Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 26/11/2015

  • |
T5g.org.vn - Trọng tài trong đánh giá chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; Nhìn từ bệnh viện: Công khai chất lượng bệnh viện…

Trọng tài trong đánh giá chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm

Thực phẩm an toàn không chỉ cải thiện sức khỏe con người mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Được tiếp cận thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi người dân. Vì vậy, việc kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực quản lý và bảo đảm an ninh xã hội về lĩnh vực thực phẩm.

Mặc dù đã có những tiến bộ rõ rệt trong bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), song công tác quản lý vấn đề này vẫn còn những bất cập, hạn chế về nguồn lực, đầu tư kinh phí và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở nước ta phần lớn là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên việc kiểm soát ATTP còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm vẫn có xu hướng tăng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khỏe của người dân. Các tranh chấp về thực phẩm cũng diễn ra ngày càng gay gắt… Do vậy, ngay sau khi được thành lập (tháng 3-2009), Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã không ngừng đầu tư cả về đội ngũ nhân lực và trang thiết bị, nhanh chóng làm chủ kỹ thuật kiểm nghiệm, đáp ứng kịp thời các yêu cầu quản lý ATTP. Viện đã thực hiện tốt việc kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong nước và nhập khẩu; đánh giá được nguy cơ về vệ sinh ATTP; thực hiện tốt vai trò đầu ngành trong lĩnh vực kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh ATTP. Qua đó, kịp thời giải quyết các sự vụ, sự cố về ATTP như vấn đề melamin, các vụ ngộ độc nghiêm trọng gây tử vong, đấu tranh phòng, chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

Các hoạt động kiểm nghiệm, chứng nhận, giám định của Viện được công nhận phù hợp với yêu cầu của các tiêu chuẩn: ISO/IEC 17025, ISO/IEC 17065 và ISO/IEC 17020, cũng như tổ chức các chương trình thử nghiệm thành thạo theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17043 và hướng tới xin công nhận quốc tế theo tiêu chuẩn này. Kể từ khi thành lập, viện đã tham gia hơn 300 chương trình thử nghiệm thành thạo, so sánh liên phòng do các tổ chức trong và ngoài nước triển khai và các phòng thí nghiệm tham chiếu ASEAN, Vinalab, Quatest 3, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và phát triển môi trường bền vững, Cục An toàn thực phẩm… Hằng năm Viện tổ chức hàng chục chương trình thử nghiệm thành thạo ở cả lĩnh vực hóa sinh, vi sinh, các chương trình này được nhiều phòng thí nghiệm trong nước tham gia và đạt chất lượng chuyên môn cao.

Nâng cao năng lực kiểm nghiệm, cập nhật, cải tiến và phát triển phương pháp kiểm nghiệm mới, chuẩn hóa hệ thống chất lượng luôn được đơn vị ưu tiên để đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm của doanh nghiệp, cá nhân trong nước cũng như yêu cầu của cơ quan quản lý, cơ quan điều tra, hỗ trợ đơn vị kiểm nghiệm tuyến dưới với các chỉ tiêu kiểm nghiệm khó. Đến nay có 144 nhóm chỉ tiêu được công nhận VILAS, bao gồm cả lĩnh vực kiểm nghiệm thực phẩm biến đổi gien; tham gia xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam với 18 phương pháp thử được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phê duyệt. Đáng chú ý, từ năm 2014, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia được công nhận là phòng thử nghiệm chỉ định phục vụ công tác quản lý nhà nước với 178 chỉ tiêu, trong đó có 23 chỉ tiêu vi sinh và 155 chỉ tiêu hóa sinh.

Kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm là một hoạt động ưu tiên khi cán bộ của Viện tham gia tất cả các đoàn thanh tra, kiểm tra của các bộ: Y tế, Công an, Công thương, đoàn kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm như: dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, dịp Tết Trung thu và các đợt thanh kiểm tra khác. Từ kết quả kiểm nghiệm, giúp các cơ quan quản lý đã ngăn chặn đưa ra thị trường rất nhiều loại thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Thực phẩm giả, thực phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng hoặc thực phẩm không đúng với chức năng được công bố là mối quan tâm lớn của cơ quan quản lý thị trường khi mức độ làm giả, làm nhái rất tinh vi, khó phân biệt. Chính vì vậy, Viện chủ động phối hợp cơ quan chức năng trong việc kiểm nghiệm chất lượng các sản phẩm. Các mẫu thực phẩm chức năng không đạt phần lớn là do các chỉ tiêu chất lượng cấu thành nên công dụng của sản phẩm (thí dụ: hàm lượng vitamin A, D, B, C, hàm lượng DHA, Protein)... Ngoài chỉ tiêu chất lượng, kết quả kiểm nghiệm cũng phát hiện một số thực phẩm chức năng không đạt các chỉ tiêu yêu cầu an toàn thực phẩm như: bào tử nấm mốc, nấm men, vi sinh vật gây bệnh; phát hiện một số thực phẩm chức năng giảm cân có chứa Sibutramine độc hại... Trong thời gian qua, Viện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước như Hải quan, Quản lý thị trường, Công an, Ban Chỉ đạo Phòng chống hàng giả và gian lận thương mại của cả nước, phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng với số lượng lớn để xử lý nghiêm minh.

http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/28089702-trong-tai-trong-danh-gia-chat-luong-ve-sinh-an-toan-thuc-pham.html

Nhìn từ bệnh viện: Công khai chất lượng bệnh viện

Sau hai năm áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng cho thấy các bệnh viện tích cực triển khai các giải pháp cải tiến chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế. Nếu như trước đây, khi đánh giá cuối năm phần lớn rất nhiều bệnh viện đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện, nhưng đánh giá theo tiêu chí mới thì chưa đạt, kể cả những bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện quốc tế vẫn còn những điểm cần khắc phục. Một đánh giá quy mô nhỏ cho thấy, bệnh viện tuyến trên được hài lòng về chất lượng chuyên môn kỹ thuật nhưng còn có phàn nàn về quá tải, người bệnh chưa được giải thích cặn kẽ; bệnh viện tuyến dưới thì người bệnh còn chưa hài lòng về chuyên môn nhưng lại đánh giá tốt hơn về thái độ ứng xử… Cả bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến khám, chữa bệnh.

Trong bối cảnh nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng cao, đòi hỏi các bệnh viện phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế thì áp dụng Bộ tiêu chí giúp các bệnh viện tự nhìn lại thực trạng hiện nay, xác định những vấn đề tồn tại, lựa chọn các vấn đề cấp bách và “những việc cần làm ngay” để nâng cao chất lượng, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Thủ tướng Chính phủ “chốt” trong quý I-2016 phải công bố công khai chất lượng của các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối, hạng một và tương đương. Thời điểm này, các bệnh viện đang tích cực triển khai thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2015 theo Bộ tiêu chí, có bổ sung một số tiêu chí, trong đó “lấy người bệnh là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế là then chốt”. Dựa trên kết quả kiểm tra, Bộ Y tế sẽ tổ chức chấm, công bố kết quả và trao giải chất lượng bệnh viện nhằm thúc đẩy phong trào cải tiến chất lượng toàn diện và phát hiện các đơn vị tiêu biểu, làm hình mẫu cho các cơ sở học tập. Rất mừng đến thời điểm này, nhiều bệnh viện đã có sự chủ động nhập cuộc, đó là xây dựng chiến lược maketting; triển khai chiến dịch “nâng cấp” về nhân lực; đầu tư phát triển cho các chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao để thu hút người bệnh…

Bộ Y tế cũng vừa phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn từ nay đến năm 2025. Chương trình đề ra mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh quốc gia nhằm bảo đảm và cải tiến chất lượng dịch vụ y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chương trình cũng đề ra mục tiêu thiết lập các chương trình can thiệp cải tiến chất lượng cấp quốc gia trong một số lĩnh vực dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: chăm sóc người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, an toàn phẫu thuật, hệ thống báo cáo sự cố, sai sót y khoa…

Hành trình nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện còn dài và không có điểm dừng. Nhưng rõ ràng với những mục tiêu, giải pháp đã và đang được triển khai, người dân hoàn toàn hy vọng được cung ứng dịch vụ y tế đạt chất lượng ngày một tốt hơn.

http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/28089902-cong-khai-chat-luong-benh-vien.html

Bác sĩ nói gì về trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo y đa khoa?

Nhiều bác sĩ ngỡ ngàng vì trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội được mở thêm ngành đào tạo y đa khoa và dược học hệ chính quy.

3 năm trường chuẩn bị được gì?

Hầu hết các bác sĩ đều khá ngạc nhiên với quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế. Bác sĩ Lương Quốc Chính - Khoa Hồi sức Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết không nói đến chuyện bề dày, nhiều bệnh viện tư họ không có kinh nghiệm quản lý bệnh viện nhưng họ làm bài bản thì vẫn có thể xây dựng được một bệnh viện tốt. Tuy nhiên, với trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tham gia đào tạo bác sĩ thì bác sĩ Chính không tin tưởng nhiều.

Một bác sĩ học Y được đào tạo tại các trường Y mất 6 năm học liên tục. So với các trường đại học chuyên ngành khác, ngành y là vất vả nhất. Hơn nữa, trường này cho rằng đã chuẩn bị cơ sở vật chất từ 3 năm trước nhưng hiện tại, chưa ai biết được sự chuẩn bị đó đầy đủ như thế nào. Điều này cũng góp phần tạo nên sự hoang mang không hề nhỏ.

"Nếu trường có dự tính đào tạo chuyên khoa Y, dược cần thông báo từ 3 năm trước và việc chuẩn bị của trường được giám sát chặt chẽ. Còn bây giờ, trường mới thông báo đào tạo và cho biết đã chuẩn bị rồi thì ít người tin tưởng" - BS Chính chia sẻ.

Một bác sĩ khác thốt lên: Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, các khối kinh doanh và công nghệ của trường điểm đầu vào đã thấp, nếu trường mở chuyên khoa Y và Dược, trường lại là trường tư mang nặng kinh doanh, e đầu vào trường chuyên ngành này thấp sẽ không cho ra "lò" một đội ngũ bác sĩ chất lượng cao. Hơn nữa, nghề y là nghề đặc thù. Sinh viên ra trường mà không làm được việc sẽ để lại hậu quả trầm trọng bởi nó liên quan đến tính mạng con người. Một sinh viên trường Y học 6 năm ra trường còn phải kẽo kẹt cố gắng thật nhiều mới có thể trở thành được một bác sĩ có thể chữa bệnh, cứu người.

Lo ngại thừa nhân lực bác sĩ

TS Võ Xuân Sơn - Giám đốc Trung tâm y khoa EXSON, TP.HCM cho biết việc trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo Y khoa và dược khoa cũng không có gì không được. Điều quan trọng là họ làm thế nào. Không phải trường Y mới đào tạo được bác sĩ.

TS Sơn cho biết vấn đề quan trọng nhất là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có đủ khả năng đào tạo trình độ Đại học hệ chính quy ngành Y đa khoa và Dược học hay không? Trước đó có một vài trường Đại học công lập, khi tuyển sinh dạy Đại học hệ chính quy ngành Y đa khoa đã không có đủ cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên, câu chuyện dùng dằng mãi, cuối cùng cùng cũng có kết thúc, nhưng chất lượng đào tạo vẫn là dấu hỏi lớn mà câu trả lời còn rất mù mờ.

Để đào tạo y khoa điều quan trọng nhất của nhà trước là cơ sở vật chất, trường phải có ít nhất là phòng xác, với đủ số lượng xác, để học môn giải phẫu, phải có đủ số lượng phòng thí nghiệm vi sinh, sinh học...

Ngoài cơ sở vật chất cho các môn khoa học cơ bản, còn phải có cơ sở thực nghiệm và thực tập. Cơ sở thực nghiệm là nơi các sinh viên tập khám chữa bệnh trên phần mềm, trên mô hình... Cơ sở thực tập là các bệnh viện, và thực tập trên bệnh nhân là người bệnh thật sự. Cho đến nay, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có đủ cơ sở vật chất này chưa vẫn chưa ai rõ.

Về nhân sự, theo TS Sơn với số lượng "khủng" Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ như ở nước ta, chắc đó không phải là vấn đề khó đối với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Tuy nhiên, để có được một đội ngũ giảng viên thực sự có đủ khả năng giảng dạy, đào tạo, lại là chuyện khác. Hiện nay tại nước ta, số lượng các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ biết giảng dạy, biết soạn thảo giáo trình giảng dạy y khoa không nhiều. Nếu thiếu lực lượng "đặc biệt tinh nhuệ" này, thì dù cho cơ sở vật chất có tốt đến mấy cũng không thể thành công được.

Ngoài ra, TS Sơn còn lo ngại nữa là chúng ta đang đối diện với cuộc khủng hoảng thừa điều dưỡng. Không biết với tốc độ này, khi nào cuộc khủng hoảng thừa bác sĩ sẽ diễn ra?

http://infonet.vn/bac-si-noi-gi-ve-truong-dh-kinh-doanh-va-cong-nghe-ha-noi-dao-tao-y-da-khoa-post183578.info

Sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh

Theo thống kê tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, số ca bệnh sốt suất huyết (SXH) Dengue nặng phải nhập viện điều trị nội trú tính từ tháng 5-2015 đến nay là 412 ca (tăng gấp 10 lần so với cả năm 2014). Chỉ tính riêng trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 năm nay số bệnh nhân SXH Dengue được điều trị tại khoa là 310 (chiếm 75% tổng số các ca), trong số đó nhiều ca nặng có biến chứng.

Đáng ngại nhất là một số trường hợp thai phụ nhập viện vì SXH, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ và con như suy thai, đẻ non, thai chết lưu… Bà mẹ mang thai rất có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ.

Năm nay, do ảnh hưởng của El nino, thời tiết nóng ẩm kéo dài nên càng tạo điều kiện thuận lợi cho dịch SXH phát triển. Ở miền bắc dù đã bước vào tiết thu - đông nhưng số ca mắc chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Hiện, tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị nội trú cho khoảng hơn 180 bệnh nhân, chủ yếu là mắc SXH. Hầu hết bệnh nhân nhập viện sống tại các khu vực của quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa... do nơi đây tập trung nhiều nhà trọ sinh viên, với điều kiện vệ sinh môi trường, nơi ăn chốn ở chưa được bảo đảm.

Triệu chứng của bệnh SXH thường là sốt cao đột ngột kéo dài 5-7 ngày, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, trường hợp nặng có thể có xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, sốc giảm thể tích do hiện tượng thoát huyết tương và cô đặc máu có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ (thường < 100.000/mm3), bạch cầu hạ, hematocrite tăng (hiện tượng cô đặc máu).

Hiện SXH Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Điều trị chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt và theo dõi dấu hiệu xuất huyết bằng kiểm tra công thức máu hàng này.

Để phòng bệnh SXH, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, cần hết sức cẩn trọng trong việc phòng muỗi đốt. Loài muỗi vằn truyền bệnh SXH thường hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối, vì thế người dân cần lưu ý mặc áo dài tay, ngủ màn để phòng muỗi đốt.

Trường hợp trong nhà có người bị SXH, người dân cần thực hiện ngay các biện pháp tránh bị muỗi đốt như nằm màn, bôi kem chống muỗi, dùng nhang hoặc phun hoá chất diệt muỗi... Bên cạnh đó, cần vệ sinh môi trường, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông, bát nước kê chân chạn….

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/28083702-sot-xuat-huyet-tiep-tuc-tang-manh.html

Phòng, chống sốt xuất huyết ở Khánh Hòa chưa hiệu quả

Tỉnh Khánh Hòa đang là một trong những điểm nóng về sốt xuất huyết (SXH) khi số người mắc ngày càng tăng. Tuy nhiên, công tác phòng, chống SXH của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả.

Tính đến ngày 15-11, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 5.494 ca mắc SXH Dengue, cao gấp năm lần so với năm 2014. Trong đó, có 170 người bệnh nặng, hai người tử vong. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có người mắc bệnh. Điển hình tại thị xã Ninh Hòa có số lượng nhiều nhất với 98 ổ dịch được phát hiện và có tổng số 1.361 người mắc SXH (năm 2014 có 177 người mắc). Số ca mắc SXH tăng đột biến, cho nên Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa lâm vào tình trạng quá tải; bình quân mỗi ngày điều trị hơn 100 ca, trong đó có khoảng 30 ca mới. Bệnh viện phải tận dụng cả khu vực hành lang; làm thêm mái che ở khoảng sân trống trước Khoa Nhiễm để kê thêm giường cho người bệnh nằm mà vẫn không đủ giường. Nhiều người bệnh phải nằm ghép. Phó trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa Lê Lân cho biết, một trong những nguyên nhân khiến điều trị SXH khó khăn do nhiều người bệnh khi nhập viện đã rất nặng, có dấu hiệu choáng, tụt huyết áp, xuất huyết tiêu hóa... Những người bệnh này đã mất một thời gian điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân hoặc tự điều trị tại nhà. Việc điều trị tùy tiện như trên rất nguy hiểm vì không được chữa trị kịp thời, nguy cơ tử vong cao. Do đó, hễ thấy người nhà có dấu hiệu sốt, người dân cần đưa ngay đến bệnh viện để được khám, chữa trị kịp thời.

Không chỉ thị xã Ninh Hòa, nhiều huyện cũng có số ca mắc SXH cao hơn nhiều so với năm trước, như huyện Diên Khánh tăng 13,6 lần, huyện Vạn Ninh tăng 8,4 lần... Đầu tháng 11 vừa qua, kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại tỉnh Khánh Hòa, đoàn công tác của Bộ Y tế nhận định: Khánh Hòa đã triển khai sớm và kịp thời công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn theo quy định, như: Phun hóa chất; phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch; mở các đợt diệt bọ gậy tại hộ gia đình; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, trong nhà trường về việc diệt bọ gậy... Tuy nhiên, công tác phòng, chống SXH chưa đạt hiệu quả cao; tình hình dịch SXH trên địa bàn vẫn không giảm. Kết quả giám sát vec-tơ định kỳ tại các địa phương trọng điểm cho thấy, chỉ số mật độ muỗi, nhà có muỗi vẫn cao, là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ SXH bùng phát thành dịch lớn.

Câu hỏi đặt ra là, công tác tuyên truyền đã làm mạnh; hóa chất diệt muỗi cũng được phun ở nhiều nơi; công tác dọn dẹp, làm vệ sinh môi trường cũng được vận động... nhưng tại sao muỗi vẫn cứ nhiều? Lý giải vấn đề nêu trên, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế cho rằng, sở dĩ công tác phòng, chống SXH ở Khánh Hòa chưa đạt hiệu quả cao là do các ngành, UBND cấp xã , phường chưa vào cuộc quyết liệt; công tác vệ sinh môi trường chưa triệt để, chưa đạt yêu cầu; kỹ thuật phun hóa chất chưa đạt... Tuy đã được tuyên truyền nhiều về nội dung trên nhưng ở một số địa phương, người dân không hợp tác, thậm chí gây cản trở việc phun hóa chất diệt muỗi. Vì vậy, ngành y tế tỉnh cần nghiên cứu kỹ hơn vấn đề tuyên truyền, để việc phun hóa chất diệt muỗi diễn ra thuận lợi, hiệu quả hơn. Người dân chưa chủ động tham gia diệt bọ gậy tại nhà, dù đã được cán bộ y tế đến tận nhà hướng dẫn nhiều lần; ý thức phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng chưa cao, cứ nghĩ đó là việc của ngành y tế, của chính quyền địa phương. Trong khi đó, nhân lực bộ phận phòng, chống dịch của ngành y tế còn mỏng; chưa thật sự chủ động giám sát, xử lý dịch trên địa bàn rộng và có số người mắc cao...

Đáng chú ý, hiện nay, các xã, phường của Khánh Hòa đều có ban chỉ đạo phòng, chống dịch SXH, có kế hoạch, phân công cụ thể nhưng khi triển khai thực hiện thì chưa có sự phối hợp tốt. Vẫn còn nhiều trạm y tế chưa phát huy được vai trò của mình trong việc tham mưu chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch; nhiều thành viên tham gia diệt bọ gậy còn bỏ sót nhiều ổ bọ gậy tại các ổ dịch. Kết quả phân lập vi-rút của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy, trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi lưu hành cả bốn type vi-rút D1, D2, D3, D4 làm tăng nguy cơ bùng phát dịch SXH.

Gần đây, có thông tin muỗi ở Khánh Hòa kháng thuốc. Bác sĩ Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa khẳng định, thông tin trên là chưa chính xác. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến của dịch SXH ngày càng phức tạp, ngành y tế tỉnh đang cân nhắc về việc tham mưu UBND tỉnh tiến hành thủ tục công bố dịch trên địa bàn.

http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/28087802-phong-chong-sot-xuat-huyet-o-khanh-hoa-chua-hieu-qua.html

Ra quân chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho bệnh viện vệ tinh

Ngày 25-11, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức ra quân chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu theo đề án 1816 (giai đoạn 2016-2020) giữa Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.

Đây là đơn vị đầu tiên triển khai đề án giai đoạn 2 với các kỹ thuật chuyển giao bao gồm: hồi sức tim mạch, đặt máy tạo nhịp, can thiệp mạch vành (tim mạch) và thay khớp háng, thay khớp gối, nội soi khớp gối, kết hợp xương gãy phức tạp (chấn thương chỉnh hình).

Sắp tới, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Huyết học truyền máu TP Hồ Chí Minh (bệnh viện hạt nhân) sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho bệnh viện các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh để đến cuối năm 2016 các bệnh viện tỉnh có đủ kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch, ung bướu, sản, nhi, … và góp phần giảm tải cho các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh.

Trong giai đoạn 2013-2015, có 14 bệnh viện hạt nhân trên cả nước tham gia đề án 1816 và chuyển giao kỹ thuật cho 45 bệnh viện tuyến tỉnh (vệ tinh). Qua đây, có 37,5% người bệnh không chuyển tuyến trên, góp phần giảm tải cho các bệnh viện lớn.

http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/28083202-ra-quan-chuyen-giao-ky-thuat-chuyen-sau-cho-benh-vien-ve-tinh.html

Thuốc mới Bedaquiline điều trị bệnh lao kháng thuốc

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố thuốc Bedaquiline, loại thuốc mới đầu tiên trong hơn 40 năm qua dùng để điều trị lao kháng thuốc, hiện đã có tại Việt Nam thông qua chương trình hợp tác giữa USAID và Công ty Janssen Therapeutics thuộc tập đoàn Johnson & Johnson.

Quan hệ hợp tác sáng tạo này là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại mối đe dọa về sức khỏe ngày càng gia tăng do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh gây ra.

Bệnh lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất tại Việt Nam với 130 nghìn ca phát hiện mới và 17 nghìn người tử vong vì bệnh lao mỗi năm. Việt Nam cũng là nước có gánh nặng về y tế công cộng do bệnh lao kháng thuốc, do vậy Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới được trao tặng thuốc Bedaquiline để hỗ trợ những nỗ lực liên tục của Việt Nam trong phòng chống căn bệnh này.

Hôm nay, USAID Việt Nam cùng Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam, Bộ Y tế, Tổ chức KNCV Tuberculosis Foundation và các đối tác khác tham dự một hội nghị tại Bệnh viện Phổi trung ương nhằm khởi động chương trình trao tặng và triển khai thuốc Bedaquiline tại Việt Nam với hơn 100 bệnh nhân mắc lao tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc được tặng loại thuốc mới trong đợt này.

Hội nghị này cũng nhằm bắt đầu triển khai phác đồ ngắn hạn hơn (9 tháng) và tiết kiệm chi phí hơn trong điều trị lao kháng thuốc tại Việt Nam.

Dựa trên nền tảng 20 năm hỗ trợ của USAID dành cho công tác phòng chống lao tại Việt Nam, các dự án hiện tại của USAID tập trung hỗ trợ Chương trình Chống lao Quốc gia và Cục Phòng chống HIV/AIDS thực hiện phát hiện lao sớm, cải thiện công tác điều trị bệnh lao, tăng cường mạng lưới phòng thí nghiệm và dự phòng lây nhiễm lao.

Nhất quán với Chiến lược phòng chống lao toàn cầu của Chính phủ Hoa Kỳ trong giai đoạn 2015 - 2019, USAID cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình Lao quốc gia của Việt Nam trên bốn lĩnh vực can thiệp kỹ thuật: tăng cường tiếp cận dịch vụ chất lượng cao; dự phòng lây nhiễm lao; củng cố mạng lưới dịch vụ phòng chống lao; và thúc đẩy các thực hành tốt nhất để hoàn thành các mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới về chấm dứt đại dịch lao toàn cầu.

http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/28082402-thuoc-moi-bedaquiline-dieu-tri-benh-lao-khang-thuoc.html

Xây dựng chiến lược tài chính y tế Việt Nam giai đoạn 2016 – 2025

Ngày 25-11, Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Góp ý kế hoạch xây dựng chiến lược tài chính y tế Việt Nam giai đoạn 2016 – 2025”. Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế tham gia góp ý cho dự thảo chiến lược tài chính y tế giai đoạn 10 năm tới.

Tài chính y tế là một trong sáu trụ cột của hệ thống y tế. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hệ thống tài chính y tế có ba chức năng chính là chức năng huy động, chia sẻ rủi ro và mua dịch vụ y tế. Một hệ thống tài chính y tế tốt cần huy động đủ tiền đề để người dân có thể sử dụng dịch vụ y tế khi cần, được bảo vệ trước chi phí y tế thảm họa hoặc bảo vệ không bị nghèo hóa do phải chi trả chi phí y tế. Hệ thống tài chính y tế tốt sẽ khuyến khích cung ứng và sử dụng dịch vụ một cách hiệu quả.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định: Tại Việt Nam, cùng với những đổi mới của hệ thống y tế, công tác tài chính y tế đã có những bước phát triển tích cực. Chi tiêu y tế ở Việt Nam tiếp tục gia tăng và đạt mức cao so với một số nước trong khu vực, chi cho y tế chiếm 6% GDP. Tỷ trọng tài chính công (bao gồm ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế) tăng dần, chiếm 42,6% tổng chi cho y tế, chi từ tiền túi hộ gia đình có xu hướng giảm xuống dưới 50%, chiếm 48,8%. Hệ thống tài chính y tế hiện hành đã làm hạn chế được rào cản tài chính trong tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, giúp hầu hết người dân được tiếp cận, sử dụng miễn phí các can thiệp dự phòng thiết yếu.

Mặc dù vậy, tài chính y tế cũng đứng trước những khó khăn và thách thức đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế mới đạt khoảng 72,6%, chưa bao phủ được toàn dân, mở rộng diện bao phủ gặp khó khăn. Tỷ lệ hộ gia đình bị nghèo hóa do chi phí y tế vẫn cao. Sử dụng nguồn tài chính chưa đạt hiệu quả như mong muốn, hệ thống tài chính chưa khuyến khích chất lượng, chưa khuyến khích cung ứng dịch vụ tại y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe đặc biệt có chi phí thấp và bảo đảm công bằng…

Chia sẻ về những định hướng của y tế Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho rằng, cần phải phát triển hệ thống y tế bền vững theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và chất lượng. Theo đó, cần phải vừa phát triển y tế phổ cập để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngay tại nơi sinh sống, đồng thời phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, hệ thống tài chính y tế cần được phát triển tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe; đổi mới cơ chế hoạt động, có chế tài chính, sử dụng nguồn tài chính y tế hiệu quả.

“Tài chính y tế là một cấu phần quan trọng, tác động đến hành vi của cả bên cung ứng và bên sử dụng cung ứng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống y tế. Trong những năm qua, các chính sách tài chính y tế của Việt Nam được thể hiện ở nhiều văn bản, ở các cấp độ khác nhau, được xây dựng bởi nhiều cơ quan khác nhau, có thể dẫn đến sự phân mảng, chồng chéo, khó hiểu, khó thực hiện đối với các bên liên quan. Do vậy, rất cần có một chiến lược tài chính tổng thể cho ngành y tế với tầm nhìn dài hạn để thống nhất chung trong nhận thức và hành động của các cơ quan trong nước và các nước phát triển”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng kỳ vọng Chiến lược tài chính y tế Việt Nam giai đoạn 2016 – 2025 là một tài liệu hữu ích để tham khảo, đối chiếu khi xây dựng chính sách y tế nói chung.

http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/28083402-xay-dung-chien-luoc-tai-chinh-y-te-viet-nam-giai-doan-2016-2025.html

Gần 30 tỷ đồng đầu tư hệ thống xử lý chất thải ở bệnh viện

Trong 5 năm (2011 - 2015) cùng với ngân sách Trung ương, Thanh Hóa đã đầu tư gần 30 tỷ đồng cho hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng tại 37 bệnh viện công lập. Việc chú trọng đầu tư mới, nâng cấp sữa chữa các hệ thống xử lý chất thải đã đáp ứng được các tiêu chuẩn đảm bảo môi trường.

Thực hiện Đề án “Tổng thể xử lý chất thải y tế” giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng tới 2020, Sở Y tế Thanh Hóa trực tiếp điều hành, kết hợp với các ban, ngành liên quan, đảm bảo thực hiện đúng theo kế hoạch. Theo đó, giao trách nhiệm cho những người đứng đầu các cơ sở y tế quản lý chất thải y tế đúng quy trình, vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải, mua và cung cấp đủ các phương tiện chuyên dụng, đạt tiêu chuẩn cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan môi trường để xử lý, tiêu hủy chất thải y tế theo quy định.

Mỗi ngày các bệnh viện tại Thanh Hóa phát sinh khoảng 7,372 tấn chất thải y tế, trong đó có khoảng 1,452 tấn chất thải nguy hại. Hầu hết các bệnh viện đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế, trong đó các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế đến năm 2015 trị giá 149,272 triệu đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường của TƯ và tỉnh.

Đối với hệ thống xử lý chất thải rắn y tế, các Bệnh viện đã được đầu tư lò đốt chất thải rắn theo mô hình dự án khoa học công nghệ. Tuy nhiên, do đầu tư xây dựng quá lâu, một số lò đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu xử lý hàng ngày, hiện đã và đang được đầu tư xây mới bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới gần 200 tỷ đồng để nâng cấp cho 5 hệ thống xử lý chất thải lỏng và xây mới 9 hệ thống xử lý chất thải rắn tại 9 cụm để xử lý rác thải y tế cho cả tỉnh. Sau khi các dự án trên hoàn thành đưa vào hoạt động góp phần đảm bảo môi trường, tạo nền y tế Thanh Hóa xanh.

Thạc sỹ Lê Đăng Khoa, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hệ thống xử lý chất thải rắn trước đây không đáp ứng được nhu cầu thực tế tại bệnh viện, chúng tôi mới đầu tư lò đốt hiện đại từ Ý, rác thải được nghiền nát, sau đó tiệt khuẩn bằng nhiệt độ. Ngoài ra bệnh viện còn xử lý chất thải cho một số bệnh viện quanh đây. Về chất thải lỏng, trước kia xử lý bằng bể sinh học lắng lọc, năm 2013 bệnh viện đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại hơn trên 20 tỷ đồng. Hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng đầu tư mới tới 43 tỷ đồng. Hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cảnh sát môi trường tới kiểm tra theo định kỳ, tất cả các chỉ số đều đạt tiêu chuẩn.

Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Sơn cho biết thêm: Bệnh viện có quy mô 100 giường bệnh, 13 khoa phòng. Chất thải rắn thông thường bệnh viện ký với Công ty Cổ phần Vệ sinh môi trường thu gom xử lý. Chất thải rắn nguy hại khoảng 30kg/1 ngày bao gồm: bơm tim, dây chuyền dịch…được thu gom và đốt tại lò đốt của bệnh viện, xỉ tro sau khi đốt chôn tại hố tự đào. Một tuần bệnh viện đốt 3 - 4 lần, nói chung rác thải đốt không để quá 24 giờ. Nước thải thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường. Hàng năm tỉnh hỗ trợ cho 100 triệu, bệnh viện đầu tư hơn 100 triệu để duy trì hoạt động của 2 cơ sở xử lý chất thải. Công tác thu gom, xử lý đảm bảo những điều kiện theo quy định. Tuy nguồn kinh phí của bệnh viện còn khó khăn nhưng chúng tôi luôn ưu tiên đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện.

Cùng với đó Sở TN&MT tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 1448/QĐ-UBND ngày 15/5/2014 về kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến hết 2015 phải xử lý xong 11 bệnh viện gây ô nhiễm theo Quyết định 3324/QĐ-UBND ngày 11/10/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh. Giao Sở Y tế là chủ đầu tư các dự án xử lý chất thải của các bệnh viện.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa cho biết: Sở Y tế đã lập các dự án xây dựng hệ thống chất thải rắn y tế cho cụm các bệnh viện trên địa bàn tỉnh bằng nguồn hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới. Đến nay, 8 bệnh viện đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải và đi vào vận hành. 8 bệnh viện trên đã được Giám đốc Sở TN&MT ra quyết định rút khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 3 bệnh viện còn lại đang triển khai xây dựng công trình xử lý, dự kiến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành công trình.

Thầy thuốc ưu tú ông Lê Hữu Uyển, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Thanh Hóa chia sẻ: Thời gian qua, được sự quan tâm của các ngành, các cấp từ T.Ư, tới địa phương công tác xử lý chất thải ở những bệnh viện đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng đầy đủ những điều kiện của các cơ quan chức năng khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, mô hình đầu tư xử lý chất thải rắn theo mô hình cụm không khả thi nên đề nghị được đầu tư tại chỗ, tại các bệnh viện huyện.

Đối với mô hình xử lý chất thải rắn tập trung, chỉ áp dụng với các đơn vị đóng trên địa bàn thành phố và các huyện phụ cận. Bên cạnh những thuận lợi, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang còn những khó khăn nhất là khu xử lý chất thải hiện nay đang ở mức quá tải, do đầu tư đã quá lâu, không đồng bộ, chưa có hệ thống vận chuyển chất thải rắn, phương tiện thu gom và bảo quản rác thải chưa đảm bảo do chưa được đầu tư kinh phí để vận hành. Đây cũng là vấn đề khó khăn trong xử lý vận hành đối với các cơ sở đã được đầu tư. Đề nghị các ban, ngành T.Ư, tỉnh Thanh Hóa bố trí kinh phí để 100% các bệnh viện công lập có hệ thống xử lý chất thải y tế đúng quy định, nhất là những hệ thống hiện nay đã xuống cấp. Bên cạnh đó do kinh phí cho việc vận hành, xử lý các hệ thống chất thải cao so với kinh phí của các bệnh viện, đề nghị Bộ Y tế phối hợp với các ngành cho phép bệnh viện được bổ sung thu chi phí xử lý chất thải rắn và lỏng y tế vào danh mục thu viện phí

http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/gan-30-ty-dong-dau-tu-he-thong-xu-ly-chat-thai-o-benh-vien_t114c9n96517

Thành lập 8 đoàn kiểm tra phong cách phục vụ của cán bộ y tế

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 4959/QĐ-BYT về việc thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

Theo quyết định này, sẽ có 5 đoàn do 5 Thứ trưởng Bộ Y tế, 2 đoàn do Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn.

Một đoàn trực tiếp bất cứ lúc nào đến do Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế) làm Trưởng đoàn sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc theo kiến nghị, phản ánh trực tiếp, gián tiếp của công dân qua “đường dây nóng”, hòm thư góp ý và qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Bộ Y tế, việc kiểm tra này sẽ tập trung vào các nội dung: Việc thành lập ban chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; kết quả của việc tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế; Việc thực hiện nội dung thành lập đơn vị chăm sóc “khách hàng”; kiểm tra việc thực hiện trang phục của cán bộ y tế; kết quả triển khai thực hiện “đường dây nóng” theo Chỉ thị số 09/CT- BYT; kết quả duy trì, củng cố hòm thư góp ý; Việc triển khai đề án “Tiếp sức người bệnh trong bệnh viện” (áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ); kết quả xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực; Kết quả tổ chức ký cam kết ,thực hiện các nội dung cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh…

http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/thanh-lap-8-doan-kiem-tra-phong-cach-phuc-vu-cua-can-bo-y-te_t114c9n96557

Người nhiễm HIV/AIDS sắp được mua bảo hiểm y tế

Đó là thông tin được ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở y tế Hà Nội cho biết tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 24/11.

Ông Hạnh cho biết, hiện đã có Thông tư của Bộ Y tế, Sở đang phối hợp với bảo hiểm y tế để triển khai kế hoạch, sắp tới người nhiễm HIV cũng được mua bảo hiểm y tế giống như các bệnh nhân khác.

Tình hình dịch HIV/AIDS tại Hà Nội tính đến 30/9, có tổng số hơn 18.300 trường hợp nhiễm hiện đang còn sống, hơn 4.500 bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong do AIDS.

Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trên 100.000 dân là 249 người. Tất cả các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đều có người nhiễm HIV. Số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trong 9 tháng đầu năm nay, nam giới vẫn chiếm tỷ lệ cao (68,7%) cao gấp khoảng 2,2 lần so với nữ giới (31,3%).

Đa số người nhiễm HIV/AIDS ở lứa tuổi trẻ, số nhiễm trong nhóm tuổi từ 25-49 tuổi, chiếm 84,6%.

Theo ông Hạnh, số lượng trẻ em nhiễm HIV ở Hà Nội hiện không nhiều, số liệu thống kê chưa đầy đủ có khoảng 100 trẻ em trong các trung tâm nuôi dưỡng, còn ngoài cộng đồng có khoảng vài trăm trẻ em.

Kết quả giám sát trọng điểm thành phố Hà Nội năm 2015, tỷ lệ nhiễm HIV nhóm nghiện chích ma túy là 19%, nhóm phụ nữ mại dâm là 18%, nhóm MSM (quan hệ đồng giới nam) là 6%.

Cũng theo Phó giám đốc Sở y tế, mục tiêu tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

http://infonet.vn/nguoi-nhiem-hivaids-sap-duoc-mua-bao-hiem-y-te-post183443.info

“Cơ sở y tế Việt Nam hoàn toàn có thể phẫu thuật chuyển giới

TS Nguyễn Huy Quang cho biết chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện phẫu thuật chuyển giới, vấn đề cơ bản là pháp luật Việt Nam có cho phép ngành y tế và các cơ sở y tế thực hiện hay không mà thôi.

Ngày 24/11, Quốc hội đã chính thức thông qua việc chuyển đổi giới tính ở Việt Nam, đây là một tin vui đối với những người đang có ý định chuyển giới trên khắp mọi miền tổ quốc. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó thì vấn đề này vẫn đang phải tiếp tục hoàn thiện, trong đó có lĩnh vực phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Để làm rõ vấn đề này, chiều ngày 25/11, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) về những quy trình cũng như những điều kiện để có thể thực hiện được phẫu thuật chuyển giới.

Theo đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, việc xác định lại giới tính đã được Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định rất rõ, đó là người có khuyết tật bẩm sinh, hoặc người có giới tính chưa được định hình chính xác thì sẽ được xác định lại giới bằng cách can thiệp y học.

“Tôi lấy ví dụ như những trẻ em sinh ra không có bộ phận sinh dục hoặc thiếu bộ phận sinh dục, hay những trường hợp là nam nhưng lại có những bộ phận của phụ nữ thì sẽ được can thiệp y học nhằm xác định lại giới tính. Điều này đã được quy định tại Luật Dân sự năm 2005”, TS Quang cho biết.

Theo TS Quang, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vừa rồi, trong đó có điều cho phép người hoàn thiện về giới tính, nhưng trong tư tưởng, hành vi của họ lại ngược lại hình hài được phép chuyển giới, là nhằm giúp những người này được sống thật với giới tính của mình và khẳng định quyền của con người.

“Trước hết là chúng ta đã thừa nhận người có nhu cầu, mong muốn được chuyển đổi giới tính và sống thật với giới tính của mình. Và đó cũng chính là thể hiện quyền con người luôn được đề cao”, TS Quang cho hay.

Trả lời câu hỏi về việc liệu các cơ sở y tế Việt Nam có thực hiện được việc chuyển đổi giới tính; và những khó khăn vướng mắc của những người được chuyển đổi giới tính như thế nào, TS Nguyễn Huy Quang khẳng định, về mặt y học và kỹ thuật, Việt Nam đều có thể thực hiện được.

“Chúng ta có thể phẫu thuật được từ nam thành nữ hoặc từ nữ thành nam. Ngoài ra, chúng ta có thể điều trị được hoóc môn tăng trưởng của nữ và hóc môn tăng trưởng của nam. Vấn đề cơ bản là pháp luật Việt Nam có cho phép ngành y tế và các cơ sở y tế thực hiện hay không mà thôi, nếu cho phép các cơ sở y tế Việt Nam hoàn toàn có thể làm được”, TS Quang nói.

Tuy nhiên, ông Quang cũng thẳng thắn cho biết, để thực hiện được việc chuyển đổi giới tính thì cần phải có đạo luật riêng, trong đó có luật chuyển đổi giới tính. TS Quang hy vọng trong nhiệm kỳ tới của Quốc hội có thể được thông qua.

“Theo tôi khi đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện phẫu thuật chuyển giới thì cũng cần phải có những trình tự trước khi chuyển đổi giới tính. Ví dụ như cho những người là nam muốn chuyển đổi giới tính sang nữ thì cần phải sống thử và sinh hoạt như một người phụ nữ, ví dụ như việc: mặc váy, tô son đánh phấn, nội trợ, chơi các trò của nữ giới.

Ngược lại, khi nữ giới muốn chuyển đổi giới tính thành nam, thì cũng cần phải sống thử và sinh hoạt như nam giới như tham gia các hoạt động thể thao, làm việc nặng, chân tay trong vòng 1-2 năm, từ đó để họ quyết định có chuyển đối giới tính hay không. Khi đó y học mới có sự can thiệp và sự can thiệp này phải là nơi đảm bảo đủ cả về dịch vụ, chất lượng và đội ngũ bác sĩ có trình độ…Sau khi thực hiện xong, ngành y tế sẽ cấp 1 giấy chứng nhận đã phẫu thuật chuyển giới, để từ đó làm các thủ tục pháp lý cũng như sinh hoạt khác được thuận lợi nhất cho họ”, TS Quang nói.

http://khampha.vn/tin-nhanh/co-so-y-te-viet-nam-hoan-toan-co-the-phau-thuat-chuyen-gioi-c4a372820.html

'Vạch trần' nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết gia tăng

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đang phải “gồng mình” phòng chống dịch.

Theo Cục Y tế Dự phòng, El Nino là sự nóng dần lên của nước biển ở phía Đông Thái Bình Dương, chủ yếu dọc theo đường Xích đạo. Hiện tượng El Nino xảy ra trong khoảng từ 2-7 năm một lần với những cường độ khác nhau và khiến cho bầu khí quyển nóng lên, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu dịch bệnh ở các quốc gia bị ảnh hưởng.

Tiêu biểu như dịch sốt rét và sốt xuất huyết có thể tăng cao tại các quốc gia nóng lên do ảnh hưởng của El Nino. Nguyên nhân là sự phát triển của Anopheles minimus và Anopheles virus (vật chủ chính truyền bệnh sốt rét) và muỗi Aedes Aegypti (trung gian truyền bệnh sốt Dengue và sốt xuất huyết-DHF) sẽ có môi trường phát triển lý tưởng ở nhiệt độ 25-32oC.

Theo báo cáo của Trung tâm dự báo khí tượng Hoa Kỳ (NOAA), năm nay Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippines, Malaysia,... sẽ kéo dài khí hậu nóng ẩm đến cuối năm do nằm trong vùng chịu tác động bởi El Nino.

Do đó sẽ kéo theo nguy cơ bùng phát và kéo dài dịch bệnh sốt xuất huyết so với các năm trước tại các quốc gia trên. Các thống kê khoa học cho thấy, tính chất xuất hiện có chu kỳ của El Nino cũng logic với các nhận định nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm rằng dịch sốt xuất huyết thì cứ 3-5 năm xảy ra một trận dịch.

Tại Việt Nam, cao điểm của dịch sốt xuất huyết là vào mùa mưa, bởi đây là thời điểm độ ẩm tăng cao, và dịch cũng liên quan từng thời điểm và từng miền, thông thường có 2 đỉnh đáng lưu ý là tháng 4-5 và tháng 9-10 trong năm ở 3 mỗi miền Bắc, Trung, Nam.

Cũng liên quan đến hiện tượng này, tổ chức UNICEF cũng cho biết,  EL Nino còn có thể dẫn đến gia tăng đáng kể các dịch bệnh khác đối với  trẻ nhỏ, gồm: sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, dịch tả - những căn bệnh dễ gây tử vong cao nếu không lưu ý đề phòng và khám chữa kịp thời.

Liên quan đến đến dịch sốt xuất huyết, trong buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của El Nino, thời tiết Hà Nội cùng nhiều tỉnh của Việt Nam những ngày này nóng bức, mưa nhiều, đầu mùa đông mà có ngày nóng như mùa hè, đây là môi trường rất thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết phát triển. Dịch sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các quận, huyện như Thanh Trì, Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông… với 66,4% ca nhiễm bệnh.

Được biết, tính đến ngày 22/11, Hà Nội đã ghi nhận 10.447 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong (tăng so với cùng kỳ năm 2014 nhưng giảm 29% so với cùng kỳ 2009). Hiện có 9.600 trường hợp mắc đã khỏi hoàn toàn chiếm 92,4%, số đang điều trị chiếm 7,6%.

http://khampha.vn/suc-khoe/vach-tran-nguyen-nhan-khien-benh-sot-xuat-huyet-gia-tang-c11a372573.html

Ứng dụng tế bào gốc điều trị chấn thương cột sống

Sáng 24-11, Bệnh viện Đà Nẵng đã ký kết chương trình hợp tác về nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong chấn thương cột sống với Bệnh viện Kitano (Nhật Bản), Trung tâm nghiên cứu 
FBRI (Nhật Bản).

Từ năm 2012, các bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng đã qua Nhật Bản tìm hiểu về phương pháp cấy ghép tế bào đơn nhân tự thân tách từ tủy xương để điều trị chấn thương tủy sống. Đây là một trong những phương pháp trị liệu mới nhưng hiệu quả và độ an 
toàn rất cao.

Bệnh viện Đà Nẵng sẽ hợp tác với Nhật Bản thực hiện thử nghiệm lâm sàng về việc áp dụng tế bào đơn nhân tự thân tách từ tủy xương cho việc điều trị bệnh nhân chấn thương tủy sống. Phía Nhật Bản cũng giúp Bệnh viện Đà Nẵng đào tạo nhân lực, trang bị máy móc, đưa hai kỹ thuật viên tới Đà Nẵng để phối hợp thực hiện.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Thạnh - giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, chỉ riêng trong năm 2012 có 408 bệnh nhân chấn thương tủy sống được tiếp nhận và điều trị, trong đó có 321 người được điều trị bảo tồn và 87 người được điều trị phẫu thuật. Phần lớn bệnh nhân mang các di chứng suốt đời.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151125/ung-dung-te-bao-goc-dieu-tri-chan-thuong-cot-song/1008889.html

Nội soi cắt ung thư dạ dày bằng 3D

Ngày 24-11, Bệnh viện Trung ương Huế đã nội soi cắt bỏ khối u ung thư ác tính ở dạ dày cho một bệnh 
nhân 50 tuổi bằng hình ảnh 3D.

PGS.TS Phạm Như Hiệp, phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - người trực tiếp phẫu thuật, cho biết bệnh nhân B.V.S. (trú huyện Núi Thành, Quảng Nam) có khối u ác tính ở dạ dày giai đoạn 3, chỉ định phải cắt bỏ khối u. Ca phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u thành công sau hơn một giờ thực hiện.

Với hình ảnh 3D sẽ cho hình ảnh thật, độ phóng đại cực lớn, giúp phẫu thuật viên nhìn rõ các thương tổn, mạch máu, khối u; rút ngắn thời gian phẫu thuật. Nhờ đó, khối u ung thư được định vị rất chính xác, cắt bỏ an toàn, không làm tổn thương các mô lành; sức khỏe bệnh nhân ổn định, tỉnh táo sau phẫu thuật. BS Hiệp cho biết ca mổ này thuộc một đề tài nghiên cứu khoa học và Bệnh viện Trung ương Huế sẽ áp dụng kỹ thuật mới này để thực hiện các ca phẫu
 thuật nội soi.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151125/noi-soi-cat-ung-thu-da-day-bang-3d/1008880.html

Cảnh báo tác dụng phụ ở thuốc trị đau nửa đầu

Cục Quản lý dược vừa khuyến cáo tác dụng phụ của các thuốc chứa acid zoledronic (điều trị loãng xương), flunarizin (điều trị chứng đau nửa đầu) và ivabradine (điều trị triệu chứng cơn đau thắt ngực) do tắc nghẽn động mạch vành.

Theo Cục Quản lý dược, hiện còn 11 số đăng ký thuốc nước ngoài, 2 thuốc trong nước chứa hoạt chất acid zoledronic, nhưng vừa qua Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu đã khuyến cáo nguy cơ hoại tử xương hàm ở bệnh nhân có sử dụng thuốc này, vì vậy cần trì hoãn điều trị với bệnh nhân có tổn thương mô mềm chưa lành tại miệng; bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như ung thư, vệ sinh răng miệng kém, có bệnh nha chu, răng giả không khớp hoặc tiền sử có bệnh 
về răng miệng.

Với thuốc chứa flunarizin, hiện có trên 51 số đăng ký thuốc nội và ngoại nhập, sử dụng điều trị chứng đau nửa đầu, Cục Quản lý dược khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Với thuốc chứa ivabradine (điều trị triệu chứng cơn đau thắt ngực) do tắc nghẽn động mạch vành hiện có sáu thuốc đang lưu hành, Cục Quản lý dược đề nghị các công ty sản xuất và kinh doanh thuốc này cần cập nhật các thông tin mới vào tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, như thận trọng khi sử dụng kèm thuốc lợi tiểu do có nguy cơ tăng rối loạn nhịp tim; không sử dụng cho người có bệnh tim mạch khác như nhồi máu cơ tim...

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151125/canh-bao-tac-dung-phu-o-thuoc-tri-dau-nua-dau/1009009.html

Bộ Giáo dục: 'Sẽ kiểm soát chất lượng đào tạo Y Dược của ĐH Kinh doanh - Công nghệ'

Bên cạnh các giải pháp đang áp dụng với tất cả các trường, Bộ Giáo dục sẽ tính cơ chế kiểm soát chất đào tạo và đầu ra của ngành Y, Dược tại ĐH Kinh doanh - Công nghệ,  quyền Vụ trưởng giáo dục đại học (Bộ Giáo dục), bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.

- Đại học Kinh doanh - Công nghệ vừa được Bộ cho phép mở thêm ngành Y, Dược khiến người dân băn khoăn. Bà nói gì về việc này?

- Cách đây 2 năm trường ĐH Kinh doanh -  Công nghệ Hà Nội đã làm hồ sơ trình Bộ Giáo dục xin mở ngành Y, Dược nhưng đã bị từ chối vì lúc đó đang có chủ trương giảm đào tạo Y Dược ở các đại học đa ngành.

Trong thời gian trình hồ sơ lên Bộ Y tế, ĐH Kinh doanh - Công nghệ đã đồng thời xây dựng cơ ngơi gần 80 tỉ đồng, tuyển dụng đội ngũ giảng viên và trả lương từ đó đến nay.

Ý của họ là trường tư nhân, bỏ tiền ra đào tạo, đảm bảo đủ các điều kiện thì tại sao lại không cho phép? Vì vậy, mới đây họ lại tiếp tục đề nghị Bộ Y tế và Giáo dục cho phép được đào tạo Y, Dược.

Vừa qua, sau khi các đơn vị chức năng của hai Bộ thẩm định thực tế, thấy trường đảm bảo đủ điều kiện giảng dạy, Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương của trường đại học này. Trên cơ sở xác nhận đảm bảo chất lượng của cơ quan quản lý ngành, Bộ Giáo dục cũng ra quyết định cho phép trường được giảng dạy Y Dược để thực hiện xã hội hóa giáo dục.

- Cuối năm 2014, Bộ Giáo dục có công văn thông báo dừng mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng ngành Y, Dược ở các trường đa ngành không chuyên. Vậy việc cho phép ĐH Kinh doanh - Công nghệ có phải ngoại lệ?

- Trong công văn ngày 3/12/2014 gửi các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu rõ, nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng mở các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền trình độ ĐH và ngành Dược trình độ ĐH-CĐ ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y Dược.

Tuy nhiên, công văn cũng nói rõ những trường hợp cần thiết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một số địa phương, vùng miền, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế sẽ xem xét, thẩm định các điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo trước khi quyết định cho mở ngành tại các ĐH không chuyên ngành Y Dược.

Trường hợp của ĐH Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội không phải ngoại lệ, mà xét tình hình thực tế và dựa trên các điều kiện đảm bảo chất lượng mà trường đã chuẩn bị.

- Đầu vào các ngành Y, Dược tại các trường đào tạo chuyên Y khoa đang đứng vị trí đầu tiên. Cho phép một trường tư thục đào tạo Y khoa, Bộ tính đến phương án đảm bảo chất lượng đào tạo như thế nào?

- Vấn đề này Bộ Giáo dục cũng đã nghĩ đến. Vấn đề đảm bảo chất lượng đào tạo là vô cùng quan trọng, vì vậy, bên cạnh các giải pháp kiểm soát đã thực hiện đối với tất cả các trường đại học, Bộ sẽ tính đến cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo của hai ngành Y, Dược tại ĐH Kinh doanh - Công nghệ, đảm bảo đầu vào chất lượng, đầu ra đáp ứng được nhu cầu.

http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-giao-duc-se-kiem-soat-chat-luong-dao-tao-y-duoc-cua-dh-kinh-doanh-cong-nghe-3318136.html

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang