Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 30/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu bia cho người dưới 18 và trong quán karaoke; Đề xuất cho phép phá thai từ 12 đến 22 tuần tuổi; Thông tin tăng giá viện phí đồng loạt từ 1-6 là không đúng; Không đồng loạt tăng viện phí với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế; Người chết sống lại khi viện trả về: ''Phúc đức gia đình''; Vắc-xin phối hợp sởi - rubella của Việt Nam được cấp phép lưu hành;

 

Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu bia cho người dưới 18 và trong quán karaoke

http://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-de-xuat-cam-ban-ruou-bia-cho-nguoi-duoi-18-va-trong-quan-karaoke-n130993.html

Việt Nam là nước có mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đứng hàng đầu thế giới và liên tục gia tăng. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra hơn 30 loại bệnh

Trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia được đưa ra cho ý kiến ngày 28/4, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất quy định: cấm bán rượu bia tại quán karaoke và cho người dưới 18 tuổi.

Tại Phiên họp toàn thể thứ 6 của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Bộ Y tế đã trình bày báo cáo Chương trình xây dựng pháp luật về y tế năm 2018, trong đó có dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam là nước có mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đứng hàng đầu thế giới và liên tục gia tăng. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra hơn 30 loại bệnh,̀ là nguyên nhân đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân cao nhất dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới, là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông tại Việt Nam; là tác nhân gây bạo lực gia đình, tội phạm, mất an ninh trật tự.

Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đề xuất cấm bán cũng như cấm uống rượu bia ở người dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người đã có biểu hiện say. Cấm cán bộ, công viên chức và người lao động sử dụng rượu bia trong thời gian làm việc, nghỉ giữa giờ giữa các ca trong ngày làm việc.

“Điều này sẽ góp phần hạn chế tỷ lệ người dân sử dụng rượu bia, đặc biệt là thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động uống rượu bia trong thời gian làm việc, hạn chế tình trạng say rượu, bia. Đồng thời hạn chế luôn khả năng tiếp cận sản phẩm rượu, bia của người dân” – Bộ trưởng Bộ Y tế nói tại phiên họp

Bộ Y tế đề xuất không bán rượu bia tại quán karaoke. Dự thảo cũng đề xuất nghiêm cấm bán rượu bia bằng máy bán tự động. Cấm quảng cáo, giới thiệu rượu bia từ 15 độ trở lên. Quảng cáo rượu bia dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22h đến 6h sáng hôm sau. Doanh nghiệp rượu bia không được tài trợ các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể thao, vui chơi giải trí...

Giải trình thêm các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp về nội dụng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ lâu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo những tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, do đó cần phải có Luật nhằm kiểm soát tình trạng lạm dụng vào rượu, bia.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, sức khỏe của con người là quan trọng nhất, do đó không nên đặt nặng lợi nhuận mà rượu, bia mang lại. Thậm chí thiệt hại kinh tế để giải quyết hậu quả do bia, rượu còn lớn hơn đóng góp của ngành sản xuất rượu bia vào ngân sách nhà nước.

Tại phiên họp, Bộ Y tế cũng đề xuất tăng cường quản lý đối với  mặt hàng rượu thủ công từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ. Ước tính hiện khoảng 230-280 triệu lít rượu thủ công chưa quản lý được. Việt Nam thuộc 12 quốc gia trên thế giới cho phép người dân tự nấu rượu, trong đó rượu thủ công chiếm gần 80% lượng rượu tiêu dùng.

Đồng thời, dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cũng đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng từ nguồn thu đóng góp bắt buộc của người sử dụng và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu rượu, bia. Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm 1,3 - 12% GDP quốc gia. Trong đó, chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả thường cao hơn chi phí trực tiếp. Giả sử phí tổn do rượu bia ở Việt Nam ở mức 1,3% GDP thì thiệt hại khoảng 60.000 tỷ đồng, trong khi đó đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát của Việt Nam năm 2012 chỉ là 19.000 tỷ đồng.

Được biết, theo dự kiến, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2018.

 

Bộ trưởng Y tế kiến nghị thu phí người uống rượu bia

http://www.phapluatplus.vn/bo-truong-y-te-kien-nghi-thu-phi-nguoi-uong-ruou-bia-d41937.html

Theo đó sẽ lập Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng từ nguồn thu đóng góp bắt buộc của người sử dụng và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu rượu bia.

Mới đây ngày 28/4, tại phiên họp toàn thể Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội lần thứ 6, Bộ Y tế đã trình bày dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất cấm bán cũng như cấm uống rượu bia đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người đã có biểu hiện say rượu, bia. Cán bộ, công viên chức và người lao động bị cấm sử dụng rượu bia trong thời gian làm việc, nghỉ giữa giờ giữa các ca trong ngày làm việc.

Bộ Y tế cũng đề xuất không bán rượu bia tại quán karaoke; trạm dừng đỗ xe trên các tuyến đường giao thông; cơ sở y tế, giáo dục, nuôi dưỡng; khu vui chơi trẻ em…

Đáng chú ý, các nhà soạn thảo luật cũng đề xuất cấm quảng cáo, giới thiệu rượu, bia từ 15 độ trở lên. Quảng cáo rượu bia dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Doanh nghiệp rượu, bia không được tài trợ các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể thao, vui chơi giải trí…

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết mỗi người Việt Nam bình quân tiêu thụ 6,6 lít cồn một năm, mức hàng đầu châu Á. Tỷ lệ uống rượu, bia mức nguy hại ở nam tăng gần gấp đôi sau 5 năm, từ 25,1% năm 2010 lên 44,2% năm 2015.

Hiện Việt Nam thuộc 12 quốc gia cho phép người dân tự nấu rượu. Trong đó rượu thủ công chiếm gần 80% lượng rượu tiêu dùng. Uớc tính khoảng 230-280 triệu lít rượu thủ công chưa quản lý được.

Trong khi đó, rượu bia là một trong số 5 nguyên nhân cao nhất dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới, gây hơn 200 bệnh tật. Uống rượu bia cũng là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam, là tác nhân gây bạo lực gia đình, tội phạm, mất an ninh trật tự.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê phí tổn kinh tế do rượu bia chiếm 1,3-12% GDP mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả thường cao hơn chi phí trực tiếp. Giả sử phí tổn do rượu bia ở Việt Nam ở mức 1,3% GDP, thì thiệt hại khoảng 60.000 tỷ đồng, trong khi đó đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát của Việt Nam năm 2012 chỉ 19.000 tỷ.

 

Thuốc chống ngáy “thần dược” trị bệnh hay lời đồn?

http://www.phapluatplus.vn/thuoc-chong-ngay-than-duoc-tri-benh-hay-loi-don-d41933.html

Đánh vào tâm lý muốn chữa khỏi “tật” ngủ ngáy của nhiều người, thời gian qua trên mạng đã xuất hiện quảng cáo về loại “thần dược” chữa dứt điểm ngủ ngáy với cái tên “Thuốc chống ngáy”.

“Thần dược” chữa ngủ ngáy

Chỉ cần gõ cụm từ khóa đơn giản “thuốc chống ngáy” hoặc “thuốc chữa ngủ ngáy” ngay lập tức trên mạng xuất hiện hàng loạt các trang web quảng cáo về loại thuốc này.

Gọi theo số điện thoại 096466xxxx trên mạng, khi chúng tôi hỏi mua loại “thần dược” này thì người bán chỉ thông báo:“Hiện bên em đã hết hàng, lô hàng mới chưa về, khi nào có em sẽ chủ động liên lạc với chị”. Phải đến lần thứ 3 gọi điện theo các dãy số trên mạng chúng tôi mới tìm được “nhà phân phối” còn bán loại thuốc trên.

Người bán từ từ giải thích cho chúng tôi về nguyên nhân gây ngáy cũng như cách sử dụng của loại thuốc này.

“Ngủ ngáy có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có hai nguyên nhân chính là do cấu trúc đường thở và do người quá béo. Đây là loại chai xịt, dùng trước khi đi ngủ, sử dụng loại thuốc này làm long dịch nhầy để người dùng dễ thở hơn.

Ngày trước mình cũng bị ngủ ngáy nhưng sau khoảng nửa tháng mình dùng thì đến giờ là hết hẳn luôn và không còn phải dùng thuốc nữa”, người bán giới thiệu.

Theo lời giới thiệu, đây là loại thuốc nhập khẩu từ Hàn Quốc và đã được bán trên thị trường khá lâu, với giá khoảng 300.000 - 350.000đ/chai xịt. Nhưng tuyệt nhiên, họ không hề nhắc gì đến việc loại thuốc này đã được Bộ Y tế cấp phép hay chưa.

Chưa bao giờ thấy loại thuốc này

Để tìm hiểu rõ hơn về loại thuốc này chúng tôi tìm đến gặp Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thị Huyền Trang - Phòng khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng Huyền Trang.

Theo chia sẻ của bác sĩ: “Trong điều trị các bệnh liên quan đến tai - mũi - họng tôi chưa hề thấy có loại thuốc nào có tên ‘thuốc chống ngáy’.

Có thể đây chỉ là một dạng giống như thực phẩm chức năng hỗ trợ trong quá trình điều trị chữa ngủ ngáy mà thôi. Bởi để chữa dứt điểm ngủ ngáy, thì sẽ phải dùng đến phương pháp phẫu thuật”.

Theo bác sĩ: “Ngủ ngáy thường xảy ra với hai nguyên nhân chính, một là do bất thường về cấu trúc đường mũi họng, khi ngủ cơ vùng thanh quản và xung quanh giãn ra quá nhiều trong khi ngủ. Điều này có nghĩa là khoang mở nơi thanh quản trở nên hẹp hơn và không khí gặp khó khăn khi đi qua.

Trong khi đó, phổi vẫn cần một lượng không khí ổn định, tốc độ đưa lượng không khí buộc phải tăng lên khiến cho áp suất nơi thanh quản tăng cao và hậu quả là ngạc mềm và lưỡi gà rung động. Âm thanh tạo ra bởi sự rung động này chính là ngáy.

Một nguyên nhân nữa là ở những người béo, họ cũng là một trong số những người dễ bị ngủ ngáy. Ngoài ra còn những yếu tố khác như khi bị mắc các bệnh viêm nhiễm đường thở, viêm amidan… cũng dễ dẫn đến ngủ ngáy”.

Ngủ ngáy sẽ không gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe trừ trường hợp khi bị nặng, người bệnh sẽ xuất hiện những cơn ngừng thở khi ngủ.

“Có những lúc trong khi ngủ, người bị ngủ ngáy có thể bị ngừng thở trong 1-2 giây, buộc họ phải tỉnh dậy. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ mà thôi”, bác sĩ Trang cho hay.

“Ngủ ngáy từ những nguyên nhân chủ quan như do cấu trúc đường thở thì rất khó để phòng tránh. Đối với những nguyên nhân khác như do người béo, viêm nhiễm đường thở thì cần phải có chế độ ăn thích hợp, hạn chế bổ sung chất béo cùng với đó là phải giữ ấm cổ và súc họng thường xuyên”,bác sĩ Trang lưu ý.

 

Đề xuất cho phép phá thai từ 12 đến 22 tuần tuổi

http://www.phapluatplus.vn/de-xuat-cho-phep-pha-thai-tu-12-den-22-tuan-tuoi-d41904.html

Bộ Y tế đề xuất giới hạn được phá thai từ 12 tuần đến 22 tuần tuổi, cấm phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thảo luận các quy định trong dự thảo luật Dân số tại cuộc họp về các vấn đề xã hội của Quốc hội ở TP HCM ngày 28/4. Dự thảo quy định phụ nữ được quyền phá thai theo nguyện vọng, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe thai phụ.

Giới hạn được phá thai từ 12 tuần tuổi trở lên đến 22 tuần tuổi, trừ một số trường hợp cần cứu tính mạng người phụ nữ khi thai nghén đe dọa tính mạng, do thai nhi bất thường, bị dị tật bẩm sinh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của đứa trẻ sau này.

Giải pháp này giúp hạn chế tình trạng phá thai dễ dãi, lợi dụng phá thai để lựa chọn giới tính trước khi sinh. Điều lo ngại là quy định quá chặt chẽ về tuổi thai có thể dẫn đến phá thai chui, không an toàn.

Theo Bộ trưởng Y tế, pháp luật các nước trên thế giới cũng rất khác nhau. Một số nước cấm phá thai, một số nước cho phép tự do, một số lại cho phép phá thai có điều kiện. Với Việt Nam, việc cấm phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người được phá là có tính khả thi, đảm bảo không cản trở thực hiện các quyền con người.

Mức sinh thay thế của Việt Nam đã được duy trì 10 năm qua song có sự khác biệt quá lớn giữa các vùng, các tỉnh, thành phố. Để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý, bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020, Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con dể duy trì mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước.

Chính phủ quy định số con cụ thể trong từng giai đoạn, giảm sinh ở những tỉnh thành có mức sinh cao, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp.

Dự thảo luật cũng đề cập vấn đề tầm soát bệnh, tật bẩm sinh để nâng cao chất lượng dân số. Khuyến khích mọi đối tượng tham gia tự nguyện, ngân sách nhà nước hỗ trợ ưu tiên cho một số đối tượng sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh.

Khuyến khích nam nữ chưa kết hôn đến tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Nhà nước hỗ trợ kinh phí tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho người trong độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ cao ảnh hưởng việc mang thai sinh con và con có nguy cơ bị bệnh, tật bẩm sinh.

Luật Dân số đang được Bộ Y tế xây dựng dự thảo, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào năm 2018.

 

Thu hồi sản phẩm "Thần khúc" của Nhà thuốc Thọ Thế Đường

http://cand.com.vn/y-te/Thu-hoi-san-pham-Than-khuc-cua-Nha-thuoc-Tho-The-Duong-439016/

Ngày 29-4, đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế cho biết đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh về việc ngừng lưu hành mặt hàng "Thần khúc" của Nhà thuốc gia truyền Thọ Thế Đường (địa chỉ tại thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Sản phẩm này dùng để hỗ trợ tiêu hoá, chữa ăn không tiêu, nôn, lợi sữa...

Theo đó, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã nhận được công văn của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội sau khi kiểm tra, xử lý Nhà thuốc gia truyền Thọ Thế Đường và các tài liệu có liên quan.

Dựa trên cơ sở đó, bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đề nghị các Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, gồm cả cơ sở công lập và tư nhân và các cơ sở kinh doanh thuốc, dược liệu trên địa bàn tỉnh, thành phố ngừng ngay việc sử dụng tất cả các lô dược liệu có tên là “Thần khúc” do Nhà thuốc gia truyền Thọ Thế Đường sản xuất; yêu cầu các cơ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố có sử dụng mặt hàng “Thần khúc” do Nhà thuốc gia truyền Thọ Thế Đường sản xuất tiến hành thu hồi và hủy theo quy định.

Theo đó, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã nhận được công văn của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội sau khi kiểm tra, xử lý Nhà thuốc gia truyền Thọ Thế Đường và các tài liệu có liên quan. Dựa trên cơ sở đó, bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đề nghị các Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, gồm cả cơ sở công lập và tư nhân và các cơ sở kinh doanh thuốc, dược liệu trên địa bàn tỉnh, thành phố ngừng ngay việc sử dụng tất cả các lô dược liệu có tên là “Thần khúc” do Nhà thuốc gia truyền Thọ Thế Đường sản xuất; yêu cầu các cơ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố có sử dụng mặt hàng “Thần khúc” do Nhà thuốc gia truyền Thọ Thế Đường sản xuất tiến hành thu hồi và hủy theo quy định.

 

Thông tin tăng giá viện phí đồng loạt từ 1-6 là không đúng

http://cand.com.vn/y-te/Thong-tin-tang-gia-vien-phi-dong-loat-tu-1-6-la-khong-dung-439025/

"Việc tăng giá viện phí từ 1-6 là nằm trong lộ trình thực hiện mức giá viện phí tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương. Do đó, không phải là tăng giá tất cả các dịch vụ y tế như nhiều người hiểu nhầm, mà mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí chứ chưa tính đúng tính đủ và cũng chỉ tăng giá ở một số tỉnh. Việc điều chỉnh giá viện phí chưa thực hiện ở những tỉnh còn khó khăn về kinh tế. "

Đây là thông tin TS. Hà Văn Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) khẳng định với PV Báo CAND vào chiều 29-4, trước thông tin từ ngày 1-6-2017, giá viện phí của những người không có thẻ BHYT sẽ tăng cao đồng loạt khiến nhiều người đang hết sức lo ngại.

Theo Nghị định 16 của Chính phủ, đến năm 2016 phải thực hiện mức giá tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương và như vậy, lộ trình thực hiện mức giá cho người chưa có thẻ BHYT đang chậm hơn thời gian quy định của Chính phủ. Năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện mức giá viện phí có tiền lương đối với người có thẻ BHYT tại 27 tỉnh, thành phố.

Tháng 3-2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1-6-2017, quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở y tế. Việc này là nằm trong kế hoạch.

Thông tư quy định mức giá tối đa, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương đối với người chưa có thẻ BHYT, để bảo đảm bình đẳng, cùng một mức giá giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, chỉ khác về chi trả: người có thẻ BHYT do quỹ BHYT chi trả (trừ phần đồng chi trả của một số đối tượng và một số dịch vụ, thuốc, vật tư không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT); người không có thẻ BHYT phải tự trả tiền.

Thông tư 02 quy định 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa gồm: Giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Trong đó, có hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị có mức tăng giá gấp 2- 4 lần so với hiện tại: tiền khám bệnh tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Bên cạnh đó, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện, bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày.

Do đó, những người không có thẻ BHYT sẽ chịu ảnh hưởng vì phải chi trả 100% chi phí KCB, trong khi người có thẻ BHYT được Quỹ BHYT chi trả 80% đến 100% tùy theo đối tượng.

Điều được đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh là việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội được Nhà nước mua thẻ BHYT (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo vv…) được BHXH thanh toán chi phí KCB

Ngoài ra, theo đại diện Bộ Y tế, dù Thông tư 02 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017, nhưng không phải tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức viện phí tối đa, mà Bộ Y tế quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc các Bộ, ngành quản lý; UBND tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống.

TS. Hà Văn Thúy nhấn mạnh rằng, Bộ Y tế thực hiện điều chỉnh giá viện phí theo lộ trình một cách thận trọng, chặt chẽ và mềm dẻo, nhằm bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giữa các ngành, không để xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Vì thế Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương dự kiến mức giá và thời điểm thực hiện vào một trong các tháng cuối năm gửi về Bộ Y tế để phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tính toán mức tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Trong trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh thời điểm thực hiện cho phù hợp với mục tiêu kiểm soát chỉ số CPI của Chính phủ.

Với việc dần tính đúng, tính đủ các chi phí vào giá viện phí, người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc có thẻ BHYT để tham gia BHYT, vừa ích nước vừa lợi nhà. Bởi mặc dù Luật BHYT quy định người dân tham gia BHYT là bắt buộc, song hiện vẫn còn gần 20% dân số chưa tham gia BHYT, dù nhiều người đã được nhà nước hỗ trợ từ 30-70% mức đóng BHYT.

 

Không đồng loạt tăng viện phí với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế

http://baotintuc.vn/xa-hoi/khong-dong-loat-tang-vien-phi-voi-nguoi-chua-co-the-bao-hiem-y-te-20170429181438285.htm

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, sẽ không áp dụng đồng loạt mức giá tối đa dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế công lập quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT cho tất cả các bệnh viện trên toàn quốc từ ngày 1/6/2017.

Theo Bộ Y tế, Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, theo lộ trình tính giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, áp dụng đối với người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế; dịch vụ ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế khẳng định, Thông tư 02 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2017 nhưng không phải đến thời điểm 1/6/2017 tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này. Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc các bộ, ngành quản lý. UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống.

Cũng theo Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phải bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương dự kiến mức giá và thời điểm thực hiện (vào một trong các tháng 7,8,10,12/2017) gửi về Bộ Y tế để phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tính toán mức tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh thời điểm thực hiện cho phù hợp với mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng của Chính phủ.

Việc ban hành Thông tư 02 là để bình đẳng giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và không có thẻ bảo hiểm y tế trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh vì nguyên tắc 2 đối tượng này phải chi trả cho bệnh viện như nhau, chỉ khác nguồn trả là người có thẻ bảo hiểm y tế do bảo hiểm y tế chi trả, người không có thẻ bảo hiểm y tế phải tự chi trả.

Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách cấp tiền lương cho các bệnh viện hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế. Đối tượng người cận nghèo đang được hỗ trợ từ 70-100% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế. Các địa phương cũng nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để tham gia bảo hiểm y tế (hiện đang hỗ trợ tối thiểu 30%).

 

Nghiên cứu “phạt nguội” người vi phạm về hút thuốc lá

http://vov.vn/suc-khoe/nghien-cuu-phat-nguoi-nguoi-vi-pham-ve-hut-thuoc-la-619005.vov

Bộ Y tế đang nghiên cứu cơ chế “phạt nguội” người hút thuốc lá nhằm góp phần nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Luật phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành đã hơn 4 năm, nhưng đến nay tình trạng hút thuốc lá tại những địa điểm cấm vẫn diễn ra ngang nhiên và phổ biến. Trong khi đó, chỉ có vài chục người vi phạm bị xử phạt.

Trước tình trạng này, Bộ Y tế đang nghiên cứu cơ chế “phạt nguội” nhằm góp phần nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Cả nước hiện có khoảng 15 triệu người hút thuốc lá và khoảng 75 triệu người không hút nhưng vẫn có thể hít phải khói thuốc lá do người khác hút tại nhà và những nơi công cộng.

Điều 7 của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã quy định: công dân có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá; đồng thời có nghĩa vụ yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá, phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Tuy nhiên, dường như không mấy ai quan tâm thực hiện quyền và nghĩa vụ vừa nêu.

Trong khi đó, cơ quan chức năng cho rằng, việc xử phạt những người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng gặp nhiều khó khăn. Khi cơ quan chức năng đến hiện trường thì người hút thuốc lá nhanh chóng bỏ đi hoặc vứt mẩu thuốc lá xuống đất nhằm xóa bỏ bằng chứng.

Do vậy, hơn 4 năm qua, mới chỉ xử phạt được vài chục trường hợp. Hiện nay, thay vì xử phạt trực tiếp những người vi phạm, thanh tra y tế đã chuyển hướng sang tập trung xử lý các chủ cơ sở nhà hàng, khách sạn và chủ quản lý các điểm công cộng để xảy ra tình trạng hút thuốc lá.

Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, về lâu dài sẽ áp dụng hình thức “phạt nguội”: “Hiện nay, chúng tôi đang tìm hiểu để ban hành cơ chế phạt nguội như ở Singapore, tức là chỉ cần chụp được ảnh có đầy đủ tên cơ sở để xảy ra vi phạm hoặc người có hành vi hút thuốc và các hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá để xử phạt”.

 

Người chết sống lại khi viện trả về: ''Phúc đức gia đình''

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nguoi-chet-song-lai-khi-vien-tra-ve-phuc-duc-gia-dinh-3334357/

Bộ Y tế sẽ kiểm tra lại thông tin bệnh nhân ở Hà Tĩnh được Bệnh viện trả về vì tiên lượng xấu đột ngột tỉnh lại trước lúc khâm liệm.

Cục quản lý khám chữa bệnh sẽ kiểm tra

Liên quan đến việc ông Nguyễn Duy Bình (53 tuổi, trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, sau khi Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trả về nhà để lo hậu sự vì tiên lượng xấu, đã đột nhiên sống lại ngay trước giờ khâm liệm, chiều 28/4, Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế.

Ông Trường cho biết đã nắm được thông tin vụ việc thông qua báo chí. Theo ông Trường, nếu gia đình bệnh nhân Nguyễn Duy Bình gửi đơn đến Bộ Y tế thì Cục quản lý khám chữa bệnh sẽ là đơn vị trực tiếp nhận và xử lý vụ việc.

“Việc bệnh nhân tỉnh lại sau khi chuẩn đoán có tiên lượng xấu là chuyện đáng mừng. Đó là phúc đức của gia đình. Tôi nghĩ bản thân sức hồi phục của bác ấy rất tốt”, ông Trường nhấn mạnh.

Chánh văn phòng Bộ Y tế cho rằng, trong y học cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân được xác định không qua khỏi, đưa xuống nhà xác của Bệnh viện nhưng sau đó đã đột ngột tỉnh lại.

“Có những thứ không thể giải thích theo chuyên môn. Nhiều trường hợp đưa bệnh nhân vào nhà xác hay quan tài để khâm liệm mà họ lại sống lại.

Nhiều tình huống bác sĩ kiểm tra chỉ số sống của bệnh nhân đều cho kết quả không tốt, huyết áp tụt về 0, mạch về 0 , tất cả mọi thứ về 0. Tuy nhiên có những trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng tốt nên tỉnh lại sau đó. Nhiều cái chúng tôi cũng không giải thích được vì sao như thế”, ông Trường chia sẻ.

Cùng ngày, trao đổi với Đất Việt, ông Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đang đi công tác nên chưa nắm được sự việc. Ông Thái hứa sẽ kiểm tra thông tin báo chí phản ánh và có hướng xử lý.

Lời nói ngược

Cũng liên quan đến vụ việc này,  trao đổi với Đất Việt, phía người thân của ông Bình cho biết, các bác sĩ tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An sau khi thăm khám đã nhiều lần đề nghị gia đình đưa bệnh nhân về nhà để lo hậu sự vì tiên lượng xấu, khó có thể qua khỏi.

Tuy nhiên, trả lời Đất Việt chiều 27/4, TS, bác sĩ Quế Anh Trâm, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An đã phủ nhận toàn bộ thông tin trên.

Theo bác sĩ Trâm, sau khi ông Bình bị tai nạn được gia đình đưa vào viện, phía bệnh viện đã tiến hành cấp cứu và hội chẩn. Các bác sĩ chẩn đoán, ông Bình bị hôn mê, đa chấn thương, dập não, chấn thương sọ não, vỡ mâm chày trái.

“Đúng là thời điểm lúc bệnh nhân nhập viện diễn biến rất nặng. Bác sĩ cũng có giải thích tình trạng như vậy với những người thân của ông Bình.

Báo chí nói rằng Bệnh viện trả về nhưng chúng tôi không bao giờ làm thế cả. Tôi khẳng định không có bác sĩ nào của khoa khuyên gia đình đưa bệnh nhân về nhà lo hậu sự cả.

Anh em bác sĩ có giải thích với người thân nên để bệnh nhân ở lại để theo dõi. Còn nếu mang về thì gia đình phải viết cam kết vào trong hồ sơ. Gia đình có ký cam kết vào trong hồ sơ để đưa về nhà chăm sóc”, bác sĩ Trâm khẳng định.

Ngoài ra, bác sĩ Trâm cũng cho biết, bệnh nhân Nguyễn Duy Bình bị mắc bệnh mãn tính, hàng tháng phải đến khoa thăm khám, điều trị liên tục.

“Bệnh nhân hàng tháng vẫn đến tái khám, làm các xét nghiệm chỗ chúng tôi. Bệnh nhân với bác sĩ mà ở với nhau lâu ngày thì mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân như tình cảm anh em ruột thịt.

Chúng tôi không bao giờ khuyên gia đình đưa bệnh nhân về cả. Chúng tôi cũng sẽ không phản hồi những chuyện như thế. Chả lẽ bây giờ chúng tôi lại lên đấy cãi nhau? Nghề của chúng tôi có những cái không thể nói được.

Những người thân thật sự của bệnh nhân tôi khẳng định chắc chắn không hiểu lầm các bác sĩ và bệnh viện. Chỉ có những người thân vừa phải thì mới hiểu nhầm”, bác sĩ Trâm khẳng định.

Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An khẳng định chỉ xuống phía Bệnh viện đa khoa Nghi Xuân khi nhận được lời đề nghị hỗ trợ chuyên môn từ đơn vị này.

Anh Nguyễn Duy Thành (con trai ông Bình) khẳng định, thông tin phía Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An đưa ra hoàn toàn sai sự thật.

“Gia đình chúng tôi rất bức xúc với cách làm việc vô trách nhiệm của Bệnh viện. Nếu Bệnh viện không xuống xin lỗi, gia đình sẽ làm tới cùng. Chúng tôi sẽ gửi đơn khiếu nại đến Bộ Y tế về việc này”, anh Thành khẳng định thêm.

 

Quảng Nam: Thêm một con sán dài hơn 8 mét được lôi” ra

http://dantri.com.vn/suc-khoe/them-mot-con-san-dai-hon-8-met-duoc-loi-ra-20170430050352032.htm

Chiều ngày 29/4, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, vừa xử lí thành công con sán xơ mít có chiều dài hơn 8m kí sinh trong người một nam bệnh nhân 30 tuổi gần 2 năm nay.

Trước đó, vào ngày 28/4, anh Đinh Văn Ph. (30 tuổi, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vào bệnh viện khám với triệu chứng đau bụng dữ dội, mặt mày tái nhợt…

Trao đổi với bác sĩ, anh Ph. cho biết anh bị nhiễm sán gần 2 năm nay, anh đã đến một số bệnh viện điều trị bằng nhiều loại thuốc nhưng không khỏi và thường đi ngoài ra đốt sán.

Qua xét nghiệm, Khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức kết luận anh Ph. bị nhiễm sán xơ mít và cho uống thuốc xổ.

Đến 11h30 trưa ngày 29/4, bệnh nhân đi ngoài ra một con sán xơ mít còn sống và chiều dài đo được hơn 8m. Bệnh viện đã tiến hành cắt bỏ đầu sán và gửi đi xét nghiệm.

Hiện sức khỏe của anh Ph. đã hoàn toàn ổn định và đang làm thủ tục xuất viện.

Theo Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, đây là trường hợp thứ hai trong vòng một tháng, bệnh viện này đã thực hiện việc xổ thành công sán xơ mít “khủng”. Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, ngày 7/4, Khoa Đông y của bệnh viện này cũng đã xổ ra một con sán xơ mít có chiều dài hơn 5m trong người cụ bà 82 tuổi.

 

Con bị bạch hầu vì tiếc tiền tiêm ngừa chỉ là tin đồn

http://dantri.com.vn/suc-khoe/con-bi-bach-hau-vi-tiec-tien-tiem-ngua-chi-la-tin-don-20170429130729949.htm

Chiều 28/4, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, khẳng định TP.HCM chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu tính từ đầu năm 2017 tới nay.

Tuy nhiên trước đó, có người tung tin một số trẻ trên địa bàn TP.HCM bị bệnh bạch hầu do cha mẹ tiếc tiền tiêm vaccine phòng ngừa. Theo kiểm chứng của Pháp Luật TP.HCM, những thông tin nói trên là không có cơ sở.

“Vaccine phòng ngừa bạch hầu (Quinvaxem, DPT) nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên hoàn toàn miễn phí. Với lại không cha mẹ nào lại tiếc tiền tiêm ngừa khiến con phải mang bệnh” – BS Nguyễn Trí Dũng nói.

Theo BS Lê Xuân Hòa, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc cấp tính do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra. Bạch hầu lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, qua dịch tiết của người bệnh.

“Bệnh khởi phát với các dấu hiệu sốt nhẹ, đau họng, ho, nói khàn tiếng, chán ăn. Triệu chứng điển hình của bệnh là giả mạc hai bên thành họng có màu trắng ngà, dai, dính, khi bóc dễ bị chảy máu. Bệnh có thể có những biến chứng nặng như gây tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, thoái hóa thận, hoại tử ống thận… dẫn đến tử vong” - BS Hòa nói.

Cũng theo BS Hòa, trước đây bạch hầu là một trong những bệnh truyền nhiễm rất thường gặp ở trẻ em. Khi vaccine phòng bệnh bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng thì số trường hợp mắc bệnh này giảm đáng kể.

“Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, tất cả trẻ dưới 1 tuổi đều phải tiêm các loại vaccine có thành phần bạch hầu như Quinvaxem, DPT (vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng) hoặc Infanrix Hexa, Pentaxim (vaccine dịch vụ)” - BS Hòa cho biết thêm.

 

Bác sĩ kiên quyết từ chối cho bệnh nhân về chờ chết

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/bac-si-kien-quyet-tu-choi-cho-benh-nhan-ve-cho-chet-3577600.html

Bệnh nhân nam 46 tuổi ở Nam Định bị rắn cạp nia cắn nguy kịch lại thiếu tiền điều trị nên gia đình nhiều lần xin về chờ chết.

Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng rất nặng, phải thở máy. Người bệnh lại không có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị tốn kém, nhiều lần gia đình có ý định xin cho bệnh nhân về.

Xác định cho bệnh nhân về nhà thì chỉ có con đường chết trong khi vẫn còn cơ hội cứu sống được, các bác sĩ đã động viên gia đình để người bệnh ở lại điều trị, đồng thời kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Đến nay sau hơn một tháng điều trị tích cực, người bệnh đã tỉnh táo, rút được máy thở và đang tiến triển tốt.

Rắn cạp nia thuộc loài cực độc, thân có vằn đen - trắng, nanh nhỏ, vết cắn khó nhận ra. Khi bị cắn, nạn nhân bị liệt cơ kéo dài 2-4 tuần. Nhiều người thậm chí không biết mình bị rắn độc cắn, không đến viện kịp nên tử vong.

Trung tâm Chống độc cũng đang điều trị cho 5 bệnh nhân khác bị rắn độc cắn, một người rất nặng phải thở máy. Đó là bệnh nhân nam 39 tuổi ở Lục Ngạn, Bắc Giang, đang đi làm đồng thì bị rắn cặp nia cắn. Do chủ quan, anh không đến cơ sở y tế kịp thời, khi thấy tức ngực, khó thở mới vào viện thì đã muộn. Sau hơn một tháng điều trị tích cực, tình trạng bệnh của anh vẫn rất nặng, não bị tổn thương, nguy cơ tử vong rất cao.

Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khuyến cáo hè sắp đến là thời điểm rắn sinh sôi, phát triển. Một tháng gần đây, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn, người bệnh cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề. Không để bệnh nhân tự đi lại, bất động chi bị cắn bằng nẹp, sau đó nhanh chóng tới bệnh viện để điều trị.

Những trường hợp bị rắn độc cắn thường phải điều trị dài ngày, chi phí đắt đỏ, trung bình khoảng 300-500 triệu đồng. Đó là số tiền không nhỏ, nhất là khi họ không có thẻ bảo hiểm y tế (nếu có được hỗ trợ chi trả tối thiểu 80%).

 

Bệnh nhân vẫn đến khám ở Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang ngày đóng cửa

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/benh-nhan-van-den-kham-o-benh-vien-quoc-te-phuc-an-khang-ngay-dong-cua-3577664.html

28/4 là ngày làm việc chính thức cuối cùng của Bệnh viện Phúc An Khang, nhiều bệnh nhân vẫn đến khám và được hướng dẫn sang cơ sở y tế khác.

Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang đã chính thức ngừng hoạt động từ ngày 28/4 theo quyết định của Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang. Ghi nhận của VnExpress.net vào ngày cuối cùng vẫn có một số bệnh nhân đến khám bệnh do không biết tin bệnh viện đóng cửa. Họ đều được nhân viên bệnh viện giới thiệu sang các bệnh viện khác. Bệnh nhân nội trú cuối cùng cũng được chuyển sang bệnh viện khác điều trị tiếp.

Hầu hết nhân viên y tế có mặt tại bệnh viện để lãnh lương theo thông báo của chủ đầu tư. Bộ phận hành chính vẫn tiếp tục làm việc để giải quyết các thủ tục liên quan đến bệnh nhân và người lao động.

Luật sư Trần Tấn Tài đại diện công ty cho biết hơn 100 nhân viên và y bác sĩ nghỉ việc từ ngày 28/4 đã được trả đầy đủ lương đến hết tháng 4. Bác sĩ hợp đồng và các nhân viên chưa hết hợp đồng có nguyện vọng tiếp tục ở lại làm việc sẽ được trả lương theo quy định của pháp luật trong vòng 3 tháng tới. Các chế độ về an sinh xã hội và bảo hiểm của người lao động cũng được đảm bảo.

Cũng theo ông Tài, sau khi đóng cửa bệnh viện, chủ đầu tư có một số phương án như sang nhượng lại cơ sở cùng với trang thiết bị hoặc bán bất động sản để trả nợ. Doanh nghiệp đang trong quá trình thương thảo về giá với các đối tác, nếu không bán được sẽ chính thức giải thể bệnh viện.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phúc An Khang hoạt động từ ngày 3/2/2015 tại số 800 Đồng Văn Cống, phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, TP HCM. Cơ sở này có quy mô 500 giường bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế, là mô hình bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam chuyển đổi công năng từ chung cư cao cấp.

Theo ông Diệp Văn Phát, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang, từ khi thành lập đến nay, công ty liên tục bù lỗ vì bệnh viện hoạt động không hiệu quả. Tính đến ngày 9/3, sau hơn 2 năm hoạt động bệnh viện đã lỗ lũy kế trên 60 tỷ đồng chưa bao gồm lãi vay ban đầu. Đến nay bệnh viện không còn đủ tài chính để duy trì và ngưng hoạt động kể từ ngày 28/4.

 

Học điều dưỡng nhận lương 50 triệu đồng/tháng

http://plo.vn/xa-hoi/viec-lam/hoc-dieu-duong-nhan-luong-50-trieu-dong-thang-698864.html

Đây là mức lương các điều dưỡng viên, hộ lý được nhận khi sang Cộng hòa liên bang Đức làm việc trong các bệnh viên, trung tâm chăm sóc sức khỏe.

Thông tin này được ông Nguyễn Đình Bá, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quang Trung , vừa công bố tại lễ trao visa và hợp đồng lao động sang Đức làm việc cho các học viên.

Ông Bá thông tin nhu cầu nhân viên điều dưỡng, hộ lý tại Đức thiếu trầm trọng, nắm bắt nhu cầu này trường đã ký kết hợp tác với Trường ĐH Munich và Học viện Y khoa Berlin khai giảng các khóa đào tạo tiếng Đức và chuyên môn cho ứng viên do giảng viên Đức trực tiếp giảng dạy.

Đến nay đã có 100 học viên theo học khóa này, riêng đợt đầu tiên trong năm 2017, có 12 học viên được trao visa sang Đức học tập, làm việc và 8 học viên khác được ký kết hợp đồng với các đối tác tại Đức, tiếp tục hoàn thành chương trình ngoại ngữ để xuất cảnh thời gian tới.

Theo ông Bá, do tiếng Đức khá khó học và nhu cầu chuyên về ngành chăm sóc sức khỏe tại nước sở tại yêu cầu khắt khe, chuyên nghiệp nên quy trình tiếp nhận ứng viên và tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn trãi qua khá nhiều công đoạn nên thủ tục hết sức bài bản.

Cụ thể, ngoài chuyên môn ngành chăm sóc sức khỏe, ứng viên phải tham gia khóa học tiếng Đức tập trung trong 10 tháng để lấy chứng chỉ B2. Sau khi tốt nghiệp, đối tác Đức sẽ ký kết hợp đồng lao động, thay vì chứng chỉ A2 trước đây.

Trước đó hai năm, có 16 học viên ngành điều dưỡng, hộ lý của Trường Trung cấp Quang Trung, sang Đức làm việc tại các bệnh viên, trung tâm chăm sóc sức khỏe.

 

Vắc-xin phối hợp sởi - rubella của Việt Nam được cấp phép lưu hành

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/32742602-vac-xin-phoi-hop-soi-rubella-cua-viet-nam-duoc-cap-phep-luu-hanh.html

Ngày 28-4, ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế vừa cấp giấy phép lưu hành vắc-xin phối hợp sởi - rubella do đơn vị này sản xuất, sau khi kết quả thử nghiệm lâm sàng đánh giá vắc-xin an toàn, khả năng sinh miễn dịch phòng bệnh tốt. Theo kế hoạch, tháng 6 tới, 2,5 triệu liều vắc-xin phối hợp sởi - rubella sẽ được cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho trẻ, thay thế vắc-xin nhập khẩu.

Vắc-xin sởi-rubella được nghiên cứu sản xuất từ năm 2013, với sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ của Nhật Bản. Việt Nam là nước thứ tư tại châu Á sản xuất được loại vắc-xin này.

 

Từ 1-5: Thêm hy vọng cho người bị ung thư máu

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/tu-15-them-hy-vong-cho-nguoi-bi-ung-thu-mau-698840.html

Cục Quản lí Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ vừa cấp phép thuốc AG’s Rydapt của Norvatis được sử dụng để chữa bệnh bạch cầu dòng tủy ác tính (AML). Tin từ CNN cho biết như trên.

Bệnh bạch cầu dòng tuỷ ác tính (AML) có nhiều tên gọi, bao gồm bệnh bạch cầu tủy ác tính; bệnh bạch cầu nguyên bào tủy ác tính; bệnh bạch cầu hạt ác tính; và bệnh bạch cầu ác tính không lympho. Nói nôm na là bệnh ung thư máu và tuỷ xương.

Bệnh có thể tiến triển nhanh chóng, nếu không điều trị thì có thể tử vong trong một vài tháng.

AML là dạng ung thư bắt nguồn từ trong tủy xương, nhanh chóng làm tăng bất thường số lượng bạch cầu có trong cơ thể. Điều này ảnh hưởng đến việc tạo ra các tế bào hồng cầu bình thường. Đây là bệnh tương đối hiếm (chiếm khoảng 1,2% tử vong do ung thư tại Hoa Kỳ) nhưng số bệnh nhân mắc AML lại tỉ lệ thuận với tuổi tác.

Bệnh nhân sống 5 năm từ khi phát bệnh chiếm khoảng từ 15-70%, và tỷ lệ tái phát trong khoảng 33-78%. Những triệu chứng thường gặp của bệnh này bao gồm mệt mỏi, khó thở, dễ bị bầm tím không rõ lí do và chảy máu và dễ bị nhiễm trùng.

G’s Rydapt của Norvatis cũng được chấp thuận sử dụng kết hợp cùng với hóa trị liệu để điều trị bệnh nhân được chẩn đoán AML sớm. Bệnh nhân mắc bệnh này sẽ mang trong mình loại gen FLT3, đây là loại gen đột biến phổ biến nhất khi mắc AML. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ sử dụng máy chẩn đoán AML cùng với G’s Rydapt để phát hiện ra loại gen đột biến đó.

Các cuộc thử nghiệm thuốc cho thấy, các bệnh nhân sử dụng thuốc Rydapt giảm nguy cơ tử vong do bệnh AML lên đến 23%.

Theo Julie Masow, người phát ngôn của Norvatis, loại thuốc này sẽ được bán ra thị trường vào ngày thứ Hai, 1-5. Giá của loại thuốc này sẽ được cân nhắc kĩ tùy thuộc vào liều lượng của thuốc. Tại Mỹ, dự kiến thuốc này được bán với giá 7.495 USD (Tương đương hơn 170 triệu đồng Việt Nam) cho 14 ngày sử dụng và 14.990 USD (tương đường hơn 340 triệu đồng Việt Nam) cho 28 ngày sử dụng.

Masow cũng nói thêm trong cuộc thử nghiệm cuối cùng, bệnh nhân AML được sử dụng loại thuốc này trong 42 ngày, tương đương 22.485 USD (khoảng 511 triệu đồng). Một lần sử dụng chỉ dùng liều lượng rất ít: 50mg cho 1 lần sử dụng và dùng 2 lần/ngày.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, sẽ có thêm khoảng 21.380 ca ghi nhận mắc AML và 10.590 người chết vì căn bệnh này trong năm nay.

Không chỉ dùng cho bệnh nhân mắc AML, Rydapt cũng được sử dụng để chữa các bệnh rối loạn máu hiếm gặp bao gồm lympho xâm nhập (ASM). Đối với bệnh nhận mắc ASM, khi sử dụng thuốc này sẽ phải trả tiền cao hơn: 32121 USD (khoảng 730 triều đồng) cho 30 ngày sử dụng. Bệnh nhân ASM sẽ sử dụng thuốc với lượng nhiều hơn (100mg/lần và dùng 2 lần/ngày). Các cuộc thử nghiệm bệnh nhân ASM cũng cho thời gian sử dụng lâu hơn rất nhiều, khoảng 11,4 tháng.

Dù mức giá này khá cao và khó vừa túi tiền với các bệnh nhân nhưng giá thuốc còn tùy thuộc vào thời gian mà ệnh nhân sử dụng cộng thêm bảo hiểm y tế cá nhân. Những yếu tố đó hy vọng có thể giảm một phần chi phí đắt đỏ trong quá trình điều trị.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang