Từ 9h ngày 29/3 sẽ đăng ký qua mạng 2.500 liều vaccine dịch vụ Pentaxim
http://suckhoedoisong.vn/tu-9h-ngay-29-3-se-dang-ky-qua-mang-2500-lieu-vaccine-dich-vu-pentaxim-n114171.html
http://nongnghiep.vn/bo-sung-2500-lieu-vac-xin-pentaxim-5-trong-1-post159990.html
SKĐS - Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết vào hồi 9h ngày 29/3, Trung tâm sẽ tổ chức đăng ký tiêm 2500 liều vắc xin dịch vụ (vắc xin Pentaxim)
Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết vào hồi 9h ngày 29/3, Trung tâm sẽ tổ chức đăng ký tiêm 2500 liều vắc xin dịch vụ (vắc xin Pentaxim)
Theo thông báo của đơn vị này, có 2.500 liều vaccine dịch vụ được đăng ký qua mạng cho đối tượng đăng ký tiêm vaccine Pentaxim (5 trong 1) từ 2 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi- tính đến ngày tiêm (trẻ sinh trong khoảng từ ngày 5/4/2014 đến ngày 29/2/2016, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine 5 trong 1).
Riêng những trẻ sinh ngày 05/4/2014 thì chỉ đăng ký tiêm được ngày 05/4/2016, trẻ sinh ngày 29/02/2016 thì chỉ có thể đăng ký tiêm được ngày 29/4/2016.
Việc tiêm vaccine sẽ được thực hiện từ ngày 5/4 liên tục đến hết ngày 29/4 (theo phiếu đăng ký tiêm vaccine Pentaxim) tại Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, địa chỉ số 131 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Danh sách các trẻ đăng ký tiêm thành công sẽ được niêm yết công khai tại các địa chỉ website của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng trong ngày 29/3.
Mỗi ngày sẽ được chia ra thành 2 buổi: buổi sáng và buổi chiều. Mỗi buổi sẽ thực hiện tiêm 50 liều vắc xin Pentaxim. Các phụ huynh có thể lựa chọn buổi, ngày tiêm phù hợp cho trẻ từ 1 trong các buổi, ngày nêu trên.
Ngày hẹn lịch tiêm của trẻ sẽ được in trên phiếu đăng ký và chỉ có giá trị trong buổi hẹn.
Lưu ý: số thứ tự ghi trên phiếu đăng ký hoặc số thứ tự trên danh sách chỉ là số thứ tự đăng ký thành công. Khi đến tiêm chủng thì trẻ đến trước sẽ được tiêm trước.
Khi đi tiêm cho trẻ, phụ huynh cần mang theo phiếu hẹn, giấy khai sinh/giấy chứng sinh của trẻ và chứng minh thư/hộ chiếu của người đăng ký tiêm và sổ/phiếu tiêm chủng trước đây của trẻ (nếu có).
Ra đời nhà máy sản xuất dung dịch lọc thận nhân tạo
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160327/ra-doi-nha-may-san-xuat-dung-dich-loc-than-nhan-tao/1074616.html
TTO - Ngày 26-3, nhà máy sản xuất dung dịch thẩm phân máu được đầu tư 25 triệu USD, của Công ty TNHH Aeonmed Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động tại khu E, Khu công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa.
Nhà máy sản xuất dung dịch thẩm phân máu dùng để lọc thận nhân tạo.
Đại diện công ty trên cho biết, từ trước đến nay tại các bệnh viện trong nước phải sử dụng dung dịch lọc thận nhập khẩu, nên giá thành chạy thận nhân tạo khá cao, gây khó khăn cho người bệnh nghèo tiếp cận với dịch vụ y tế này.
Việc Công ty TNHH Aeonmed Việt Nam đưa nhà máy sản xuất dung dịch dùng để lọc thận tại Khu công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) đi vào hoạt động, với công suất giai đoạn I là 20.000 lít/ngày (sẽ nâng lên 40.000 lít/ngày thời gian tới) sẽ giúp các bệnh viện, bệnh nhân chạy thận sử dụng sản phẩm trong nước, chất lượng quốc tế, giá thành hợp lý.
Khoa học công nghệ đã giải quyết được nhiều bệnh hiểm nghèo
http://suckhoedoisong.vn/khoa-hoc-cong-nghe-da-giai-quyet-duoc-nhieu-benh-hiem-ngheo-n114144.html
SKĐS - Việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực y dược đã giúp giải quyết được nhiều bệnh hiểm nghèo.
Bộ KH-CN, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước phối hợp với Học viện Quân y vừa tổng kết Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, mã số KC10/11-15, giai đoạn 2011-2015.
Báo cáo tổng kết tại hội nghị, GS.TS. Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình KC10/11-15 đã thực hiện 69 đề tài thuộc 4 nhóm lĩnh vực: Sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế; Chẩn đoán, điều trị; Công nghệ bào chế thuốc hóa dược; Sản xuất thuốc từ dược liệu. Nhiều kỹ thuật công nghệ cao như ghép thận, gan, tim, tụy… chỉ đến khi có chương trình trọng điểm cấp nhà nước mới có thể thực hiện được, giải quyết được nhiều bệnh hiểm nghèo.
Trong đó phải kể đến thành quả ghép đồng thời khối tụy thận từ người cho chết não được thực hiện ngày 3.3.2014 tại Học viện Quân y, tạo bước đột phá cho kỹ thuật ghép tạng Việt Nam theo kịp các nước trên thế giới. Hoặc như thành quả ghép thận từ người cho tim ngừng đập được tiến hành tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đem lại hy vọng cho hàng nghìn người bệnh suy thận mạn.
Phẫu thuật nội soi là một cuộc cách mạng trong ngoại khoa với những ưu điểm như hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn, tính thẩm mỹ cao… cũng được các nhà khoa học cũng nắm bắt và ngày càng nâng tầm với các kỹ thuật cao như: phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên (đề tài thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế); phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý tuyến giáp (Bệnh viện Nội tiết Trung ương); phẫu thuật nội soi trong điều trị bệnh sọ não (Bệnh viện Việt Đức)… Đặc biệt, cách đây 5 năm các nhà phẫu thuật thần kinh Việt Nam cho rằng phẫu thuật nội soi cắt u tuyến yên là không thể thực hiện được ở Việt Nam thì đến nay tại Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện được trên 100 ca cắt u tuyến yên và u nền sọ.
Bên cạnh đó, Chương trình KC10/11-15 cũng đã thực hiện nhiều đề tài cấp nhà nước tại hàng loạt các chuyên khoa như: gây mê hồi sức, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, da liễu… Các thầy thuốc Việt Nam đã thực hiện được nhiều kỹ thuật phức tạp không có nhiều nước trên thế giới có thể thực hiện được như: tạo hình mất đoạn xương hàm bằng xương mác có mạch máu nuôi dưỡng được cấy răng trên xương mác để có một xương hàm bình thường.
Việc ứng dụng công nghệ sinh học không phải là nội dung trọng tâm của Chương trình KC10/11-15 nhưng các kết quả nghiên cứu của Chương trình cũng cho thấy giá trị của công nghệ sinh học trong lĩnh vực y dược trong việc giải quyết nhiều bệnh phức tạp như vết loét lâu liền, bỏng sâu và rộng; sản xuất thuốc chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và có khả năng xuất khẩu. Việt Nam cũng đã bước đầu thành công sản xuất vắc xin sốt xuất huyết; nghiên cứu bào chế một số thuốc điều trị ung thư; đặc biệt là nước thứ tư trên thế giới sản xuất thành công vắc xin Rota sống giảm độc lực chống tiêu chảy, được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ kiểm định tính an toàn và hiệu lực, được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia và xuất khẩu sang các nước khác…
Hãy xét nghiệm ngay nếu nghi nhiễm virus Zika
http://ddk.vn/suc-khoe/hay-xet-nghiem-ngay-neu-nghi-nhiem-virus-zika/94215
Thông tin du khách Australia có những triệu chứng nhiễm virus Zika từng lưu trú tại Việt Nam đã khiến nhiều người lo lắng.
Ngày 24/3, TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có mặt tại Bình Thuận chỉ đạo các Viện Pasteur TP HCM, Pasteur Nha Trang hỗ trợ công tác khám, xét nghiệm người dân có triệu chứng nghi ngờ tại các địa phương nơi người Australia này từng đến; tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm xác định; sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika.
Theo TS Trần Đắc Phu, những người nghi nhiễm virus Zika, sốt xuất huyết có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào để khám. Đặc biệt những bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhưng qua xét nghiệm lại cho kết quả âm tính cần phải nghĩ ngay tới việc nhiễm virus Zika. Hiện nay, Bộ Y tế đã chỉ định 2 phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM. PGS.TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng khẳng định, hiện tại Việt Nam đủ năng lực chẩn đoán virus Zika nên người dân không nên quá lo sợ.
Thanh tra ngành Y tế triển khai nhiệm vụ năm 2016
http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/thanh-tra-nganh-y-te-trien-khai-nhiem-vu-nam-2016_t114c1059n101607
(Thanh tra) - Trong 2 ngày 25 - 26/3, tại Phú Thọ, Thanh tra Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ thanh tra y tế năm 2016 và tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra năm 2016 cho cán bộ thanh tra y tế của 63 tỉnh/ thành.
Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế và Chánh Thanh tra Bộ Y tế tặng Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua năm 2015
Năm 2015, Thanh tra Bộ Y tế đã thực hiện 91 đoàn thanh tra, kiểm tra, gồm: 19 đoàn thanh tra, kiểm tra hành chính và phòng, chống tham nhũng, 58 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, 9 đoàn thanh tra, kiểm tra xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo, 5 đoàn kiểm tra tiếp nhận, xử lý ý kiến phản ánh của người dân qua đường dây nóng, thực hiện các quy định về công tác tiếp công dân và xử lý, giải quyết đơn thư, công tác thanh tra của thủ trưởng. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính 48 cơ sở với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2015, Thanh tra Bộ Y tế tiếp 215 lượt người, tiếp nhận 1.396 đơn. Trong đó có 20 đơn thuộc thẩm quyền. Đến nay, đã giải quyết 13 đơn tương ứng với 13 vụ việc, số còn lại đang trong quá trình giải quyết.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức 20 lớp tập huấn nghiệp vụ thanh tra y tế cho 1.736 người. Tập huấn nghiệp vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, xét giải quyết tố cáo. Tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Bồi dưỡng nghiệp vụ trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành và bồi dưỡng nghiệp vụ về thanh tra an toàn thực phẩm khóa 1 năm 2015 cho cán bộ công chức, viên chức tuyến quận, huyện và xã phường được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Năm 2016, Thanh tra ngành Y tế sẽ tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch thanh tra y tế số 1047/KH-BYT ngày 20/11/2015 đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt; tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân; nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, tăng cường đối thoại, hòa giải; kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải nâng cao chất lượng, kết luận phải đúng, trúng và kịp thời theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra đôn đốc, xử lý sau thanh tra để thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra.
Bên cạnh đó, ngành Y tế sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng đội ngũ công chức Thanh tra y tế. Nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cũng như nâng cao phẩm chất đạo đức cho đội ngũ công chức thanh tra, từ đó nâng cao hiệu quả công tác thanh tra. Đồng thời, thực hiện Đề án tăng cường năng lực Thanh tra Y tế giai đoạn 2014 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, công tác thanh tra y tế năm 2015 đã đạt được nhiều kết quả ghi nhận.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Chính, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, ngoài sự cố gắng và nỗ lực của toàn ngành, thời gian tới, Thanh tra ngành Y tế mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ và tạo điều kiện nhiều hơn nữa của lãnh đạo Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ và của lãnh đạo các Sở Y tế đối với công tác thanh tra; sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ của các cơ quan Trung ương cũng như địa phương đối với công tác thanh tra y tế.
Tại Hội nghị, Thanh tra Bộ Y tế đã trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2015. Đồng thời, phát động phong trào thi đua năm 2016 và tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra y tế.
Chất cấm trong chăn nuôi: Tạm dừng cấp phép nhập khẩu Salbutamol
http://vietq.vn/chat-cam-trong-chan-nuoi-tam-dung-cap-phep-nhap-khau-salbutamol-d85678.html
(VietQ.vn) - Đây là thông tin mới nhất của Bộ Y tế liên quan đến việc quản lý nhập khẩu chất Salbutamol – một loại chất cấm trong chăn nuôi.
Đây là thông tin mới nhất của Bộ Y tế liên quan đến việc quản lý nhập khẩu chất Salbutamol – một loại chất cấm trong chăn nuôi nhưng lại được nhập khẩu làm nguyên liệu thuốc.
Một trong những loại chất cấm trong chăn nuôi là Salbutamol được sử dụng phổ biến
Cụ thể, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho hay, Salbutamol là hoạt chất dùng trong điều chế thuốc và được sử dụng trong ngành Y tế nhiều năm nay trong điều trị bệnh về đường hô hấp. Ngành Y tế được tiêu chuẩn hóa từ khâu sản xuất đến sử dụng thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, do đó, việc quản lý nguyên liệu nói chung và Salbutamol nói riêng cũng theo quy trình này.
Theo Luật Việt Nam thì Salbutamol cũng không phải hoạt chất thuộc danh mục kiểm soát đặc biệt và được quản lý về xuất nhập khẩu theo Thông tư 47. Theo đó, các công ty tự chủ về kế hoạch hoạt động kinh doanh và lên dự trù về Salbutamol theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tất Đạt cho hay, sau khi có phản ánh về tình trạng sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi, Cục Quản lý Dược ngay lập tức đã có văn bản tới Tổng cục Hải quan và Sở Y tế yêu cầu tạm dừng xuất nhập khẩu hoạt chất này.
“Cục Quản lý Dược đã phối hợp chặt chẽ với C49 Bộ Công an đi kiểm tra các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; báo cáo Bộ Y tế, ra quyết định đình chỉ và tước giấy phép kinh doanh của 3 đơn vị nhập khẩu Salbutamol do bán hoạt chất này không đúng mục đích, chuyển hồ sơ sang Cục Cảnh sát chống tội phạm môi trường (C49) điều tra, xử lý; tạm dừng xem xét tất cả hồ sơ đăng ký xuất nhập khẩu Salbutamol tại Cục Quản lý Dược”, ông Nguyễn Tất Đạt nói.
Salbutamol được dùng để sản xuất thuốc làm giãn phế quản trị hen suyễn cho người.
Tuy nhiên, do quản lý không chặt chẽ và lợi nhuận quá cao, nhập với giá 1,5 triệu đồng/kg nhưng giá bán tới tay người chăn nuôi lên đến 15 triệu đồng/kg, các doanh nghiệp nhập khẩu đã tuồn chất này ra bán cho ngành chăn nuôi để sử dụng là chất tạo nạc.
Ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết sau khi xác định nguồn cung chất cấm chủ yếu được nhập khẩu chính quy, các cơ quan chức năng đã kiểm tra tại kho của các nhà máy và giám sát chặt chẽ quá trình tiêu thụ lượng tồn kho. Do đó, thời gian tới nguồn cung chất này ra thị trường sẽ giảm mạnh.
Bạc Liêu kịp khống chế dịch quai bị
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160327/bac-lieu-kip-khong-che-dich-quai-bi/1074475.html
TTO - Ông Lâm Kim Liêu - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bạc Liêu - xác nhận có nhận được tin báo của Trường tiểu học Phong Tân (xã Phong Tân, thị xã Giá Rai) có hàng chục học sinh mắc bệnh quai bị.
Ngay khi nhận được thông tin, ngành y tế dự phòng đã phun hóa chất và hướng dẫn nhà trường, phụ huynh các biện pháp chăm sóc để tránh lây lan. Tuy nhiên, thực tế chỉ có vài trường hợp trong số đó phải nhập viện, dự kiến đầu tuần sau ngành y tế sẽ tiếp tục làm việc với trường để xử lý trường hợp này.
Ông Mai Chí Tính - chủ tịch UBND thị xã Giá Rai - cho biết tổng số học sinh mắc bệnh quai bị tại Trường Phong Tân là 29 trường hợp, trong đó có 26 trường hợp đã khỏi bệnh và đi học bình thường, 3 trường hợp còn lại cũng đã khỏi bệnh nhưng chưa đi học trở lại. Theo ông Tính, đây là dịch bệnh nhưng chỉ xảy ra tại điểm trường này và đã được khống chế kịp thời.
Cẩn trọng với biến chứng do bệnh thủy đậu
http://ddk.vn/suc-khoe/can-trong-voi-bien-chung-do-benh-thuy-dau/94217
BS Trần Thị Mai (Khoa Nhi, BV Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn) cho biết gần đây trên địa bàn TP HCM bắt đầu xuất hiện dịch thủy đậu, đối tượng mắc nhiều nhất là trẻ em.
Bệnh thủy đậu nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng và viêm da, nhiễm trùng máu, viêm phổi và tử vong nhanh. Theo ghi nhận, hơn 60% bệnh nhi đến khám khi vết đậu đã bị nhiễm trùng và sốt cao. Nghiên cứu dịch tễ cho thấy thủy đậu thường phát triển mạnh vào mùa hè nóng ẩm. Biểu hiện bệnh sẽ xuất hiện từ 10 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Thủy đậu thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt nhẹ, đôi khi sốt cao từ 39 đến 40 độ C, mệt mỏi , đau đầu, đau họng, nổi các bóng nước. Ban đầu là các nốt nhỏ màu hồng, sau đó gồ lên da, sau 24 giờ trở thành nốt màu hồng có bóng nước trong các nốt rạ xuất hiện rải rác khắp cơ thể nhiều nhất là trên mặt, ngực, da đầu… Các nốt ra thường gây ngứa.
Thông thường bệnh kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Nếu không có biến chứng thì các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da, không để lại sẹo nếu không bị nhiễm trùng. Độ tuổi thường mắc bệnh nhất là trẻ từ 2 đến 8 tuổi và cả học sinh lớn.
An toàn vệ sinh thực phẩm: Làm tốt sao dân cứ phải “ăn bẩn”?
http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/an-toan-ve-sinh-thuc-pham-lam-tot-sao-dan-cu-phai-an-ban_t114c1159n101636
(Thanh tra) - Sáng ngày 26/3, nói về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, các Bộ đã phối hợp chặt chẽ, tập trung vào xử lý chất cấm trong chăn nuôi. Nhưng Bí thư TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đặt lại vấn đề: “Vậy tại sao dân cứ phải “ăn bẩn”…
Vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm, cũng như bức xúc thời gian qua. Ảnh minh họa: Thảo Nguyên
Y tế, Nông nghiệp không “đổ” trách nhiệm cho nhau
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, “đến nay đã chặn đứng nguồn cung cấp từ bên ngoài” trong chăn nuôi để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Các Bộ trưởng chúng tôi trao đổi với nhau trực tiếp, rất cụ thể, làm việc rất tích cực. Không phải Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế đổ lỗi cho nhau. Việc đó là hoàn toàn không có”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Nhờ vậy, tất cả các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi vừa qua kiểm tra hơn 200 mẫu không còn mẫu nào còn chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Bây giờ chỉ còn một số trường hợp lén lút đưa cho chủ trang trại chăn nuôi.
Bộ trưởng Phát cho biết, Bộ đang chỉ đạo toàn bộ hệ thống nông nghiệp vào cuộc giám sát các trang trại và các lò mổ, thực hiện hết sức kiên quyết. Nếu trong lò mổ bắt được thịt lợn có chất cấm lập tức tiêu hủy. Đến 1/7 này, thực hiện Bộ luật Hình sự, nếu vi phạm sẽ đưa vào xử lý hình sự.
“Vì vậy tỉ lệ phát hiện có chất cấm trong chăn nuôi giảm mạnh”, Bộ trưởng Phát cho biết, Bộ đang cố gắng trong thời gian ngắn nhất xử lý triệt để chất cấm.
Thông tin tiếp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, vấn đề chất cấm vừa qua xử lý rất quyết liệt. Bộ Y tế phối hợp ngưng không cho nhập, kiểm tra rút giấy phép và chuyển cơ quan điều tra những vụ vi phạm.
“Chỗ anh Phát làm rất quyết liệt và đã lập đường giây nóng. Vấn đề truyền thông như thế nào không khéo người dân nghĩ ung thư đến nơi rồi. Ung thư đâu phải chỉ vì an toàn thực phẩm đâu mà có rất nhiều yếu tố dẫn đến ung thư như ô nhiễm môi trường…”, Bộ trưởng Tiến nói.
Ai cũng bảo trách nhiệm, cuối cùng dân vẫn ăn bẩn
Nghe vậy, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề: Các Bộ phối hợp với nhau rất tốt, nhưng tốt tại sao dân cứ phải ăn bẩn, thế thì tốt cái gì? Nói thế thì không được. Nói thế thì bảo dân cứ tạm thời chấp nhận ăn bẩn đi chúng tôi lo lộ trình à? Thế thì không được!
Ông đề nghị cần có biện pháp quyết liệt ngay và cho TP Hồ Chí Minh thí điểm thành lập 1 cơ quan trực thuộc UBND TP để lo việc này.
“Phải tập trung vào một đầu mối. Cứ Bộ nọ đổ cho Bộ kia thì không làm được. Hỏi ai cũng bảo trách nhiệm của tôi xong rồi, nhưng cuối cùng dân vẫn ăn bẩn mà không ai chịu trách nhiệm”, ông Thăng bày tỏ.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần thực hiện một loạt các biện pháp. Đó là tăng cường chế tài xử phạt. Tiền xử phạt này dùng vào việc đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngân sách thiếu nhưng không dùng tiền phạt đưa vào cân đối được.
“Quy trách nhiệm, khi quy về một mối rồi thì anh nào sai anh đó chịu trách nhiệm. An toàn vệ sinh thực phẩm là phải làm quyết liệt như vậy, chứ tất cả làm tốt mà vẫn để dân ăn bẩn là không chấp nhận được”, ông Thăng nhấn mạnh.
"Cần một tổ chức thống nhất để quản lý về an toàn thực phẩm"
http://vtv.vn/trong-nuoc/can-mot-to-chuc-thong-nhat-de-quan-ly-ve-an-toan-thuc-pham-20160327142031623.htmjavascript:void(0);
VTV.vn - Đây là nhận định của ông Vũ Duy Giảng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp 1, trong cuộc trao đổi với phóng viên VTV về vấn đề an toàn thực phẩm.
Ngày 26/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, đồng thời là Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã chính thức đề nghị Chính phủ cho phép TP.HCM thành lập một cơ quan chuyên trách thuộc UBND thành phố để lo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo người đứng đầu thành phố lớn nhất cả nước này, việc tập trung vào một đầu mối như vậy nhằm tránh tình trạng khi được hỏi, Bộ nào cũng bảo đang làm nhưng dân thì vẫn phải ăn bẩn. Cùng với đó, là việc tăng tiền xử phạt cũng như tiền xử phạt được để lại cho địa phương đầu tư vào công tác an toàn vệ sinh thực phẩm chứ không đưa vào cân đối ngân sách.
Trước đó, bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng NN&PTNT và Bộ Y tế đánh giá sự phối hợp giữa hai bộ về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất tốt, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã thẳng thắn cho rằng: "Nói các Bộ phối hợp rất tốt nhưng dân vẫn đang ăn bẩn, vậy đó là phối hợp kiểu gì".
Đề xuất của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Trước đây, cũng đã có nhiều tranh luận về Bộ nào là đầu mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm và kết luận được đưa ra là: Đây là công việc của Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên VTV về vấn đề này, ông Vũ Duy Giảng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp 1, cho biết: "Sự phối hợp giữa các Bộ về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tốt nhưng chưa đủ. Tốt là gần đây chất cấm đã được các phương tiện thông tin đại chúng cũng như cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ. Người sản xuất, các trang trại cũng như nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi có ý thức thực hiện tốt hơn. Đặc biệt người chăn nuôi đã nhận thức được việc này và đã giảm hoặc không sử dụng chất cấm.
Tuy nhiên, tôi nói chưa đủ vì toàn bộ hệ thống quản lý còn phân tán, chưa tập trung. Tôi nghĩ cần một tổ chức đứng trên tất cả các Bộ để quản lý về an toàn thực phẩm giống như Bí thư Đinh La Thăng đã nói ở TP.HCM sẽ có một tổ chức như thế. Cả nước cần một tổ chức như Hoa Kỳ có tổ chức FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm), họ quản lý an toàn thực phẩm, họ liên kết tất cả các Bộ:Y tế, Môi trường, Nông nghiệp, thậm chí cả Bộ Giao thông - Vận tải".
Theo ông Vũ Duy Giảng, giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng chất cấm và hóa chất trong chăn nuôi và trồng trọt là "cần thay đổi cách tiếp cận trong quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm; thay đổi cách tiếp cận xuất phát từ động lực của người sản xuất. Người sản xuất có động lực, họ sẽ tuân thủ tốt những quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn. Ai tạo cho người sản xuất có động lực? Động lực ở người sản xuất chính là người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn hơn để mua sản phẩm an toàn nhưng cái gì đảm bảo cho người tiêu dùng bỏ ra số tiền lớn hơn để mua thì chính lại là lòng tin của người tiêu dùng. Như vậy phải có tổ chức, phải có thể chế, tổ chức sản xuất để tạo lòng tin cho người tiêu dùng".
Kiểm tra việc dùng chất cấm trong chăn nuôi tại 12 tỉnh thành
http://ddk.vn/suc-khoe/kiem-tra-viec-dung-chat-cam-trong-chan-nuoi-tai-12-tinh-thanh/94192
Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2016 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.
Chương trình bắt đầu diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 trên toàn quốc. Ban chỉ đạo đã giao các Bộ gồm Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh, thành phố, tập trung vào những vấn đề bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi…
Dùng chất cấm trong chăn nuôi: Càng xử phạt càng phức tạp?
http://dantri.com.vn/suc-khoe/dung-chat-cam-trong-chan-nuoi-cang-xu-phat-cang-phuc-tap-20160327082626077.htm
Dân trí Thông tin từ Cục Cảnh sát môi trường (Bộ CA), qua kiểm tra 40 cty sản xuất thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu sử dụng chất cấm Salbutamol thì có 18 Cty “dính” và bị phạt 2,6 tỉ đồng. Sau khi hàng loạt công ty bị xử phạt thì họ lại đi vào sản xuất lén lút và tuồn ra thị trường bằng nhiều hình thức.
Phát hiện 7 tấn thức ăn trộn chất cấm
Vài năm trở lại đây, dư luận xã hội và người tiêu dùng đang hết sức hoang mang khi các thuốc thành phẩm chứa chất Salbutamol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang.
Tuy nhiên trong chăn nuôi, nhiều người đã lạm dụng, trộn salbutamol trộn vào thức ăn để lợn, bò siêu nạc, tăng trưởng nhanh. Hiện chất này bị cấm dùng trong chăn nuôi trên toàn thế giới do có thể gây biến chứng ung thư.
Mới đây, cuối tháng 1/2016, CA tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và bắt giữ tới 7 tấn thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm đang được Lý Văn Thuỷ (Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nam, trụ sở tại phường Đồng Nguyên, TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đang vận chuyển để mang đi giao bán cho các đại lí thức ăn chăn nuôi.
Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) cho biết, các Cty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã sử dụng chất tạo màu Vàng ô vốn chỉ sử dụng trong công nghiệp (ngành nhuộm) được trộn vào thức ăn cho gà để tạo màu vàng đẹp mắt, hay chất salbutamol vốn chỉ được sử dụng làm thuốc chữa bệnh nhưng lại dùng trong thức ăn cho lợn, tạo siêu tăng trọng.
Càng xử phạt càng hoạt động tinh vi
Việc đưa salbutamol vào thức ăn chăn nuôi xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2012 khi Cục Cảnh sát môi trường phối hợp với lực lượng chức năng TPHCM kiểm tra và phát hiện tại kho của Công ty TNHH ONI (tỉnh Đồng Nai). Ngoài 2 tấn thức ăn chăn nuôi có chứa salbutamol, lực lượng chức năng còn thu giữ hơn 4,1 tấn sản phẩm thức ăn chăn nuôi cũng có chứa chất này của Công ty ONI tại 22 tỉnh, thành phố phía Nam.
Tuy nhiên, sau vụ việc Cty TNHH ONI bị xử phạt 50 triệu đồng thì hành vi sử dụng salbutamol không chấm dứt mà vẫn âm thầm diễn ra. Thậm chí, đến năm 2014, nó còn được các công ty bán trực tiếp cho người chăn nuôi và sử dụng rầm rộ cho đến nay.
Chỉ có 3,5 tấn salbutamol dùng sản xuất thuốc
Theo số liệu của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cả nước hiện có 20 công ty được phép nhập khẩu salbutamol (trong đó có 16 doanh nghiệp đã tiến hành nhập trong 2 năm 2014-2015 với tổng số hơn 9,14 tấn) và có 40 nhà máy, xưởng sản xuất được cấp phép sản xuất thuốc có chất salbutamol với nhu cầu thực sử dụng trong y tế là 3,5 tấn.
Cụ thể, tháng 1/2015, Cục Cảnh sát môi trường đã phát hiện 3 công ty gồm: Công ty TNHH VIMARK (khu công nghiệp Đình Trám, Bắc Giang), Công ty CP SX&TM Đại An Tín (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), Công ty CP dinh dưỡng Thái Lan (thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) có dấu hiệu sử dụng salbutamol để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo Đại tá Bình, điều đáng lo ngại sau khi hàng loạt các vi phạm trên bị phát hiện, xử lý, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không còn công khai như trước nhưng vẫn tồn tại với hình thức hết sức tinh vi, phức tạp.
Các đối tượng đưa salbutamol vào thức ăn chăn nuôi dưới dạng đóng gói nhỏ với tên gọi “bổ sung dinh dưỡng” để tặng hay bán kèm tại các đại lý, hoặc được một số thương lái trực tiếp mang đến cung cấp cho chủ cơ sở chăn nuôi.
Đối với người chăn nuôi, mặc dù biết đó là chất cấm, nhưng vì cái lợi trước mắt nên vẫn làm ngơ. Ngoài salbutamol, qua công tác nắm tình hình, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm 1 loại chất mới có tên Zeranol được dùng để thay thế các chất tạo nạc vốn từng bị cấm sử dụng.
Trong lần thanh kiểm tra liên ngành có sự tham gia của Cục Cảnh sát môi trường do Bộ NN&PTNT thành lập, kiểm tra trên 40 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu sử dụng chất cấm tại các địa phương. Kết quả đã phát hiện và xử phạt 18 công ty có hành vi vi phạm sử dụng salbutamol và Vàng ô với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.
Sau vụ bắt giữ hàng tấn thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm do Lý Văn Thủy vận chuyển, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kiểm tra một đại lý bán Thức ăn chăn nuôi và phát hiện thêm khoảng 1 tấn thức ăn chăn nuôi cũng chứa chất cấm Salbuntamol.
Do độ “nóng” trong việc sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm gây ung thư, mới đây Phòng Cảnh sát môi trường (CATP Hà Nội), đã phối hợp với lực lượng liên ngành Thanh tra Sở Y tế, Chi cục Thú y Hà Nội… tiến hành kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, giết mổ trên địa bàn thành phố, đặc biệt về tình trạng sử dụng chất tạo màu Vàng ô trộn vào thức ăn cho gà hay chất cấm Salbutamol trong thức ăn chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, lực lượng chức năng chưa phát hiện được trường hợp nào vi phạm.
Theo Đại tá Bình, để giải quyết những bất cập trong việc quản lý nhập khẩu và kinh doanh salbutamol, Cảnh sát môi trường đã tăng cường phối hợp với Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý Dược để nắm tình hình các đối tượng nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng salbutamol.
Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất cho các lực lượng thực thi pháp luật, xử lý nghiêm những vi phạm trong kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vì an toàn sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân, nhất là đối với những hộ, cơ sở kinh doanh để họ từ bỏ hành vi vi phạm.
Các quốc gia tăng cường phòng, chống virus Zika
http://congly.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/cac-quoc-gia-tang-cuong-phong-chong-virus-zika-144198.html
Tại các quốc gia có virus Zika hoành hành, chính phủ sẵn sàng chi số chi phí khủng để phòng, chống loại virus cực kỳ nguy hiểm này.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus Zika – loại virus tình nghi liên quan đến bệnh đầu nhỏ đã có mặt ở 61 quốc gia. Ngoài ra, có thêm một số quốc gia ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do virus Zika xâm nhập sau khi về từ vùng có dịch gồm: Đức, Hà Lan, Úc, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Cuba, Contra Costa, Utah, Đan Mạch, Nga.
Trước nguy cơ virus Zika tiếp tục lây lan, trở thành đại dịch, ảnh hưởng tới tương lai của nhiều thế hệ, WHO đã liên tiếp họp bàn và đưa ra cảnh báo toàn cầu với loại virus “ăn não”.
Tại các quốc gia có virus Zika hoành hành, chính phủ đang khẩn trương đưa ra các biện pháp để phòng, chống loại virus này.
Brazil chi 2,8 tỷ phòng chống virus Zika
Tính cho đến thời điểm hiện tại, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của virus Zika là Brazil khi có tới 1,5 triệu bệnh nhân. Bộ Y tế Brazil thống kê, nước này có tới hơn 5.900 trường hợp trẻ sơ sinh và thai nhi nghi mắc bệnh đầu nhỏ, teo não nghi ngờ có liên quan tới virus Zika.
Trước tình hình dịch bệnh trên, Chính phủ Brazil đã chi 2,8 tỷ USD cho công tác nghiên cứu phòng chống virus Zika.
Bộ trưởng Bộ Y tế Brazil, Marcelo Castro, cho biết trong số 2,8 tỷ USD, có 1 tỷ USD được trích ra để nghiên cứu vắc xin chống virus Zika. Toàn bộ số tiền trên sẽ được chuyển cho Viện nghiên cứu Fiocruz (Brazil) và Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia của Mỹ.
Nguồn hỗ trợ này được phân bổ dựa trên chính sách quyết loại trừ virus Zika của Chính phủ Brazil trong bối cảnh Olympic đang tới tới gần. Dự kiến sẽ có khoảng 500.000 người tham dự Olympic ở Brazil từ ngày 5-21/8, đây là mối nguy cơ làm virus Zika lan ra phạm vi toàn cầu.
Mỹ “bơm” 1,8 tỷ USD để chống lại virus Zika
Tổng thống Obama đã yêu cầu Quốc hội Mỹ "bơm" 1,8 tỷ USD để phục vụ cho nghiên cứu phòng ngừa và chữa trị bệnh cúm do virus Zika.
Mặc dù Tống thống Mỹ trấn an người dân không nên hoảng sợ về Zika nhưng ông cũng cho rằng việc nghiên cứu phải được tiến hành một cách nghiêm túc vì loại virus này có liên quan đến căn bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Hầu hết số tiền trong số 1,8 tỷ USD sẽ được tập trung cho nghiên cứu điều trị và phòng ngừa lan truyền virus Zika, một số sẽ chi phí cho các chương trình giám sát y tế công cộng. Hơn 80% kinh phí sẽ được phân cho cơ quan Y tế và dịch vụ con người của nước này, bao gồm Trung tâm nghiên cứu vắc-xin và kiểm soát dịch bệnh Medicaid.
Khoảng 335 triệu USD sẽ được giao cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ để hỗ trợ các nước đang bị ảnh hưởng bởi ổ dịch và 41 triệu USD cho Bộ ngoại giao để chăm sóc tốt cho các nhân viên của Mỹ tại nước ngoài bị nhiễm Zika.
Số tiền này sẽ không được tài trợ cho các nghiên cứu chuyên sâu như làm thế nào để biến đổi gen di truyền của muỗi để ngăn chặn Zika.
Cuba điều động 9.000 quân chống virus Zika lan truyền
Tổng thống Cuba ông Raul Castrođã đã kêu gọi toàn dân Cuba tham gia diệt muỗi Aedes loại muỗi mang Virus Zika. Đồng thời, chính phủ nước này cũng điều động 9.000 quân nhân tham gia ngăn chặn căn bệnh này bùng phát.
Ông Raul cho biết thêm, ngoài 9.000 quân nhân tại ngũ và dự bị hơn 200 sĩ quan cảnh sát cũng sẽ được điều động tham gia chiến dịch ngăn ngừa virus Zika bùng phát tại Cuba.
Ngay sau lệnh điều động, quân đội đã tiến hành phun xịt thuốc chống muỗi tại các hộ dân ở thủ đô Havana. Hiện mạng lưới các bác sĩ và phòng khám của Cuba đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng đối phó với virus Zika.
Viết trong thông điệp toàn quốc cảnh báo về virus Zika, ông Rual khẳng định tất cả mỗi người dân Cuba đều cần phải tham gia cuộc chiến này, phát quang các môi trường có khả năng là nơi sinh sống của loài muỗi Aedes lây truyền virus Zika.
Theo WHO, virus này có thể sẽ lây truyền đến tất cả các quốc gia trên thế giới.