Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 30/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Vạch trần “kịch bản” lừa bệnh nhân của các phòng khám Trung Quốc; Cuộc thi y tế thôn bản giỏi khu vực miền núi phía Bắc; Bé 10 tháng tuổi nguy kịch do sốt mò; Bộ Y tế lo ngại khi nhân viên y tế tiếp tục bị đe dọa; Bệnh viện Chợ Rẫy đón nhận 8 kỷ lục Việt Nam; Phương pháp điều trị bệnh vảy nến ở Việt Nam đã tiếp cận với thế giới; ...

 

Vạch trần “kịch bản” lừa bệnh nhân của các phòng khám Trung Quốc

http://infonet.vn/vach-tran-kich-ban-lua-benh-nhan-cua-cac-phong-kham-trung-quoc-post242445.info

Liên tiếp các phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc (Phòng khám Trung Quốc) sử dụng nhiều chiêu bài nhằm móc túi bệnh nhân trong thời gian qua. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng tình trạng vẫn không hề giảm.

TS.BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua phản ánh của các bệnh nhân, tất cả các Phòng khám Trung Quốc đều “giăng sẵn” kịch bản như sau: Khi bệnh nhân bước vào phòng khám sẽ được tiếp tân giải thích là chỉ phải xét nghiệm, siêu âm với mức phí vài trăm ngàn đồng.

Do đa phần bệnh nhân đến với các phòng khám này chủ yếu mắc bệnh thầm kín, khó nói nên nếu bệnh nhân là nữ thì sẽ được chẩn đoán bị khí hư, viêm loét cổ tử cung. Nếu là bệnh nhân nam thì được chẩn đoán hẹp bao quy đầu, viêm đường tiết niệu… để bệnh nhân chấp nhận điều trị.

Đến khi bệnh nhân nằm trên bàn thực hiện thủ thuật, các bác sĩ người Trung Quốc sẽ thực hiện rửa, thông tiểu. Khi bệnh nhân kêu đau, thông qua các thông dịch viên các bác sĩ sẽ nhân cơ hội nói bệnh nhân mắc bệnh nặng và tư vấn ba gói điều trị gồm: gói thuốc của Châu Âu có giá 20 triệu đồng, gói vừa giá 10 triệu đồng và gói Việt Nam giá 7 triệu đồng.

Dù bệnh nhân có chọn gói cao nhất thì các bác sĩ cũng tiếp tục nói bệnh nhân bị thừa da, thừa bao quy đầu có thể gây ung thư, nặng thì sẽ tử vong và yêu cầu cắt bỏ. Sau khi cắt thừa bao da quy đầu, bác sĩ tiếp tục nói bệnh nhân còn thừa da ở hậu môn, cần phải cắt….

Cứ như vậy, từ vài trăm nghìn ban đầu, có bệnh nhân đã tốn 70-80 triệu đồng cho một lần vào phòng khám Trung Quốc.

Ngoài vẽ bệnh để móc túi bệnh nhân, theo ông Bùi Minh Trạng, các phòng khám Trung Quốc còn có những sai phạm như: kê đơn thuốc bằng tiếng Trung Quốc mà không dịch ra tiếng Việt, không lập hồ sơ bệnh án, thực hiện kỹ thuật không theo phác đồ, hồ sơ bệnh án bằng tiếng Việt nhưng do bác sĩ Trung Quốc ký tên điều trị, thực hiện nhiều kỹ thuật chưa được phê duyệt, niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh không đúng quy định…

Ông Trạng còn nêu nhiều phòng khám Trung Quốc tìm cách đối phó với cơ quan quản lý y tế như hồ sơ khám bệnh không ghi rõ địa chỉ bệnh nhân; khi thanh tra đến làm việc với phòng khám để làm rõ phản ánh của bệnh nhân thì phòng khám lại thương lượng với người bệnh, trả lại tiền và yêu cầu người bệnh rút lại khiếu nại đối với phòng khám.

Ông Trạng đặt vấn đề: "Vì sao có nhiều bệnh nhân phải "thiếu nợ" phòng khám Trung Quốc, phải thế chấp chứng minh nhân dân, giấy tờ xe, thậm chí cả xe máy? Có sinh viên trong túi chỉ có 1 triệu đồng đến khám bệnh mà phòng khám cho thiếu tới 7-8 triệu đồng. Trong khi tất cả bệnh nhân này đều không phải bệnh cấp cứu, cần điều trị ngay. Như vậy có phải lừa dối người bệnh không?".

Ông Trạng cũng bức xúc cho rằng cách đây một năm, thanh tra Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp với đại diện các phòng khám Trung Quốc và đã nói nhiều về các vấn đề nêu trên, nhưng vi phạm tại các phòng khám vẫn không thuyên giảm.

Hiện trên địa bàn thành phố có 250 phòng khám đa khoa nhưng chỉ có 17 phòng khám Trung Quốc là bị phản ánh nhiều nhất.

Sắp tới, Sở Y tế sẽ công khai số điện thoại người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của các phòng khám. Nếu có sai phạm thì người phụ trách chuyên môn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Sở Y tế cũng yêu cầu các phòng khám Trung Quốc phải gửi bảng giá chi tiết về Sở Y tế để Sở đăng công khai bảng giá lên trang web, đồng thời, Sở Y tế cũng sẽ xem xét lại danh mục dịch vụ kỹ thuật, nhất là những dịch vụ liên quan đến các bệnh nhạy cảm và hay vi phạm ở phòng khám. Nếu cần thiết sẽ không duyệt cho phòng khám Trung Quốc thực hiện dịch vụ kỹ thuật đó nữa. Nếu không thực hiện, phòng khám có thể sẽ bị tạm ngưng hoạt động.

Các phòng khám phải thực hiện nghiêm túc việc chẩn đoán bệnh, công khai minh bạch trong hồ sơ bệnh án, bác sĩ nào chẩn đoán bệnh nhân 2-3 lần, Sở sẽ mời phòng khám và bác sĩ đó lên làm việc.

Thanh tra Sở Y tế cũng sẽ công khai số điện thoại bác sĩ phụ trách chuyên môn cho phòng khám Trung Quốc lên trang web để người bệnh có bức xúc gì sẽ gọi điện thoại trực tiếp và các bác sĩ này phải có trách nhiệm giải quyết, không thể né tránh mãi.

Bên cạnh đó, thanh tra Sở sẽ làm rõ xem có hay không việc bác sĩ cho phòng khám Trung Quốc thuê mướn bằng cấp, chứng chỉ hành nghề…

 

Cuộc thi y tế thôn bản giỏi khu vực miền núi phía Bắc

http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/cuoc-thi-y-te-thon-ban-gioi-khu-vuc-mien-nui-phia-bac-384077

Ngày 28/10, tại Trung tâm văn hóa tỉnh Thái Nguyên, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên tổ chức cuộc thi “Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 năm 2017” khu vực miền núi phía Bắc.

Tham dự cuộc thi là các y bác sỹ, nhân viên y tế thôn bản 6 tỉnh,gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Thái Nguyên. Đây là dịp để các đội thi giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thông qua đó, tôn vinh vẻ đẹp tri thức, y đức và phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế…Từ đó nhân rộng những tấm gương y tế thôn bản giỏi, tiêu biểu luôn cố gắng khắc phục thiếu thốn về vật chất, điều kiện khám chữa bệnh để hàng ngày chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng khó khăn.   

 

Bé 10 tháng tuổi nguy kịch do sốt mò

http://infonet.vn/be-10-thang-tuoi-nguy-kich-do-sot-mo-post242384.info

Khi chuyển lên bệnh viện tỉnh, bé Kim Hạnh (Tuyên Quang) đã suy đa phủ tạng, tràn dịch đa màng, chẩn đoán bị sốt mò.

Bác sĩ Đỗ Thị Thu Giang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, môi khô se, mắt trũng, da niêm mạc nhợt, thở khò khè, phổi thông khí kém, tim nhịp nhanh...

Trước đó hai tuần, bé lên cơn sốt, gia đình tự cho uống thuốc hạ sốt. Sau bốn ngày không khỏi, trẻ được đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Yên Hoa điều trị. 10 ngày sau bé được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Bác sĩ kiểm tra cơ thể thấy có một vết mò đốt ở bụng.Trẻ được chẩn đoán bị sốt mò, suy đa phủ tạng, tràn dịch đa màng, tiểu cầu, bạch cầu giảm. Các bác sĩ đã dùng các thuốc kháng sinh kết hợp để điều trị. Hiện trẻ đã giảm sốt, tiếp tục được điều trị tích cực và theo dõi sát thể trạng tại phòng Cấp cứu của khoa Nhi.

Gia đình cho biết, bố đi bộ đội, hai mẹ con bé ở nhà chăm nhau nên mẹ đi làm ruộng đều địu bé theo cùng.

Trước đó, ngày 20/10, khoa Nhi cũng đã tiếp nhận bệnh nhi sáu tháng tuổi ở huyện Hàm Yên bị sốt mò. Mới đầu, trẻ bị ho kèm theo sốt cao, gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Hàm Yên để khám. Điều trị một tuần không đỡ, bé được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh. Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhi đã đỡ sốt và phổi dần ổn định.

Sốt mò hay còn gọi là sốt phát ban bụi rậm do virus rickettsia tsuisugamushi gây nên sốt cấp tính, đau đầu dữ dội và nổi hạch. Ở chỗ mò đốt, lúc đầu có tổn thương gồm một vết loét có đóng vảy trên da rất điển hình, sau đó bắt đầu sốt. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, tỷ lệ tử vong của bệnh sốt mò có thể khoảng 1-60%.

Bác sĩ khuyến cáo, khi đi rừng người lớn và trẻ nhỏ đều cần mặc quần áo dài, đi ủng. Nếu sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt lạ, sau đó đưa người bệnh đến các cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Gia đình tố bệnh viện tắc trách khiến sản phụ và thai nhi chết bất thường

https://vtc.vn/gia-dinh-to-benh-vien-tac-trach-khien-san-phu-va-thai-nhi-chet-bat-thuong-d359128.html

Sau khi đưa sản phụ vào phòng sinh, bác sỹ thông báo cho gia đình sản phụ đã rặn được hai lần thì tim ngừng thở phải chuyển lên tuyến trên và trên đường đi thì sản phụ chết.

Ngày 29/10, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Mil cho biết, đã làm báo cáo nhanh gửi Sở Y tế Đắk Nông về quá trình xảy ra sự việc với sản phụ Nguyễn Thị Thúy (1982, trú xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, Đắk Nông).

Theo báo cáo, bệnh nhân Nguyễn Thị Thúy (35 tuổi, ngụ xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil) nhập viện Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Mil lúc 11h ngày 27/10 trong tình trạng bình thường.

Khoảng 14h cùng ngày, bệnh nhân Thúy chuyển dạ nên bác sĩ cho vào phòng sinh. Tại đây,  bệnh nhân rặn được 2 lần thì khó thở nên bác sĩ thông báo với người nhà chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk cấp cứu và sau đó chết.

Theo kết luận của bệnh viện đa khoa Đắk Lắk, bệnh nhân Thúy chết do thuyên tắc mạch ối.

Anh Nguyễn Văn Toàn (chồng sản phụ) kể lại, sáng 27/10, gia đình đưa chị Thúy vào Bệnh viện đa khoa huyện Đắk Mil nhập viện trong tình trạng sức khỏe bình thường.

Đến 14h thì Thúy có dấu hiệu sinh nên bác sỹ đưa vào phòng chờ. Sau đó, bác sỹ thông báo với gia đình vợ rặn được 2 lần thì bị ngưng tim nên phải chuyển lên tuyến trên.

"Hơn 1 giờ sau khi được chuyển lên tuyến trên thì vợ đã chết lâm sàng. Bác sỹ khi biết tình trạng này sớm thì nên chuyển, đâu có xảy ra việc vợ và con tôi chết. Qua đây, tôi mong cơ quan chức năng và báo chí vào cuộc để làm rõ", anh Toàn chia sẻ.

Theo anh Toàn, vợ anh sinh con thứ tư nên gia đình đã đề nghị mổ nhưng không được bác sỹ chấp thuận và dẫn đến sự việc trên.

 

Bộ Y tế lo ngại khi nhân viên y tế tiếp tục bị đe dọa

http://tuoitre.vn/bo-y-te-lo-ngai-khi-nhan-vien-y-te-tiep-tuc-bi-de-doa-20171029212219663.htm

Vụ nhân viên điều dưỡng bị bệnh nhân ngáo đá khống chế bằng súng là vụ thứ ba trong thời gian gần đây các nhân viên y tế bị hành hung khiến Bộ Y tế lo ngại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều tối 29-10, vài giờ sau khi chị Lê Thị Hà, 47 tuổi, điều dưỡng của Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương, bị một thanh niên đe dọa bằng súng, khống chế đưa lên taxi làm con tin, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho hay ông rất lo ngại tình trạng nhân viên y tế bị đe dọa và tấn công liên tiếp trong thời gian qua.

Mới đây, ngày 20-10, bác sĩ Trần Thị Thanh Hải ở Hà Tĩnh bị bệnh nhân chém dẫn đến đa chấn thương, tổn hại 17% sức khỏe.

Trong khi đó bác sĩ Trần Thanh Sơn ở Quảng Bình lại bị đánh hôm 23-10 dẫn đến chấn thương ở mắt, phải ra Hà Nội điều trị.

Lần này, ông Khuê cho rằng điều dưỡng Hà bị bắt làm con tin bị thương tổn về tinh thần, chưa kể nguy cơ ảnh hưởng tính mạng do người tấn công thầy thuốc có súng và dao.

Ông Khuê cho biết ngày 30-10 cục sẽ có văn bản gửi Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương và các bệnh viện, đề nghị có biện pháp bảo vệ thầy thuốc, tập huấn cho thầy thuốc một số biện pháp phòng tránh nguy cơ bị tấn công.

Cơ quan này cũng đang soạn một cẩm nang hướng dẫn cụ thể cho bệnh viện biện pháp bảo đảm an ninh và an toàn.

 

Uống rượu mừng nhà mới, 7 người đi cấp cứu, 2 người hôn mê

http://tuoitre.vn/uong-ruou-mung-nha-moi-7-nguoi-di-cap-cuu-2-nguoi-hon-me-20171029121728696.htm

https://vtc.vn/dang-uong-ruou-7-nguoi-guc-tai-ban-d359525.html

Tổ chức tiệc mừng nhà mới, 7 người dân xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, Thái Bình phải nhập viện cấp cứu sau khi uống rượu mua ngoài chợ về. Hai người ngộ độc nặng đã được chuyển lên khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Trước đó ngày 27-10, gia đình ông Hồi (thôn Tràng Quang, xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, Thái Bình) mời người thân trong gia đình đến dự tiệc nhân dịp con gái ông mừng nhà mới.

Bữa tiệc bắt đầu được khoảng 15 phút thì 2 người uống rượu nhiều nhất choáng váng, buồn nôn và gục ngay tại bàn. Ít phút sau, 5 người khác trong mâm cũng có biểu hiện tương tự.

Bảy người này sau đó được đưa đi cấp cứu tại khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Trong đó, 2 trường hợp diễn biến nặng, hôn mê tiếp tục được chuyển lên khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Bác sĩ Đinh Quang Kiền, người trực tiếp cấp cứu cho các bệnh nhân tại khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, cho biết khoảng 20h25 đêm 27-10, khoa tiếp nhận 7 bệnh nhân nghi ngộ độc rượu.

Hai bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, các bệnh nhân còn lại đều trong tình trạng loạng choạng, vật vã, nhìn mờ và kích thích ảo giác, tay chân yếu, tím tái, buồn nôn.

Các bác sĩ lập tức cấp cứu, truyền dịch và cho dùng thuốc an thần...

Đến ngày 29-10, 3 trong số 5 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình cơ bản ổn định sức khỏe. 2 bệnh nhân còn lại vẫn có biểu hiện ảo giác, đi không vững, nói nhiều và méo tiếng.

Hiện bệnh viện đã lưu mẫu bệnh phẩm để tìm nguyên nhân chính xác của vụ ngộ độc.

 

Bệnh viện Chợ Rẫy đón nhận 8 kỷ lục Việt Nam

https://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/benh-vien-cho-ray-don-nhan-8-ky-luc-viet-nam-1202741.tpo

Tại Hội nghị ghép tạng Việt Nam lần 4 được tổ chức tại Vũng Tàu vào 26/10 vừa qua, Bệnh Viện Chợ Rẫy lần đầu tiên đón nhận 8 kỷ lục về y học.

Hội nghị ghép tạng là một trong những hoạt động thường niên nhằm cập nhật các thành tựu ghép tạng trong nước cũng như trao đổi kinh nghiệm ghép tạng từ các chuyên gia trên thế giới. Đây là lần đầu tiên, hàng loạt kỷ lục có giá trị về y học được xác lập nhằm tôn vinh những đóng góp trong lĩnh vực này.

Tại hội nghị, BV Chợ Rẫy đã đón nhận 8 kỷ lục cho các cá nhân và tập thể về những đóng góp trong lĩnh vực ghép tạng, bao gồm:

- Bệnh viện Chợ Rẫy đón nhận 2 kỷ lục: “Bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam”  và “Bệnh viện tổ chức & thực hiện quy trình ghép thận từ người hiến tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam”

- Khoa Ngoại Tiết niệu bệnh viện Chợ Rẫy được trao kỷ lục là “Đơn vị thực hiện nhiều ca ghép thận nhất Việt Nam”

- Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy đón nhận kỷ lục là “Đơn vị tổ chức vận chuyển tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”

- GS TS BS Trần Ngọc Sinh đã đón nhận 2 kỷ lục: “Người thực hiện ca ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam” và “Người thực hiện ca phẫu thuật lấy & ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam”

- TS BS Dư Thị Ngọc Thu  - Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy được trao tặng kỷ lục “Người tổ chức điều phối tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”

- PGS TS BS Thái Minh Sâm - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận kỷ lục “Người thực hiện ca ghép thận đổi chéo người cho đầu tiên tại Việt Nam”.

 

TP HCM: Phát hiện 1 phòng khám gia truyền hoạt động chui

http://dantri.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-phat-hien-1-phong-kham-gia-truyen-hoat-dong-chui-20171030053104921.htm

Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho hay vừa phát hiện một phòng khám y học cổ truyền hành nghề không phép ở quận 11.

Phòng khám này hoạt động tại địa chỉ 194/41 Lạc Long Quân, phường 10, TP HCM. Cơ sở không treo bảng hiệu hoạt động châm cứu, bốc thuốc thang, đắp thuốc.

Tại thời điểm kiểm tra, thanh tra còn ghi nhận do ông Nguyễn Đình Công trực tiếp khám cho một bệnh nhân. Ông Công cũng không xuất trình được bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động.

Thanh tra Sở Y tế yêu cầu ông Công ngưng ngay hoạt động khám chữa bệnh, mời đến làm việc tại Sở Y tế làm việc. Bước đầu Thanh tra sở xác lập một số hành vi vi phạm của phòng khám này như: hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.

Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế đề nghị Phòng Y tế quận 11, UBND phường 10 quận 11 giám sát việc ngưng hoạt động tại địa chỉ nêu trên.

 

Mang nụ cười đến với bệnh nhi nghèo

http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/34543502-mang-nu-cuoi-den-voi-benh-nhi-ngheo.html

Chia sẻ tại Chương trình “Ngày Chủ nhật cho em” năm 2017 số đầu tiên tại Bệnh viện Xanh Pôn (TP Hà Nội) sáng nay 29-10, anh Nguyễn Đức Hạnh (trú tại Thanh Oai, Hà Nội), bố bệnh nhi Nguyễn Ngọc Thùy Vân (5 tuổi, đang điều trị bệnh viêm màng phổi) xúc động: “Đã lâu lắm rồi, tôi mới thấy Vân cười. Mẹ cháu mất sớm, gia đình hoàn cảnh lại khó khăn nên chi phí chữa bệnh viêm màng phổi của cháu chủ yếu phải đi vay mượn...”.

Với mong muốn mang niềm vui đến với các em nhỏ đang điều trị tại các bệnh viện và cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô và một số khu vực lân cận, T.Ư Hội LHTN Việt Nam chỉ đạo Đoàn Thanh niên Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn phối hợp các đơn vị tổ chức chương trình “Ngày Chủ nhật cho em” định kỳ hằng tuần.

Tại chương trình mở đầu chuỗi “Ngày Chủ nhật cho em” năm 2017, Ban Tổ chức đã trao ba suất quà trị giá ba triệu đồng tặng ba em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, trao 100 suất quà trị giá mười triệu đồng, gồm nhiều tặng phẩm giá trị tặng 100 em nhỏ khác đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn.

Ngoài ra, Chương trình còn có nhiều tiết mục ca hát, nhảy múa, ảo thuật... do các bạn tình nguyện viên thực hiện, với mong muốn giúp cho các em tạm quên đi đau đớn, tiếp thêm nghị lực để các em vượt qua bệnh tật, mau chóng phục hồi sức khỏe, sớm thực hiện những ước mơ của mình.

Anh Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Chi đoàn Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn, cho biết: “Năm nay, Ban Tổ chức sẽ triển khai Chương trình tại năm tỉnh, thành phố gồm Thủ đô Hà Nội, các TP Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam.

Niềm vui, hạnh phúc của các em nhỏ và phụ huynh là nguồn cổ vũ lớn lao để Ban Tổ chức chương trình nỗ lực thực hiện những số tiếp theo. Là chương trình giàu tính nhân văn, “Ngày Chủ nhật cho em” đã, đang và sẽ tiếp tục mang đến nụ cười cho hàng trăm bệnh nhi tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô và các khu vực lân cận.

 

Chất lượng sữa học đường bị thả lỏng?

https://laodong.vn/suc-khoe/chat-luong-sua-hoc-duong-bi-tha-long-572838.ldo

Hàng trăm học sinh tại tỉnh Hậu Giang ngộ độc sau khi uống sữa pha sẵn phát cho trường học. Câu chuyện chất lượng sữa học đường một lần nữa lại được đưa ra.

Thiếu kinh phí, thiếu cơ chế khuyết khích người thực hiện, khó kiểm soát chất lượng sữa... là những yếu điểm được đưa ra tại nhiều hội thảo về sữa học đường. 

Từ tháng 7.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Những khó khăn dẫn đến việc triển khai chậm trễ ngoài kinh phí, nguồn lực triển khai còn vướng nhiều ở khâu kiểm soát chất lượng sữa đưa vào trường học.

Ông Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) - thừa nhận: “Một số tỉnh còn sử dụng sữa bột pha lại hoặc các loại sữa không rõ nguồn gốc cho sữa học đường, các trường học rất khó khăn trong việc nhận biết sữa học đường có đạt chuẩn hay không”.

“Địa phương quy định từng trường sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng sữa theo tiêu chuẩn của ngành y tế. Tuy nhiên, nguồn sữa vào trường học hiện rất đa dạng, tiêu chuẩn sữa không rõ ràng nên khó kiểm soát”, ông Vinh nói.

Để giải quyết khó khăn này, ngày 28.9.2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/BYTb về Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường. Theo đó, các sản phẩm sữa tươi đã được quy định trong Quy chuẩn quốc gia (QCVN 5-1:2010/BYT) được sử dụng trong chương trình sữa học đường. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là quy định tạm thời. Hiện chương trình sữa học đường đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành nhưng chất lượng nguồn sữa vẫn là bài toán nan giải.

Về phía Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm - đơn vị được giao nhiệm vụ đưa ra tiêu chuẩn và chứng nhận hợp quy với sản phẩm sữa - khẳng định: Thời gian tới sẽ bãi bỏ khái niệm sữa tiệt trùng để thay thế bằng hai khái niệm sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT).

Đây là quy chuẩn có khái niệm sữa tiệt trùng dùng để chỉ loại sữa dạng lỏng làm chủ yếu từ sữa bột nhập khẩu, tồn tại trong suốt 5 năm qua, khiến người tiêu dùng Việt Nam không phân biệt được các loại sữa trên thị trường.

Tên gọi này được dùng ghi lên hộp sữa bán ra khiến người dùng lâu nay không phân biệt được đâu là sữa tươi hay pha ra từ sữa bột, ảnh hưởng đến quyền được minh bạch thông tin, thiếu cơ sở lựa chọn đúng sản phẩm.

Bộ Y tế đã xây dựng chuẩn sữa học đường theo hướng sản xuất từ sữa tươi nguyên chất hoặc sữa tươi bổ sung các vi chất dinh dưỡng phù hợp với sự hấp thu của trẻ. Hy vọng sau khi Bộ Y tế ban hành quy chuẩn về sữa học đường, sẽ có chuẩn chung để sữa đủ điều kiện mới vào được trường học.

 

Tiết canh lợn - món ăn nguy hiểm

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tiet-canh-lon-mon-an-nguy-hiem-572683.ldo

Xưa, bác học Lê Quý Đôn từng nói: “Bệnh tật thì theo miệng mà vào...”. Tiết canh lợn là một trong số đó.

Ngày 1.10, BV bệnh nhiệt đới TW, Hà Nội, tiếp nhận ông T.Q.M 57 tuổi, ở Thái Bình. Sau ăn tiết canh lợn 4 ngày, ông sốt cao, đi lỏng... đến BV tỉnh đã biểu hiện sốc, được chuyển ngay về Viện Nhiệt đới. Viện chẩn đoán nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng đã suy đa tạng do vi khuẩn liên cầu lợn (LCL).

Ngày 2.10, ông V.V.D, 52 tuổi, ở Ninh Bình, nhập Viện nhiệt đới khi đã hôn mê. Ông ăn tiết canh sau 3 ngày thì sốt, rồi hôn mê, BV tỉnh cũng chuyển thẳng tuyến trên. Viện Nhiệt đới thấy biểu hiện lâm sàng bệnh LCL và xét nghiệm vi sinh đã khẳng định chẩn đoán...

Tính đến 24.7, cả nước có 75 ca bệnh LCL, 5 ca tử vong do ăn tiết canh và thịt lợn chưa chín (theo Cục Y tế dự phòng). Nhiều nhất là Hà Nội và Bến Tre, đều 8 ca, còn lại ở 23 tỉnh, TP khác. Hàng năm, Viện nhiệt đới TW nhận khoảng 100 ca bệnh LCL từ các địa phương và thường tăng trong dịp lễ, tết.

Điểm ca bệnh LCL năm 2017

Tháng 1, bệnh nhân nam, 57 tuổi, ở TP Sa Đéc, Đồng Tháp, ăn lòng nướng và thịt lợn, bị sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cứng gáy, huyết áp tụt... Đến BV nhiệt đới TPHCM kịp thời, qua được nguy kịch tính mạng. Chẩn đoán viêm màng não do LCL.

Bà Phan Thị B, 51 tuổi, ở huyện Buôn Đôn, ĐăkLăk, bị sốt, nôn ói nhiều lần; xuất huyết tím đen từng mảng dưới da vùng cổ, ngực, cánh tay, tím môi và các đầu chi... BV Chợ Rẫy, TPHCM, chẩn đoán nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn do LCL. Trước khi đi viện một tuần bà ăn tiết canh lợn.

Tháng 2, những ngày Tết Nguyên đán, BV nhiệt đới TƯ tiếp nhận ông P.V.Q, 63 tuổi, ở Nam Định, ăn tiết canh ngày 30 tết. Mồng 2 Tết, sốt cao, tiêu chảy và phát ban xuất huyết hoại tử da; sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng; đã không qua khỏi. Hai ca khác là N.Đ.T. 37 tuổi, ở Bắc Ninh và P.T.Đ 37 tuổi, ở Ninh Bình cũng ăn tiết canh lợn, đều được chẩn đoán viêm màng não mủ (MNM) do LCL.

Khoa Truyền nhiễm BV Thái Bình tiếp nhận bệnh nhân Lê Văn Hải, ở huyện Kiến Xương, sốt rất cao, đau đầu và nôn liên tục..., sau gần một tuần ăn tiết canh trưa và tối cùng ngày. Cấy dịch não tủy xác định “thủ phạm” viêm MNM là LCL.

Tháng 3, ông Nguyễn Đình Nhàn và Trần Văn Phi, cùng 50 tuổi, ở huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, nhập BV tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn... Ông Phi bị nhiễm khuẩn máu, suy đa tạng, gia đình xin về, đã tử vong. Ông Nhàn qua được, nhưng thính lực giảm. Trước đó, khi liên hoan hội đồng ngũ có món tiết canh dê, pha lẫn tiết dê và lợn.

BV tỉnh Thái Bình có 2 ca LCL, trong đó ông N.D.B, 60 tuổi, ở huyện Tiền Hải, 3 ngày sau ăn tiết canh ở quán, bị sốt cao, đau đầu, đau rát thượng vị...; trụy mạch, khó thở; rối loạn tim mạch, rối loạn ý thức; toàn thân tím đen; huyết áp tụt phải đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch... Đến Viện Nhiệt đới TƯ đã ngừng tim, phải cấp cứu khoảng 15 phút tim mới đập trở lại. Mấy ngày sau các tạng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục nhưng đầu ngón tay, chân bị hoại tử...

Tháng 4, BV tỉnh Bắc Giang có 4 ca mắc LCL: 3 ca ở huyện Việt Yên, cùng mổ và ăn thịt lợn ốm; 1 ca ở huyện Lạng Giang.

Tháng 5, bệnh nhân nam, ngoài 40 tuổi, ở huyện Lý Nhân, Hà Nam, phát bệnh sau khi mổ thịt lợn ốm... Được đưa lên Viện Nhiệt đới TƯ, điều trị kịp thời, xuất viện sau 10 ngày. Từ đầu năm nay, huyện này có ba ca tử vong do LCL.

Tháng 7, 40 người ở huyện Sông Mã, Sơn La ăn đám giỗ có thịt dê, lợn. 20 người (khai) ăn món tiết canh đều đau bụng, buồn nôn và đi ngoài..., cấp cứu ở BV huyện; những người không ăn thì bình thường. BV huyện nghi do LCL nhưng không có điều kiện xét nghiệm.

Ngày 01.8, BV tỉnh ĐăkLăk nhận bệnh nhân Y Prô Niê, SN 1961, ở huyện Krông Bông, sốt cao 400c, đau đầu dữ dội, nôn và tiêu chảy, ý thức lơ mơ nhưng có cơn kích thích la hét, rối loạn tri giác, dấu hiệu màng não dương tính, tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc rất nặng. Nuôi cấy dịch não tủy dương tính với LCL, chẩn đoán viêm MNM - một bệnh cảnh phải ngay lập tức điều trị tích cực, nếu không sẽ tử vong hoặc tàn phế bởi để lại nhiều di chứng thần kinh, tâm thần... Được biết, ngày 26.7, bệnh nhân ăn tiết canh và lòng lợn (mua ở chợ về chế biến). Từ đầu năm, ĐăkLăk có 4 ca LCL, 1 ca tử vong.

Liên cầu khuẩn lợn có độc tính rất cao

Liên cầu khuẩn lợn (liên kết thành chuỗi - Streptococcus suis), có ở đường hô hấp, tiêu hoá, sinh dục, nhiều nhất ở mũi, hầu họng lợn; có 35 type gây bệnh cho lợn và hầu hết động vật máu nóng nhưng nhiều nhất là cho lợn và người. Bệnh ở người thường do type 2; LCL thường vào máu (gọi là nhiễm khuẩn huyết) gây sốc nhiễm khuẩn; gây viêm MNM hoặc cùng lúc cả hai, nếu không điều trị kịp thời rất dễ tử vong.

Bệnh được phát hiện năm 1960 và số ca bệnh ngày càng tăng. Các nước có bệnh là Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Bỉ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Úc, Hungari, Croatia, New Zealand, Argentina, Nhật, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc; tỉ lệ tử vong trung bình 17,5%.

Một vụ dịch nhỏ ở Trung Quốc năm 2005, có 39 tử vong/215 ca bệnh (18,1%). Khoảng 80% ca bệnh là nam và hơn 40% tuổi từ 50 - 60. Ở Việt Nam, phát hiện ca đầu tiên năm 2003 và hơn 10 năm qua số ca bệnh có xu hướng tăng; tăng mạnh mùa nắng nóng và nguy cơ phát dịch.

Nếu phát bệnh, thời gian ủ bệnh ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày, thường đột ngột sốt cao 40 - 410C; có khi chỉ 3 ngày sau sốt đã sốc nhiễm khuẩn, có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng.

Khi nhiễm khuẩn huyết, thường sốc nhiễm trùng nhiễm độc (do LCL tiết ra nhiều độc tố), gây tụt huyết áp, suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử da diện rộng..., tử vong rất nhanh. Nếu viêm MNM, thường đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh; cứng gáy, khó thở, rối loạn tri giác, lơ mơ rồi đến hôn mê (rối loạn ý thức); qua khỏi thường có di chứng ù tai, điếc, mù, mất trí nhớ.

Theo BV nhiệt đới TPHCM, từ 2008 - 2010, LCL gây ra 43,15% số ca viêm MNM, tử vong 12,73%. Theo Viện Nhiệt đới TƯ, năm 2014, LCL gây ra gần 70% số ca viêm MNM nhập viện. Hiện nay tuy hồi sức, cấp cứu có nhiều tiến bộ nhưng tử vong vẫn cao, năm 2015, có 13 tử vong/96 ca bệnh (12,5%). Mắc cùng lúc hai thể bệnh này thì nguy kịch bội phần...

Cả hai thể bệnh này đều gây rối loạn đông máu, biểu hiện chảy máu tím bầm dưới da và tắc mao mạch gây hoại tử da rộng... Nếu qua được phải điều trị 3 - 4 tuần đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu đồng, nhưng di chứng thị, thính nặng nề: 60% ù tai, giảm thính lực; 20% điếc hoàn toàn; hoặc mù hoàn toàn… Năm 2016, ở TPHCM tuy không có tử vong, nhưng 10/15 ca bị điếc... Từ đầu năm 2017, Bến Tre có 11 ca thì 1 ca mù, 5 ca ù tai, giảm thính lực hoặc điếc...

LCL còn gây viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp, là những bệnh cảnh ít kém phần trầm trọng.

Điều tra dịch tễ thấy nhiễm LCL do ăn tiết canh 70%, còn lại là lòng lợn, tiết, thịt chưa đủ tiệt khuẩn (600C/10 phút LCL chưa chết), nem, cháo. Những người chăm sóc, giết mổ, chế biến, tiếp xúc với máu, dịch tiết, phân, nước tiểu, bị nhiễm LCL qua vết trầy xước da hay đường thở.

Ngoài ra, ruồi, gián, chuột là trung gian truyền bệnh... Nguy cơ nhiễm tăng lên khi lợn ốm, chết hoặc bệnh tai xanh (bệnh tai xanh do virus nhưng nhân lợn suy yếu, LCL tăng sinh, bội nhiễm)…

Đặc biệt, ít người biết khoảng 60 - 100% lợn bình thường mang LCL nhưng lợn không phát bệnh do khả năng đề kháng qua nhiều thế hệ, nên cho rằng ăn sẽ an toàn là sai lầm tai hại! Hiện không có vacxin phòng bệnh và người không có miễn dịch vĩnh viễn với LCL, vì thế mắc rồi vẫn mắc lại!

Tốt nhất là không ăn tiết canh và nấu kỹ sản phẩm; không mổ, ăn thịt lợn ốm, chết, bệnh tai xanh, thịt có màu đỏ khác thường... Ngăn chặn mua bán, vận chuyển; tiêu hủy lợn bệnh, chết. Dùng găng tay và dụng cụ bảo hộ khi chăm sóc, chế biến thịt; rửa tay xà phòng. Người nuôi, giết mổ, chế biến nếu sốt cao đột ngột phải đi khám ngay.

 

Làm rõ việc dùng hình ảnh bác sĩ quảng bá thực phẩm chức năng

http://nld.com.vn/suc-khoe/lam-ro-viec-dung-hinh-anh-bac-si-quang-ba-thuc-pham-chuc-nang-2017102919311052.htm

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đang yêu cầu các bộ phận chức năng làm rõ thông tin doanh nghiệp lợi dụng hình ảnh một PGS-TS-BS của Bệnh viện Bạch Mai quảng bá thực phẩm chức năng Hamomax.

Chiều 29-10, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết đã yêu cầu các bộ phận chức năng làm rõ thông tin doanh nghiệp sử dụng hình ảnh một PGS-TS-BS của Bệnh viện Bạch Mai quảng bá thực phẩm chức năng Hamomax trong điều trị hạ mỡ máu cao và đăng tải trên trang hamomax.vn.

Theo nội dung bài viết được đăng trên trang web này, đây là "những chia sẻ chân thực nhất của PGS H. trong điều trị mỡ máu cao cho rất nhiều bệnh nhân và của chính bản thân mình". Trong bài viết này, bác sĩ H. chia sẻ việc hàng ngày được tiếp xúc với rất nhiều loại thuốc, nhiều sản phẩm từ thảo dược nhưng ngay khi biết đến Hamomax, bác sĩ H. đã quyết định lựa chọn sản phẩm này để dùng thử và kê đơn cho bệnh nhân. "Lựa chọn Hamomax không phải ngẫu nhiên mà là dựa trên kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, kinh nghiệm nhiều năm làm nghiên cứu khoa học và bằng trực giác của một bác sĩ tôi đã lựa chọn Hamomax cho mình và cho những bệnh nhân của mình. Chính sự nhạy bén và kinh nghiệm đó, trong nhiều năm qua đã giúp cho đông đảo bệnh nhân ổn định mỡ máu thành công"- bài viết nêu.

"Theo tôi Hamomax sử dụng để điều trị dự phòng sẽ rất tốt, những người đang ở độ tuổi có nguy cơ cao hình thành rối loạn chuyển hóa nên dùng bởi nó an toàn, không tác dụng phụ. Đối với người có bệnh thì nên sử dụng lâu dài vì mỡ máu giống như bệnh mãn tính, nếu hạ được mỡ máu rồi nhưng không dùng lâu dài các chỉ số sẽ quay lại như cũ, vậy nên tiếp tục sử dụng để mỡ máu được ổn định luôn luôn"- bài viết dẫn lời khuyên của bác sĩ H.

PGS Phong cho biết theo quy định, nghiêm cấm các doanh nghiệp sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Bởi khi một bác sĩ quảng cáo cho một sản phẩm nào đó thì người tiêu dùng thường có niềm tin hơn, tăng độ tin cậy của người bệnh đối với sản phẩm do bác sĩ quảng cáo.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết PGS H. đã nghỉ làm quản lý nhưng vẫn ký hợp đồng với bệnh viện làm công tác chuyên môn nên bác sĩ này vẫn là người thuộc Bệnh viện Bạch Mai.

Được biết, năm 2015, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong từng quyết định xử phạt Công ty TNHH dược phẩm Tân Bách Tùng vì đã có hành vi thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng viên nang Hamomax có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký được cơ quan có thẩm quyền xác nhận với mức phạt là 25 triệu đồng.

 

Bác sĩ nơm nớp lo... bạo hành!

http://nld.com.vn/thoi-su/bac-si-nom-nop-lo-bao-hanh-20171028200713032.htm

Dù ngành y tế đã yêu cầu các cơ quan chức năng ngăn chặn nhưng tình trạng bệnh nhân chửi bới, hành hung nhân viên y tế lại ngày càng gia tăng

Chỉ trong một thời gian ngắn mới đây, rất nhiều vụ hành hung nhân viên y tế tại bệnh viện (BV) lại xảy ra. Nhiều bác sĩ (BS) từng chua xót tâm sự việc bị người nhà bệnh nhân dùng nắm đấm để "nói chuyện" là "chuyện thường ngày ở huyện".

Máu đổ trên bệnh án

Tần suất bạo hành nhân viên y tế xảy ra tại các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng nhiều.

Ngày 20-10 vừa qua, chị Trần Thị Thanh Hải - Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - đang trong ca trực thì bị Hoàng Xuân Hải (SN 1991) chém nhiều nhát vào người, khiến chị bị đa chấn thương, phải đưa đi cấp cứu tại BV Đa khoa huyện Hương Khê. Nguyên nhân là do Xuân Hải đến truyền dịch nhưng nồng nặc mùi rượu nên chị Thanh Hải từ chối. Bực tức, Xuân Hải về nhà lấy dao vào chém chị.

Tiếp đó, ngày 23-10, BS Trần Thanh Sơn khi đang trực cấp cứu tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) đã bị người nhà bệnh nhân đánh bất tỉnh. Nguyên do chỉ vì BS Sơn ngăn người này đến BV hành hung bệnh nhân khác.

Trước đó, ngày 1-6, tại BV Thể thao Việt Nam (Hà Nội), BS Phạm Đình Vinh, công tác tại Khoa Y học cổ truyền, đã bị 2 thanh niên hành hung ngay trước cổng. Không chỉ vậy, 2 thanh niên này còn đưa BS vào trong BV, bắt quỳ xin lỗi.

Một sự việc từng gây ám ảnh trong giới y khoa là hình ảnh tập hồ sơ bệnh án nhuốm máu của BS Lê Quang Dương - BV Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội - sau khi bị người nhà bệnh nhân hành hung. Trước đó, trong khi đang xem bệnh án, BS Dương đã bị người nhà bệnh nhân dùng cốc thủy tinh đánh vào đầu, máu văng tung tóe. BS Dương ngất tại chỗ, phải nhập viện theo dõi chấn thương sọ não...

Phải phục vụ người... hành hung mình

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhiều lần phản ánh tại các hội nghị về tình trạng nhân viên y tế bị hành hung đang trong lúc chữa bệnh ngày càng tăng.

"Chúng tôi đã rất nhiều lần mời công an và cơ quan chức năng vào cuộc nhưng các vụ hành hung nhân viên y tế không thấy giảm mà lại còn tăng. Các cơ quan chức năng chưa thực sự ủng hộ. Ngành y tế gần như đơn độc trong cuộc đấu tranh chống hành hung BS" - Bộ trưởng Bộ Y tế chua xót.

PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nhấn mạnh đây là những vụ việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của các BS, nhân viên y tế và cần phải nghiêm trị. Tổng hội đề nghị các cấp quản lý ngành y tế, hội y học các tỉnh - thành hỗ trợ cán bộ y tế bị nạn và tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh BV, hạn chế tối đa các sự việc tương tự xảy ra.

"Việc xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật sẽ giúp các cán bộ y tế cả nước ổn định tâm lý, tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vì sức khỏe người dân" - bà Xuyên nhìn nhận.

Bày tỏ sự bất bình trước các vụ hành hung nhân viên y tế, BS Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số, bức xúc: "Không có ngành nào mà người bị đánh chửi lại vẫn phải nhẫn nhịn quay sang phục vụ người đánh chửi mình như ngành y tế, như các BS ở Việt Nam. Tôi cho rằng BS cần có quyền từ chối điều trị cho những kẻ đe dọa tính mạng, nhân phẩm của họ".

Tuy nhiên, theo BS Thiên, hiện tại, các quy định khám chữa bệnh, các văn bản y tế lại hầu như buộc nhân viên y tế phải điều trị cho bệnh nhân trong bất cứ trường hợp nào. BS không chỉ không có quyền từ chối khám chữa bệnh với bất cứ ai, cho dù đối tượng đó vừa đe dọa, xúc phạm mình mà còn phải đối xử thân thiện, hòa nhã.

"Hiện cũng chưa có văn bản nào quy định bắt buộc người mắng chửi nhân viên y tế phải ra khỏi BV. Do đó, BS vẫn căng mình chịu đựng sự bạo hành của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mà không có phương tiện gì để tự bảo vệ mình" - BS Thiên trăn trở.

Phải nghiêm trị

Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân của Việt Nam quy định "nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ". Tuy nhiên, luật này không ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành nhân viên y tế. Đa số các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước gần như chưa có biện pháp hiệu quả đề phòng cũng như bảo vệ nhân viên y tế khỏi sự bạo hành.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung người "đang chăm sóc sức khỏe cho mình" theo đề xuất của đại biểu Quốc hội, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Trường Đại học Y Hà Nội. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, đặc biệt là "người chữa bệnh cho mình", sẽ bị xử lý hình sự, mức phạt tối đa lên tới 3 năm tù.

"Tôi cho rằng cần có nghị định chặt chẽ hơn, bởi hiện nay, chúng tôi không có một phương tiện gì để cấm người ta chửi bới mình. Do vậy, nên có những nghị định, quy định rõ ràng, chi tiết như khi đối tượng từng xâm hại sức khỏe tinh thần của nhân viên y tế có thể phân thành các mức phạt từ thấp đến cao và mức cao nhất là truy tố trước pháp luật" - ông Hiếu nhấn mạnh.

PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K trung ương, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam: Xây dựng luật bảo vệ nhân viên y tế

Tôi thực sự buồn khi vài năm trở lại đây, vấn đề bạo hành trong y tế (gồm cả hành vi và lời nói đe dọa, uy hiếp, chửi bới, lăng mạ, sỉ nhục...) ngày càng trở nên nhức nhối, nghiêm trọng, gây bất an và bức xúc trong toàn ngành.

Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng phải có biện pháp mạnh với những kẻ bạo hành và kiến nghị xây dựng bộ luật bảo vệ nhân viên y tế, trong đó quy định hình phạt cụ thể đối với những kẻ bạo hành. Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức giáo dục, tuyên truyền cho người dân biết các vấn đề về sức khỏe cũng như những khó khăn mà ngành y thường phải đối mặt.

GS-TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam: Bất công với "từ mẫu"

Trước kia, nghề y và nghề giáo là 2 nghề nghiệp luôn nhận được sự tôn trọng của xã hội. Thế nhưng, hiện nay, thầy thuốc và thầy giáo đang phải hứng chịu những bức xúc của không ít người bằng hành động cụ thể, đó là những cú đấm, sự sỉ nhục, chửi rủa và cả những nhát dao từng cướp đi sinh mạng BS.

Người ta thường nhắc tới khẩu hiệu: "Lương y như từ mẫu", "Thầy thuốc như mẹ hiền". Vậy nếu thầy thuốc là mẹ hiền thì phải có những người con ngoan hiền, đằng này nhiều con là nghịch tử. Phải chăng đã là từ mẫu thì phải hứng chịu mọi thứ bất công từ các con hay sao? Nếu con thấy mẹ không hành xử như mình mong đợi thì con xuống tay với mẹ luôn chăng?

Bác sĩ Lê Tuấn Thành, Viện Tim mạch quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai: Ám ảnh bệnh án nhuốm máu

Thật bất bình khi bệnh nhân mắng chửi, gây khó khăn cho nhân viên y tế thì được bỏ qua nhưng nhân viên y tế nào không kiềm chế nổi cơn nóng nảy vặc lại bệnh nhân lập tức sẽ bị dư luận "ném đá", bị lãnh đạo xử phạt.

Mọi người thường cho rằng BS quyền to hơn bệnh nhân nhưng với thực tế này thì BS đang chịu nhiều thiệt thòi. Bạo hành nhân viên y tế sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cả một ngành chứ không riêng gì một BS hay một BV. Hình ảnh trang bệnh án dính máu thật đáng sợ và ám ảnh, khiến tất cả BS đều nghĩ đến một ngày mình cũng có thể bị như vậy!

 

Triển khai chương trình ngăn ngừa bệnh tim mạch toàn cầu ở Việt Nam

https://www.vietnamplus.vn/trien-khai-chuong-trinh-ngan-ngua-benh-tim-mach-toan-cau-o-viet-nam/472765.vnp

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Hội Tim mạch học Việt Nam và Viện hàn lâm Tim mạch Hoa Kỳ cùng phối hợp thực hiện Hội thảo chuyên đề “Bệnh lý tim mạch do xơ vữa tại Việt Nam – Các hướng dự phòng tiên phát,” diễn ra ngày 28/10 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Có khoảng hơn 500 bác sỹ tham dự chương trình để cập nhật và chia sẻ những kiến thức y khoa cùng với các chuyên gia đầu ngành tim mạch đến từ Hoa Kỳ và Việt Nam.

Hội thảo chuyên đề này là một trong những hoạt động thuộc chương trình giáo dục toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay do Viện hàn lâm Tim mạch Hoa Kỳ tổ chức.

Chương trình được triển khai trên toàn cầu và đã được thực hiện tại 10 quốc gia, bao gồm: Nga, Saudi Arabia, Ai Cập, Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Mexico, Argentina, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ các bác sỹ và hệ thống bệnh viện tiếp cận với những phương pháp chẩn đoán, điều trị cùng với các biện pháp để ngăn ngừa sự gia tăng của các bệnh lý tim mạch và trang bị kiến thức cần thiết cho bệnh nhân trong việc kiểm soát sức khỏe tim mạch.

Ông Bryson Childress thành viên của Viện hàn lâm Tim mạch Hoa Kỳ cho biết, để tạo nên sự thay đổi xung quanh việc điều trị và phòng ngừa các bệnh tim mạch một cách hiệu quả, cần tiếp cận các bác sỹ lâm sàng tại nơi họ sinh sống và làm việc, qua nhiều hình thức khác nhau.

“Với chiến lược lâu dài chúng tôi cam kết cùng Hội Tim mạch học Việt Nam thực hiện chương trình theo cách có thể đạt được tác động tối đa và thúc đẩy sứ mệnh của Hội trong việc ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch và cải thiện chăm sóc bệnh nhân trên phạm vi toàn cầu," ông Bryson Childress nhấn mạnh.

Với vai trò đồng chủ tọa tại Hội nghị, giáo sư Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam chỉ rõ, các bệnh lý tim mạch tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa vì thế việc phòng ngừa bằng các hướng dự phòng tiên phát càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nếu thực hiện tốt việc này có thể giúp giảm đến 75% nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch sớm theo thông báo của WHO 2017.

Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số các bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất thì Tim mạch đang dẫn đầu với tỷ lệ hơn 40% trên toàn cầu. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Thống kê tại Việt Nam cho thấy cứ 4 người trên 25 tuổi có ít nhất 1 người bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận… và những bệnh lý tim mạch này cũng đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu./.

 

Phương pháp điều trị bệnh vảy nến ở Việt Nam đã tiếp cận với thế giới

https://www.vietnamplus.vn/phuong-phap-dieu-tri-benh-vay-nen-o-viet-nam-da-tiep-can-voi-the-gioi/472764.vnp

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đang quản lý hơn 2.000 hồ sơ bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Hầu hết các trường hợp vảy nến là thể nhẹ, một số trường hợp thể vừa và thể nặng đã được dùng những phác đồ điều trị mới nhất của thế giới trong điều trị.

Hiện nay các phương pháp điều trị bệnh vảy nến ở Việt Nam cũng đã tiếp cận được với thế giới.

Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương Lê Hữu Doanh cho biết như vậy nhân Ngày Vảy nến thế giới (29/10).

Về công tác điều trị, hiện nay tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đã có những hướng dẫn điều trị cập nhật từ 2017 các phác đồ điều trị của thế giới. Các thuốc từ đơn giản nhất như là thuốc bôi cho đến thuốc toàn thân, các phương pháp điều trị ánh sáng đến các thuốc sinh học mới nhất thì tại Việt Nam cũng đã có.

Chính vì vậy, việc quản lý điều trị bệnh vảy nến ở Việt Nam đều đáp ứng được.

Theo bác sỹ Doanh, một trong những phương pháp được ưu tiên trong điều trị bệnh vảy nến hiện nay tại bệnh viện đó là điều trị bằng UVB dải hẹp toàn thân. Đây là phương pháp sử dụng tia tử ngoại UVB mới phát hiện và được coi là phương pháp ưu tiên trong điều trị vảy nến, bạch biến.

Đối với kiểm soát trường hợp bệnh nhân vảy nến mức độ vừa và nặng thì UVB dải hẹp đáp ứng tốt. Khoảng 80% các trường hợp được nghiên cứu là đáp ứng tốt đến rất tốt, một số trường hợp khác cần chuyển phác đồ điều trị tùy đáp ứng của bệnh nhân.

Đây là phương pháp mới, ổn định bệnh lâu dài hơn so với các phương pháp trước đây là điều trị ánh sáng UV, UVA dải rộng.

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và của Bệnh viên Da liễu Trung ương cho thấy, khoảng gần 50% bệnh nhân vẫn ổn định bệnh sau 6 tháng.

Bệnh vảy nến không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể được kiểm soát rất tốt.

Đặc biệt, có tới 42% người mắc bệnh vảy nến cũng mắc bệnh viêm khớp vảy nến, gây đau đớn, xơ cứng, sưng tại các khớp và có thể dẫn đến biến dạng và mất chức năng vĩnh viễn nếu điều trị không đúng cách.

Các chuyên gia cho biết, hiện nguyên nhân gây bệnh vảy nến vẫn chưa được xác định rõ, có thể là liên quan đến gen, yếu tố môi trường, dị nguyên, vi khuẩn, virus…

Vì vậy, người bệnh khi thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào về da thì nên đến các cơ sở chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Ngày Vảy nến thế giới (29/10) do Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Vảy nến sáng lập và đã được Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận.

Ước tính có khoảng 2-3% dân số thế giới mắc bệnh vảy nến. Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu điều tra chính xác nhưng theo ước tính có từ 1,5-2% dân số mắc bệnh vảy nến./.

Người bệnh vẩy nến cần thận trọng với các món ăn lạ dễ gây dị ứng nhất là những đồ ăn chứa nhiều protein và tanh như tôm, cua, ghẹ, măng, lạp sườn, xúc xích, thịt gà, đồ hộp, trứng... Đồ uống có chất kích thích: bia, cà phê, trà...

Người bệnh vẩy nến phải hạn chế tiếp xúc với hóa chất như xà phòng, dầu gội, sữa tắm... Thận trọng khi sử dụng nước hoa, son phấn, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang