Y tế dự phòng là then chốt
Những năm qua, các hoạt động y tế dự phòng (YTDP) được triển khai ngày càng mạnh mẽ, đã góp phần quan trọng cải thiện đáng kể các chỉ số về sức khỏe của người dân Việt Nam. Tuy vậy, công tác chăm sóc sức khỏe hiện vẫn đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành, chính quyền các cấp và người dân.
Các thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện nay đó là: tình trạng chênh lệch về các chỉ số sức khỏe cơ bản giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu vực và các nhóm đối tượng trong những năm gần đây vẫn chưa được cải thiện nhiều. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân đã giảm nhanh song tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn ở mức cao. Trong khi đó, tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới năm tuổi đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Đáng chú ý, hiện nay, gánh nặng do các bệnh lây nhiễm (sốt rét, sốt xuất huyết…) vẫn ở mức cao, ngày càng khó kiểm soát thì sự xuất hiện các dịch bệnh mới nổi, trong đó chủ yếu là các bệnh lây truyền từ động vật sang người như: H5N6, H7N9, Mers-CoV, Ebola… là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế. Sự thay đổi cơ cấu gánh nặng bệnh tật, tử vong với sự gia tăng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm không chỉ gây nên gánh nặng về bệnh tật và kinh tế cho cả bản thân người bệnh và gia đình mà còn tạo nên gánh nặng cho hệ thống y tế cũng như toàn xã hội. Bệnh không lây nhiễm không chỉ gia tăng ở các quần thể dân cư thành thị có điều kiện kinh tế phát triển mà cả người nghèo ở vùng nông thôn.
Mặt khác, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm: các yếu tố nhân khẩu (quy mô và tốc độ gia tăng dân số, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, di cư); các yếu tố kinh tế - xã hội (lao động, việc làm, thu nhập, đói nghèo, nhà ở, giáo dục - đào tạo, tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa); các yếu tố môi trường tự nhiên (biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, thiếu nước sạch và công trình vệ sinh, ô nhiễm thực phẩm) và các yếu tố hành vi, lối sống (hút thuốc lá, sử dụng rượu, bia quá mức, chế độ ăn không hợp lý, ít hoạt động thể lực, nghiện ma túy, mại dâm…).
Để ứng phó với mô hình bệnh tật thay đổi với gánh nặng bệnh tật kép của bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, đòi hỏi hệ thống y tế phải có những đáp ứng, thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng dịch vụ. Trong đó, YTDP không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng bệnh truyền nhiễm mà còn phòng cả bệnh không lây nhiễm, thông qua dự phòng các yếu tố nguy cơ. Như vậy, chúng ta phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt quan điểm dự phòng trong lập kế hoạch và đầu tư cho các chương trình y tế. Chiến lược quốc gia YTDP Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9-11-2006 nêu rõ: Dự phòng tích cực, chủ động làm giảm các yếu tố nguy cơ; dự phòng toàn diện và có trọng điểm… Thực hiện công tác YTDP là trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế chính trị - xã hội và của mỗi người dân. Đặc biệt trong Nghị quyết 20 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới vừa ban hành cũng nêu rõ quan điểm: Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; YTDP là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng… YTDP là áp dụng các phương pháp dự phòng bệnh tật bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, di truyền, tác nhân gây bệnh, lối sống, hành vi… YTDP tập trung vào việc bảo vệ, tăng cường và duy trì sức khỏe, dự phòng bệnh tật, tàn phế và tử vong. Các hoạt động dự phòng được chia thành các cấp độ sau: Dự phòng cơ bản là áp dụng các biện pháp ngăn ngừa việc hình thành các yếu tố nguy cơ về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường trong quá trình phát triển (thí dụ như phá hủy không trồng cây thuốc lá). Dự phòng cấp một là áp dụng các biện pháp hạn chế phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ (như giáo dục sức khỏe, tiêm vắc-xin phòng bệnh). Dự phòng cấp hai là áp dụng các biện pháp chẩn đoán phát hiện sớm ở giai đoạn chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng bằng các kỹ thuật (đo huyết áp thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm nhằm làm giảm nguy cơ của các bệnh tim mạch; xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung…). Dự phòng cấp ba là áp dụng các biện pháp điều trị bệnh và phục hồi chức năng hiệu quả nhằm làm giảm tàn phế và tử vong. Dự phòng cấp bốn là áp dụng các biện pháp làm giảm lạm dụng các can thiệp điều trị không cần thiết. Hiệu quả của các hoạt động dự phòng là rất rõ rệt, bảo vệ sức khỏe dự phòng bệnh tật, và nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giảm chi phí trong chẩn đoán và điều trị.
Thực tế cho thấy, nhờ tiêm chủng vắc-xin đã làm giảm đáng kể tỷ lệ người mắc và chết của nhiều bệnh nhiễm trùng, cũng như tiết kiệm chi phí cho điều trị và giảm chi phí mất đi do bố mẹ và người chăm sóc phải nghỉ việc không lương do chăm sóc trẻ ốm. Chi phí cho điều trị lớn gấp năm lần chi phí cho việc triển khai tiêm chủng phòng bệnh.
Để dự phòng bệnh tật có hiệu quả, cần có sự kết hợp lồng ghép các chiến lược can thiệp liên quan với nhiều yếu tố nguy cơ và bệnh tật, thay đổi hành vi lối sống của cộng đồng, với sự tham gia liên ngành, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chính trị, kinh tế, xã hội, doanh nghiệp, bao gồm Nhà nước và tư nhân. Các chiến lược đó là: giám sát dịch tễ học nhằm theo dõi chiều hướng các yếu tố nguy cơ và tỷ lệ mắc bệnh làm cơ sở xác định ưu tiên và đánh giá hiệu quả can thiệp. Đề xuất các chính sách và tạo môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thay đổi hành vi. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế nhằm tăng cường độ bao phủ và sử dụng có hiệu quả các dịch vụ dự phòng và chăm sóc sức khỏe. Thiết lập các chương trình nhằm tăng khả năng tiếp cận, kết nối của người dân với các nguồn lực và các dịch vụ, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, triển khai quản lý bệnh tật, bao gồm bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhằm duy trì các hoạt động dự phòng và quản lý bệnh tật tại cộng đồng.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu là việc thiết yếu, dựa trên những phương pháp và kỹ thuật thực tiễn, có cơ sở khoa học và được chấp nhận về mặt xã hội, phổ biến đến tận mọi cá nhân và gia đình trong cộng đồng, với sự tham gia tích cực của họ. Bốn nguyên lý Chăm sóc sức khỏe ban đầu là cam kết chính trị, cộng đồng tham gia, phối hợp liên ngành, và sử dụng kỹ thuật thích hợp. Cần tăng cường thực hiện 10 nội dung của Chăm sóc sức khỏe ban đầu mà Việt Nam đã và đang triển khai trong gần 40 năm qua, đó là : Giáo dục sức khỏe, dinh dưỡng, môi trường-nước sạch, sức khỏe bà mẹ trẻ em-kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống bệnh dịch địa phương, chữa bệnh và chấn thương thông thường, thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe, xây dựng và củng cố mạng lưới y tế cơ sở. Các chiến lược nêu trên sẽ giúp dự phòng bệnh tật, bao gồm các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, giảm tỷ lệ mắc bệnh; phát hiện sớm, điều trị triệt để nhằm giảm biến chứng tàn phế, tử vong; giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi. (Nhân dân trang 5)
Bệnh đột quỵ gia tăng trong những ngày rét đậm
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) vừa cấp cứu thành công một người bệnh đột quỵ nặng bằng phương pháp tiêu sợi huyết. Người bệnh (75 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) đưa vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng cơ thể liệt hoàn toàn bên phải, không nói được. Từ kết quả khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính, người bệnh được chẩn đoán xác định là nhồi máu não do tắc động mạch máu não giữa lớn. Ngay lập tức, phương pháp điều trị thuốc tiêu huyết khối kết hợp với can thiệp nội mạch lấy huyết khối được triển khai. Sau ba ngày điều trị, người bệnh đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, nửa bên người phải có thể vận động gần như bình thường.
Theo PGS, TS Mai Duy Tôn (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai), hiện tại, trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận từ 10 đến 20 người bị đột quỵ, tăng khoảng 5 đến 10%. Các bác sĩ cảnh báo, rét đậm kéo dài, số người bệnh bị bệnh đột quỵ và những bệnh lý tim mạch khác đều gia tăng do ba nguyên nhân: trời lạnh, huyết áp sẽ tăng là nguyên nhân thường gặp gây đột quỵ; thời tiết lạnh làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn; môi trường lạnh, người dân dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này khiến cho những người có bệnh nền trước đó dễ bị đột quỵ hơn.
Trong vòng sáu giờ là khung giờ vàng để cấp cứu hiệu quả cho người bệnh đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết. Chính vì vậy, khi phát hiện người thân bị đột quỵ tại nhà, cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất có thể điều trị chuyên sâu. Không để người bệnh ở nhà dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phương pháp dân gian truyền miệng chưa được kiểm nghiệm. Trong lúc chờ xe cấp cứu, nên để người bệnh ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng quần áo vùng cổ; tuyệt đối không cho người bệnh ăn hay uống bất kỳ một loại thức ăn hay thuốc gì tránh bị sặc, nguy hiểm đến tính mạng do có thể bị rối loạn phản xạ nuốt.
Trẻ em cũng là đối tượng nhạy cảm dễ mắc bệnh khi xảy ra rét đậm hoặc giá rét kéo dài do khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế, dễ bị biến chứng do nhiễm lạnh. Các bệnh lý thường gặp với trẻ em mùa lạnh là: viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm a-mi-đan...
Bác sĩ khuyến cáo mọi người dân, nhất là người cao tuổi nên giữ ấm cơ thể, không ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm để tránh bị lạnh đột ngột; nên ăn uống các thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng để có đủ năng lượng giữ ấm cho cơ thể, tránh nguy cơ bị lạnh đột ngột. Những người có tiền sử huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị nghiêm túc, phòng cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột quỵ. Cần có lối sống tích cực, tránh mất ngủ và căng thẳng, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, duy trì chế độ dinh dưỡng ít béo, hạn chế đường, muối, ăn nhiều rau, củ, trái cây… Có thể vẫn tập thể dục hoặc đi lại, vận động cơ thể ở trong nhà, không nên ra khỏi nhà khi thời tiết còn lạnh, nhất là lúc đang có gió mùa; không mặc áo mỏng khi tập thể dục buổi sáng sớm vì rất dễ bị nhiễm lạnh.
Với trẻ nhỏ phải chú ý giữ ấm, nhất là lúc ra ngoài. Cho trẻ vui chơi nơi kín gió, không nên cho trẻ ra ngoài khi nền nhiệt ngoài trời dưới 15 0C, có gió, mưa ẩm hay buốt giá. Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn uống đầy đủ chất, hạn chế tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm cảm cúm, sốt vi-rút hay hắt xì hơi... (Nhân dân trang 5)
Bệnh nhân gout ngày càng trẻ
Trước đây, bệnh gout được xem là bệnh của nhà giàu và thường xuất hiện chủ yếu ở nam giới trên 50 tuổi. Thế nhưng, hiện nay căn bệnh này lại thường gặp ở những người trẻ; thậm chí có người mới bước qua tuổi 30 đã mắc bệnh gout.
Những lầm tưởng chết người
Liên tiếp những ngày gần đây, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ mắc bệnh gout. Điển hình là trường hợp của bệnh nhân N.H.M. (34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM). Anh M. cho biết thường xuyên ăn nội tạng heo mỗi khi tụ tập chè chén với bạn bè. Với quan niệm “ăn gì bổ nấy”, có tuần anh ăn các món chế biến từ nội tạng đến 5, 6 lần. Thể trạng anh M. thuộc dạng béo phì và đã mắc bệnh tăng huyết áp. Cách đây 1 năm, anh bắt đầu có những biểu hiện sưng đau và đỏ nóng khớp ngón chân trái. Khi đi khám, anh được chẩn đoán mắc bệnh gout.
Thế nhưng, do tâm lý chủ quan về bệnh, sau khi dùng hết đợt thuốc đầu tiên và các triệu chứng sưng, đau, nóng đỏ khớp giảm đi, anh M. tự ý ngưng thuốc. Sau đó, mỗi lần bệnh tái phát, anh cũng chỉ ra tiệm thuốc tây mua thuốc giảm đau về uống. Chế độ dinh dưỡng của anh vẫn ăn dư thừa chất đạm, uống nhiều rượu bia và lười vận động. Cách đây 3 ngày, cả bàn chân trái của anh M. sưng to, tấy đỏ khiến anh không đi lại được, kèm theo đi tiêu phân đen sệt, ói ra máu. Anh được người nhà đưa đến BV Đại học Y Dược TPHCM. Bác sĩ chẩn đoán anh M. bị xuất huyết tiêu hóa trên do loét dạ dày kèm đợt cấp viêm khớp gout mạn. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy tình trạng thiếu máu nặng, acid uric máu tăng cao kèm suy thận cấp.
Một trường hợp khác là anh C.T.T. (39 tuổi, quê ở An Giang), đã được chẩn đoán mắc bệnh gout từ 6 năm trước. Nhưng với suy nghĩ bệnh gout là “bệnh nhà giàu”, còn bản thân gầy như que củi thì không thể mắc bệnh này, anh T. cho rằng mình chỉ đau nhức khớp thông thường nên không điều trị thường xuyên, chỉ khi nào sưng đau khớp mới uống thuốc.
Cách đây 2 năm, anh T. nghe lời giới thiệu thuốc trị khớp “bí truyền” từ Campuchia nên mua về uống thường xuyên mỗi ngày. Tuy nhiên, khi phải đến khám tại BV Đại học Y Dược TPHCM với các triệu chứng sưng đau khớp, nóng đỏ cổ chân, ngón cái chân phải và khớp gối 2 bên, không đi lại được, anh T. được các bác sĩ cho biết bệnh gout của anh đã tiến triển giai đoạn nặng do nhiều khớp đã biến dạng, kèm theo biến chứng của việc lạm dụng thuốc có chứa corticoids, bầm máu tay chân, suy thận và loãng xương.
Không được chủ quan
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Cao Thanh Ngọc, Trưởng đơn vị Nội cơ xương khớp BV Đại học Y Dược TPHCM, bệnh gout là một trong những bệnh về xương khớp phổ biến nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng người bệnh đến khám các vấn đề về xương khớp. Điều đáng lo ngại là người mắc bệnh gout ngày càng trẻ.
Tại phòng khám Nội cơ xương khớp của BV, cứ 4 người đến khám và được chẩn đoán mắc bệnh gout thì có từ 1 đến 2 người trong độ tuổi 30 - 40 và tỷ lệ này ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, đa số người mắc bệnh gout thường xem nhẹ tình trạng bệnh, cho rằng bệnh không nguy hiểm bằng các bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Nhiều người bệnh chỉ dùng thuốc khi có các triệu chứng sưng đau khớp, còn khi thấy các triệu chứng cải thiện thì tự ý bỏ thuốc.
Cần lưu ý, gout là bệnh mãn tính nên người bệnh phải dùng thuốc thường xuyên và suốt đời. “Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh sẽ dễ biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, thậm chí bị tàn phế. Nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập rất cao và gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết.
Ngoài ra, bệnh gout còn gây ra sỏi thận, suy thận và ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan khác trong cơ thể. Bên cạnh đó, việc sử dụng các thuốc giảm đau một cách bừa bãi có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử”, bác sĩ Cao Thanh Ngọc nhấn mạnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi được chẩn đoán mắc bệnh gout, người bệnh nên chấp nhận liệu trình điều trị lâu dài. Một số người bệnh nghĩ rằng việc sử dụng thuốc thời gian dài sẽ làm nóng và gây hại cho các cơ quan trong cơ thể. Đây là quan niệm sai lầm, hiện nay đã có nhiều loại thuốc an toàn cho người bệnh gout, thậm chí đối với những trường hợp dị ứng với thuốc hạ acid uric máu thì cũng đã có thuốc khác không gây dị ứng thay thế. Nếu người bệnh tuân thủ chỉ định điều trị thì việc “sống chung với bệnh gout” sẽ diễn ra an toàn và tốt đẹp.
Bên cạnh đó, người bệnh gout cần có lối sống lành mạnh, giảm cân, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước, tránh rượu bia, thuốc lá, tránh thức ăn chứa nhiều đạm động vật như nội tạng động vật, thịt bò, hải sản… Có như vậy, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh mới được đảm bảo và cải thiện. (Sài Gòn giải phóng trang 3)
24% bệnh nhân lao kháng thuốc và kháng đa thuốc
Sáng 29-12, tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã diễn ra Hội nghị Tổng kết hoạt động chương trình chống Lao năm 2017 của TPHCM.
Phát biểu tại Hội nghị, theo bác sĩ Đặng Minh Đường, Phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, năm 2017, tổng số bệnh nhân lao các thể được thu nhận điều trị của toàn thành phố là 16.452 người, vượt 3,5% kế hoạch năm.
Tính trung bình, tỷ lệ mắc bệnh lao của TPHCM là 196 người/100.000 dân, cao hơn rất nhiều so với bình quân cả nước là 110 người/100.000 dân.
Năm 2017, TP cũng ghi nhận có 712 bệnh nhân mắc lao kháng thuốc và kháng đa thuốc, chiếm 24%, trong khi cả nước chỉ có khoảng 3.000 bệnh nhân mắc lao kháng thuốc.
Như vậy, tại TPHCM, trung bình cứ 4 bệnh nhân nhiễm lao thì có một người bị kháng thuốc hoặc kháng đa thuốc.
Lý giải về nguyên nhân lao kháng thuốc, bác sĩ Đặng Minh Đường cho rằng, bệnh lao không phải là bệnh cấp tính, phải mất từ 3-6 tháng mới bộc phát nên nhiều người chủ quan, thường xuyên bỏ trị giữa chừng khiến bệnh trở nặng và kháng thuốc. Mặt khác, trong tư tưởng của nhiều người dân, chỉ những người nghèo, không có sức đề kháng mới mắc bệnh lao.
"Do chủ quan nên nhiều người dân không phòng ngừa, thậm chí là đang điều trị nhưng lại bỏ khiến tỷ lệ kháng thuốc ngày càng tăng. Điều này hết sức nguy hiểm bởi một khi vi khuẩn lao kháng thuốc lây lan ra cộng đồng sẽ biến đổi thành siêu kháng thuốc, lúc đó việc điều trị sẽ khó khăn gấp bội”, bác sĩ Đặng Minh Đường cho biết.
Đặc biệt, năm 2017, TPHCM cũng đã tiếp nhận và điều trị cho 282 trẻ em mắc bệnh lao, trong đó có 47 trẻ dương tính với lao phổi, tăng 74% so với năm 2016. Trẻ mắc bệnh lao nếu không điều trị kịp thời thường sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như mù lòa, liệt, thậm chí là tử vong.
Do vậy, bác sỹ Đặng Minh Đường khuyến cáo, nếu trẻ sống trong gia đình có người bệnh lao có các biểu hiện như sốt, ho, đứng cân trong thời gian dài thì cần được đưa đi xét nghiệm, điều trị kịp thời. (Sài Gòn giải phóng trang 3)
Vụ bệnh nhân tử vong khi chờ lọc thận: Niêm phong bệnh án
Chiều 29.12, Phòng Nghiệp vụ y và Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã đến làm việc tại Bệnh viện (BV) Q.6, đồng thời niêm phong hồ sơ bệnh án bệnh nhân (BN) tử vong L.T.H (59 tuổi) để làm rõ sau khi Thanh Niên có bài phản ánh.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, BV Q.6 đã có báo cáo Sở Y tế TP về sự cố xảy ra tại Đơn vị thận nhân tạo (TNT) thuộc khoa cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc của BV.
Theo nội dung báo cáo, lúc 10 giờ ngày 19.12, các máy chạy TNT báo động liên tục và có hiện tượng tụt nước. Đại diện Đơn vị TNT báo cho kỹ sư và lãnh đạo BV.
Đến 11 giờ, các kỹ sư phát hiện ống cấp nước R.O cho các máy lọc thận ở lầu 1 bị vỡ. Theo y lệnh, các điều dưỡng thực hiện trả máu về cho BN, ngưng chạy TNT, đồng thời liên hệ với những BN khác hẹn chạy bù hôm sau.
Đến 22 giờ, hệ thống R.O và đường ống bị vỡ đã sửa chữa xong, được kiểm tra hóa chất tồn dư của tất cả các máy chạy thận, dây thận và màng lọc, kết quả âm tính.
23 giờ, tất cả BN được kết nối máy chạy TNT (trong khi BN nói với PV Thanh Niên là 0 giờ mới chạy).
Theo báo cáo, có 14 BN mong muốn chờ đến khi sửa chữa xong. Báo cáo chỉ nói BN chạy TNT đến 5 giờ ngày 20.12 thì ổn định ra về, không nói đến việc theo dõi, điều trị các trường hợp diễn tiến nặng và trường hợp chuyển viện tử vong như thế nào. (Thanh niên trang 5)
Trực cấp cứu 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch 2018
Ngày 29-12, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, để đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dịp Tết Dương lịch 2018, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn bố trí đủ nhân lực, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, phương tiện khám, chữa bệnh, chuẩn bị đủ số lượng máu cần có.
Mặt khác, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, duy trì trực cấp cứu 24/24 giờ, đáp ứng quy chế chuyên môn và sẵn sàng thu dung, cấp cứu người bệnh. Ngoài ra, các đội cấp cứu cơ động bố trí trực tại đơn vị, luôn sẵn sàng khi được yêu cầu. Các đoàn kiểm tra từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, phường, xã tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các điểm vui chơi, khu vực tổ chức lễ hội. (Hà Nội mới trang 6)
Bỏ sót trong công tác giám sát, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn phức tạp
Nhận định trên được đưa ra tại buổi họp chiều 29-12 của Sở Y tế TP HCM với đại diện Y tế dự phòng 24 quận, huyện.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, trong năm 2017, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) nhìn chung có giảm nhưng ở một số quận, huyện có số ca mắc SXH vẫn tăng vọt (huyện Cần Giờ tăng 146,7%; quận 12 tăng 43,2%; quận 4 tăng 31,6%).
Cấp cứu cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1- TP HCM.
Toàn TP HCM trong năm 2017 vẫn có 19.581 ca mắc SXH phải nhập viện. So với năm 2016, SXH có giảm theo mùa nhưng vẫn luôn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái; cao điểm nhất là từ tháng 7 tới tháng 9-2017 với khoảng 500 ca mắc/tuần phải nhập viện.
Lý giải nguyên nhân trên, ông Dũng thừa nhận, do việc giám sát các điểm nguy cơ và điều tra dịch tễ tại các ổ dịch còn chưa tốt. Đặc biệt là bỏ sót nhiều điểm nguy cơ. Việc thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng nhiều nơi chưa đạt, nhiều địa phương công tác quản lý các điểm nguy cơ thiếu sự giám sát thường xuyên…
Từ thực tế này, lãnh đạo Trung tâm y tế dự phòng thành phố cho biết việc rà soát các điểm nguy cơ gây lăng quăng, dịch SXH sẽ tiếp tục được thực hiện tăng cường từ nay tới dịp Tết Nguyên đán 2018. (Công an Nhân dân trang 2)
Cắt bỏ thành công khối u xơ thần kinh vùng lưng nặng gần 15 kg
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa thực hiện cắt bỏ thành công khối u xơ thần kinh lớn vùng lưng nặng gần 15 kg cho người bệnh Nguyễn Đình Vinh (Quế Võ, Bắc Ninh) mang khối u trên lưng suốt 26 năm qua với những cơn đau kéo dài. Từ kết quả thăm khám cũng như các xét nghiệm khi nhập viện, các bác sĩ xác định người bệnh bị u xơ thần kinh vùng lưng, chiếm hơn một phần ba trọng lượng cơ thể, toàn trạng gầy yếu, suy dinh dưỡng, thiếu máu mạn tính, có bệnh lý suy thận phối hợp. Đáng chú ý, khối u có kích thước rất lớn và nguy hiểm ở chỗ các mạch máu tăng sinh rất nhiều và kích thước mạch máu lớn, nhiệt độ ở khối u lúc nào cũng cao hơn nhiệt độ của cơ thể từ 2 đến 3 độ.
Ca mổ đặc biệt đã được thực hiện với sự kết hợp của nhiều chuyên khoa gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh và phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cùng nhiều phương tiện, dụng cụ hiện đại. Sau bảy giờ thực hiện, ê-kíp phẫu thuật đã bóc tách được khối u nặng gần 15 kg. Do khối u quá lớn, chiếm toàn bộ vùng lưng cho nên sau khi cắt bỏ, các bác sĩ sử dụng biện pháp ghép da lấy từ hai bên đùi để che phủ toàn bộ vùng lưng. Sau hai tuần phẫu thuật, người bệnh trong tình trạng sức khỏe ổn định, không còn thiếu máu, vạt da và da ghép che phủ vùng lấy u sống tốt. Dự kiến người bệnh sẽ được ra viện trong một hai ngày tới. (Nhân dân trang 5)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 2: “Cắt bỏ “mai rùa” nặng 15kg trên lưng bệnh nhân”