Vụ VN Pharma: Thuốc giả 'qua mặt' Cục quản lý Dược thế nào?
Phiên tòa xét xử các cựu lãnh đạo Pharma đã kết thúc, nhưng lật lại hồ sơ vụ án có thể thấy VN Pharma có thể “qua mặt” Cục quản lý Dược (Cục QLD) bằng một loạt giấy tờ hết sức giản đơn. Ngoài những cán bộ của Cục QLD thoát án, vì sao một loạt nhân viên, dược sỹ đắc lực trong vụ án này cũng “may mắn” thoát khỏi truy tố?
“Lôm côm” từ tờ hướng dẫn tới mã số mã vạch
Sau khi trúng thầu bán thuốc H-Capita 500mg tại một số Bệnh viện ở TP.HCM, Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma) đã liên lạc với Võ Mạnh Cường để thống nhất giá cả.
Thỏa thuận xong, Cường liên lạc với Raymundo (hiện chưa rõ nhân thân lai lịch) để đặt mua số thuốc mà VN Pharma cần. Tiếp đó, Raymudo gửi các giấy chứng nhận từ Philippines về cho Cường để Cường cung cấp cho VN Pharma gồm: Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) tại Canada của thuốc H-Capita 500mg và Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix Canada, được đóng dấu hợp pháp hóa Lãnh sự quán của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada và được ký tên tham tán Nguyễn Văn Quyền.
Tuy nhiên, qua xác minh, Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao cho biết: Đại sứ quán Việt Nam tại Canada chỉ có Tham tán Nguyễn Văn Quyến, không có Tham tán Nguyễn Văn Quyền. Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận chữ ký và dấu tại các giấy tờ mà VN Pharma cung cấp đều là giả.
Được thuê viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg, dược sĩ Phạm Văn Thông dựa vào các thành phần, công thức trên FSC và tham khảo dược điển của Mỹ, hồ sơ kỹ thuật của các loại thuốc có hoạt chất tương tự đã sản xuất tại Việt Nam để viết: "Hồ sơ kỹ thuật, Hướng dẫn sử dụng và Tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm” rồi chuyển cho các cán bộ của VN Pharma hoàn tất việc xin cấp giấy phép nhập khẩu.
Trong hồ sơ nộp cho Cục QLD có một số nội dung không thống nhất như: thành phần tá dược, hạn dùng, nhiệt độ bảo quản, màu sắc tiêu chuẩn của lô thuốc...Tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc trên thực tế có nội dung không đúng với thiết kế trong hồ sơ xin nhập khẩu thuốc.
Nguyên nhân là do lúc đầu Bùi Ngọc Duy (nguyên trưởng phòng nghiên cứu và phát triển VN Pharma) cung cấp cho Thông FSC ghi sai tên hoạt chất chính, Thông đã viết hồ sơ theo FSC này, khi phát hiện ra lỗi sai, Thông yêu cầu cung cấp lại FSC khác. Chính vì vậy có tài liệu viết theo FSC mới, có tài liệu viết theo FSC cũ nên nội dung khác nhau.
Xác minh mã số, mã vạch in trên vỏ của 93.000 hộp thuốc H-Capita 500mg, Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Công thương xác định mã số mã vạch này không được đăng ký bởi quốc gia nào.
Vì sao một loạt đối tượng liên quan thoát án?
Liên quan tới sai phạm của Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và các phạm đồng còn có ông Phan Xuân Thiện (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) - người đã giới thiệu Dược sỹ Thông viết hồ sơ thuốc của Công ty Helix Canada cho VN Pharma. Tuy nhiên, đến tháng 2/2014 (trước khi lô thuốc H-Capita 500mg được nhập) ông Thiện đã nghỉ việc.
Tại CQĐT, ông Thiện khai không biết Bùi Ngọc Duy sử dụng con dấu mang tên Công ty Helix đóng trên hồ sơ thuốc để nộp cho Cục QLD nên chưa đủ căn cứ để xác định Thiện tham gia, chỉ đạo làm giả hồ sơ thuốc của Công ty Helix và đồng phạm với Nguyễn Minh Hùng.
Nguyễn Quang Huy (người được Nguyễn Anh Kiệt - nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn), chỉ đạo cung cấp Giấy phép hoạt động của Công ty Austin Hồng Kông đã hết hạn nộp cho cơ quan Hải Quan làm thủ tục nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg và các loại thuốc khác, nhưng Huy khai không được trao đổi, bàn bạc, không biết về việc nhập lậu thuốc của Hùng và đồng bọn, không hứa hẹn ăn chia lợi nhuận.
Hoàng Trúc Vy, Nguyễn Thị Chính hai nhân viên cốt cán của VN Pharma giúp sức đắc lực trong việc làm thủ tục, nhập khẩu, lưu hành thuốc H-Capita 500mg; Hai nhân viên Công ty H&C là Phạm Quỳnh Trang, Mai Nhật Thu (vợ Cường) được Cường chỉ đạo chỉnh sửa, nâng khống giá mua bán thuốc trên hóa đơn thương mại đóng dấu Công ty Helix, Công ty Health 2000 Canada trên hóa đơn, Packing list, COA...
Ngoài dược sỹ Thông, Hùng còn chỉ đạo cấp dưới thuê dược sỹ Tăng Thị Diệu Linh (Công tác tại Công ty CP dược phẩm Trung ương 1) và Đào Văn Đôn (giảng viên Học viện Quân Y) viết, chỉnh sửa nhiều bộ hồ sơ thuốc khác lấy tên Công ty Helix Canada để VN Pharma đứng tên đăng ký lưu hành thuốc và xin cấp giấy phép nhập khẩu tại Cục QLD, trong đó có 7 thuốc đã được Cục QLD cấp số đăng ký lưu hành, 3 thuốc được cấp giấy phép nhập khẩu.
CQĐT khẳng định, quá trình điều tra, những người có liên quan nói trên đã thành khẩn khai báo, hợp tác với CQĐT. Xét thấy hành vi sai phạm có mức độ, với vai trò là nhân viên, làm công ăn lương trong các công ty tư nhân, được thuê mướn và thực hiện theo chỉ đạo, vì vậy không cần thiết phải xử lý bằng hình sự.
Bộ Y tế khẳng định thuốc H-Capita của VN Pharma không phải là thuốc giả
Trong cuộc họp báo Chính phủ diễn ra vào chiều 30-8, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến đã trả lời báo chí chung quanh các câu hỏi về vấn đề, thuốc H-capita có phải là thuốc giả hay không? Trách nhiệm của các cán bộ có liên quan của Bộ Y tế và việc liệu có hay không bảy loại kháng sinh khác do VN Pharma nhập khẩu đã trúng thầu và sử dụng tại các bệnh viện trong nước?
Thuốc H-Capita không phải là thuốc giả
Trước câu hỏi, thuốc H-Capita là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, về góc độ chuyên ngành, Bộ Y tế khẳng định thuốc H-Capita không phải là thuốc giả. Căn cứ vào khoản 24, Điều 2, Luật Dược 2005 (vụ việc xảy ra vào năm 2014) thì "thuốc giả" là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau: thuốc không có dược chất; có được chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghệ của cơ sở sản xuất khác.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến cho biết, thuốc H-Capita là thuốc có dược chất Capecitabine. Hàm lượng dược chất theo kết quả giám định là 97,5%, trong khi tiêu chuẩn chất lượng cho phép không thấp hơn 93% và không lớn hơn 105%. Thuốc H-Capita có chứa dược chất Capecitabine như ghi trên nhãn, đúng dược chất ghi trên nhãn. Đồng thời, thuốc này không mạo tên hay kiểu dáng công nghiệp của thuốc nào đã đăng ký sở hữu công nghiệp của cơ sở khác.
Như vậy, căn cứ vào khoản 23, Điều 2 quy định “Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền”, Thứ trưởng cho biết, kết luận giám định thuốc H-Capita là thuốc kém chất lượng. Thuốc có kết quả kiểm nghiệm tạp không định danh lớn nhất là 0,17%, trong khi phải thấp hơn 0,1%. Màu sắc viên thuốc thực tế là màu hồng, không giống với màu viên trong tiêu chuẩn là màu đỏ, do đó, không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký.
“Căn cứ khoản 23, Điều 2, Luật Dược 2005, kết luận giám định lô thuốc là kém chất lượng là hoàn toàn phù hợp với quy định” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về câu hỏi, thuốc H-Capita có phải là thuốc giả hay không, Thứ trưởng Y tế cho biết, kết quả giám định thuốc H-Capita theo kết luận số 31/KL-BYT ngày 22-4-2015 về việc giám định lô thuốc có nhãn mác H-Capita 500mg caplet phục vụ công tác điều tra vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh tại Công ty CP VN Pharma thì định tính (nhằm xác định có dược chất capecitabin trong viên thuốc hay không); độ hòa tan của thuốc, định lượng (xác định làm lượng dược chất có trong viên thuốc); tạp A; tạp B; tạp C; tổng tạp không định danh và tổng tạp đạt yêu cầu chất lượng. Các chỉ tiêu như mô tả màu sắc viên và tạp chất liên quan không đạt yêu cầu.
Vì thế, Thứ trưởng khẳng định, thuốc H-Capita không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 24, Luật Dược 2005, do đó không phải là thuốc giả.
Bảy loại thuốc kháng sinh do VN Pharma nhập khẩu không được lưu hành tại Việt Nam
Vừa qua, báo chí cũng thông tin về việc bảy loại kháng sinh do VN Pharma nhập khẩu và do Helix Canada sản xuất trúng thầu lớn tại các bệnh viện tuyến Trung ương từ 20 đến 120 tỷ gây hoang mang dư luận.
Trước sự nghi ngại này, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, theo hồ sơ đăng ký thuốc của bảy sản phẩm thuốc kháng sinh do Nhà máy Helix Pharmaceuticals Inc., Canada và Công ty VN Pharma đứng tên đăng ký được Bộ Y tế cấp số đăng ký ngày 12-6-2014. Nhưng ngay sau khi có công văn số 2824/CV-LS-HPH ngày 17-9-2014 của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao thông báo nội dung hợp pháp hóa lãnh sự trên giấy tờ của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc., Canada là giả mạo. Ngày 19-9-2014, Bộ Y tế đã có Quyết định số 522/QĐ-QLD rút toàn bộ số đăng ký của bảy thuốc này.
Thứ trưởng khẳng định, qua kiểm tra dữ liệu của Hải quan, sau khi được cấp số đăng ký cho đến trước ngày bị rút số đăng ký, cả bảy thuốc này chưa nhập khẩu vào Việt Nam một viên nào. Vì vậy, không thể có thuốc vào được bệnh viện và đã có bệnh nhân sử dụng.
Cán bộ của Bộ Y tế sẽ bị xử lý như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, sự việc này được cán bộ của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phát hiện dấu hiệu nghi ngờ và tham mưu cho lãnh đạo để Bộ Y tế chủ động đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc. Sau đó, Bộ Y tế tiếp tục hợp tác với cơ quan công an trong quá trình trước và sau khi khởi tố, điều tra vụ án. Trong quá trình tiến hành điều tra, Bộ cũng tích cực phối hợp cung cấp tài liệu, ý kiến chuyên môn phục vụ điều tra.
Thứ trưởng nhấn mạnh “Những người có thiếu xót đều đã phải giải trình, báo cáo và Bộ đã có biện pháp xử lý phù hợp. Do vậy, khi xem xét vấn đề cần khách quan, công tâm. Điều quan trọng nhất là lô thuốc kém chất lượng đã được ngăn chặn kịp thời”.
Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền.
Cũng tại buổi trả lời báo chí, trước câu hỏi về việc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có phủ nhận việc người thân tham gia Công ty VN Pharma. Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty VN Pharma khẳng định em chồng của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế là Phó giám đốc phụ trách đầu tư của Công ty CP VN Pharma, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến trả lời:
"Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không nói, chứ không phải là nói không có. Theo quy định nêu rõ thì khi làm ở vị trí này (Bộ trưởng), chỉ có vợ, chồng, con, bố mẹ không được tham gia kinh doanh trong lĩnh vực phụ trách, chứ không quy định em.
Tôi chưa bao giờ hỏi Bộ trưởng về việc này. Bộ trưởng cũng không báo cáo gì trong Ban cán sự Đảng Bộ Y tế".
Bạc Liêu có tần suất khám, chữa bệnh BHYT cao nhất cả nước
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảy tháng qua, Bạc Liêu là tỉnh có tần suất khám, chữa bệnh cao nhất toàn quốc, tới 2,06 lần/thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), tại Đồng Nai là 1,57 lần/thẻ, trong khi tỷ lệ chung toàn quốc 1,14 lần/thẻ BHYT.
Trong cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí diễn ra vào chiều 29-8, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, trong giám sát đợt ba của Hệ thống thông tin giám định BHYT, 7 tháng/2017 có 1.580 bệnh nhân khám, chữa bệnh bình quân từ tám lần/tháng; có 732 bệnh nhân khám, chữa bệnh từ ba cơ sở y tế trở lên với 46.696 số lượt khám.
Dẫn chứng về con số này, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, Bạc Liêu là tỉnh có tần suất khám, chữa bệnh là 2,06 lần/thẻ, cao nhất toàn quốc. Trong đó, điển hình là bệnh nhân Tiền Văn B (mã thẻ BT2950100800533) đã khám, chữa bệnh 132 lượt tại bảy cơ sở y tế trong 8 tháng đầu năm, số tiền 30.367.033 đồng.
Tháng 1, bệnh nhân đi khám tám lần, trong đó ngày 3-1-2017 bệnh nhân khám tại ba cơ sở khám, chữa bệnh là Trạm y tế phường 3, Bệnh viện Quân dân y tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm y tế thành phố Bạc Liêu). Ngày 13-1-2017, 23-1-2017 bệnh nhân đi khám tại hai cơ sở là Bệnh viện quân dân y tỉnh Bạc Liêu và Trung tâm y tế thành phố Bạc Liêu. Tiếp theo đó, vào tháng 3, bệnh nhân đi khám 17 lần.
Từ đầu năm đến nay, bệnh nhân Đoàn Công T (mã thẻ GD4750103400040) đã khám, chữa bệnh 70 lần tại bảy cơ sở y tế khác nhau với số tiền 79.689.988 đồng. Trong đó có chín ngày bệnh nhân khám, chữa bệnh có chi phí tại hai cơ sở khác nhau; nhiều lần khám cấp thuốc nhóm thuốc tim mạch, mỡ máu, tiểu đường có giá trị cao, như: Nexium Mups, NovoMix, Crestor…
Ông Đàm Trung Hiếu - Phó giám đốc Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc của BHXH Việt Nam cho biết, những trường này hợp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu các tỉnh/thành phố thực hiện Giám định trực tiếp theo đúng quy trình giám định, thu hồi các khoản chi không đúng qui định và công khai trên trang thông tin điện tử của địa phương.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong sáu tháng đầu năm có 15 tỉnh tăng trên 20% số lượt khám chữa bệnh. Trong đó, Bình Phước tăng gần 40%, Khánh Hoà hơn 34%.... Có 31 tỉnh gia tăng chi phí khám chữa bệnh trên 40% so với cùng kỳ, đặc biệt có một số tỉnh gia tăng trên 70% như Kon Tum, Lạng Sơn, Khánh Hòa…
Cũng theo ông Hiếu, tính đến hết tháng 7, toàn quốc có 12.308 cơ sở khám chữa bệnh BHYT liên thông dữ liệu lên Hệ thống thông tin giám định BHYT (tỷ lệ bình quân đạt 98,8%). Đến nay, đã có 91,16 triệu hồ sơ được gửi đề nghị thanh toán BHYT với số tiền 46.686 tỷ đồng. Tháng 7, số hồ sơ gửi đúng ngày đã tăng, đạt tỷ lệ 43,72% (so với quý I là 25,54%, quý II/2017 là 32,39%). Tuy nhiên, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh vẫn chưa thực hiện tốt việc gửi dữ liệu hàng ngày, yêu cầu sửa, gửi lại dữ liệu nhiều lần.
Về giám định tự động, trong bảy tháng, Hệ thống đã từ chối thanh toán chi phí của hơn 15 triệu hồ sơ chiếm tỷ lệ 17.3% tổng số hồ sơ đề nghị, tỷ lệ hồ sơ bị từ chối tự động giảm dần giữa các quý. Ông Hiếu cho biết, nguyên nhân chủ yếu do cơ sở khám, chữa bệnh chưa thực hiện đúng việc chuẩn hóa thông tin danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật và vật tư y tế theo bộ mã dùng chung của Bộ Y tế. Một số tỉnh thực hiện chuẩn hóa danh mục chưa cao như Long An (17,25%), Gia Lai (11,54%), Lạng Sơn (10,7%), Lâm Đồng (9,32%), Đà Nẵng (8,8%).
BHXH các tỉnh/thành phố đã thực hiện giám định chủ động 7,6 triệu hồ sơ, chiếm tỷ lệ 8,39% số hồ sơ đề nghị. Trong đó, đã từ chối 89,9 tỷ đồng của 470.685 hồ sơ.
Cà Mau: nhiều bác sĩ được “thưởng nóng"
http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/33945202-ca-mau-nhieu-bac-si-duoc-%E2%80%9Cthuong-nong.html
Sáng 30-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh thưởng đột xuất cho tập thể và ba cá nhân là các bác sĩ tại Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức của Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.
Các cá nhân được tặng bằng khen đột xuất, gồm: ông Nguyễn Văn Hoài (Trưởng khoa), Huỳnh Minh Toán (Phó Trưởng khoa) và bác sĩ Lý Hoàng Trí, cùng thuộc Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức. Những thầy thuốc nêu trên được lãnh đạo tỉnh “thưởng nóng” vì có thành tích chữa lành bệnh cho sản phụ Nguyễn Thị Như (29 tuổi, ngụ ấp Nam Chánh, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) trong lúc tính mạng của sản phụ này như “nghìn cân treo sợi tóc”.
Trước đó, chiều 7-8, sau khi sinh bé (sinh mổ) tại Bệnh viện đa khoa khu vực Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi), sản phụ Như đột ngột lên cơn co giật, ngưng tim (năm lần), ngưng thở nên được y, bác sĩ ở Đầm Dơi mở khí quản, bóp bóng chuyển lên Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau cấp cứu. Ngay khi đến nơi, sản phụ Như được chuyển lên Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức trong tình trạng: Hôn mê nghĩ do thiếu oxy não sau ngưng tim, ngưng thở tuyến trước; suy đa cơ quan/hậu phẫu mổ lấy thai giờ thứ 24.
Nhận định đây là ca bệnh rất nặng và nguy cấp nên ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, Ban Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau chỉ đạo ê-kíp y, bác sĩ túc trực chăm sóc bệnh nhân, thực hiện hồi sức, cho thở máy và dùng thuốc vận mạch liều cao, đồng thời cử người lên Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ (TP Cần Thơ) lấy các chế phẩm máu (huyết thanh tươi kết tủa lạnh và tiểu cầu) về truyền cho sản phụ Như. Khoảng 24 giờ sau khi nhập viện, người nhà cảm thấy tình hình nguy kịch nên đã mời xe chuyên dụng 115 với đầy đủ trang thiết bị và ê-kíp bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy xuống tận nơi thăm khám và đề nghị chuyển viện. Tuy nhiên, sau khi thăm khám, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy từ chối yêu cầu chuyển viện vì sức khỏe bệnh nhân quá yếu, khả năng sẽ tử vong trên đường đi rất cao.
Không được chuyển viện lên tuyến trên, gia đình sản phụ thất vọng, ý định đưa sản phụ Như về quê nhưng sau khi được y, bác sĩ khuyên nhủ, động viên… người nhà đã chấp thuận cho sản phụ Như điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.
“Thời điểm đó, nếu rút máy, sản phụ Như sẽ tử vong tức khắc. Bởi vậy, Ban Giám đốc chỉ đạo ê-kíp trực bằng mọi giá phải khuyên nhủ, động viên gia đình để sản phụ Như ở lại. Với phương châm “không bao giờ bỏ bệnh” và bằng cái tâm của người “thầy thuốc”, bệnh viện sẽ cố gắng hết sức mình để cứu chữa dù hy vọng sống sót của người bệnh chỉ còn 1%”, bác sĩ Võ Thành Lợi, Phó Giám đốc điều hành, quản lí Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau chia sẻ.
Nhờ trang thiết bị hiện đại với đầy đủ thuốc men, sau bảy ngày can thiệp hồi sức tích cực, bệnh tình của sản phụ Như có dấu hiệu phục hồi. Đến ngày thứ 12, sản phụ Như được rút nội khí quản, ngưng thở máy trong sự vui mừng khôn xiết của đội ngũ y, bác sĩ và gia đình. Chia sẻ với chúng tôi trong ngày đưa người thân xuất viện (ngày 30-8), ông Lê Tuấn Hưng, cậu ruột sản phụ Như cho biết: “Vào tối hôm trước, bác sĩ thăm khám cho cháu tôi và nói rằng sức khỏe của cháu đã hoàn toàn bình phục, không để lại di chứng gì, gan và thận đã phục hồi tốt, ăn uống, đi lại bình thường. Hơn một tuần trước, gia đình đã tính đến tình huống xấu nhất, chuẩn bị sẵn hậu sự dưới quê nhưng không ngờ kỳ tích xuất hiện. Các bác sĩ đã mang lại sự sống cho cháu tôi, giúp nó “cải tử hoàn sinh”, quả là một phép màu và kỳ diệu”.
Cùng niềm vui như ông Hưng, sản phụ Như luôn miệng nói lời cảm ơn y, bác sĩ trước giờ xuất viện để đoàn tụ cùng gia đình và người thân. Như chia sẻ: “Không chỉ “sinh ra tôi lần thứ hai”, các bác sĩ ở đây còn đến thăm hỏi, tặng quà trước giờ tôi xuất viện. Sự ân cần, tận tâm, chu đáo đó tôi không bao giờ quên được”.
Phát biểu tại lễ “thưởng nóng”, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh: “Việc chữa lành ca khó như vừa qua không chỉ là niềm động viên tinh thần mà thêm một lần nữa, đội ngũ thầy thuốc Cà Mau nói chung, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau nói riêng có quyền tự tin hơn vào năng lực, tay nghề của mình để làm tốt hơn nữa trọng trách “từ mẫu” đối với nhân dân trong thời gian tới”.
Được biết, sản phụ Như là một trong nhiều ca bệnh nặng đã được đội ngũ “thầy thuốc” Bệnh viện Sản - Nhi cứu chữa thành công trong thời gian vừa qua. Là bệnh viện “vệ tinh” của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau được sự quan tâm sâu sát từ các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau. Góp phần giảm tải cho tuyến trên, cuối năm 2011, tỉnh Cà Mau quyết định đầu tư xây mới Bệnh viện Sản - Nhi với tổng kinh phí hơn 440 tỷ đồng.
Nhờ đầu tư đồng bộ nên mỗi năm, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tiếp nhận và điều trị cho hơn 150 nghìn lượt người bệnh, trong đó có hơn 30 nghìn lượt điều trị nội trú, công suất giường bệnh đạt hơn 95%. Vào lúc cao điểm, bệnh viện có thể tiếp nhận và điều trị nội trú cho khoảng 650 người. Nhờ sự tận tình, chu đáo và thực hiện tốt y đức, tác phong của người “Thầy thuốc nhân dân” nên Bệnh viện Sản-Nhi Cà Mau gặt hái được nhiều thành tích nổi trội trong khám và điều trị. Trong năm 2016, tập thể Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau được nhận Cờ thi đua và bằng khen từ Thủ tướng Chính phủ.
Nóng các vấn đề về Bảo hiểm Y tế, kiên quyết xử lý tình trạng trục lợi
Ngày 30-8, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, thời gian qua số lượt khám chữa bệnh tăng nhanh. Theo thống kê 8 tháng có 104 triệu lượt người đi khám chữa bệnh, nghĩa là chỉ trong vòng 1 tháng (từ tháng 7 đến tháng 8), cả nước đã tăng thêm 13 triệu lượt, tăng 14% cùng kỳ năm trước.
Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp giám định quyết liệt để kiểm soát chi phí nhưng nếu tiếp tục đà này, Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2017 sẽ bội chi trên 10.000 tỷ đồng. Tình trạng gian lận trục lợi bảo hiểm vẫn còn và tinh vi hơn.
Bảo hiểm y tế từ chối thanh toán chi phí của hơn 15 triệu hồ sơ
Trong Hội nghị thông tin định kỳ tháng 8 của BHXH Việt Nam, ông Phạm Lương Sơn khẳng định, BHXH Việt Nam giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT năm 2017 cho BHXH các tỉnh, thành phố không phải là để “siết chi” mà để sử dụng nguồn tiền hiệu quả nhất.
Ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cho biết, 7 tháng năm 2017, có trên 91 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó có 15 tỉnh tăng trên 20% số lượt khám chữa bệnh: Bình Phước 39,9%; Khánh Hòa 34,2%; Hậu Giang 33%. Có 31 tỉnh gia tăng chi phí khám chữa bệnh trên 40% so với cùng kỳ 2016, một số tỉnh gia tăng trên 70% như Kon Tum, Lạng Sơn, Khánh Hòa...
Cũng theo ông Trung, tính đến hết tháng 7-2017, toàn quốc có 12.308 cơ sở khám chữa bệnh BHYT liên thông dữ liệu lên Hệ thống thông tin giám định BHYT (đạt 98,8%), đã có 91,16 triệu hồ sơ được gửi đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế với số tiền 46.686 tỷ đồng.
Tháng 7-2017, số hồ sơ gửi đúng ngày đã tăng, đạt 43,72% (so với quý I/2017 là 25,54%, quí II/2017 là 32,39%). Tuy nhiên, nhiều cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa thực hiện tốt việc gửi dữ liệu hàng ngày, yêu cầu sửa, gửi lại dữ liệu nhiều lần. Điều đáng chú ý, thực hiện giám định tự động, trong 7 tháng, hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã từ chối thanh toán chi phí của hơn 15 triệu hồ sơ, chiếm 17,3% tổng số hồ sơ đề nghị.
Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện đúng việc chuẩn hóa thông tin danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật và vật tư y tế theo bộ mã dùng chung của Bộ Y tế. Một số tỉnh thực hiện chuẩn hóa danh mục chưa cao như Long An, Gia Lai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, BHXH các địa phương đã thực hiện giám định chủ động 7,6 triệu hồ sơ, chiếm 8,39% số hồ sơ đề nghị, trong đó, đã từ chối 89,9 tỷ đồng của 470.685 hồ sơ…
Phát hiện nhiều bệnh nhân trục lợi bảo hiểm
Theo BHXH Việt Nam, qua giám sát trên hệ thống chi phí khám chữa bệnh cho thấy 7 tháng năm 2017 có 1.580 bệnh nhân khám chữa bệnh bình quân từ 8 lần/tháng với 100.855 lượt và số chi phí là 21 tỷ đồng. 732 bệnh nhân khám chữa bệnh từ 3 cơ sở y tế trở lên với 46.696 lượt khám và số tiền là 10,8 tỷ đồng. Tần suất khám, chữa bệnh tại Bạc Liêu là 2,06 lần/thẻ, cao nhất toàn quốc; tại Đồng Nai là 1,57 lần/thẻ (trung bình toàn quốc là 1,14 lần/thẻ).
Điển hình như bệnh nhân Tiền Văn B, mã thẻ BT2950100800533 khám, chữa bệnh 132 lượt tại 7 cơ sở y tế trong 8 tháng đầu năm, số tiền hơn 30 triệu đồng. Trong tháng 1-2017, bệnh nhân đi khám 8 lần, riêng ngày 3-1-2017, bệnh nhân khám tại 3 cơ sở gồm Trạm y tế phường 3, Bệnh viện quân dân y tỉnh Bạc Liêu và Trung tâm y tế thành phố Bạc Liêu. Ngày 13-1 và 23-1, bệnh nhân đi khám tại 2 cơ sở.
Trong tháng 3-2017, bệnh nhân đi khám 17 lần. 12 lần đi khám chữa bệnh, bệnh nhân Tiền Văn B được cấp trùng thuốc Methyl prednisolone trong 5 đợt khám; thuốc Omeprazol, Esomeprazole 40, Omemac-20, Esomez, Klamentin 1g trong 3 đợt khám và thuốc Paracetamol 650mg, Hapacol 650 trong 2 đợt khám đều của tháng 2-2017. Trường hợp bệnh nhân Đoàn Công T, mã thẻ GD4750103400040 khám chữa bệnh 70 lần tại 7 cơ sở y tế khác nhau với số tiền gần 79,7 triệu đồng.
Trong đó có 9 ngày bệnh nhân khám chữa bệnh có chi phí tại 2 cơ sở khác nhau (ngày 14-2, 7-4,11-4, 8-5, 9-5, 16-5, 18-5, 8-6, 14-6); nhiều lần khám cấp thuốc nhóm thuốc tim mạch, mỡ máu, tiểu đường có giá trị cao như: Nexium Mups, NovoMix, Crestor…, nhiều nhất tại: Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Bệnh viện quốc tế Đồng Nai, Bệnh viện đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh,Công ty cổ phần bệnh viện quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn - Đồng Nai.
Đề cập đến thực trạng lạm dụng quỹ BHYT ngày càng tinh vi và trầm trọng, ông Lê Văn Phúc- Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết: Theo nguyên tắc, cơ sở KCB sử dụng vượt trần quỹ KCB BHYT được giao sẽ phải giải trình về lý do tăng hợp lý để cơ quan BHXH xem xét, làm căn cứ thanh toán.
Tuy nhiên, trong năm 2016, khi quỹ BHYT bội chi khoảng 7.590 tỉ đồng, có nhiều đơn vị có mức chi tăng đột biến đã không giải trình được phần chi này. Kết quả kiểm tra của BHXH Việt Nam vừa qua đã phát hiện một số BV (Phục hồi chức năng, y học cổ truyền tại Nghệ An) chỉ định 100% bệnh nhân đến khám bệnh vào điều trị nội trú…
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các địa phương thực hiện giám định trực tiếp theo đúng qui trình đối với các trường hợp trên, thu hồi các khoản chi không đúng và công khai trên trang thông tin điện tử của địa phương, kiên quyết xử lý tình trạng trục lợi.
Bên cạnh đó, tình trạng ngày điều trị kéo dài cũng diễn ra ở nhiều nơi. Tại bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng, ngày điều trị nội trú bình quân cao hơn mức bình quân của các bệnh viện chuyên khoa đối với trường hợp sau sinh thường 5,9 ngày, trong khi tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương 3,4 ngày, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội 2,2 ngày, mức chung của các bệnh viện phụ sản toàn quốc là 3,7 ngày, chênh lệch 2,2 ngày/bệnh nhân...
Tại Hội nghị thông tin định kỳ tháng 8, đại diện BHXH Việt Nam đã thông tin về một số vấn đề liên quan hoạt động của ngành đang được dư luận quan tâm như: Một số nội dung trong Quyết định 595/QĐ-BHXH về đổi mới quy trình thu và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT; kết quả thực hiện BHYT HSSV năm học 2016- 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017- 2018; tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT.
Đồng thời, lãnh đạo BHXH cùng với đại diện Bộ Y tế đã trực tiếp giải đáp các câu hỏi của phóng viên như: Định hướng sử dụng biệt dược gốc trong điều trị cho bệnh nhân BHYT, các giải pháp chống lạm dụng quỹ KCB BHYT, hệ thống giám định BHYT điện tử…
Năm nay, bánh trung thu "đểu", bẩn sẽ khó thoát?
http://nld.com.vn/thoi-su/nam-nay-banh-trung-thu-deu-ban-se-kho-thoat-20170830213732387.htm
Đầu tháng 9, TP HCM mở đợt kiểm tra cao điểm hoạt động sản xuất bánh Trung thu
Ngày 30-8, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM cho biết bắt đầu từ ngày 1 đến 30-9, đơn vị này sẽ triển khai đợt cao điểm thanh, kiểm tra vấn đề ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có liên quan đến Tết Trung thu 2017.
Đối tượng trong đợt kiểm tra cao điểm lần này là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu dịch vụ ăn uống; tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, các sản phẩm từ thịt…
Các đoàn của TP sẽ tập trung thanh, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như cơ sở sản xuất lớn, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cơ sở nhập khẩu thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Các cơ sở vừa và nhỏ sẽ do các đoàn liên ngành quận, huyện; các đội quản lý an toàn thực phẩm quận, huyện kiểm tra. Nội dung: đảm bảo chất lượng ATTP, việc chấp hành quy định quảng cáo, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh; việc sử dụng phụ gia, phẩm màu, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến, nguồn gốc nguyên liệu…
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP, các cơ sở vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường…
"Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chúng tôi cũng cương quyết yêu cầu dừng hoạt động đến khi khắc phục các điểm vi phạm", vị lãnh đạo Ban ATTP TP, nhấn mạnh.
TP.HCM: Kiểm tra các cơ sở bánh trung thu
http://infonet.vn/tphcm-kiem-tra-cac-co-so-banh-trung-thu-post235687.info
Bắt đầu từ 1/9 - 30/9, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ tổ chức đợt cao điểm thanh, kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có liên quan đến Tết Trung thu 2017.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố cho biết, đối tượng trong đợt kiểm tra cao điểm lần này là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu dịch vụ ăn uống; tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, các sản phẩm từ thịt…
Các đoàn của thành phố sẽ tập trung thanh, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như cơ sở sản xuất lớn, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cơ sở nhập khẩu thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhằm mục đích ngăn chặn phòng ngừa cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và sử dụng nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Các cơ sở vừa và nhỏ sẽ do các đoàn liên ngành quận, huyện; các đội quản lý an toàn thực phẩm quận, huyện kiểm tra. Trong đợt thanh, kiểm tra lần này, các đoàn sẽ trực tiếp đến các cơ sở kiểm tra các nội dung: đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, việc chấp hành quy định quảng cáo, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh. Kiểm tra việc sử dụng phụ gia, phẩm màu, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến, nguồn gốc nguyên liệu…
Bà Phong Lan nhấn mạnh: “Nếu phát hiện các cơ sở vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chúng tôi cũng cương quyết yêu cầu dừng hoạt động đến khi khắc phục các điểm vi phạm”.
Từ 1/1/2018, đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc BHYT chi trả
http://infonet.vn/tu-112018-dau-thau-tap-trung-quoc-gia-doi-voi-thuoc-bhyt-chi-tra-post235644.info
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 400/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp về vấn đề Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và việc đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc BHYT do Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện.
Quan điểm, mục tiêu, chính sách về BHYT và các dịch vụ xã hội cơ bản là vấn đề lớn, quan trọng, trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở pháp lý và công tác tổ chức thực hiện BHYT còn nhiều bất cập. Quỹ BHYT có nguy cơ mất cân đối. Tình trạng gian lận trục lợi Quỹ không ít. Nguyên tắc mức “đóng – hưởng” và chia sẻ rủi ro chưa được tuân thủ chặt chẽ. Hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực y tế thiếu hoàn chỉnh. Sự phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa chặt chẽ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Y tế tiếp thu, giải trình các kiến nghị của các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định sửa đổi, Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật BHYT. Bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật BHYT và các luật có liên quan, phù hợp với thực tiễn, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và khả năng cân đối của Quỹ BHYT. Đối với các nội dung không tiếp thu, phải có giải trình cụ thể, thuyết phục.
Bên cạnh đó, phải có báo cáo đánh giá toàn diện về kết quả thực thi Luật BHYT, tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHYT, kiến nghị cụ thể các giải pháp xử lý, báo cáo Chính phủ.
Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chính sách BHYT.
Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường phối hợp trong xây dựng và thực hiện chính sách BHYT; chủ động trao đổi tháo gỡ các vướng mắc, có quy chế bảo đảm việc phối hợp giữa 2 cơ quan được thường xuyên, kịp thời, hiệu quả.
Kiểm toán Nhà nước đưa nội dung kiểm toán việc thực hiện chính sách BHYT vào kế hoạch năm 2018.
Đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc BHYT từ 1/1/2018
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường quản lý giá thuốc, năm 2017 phải đạt mục tiêu giảm 10-15% giá thuốc, đặc biệt là giá thuốc đã hết bản quyền; kiểm soát chặt chẽ việc đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc BHYT theo Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7/7/2016 của Chính phủ từ ngày 1/1/2018. Bộ Y tế phối hợp và có hướng dẫn cụ thể việc đấu thầu mua thuốc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo đảm tính cạnh tranh theo quy định.
TP.HCM tiếp tục hỗ trợ mở rộng bệnh viện vệ tinh
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu vừa ký quyết định phê duyệt đề án thành lập bổ sung bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020, tăng thêm 2 bệnh viện hạt nhân là BV Nhân dân 115 và BV Hùng Vương.
Trong giai đoạn 2013-2015, với 6 bệnh viện hạt nhân gồm Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Từ Dũ, Chấn thương chỉnh hình, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Ung bướu đã thành lập 28 bệnh viện vệ tinh tại 28 tỉnh thành, chuyển giao 250 kỹ thuật... cho các bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh thành khu vực phía Nam.
Đây là các bệnh viện đại diện các vùng miền, đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, chuyên môn, có tỉ lệ bệnh nhân chuyển tuyến lên bệnh viện hạt nhân cao, và một số tiêu chí đặc thù khác.
Từ nay đến năm 2020, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp tục thực hiện bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng, Trung tâm y tế liên doanh Việt - Nga.
Bệnh viện Từ Dũ tiếp tục thực hiện bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận; bổ sung thêm Bệnh viện sản nhi tỉnh Cà Mau, Bệnh viện đa khoa khu vực Lagi, Bình Thuận, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, Long An, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Trà Vinh, Bệnh viện sản nhi tỉnh Sóc Trăng, Bệnh viện đa khoa Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Đồng Nai.
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tiếp tục thực hiện bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa; bổ sung thêm Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, Bình Dương, Long An, Hậu Giang.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An, Bệnh viện sản nhi Cà Mau, Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ; bổ sung thêm Bệnh viện sản nhi Trà Vinh, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long.
Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục tại Bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận, bổ sung thêm Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Bệnh viện Sản nhi Phú Yên.
Bệnh viện Ung Bướu tiếp tục thực hiện Bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, bổ sung thêm Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, Đồng Nai, Cà Mau, Lâm Đồng, Kiên Giang, Bệnh viện Ung bướu TP Đà Nẵng
Bệnh viện nhân dân 115 thành lập bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cái Nước, Cà Mau, Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, Đăk Nông, Bệnh viện Đa khoa Lê Lợi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Bệnh viện Hùng Vương thành lập bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Yên.
Thành lập các bệnh viện vệ tinh là một giải pháp nhằm hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Mỗi năm, các bệnh viện ở TP.HCM phải tiếp nhận khám và điều trị cho 30-60% bệnh nhân từ các tỉnh thành chuyển về.
Quyết tâm tăng số giường bệnh đạt chỉ tiêu vào năm 2020
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, góp phần đạt chỉ tiêu 26,5 giường bệnh/10.000 dân.
Chương trình có 3 Dự án thành phần, trong đó Dự án 1 là hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học hiện đại, thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020.
Theo đó, tiến tới năm phấn đấu đến năm 2020, góp phần đạt chỉ tiêu 26,5 giường bệnh/10.000 dân. Để đạt đến mục tiêu này, trong giai đoạn này sẽ hoàn thành các dự án chuyển tiếp đã được đầu tư trong giai đoạn 2011-2015.
Đồng thời đầu tư xây dựng mới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng một số bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện; cung cấp thiết bị y tế phù hợp với định hướng phát triển chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở y tế.
Dự án 2 hỗ trợ đầu tư cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền góp phần thực hiện Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền giai đoạn 2014 - 2025, phấn đấu khám chữa bệnh y học cổ truyền đạt trên 20% tổng số khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh vào năm 2020; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Dự án 3 hỗ trợ đầu tư các cơ sở y tế ven biển, trên đào thực hiện Đề án phát triển hệ thống y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020.
Dự án này gồm các hoạt động: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho một số cơ sở y tế vùng biển, đảo; đầu tư mua sắm thiết bị y tế cho một số cơ sở y tế vùng biển, đảo đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển đảo. Tổng kinh phí thực hiện Dự án này là 1.591 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 1.738 tỷ đồng).
Được biết với chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương giai đoạn 2016 - 2020 Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, hoàn thành 64 dự án chuyển tiếp đã được đầu tư trong giai đoạn 2011- 2015 nhưng chưa hoàn thành do thiếu vốn và triển khai thực hiện tối thiểu 28 dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020 và tăng lên khi được bổ sung nguồn ngân sách trung ương nhưng tối đa không quá 52 dự án.
Tổng vốn thực hiện Chương trình là 19.829 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 22.500 tỷ đồng), trong đó vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương là 2.389 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 5.060 tỷ đồng); vốn ODA và viện trợ 4.940 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương và xổ số kiến thiết 10.000 tỷ đồng; nguồn vốn khác 2.500 tỷ đồng.
Ổ dịch cúm A/H5N1 tại Bạc Liêu: Tiêu trùng khử độc, xử lý triệt để tránh lây sang người
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có Công điện số 1027/CĐ-DP gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu về tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu đã phát hiện ổ dịch cúm A(H5N1) trên đàn gia cầm tại một số hộ gia đình tại xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, ngày 28/8/2017, Cục Y tế dự phòng đã có Công điện số 1027/CĐ-DP gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu đề nghị quan tâm chỉ đạo triển khai tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm A(H5N1) từ gia cầm sang người tại các khu vực phát hiện gia cầm bị ốm, chết và những khu vực có nguy cơ cao, vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương nơi có ổ dịch cúm A(H5N1) tiến hành các biện pháp tiêu trùng khử độc, xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát và lấy mẫu giám sát vi rút cúm trên gia cầm tại khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt tại các điểm thu gom, buôn bán gia cầm và chăn nuôi tập trung để phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch phòng tránh lây nhiễm từ gia cầm sang người.
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm ở người, đặc biệt nơi có ổ dịch cúm gia cầm; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe các trường hợp phơi nhiễm và nghi ngờ nhiễm bệnh, điều trị bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch; triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị khi có bệnh nhân được phát hiện và các biện pháp phòng chống dịch.
Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và việc khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về Cục Y tế dự phòng.
Gần 400 ngày chuẩn bị tách cặp song sinh dính liền
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/gan-400-ngay-chuan-bi-tach-cap-song-sinh-dinh-lien-724329.html
Để chuẩn bị cho ca tách cặp song sinh dính liền phần cùng cụt kéo dài 13 giờ đồng hồ, các bác sĩ (BS) đã có gần 400 ngày chuẩn bị. Đây là lần đầu tiên sau năm 1975 tại Việt Nam xuất hiện cặp song sinh kỳ lạ này.
Từ hai đứa trẻ không tên
Ngày 24-7 cách đây một năm, các BS ở BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận hai bé song sinh dính liền nhau theo tư thế đối lưng, hướng đầu ra ngoài. Tôi vẫn nhớ ngày hai bé vào viện chỉ có bố đi theo vì mẹ vẫn còn yếu nên phải nằm lại BV đa khoa Lộc Ninh (Bình Phước) điều trị. Khi ấy, hai bé vẫn được các BS gọi là Thị Quyền 1 và Thị Quyền 2 (tên của mẹ) để phân biệt.
Để chuẩn bị cho một ca phẫu thuật tách dính mới, lạ như thế này, hội đồng y khoa BV Nhi đồng 2 đã hội chẩn và theo dõi tình hình bệnh nhân liên tục. "Hơn một năm các điều dưỡng đã phải lo từng bữa ăn cho các bé, mong các bé tăng cân đúng dự định. Chúng tôi đã thất bại trong ba lần đặt túi giãn da. Đã có dự định ngày mổ vài lần nhưng hai bé liên tục có những biến đổi về tình hình sức khỏe. Khi thì viêm phổi, lúc lại thiếu dinh dưỡng...” - BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc BV, người có trách nhiệm chính trong ca mổ kể lại.
Sau một năm điều trị tại bệnh viện, tìm hiểu các tài liệu y khoa thế giới, nhiều lần hội chẩn toàn viện, thăm khám, tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng, X-quang, MRI và xem xét tình trạng của hai bé... Ngày 23-8, êkíp với hơn 40 người đã tiến hành phẫu thuật tách dính cho hai bé.
“Để chuẩn bị cho ca này, BV đã lên kế hoạch một cách cụ thể, kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị, chống nhiễm khuẩn, phòng mổ, ê kíp phẫu thuật, gây mê, dụng cụ, hậu cần và ê kíp hồi sức cho hai bé sau phẫu thuật. Phẫu thuật tách dính là không dễ, chúng tôi luôn phải dự trù nhiều khả năng, nhất định không được thất bại và cuối cùng chúng tôi đã làm được”, Giáo sư -BS Trần Đông A, cố vấn chuyên môn BV Nhi Đồng 2, cho biết.
Theo nhận xét từ BS Đặng Đỗ Thanh Cần, khoa Ngoại thần kinh BV Nhi Đồng 2, người tham gia vào ca mổ cho rằng, đây là một ca bệnh rất hiếm gặp và là ca đầu tiên được thực hiện tại BV. "Khó khăn nhất của ca này là làm sao xác định được dây thần kinh nào chi phối cho bé nào bởi các dây thần kinh dính và đan xen vào nhau, các mấu chốt thần kinh đi rất lộn xộn. Bên cạnh đó, hai bé này chia nhau chỉ có một tủy nên việc phẫu thuật bóc tách cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc bóc tách phải đảm bảo chức năng thần kinh cho hai bé một cách tốt nhất", BS Cần nhớ lại.
Đến Bảo Hân và Bảo Ân
Trải qua hơn 13 giờ đồng hồ từ giai đoạn gây mê đến những mũi khâu cuối cùng, ê kíp phẫu thuật bóc tách và tạo hình đã có những giây phút căng thẳng trong phòng mổ khi trường hợp của hai bé là thoát vị tủy màng tủy nên việc phẫu tích cực kỳ khó khăn, nhiều thời gian hơn dự kiến.
Hai bé song sinh dính liền lần lượt được đặt tên là Bảo Hân vào Bản Ân được tách rời khỏi nhau chính thức vào lúc 18 giờ 30 cùng ngày phẫu thuật. Qua chẩn đoán ban đầu, bé Bảo Ân có hai chi dưới vận động khá kém, có những dị dạng về cơ xương khớp như trật khớp háng, cứng khớp gối, cổ chân phải nên sau khi phẫu thuật cần phải theo dõi thêm để đánh giá tiên lượng. Còn Bảo Hân không có dị tật khác nên ngay từ ban đầu trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ cố gắng bảo tồn các chức năng tốt nhất cho Bảo Hân. Hiện tại 2 bé đã uống sữa lại và đang được tiếp tục chăm sóc vết mô tách dính, tạo hình vạt da... ca mổ tách dính được đánh giá là thành công cho tới thời điểm hiện tại.
Nói thêm về ca mổ, theo GS.BS Trần Đông A cho hay, về nguyên tắc về sinh học, các cặp song sinh đơn trứng sẽ được tách ra trong một tuần lễ sau khi thụ tinh nhưng vì lý do nào đó cặp song sinh này tách trễ hơn một tuần nên dẫn đến tình trạng dính liền nhau.