Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 30/9/2016

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế lấy ý kiến về mức giá khám bệnh; Mẹ nhiễm HIV vui phát khóc vì hai con thoát “án tử”; Xuất hiện ổ dịch dại, 40 người bị chó cắn; Thêm một trường hợp tử vong do chữa bệnh dại bằng thuốc nam; Báo động tình trạng mẹ sinh con nhiễm HIV đang gia tăng

Bộ Y tế lấy ý kiến về mức giá khám bệnh

Đây là một trong những nội dung dự thảo về tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến.

Theo đó, giá trần khám theo yêu cầu được áp dụng theo các mức sau: Tại Hà Nội và TP.HCM là 200.000 đồng; tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ là 150.000 đồng và các tỉnh thành còn lại là 100.000 đồng/lần/người khám.

Giá ngày giường cũng dao động trong khoảng từ 300.000 đến 2,4 triệu đồng theo 3 nhóm địa phương trên và theo số giường bệnh trong 1 phòng.

Tiếp đến, dự thảo từ Bộ Y tế quy định các tiêu chuẩn: mỗi bác sĩ khám không quá 50 bệnh nhân một ngày, kể cả khám có bảo hiểm y tế và khám thông thường.

Từ năm 2020 sẽ không khám quá 35 bệnh nhân; không để người bệnh nằm ghép, đảm bảo đủ số giường cho người không sử dụng phòng điều trị theo yêu cầu.

Trường hợp đơn vị đã kê thêm giường bệnh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho người bệnh bảo hiểm y tế, vẫn luôn có từ trên 10% số giường bệnh phải nằm ghép 2 thì đơn vị không được tổ chức các buồng bệnh theo yêu cầu tại các khoa điều trị hiện có.

Phòng điều trị không được kê quá 4 giường và diện tích phải đảm bảo theo tiêu chuẩn; đồng thời đảm bảo nhân lực và các trang thiết bị y tế kèm theo.

Tuy nhiên, dự thảo cũng “mở” cho các bệnh viện được tự quyết định mức giá khám chữa bệnh theo yêu cầu với các yếu tố cấu thành gồm: Chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý, khấu hao… Riêng mức giá khám bệnh, ngày giường không được vượt quá mức giá tối đa do Bộ Y tế quy định.

http://toquoc.vn/y-te/bo-y-te-lay-y-kien-vemuc-gia-kham-benh-212693.html

Xuất hiện ổ dịch dại, 40 người bị chó cắn

Một con chó mắc bệnh dại đã cắn hai người và nhiều con chó khác nên tạo thành ổ dịch dại ở địa bàn xã Hưng Trung.

Tính đến chiều 29-9, trên địa bàn xã Hưng Trung (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã có khoảng 40 người bị chó cắn. Trong đó chị Hoàng Thị Hảo (39 tuổi, ở xóm 2, xã Hưng Trung) đã tử vong sau khi phát bệnh dại.

Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hưng Nguyên, cho biết từ trung tuần tháng 7, một con chó mắc bệnh dại của một hộ dân ở xóm 2 (xã Hưng Trung) cắn hai người và nhiều con chó khác trên địa bàn. Từ đó, tạo thành ổ dịch dại ở địa bàn xã Hưng Trung.

Trung tuần tháng 7, chị Hảo bị con chó cắn. Ngay lúc đó, người dân đưa chi đến BV Đa khoa huyện Nghi Lộc sơ cứu. Tuy nhiên, chị Hảo chỉ tiêm phòng uốn ván chứ không phải vắc xin phòng bệnh dại. Lý do là chị có con nhỏ 6 tháng tuổi, lo sợ mất sữa nên quyết định không tiêm phòng. Chị Hảo đi mua thuốc nam uống rồi phát dại.

Sau khi phát dại ngày 27-9, chị được đưa đến BV Hữu Nghị đa khoa Nghệ An cấp cứu nhưng đã quá muộn. Sau khi chị Hảo tử vong, một số người dân từng bị chó cắn hoang mang, lo lắng, đi tiêm vắc xin.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên, hiện đã có khoảng 40 người chủ yếu ở xã Hưng Trung bị chó căn nhưng xã và Trạm Y tế xã chậm báo cáo sự việc lên cấp trên.

Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nghệ An và Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên đã về họp cùng xã Hưng Trung, yêu cầu bằng mọi cách phải đưa số người bị chó cắn đi tiêm phòng dại.

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/xuat-hien-o-dich-dai-40-nguoi-bi-cho-can-655546.html

Thêm một trường hợp tử vong do chữa bệnh dại bằng thuốc nam

Nghe nhiều người nói tiêm vắc-xin làm giảm trí nhớ, anh Châu chở con đến thầy lang để khám bằng cách dùng đồng xu cào lên vết cắn để xác định xem có phải chó dại cắn hay không.

Vào lúc 9h ngày 26/9/2016, Bệnh viện đa khoa huyện Tân Kỳ tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Văn Tuấn (7 tuổi) con anh Nguyễn Văn Châu ở xóm Đồn Kén, xã Tây Thành (Yên Thành).

Cháu Tuấn nhập viện trong tình trạng bị đau bụng cấp, nôn mửa, ngứa toàn thân. Bệnh viện chẩn đoán là cháu bị đau bụng cấp.

Đến 14h ngày 26/9/2016, cháu Tuấn bắt đầu có biểu hiện có biểu hiện bệnh bất thường như sốt, ăn ít, sợ nước, sợ gió, sợ cánh quạt trần quay…

Bố cháu bé cho biết cách đây một tháng cháu Tuấn bị chó cắn, con chó đã chết sau 4 ngày cắn cháu, gia đình đã đưa cháu đi tiêm nhưng chỉ tiêm phòng uốn ván chứ không tiêm phòng dại.

Anh Châu cho biết, vì nghe nhiều người quen bảo tiêm vắc-xin sẽ làm giảm trí nhớ nên anh chở con đến thầy lang, khám bằng cách dùng đồng xu cào lên vết cắn để xác định xem có phải chó dại cắn hay không, sau đó sắc lá thuốc nam uống.

Sau đó cháu Tuấn được chuyển đến Bệnh viện sản nhi Nghệ An điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu Tuấn bị mắc bệnh dại. Tuy nhiên, lúc này bệnh nhân đã lên cơn dại điển hình, không thể điều trị được.

Sau 1 ngày vật lộn với những cơn dại hành hạ, cháu Tuấn được bệnh viện trả về. Sáng 28/9/2016, cháu tử vong.

http://baonghean.vn/xa-hoi/201609/them-mot-truong-hop-tu-vong-do-chua-benh-dai-bang-thuoc-nam-2739794/

Báo động tình trạng mẹ sinh con nhiễm HIV đang gia tăng

Nhiều bà mẹ không biết mình bị nhiễm HIV nên khi mang thai không được tư vấn về dinh dưỡng và xem xét điều trị ARV (thuốc kháng HIV) từ tuần thai thứ 14 dẫn tới con bị nhiễm HIV.

Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Khoa nhiễm – thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM, từ đầu năm 2016 đến nay Khoa tiếp nhận 14 trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ đến điều trị, chủ yếu là dân nhập cư. Con số này tăng đáng báo động bởi rất hiếm trẻ bị nhiễm HIV nếu so với các năm trước đây.

Bác sĩ Quy cho biết, đa số các trường hợp mẹ nhiễm HIV lây sang con mà hoàn toàn không biết, được phát hiện bất ngờ khi đến bệnh viện Nhi đồng 1 khám.

Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP. HCM cho biết, nếu nghi ngờ hoặc phát hiện bị nhiễm HIV ngay những tuần đầu, phụ nữ mang thai nên đến các trung tâm, cơ sở y tế, khoa sản tại các bệnh viện để được tư vấn về dinh dưỡng và xem xét điều trị ARV từ tuần thai thứ 14 nhằm mục đích giảm khả năng lây truyền HIV cho con.

Sau khi sinh, phụ nữ nhiễm HIV sẽ được tư vấn kế hoạch hóa gia đình, cách nuôi và chăm sóc trẻ, mẹ và con sẽ được chuyển gửi đến các phòng khám điều trị HIV ngoại trú. Em bé được chăm sóc và điều trị kịp thời giúp cải thiện sức khoẻ và tránh mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đặc biệt, trẻ được cấp sữa miễn phí thay thế và được xét nghiệm miễn phí vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6 để phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV của trẻ.

Việc thực hiện đầy đủ các biện pháp dự phòng trên khả năng mẹ lây truyền HIV sang cho con chỉ còn khoảng 2-6%. Vì những đứa con không nhiễm HIV, phụ nữ mang thai nên đi khám thai và làm xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt.

Báo cáo mới đây của Cục chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2016 cả nước phát hiện 3.684 trường hợp nhiễm mới HIV, trong đó Sơn La là tỉnh đứng hàng đầu về tỷ lệ nhiễm HIV tính trên tỷ lệ 100.000 dân, tiếp theo là TP. HCM.

Mô hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang thay đổi từ nguyên nhân chính lây truyền qua đường tiêm chích sang nguyên nhân chính lây nhiễm qua đường tình dục.

http://khampha.vn/suc-khoe/bao-dong-tinh-trang-me-sinh-con-nhiem-hiv-dang-gia-tang-c11a452476.html

Nhiều vướng mắc thực hiện thuê CEO về làm giám đốc bệnh viện

Thực tế hiện nay tại nhiều bệnh viện ở Việt Nam, giám đốc tuy rất giỏi chuyên môn, nhưng trình độ quản lý rất hạn chế. Do đó, Bộ Y tế muốn giám đốc bệnh viện phải là những người điều hành (CEO), nhà kinh doanh tài giỏi am hiểu lĩnh vực y tế.

Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế tại Hội thảo chuyên gia về đổi mới tổ chức và tài chính y tế do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 28/9 vừa qua.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để có một bệnh viện phát triển tốt, xanh-sạch-đẹp, thu hút người bệnh, giám đốc bệnh viện phải vừa có trình độ chuyên môn, vừa làm tốt được công tác quản lý thì nhất thiết ngành y tế phải họp bàn và có lộ trình đổi mới về tiêu chuẩn về bổ nhiệm giám đốc bệnh viện.

“Thực tế ở các bệnh viện, mặc dù giám đốc rất giỏi về chuyên môn, nhưng trình độ quản lý lại rất hạn chế. Có những giám đốc còn không nắm được cả qui trình đấu thầu và không nắm được các khoản chi tiêu tài chính, không biết được mức lương tối thiểu của nhân viên là bao nhiêu,…thì làm sao điều hành, quản lý được bệnh viện”, Bộ trưởng Tiến trăn trở.

Từ thực trạng trên, Bộ Y tế muốn giám đốc bệnh viện phải là những người điều hành (CEO), nhà kinh doanh tài giỏi am hiểu lĩnh vực y tế.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho rằng, chủ trương trên của Bộ Y tế là rất đúng đắn. Tuy nhiên, áp dụng với các qui định hiện hành còn đang có nhiều vướng mắc, chưa thể triển khai ngay được. Theo ông Tác, quy định hiện nay khi bổ nhiệm cán bộ vẫn phải trải qua các khâu giới thiệu, lấy phiếu tín nhiệm từ cấp cơ sở…,như vậy sẽ rất khó nếu thay đổi hình thức bổ nhiệm lãnh đạo bệnh viện sang hình thức thuê CEO.

Cũng theo ông Tác, Bộ Y tế đang tìm cách tháo gỡ vướng mắc này. Dự kiến, giữa tháng 10 tới, chủ trương này sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị toàn quốc về đổi mới tổ chức và tài chính y tế.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/nhieu-vuong-mac-thuc-hien-thue-ceo-ve-lam-giam-doc-benh-vien-20160929143753204.htm

Kiên Giang tăng 159 người mắc cúm A H1N1, trong đó có 2 phụ nữ mang thai

Ngày 28/9, thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, tình hình dịch cúm A H1N1 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, số ca bệnh tiếp tục tăng cao.

Cụ thể, tính đến chiều ngày 27/9, số công nhân bị nhiễm cúm A H1N1 tại nhà máy may Vinatex Kiên Giang (xã Định Quán, huyện Gò Quao) đã tăng từ 117 người lên 159 người, trong đó có 2 phụ nữ đang mang thai.

Các công nhân bị nhiễm cúm A H1N1 đều có triệu chứng chung sốt cao, ho, sổ mũi, đau họng…nên được đưa tới bệnh viện Đa khoa huyện Gò Quao điều trị cách ly, đồng thời gửi mẫu bệnh phẩm cho Viện Pasteur TP. HCM xét nghiệm.

Hiện Viện Pasteur TP. HCM đang phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tỉnh Kiêng Giang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm.

Trước đó, ngày 25/9 trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiêng Giang cho biết, chỉ trong 3 ngày từ 20 đến 22/9, 117 công nhân làm việc tại nhà máy may Vinatex Kiên Giang có biểu hiện cúm A H1N1 nên được đưa đến bệnh viện khám, điều trị.

Các công nhân này sau đó được lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TP. HCM xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm A H1N1.

Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, triệu chứng của người mắc bệnh cúm A H1N1 giống với hội chứng cúm mùa, bệnh diễn biến cấp tính từ nhẹ đến nặng: từ sốt, ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau người, đau đầu, rét run, mệt mỏi; một số trường hợp có tiêu chảy, nôn, đến viêm phổi nặng và tử vong. Thời kỳ ủ bệnh từ 1 đến 7 ngày. Thời kỳ lây truyền của bệnh từ 1 ngày trước cho tới 7 ngày sau khi khởi phát.

Bệnh cúm A H1N1 là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh. Bệnh lây truyền từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng qua ho, hắt hơi của người bệnh. Ngoài ra bệnh có thể lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút và từ đó qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và gần, đặc biệt ở nơi  tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.

Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Nếu được điều trị sớm thì có thể giảm biến chứng và tử vong.

Vi rút cúm có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia cực tím, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70 độ C và các chất tẩy rửa thông thường. Tuy nhiên, vi rút cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết lạnh.

http://khampha.vn/suc-khoe/kien-giang-tang-159-nguoi-mac-cum-a-h1n1-trong-do-co-2-phu-nu-mang-thai-c11a452204.html

http://petrotimes.vn/lay-khoi-u-nang-26-kg-trong-khoang-mang-phoi-benh-nhan-486536.html

http://petrotimes.vn/lay-khoi-u-nang-26-kg-trong-khoang-mang-phoi-benh-nhan-486536.html

http://khampha.vn/suc-khoe/nu-benh-nhan-bi-khoi-u-26-kg-de-bep-phoi-trai-chen-lech-tim-c11a452451.html

Việt Nam có khoảng 45 nghìn bệnh nhân suy giảm miễn dịch bẩm sinh

Con số trên được công bố tại khóa tập huấn cập nhật về miễn dịch, dị ứng và khớp nhi do Khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương kết hợp với các chuyên gia y tế Hoa kỳ tổ chức.

Theo các chuyên gia y tế Hoa kỳ, tỷ lệ các bệnh dị ứng ngày càng gia tăng trong xã hội phát triển do ảnh hưởng của môi trường và lối sống. Các chuyên gia cảnh báo với tần suất mắc suy giảm miễn dịch tiên phát khoảng 1:2000 dân thì tại Việt Nam – đất nước 90 triệu dân, sẽ có khoảng 45 nghìn bệnh nhân phải chung sống với căn bệnh này.

Thực tế cho thấy, trong vòng 6 năm từ khi thành lập, khoa Miễn dịch - Dị Ứng - Khớp bệnh viện Nhi Trung ương đã chẩn đoán, điều trị cho  gần 100 bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo này.

10 báo cáo ca lâm sàng của các bác sĩ khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp trong buổi tập huấn được các chuyên gia y tế Hoa kỳ đánh giá rất cao, đặc biệt là trường hợp điều trị thành công cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch thể nặng kết hợp bằng phương pháp ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nhất là ghép tế bào gốc không đồng nhất hoàn toàn hệ HLA. Thành công này mở ra cơ hội điều trị và mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân suy giảm miễn dịch thể nặng trong tương lai.

Phát biểu tại buổi tập huấn, PGS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, đây là các lĩnh vực mới, khó bao gồm nhiều bệnh lý khác nhau với biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, phức tạp và đòi hỏi đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành miễn dịch dị ứng cần được đào tạo liên tục, cập nhật các kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng và áp dụng các phương pháp hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/viet-nam-co-khoang-45-nghin-benh-nhan-suy-giam-mien-dich-bam-sinh-176700.html

Cấp cứu đột quỵ phải nhanh, đúng cách

Ước tính, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% tử vong

Khi có người bị đột quỵ, phần lớn người thân trong gia đình rất lúng túng trong cách xử trí ban đầu, đặc biệt là vấn đề di chuyển bệnh nhân. Có những trường hợp xử trí, di chuyển không đúng cách khiến các tổn thương nặng nề hơn.

Lưu ý đột quỵ kèm chấn thương

Bà Mai Thị T. (65 tuổi, ngụ TP HCM) có tiền căn thoát vị đĩa đệm cổ trước đó. Một buổi sáng, người nhà phát hiện bà mê man, lay gọi không dậy nên lập tức đưa đi cấp cứu. Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM, các bác sĩ (BS) phát hiện bà bị liệt tứ chi, chụp CT thấy xuất huyết não một bên không quá lớn. Sau đó, người bệnh được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ và phát hiện thêm tổn thương tủy cổ. Các BS hỏi lại quá trình di chuyển đến BV thì biết bà T. được bế ở tư thế đầu cổ chuyển động theo nhịp chạy của người bế.

Một trường hợp khác là ông Nguyễn Minh D. (42 tuổi, ngụ tại TP HCM). Bị ngã sóng soài trong nhà tắm, ông được người nhà đưa đi cấp cứu. Trong lúc di chuyển, do nôn nóng và cũng bởi sàn nhà trơn láng nên cả người nhà và người bệnh đều trượt té. Vào BV, sau khi chụp CT, các BS phát hiện ông vừa bị nhồi máu não vừa chấn thương sọ não!

Theo BS chuyên khoa I Trần Quốc Tuấn (Khoa Ngoại Thần kinh BV Đại học Y Dược), việc di chuyển người bệnh đột quỵ không đúng cách có thể làm cho tình trạng tổn thương nặng thêm. Điều đáng nói là những người bị đột quỵ có thể có chấn thương kèm theo do té ngã nhưng người thân không nhận ra để sơ cứu trước. Vì vậy, việc xử trí sau đó của các BS càng khó khăn hơn.

Ngoài sơ cứu không đúng cách, một vấn đề rất đáng lưu ý khác là việc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế quá chậm, dẫn đến mất cơ hội sống. Tại các BV như Chợ Rẫy, Nhân dân 115..., tình trạng bệnh nhân đột quỵ nhập viện trễ rất phổ biến. Theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115, tuy có trọng lượng nhỏ nhưng não người lại tiêu thụ ôxy nhiều nhất. Não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng lại cần đến 20%-25% lượng máu nuôi toàn bộ cơ thể. Chỉ cần thiếu ôxy chưa đến 10 giây là con người đã mất ý thức và một khi não bị tổn thương thì khó hồi phục.

Cứ tưởng bị “trúng gió”

Theo các chuyên gia, thiếu kỹ năng, kiến thức khi cứu người đột quỵ là tình trạng thường gặp nhất, bao gồm: Không đánh giá được mức độ tổn thương nặng cần hồi sức tim phổi, không cố định các phần cơ thể người bệnh, bị té ngã trong khi di chuyển nạn nhân.

TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM, cho biết trong cấp cứu đột quỵ, thời gian là vàng vì nếu chậm trễ, mỗi phút trôi qua sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh chết. Sự chậm trễ trong cấp cứu đột quỵ thường do người dân chưa hiểu đúng về vấn đề này.

Thông thường, khi thấy ai lăn ra bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị “trúng gió” và dùng những biện pháp dân gian như giật tóc, xức dầu, cạo gió, bấm huyệt, chích lể thay vì tức tốc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Về điều này, TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị Đột quỵ BV Đại học Y Dược, lưu ý đột quỵ não là tình trạng stress rất nặng, áp dụng các biện pháp dân gian không chỉ gây thêm stress mà còn làm mất thời gian cần thiết cho việc cấp cứu sau đó.

Giới chuyên môn cho rằng sơ cấp cứu ban đầu là kỹ năng cần thiết cho mọi người. Các vấn đề cần thiết trong sơ cấp cứu ban đầu gồm: Hồi sức tim phổi (luôn quan trọng nếu người bệnh bị ngưng thở hoặc ngưng tim), tư thế người bệnh (đặt nằm ở tư thế thoải mái nhất). Về cơ bản, việc vận chuyển người đột quỵ cần theo nguyên tắc: Một là, bảo đảm đường thở, tim đập; hai là, cố định để bảo vệ các bộ phận dễ tổn thương như đầu cổ, tứ chi; ba là, chuyển người bệnh đến cơ sở y tế nhanh nhất có thể.

Đua với thời gian: Khó nhất!

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam (chiếm hơn 20% các trường hợp tử vong mỗi năm). Ước tính mỗi năm, nước ta có hơn 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% tử vong. Phần lớn người bệnh đột quỵ không đến được BV trong thời gian vàng. Chạy đua với thời gian là vấn đề khó khăn nhất trong điều trị loại bệnh lý này. Chỉ có xử lý tại chỗ mới mong cứu được người đột quỵ. Tuy vậy, hiện nay hầu như các địa phương chưa làm được ngoài một số trung tâm lớn như TP HCM, Hà Nội. Vì vậy, người bị đột quỵ khi được đưa đến nơi đủ chuyên môn thì cũng đã mất cơ hội phục hồi hay cứu sống.

Mới đây, BV Đại học Y Dược đã áp dụng kỹ thuật kết hợp hút và rút (kéo) huyết khối ARTS trong điều trị đột quỵ, đồng thời cải tiến quy trình cấp cứu theo hướng nhanh chóng và đồng bộ. Nếu áp dụng đúng cách, sẽ có hơn 95% trường hợp tắc các mạch máu lớn trong não có thể tái thông thành công với nguy cơ không quá cao.

http://nld.com.vn/suc-khoe/cap-cuu-dot-quy-phai-nhanh-dung-cach-20160929212918666.htm

4 bệnh nhân vụ sập lò gạch ở Đồng Tháp được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy

Bệnh viện Chợ Rẫy- TP Hồ Chí Minh đang tiếp nhận điều trị cho 4 nạn nhân trong vụ sập lò gạch tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp khiến 6 công nhân bị thương nặng.

 Bốn trong số 6 bệnh nhân vụ tai nạn sập lò gạch tại Đồng Tháp đang nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy gồm: Võ Thị Mỹ Châu (SN 1986), Võ Thị Kim Thủy (SN 1982), Võ Văn Xuân (SN 1959), Lưu Văn Hậu (SN 1978).

Người bệnh nặng nhất là chị Võ Thị Kim Thủy, ngụ tại Lấp Vò, Đồng Tháp. Chị Kim Thủy nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, chấn thương sọ não, dập não, xuất huyết vùng trán thái dương bên phải, dập phổi, tràn dịch màng phổi, chấn thương cột sống. Hiện tại, theo bác sĩ Trần Quang Vinh - Trưởng khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh, bệnh nhân Võ Thị Kim Thủy hiện đang mê, thở máy và vẫn đang được hồi sức tiếp tục. Bệnh nhân bị nặng thứ 2 là Võ Thị Mỹ Châu, em gái của Võ Thị Kim Thủy cùng ngụ tại Lấp Vò, Đồng Tháp đang nằm điều trị tại khoa Gan – Mật- Tụy của bệnh viện Chợ Rẫy. Trước khi nhập viện Mỹ Châu bất tỉnh, bệnh nhân bị đa chấn thương ở đầu, chấn thương cột sống rách da mặt, chấn thương bụng, gãy 2 xương cẳng chân phải và xương mắt cá chân trái.

Hai bệnh nhân nam là Võ Văn Xuân, Lưu Văn Hậu đều bị gãy đốt xương cột sống, phải nằm bất động, hiện đang điều trị tại khoa Ngoại thần kinh của bệnh viện Chợ Rẫy. Trong đó bệnh nhân Võ Văn Xuân ngụ tại Lấp Vò, Đồng Tháp bị gẫy 1 đốt sống lưng, trước tai nạn bệnh nhân đã bị bệnh lao phổi, sau tai nạn vùng phổi của bệnh nhân bị dập. Do đó, trước tiên các bác sĩ sẽ tập trung điều trị bệnh phổi ổn định cho bệnh nhân, sau đó mới tiến hành phẫu thuật khắc phục sự cố gãy đốt sống lưng.

Riêng bệnh nhân Lưu Văn Hậu (Lai Vung, Đồng Tháp) ngoài gãy 2 đốt sống lưng còn gãy xương gót. Dự kiến vào ngày 30-9 các bác sĩ sẽ phẫu thuật khắc phục tình trạng gãy đốt sống lưng cho bệnh nhân Hậu.

Trước đó, vào trưa ngày 28-9 một lò gạch tư nhân thuộc huyện Lấp Vò, Đồng Tháp bất ngờ bị sập. Thời điểm này có sáu công nhân đang ở trên cao, cách mặt đất khoảng 8-10 mét bị ngã xuống, đa chấn thương, một số công nhân bị gạch vùi lấp. Bốn bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy – TP Hồ Chí Minh điều trị, còn 2 bệnh nhân nhẹ hơn đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa Sa Đéc.

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/850132/4-benh-nhan-vu-sap-lo-gach-o-dong-thap-duoc-chuyen-ve-benh-vien-cho-ray

http://www.baomoi.com/bon-nguoi-bi-thuong-nang-vi-sap-lo-gach-o-dong-thap/r/20447667.epi#suc-khoe-y-te|contentlist

Mẹ nhiễm HIV vui phát khóc vì hai con thoát “án tử”

Chồng mất vì bị AIDS, đứa con gái đầu cũng dương tính với HIV, ngay bản thân cũng là người có hơn 10 năm sống chung với “căn bệnh thế kỷ”, cuộc sống của chị Vũ Thị Thanh (xã Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) tưởng chừng như sụp đổ hoàn toàn. Thế nhưng, nhờ nỗ lực điều trị cùng tinh thần lạc quan “chiến đấu” với bệnh tật, chị vui phát khóc khi hai đứa con sau này với người chồng mới đều… âm tính với HIV.

Những tháng ngày “sống không bằng chết”

15 năm trước, khi nhắc đến xã Vũ Tây, người ta nghĩ ngay đến “điểm nóng” HIV/AIDS của khu vực phía Bắc với sự gia tăng nhanh chóng số bệnh nhân nhiễm trên địa bàn. Ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cuộc sống khó khăn, đa phần nam giới ở địa phương đều phải đi làm xa kiếm ăn. Đáng tiếc là khi trở về quê nhà, không ít người đã mang mầm bệnh trong người và vô tình lây sang vợ con.

Là “người trong cuộc”, đang sống chung với HIV 11 năm nay, chị Vũ Thị Thanh xúc động khi nhớ lại quãng thời gian đầy nước mắt trong quá khứ. Chị cho hay, vợ chồng chị kết hôn với nhau 15 năm trước. Hai năm sau, cô con gái đầu lòng chào đời trong niềm vui sướng của hai bên gia đình. Tuy nhiên, vì cuộc sống khó khăn, chồng chị quyết định đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống.

Tuy nhiên, khi chồng đi xa, cũng là lúc chị Thanh thấy sức khỏe của mình có những dấu hiệu lạ như hay sốt, cảm cúm, ốm đau liên miên, người nổi nhiều nốt lạ. Nghĩ triệu chứng đơn giản nên chị không đi khám. Lúc này, ở làng cũng có vài người nói vào nói ra rằng chị bị “bệnh thế kỷ”. Dù sức khỏe ngày một yếu nhưng chị Thanh cũng không bao giờ tin mình bị bệnh. Chỉ đến khi chồng chị bị doanh nghiệp bên nước ngoài trả về vì nhiễm HIV, lúc ấy chị mới vội vàng đi xét nghiệm và chết đứng khi nhận kết quả tương tự như người chồng.

Số phận trớ trêu, cô con gái của vợ chồng anh chị cũng không “thoát” khỏi căn bệnh quái ác, khi ấy, cháu chỉ mới hơn 2 tuổi. Nhớ lại thời điểm phát hiện mình bị nhiễm HIV, chị Thanh tâm sự: “Đó là khoảng thời gian tối tăm nhất trong cuộc đời tôi. Ra đường, tôi phải đối diện ánh mắt dò xét, dè bỉu của mọi người. Về nhà, tôi phải sống trong sự ghẻ lạnh của anh em họ hàng khi họ cho rằng, tôi là kẻ “tội đồ” gây bệnh cho chồng, cho con. Lúc ấy, tôi chỉ muốn nhanh chóng kết thúc cuộc đời để được giải thoát”.

Cuộc sống bế tắc, nhiều lần, chị đã tìm ra cây cầu gần nhà để định tự kết liễu đời mình. Thế nhưng, khi chuẩn bị nhảy xuống, hình ảnh cô con gái nhỏ bé, tội nghiệp lại kéo chị lại. Vì thương con, chị gạt nước mắt tiếp tục cuộc sống. Được các cán bộ y tế của xã tuyên truyền, vận động, chị Thanh đã quyết định điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và thấy sức khỏe có nhiều chuyển biến tích cực.

Điều kỳ diệu từ nỗ lực điều trị

Sau một thời gian dài đắm chìm trong đau khổ, nước mắt, chị Thanh quyết định gạt bỏ ý nghĩ dại dột và suy nghĩ theo hướng tích cực hơn là phải tiếp tục sống, hơn nữa, phải sống có ý nghĩa. Từ đó, chị tìm những người đồng cảnh ngộ lập nên Câu lạc bộ "Nhóm sống tích cực” với mục đích chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, đồng thời đi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ban đầu, nhóm hoạt động đơn giản là trao đổi, chia sẻ, sau đó, các hoạt động tuyên truyền dần dần được cải thiện theo hướng đa dạng hơn.

Khi cuộc sống đang dần được cải thiện cũng là lúc chồng chị qua đời. Hai mẹ con nén đau thương, duy trì uống thuốc đều đặn để tiếp tục cuộc sống. Chị cho biết, hiện con gái lớn của chị đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, sức khỏe của cháu cũng khá ổn định.

Về phần mình, chị Thanh cho hay, sau khi người chồng đầu tiên qua đời, chị chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ đi bước nữa. Chị bảo, chị chỉ mong có sức khỏe để chăm sóc cô con gái thật tốt. Vì vậy, chị dành toàn bộ thời gian để làm việc, kiếm thu nhập, duy trì uống thuốc điều trị bệnh, đồng thời tiếp tục tham gia các hoạt động tuyên truyền của nhóm. Thế nhưng, cũng chính từ những buổi truyền thông, chị đã bén duyên với người chồng hiện tại. Anh là người gốc Nghệ An, trước đây bị nghiện ma túy và lây HIV từ việc dùng chung bơm kim tiêm, hiện anh đang điều trị thuốc ARV giống chị. Đồng cảm với hoàn cảnh của nhau, anh chị đã quyết định về “góp gạo thổi cơm chung”, san sẻ cùng nhau những buồn vui trong cuộc sống.

Khi biết mình có thai, chị Thanh cũng phân vân không biết nên làm thế nào. Được các bác sĩ tư vấn điều trị phòng ngừa để tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con, chị đã tuân thủ. Phép màu đã đến với vợ chồng chị khi đứa con có kết quả âm tính với “căn bệnh thế kỷ”. “Chúng tôi thực sự vỡ òa trong niềm vui sướng khi nhìn vào kết quả xét nghiệm của con. Quả thực quá hạnh phúc. Nhiều người đã đến chúc mừng vợ chồng tôi khi con hoàn toàn khỏe mạnh như người bình thường”, chị Thanh xúc động nói. Đó cũng là động lực để vợ chồng chị tiếp tục sinh cậu con trai kháu khỉnh, năm nay vừa tròn 2 tuổi. Kết quả xét nghiệm mới đây cho thấy, cháu bé khỏe mạnh, âm tính với HIV.

Giải đáp những thắc mắc về điều kỳ diệu trên, BS Nguyễn Xuân Hoài, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vũ Tây cho biết, do vợ chồng chị Thanh đã uống thuốc ARV để điều trị hơn 10 năm nay nên sức khỏe được cải thiện khá tích cực. Hơn nữa, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con chiếm khoảng 30% nên cơ hội đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh bình thường là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là niềm vui đến từ sự nỗ lực điều trị, sự lạc quan của vợ chồng chị Thanh và một phần may mắn đến từ niềm tin trong cuộc sống.

Sự thay da đổi thịt của “làng nhiễm HIV”

Theo ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tây, sau “cơn sốt” HIV của 15 năm về trước, hiện nay, Vũ Tây đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Ca nhiễm HIV gần đây nhất là năm 2012. Kể từ năm 2013 đến nay, cả xã không còn ca mắc mới nào. Hiện nay, trên toàn xã, số người nhiễm HIV còn sống là 58 người. Trong đó, 56/58 người đang duy trì uống thuốc điều trị ARV đều đặn. Để đạt được kết quả trên, xã Vũ Tây đã có nhiều nỗ lực trong việc truyền thông, vận động người dân trong việc phòng, chống HIV/AIDS như mỗi tuần, dành một buổi để tuyên truyền về HIV/AIDS trên hệ thống đài phát thanh của xã. Sau 15 năm, “làng nhiễm HIV” đã trở lại cuộc sống bình yên, không còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử; ý thức phòng, chống HIV/AIDS của người dân được nâng lên, mọi người đều hòa nhập, ai nấy đều chuyên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.

Giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con

Theo đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Hiện nay, 95% thuốc kháng virus (ARV) để điều trị cho người nhiễm HIV ở Việt Nam do các tổ chức quốc tế tài trợ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nguồn lực này sẽ bị cắt giảm nhanh và chưa có tổ chức nào cam kết hỗ trợ sau năm 2017.

Thuốc kháng virus (gọi tắt là ARV) là thuốc ức chế sự phát triển và nhân lên của virus. Người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV sẽ giảm nguy cơ chuyển sang AIDS, giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do vậy giảm được nguy cơ tử vong. Điều trị ARV còn giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác, bởi một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ HIV lây truyền từ người nhiễm sang người chưa nhiễm là nồng độ HIV trong máu người nhiễm HIV. Nồng độ virus trong máu người nhiễm HIV càng cao thì nguy cơ lây truyền HIV sang vợ hay chồng hoặc bạn tình của họ càng lớn. Khi điều trị bằng ARV, lượng virus trong máu được kìm hãm ở mức thấp, do vậy làm giảm khả năng lây truyền HIV qua quan hệ tình dục không an toàn. Điều trị bằng ARV cũng đồng thời giúp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/me-nhiem-hiv-vui-phat-khoc-vi-hai-con-thoat-an-tu-20160929105106237.htm

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang