Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 27/10/2015

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Bộ Y tế đăng ký hiến tạng sau khi qua đời; Phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng; Lấy người bệnh làm trung tâm

Bộ trưởng Bộ Y tế đăng ký hiến tạng sau khi qua đời

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bản thân đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não và được gia đình rất ủng hộ. Theo bà, đây một việc tốt, có thể giúp ích cho những người bệnh và cho khoa học, cho các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người.

Tối ngày 26/10/2015 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, diễn ra Chương trình truyền hình trực tiếp: “ Khi sự sống được sẻ chia” và Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cá nhân bà đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não, từ năm 2013.

"Gia đình cũng rất ủng hộ việc làm của tôi. Tôi nghĩ đây là một việc tốt, có thể giúp ích cho những người bệnh và cho khoa học, cho các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người.

Cái cảm giác trái tim của mình vẫn tiếp tục đập thình thịch trong lồng ngực của một ai đó và có người được nhìn thấy bầu trời bằng đôi mắt của mình sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất và là một cách để tôi tiếp tục sống nếu một mai không may qua đời" - Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành Y tế là chính khách đầu tiên tại Việt Nam tiết lộ việc đã đăng ký hiến mô, tạng.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục.

Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là 1 trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20.

Hàng năm trên thế giới có hàng triệu người được ghép mô, tạng. Lượng bệnh nhân được ghép mô, tạng cũng ngày càng gia tăng qua các năm. Nhu cầu cần ghép mô, tạng ngày càng lớn.

Theo báo cáo của Mạng lưới chia sẻ mô, tạng Mỹ, hiện toàn nước Mỹ có 121.600 người trong danh sách chờ được ghép tạng, trong số đó 99.201 trường hợp trong danh sách chờ được ghép thận.

Trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 2.500 bệnh nhân mới bổ sung vào danh sách chờ được ghép thận, 20 phút có thêm 1 người vào danh sách chờ ghép thận. Khu vực Tây Âu có gần 40.000 bệnh nhân chờ được ghép thận, trong khi số các trường hợp hiến từ tử thi chỉ duy trì ở mức 5.000 ca mỗi năm. Danh sách người chờ được ghép tạng ở Trung Quốc cũng lên tới con số 1,5 triệu người.

Tỷ lệ chết trong khi chờ ghép tim, gan hoặc phổi trong khoảng từ 15-30% tùy thuộc vào loại mô, tạng chờ được ghép. Chính việc thiếu nguồn cung trầm trọng đã dẫn đến sự bùng nổ của thị trường chợ đen và nạn buôn bán bộ phận cơ thể người trên thế giới hiện nay. Song hành với nó là tình trạng ghép mô, tạng trái phép trên quy mô toàn cầu, kéo theo nhiều hệ lụy về nhân quyền, kinh tế và đạo đức.

Bộ trưởng Tiến cho biết, theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 30/9/2015, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn: ghép thận (1.116 ca), ghép gan (48 ca), ghép tim (13 ca), ghép thận - tụy (1 ca), ghép giác mạc riêng BV Mắt Trung ương từ 2005 đến nay đã ghép được 1.401 ca.

Trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép lại ở mức rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép. Riêng chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Mặc dù số người đăng ký hiến giác mạc cho đến nay đã tăng lên đến hơn 40.000 người, nhưng con số hiến thực tế vẫn rất thấp. Có thể thấy khó khăn trở ngại lớn nhất với ngành ghép mô, tạng của nước ta hiện nay không phải là vấn đề kỹ thuật mà là do thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện cấy ghép.

Tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, mỗi năm có khoảng 1.000 ca chết não nhưng 5 năm qua chỉ có 26 trường hợp đồng ý hiến tặng mô tạng. Tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từ khi thành lập ngày 26/9/2013 đến nay cũng mới vận động được 500 người hiến tạng, trong đó chỉ có 13 người đăng ký hiến sống.

"Là thầy thuốc, chúng tôi hiểu rằng không có phép màu y học nào có thể giúp cho những bệnh nhân này có thể tiếp tục sống khỏe mạnh, làm việc và cống hiến nếu không có nguồn tạng cho từ những người hiến tặng. Rất nhiều bệnh nhân đã phải chết trong lúc chờ đợi nguồn tạng để được ghép", Bộ trưởng trăn trở.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi toàn thể ngành y tế, mọi cá nhân trong cả nước hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để giúp cứu chữa tận cùng những bệnh nhân suy mô, tạng đang mỏi mòn chờ được trao tặng sự sống.

"Nhờ sự cho đi không vụ lợi một phần cơ thể mình của những người hiến tạng mà đã có hàng ngàn cuộc đời được tái sinh, được tiếp tục sống và cống hiến. Đặc biệt hơn, sự hiến tặng một hay nhiều bộ phận cơ thể có thể cứu sống nhiều người bệnh cùng một lúc.

Biến mất mát, đau thương của một gia đình thành niềm vui và hạnh phúc của nhiều gia đình khác, biến sự ra đi của một con người không phải là hành trình trở về cát bụi mà là hành trình hồi sinh sự sống. Những tấm lòng vàng, những người hiến tặng đó dù đang sống hay đã mất, đều đáng được xã hội trân trọng, biểu dương và tri ân", Bộ trưởng kêu gọi. (Báo điện tử Gia đình Việt Nam, ngày 26/10/2015 22:36).

http://www.giadinhvietnam.com/bo-truong-bo-y-te-dang-ky-hien-tang-sau-khi-qua-doi-d73894.html

http://tieudungplus.vn/bo-truong-bo-y-te-dang-ky-hien-toan-bo-tang-sau-khi-qua-doi-4864.html

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/269775/bo-truong-y-te-dang-ky-hien-tang.html

http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/bo-truong-bo-y-te-ca-nhan-toi-da-dang-ky-hien-tang-tu-nam-2013-201510251948109.htm

http://phapluattp.vn/suc-khoe/bo-truong-y-te-dang-ky-hien-tang-587022.html

 

Phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng

Tối 26-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Ủy Ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp: “Khi sự sống được sẻ chia” và lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng. Tham gia chương trình, có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cùng đại diện các bộ, ngành, tổ chức xã hội…

Thời gian qua, nhờ sự ủng hộ của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội mà nhận thức, thái độ, hành vi và sự tham gia của người dân đối với việc hiến tặng mô, tạng cứu người đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chưa thành phong trào sâu rộng trong cả nước. Cả nước hiện vẫn còn hàng chục nghìn người đang hằng ngày, hằng giờ phải chiến đấu để giành giật sự sống với căn bệnh suy tạng và rất ít người trong số họ có cơ may được ghép tạng vì số người hiến tạng hết sức khan hiếm. Do vậy, chương trình được tổ chức nhằm chuyển tải sâu rộng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng sáng chói của lòng nhân ái vì con người. Bộ Y tế kêu gọi các tầng lớp, giới chức xã hội, các tổ chức, cá nhân trong cả nước phát huy hơn nữa tình nhân ái, sự đồng cảm và sẻ chia trong cuộc sống hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để giúp cứu chữa kịp thời cho những người bệnh suy mô, tạng.

Cũng tại chương trình, Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao thẻ Bảo hiểm y tế, Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân tặng những cá nhân tiêu biểu tình nguyện hiến tạng cứu người. Báo điện tử Nhân dân, ngày 26/10/2015 - 09:57 PM:

http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/27802802-phat-dong-phong-trao-dang-ky-hien-tang-mo-tang.html

 

Lấy người bệnh làm trung tâm

Trong những năm gần đây, ngành y tế Thủ đô có nhiều chuyển biến rõ nét trong công tác khám, chữa bệnh. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, phát triển các kỹ thuật cao thì việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đã góp phần làm thay đổi hình ảnh ngành y tế Thủ đô, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Với mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm”, 100% số cán bộ y tế trong các bệnh viện (BV), thậm chí cả đội ngũ bảo vệ, nhân viên lao động của ngành y tế Hà Nội đều được tập huấn về cách giao tiếp với bệnh nhân. Các đơn vị y tế trong ngành triển khai ký cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Nhiều người khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ở Thủ đô thời gian gần đây ghi nhận sự chuyển biến rõ nét về sự thay đổi trong phong cách, thái độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Nếu như trước đây, mỗi lần đến khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, chị Nguyễn Thị Huệ (phường Vạn Phúc, Hà Đông) phải chờ đợi rất lâu, khi làm nhiều xét nghiệm, chị phải chờ từ sáng đến chiều mới có kết quả, thì nay, chỉ trong buổi sáng, chị đã khám xong và có kết quả. Không những thế, ở mỗi khâu khám bệnh, chị đều được nhân viên hướng dẫn tận tình, chu đáo. Chị Huệ cho biết: “Tôi rất hài lòng khi đến khám tại BV này, ở đây từ nhân viên tiếp đón, điều dưỡng viên cho đến bác sĩ đều niềm nở, giải thích mọi thắc mắc của bệnh nhân”. Tương tự, chị Trần Hà Linh (phường Văn Quán, Hà Đông) chia sẻ, chị sinh mổ tại BV, trong thời gian nằm chờ sinh và sau sinh chị thường xuyên được các y bác sĩ đến động viên và hỏi han. Nhiều khi chỉ đơn giản là một nụ cười thân thiện, những lời hỏi thăm ân cần của các bác sĩ ngay từ khi vào BV cũng đủ tạo niềm tin cho bệnh nhân an tâm nằm viện.

Trước đây, người bệnh khi đến khám ở Bệnh viện đa khoa Hà Đông phải qua khoảng chín bước, hiện nay, nhờ cải tiến quy trình khám bệnh, BV đã rút gọn xuống còn bốn đến năm bước, tùy theo từng trường hợp bệnh nhân. Tổng thời gian khám bệnh và trả kết quả của một bệnh nhân từ 2,5 giờ đến 3 giờ, giảm từ 1 giờ đến 1,5 giờ chờ đợi của người bệnh; khám đơn thuần và kê đơn, thời gian không quá hai giờ; khám lâm sàng và thực hiện một xét nghiệm không quá ba giờ; khám lâm sàng và thực hiện hai xét nghiệm thời gian không quá 3,5 giờ. Hiện nay, BV đang nỗ lực thực hiện trả kết quả xét nghiệm máu nhiều lần trong ngày, ít nhất hai lần vào buổi sáng. Bác sĩ Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc BV cho biết, ngoài triển khai nhiều kỹ thuật mới cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thì một nội dung quan trọng là đổi mới phong cách phục vụ luôn được đơn vị chú trọng. Nếu phát hiện cán bộ, nhân viên y tế có dấu hiệu vòi vĩnh, làm phiền người bệnh, BV sẽ nghiêm khắc kỷ luật.

Còn ở Bệnh viện đa khoa Xanh-pôn, phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm” đã trở thành kim chỉ nam của các cán bộ, y bác sĩ trong đơn vị. Bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc BV cho biết, trước đây đơn vị từng nhận không ít lời phàn nàn từ người bệnh, chính vì vậy, đơn vị quyết tâm phải thay đổi bằng được. “Ngay sau khi cam kết đổi mới phong cách phục vụ bệnh nhân, một mặt chúng tôi tiếp tục cải cách, rút gọn quy trình khám, chữa bệnh, cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin vào khoa khám bệnh, mặt khác, chúng tôi đã yêu cầu tất cả nhân viên y tế trong BV phải ký cam kết trước trưởng khoa và các trưởng khoa phải ký cam kết trước Giám đốc BV về việc thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh” - bác sĩ Hưng cho biết.

Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, việc “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được thực hiện từng bước, trước tiên chọn khoa khám bệnh là đột phá. Ngoài ra, để phục vụ người bệnh được tốt hơn, mô hình tiếp sức người bệnh vừa được triển khai thí điểm tại bốn BV gồm: đa khoa Xanh-pôn, đa khoa Hà Đông, Thanh Nhàn, Phụ sản Hà Nội. Mô hình do sinh viên của Trường cao đẳng Y tế Hà Nội và Trường cao đẳng Y tế Hà Đông chia thành các đội hoạt động tại khu tiếp đón hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh và người nhà bệnh nhân tới khám, chữa bệnh về quy trình, thủ tục khám bệnh; hỗ trợ người bệnh di chuyển tới các khoa, phòng theo yêu cầu của bác sĩ; giúp đỡ người nhà người bệnh có hoàn cảnh khó khăn chăm sóc người bệnh trong quá trình khám và điều trị tại BV… Báo điện tử Nhân dân, ngày 26/10/2015 - 08:48:

http://www.nhandan.org.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/27801302-lay-nguoi-benh-lam-trung-tam.html

 

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu chất cấm trong chăn nuôi

Liên quan đến thông tin mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép, ngày 26-10, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết: Đối với các loại kháng sinh, hiện nay có hai loại kháng sinh dùng cho người và dùng cho động vật.

Đối với kháng sinh dùng cho người, Bộ Y tế đã có các quy định về quản lý, sử dụng hết sức nghiêm ngặt, với loại kháng sinh dùng cho người được lưu hành ở Việt Nam, đều phải được phép của Bộ Y tế. Đối với các loại kháng sinh dành cho động vật, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, do vậy ngành nông nghiệp cần tập trung giám sát, kiểm tra tất cả những cơ sở chăn nuôi, nếu có phát hiện các sai phạm trong sử dụng những chất cấm này, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhất là đối với các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trong việc sử dụng các chất kháng sinh bị cấm trong chăn nuôi.

Liên quan đến việc thông tin Bộ Y tế cho nhập Salbutamol, dẫn đến nguy cơ Salbutamol sẽ được sử dụng trong động vật, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm: Theo báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Y tế cho phép nhập 3,5 tấn Salbutamol, chỉ những công ty có số đăng ký đối với các sản phẩm nêu trên mới được phép nhập vào Việt Nam. Cho nên, việc cho nhập số lượng bao nhiêu đều phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng thực tế trong điều trị. Riêng đối với Salmonella, trong những năm gần đây không có doanh nghiệp nào được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, sự việc tồn dư Salmonella trong các sản phẩm động vật hiện nay là vẫn xảy ra. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân nhập lậu các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng trong cả nước…

Kết quả giám sát an toàn thực phẩm nông thủy sản trong chín tháng đầu năm do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện, cho thấy: Có tới 16% số mẫu thịt bị phát hiện chứa chất tạo nạc Salmonella; 10,3% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép. Báo điện tử Nhân dân, ngày 26/10/2015 - 10:14:

http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/27804302-tang-cuong-kiem-tra-giam-sat-viec-nhap-khau-chat-cam-trong-chan-nuoi.html

 

 

Bộ Y tế lên tiếng về việc bị “đổ lỗi” nhập thừa thuốc bán cho chăn nuôi

Ngày 26.10, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, việc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn nhận định tình trạng tồn dư chất cấm trong chăn nuôi (chất tạo nạc salbutamol, clenbuterol, kháng sinh) cho rằng là do Bộ Y tế chưa quản lý chặt chẽ các chất nói trên là chưa chính xác.

Trước thông tin kết quả kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm trong nông nghiệp 9 tháng qua đã phát hiện 16% mẫu thịt có chất tạo nạc Salbutamol độc hại; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng…Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn “đổ lỗi” cho Bộ Y tế đã cho nhập tới 68 tấn Salbutamol, Clenbuterol dùng trong y tế để sản xuất thuốc cho người là quá nhiều, vượt quá nhu cầu sử dụng đã bị bán ra thị trường một cách bất chính, và người chăn nuôi đã mua về trộn vào thức ăn để vật nuôi siêu nạc, mau lớn.

Để làm rõ vấn đề này chiều 26.10, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chính thức lên tiếng. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết: “Ngay sau khi nhận thông tin này, Cục An toàn thực phẩm đã trao đổi với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). Cục Quản lý dược khẳng định từ đầu năm 2015 đến nay mới cho phép nhập 3,5 tấn Salbutamol và chỉ những công ty có số đăng kí các sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập, nhà máy đạt GMP mới được sản xuất. Việc nhập khẩu salbutamol được căn cứ trên nhu cầu thực tế. Do đó, không có chuyện Bộ Y tế cho phép nhập khẩu đến 68 tấn salbutamol như thông tin đã đưa.

Còn chất Clenbuterol những năm gần đây ngành y tế không cho phép nhập nhưng vẫn phát hiện chất này tồn dư trong sản phẩm thực phẩm. Vì thế, phải xem xét nguy cơ nhập lậu các thức ăn chăn nuôi”. Ông Phong cho rằng để hạn chế việc lạm dụng các chất cấm này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở thức ăn chăn nuôi quy mô lớn.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng khẳng định việc  sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa Salbutamol được quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dược nên không thể có chuyện thuốc được tuồn ra bên ngoài. Do đó nguồn Salbutamol đang được người chăn nuôi lạm dụng trộn vào thức ăn để kích thích tăng trưởng, làm tạo nạc có thể từ các con đường nhập lậu. .

Theo bà Nga, salbutamol, clenbuterol…là hóa chất hoàn toàn được tổng hợp thuộc nhóm chủ vận bêta (bêta-agonist), có tác dụng kích thích thụ thể bêta làm giãn cơ trơn phế quản, do đó thuốc được dùng giãn phế quản, điều trị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhờ làm cho người bệnh thở dễ dàng hơn. Salbutamol và clenbuterol nếu tồn dư trong thịt sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người khi đưa vào cơ thể. Còn kháng sinh tồn dư trong thực phẩm làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc điều trị cho người. Hiện nay, cả 2 chất tạo nạc này đều bị cấm dùng để trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm. Báo điện tử Lao động, ngày 26/10/2015, 9:26:

http://laodong.com.vn/xa-hoi/bo-y-te-len-tieng-ve-viec-bi-do-loi-nhap-thua-thuoc-ban-cho-chan-nuoi-390699.bld

 

Thuốc độc bảng B bị "tuồn sang" thực phẩm?

Trước thông tin Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt nghi vấn về việc nhập quá nhiều Clenbuterol có thể dùng sử dụng trộn thức ăn, Cục An toàn thực phẩm cho biết trong mấy năm trở lại đây ngành y tế không cho nhập bất cứ lượng Clenbuterol nào, còn chất độc bảng B salbutamol mới chỉ cho nhậpvài tấn.

Kết quả kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm trong nông nghiệp 9 tháng qua đã phát hiện 16% mẫu thịt có chất tạo nạc Salbutamol độc hại; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 10,3% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép.

Thông tin này được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn công bố tại hội nghị vừa diễn ra mới đây. Cũng tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát cho rằng việc ngành y tế cho nhập 68 tấn Clenbuterol dùng trong y tế để sản xuất thuốc cho người là quá nhiều, vượt quá nhu cầu sử dụng.

Bộ trưởng Phát đặt nghi vấn có thể các doanh nghiệp nhập khẩu đã nhập lậu chất này và bán ra thị trường một cách bất chính, và nhiều người chăn nuôi đã mua về để sử dụng trộn vào thức ăn để vật nuôi siêu nạc, mau lớn.

Liên quan đến việc hàng loạt mẫu thịt có chất cấm Salbutamol, Clenbuterol độc hại, chiều 26/10 ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết: “Ngay sau khi nhận thông tin này, Cục An toàn thực phẩm đã trao đổi với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). Cơ quan này khẳng định từ đầu năm 2015 đến nay mới cho phép nhập 3,5 tấn Salbutamol và chỉ những công ty có số đăng kí với các sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập, nhà máy đạt GMP mới được sản xuất. Trong y tế, thuốc này được kê đơn, sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc. Còn với chất Clenbuterol (loại chất kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp và tác dụng phân giải lipid) những năm gần đây ngành y tế không cho phép nhập bất cứ lượng nào, nhưng vẫn phát hiện chất này tồn dư trong sản phẩm thực phẩm. Vì thế, phải xem xét nguy cơ nhập lậu các thức ăn chăn nuôi”, TS Phong nói.

Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Salbutamol là một trong những loại thuốc thiết yếu nằm trong danh mục những thuốc quan trọng nhất cần cho hệ thống y tế. Việc cho phép nhập sử dụng trong y tế là đương nhiên, nhập trên nhu cầu sử dụng. Vì thế, dù 100 tấn mà chưa đủ cho việc điều trị bệnh cho người thì vẫn là ít, còn dù chỉ nhập 1 tấn nhưng không dùng hết trong điều trị đó cũng là thừa. Nhưng thực tế từ đầu năm 2015 đến nay mới có 3,5 tấn Salbutamol được nhập vào Việt Nam.

Cũng theo bà Nga, việc  sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa Salbutamol (thuốc độc bảng B) được quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dược nên không thể có chuyện thuốc được tuồn ra bên ngoài. Do đó nguồn Salbutamol đang được người chăn nuôi lạm dụng trộn vào thức ăn để kích thích tăng trưởng, làm tạo nạc có thể từ các con đường nhập lậu.

Ông Phong cũng cho rằng để hạn chế việc lạm dụng các chất cấm này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở thức ăn chăn nuôi quy mô lớn.

Cần tăng cường thanh kiểm tra

Theo ông Phong, câu chuyện sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi cũng giống như việc sử dụng hàn the trong bún, giò chả trước đây. Thực tế hàn the bị cấm dùng trong thực phẩm nhưng lại được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nên không thể cấm sản xuất hàn the. Vì thế, ngành y tế đã chọn giải pháp đẩy mạnh thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm cũng như các cơ sở sản xuất. Nếu phát hiện sử dụng hàn the cơ sở sẽ bị xử phạt nặng sau đó công khai trên khác phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó tuyên truyền người dân nhận biết dấu hiệu giò chả có hàn the nên đến nay, tình trạng sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm hầu như đã không còn.

Với việc sử dụng kháng sinh, theo bà Nga, việc sử dụng kháng sinh cho người và kháng sinh cho động vật là hoàn toàn khác nhau. Ngành y tế quản lý kháng sinh cho người, ngành nông nghiệp quản lý kháng sinh cho động vật. Để tình trạng tồn dư kháng sinh trong thịt động vật, ngành nông nghiệp phải quản lý kinh doanh buôn bán thuốc thú y, còn khó có chuyện sử dụng kháng sinh của người sang cho động vật.

TS Phong cho biết thêm, ông rất băn khoăn về con số hơn 10% mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép bởi tồn dư hóa chất rất nguy hiểm. Tồn dư kháng sinh, chất tạo nạc trong thực phẩm đã rất nguy hiểm nhưng nó không gây hại ngay như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.  Chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật cũng như các chất tạo nạc nguy hiểm. Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn. Báo điện tử Dân trí online, ngày 26/10/2015, 19:42:

http://dantri.com.vn/su-kien/thuoc-doc-bang-b-bi-tuon-sang-thuc-pham-20151026193421745.htm

 

 

Vụ trưởng Y tế nói về việc tăng giá 1.800 dịch vụ

 

Những ngày gần đây, thông tin 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng giá trong thời gian tới đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội. Giá dịch vụ y tế sẽ tăng như thế nào, tác động thế nào đến công tác khám chữa bệnh… là những câu hỏi được nhiều người đặt ra. Để làm rõ vấn đề này, PetroTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế).
 PV: Xin ông cho biết nội dung cơ bản của thông tin tăng giá này?

Ông Nguyễn Nam Liên: Thông tư liên tịch này thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ xung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nên liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ban hành mức giá cụ thể chứ không ban hành khung để các đơn vị và bảo hiểm có thể thực hiện được ngay.

Cách làm này sẽ góp phần giảm bớt thủ tục hành chính, Bộ Y tế, Bộ Tài chính sẽ ban hành một mức giá chung áp dụng trên toàn quốc cho các đối tượng bảo hiểm y tế (hiện có khoảng 75% dân số có thẻ bảo hiểm y tế - PV).

 

Riêng với những đối tượng không thuộc diện bảo hiểm y tế thì khi khám chữa bệnh vẫn áp dụng theo quy định hiện hành, tức là ở Trung ương thì mức giá sẽ do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, còn ở địa phương thì sẽ do địa phương quy định. Còn các tỉnh có vận dụng thông tư này để xây dựng mức giá dịch vụ không thì lại do các tỉnh.

Về cơ cấu mức giá theo từng dịch vụ thì theo dự kiến, giá dịch vụ y tế sẽ bao gồm cả chi phí tiền lương, trong đó có cả chi phí phụ cấp đặc thù (không tính phụ cấp đặc thù vùng, khu vực). Mức giá này sẽ gồm giá khám bệnh tùy theo hạng bệnh viện; giá ngày giường bệnh theo hạng bệnh viện và theo chuyên khoa; giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả các hạng bệnh viện.

PV: Cơ cấu biểu giá dịch vụ y tế như vậy sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của bệnh viện, thưa ông?

Ông Nguyễn Nam Liên: Qua quá trình lấy ý kiến các đơn vị địa phương thì chúng tôi thấy rằng tuyến dưới rất ủng hộ cách làm này. Hiện nay, giá dịch vụ y tế ở tuyến dưới rất thấp nên rất nhiều bệnh viện tuyến dưới không thực hiện dịch vụ vì không có khoản bù vào. Bệnh viện Trung ương thì khác, họ làm còn để phát triển kỹ thuật là một và cũng vì có rất nhiều dịch vụ nên có thể bù được.

Mình có thể hiểu, bệnh viện giống như một nhà máy, sản xuất rất nhiều sản phẩm, có sản phẩm lỗ, có sản phẩm lãi nhưng tổng chung thì vẫn đảm bảo được hoạt động. Nhưng ở bệnh viện huyện thì chỉ có mấy dịch vụ rất đơn thuần, nếu lỗ thì sẽ không có khoản nào bù vào cả. Chính vì vậy, nếu chúng ta thực hiện được cơ cấu giá này, các bệnh viện tuyến dưới sẽ mở rộng các dịch vụ và người dân địa phương sẽ được hưởng lợi từ chính những dịch vụ đó.

Thậm chí rất nhiều người, nếu như phải nằm viện mà bệnh viện huyện có thể đáp ứng được thì họ sẵn sàng nằm ở huyện điều trị. Nhưng có khi vì lý do nào đó, họ phải lên bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương thì chưa chắc đã đi.

 

Chúng tôi xin nhấn mạnh, việc điều chỉnh cơ cấu giá dịch vụ y tế không phải là tăng chi phí dịch vụ y tế mà chỉ là việc chuyển các hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Chẳng hạn một bệnh viện triển khai dịch vụ đẻ với tổng chi phí tất cả là 1 triệu đồng và hiện nay, nhà nước đang cấp 1 phần là tiền lương, ví dụ là 300 ngàn. Với 700 ngàn đồng còn lại, nếu chúng ta quy định giá chỉ là 500 ngàn đồng thì bảo hiểm sẽ chỉ thanh toán 500 ngàn thôi, 200 ngàn đồng còn lại, người dân phải nộp thêm hoặc bệnh viện bảo đi mua thêm cái này, cái kia để cho đủ vì bệnh viện không có tiền.

Cho nên, bây giờ, mức giá quy định đang là 500 ngàn mà được điều chỉnh lên 1 triệu thì không phải tổng chi phí thực hiện dịch vụ để tăng lên. Nó vẫn là 1 triệu đồng thôi nhưng Nhà nước sẽ không phải cấp 300 ngàn để trả tiền lương, số tiền này sẽ được Nhà nước dùng để hỗ trợ người dân mua thẻ bảo hiểm y tế.

Còn 200 ngàn là chi phí trực tiếp thì người dân sẽ phải nộp, không phải bỏ tiền đi mua thêm nữa. Những người có thẻ bảo hiểm y tế thì 200 ngàn này cũng được bảo hiểm y tế thanh toán.

Việc điều chỉnh cơ cấu giá dịch vụ y tế như vậy không phải là tăng chất lượng dịch vụ y tế mà là điều chỉnh giá dịch vụ y tế về giá trị thực vốn có của nó.

Tuy nhiên, nó sẽ là động lực khuyến khích các bệnh viện phát triển, mở rộng các dịch vụ y tế và như vậy, người dân có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hưởng lợi ngay tại nơi mình sinh sống. Đồng thời, nó cũng đảm bảo sự công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị khám, chữa bệnh.

PV: Lộ trình thực hiện sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Nam Liên: Hiện giá dịch vụ y tế mới tính đến chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý nước thải và duy tu, bảo dưỡng tài sản. Nhưng theo đúng lộ trình của Chính phủ thì đến năm 2016 giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến 2020, giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Theo dự kiến, khoảng tháng 11, Liên Bộ Y tế, Tài chính sẽ ban hành Thông tư và sẽ chỉ tính chi phí trực tiếp vào giá dịch vụ y tế, đến tháng 3-2016 sẽ tính cả chi phí tiền lương. Nhưng lộ trình này vẫn đang để mở và có thể áp dụng đồng thời việc tính chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp trong cùng một đợt vào tháng 3-2016.

PV: Việc điều chỉnh này sẽ tác động như thế nào đến người bệnh, thưa ông?

Ông Nguyễn Nam Liên: Chúng tôi xin khẳng định, người nghèo và các đối tượng hưởng chính sách xã hội được bảo hiểm y tế thanh toán 100% theo quy định của bảo hiểm y tế là có lợi nhất.

Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng... các đối tượng này đã được ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính khác mua bảo hiểm y tế.

Đối với người cận nghèo thì khi đi khám, chữa bệnh sẽ chỉ được bảo hiểm y tế chi trả 95% và phải chi trả 5% còn lại. Khi tham gia bảo hiểm y tế thì họ cũng được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70%. Như vậy, về cơ bản, nhóm đối tượng này không chịu ảnh hưởng nhiều bởi việc điều chỉnh cơ cấu giá dịch vụ y tế.

Còn đối tượng ảnh hưởng lớn nhất là nhóm đối tượng bảo hiểm y tế phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi thì mức độ ảnh hưởng không lớn vì nếu chưa tính đủ giá, người bệnh sẽ phải trả thêm một số khoản chi phí nhưng nay, tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các khoản chi phí này.

Mặt khác, theo quy định, người tham gia bảo hiểm y tế từ 5 năm liên tục trả lên khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, nếu số tiền đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

PV: Xin cảm ơn ông! Báo điện tử Petrotimes , ngày 26/10/2015, 15:00:

http://petrotimes.vn/vu-truong-y-te-noi-ve-viec-tang-gia-1800-dich-vu-337326.html

 

 

Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế: Ai bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được bảo hiểm y tế đang thanh toán đều sẽ được điều chỉnh tăng giá trong tháng 11 hoặc tháng 12 tới. 

Những người không tham gia bảo hiểm y tế và không khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế sẽ bị chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong lần tăng giá này.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin định kỳ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 26-10 tại Hà Nội.

Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng dự thảo Thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo dự thảo thông tư này, bên cạnh 1.200 dịch vụ đang được bảo hiểm y tế chi trả, dự thảo có bổ sung thêm 600 dịch vụ chủ yếu là các phẫu thuật, thủ thuật chưa được quy định giá cụ thể. 

Hiện tại giá viện phí chỉ đang tính 3 yếu tố: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản. Từ cuối năm nay, giá khoảng 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá vì tính thêm chi phí tiền lương, phụ cấp. 

Trong khoảng 1.800 dịch vụ y tế sẽ điều chỉnh giá, tất cả giá dịch vụ kỹ thuật, nhóm kỹ thuật sẽ được thống nhất trên toàn quốc không phân biệt các hạng bệnh viện, địa phương. Riêng giá khám bệnh, giá giường bệnh tính theo ngày sẽ tăng tùy theo hạng bệnh viện và chuyên khoa.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, giá khám bệnh sẽ tùy theo hạng bệnh viện, bệnh viện hạng 3 sẽ tăng từ 7.000 đồng lên 30.000 đồng, một số bệnh viện tăng từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng. Giường bệnh viện cũng tăng từ 90.000 đồng/giường/ngày (loại1) lên trên 200.000 đồng/giường/ngày. 

Nhiều ý kiến lo ngại khi tăng giá thì những người có thẻ bảo hiểm y tế cũng phải đồng chi trả tăng từ 5%-20% chi phí. Giải thích vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) phân tích, đối với hơn 70% dân số đã có thẻ bảo hiểm y tế thì nhóm đối tượng được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí sẽ không bị ảnh hưởng mà quyền lợi được nâng lên. Nhóm người đồng chi trả 5-20% về cơ bản cũng không ảnh hưởng vì đã được bảo hiểm y tế thanh toán 80-95% phần tăng thêm, mức chi trả cũng cao hơn trước đây.

Ông Phạm Lương Sơn khẳng định: “Chỉ nhóm không có thẻ bảo hiểm y tế khoảng 27% dân số là bị ảnh hưởng. Vì thế, người dân nên tham gia bảo hiểm y tế để được đảm bảo quyền lợi khi bị ốm đau, bệnh tật.”

Để đảm bảo hỗ trợ người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh thực hiện nghiêm túc quy định: Đối với người tham gia bảo hiểm y tế từ 5 năm liên tục trở lên, nếu phần đồng chi trả vượt 6 tháng lương cơ sở thì phần vượt sẽ được Bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán. Nghĩa là những người phải đồng chi trả 20% thì phần 20% này sẽ không vượt quá 6 tháng lương cơ sở. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế trình Chính phủ, khi tăng giá dịch vụ y tế thì Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn có khả năng cân đối được đến hết 2017, từ 2018 sẽ xem xét điều chỉnh mức đóng cho phù hợp (Luật Bảo hiểm Y tế quy định mức đóng tối đa là 6% mức lương cơ sở, hiện nay đang thực hiện đóng 4,5% lương cơ sở).

Mặt khác, khi tính lương vào viện phí, dự kiến nguồn ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng sẽ được dành để hỗ trợ các đối tượng mua thẻ bảo hiểm y tế hoặc nâng mức hỗ trợ một số đối tượng còn khó khăn như nông dân, ngư dân, diêm dân… từ năm 2018./. (Báo điện tử Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, ngày 26/10/2015 - 21:19:

http://phapluattp.vn/suc-khoe/tang-gia-1800-dich-vu-y-te-ai-bi-anh-huong-nhieu-nhat-587019.html

 

Bảo hiểm trả tiền khám chữa bệnh cuối tuần: Nơi khám, nơi chưa

Theo quy định, từ ngày 15-9, những bệnh viện quá tải muốn san tải bệnh nhân sang khám chữa bệnh vào thứ bảy, chủ nhật, quỹ bảo hiểm y tế vẫn trả phí khám chữa bệnh như ngày thường.  

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dịch vụ này có nơi lúng túng, có nơi thuận lợi.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trước ngày 1-1-2015 bệnh nhân đi khám bệnh ngoại trú vào thứ bảy và chủ nhật ở Bạch Mai rất đông.

Nhưng từ 1-1 đến nay Luật bảo hiểm y tế mới không chi trả phí khám bệnh ngoại trú cho bệnh nhân vượt tuyến nữa, mà Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt, tỉ lệ bệnh nhân khám ngoại trú vượt tuyến tới 40-50% nên lượng người đến khám vào thứ bảy và chủ nhật giảm nhiều, trong đó chỉ một số ít là được chi trả bảo hiểm do có 
giấy chuyển tuyến.

Người kêu khó, người làm

Tuy nhiên, Bạch Mai là một trong số ít ỏi bệnh viện ở khu vực phía Bắc triển khai được dịch vụ khám chữa bệnh bình thường trong ngày nghỉ và có bệnh nhân được bảo hiểm chi trả.

Ông Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết bệnh viện ông chưa khám bảo hiểm y tế thứ bảy và chủ nhật do bệnh viện là cơ quan hành chính sự nghiệp, làm việc 5 ngày/tuần, hai ngày còn lại trong tuần là ngày nghỉ, muốn thầy thuốc đến làm việc phải thỏa thuận và phải trả mức lương bằng 200% so với ngày thường. Nếu chi trả mức lương này, thu không đủ bù chi.

Một bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai đồng quan điểm với ông Kính. Theo bác sĩ này, tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ cần đãi ngộ cao hơn ngày làm việc bình thường. "Nhưng đãi ngộ ấy lấy ở đâu?"- vị bác sĩ này đặt vấn đề.

Trong khi đó tại TP.HCM, nhiều bệnh viện đã triển khai việc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào những ngày cuối tuần nhiều năm nay. Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết để đáp ứng nhu cầu người bệnh - nhất là công nhân viên, học sinh, trẻ em - có bảo hiểm y tế thuận lợi hơn trong việc đi khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã triển khai khám bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ thứ bảy từ tháng 5-2012.

Quy trình khám bệnh bảo hiểm y tế thứ bảy tương tự ngày thường nhưng do bệnh nhân đến khám ít hơn nên các khâu đăng ký khám được rút ngắn hơn. Khám vào thứ bảy, bệnh nhân trả thêm phần chi phí khám chữa bệnh ngoài giờ (phí phải đóng thêm = phí khám bệnh ngoài giờ - phí bảo hiểm y tế chi trả).

Khi bệnh viện triển khai khám bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ, bệnh nhân đến khám đều đồng thuận với giải thích về khoản chênh lệch ngoài giờ được bảo hiểm y tế chi trả thay vì phải chi trả 100% nếu không được 
sử dụng bảo hiểm y tế.

Tương tự, ở một bệnh viện quận như Bệnh viện Q.2, bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc bệnh viện, cho biết nơi đây đã triển khai khám bảo hiểm y tế trong thứ bảy, chủ nhật hơn một năm nay.

Bác sĩ Khanh nhận định điều quan trọng nhất để tổ chức khám bệnh bảo hiểm y tế vào những ngày cuối tuần là cán bộ công nhân viên của bệnh viện phải đồng lòng sắp xếp đi làm.

Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, có nhiều bệnh viện trong TP đã khám bệnh ngoài giờ như: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn,... 

Thỏa thuận với người bệnh

Việc khám chữa bệnh vào ngày nghỉ vẫn được bảo hiểm y tế chi trả phí khám chữa bệnh sẽ thuận lợi với người làm công ăn lương, thường bận rộn các ngày làm việc trong tuần. "Lúc này cần vai trò năng động của các bệnh viện, tư duy của người quản trị bệnh viện phải đổi mới. Quy định hiện hành cho phép thu thêm phí nếu khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngoài phí bảo hiểm y tế đã trả, miễn là có sự thỏa thuận với người bệnh” - ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã 
hội VN, cho biết.

Cũng theo ông Sơn, hiện quỹ bảo hiểm y tế không chi trả cho người bệnh khám vượt tuyến, nhưng nếu thầy thuốc chỉ định người bệnh phải vào viện điều trị nội trú thì kể cả vượt tuyến trong ngày nghỉ, bảo hiểm y tế sẽ chi trả 60% cả phí khám và điều trị nội trú của bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân đi khám chữa bệnh đúng tuyến, bảo hiểm y tế sẽ chi trả 80-100% phí khám chữa bệnh tùy đối tượng, chưa tính phần bệnh viện thu thêm. Ông Sơn cho rằng như vậy là Nhà nước đã cho một cơ chế, còn tổ chức như thế nào là việc của bệnh viện, tùy điều kiện nhân lực và lưu lượng bệnh nhân đến bệnh viện.

Quyền chủ động ở bệnh viện

Theo bà Tống Thị Song Hương, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, thông tư 16 đã giao quyền chủ động cho giám đốc bệnh viện và “căn ke” tất cả những vấn đề có thể phát sinh khi bệnh viện tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ. Khi đó người bệnh đến khám chữa bệnh vào ngày nghỉ sẽ được hưởng quyền lợi như khám vào ngày thường, nhưng sẽ chi trả phần chênh lệch ngoài phần bảo hiểm đã chi.

Cũng theo bà Hương, người bệnh ở khu vực phía Nam dễ chấp nhận việc chi trả phí chênh lệch hơn, trong khi đó hiện chưa có nhiều bệnh viện ở khu vực phía Bắc ký hợp đồng với bảo hiểm để khám chữa bệnh vào ngày nghỉ. Báo điện tử Tuổi trẻ online, ngày 26/10/2015 09:17:

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151026/bao-hiem-tra-tien-kham-chua-benh-cuoi-tuan-noi-kham-noi-chua/991150.html

 

Đồng Nai: 6 ca tử vong vì sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh vừa có thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, nâng số ca tử vong năm 2015 lên 6 ca trên. Hai trường hợp tử vong này ngụ tại địa bàn xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa. Hiện tỉnh Đồng Nai có trên 6.400 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 200% so với cùng kỳ năm 2014), trong đó thành phố Biên Hòa là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất, chiếm khoảng 40% số ca mắc toàn tỉnh và có 3 ca tử vong.

Hiện tại trung bình mỗi tuần trên địa bàn tỉnh này có thêm trên 200 ca mắc sốt xuất huyết mới. Báo điện tử Sài Gòn giải phóng online, ngày 26/10/2015 14:31:

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/10/400671/

 

Kháng thuốc đe dọa nghiêm trọng sức khỏe toàn cầu

Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác phát triển tại Việt Nam (WHO, FAO, OUCRU, CDC.US, JICA…) vừa ký kết Văn bản thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam.

Đây là bước ngoặt quan trọng và được xem là việc làm cấp bách, thiết thực để đối phó nguy cơ kháng kháng sinh đang đe dọa toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, kháng thuốc hiện nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Thế giới mỗi năm có hàng trăm nghìn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Đó là lý do tại sao WHO và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

Báo cáo của tổ chức WHO năm 2014 về vấn đề kháng thuốc cho thấy, chi phí thiệt hại do kháng thuốc có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD và 10 triệu người có thể chết nếu không có các biện pháp hành động kiên quyết hơn để giải quyết tình trạng này.

Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn... sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng.

Trong khi đó, việc nghiên cứu, sản xuất các thuốc kháng sinh mới thiếu hụt, dẫn tới sự khan hiếm, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Chính vì thế các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đang đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã ký kết thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc với nhiều bộ, ngành và tổ chức trong và ngoài nước. Mục tiêu và nội dung cơ bản đầu tiên của Kế hoạch hành động quốc gia là nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng sinh và kháng thuốc.

Bộ Y tế cũng đã tổ chức lễ phát động và hưởng ứng triển khai tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do WHO phát động (từ 16-22/11/2015). Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và sẽ được duy trì thực hiện hằng năm.

Tuần lễ truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong y tế, trong cộng đồng, trong nông nghiệp, chăn nuôi và lưu thông trên thị trường...

Trong khuôn khổ tuần lễ cũng sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về phòng chống kháng thuốc, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và lễ mít-tinh, diễu hành, chạy bộ tại Hà Nội và dự kiến tại một số thành phố lớn như TPHCM, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Điện Biên, đồng thời lấy 1 triệu chữ ký thể hiện cam kết phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam. Báo điện tử Chính phủ.vn, ngày 26/10/2015 21:19:

http://baochinhphu.vn/hoat-dong-bo-nganh/khang-thuoc-de-doa-nghiem-trong-suc-khoe-toan-cau/239752.vgp

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang