Bộ trưởng Y tế thị sát phòng chống bệnh sốt xuất huyết
http://thanhnien.vn/suc-khoe/bo-truong-y-te-thi-sat-phong-chong-benh-sot-xuat-huyet-860519.html
Ngày 29.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại KP.4, P.Hiệp Thành Q.12, TP.HCM (ảnh) - nơi có số ca SXH cao nhất quận (197 ca tính từ đầu năm đến nay) và Bệnh viện Q.12 là nơi đang điều trị cho 27 ca bệnh SXH, trong đó có 15 ca trẻ em. 6 giờ 30 ngày 26.7, chiếc xe xuất phát từ Viện Pasteur TP.HCM đưa các chuyên gia về côn trùng, dịch tễ cùng 2 ba lô chứa trang thiết bị bắt muỗi, lăng quăng trực chỉ TX.Dĩ An (Bình Dương) để bắt "đại gia" gây bệnh sốt xuất huyết - muỗi vằn Aedes aegypti.
Bà Trịnh Thị Mỹ Lan, Phó chủ tịch UBND Q.12, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, Q.12 có 833 ca SXH, tăng 116% so cùng kỳ năm 2016 (385 ca), đặc biệt trong tháng 6 số ca tăng đột biến so với tháng 5. Theo Sở Y tế TP, từ đầu năm đến nay TP đã có 11.195 ca mắc SXH, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016 (9.051). Đáng lưu ý, có 4 ca tử vong, tăng 3 ca so với cùng kỳ năm 2016. Cần Giờ là địa bàn có số ca mắc cao nhất, tăng 119%, tiếp theo là Q.12, Hóc Môn, Bình Tân…
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo phải đổi mới phương thức truyền thông, đó là hướng dẫn người dân tìm diệt nguồn gây bệnh là ổ lăng quăng, diệt muỗi SXH… chứ không nói làm sạch môi trường chung chung. Về điều trị, dứt khoát không để người dân nằm ghép, nằm hành lang. Phải phân tuyến, lọc bệnh để điều trị. Tập huấn, đặc biệt tập huấn nhiều hơn về điều trị cho người lớn mắc bệnh SXH, vì người lớn hiện mắc nhiều.
Lý do Thanh Hóa bội chi 683 tỷ đồng quỹ khám chữa bệnh BHYT
Cân đối quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) trong 6 tháng năm 2017, Thanh Hóa bội chi 683 tỷ đồng. Qua kiểm tra, ngành chức năng cũng phát hiện nhiều cơ sở y tế kéo dài thời gian điều trị nội trú một cách bất thường Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa thì nguyên nhân là do chi phí khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2017 tăng so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều cơ sở KCB BHYT lựa chọn thuốc giá cao, vật tư y tế giá cao trong điều trị. Một số cơ sở KCB BHYT khi thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC có tình trạng chia tách dịch vụ kỹ thuật hoặc thanh toán không đúng dịch vụ kỹ thuật.
Còn phổ biến tình trạng áp giá dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế, giá ngày giường sai. Tăng đột biến số người vào điều trị nội trú trong khi cơ cấu bệnh tật không có biến động, không có thông báo dịch bệnh trên địa bàn (bình quân chung bệnh nhân khám bệnh có chỉ định vào điều trị nội trú toàn quốc 16%, tỉnh Thanh Hóa 23%).
Qua kiểm tra, ngành chức năng cũng phát hiện nhiều cơ sở y tế kéo dài thời gian điều trị nội trú một cách bất bình thường (tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa, mổ phaco nằm nội trú bình quân 7,1 ngày, bình quân toàn quốc 1,7 ngày; Bệnh viện Y học cổ truyền bình quân nội trú 24,9 ngày, bình quân toàn quốc 16 ngày). Việc chỉ định các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hỉnh ảnh cao gấp nhiều lần so với bình quân chung của cả nước, cụ thể: Chi phí xét nghiệm bình quân chung của cả nước là 11,7%, của Thanh Hóa 13,8% (Bỉm Sơn 32,4%, Lang Chánh 20%, Quan Hóa 22%, Mường Lát 22,5%,.Cẩm Thủy 20,5%...). Chi phí chẩn đoán hình ảnh của cả nước 7,4%, của Thanh Hóa 10,7% (Ngọc Lặc 15°/o, Cẩm Thủy 14,2%, Vĩnh Lộc 17%, Bỉm Sơn 12,6%...). Bình quân chi phí ngoại trú 328.520 đồng/đơn, tăng 4% so với năm 2016 và bằng 150% so với bình quân chung toàn quốc. Bình quân chi phí điều trị nội trú 3.213.723 đồng/người/đợt điều trị, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2016.
Một số cơ sở KCB BHYT đã chỉ định và sử dụng nhiều loại thuốc giá cao trong điều trị đã làm tăng chi phí điều trị (Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Mường Lát chỉ riêng việc sử dụng thuốc kháng sinh thế hệ mới, giá cao với số lượng lớn đã chiếm đến 11,8% chi phí thuốc sử dụne tại đơn vị)... Để khắc phục những hạn chế, nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHYT, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, trong thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra các giải pháp như: Phối hợp thường xuyên với ngành Y tế và các cơ sở y tế đế chia sẻ thông tin và xử lý kịp thời những bất cập trong quá trình thực hiện công tác KCB BHYT; kịp thời phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện lạm dụng, lợi dụng quỹ BHYT, đảm bảo sử dụng nguồn quỹ BHYT an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Phối hợp với Thanh tra Sở Y tế xây dựng kế hoạch thanh tra công tác KCB BHYT năm 2017 đối với một số cơ sở y tế có tần suất KCB, chi phí tăng cao bất thường...
Cứu sống thai phụ sắp sinh nguy kịch vì sốt xuất huyết
Các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm phối hợp với Khoa Sản, BV Bạch Mai vừa cứu sống một phụ nữ mang thai 37 tuần bị sốt xuất huyết ngày thứ 4 trong tình trạng nguy kịch. TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Kiều Thị Ch., 32 tuổi (tại Thanh Xuân, Hà Nội) mang thai lần hai 37 tuần, nhập viện ngày 26/7/2017 với dấu hiệu sốt cao liên tục 39-40 độ C, đau bụng, tử cung có cơn co, tim thai 150 lần/phút, âm đạo không ra máu, không ra dịch.
Trước đó, bệnh nhân đã đến khám ở BV khác thấy dấu hiệu thai bình thường, xét nghiệm dương tính với SXH Dengue nên đã chuyển đến khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai điều trị. Kết quả xét nghiệm lúc vào viện của bệnh nhân tiểu cầu hạ còn 101.000/mm3 máu, sau đó tụt nhanh xuống mức rất thấp, có lúc còn 35.000/mm3 máu.
“Đây là trường hợp bệnh nhân có tiền sử sản khoa nặng nề, bệnh nhân đã từng bị 1 lần sảy thai 20 tuần trước đó, lần này có thai lại mắc SXH ở những tháng cuối của thai kỳ, tim thai có lúc chậm nên gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của cả hai mẹ con. Chính vì thế, bệnh nhân được các bác sĩ theo dõi rất sát sao. Sau khi hội chẩn giữa bác sĩ truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa, bệnh nhân được truyền dịch, uống thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm co bóp tử cung... tránh hiện tượng đẻ non”- TS. Cường cho hay.
Đến chiều ngày 26/7, xét nghiệm số lượng tiểu cầu cho thấy tiểu cầu hạ thấp còn 72.000/mm3 máu, bệnh nhân ra huyết âm đạo và có dấu hiệu chuyển dạ, có xuất huyết dạng chấm dưới da, phù mặt và cẳng tay, chân. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển sang khoa Sản để cấp cứu sản khoa, bệnh nhân vừa được hồi sức truyền 2 khối tiểu cầu vừa được các bác sĩ tiến hành đỡ đẻ. Đến 21h cùng ngày, bệnh nhân đã đẻ thường thành công một bé gái nặng 2,8kg. Sau khi đẻ, bệnh nhân Ch. đã được chuyển lại khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị sốt xuất huyết vì vẫn còn sốt 38 độ C và tiểu cầu chưa trở về mức bình thường.
Hiện, sức khỏe của cả mẹ và con bệnh nhân Ch. tiến triển tốt, đã giảm sốt, dự kiến ngày mai (31/7) hai mẹ con có thể ra viện.
"Thót tim" với ca đỡ đẻ giữa đường của bác sĩ sản khoa miền núi
http://infonet.vn/thot-tim-voi-ca-do-de-giua-duong-cua-bac-si-san-khoa-mien-nui-post233222.info
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, ngày 28/7/2017, Đường dây nóng Bệnh viện đa khoa Mộc Châu nhận được cuộc gọi khẩn từ người dân tại bản Sa Lú, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, Sơn La về việc 1 phụ nữ đẻ tại nhà. Nhận được thông tin, kíp đỡ đẻ của khoa Sản BVĐK Mộc Châu dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Bệnh viện đã nhanh chóng lên đường đến gia đình sản phụ.
Kíp cấp cứu do bác sĩ Lường Thị Hằng và một nữ hộ sinh. Tuy nhiên, đường đến nhà bệnh nhân là đường núi rừng cách trung tâm thị trấn tới 40km. Sản phụ lại là ca sinh khó, nguy cơ tai biến sản khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nắm được tình hình đó kíp trực đã lên sẵn các kịch bản có thể xảy ra đồng thời hướng dẫn gia đình sản phụ cách chăm sóc sản phụ trong khi chờ bác sĩ đến. Song song với kíp bác sĩ trên đường đến, gia đình người bệnh chủ động lấy xe máy đưa bệnh nhân ra đường lớn để chờ xe cấp cứu. Tuy nhiên, do đường xá khó khăn bệnh nhân được đưa đến viện cách nhà 2 km thì gặp xe cấp cứu của bệnh viện. Chị Lại Thị Thanh Tâm - nữ hộ sinh của bệnh viện cho biết khi xe cấp cứu đến thấy bệnh nhân. Lúc đầu, mọi người định chuyển sản phụ về Bệnh viện nhưng khi kéo băng ca của xe cấp cứu xuống và thăm khám cho sản phụ thấy tình hình rất nguy kịch.
Chị Tâm kể lúc đó đã thấy phân su xanh đen kèm theo đầu em bé đã lọt thấp, trong khi đó bệnh nhân đã vỡ ối từ đêm hôm trước. Các bác sĩ cho biết nếu đưa bệnh nhân về viện sẽ không kịp nên quyết định đỡ đẻ tại chỗ để cứu mẹ và con. Bàn đẻ là băng ca của xe cấp cứu, những người khác hỗ trợ che ô cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hằng đã nhanh chóng thực hiện quy trình đỡ đẻ thành công. Tuy nhiên, khi em bé chào đời cháu bé đã tím tái, không khóc, phản xạ sơ sinh yếu. Các bác sĩ tưởng không cứu được cháu. Khi bác sĩ tiến hành hồi sức sơ sinh một lúc sau em bé mới bật khóc. Bác sĩ cùng mọi người thở phào nhẹ nhõm. Ngay lập tức thực hiện da kề da cho bé với mẹ. Khi cả mẹ và bé dần hồi phục, các bác sĩ lại đưa sản phụ và em bé về bệnh viện Đa khoa Mộc Châu để chăm sóc sau sinh. Hiện tại, sức khoẻ của hai mẹ con bé đã ổn định. Mộc Châu, Sơn La là tỉnh miền núi chủ yếu là người dân tộc vùng sâu vùng xa nên một số người dân còn hạn chế về hiểu biết đặc biệt là về chăm sóc sức khoẻ, y tế. Nhiều sản phụ không lên cơ sở y tế để sinh con mà họ đẻ tại nhà dẫn đến băng huyết, Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu tình trạng đã nặng nề. Trường hợp của sản phụ này, may mắn là kíp cấp cứu di động của bệnh viện đến nhanh và kịp thời nên cả hai mẹ con cháu bé được cấp cứu thành công. Nếu chậm trễ, cả cháu bé và mẹ có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Bức xúc vì hình ảnh bác sĩ ra chợ xin tiền bị chế thành chữa yếu sinh lý
Bác sĩ Chung vô cùng bức xúc và cảm thấy danh dự của anh bị bôi nhọ khi một phòng khám ngang nhiên lấy hình ảnh của anh để quảng cáo cho phòng khám của họ. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Chung –Phó giám đốc Bệnh viện Bắc Mê, Hà Giang người đã mang hòm quyên góp ra chợ để xin từ thiện cho hai bệnh nhân dính liền nhau ở Vị Xuyên, Hà Giang vào tháng 7/2016 được dư luận ủng hộ. Nhờ có hành động của bác sĩ Chung mà hai bé dính liền nhau có tiền về Hà Nội cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng của hai bé quá nặng nên một tuần sau khi sinh hai cháu đã mất tại nhà. Số tiền được cộng đồng ủng hộ cũng giúp cho bố mẹ cháu có vốn để mua bò, phát triển kinh tế gia đình.
Bác sĩ Chung sau đó đã nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế về hành động của mình. Bức anh bác sĩ Chung đứng cạnh tấm biển được chụp hai bé dính liền nhau ở chợ thị trấn Vị Xuyên, Hà Giang đã được cộng đồng mạng chia sẻ chóng mặt làm lay động hàng triệu trái tim trong cả nước.
Tuy nhiên, mới đây, một phòng khám y học cổ truyền tại Hà Nội có tên Quý Sơn Đường đã “chế” hình ảnh đẹp đó và sửa thành dòng chữ “Tại đây chữa yếu sinh lý, xuất tinh sớm, nặng mấy cũng khỏi” và kèm theo hình ảnh của bác sĩ Chung đứng bên cạnh. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Chung cho biết, anh rất bất ngờ và bức xúc vì phòng khám sử dụng hình ảnh của mình mà không xin phép, đồng thời lại xuyên tạc nội dung trong bức ảnh. Bác sĩ Chung cho biết bức ảnh này của phòng khám Quý Sơn Đường đã bôi nhọ danh dự bác sĩ của mình. Bác sĩ Chung cảm thấy mình bị xúc phạm.
Anh không liên hệ và làm việc với bất cứ phòng khám nào về việc sử dụng hình ảnh của mình, anh cũng đã nhắn tin yêu cầu phòng khám đó gỡ bỏ nội dung quảng cáo không đúng. Song, khi gọi điện thoại theo số máy của phòng khám đăng trên trang web nhưng lại không có ai nhấc máy. Bên cạnh đó, cuộc sống của anh cũng bị đảo lộn khi nhiều bạn bè gọi điện đến chế giễu, trêu đùa vì bác sĩ Chung chuyển sang chữa “yếu sinh lý”…
Nghệ An: 10 người suýt mất mạng vì ăn phải nấm rừng
http://infonet.vn/nghe-an-10-nguoi-suyt-mat-mang-vi-an-phai-nam-rung-post233230.info
http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/nghe-an-10-nguoi-nhap-vien-vi-an-nham-nam-doc-219798.html
Sau khi ăn nấm rừng vào buổi trưa, 10 người dân ở xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An) bất ngờ chóng mặt, đau bụng dữ dội và phải nhập viện khẩn cấp để điều trị. Các nạn nhân nhanh chóng được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Quế Phong để điều trị.
Tối ngày 29/7, ông Lang Văn Thái – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, hiện cả 10 người bị ngộ độc nấm trên địa bàn sau khi điều trị đã qua cơn nguy kịch và đang được các y, bác sỹ bệnh viện chăm sóc tận tình.
Sáng cùng ngày (29/7), 10 người dân ở bản Cắm, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong đi rừng thu hái quả Bo Bo (Mạc Cà) ở khu vực rừng sâu Khe Ton thuộc địa bàn xã Quang Phong về để bán. Sau khi hái xong, mọi người cùng đi hái nấm trong rừng để cải thiện bữa ăn trưa. Tuy nhiên, sau khi ăn xong thì tất cả 10 người cùng thấy chóng mặt, đau bụng, trong đó có 1 người tỉnh nhất đã kịp gọi điện về nhà báo tin cho người thân. Hiện các nạn nhân đã qua cơn nguy kịch, được điều trị tích cực tại cơ sở y tế. Đến khoảng 16h cùng ngày, thì người nhà vào đến địa điểm các nạn nhân ngộ độc và đưa ra Trạm y tế xã Cắm Muộn.
Do các nạn nhân bị ngấm độc khá nặng nên được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Quế Phong để chữa trị. Qua quá trình điều trị, 10 người nói trên đều đã qua cơn nguy kịch, hiện vẫn đang tiếp tục được theo dõi tích cực trung tâm y tế.
Bệnh viện quá tải, bác sĩ chỉ cách chăm sóc người bị sốt xuất huyết tại nhà
Trong những ngày qua, số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết (SXH) liên tục tăng. Bên cạnh sự thiếu hiểu biết về phòng tránh dịch bệnh của người dân thì những nhận thức không đúng về cách điều trị bệnh cũng góp phần gia tăng số lượng người mắc bệnh.
TS.BS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, SXH là bệnh do virus gây ra, lây truyền thông qua muỗi cắn và vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Cho nên, việc tốt nhất là phải nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng tránh bệnh trong xã hội”. heo BS Cường, người bị SXH thường sốt cao trong khoảng 3 đến 5 ngày, đau mỏi người, nhức hố mắt sau, chán ăn, buồn nôn. Xuất huyết có thể qua chảy máu cam, chảy máu chân răng, nặng hơn là bị rong kinh, rong huyết, đi ngoài phân đen, xuất huyết tương. ho đến thời điểm này các cơ sở y tế tại Hà Nội và phía Nam đang gồng mình chống dịch SXH. Hàng trăm trường hợp nặng phải nhập viện điều trị nội trú khiến các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đều trong tình trạng quá tải. Để tránh tình trạng quá tải không cần thiết tại bệnh viện, các bác sĩ đã hướng dẫn cách điều trị cho người bị SXH ở nhà an toàn và hiệu quả. hi nghi ngờ bị SXH thì cần đến khám ở cơ sở y tế gần nhất và khi đã được bác sĩ chẩn đoán là bị SXH thì cần tuân theo sự tư vấn của bác sĩ. Người bị SXH cấp 1 sẽ được điều trị tại nhà theo đơn, có hẹn ngày khám lại. Việc làm đầu tiên chính là cho bệnh nhân sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Sau khi sử dụng thuốc, cứ cách khoảng 5 giờ thì cặp nhiệt độ cho bệnh nhân để theo dõi tình trạng sốt có hạ xuống hay không.
Khi bị sốt do SXH, người bệnh có thể dùng Acetaminophen hoặc Paracetamol để hạ sốt. Trong mỗi sản phẩm thuốc đều ghi rất rõ liều dùng, cách dùng, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng thuốc cho đúng. Cách 4 - 6 giờ mới được dùng thuốc một lần. "Tuyệt đối không được dùng Aspirin và Ibuprofen... vì nó làm tăng nguy cơ chảy máu ở những người bị SXH và có thể gây ra các tác dụng phụ cho bệnh nhân", BS Cường lưu ý.
Đặc biệt, không được thấy sốt thì tự ý mua thuốc hạ sốt, vì một số loại thuốc hạ sốt có khả năng ảnh hưởng xấu đến dạ dày, làm tăng nguy cơ chảy máu.
Lau mát cho bệnh nhân
Với SXH, bệnh nhân có thể sốt cao lên đến 39-40 độ C. Song song với việc sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, cần thường xuyên lau mát cho bệnh nhân để giúp giảm nhiệt độ cơ thể.
Ngoài ra, nên để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi ở khu vực thoáng mát và mặc quần áo thoải mái để hỗ trợ cho việc chườm mát và hạ sốt. Đây chính là điều lưu ý đầu tiên đối với cách chăm sóc bệnh nhân sốt SXH mà mọi người cần phải biết.
Bổ sung đủ nước cho cơ thể
SXH thường gây mất nước vì thế người bệnh thường có cảm giác khát nước. Vì vậy khi bị sốt, người bệnh nên uống đủ nước. Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500-1.500 ml/ngày, trẻ trên 5 tuổi khoảng 2.000-2.500 ml/ngày. Có thể uống nước dừa, nước trái cây để thay thế.
Qua thực tế điều trị tại BV Bạch Mai, BS Cường cho biết, có một sai lầm phổ biến là hầu hết người bệnh bị SXH đã tự mua thuốc điều trị tại nhà trước đó, không ít trường hợp còn thuê người đến truyền dịch tại nhà hoặc đến truyền dịch ở phòng khám tư, chỉ khi thấy bệnh không đỡ mà tiến triển nặng hơn mới đi viện.
Để việc chữa trị SXH có hiệu quả, hạn chế biến chứng, tử vong, người bệnh SXH không được tự ý truyền dịch tại nhà. Đặc biệt, tuyệt đối không được truyền dung dịch đạm, pha vitamin cho bệnh nhân SXH vì rất dễ dẫn tới sốc, BS Cường khuyến cáo.
Tái khám hàng ngày
Do tình trạng quá tải, một số trường hợp SXH nhẹ có thể được cho điều trị ngoại trú (không nằm viện) với yêu cầu tái khám hàng ngày, có khi tái khám nhiều lần trong ngày. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng những điều này, không được tự ý ngừng tái khám dù thấy bệnh tình không trầm trọng hoặc hết sốt. Vì nếu không theo dõi sát sao, có những trường hợp bệnh sẽ trở nặng dù hết sốt.
Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu sau để đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay: lừ đừ, li bì, bứt rứt, ói nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân lạnh.
Theo BS Cường, hiện nay chưa có vắc xin để phòng nhiễm virus Dengue và cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng chống SXH chủ yếu dựa vào phòng chống muỗi A.aegypti, tức là cắt đứt con đường lây truyền của bệnh.
Điều trị thuốc kháng HIV cho tất cả bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS không kể tình trạng miễn dịch
Bộ y tế vừa ban hành quyết định thay đổi tiêu chuẩn bắt đầu điều trị thuốc ARV ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam; theo đó điều trị thuốc ARV sẽ áp dụng cho tất cả bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS không kể số lượng tế bào CD4.
Số lượng tế bào CD4 là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng suy giảm miễn dịch của người nhiễm HIV/AIDS. Một người bình thường số lượng tế bào CD4 trung bình là 800 - 1500 tế bào/mm3 máu. Ở người nhiễm HIV/AIDS, virus HIV sẽ làm giảm tế bào CD4.
Số lượng tế bào CD4 giảm càng nhiều thì tình trạng suy giảm miễn dịch càng nặng nề. Tình trạng suy giảm miễn dịch nặng nếu số lượng tế bào CD4
Thuốc kháng virus có mục đích ức chế sự phát triển của virus HIV từ đó phục hồi tình trạng miễn dịch. Để thuốc ARV có hiệu quả và tránh hiện tượng kháng thuốc, người bệnh phải tuuân thủ tốt chế độ điều trị và dùng thuốc suốt đời.
Báo cáo mới nhất của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho thấy: từ đầu năm đến nay, đã lại có tới 20 tỉnh, thành phố ghi nhận số người nhiễm mới HIV gia tăng.
Trong đó Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh phát hiện ở mức cao nhất, chiếm 25% số trường hợp cả nước. 7 tỉnh, thành có số ca mắc mới nhiều nhất là: Hà Nội, Tây Ninh, Yên Bái, Tiền Giang, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh và Phú Thọ.
Trong những nỗ lực phòng, chống HIV, AIDS, từ đầu năm đến nay, Cục phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai tư vấn xét nghiệm mở rộng ở 15 tỉnh/thành phố, qua đó phát hiện 4.577 lượt trường hợp nhiễm HIV.
Việc thí điểm tự xét nghiệm bằng nước bọt thông qua các tổ chức cộng đồng, mở rộng phòng xét nghiệm khẳng định tuyến huyện cũng được tăng cường
Dùng xăng châm lửa nấu cơm, một bé gái bị bỏng nặng
http://vtc.vn/suc-khoe/dung-xang-nau-com-mot-be-gai-bi-bong-nang.1-339390.htm
Sử dụng xăng để châm lửa nấu cơm, một cháu bé đừng cạnh bị bỏng nặng do bén lửa. Tại Viện Bỏng Quôc Gia hiện đang điều trị cho một trường hợp cháu bé bị bỏng lửa xăng rất nặng. Thông tin từ phía bệnh viện cho hay, cháu bé này là Đỗ Thị Huệ, 7 tuổi ở Xã Bình Thạch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. PGS.TS Hồ Thị Xuân Hương, Phó chủ nhiệm khoa Bỏng trẻ em (Viện Bỏng Quốc Gia), bác sĩ điều trị trực tiếp cho cháu nói, cháu nhập viện ngày 15/7 trong tình trạng tỉnh và bị sốc bỏng. Theo PGS.TS Hương, cháu bị bỏng lửa xăng 34%, với 29% là bỏng sâu, độ III, độ IV. Toàn bộ vùng ngực, bụng, lưng, tay trái, hai chân và cả bộ phận sinh dục đều bị ảnh hưởng nặng do bỏng lửa xăng gây ra. Kể từ ngày nhập viện, cháu đã được phẫu thuật cắt hoại tử, ghép da 2 lần, những theo chỉ định điều trị của các bác sĩ, việc phâu thuật sẽ còn phải tiếp tục nhiều lần nữa.
Dù vậy, việc di chứng để lại của vết bỏng là điều không thể tránh khỏi. Những sẹo lồi, sẹo co kéo sẽ làm ảnh hưởng tới vận động và đồng thời cả tâm, sinh lý của cháu trong cuộc đời về sau.
Mẹ cháu, chị Đỗ Thị Ngân kể lại trong sự xót xa. Bình thường cháu ở với bà ngoại ở Thái Bình, nhưng trong kỳ nghỉ hè, cháu đã lên chỗ mẹ làm ở Quảng Ninh chơi. Ngày đó, lúc hay tin chị còn đang đi làm, cháu ở nhà, thấy các chú ở xóm trọ nấu cơm nên chạy ra xem. Chị nói: “Ở đây họ thường sử dụng củi và xăng để châm lửa nấu cơm, nào ngờ lúc đó cháu Huệ chạy lại gần xem rồi bị bén lửa vào người". Cháu bị bỏng nặng và được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Uông Bí trước khi được chuyển lên Viện Bỏng Quốc Gia. Cũng theo thông tin từ mẹ cháu, cháu Huệ là con một, từ bé đã không có bố, tên cũng mang theo họ mẹ.
Toàn bộ chi phí sinh hoạt của hai bà cháu đều do mẹ cháu một tay lo liệu từ công việc hái rau thuê, nhà cũng có sổ hộ nghèo từ rất lâu trước. Cho tới nay, chi phí điều trị cho cháu đã lên tới 30 triệu đồng và việc điều trị cho cháu trong tương lai, dù chưa thể khẳng định là bao nhiêu nhưng đối với người mẹ đơn thân này thì đó là cả một gánh nặng khó lòng trang trải.Gần đây, cháu còn bị bệnh phổi, nên gần như không ăn được gì, ăn vào là lại nôn ra, mẹ cháu nói.
Cứu sống thanh niên bị máy cưa cắt gần lìa bàn tay
http://plo.vn/xa-hoi/cuu-song-thanh-nien-bi-may-cua-cat-gan-lia-ban-tay-718213.html
Chiều 30-7, đại diện BV đa khoa khu vực Long Khánh, Đồng Nai cho biết các bác sĩ tại bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị máy cưa cắt gần lìa bàn tay trái. Bệnh nhân là anh Nguyễn Ngọc Tài (22 tuổi, ngụ xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh, Đồng Nai). Hiện sức khỏe của bệnh nhân này đã ổn định, tỉnh táo trở lại, vùng nối chi hồng hào, tưới máu chi tốt.
Trước đó, ngày 29-7, bệnh nhân Tài nhập viện trong tình trạng toàn thân bị choáng, mất nhiều máu, chấn thương, vết thương vùng khuỷu tay trái, gãy xương, đứt động mạch (tại vị trí chia nhánh xuống nuôi cẳng - bàn tay), đứt dây thần kinh, gân cơ do trong lúc làm việc (cưa cây) bị máy cưa cắt vào vùng khuỷu tay trái. Anh Tài được các bác sĩ kịp thời hồi sức chống choáng và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp. Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ thực hiện kết hợp xương bị gãy, khâu nối vi phẫu mạch máu, thần kinh, khâu nối gân cơ cho bệnh nhân. Theo các bác sĩ, bệnh nhân Tài bị mất quá nhiều máu, nếu không được cấp cứu, phẫu thuật kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh: Thực hiện 13.000 ca lọc máu an toàn cho bệnh nhân
Khoa Thận, Tiết niệu và Lọc máu - Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh hiện có 30 máy lọc máu của hãng Nipro (Nhật Bản) và 1 máy siêu lọc HDF online của Presinuss (của Đức), nhờ đó đáp ứng kịp thời cho bệnh nhân lọc máu.
Nhờ thay đổi cách phục vụ và được trang bị hơn 30 máy lọc máu của hãng Nipro (Nhật Bản) và máy siêu lọc HDF online của Presinuss (của Đức), Khoa Thận, Tiết niệu và Lọc máu - Bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh đáp ứng nhu cầu cho150 bệnh nhân lọc máu thường xuyên. Trong tất cả quy trình lọc máu tại Khoa Thận, Tiết niệu và Lọc máu được các y, bác sỹ thực hiện đúng quy định, quy trình. Vừa qua, Khoa mạnh dạn chuyển đổi từ việc sử dụng quả lọc Lowflux (hệ số siêu lọc thấp) sang quả lọc Highflux (hệ số siêu lọc cao). Thành công của việc chuyển đổi này, giải quyết được tình trạng rối loạn Photpho; Belta2 globulin; các chất gây chán ăn; giúp cải thiện đáng kể về chất lượng lọc máu; các biến chứng trong suy thận và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân suy thận mãn lọc máu chu kỳ.
Trong 7 tháng đầu năm 2017, khoa đã thực hiện hơn 13.000 ca lọc máu an toàn cho bệnh nhân./.
Trẻ không tiêm văcxin viêm gan B, lớn có nguy cơ bị xơ gan
http://ngaynay.vn/suc-khoe/tre-khong-tiem-vacxin-viem-gan-b-lon-co-nguy-co-bi-xo-gan-53974.html
Nếu không được tiêm văcxin, hơn 60.000 em bé sinh ra từ các bà mẹ bị viêm gan virus B sẽ bị viêm gan mãn tính. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, viêm gan virus là một trong những bệnh được mệnh danh kẻ giết người thầm lặng, gây ra cái chết của hàng triệu người trên thế giới. Tại Việt Nam, đây cũng là vấn đề y tế công cộng lớn. Ước tính nước ta có khoảng 8,7 triệu người bị viêm gan B và một triệu người bị viêm gan C, gấp gần 40 lần số người nhiễm HIV.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B dao động 6-20% tùy từng vùng, đặc biệt cao ở vùng sâu vùng xa khó khăn. Tương tự, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C dao động 0,4-4%; ở những nhóm nguy cơ cao như: nghiện chính ma túy, tình dục đồng giới có thể lên tới 60%. Vì thế, gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam rất lớn, hàng năm có hàng nghìn người tử vong do 2 bệnh này.
Trong khi đó, bệnh viêm gan virus B hoàn toàn có thể dự phòng được với hiệu quả cao bằng việc tiêm phòng văcxin. Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 1,6 triệu phụ nữ mang thai, 10% số này bị viêm gan B (có HBsAg dương tính). Các chuyên gia ước tính nếu không được tiêm chủng, hơn 60.000 trẻ chào đời sẽ bị bệnh viêm gan mãn tính - chiếm khoảng 38% số trẻ. Trong số này 25% sẽ có khả năng bị xơ gan, ung thư gan. Đây là con số rất đáng báo động.
Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp nhưng do bố mẹ lo ngại tai biến cho con nên tỷ lệ tiêm văcxin viêm gan B mũi sơ sinh không được như mong đợi. Vùng cao nhất chỉ đạt 65%, trung bình cả nước là 60% trong khi yêu cầu phải đạt 70%. Tỷ lệ rất lớn trẻ không được tiêm phòng trong vòng 24 giờ đầu, thứ trưởng Long cho biết.
Trong khi đó nếu được tiêm dự phòng trong vòng 24 giờ đầu thì 90% trẻ sinh ra sẽ không bị viêm gan virus B, nếu tiêm trong vòng 7 ngày hiệu quả này chỉ còn 50%.
Bên cạnh đó, 90% người mang virus viêm gan B không biết mình bị nhiễm, 80% không biết viêm gan C. Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh, bệnh viêm gan virus B hoàn toàn có thể phòng ngừa chủ động bằng văcxin và có thuốc điều trị làm chậm quá trình tiến triển đến xơ gan, giảm tỷ lệ mắc ung thư gan và cải thiện tỷ lệ sống sót lâu dài. Trong khi đó, viêm gan C dù chưa có văcxin dự phòng nhưng việc điều trị đã có những tiến bộ vượt bậc, trên 90% người mắc viêm gan virus C được điều trị khỏi trong vòng 3-6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận với các thuốc mới này vẫn còn khó khăn đối với rất nhiều người bệnh mắc viêm gan C do chi phí điều trị cao.
Nhân ngày Viêm Gan thế giới, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân Việt Nam hãy bảo vệ mình và gia đình khỏi căn bệnh viêm gan virus, đảm bảo thế hệ con cháu không bị viêm gan B bằng việc đưa trẻ đi tiêm phòng viêm gan B đầy đủ, đúng lịch. Bên cạnh đó, cần chủ động xét nghiệm kiểm tra viêm gan virus để được điều trị sớm. Các thầy thuốc bảo đảm người bệnh được cung cấp dịch vụ an toàn; tránh lây nhiễm trong quá trình khám chữa bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo "Loại trừ viêm gan: hãy phòng lây nhiễm; xét nghiệm; tiêm an toàn và hãy điều trị".
Con vắt dài 10cm núp trong khí quản nữ bệnh nhân
http://cand.com.vn/y-te/Gap-con-vat-dai-10cm-trong-khi-quan-mot-nu-benh-nhan-451765/
Một con vắt nằm trong khí quản bệnh nhân đã được các bác sĩ Khoa Nội Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định gắp ra trong chiều 30-7. Bệnh nhân là Đinh Thị A Lơi (58 tuổi) trú ở một làng đồng bào dân tộc Bana thuộc địa phận huyện Kông Chro (Gia Lai) nhập viện lúc 12h50’ cùng ngày với các triệu chứng đau rát ở cổ họng, khó thở. Do nghi ngờ dị vật vướng ở đường tiêu hóa hoặc hô hấp, nên các bác sĩ chỉ định chẩn đoán hình ảnh bằng phương pháp nội soi. Qua đó phát hiện một con vắt có chiều dài 10cm nằm ở dây thanh âm khí quản. Theo người thân bệnh nhân nhận định, rất có thể con vắt chui vào khí quản bà Đinh Thị A Lơi khi người phụ nữ này uống nước suối, vốn là một tập quán sinh hoạt còn tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều buôn làng. Trưởng khoa Nội Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định – bác sĩ Võ Thành Nam Bình, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định bình thường sau khi gắp con vắt ra khỏi khí quản và được xuất viện trong buổi chiều 30-7.
Bé 1 tuổi tử vong vì bị tiêu chảy nhưng dùng thực phẩm chức năng thay oresol
Tại Bệnh viện Bạch Mai vừa có một trường hợp bệnh nhi tử vong hết sức thương tâm. Nguyên nhân là do trẻ bị mất nước nặng sau quá trình tiêu chảy mà không được bù nước đúng cách.
Bệnh nhi mới hơn 1 tuổi bị tiêu chảy mãi không khỏi nên gia đình đã đưa đến khám tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, trẻ được bác sĩ kê thuốc, yêu cầu uống dung dịch oresol để bù điện giải và cho về nhà. Tuy nhiên chỉ sau đó 1 ngày, em bé lại phải nhập viện do bị mất nước nặng tới mức ảnh hưởng đến não.
Theo lời gia đình, vì bệnh nhi không chịu uống oresol nên bố mẹ đã cho cháu bé sử dụng một loại thực phẩm chức năng có thể thay thế oresol do người khác giới thiệu. Theo lời người giới thiệu, loại thực phẩm chức năng này chỉ cần dùng 2 ống, mỗi ống chứa 10ml là đủ dùng trong ngày. Vì vậy, gia đình đã cho em bé uống thực phẩm chức năng này và yên tâm rằng con mình đã được bù nước đầy đủ, không cần oresol nữa. Chẳng ngờ sau đó tình hình của bé có diễn biến nặng, lúc đưa vào viện lần 2 đã quá muộn, các bác sĩ dù đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không thể cứu được bệnh nhi.
Trao đổi với Đời Sống Plus, BS Lê Thị Lan Anh - khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, dung dịch oresol quả thật rất khó uống đối với nhiều trẻ, tuy nhiên trong trường hợp bị mất nước do tiêu chảy thì uống oresol là điều bắt buộc để bù nước. Mỗi gói oresol đều cần được pha với liều lượng nước chính xác ghi trên nhãn, bổ sung từ từ cho bệnh nhân bị mất nước để đảm bảo không bị mất nước nặng. Ở các bệnh viện, bệnh nhi điều trị nội trú cũng được dùng oresol, không có bất cứ dung dịch thực phẩm chức năng nào thay thế được. Thường trẻ sẽ không hợp tác uống oresol ngay, nhưng người chăm sóc cần dỗ dành, cho trẻ uống từng chút một. Trường hợp một số trẻ nhất quyết bất hợp tác, gia đình nên đưa trẻ quay lại viện để bác sĩ có hướng xử lý.
Cảnh báo nguy hiểm cho trẻ từ những hóa chất độc hại trong nhà
http://vietq.vn/canh-bao-nguy-hiem-cho-tre-tu-nhung-hoa-chat-doc-hai-trong-nha-d125913.html
Những hóa chất độc hại như dầu hỏa được tích trữ trong nhà không đúng cách là nguyên nhân dẫn đến những tác hại nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Mặc dù trong nhà có trẻ nhỏ, nhưng nhiều cha mẹ rất chủ quan khi tích trữ không đúng cách những hóa chất độc hại như xăng, dầu hỏa, cồn, thuốc diệt côn trùng... trong nhà.
Mới đây, vụ việc bé Nguyễn B. N. (16 tháng tuổi, trú tại Thạch Thất, Hà Nội) phải vào viện cấp cứu vì uống nhầm dầu hoả, là hồi chuông cảnh báo tới các bậc cha mẹ cần cẩn trọng hơn.
Người nhà bé N. cho biết, do không để ý nên bé đã vô tình uống nhầm chai dầu hỏa đang được mở nắp để trong nhà. Sau khi uống xong cháu ho sặc sụa, khó thở, tím tái nên được gia đình đưa vào bệnh viện Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng khó thở, tím tái và suy hô hấp. Qua thăm khám, chụp X-Quang, xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi nặng do uống phải dầu hỏa. Trẻ phải thở ôxy, uống kháng sinh, chống viêm. Liên quan đến vụ việc, trao đổi trên tờ Infonet, bác sỹ Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có khá nhiều trường hợp trẻ uống nhầm dầu hỏa và phải vào khoa cấp cứu.
Ngoài dầu hỏa thì xăng, cồn và các chất tẩy rửa… cũng là hóa chất gia dụng khiến trẻ hay vô tình uống nhầm. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc cha mẹ bất cẩn đựng những hóa chất này trong chai lọ dễ nhầm với nước uống.
Xăng dầu thuộc nhóm hóa chất bay hơi, có đặc tính sức căng bề mặt thấp nên dễ lan rộng kích thích niêm mạc gây các triệu chứng ho sặc sụa, nôn, ngạt thở ngay khi uống vào. Độ nhớt thấp và độ bay hơi cao cho nên dễ dàng hít vào phổi, nhanh chóng đến tận các phế quản nhỏ và phế nang gây viêm phổi.
Hơn 50% bệnh nhân chết vì đái tháo đường trước tuổi 60
Đái tháo đường diễn tiến âm thầm được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” khiến cho đa số bệnh nhân gặp biến chứng, tử vong sớm. Sự nguy hiểm của bệnh dù đã được cảnh báo nhưng cộng đồng vẫn chưa quan tâm đúng mức. Số liệu nghiên cứu của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) được công bố tại chương trình đào tạo quốc tế về đái tháo đường (ngày 28/7 tại TPHCM) chỉ ra: “Tại Việt Nam có hơn 52% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán và có đến 52,7% bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam chết vì bệnh này trước năm 60 tuổi”.
Theo GS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam: Đái tháo đường là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu do khiếm khuyết tiết insuline, khiếm khuyết hoạt động insuline, hoặc cả hai. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.
Ngoài nguyên nhân do di truyền thì lối sống thiếu khoa học, ít vận động, ăn uống giàu năng lượng dẫn tới thừa cân béo phì, người thường xuyên căng thẳng... là nhóm dễ mắc bệnh. Mặc dù các nguyên nhân cũng như mức độ nguy hiểm của căn bệnh này đã được cảnh báo, tuy nhiên cộng đồng còn thơ ơ trong việc phòng và điều trị.
Để chủ động phòng bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra, GS Hồng Quang khuyến cáo cộng đồng, ngoài chế độ ăn uống khoa học, tăng cường vận động, hạn chế sử dụng các chất kích thích, người dân nên chủ động tầm soát bệnh bằng các xét nghiệm mỡ máu, kiểm tra huyết áp, xét nghiệm đường máu, lipid máu... để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị sớm nếu không may mắc bệnh.
Hai bệnh nhân vụ cháy xưởng bánh kẹo bỏng sâu đang điều trị tích cực
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết 2 nạn nhân vụ cháy xưởng bánh kẹo ở Hoài Đức đều 16 tuổi, được chuyển đến Viện Bỏng quốc gia trong tình trạng bỏng sâu.
Trong báo cáo nhanh về cứu nạn vụ bỏng, bà Hà cho biết khi nhận được thông tin Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Được sinh năm 1992 sản xuất Socola tại thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội xảy ra hỏa hoạn cháy xưởng sản xuất, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo yêu cầu các đơn vị triển khai công tác đáp ứng y tế.
Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng tiếp nhận 03 nạn nhân cấp cứu gồm: Kiều Công Chúc, 15 tuổi tử vong ngoại viện (bỏng 90%). Bệnh nhân Nguyễn Văn Tiến Anh, 16 tuổi được chẩn đoán: Bỏng độ II, III 60%. Nạn nhân được cấp cứu và sau đó được chuyển Viện Bỏng Quốc Gia điều trị tiếp. Nạn nhân Nguyễn Duy Tiến, 16 tuổi được chẩn đoán: Bỏng độ II, III 40%. Nạn nhân được cấp cứu và sau đó được chuyển Viện Bỏng Quốc Gia điều trị tiếp.
7 thi thể nạn nhân chưa xác định được danh tính đều được vận chuyển đến nhà tang lễ Cầu Giấy và đã bàn giao cơ quan Công an để làm các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
Bệnh nhân bỏng 40% chưa phải vào thở máy, vẫn đang nói chuyện được.
Sau những ngày mưa, cần đề phòng rắn độc cắn
http://cand.com.vn/y-te/Sau-nhung-ngay-mua-vao-mua-ngo-doc-do-ran-can-451755/
Không chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai, năm trước, mỗi tháng Bệnh viện Chợ Rẫy có gần 90 trường hợp bị rắn cắn nhập viện và cả năm, Bệnh viện đã phải điều trị tới 800 người bị rắn cắn. Ngày 28-7, ông N.Đ.C. (62 tuổi, ở Bình Phước) vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng suy hô hấp do bị rắn cạp nia cắn. Cùng thời điểm này, bệnh nhân N.V.B. (45 tuổi, ở Đắk Lắk) cũng vào đây cấp cứu trong tình trạng khó thở, không cử động được, sau khi dẫm phải một con rắn và bị cắn vào chân. Còn ở Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, sau những ngày mưa nhiều như hiện nay, cũng liên tiếp phải đón nhận các bệnh nhân bị rắn cắn vào điều trị.
Theo BS. Đàm Chính (Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai), từ đầu mùa hè năm nay, ngày nào Trung tâm cũng phải tiếp nhận người bị rắn độc cắn vào nhập viện. Thời điểm hiện nay sau những ngày mưa nhiều cũng đang là điều kiện thuận lợi để rắn độc hoạt động, do đó nhiều nên người dân dễ bị rắn cắn. Không chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai, năm trước, mỗi tháng Bệnh viện Chợ Rẫy có gần 90 trường hợp bị rắn cắn nhập viện và cả năm, Bệnh viện đã phải điều trị tới 800 người bị rắn cắn. Các trường hợp bị rắn cắn xảy ra khi người bệnh đi lao động, đi du lịch, thậm chí, nhiều người chuyên nghề bắt rắn cũng bị rắn độc cắn. Hầu hết là nạn nhân của các loài rắn lục, rắn hổ mang, rắn cạp nia...cắn.
Theo các bác sĩ, vào dịp hè, các điểm du lịch trên núi, đảo, những nơi rừng rú, nhiều cây cối thường được mọi người yêu thích tìm đến khám phá lại cũng là nơi có nhiều rắn lục mà mọi người không biết nên chủ quan, dễ bị chúng cắn khi vô tình dẫm phải, hoặc xuất hiện đúng nơi chúng nằm.
Việc chữa trị rắn độc cắn rất tốn kém khi phải sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn. Những người bị nặng còn phải cắt cụt chi hoặc hoặc cắt bỏ gân, cơ, chi phí rất lớn. Thế nhưng, điều đáng nói là nhiều người bệnh thường đến bệnh viện muộn do còn mải chữa theo kinh nghiệm dân gian, hoặc thuốc nam, chỉ đến khi bị ngộ độc quá nặng mới chịu đến bệnh viện. Lúc đó, tổ chức gân cơ đã bị hoại tử và trở nên vô phương cứu chữa, khiến nhiều người tử vong. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo ngay khi phát hiện bị rắn cắn, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
PGS.TS. Phạm Duệ -nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc –Bệnh viện Bạch Mai lưu ý: Khi bị rắn cắn, không nên đi tìm thầy lang, hay chữa bằng các bài thuốc lá vì sẽ làm lãng phí “thời gian vàng”. Thay vào đó phải khẩn trương đi đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời. Nếu là rắn độc cắn, bệnh nhân được sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu càng sớm càng tốt. Ngược lại, để chậm trễ dễ dẫn đến tử vong hoặc biến chứng nặng, điều trị lâu dài, vừa tốn kém lại vừa để lại di chứng như phải tháo khớp nơi bị rắn cắn. Người nhà bệnh nhân khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện, nếu có thể, nên mang theo con rắn đã cắn, giúp bác sĩ sớm xác định loại độc nào để điều trị phù hợp; hoặc ít nhất cũng cung cấp thông tin về nơi bị rắn cắn, đặc điểm của rắn và các biện pháp sơ cứu đã áp dụng để các bác sĩ biết, sẽ giúp việc cấp cứu nhanh chóng và hiệu quả.
Khi sơ cứu người bị rắn cắn thì không để bệnh nhân tự đi lại, vì việc vận động nhiều sẽ làm nọc độc càng di chuyển vào cơ thể. Có thể bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp. Vì rắn hổ mang cắn có thể gây liệt cho nên cần dùng kỹ thuật băng ép bất động và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa điều trị. Trong khi vận chuyển nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân. Đặc biệt, các bác sĩ lưu ý người bệnh không nên tự đi thẳng lên các bệnh viện tuyến trên, vì đường xa và bệnh nhân có thể bị nguy hiểm trên đường đi mà không được nhân viên y tế hỗ trợ. Từ kinh nghiệm của các bệnh nhân bị rắn cắn, các bác sĩ khuyến cáo cách phòng tránh bị rắn cắn: cần cảnh giác đặc biệt với các loài rắn sau mưa, trong mùa lũ lụt, mùa gặt hái và ban đêm. Không nên ngồi cạnh gốc cây, gò đống, bờ ruộng có nhiều hang chuột, hang mối. Không dùng tay bẻ cành cây, lấy củi trong đêm, cũng không đi chân không vào rừng, nương, rẫy, nhất vào ban đêm.
Thu hồi giấy phép hoạt động của Phòng khám đa khoa Á Châu
Sau khi phát hiện Phòng khám đa khoa Á Châu vi phạm hàng loạt quy định khám chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định thu hồi giấy phép hoạt động. Được biết Phòng khám đa khoa Á Châu thuộc Công ty cổ phần công nghệ y dược Đức An, có địa chỉ tại 987 đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của phòng khám là bác sĩ Cao Thị Mai Anh. Bác sĩ này đã có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh số 580/BYT-CCHN.
Thời gian gần đây, Phòng khám Á Châu liên tục nhận những phản ánh tiêu cực từ phía người bệnh. Cụ thể, nhiều người đã phản ánh rằng phòng khám này bán thuốc đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng chú ý hơn là mặc dù cơ sở khám có tên là Á Châu nhưng hóa đơn xuất cho bệnh nhân lại là của phòng khám Việt Tâm – cũng chính là phòng khám đóng trụ sở tại số 987 Giải Phóng nhưng vừa bị buộc đóng cửa cách đây chưa lâu vì vi phạm. Nhận thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro với người bệnh bởi trong trường hợp xảy ra biến chứng, họ sẽ không có căn cứ nào buộc cơ sở khám chữa bệnh phải bồi thường nên Sở Y tế Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra.
Qua kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội nhận thấy Phòng khám Á Châu vi phạm quy định khám chữa bệnh như không đảm bảo điều kiện nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế theo quy định để thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy Sở Y tế yêu cầu phòng khám này phải nhanh chóng nộp trả bản gốc giấy phép hoạt động về Sở. Theo đó, từ ngày 28/7, cơ sở này chính thức không được thực hiện hoạt động khám chữa bệnh nữa.
Có thể thấy, tình trạng vi phạm các điều kiện khám chữa bệnh đang diễn ra khá phức tạp tại đa số các phòng khám tư nhân hiện nay. Từ đầu năm, Sở Y tế Hà Nội đã tước và thu hồi giấy phép của 16 phòng khám trên địa bàn.
Trước đó, Phòng khám Chuyên khoa (PKCK) Phẫu thuật thẩm mỹ Pamas (số 37, phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã bị Sở Y tế thu hồi giấy phép hoạt động. Tuy nhiên phòng khám này vẫn đang hoạt động rầm rộ.
Sở Y tế Hà Nội "bó tay" với phòng khám bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Theo ghi nhận thì cơ sở này đang phớt lờ quyết định của Sở Y tế, ngang nhiên hoạt động, khách hàng vẫn ra vào tấp nập và các nhân viên ở đây vẫn tư vấn bình thường mặc dù GPHĐ của phòng khám này đã bị thu hồi trước đó. Ở ngoài phòng khám vẫn đặt biển hiệu quảng cáo, chuyên gia sắc đẹp Pamas với các dịnh vụ: “Siêu trẻ hóa da, thay đổi tông da và tạo hình thẩm mỹ”.
Mắc bệnh lạ, nhảy múa suốt ngày chưa rõ nguyên do từ đâu
http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/mac-benh-la-nhay-mua-suot-ngay-chua-ro-nguyen-do-tu-dau-909710.html
Chuyện 13 người mắc bệnh lạ ở bản Ỏ, xã Chiềng Ngần (TP Sơn La, tỉnh Sơn La) đang khiến nhiều người dân hoang mang…Cách TP Sơn La 12 km, bản Ỏ vốn bình yên như bao vùng quê khác, 118 hộ dân quanh năm gắn bó với ruộng lúa, nương ngô bỗng nhiên xáo trộn vì căn bệnh lạ. Cảnh bình yên bỗng chốc chở thành nỗi lo sợ, khi nhiều người dân trong bản đột nhiên nói năng lảm nhảm, không ăn mà chỉ uống nước thay cơm.
Căn bệnh lạ lây truyền từ người này sang người khác. Điều lạ là những người bị sau đều từng có thời gian tiếp xúc người bị trước. Dù gia đình người bệnh đã chạy chữa nhưng bệnh không giảm. Trưởng Trạm y tế xã Chiềng Ngần Tòng Thị Thong thông tin: Ngay khi sự việc xảy ra Trạm y tế xã đã xuống tận nơi kiểm tra nắm bắt tình hình những trường hợp người bị mắc bệnh, theo nhận định ban đầu của chúng tôi những bệnh nhân này có dấu hiệu bị tâm thần phân ly.
"Chúng tôi chưa xác định rõ được nguyên nhân gây nên chứng bệnh này là do đâu" - bà Thong nói.
Theo ông Đèo Văn Nghĩa, Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần cho biết: Ngay sau sự việc xảy ra các ban, ngành, đoàn thể cùng cán bộ y tế xã xuống nhà người bệnh xác minh thực tế. Đồng thời, vận động người nhà bệnh nhân đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám và chữa bệnh.
Đến nay đã vận động được 5 gia đình có người mắc bệnh đến BV Tâm thần tỉnh Sơn La chữa bệnh.
Ông Lò Minh San, Phó giám đốc BV cho biết: Ngày 27/7 BV đã tiếp nhận 5 bệnh nhân ở bản Ỏ (Chiềng Ngần), cả 5 bệnh nhân nhập viện đều có dấu hiệu của chứng bệnh giống nhau.
"Qua khám nghiệm chúng tôi xác định là do bị rối loạn lo âu não mạch (do bị ám ảnh nhiều quá nên bệnh nhân mới có những biểu hiện hành vi bất thường như vậy)" - lời ông San.
3 dấu hiệu dễ gặp ở bệnh nhân: Rối loạn hành vi tác phong, đi lại rất lộn xộn, không biết nghe theo người chỉ dẫn; Bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ (thầy thuốc hỏi một đằng thì nói một nẻo).
Cuối cùng là rối loạn về ảo thanh và ảo thị (người bệnh cảm giác thấy như có người âm ở xung quanh, còn ảo thị tức là bệnh nhân bị chỉ đạo bởi những tiếng nói phát ra ở trong đầu).
2 bệnh nhân đã chữa khỏ. "Chúng tôi khẳng định đây là do bị rối loạn thần kinh khẩn cấp và nhất thời, một loại bệnh chứ không phải do ma quỷ nhập" - ông San khẳng định.
Ông San khuyên: Ở đâu có người bệnh với những dấu hiệu biểu hiện như vậy thì nên vận động người dân đưa người bệnh đến các cơ sở y tế hoặc BV tâm thần Sơn La để khám và điều trị không nên tin vào cúng bái.
Trong số 5 bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại BV tâm thần tỉnh Sơn La, đến nay có 2 bệnh nhân được chữa khỏi đã ra viện còn 3 bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị.
Anh Lò Văn Tiên (chồng chị Cà Thị Hoán) cho hay: Sau khi đưa vợ tôi đến BV Tâm thần tỉnh Sơn La chữa bệnh, giờ sức khỏe của vợ tôi đã đỡ hơn nhiều, người cũng tỉnh táo hơn, không còn nói nhảm đi lại lung tung nữa.
Kỳ lạ: bị từ chối điều trị ung thư vì lý do không ngờ
http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/ky-la-bi-tu-choi-dieu-tri-ung-thu-vi-ly-do-khong-ngo-908351.html
Một bà mẹ 03 con người Anh mắc ung thư cổ tử cung đã bị từ chối chữa trị do Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) vì một lý do đầy bất ngờ. Mong muốn được có thêm thời gian ở bên cạnh các con, Lousie yêu cầu được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch tại Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Tuy nhiên, cô đã bị từ chối với lý do “không đủ ung thư để điều trị bằng phương pháp này” mặc dù tình trạng bệnh tình của cô cũng không còn đủ điều kiện để được hoá trị liệu.
Lousie Gleadell cùng gia đình đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư cổ tử cung quái ác. (Ảnh: Caters News Agency)
Lousie cho biết cô đã buộc phải chi £70,000 (tương đương gần 210 triệu VNĐ) cho mỗi 3 tuần tiền chi phí chữa trị ung thư tại Đức. Cô thậm chí còn phải cân nhắc đến việc bán nhà để có thể chi trả cho các chuyến bay sang nước ngoài trị bệnh.
“Lần đầu tới Đức, tôi đã phải ở lại đây một mình 08 ngày với chi phí £70,000. Lần thứ hai, sau đó 03 tuần, tôi đã tiêu tốn £66,000 (gần 200 triệu VNĐ) và bây giờ cứ sau mỗi khoảng thời gian ấy tôi sẽ phải chi trả £32,000 cho 02 ngày điều trị.” - cô nói thêm.
Nếu không tiếp tục quá trình điều trị này, các khối u sẽ phát triển và Lousie sẽ phải đối mặt với cái chết. Cô khao khát được dành thêm thời gian bên các con, dù có phải đánh đổi tất cả tài sản hiện có. Tuy vậy, những đứa trẻ vẫn còn nhỏ. Vì thế, việc bán đi ngôi nhà sẽ là một quyết định vô cùng khó khăn.
Vắc-xin cho tiểu đường tuýp 1 sẽ thử nghiệm trên người vào năm 2018
Sau 25 năm nghiên cứu chuyên sâu, một loại vắc-xin có tiềm năng phòng bệnh tiểu đường tuýp 1 đã được phát triển tại Phần Lan và dự kiến sẽ được thử nghiệm lâm sàng ở người vào năm 2018. Theo Futurism, vào năm 2050, theo dự kiến, chỉ riêng ở Mỹ sẽ có khoảng 5 triệu người sẽ bị chuẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 1. Căn bệnh tự miễn dịch này có ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn, và hiện tại chưa có khả năng phòng ngừa hay chữa khỏi hoàn toàn. Để kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 1, những người có tình trạng bệnh này phải thường xuyên kiểm tra mức đường glucose trong máu, và kiểm soát các mức này thông qua việc tiêm insulin, vận động và chế độ ăn kiêng hợp lí nhằm mục đích tránh các biến chứng phức tạp gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trong thời gian vừa qua, đã có một số gợi ý cho rằng bệnh tiểu đường tuýp 1 có khả năng liên quan đến vấn đề nhiễm virus, từ đó người ta đã đưa ra một số ý tưởng về khả năng tạo ra một loại vắc-xin cho căn bệnh này. Tại Phần Lan, các nhà nghiên cứu đã và đang khám phá mối liên hệ và loại vắc-xin tiềm năng này trong khoảng 25 năm. Sau một hành trình khoa học đầy nhọc nhằn, họ tin rằng họ đã tìm ra nhóm virus có khả năng gây nên căn bệnh tiểu đường tuýp 1. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà khoa học đã được đền đáp xứng đáng – vì nhóm nghiên cứu đã tạo ra được một mẫu vắc-xin và đang tiến tới thử nghiệm trên cơ thể người vào năm 2018. Mặc dù chưa chắc rằng loại vắc-xin này sẽ là loại thuốc chữa tức thì hoàn toàn bệnh tiểu đường tuýp 1, nhưng nếu các thử nghiệm thành công, nó sẽ là một bước ngoặt vô cùng lớn. Cho đến thời điểm hiện tại, những bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 đã được yêu cầu phải tự chăm sóc bản thân một cách thận trọng. Các biến chứng có thể xảy ra khi nó không được chuẩn đoán và kiểm soát một cách hiệu quả bao gồm từ trụy tim tới đột quỵ, tàn phế, suy thận và thậm chí cả mù lòa. Mối nguy hiểm của các biến chứng vẫn liên tục đe dọa mạng sống của những bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1. Không may rằng, như nhóm nghiên cứu đã lưu ý, là loại vắc-xin này không phải là phương thuốc chữa được bệnh tiểu đường tuýp 1, nhưng nếu thành công trong việc phòng ngừa căn bệnh này, nó có thể sẽ thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.
Đông Nam Á - điểm nóng của dịch sốt xuất huyết
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/874364/dong-nam-a---diem-nong-cua-dich-sot-xuat-huyet
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hạng sốt xuất huyết là một trong những loại bệnh do virus lây truyền qua muỗi gây ra có mức độ ảnh hưởng và tốc độ lây lan nhanh nhất thế giới, với sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh trên toàn cầu cao gấp 30 lần chỉ trong vòng 50 năm qua. Ước tính hơn 2,5 tỷ người (tương đương khoảng 30% dân số thế giới) có nguy cơ nhiễm bệnh. Mỗi năm, có khoảng 390 triệu người mắc bệnh, trong đó có 500.000 người mắc sốt xuất huyết Dengue - một dạng bệnh nghiêm trọng hơn - gây ra 25.000 ca tử vong hằng năm. Tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết cũng tăng đột biến trong những thập kỷ gần đây. Không chỉ gia tăng về số lượng ca bệnh, dịch bệnh còn mở rộng phạm vi về mặt địa lý. Trong khi chỉ có 9 nước phải đối mặt với những đợt dịch nghiêm trọng trước năm 1970, đến nay sốt xuất huyết đã xuất hiện tại hơn 100 quốc gia ở Châu Phi, Châu Mỹ, Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trong số đó, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong danh sách 30 nước và vùng lãnh thổ có số ca nhiễm sốt xuất huyết Dengue cao nhất thế giới, có tới 9 quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, lần lượt là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Lào, Singapore. Sốt xuất huyết Dengue cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em tại khu vực, cao hơn so với tỷ lệ tử vong do sốt rét. Tiến sĩ Mohammad Jamsheed, chuyên gia tư vấn của WHO về các bệnh nhiệt đới tại Đông Nam Á cho biết, 60% người mắc sốt xuất huyết Dengue mang mầm bệnh có nguy cơ lây lan nhưng không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Cũng theo WHO, nguyên nhân chính gây tử vong do sốt xuất huyết tại khu vực là do bệnh nhân nhập viện quá muộn, khi bệnh đã diễn biến xấu và thường bị nhầm lẫn với sốt thông thường. Tỷ lệ này càng tăng cao tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, khu vực không có sẵn các trang thiết bị hỗ trợ điều trị bệnh. Cái chết của nam diễn viên nổi tiếng Thái Lan Tridsadee Sahawong (37 tuổi) sau 2 tháng hôn mê vì sốt xuất huyết vào năm 2016 là hồi chuông cảnh tỉnh đối với cộng đồng khi bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh. Tại Lào, số ca nhiễm sốt xuất huyết Dengue đã đạt tới mức kỷ lục trong năm nay, đặc biệt là ở thủ đô Viêng Chăn. Trong khi đó, tại Việt Nam, gần 50.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue đã được phát hiện kể từ đầu năm 2017, trong đó TP Hồ Chí Minh được coi là điểm nóng. Bên cạnh những tác động về sức khỏe, tốn kém chi phí điều trị, sốt xuất huyết còn ảnh hưởng tới sự phát triển chung của khu vực, trong đó ngành Du lịch Đông Nam Á đang đứng trước thách thức không nhỏ. Các du khách tỏ ra lo ngại trước nhiều điểm du lịch nổi tiếng nằm tại các vùng rừng núi, ẩm thấp, hay không có các biện pháp phòng chống muỗi hiệu quả. Đại học Y tế Công cộng Pittsburgh (Mỹ) cho biết, độ ẩm và nhiệt độ cao, điều kiện sống còn nhiều hạn chế và nhận thức chưa đúng về mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết đã tạo điều kiện cho dịch bệnh lan rộng và khó kiểm soát tại Đông Nam Á, nhất là trong chu kỳ El Nino được dự báo bắt đầu vào tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay và kéo dài đến hết năm. Nếu các mô hình dự báo cho thấy bệnh có nguy cơ bùng phát, các chính phủ cần sớm bắt đầu chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân, vệ sinh môi trường sống, khoanh vùng và dập dịch để ngăn ngừa virus lây lan.
Một lần xét nghiệm máu phát hiện 13 loại ung thư
Giới chuyên gia y học Nhật Bản đã phát triển thành công một xét nghiệm máu mới có thể chẩn đoán được 13 loại ung thư.
Cô gái trẻ khỏi ung thư ruột dù bác sĩ tuyên bố vô phương cứu chữa / Khối u ở thận được cắt bỏ như thế nào
Theo Foxweekly, các chuyên gia người Nhật Bản vừa làm nên một bước đột phá trong điều trị ung thư. Cụ thể, các chuyên gia từ Trung tâm Ung thư quốc gia tại Tokyo đã phát triển thành công một phương pháp thử máu, cho phép phát hiện được đến 13 loại ung thư khác nhau.
13 loại ung thư bao gồm: Ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản, ung thư tuyến tụy, ung thư gan, ung thư tuyến mật, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang, u xương và mô mềm, u não thế glioma. Các chuyên gia cho biết, phương pháp có thể dự đoán chính xác khi thử nghiệm trên 40.000 mẫu máu đông lạnh của các bệnh nhân ung thư. Họ cũng có thể chẩn đoán ung thư giai đoạn đầu, với độ chính xác 96%. Ung thư vú được chẩn đoán thành công với độ chính xác 97%.
Phương pháp này sử dụng microRNA (miRNA), là một chất được bài tiết từ tế bào vào máu và kiểm soát các chuyển động của gen. Các phân tử vi ARN không mã hóa, còn gọi là miARN để tìm kiếm tế bào ung thư trong mạch máu. Các loại miRNA sẽ phân biệt giữa tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, chúng không phân hủy trong một khoảng thời gian nhất định. Người đứng đầu nghiên cứu, ông Takahiro Ochiya cho biết: "Bệnh nhân sẽ không cần phải làm nhiều xét nghiệm mà vẫn có thể xác định các giai đoạn và đặc điểm ung thư".
Hiện tại, chưa có bất kỳ phương pháp xét nghiệm nào có thể xác định được nhiều loại ung thư một lúc. Vậy nên, có thể nói phương pháp thử máu này sẽ trở thành một bước đột phá trong ngành y học. Phương pháp này chưa được xét nghiệm lâm sàng chi tiết. Các chuyên gia đang xin cấp phép từ chính phủ để tiếp tục thực hiện lâm sàng. Nếu chính quyền trung ương cho phép, nó sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư và hỗ trợ điều trị y tế toàn diện.
Khổ sở với căn bệnh tay, chân mọc tua tủa như rễ cây
http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/kho-so-voi-can-benh-tay-chan-moc-tua-tua-nhu-re-cay-909832.html
Bệnh "người cây" khiến cho người mắc bệnh xuất hiện ở bàn tay, chân, mặt mũi những nốt thừa rất đáng sợ. Abul Bazadar (25 tuổi) đến từ Bangladesh luôn ngại gặp mọi người do cả tay và chân đóng vảy, mọc thành nhiều nhánh không khác gì rễ cây. Anh mắc phải bệnh hiếm gặp Epidermodysplasia Verruciformis. Chính virus HPV là nguyên nhân gây nên tình trạng trên.
Mặc dù căn bệnh không lây nhưng nó khiến anh Abul không thể làm được việc gì. Cuộc sống của anh gần như đảo lộn và không ai muốn thuê anh. Các bác sĩ cho biết, căn bệnh được gọi là hiện tượng người cây, trên thế giới có rất ít người bị mắc căn bệnh này.
Mặc dù đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Dhaka chữa trị. Nhưng không có tín hiệu khả quan hơn và anh vẫn phải sống chung những vảy tủa ra từ tay chân trong nhiều năm qua.
Theo tiến sĩ Samanta Lal Sen, Giám đốc Viện Bỏng và Phẫu thuật thuộc Bệnh viện Đại học Y Dhaka, bệnh viện đã lập hẳn một ủy ban y tế chuyên trách bao gồm nhiều chuyên gia uy tín để chẩn đoán và tìm cách chữa bệnh cho Bazadar.
Mặt, cằm, mũi mọc mô như rễ cây
Cô bé Shahana ở Bangladesh cũng mắc phải bệnh người cây. Bé gái này có dấu hiệu về bệnh khi mới 6 tuổi nhưng gia đình không hề biết. Khắp mặt, má, cằm, mũi của bé xuất hiện những mô thừa. Các mô thừa mọc rễ lổn nhổn trên da trông rất đáng sợ.
Nhiều người xung quanh tỏ ra sợ hãi và không chơi cùng bé. Nhờ Bệnh viện Y Dahaka, bé đã được đưa về thủ đô Dhaka điều trị.
Hiện nay, bé vẫn đang được điều trị nhưng chưa có nhiều kết quả tốt. Căn bệnh này là hội chứng tổn thương trên da và có tính di truyền. Cho đến nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra phác đồ để điều trị hiệu quả nhất.
Bị mọi người xa lánh vì bệnh "người cây"
Cũng tại Bangladesh, cậu bé Ripon - 7 tuổi mắc phải hội chứng người cây. Khắp cơ thể cậu bé mọc thêm nhiều nốt cứng như vảy. Rối loạn này khiến cho da của bé nổi sần, cứng, chai sần rất đáng sợ.
Sau nhiều năm sống trong cảnh bị chế giễu cậu bé được đưa đến bệnh viện đi khám. "Các bác sĩ vẫn chưa xét nghiệm cho thằng bé. Họ nói rằng sẽ phải nghiên cứu kỹ hơn về căn bệnh của nó trước khi tiến hành điều trị", anh Mahendra Das, bố của Ripon nói. Vì chứng bệnh lạ, cậu bé Ripon đáng thương không thể đi lại hay tự ăn uống. Tuy nhiên, các bác sĩ hy vọng có thể phẫu thuật cứu bàn tay, bàn chân em do chúng vẫn chưa bị dính vào nhau hay bị những mảng cứng che mất.
Người đàn ông qua đời vì bệnh "người cây"
ở Indonesia cũng từng có bệnh nhân bị mắc chứng người cây. Người đàn ông này là Dede Koswara sinh ra ở ngôi làng cách Jakarta 150km về phía Nam. Trước đây anh cũng bình thường nhưng rồi trên cơ thể xuất hiện những nốt sần sùi, bàn tay và chân xuất hiện những vảy như rễ cây.
Nhiều người xa lánh anh, vợ cũng bỏ đi. Sau 20 năm sống chung với bệnh anh qua đời do sức khỏe suy kiệt. Dù trước đó anh mong sống được đến khi tìm ra cách chữa căn bệnh đáng sợ này. Tuy nhiên mơ ước của anh Dede không thành hiện thực.