đoán dị tật trước sinh. Đến nay, khoa tiến hành sàng lọc cho gần 200 trường hợp, qua đó phát hiện 34 trường hợp dị tật bẩm sinh, chuyển 26 trường hợp đến Trung tâm chẩn đoán trước sinh Bệnh viện Phụ sản Trung Ương khám, điều trị.
Thời gian qua Khoa Phụ sản - Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh thực tốt công tác tư vấn sàng lọc và chẩn đoán các dị tật trước sinh, luôn thu hút nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Do các kỹ thuật sàng lọc được thực hiện tại Trung tâm chẩn đoán trước sinh Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, nên có độ chính xác cao, đặc biệt bệnh nhân tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian vì không phải đi Hà Nội.
Khám sàng lọc trước sinh là bước chẩn đoán quan trọng cần thực hiện để bảo đảm sức khỏe cho thai nhi, giúp phát hiện sớm các hiện tượng bất thường khi đang mang thai nhằm có những phương pháp chăm sóc, điều trị phù hợp, kịp thời. http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201605/benh-vien-giao-thong-van-tai-vinh-kham-sang-loc-truoc-sinh-gan-200-truong-hop-2697704/
Tình hình các nạn nhân đang cấp cứu trong vụ tai nạn thảm khốc tại Bình Thuận
Bệnh nhân Vy Thanh Hiếu (46 tuổi), được chuyển đến khoa Bỏng –Tạo hình BV Chợ Rẫy trong tình trạng bỏng 73% độ 2, độ 3; 47% bỏng độ sâu. Bệnh nhân được đưa vào trong giai đoạn sốc bỏng, bỏng đường hô hấp. Tình trạng bệnh nhân này rất nguy kịch.
Chiều 23-5, thông tin từ các bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cho biết, trong số những người bị thương trong vụ tại nạn thảm khốc xảy ra tại Bình Thuận sáng 22-5, đã có 3 người được đưa tới BV Chợ Rẫy điều trị.
Trong đó bệnh nhân Vy Thanh Hiếu (46 tuổi), được chuyển đến khoa Bỏng –Tạo hình BV Chợ Rẫy lúc 13h20 ngày 22-5 trong tình trạng bỏng 73% độ 2, độ 3; 47% bỏng độ sâu. Bệnh nhân được đưa vào trong giai đoạn sốc bỏng, bỏng đường hô hấp. Tình trạng bệnh nhân này rất nặng.
Bệnh nhân Phạm Trần Thanh Tâm( 22 tuổi), nhập khoa Cấp cứu Chợ Rẫy lúc 16h cùng ngày với chẩn đoán theo dõi chấn thương đầu, chấn thương cột sống thắt lưng. Bệnh nhân Hoàng Hữu Tâm ( 52 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh), nhập khoa Cấp cứu được chẩn đoán và theo dõi chấn thương cột sống ngực lưng. Sau đó, cả 2 bệnh nhân này được tiến hành làm các xét nghiệm và chụp CT.
Theo BS Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình của BV Chợ Rẫy cho biết, dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng tình hình bệnh nhân Vy Thanh Hiếu vẫn đang rất nguy kịch và chưa có dấu hiệu cải thiện. Với tình trạng bệnh nhân bị bỏng sâu và bỏng hô hấp nên tiên lượng là rất dè dặt. Hai bệnh nhân: Phạm Trần Thanh Tâm và Hoàng Hữu Tâm vẫn đang được theo dõi tại Khoa Ngoại thần kinh và rất mừng vì đã có dấu hiệu sức khoẻ tiến triển đáng kể.
Theo TS. BS Nguyễn Ngọc Khang - Phó khoa Ngoại Thần kinh cho hay, khi bệnh nhân Phạm Trần Thanh Tâm được chuyển đến BV ghi nhận có tình trạng liệt 2 chân, kết quả chụp phim CT- Scan cho thấy bệnh nhân bị vỡ thân đốt sống D12, có mảnh rời chèn ép tủy. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu lúc 23h khuya ngày 22-5. Ca mổ kết thúc vào 2h sáng ngày 23-5. Sau mổ, bệnh nhân được chuyển đến khoa Ngoại Thần kinh.
Thăm khám lại cho bệnh nhân vào đầu giờ chiều ngày 23-5, bệnh nhân tỉnh táo, các ngón chân của cả 2 chân đã nhúc nhích được, cho thấy khả năng có thể phục hồi vận động của bệnh nhân. Theo bác sĩ Khang, dấu hiệu này cho thấy, tủy chỉ bị chèn ép chứ không bị dập nên sau khi giải ép tủy thì khả năng vận động 2 chân đã bắt đầu hồi phục.
Bệnh nhân Hoàng Hữu Tâm được chẩn đoán bị gẫy, vỡ đốt sống thắt lưng L1 và cũng được chỉ định mổ. Ca mổ tiến hành lúc 3h sáng ngày 23-5 và kết thúc lúc 6h sáng cùng ngày. Sau mổ bệnh nhân cũng được chuyển lên khoa Ngoại Thần kinh.
Hiện, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tuy nhiên còn đau ở vùng mổ, tê và yếu 2 chân nhưng vẫn cử động được. Như vậy, khả năng có thể phục hồi được vận động. http://cand.com.vn/y-te/mot-nan-nhan-dang-trong-tinh-trang-rat-nguy-kich-393755/
Nối thành công chi đứt lìa nhờ sơ cứu ban đầu tốt
(PL)- Ngày 23-5, Trạm Cấp cứu vệ tinh 115 BV Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết nơi đây vừa tiếp nhận và phẫu thuật nối chân thành công cho trường hợp nạn nhân bị tai nạn giao thông gần đứt lìa 1/3 dưới cẳng chân phải.
Bệnh nhân là anh TMN (25 tuổi, quê Hậu Giang). Được biết ngày 15-5, anh N. được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, mất nhiều máu, vết thương dập nát đứt gần lìa 1/3 dưới cẳng chân phải, lộ hai xương cẳng chân, lộ động mạch mu chân và chày sau, các ngón chân tím nhạt, lạnh, không bắt được mạch mu chân và mạch chày sau.
Các bác sĩ khoa Ngoại cơ xương khớp, BV Xuyên Á cắt lọc, rửa sạch vết thương, đặt khung cố định, hội chẩn và phẫu thuật nối chi. Sau đó tiến hành vi phẫu mạch máu, nối các động mạch chày sau, chày trước và các tĩnh mạch. Sau phẫu thuật, các ngón chân của bệnh nhân đã hồng hào trở lại, mạch chày trước và chày sau đập tốt.
Theo BS CKII Võ Văn Thẳng, Trưởng khoa Ngoại cơ xương khớp, BV Xuyên Á, các trường hợp đứt lìa chi cần được nhanh chóng cấp cứu, tận dụng “thời gian vàng” trong vòng sáu giờ để tiến hành vi phẫu nối chi cho bệnh nhân. Nếu chậm trễ, nhiều khả năng phải cắt bỏ chi.
Trước đó, anh N. bị tai nạn khiến cẳng chân gần như đứt lìa, chỉ dính lại lớp da cơ. Sau khi tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu qua tổng đài 115, ngay lập tức êkíp y, bác sĩ trực Trạm Cấp cứu 115 BV Xuyên Á lên đường đến hiện trường sơ cứu ban đầu trước khi đưa bệnh nhân về bệnh viện tiếp tục điều trị. Nhờ sự nhanh chóng và hoạt động sơ cứu ban đầu tốt, anh N. đã thoát khỏi nguy cơ tàn phế.
http://plo.vn/suc-khoe/noi-thanh-cong-chi-dut-lia-nho-so-cuu-ban-dau-tot-630625.html
Tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận: Phụ xe có thể bị liệt đôi chân
"Bác sĩ nói gia đình chuẩn bị tâm lý, Thanh Tâm có thể bị liệt đôi chân, giờ việc điều trị cho bệnh nhân có thể ngồi được, nằm được đã là một kỳ tích rồi".
Ngày 23-5, bà Trần Thị Kim Anh, mẹ nạn nhân Phạm Trần Thanh Tâm, phụ xe Phương Trang trong vụ tai nạn giao thông khiến 12 người chết và 40 người bị thương tại Bình Thuận rạng sáng 22-5, cho biết như trên.
BV Chợ Rẫy cho biết đã tiếp nhận ba nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông kinh hoàng tại Bình Thuận chiều 22-5, cả ba nạn nhân đều nhập viện trong tình trạng rất nặng.
Trong đó có bệnh nhân Phạm Trần Thanh Tâm sinh năm 1994, quê ở Quảng Ngãi, là phụ xe của xe khách Phương Trang, đang phải đối diện với nguy cơ liệt đôi chân do đa chấn thương.
Cha Tâm mất sớm do tai nạn giao thông năm 2008 nên từ khi 20 tuổi Tâm đã theo nhà xe Phương Trang làm phụ xe, kiếm tiền nuôi vợ và con trai nay chỉ mới 20 tháng tuổi.
Mẹ Thanh Tâm cho biết nạn nhân được các bác sĩ chẩn đoán chấn thương cột sống thắt lưng, tủy, chấn thương đầu và bảo gia đình phải chuẩn bị tâm lý vì Tâm có thể bị liệt đôi chân cả đời.
"Giờ việc điều trị cho nó ngồi được, nằm được đã là một kỳ tích rồi, chứ đi lại thì gia đình phải chuẩn bị tâm lý” - bà Trần Thị Kim Anh, mẹ nạn nhân Thanh Tâm, nói.
TS-BS Nguyễn Ngọc Khang, Phó khoa Ngoại Thần kinh, cho biết bệnh nhận Tâm được mổ cấp cứu lúc 23 giờ ngày 22-5, kết thúc khoảng 2 giờ sáng 23-5. Bệnh nhân tỉnh táo, kiểm tra chân bệnh nhân vào đầu giờ chiều cho thấy các ngón chân của cả hai chân đã nhúc nhích được và khả năng có thể phục hồi vận động của bệnh nhân.
Theo BS Khang, dấu hiệu này cho thấy tủy chỉ bị chèn ép chứ không bị dập nên sau khi giải ép tủy thì khả năng vận động hai chân đã bắt đầu hồi phục.
BS Khang cũng cho biết một bệnh nhân khác là Hoàng Hữu Tâm cũng được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng bị gãy vỡ đốt sống thắt lưng L1. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tiên lượng khả năng có thể phục hồi được vận động.
Hai nạn nhân khác được chuyển từ BV Đa khoa Bình Thuận vào BV Chợ Rẫy khác cũng đều trong tình trạng khá nguy kịch và chưa có cải thiện đáng kể. Với tình trạng bỏng sâu và bỏng hô hấp như hiện nay tiên lượng rất khó khăn. http://plo.vn/suc-khoe/tai-nan-tham-khoc-o-binh-thuan-phu-xe-co-the-bi-liet-doi-chan-630557.html
Bàn tay, xét nghiệm và thời gian “vàng” trong ngành y tế
Muốn chẩn đoán bệnh, y học cần có những bác sĩ tay nghề cao, “bàn tay vàng”, để đưa ra kết luận và hướng xử lý chính xác. Nhưng các “bàn tay vàng” này rất cần phải có thêm các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ, trong đó, xét nghiệm “vàng” là hết sức cần thiết. Và trong điều trị, tùy theo loại bệnh có một khoảng thời gian hiệu quả nhất để thành công, thời gian vàng. Bài viết đưa lại những thông tin cần thiết về hai vấn đề này.
Xét nghiệm rất cần thiết để chẩn và chữa bệnh
Sau khi sau khi hỏi bệnh sử, thầy thuốc sẽ khám lâm sàng bằng các thủ pháp nhìn, sờ, gõ, nghe, và gần như bắt buộc phải nhờ đến cận lâm sàng, đó là những thủ thuật và xét nghiệm hỗ trợ, để xác định căn bệnh, đánh giá mức độ cũng như tiên lượng bệnh.
Có rất nhiều xét nghiệm trong y khoa, nhưng tựu trung có thể xếp chúng vào hai nhóm chính là : (1) Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh gồm chẩn đoán định hướng, chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt và (2) Các xét nghiệm để theo dõi bệnh gồm theo dõi diễn tiến bệnh, hiệu quả điều trị, biến chứng xảy ra.
Đột quỵ có tần suất mắc bệnh cao
Đột quỵ (tai biến mạch não, stroke) là tình trạng não bị tổn thương do các bệnh lý: tắt mạch gây thiếu máu (nhồi máu não, nhũn não) chiếm đến 71%, xuất huyết (vỡ mạch máu não) chiếm 26% và các nguyên nhân khác chiếm 3% còn lại. Tuổi càng cao, nguy cơ đột quỵ càng lớn càng lớn, hơn 83% số trường hợp đột quỵ là ở lứa tuổi từ 50 trở lên.
Đột quỵ tuy đứng hàng thứ ba về bệnh gây tử vong ở người lớn, sau ung thư và tim mạch, nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật.
Thống kê cho thấy, tới 50% số bệnh nhân bị đột quỵ tử vong, 90% bệnh nhân sống sót gặp phải di chứng, và có nguy cơ tái phát. Các di chứng gồm yếu tay, chân; liệt nửa người; nói, viết khó, suy giảm trí nhớ…
Theo giáo sư Stephen Davis, Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới, mỗi năm toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong.
Ở Việt Nam, theo Bộ Y Tế, có hơn 200.000 ca đột quỵ /năm, trong đó nhồi máu não chiếm 70-80% và tỷ lệ tử vong còn cao do đến muộn.
Nhồi máu cơ tim cấp: tử vong nhiều
Khi động mạch vành bị hẹp lòng do co thắt hay do xơ vữa lượng máu nuôi cơ tim thiếu, gây ra: Thiếu máu cơ tim, Thiểu năng vành hay Suy vành. Nếu mảng xơ vữa bong ra cục huyết đông gây tắc mạch vành đột ngột là Nhồi máu cơ tim.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 2,5 triệu người chết do bệnh nhồi máu cơ tim, trong đó 25% chết trong giai đoạn cấp tính của bệnh và trong vòng năm sau đó chết thêm 5-10%.
Ở Hoa Kỳ, trong 6 người chết có một người vì bệnh tim mạch. Mỗi năm có khoảng 635.000 trường hợp nhồi máu mới xuất hiện và 280.000 trường hợp nhồi máu tái phát, 150.000 nhồi máu im lặng.
Ở Việt Nam, năm 2003, theo thống kê của Viện tim mạch Quốc gia Việt Nam, năm 2003 tỷ lệ bệnh nhân vào viện vì nhồi máu cơ tim cấp là 4,2% đến năm 2007 tăng lên gấp đôi là 9,1%.
Xét nghiệm vàng và giờ vàng trong y học
Xét nghiệm vàng để chẩn đoán và theo dõi bệnh: Y học là ngành khoa học thực nghiệm, có bằng chứng (evidence based). Dù có nhiều xét nghiệm để chẩn đoán và theo dõi, bác sĩ điều trị bắt buộc phải dựa vào một xét nghiệm “chìa khóa”, thường gọi là xét nghiệm vàng (gold standard test). Ví dụ: xét nghiệm HIV với bệnh AIDS, xét nghiệm HBsAg với Viêm gan siêu vi B, Phim X quang để chẩn đoán gãy xương, CT Scan hay MRI để chẩn đoán u não, nhồi máu não…
Đã có trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán nhiễm HIV oan vì nhân viên y tế đã dùng xét nghiệm Determine thay vì đưa đến TT Y tế dự phòng để làm xét nghiệm “vàng” là Western Blott. Và hậu quả rất khủng khiếp: bị đuổi việc, kiện cáo, ra tòa hình sự…
Giờ “vàng” cứu người bị đột quỵ: Các tế bào thần kinh, neuron, rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy và dưỡng chất, khi bị đột quỵ, vùng não thiếu máu nuôi sẽ ngưng hoạt động rồi “chết” đi trong vòng vài giây đến vài phút. Trong đột quỵ do tắc động mạch lớn, cứ qua 1 phút có khoảng 2 triệu neuron sẽ chết đi.
Mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và cách thức bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán và điều trị. Nếu bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ, và được điều trị thuốc làm tan huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan.
Theo GS. Nguyễn Văn Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện 108, chỉ có khoảng dưới 1% bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đúng cách trước khi đến bệnh viện. Kiến thức về "giờ vàng" (3-4 giờ đầu từ khi khởi phát đột quỵ) đối với bệnh nhân chưa được thông tin, nắm bắt nên hậu quả để lại là một gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Giờ “vàng” để cứu người nhồi máu cơ tim: Theo Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam, cho rằng “với bệnh nhồi máu cơ tim cấp, thời gian chính là sự sống”.
Theo nghiên cứu mới nhất trên thế giới, từ lúc bệnh nhân có biểu hiện đau thắt ngực hoặc quỵ xuống đến lúc được can thiệp động mạch vành dưới 2 giờ là thời gian tốt nhất, tỷ lệ sống cao nhất, đây là “thời gian vàng” để cứu tim. Nhiều chuyên gia tim mạch tính ra rằng cứ trì hoãn tái tưới máu cho nhồi máu cơ tim cấp 30 phút thì tử vong sau 1 năm tăng lên 8%.
Tiếc thay, theo thống kê tại Viện Tim mạch quốc gia, Hà Nội, chỉ gần 2% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến sớm trong khoảng “thời gian vàng” trên. Số người đến bệnh viện trước 12 giờ khoảng 40%; còn lại là bệnh nhân đến quá muộn nên nhiều trường hợp không cứu được hoặc để lại những di chứng nặng nề.
Đôi điều bàn luận
* Xét nghiệm vàng là tối cần thiết trong chẩn đoán và điều trị. Đã có trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán nhiễm HIV oan vì nhân viên y tế đã dùng xét nghiệm không “vàng” là Determine thay vì đưa đến TT Y tế dự phòng để làm xét nghiệm “vàng” là Western Blott. Và hậu quả rất khủng khiếp: bị đuổi việc, ra tòa hình sự, bồi thường…
* Với sự tiến bộ của y học, tỷ lệ tử vong do đột quỵ đã giảm so với trước đây rất nhiều. Phương pháp can thiệp nội mạch được Hội Đột quỵ Hoa kỳ đưa vào điều trị năm 2015 được nhiều nước áp dụng. Tại Việt Nam, người bệnh tắc nghẽn động mạch lớn, can thiệp nội mạch cho hiệu quả đến 80%. Tuy nhiên, việc cấp cứu can thiệp nội mạch chỉ có hiệu quả nếu được tiến hành sớm, sau 6 giờ việc tái thông mạch máu không còn tác dụng.
Do đó, khi có bệnh nhân đột quỵ, không nên cố gắng sơ cứu theo thói quen, đặc biệt dùng những thủ thuật “dân gian”, thuốc nam mách miệng… sẽ hao phí thời gian vàng của người bệnh, mà nên đưa ngay đến các trung tâm y tế.
* Can thiệp tim mạch sớm, nong thông động mạch vành và thuốc chống đông được khuyến cáo hàng đầu. Thời gian vàng để cứu nhồi máu cơ tim là dưới 2 giờ kể từ khi có triệu chứng đau thắt ngực hoặc quỵ xuống.
Câu đúc kết mọi người cần nằm lòng là:
Có 6 giờ để cứu bộ não, nhưng chỉ có 60 phút để cứu quả tim http://dantri.com.vn/suc-khoe/ban-tay-xet-nghiem-va-thoi-gian-vang-trong-nganh-y-te-20160523114740712.htm
Mang họa vì giấc mơ làm đẹp bằng rượu rễ cây
Các sản phẩm bán trên thị trường không thể xác định được độ cồn là bao nhiêu, nếu sử dụng lâu sẽ làm ảnh hưởng tới màng bảo vệ da, gây khô da, lão hóa da sớm, mụn phát triển nhiều hơn…
“Tiên dược” cho làn da
Mụn luôn là ám ảnh của các chị em. Gần đây, nhiều người chia sẻ cách “đánh tan mụn” trong khoảng thời gian ngắn bằng cách sử dụng rượu ngâm rễ cây. Chúng được bán khá nhiều ở bên vệ đường lẫn trên mạng.
Ở TP HCM ở các tuyến đường như 3/2, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Nguyễn Đình Chiểu… vẫn thường xuất hiện những người bán rượu rễ cây dạo. Theo đó, mọi người có thể chọn hai cách. Thứ nhất là mua rượu đã được ngâm rễ cây, về có thể sử dụng liền với giá 150 đến 250 nghìn đồng. Thứ hai là mua rễ cây đã được sơ chế bằng cách phơi khô rồi về dùng rượu gạo ngâm từ 7 đến 10 ngày là có thể sử dụng. Rễ cây khô có giá 50 nghìn đồng 1 lạng.
Một người bán cho biết, cách làm đẹp bằng rượu ngâm rễ cây là bài thuốc gia truyền của người dân tộc. Từ trước đến nay đã bán cho rất nhiều người và sử dụng hiệu quả. “Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng sử dụng, mụn trên mặt sẽ lặn hết”, người này khẳng định. Cách sử dụng khá dễ dàng, chỉ cần dùng bông gòn chấm với rượu ngâm rễ cây thoa đều khắp mặt.
Theo người bán, trong những ngày đầu sử dụng, da mặt sẽ bị sưng lên. Tuy nhiên, sau đó chừng một tuần thì lớp da sẽ trở nên mịn màng và không còn mụn. Tốt nhất là nên sử dụng loại “dược liệu” này một cách thường xuyên để có làn da đẹp. Theo quan sát của người viết, rễ cây được băm nhỏ nên rất khó xác định thành phần gồm những gì.
Trên mạng, thị trường mua bán rượu rễ cây để trị mụn, trị nám và làm đẹp da cũng khá nhộn nhịp. Một trang mạng quảng cáo: “Đây là sản phẩm từ thảo mộc thiên nhiên nên thích hợp với mọi loại da, đặc biệt là trong việc điều trị mụn.
So với các phương pháp dùng như kem, thuốc, đến thẩm mỹ viện… thì phương pháp này quá đơn giản và tí tốn kém nên rất nhiều người phân vân về việc có nên sử dụng phương pháp này không. Đây là một trong những phương pháp gần gũi với bạn, dễ sử dụng… Thành phần là các loại thuốc trong thiên nhiên, không gây độc hại và an toàn với bạn”.
Người viết liên hệ với một cô gái bán rượu rễ cây. Cô này cho biết, mỗi ngày bán được cả chục chai rượu rễ cây. Cô sẵn sàng chuyển hàng khắp cả nước bằng đường bưu điện.
Một người bán khác trấn an: “Khi sử dụng nên hạn chế trang điểm và không nên dùng sữa rửa mặt. Khi đi ra ngoài nên che kĩ vì lúc này da đang được tái tạo lại. Cần uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây. Khi da bị bong tróc, bạn cứ yên tâm, cứ kiên trì thì sẽ có làn da đẹp, sạch mụn 100%”.
Rước họa vào thân
Chị Nguyễn Thị Thu Đông (19 tuổi, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, bị mụn khá nhiều và luôn cảm thấy ái ngại mỗi khi gặp mọi người. Chị đã sử dụng khá nhiều loại mỹ phẩm với mong muốn “dẹp” được mụn nhưng không thành công.
Vài tháng trước, lên mạng, chị đọc được thông tin về việc “khả năng thần kì” của loại rượu ngâm rễ cây mật gấu nên mua về sử dụng. Tháng đầu tiên, mụn trên da bắt đầu lặn hết nên chị rất mừng. Thế nhưng, niềm vui chưa kịp trọn vẹn chỉ chỉ hai tháng sau, da bị ửng đỏ, mụn mọc lên nhiều hơn trước và khá đau.
Lo sợ, chị đến bệnh viện khám và bác sĩ cho biết bị dị ứng. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, da của chị bị bào mòn nhiều dẫn đến tổn thương và mụn gây viêm nhiễm.
Người viết mang một bịch chứa rễ cây đến các lương y để hỏi và được biết, đó là rễ cây mật nhân hay còn gọi là mật gấu. Gía trên thị trường của loại rễ cây này là 30 đến 50 nghìn đồng 1 kg. Như vậy, các tiểu thương đã “đội” giá lên hàng chục lần.
Lương y Dương Đình Mạnh cho biết, mật gấu hay còn gọi là mật nhân có công dụng thanh nhiệt, giải độc, trị mụn, ghẻ lở…. Chỉ được sử dụng bằng cách nấu tắm hoặc rửa. Từ trước đến nay, ông không thấy tài liệu nào ghi chép về việc ngâm mật nhân bằng rượu có thể trị mụn.
Ông Mạnh cho biết thêm, sở dĩ khi dùng loại rượu ngâm rễ mật nhân lúc đầu có thể giảm mụn, thật ra không phải nhờ loại rễ này mà là do cồn trong rượu. Cồn trong rượu giúp bong tróc lớp da ở bên ngoài, đồng thời làm se lỗ chân lông, giúp da khô dầu trên bề mặt. Đây cũng chính là lý do khiến những người da dầu cảm thấy da khô thoáng khi sử dụng.
Riêng việc sử dụng rượu để rửa mặt thường xuyên như thế này rất nguy hại cho da. Với thời gian sử dụng lâu có thể làm tổn thương da mặt. Vả lại, các sản phẩm bán trên thị trường không thể xác định được độ cồn là bao nhiêu, nếu sử dụng lâu sẽ làm ảnh hưởng tới màng bảo vệ da, gây khô da, lão hóa da sớm, mụn phát triển nhiều hơn…http://khampha.vn/suc-khoe/mang-hoa-vi-giac-mo-lam-dep-bang-ruou-re-cay-c11a412740.html
Khoảng 45% dân số Việt Nam mắc chứng hôi miệng
Hôi miệng là nguyên nhân khiến người bệnh thiếu tự tin trong giao tiếp. Theo ước tính của Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam hiện có khoảng 45% dân số cả nước mắc chứng hôi miệng.
Thống kê của Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam trong năm 2015 cho thấy, khoảng 45% dân số (tương đương 40,5 triệu người) mắc chứng hôi miệng. Thông tin trên được ThS.BS CKII Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt, TPHCM cho hay.
Chứng hôi miệng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau do: người bệnh mắc các bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm hoặc nhiễm trùng nướu răng, viêm nhiễm đường hô hấp, viêm lưỡi hoặc đường tiêu hóa… Bên cạnh đó, hút thuốc lá, tiêu thụ thức ăn nhiều đạm, chất béo, thức ăn gây mùi như hành, tỏi và vệ sinh răng miệng kém khiến thức ăn sót lại trong miệng và giữa các kẽ răng gây ra bựa vôi bám vào chân răng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
Mùi hôi ở người bệnh phát ra khi nói hoặc thở là từ các hóa chất bay hơi loại sulfur như hydrogen sulfide, methyl mercaptan, dimethyl sulfide. Các sulfide này do sự phân hủy protein của các vi sinh vật ở miệng tạo thành.
Từ trước đến nay, việc xác định chứng hôi miệng được thực hiện bằng phương pháp “thủ công” thông qua người giám định ngửi mùi hôi hoặc một số thiết bị đơn giản hỗ trợ trong y khoa. Để chẩn trị chính xác chứng hôi miệng cho người bệnh, BS Đức Minh cho hay, sau 2 tháng thử nghiệm, điều trị thành công 60 ca có nguyên nhân hôi miệng (tháng 5/2016) lần đầu tiên tại Việt Nam, bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM đã đưa vào sử dụng máy sắc ký khí OralChroma và hoạt chất chlorine dioxide trong chẩn trị chứng hôi miệng.
Theo BS Đức Minh, thiết bị trên có thể đo và hiển thị các số liệu của 3 loại hợp chất khí lưu huỳnh gây ra mùi hôi ở miệng (đã nêu ở trên). Ngoài ra, phần mềm điều khiển cài đặt trên máy tính sẽ hiển thị và lưu trữ các thông tin được ghi nhận, giúp bác sĩ theo dõi được tình trạng của người bệnh, từ đó có hướng điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. http://dantri.com.vn/suc-khoe/khoang-45-dan-so-viet-nam-mac-chung-hoi-mieng-20160523165740207.htm
Ôm họa khi gan bị tấn công bởi thực phẩm bẩn
(PLO)- Nếu lượng độc chất từ thực phẩm bẩn tích tụ trong cơ thể tăng dần sẽ làm cho gan bị hủy hoại nghiêm trọng.
Được xem là “lá chắn bảo vệ cơ thể” với gần 500 chức năng quan trọng nhưng không phải lúc nào gan cũng khỏe mạnh, đặc biệt trước nguy cơ thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất độc hại đang ngày ngày được con người dung nạp vào cơ thể như hiện nay.
Gan bị “quá tải”
Với thực phẩm bẩn đang tràn lan như hiện nay, việc tránh loại thực phẩm này để bảo vệ cơ thể là điều không dễ dàng. Các hóa chất độc hại, vi khuẩn, virus, nấm mốc… từ thực phẩm bẩn khi vào cơ thể, đi qua gan khiến cho gan vốn là nơi lọc và tiêu diệt các chất độc hại, vi khuẩn này trở nên quá tải. Đây là lý do làm kích hoạt quá mức tế bào Kupffer trong gan, làm sản sinh các chất gây viêm, phá hủy tế bào gan, dẫn đến nhiều bệnh lý gan nguy hiểm.
Theo PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV ĐH Y Dược TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Gan Mật TP.HCM, nghiên cứu về sinh học phân tử gần đây cho thấy quá trình hủy hoại tế bào gan của các độc chất xảy ra như sau: Khi những độc chất từ thực phẩm bẩn vào cơ thể, một mặt trực tiếp kích hoạt tế bào Kupffer (một loại tế bào miễn dịch nằm ở xoang gan) hoạt động quá mức, làm cho tế bào này phóng thích ra các chất gây viêm như TNF-α, TGF-β, Interleukin… gây tổn thương, hủy hoại tế bào gan. Mặt khác, các độc chất cũng khiến tế bào gan làm việc quá sức khi thực hiện vai trò khử độc, làm sản sinh các sản phẩm trung gian tiếp tục kích hoạt tế bào Kupffer mạnh mẽ. Và một lần nữa gây chết tế bào gan nhiều hơn khiến gan nhanh chóng suy yếu, cơ thể dễ bị nhiễm độc từ nhiều nguồn khác nhau.
Nếu lượng độc chất từ thực phẩm bẩn cũng như từ môi trường ô nhiễm, rượu bia, thuốc men… tích tụ trong cơ thể tăng dần theo thời gian, sẽ âm thầm làm cho gan bị hủy hoại nghiêm trọng do kích hoạt tế bào Kupffer quá mức. Hậu quả là gây ra nhiều tình trạng bệnh lý tại gan như tăng men gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan cũng như nhiều bệnh lý tại các cơ quan khác.
Phòng, chống để gan không “lâm bệnh”
Đứng trước vòng vây độc chất, việc giải độc cho gan theo cách hiểu thông thường là chưa đủ, bởi một khi gan đã bị nhiễm độc, hư tổn thì rất khó có thể phục hồi. Vì vậy, BS Bùi Hữu Hoàng cho biết nên chủ động chống độc, bảo vệ gan ngay từ khi gan chưa bị nhiễm độc hoặc nhiễm độc chưa nặng nề. Điều đó giúp gan duy trì tốt nhiều vai trò quan trọng, bảo vệ cơ thể bằng cách ngăn chặn hoặc hạn chế sự xâm nhập của các độc chất. Đồng thời chủ động kiểm soát từ gốc cơ chế sinh bệnh gây các tổn thương gan là do sự hoạt động quá mức của tế bào Kupffer.
Trên cơ sở nhận biết rõ vai trò quan trọng của tế bào Kupffer trong cơ chế gây bệnh ở gan, gần đây nhờ vào những thành tựu vượt trội của ngành công nghệ sinh học phân tử, các nhà khoa học Mỹ đã ứng dụng thành công tinh chấtWasabia và S.Marianum thiên nhiên vào trong Hewel giúp kiểm soát hiệu quả hoạt động của tế bào Kupffer.
Nghiên cứu tại Nhật và Đức cho thấy việc sử dụng Wasabia và S. Marianumgiúp kiểm soát tế bào Kupffer trước tác động của các hóa chất độc hại, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng…; làm giảm trên 50% các chất gây viêm như TNF-α, TGF-β, Interleukin… sau sáu tuần. Nhờ đó, hạn chế quá trình viêm, tổn thương gan, ngăn chặn hình thành các mô sợi gây xơ gan. Đồng thời,Wasabia và S. Marianum còn giúp tăng gấp ba lần loại protein bảo vệ cơ thể là Nrf2 chỉ sau sáu giờ, kiểm soát tế bào Kupffer, tăng cường khả năng khử độc, bảo vệ gan và tái tạo các tế bào gan bị hư hại. http://plo.vn/suc-khoe/om-hoa-khi-gan-bi-tan-cong-boi-thuc-pham-ban-630518.html
Vụ tai nạn 13 người tử vong: Ca phẫu thuật xuyên đêm cứu 2 nạn nhân
Dân trí Xác định nạn nhân bị chấn thương rất nặng, nguy cơ liệt cao các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện liên tiếp 2 ca phẫu thuật xuyên đêm. Sau ca mổ, hiện sức khỏe người bệnh đã tạm ổn, tiên lượng có thể phục hồi được vận động.
Rạng sáng ngày 22/4, vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại Bình Thuận đã khiến 13 người chết và 40 người bị thương. Trong số đó, 3 nạn nhân bị thương nặng gồm: Vy Thanh Hiếu (SN: 1970); Phạm Trần Thanh Tâm (SN: 1994); Hoàng Hữu Tâm (SN: 1964) đã được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.
Sau khi tiếp nhận cấp cứu, các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện kiểm tra hình ảnh. Kết quả hội chẩn chỉ ra, bệnh nhân Thanh Tâm bị vỡ đốt sống (D12), có mảnh vỡ rời chèn ép tủy sống; bệnh nhân Hữu Tâm bị vỡ đốt sống thắt lưng (L1). Cả hai bệnh nhân trong vụ tai nạn đều đối mặt với nguy cơ bại liệt.
Để khẩn trương cứu chữa cho người bệnh, ngay trong đêm, ê kíp phẫu thuật liên chuyên khoa tại bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định thực hiện liên tiếp 2 cuộc mổ cấp cứu. TS.BS Nguyễn Ngọc Khang - Phó khoa Ngoại Thần kinh cho biết, ca mổ thứ nhất được tiến hành cho bệnh nhân Phạm Trần Thanh Tâm. Đây là bệnh nhân được chẩn đoán gặp phải thương tích nặng, phim CT-Scan cho thấy mảnh xương vỡ chèn ép tủy sống đã khiến người bệnh bị liệt 2 chân.
Cuộc mổ cho bệnh nhân Thanh Tâm được tiến hành lúc 23h ngày 22/5. Các bác sĩ đã phẫu thuật giải ép, đồng thời đặt nẹp cột sống cho người bệnh. Sau 3 giờ khẩn trương, ca mổ đã được thực hiện thành công.
Chưa đầy một giờ sau, các bác sĩ tiếp tục bước vào ca phẫu thuật thứ 2 cho bệnh nhân Hoàng Hữu Tâm. Đây là ca bệnh bị vỡ đốt sống thắt lưng (L1). Ca mổ kết hợp xương, cố định đốt sống cho bệnh nhân diễn ra từ 3h ngày 23/5 và kết thúc thành công vào 6h sáng cùng ngày.
Sau mổ, cả hai bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tại khoa Ngoại Thần kinh. BS Ngọc Khang cho biết, kết quả thăm khám lại sau phẫu thuật ghi nhận, bệnh nhân Phạm Trần Thanh Tâm đã tỉnh táo, các ngón của cả hai chân đã nhúc nhích được, tiên lượng phục hồi vận động của người bệnh tương đối khả quan. Quá trình phẫu thuật ghi nhận, tủy chỉ bị chèn ép chứ không bị dập nên sau khi giải ép tủy thì khả năng vận động 2 chân đã bắt đầu hồi phục.
Bệnh nhân Hoàng Hữu Tâm, hiện cũng đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt sau phẫu thuật. Tuy vết mổ còn đau nhiều, 2 chân bị tê và yếu nhưng vẫn cử động được, bác sĩ hi vọng khả năng hồi phục vận động sẽ giúp bệnh nhân có cuộc sống bình thường sau tai nạn.
Riêng trường hợp bị bỏng nặng là nạn nhân Vy Thanh Hiếu, tình trạng đang ngày càng nguy cấp. BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình cho hay, dù chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng tình hình bệnh nhân Hiếu vẫn rất nguy kịch, chưa có dấu hiệu cải thiện. Với tình trạng bỏng sâu và bỏng hô hấp, tiên lượng phục hồi ở người bệnh rất khó khăn.
Đứng bên giường bệnh của con trai tại khoa Ngoại Thần kinh, bà Trần Thị Kim Anh (quê Quảng Ngãi, mẹ bệnh nhân Phạm Trần Thanh Tâm) nghẹn ngào: “Khi nghe tin con gặp nạn, tôi gần như ngã quỵ. Năm 2008, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của chồng tôi, nay lại đến lượt con.”
Cũng theo lời bà Kim Anh, sau khi cha mất, Thanh Tâm đã phải thôi học, hơn 2 năm qua Tâm xin vào làm phụ xe cho nhà xe Phương Trang. Hiện Thanh Tâm đã có vợ và một đứa con nhỏ mới 20 tháng tuổi. Tiền lương từ công việc phụ xe là thu nhập chính để Tâm nuôi vợ và con. Tai nạn xảy ra đang đẩy gia đình nhỏ rơi vào cảnh khốn cùng. Nhìn Tâm như người mất hồn trên giường bệnh, bà Kim Anh chỉ còn biết nuốt nước mắt, cầu cho con tai qua nạn khỏi, thoát khỏi cảnh phải liệt giường để đứa cháu nhỏ có nơi nương tựa. http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-tai-nan-13-nguoi-tu-vong-ca-phau-thuat-xuyen-dem-cuu-2-nan-nhan-20160523214726535.htm