Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong phòng chống dịch sốt xuất huyết
Trước diễn biến gia tăng của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, 15h chiều ngày 28/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bất ngờ thị sát, kiểm tra trực tiếp tại 2 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) trọng điểm trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội).
Công nhân sinh sống dưới hầm ẩm thấp, ứ nước đọng
Địa điểm đầu tiên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác đến kiểm tra là Khu công trường xây dựng tòa nhà căn hộ cao cấp Hồng Kông Tower ở 243 Đê La Thành, ngay cạnh Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế đã xuống thẳng tầng hầm công trường, là nơi công nhân xây dựng công trường này đang ăn ở, sinh hoạt.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế, đại diện Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, trước đó khi kiểm tra tại tầng hầm này, do tầng hầm ẩm thấp, đọng nhiều vũng nước nên mật độ bọ gậy dày đặc, rất nhiều muỗi, là môi trường lý tưởng để lây truyền, bùng phát SXH. Vì thế, ngành y tế đã yêu cầu các công nhân phải chuyển lên trên sân công trường để sinh sống nhằm phòng tránh SXH, đồng thời rắc vôi bột, phun hóa chất diệt muỗi, khử bọ gậy tại tầng hầm tòa nhà.
Kiểm tra phía trên tòa nhà, khu lán mà công nhân thi công công trường mới chuyển từ dưới hầm tòa nhà lên sinh sống, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trèo lên kiểm tra bể chứa chứa nước sinh hoạt của công nhân.
Tại đây, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu trung tâm y tế dự phòng Quận Đống Đa phải phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc phòng chống dịch tại các công trường xây dựng trên địa bàn và đẩy mạnh tuyên truyền người dân không để nước ứ đọng, ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.
Tiếp sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác tiếp tục đến kiểm tra một khu nhà trọ của công nhân, sinh viên ở ngõ 112 chùa Láng. Trên đường vào khu nhà trọ này, khi qua khu nghĩa trang của phường Láng Thượng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp đổ nước ứ đọng trong lọ cắm hoa trên một số khu mộ.
Tại khu nhà trọ rất đông người ngoại tỉnh thuê ở, điều kiện vệ sinh còn rất hạn chế, xong nói chuyện với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế, một hộ dân đang thuê trọ ở đây cho biết, bà ở Nam Định lên Hà Nội trông cháu cho vợ chồng con trai và thường xuyên được nghe tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Khi được hỏi có biết nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết là gì không, bà đã trả lời Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế là do con muỗi gây ra. Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế đã vào kiểm tra trực tiếp khu vực chứa nước sinh hoạt và khu bếp của gia đình, tuy nhiên không phát hiện có nước ứ đọng dù diện tích của phòng trọ này chỉ gần 20m2 và có 5 người đang sinh sống.
Nhiều hộ gia đình ở Hà Nội chưa hợp tác trong phòng chống dịch
Ngay sau khi đi thị sát trực tiếp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với UBND TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và quận Đống Đa về công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, TS Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 10 năm trở lại đây dịch sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại Hà Nội tăng cao vào năm 2009 với 16.090 ca mắc, 4 tử vong; năm 2015 với 15.412 ca mắc; còn lại trung bình mỗi năm ghi nhận từ 5.000 đến 6.000 trường hợp mắc.
Riêng năm năm 2017, tính đến hiện tại, theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước. Đến nay tại Hà Nội ghi nhận gần 8.000 bệnh nhân mắc SXHD (trong đó gần 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh, hiện còn 879 trường hợp đang điều trị), 4 trường hợp tử vong.
“Hàng năm số mắc ghi nhận rải rác từ đầu năm và thường bắt đầu gia tăng từ tháng 7, tháng 8, sau đó tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 11. Tuy nhiên năm 2017, tại Hà Nội, dịch SXH đến sớm từ đầu tháng 5 và gia tăng nhanh trong các tháng 6 và tháng 7”- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.
Cũng tại buổi làm việc, TS Nguyễn Khắc Hiền cho hay, tuy Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, nhưng cho đến thời điểm hiện tại dịch bệnh vẫn gia tăng và ghi nhận các trường hợp tử vong do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Qua điều tra, số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng tăng lên hàng năm, hiện nay có tới 14 loại chủ yếu là ở các bể xi măng chứa nước không có nắp chiếm trên 40%, tiếp đó là các xô, thùng chậu, chậu cảnh và phế liệu, phế thải, chậu hoa cảnh…tăng 3 loại so với năm 2016.
Ông Hiền cũng bày tỏ lo ngại khi các năm trước tại Hà Nội chỉ ghi nhận hai tuýp gây bệnh là D1 và D2, hiện nay đã phát hiện thêm tuýp D vì vậy nguy cơ sẽ làm tăng số trường hợp mắc bệnh.
“Một trong những khó khăn của Hà Nội trong phòng chống dịch SXH hiện nay là diệt bọ gậy. Trước đây, ngành y tế chỉ tập trung tiêu diệt bọ gậy ở các hộ gia đình nay thì mở rộng tất cả các bãi đất trống, nghĩa trang, đình chùa- cốc nến thắp hết vứt ra, lá cây to rụng xuống mưa liên tục đều có thể là ổ chứa… Nhiều hộ gia đình khi đến phun thì đi vắng hoặc không hợp tác”- ông Hiền nói.
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch trong dân cư và tại các công trường xây dựng
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, tôi thấy sốt ruột vì không có biện pháp kiên quyết thì dịch sẽ phát triển nữa.Giữa Hà Nội mà trở thành vấn đề để mọi người quan tâm vì bùng phát dịch thì rất không nên.“Quan trọng nhất hiện nay là 2 giải pháp là y tế dự phòng mà mọi người cùng phải tham gia.Chính quyền phải làm bền vững.Về phía người dân vẫn còn nhiều người coi nhẹ dịch bệnh hoặc đi làm suốt nên không thể vào nhà phun hoá chất diệt muỗi"- Phó Thủ tướng nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao về mặt chuyên môn Hà Nội làm rất quyết liệt để phòng chống dịch.Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về vai trò của công tác truyền thông trong phòng chống dịch SXH.Truyền thông phải đa dạng, đặc biệt đẩy mạnh trên hệ thống loa phường và tuyên truyền đúng về con muỗi gây bệnh SXH.
“Quan trọng là truyền thông đại chúng và truyền thông y tế. Để “hạ hoả” các phường mắc tăng cao phải phun muỗi hạ hoả sau đó diệt loăng quăng trong 2 tuần. Hoạt động khác là diệt côn trùng.Diệt muỗi phải lật úp vật dụng có thể chứa nước từ chiếc lá đến các dụng cụ khác.Sau 1 chiến dịch diệt loăng quăng thì dịch hạ hẳn vì đã làm trong miền Nam. Diệt thuốc chỉ là một phần, quan trọng là diệt loăng quăng”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói
Về công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hà Nội thực hiện nghiêm việc phân tuyến điều trị. Theo Bộ trưởng, Bệnh viện Đống Đa là bệnh viện đầu ngành của Hà Nội về phòng chống bệnh truyền nhiễm, do đó chỉ nhận các trường hợp bệnh nhân nặng và phân tuyến điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, để tránh gây quá tải không cần thiết..
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng cho biết, tôi làm việc với Tổ chức Y tế thế giới thì họ đánh giá Việt Nam thuộc tỷ lệ mắc SXH và tỷ lệ tử vong thấp nhất khu vực, điều này cho thấy chúng ta làm công tác dự phòng bệnh tốt và điều trị cũng tốt. Tuy nhiên do nhiều yếu tổ tác nhân khác nhau nên vẫn có những dịch bệnh bùng phát. Do đó chúng ta cần làm tốt công tác phòng chống dịch để tránh dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh.
Về dịch bệnh SXH, do hiện nay do chưa có vắc xin nên việc phòng bệnh chính vẫn là do ý thức của người dân trong diệt loăng quăng, bọ gậy và loại bỏ tác nhân tồn tại của loăng quăng, bọ gậy. Do đó, cần đẩy mạnh truyền thông để người dân tuân thủ các khuyến cáo về phòng chống dịch
“Chúng ta có hệ thống đoàn thể từ trung ương đến địa phương nên cần huy động tập thể để phòng chống dịch hiệu quả và bền vững”- Phó Thủ tướng nói
Cũng theo Phó Thủ tướng, vai trò của công tác điều trị rất quan trọng, vì thế ngay từ tuyến y tế cơ sở và các tuyến trên cần thực hiện theo đúng chỉ đạo chuyên môn về điều trị dịch bệnh này, đồng thời hướng dẫn người dân để họ tránh dùng thuốc không đúng.
Từ thực tiễn kiểm tra công trình xây dựng ở Hà Nội, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tại tất các các công trường xây dựng trong cả nước và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
“ Việc tuyên truyền nhiều rồi giờ phải xử nghiêm. Kể cả những nơi chưa có dịch cũng phải kiểm tra các công trình xây dựng để phòng ngừa”- phó Thủ tướng nói
Chủ tịch tỉnh, thành chịu trách nhiệm phòng chống dịch sốt xuất huyết
Đây là yêu cầu trong công điện của Thủ tướng Chính phủ trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành.
Nội dung công điện cho biết dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh SXH.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 58.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có hơn 49.000 trường hợp nhập viện và 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số nhập viện tăng trên 11%, số tử vong tăng 3 trường hợp.
Nhiều tỉnh, thành phố có số mắc cao và dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng, đặc biệt là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Tây Ninh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Nam Định.
Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh SXH lan rộng, kéo dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các UBND tỉnh thành chỉ đạo quyết liệt việc phòng chống dịch, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Các tỉnh thành kiểm tra và giám sát thường xuyên các điểm nguy cơ dịch bệnh, xử phạt các tổ chức, các nhân không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo hướng dẫn phát hiện, xử lý ổ dịch, đảm bảo đủ phương tiện, thuốc, vật tư cấp cứu cho người bệnh, giảm tối đa tử vong.
Bệnh nhân sốt xuất huyết chạy 4 viện vẫn không được vào điều trị
Bị sốt xuất huyết, nhiều bệnh nhân chạy vòng vèo các bệnh viện “xin” nằm viện nhưng đều bị từ chối, yêu cầu về nhà hoặc tuyến dưới theo dõi. Các bác sĩ giải thích, Hà Nội đang căng thẳng dịch bệnh, bệnh viện chỉ nhận những bệnh nhân “đủ tiêu chuẩn” mà đã quá tải, nếu bệnh nhân nào cũng xin nhập viện thì bệnh viện “vỡ trận”, bác sĩ kiệt quệ sức lực.
10 người sốt xuất huyết 9 người xin nhập viện
Trưa 27/7, chị Đào Thị Cầu (29 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) được chồng đưa đến khám tại bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương vì sốt xuất huyết (SXH) ngày thứ 2. Chị bị sốt cao, đau người đến mức phải nằm lưu trong phòng chờ khám nhưng sau khám, bác sĩ vẫn đề nghị bệnh nhân về tuyến dưới theo dõi.
Chồng chị Cầu cho biết, trước đó ngày 25/7 chị bỗng nhiên bị sốt 39,7 độ nhưng đang ở Đài Loan nên không đi khám được. Sau một ngày chị về Việt Nam và đi viện khám ngay. Tại BV Đại học Y chị Cầu được chẩn đoán SXH, vì sốt cao, đau người anh muốn cho vợ nhập viện nhưng bác sĩ yêu cầu về nhà theo dõi.
Sốt ruột, anh đưa vợ đến BV Giao thông vận tải với mong muốn vợ được nằm viện cho yên tâm, sốt cao còn có bác sĩ xử trí nhưng cũng bị từ chối, bác sĩ giải thích nên cho về nhà theo dõi vì không có giường bệnh. Anh đưa vợ tiếp sang Xanh pôn bác sĩ cũng giải thích vợ anh sốt ngày 2 chỉ cần theo dõi ở nhà.
Trong thời điểm đang có dịch SXH, khi bỗng nhiên sốt cao đột ngột 39 – 40 độ, đừng chần chừ mà hãy đi khám ngay tại BV gần nhà nhất để được test SXH. Việc test SXH đã được phổ cập đến bệnh viện tuyến huyện. "Không phải SXH, lúc ấy mới có thể yên tâm theo dõi các sốt khác như sốt vi rút, sốt viêm họng...", PGS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới khuyến cáo.
Sau một đêm ở nhà thấy vợ sốt phừng phừng, sốt cao có lúc giật, nằm đâu nằm đó, ăn uống ít, đi phải đỡ, hoảng hồn sáng nay anh đưa vợ vào BV Bệnh nhiệt đới khám, cũng mong muốn nhập viện nhưng bác sĩ cũng giải thích và giới thiệu sang BV Đống Đa.
“Giờ tôi đưa vợ sang xem có được nhập viện không đây”, chồng chị Cầu cho biết.
Theo Ths.BSCK II Nguyễn Nguyên Huyền (Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), bác sĩ ngoài căng mình khám bệnh luôn phải giải thích với bệnh nhân không thể nhập viện vì quá tải.
10 người khám thì đến 9 người mong muốn nhập viện vì sốt cao, mệt mỏi.Nhưng nếu vậy thì không biết bao nhiêu bệnh viện, giường bệnh mới đủ cho bệnh nhân nhập viện.
Như tại Khoa Khám bệnh, mỗi ngày khám khoảng 500 - 700 bệnh nhân. Đỉnh điểm ngày hôm qua 26/7 cả phòng khám nhi lên đến 700 bệnh nhân, nhưng số bệnh nhân có chỉ định nhập viện chỉ là 46 người lớn, 12 trẻ em.
Tương tự, tại khoa Nhi (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) tình trạng quá tải cục bộ cũng đang diễn ra. PGS.TS Bùi Vũ Huy, trưởng khoa Nhi cho biết, khoa có 24 giường đều đã dành cho bệnh nhân SXH nhưng hiện đang có 36 bệnh nhân bởi mới có thêm 12 bệnh nhân nhập viện.
“Bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm khác đã được chuyển sang cơ sở 2, dành trọn khoa cho BV SXH. Từ sáng tới giờ, chúng tôi khám từng bé, theo dõi chặt để bé nào dấu hiệu ổn định là chuyển sang cơ sở 2 hoặc tuyến dưới. Trước mắt sẽ có một bệnh nhi viêm não đã qua thở máy sẽ được chuyển sang cơ sở 2 điều trị tiếp; một cháu suy gan do SXH đã hết sốt đanh cũng được chuyển đi. Các bệnh nhân còn lại được lọc từng bé ổn định là xuất viện”, PGS Huy cho biết.
Tại khoa Nhi, bé Nguyễn Lan Hương (9 tuổi ở Nguyễn Tuân, Thanh Xuân) đang nằm điều trị ngày SXH thứ 3. Ở ngày sốt thứ 2 bé đã bị nôn liên tục nên khi đi khám, khẳng định SXH bệnh nhi được chỉ định nhập viện.
Gần 12 giờ trưa, một em bé 10 tuổi được gia đình đưa lên khoa Nhi trong trạng thái kích thích, vật vã, lơ mơ ngay lập tức được chuyển xuống khoa Cấp cứu theo dõi nguy cơ sốc vì SXH.
Theo PGS Huy, trung bình mỗi ngày có 100 bệnh nhi đến khám, gia đình bé nào cũng lo lắng, cũng có nhu cầu nhập viện, số giường có hạn. Các bác sĩ phải cố gắng giải thích, hướng dẫn chăm sóc điều trị tại nhà, dấu hiệu nào cần đến khám, an ủi động viên bệnh viên bệnh nhân,.
Những trường hợp tiệm cận “tiêu chuẩn” nhập viện thì nằm lưu theo dõi vài tiếng đồng hồ, dạy hạ nhiệt, bù dịch, chăm sóc ổn định là về nhà theo dõi.
3 ngày đầu sốt cao nhưng không nguy hiểm
“Tình trạng bệnh nhân chạy quanh các viện xin nhập viện vì SXH là rất phổ biến. Nhưng theo tôi điều đó không cần thiết vì khi bị SXH sẽ kéo dài từ 7-10 ngày Trong 4 ngày đầu bệnh sốt cao, mệt, chán ăn, đau nhức hố mắt, đau đầu khiến người bệnh lo lắng. Nhưng ở 3 ngày đầu dù sốt rất cao lại không nguy hiểm tính mạng (trừ với những trường hợp đặc biệt như người mắc bệnh mãn tính kèm theo, phụ nữ có thai, trẻ em) vì thế bác sĩ thường không chỉ định nhập viện, giải thích, hướng dẫn bệnh nhân về nhà hạ sốt, theo dõi và tái khám”, BS Huyền nói.
“Mong người dân khi SXH mới bị 3 ngày đầu nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám, test SXH rồi yên tâm điều trị theo đơn của bác sĩ và từ ngày thứ 4 thì tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Nếu nặng có dấu hiệu cảnh báo sẽ được chuyển lên BV tuyến trên.Còn hiện giờ, nếu bệnh nhân nào cũng đòi nhập viện thì BV đáp ứng không xuể”, BS Huyền chia sẻ.
Tại BV Bệnh nhiệt đới, cơ sở 1 hiện gần như dành trọn cho bệnh nhân SXH. Các bác sĩ phải làm tăng cường với ca khám bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều mới kết thúc. Bác sĩ nào vào ca trực thì lại đi làm tiếp đó, có người đến hơn 23 giờ tối mới được ăn cơm, thức trắng đêm vì bệnh nhân ra vào liên tục. Áp lực làm việc quá căng thẳng khiến 2 điều dưỡng đến hôm nay thì đã ốm, nằm một chỗ phải xin nghỉ.
Mới tuần trước, BV đã phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về SXH nhưng nay số phòng khám SXH đã lên đến 10 phòng nhưng vẫn không đáp ứng đủ, người bệnh vẫn phải vạ vật ngồi chờ.
TP.HCM: Bệnh nhi thứ 4 tử vong vì sốt xuất huyết
http://khampha.vn/suc-khoe/tphcm-benh-nhi-thu-4-tu-vong-vi-sot-xuat-huyet-c11a553329.html
Sau một tuần điều trị sốt xuất huyết, bé gái 1 tuổi đã tử vong, nâng tổng số bệnh nhi tử vong vì căn bệnh này lên con số 4.
Ngày 28/7, ông Nguyễn Trí Dũng, GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM xác nhận bé gái 1 tuổi (ngụ phường 26, Q.Bình Thạnh) đã tử vong sau khi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM.
Theo đó.khi bé gái mắc bệnh, người nhà đã đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé mắc sốt xuất huyết.
Sau một tuần điều trị không có chuyển biến tích cực, bệnh nhi đã tử vong.
Trước đó, ba bệnh nhi khác điều trị tại BV Nhi đồng 1 cũng đã tử vong vì sốt xuất huyết.
Sau khi nhận tin, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành xử lý ổ dịch, ngăn ngừa lây lan diện rộng.
Tính chung cả nước, trong 7 tháng đầu năm đã ghi nhận gần 60.000 ca bệnh mắc sốt xuất huyết, trong đó có 17 trường hợp tử vong. Riêng thời gian gần đây, nhiều khu vực ghi nhận số ca mắc bệnh tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại TP.HCM, từ đầu năm nay đã ghi nhận 10.900 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016 (8.814), đặc biệt đã có 4 trường hợp bệnh nhi tử vong.
Dự báo từ giờ đến cuối năm, dịch sốt xuất huyết vẫn sẽ còn diễn biến phức tạp.
Ngành y tế khuyến cáo người dân cần vệ sinh khu vực sinh sống, kiểm tra chậu, bụi rậm, bình hoa để tránh việc muỗi phát sinh.Đồng thời, khi có dấu hiệu sốt, phát ban hãy đến cơ sở y tế điều trị, tránh việc tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà.
Bùng phát dịch sốt xuất huyết ở Diễn Châu
http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201707/bung-phat-dich-sot-xuat-huyet-o-dien-chau-2829544/
Bùng phát vào đầu tháng 7 chỉ với vài ca thì nay dịch sốt xuất huyết ở Diễn Châu đã lan rộng với 48 ca ở địa bàn 6 xã.
Thời điểm này, xã có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất là Diễn Ngọc với 23 ca. Số bệnh nhân tăng nhanh qua từng ngày, riêng trong ngày 27/7, Diễn Ngọc có tới 10 bệnh nhân mắc bệnh mới. Các xã còn lại là: Diễn Thịnh, Diễn Phú, Diễn Tháp, Diễn Lâm, Diễn Bích, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn đang được kiểm soát. Trong số 48 ca mắc bệnh đã có 27 ca khỏi, còn lại đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện và các Trạm y tế.
Theo dự báo của Trung tâm Y tế huyện, do thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt, muỗi phát sinh mạnh như hiện nay dẫn đến nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát rất cao. Vì vậy, ngành Y tế cũng như các địa phương đang triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch theo kế hoạch khẩn cấp của UBND huyện.
Các xã có dịch và các xã có nguy cơ cao tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt bọ gậy tại gia đình, cộng đồng. Bố trí y, bác sỹ thường trực cấp cứu tại Trạm Y tế 24/24h để tiếp nhận, phân loại bệnh nhân, thực hiện điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phun hóa chất diệt muỗi tại các xã đang có dịch và các xã trọng điểm có nguy cơ xảy ra dịch. Tiến hành giám sát chỉ số muỗi, bọ gậy, dự báo dịch, giám sát các trường hợp bị dịch sốt huyết.
Hai thành phố lớn căng mình "chiến đấu" với sốt xuất huyết
Trong khi ở TPHCM do sốt xuất huyết đến sớm, ca bệnh tăng nhanh đang gây ra những khó khăn nhất định cho ngành y tế nơi đây thì ở Hà Nội số ca mắc sốt xuất hiện của 7 tháng đầu năm đã lớn hơn tổng số ca mắc trong cả năm trước đó. Điều đáng nói, tháng 9 đến tháng 11 mới là mùa cao điểm của sốt xuất huyết ở Hà Nội.
TPHCM: Bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh
Tại TPHCM, bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh, theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay toàn thành ghi nhận gần 9.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, bệnh đã tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình trong tháng qua, số bệnh nhân nhập viện mỗi tuần giao động từ 450 đến 500 ca, số người mắc bệnh nặng tử vong liên quan đến sốt xuất huyệt tại thành phố là 3 trường hợp.
Ngoài bệnh nhân tại thành phố, các bệnh viện tuyến cuối có chuyên khoa nhiễm đang phải tiếp nhận, điều trị số lượng lớn người bệnh chuyển đến từ các tỉnh thành lân cận. TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho hay, trong tổng số hơn 4.300 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện từ đầu năm đến nay thì có tới 27% là người bệnh từ các tỉnh.
Nhiều ca nhập viện trễ, tình trạng nặng khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn, đã có 7 trường hợp tử vong hoặc bệnh nặng xin về vì sốt xuất huyết trong gần 7 tháng đầu năm 2017 tại Nhiệt Đới. Do chủ động được các phương án trong điều trị nên tình trạng quá tải ở Nhiệt Đới không diễn ra. Hiện bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được chăm sóc tại khoa Nhiễm D và (2 khoa) Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn – Trẻ em.
Tình hình tương tự đang diễn ra tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết cho hay: “Nếu những tháng trước chỉ 30 đến 40 ca thì nay đã có 80 đến 90 ca sốt xuất huyết nhập viện trong một tuần. So với cùng kỳ tháng 7 năm ngoái, bệnh tăng gần gấp đôi, số ca bệnh nặng cũng nhiều hơn”.
Trong tổng số gần 2.000 trẻ phải nhập viện vì mắc bệnh thì có tới 45% trẻ được chuyển đến từ các tỉnh. Mỗi ngày tại khoa Sốt xuất huyết đang điều trị khoảng hơn 100 bệnh nhi, bệnh đông nên tình trạng quá tải “nhẹ” đã xảy ra, một số trẻ phải nằm ghép. Từ đầu năm đến nay có 3 trẻ tử vong do sốt xuất huyết tại Nhi Đồng 1.
BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay, sở đang chỉ đạo các đơn vị từ dự phòng đến điều trị chủ động các phương án phòng chống dịch sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, năm nay sốt xuất huyết đến sớm, ca bệnh tăng nhanh đang gây ra những khó khăn nhất định cho ngành y tế thành phố. Bên cạnh những khuyến cáo đến cộng đồng chủ động các phương án vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng muỗi đốt... BS Hữu Hưng cho biết ngành y tế thành phố sẽ phối hợp với chính quyền địa phương xử phạt nghiêm những điểm gây phát sinh muỗi.
Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết đứng thứ 2 cả nước
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, năm nay SXH Hà Nội đến sớm. Số ca mắc trong 7 tháng đầu năm đã lớn hơn ca mắc SXH trong cả năm trước đó.Trong khi đó, tháng 9 đến tháng 11 là mùa cao điểm của SXH ở Hà Nội.
Trong 10 năm trở lại đây SXH tại Hà Nội tăng cao vào năm 2009 với 16.090 ca mắc, 4 tử vong; năm 2015 với 15.412 ca mắc; còn lại trung bình mỗi năm ghi nhận từ 5.000 đến 6.000 trường hợp mắc.
Còn năm nay, đến thời điểm này Hà Nội đã ghi nhận gần 8.000 bệnh nhân SXH, 04 trường hợp tử vong. Các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là Đống Đa (1.610), Hoàng Mai (1.562), Hai Bà Trưng (648), Hà Đông (474), Thanh Trì (466), Cầu Giấy (464), Ba Đình (418), Nam Từ Liêm (257), Thanh Oai (253), Thường Tín (232), Hoàn Kiếm (189).
Hàng năm số mắc ghi nhận rải rác từ đầu năm và thường bắt đầu gia tăng từ tháng 7, tháng 8, sau đó tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 11. Tuy nhiên năm 2017, dịch đến sớm từ đầu tháng 5 và gia tăng nhanh trong các tháng 6 và tháng 7.
Theo ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, tính đến hiện tại, tính theo số mắc tuyệt đối Hà Nội đứng thứ 2 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh); tính số mắc trên 100.000 dân thì Hà Nội đứng thứ 19 trong cả nước (đứng đầu là Đà Nẵng sau đó đến Bình Dương, Khánh Hòa và thành phố Hồ Chí Minh…).
Dịch bệnh tăng cao khiến các bệnh viện quá tải, nhất là tại BV tuyến Trung ương. Như tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai nơi lượng bệnh nhân đến khám đông các bác sĩ đều phải làm tăng cường, bắt đầu khám từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Các bộ phận liên quan đến công tác khám bệnh phải làm việc thêm cả thứ 7, chủ nhật.
Dù đưa ra chỉ định nhập viện chặt chẽ nhưng các bệnh viện vẫn rất quá tải bởi số bệnh nhân xin nhập viện đông.Như tại khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) phải nằm ghép 2 – 3 người/giường.BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương dành toàn bộ cơ sở 1 ở Giải Phóng cho bệnh nhân SXH.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo người dân khi sốt cao nên đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán SXH. Trong 3 ngày đầu tuân thủ hướng dẫn hạ sốt của bác sĩ, theo dõi tại nhà, không nên cố xin nhập viện bởi trong 3 ngày này, dấu hiệu sốt là chủ yếu, vào viện bác sĩ cũng chỉ kê hạ sốt.
Chỉ khi nào xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo thì đến viện khám ngay để được chẩn đoán, điều trị.
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội năm nay đến sớm và diễn biến phức tạp, theo nhận định trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố có thể tiếp tục gia tăng, do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu là giám sát phát hiện người bệnh, tuyên truyền, tổ chức diệt muỗi và diệt bọ gậy.
Nam Định tập trung phòng chống dịch sốt xuất huyết
Thời gian gần đây, bệnh sốt xuất huyết gia tăng đột biến tại tỉnh Nam Định. Ngành Y tế tỉnh cùng các đơn vị, địa phương liên quan đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết có chiều hướng lan rộng.
Số ca bệnh tăng nhanh
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định Khương Thành Vinh, Nam Định là một trong những địa phương ở miền Bắc có số người mắc bệnh sốt xuất huyết cao.Thông thường hàng năm trên địa bàn tỉnh chỉ ghi nhận trên 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Năm 2016, Nam Định chỉ có 173 ca mắc sốt xuất huyết nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình sốt xuất huyết tại Nam Định tăng đột biến, càng gần mùa mưa, số người nhiễm bệnh càng cao.
Theo thống kê, từ tháng 1 đến tháng 5, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 22 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là người địa phương đi làm ăn tại Hà Nội và các tỉnh miền Nam bị bệnh trở về Nam Định.
Tuy nhiên, từ tháng 6 đến ngày 27/7, Nam Định đã ghi nhận 451 bệnh nhân sốt xuất huyết tại 126 xã, phường ở tất cả 10 huyện, thành phố; trong số đó có tới 70% các trường hợp mắc bệnh tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam trở về Nam Định điều trị. Hiện trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào tử vong.
Tại Nam Định hiện đã phát hiện các ổ dịch tại các phường: Văn Miếu, Cửa Bắc, Trần Quang Khải, Phan Đình Phùng (TP Nam Định) và xã Nam Mỹ (huyện Nam Trực). Các địa phương có số người mắc bệnh sốt xuất huyết cao là: TP Nam Định, các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Nam Trực, Vụ Bản.
Nhận định về tình hình dịch, ông Khương Thành Vinh cho rằng, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại tỉnh Nam Định là rất cao. Điều này được minh chứng thông qua kết quả giám sát phát hiện các yếu tố phát sinh dịch trên địa bàn tỉnh ở mức báo động.
Trong số 100 dụng cụ chứa nước tại các hộ được kiểm tra, có tới 48 dụng cụ có chứa bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Aedes aegypti (còn gọi là muỗi vằn). Hơn nữa hiện đang là mùa mưa, điều kiện thời tiết thuận lợi nên số ca sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng nếu không có các biện pháp quyết liệt, kịp thời và sự chung tay vào cuộc của cộng đồng.
Phòng chống dịch dựa vào cộng đồng
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, ông Khương Thành Vinh cho biết, ngành y tế tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, trong đó chú trọng công tác giám sát, phát hiện bệnh nhân nghi mắc sốt xuất huyết để điều trị, cách ly và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức tập huấn về hướng dẫn giám sát và các biện pháp phòng, chống dịch cho tất cả cán bộ y tế tuyến huyện, thành phố và xã, phường có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các huyện, thành phố tổ chức 35 đợt điều tra véc tơ truyền bệnh tại các ổ dịch và ở các xã, phường có nguy cơ phát sinh dịch sốt xuất huyết; tổ chức dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thác, nước thải tại cộng đồng; phun 5 đợt hóa chất phòng dịch tại những nơi xảy ra ổ dịch…
Từ thực tế công tác phòng, chống dịch thời gian qua, ông Khương Thành Vinh khẳng định: Phòng, chống dịch sốt xuất huyết một cách hiệu quả nhất phải dựa vào cộng đồng và từ ý thức của người dân.
Do đó, thời gian tới Sở Y tế Nam Định đề nghị các địa phương tiếp tục duy trì, phát động chiến dịch người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị trọng điểm về sốt xuất huyết; tham mưu các cấp, các ngành xử phạt các cá nhân, tập thể không hợp tác trong phòng, chống sốt xuất huyết.
Nhằm điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã xây dựng phương án giảm quá tải bệnh viện tuyến trên khi có dịch bùng phát; không ghép giường đối với các ca bệnh truyền nhiễm; xây dựng các thông điệp truyền thông về phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, một số kiến thức cơ bản về phòng bệnh sốt xuất huyết.
Cùng với đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn về các phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân.
Theo ông Khương Thành Vinh, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Vi rút này không lây trực tiếp từ người sang người mà truyền bệnh từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn đốt. Muỗi vằn thường hút máu vào ban ngày, thời gian hút máu nhiều nhất là lúc sáng sớm và chiều tối.
Nhìn bằng mắt thường muỗi vằn mình nhỏ, đen, thân và chân có những đốm trắng.Muỗi thường đậu ở nơi tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn và các đồ dùng. Muỗi đẻ trứng ở rãnh nước, ao hồ, các dụng cụ chứa nước trong gia đình như: Chum, bể nước, vại, lọ hoa, chậu cây cảnh hoặc đồ phế thải có chứa nước như lốp xe, vỏ dừa…
Người bị mắc sốt xuất huyết có các biểu hiện như sốt, thoát huyết tương, giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng… Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ông Khương Thành Vinh cũng khuyến cáo, không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết.Vì vậy, người dân nên đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước.
Các gia đình cũng cần loại bỏ các vật liệu phế thải như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ; treo màn khi ngủ, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Các trường hợp khi có các biểu hiện bệnh sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.
Giả chữ ký để trục lợi BHYT, bác sĩ tự nhận cảnh cáo
Kết quả kiểm tra tại Trạm y tế xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An, cho thấy trạm này đã lập nhiều bảng kê chi phí khám chữa bệnh, đơn thuốc nhưng trên thực tế không có người bệnh.
Chiều 28-7, bà Nguyễn Thị Hương, giám đốc Trung tâm y tế huyện Anh Sơn, cho biết tại cuộc họp kiểm điểm, ông Lê Trung Tiến, trạm trưởng Trạm Y tế xã Tường Sơn, tự nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo liên quan đến một số sai phạm trong công tác khám, chữa bệnh và cấp thuốc bảo hiểm y tế (BHYT).
5 cán bộ, nhân viên y tế khác của trạm này cũng tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách.
Bà Hương cho hay do hiện nay đoàn thanh tra vẫn tiếp tục giám định lại việc khám, chữa bệnh BHYT tại trạm này từ năm 2016 đến tháng 3-2017 nên trung tâm chưa đưa ra hình thức xử lý cuối cùng.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội Nghệ An phát hiện tại trạm y tế xã Tường Sơn 15 tờ mẫu 03 (bảng kê chi phí khám chữa bệnh tại trạm y tế phường, xã) không có chữ ký của người có thẻ BHYT.
169 tờ mẫu 03 có chữ ký một người có thẻ BHYT ký cho nhiều người (2 đến 4 người) để đề nghị thanh toán BHYT.
Trong 169 tờ mẫu này này có 70 người là thực tế có đi khám, số còn lại không trực tiếp đi khám mà nhờ người cầm thẻ BHYT đến trạm để xin cấp phát thuốc.
Bảo hiểm xã hội Nghệ An cũng phát hiện 55 tờ mẫu 03 được nhân viên Trạm y tế Tường Sơn giả mạo chữ ký của người có thẻ BHYT. Trên thực tế không có người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh và nhận thuốc nhưng nhân viên y tế của trạm đưa vào thanh toán BHYT.
Các trường hợp trên dù không đúng quy định, không đúng đối tượng nhưng đều được Trạm Y tế xã Tường Sơn cấp thuốc và đưa lên hệ thống đề nghị BHXH tỉnh Nghệ An thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Nghệ An, đây là một hình thức trục lợi BHYT của Trạm y tế cơ sở.
Với những sai phạm này, Bảo hiểm xã hội Nghệ An không chấp nhận quyết toán đối với toàn bộ chi phí khám chữa bệnh BHYT của 70 trường hợp do Trạm y tế Tường Sơn lập với tổng số tiền hơn 5 triệu đồng gồm 55 trường hợp giả mạo chữ ký và 15 trường hợp không có chữ ký người bệnh.
Khởi tố vụ trẻ mắc sùi mào gà
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170728/khoi-to-vu-tre-mac-sui-mao-ga/1359949.html
Cơ quan công an cho rằng việc hàng loạt trẻ bị sùi mào gà sau khám, chữa chứng hẹp bao quy đầu tại phòng khám của bà Hiền là vụ việc rất nghiêm trọng, cần khởi tố để điều tra.
Theo đại tá Đỗ Đình Hào, giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, sáng 28-7, Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ vi phạm quy định khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc và dịch vụ y tế khác tại phòng khám của y sĩ Hoàng Thị Hiền, ở thôn Yên Vĩnh xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
Trong thời gian từ 1-5 đến nay, đã có khoảng 80 trẻ em ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên mắc sùi mào gà sau khi khám, điều trị chứng hẹp bao quy đầu tại cơ sở chui của bà Hiền.
UBND tỉnh Hưng Yên cũng vừa xử phạt bà Hiền 100 triệu đồng do cơ sở khám chữa bệnh không phép, hành nghề quá phạm vi cho phép và bán thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh.
Ngày 27-7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có cuộc làm việc với Bộ Y tế, Sở Y tế Hưng Yên thúc đẩy giải quyết vụ việc.
Nhiễm khuẩn ở phòng khám, bệnh viện
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170728/nhiem-khuan-o-phong-kham-benh-vien/1359715.html
Chỉ trong gần 3 tháng qua, đã có trên 50 trẻ dưới 15 tuổi, trong đó cháu nhỏ nhất mới 6,5 tháng tuổi ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên, đều mắc một chứng bệnh lây qua đường tình dục: bệnh sùi mào gà.
Theo các bác sĩ, với nhiều loại bệnh, khi điều trị cho các cháu, nếu y bác sĩ sử dụng chung găng tay khi thăm khám cho nhiều trẻ hoặc dùng chung dụng cụ y tế chưa được tiệt khuẩn thì rất dễ bị lây nhiễm. Và nguy cơ lây bệnh không chỉ ở các phòng khám, mà ngay cả bệnh viện. Có nhiều căn bệnh lây qua đường hô hấp, lây qua tiếp xúc...
Càng đông, càng lây
Vụ dịch sởi năm 2014 làm gần 150 trẻ em tử vong là một điển hình của tình trạng lây lan bệnh dịch trong bệnh viện. Lật lại vụ việc cho thấy riêng ngày 17-4-2014, tại Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) có 33 bệnh nhi được chuyển từ các khoa khác đến điều trị sởi do bị lây từ mầm bệnh trong bệnh viện, cao hơn 6 lần so với trẻ mắc sởi từ cộng đồng vào viện cùng ngày (5 trẻ).
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, các bệnh lây qua đường hô hấp như sởi, cúm, lao là những bệnh dễ lây nhất. Bệnh lây qua tiếp xúc như viêm gan, HIV, các bệnh nhiễm khuẩn thông thường cũng có thể lây lan nếu dùng chung một đôi găng tay cho nhiều người bệnh, mà một trong số đó có mầm bệnh.
“Càng đông người bệnh càng nguy cơ cao, nguyên tắc là mỗi khi chạm vào người bệnh, đặc biệt là người bệnh nặng đều phải rửa tay”- ông Khoa cho hay.
Dùng một đôi găng tay khám vài người
Các khảo sát nhỏ gần đây cho thấy khoảng 1/3 nhân viên y tế không rửa tay trước khi chăm sóc người bệnh. Trong số nhân viên có tuân thủ yêu cầu rửa tay, bác sĩ lại là nhóm ít tuân thủ nhất. Một chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cho biết quy trình thăm khám cho mỗi người bệnh cần một đôi găng tay, nhưng có tình trạng bác sĩ khám vài người bệnh mới thay một đôi.
“Khi bác sĩ đã đeo găng tay thì về bản chất họ không ngại chạm vào các chỗ bẩn, và nếu bàn tay đeo đôi găng bẩn đó thăm khám cho người bệnh khác thì vô tình bàn tay bác sĩ đã đưa vi khuẩn từ người này sang người kia, làm lây lan bệnh” - chuyên gia này cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, BS Dương Đức Hùng - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - nhận xét khu vực công lập sẽ đảm bảo yêu cầu về chống nhiễm khuẩn tốt hơn các phòng khám tư, do đầu tư thiết bị chống nhiễm khuẩn tốt hơn.
Ông Hùng cho hay hiện đã có đơn vị phẫu thuật tim mạch thuộc Viện Tim mạch quốc gia thuộc Bệnh viện Bạch Mai sử dụng hoàn toàn áo dùng một lần trong phòng mổ, do lo ngại máu người bệnh HIV hay viêm gan B dính vào áo vải có thể giặt không sạch, có nguy cơ nhiễm khuẩn sang người bệnh.
"Ngay cả ống nghe treo ở giường bệnh cũng đánh số giường nào ống nghe ấy, vì khi đặt ống nghe lên ngực người bệnh khác thì có thể mang vi khuẩn từ người bệnh đã dùng trước đó, trong khi bệnh nhân có vết mổ trên ngực" - BS Hùng nói.
Người Việt mắc viêm gan vi rút gấp 40 lần tỉ lệ nhiễm HIV
Việt Nam là một trong ba quốc gia ở Khu vực Tây Thái Bình Dương có số người nhiễm vi rút viêm gan B và C mạn tính cao nhất. Ước tính nước ta có khoảng 8,7 triệu người bị viêm gan B và 1 triệu người bị viêm gan C, gấp gần 40 lần số người nhiễm HIV.
Căn nguyên gây xơ gan, ung thư gan
Tại lễ mít ting hưởng ứng ngày viêm gan thế giới diễn ra chiều 28/7 do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức y tế thế giới tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, dù tỷ lệ hiện mắc viêm gan B và viêm gan C có xu hướng giảm dần do tác động của công tác dự phòng tuy nhiên số người mắc xơ gan, ung thư gan và tử vong do viêm gan B và viêm gan C vẫn tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới làm tăng gánh nặng chăm sóc y tế, chi phí khám, chữa bệnh.
Viêm gan vi rút không là vấn đề của riêng Việt Nam, hiện đang là vấn đề y tế toàn cầu đòi hỏi cần có sự đáp ứng khẩn cấp.
Theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2015 có khoảng 1,34 triệu người chết do viêm gan vi rút, tương đương với số người tử vong do bệnh lao và cao hơn số người tử vong do vi rút HIV.
Hầu hết các trường hợp tử vong do viêm gan vi rút vào năm 2015 là do bệnh gan mãn tính (720.000 ca tử vong do xơ gan) và ung thư gan nguyên phát (470.000 ca tử vong do ung thư tế bào gan).
Hiện nay, số ca tử vong do viêm gan vi rút đang gia tăng theo thời gian, trong khi đó tỷ lệ tử vong do lao và HIV có xu hướng giảm.
Tại lễ mít ting, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, bệnh viêm gan vi rút B hoàn toàn có thể phòng ngừa chủ động bằng vắc xin và có thuốc điều trị hiệu quả, làm chậm quá trình tiến triển đến xơ gan và giảm tỷ lệ mắc ung thư gan và cải thiện tỷ lệ sống sót lâu dài.
Trong khi đó, viêm gan C dù chưa có vắc xin dự phòng, nhưng việc điều trị viêm gan vi rút C đã có những tiến bộ vượt bậc, với tỉ lệ trên 90% người mắc viêm gan vi rút C được điều trị khỏi trong vòng 3 – 6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận với các thuốc mới này vẫn còn khó khăn đối với rất nhiều người bệnh mắc viêm gan C do chi phí điều trị viêm gan vi rút C còn cao.
Tăng cường giám sát giảm viêm gan
Theo PGS Khuê, hiện Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh viêm gan vi rút B, viêm gan vi rút C phù hợp với khuyến cáo của thế giới bảo đảm an toàn, hiệu quả khi điều trị.
Tuy nhiên, bệnh do viêm gan vi rút B, C diễn biến âm thầm, thường chỉ được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. “Vì thế, việc chủ động xét nghiệm để phát hiện sớm nhất là những người có nguy cơ là rất quan trọng”, PGS Khuê nói.
Vì thế, việc nâng cao năng lực trong xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị cũng được tập trung.
PGS Khuê cho biết thêm, Bộ Y tế cùng các đơn vị liên quan đã và đang nỗ lực để dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút B, viêm gan vi rút C và xây dựng các chính sách và đàm phán, vận động từ nguồn BHYT để người bệnh tăng thêm cơ hội tiếp cận thuốc điều trị viêm gan vi rút.
“Ý nghĩa của việc điều trị không chỉ mang tính chất cá nhân chữa cho từng người bệnh, ngăn ngừa xơ gan, ung thư gan và tử vong mà còn để ngăn ngừa lây truyền viêm gan B và C trong cộng đồng”, PGS Khuê nhấn mạnh.
Nhân ngày Viêm Gan thế giới, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân Việt Nam hãy biết bảo vệ mình và gia đình mình khỏi căn bệnh viêm gan vi rút, hãy đảm bảo thế hệ con cháu chúng ta không bị viêm gan B bằng việc đưa trẻ đi tiêm phòng viêm gan B đầy đủ, đúng lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng. Chủ động thực hiện xét nghiệm kiểm tra viêm gan vi rút để được điều trị sớm.
Các thầy thuốc, hãy bảo đảm người bệnh được cung cấp dịch vụ an toàn tránh lây nhiễm trong trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. WHO đưa ra thông điệp khuyến cáo gồm:
- Loại trừ viêm gan: hãy phòng lây nhiễm
- Loại trừ viêm gan: hãy xét nghiệm
- Loại trừ viêm gan: tiêm an toàn
- Loại trừ viêm gan: hãy điều trị
Vụ hơn trăm công nhân nhập viện sau khi ăn cari gà: 40 công nhân đang nằm viện
Sau khi ăn trưa với cari gà bánh mì 150 công nhân của công ty Wondo Vina có triệu chứng ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu, sau 2 ngày điều trị 40 công nhân đang phải ở lại bệnh viện.
Sáng 28/7, bác sĩ Nguyễn Văn Bé giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết số công nhân của công ty TNHH MTV Wondo Vina nhập viện cấp cứu vào chiều ngày 26/7, với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm đã được điều trị và đã xuất viện. Hiện tại còn khoảng 40 công nhân đang được theo dõi tiếp tục điều trị tại bệnh viện.
Cùng ngày bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết trong ngày 26/7 có 13 công nhân được Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo chuyển đến và trong sáng nay số công nhân này đã được xuất viện.
Như Dân trí đã thông tin tối ngày 26/7 có hàng trăm công nhân của công ty TNHH Một thành viên Wondo Vina (vốn đầu tư của Hàn Quốc, chuyên sản xuất áo lạnh xuất khẩu) có trụ sở tại ấp Tân Bình, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo cấp cứu trong đó có nhiều công nhân ngất xỉu.
Các công nhân cho biết sau khi ăn trưa với món cà ri gà, bánh mì thì có nhiều công nhân xuất hiện các triệu chứng như: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy….Trong số 150 công nhân bị ngộ độc thì có 4 công nhân đang mang thai.
Hiện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Tiền Giang đã cùng cơ quan chức năng lấy mẫu thức ăn nghi ngờ gây ra vụ ngộ độc thực phẩm để kiểm nghiệm tìm nguyên nhân. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Tiền Giang thì công ty TNHH Bảy Thơ (quận Tân Phú, TP. HCM) là đơn vị cung cấp thức ăn cho công ty Wondo Vina.
Đà Nẵng: Xuất hiện 3 trường hợp ngộ độc cá nóc
http://antt.vn/da-nang-xuat-hien-3-truong-hop-ngo-doc-ca-noc-203705.htm
3 bệnh nhân nhập viện với dấu hiệu ngộ độc thực phẩm: Hoa mắt, chóng mặt, cảm giác tê nhiều ở vùng lưỡi, cổ họng cứng, nuốt khó, nôn mửa do ngộ độc cá nóc. May mắn cả 3 được cứu chữa kịp thời.
Ngày 28/7, tin nhanh từ đại diện Khoa Cấp Cứu - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết, vừa cứu chữa thành công 3 bệnh nhân trong một gia đình cùng trú tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng bị ngộ độc cá nóc.
Cả 3 nhập viện cấp cứu với các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm: Hoa mắt, chóng mặt, cảm giác tê nhiều ở vùng lưỡi, cổ họng cứng, nuốt khó, nôn mửa. Trước đó, họ có ăn cá nóc và bị ngộ độc.
Tại Khoa Cấp Cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, các y bác sĩ đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, điều trị bằng các loại thuốc chống độc, và thực hiện xét nghiệm cần thiết. Không lâu sau đó, các bệnh nhân đã có tiến triển tốt, hiện đang được điều trị tại Khoa Hồi Sức để được theo dõi.
Bác sĩ Lâm Trọng Cơ – Trưởng Khoa Cấp Cứu cho biết: ”Trong những năm gần đây, số ca nhập viện do ngộ độc cá nóc đã giảm do nhận thức của người dân về loài cá này đã tăng lên, tuy nhiên vẫn còn vài trường hợp ngộ độc nhập viện do sử dụng cá nóc. Bệnh viện khuyến cáo người dân, đặc biệt là ngư dân tuyệt đối không chế biến và sử dụng cá nóc làm thực phẩm”.
Được biết, độc của cá nóc là chất tetrodotoxin là độc tố thần kinh cực độc, gấp 1200 lần cyanua, có thể gây chết người chỉ sau 10 phút. Chính vì vậy, tùy tiện chế biến và sử dụng cá nóc là hành động rất nguy hiểm cho tính mạng của bản thân và người nhà. Để có thể chế biến cá nóc, các đầu bếp chuyên nghiệp phải trải qua 2-3 năm đào tạo trước khi được phép chế biến món ăn “tử thần” .
Mắc bệnh lạ, 13 người nói nhảm, nhảy múa suốt ngày
http://dantri.com.vn/suc-khoe/mac-benh-la-13-nguoi-noi-nham-nhay-mua-suot-ngay-2017072809124027.htm
13 người ở bản Ỏ, xã Chiềng Ngần, TP Sơn La, tỉnh Sơn La bỗng nhiên mắc chứng bệnh lạ, cười nói lảm nhảm, chửi bới vô cớ, chỉ uống nước thay cơm.
Điều lạ là những người bị sau đều có thời gian tiếp xúc với người bị trước.
Chị Biên (SN 1976), sau một lần bị đau đầu có biểu hiện khác thường, cười nói lảm nhảm, chửi bới vô cớ, chỉ uống nước thay cơm.
Anh Cà Văn Hoàn - chồng chị đã làm đủ cách nhưng chị Biên vẫn không có dấu hiệu tỉnh táo trở lại.
"Không chỉ có chị Biên, một số người họ hàng khi tiếp xúc với chị cũng mắc căn bệnh lạ tương tự. Tất cả đều phải có người trông nom, nếu không họ sẽ chạy vào rừng rất khó tìm về.
Có trường hợp sợ xảy ra chuyện không may nên người thân đã xích lại" - anh Hoàn nói.
Trường hợp anh Lò Văn Hưng (20 tuổi) là đặc biệt nhất.Sau 1 lần gọi điện thoại nói chuyện với bạn là Cà Văn Tươi (con trai bà Biên), anh Hưng cũng có biểu hiện nói nhảm, nhảy múa, hát hò suốt ngày đêm.
Triệu chứng chung của những người này là không chịu ăn cơm, không kiểm soát được bản thân, nói nhảm, múa may, hát hò liên tục.
Hiện tượng chưa từng xảy ra ở bản
Ông Lò Văn Phong, trưởng bản Ỏ cho biết: Trong 13 người có biểu hiện lạ thì có 4 người bị nặng, gồm Cà Thị Biên, Cà Văn Hoàn, Cà Thị Hoán, Cà Thị Hôm, 9 người bị nhẹ hơn giờ đã khỏi. Ông Phong cho hay hiện tượng này chưa từng xảy ra ở bản, nên nhiều người lo lắng.
Chị Tòng Thị Phong, trưởng trạm y tế xã Chiềng Ngần thông tin: Ngay sau khi nhận được thông tin, trạm y tế xã đã cử cán bộ xuống tận nơi kiểm tra nhưmg vẫn chưa thể kết luận được những người này mắc bệnh gì, mới chỉ nhận định ban đầu là bà con mắc bệnh hoang tưởng. Chúng tôi đang vận động người nhà đưa bệnh nhân lên BV tỉnh khám và điều trị.Đến nay đã vận động được 2 gia đình.
Theo ông Lò Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần, các ban ngành, đoàn thể của xã đã xuống xác minh, khuyên bảo các gia đình đi kiểm tra tại các cơ sở y tế.
"Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân, có giải pháp chữa trị cho người bệnh, giúp bà con ổn định cuộc sống", ông Phúc nói.
Bác sĩ khám, kê đơn trong vòng... 1-3 phút
http://dantri.com.vn/suc-khoe/bac-si-kham-ke-don-trong-vong-1-3-phut-20170728063224005.htm
Một số phòng khám đa khoa tiếp nhận hàng ngàn lượt khám bệnh mỗi ngày, có bác sĩ (BS) khám trên 100 bệnh nhân mỗi ngày, trong đó có những bệnh nhân được khám, kê đơn trong vòng 1-3 phút.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2017, 56 tỉnh đã chi vượt mức quỹ khám chữa bệnh trên 8.480 tỉ đồng. Các tỉnh có số chi vượt quỹ lớn là Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Tĩnh.
Nguyên nhân chi vượt quỹ là do đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tăng và có tình trạng một số cơ sở khám chữa bệnh trục lợi BHYT. Cụ thể, nhiều cơ sở chỉ định vào điều trị nội trú hoặc kéo dài ngày nằm viện quá mức cần thiết, nhiều trạm y tế tuyến xã, bệnh viện tuyến huyện chỉ định nằm viện 3-5 ngày với các bệnh lý như viêm họng cấp, mụn, mẩn ngứa, viêm chân răng, vết thương nông phần mềm…
Cạnh đó, ngày điều trị bình quân tại các bệnh viện chuyên khoa Lao toàn quốc là 17,2 ngày, thì tại Tuyên Quang, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Hà Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, số ngày điều trị nhiều gấp 1,5 đến trên 2 lần. Ngày điều trị bình quân ở bệnh nhân lao phổi tại BV Phạm Ngọc Thạch - Quảng Nam, Lao và Bệnh phổi - Sơn La, Lao và Bệnh phổi - Tuyên Quang gấp sáu lần BV phổi Trung ương, chi bình quân gấp 1,5-2 lần.
Ngoài ra, một số cơ sở khám chữa bệnh tách nhiều hồ sơ thanh toán trong một đợt điều trị ngoại trú để tính thêm tiền khám bệnh, tăng số lượt để giảm mức chi bình quân đồng thời người bệnh không phải cùng chi trả.Một số phòng khám đa khoa tiếp nhận hàng ngàn lượt khám bệnh mỗi ngày, có bác sĩ khám trên 100 bệnh nhân trong ngày, trong đó có những bệnh nhân khám, kê đơn trong vòng 1-3 phút.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng mặc dù đơn vị cung cấp các giải pháp kỹ thuật để các cơ sở khám chữa bệnh có thể quản lý thông tuyến, khai thác các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh từ lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh, nhưng tình trạng chỉ định trùng lặp, chỉ định đồng loạt cận lâm sàng và đặc biệt là chỉ định quá mức cần thiết vẫn diễn ra tại nhiều cơ sở y tế.
Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương làm rõ phản ánh trẻ sơ sinh tử vong tại BVĐK Phú Quốc
Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Kiên Giang khẩn trương xác minh thông tin phản ánh trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện đa khoa Phú Quốc
Trước thông tin trên báo chí phản ánh sự việc một trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, ngày 27/7, Bộ Y tế đã có công văn số 4231/BYT-BM-TE đề nghị Sở Y tế tỉnh Kiên Giang khẩn trương xác minh thông tin báo đăng.
Trong khi chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng về trường hợp tử vong, cần sớm họp hội đồng chuyên môn đánh giá về quá trình chăm sóc, theo dõi và xử trí đối với sản phụ và trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc để có kết luận và hướng giải quyết cũng như trà lời gia đình và công luận. Kết quả giải quyết báo cáo vể Bộ Y tế trước ngày 1/8/2017.
Trước đó, thông tin trên báo chí phản ánh sự việc trẻ sơ sinh, con của sản phụ D.T.L (36 tuồi) tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo nội dung bài báo, anh H.V.T - chồng chị L. cho biết, khoảng 6h15 ngày 16.7, anh T. đưa vợ tới Bệnh viện đa khoa Phú Quốc để sinh con.
Khi vào viện, vợ anh được hướng dẫn đưa đi siêu âm, nhưng các nhân viên y tế bảo vợ chồng anh chờ họ ăn sáng xong mới làm việc. Khoảng gần 1 giờ đồng hồ sau đó, các nhân viên y tế trở vào thì phát hiện vợ anh T. đã vỡ ối, còn cháu bé đã sắp lọt ra ngoài. Lúc này, phía bệnh viện xác định đã quá muộn nên cho chị L. sinh thường.
Trong quá trình sinh, phát hiện cháu bé có nguy cơ suy hô hấp do dây rốn quấn 3 vòng quanh cổ, ê kíp sinh đã quyết định chuyển sang mổ cấp cứu. Sau khi mổ xong, thấy con yếu, anh T. đề nghị cho chuyển vợ con lên bệnh viện tỉnh nhưng phía bệnh viện từ chối. Đến khi thấy cháu bé nguy kịch, nơi này cho chuyển viện nhưng vừa ra đến bến tàu cháu bé đã tử vong.
Anh T. cho biết thêm trong quá trình mang thai, vợ anh có đến nhà thuốc kiêm phòng mạch treo bảng hiệu “bác sĩ Tấn” ở khu phố IV, thị trấn Dương Đông để siêu âm 4 lần. Cả 4 lần, nơi này đều khẳng định thai nhi “khỏe mạnh bình thường”. Về sự việc này, BS Trương Văn Hữu, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Quốc (Kiên Giang) khẳng định, đơn vị này đã thực hiện đúng quy trình chuyên môn khi tiếp nhận sản phụ D.T.L, còn cháu bé sơ sinh con chị L. qua đời sau khi sinh là tai biến sản khoa bất khả kháng.
BS Trương Văn Hữu cũng cho biết, theo hồ sơ bệnh án, chị L. được các bác sĩ thăm khám chẩn đoán như sau: con lần 4, thai 38 tuần, ngôi mông (thai ngược), xét nghiệm huyết học, sinh hóa, nước tiểu… Từ lúc chị L. vào viện đến lúc tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho cháu bé là 50 phút. Trong lúc sinh, phát hiện tai biến dây rốn quấn cổ khiến thai nhi suy hô hấp nên kíp sinh đã tiến hành phẫu thuật khẩn cấp để cứu cháu bé và sản phụ.
Ê kíp sinh đã thực hiện đúng quy trình chuyên môn. Còn chuyện từ chối không cho chuyển viện là do sau khi phẫu thuật phải tiến hành đồng thời cả quy trình hồi sức sản và hồi sức nhi sơ sinh. Hơn nữa, thời điểm sau khi tiến hành ca mổ xong cũng không có tàu vào đất liền vì đã quá giờ chuyến tàu cuối cùng xuất bến.
BS Hữu cũng khẳng định Bệnh viện đa khoa Phú Quốc không được biết kết quả siêu âm của “bác sĩ Tấn” và “bác sĩ Tấn” này cũng không công tác tại bệnh viện.
Quảng Ninh: Cấp cứu 5 trẻ đuối nước từ đầu hè
http://dantri.com.vn/suc-khoe/cap-cuu-5-tre-duoi-nuoc-tu-dau-he-20170728061018646.htm
Theo bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh, chỉ từ đầu hè đến nay bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị tới 5 trường hợp trẻ bị đuối nước đều do bất cẩn từ phía gia đình trong quá trình trông giữ trẻ.
Đơn cử, chỉ trong ngày 24/7/2017, Khoa Hồi sức cấp cứu thuộc Bệnh viện đã tiếp nhận tới 2 trường hợp trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng bị đuối nước.
Đó là bé Lành Ánh N (20 tháng tuổi) thường trú tại Phường Hải Hòa, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, bị ngã xuống ao, không rõ thời gian đuối nước. Sau khi phát hiện, bé đã được cấp cứu tại chỗ và nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp do ngạt nước.
Mặc dù được chuyển đến bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh để thở máy, điều trị tích cực, an thần, kháng sinh dinh dưỡng đường tĩnh mạch nhưng đến nay, tiên lượng khả năng não của bé không hồi phục được do thiếu ôxy kéo dài gây tổn thương tế bào não.
Cùng ngày, bé Ngô Văn B.(6 tuổi), thường trú tại xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cùng nhập viện trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp, khó thở do đuối nước. Sau 2 ngày điều trị, hiện trẻ đã tỉnh, toàn trạng ổn định hơn, ăn tốt, tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu.
Phía gia đình của cả 2 cháu bé cho biết, thời gian trẻ ở nhà, do bận công việc nên không để ý các bé chơi, đến khi không thấy các bé đâu mới tá hỏa đi tìm. Mặc dù có thể thời điểm phát hiện các bé đều được sơ cứu nhưng đa số khi được đưa vào bệnh viện đều rơi vào tình trạng hôn mê, suy hô hấp…
Theo bác sĩ Hoàng Tùng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu ôxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động.
Bác sĩ Tùng cũng khuyến cáo các gia đình, khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ, tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn để con trong tầm quan sát của mình. Ngoài việc thường xuyên giám sát con cái, cha mẹ cần chủ động dạy trẻ em kỹ năng bơi lội và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước. Đồng thời giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông, suối khi không có sự canh chừng của người lớn.
BS Việt cứu BS Campuchia thoát cửa tử trong gang tấc
http://plo.vn/suc-khoe/bs-viet-cuu-bs-campuchia-thoat-cua-tu-trong-gang-tac-717805.html
Ngoài các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ, BS Chum Chetra (người Campuchia) còn chịu những cơn đau từ viêm cơ tim, áp xe đáy tim do nhiễm trùng...
Theo TS.BS Nguyễn Đình Khoa, Khoa nội cơ xương khớp, BV Chợ Rẫy TP.HCM, bệnh nhân đặc biệt vừa được các BS tại đây cứu sống là BS Chum Chetra, người Campuchia (31 tuổi) cùng lúc phải đối mặt với 3 căn bệnh nguy hiểm là lupus ban đỏ, nhiễm vi khuẩn kháng thuốc và áp xe ở đáy tim.
Ban đầu BS Chum Chetra sốt gần hai tháng, người mệt mỏi, hay đau bụng. Mặc dù là BS nhưng BS Chum Chetra cũng không hiểu được mình đang mắc bệnh gì. Do đó, anh đã sang Việt Nam, đến khám tại BV Nhân Dân 115. Tại đây, BS Chum được chẩn đoán bị lupus ban đỏ và được chuyển lên BV Chợ Rẫy.
Theo BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và đơn vị chống độc BV Chợ Rẫy, ban đầu bệnh nhân nói hay đau bụng nên được chuyển đến Khoa Tiêu hóa để thăm khám. Các BS đã chẩn đoán tại khoa bệnh nhân bị nhiễm trùng dịch báng do tụ cầu Staphylococcus đa kháng, dương tính với Lupus, trên cơ địa vốn đã suy yếu sức đề kháng của bác sĩ Chum Chetra, tụ cầu khuẩn này bắt đầu xâm nhập vào máu và từ đó tấn công vào cơ tim, van tim tạo thành mủ.
“Sau khi được chuyển lần lượt sang các khoa Phẫu thuật tim và xương khớp, kết quả cuối cùng xác định bệnh nhân mắc rất nhiều bệnh trong đó có viêm cơ tim, áp xe ở đáy tim, suy tim, nhồi máu não cũ. Chúng tôi dự đoán bệnh nhân khó tránh khỏi nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào vì bị sốc nhiễm trùng”, BS Khoa cho biết thêm.
Qua hội chẩn nhiều chuyên khoa, BV Chợ Rẫy nhận định tất cả các bệnh mà BS Chum Chetra mắc phải đều liên quan chặt chẽ đến các chuyên khoa sâu, nếu muốn phải điều trị một cách có chiến lược, giải quyết từng bệnh một. Theo bác sĩ Nguyễn Thái An – Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, BV Chợ Rẫy, quá trình giành lại sự sống cho BS Chum Chetra kéo dài hơn 3 tuần. Đầu tiên bệnh nhân trải qua ca phẫu thuật tim để lấy hết khối áp xe ra ngoài, sau đó dùng thuốc kháng sinh thích hợp để tiêu diệt hoàn toàn tụ cầu khuẩn đồng thời dùng kháng sinh cực mạnh để điều trị lupus ban đỏ hệ thống.
“Nếu chỉ tính riêng từng căn bệnh thì cũng đã rất khó khăn để điều trị. Chẳng hạn người bệnh đã suy giảm miễn dịch và còn viêm cơ tim nữa thì hồi sức cũng đã rất khó. Ngoài ra, trong một cơ thể gần như tàn tạ vì lupus ban đỏ đã làm suy yếu sức đề kháng, việc sử dụng kháng sinh mạnh là phải hết sức cân nhắc. Trong khi đó loại tụ cầu khuẩn Staphylococcus tấn công tim của bệnh nhân là loại vi khuẩn kháng thuốc”, BS Thái An nói.
Ngày 10-7, một nhóm các BS giỏi nhất của 3 chuyên khoa: Hồi sức phẫu thuật tim, Nội cơ xương khớp và Bệnh nhiệt đới – đơn vị chống độc của BV Chợ Rẫy đã cùng nhau thực hiện ca phẫu thuật nhằm ngăn chặn nguy cơ tử vong chắc chắn sẽ đến với BS Chum Chetra. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 6 giờ đồng hồ. 20 ngày sau, các BS BV Chợ Rẫy mới thở phào nhẹ nhõm khi biết chắc đồng nghiệp người Campuchia của mình đã đẩy lùi được cuộc tấn công dồn dập của các căn bệnh hiểm nghèo.
Hơn 5 giờ giành sự sống cho sản phụ băng huyết sau sinh nguy kịch
Một thai phụ trẻ chuyển đến bệnh viện trong tình trạng vỡ ối sớm, sa dây rốn, tiền sản giật… Sau khi sinh, người mẹ trẻ này bất ngờ băng huyết sau sinh, phù phổi, sản giật.Bệnh viện đã phát động quy trình báo động đỏ để cứu sống sản phụ “nghìn cân treo sợi tóc”này trong gang tấc.
Chiều 28.7, TS.BS Nguyễn Văn Châu - Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM), cho hay thai phụ trẻ T.M.T. (21 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) mang thai mới 36 tuần tuổi đã bất ngờ vỡ nước ối được gia đình chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.
Tại đây, qua kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ phát hiện thai phụ T. ngoài vỡ nước ối sớm còn bị huyết áp tăng cao, da trắng bệt, yếu…
Nhận thất tình trạng sức khỏe của thai phụ đang rất xấu, có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng, lập tức Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã phát động quy trình báo động đỏ toàn viện. Thai phụ T. được nhanh chóng chuyển vào phòng mổ.
Lúc này các bác sĩ phát hiện thai phụ T. bị sa dây rốn, tiền sản giật nặng, ngôi ngược (thai nhi ngược), thai nhi to, huyết áp cao (170/100 mmgHg), đạm trong nước tiểu 5g/L, tim thai rời rạc không ổn định.
Ngay lập tức ê kíp mổ đã phẫu thuật bắt con ra kịp thời. Một bé gái được chào đời, cân nặng đến 4 kg trong tình trạng khỏe mạnh. Tuy nhiên, bất ngờ sản phụ T. bị băng huyết, chảy máu ồ ạt, đe dọa phù phổi cấp, sản giật.
Sản phụ đứng trước tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc”, ê kíp các bác sĩ khoa sản cùng với các bác sĩ gây mê hồi sức đã nhanh chóng truyền máu, sử dụng thuốc, hồi sức… một cách khẩn trương kịp thời kéo dài liên tục trong hơn 5 giờ đồng hồ, cuối cùng sản phụ đã vượt qua cơn nguy kịch.
“Trải qua 5 giờ đồng hồ tích cực trong phòng mổ, sản phụ đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại tình trạng của sản phụ đã tỉnh táo, tử cung có khối an toàn, sản dịch bình thường, có thể ăn cháo và cho em bé bú”, bác sĩ Châu hồ hởi nói.
Bác sĩ Châu chia sẻ: “Trường hợp của chị T. là một trong những cấp cứu sản khoa có diễn biến phức tạp khó dự đoán truớc, có thể đe dọa tính mạng của sản phụ. Nhờ quy trình báo động đỏ toàn viện cấp cứu kịp thời, cùng ê kíp các bác sĩ khoa sản giàu kinh nghiệm đã kiểm soát tốt tình trạng của sản phụ, tránh nguy cơn đáng tiếc có thể xảy ra”.
Bóc tách khối u khổng lồ nặng 6kg ra khỏi ổ bụng người đàn ông
http://vov.vn/suc-khoe/boc-tach-khoi-u-khong-lo-nang-6kg-ra-khoi-o-bung-nguoi-dan-ong-652962.vov
Sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 tiếng, các bác sĩ đã bóc tách, đưa thành công khối u nặng hơn 6 kg ra khỏi ổ bụng của nam bệnh nhân.
Chiều tối ngày 28/7, thông tin từ Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết, bệnh viện vừa mổ, bóc tách đưa thành công một khối u có kích thước “khổng lồ” trong bụng một bệnh nhân nam ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương. Khối u được đưa ra ngoài với cân nặng lên đến 6kg.
Theo đó ông ông Nguyễn Tư Tr (56 tuổi, trú tại huyện Thanh Chương, Nghệ An), có tiền sử đau vùng dưới bụng (hạ vị), ăn kém, gầy sút cân, đi kèm triệu chứng bụng ngày càng phình to. Thời gian gần đây những cơn đau xuất hiện liên tiếp và kéo dài hơn. Lo lắng cho sức khỏe của mình nên ông Tr đã đến khám tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An để thăm khám.
Tại đây, qua thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có khối u kích thước rất lớn, chiếm gần hết ổ bụng, sau phúc mạc. Ông Tr. được các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa điều trị và chỉ định mổ cắt u.
Vào 8h30 ngày 27/7, ca phẫu thuật được tiến hành. Sau hơn 2 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy được khối u kích thước 40cm x 30cm x 8cm ra khỏi ổ bụng ông Tr qua đường mổ mở. Khối u nặng hơn 6kg.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Phong Lê - Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện HNĐK Nghệ An: "Dù trước đó đã tiên lượng đây là khối u kích thước lớn, có thể gây khó khăn trong quá trình phẫu thuật. Nhưng chúng tôi cũng không ngờ được về kích thước của khối u này trên thực tế.
Khối u chèn ép nội tạng, gây đè đẩy đại tràng trái và quai ruột sang phía bên phải và lên trên ổ bụng. Mẫu bệnh phẩm từ khối u sẽ được tiếp tục tiến hành sinh thiết tại khoa giải phẫu bệnh để có hướng điều trị tiếp theo phù hợp cho bệnh nhân”.
Hiện tại, bệnh nhân Tr đang được chăm sóc tích cực sau ca phẫu thuật./.
Tranh cãi về nghiên cứu 'ăn nhiều đường có hại thần kinh'
Một nghiên cứu khoa học công bố ngày 27/7 cho biết, đường không chỉ có hại cho răng lợi và vòng eo của bạn mà còn có hại đối với cả sức khoẻ thần kinh.
Tuy nhiên, kết luận này gây nhiều hoài nghi đối với một số chuyên gia khác.
Các nhà nghiên cứu tại trường University College London (UCL), Anh đã đưa ra kết luận trên khi so sánh lượng đường tiêu thụ của hơn 8.000 người Anh trong một thời gian dài.Theo đó, những người tham gia vào nghiên cứu - đa phần là giới nhân viên văn phòng - đã được kiểm tra định lượng trong giai đoạn từ năm 1985 - 1988 và trả lời bảng câu hỏi đánh giá sau đó vài năm. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích và tổng hợp dữ liệu từ nghiên cứu này về mối liên quan giữa lượng đường tiêu thụ và chứng "rối loạn thần kinh chung" (CMD) để chứng minh về phát hiện không được mong chờ này.
Nhóm nghiên cứu của trường UCL cũng phát hiện ra rằng việc tiêu hoá một lượng đồ ăn và đồ uống chứa nhiều đường ở nam giới sẽ gần như chắc chắn phát triển chứng CMD sau 5 năm, trong khi gây ra tác hại đồng thời tới sức khoẻ thần kinh của cả nam và nữ giới. Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports, UCL cũng cho rằng sử dụng ít đường sẽ tốt hơn cho sức khoẻ tâm thần.
Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Catherine Collins - người phát ngôn của Hiệp hội Dinh dưỡng Anh- lại cho rằng nhận định trên của UCL chưa được kiểm chứng thực tế. Theo bà, những vấn đề đối với nghiên cứu này, bao gồm sự tiêu thụ đường, là những số liệu tự xây dựng và không định lượng được chính xác lượng đường tiêu thụ trong các đồ uống. Bà cũng cho biết quan điểm của các nhà nghiên cứu trên đã tác động không tốt đến tâm lý người tiêu dùng về đường tự nhiên có trong thực phẩm, đồng thời nhấn mạnh việc giảm lượng đường tiêu thụ có thể sẽ tốt cho răng lợi cũng như cân nặng của con người, song chưa thể chứng minh được điều này đối với sự suy nhược tâm thần ở nam giới.
Tán thành quan điểm này, chuyên gia dinh dưỡng Tom Sanders cho rằng những kết luận nên được thể hiện dưới dạng "lưu ý", "khuyến cáo" đối với người tiêu dùng, đồng thời nhấn mạnh rất khó để xác định đường có trong thực phẩm khác như thế nào so với các nguồn năng lượng trong việc tác động đến thể chất khi đều được chuyển hoá thành một dạng đường đơn nhất trong ruột trước khi được tiêu hoá.
Anh cấm nhập thịt gà "clo" Mỹ: Thịt gà rửa clo có an toàn?
Thịt gà Mỹ vừa bị Anh cấm nhập khẩu với lý do gà được rửa nước clo. Vậy gà rửa nước clo để làm gì?Nó có hại cho sức khoẻ và môi trường không? Tại sao bây giờ nước Anh mới cấm?
Theo nhà báo kỳ cựu George Monbiot trong bài viết trên Guardian, clo không vắng mặt trong cuộc sống của người Anh.Họ vẫn uống nó trong nước máy hàng ngày (ở các nước phương Tây nước máy được xử lý đủ sạch để uống trực tiếp từ vòi).Thế sao nay Anh lại cấm nhập thịt gà của Mỹ có rửa bằng nước clo?
Vì sao có thịt gà nhúng nước clo?
Theo báo Anh Independent, để làm sạch thịt gà khỏi vi khuẩn và các chất độc khác, sau khi gà bị giết và trước khi đóng gói thịt, các trang trại Mỹ được phép nhúng hoặc rửa thịt gà trong nước có chlorine dioxide (ClO2). Hợp chất này sẽ giết chết các vi khuẩn độc hại tiềm ẩn trên bề mặt thịt gà như E coli, campylobacter và Salmonella. Ngoài ClO2, các hợp chất khác cũng được dùng thay thế, phổ biến là Sodium Chlorite (NaClO2) được axit hóa (còn gọi là ASC), trisodium phosphate, peroxyacids.
Ngoài thịt gia cầm, các loại thịt khác cũng có thể được xử lý tương tự.Quá trình này trong ngành công nghiệp chăn nuôi được gọi là xử lý giảm thiểu tác nhân gây bệnh (pathogen reduction treatment-PRT).
Liên minh châu Âu EU không cho phép các nhà sản xuất rửa thịt với bất kỳ chất nào khác ngoài nước trừ khi chất đó được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua.
Rửa thịt gà bằng clo sẽ giúp các nông dân và nhà chế biến thực phẩm tiết kiệm chi phí cho hệ thống vệ sinh trong vòng đời gà nuôi.Bạn chỉ cần nhúng thịt trong bồn clo để giết các loại mầm bệnh tích tụ.
Theo những người ủng hộ, phương pháp này sẽ giúp tăng cao các tiêu chuẩn vệ sinh và phúc lợi động vật vì các nông dân phải quan tâm chăm sóc vật nuôi ở từng giai đoạn thay vì chỉ phụ thuộc vào quá trình rửa hóa chất để giết mọi tác nhân gây bệnh độc hại sau khi làm thịt động vật.
Thịt gà rửa bằng clo có đủ an toàn để ăn?
Với những người ủng hộ, biện pháp này lành mạnh vì thịt không còn độc và mầm bệnh nguy hiểm tiềm ẩn.
Với những người đấu tranh cho phúc lợi động vật, rửa clo chỉ là cách che đậy vấn đề thật sự là các điều kiện chăn nuôi và giết động vật dơ bẩn, không vệ sinh. Họ chỉ ra rằng rửa clo sẽ không ngăn cản thịt bị nhiễm bẩn, và các mầm bệnh sẽ tiếp tục sinh sôi mạnh mẽ hơn, biến thành các dạng độc hại và cuối cùng gây nhiều nguy hiểm hơn cho sức khỏe con người.
Một trong những người có quan điểm cởi mở về thịt gà nhúng clo là Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox. "Nhiều năm qua dân Mỹ đã ăn thịt gà nhúng clo một cách an toàn tuyệt đối".
Cùng ngày, viện nghiên cứu Adam Smith Institute (Anh) công bố một báo cáo tựa đề "Gà nhúng clo: Vì sao bạn không nên bực bội", cho rằng những nỗi sợ về thịt gà qua xử lý đã bị thổi phồng. Không có gì để lo lắng vì nếu việc rửa lo không hiệu quả, "tỉ lệ bệnh do thực phẩm gây ra từ thịt gà đã chiếm ưu thế cao hơn nhiều" ở Bắc Mỹ.
Báo cáo này trích dẫn một thống kê của EC cho biết mức độ độc hại của chlorate-ClO3 (một phụ phẩm của clo) chỉ đạt được khi một người ăn thịt gà nhúng clo lên tới 5% trọng lượng cơ thể họ. EU cũng đưa ra dư lượng chlorate tối đa trên mỗi kg thực phẩm là 0,01mg (tỉ lệ chlorate trung bình trong thịt gà nhúng clo hiện vẫn chưa có thống kê).
Báo cáo này còn dẫn lại một thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy mức độ lây nhiễm các vi khuẩn salmonella và campylobacter ở Mỹ cũng tương tự ở EU.
Tuy nhiên, sau khi xem lại nghiên cứu của WHO, nhà báo Monbiot của Guardian cho biết tỉ lệ lây nhiễm khuẩn campylobacter trên đầu người ở Mỹ và EU là tương tự nhưng với các giống khuẩn salmonella thì tỷ lệ này khác nhau. Mức độ nhiễm bệnh do các dòng khuẩn Salmonella typhi và Salmonella paratyphi gây ra ở Bắc Mỹ cao hơn EU đến 4 và 5 lần. Nghiên cứu của WHO không cung cấp chi tiết các tỉ lệ này có phải do gà nhúng clo gây ra hay không nhưng rõ ràng tuyên bố của viện Smith là sai lầm.
Independent cũng dẫn lại một số nghiên cứu và khuyến cáo khác trong nội bộ châu Âu.
Năm 2015, cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) cho rằng chlorate là gây nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn cho trẻ em nhưng tổng lượng tiêu thụ trong khẩu phần hiện tại ở châu Âu chưa đủ để lo ngại.
Một nghiên cứu năm 2005 của EFSA cho thấy việc xử lý thịt gia cầm bằng 4 chất kháng khuẩn phổ biến nhất "sẽ không gây lo ngại về an toàn", và việc xịt clo lên thịt thay vì nhúng/tắm như một số trang trại Mỹ đã làm sẽ góp phần giới hạn dư lượng phơi nhiễm các hóa chất này.
Tuy nhiên, năm 2008, hội đồng châu Âu đã bác bỏ một đề nghị cho phép dùng biện pháp rửa thịt gà kháng khuẩn bằng clo vì sẽ dẫn tới việc hình thành các hợp chất clo hữu cơ gây ung thư, khó loại bỏ và có khuynh hướng tích tụ theo thời gian khi thường xuyên được hấp thụ.
Rửa gà bằng clo có hiệu quả hơn các phương pháp làm sạch khác của EU?
Một cuộc điều tra của một tổ chức phi lợi nhuận độc lập có uy tín ở Mỹ là Consumer Reports vào năm 2014 cho thấy 97% trong 300 mẫu ức gà được kiểm tra trên toàn nước Mỹ có chứa các vi khuẩn độc hại bao gồm cả Salmonella, campylobacter và E.Coli.
Năm 2013, nghiên cứu của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ phân tích sự lây lan các bệnh do thực phẩm từ 1998-2008 cho thấy "số người chết vì thịt gia cầm nhiều hơn vì các mặt hàng khác".
Hơn phân nửa trong các mẫu nghiên cứu đều chứa các chất độc và một lượng tương tự ẩn chứa ít nhất một loại vi khuẩn có khả năng đề kháng trước ba loại kháng sinh phổ biến (hoặc nhiều hơn thế!).
Hay nghiên cứu năm 2016 của cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm Vương quốc Anh (FSA) đã tìm thấy phân nửa các mẫu thịt gà từ các nhà bán lẻ Anh đều nhiễm campylobacter đa kháng thuốc, một mức độ độc hại đáng kể.
Ngoài ra FSA còn một thống kê về số ca nhiễm campylobacter trên người ở Anh được các phòng thí nghiệm xác nhận đã tăng 17% trong năm 2016.
Rửa gà bằng clo có tác hại gì đến môi trường?
Quyết định của Hội đồng châu Âu vào năm 2008 (đã nêu trong mục thứ hai Thịt gà rửa bằng clo có đủ an toàn để ăn) cũng cho rằng thịt gà rửa bằng clo "có thể gây nguy cơ trong môi trường biển, sức khỏe nhân viên làm việc trong các hệ thống xử lý nước thải, hoạt động và năng lực của các hệ thống thoát nước và/hoặc các nhà máy xử lý nước thải".
Thời điểm đó tất cả quốc gia thành viên khác đều bỏ phiếu chống lại đề xuất biện pháp rửa gà bằng clo, chỉ trừ nước Anh với lý do cần thêm thời gian để xem xét!
Chlorate cũng có mặt trong nước và một số thực phẩm khác, thậm chí là thuốc trừ sâu nhưng chlorate trong thuốc trừ sâu đã bị EU cấm từ năm 2008 vì lý do trên.
Một nghiên cứu gần đây của Văn phòng giám sát thú ý và hóa chất ở Stuttgart, Đức (CVAU) cho biết tỉ lệ trái cây và rau củ trong nội bộ EU có nồng độ chlorate cao hơn tiêu chuẩn cho phép 0,01% lên tới 10% trên 4.300 mẫu được kiểm tra. Thậm chí một số mẫu vượt chuẩn gấp hàng trăm lần.
Thịt gà rửa clo và câu chuyện thương mại tự do Anh – Mỹ
Giá thịt gà ở Mỹ tính trên kilogram rẻ hơn ở Anh 21%, theo tính toán trong nghiên cứu của viện Adam Smith, dựa trên số liệu chính phủ Mỹ từ năm 2015. Do đó, Viện ủng hộ việc cho phép nhập khẩu thịt gà đã qua xử lý bằng clo trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ.
Nhưng Viện này lại không đưa ra bằng chứng minh họa quan hệ nhân quả giữa việc rửa gà bằng clo và giá thịt gà rẻ hơn trong các siêu thị.
Tuy nhiên, theo nhà báo Monbiot, thịt gà nhúng clo là biện pháp yếu ớt nhất trong các quy định về thịt Mỹ mà FTA mới có thể ép buộc người Anh phải tuân theo. Vấn đề này được đẩy lên chiến tuyến vì nó ít độc hại hơn những sự thật ẩn giấu sau đó về mặt chính trị.
Hiện tại nước Anh đang tuân thủ các quy tắc của EU chọn lối tiếp cận thận trọng trong quy định thực phẩm, chỉ cho phép các sản phẩm và quá trình đã được chứng minh là an toàn. Ngược lại, chính phủ Mỹ lại áp dụng con đường cơ hội hơn, cho phép mọi thứ trừ những thứ đã được chứng minh là nguy hiểm.Các giới hạn về ngân sách và quyền lực của các nhà làm luật sẽ đảm bảo gây khó cho việc xây dựng các bằng chứng về sự nguy hiểm.
Ngày nay, các thỏa thuận thương mại không liên quan gì đến giảm thiểu thuế quan vì nhiều cái đã bị loại bỏ. Các hiệp định thương mại bây giờ sẽ có hai chức năng chính: đầu tiên là mở rộng quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng gia tăng giá cả và giúp các tập đoàn lớn nhất loại bỏ những kẻ cạnh tranh bé nhỏ hơn. Chức năng thứ hai là "hài hòa" các quy định. Trong một thỏa thuận không cân xứng giữa một nước rất lớn với các tiêu chuẩn thấp hơn và một nước nhỏ hơn với các chuẩn cao hơn thì cuối cùng sẽ chỉ còn một kết quả duy nhất. Do đó, mọi chuyện của nước Anh sẽ kết thúc với các tiêu chuẩn Mỹ.
Theo các báo cáo mới nhất, vấn đề này vẫn còn để ngỏ. Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Today của BBC Radio, khi được hỏi về việc một sản phẩm không đủ chuẩn EU do Mỹ sản xuất như gà nhúng clo có được phép ở Anh hay không, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove đã trả lời "Không". Ông đồng ý với quan điểm là nước Mỹ cần phải nói lời tạm biệt với một thỏa thuận thương mại với những thứ hàng nhập khẩu đó."Chúng ta cần ở vị thế khi rời EU để trở thành những người dẫn đầu về các tiêu chuẩn phúc lợi động vật và môi trường".
Các vấn đề lớn hơn về thực phẩm
Một vụ điều tra của hãng tin Reuters đã tiết lộ sự thật rằng các công ty thịt gà Mỹ đang dùng nhiều loại kháng sinh làm thuốc bổ sung định kỳ trong chăn nuôi để phòng ngừa dịch bệnh và kích thích tăng trưởng. Các thuốc này được xếp loại "đặc biệt quan trọng" trong danh mục thuốc cho người của Cục quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA).Chúng được áp dụng cho gà với liều thấp, tạo ra các điều kiện hoàn hảo cho sự sinh sôi của các loại siêu bọ đề kháng với kháng sinh mới.
Một số nghiên cứu khác cũng tiết lộ gà được tiêm antihistamine (thuốc ức chế hoạt động của chất phóng ra khi tế bào bị dị ứng) để làm thịt chúng mềm hơn.
Qua kiểm tra, một số mẫu thịt gà dương tính với dư lượng steroids (thuốc kích thích cơ bắp) và ketamine (thuốc gây mê khẩn cấp). Và cũng có những bằng chứng về gia súc Mỹ được tiêm hormone giúp mập nhanh sẽ tăng thêm nguy cơ ung thư ngực.
Và tất cả những điều này đã diễn ra trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn thành việc tấn công vào hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ.
Vắc xin chống tiểu đường type 1 sẽ được thử nghiệm năm 2018
Mẫu thử vắc xin ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 1 đã sẵn sàng để bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào năm 2018 sau một thập kỷ nghiên cứu.
Đây không phải là một phương pháp chữa trị vì nó không loại trừ hoàn toàn căn bệnh này. Nhưng vắc xin có thể cung cấp khả năng miễn dịch cho cơ thể để chống lại loại virus là tác nhân gây bệnh và được kỳ vọng sẽ giúp giảm số người mắc bệnh tiểu đường mỗi năm.
Tiểu đường type 1 (không nên nhầm với type 2) thường ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của bệnh nhân.Nó làm giảm khả năng sản xuất insulin, khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ glucose.
Sự mất mát insulin này là do mô tụy được gọi là tế bào beta bị phá hủy bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Các nghiên cứu gầy đây đã phát hiện ra một loại virus có tên Virus coxsackie B1 (CVB1) có thể là tác nhân gây ra bệnh tiểu đường type-1
Virus coxsackie là một Enterovirus có khả năng sinh sôi trong đường tiêu hóa, ổn định trong môi trường acid kể cả acid dịch dạ dày. Virut gây ra một số hội chứng trên lâm sàng như: bệnh bại liệt, bệnh tay, chân, miệng, viêm màng não và viêm cơ tim.
Sau hơn 2 thập niên nghiên cứu, Trường Đại học Tampere ở Phần Lan đã có bằng chứng chắc chắn về mối liên kết giữa virus này với phản ứng tự miễn dịch của cơ thể. Mối liên quan này dẫn đến nguy cơ cơ thể tự tiêu hủy các tế bào trong tuyến tụy của mình.
Vào năm 2014, Nhà virut học Heikki Hyöty và nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Tampere đã thực hiện 1 nghiên cứu về trẻ em Phần Lan bị tiểu đường type 1 để chứng minh rằng: ít nhất một trong sáu virus trong nhóm coxsackieviruses có liên quan đến tình trạng này.
Đối với một số trẻ em bị nhiễm virus CVB1, đây có thể là sự khởi đầu của một căn bệnh kinh niên và không thể chữa được. Theo nghiên cứu năm 2014 của Hyöty, 5 phần trăm trẻ em bị nhiễm CVB1 tiếp tục phát triển bệnh tiểu đường type 1.
Con số này không lớn nhưng nó cho thấy mỗi năm có hàng trăm trẻ sơ sinh trên toàn cầu có nguy cơ mắc tiểu đường type 1. Nếu những bệnh nhân khác của nhóm CVB cũng tự miễn nhiễm tế bào beta – con số này có thể cao hơn.
Từ nghiên cứu trên, một loại vắc xin phòng bệnh đã ra đời và thử nghiệm thành công trên động vật.
"Hiện tại, chúng tôi đã thử nghiệm vắc xin hiệu quả và an toàn trên chuột. Giai đoạn tiếp theo sẽ là nghiên cứu vắc xin ở người", ông Hyöty - trưởng nhóm nghiên cứu cho hay.
Ngoài ra, ông Hyöty còn cho biết, vắc xin có thể giúp giảm các bệnh nhiễm trùng khác do siêu vi khuẩn gây ra, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường, viêm cơ tim, viêm màng não và nhiễm trùng tai.
Ba giai đoạn thử nghiệm ở người hiện đang trong giai đoạn triển khai, và có thể phải đến 08 năm để đánh giá tính hiệu quả của thuốc.
Trong khi đó, các nhóm như Quỹ Nghiên cứu Bệnh Tiểu đường Vị thành niên (JDRF) đang tiếp tục tài trợ nghiên cứu để tìm ra cách tốt nhất để phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường type 1.Họ cải tiến công nghệ để bắt chước chức năng của tuyến tụy hoặc xác định cách tái tạo các tế bào sản xuất insulin.
Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu đã xác định một tế bào chưa trưởng thành trong tụy có khả năng đảm nhiệm chức năng bị mất của các tế bào beta trưởng thành.Phát hiện này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều phương pháp để phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 1.
Dù bệnh tiểu đường type-1 không phổ biến như tiểu đường type-2, nhưng đây là căn bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Hiện có khoảng 20 đến 40 triệu người trên toàn thế giới đang chung sống với căn bệnh này và ước tính mỗi năm phát hiện thêm 80,000 ca nhiễm mới.
Dịch cúm gia cầm H1N1 bùng phát tại Myanmar
http://thanhnien.vn/the-gioi/dich-cum-gia-cam-h1n1-bung-phat-tai-myanmar-859888.html
Ít nhất 3 người đã tử vong vì cúm H1N1 tại Myanmar, theo Reuters ngày 27.7.
Giới chức y tế nước này cho biết trong số các nạn nhân có hai bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Yangon ở thành phố Yangon. Các cuộc xét nghiệm cho thấy hai người này đều mắc vi rút H1N1.
Trường hợp còn lại xảy ra ở bang Chin, miền tây Myanmar.
Bộ Y tế Myanmar xác nhận có ít nhất 13 người khác cũng nhiễm vi rút H1N1 tại nước này, bao gồm 3 người đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Yangon và 10 người điều trị tại các cơ sở y tế ở thị trấn Matupi thuộc bang Chin.
Chính phủ Myanmar kêu gọi công chúng không nên hoang mang vì dịch cúm này xảy ra hằng năm, đồng thời khuyến cáo mọi người thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng và tránh tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.