Bé 4 tháng tuổi tử vong sau tiêm Quinvaxem ở Bến Tre: Do sốc, nhiễm trùng huyết
Hội đồng chuyên môn đã có kết luận bé P.A tử vong sau khi tiêm chủng là do sốc, nhiễm trùng huyết, không phải do văcxin Quinvaxem.
Liên quan vụ bé 4 tháng tuổi chết sau khi tiêm văcxin Quinvaxem, ngày 1-8, Sở Y tế Bến Tre cho biết đã thành lập hội đồng chuyên môn với sự tham gia của các thành viên Sở Y tế Bến Tre, chuyên gia Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2 để đánh giá toàn bộ quy trình tiêm chủng và quá trình điều trị bé P.A.
Sau kiểm tra, phân tích, đánh giá, hội đồng chuyên môn đã có kết luận bé P.A tử vong sau khi tiêm chủng là do sốc, nhiễm trùng huyết, không phải do văcxin Quinvaxem.
Trước đó, người nhà bé cho biết ngày 25-7, sau khi tiêm mũi 2 văcxin Quinvaxem tại trạm y tế xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, bé được theo dõi tại trạm y tế 30 phút theo khuyến cáo của nhân viên y tế và không thấy bất thường. Về nhà, bé chỉ bị sốt nhẹ như lần tiêm trước.
Tuy nhiên, sáng 26-7, bé quấy khóc, bỏ bú, khó thở nên được người nhà đưa đến bệnh viện huyện Châu Thành và sau đó chuyển lên Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, lúc nhập viện bé sốt cao, triệu chứng quấy khóc, nhìn sững, tím quanh môi, chi mát.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu tăng cao, sau quá trình theo dõi, điều trị, bé được chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm trùng.
Đến trưa 29-7, người nhà bé P.A. đã xin bệnh viện đưa bé về nhà vì không còn hi vọng cứu chữa và bé đã tử vong cùng ngày.
Theo hội đồng chuyên môn, năm 2016 Sở Y tế Bến Tre nhập về 5.524 liều văcxin Quinvaxem, trong đó lô tiêm cho cháu P.A có 2.015 liều.
Cùng ngày tiêm chủng với bé P.A tại trạm y tế xã Phú Túc còn có 25 bé khác cũng tiêm mũi văcxin Quinvaxem cùng lô và các cháu khác đều bình thường. (Sài Gòn giải phóng (trang 7), Lao động (trang 3).
Chưa tăng tiếp viện phí từ 1-8
Ngày 1-8, tin từ Bộ Y tế cho biết Liên bộ Tài chính-Y tế chưa quyết định tăng tiếp viện phí từ 1-8 theo như lộ trình đã được thông qua trước đó.
Theo lộ trình, trong tháng 8-2016 tiến hành điều chỉnh giá các dịch vụ y tế bao gồm tính cả tiền công, tiền lương được áp dụng ở 10 tỉnh, thành phố có số người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cao từ 90% - 95% trở lên. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng lo ngại viện phí tăng sẽ tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào thời điểm hiện nay nên phải cân nhắc lại thời điểm…
Trước đó, từ 1-3-2016, gần 1.900 dịch vụ y tế đã được điều chỉnh tăng giá với mức tăng trung bình 30% theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC. Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm 2017 việc đưa lương nhân viên y tế vào giá viện phí sẽ được thực hiện tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và dự kiến chia thành 5 đợt, nhằm giảm tác động tới người dân và CPI. Mỗi đợt điều chỉnh sẽ thực hiện ở 8 – 12 tỉnh thành. Đợt đầu tiên sẽ được thực hiện tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%; Đợt 2 được thực hiện tại các địa phương có tỷ lệ BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp; Đợt 3 được thực hiện tại các địa phương có tỷ lệ BHYT bao phủ 85% dân số; Đợt 4 thực hiện ở các tỉnh có tỷ lệ BHYT trên 80% và đợt 5 tại các tỉnh còn lại.
Theo BHXH Việt Nam, sau khi điều chỉnh viện phí từ 1-3 đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện trên toàn quốc. Qua kiểm tra, cơ bản đánh giá một số bệnh viện chất lượng có cải thiện, nhưng cũng có nhiều vụ việc tiêu cực về thái độ của nhân viên y tế thời gian qua được phát hiện cho thấy chất lượng dịch vụ y tế còn thấp, nhất là khâu đổi mới về tư duy và quản trị bệnh viện vẫn chưa tốt. (Sài Gòn giải phóng (trang 3), Nông thôn ngày nay (trang 6), An ninh Thủ đô (trang 4), Hà Nội mới (trang 1):
Thờ ơ với bệnh viện vệ tinh
Mặc dù Đề án BV vệ tinh đã được BYT triển khai từ đầu năm 2013 trên cơ sở Đề án luân phiên bác sỹ về cơ sở (Đề án 1816) nhưng đến nay hiệu quả chưa được như mong muốn. Tuy rằng về cơ bản đã đào tạo được hàng trăm lớp cho bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng; huấn luyện, tập huấn, chuyển giao hàng chục kỹ thuật, giúp các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cơ sở chủ động hơn trong kcb, giảm đáng kể tình trạng chuyển viện, nhưng xem ra vẫn còn một số địa phương chưa mặn mà! (chi tiết xem báo). (Sài Gòn giải phóng (trang 3).
Bộ Y tế thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, ngày 1-8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong tháng 8 sẽ tiếp tục tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại 18 tỉnh trọng điểm.
Theo Cục Y tế dự phòng, trong mấy tuần gần đây, số người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh và tập trung tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt tại 4 tỉnh Tây Nguyên là: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và một số tỉnh khu vực miền Nam, miền Trung như: An Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Nguyên nhân số ca sốt xuất huyết tăng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên là do đang vào mùa mưa.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, Bộ Y tế đã có dự báo trước sự gia tăng sốt xuất huyết nếu không triển khai tích cực và đồng bộ các biện pháp. Ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt để hạn chế tối đa số mắc và tử vong. Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch năm 2016 của quốc gia, giám sát chặt chẽ tình hình, chỉ đạo công tác chống dịch kịp thời. Trong tháng 3-2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tổ chức phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika, bệnh sốt xuất huyết” tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó chiến dịch đã được nhân ra diện rộng tới 55 tỉnh, thành phố; tháng 6-2016, chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của chiến dịch trong tháng cao điểm hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết. Bộ Y tế đã tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại 18 tỉnh trọng điểm. (Nông thôn ngày nay (trang 2).
Nhiều bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ xin nghỉ việc
Ngày 1-8, bác sĩ Lê Quang Võ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết một số bác sĩ làm việc tại bệnh viện xin nghỉ việc vì lý do gia đình, áp lực công việc.
Một lý do khác cũng khiến nhiều bệnh viện công ở Cần Thơ đau đầu là bác sĩ ra bệnh viện tư làm vì thu nhập cao hơn nhiều so với bệnh viện công.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Võ, lãnh đạo bệnh viện cũng đã tìm cách khắc phục, thuyết phục và một số bác sĩ rút đơn, ở lại công tác.
Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ hiện có 170 bác sĩ, nếu so với mặt bằng chung thì vẫn đáp ứng đủ số giường hoạt động, tuy nhiên cũng có một số khoa gặp khó do thiếu bác sĩ như khoa Ngoại thần kinh.
Để giài quyết khó khăn do thiếu bác sĩ, Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ tìm cách khắc phục bằng cách nhờ bệnh viện tuyến trên choàng gánh giữa các khoa để đảm bảo việc khám chữa bệnh, cấp cứu. Được biết, tình trạng bệnh viện công thiếu bác sỹ còn có lý do bs chuyển sang làm việc ở các bệnh viện tư. (Tuổi trẻ (trang 2):
Bùng phát dịch sốt xuất huyết ở Phú Yên
Ngày 1.8, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Sở Y tế và các địa phương khẩn trương kiểm soát bệnh sốt xuất huyết vì diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Phú Yên có 1.556 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện, tăng hơn 1.300 ca so với cùng kỳ năm 2015, trong đó riêng tháng 7 có 145 ca. Hiện thời tiết đang có chiều hướng diễn biến thất thường, tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát sinh. Tại Gia Lai đã có 3.379 ca mắc sốt xuất huyết, khiến Chủ tịch UBND tỉnh này phải gửi công điện khẩn đến ngành y tế yêu cầu tập trung phòng chống cao độ. Tại Kon Tum đã có khoảng 1.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca đã tử vong. Các bệnh viện ở các tỉnh này đều trong tình trạng quá tải bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. (Thanh niên (trang 3).
Gần 200 bác sĩ, nhân viên bệnh viện đình công
Ngày 1.8, khoảng 200 người gồm bác sĩ, y tá, điều dưỡng của Bệnh viện (BV) Thành An - Sài Gòn (TP.Vinh, Nghệ An) đồng loạt nghỉ việc, tập trung tại các sảnh, hành lang, yêu cầu gặp lãnh đạo BV để đòi quyền lợi. Các phòng chức năng của BV đều đóng kín, hoạt động khám chữa bệnh bị ngưng trệ. Một số bệnh nhân đang điều trị tại đây đã phải tự chuyển đến BV khác. Theo các bác sĩ, y tá và điều dưỡng, 8 tháng qua, họ không được nhận lương vì lãnh đạo BV liên tục lấy lý do BV đang gặp khó khăn nên nợ lương.
Một số y tá, điều dưỡng cũng cho biết, trước khi vào làm việc đã phải đặt cọc 70 - 100 triệu đồng/người cho BV, nay đòi lại tiền nhưng chưa được thanh toán. Trả lời PV Thanh Niên, ông Hoàng Văn Hảo, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết đây là BV tư nhân nên về nguyên tắc, Sở chỉ quản lý về mặt chuyên môn, còn các hoạt động khác liên quan đến quyền lợi người lao động, Sở không thể can thiệp. BV Thành An - Sài Gòn hoạt động từ năm 2009 với 200 giường bệnh, từng được đánh giá là BV tư nhân hiện đại nhất Nghệ An. (Thanh niên (trang 2).
Nơm nớp nỗi lo chất lượng thuốc chữa bệnh
Từ đầu năm 2016 tính đến ngày 20-7 vừa qua, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã có 18 đợt công bố danh sách các công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng, với hàng trăm sản phẩm, tăng mạnh so với các năm trước. Trong khi đó, số báo cáo phản ứng có hại của thuốc được ghi nhận nửa đầu năm 2016 cũng lên tới gần 5.000 trường hợp.
Cả thuốc nội lẫn thuốc ngoại đều vi phạm
Ngày 19-7 vừa qua, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế công bố danh sách 12 công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng, chủ yếu là các doanh nghiệp dược phẩm của Ấn Độ, Hàn Quốc. Đây đã là đợt công bố thứ 18 của Cục Quản lý dược kể từ đầu năm đến nay, tức bình quân mỗi tháng có đến 3 đợt công bố danh sách các hãng dược có thuốc vi phạm chất lượng, kèm theo rất nhiều quyết định về đình chỉ, yêu cầu thu hồi các loại thuốc không đạt.
Đặc biệt, cuối tháng 6 vừa qua, Cục Quản lý dược phối hợp với các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra thị trường thuốc tại một số địa phương đã phát hiện và xử lý đến 32 doanh nghiệp vi phạm. Đây cũng là một trong những đợt thanh tra, kiểm tra phát hiện số doanh nghiệp dược vi phạm nhiều nhất từ trước đến nay.
Cục Quản lý dược đã ra quyết định xử phạt với 8 doanh nghiệp dược do vi phạm chất lượng thuốc, gồm cả công ty dược phẩm trong nước và công ty dược phẩm nước ngoài như: Công ty cổ phần Dược phẩm Minh Dân, Công ty cổ phần Dược phẩm Sao Kim, Công ty TNHH United International Pharma, Công ty Young - il Pharm Co., Ltd, Công ty Medico Remedies Pvt. Ltd, Chi nhánh Công ty cổ phần dược phẩm Phong Phú - nhà máy sản xuất dược phẩm Usarichpharm...
Ngoài ra, có 10 doanh nghiệp dược bị xử phạt vì vi phạm trong đăng ký thuốc khi không thực hiện đúng quy trình thao tác chuẩn trong quá trình đăng ký thuốc; 9 doanh nghiệp vi phạm trong quản lý giá thuốc khi bán thuốc giá cao hơn giá kê khai…
Theo Cục Quản lý dược, phổ biến nhất là vi phạm không đạt chỉ tiêu về độ hòa tan, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng… Đáng chú ý vẫn có những doanh nghiệp dược trong nước bị phát hiện, xử lý vi phạm vì sử dụng nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, dùng nguyên liệu rởm để sản xuất thuốc.
Đáng ngại hơn, khoảng 1-2 tháng trở lại đây, lực lượng chức năng còn phát hiện các đường dây phân phối, bắt giữ hàng nghìn hộp thuốc tây không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có hàng trăm loại thuốc đặc trị các bệnh nan y, thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến.
Ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh
Tại địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua thanh tra, kiểm tra, vẫn thường xuyên phát hiện nhiều sai phạm trong kinh doanh dược phẩm.
Cụ thể trong tháng 7-2016, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 23 lượt cơ sở hành nghề dược thì phát hiện tới 22 cơ sở có vi phạm, phạt tiền trên 345 triệu đồng. 7 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 169 lượt cơ sở hành nghề dược, phạt tiền trên 1,4 tỷ đồng với 152 cơ sở vi phạm, đình chỉ hoạt động 26 cơ sở.
Cùng đó, Phòng Y tế quận, huyện, thị xã cũng đã kiểm tra 893 lượt cơ sở hành nghề dược, phạt tiền trên 300 triệu đồng với 60 cơ sở vi phạm… Những số liệu đó cho thấy chất lượng thuốc chữa bệnh vẫn đang là mối lo rất lớn.
Liên quan đến vấn đề này, thông tin từ Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Trung tâm DI&ADR quốc gia) cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã tiếp nhận 4.621 báo cáo phản ứng có hại của thuốc. TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương có tỷ lệ báo cáo ADR cao nhất (tương ứng 20,8% và 14,4%).
Số báo cáo ADR nghiêm trọng là 1.867 (chiếm 40% tổng số báo cáo), đặc biệt có 27 trường hợp nghiêm trọng dẫn đến tử vong được báo cáo. Các thuốc nghi ngờ gây phản ứng có hại xuất hiện nhiều nhất trong báo cáo ADR thuộc các nhóm chính là kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, chống viêm… Trước thực trạng đó, Sở Y tế Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị trong ngành chủ động, tích cực báo cáo phản ứng có hại của thuốc về Sở Y tế và Trung tâm DI&ADR quốc gia.
Về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan như thủ đoạn sản xuất, kinh doanh thuốc giả, kém chất lượng của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi thì năng lực quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế.
Do vậy, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các công ty nhập khẩu, kinh doanh thuốc trên địa bàn, chú trọng kiểm tra việc thực hiện thông báo thu hồi thuốc kém chất lượng. Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, để ngăn ngừa thuốc giả và kém chất lượng, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát ở cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm, đồng thời xử phạt nghiêm doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối thuốc kém chất lượng. (An ninh Thủ đô (trang 4).