Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 30/12/2015

  • |
T5g.org.vn - Brazil cho lưu hành vắc-xin sốt xuất huyết; Phó thủ tướng: Chỉ Việt Nam mới có 2 loại hình tiêm chủng; Nhiều người rao chuyển nhượng xuất đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim; Bộ Y tế giải đáp thắc mắc về tiêm vắc xin 5 trong 1...

Phó thủ tướng: Chỉ Việt Nam mới có 2 loại hình tiêm chủng

http://dantri.com.vn/suc-khoe/pho-thu-tuong-chi-viet-nam-moi-co-2-loai-hinh-tiem-chung-20151229002751391.htm

 Phát biểu tại phiên họp Chính phủ với các địa phương chiều 28/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trên thế giới chỉ Việt Nam mới có 2 loại hình là tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ. Đây là hệ quả của thời bao cấp, từ những năm 2000.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính ủng hộ việc năm 2020 sẽ chỉ còn một hệ thống tiêm vì hiện nay quy định giá tiêm dịch vụ và mở rộng thì có xu thế chọn dịch vụ. Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về giá dịch vụ vắc xin để tính đúng tính đủ cho đơn vị thực hiện tiêm chủng. Theo đó, sẽ chỉ còn hình thức tiêm chủng mở rộng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin thêm, ông đã chỉ đạo và Bộ Y tế đang soạn, lấy ý kiến về việc này. Cùng với việc này, nhà nước cũng thúc đẩy các dự án sản xuất vắc xin để làm chủ các tình huống, không thể để xảy ra sự cố rồi chạy theo như hiện nay.

Phân tích cụ thể từ việc thời sự “vỡ trận” tiêm vắc xin dịch vụ những ngày vừa qua, Phó Thủ tướng lên tiếng: "Tôi đề nghị anh em y tế nói với công luận: Thực chất Quinvaxem tác dụng phòng bệnh còn tốt hơn Pentaxim. Vắc xin dịch vụ Pentaxim nếu tiêm nhiều như Quinvaxem thì không loại trừ các sự cố, tỷ lệ phản ứng như đã xảy ra với Quinvaxem…”.

Theo Phó Thủ tướng, trước đây tử vong do Quinvaxem toàn xảy ra ở vùng xa, miền núi. Ở Hà Nội và TPHCM không có. Nguyên nhân trẻ tử vong, ông Đam nhấn mạnh, không phải do vắc xin, dù vắc xin có gây phản ứng, mà do quá trình vận chuyển, sàng lọc trước khi tiêm và xử lý cấp cứu sau khi tiêm nếu có sự cố.

Phó Thủ tướng nêu quan điểm: “Tiến tới, tôi đề nghị chỉ còn một hệ thống tiêm vắc xin thôi, là thống nhất hình thức tiêm chủng mở rộng”.

Liên quan tới chủ đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo làm rõ thêm. Trước khi ông Đam phát biểu chiều 28/12, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã báo cáo, song bà Tiến không nhắc đến chủ đề vắc xin đang được người dân quan tâm.

Nhiều người rao chuyển nhượng xuất đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim

http://dantri.com.vn/suc-khoe/nhieu-nguoi-rao-chuyen-nhuong-xuat-dang-ky-tiem-vac-xin-pentaxim-20151229151136967.htm

 Ngay sau buổi sáng căng thẳng “canh” giờ đăng kí vắc xin cho Pentaxim cho trẻ, đã có hiện hiện tượng, một em bé đăng ký được nhiều xuất tiêm tại các điểm tiêm khác nhau và rao bán các xuất thừa này trên mạng.

Chia sẻ trên Dân trí, chị N.T.A cho biết, ai có con nhỏ tầm 2 - 3 tháng muốn tiêm liên hệ với chị vì gia đình chị may mắn đăng ký được cho con ở 2 điểm tiêm nên thừa một xuất tiêm vắc xin vào sáng ngày 7/1 . Tương tự, một bạn đọc khác cũng sẵn sàng chuyển nhượng bởi chị đăng ký được cho con ở hai nơi khác nhau.

Trên diễn đàn mạng, nhiều bà mẹ cũng chia sẻ thông tin tương tự. Chị Minh Ngọc cho biết, cả chị và em gái cùng nhiều thành viên trong gia đình mỗi người ôm một máy tính xách tay phân công cùng đăng ký cho hai cháu nhỏ, một cháu 4 tháng chưa tiêm mũi nào và một bé hơn 1 năm cần tiêm nhắc mũi 3. Thế nhưng chỉ chị may mắn đăng ký được cho con, còn mọi người đều không thể truy cập.

“Mình muốn chuyển cho cháu tiêm vì nó hơn 4 tháng rồi chưa tiêm được mũi nào. Con mình dù sao cũng là tiêm nhắc lại. Số của mình được hẹn ngày 8/1 tiêm tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Mình không biết có chuyển nhượng cho cháu được không?”, chị Ngọc băn khoăn.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, ngay từ khi chốt phương án đăng ký trên mạng, các điểm tiêm đã thống nhất làm sao đảm bảo minh bạch, công bằng và đúng đối tượng tiêm. Vì vậy, phiếu đăng ký tiêm chỉ có giá trị trong ngày hẹn, với đúng thông tin trẻ được cung cấp trên phiếu. Mọi trường hợp chuyển nhượng phiếu tiêm, thông tin đăng ký không đúng tên trẻ, tên người giám hộ thì sẽ không triển khai tiêm. Trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế sẽ làm thêm nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu thông tin trên phiếu với giấy tờ mà người nhà mang đến.

TS Cảm cho biết thêm, hàng ngày, trung tâm sẽ tổng hợp và thông báo số lượng vắc xin sử dụng. Sau khi tổng hợp lượng vắc xin còn dư lại vì số lượng tiêm “ảo” như những trường hợp đăng ký được nhiều nơi, bỏ tiêm sẽ có các thông báo tiếp theo.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã khuyến cáo mỗi gia đình chỉ đăng ký tại một điểm nhưng người dân vẫn ồ ạt đăng ký dẫn đến số lượng “ảo”, có người đăng kí được 2 - 3 nơi, có người lại không đăng ký được.

“Mọi phiếu đăng ký tiêm dịch vụ sẽ không được chuyển nhượng. Nếu thừa vắc xin do số lượng ảo sẽ được tập hợp cho lần đăng ký sau. Bản thân bà mẹ khi đưa con đến tiêm sẽ được kiểm tra chứng minh thư, giấy khai sinh của con để đảm bảo đúng trẻ được tiêm”, TS Phu khẳng định.

Tuy nhiên, PGS cũng nhấn mạnh, Bộ Y tế không khuyến khích việc tiêm chủng dịch vụ như thế này, bởi vắc xin tương ứng trong tiêm chủng mở rộng là hoàn toàn đáp ứng nhu cầu theo số lượng trẻ sinh ra mỗi năm.

Vì thế, cha mẹ cần từ bỏ tâm lý chờ đợi, mong ngóng vắc xin dịch vụ. Bởi trong năm 2016 chỉ còn duy nhất 40.000 liều vắc xin Pentaxim về vào tháng 1/2016, còn cả năm không còn nguồn vắc xin dịch vụ nào. Nếu chờ đợi, bỏ qua tiêm chủng sẽ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trong khi đó, vắc xin tương đương là vắc xin Quinvaxem được sử dụng trong TCMR đến nay đã sử dụng phổ biến tại 94 quốc gia trên toàn thế giới, với hơn 450 triệu liều.

Tại Việt Nam, từ khi triển khai đến nay, đã có khoảng 25 triệu mũi tiêm Quinvaxem được thực hiện, với tỷ lệ tiêm chủng 3 mũi vắc xin hàng năm đạt trên 90%. Quinvaxem được cung cấp đầy đủ tại gần 12.000 điểm tiêm chủng trên cả nước, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, an toàn và hiệu quả. Vì vậy, phụ huynh có trẻ đến thời gian cần tiêm chủng mà chưa tiêm vắc xin hoặc chưa đăng ký được vắc xin dịch vụ nên đến ngay các điểm tiêm chủng tại xã, phường và các điểm tiêm chủng dịch vụ để được tiêm Quinvaxem kịp thời, bảo vệ sức khỏe của trẻ, phòng tránh nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng.

Tới 2020, tiêm miễn phí mọi loại vaccine

 http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/12/407580/

 (SGGPO). – Liên quan đến vấn đề tiêm chủng vaccine “5 trong 1” Pentaxim mà xã hội đang rất quan tâm hiện nay, Phó Thủ  tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam là nước duy nhất hiện nay trên thế giới có 2 hệ thống tiêm chủng vaccine: đó là Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Không nước nào có 2 hệ thống như vậy. Trước tình hình khan hiếm vaccine dịch vụ ở Hà Nội, TPHCM hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo.

Cũng theo Phó Thủ tướng, ở các nước khi đã xác định số lượng bệnh cần được tiêm vaccine cho toàn dân thì chỉ có một cơ chế là tiêm mở rộng (theo nghĩa người dân không phải trả tiền). Tiêm chủng dịch vụ trên thế giới được hiểu là tiêm các loại vaccine phòng các bệnh không phổ biến (hiện có vaccine phòng gần 30 loại bệnh và các nước thường chọn tiêm vaccine phòng 10-20 loại bệnh trong tiêm chủng mở rộng, ở nước ta hiện nay là 12). Như vậy, Việt Nam là nước duy nhất có cơ chế tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Đây là hệ quả của cơ chế chuyển dịch từ bao cấp sang xã hội hóa từ nhiều năm, tới lúc cần phải thay đổi.

Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng lộ trình để tới 2020 chỉ còn một cơ chế tiêm mở rộng như các nước. Khi đó Nhà nước sẽ chọn 1 hoặc một số loại vaccine cho mỗi loại bệnh và người dân sẽ được tiêm miễn phí dù chọn loại vaccine nào.  Cùng với đó, Bộ Y tế cần thúc đẩy chương trình đầu tư sản xuất vaccine để có thể chủ động hơn.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang xây dựng một Nghị định về tiêm vaccine để giải quyết căn bản những vấn đề đặt ra liên quan tới tiêm chủng, trong đó có vấn đề tính đúng, tính đủ giá tiêm vaccine để khắc phục tình trạng cùng một cán bộ y tế, cùng một cơ sở y tế nếu tiêm vaccine mở rộng thì công tiêm được nhà nước, bảo hiểm trả thấp hơn tiêm dịch vụ dễ dẫn tới xu hướng tự nhiên là hướng người dân tiêm dịch vụ.

Bộ Y tế giải đáp thắc mắc về tiêm vắc xin 5 trong 1

http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/bo-y-te-giai-dap-thac-mac-ve-tiem-vac-xin-5-trong-1/244735.vgp

(Chinhphu.vn) - Có nên tiêm vắc xin 5 trong 1 cùng vắc xin phòng bệnh khác, khoảng cách giữa 2 lần tiêm vắc xin 5 trong 1 là bao lâu, hết vắc xin 5 trong 1 thì có nên tiêm đơn lẻ từng loại vắc xin không?... là một số thắc mắc vừa được Bộ Y tế giải đáp.

Bà Nguyễn Thị Yến (Hà Nội): Con tôi 4 tuổi rưỡi, đã chích 3 mũi vắc xin 5 trong 1 theo Chương trình tiêm chủng mở rộng khi cháu được 2, 3, 4 tháng tuổi và chưa chích mũi nhắc lại nào. Vậy giờ con tôi có nên chích lại không? Nếu kết hợp chích 2 mũi 5 trong 1 và viêm não Nhật Bản cùng một lúc thì có được không?

Bộ Y tế trả lời: Trẻ cần được tiêm nhắc vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) lúc 18 tháng tuổi, theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin DPT chỉ nên sử dụng cho trẻ dưới 48 tháng. Con của bà Yến đã bỏ lỡ cơ hội tiêm nhắc vắc xin DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bà cần lưu ý lịch tiêm chủng các vắc xin khác như viêm não Nhật Bản để cho trẻ đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

Bà Phạm Lan Phương (TP. Hồ Chí Minh): Hiện nay con tôi được 20 tháng tuổi. Tôi đang muốn cho con đi chích ngừa vắc xin nhắc lại theo lịch (đúng ra là lúc 18 tháng tuổi nhưng do cháu bị ốm nên chưa chích được). Trước đây cháu đã chích 3 mũi 6 trong 1 dịch vụ. Vậy cho tôi hỏi nên cho cháu chích loại vacxin 5 trong 1 hay 6 trong 1? Nếu chích vắc xin 5 trong 1 thì có những loại nào (có vắc xin 5 trong 1 loại dịch vụ không hay chích loại vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem)?

Bộ Y tế trả lời: Theo lịch tiêm chủng, trẻ 18 tháng tuổi cần được tiêm chủng nhắc lại vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) và tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella. Con của bà Phương đã 20 tháng tuổi, bà có thể đưa cháu ra các trạm y tế xã phường để được các nhân viên y tế tư vấn cụ thể và tiêm những vắc xin phòng bệnh kể trên.

Bà Lương Thu Loan (Bà Rịa - Vũng Tàu): Con tôi hiện nay được 1,5 tháng, cháu đã được tiêm vắc xin viêm gan B cùng với kháng thể (do tôi xét nghiệm máu có HbSAg dương tính) trong 24h sau sinh. Nay có chương trình tiêm chủng tại Trung tâm Y tế phường, tôi mới cho cháu tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh Lao. Vậy đến đủ 2 tháng tuổi tôi cho cháu tiêm mũi 5 trong 1 (trong đó có bao gồm vắc xin viêm gan B) có được không? Và nếu được thì khoảng cách giữa 2 lần tiêm vắc xin lao và vắc xin 5 trong 1 cách nhau nửa tháng có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu không? Sau khi tiêm đủ 3 mũi 5 trong 1 (có vắc xin phòng viêm gan B) thì sau này cháu có cần tiêm nhắc lại vắc xin viêm gan B nữa không?

Bộ Y tế trả lời: Con của bà Loan đã tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh và tiêm huyết thanh trong 24h đầu sau sinh, tiêm lao khi được 1,5 tháng tuổi, theo lịch tiêm chủng trong tiêm chủng mở rộng trẻ sẽ được tiêm vắc xin phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi.

Bà Đỗ Ngọc Uyên (Nha Trang): Con gái tôi được 18 tháng đã tiêm vắc xin dịch vụ 6 trong 1 được 2 lần, khi đó cháu được 7 - 8 tháng tuổi. Từ đó đến nay cháu chưa tiêm được mũi thứ 3 do hết thuốc. Có nhiều người khuyên tôi nên cho con tiêm nốt mũi thứ 3 bằng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vậy xin hỏi cháu có thể tiêm vắc xin 5 trong 1 được không, nếu không được thì có thể tiêm bổ sung đơn lẻ từng loại vắc xin một được không?

Bộ Y tế trả lời: Trẻ em dưới 1 tuổi cần được tiêm vắc xin phòng lao, viêm gan B sơ sinh và tiêm/uống vắc xin phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao nhất. Bà Uyên không nên chờ vắc xin dịch vụ vì trẻ có thể mắc bệnh trước khi được tiêm chủng. Hiện nay con bà đã được 18 tháng tuổi, bà có thể đưa trẻ ra trạm Y tế xã/phường để được tiêm nhắc lại vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) và tiêm vắc xin sởi - rubella trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và được tư vấn cụ thể về vắc xin phòng các bệnh khác.

Bà Trần Thị Thanh Loan (Quảng Ninh): Con tôi hiện nay được hơn 9 tháng tuổi, nhưng vì lý do hết thuốc nên còn nợ 1 mũi 5 trong 1. Xin hỏi trong khi chờ đợi vắc xin 5 trong 1, tôi có thể đưa con đi chích đơn lẻ từng loại vắc xin một được không? Khi có vắc xin 5 trong 1, tôi có thể đưa con đi chích lại mũi đó được không?

Bộ Y tế trả lời: Trẻ em dưới 1 tuổi cần được tiêm vắc xin phòng lao, viêm gan B sơ sinh và tiêm/uống vắc xin phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao nhất. Bà Loan không nên chờ vắc xin dịch vụ vì trẻ có thể mắc bệnh trước khi được tiêm chủng và sẽ quá độ tuổi tiêm chủng các vắc xin phòng bệnh trên của trẻ. Hiện nay con bà đã được 9 tháng, bà có thể đưa trẻ đi tiêm mũi tiếp theo vắc xin phòng các bệnh trên và tiêm mũi vắc xin phòng bệnh sởi.

Gần 2,9 nghìn liều vắc-xin được đăng ký thành công qua Tổng đài 1080

http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/28389102-gan-2-9-nghin-lieu-vac-xin-duoc-dang-ky-thanh-cong-qua-tong-dai-1080.html

NDĐT - Ngày 29-12, ngày đầu tiên tiếp nhận đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ qua Tổng đài điện thoại 1080 ở TP Hồ Chí Minh, đã có 2.870 liều vắc-xin được đăng ký thành công.

Theo VNPT TP Hồ Chí Minh, Tổng đài 1080 đã bắt đầu nhận đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ ngay từ lúc 8 giờ sáng ngày 29-12. Và cũng bắt đầu tại thời điểm này đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Ghi nhận cho thấy tại cùng một thời điểm đã có đến 2.000 cuộc gọi đến Tổng đài 1080.

Chính vì thế, dù đã dự liệu trước tình huống có quá nhiều cuộc gọi và triển khai 170 tổng đài viên chỉ để tiếp nhận thông tin về đăng ký vắc-xin dịch vụ nhưng Tổng đài 1080 vẫn không thể tránh khỏi sự cố nghẽn mạng, sau đó, VNPT TP Hồ Chí Minh đã khắc phục sự cố này.

Trong vòng 4 giờ đồng hồ (từ 8 giờ đến 11 giờ sáng nay), Tổng đài 1080 đã tiếp nhận được 8.000 cuộc gọi đến, đăng ký hết số vắc-xin được phân bổ trong ngày là 2.870 liều cho 52 cơ sở y tế.

Chiều 29-12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày mai sẽ tiếp tục nhận đăng ký vắc-xin dịch vụ qua Tổng đài 1080, thời gian đăng ký cũng bắt đầu từ 8 giờ sáng. Lần này, sẽ tiếp nhận đăng ký cho đến khi hết số vắc-xin được phân bổ cho toàn thành phố là khoảng trên 16.600 liều.

Hiện tại, tất cả số vắc-xin này đều đã được chuyển đến các cơ sở y tế có đăng ký tiêm chủng vắc-xin dịch vụ. Một số cơ sở y tế không thực hiện tiêm chủng vắc-xin dịch vụ thì Sở Y tế sẽ điều chuyển số vắc-xin tại đây đến cơ sở y tế khác phục vụ người dân.

Để tránh sự cố nghẽn mạng như đã xảy ra vào sáng nay, ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ngày 30-12, VNPT sẽ bố trí thêm từ 30 đến 50 bàn nữa, chỉ để dành riêng cho tiếp nhận đăng ký vắc-xin dịch vụ. Khi khách hàng gọi vào thì sẽ hỏi địa chỉ ở đâu để tư vấn điểm chích ngừa gần nhất. Tuy nhiên, khi các điểm gần đã hết thì phải tư vấn tiêm ở điểm xa. Ngày mai sẽ có sự điều chỉnh là các điểm tiêm chủng ở Cần Giờ sẽ được chuyển lên trên trung tâm như ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2”.

Được biết, trong đợt này TP Hồ Chí Minh được cung cấp 16.640 liều vắc-xin Pentaxim, trong đó Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh (thuộc Bộ Y tế) được cấp số lượng 5.000 liều (Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chưa triển khai tổ chức tiêm số lượng được cung cấp), 75 đơn vị còn lại 11.640 liều.

Tiêm chủng - Giải pháp hiệu quả phòng bệnh lây truyền ở trẻ nhỏ

http://dantri.com.vn/suc-khoe/tiem-chung-giai-phap-hieu-qua-phong-benh-lay-truyen-o-tre-nho-20151228095935486.htm

Trong 2 tiếng diễn ra giao lưu, TS.Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ và ThS. BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ, đã giải đáp hơn 20 băn khoăn về bệnh lây truyền mùa đông xuân, tiêm chủng như thế nào để hiệu quả nhất.

 Theo thông tin cảnh báo từ Bộ Y tế, mùa đông xuân với sự thay đổi thất thường của thời tiết sẽ khiến nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, nhất là những căn bệnh dễ lây nhiễm. Trẻ nhỏ là một trong những đối tượng có nguy cơ rất cao. Vậy cha mẹ cần làm gì để bảo vệ trẻ trước những nguy cơ này?Thời tiết lạnh, mưa ẩm mùa đông xuân là điều kiện lý tưởng để hàng loạt các bệnh lây nhiễm như dịch cúm, bệnh tay-chân-miệng, sởi, Rubella… phát triển.

Ngoài những căn bệnh “đến hẹn lại lên” này, điều đáng lo ngại là một số căn bệnh từ lâu đã vắng bóng nay có chiều hướng quay trở lại như bạch hầu, ho gà…

Vì sao những bệnh lây truyền nguy hiểm này trở thành nguy cơ đối với trẻ nhỏ? Tiêm vắc xin vào những thời điểm nào để phòng ngừa hiệu quả? Cách điều trị các bệnh lây truyền như thế nào tốt nhất?... cùng nhiều băn khoăn khác của bạn đọc sẽ là nội dung chính của buổi Tư vấn trực tuyến: “Tiêm chủng phòng bệnh lây truyền ở trẻ nhỏ” do toà soạn báo Dân trí tổ chức vào 9h sáng ngày 29.12.2015.

Khách mời tham gia cuộc Tư vấn trực tuyến gồm:

TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương

ThS. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Phó khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương)

Tin mới vụ 500 công nhân Hải Phòng ngộ độc: Bộ Y tế chỉ đạo khẩn cấp

http://www.nguoiduatin.vn/tin-moi-vu-500-cong-nhan-hai-phong-ngo-doc-bo-y-te-chi-dao-khan-cap-a221570.html

Mẫu thức ăn được đưa đi giám định để xác định nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm ở Hải Phòng. Kết quả sẽ được cơ quan giám định công bố trong thời gian sớm nhất.

Sáng 29/12, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã làm việc với Sở Y tế TP.Hải Phòng và các ngành chức năng về vụ ngộ độc khiến gần 500 công nhân phải cấp cứu khẩn cấp chiều 28/12.

Nguồn tin riêng của báo Người đưa tin cho biết, Bộ Y tế đang làm việc với Sở Y tế TP.Hải Phòng về vụ 495 công nhân công ty TNHH Regina Mirade tại Khu công nghiệp VSIP, huyện Thuỷ Nguyên, TP.Hải Phòng nhập viện trưa hôm qua ngày 28/12/2015.

Theo đó, sáng nay Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã làm việc với Sở Y tế TP.Hải Phòng và các ngành chức năng về vụ việc này.

Cũng trong buổi sáng nay, công ty VSIP đã tổ chức buổi Họp báo thông tin về vụ việc. Theo đó, đến thời điểm này xác định có 495 công nhân bị ngộ độc. Thực phẩm bữa ăn trưa gồm có các món như cơm, bắp cải xào, cá duội rang, thịt xốt cà chua và tráng miệng với sữa chua, củ đậu.

Tại buổi họp báo, trả lời phỏng vấn báo chí, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế TP.Hải Phòng cho biết: "Ngành Y tế TP.Hải Phòng đã huy động tổng cộng 17 xe cứu thương cùng phối hợp với công ty nhằm nhanh chóng vận chuyển người bệnh. Tổng cộng có 495 bệnh nhân phải nhập viện, trong đó có 15 ca nhẹ tự xin về, 480 nặng hơn phải nhập viện nội trú".

Bà Xanh cũng cho biết thêm: "Hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng nhẹ. Các ngành liên quan vẫn đang tiếp tục theo dõi chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân này".

Thông cáo báo chí của công ty TNHH Regina Miricle - nơi xảy ra vụ việc 495 công nhân bị ngộ độc thức ăn - nêu rõ, tính đến thời điểm sáng nay, ngày 29/12/2015, đã có 261 bệnh nhân được xuất viện, 277 công nhân được điều trị qua đêm tại các bệnh viện cũng đang chuẩn bị làm thủ tục xuất viện.

Toàn bộ công nhân bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục được nghỉ ngơi ở nhà cho đến khi bình phục và được hưởng nguyên lương.

Sau khi sự việc xảy ra, công ty đã làm việc với các cơ quan hữu quan trên địa bàn và thành phố Hải Phòng, đồng thời gửi mẫu thực phẩm đi giám định để xác định nguyên nhân vụ việc. Kết quả sẽ được cơ quan giám định công bố trong thời gian sớm nhất.

"Về đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, công ty đã ký hợp đồng với công ty Bảo Châu - một công ty đã có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chúng tôi cũng tìm hiểu và quyết định ký hợp đồng với công ty này vì hiện họ đang cung cấp suất ăn công nghiệp cho một số công ty khu VSIP Hải Phòng" - đại diện công ty TNHH Regina Miricle cho biết.

Được biết, đến ngày 1/1/2016 sẽ có kết quả phân tích thực phẩm mẫu gây ra vụ ngộ độc này.

Cứu sống 2 bé song sinh non yếu ở tuần thai 25

http://dantri.com.vn/suc-khoe/cuu-song-2-be-song-sinh-non-yeu-o-tuan-thai-25-20151229112517995.htm

Khi lọt lòng chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay mẹ, một bé 630 gram và một bé 570 gram – hai bé gái song sinh cực kỳ non yếu đã được cứu sống kỳ diệu.

 Cuối tuần qua, hơn 50 gia đình các em bé sinh non từng được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Vinmec Times City đã hào hứng tới tham dự Chương trình “Gặp mặt và trao đổi kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non” lần đầu tiên được tổ chức tại bệnh viện.

Sau 4 tháng được điều trị và chăm sóc, bé Hán Bảo A. đã tăng từ 570gram lên 3,2kg; biết tự bú và không còn các nguy cơ với sức khỏe. Vì thế, các bác sĩ Khoa Sơ sinh đã quyết định cho bé xuất viện đúng ngày cuộc Gặp mặt.

Bé Bảo A. là một trong 2 bé song sinh cực kỳ non yếu ở tuần 25 từng được nuôi dưỡng và chăm sóc thành công tại Bệnh viện. Khi lọt lòng mẹ, bé A. chỉ nặng 570gram, em gái song thai 630gram, nằm gọn trong lòng bàn tay. Cặp song sinh này chỉ nhỉnh hơn cặp sinh non nhẹ cân nhất với 24 tuần tuổi, nặng 500 gram và 600gram được nuôi dưỡng thành công đầu năm 2015 vừa qua. Tuy nhiên,  diễn biến sức khỏe của 2 em bé sinh non Bảo A. và Bảo D. rất khó tiên lượng. Cả hai đều suy hô hấp rất nặng (bệnh màng trong độ 4), phải thở máy kéo dài hơn 1 tháng. Bé Bảo A. bị chảy máu phổi 3 lần, tăng áp động mạch phổi, nhiễm khuẩn nặng, suy tuần hoàn, còn ống động mạch.

Ở Việt Nam, những trường hợp sinh non yếu tương tự như 2 bé Bảo A. và Bảo D. khả năng sống là rất hiếm. Ngay cả trên thế giới, tỉ lệ tử vong với những trẻ cực non này là 50%; với các ca sống sót thì tỉ lệ di chứng nặng cũng lên tới 30%. Tuy nhiên, sau hơn 3 và 4 tháng liên tục được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Sơ sinh Vimec bằng nhiều biện pháp hỗ trợ như bơm sunfactan, hỗ trợ các loại thuốc vận mạch, thở máy cao tần, điều trị kháng sinh, truyền máu và thuốc tăng cường miễn dịch …, cả 2 bé đều đã lần lượt xuất viện. Hiện tại, cả 2 bé không có bất cứ nguy cơ biến chứng lâu dài nào.

Anh Hán Xuân Tiến, bố 2 bé xúc động chia sẻ: “Khó khăn của chúng tôi đã có ngay từ những ngày mang song thai. Sau đó, 2 bé ra đời quá sớm và non nớt, nhiều lúc gia đình lúc tưởng như đã mất hy vọng. Vì thế, cuộc sống của 2 bé hôm nay thực sự như một phép màu”.

Là chuyên gia đã có gần 40 năm kinh nghiệm nuôi dưỡng trẻ sinh non, bác sĩ Trần Liên Anh – Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết: “Tuổi thai và nguyên nhân sinh non mỗi bé khác nhau. Vì thế, với mỗi trường hợp, chúng tôi luôn thận trọng trong từng khâu chẩn đoán, điều trị và nuôi dưỡng trẻ”.

Với các trường hợp mắc dị tật bẩm sinh, Khoa Sơ sinh đã phối hợp với các bác sĩ ngoại nhi, đặc biệt là chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật nhi - GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cứu sống nhiều trẻ teo thực quản, thoát vị cơ hoành…

Được biết, các quy trình chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh non nói riêng và trẻ sơ sinh có bệnh lý nói chung tại Bệnh viện đem lại hiệu quả tương đương với các quốc gia tiên tiến. Tuy nhiên, chi phí chỉ bằng 1/5 so với với các nước trong khu vực và 1/10 trên thế giới.

Ca sĩ Thái Thùy Linh: 'Vì sao tôi đưa con đi tiêm Quinvaxem'

http://news.zing.vn/Ca-si-Thai-Thuy-Linh-Vi-sao-toi-dua-con-di-tiem-Quinvaxem-post614904.html

Thuỳ Linh chia sẻ, sau khi tìm hiểu kỹ, có hai lý do thuyết phục chị đưa con đi tiêm Quinvaxem ngay. Nữ ca sĩ nhấn mạnh, không ai dám đánh cược với tính mạng của trẻ.

Có con trong độ tuổi tiêm phòng, như nhiều bà mẹ khác, nữ ca sĩ Thái Thùy Linh rất quan tâm tới vắc xin. Từng hoang mang và "án binh bất động" vì những thông tin trái chiều xung quanh Quinvaxem và Pentaxim, sau một thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu, bà mẹ 2 con của quyết định đưa con đi tiêm Quinvaxem.

Dưới đây là chia sẻ của Thái Thùy Linh với Zing.vn:

Trẻ em có thể "dính đạn" bất cứ lúc nào

3.200 liều Pentaxim đã hết chỉ sau vài phút mở cổng đăng ký online của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội sáng 29/12. Vậy là nhiều nghìn trẻ em tiếp tục chờ đợi, nhiều nghìn gia đình nơm nớp lo dịch bệnh bùng phát và nhiều nghìn trẻ em có thể "dính đạn" bất cứ lúc nào, khi xung quanh các con đa phần là các bạn chưa được chủng ngừa.

Kể cả có lấy được số, hành trình đưa con em đi tiêm thành công cũng còn nhiều nhọc nhằn, căng thẳng. Tìm hiểu kỹ thông tin và đưa con đi tiêm Quinvaxem là cách tôi chọn lựa, áp dụng cho Minh (tên con trai của Thái Thùy Linh) cũng như các cháu trong đại gia đình.

Hai lý do khiến tôi lựa chọn Quinvaxem

Có con ở trong độ tuổi tiêm chủng và cháu chưa tiêm mũi nào nên gần 3 tháng qua, tôi rất quan tâm tới vắc xin. Lúc trước, tôi không cho con tiêm vì xảy ra nhiều nghi vấn và chưa thể khẳng định, Quinvaxem có an toàn hay không. Tôi cũng hỏi một số bạn bè là những bác sĩ uy tín và có hiểu biết về vấn đề này. Ở thời điểm đó, chính họ cũng khuyên tôi từ từ, “án binh bất động”. Tính mạng của con em không thể mang ra thử hay đánh cược được.

Gần đây, tôi bắt đầu thấy những thông tin tích cực. Cụ thể là phân tích và số liệu xác thực, chứ không chỉ tin đồn chung chung như trước. Theo đó, có 2 lý do khiến tôi quyết định cho con tiêm Quinvaxem:

- Thứ nhất, đã có điều tra và kết luận, không phải vắc xin là nguyên nhân tử vong của 12 trẻ, đặc biệt là 2 bé tại Nghệ An, sau khi tiêm Quinvaxem.

- Thứ hai, vắc xin Quinvaxem được sử dụng rộng rãi, với số mũi tiêm lên tới 5.5 triệu, trong khi Pentaxim chỉ chiếm số lượng nhỏ với 100.000-200.000. Nếu so về con số, có vẻ những cháu chịu tác dụng phụ của Quinvaxem nhiều hơn. Nhưng nếu so sánh tỷ lệ, bạn sẽ thấy không phải Quinvaxem có rủi ro cao hơn Pentaxim.

Một số trường hợp sau khi tiêm Quinvaxem có biểu hiện sốt, nôn trớ, nhưng đó là điều có thể hiểu được. Quinvaxem có nhiều tác dụng phụ hơn nhưng bảo vệ mạnh hơn. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các nước có hệ thống y tế yếu nên chọn loại vắc xin mạnh mẽ hơn (Quinvaxem), đảm bảo dịch bệnh ít bùng phát hơn, tất nhiên chịu khó với tác dụng phụ một chút.

Nhiều khi đưa con đi tiêm về thấy con không sốt, không mệt mỏi lại nghĩ là may, nhưng giờ hiểu ra vấn đề, tôi thấy con sốt hay mệt mỏi chút là điều bình thường và mình sẽ bình tĩnh.

Từ những phân tích đó, tôi thấy, chẳng tội gì không tiêm Quinvaxem, nhất là trong tình hình căng thẳng như hiện nay.

Cha mẹ đừng để con cuốn theo dư luận

Chiều 28/12, tôi đưa con đi tiêm Quinvaxem: được miễn phí, không phải chen lấn, xô đẩy và được phục vụ như tiêm dịch vụ. Cứ chờ đợi như thế kia không biết khi nào mới đủ vắc xin cho con.

Tôi muốn khuyên các mẹ, nên tìm hiểu kỹ và tự mình phân tích, đừng để bị cuốn theo dư luận. Các mẹ cần phải tính toán, đừng đặt cược sức khỏe của con. Nên nhớ, ví dụ như trước đây, 90/100 cháu đã tiêm vắc xin thì xác suất con mình lây nhiễm 5 bệnh của mũi 5 trong 1 sẽ thấp. Còn hiện tại, với tình hình này, ví dụ có 10 cháu dưới 1 tuổi nhưng có tới 8 cháu vẫn chưa tiêm và chờ Pentaxim, khi một cháu bị bệnh và lan ra, hậu quả sẽ rất kinh khủng.

Tư vấn trực tuyến: Sơ xảy thường gặp với sốt xuất huyết

http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/281712/tu-van-truc-tuyen-so-xay-thuong-gap-voi-sot-xuat-huyet.html

Kính mời bạn đọc đặt câu hỏi với chuyên gia vệ sinh dịch tễ để nhìn ra sai lầm phòng trị căn bệnh chết người, từ đó tránh được biến chứng nguy hiểm cho tính mạng.

Sốt xuất huyết (SXH) là một trong những bệnh dịch do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất. Xuất hiện ở VN từ những năm 1958, nay SXH đã thành dịch lưu hành hàng năm ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước; số mắc hàng năm từ 50-100 ngàn trường hợp, trong đó khoảng 100 người tử vong/năm.

Những năm qua, ngành Y tế đã nỗ lực tuyên truyền, phun xịt thuốc, kiểm tra, giám sát, điều trị nhằm giảm số lượng ca mắc mới, tử vong và giảm gánh nặng bệnh tật do SXH. Đến năm 2015 cả nước có gần 82.000 ca mắc SXH, chỉ có 52 trường hợp tử vong.

Dù vậy nhũng năm tới SXH vẫn được cho là một trong những dịch bệnh nguy hiểm được nhấn mạnh trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về y tế, do diễn biết phức tạp trên mọi lứa tuổi và gia tăng báo động ở các thành phố lớn.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu SXH; văcxin phòng SXH vừa được sản xuất lưu hành ở Mexico nhưng sản phẩm này vẫn đang được cân nhắc sử dụng ở Việt Nam. Trong khi, nhiều người dân ít hiểu biết về dịch bệnh SXH, dẫn đến không quan tâm phòng bệnh; khi mắc bệnh thì mua thuốc tự điều trị như với sốt thường, gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí mất mạng.

Để giúp bạn đọc đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của SXH, nhận diện chính xác triệu chứng, từ đó tránh được sai lầm trong phòng trị căn bệnh chết người này, VietNamnet tổ chức GLTT Sơ xảy thường gặp với sốt xuất huyết vào 14h ngày 30/12/2015.

Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham dự của các chuyên gia đến từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, gồm:

- Th.S Nguyễn Đức Khoa - Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

- ThS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư

Bắt xe tải chở 300kg nội tạng bốc mùi hôi thối

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bat-xe-tai-cho-300kg-noi-tang-boc-mui-hoi-thoi-20151229003609236.htm

Trong khi tuần tra, lực lượng chức năng đã phát hiện một xe tải chở hơn 300kg nội tạng bốc mùi hôi thối.

Sáng 28/12, tại đường tránh Nam Hải Vân, Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Nhơn (Công an TP Đà Nẵng) đã tiến hành kiểm tra xe tải mang BKS 43S-7422 do tài xế Nguyễn Quốc Hùng (SN 1984, trú Phú Xuân, Phú Vang, TT Huế) điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng vụ phát hiện xe tải này đang chở hơn 300kg nội tạng bốc mùi hôi thối. Tài xế Hùng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc rõ ràng về lô hàng nội tạng này.

Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế khai nhận số nội tạng trên được lấy từ một cơ sở trên địa bàn Đà Nẵng và chở vào Quảng Nam bán lại cho các chủ ao hồ nuôi cá trê để làm thức ăn.

Hiện Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Đà Nẵng) đã tạm giữ số hàng trên để tiến hành tiêu hủy theo quy định pháp luật.

21.97% cơ sở thực phẩm chức năng vi phạm về quảng cáo

http://phapluattp.vn/suc-khoe/97-co-so-thuc-pham-chuc-nang-vi-pham-ve-quang-cao-604053.html

(PL)- Theo thống kê, trong bảy tháng đầu năm 2015, Cục An toàn thực phẩm đã thanh tra, phát hiện vi phạm và xử lý 105 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN), với tổng số tiền phạt gần 2 tỉ đồng.

Trong số này, 102 cơ sở vi phạm về quảng cáo, chiếm trên 97% số cơ sở vi phạm.

Về thực trạng TPCN giả, nhái, kém chất lượng, ông Trần Hùng, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cho biết trong ba tháng (từ ngày 15-7 đến 15-10), cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý gần 4.000 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN. Phần lớn mặt hàng TPCN làm giả, kém chất lượng đều được nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ.

Tết đến, cảnh giác mỹ phẩm dỏm

http://nld.com.vn/suc-khoe/tet-den-canh-giac-my-pham-dom-20151229222833182.htm

Trong tổng số các vụ vi phạm về kinh doanh - sản xuất mỹ phẩm thì mỹ phẩm giả nhãn hiệu chiếm đến 50%

Đua nhau “nâng cấp” nhan sắc vào dịp cuối năm, không ít chị em đã nhận lãnh hậu quả đáng tiếc do dùng nhầm các loại mỹ phẩm dỏm, giả, không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường.

Nhan sắc “xuống cấp”

Chuẩn bị về quê ăn Tết, chị T.X.T (quận Thủ Đức, TP HCM) dành thời gian “tút” lại nhan sắc cho “bằng chị bằng em”. Mua một hộp kem trị nám với giá 800.000 đồng về sử dụng, chỉ sau 2 tuần, da mặt chị T. sưng phù, đi khám da liễu thì được các bác sĩ cho biết chị bị viêm da dị ứng cần được điều trị và theo dõi.

Mới đây, trong một lần ghé chơi, người thân của em L.T.N.V (23 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) giật mình khi nhìn thấy gương mặt em sau gần 1 tháng không gặp. Thi trượt đại học, V. vào TP HCM làm công nhân. Đang tuổi thanh xuân, mặt V. nổi nhiều mụn. Ở phòng trọ, nhiều nữ công nhân bảo nhau mua một loại kem ở chợ gần khu công nghiệp về bôi. Tin lời, V. ra chợ mua một lọ không rõ nhãn mác về bôi thử. Ban đầu, da mặt cảm thấy dễ chịu nhưng chừng 2 tuần thì căng ra, mụn càng lấm tấm, chỗ đỏ, chỗ đen. Da mặt biến dạng, V. sống khép kín với mọi người xung quanh, lúc nào cũng đeo khẩu trang, càng không dám đến bệnh viện. Thấy bộ dạng tội nghiệp của người em họ, người chị tức tốc chở tới Bệnh viện Da liễu TP HCM khám thì hết hồn khi các bác sĩ xác định da mặt V. bị  nhiễm trùng nặng, phải dùng kháng sinh kèm thuốc bôi làm mờ sẹo.

Trường hợp chị T.T.T.R, quê tỉnh Bạc Liêu, là bài học khác cho nhiều người. Chị R. mới 29 tuổi nhưng khuôn mặt chảy xệ trông như bà già 70 do lạm dụng corticoid mua ở quầy thuốc gần nhà. Cũng đã có trường hợp chết người do biến chứng của mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại tỉnh Đồng Tháp: Em N.B dùng một loại kem bôi để làm trắng da toàn thân theo lời rỉ tai của bạn bè nhưng sau đó em bị sốt cao, nôn ói, co giật, được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi...

Công nghệ “xô chậu”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công nghệ chế biến mỹ phẩm “hàng chợ” nhìn thấy là sợ! “Nhà sản xuất” dùng các loại bột mì trộn với hóa chất và hương liệu mua từ chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM) rồi nhào nặn, cho vào lọ là có ngay sản phẩm mang dáng dấp... “hàng hiệu”. Mới đây, tại tỉnh Bình Dương, cơ quan chức năng đã bắt quả tang 2 đối tượng sản xuất mỹ phẩm nhái. Những người này dùng các nguyên liệu như bột gạo, bột mì, hóa chất, hương liệu... trộn với nhau để cho ra loại “mỹ phẩm” làm trắng da, trị nám.

Tại TP HCM, một cơ sở sản xuất mỹ phẩm với hàng triệu sản phẩm dỏm gắn mác Hàn Quốc cũng vừa bị phanh phui.  Số mỹ phẩm làm đẹp khổng lồ này được sản xuất tại một cơ sở ở quận Tân Bình bằng công nghệ “xô chậu”, được bán ra cho người tiêu dùng với giá 100.000-300.000 đồng/lọ.

Theo Phân viện Pháp y quốc gia tại TP HCM, kết quả kiểm nghiệm mới đây đã phát hiện hàng loạt mẫu mỹ phẩm làm đẹp chứa hóa chất nguy hại, trong đó nhiều nhất là corticoid. Chi cục QLTT TP HCM cho biết mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hiện nay rất phổ biến, tập trung tại các điểm bán sỉ và phân tán trong các chợ nhỏ. Trong tổng số vụ vi phạm về kinh doanh - sản xuất mỹ phẩm thì mỹ phẩm giả nhãn hiệu chiếm đến 50%; hàng giả kém chất lượng 22%; giả kiểu dáng, nguồn gốc chiếm 17% và số còn lại là hàng nhập ngoại không hóa đơn chứng từ.

Điểm mặt các chất độc hại

Tại 2 bệnh viện Da liễu và Đại học Y Dược TP HCM, mỗi năm số bệnh nhân bị tổn thương da do dùng mỹ phẩm giả, nhái chứa độc chất phải nhập viện lên đến hàng trăm. TS-BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng Phòng khám Da liễu Cơ sở 2 Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết nếu dùng mỹ phẩm chứa corticoid lâu hơn 2 tuần thì da bị teo mỏng, giãn mao mạch, có thể nổi mụn, sạm da, thậm chí bị mập nước, suy thận, loãng xương, cao huyết áp, rối loạn điện giải... rất khó hồi phục. Theo bác sĩ Trần Thế Viện, Khoa Lâm sàng Bệnh viện Da liễu, những thành phần độc hại thường có trong mỹ phẩm giả là corticoid, paraben, formaldehyde, propylene glycol..., không chỉ tàn phá hay gây dị ứng da mà còn có thể tác động xấu đến các cơ quan khác như phổi, thần kinh, thai nhi, thậm chí gây ung thư...

Các loại mỹ phẩm, kem trộn không rõ nguồn gốc được quảng bá làm trắng da cấp tốc hầu hết đều có chứa chất corticoid. Khi bôi loại kem này, từ 3-7 ngày đầu sẽ cho kết quả da trắng và đẹp rất nhanh khiến nhiều chị em lầm tưởng “hiệu quả” tốt từ mỹ phẩm đó mang lại. Thế nhưng, sau đó, vùng da bôi kem bắt đầu căng mỏng, mạch máu giãn nở, nổi gân máu lên, mặt ửng đỏ, gây ngứa ngáy khó chịu; mặt nổi nhiều mụn, mọc nhiều lông; da sạm, nám, teo da... Việc điều trị rất khó khăn, tốn kém, lâu dài nhưng nhiều trường hợp sau điều trị vẫn không thể phục hồi làn da như trước.

Brazil cho lưu hành vắc-xin sốt xuất huyết

http://nld.com.vn/suc-khoe/brazil-cho-luu-hanh-vac-xin-sot-xuat-huyet-20151229223036889.htm

Brazil đã trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới chấp nhận cho tiêm chủng phòng sốt xuất huyết bằng vắc-xin Dengvaxia do nhà bào chế Pháp Sanofi cung cấp.

Trang tin Pháp TopSanté dẫn thông báo từ Sanofi hôm 28-12 cho biết chính quyền Brazil đã chấp thuận cho tiêm chủng vắc-xin phòng chống sốt xuất huyết Dengvaxia trên người dân từ 9 đến 45 tuổi. Thông báo nhắc lại con số 839 ca tử vong và hơn 1,5 triệu người nhiễm sốt xuất huyết trong năm nay tại nước này. Mexico là nước đầu tiên chấp nhận cho tiêm chủng sốt xuất huyết hôm 9-12 và kế đến là Philippines sau đó 1 tuần. Những thử nghiệm lâm sàng trên 40.000 người tại 15 quốc gia cho thấy Dengvaxia ngăn ngừa 80% số ca bệnh phải nhập viện và phòng ngừa 93% số ca sốt xuất huyết dạng nặng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc sốt xuất huyết, con số tử vong lên đến 22.000 người. WHO đề ra mục tiêu kéo giảm tỉ lệ mắc sốt xuất huyết 25%, giảm tỉ lệ tử vong 50% vào năm 2020.

Trong một diễn biến khác, theo trang tin Fox News, Bộ Y tế Brazil nêu tình huống khẩn cấp chưa từng có trong khi 6 bang vùng Đông Bắc khuyến cáo phụ nữ không nên mang thai vào lúc này do lo ngại nguy cơ trẻ sinh ra dễ bị nhiễm virus Zika. Muỗi Aedes aegypti mang virus Zika có thể lây truyền sốt chikungunya, sốt xuất huyết và sốt vàng da.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang