Mỗi ngày, Việt Nam có 100 người chết vì thuốc lá
Theo thống kê, thuốc lá là nguyên nhân khiến 40.000 người tử vong mỗi năm và bình quân mỗi ngày tại Việt Nam có 100 người tử vong do hút thuốc lá.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học Triển khai chương trình Phòng chống tác hại Thuốc lá và hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá năm 2016, vừa được tổ chức tại BV Bạch Mai vừa qua.
Tại Hội thảo này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế - Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, cho biết Việt Nam nằm trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Cụ thể, 15,3 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá (trung bình 2 nam giới có một người hút thuốc lá), 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà, 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà.
Theo thống kê, có khoảng 41,2% nam giới trưởng thành, 1,6% nữ giới trưởng thành, 5,9% thiếu niên nam và 1,2% thiếu niên nữ hút thuốc lá hằng ngày. Các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hơn 40 nghìn người tử vong tại Việt Nam hằng năm, tương đương với khoảng 100 người chết/ngày. Trong đó, 22% ca tử vong ở nam giới và 9,5% ca tử vong ở nữ giới.
Cũng tại buổi Hội thảo này, GS.TS Ngô Quý Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hơn 40.000 người tử vong tại Việt Nam hằng năm, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm vào năm 2030 theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thống kê từ Bệnh viện K Trung ương từng chỉ ra tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới 96,8%. Khói thuốc còn là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động. Trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc.
http://www.giadinhvietnam.com/song-khoe/moi-ngay-viet-nam-co-100-nguoi-chet-vi-thuoc-la-d94190.html
Thanh tra toàn diện nhà sản xuất C2 và Rồng Đỏ
Hiện Thanh tra Bộ Y tế đang thanh tra toàn diện nhà sản xuất C2 và Rồng Đỏ là Công ty TNHH URC Việt Nam.
Trong ngày 23-5, Thanh tra Bộ Y tế cũng đã có cuộc làm việc với Công ty URC Việt Nam để thống kê toàn bộ số hàng hóa thuộc các lô bị dừng lưu hành, bao gồm số đã sản xuất, số đã bán ra, số cần thu hồi...
Hiện nay, Thanh tra Bộ Y tế đang thanh tra toàn diện nhà sản xuất C2 và Rồng Đỏ là Công ty TNHH URC Việt Nam, đồng thời sẽ kiểm tra lô nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ có thông tin hàm lượng chì gấp nhiều lần mức cho phép.
Được biết, từ ngày 20-5, một lô trà xanh hương chanh C2 và hai lô tăng lực Rồng Đỏ hương dâu của doanh nghiệp này đã bị yêu cầu dừng lưu thông do hàm lượng chì cao quá mức công bố.
Hai lô sản phẩm bị dừng lưu thông này gồm: sản phẩm trà xanh hương chanh C2 (ngày sản xuất 11/1/2016, hạn sử dụng 11/1/2017) có hàm lượng chì theo công bố là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05mg/L nhưng kết quả kiểm là 0,46mg/L (cao hơn 9 lần so với mức công bố) và sản phẩm nước tăng lực hương dâu hiệu rồng đỏ (ngày sản xuất 14/1/2016, hạn sử dụng 14/10/2016) có hàm lượng chì theo công bố là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05mg/L, sau khi kiểm nghiệm cho kết quả là 0,21mg/L (cao hơn 4 lần so với mức đã công bố).
http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/1/thoi-su/146441/thanh-tra-toan-dien-nha-san-xuat-c2-va-rong-do.aspx
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/an-toan-thuc-pham/306405/chi-vuot-nguong-4-9-lan-dung-luu-thong-them-2-lo-c2-rong-do.html
Hai lô nước C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng bị dừng lưu thông
Thanh tra Bộ Y tế vừa yêu cầu Công ty TNHH URC báo cáo số lượng sản phẩm trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực hương dâu Rồng đỏ đã sản xuất, đã bán, địa bàn bán và số lượng còn tồn của từng lô hàng có kết quả kiểm nghiệm định kỳ không đạt.
Đồng thời, báo số lượng cụ thể của từng lô nguyên liệu đã được sử dụng để sản xuất ra hai lô sản phẩm về Thanh tra Bộ trước ngày 26-5.
Trước đó, chiều 23-5, sau khi làm việc với Thanh tra Bộ Y tế, công ty này đã ra thông báo tạm dừng lưu thông hai lô sản phẩm bao gồm trà xanh hương chanh C2 (ngày sản xuất 11-1-2016, hạn sử dụng 11-1-2017) và nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ (ngày sản xuất 14-1-2016, hạn sử dụng 14-10-2016) do có hàm lượng chì cao hơn mức đã công bố.
Cụ thể, sản phẩm trà xanh hương chanh C2 có hàm lượng chì theo công bố là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/lít. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm ngày 16-2 do Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia thực hiện là 0,46 mg/lít (cao hơn chín lần so với mức công bố). Còn sản phẩm nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ có hàm lượng chì theo công bố là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/lít nhưng kết quả kiểm nghiệm là 0,21 mg/lít (cao hơn bốn lần so với mức đã công bố).
http://plo.vn/suc-khoe/hai-lo-nuoc-c2-va-rong-do-co-ham-luong-chi-vuot-nguong-bi-dung-luu-thong-630843.html
Được cứu chữa kịp thời nhờ trạm vệ tinh cấp cứu
Trước khi có các trạm cấp cứu vệ tinh, nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong vì không có phương tiện di chuyển hoặc đợi xe cấp cứu đến được thì quá trễ.
“Từ khi đưa vào hoạt động, ba trạm vệ tinh của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã cứu nhiều trường hợp nguy kịch và có nguy cơ tử vong nếu chỉ xử lý chậm vài phút” - ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, nhận định.
Thoát chết trong gang tấc
“Ngày 9-5, Trạm vệ tinh cấp cứu 115 của BV Bình Tân (TP.HCM) nhận cuộc gọi có một TNGT xảy ra tại khu vực đường Tên Lửa (Bình Tân). Đội cấp cứu của bệnh viện nhanh chóng tới nơi xảy ra tai nạn” - BS Trần Minh Quân, Trưởng khoa Cấp cứu BV Bình Tân, nhớ lại.
Mặc dù bệnh nhân than đau nhưng không thấy chảy máu. Quan sát kỹ, BS Quân nhận định bệnh nhân có thể bị gãy xương đùi kín. Đội cấp cứu nhanh chóng nẹp cố định phần gãy, chích thuốc giảm đau, truyền dịch và đưa về bệnh viện. Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị gãy xương đùi kín, đúng như nhận định ban đầu. “Bệnh nhân bị gãy xương đùi kín rất dễ bị lệch xương gãy trong quá trình vận chuyển nếu không được nẹp cố định, việc điều trị về sau sẽ khó khăn hơn. Chưa hết, xương gãy có thể gây xuất huyết nội khiến bệnh nhân tử vong. Do nhận định đúng, lại được sơ cứu kịp thời nên bệnh nhân đã được cứu sống” - BS Quân nói.
BS Huỳnh Công Chánh, Trưởng khoa Cấp cứu BV Đa khoa Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho biết cách đây vài ngày, vào lúc 21 giờ, Trạm vệ tinh cấp cứu 115 của BV Xuyên Á nhận được cuộc báo có một thanh niên độ 20 tuổi bị TNGT do say rượu. Năm phút sau, đội cấp cứu có mặt tại hiện trường và ghi nhận bệnh nhân nằm sấp, bất tỉnh; chân phải gần đứt lìa, chỉ còn dính miếng da, mất nhiều máu.
“Khi đó, đội cấp cứu đã kịp cố định cột sống cổ, cố định chân gãy và cầm máu cho nạn nhân. Ca mổ kéo dài bốn giờ, truyền bốn đơn vị máu. Hiện bàn chân bệnh nhân đã hồng hào, mạch rõ. Nếu cấp cứu chậm độ năm phút thì bệnh nhân có nguy cơ mất chân phải do hoại tử” - BS Chánh nói.
BS Diệp Thành Tường, Trưởng khoa Cấp cứu-Hồi sức BV Đa khoa Sài Gòn (quận 1, TP.HCM), cho biết mới đây Trạm vệ tinh cấp cứu 115 của bệnh viện này cũng đã kịp thời cứu sống nam bệnh nhân hơn 50 tuổi lên cơn hen cấp, tím tái, khó thở. “Trong trường hợp không có Trạm vệ tinh cấp cứu 115 tại BV Đa khoa Sài Gòn, nếu Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đến trễ độ ba phút vì lý do nào đó thì bệnh nhân có nguy cơ chết não, phải sống thực vật, thậm chí có thể tử vong” - BS Tường chia sẻ.
Nghe điện thoại báo là lên đường ngay
Theo Sở Y tế TP.HCM, một thực tế đang tồn tại là người dân chưa biết đến thông tin có các trung tâm đảm nhận nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện hoặc nhầm tưởng số máy 115 là tổng đài cấp cứu của các bệnh viện chứ không phải của riêng trung tâm cấp cứu. Theo số liệu của Sở Y tế TP.HCM, năm 2015 Trung tâm Cấp cứu 115 chỉ nhận được 9.795 cuộc gọi (trung bình 27 cuộc gọi/ngày), số xe cứu thương xuất bến chỉ có 6.880 lượt. Con số trên còn quá ít so với con số bệnh nhân phải cấp cứu mỗi ngày tại các bệnh viện trên toàn TP.
Theo ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, khi rơi vào tình trạng khẩn cấp, người dân sẽ sử dụng bất cứ phương tiện nào mà họ biết để cấp cứu tính mạng của người thân. Tuy nhiên, khi có ca tai nạn hay đột quỵ cần cấp cứu khẩn cấp tại chỗ và cần vận chuyển, nếu sử dụng các phương tiện không đảm bảo thì sẽ khó tránh khỏi những chuyện đáng tiếc xảy ra.
Chính vì vậy, việc triển khai các trạm cấp cứu vệ tinh và tổng đài 115 là một bước đi phù hợp để giảm rủi ro cho người dân khi không được sơ cấp cứu kịp thời tại hiện trường hoặc chuyển đến bệnh viện cấp cứu không đảm bảo an toàn. Khi có ca khẩn cấp, người dân chỉ cần nhớ số điện thoại 115 là đủ.
“Thông thường khi nhận cuộc gọi, đội cấp cứu hay hỏi người gọi những thông tin liên quan đến nạn nhân để tránh trường hợp bị chọc phá. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng đến “thời gian vàng” trong cấp cứu. Do vậy, chúng tôi có quy định hễ nhận được cuộc gọi là đội cấp cứu 115 của bệnh viện phải lên đường ngay trong vòng 1-2 phút” - BS Châu cho biết.
Thưởng đột xuất Trạm vệ tinh cấp cứu 115 BV Đa khoa Xuyên Á
Sở Y tế TP.HCM ngày 24-5 đã khen thưởng đột xuất cho Trạm vệ tinh cấp cứu 115 BV Đa khoa Xuyên Á vì phẫu thuật thành công một bệnh nhân bị TNGT gần đứt lìa 1/3 dưới cẳng chân phải (Pháp Luật TP.HCM ngày 24-5 đã đưa tin).
Theo Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, từ tháng 4-2014 đến nay, Sở Y tế TP đã thành lập ba trạm vệ tinh gồm trạm vệ tinh cấp cứu 115 của BV Đa khoa Sài Gòn, BV Bình Tân và BV Đa khoa Xuyên Á. Dự kiến đầu tháng 6-2016, TP sẽ triển khai thêm hai trạm vệ tinh cấp cứu ở BV quận Thủ Đức và BV quận 2. Trong tháng 7 sẽ thêm hai trạm cấp cứu vệ tinh tại BV quận 7 và BV Bình Chánh. Như vậy trong năm 2016, TP.HCM bước đầu đã hình thành các trạm vệ tinh cấp cứu 115 ở bốn khu vực cửa ngõ và khu vực trung tâm. Thời gian tới, TP.HCM sẽ thành lập mạng lưới trạm vệ tinh cấp cứu tại mỗi quận, huyện của TP để phục vụ kịp thời hoạt động cấp cứu ngoại viện cho người dân.
Thực tế cho thấy người dân ở những khu vực có trạm vệ tinh cấp cứu 115 hưởng nhiều lợi ích vì được cấp cứu nhanh, sớm, có hiệu quả, giảm nguy cơ tử vong. Hiện mỗi trạm vệ tinh trung bình mỗi ngày cấp cứu 7-10 trường hợp, trong đó đa phần là TNGT.
http://plo.vn/suc-khoe/duoc-cuu-chua-kip-thoi-nho-tram-ve-tinh-cap-cuu-630847.html
Phát hiện heo nhiễm chất tạo nạc tại lò mổ lớn nhất Nghệ An
Rạng sáng 24-5, đoàn kiểm tra liên ngành về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm TP Vinh (Nghệ An) kiểm tra đột xuất tại lò giết mổ gia súc tập trung ở xóm 5, xã Nghi Phú, TP Vinh.
Đây là lò giết mổ tập trung lớn nhất trên địa bàn TP Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, chủ lò mổ tên Phạm Văn Hạnh.
Ông Hạnh cho biết số lượng heo sử dụng để giết mổ được nhập từ một trang trại ở địa bàn huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Mỗi đêm tại đây có khoảng 150-200 con heo được giết mổ cung cấp thịt cho người tiêu dùng trên địa bàn TP Vinh và các vùng phụ cận.
Trong buổi kiểm tra, đoàn liên ngành thực hiện test nhanh ba mẫu thì kết quả cả ba mẫu đều dương tính với các chất tạo nạc như salbutamol, clenbuterol. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu tạm dừng hoạt động giết mổ và lấy mẫu thịt gửi đến các cơ quan chức năng chuyên môn kiểm nghiệm.
http://plo.vn/suc-khoe/phat-hien-heo-nhiem-chat-tao-nac-tai-lo-mo-lon-nhat-nghe-an-630880.html
Một người tử vong vì nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh
Theo thông tin từ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, vừa có một trường hợp bệnh nhân tử vong sau khi ăn tiết canh heo.
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương), cho biết tên bệnh nhân ĐNL, 67 tuổi, ở Phú Thọ, được chuyển đến bệnh viện vào ngày 19-5.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch do sốc nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Bệnh nhân đã được cấp cứu tích cực, dùng kháng sinh theo phác đồ, dùng thuốc vận mạch, thở máy, lọc máu liên tục nhưng tình trạng sốc không cải thiện. Các ban hoại tử trên cơ thể bệnh nhân tiếp tục lan rộng với tiên lượng xấu. Gia đình bệnh nhân xin ngừng điều trị và đưa về trong ngày 21-5.
Theo người nhà bệnh nhân, ông L. vốn rất thích ăn tiết canh, lòng heo. Trước thời điểm nhập viện hai ngày, bệnh nhân đã đi ăn tiết canh ở quán gần nhà. Một ngày sau ăn, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, nôn, ý thức lơ mơ và nổi nhiều ban tím vùng mặt, vành tai, cẳng chân và hai bên đùi. Bệnh nhân được gia đình đưa tới BV Đa khoa Phú Thọ nhưng nhanh chóng xuất hiện tụt huyết áp, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Sau đó, bệnh nhân được chuyển thẳng đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
http://plo.vn/suc-khoe/mot-nguoi-tu-vong-vi-nhiem-lien-cau-lon-sau-khi-an-tiet-canh-630842.html
Thanh niên Công an xây dựng môi trường không khói thuốc lá
Ngày 24-5, tại Vĩnh Phúc, Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), Bộ Công an phối hợp với Văn phòng PCTHTL, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo chuyên đề phòng chống tác hại của thuốc lá đối với đoàn viên thanh niên CAND.
Báo cáo tại hội thảo nêu rõ, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Á, sau Indonesia và Philippines.
Tỷ lệ người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà là 67,6% , tại nơi làm việc là 49%. Tỷ lệ hút thuốc là ở người trưởng thành là 47,4%, trong khi đó có 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại gia đình, nơi làm việc và nơi công cộng.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS, Trung tướng Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Phó trưởng ban chỉ đạo PCTHTL, Bộ Công an nhấn mạnh, cùng với các Bộ ngành trong cả nước, Bộ Công an đã và đang nỗ lực đưa công tác PCTHTL trong CBCS, học sinh, sinh viên dần đi vào nề nếp và đã thu được kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ hút thuốc lá trong Công an đã giảm từ 24,7% xuống còn 20,3%.
Đồng chí cũng đề nghị, Đoàn viên thanh niên Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu cho lãnh đạo đơn vị đưa nội dung công tác PCTHTL vào chương trình hoạt động và thi đua của tổ chức đoàn…
Thường trực Ban chỉ đạo PCTHTL Bộ Công an phối hợp với các đơn vị chức năng trong Công an tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp Luật về PCTHTL; đấu tranh, xử lý vận chuyển, buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả…
Tại hội thảo, Ban chấp hành Đoàn thanh niên 6 Tổng cục và Đoàn thanh niên 8 Công an các tỉnh phía Bắc đã ký cam kết thực hiện các quy định của Luật PTTHTL và xây dựng môi trường không khói thuốc lá.
http://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/Phong-chong-tac-hai-thuoc-la-trong-doan-vien-thanh-nien-Cong-an-393880/
Trực tuyến: Chuyển đổi vaccine bại liệt và các vấn đề liên quan đến tiêm chủng
Chương trình giao lưu trực tuyến: Chuyển đổi vaccine bại liệt và các vấn đề liên quan đến tiêm chủng, sẽ diễn ra vào 14h30 ngày 25/5 (thứ Tư) trên Báo Điện tử Chính phủ tại địa chỉ baochinhphu.vn.
Cùng với khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000.
Để bảo vệ thành quả này, đồng thời hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 6/2016, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ thực hiện chuyển đổi vaccine bại liệt uống 3 týp (1, 2 và 3) sang vaccine bại liệt uống 2 týp (1và 3) trên cả nước.
Việc chuyển đổi sử dụng sang vaccine 2 týp sẽ được thực hiện như nào? Tính an toàn và hiệu quả của vaccine này ra sao? Vì sao Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt mà vẫn phải chuyển đổi vaccine?...
Lãnh đạo ngành y tế và các chuyên gia trong Chương trình giao lưu trực tuyến sẽ cung cấp thông tin và giải đáp các thắc mắc của người dân liên quan đến việc chuyển đổi này.
Các chuyên gia cũng sẽ trực tiếp trả lời các câu hỏi và băn khoăn của bạn đọc liên quan đến vấn đề tiêm chủng và vaccine hiện nay.
Khách mời tham dự buổi giao lưu trực tuyến gồm: Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế); bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; bà Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
http://baochinhphu.vn/doi-song/truc-tuyen-chuyen-doi-vaccine-bai-liet-va-cac-van-de-lien-quan-den-tiem-chung/254783.vgp
Cuộc sống người chuyển giới: Còn nhiều kỳ thị, khó khăn
Khó tìm việc làm, giấy tờ cá nhân của chính mình nhưng không được xã hội công nhận, bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh… là những rào cản khiến cuộc sống của người chuyển giới tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Số người chuyển giới chiếm khoảng 0,5% dân số thế giới
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), mặc dù ở Việt Nam chưa có thống kê nào về số lượng người chuyển giới, nhưng theo nghiên cứu của các tổ chức khoa học uy tín, số lượng người chuyển giới hiện chiếm khoảng 0,5-1% dân số thế giới.
Việc thu thập số liệu người chuyển giới gặp khó khăn do sự kỳ thị xã hội khiến người chuyển giới không thể hiện hoặc không công khai giới tính mong muốn của mình; còn có trường hợp người chuyển giới tự nhận mình là người đồng tính.
Số liệu tại nhiều nước châu Âu cũng ghi nhận tỉ lệ người chuyển giới từ nam sang nữ cao gấp 6 lần tỉ lệ người chuyển giới từ nữ sang nam. Điều này không có nghĩa là có nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ hơn, mà do người chuyển giới từ nữ sang nam ít tìm tới các cơ sở phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Đặc biệt, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người chuyển giới trong xã hội đã khiến họ sống khép kín trong sự bức bối của chính mình.
Bà Lương Bích Ngọc, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho biết, sự kỳ thị phân biệt đối xử và bạo lực với người chuyển giới khá phổ biến và ở mức độ nghiêm trọng hơn so với người đồng tính, hoặc người có quan hệ cùng giới nói chung.
“Họ còn bị phản đối từ chính gia đình, bạn bè của mình do thể hiện giới tính khác với vai trò được xã hội mong đợi, thể hiện qua cách ăn mặc, lời nói, cử chỉ và điệu bộ”, bà Lương Bích Ngọc nói.
Một người chuyển đổi giới tính giấu tên tâm sự, khi công khai với bố mẹ về giới tính và mong muốn được chỉnh sửa bản thân, nhưng bố mẹ nghe xong đã đưa ngay em đi gặp bác sĩ tâm lý, vì trong quan niệm của nhiều người hiện nay vẫn cho rằng, người chuyển giới là mắc "bệnh" hoặc "a dua". Nhiều lúc em cảm thấy rất tủi khổ vì những lời xúc phạm của chính những người thân trong gia đình.
Phải chấp nhận “cái chết giả”
Những định kiến về người chuyển giới cũng đang khiến họ dần bất lực khi đi tìm việc làm. Thậm chí, có người xin được công việc tạm thời trong quán ăn hoặc doanh nghiệp tư nhân nhưng hầu như đều phải nghỉ việc sau một thời gian ngắn vì thái độ phân biệt đối xử và bất công nơi làm việc.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, cơ hội việc làm đặc biệt khó khăn hơn với những người chuyển giới từ nam sang nữ. Họ thường có nhu cầu làm việc ở các ngành nghề dịch vụ, làm đẹp, biểu diễn... nhưng do bị phân biệt đối xử từ gia đình nên họ ít được gia đình đầu tư cho việc học hành và phát triển nghề nghiệp.
Sự kỳ thị trong nhà trường cũng khiến họ khó theo đến cùng việc học. Chính việc thiếu nền tảng hỗ trợ từ gia đình và không bằng cấp nên cơ hội việc làm càng trở nên mong manh hơn.
“Thậm chí những người chuyển giới từ nam sang nữ ở TPHCM thường tập hợp thành các nhóm nhỏ đi hát ở các đám tang để kiếm sống”, hoa hậu chuyển giới năm 2015 Hysa B chia sẻ.
Đặc biệt, những người chuyển giới tại Việt Nam hiện nay đang phải chấp nhận “cái chết giả”, vì họ vẫn đang sống nhưng giấy tờ cá nhân thì đang “chống” lại chính họ, “lấy gì để chứng minh được tên tuổi, bằng cấp trên giấy tờ là của chính họ trong khi khuôn mặt, giới tính đã không còn như trước”.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, hiện nay Việt Nam có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có. Những người này cơ thể sinh học là nam hoặc nữ, nhưng trong suy nghĩ và hành động thì ngược lại.
Tuy nhiên, nước ta chưa có luật chuyển đổi giới tính và còn thiếu cơ chế pháp lý đối với người chuyển giới về đăng ký hộ tịch, kết hôn, tham gia nghĩa vụ quân sự... vì vậy họ gặp rất nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch dân sự, trong cuộc sống hằng ngày.
Pháp luật cũng chưa quy định người chuyển giới được phẫu thuật chuyển đổi giới tính trong nước, nên người có nhu cầu phải ra nước ngoài chuyển giới, phần lớn phẫu thuật chui nên chịu nhiều tốn kém về kinh tế, nguy cơ rủi ro cao về sức khỏe.
Ông Quang khẳng định, về y học, Việt Nam có thể thực hiện được kỹ thuật phẫu thuật chuyển đổi giới tính, nhưng luật có thừa nhận hay không thì cần phải xem xét, phân tích kỹ cả về pháp luật, đạo đức, khoa học và thực tiễn.
Dự kiến, năm 2018, Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được trình Quốc hội. Nếu được thông qua, cuối năm 2018, Luật sẽ được ban hành, khi đó người chuyển giới được phép thực hiện chuyển đổi giới tính trong nước với chi phí rẻ hơn nhiều lần so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, khi đó, người chuyển giới thực hiện phẫu thuật xác định lại giới tính sẽ có xác nhận của cơ quan y tế, họ sẽ được thay đổi một loạt các quan hệ dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, hộ tịch kèm theo.
http://baochinhphu.vn/Doi-song/Cuoc-song-nguoi-chuyen-gioi-Con-nhieu-ky-thi-kho-khan/254796.vgp
Không cho phép chuyển giới: Nhiều hệ lụy cho xã hội
Việt Nam chưa cho phép chuyển giới, nên nhiều người có nhu cầu phải ra nước ngoài chuyển giới để được “sống đúng là mình”. Đến nay, có khoảng 1.000 người Việt Nam đã chuyển đổi giới tính ở nước ngoài.
Thông tin này được TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đưa ra tại hội thảo chia sẻ thông tin về chuyển đổi giới tính, phục vụ cho việc xây dựng Luật chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế tổ chức ngày 24-5 tại Hà Nội.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, dù muốn hay không thì vấn đề chuyển giới đang là một thực tế ở Việt Nam, không thể né tránh được. Hơn nữa, việc không cho phép chuyển giới đã gây nên nhiều hệ quả.
Hy Sa B, Hoa hậu chuyển giới đầu tiên của Việt Nam 2015, chia sẻ: Người chuyển giới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì sự kỳ thị của mọi người. Ngay từ nhỏ đã không được gia đình ủng hộ, lớn lên không có nhiều điều kiện tìm việc làm và rất khó được thừa nhận để làm những việc lớn trong xã hội.
“Anh” Nguyễn Minh Q. giảng viên một trường Đại học ở phía Nam chia sẻ: Khi tốt nghiệp đại học, mặc dù có học lực tốt nhưng “anh” vẫn không xin được việc làm khi muốn được sống chính là mình – tức là trở thành một người con gái.
“Anh” đã phải thất nghiệp 2 năm vì không có nơi nào chịu nhận làm việc. Do đó, “anh’ phải tự nâng trọng lượng từ 45kg lên 70kg, học hỏi cách đàn ông đi đứng, cư xử và làm theo, để “hòa nhập”.
Dù rất muốn sống với giới tính của mình, nhưng đã nhiều lần thử mà vẫn không được chấp nhận, nên đến nay “anh” vẫn không dám công khai. Vì thế, “anh” mong muốn sớm có các điều luật xác định lại giới tính cho người chuyển giới trước tuổi dậy thì để họ kịp sống với giới tính thực.
Nhiều người chuyển giới có mặt tại hội thảo cũng cho biết những khó khăn mà họ phải chịu: Việc chuyển giới rất đau đớn vì phải phẫu thuật, chi phí lớn, khoảng 500 triệu đồng nếu sang Thái Lan.
Sức khỏe giảm sút, nguy cơ rủi ro và tuổi thọ giảm. Người chuyển giới phải dùng hoocmoon thường xuyên trong suốt cuộc đời nhưng hiện hoocmon không được phép lưu hành, không được bác sĩ ở Việt Nam tư vấn, khám và điều trị, nên đã có người tử vong do sử dụng quá liều, hoặc phải sử dụng hoocmon trôi nổi mà không biết chất lượng ra sao.
Anh Chu Thanh Hà (Hà Nội) cho biết, chính vì việc chuyển giới chưa được công nhận, mà những người chuyển giới như anh gặp nhiều điều rắc rối: Bị kỳ thị trong cuộc sống, trong gia đình, hay đơn giản là vào nhà vệ sinh nam công cộng dễ bị trêu trọc hoặc bị tấn công…
GS. Viviane (Đại học Montreal, Canada) cho biết: Người có nhu cầu chuyển giới không được sống đúng với giới tính mình mong muốn, gây tổn thương tâm lý, tình cảm. Người chuyển giới gặp nhiều trở ngại khi không được công nhận nhân thân, không được thay đổi giới tính trên giấy tờ, nên các giấy tờ tùy thân không khớp với tình trạng cơ thể thực.
Vì thế họ gặp khó khăn trong quan hệ giao dịch dân sự, trong cuộc sống hàng ngày. Họ thiếu dịch vụ y tế, khó khăn trong tìm nhà ở, hay đi máy bay. Điều này cũng khiến họ thường sử dụng giấy tờ giả để tránh bị phân biệt đối xử. Do đó có một bộ phận nằm ngoài sự quản lý của pháp luật về hộ tịch.
Một số người sau khi đã chuyển giới, do chưa kịp thích nghi với sự thay đổi và không thỏa mãn với giới tính mới (khoảng 1%), dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử.
Người chuyển giới sẽ không có con, nếu có bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sẽ dẫn đến nhiều vấn đề như ai sẽ là mẹ, ai sẽ là bố, con cái gọi họ thế nào và xã hội nhìn nhận đứa trẻ ra sao? Rồi việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, hay thi hành án với người chuyển giới phạm tội: giam ở phòng nam hay phòng nữ...
Với tư cách Vụ trưởng Vụ Pháp luật, TS. Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh: Cần thực sự lắng nghe ý kiến tâm huyết của người có nhu cầu chuyển giới, để đề nghị cho phép chuyển giới và có qui định riêng: “Nhà nước thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Việc chuyển đổi giới tính thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Từ đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định qui định điều kiện với người thực hiện chuyển giới, cơ quan có thẩm quyền thực hiện chuyển giới, thay đổi hộ tịch sau khi đã chuyển giới và công nhận việc đã chuyển giới tại nước ngoài.
Dự kiến, dự Luật chuyển đổi giới tính sẽ được trình Quốc hội vào năm 2018. Nếu được thông qua, đây sẽ là một trong những bộ luật mang đầy tính nhân văn của Việt Nam.
http://cand.com.vn/y-te/nhieu-he-luy-cho-xa-hoi-393896/
Bộ Y tế ra công văn yêu cầu BV Bạch Mai quan tâm đến cơ sở vật chất phục vụ người bệnh
Liên quan đến phản ánh của người dân về phòng dịch vụ bệnh viện mốc meo, bẩn thỉu mà Báo Lao Động đã đưa, ngày 23.5, Cục Quản lý Khám- Chữa bệnh (Bộ Y tế) đã gửi công văn đến bệnh viện Bạch Mai yêu cầu chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh, đồng thời quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người bệnh.
Công văn cho biết: Tiếp theo buổi làm việc ngày 18.5 của đoàn công tác Cục Quản lý Khám chữa bệnh để kiểm tra và nắm tình hình tại Khoa Thần Kinh- BV Bạch Mai ngay sau khi có phản ánh của báo chí đối với BV Bạch mai: "kinh hoàng phòng dịch vụ mốc meo giữa lòng Thủ đô"; "Bệnh viện Bạch Mai tức tốc sơn lại phòng dịch vụ mốc meo"; thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi Giao ban Bộ Y tế ngày 20.5.2016, Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu BV Bạch Mai tổ chức rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chính công tác khám chữa bệnh và phục vụ người bệnh tại các khoa phòng trong toàn bệnh viện.
Đồng thời, tăng cường cải tiến nâng cao chất lượng bệnh viện; bên cạnh việc phát triển chuyên môn, nâng cao chất lượng điều trị, cần quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người bệnh; rà soát phát hiện và xử lý các tồn tại về cơ sở vật chất, khoa phòng, sớm khắc phục, không để tiếp tục xảy ra sự việc tương tự, gây bức xúc cho người bệnh.
Cục Quản lý Khám- Chữa bệnh cũng yêu cầu xử lý theo đúng quy định tập thể và cá nhân có liên quan trong sự việc báo chí đã nêu.
http://laodong.com.vn/y-te/bo-y-te-ra-cong-van-yeu-cau-bv-bach-mai-quan-tam-den-co-so-vat-chat-phuc-vu-nguoi-benh-555083.bld
Nâng cao hiệu quả đường dây nóng Bộ Y tế...
Bộ Y tế cho biết, ngày 31/5 tới đây, đơn vị này sẽ tổ chức tập huấn trực tuyến việc sử dụng phần mềm quản lý đường dây nóng Bộ Y tế 1900 - 9095. ...
Thành phần tham dự tập huấn tại các địa phương là lãnh đạo Sở Y tế, Phòng nghiệp vụ y, Phòng tổ chức, Thanh tra Sở Y tế; các BVĐK/chuyên khoa tuyến tỉnh; lãnh đạo các Trung tâm Y tế/BV tuyến huyện… Tại điểm cầu Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế sẽ cùng chuyên gia của Viettel điều hành buổi tập huấn. Theo Bộ Y tế, mục đích của hoạt động là nhằm nâng cao hiệu quả phần mềm quản lý đường dây nóng. Từ đó, giúp ngành y tế và người dân phản ánh, tiếp nhận những thông tin bất cập trong quá trình khám, chữa bệnh để xử lý kịp thời, thấu đáo....
http://nongnghiep.vn/nang-cao-hieu-qua-duong-day-nong-bo-y-te-post165181.html
Ung thư gan tấn công người trẻ
Theo ghi nhận của Bệnh viện Chợ Rẫy, số người trẻ bị ung thư gan đang tăng lên, nhiều trường hợp chỉ ở độ tuổi 15-30
Mới đây, Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP HCM) đã phẫu thuật cấp cứu một trường hợp u gan khổng lồ. Bệnh nhân là ông Đ.V.Đ (58 tuổi, ngụ quận Thủ Đức), nhập viện cấp cứu với chẩn đoán khối u gan ác tính ở hạ phân thùy VII trên nền bệnh nhân xơ gan có suy tế bào gan.
15 tuổi đã bị ung thư gan
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định điều trị bằng phương pháp TACE: cắt mạch máu nuôi dưỡng khối u, bơm thuốc diệt ung thư nhằm ngăn cản sự phát triển của khối u. Ông Đ. là trường hợp u gan được phát hiện và can thiệp sớm.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, ung thư gan có thể được điều trị bằng các phương pháp như: phẫu thuật cắt bỏ một phần gan, đốt gan bằng sóng cao tần, hóa trị. Phương pháp TACE đem lại hiệu quả cao trong điều trị ung thư gan nguyên phát không có chỉ định phẫu thuật.
Trong cộng đồng, số trường hợp người còn trẻ mắc bệnh gan ngày càng nhiều, đến khi phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn.
T.X.Đ đang ở tuổi 20 với cơ thể phát triển bình thường, chỉ có vòng bụng ngày càng to nhưng anh không để ý. Dần dà, các biểu hiện vàng mắt, da vàng... ngày càng rõ. Gia đình đưa Đ. đi khám thì thấy “đất trời như sụp đổ” khi phát hiện anh bị ung thư gan giai đoạn cuối.
Theo Bộ Y tế, thống kê gần đây nhất cho thấy tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư gan tại nước ta đứng đầu trong các loại ung thư, cả nam lẫn nữ. Ở nam giới, tỉ lệ mắc ung thư gan chiếm 27,6% các loại ung thư, tỉ lệ tử vong chiếm 32,5% tổng số ung thư. Ở nữ, tỉ lệ tương ứng là 14,3% và 20,8%. Tuy ung thư gan đang là một vấn đề nan giải nhưng mức độ quan tâm trong xã hội vẫn còn nhiều hạn chế.
Chỉ riêng tại BV Chợ Rẫy (TP HCM), trung bình mỗi năm đã phát hiện khoảng 3.000-3.500 bệnh nhân ung thư gan. Bác sĩ Nguyễn Đình Song Huy, Trưởng Khoa U gan kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy, cho biết lâu nay, người mắc ung thư gan chủ yếu thuộc lứa trung niên, khoảng 40-50 tuổi song hiện nay, số người trẻ bị bệnh này ngày càng tăng, nhiều trường hợp chỉ ở độ tuổi 15-30.
Cứ 10 ca được phát hiện, 5 ca bó tay!
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến ung thư gan chủ yếu liên quan đến nhiễm virus viêm gan B (HBV) với khoảng 60%-70% số ca, virus viêm gan C (HCV) khoảng 20% và số còn lại do các yếu tố khác. Việt Nam đang nằm trong vùng dịch tễ của nhiễm virus viêm gan B với tỉ lệ nhiễm cao nên tỉ lệ mắc ung thư gan cũng cao.
Theo bác sĩ Huy, hầu như các trường hợp ung thư gan đều không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Đến khi có triệu chứng rõ thì bệnh đã “đi xa”, không còn khả năng điều trị. Vì vậy, bệnh này được ví như kẻ giết người thầm lặng.
Tại BV Chợ Rẫy, trong 4 năm gần đây đã tiếp nhận 15.000 bệnh nhân ung thư gan, trong đó 80,52% do nhiễm HBV. Điều đáng nói, trong số gần 7.000 ca ung thư gan phát hiện gần đây nhất, có đến gần 50% đã quá chỉ định điều trị, bác sĩ không thể can thiệp được gì. “Điều này cho thấy người dân chưa có ý thức trong việc tầm soát bệnh tật nói chung, ung thư gan nói riêng” - ông Huy cảnh báo.
Giới chuyên môn cũng lên tiếng báo động rằng lá gan đang bị tàn phá hiện nay liên quan đến thực phẩm. Theo PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng - Trưởng Khoa Tiêu hóa BV ĐH Y Dược TP HCM kiêm Phó Chủ tịch Hội Gan mật TP - qua nghiên cứu sinh học phân tử, gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện quá trình hủy hoại gan do cơ thể tiếp nhận độc chất. Những chất độc hại từ thực phẩm bẩn vào cơ thể sẽ trực tiếp kích hoạt tế bào Kupffer - nằm ở xoang gan - hoạt động quá mức, khiến tế bào này phóng thích ra các chất gây viêm làm tổn thương, hủy hoại tế bào gan. Tế bào này một khi kích hoạt mạnh sẽ làm chết tế bào gan nhiều hơn, khiến gan nhanh chóng suy yếu, cơ thể dễ dàng bị nhiễm độc từ nhiều nguồn khác nhau.
Các chuyên gia lưu ý ung thư gan tiến triển thầm lặng, nhiều người khi biết bệnh thì đã muộn. Do đó, việc tầm soát định kỳ ung thư gan là rất cần thiết. Việc tầm soát này có thể thực hiện bằng cách làm siêu âm bụng, kiểm tra và đo nồng độ chất chỉ điểm ung thư gan trong máu 6 tháng/lần.
“Chủ động chống độc, bảo vệ gan, hạn chế gan mắc bệnh bằng cách kiểm soát hiệu quả hoạt động tế bào Kupffer... là một trong những giải pháp dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gan từ gốc, là bước đột phá mới của y học” - bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
http://nld.com.vn/suc-khoe/ung-thu-gan-tan-cong-nguoi-tre-20160524212318524.htm
FV được chọn hỗ trợ y tế cho Tổng thống Obama ở TP HCM
Ngày 24-5, Bệnh viện FV đã được chọn là bệnh viện cung cấp dịch vụ dự phòng hỗ trợ y tế (tiếng Anh: backup hospital) cho Tổng thống Mỹ Barack Obama trong hai ngày Tổng thống Mỹ ở TP HCM.
Để được chọn là bệnh viện dự phòng hỗ trợ y tế cho Tổng thống Obama và đoàn tùy tùng, một trong những điều kiện tiên quyết là FV đã đạt chứng nhận y tế quốc tế JCI.
Sau khi Bệnh viện FV được Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM đưa vào danh sách tuyển chọn để đề nghị với Nhà Trắng, 2 chuyên viên phụ trách y tế của Nhà Trắng đã đến Bệnh viện FV để khảo sát thực địa trước khi ra quyết định. Họ thật sự rất ấn tượng khi đến Bệnh viện FV tại quận 7.
Hai chuyên viên gồm ông Abraham Medina, viên chức chiến lược y tế, đã chia sẻ với Tổng Giám đốc FV, bác sĩ Jean-Marcel Guillon và Giám đốc Y khoa, bác sĩ John Lucas, những người đón tiếp, rằng họ hoàn toàn yên tâm với dịch vụ y tế của Bệnh viện FV.
Xe cấp cứu của Bệnh viện FV với đầy đủ trang thiết bị y tế như một bệnh viện di động đã được Nhà Trắng khảo sát và nhóm làm việc gồm bác sĩ Trình Văn Hải, Trưởng Khoa cấp cứu, điều dưỡng Nguyễn Thanh Sơn và lái xe Nguyễn Ngọc Huy đã được chọn để đi theo đoàn Tổng thống Obama trong hai ngày 24 và 25 tháng 5-2016.
http://nld.com.vn/suc-khoe/fv-duoc-chon-ho-tro-y-te-cho-tong-thong-obama-o-tp-hcm-20160524161003533.htm
Dùng “keo dán thần kinh” cứu cánh tay 4 em bé
Sáng 24-5, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã công bố 4 ca mổ điều trị liệt đám rối thần kinh cánh tay thành công cho các bệnh nhi từ 3-6 tháng tuổi. Các ca mổ do Giáo sư Alain Gilbert, Viện Bàn tay Paris, một giáo sư đầu ngành trong phẫu thuật thần kinh cánh tay tại Pháp, chủ trì. Các ca mổ được tiến hành từ 8 giờ đến 17 giờ ngày 23-5, ứng dụng phương pháp dùng “keo dán thần kinh” do chính Giáo sư Gilbert đem từ Pháp sang để nối, khắc phục các tổn thương nơi đám rối thần kinh của bệnh nhi. 1 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe các bệnh nhi đều tiến triển tốt.
Liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ nhỏ mới sinh thường là hậu quả của sang chấn trong một ca sinh khó, trong đó vùng “đám rối thần kinh” ở khu vực cổ - vai bệnh nhi bị tác động dẫn đến tổn thương và từ đó làm hạn chế hoặc mất hẳn một số chức năng của cánh tay nó chi phối. Biểu hiện rõ ràng nhất là cánh tay bị liệt không thể gập khuỷu lại được. Một số trường hợp nặng, mắt bên tay bị yếu liệt có thể nhỏ hơn mắt còn lại. Nếu không được điều trị sớm, trẻ sẽ phải mang cánh tay mất chức năng suốt đời. Khi lớn lên, bên tay này thường teo nhỏ, đôi khi có thể tự phục hồi một vài cử động hạn chế như nhúc nhích vai, bàn tay… nhưng không đủ để sinh hoạt, lao động.
Theo Giáo sư Gilbert, tỉ lệ mắc tật này trên thế giới là 1/1.000. Trong các trẻ mắc, cứ 4 trẻ thì có 3 trẻ có thể tự phục hồi hoặc có thể phục hồi qua vật lý trị liệu. 1 trẻ còn lại cần được phẫu thuật trong thời gian từ 3-9 tháng đầu đời. Quá thời gian vàng này, khả năng phẫu thuật thần kinh để giúp trẻ phục hồi hầu như không còn. Vẫn có các phương pháp giúp cải thiện phần nào dị tật, nhưng hiệu quả không cao và đôi khi gây nguy hiểm nên cũng cần cân nhắc.
Trong hôm nay 24-5, dự kiến tiếp tục có 3 trẻ khác được phẫu thuật. Một số ca khác cũng sẽ được sắp xếp cho ngày phẫu thuật thứ ba, tức ngày mai 25-5. Đây là lần thứ 15 đoàn bác sĩ do Giáo sư Gilbert chủ trì đến Việt Nam và hợp tác với Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật đám rối thần kinh cánh tay. Kỹ thuật được áp dụng từ năm 2010 với hơn 100 ca đã được thực hiện, trong đó hơn 30 ca do các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 tự phẫu thuật. Các bệnh nhi sẽ được vi phẫu hoặc phẫu thuật thông qua kính lúp phóng đại để nối thần kinh bằng keo dán thần kinh hoặc chỉ khâu siêu nhỏ. Tuy nhiên, loại keo dán thần kinh được sử dụng lần này rất khan hiếm trên thị trường và Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn gặp khó khăn trong việc nhập hàng nên chủ yếu các ca mổ được thực hiện bằng chỉ khâu. Một ca mổ sử dụng keo dán thần kinh kéo dài 1,5-3 tiếng trong khi dùng chỉ khâu thì mất đến 6-8 tiếng.
http://nld.com.vn/suc-khoe/dung-keo-dan-than-kinh-cuu-canh-tay-4-em-be-20160524111146819.htm
Nối thành công động mạch khoeo bị đứt lìa ở chân
Lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận thực hiện thành công ca ghép động mạch khoeo bị đứt lìa ở chân.
Ngày 24.5, Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận cho biết lần đầu tiên bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép động mạch khoeo bị đứt lìa ở chân.
Bệnh nhân là Trần Quốc Long (34 tuổi, ở P.Phước Mỹ, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) nhập viện trong tình trạng gãy xương tứ chi, đứt động mạch khoeo ở chân do tai nạn giao thông.
Ê kíp thực hiện ca phẫu thuật gồm 4 người, làm việc liên tục trong vòng 3 giờ đồng hồ để cắt lấy một đoạn tĩnh mạch hiển trong, ghép nối vào đoạn mạch khoeo bị đứt và mất đoạn, đã thành công ngoài mong đợi.
Bác sĩ Lê Trọng Sanh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận, thành viên kíp mổ, cho biết đây là một trường hợp khó, nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ phần cẳng chân, khả năng cưa cả phần chân rất cao do thiếu máu xuống nuôi chân.
Hiện sức khỏe bệnh nhân Long đã ổn định, mạch bắt rõ, chân hồng hào và cử động được.
http://thanhnien.vn/suc-khoe/noi-thanh-cong-dong-mach-khoeo-bi-dut-lia-o-chan-706101.html
Vụ tai nạn 13 người chết: Chuyển viện gấp nạn nhân bị chấn thương nặng
Nạn nhân thứ 4 trong vụ tông xe liên hoàn khiến 13 người tử vong tại Bình Thuận đã phải chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật cấp cứu vì nhiều chấn thương nặng. Những bệnh nhân được chuyển đến trước đó đang được bệnh viện chăm sóc tích cực.
Thông tin từ TS.BS Nguyễn Kim Chung, Phó khoa Ngoại Thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, chiều 23/5 bệnh viện đã tiếp nhận thêm một trường hợp trong vụ tai nạn xảy ra tại Bình Thuận. Người được bệnh viện địa phương chuyển đến là chị Nguyễn Thị Kim Hùng (SN: 1979).
Qua kiểm tra hình ảnh, bác sĩ xác định chị Hùng bị gãy vỡ đốt sống thắt lưng (L1), gãy 2 xương cẳng chân trái, yếu 2 chi dưới. Căn cứ trên các chỉ định cận lâm sàng, bác sĩ đã quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật cấp cứu cố định cột sống, kết hợp xương cho bệnh nhân ngay trong đêm. Hiện bệnh nhân đang được chăm sóc tại khoa Ngoại Thần kinh.
Đánh giá về tình trạng của bệnh nhân Phạm Trần Thanh Tâm và Hoàng Hữu Tâm (đã được phẫu thuật trước đó), TS.BS Nguyễn Kim Chung cho biết: kết quả thăm khám vào sáng 24/5 cho thấy, chân của cả hai bệnh nhân đã bắt đầu co duỗi được, các bệnh nhân tỉnh táo và tiếp xúc tốt, khả năng phục hồi vận động có thể đạt từ 70% đến 90%.
Riêng trường hợp của bệnh nhân Vy Thanh Hiếu, BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình cho biết: Bệnh nhân bị bỏng rất nặng, có kèm theo một số tổn thương khác khiến nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân gặp khó khăn. Khoa đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực như: sử dụng thuốc chống sốc, truyền dịch, giảm đau...
Tuy nhiên, ngoài tình trạng bỏng diện tích sâu, rộng Thanh Hiếu còn bị bỏng hô hấp kèm theo tổn thương phổi. Các bác sĩ đang tiếp tục điều trị hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân. Liên tục trong 2 ngày qua, ê kíp điều trị đã hút nhiều bụi than và khói than qua ống nội khí quản, tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân vẫn chưa được cải thiện nhiều. Hiện, người bệnh đang phải thở máy và đặt nội khí quản, dù nghe được nhưng không nói được, tri giác kém.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-tai-nan-13-nguoi-chet-chuyen-vien-gap-nan-nhan-bi-chan-thuong-nang-20160524230422676.htm
Gia Lai: Thực phẩm trong siêu thị: không sạch chỉ “an toàn”?
Ông Bùi Quốc Bình- Phó GĐ siêu thị Coopmart (đóng chân trên địa bàn TP Pleiku, Gia Lai) khẳng định, thực phẩm tươi sống bán trong siêu thị là thực phẩm “an toàn” chứ không phải thực phẩm “sạch”.
Sở dĩ ông Bình khẳng định thực phẩm tươi sống trong siêu thị mà ông đang phụ trách quản lý là “an toàn”, bởi ông dựa vào tờ giấy “Giấy chứng nhận VSATTP” của cơ quan chức năng cấp cho cơ sở cung ứng cho siêu thị, còn thực phẩm được sản xuất như thế nào, lấy từ đâu thì ông không hề biết.
Chúng tôi tìm về cơ sở sản xuất rau Hương Đất (thôn 6, An Phú, TP Pleiku) của Công ty TNHH MTV Hương Đất, chuyên cung cấp rau, củ, quả cho siêu thị Coopmart và một số cơ sở khác trên địa bàn TP Pleiku sau khi người dân phản ánh với báo chí. Người dân sống tại khu vực trồng rau trên cho biết, cơ sở sản xuất rau này vẫn thường xuyên sử dụng các loại thuốc cho rau. Không chỉ vậy, cơ sở này còn lấy rau của khác hộ gia đình khác trong khu vực về đóng gói thành rau của mình sản xuất để bán ra thị trường.
Một người dân sống ở khu vực trên cho biết: “Tôi làm nghề trồng rau mấy chục năm nay, tôi thấy dân mình cứ thích rau tốt, rau đẹp. Mấy loại đấy là dùng thuốc hết. Ở đây trồng rau ai cũng dùng thuốc hết, bên Hương Đất cũng vậy. Nếu không dùng thuốc thì lấy đâu rau mà ngày nào họ cũng bán cho người ta. Người ta cứ nói phun thuốc xong, hơn 10 ngày sau mới bán nhưng không phải vậy. Rau phun thuốc xong chỉ 3, 4 ngày sau là họ thu hoạch bán rồi, để cả chục ngày thì rau già và xấu bán ai mua. Bên Hương Đất họ còn lấy thêm của mấy người trồng rau trong làng mang về đóng gói để bán”.
Có mặt tại khu vực sản xuất rau của công ty Hương Đất, một số công nhân đang làm việc tại công ty này cho biết, vườn rau họ đang chăm sóc và thu hoạch thuê cho công ty vẫn được phun thuốc. Nhưng không ai tiết lộ là loại thuốc gì. Khi chúng tôi hỏi về bể chứa nước đang sục mướp đắng, 1 người làm cho biết, rau, quả ở đây sau khi thu hoạch xong thì bỏ vào máy sục ozone để diệt hết vi khuẩn, rồi mới đóng gói mang đi bán.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hoàng- Giám đốc Công ty Hương Đất cho biết, công ty ông sản xuất các loại rau ăn lá, ăn trái, củ theo tiêu chuẩn Vietgap được hơn 3 năm nay. Ngoài cung cấp cho siêu thị Coopmart, công ty còn cung cấp cho siêu thị Vinamart và khoảng 6-7 điểm ở chợ đầu mối.
Ông Hoàng cũng khẳng định, cơ sở ông không sản xuất rau sạch mà chỉ sản xuất rau “an toàn”. Tức là rau có phun thuốc nhưng phun thuốc theo quy định. Sau một hồi run lập bập, ông Hoàng “thông tin thêm” là thuốc ở đây là thuốc trừ sâu chứ không phải thuốc kích thích. Gia đình ông bán rất nhiều loại thuốc kích thích cho rau, củ, quả; đủ loại các phân bón hóa học nhưng gia đình ông không dùng cho rau nhà mình mà để bán cho người dân trong vùng dùng.
Còn việc công ty mua rau của những hộ khác trong vùng về lấy “mác” của nhà mình bán ra thị trường, ông Hoàng giải thích là năm trước, gia đình ông có “liên kết” với 5ha của những nông dân sản xuất rau trong khu vực sản xuất chính dòng Vietgap nhưng năm nay không còn thu mua của họ nữa. Và bản thân ông không còn nhớ tên tuổi, địa chỉ của những người “liên kết” này.
Tại vườn rau nhà ông Hoàng, chúng tôi chứng kiến một số luống rau đang chết thối, 1 số luống cây chưa mọc, một số đang thu hoạch. Tuy nhiên, ông Hoàng cung cấp, gia đình ông đầu tư cho cơ sở sản xuất rau này là 5 tỷ đồng; mỗi tháng chi phí bỏ ra trên 120 triệu và bán được khoảng 220-230 triệu đồng tiền sản phẩm.
Sau đó, ông Hoàng cho chúng tôi xem tờ giấy chứng nhận Vietgap được 1 công ty cấp cho công ty ông để sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn Vietgap. Theo tờ giấy này, thì cơ sở của ông Hoàng đang canh tác trên diện tích là 2ha. Tuy nhiên, khi PV cùng 1 người làm của ông Hoàng dùng thước đo, thì cơ sở của ông Hoàng chỉ có khoảng 1,1ha đất đang sản xuất rau (tính cả sân, nhà kho). Không biết giải thích như thế nào về diện tích hiện tại, ông Hoàng lại dẫn chúng tôi ra khu đất trồng cà phê mới bị phá và cho rằng cộng thêm số diện tích này nữa là 2ha (?!)
Khác với khẳng định của ông Hoàng, tại quầy bán hóa chất và phân bón của gia đình mình, vợ ông Hoàng là bà Hậu khẳng định, cơ sở sản xuất rau của nhà bà là rau sạch theo tiêu chuẩn Vietgap nên không dùng bất kỳ một loại thuốc nào, kể cả thuốc trừ sâu (?). Rồi bà này cho PV xem quầy bán đủ loại thuốc kích phọt cho cây từ loại dùng cho các loại củ như khoai lang, cà rốt… cho đến các loại rau, quả. Bà Hậu giải thích, các loại thuốc này gia đình bà dùng để bán cho người dân trong vùng chứ gia đình bà không hề sử dụng cho vườn rau nhà mình.
Trước thông tin về nguồn gốc thực phẩm trong siêu thị có “vấn đề”, ông Bình cho biết, siêu thị lấy thực phẩm dựa vào cơ sở pháp lý của nhà nước. Tức là những nơi cung cấp thực phẩm trong siêu thị đều có “giấy chứng nhận VSATTP”. Có xuất sứ rõ ràng, khi chọn vào thì phải có công bố chất lượng từng sản phẩm rau, khi nhập vô phải chọn mẫu. Khi nhập hàng thì phía siêu thị chọn mẫu bằng cách test nhanh để phát hiện ra dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm. Còn việc kiểm nghiệm xem thực phẩm có hóa chất khác hay không thì siêu thị chưa làm được, vì chi phí quá cao lên tới 25 triệu đồng 1 mẫu, đó là chưa nói tới việc kiểm nghiệm từng sản phẩm.
Hàng ngày, siêu thị lấy khoảng 150kg-200kg các loại rau, củ, quả của công ty Hương Đất. Và bán ra đạt 80% sản lượng lấy vào. Còn các loại thực phẩm tươi sống khác như cá diêu hồng, thịt bò, thịt heo… siêu thị lấy tại một lò mổ và 1 cơ sở nuôi cá trên địa bàn thành phố Pleiku. Siêu thị chỉ dựa vào tờ giấy “giấy chứng nhận VSATTP” mà các cơ sở này có được, còn việc nguồn gốc các loại thịt, cá các cơ sở này lấy từ đâu, được nuôi như thế nào thì siêu thị không hề biết.
Còn các mặt hàng thực phẩm khác, siêu thị nhận từ kho tươi sống Sài Gòn Coopmart. Và một số loại rau, củ, quả khác siêu thị cũng lấy từ cơ sở sản xuất rau, củ an toàn Anh Đào bên Đà Lạt.
Khi ông Bình cho chúng tôi xem tờ Bảng kê hàng hóa mà siêu thị lấy từ công ty Hương Đất, tại thời điểm nhóm PV chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất rau của công ty này thì cơ sở này không hề có bí đỏ tròn. Nhưng trong phiếu giao hàng của siêu thị thì vẫn có mặt hàng này.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/thuc-pham-trong-sieu-thi-khong-sach-chi-an-toan-20160523215158033.htm
Tiêm phòng thủy đậu đầy đủ, hơn 97% trẻ em được bảo vệ
Một nghiên cứu được các nhà khoa học Mỹ thực hiện gần đây cho thấy, tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin phòng thủy đậu sẽ có hiệu quả hơn 97% trong việc bảo vệ trẻ khỏi tác động của bệnh. Kết quả này được công bố trực tuyến vào ngày 14/3/2016 và đăng tải vào tháng 4/2016 trên tạp chí Pediatrics (Mỹ).
Trẻ cần được tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng bệnh thủy đậu
Theo các chuyên gia y tế tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC)- Mỹ, thủy đậu có một số biến chứng tiềm ẩn như: viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm não, nhiễm khuẩn trên da, nhiễm trùng khớp hoặc xương, chảy máu bất thường, hội chứng sốc nhiễm độc… Những biến chứng này có thể gây ra nguy cơ tử vong cho người bệnh, và trên thực tế, chúng ta đã phải chứng kiến không ít trường hợp như vậy. Cụ thể, theo CDC, tại Mỹ có khoảng 11.000 trẻ nhập viện do thủy đậu mỗi năm, trong đó, khoảng 100 trường hợp tử vong vì bệnh này.
Trước kia, các nhà khoa học cho rằng, tiêm một liều vắc-xin phòng thủy đậu sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh. Tuy nhiên, sự bùng phát dịch bệnh tại các trường học (nơi có nhiều trẻ được tiêm phòng), khiến các nhà khoa học phải xem lại. Và năm 2006, CDC đã đưa ra khuyến cáo: một liều vắc-xin phòng thủy đậu thứ hai là cần thiết.
Để đánh giá hiệu quả của phác đồ này, nhà nghiên cứu Dana Perella (Sở Y tế Philadelphia, Mỹ) cùng đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu của 125 trẻ em mắc thủy đậu tại Philadelphia và phía bắc Los Angeles, rồi so sánh với 408 trẻ không bị bệnh. Kết quả cho thấy, việc tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin phòng thủy đậu sẽ giúp hiệu quả phòng bệnh lên tới hơn 97%. Đồng thời, cũng theo Perella, việc tiêm đủ 2 liều vắc-xin sẽ giúp giảm tỷ lệ bị nhiễm trùng nặng… Đây là điều mong muốn của hầu hết các bậc cha mẹ hiện nay.
“Việc tiêm phòng kịp thời cũng đóng vai trò rất quan trọng. Điều này đúng đối với bất kỳ ai trên 6 tuổi mà chưa tiêm phòng lần 2. Bởi họ đang đối mặt với nguy cơ bị thủy đậu hoặc zona (căn bệnh có nguyên nhân là do sự tái hoạt động của virus gây thủy đậu)”, Perella cho biết.
Nano bạc – Giải pháp tiên tiến giúp điều trị thủy đậu hiệu quả
Với kết quả nghiên cứu trên, chúng ta thấy rõ lợi ích của việc tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng bệnh thủy đậu đối với sức khỏe. Không chỉ ở Mỹ, tại Việt Nam, việc tiêm phòng thủy đậu đầy đủ luôn được truyền thông rộng rãi. Tuy nhiên, đối với trường hợp những trẻ chưa được tiêm đủ 2 liều hoặc có hệ miễn dịch kém thì nguy cơ mắc thủy đậu luôn thường trực, đặc biệt vào mùa dịch bệnh, và đây chính là nỗi bất an của những gia đình có con nhỏ.
Với mục đích mang tới giải pháp toàn diện trong điều trị thủy đậu mà không ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát minh ra nano bạc. Trước đây, chúng ta thường biết tới khả năng kháng khuẩn của bạc và ngày nay, bằng công nghệ khoa học hiện đại, bạc đã được bào chế dưới dạng nano giúp ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn, virus, tiêu diệt chúng một cách nhanh nhất. Tác dụng này càng được hoàn thiện hơn khi các nhà khoa học kết hợp nano bạc với một số dược liệu như: dịch chiết xoan Ấn Độ (neem hay cây sầu đâu), chitosan và bào chế dưới dạng gel bôi ngoài da tiện dùng. Sản phẩm chứa các dược liệu trên được các chuyên gia đánh giá cao trong việc tiêu diệt mọi virus, vi khuẩn, làm sạch da, đẩy nhanh quá trình làm lành tổn thương trên da, ngăn ngừa sẹo, rất thích hợp sử dụng cho các trường hợp mắc bệnh ngoài da do nhiễm virus như: thủy đậu, bệnh sởi, tay chân miệng, zona thần kinh... Đặc biệt, sản phẩm rất an toàn với làn da non nớt của trẻ nhỏ nên các bậc cha mẹ có thể yên tâm cho con em mình sử dụng.
Để ngăn ngừa và hạn chế những ảnh hưởng của thủy đậu tới sức khỏe, các bậc cha mẹ cần nhớ tiêm phòng đủ 2 liều cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị thủy đậu, ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ thì việc lựa chọn gel bôi ngoài da chứa nano bạc cũng là cách giúp cải thiện tình trạng bệnh và ngăn ngừa biến chứng của thủy đậu một cách an toàn, hiệu quả.
http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/tiem-phong-thuy-dau-day-du-hon-97-tre-em-duoc-bao-ve-1007825.tpo
Ngày hội Chăm sóc sức khỏe trẻ em thành phố Hồ Chí Minh
Trong hai ngày thứ bảy 28-5 và chủ nhật 29-5, tại Công viên 23-9, sẽ diễn ra Ngày hội Chăm sóc sức khỏe trẻ em thành phố Hồ Chí Minh lần thư tư năm 2016.
Ngày hội Chăm sóc sức khỏe trẻ em do Hội Y tế Công cộng TPHCM tổ chức hưởng ứng ngày Quốc tế thiếu nhi nhằm mục đích góp phần nâng cao kiến thức và thực hành chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe trẻ em của người dân thành phố.
Ngày hội được sự tham gia cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của các đơn vị y tế: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm,Trung tâm Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương, Mắt, Răng Hàm mặt, Chấn thương Chỉnh hình và các tổ chức chăm sóc trẻ em khác.
Ngày hội được tổ chức từ 8g đến 12 giờ trong hai ngày, dự kiến sẽ phục vụ khoảng 10.000 trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học.
Đến tham dự ngày Hội, phụ huynh và các cháu thiếu nhi sẽ được tiếp cận với các kiến thức thiết thực nhất để chăm sóc sức khỏe cho con em mình, từ phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm đến dinh dưỡng đủ, đúng cách, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt các cháu có nhu cầu còn được khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí bởi các bệnh viện lớn của thành phố. Ngoài ra các cháu còn có dịp để vui chơi giải trí với các trò chơi, chương trình văn nghệ thiếu nhi vui tươi đặc sắc sau 1 năm tập trung học tập.
Đây là lần thứ tư Hội Y tế công cộng thành phố tổ chức Ngày hội Chăm sóc sức khỏe trẻ em sau thành công của lần đầu tiên 1-6-2013.
http://sggp.org.vn/xahoi/2016/5/421975/
Hãi hùng nước uống… “tinh khiết”
Mặc dù đã được các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát, nhưng đến nay tình trạng mất an toàn vệ sinh trong sản xuất nước uống “tinh khiết” đóng bình, đóng chai vẫn tràn lan.
Thậm chí, nhiều cơ sở lấy nước giếng khoan, nước sông suối chưa qua xử lý tiệt trùng, hóa lý vẫn vô tư cho vào bình, chai đem đi tiêu thụ dưới nhiều nhãn mác nghe rất “tây”; trong khi cơ sở sản xuất thì xập xệ, mất vệ sinh, công nhân không được khám sức khỏe…
Nước “tinh khiết” đóng cặn, nhiều vi trùng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa “vi hành” kiểm tra một loạt cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn TPHCM. Tại cơ sở nước đóng chai nhãn hiệu Unictch (Công ty TNHH TM-SX Vĩnh Thái Thành, phường 12, quận 6) và nhãn hiệu AlenK (Chi nhánh Công ty TNHH SX-TM-DV Kim Vui, 71-73 Trần Văn Kiểu, phường 10, quận 6), đoàn công tác đã kiểm tra giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy công bố hợp quy và phiếu kiểm nghiệm định kỳ mẫu nước. Sau đó, lấy hai mẫu nước ở hai cơ sở này để về kiểm tra. Trong khi đó, khi đoàn đến kiểm tra tại cơ sở nước đóng bình A&A (Công ty TNHH Tân Hạnh Phúc, 86 Trần Văn Kiểu, phường 10, quận 6), công ty đột nhiên… đóng cửa!
Trong khi đó, tại Hà Nội, các cơ quan chức năng cũng vừa bắt quả tang Công ty Đầu tư công nghệ và thương mại quốc tế T. Nhu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có dấu hiệu làm giả nhãn mác và sử dụng hóa chất axit sunfuric, soda trong quá trình tẩy rửa bình đựng nước tinh khiết. Qua kiểm tra, cơ sở này sản xuất 3 nhãn hiệu nước tinh khiết nhưng không có giấy cam kết bảo vệ môi trường, không có giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo chất lượng ATVSTP, chưa đăng ký nhãn mác và không đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Quy trình sản xuất là hút nước giếng khoan, sau đó tẩy lọc và đóng bình, dán tem nhãn rồi đem đi tiêu thụ tại các đại lý.
Theo Chi cục ATVSTP TPHCM, qua kiểm tra năm 2015 cho thấy gần 40% mẫu nước uống đóng bình ở TPHCM không đạt tiêu chuẩn quy định. Trong đó, nhiều mẫu nước uống đóng bình nhiễm vi sinh và lý hóa (hàm lượng đồng, chì, clo… vượt mức cho phép), có cặn đóng thành lớp. Còn Chi cục ATVSTP TP Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai và sản xuất nước đá dùng liền cũng cho thấy trong số 64 cơ sở có đến 19 cơ sở vi phạm điều kiện vệ sinh.
Kiểm soát không xuể?
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, hiện thị trường tràn lan nhãn hiệu nước đóng bình, đóng chai nói là tinh khiết, là nước suối nhưng thực chất chỉ là nước giếng, nước thủy cục qua lắng lọc. Tuy nhiên, không phải cơ sở sản xuất nào cũng có quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh. “Có loại nước đóng bình mà đưa tay vô vét một cái đã cảm nhận lớp nhờn, lớp cặn, chưa nói đến là vi trùng, vi khuẩn có bám hay không”, ông Hòa băn khoăn. Với nước đóng bình, hiện phổ biến là loại 21 lít với giá dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/bình. Sau khi bán cho người tiêu dùng, đại lý thường thu lại vỏ bình để tiếp tục đóng nước mới. Nhưng theo ông Hòa, một số cơ sở sản xuất nước uống đóng bình không có trang thiết bị hoặc có mà cũ kỹ, gỉ sét, không xử lý triệt để vỏ bình. Có cơ sở chỉ xử lý nguồn nước qua loa rồi chiết thẳng vô bình. Cũng có cơ sở chỉ súc rửa bình nước sơ sài nên nguy cơ đất, bụi bám dưới đáy bình rất dễ xảy ra.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATVSTP, cho biết theo quy định, nếu sử dụng nước giếng để sản xuất nước uống đóng bình thì bước đầu phải kiểm định 14 chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh. Bước tiếp theo, sau khi nước được xử lý bằng thiết bị lọc thì phải đảm bảo 28 chỉ tiêu trước khi chiết vào bình.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng bình không thực hiện đầy đủ quy định trên, ảnh hưởng đến chất lượng nước uống, sức khỏe người tiêu dùng. Theo TS Nguyễn Thanh Phong, lĩnh vực nước uống đóng bình, đóng chai còn nhiều ẩn họa mất vệ sinh mà chưa kiểm soát được hết. Riêng tại TPHCM, thống kê sơ bộ hiện có 518 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng bình, nước khoáng thiên nhiên đóng chai nhưng cũng chưa kiểm tra hết! “Thực tế, qua kiểm tra hầu hết các cơ sở chưa tuân thủ đúng các quy định về an toàn thực phẩm khi sản xuất. Trong khi cơ quan chức năng địa phương thì thanh kiểm tra theo kiểu xuân thu nhị kỳ”, ông Phong ngao ngán nhận xét.
http://sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/5/421924/
Cứu sống nạn nhân bị đạn găm khắp cơ thể
Ngày 23-5, bác sĩ Phạm Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cứu sống ông Quan Văn D. (46 tuổi, ở Thượng Lâm, Lâm Bình, Tuyên Quang) đã bị trúng đạn súng săn khi đi rừng.
Người nhà bệnh nhân cho biết, vào chiều ngày 22-5, ông D. đã đi vào khu rừng gần nhà để săn bắt chim. Tới tối mịt không thấy ông D. trở về, mọi người vào rừng đi tìm và phát hiện ông D. nằm ngất lịm trên vũng máu trong rừng, trên người có nhiều vết thương và đưa đi cấp cứu.
Qua chiếu chụp và thăm khám lâm sàng cho thấy, bệnh nhân D. bị hơn 20 viên đạn nhỏ như viên bi găm khắp người, trong đó có vết thương thấu ngực trái dưới mỏm tim khoảng 3cm nên các bác sĩ đã phẫu thuật mở ngực, bụng để lấy đạn ra khỏi lồng ngực nạn nhân. Hiện bệnh nhân D. đã hồi tỉnh, các chỉ số sinh tồn của cơ thể dần ổn định. Được biết, trước đó vào ngày 27-4, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang cũng đã phẫu thuật cứu sống bệnh nhân Đặng Quang C. (37 tuổi ở xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa) bị trúng đạn vào vùng ngực và bụng.
http://sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/5/421930/
Ngày hè, coi chừng tai nạn thương tích ở trẻ
Không chỉ phổ biến đuối nước thương tâm, bị điện giật chết khi thả diều vướng vào dây điện cao thế, nhiều thương tích khác cũng đang rình rập trẻ em trong những ngày nghỉ hè ở nhà hoặc dã ngoại, bắt nguồn từ sự lơ đễnh, thiếu quan tâm của người lớn. Trong khi đó, cũng có một số tai nạn thương tích được ghi nhận như uống nhầm thuốc, điện giật, bỏng nước sôi, tai nạn giao thông…
Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM vừa cứu sống bé gái V.N.N.H. (15 tháng tuổi, ngụ huyện Hóc Môn TPHCM) bị điện giật bất tỉnh. Trước đó, bé H. chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu trong tình trạng tím tái, co gồng toàn thân, lòng bàn tay trái bị bỏng điện cháy sém. Qua siêu âm não, chụp CT-scan không thấy máu tụ nội sọ do chấn thương đầu. Ngay lập tức bé được được hỗ trợ hô hấp, điều trị chống co giật, chống phù não, kháng sinh điều trị viêm phổi, vật lý trị liệu hô hấp, vận động, dinh dưỡng qua ống thông dạ dày, cắt lọc hoại tử vết thương phỏng. Đến nay, bé đã được cứu sống, tình trạng sức khỏe dần cải thiện… Qua tìm hiểu được biết, trời nắng nóng, mẹ bé đang mở quạt thì bé chập chững tiến tới thọc tay vào ổ điện nên bị giật bất tỉnh. Cũng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, vừa cấp cứu thành công cho bé V.T.A. (4 tuổi) bị lún sọ, gãy đùi do bị xe máy tông phải trong lúc tự băng qua đường không có sự giám sát của người lớn. Bé A. băng qua đường nhưng thiếu sự dẫn dắt của người lớn nên bị xe gắn máy tông phải, té đập đầu xuống mặt đường.
Theo TS-BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, đã bước sang hè và nhiều trẻ em đã bị tai nạn thương tích đáng tiếc do sự thiếu quan tâm và bất cẩn của các bậc phụ huynh, những tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ cũng gia tăng. Ngoài đuối nước, TS Nguyễn Minh Tiến lưu ý các tai nạn như té do leo cây, ngộ độc thuốc, bỏng… Trong đó, phổ biến nạn nhân là trẻ ở độ từ 5 - 10 tuổi. Theo Sở Y tế TPHCM, mỗi năm tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 250 - 300 trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 14. Trong đó, có nhiều tai nạn đau lòng chỉ vì một phút thiếu quan tâm của người nhà. Đặc biệt, các tai nạn thường gia tăng vào mùa hè, thời điểm hầu hết trẻ ở nhà chơi, người lớn đi làm hoặc bất cẩn…
Qua những vụ tai nạn thương tích ở trẻ, TS Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chú ý trông nom các bé nhỏ cẩn thận, tuyệt đối không để trẻ nhỏ chơi một mình mà không có sự giám sát của người lớn. Khi chở bé bằng xe gắn máy, phải thắt dây đai an toàn. Với những em lớn tuổi, cần được hướng dẫn tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, đi đúng phần đường dành cho người đi bộ mỗi khi qua đường để tránh những tai nạn đáng tiếc.
http://sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/5/421921/
Về vụ xúc xích Vietfoods: Ai làm sai sẽ phải đền bù
Vụ việc lô xúc xích nhãn hiệu Vietfoods bị Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ vì trong sản phẩm nghi có chứa chất tạo màu gây ung thư, nhưng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã chính thức khẳng định chất đó trong ngưỡng an toàn, khiến người tiêu dùng hoang mang. Vậy đâu là mấu chốt của vấn đề?
Văn bản "mở"...
Như Báo Hànộimới đã đưa, cuối tháng 4-2016, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra lô hàng hơn 3.000 sản phẩm xúc xích nhãn hiệu Vietfoods tại kho đông lạnh của Công ty TNHH Thương mại thực phẩm Hồng Anh. Căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia, cả 4 mẫu xúc xích Vietfoods mà lực lượng quản lý thị trường gửi sang đều chứa chất Sodium Nitrate (E251) nghi gây ung thư với hàm lượng từ 55mg/kg đến 100mg/kg, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở Vietfoods.
Cục phó Cục ATTP Lê Văn Giang cho rằng, theo quy định thì chất Sodium Nitrate (E251) nằm trong danh mục cho phép, được sử dụng trong pho mát. Hiện các quốc gia trên thế giới như Australia, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, EU… cho phép hàm lượng Sodium Nitrate trong sản phẩm thịt, xúc xích lên tới 500mg/kg, trong khi hàm lượng này trong sản phẩm Vietfoods chỉ là 50-100mg/kg, thấp hơn rất nhiều. Vậy vì sao lực lượng quản lý thị trường lại bắt lô xúc xích Vietfoods?
Về vấn đề này, ông Lê Văn Giang lý giải, trong vụ việc này, phía quản lý thị trường đã không đọc kỹ các văn bản, quy định của pháp luật nên hiểu sai vấn đề. Khoản 2, Điều 8, Thông tư 19/2012 của Bộ Y tế ban hành năm 2012 nêu rõ: Nếu như các chất phụ gia thực phẩm không có trong danh mục Việt Nam cho phép, nhưng được quốc tế cho sử dụng mà nước ta chưa kịp cập nhật thì Bộ Y tế sẽ xem xét. Đây là điều khoản "mở" để xử lý mọi tình huống cho những chất chưa nằm trong danh mục. Với vụ việc bắt giữ lô xúc xích này, đáng lẽ khi đối chiếu không có chất E251 trong danh mục cho phép, phía quản lý thị trường phải lập tức làm công văn gửi Bộ Y tế xem chất này nằm trong trạng thái nào để còn có phương án xử lý.
"Sự việc như thế này không phải lần đầu tiên xảy ra từ quản lý thị trường. Chúng tôi cũng đã nhắc nhở rất nhiều nhưng cán bộ quản lý thị trường người thì hiểu, người thì chưa rõ. Việc xử lý vội vàng từ phía quản lý thị trường đối với doanh nghiệp là rất nguy hiểm. Dù cơ quan chức năng đã "thanh minh" cho doanh nghiệp, nhưng sau những sự vụ như thế, thương hiệu của nhà sản xuất có thể sẽ mất đi" - ông Lê Văn Giang nhấn mạnh.
Không thể xử lý vội vàng
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang khẳng định, phía quản lý thị trường thu giữ hàng của Vietfoods là chưa bảo đảm công bằng. Mặt khác, việc xử lý vụ việc này đã có sự nhầm lẫn về đối tượng. Công ty Vietfoods đã làm theo đúng quy định của giấy xác nhận phù hợp quy định về ATTP do Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương cấp. Vietfoods cũng đã thực hiện công khai, minh bạch các tiêu chuẩn đã công bố, trong đó có chất Sodium Nitrate (E251). "Giả sử trong trường hợp chất Sodium Nitrate (E251) là chất cấm và không phù hợp thì cũng không phải lỗi tại Vietfoods, mà do Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương cấp xác nhận tiêu chuẩn. Như vậy, nếu có sai sót phải xem xét trách nhiệm của Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương, chứ không phải xử phạt công ty. Việc xác định lỗi vi phạm ở đây không đúng đối tượng theo quy định" - ông Nguyễn Huy Quang khẳng định thêm.
Vậy ai sẽ là người phải bồi thường cho doanh nghiệp trong vụ việc này?, ông Lê Văn Giang cho rằng, ai làm sai thì phải đền bù. Ông Lê Văn Giang cũng đưa ra khuyến cáo đối với phía quản lý thị trường, đó là khi thu giữ hàng hóa thì nên niêm phong tại chỗ và để lại bảo quản tại kho của doanh nghiệp. Việc đưa sản phẩm về kho của quản lý thị trường có thể không bảo đảm đúng điều kiện bảo quản trên nhãn và ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa. Vụ việc này tuy bé nhưng đã bị "xé ra to", vì nếu khi thu giữ hàng, phía quản lý thị trường chỉ công bố đúng việc đó thì sẽ không dẫn đến những rắc rối trong thời gian qua. Thế nhưng, khi công bố chất Sodium Nitrate gây ung thư không đúng, thiếu căn cứ đã khiến sự việc bị thổi phồng, gây hoang mang trong dư luận và tổn thất cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Cục ATTP sẽ xem xét và thông qua việc cập nhật chất Sodium Nitrate vào danh mục cho phép để tránh việc doanh nghiệp "vừa làm, vừa run". Hiện trên thị trường có khá nhiều các sản phẩm xúc xích đã được Cục ATTP hoặc Chi cục ATVSTP một số tỉnh cấp giấy phép sản xuất cho một số công ty, trong đó có chứa chất Sodium Nitrate (E251).
Từ sự việc xúc xích Vietfoods cho thấy, vấn đề thiệt hại của doanh nghiệp là khó có thể đo đếm được. Không những vậy, việc xử lý vội vàng, khi mới kiểm tra thu giữ sản phẩm đã công bố có chứa chất gây ung thư, không những khiến doanh nghiệp thiệt hại về mặt kinh tế, còn gây hoang mang cho người tiêu dùng. Do đó, bên cạnh việc đấu tranh quyết liệt với thực phẩm "bẩn", thực phẩm không bảo đảm an toàn, thì việc xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm và đúng pháp luật cũng vô cùng cần thiết.
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/835289/ve-vu-xuc-xich-vietfoods-ai-lam-sai-se-phai-den-bu