Đồng loạt áp dụng viện phí mới
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/dong-loat-ap-dung-vien-phi-moi-20170802221309668.htm
Hơn 1.900 dịch vụ y tế có mức tăng giá từ 20%-50% chính thức được áp dụng với các cơ sở y tế ở Hà Nội và TP HCM
Sau 2 ngày các bệnh viện (BV) trực thuộc TP Hà Nội áp dụng viện phí mới theo Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, người dân quan tâm tới BHYT nhiều hơn.
Cải thiện đáng kể nguồn thu
Ghi nhận tại một số BV Hà Nội, trong những ngày đầu tiên điều chỉnh viện phí cho thấy hầu hết người bệnh đều sử dụng thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Tại Khoa Khám bệnh BV Đa khoa Xanh Pôn, người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Lan Hương (ngụ quận Thanh Xuân) khám sỏi niệu quản cho biết do không khám đúng tuyến nên tại BV này chị phải trả viện phí như người không có BHYT, riêng tiền khám và siêu âm ổ bụng phải trả gần 200.000 đồng.
Tại khu vực khám dịch vụ Nhi của BV Việt Nam - Cuba, anh Nguyễn Tuấn Minh đưa con gái đến khám mũi họng cho biết không quan tâm nhiều đến việc tăng viện phí bởi khi con ốm, anh đều đưa đến phòng khám dịch vụ cho nhanh, đỡ chờ đợi lâu. Anh Minh cũng cho biết các thành viên trong gia đình đều có thẻ BHYT.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Giám đốc BV Việt Nam - Cuba, cho biết giá dịch vụ y tế được điều chỉnh với nhóm không có BHYT hiện tương đương với nhóm có BHYT trước mắt đã tạo sự công bằng với những người tham gia BHYT. Trước đây, nhiều dịch vụ bệnh nhân không BHYT trả viện phí thấp hơn so với nhóm có BHYT. Điều này ít nhiều tác động đến tâm lý người tham gia BHYT khiến nhiều người không mặn mà với thẻ BHYT khi đi khám bệnh. Ông Phúc cũng cho biết với hơn 80% người bệnh khám chữa bệnh ở đây có thẻ BHYT thì việc điều chỉnh giá này không tác động nhiều tới phần lớn người bệnh, đó là chưa kể tỉ lệ người dân tự chi trả tiền túi để khám chữa bệnh dịch vụ cũng rất lớn.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc BV Xanh Pôn, cho biết việc tăng viện phí áp dụng với những người bệnh không có BHYT sẽ giúp BV này cải thiện đáng kể nguồn thu ngoài BHYT. Hơn nữa, thu hút được bệnh nhân không có BHYT đến khám đòi hỏi BV phải nỗ lực hơn để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
PGS-TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội, cho rằng giá dịch vụ y tế được điều chỉnh đợt này mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí, chưa phải mức viện phí tính đúng, tính đủ nên chưa tác động quá lớn đến người bệnh. Dù vậy, với nguồn thu tăng thêm từ việc điều chỉnh giá cũng giúp cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý khám chữa bệnh thống nhất một danh mục, một giá.
Tạo sự công bằng
Theo Sở Y tế Hà Nội, các khoản tăng chủ yếu là giá khám bệnh và tiền giường, thuốc men, dịch truyền, hóa chất, vật tư... Viện phí trung bình tăng khoảng 20%-50%.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết Hà Nội có 82,4% dân số đã có thẻ BHYT. 17,6% dân số còn lại chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh viện phí đợt này. Đa số người chưa tham gia BHYT thuộc đối tượng mua BHYT tự nguyện và có mức sống ổn định nên việc tăng giá dịch vụ y tế có thể kiểm soát được, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng cũng như không tạo biến động quá lớn.
Từ tháng 6 đã có 50 BV hạng đặc biệt, hạng I trực thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế. Theo Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, với việc điều chỉnh này, viện phí của 1.930 dịch vụ y tế tăng từ 30%-50%. Cụ thể, tiền khám bệnh ở BV hạng I từ 20.000 đồng/lượt khám lên 39.000 đồng; BV hạng II từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt khám... Một số thủ thuật, phẫu thuật cũng tăng khoảng 20%-30%.
Dự kiến, trong tháng 8 sẽ có 30 tỉnh, TP áp dụng mức viện phí mới với nhóm chưa có thẻ BHYT và 15 tỉnh, TP áp dụng trong tháng 10. 18 địa phương còn lại áp dụng trong tháng 12. Nhiều ý kiến cho rằng với tỉ lệ gần 20% người dân chưa tham gia BHYT thì việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính nếu phải nằm viện.
Người mua BHYT phải hưởng lợi nhất
Từ ngày 1-8, một số cơ sở y tế ở TP HCM thuộc nhóm tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế đối với nhóm bệnh nhân không có BHYT. Tại BV Hùng Vương, trước ngày 1-8 có 3 khung viện phí: đối tượng tham gia BHYT, dịch vụ, người không sử dụng BHYT và cũng không sử dụng dịch vụ. Trong đó, khung giá thấp hơn dành cho nhóm không có BHYT làm nhiều người suy nghĩ có cần thiết phải mua BHYT không. Việc điều chỉnh giá lần này sẽ giúp người tham gia BHYT thực sự là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. BV Từ Dũ cho rằng việc tăng giá với nhóm có sử dụng BHYT trước, nhóm chưa có BHYT sau là để người dân có thời gian chuẩn bị, tìm hiểu và mua BHYT. Quan trọng là phải làm sao cho người dân thấy được việc có BHYT mang đến rất nhiều lợi ích khi có việc phải đến BV.
Theo bà Đinh Thị Liễu, Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán Sở Y tế TP HCM, đợt này sẽ có 12 BV tuyến TP và tuyến quận, huyện của TP HCM áp dụng viện phí mới, đến ngày 1-10, tất cả BV trên địa bàn sẽ đồng loạt áp dụng. Tính trung bình viện phí sẽ tăng khoảng 30%, tập trung chủ yếu vào tiền khám bệnh và giường bệnh. Giá giường nội khoa tại BV hạng I tăng từ 80.000 đồng lên 199.100 đồng.
Khám sức khỏe ‘siêu tốc’ ở Đà Nẵng
http://plo.vn/xa-hoi/kham-suc-khoe-sieu-toc-o-da-nang-718865.html
Không khó để mua hoặc làm một tờ giấy khám sức khỏe với đầy đủ chữ ký, dấu đỏ của các bệnh viện tại Đà Nẵng.
Trong vai người chuẩn bị hồ sơ xin việc, chúng tôi tìm tới đăng ký khám sức khỏe tại BV Bình Dân (TP Đà Nẵng) và không khỏi bất ngờ về quy trình khám bệnh… siêu tốc tại đây.
Khám bệnh = ký + đóng dấu
Tại khu vực tiếp nhận bệnh nhân, khi nghe chúng tôi nói muốn làm giấy chứng nhận sức khỏe, một y tá đưa tờ phiếu khám rồi yêu cầu điền đầy đủ thông tin theo mẫu. “Một tờ giá 165 ngàn đồng, nếu chị làm 3 tờ thì chỉ thêm 10 ngàn nữa thôi”, y tá hướng dẫn.
Sau khi điền thông tin, nộp tiền, đo chiều cao, cân nặng, tôi được dẫn vào phòng xét nghiệm máu. Tại đây, một y tá nhanh chóng lấy máu rồi hướng dẫn tôi qua phòng khám phụ sản. Ngạc nhiên là dù không hề được đo huyết áp, mạch nhưng trên phiếu khám lại ghi những con số rất… chuẩn.
Tại phòng phụ sản, một nữ bác sĩ (BS) ra hiệu cho tôi ngồi và bắt đầu hỏi chu kỳ kinh nguyệt có đều không? Có bị đau bụng không? Đã từng mắc các bệnh liên quan đến buồng trứng chưa?... Dù đã cố tình khai mình “có vấn đề” nhưng trong phiếu khám BS vẫn xác nhận “bình thường” rồi ký tên.
Quy trình khám tại phòng Răng-Hàm-Mặt còn nhanh hơn nhiều. BS vừa cầm phiếu, vừa nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân rồi ghi vào phiếu khám. Khi tôi hỏi có cần phải khám không, BS lắc đầu, đóng dấu rồi trả phiếu khám, việc khám bệnh mất vỏn vẹn... 41 giây.
Quy trình ký, đóng dấu được lặp lại ở phòng Tai-Mũi-Họng, Mắt và Da liễu. Tại phòng Nội tim mạch, khi nghe tôi nói cần khám sức khỏe để xin việc, BS tên LTHY không nhìn người khám, vừa viết vừa hỏi một câu duy nhất: “Em có bị mổ xẻ gì chưa?”.
Khi nghe trả lời không, BS nhanh chóng gộp tất cả các mục tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thận, cơ-xương-khớp, thần kinh, tâm thần thành một nhóm rồi ký xác nhận bình thường. Ngoài ký phần của mình, BS còn ký thay cả BS phòng Ngoại khoa, hai chữ ký giống nhau nhưng dấu lại là tên BS khác.
Từ khi bước vào phòng đến khi trở ra cũng chỉ mất khoảng 2 phút. Tôi trở lại phòng xét nghiệm máu lấy kết quả, rồi quay ra khu tiếp nhận bệnh nhân ngồi đợi, 10 phút sau y tá đưa cho tôi 2 tờ phiếu khám sức khỏe đã được đóng dấu đỏ xác nhận “có đủ sức khỏe để làm việc”.
Phía dưới là chữ ký của BS PTT. Như vậy tính cả thời gian đi lại, chờ đợi từ phòng này qua phòng kia, tôi chỉ mất gần 30 phút để hoàn tất thủ tục khám bệnh mà không hề được khám.
200 ngàn là có giấy
Tại cổng BV Đà Nẵng, chỉ cần cung cấp ảnh kèm một vài thông tin về họ tên, địa chỉ, cân nặng, chiều cao, tôi dễ dàng mua được một tờ giấy khám sức khỏe với đầy đủ chữ ký, dấu đỏ của BV. “Cò” nhận làm giấy là những người làm nghề xe ôm tại đây.
Khi nghe tôi nói cần mua giấy khám sức khỏe, một “cò” tên N. ra giá: “350.000 đồng 2 phiếu khám. Chỉ cần đưa hai ảnh thẻ 4x6, ghi rõ tên tuổi, cân nặng, chiều cao rồi ngồi chờ 10 phút là có giấy”. Thấy khách còn ngần ngại, ông N. trấn an: “Yên tâm, tôi làm cái này cho nhiều người rồi. Muốn làm giấy của BV nào cũng được nhưng nếu làm giấy của BV Đà Nẵng thì hơi phiền phức vì tôi phải dẫn cô theo. Giờ muộn rồi, nếu muốn làm thì sáng mai quay lại. Nhưng nói trước là làm giấy của BV Đà Nẵng thì giá phải cao hơn. Muốn nhanh, gọn thì tốt nhất nên làm giấy của BV tư nhân hoặc các trung tâm y tế quận”.
Khi tôi đề nghị giảm giá, ông N. tỏ thái độ cáu gắt: “Tự đến viện mà làm đi, muốn nhanh mà cứ chần chừ mãi. Thôi được, làm một tờ thì 200 ngàn, thế là hữu nghị lắm rồi”. Tôi đưa cho ông N. một tấm ảnh thẻ 4x6 vừa khám tại BV đa khoa Bình Dân nhưng sử dụng một cái tên khác. Sau khi viết tên tuổi, chiều cao, cân nặng của khách ra mặt sau ảnh, ông dắt xe đi và hẹn 10 phút nữa sẽ quay lại.
Khoảng 10 phút sau, ông N. trở lại với tờ giấy khám sức khỏe và dặn tôi về nhớ ký tên phía dưới. Tôi lật giấy ra xem, bên trong đã có đầy đủ chữ ký, dấu đỏ của của 9 BS tại BV Đa khoa HP, thậm chí ở các mục khám còn ghi nhận xét chi tiết, cụ thể hơn cả BV Bình Dân. Phía dưới là chữ ký và dấu xác nhận “đủ sức khỏe để học tập và làm việc” của BS.
Bộ Y tế đã có văn bản quy định rất rõ ràng, chặt chẽ về thủ tục khám, cấp giấy khám sức khỏe tại các cơ sở y tế, BV. Theo đó, người có nhu cầu làm giấy khám sức khỏe phải trực tiếp đến các BV, cơ sở y tế có thẩm quyền để dán ảnh, điền thông tin cá nhân, trực tiếp tới các phòng chuyên khoa để khám tổng thể. Sau khi hoàn tất, người khám phải quay lại nơi đăng ký nộp giấy khám sức khỏe để bộ phận này trình người có thẩm quyền ký, đóng dấu chứng nhận có đủ điều kiện về sức khỏe hay không. Quy định là vậy nhưng không hiểu sao giấy khám sức khỏe ở các BV, cơ sở y tế tại TP Đà Nẵng lại được cấp tràn lan?
Cảnh cáo trưởng khoa sai sót khiến sản phụ tử vong
http://plo.vn/xa-hoi/canh-cao-truong-khoa-sai-sot-khien-san-phu-tu-vong-719024.html
http://danviet.vn/tin-tuc/san-phu-tu-vong-bat-thuong-ky-luat-hang-loat-ca-nhan-sai-pham-793020.html
Sở Y tế tỉnh Bình Định ra quyết định kỷ luật các cá nhân để xảy ra sai sót khiến một sản phụ tử vong sau khi sinh.
Tối 2-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho biết Sở đã ban hành các quyết định kỷ luật đối với các cá nhân để xảy ra sai sót khiến sản phụ Phan Thị Yến Linh (29 tuổi, ngụ xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, Bình Định) tử vong tại Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ ngày 24-6.
Theo đó, ông Châu Tấn Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ, bị kỷ luật với hình thức khiển trách. Theo quyết định trên, ông Khoa chưa hoàn thành trách nhiệm của người thường trực lãnh đạo trong phiên trực ngày 24-6; chưa tổ chức hội chẩn khi sản phụ có chuyển biến nặng trước khi chuyển viện; ký giấy chuyển viện trong tình trạng sức khỏe của sản phụ chưa ổn định; chưa liên hệ đề nghị hỗ trợ xử lý cấp cứu từ tuyến trên.
Sở Y tế cũng kỷ luật bà Hồ Thị Đào Hoa, Trưởng khoa sản, với hình thức cảnh cáo. Quyết định nêu rõ: Bà Hoa đã có nhiều sai phạm, khuyết điểm như xử trí trường hợp cấp cứu sản khoa sau khi sinh đối với sản phụ chưa phù hợp chuyên môn do chưa đánh giá, tiên lượng tốt mức độ bệnh; chưa đánh giá đầy đủ lượng máu đã mất; không chỉ định truyền máu, các loại thuốc vận mạch, các biện pháp khác để xử lý cấp cứu sản khoa trong trường hợp băng huyết do đờ tử cung sau sinh; chưa mời hội chẩn khi sản phụ có chuyển biến nặng và trước khi đề nghị cho chuyển viện; chỉ định chuyển viện trong tình trạng sức khỏe sản phụ chưa ổn định; ghi chép hồ sơ bệnh án chưa đầy đủ.
Sở Y tế cũng kỷ luật cảnh cáo đối với bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Hộ sinh trưởng. Bà Hương cũng có nhiều sai phạm, khuyết điểm như chưa theo dõi sát tình trạng sản phụ, ghi chép hồ sơ bệnh án không đầy đủ…
“Ngoài ba người do Sở Y tế ra quyết định kỷ luật, Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ sẽ ra quyết định kỷ luật đối với một nữ hộ sinh có sai sót trong trường hợp này” - ông Hùng thông tin thêm.
Như đã phản ánh, gia đình sản phụ Phan Thị Yến Linh cho rằng có sự tắc trách của Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ trong cái chết này. Theo phản ánh của người nhà, thấy chị Linh đau bụng càng lúc càng dữ dội nên gia đình xin sinh mổ nhưng bệnh viện không đồng ý, bảo cứ chờ sinh thường.
Người thân chị Linh nhiều lần gọi nhưng không có bác sĩ trực, còn y tá, điều dưỡng thì ngồi trong phòng bấm điện thoại, nghe nhạc. Đến khi chị Linh ngất xỉu thì mới được bệnh viện đưa vào phòng sinh.
Gia đình chị Linh yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân cái chết của sản phụ này, đồng thời xử lý đối với những người tắc trách trong kíp trực
Ngày 26-6, Bộ Y tế có công văn khẩn dẫn lại thông tin bài báo “Sản phụ tử vong, bệnh viện bị tố tắc trách” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM điện tử ngày 25-6, yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bình Định kiểm tra, xử lý các sai phạm của Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ theo đúng quy định trong vụ sản phụ Linh tử vong.
Ngày 14-7, Sở Y tế tỉnh Bình Định có công văn gửi các cơ quan báo chí thừa nhận có sai sót của nhân viên y tế trong kíp trực trong cái chết của sản phụ Linh.
Điểm chuẩn trường Y cao kỷ lục, nhiều thí sinh trượt vì tiêu chí phụ
Điểm trung bình riêng ngành Y đa khoa của 15 đại học đào tạo về y dược năm 2017 tăng 4-5 điểm so với hai năm trước.
Mùa tuyển sinh năm 2017 chứng kiến sự tăng đột biến điểm chuẩn các khối trường, trong đó có Y Dược. Điểm trúng tuyển trung bình các mã ngành của 15 trường có đào tạo Y Dược là 24,63, cao thứ hai sau khối trường công an và trên khối trường quân đội.
Chuẩn đầu vào Học viện Quân y năm nay đụng trần với 30 điểm (nữ - khối B - miền Bắc và nữ - khối A - miền Nam), tăng 1,25 điểm so với năm trước.
Mức trúng tuyển các mã ngành của 14 đại học dân sự có đào tạo về Y Dược khác cũng tăng đột biến. Lần đầu tiên tuyển sinh cả nước, ngành Y đa khoa của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng 4,2 điểm chuẩn, từ 22,8 lên 27. Điểm trúng tuyển tất cả mã ngành của Đại học Y Hà Nội đều nhích lên 0,5-2,26.
Chỉ tính ngành Y đa khoa, điểm chuẩn năm nay của các trường đều cao nhất trong 3 năm. Điểm trung bình ngành này của 14 trường là 27,1 cao hơn trung bình năm 2015 và 2016 lần lượt là 5 và 4 điểm.
Giải thích về điểm chuẩn tăng mạnh, đại diện nhiều trường Y Dược đều cho biết, do điểm thi, phổ điểm của thí sinh cao nhờ phương thức thi mới. Cũng bởi nhiều thí sinh có tổng điểm 3 môn cao, chênh lệch giữa các em ít nên nhiều trường phải đưa ra tiêu chí phụ.
"Hơn 600 hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào ngành Y đa khoa thì 450 là nguyện vọng 1. Những em này đều đạt từ 29,25 điểm trở lên ở các tổ hợp xét tuyển", đại diện Đại học Y Hà Nội cho biết.
Trường tuyển 500 chỉ tiêu Y đa khoa, điểm trúng tuyển dù đạt 29,25, nhưng vẫn phải dùng đến 4 tiêu chí phụ để lọc thí sinh có điểm xét tuyển làm tròn bằng điểm chuẩn. Thứ tự ưu tiên các tiêu chí phụ là: điểm xét tuyển chưa làm tròn, điểm Toán, điểm Sinh, thứ tự nguyện vọng.
Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam điểm chuẩn tất cả ngành đều tăng 1,25-2 so với năm trước, nhưng cũng phải dùng 4 tiêu chí phụ để chọn thí sinh có điểm xét tuyển làm tròn bằng mức chuẩn. Đó là các tiêu chí: điểm xét tuyển chưa làm tròn, điểm môn Sinh, môn Toán và thứ tự nguyện vọng.
Đại học Y Dược TP HCM lọc thí sinh có tổng điểm bằng chuẩn qua 2 bước: ưu tiên 1 là điểm Ngoại ngữ, ưu tiên 2 là điểm Hóa, Sinh.
Nhiều thí sinh đủ điểm vẫn trượt
Với nhiều tiêu chí phụ, có thí sinh dù đạt 29,25 vẫn bị trượt nguyện vọng 1 vào ngành Y đa khoa Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP HCM. Trường hợp em Hưng ở Hà Nội là ví dụ. Với số điểm các môn Toán 9,4; Hóa 9,75; Sinh 10 và không có ưu tiên khu vực, tổng điểm xét tuyển của em sau khi làm tròn là 29,25 (tổng điểm 3 môn được làm tròn đến 0,25, nguyên tắc là làm tròn về số lẻ gần nhất với các mức 0,25; 0,5 và 0,75).
Theo quy định của trường, Hưng thuộc nhóm thí sinh phải dùng tiêu chí phụ xét tuyển do điểm bằng mức chuẩn. Khi xét ưu tiên đầu là điểm chưa làm tròn từ 29,2, em bị trượt do tổng điểm thực tế 3 môn là 29,15. Dù đỗ vào hệ dân sự của Học viện Quân y, Hưng cho biết thiếu 0,05 điểm để vào trường đại học mơ ước là "quá sức chịu đựng với em". Đây là năm thứ hai Hưng thi đại học.
"Đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái, chỉ có 2-3 câu khó mà điểm cộng khu vực vẫn giữ mức 0,5-1,5 thì có gì đó hơi thiếu công bằng", nam sinh chia sẻ.
Trường hợp thí sinh ở TP HCM được tổng điểm 3 môn chưa làm tròn là 29,35, điểm xét tuyển theo đó là 29,25, bị vào diện phải lọc bằng tiêu chí phụ của ngành Y đa khoa, Đại học Y Dược TP HCM. Em này sau đó bị trượt ưu tiên một do điểm tiếng Anh thấp hơn các thí sinh cùng điểm xét tuyển.
Đánh giá về việc một số thí sinh điểm cao vẫn trượt, một bác sĩ kiêm nhiệm giảng dạy ở trường y cho rằng với quy định không giới hạn nguyện vọng xét tuyển, nếu thí sinh trượt nguyện vọng 1 vào Y Hà Nội hay Y Dược TP HCM thì vẫn còn rất nhiều cơ hội vào ngành Y đa khoa của các trường tên tuổi khác.
"Tha thiết theo ngành Y thì có nhiều con đường, không thể cứng nhắc và kêu la bất công. Với kỳ tuyển sinh vừa để xét tuyển đại học, vừa để tốt nghiệp, việc chênh lệch 0,5-1 điểm không cho thấy sự khác biệt của chất lượng đầu vào, quan trọng nhất với nghề là sự quyết tâm theo đuổi, kiên trì học hỏi", bác sĩ nói.
Giảm nỗi lo bệnh tật
http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/giam-noi-lo-benh-tat/736607.antd
Bất kể ai bước chân vào bệnh viện hoặc cơ sở y tế để khám chữa bệnh, nỗi lo ngại ám ảnh nhất là trải qua hàng loạt các xét nghiệm.
Nếu không xét nghiệm thì bác sĩ không thể có kết quả để chẩn đoán bệnh và có phương án điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, nỗi khổ của người bệnh kéo dài nhiều năm nay nằm ở chỗ những kết quả xét nghiệm mà họ đã có được ở các bệnh viện tuyến dưới, thậm chí của ngay bệnh viện lớn đều phải làm lại từ A đến Z, bởi không đủ độ “tin cậy”. Nhưng từ đầu tháng 8 này tình trạng bất hợp lý, gây phiền phức và tốn kém này hy vọng sẽ chấm dứt.
Theo đó, 38 bệnh viện Trung ương sẽ chính thức liên thông kết quả xét nghiệm. Quyết định này được người bệnh vui mừng đón nhận, bởi cùng một lúc đạt được 3 mục đích: nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng “loạn” xét nghiệm, quan trọng hơn cả là giảm thiểu chi phí nhiều khi vô lý, tùy tiện và giảm phiền hà cho người bệnh. Đương nhiên, muốn đạt được liên thông kết quả xét nghiệm, đòi hỏi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đều phải có phòng thí nghiệm đảm bảo chất lượng tương đương.
Theo tính toán, khi thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, ước tính chỉ cần giảm được 1% số lượng xét nghiệm phải thực hiện, thì có thể giảm tới 5 triệu lượt xét nghiệm. Trong khi đó, thống kê cho thấy, các bệnh viện có xu hướng “chạy đua” xét nghiệm như một nguồn thu… được phép. Thời gian gần đây, tình trạng lạm dụng xét nghiệm đã gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là mượn cớ xét nghiệm để trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Chỉ riêng năm 2016, số lượng xét nghiệm đạt tới con số “kỷ lục” 500 triệu. Thử làm một con tính, mỗi xét nghiệm giá 50 nghìn đồng thì mỗi năm sẽ phải chi trả tới khoảng 237 tỷ đồng.
Thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm của 38 bệnh viện Trung ương có thể tính được cụ thể hàng trăm tỷ đồng tiết kiệm. Song ý nghĩa và giá trị còn lớn hơn nhiều. Người bệnh sẽ giảm đáng kể tiền bạc, thời gian chầu chực chờ đợi kết quả, nhất là sẽ nhẹ được gánh nặng phiền hà, gây khó dễ trong khi trĩu nặng nỗi lo bệnh tật, tính mạng.
Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 4 bác sĩ pháp y
http://thanhnien.vn/suc-khoe/dong-bang-song-cuu-long-chi-co-4-bac-si-phap-y-861655.html
Ngày 1.8, tại TP.Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tổ chức hội nghị về đào tạo nhân lực y tế cho vùng ĐBSCL.
Theo thông tin tại hội nghị, ĐBSCL hiện có 92 bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện, 14 BVĐK khu vực, 17 BVĐK tỉnh, 37 BV chuyên khoa, trong đó có 21 BV phục vụ cho 5 chuyên ngành (lao và bệnh phổi, tâm thần...); các tỉnh đều có trung tâm giám định pháp y tâm thần.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương hoàn toàn không có bác sĩ (BS) ở một số chuyên khoa. Cụ thể: 8/13 tỉnh thành không có BS chuyên khoa bệnh phong; 5/13 tỉnh, thành không có BS giải phẫu bệnh để phục vụ cho khoa ung bướu của BV tỉnh, các địa phương còn lại cũng chỉ có 1 - 2 người. Toàn vùng, mỗi tỉnh, thành đều có trung tâm pháp y nhưng chỉ có tổng cộng 4 BS pháp y (Bến Tre có 1 BS, Cà Mau 2 BS, Tiền Giang 1 BS). Tỉnh Kiên Giang chỉ có 1 BS chuyên khoa tâm thần, còn lại các chuyên khoa phong, giải phẫu bệnh, pháp y đều không có BS. Tương tự, tại An Giang, Bến Tre, Hậu Giang cũng không có BS chuyên khoa phong, tâm thần, giải phẫu…
Một vấn đề nan giải khác là tình trạng BS xin nghỉ việc. Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, thời gian vừa qua đã có 10 BS ở các BV của tỉnh nộp đơn xin nghỉ việc, chuyển đi nơi khác. Tại Long An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho hay những BS giỏi nhất đang bị “hút dần” về TP.HCM. Tương tự ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp… tình trạng “chảy máu chất xám” cũng gia tăng nhanh. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ đãi ngộ ở BV công quá thấp so với BV tư; mức độ đãi ngộ chênh lệnh giữa các tỉnh thành... khiến bài toán về nhân lực y tế ở ĐBSCL nan giải hơn.
Hiện ở ĐBSCL có 6,8 BS/10.000 dân và 1 dược sĩ/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước là 8,6 BS/10.000 dân, 1,9 dược sĩ/10.000 dân. Từ thực trạng trên, kể từ năm 2015 - 2016, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã làm việc với Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế để được giao 150 chỉ tiêu phân bổ đều theo nhu cầu cho các tỉnh. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng cho các tỉnh trong 4 - 5 năm sau để đảm bảo hoạt động cho các lĩnh vực chuyên khoa.
Bộ Y tế ban hành kế hoạch thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV giai đoạn 2017- 2020
Để tiến tới mục tiêu đạt được 90% bệnh nhân được điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế vào năm 2020, ngoài việc đảm bảo thành công của chương trình điều trị, cần mở rộng việc theo dõi đáp ứng điều trị ARV bằng xét nghiệm tải lượng HIV cho bệnh nhân AIDS. Để đáp ứng được điều này, ngày 1/8/2017 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3480/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV giai đoạn 2017-2020
Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới đã có các khuyến cáo mới về việc sử dụng xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi điều trị thuốc ARV trong bối cảnh hướng đến đạt mục tiêu 90-90-90 (90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân, 90% số người đã biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị kháng HIV và 90% số người tham gia điều trị kháng HIV đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế). Việt Nam là một trong các quốc gia đang triển khai kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, hướng đến kết thúc AIDS vào năm 2030...
Hiện xét nghiệm tải lượng HIV cho bệnh nhân chủ yếu do 2 dự án PEPFAR và Quỹ Toàn cầu hỗ trợ. Trong năm 2016, PEPFAR đã hỗ trợ xét nghiệm tải lượng HIV thường qui cho các bệnh nhân HIV/AIDS tại 5 tỉnh trọng điểm bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, Sơn La, Nghệ An, Điện Biên và Thanh Hoá với tỷ lệ ức chế vi- rút là 97%. Đối với các tỉnh khác, xét nghiệm đo tải lượng HIV chỉ được chỉ định cho các bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng và miễn dịch học nghi thất bại điều trị. Tuy nhiên, theo định hướng PEPFAR Việt Nam sẽ dừng các hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động xét nghiệm tải lượng HIV sau năm 2017. Hiện nay, dự án Quỹ Toàn cầu cũng đang hỗ trợ xét nghiệm tải lượng vi rút cho bệnh nhân nghi ngờ thất bại điều trị tại một số tỉnh, và chủ yếu tập trung vào các bệnh nhân nghi ngờ thất bại điều trị và thất bại miễn dịch học.
Xét nghiệm tải lượng HIV cũng được Quỹ bảo hiểm y tế đưa vào danh mục chi trả từ năm 2015, nhưng vẫn chưa thực hiện được ở hầu hết các cơ sở. Nguyên nhân là do một số cơ sở xét nghiệm chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của bảo hiểm y tế. Hơn nữa trên toàn quốc, chỉ có 6 cơ sở xét nghiệm tải lượng HIV tại các thành phố lớn trong khi có hơn 350 cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc. Việc chi trả vận chuyển mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tải lượng HV cũng chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Do vậy việc mở rộng hệ thống phòng xét nghiệm tải lượng HIV đặc biệt tại các tỉnh miền Trung, khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, ưu tiên trong giai đoạn tới là các bệnh nhân HIV/AIDS khi có bảo hiểm y tế sẽ được chi trả cho xét nghiệm tải lượng HIV/AIDS thường qui, nhằm đảm bảo chất lượng chăm sóc và điều trị.
Như vậy, để tiến tới mục tiêu đạt được 90% bệnh nhân được điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế vào năm 2020, ngoài việc đảm bảo thành công của chương trình điều trị, cần mở rộng việc theo dõi đáp ứng điều trị ARV bằng xét nghiệm tải lượng HIV cho bệnh nhân AIDS. Để đáp ứng được điều này, ngày 1/8/2017 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3480/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV giai đoạn 2017-2020 với 4 mục tiêu cụ thể. Đó là:
- 95% người bệnh HIV/AIDS tại các cơ sở chăm sóc điều trị trên toàn quốc được xét nghiệm tải lượng HIV thường qui vào năm 2020.
- 19 cơ sở thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV vào năm 2020 và 100% các cơ sở xét nghiệm đo tải lượng HIV đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc ISO 15189.
- 90% cơ sở xét nghiệm tải lượng HIV có hệ thống trao đổi thông tin hai chiều với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS với cơ sở gửi mẫu bệnh phẩm.
- 100% các cơ sở thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV và cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS triển khai hệ thống báo cáo xét nghiệm tải lượng HIV.
Nghịch lý thuốc hiếm: Bệnh viện tiêu hủy, bệnh nhân 'đỏ mắt' tìm
http://www.nguoiduatin.vn/nghich-ly-thuoc-hiem-benh-vien-tieu-huy-benh-nhan-do-mat-tim-a334347.html
Gần đây, một số thân nhân bệnh nhân phản ánh việc gặp khó khăn trong tìm mua các loại thuốc hiếm để điều trị cho người nhà. Thực tế cho thấy, những loại thuốc này chỉ được cung cấp từ bệnh viện đã được cục Quản lý Dược đề xuất trước đó.
Đỏ mắt" tìm thuốc khan hiếm
Anh Lê Văn Thông (45 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) chia sẻ, anh có người nhà bị bệnh tim, trong đơn thuốc bác sĩ kê có thuốc Sotalo chống loạn nhịp. Tuy nhiên, tại bệnh viện nơi người nhà anh đang điều trị đã hết loại thuốc này. Anh Thông buộc phải ra các cửa hàng kinh doanh thuốc tây tìm mua nhưng không được. Cuối cùng, anh phải lên TP.HCM hỏi mua Sotalo.
“Các cửa hàng kinh doanh thuốc tây tại TP.HCM đều cho biết thuốc này chỉ bán tại những bệnh viện kê đơn, còn các nhà thuốc tư nhân không được kinh doanh và không có ai cung cấp hàng để bán. Thuốc này thuộc dạng thuốc hiếm, chỉ khi nào bệnh viện cung cấp mới có”, anh Thông cho biết.
Trong khi đó, chị L.T.A. (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng có cháu mắc bệnh ung thư máu. Trong khi điều trị, bác sĩ kê đơn thuốc có sản phẩm Decitabinne. Tuy nhiên, chị cũng được các bác sĩ cho biết, bệnh viện không còn loại thuốc quý này.
Chị A. chia sẻ: “Lúc đầu, gia đình tôi rất hoang mang chỉ biết nhờ các bác sĩ tìm mọi cách điều trị cho bé. May mắn, bệnh viện đã liên hệ được đơn vị cung cấp thuốc từ nước ngoài cũng là một bệnh viện có uy tín. Bệnh viện phía bên nước ngoài cho biết sẽ bán thuốc cho bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân”.
Tìm hiểu lý do khan hiếm thuốc quý hiếm, một lãnh đạo bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM chia sẻ, trước đó, bệnh viện đã phải hủy 2.000 viên thuốc đặc trị ung thư vì đã hết hạn sử dụng. Lý do, số lượng bệnh nhân sử dụng ít, trong khi hạn dùng ngắn và thuốc phải sử dụng theo hình thức đồng chi trả, tức là người bệnh phải trả một phần chi phí. Tuy nhiên, cũng nhờ lô hàng này, bệnh viện đã cứu sống hàng chục trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Bác sĩ Dương Triệu Vũ, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Trong quá trình điều trị, một số bệnh nhân ung thư rất lo lắng khi thuốc đặc trị không còn. Họ đã tìm khắp nơi ngoài thị trường nhưng không có thuốc hoặc có nhưng họ lo sợ nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng kém,... Bệnh viện đã chủ động liên hệ với các đầu mối là công ty dược để cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân.
Hiện, thuốc đặc trị ung thư rất đa dạng. Nhưng một số bệnh đặc thù như ung thư máu, bệnh hiếm thì thuốc cũng hiếm. Trong khi đó, để nhập được thuốc hiếm cần phải trải qua quy trình rất chặt chẽ. Hy vọng thời gian tới sẽ có những quy định uyển chuyển hơn để nguồn thuốc hiếm không còn hiếm với bệnh nhân”.
Cùng quan điểm, dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, sở Y tế TP.HCM khẳng định: “Thuốc hiếm là thuốc rất cần và trong một số trường hợp cấp cứu là tối cần cho bệnh nhân. Vì sao loại thuốc này lại hiếm, đó là do thuốc chỉ sử dụng cho bệnh lý có nhu cầu rất ít và hạn dùng thuốc ngắn. Phần lớn, thuốc rẻ tiền và giá trị kinh tế thấp nên ít công ty nhập khẩu dược quan tâm sản xuất, phân phối.
Nếu nhập lô hàng thuốc hiếm về mà chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng cho một vài bệnh nhân rồi sau đó, hủy lô hàng thì công ty kinh doanh dược sẽ chịu thua lỗ. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao đa số thuốc hiếm không có số đăng ký (Visa-PV). Nhà sản xuất luôn cân nhắc khi xin Visa lưu hành 5 năm ở Việt Nam, vì phải chọn sản phẩm có thị phần lớn.
Từ lâu, ngành y tế có hướng giải quyết thuốc hiếm bằng cách cho nhập khẩu theo hạn ngạch với nhu cầu cụ thể mà bệnh viện đã đề xuất, dự trù trước đó. Và, thuốc chỉ được sử dụng tại đúng bệnh viện đã đề xuất”.
Khó tìm vì ít khi dùng tới?
Theo dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, thuốc hiếm là loại thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm theo yêu cầu điều trị đã được bộ Y tế ban hành bằng Quyết định 37/2008/QĐ/BYT.
Cũng theo dược sĩ Vĩnh, hàng năm, sở Y tế TP.HCM đều có đề xuất cách mua sắm các loại thuốc này. Sau đó, có văn bản chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn xem xét các thuốc hiếm thiếu, hoặc chưa được cung ứng, kịp thời báo cáo, lập dự trù thuốc, gửi công ty nhập khẩu các thuốc hiếm để họ kiếm tìm nguồn cung cấp. Khâu cuối là công ty dược sẽ gửi cục Quản lý Dược xin phép được nhập khẩu thuốc này. Hiện, những công ty nhập khẩu thuốc hiếm chỉ đếm trên đầu ngón tay, có khoảng 5/100 công ty dược nhập khẩu được thuốc hiếm.
Dược sĩ Vĩnh khẳng định, cục Quản lý Dược rất ủng hộ các sở Y tế địa phương ưu tiên cho những đơn vị nhập khẩu thuốc hiếm nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, có tình trạng thuốc được nhập về nhưng không dùng. Đến khi có trường hợp bệnh hiếm, cần dùng, bệnh viện lại không có.
Chẳng hạn, bệnh viện nhập về lô hàng thuốc hiếm là Huyết thanh kháng nọc, chuyên trị các loại rắn độc cắn. Nhưng suốt thời gian thuốc nhập về, lại không có trường hợp bệnh nhân nào cấp cứu vì bị rắn độc cắn. Lúc đó, số thuốc trên phải được tiêu hủy vì đã hết hạn sử dụng. Và, trong lúc đang tiếp tục lập báo cáo dự trù, bệnh viện lại tiếp nhận bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì bị rắn cắn. Lúc này, thuốc trở nên hiếm.
Việc thuốc hiếm trở nên khan hiếm hoặc hết chỉ xảy ra tại một số trung tâm cấp cứu chống độc, bệnh về huyết học... Còn những bệnh ung thư hiện nay nguồn thuốc rất nhiều.
Cần Thông tư hướng dẫn
Dược sĩ Đỗ Văn Dũng cho biết, Nghị định 54 sẽ giúp quản lý thuốc chặt chẽ hơn. Chúng ta cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể để làm rõ hơn về việc duyệt đơn hàng nhập khẩu thuốc, không loại trừ thuốc hiếm.
Hà Nội: Thêm 1 bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết
http://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-them-1-benh-nhan-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-a334379.html
Tại Hà Nội vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, nâng số ca tử vong do bệnh này từ đầu năm tới nay lên 4 trường hợp.
Ngày 2/8, PV báo Người Đưa Tin cập nhật thông tin từ sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 26/7, tại Hà Nội ghi nhận thêm 1 trường hợp bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết sau 5 ngày kể từ khi phát hiện mắc bệnh.
Bệnh nhân được xác định là Nguyễn Văn C. (61 tuổi, trú tại Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội). Bệnh nhân mắc bệnh ngày 21/7 và nhập viện Quân y 103 ngày 23/7. Tại bệnh viện, bệnh nhân C. được các bác sĩ chẩn đoán Dengue xuất huyết nặng.
Như vậy, lũy tích từ ngày 1/1/2017 đến nay, với bệnh sốt xuất huyết, toàn thành phố ghi nhận: 8.982 trường hợp, 4 trường hợp tử vong; số bệnh nhân đã khỏi: 7.881 (chiếm 87,7%); số ổ dịch đã được khống chế là 900 (chiếm 74%).
Trong đó, tuần từ 24-30/7, toàn thành phố ghi nhận 2.305 trường hợp. Các đơn vị có số ghi nhận cao trong tuần là Hoàng Mai (400), Đống Đa (380), Hai Bà Trưng (224), Thanh Xuân (178), Cầu Giấy (142), Ba Đình (113), Thanh Trì (106), Hà Đông (97), Nam Từ Liêm (90), Thường Tín (69).
Bên cạnh đó, sở Y tế Hà Nội cũng thông tin về tình hình một số bệnh khác:
Ho gà: Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp. Lũy tích năm 2017: 108 trường hợp, 1 trường hợp tử vong.
Sốt phát ban dạng sởi: Trong tuần ghi nhận 3 trường hợp. Lũy tích năm 2017: 107 trường hợp, không có trường hợp tử vong.
Tay chân miệng: Trong tuần ghi nhận 13 trường hợp. Lũy tích năm 2017: 93 trường hợp, không có trường hợp tử vong. Không ghi nhận trường hợp mắc các dịch bệnh xâm nhập khác như MERS-CoV, vi rút Ebola, cúm A (H5N6), cúm A (H7N9), bệnh do vi rút Zika…
Hồi sinh kỳ diệu sau 2 lần bệnh viện trả về
http://www.nguoiduatin.vn/hoi-sinh-ky-dieu-sau-2-lan-benh-vien-tra-ve-a334239.html
Mặc dù bị 2 bệnh viện trả về, nhưng người đàn ông có quốc tịch Hàn Quốc may mắn được đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Quân y 175 quyết tâm cứu chữa đến cùng và hồi phục.
Mới đây, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bác sĩ Trịnh Văn Thảo, Trưởng khoa Ngoại bụng, bệnh viện Quân y 175 (786 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, ngày 11/5, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Jeong Jae Geun, 54 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, thiếu máu mức độ nặng, thể trạng suy kiệt. Các bác sĩ bệnh viện Quân y 175 đã tiến hành cấp cứu ban đầu.
Trước khi đến bệnh viện Quân y 175, bệnh nhân từng bị 2 bệnh viện trả về. Xét thấy mức độ nguy hiểm của ca bệnh, ban Giám đốc bệnh viện đã quyết định tiến hành hội chẩn ngay.
Kết quả hội chẩn, bệnh nhân bị viêm tụy cấp hoại tử xuất huyết gây áp-xe (abces) sau phúc mạc, thủng đại tràng, nhiễm khuẩn huyết, suy mòn, suy kiệt nặng và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với chẩn đoán. Sau đó, ông Jeong Jae Geun được đưa về khoa Ngoại bụng thuộc bệnh viện Quân y 175 để tiếp tục điều trị.
Ngày 18/5, sau một tuần điều trị, bệnh viện tiến hành hội chẩn lần thứ hai, kết luận hướng điều trị tiếp theo là chọc dịch MP, mổ mở ổ bụng thông hồi tràng ra da, tiên lượng rất nặng, đe dọa tử vong.
Sau mổ, bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu, xuất hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan, viêm phổi, suy hô hấp. Kíp y, bác sĩ điều trị đã báo cáo ban Giám đốc bệnh viện và quyết định đưa ra hướng điều trị thở máy, lọc máu liên tục, sử dụng kháng sinh mạnh, kết hợp nuôi dưỡng tĩnh mạch và nuôi ăn qua ống thông mũi - dạ dày. Kết hợp tưới, rửa ổ abces hằng ngày.
Sau khi hội chẩn nhiều lần, kết luận, tình trạng nhiễm trùng còn nặng, viêm phổi, suy mòn, suy kiệt, toác vết mổ thành bụng, suy đa cơ quan, thở máy và dùng thuốc vận mạch, tiên lượng tử vong.
Lúc này, người nhà bệnh nhân cho rằng, khả năng hồi phục rất mong manh, trong khi chi phí điều trị quá lớn nên đã xin bác sĩ rút ống thở để đưa bệnh nhân về nước. Tuy nhiên, ban Giám đốc bệnh viện quyết tâm điều trị đến cùng cho bệnh nhân, vấn đề chi phí sẽ tính sau.
Kể với PV, người nhà bệnh nhân cho biết: “Tôi chăm sóc cho ông mấy tháng nay, từng chứng kiến giây phút cận kề cửa tử của ông. Gia đình đã quyết định xin bác sĩ rút ống thở để đưa ông về nước. Bác sĩ cho biết, tình trạng bệnh nhân nguy kịch, không còn tia hy vọng nhưng họ chưa đầu hàng thì người nhà không nên vội vàng. Sau nhiều lần mổ, hàng chục ngày nằm viện điều trị, đến nay ông đã ổn. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự tận tâm, tận tình của tập thể y, bác sĩ bệnh viện Quân y 175".
Đến nay sau gần 3 tháng điều trị, bệnh nhân đã ổn định, hết viêm phổi, tự thở được, tự ăn uống, tinh thần phấn khởi, tự vận động và sinh hoạt chủ động, thể trạng khá. Đến nay, chi phí điều trị lên tới 413 triệu đồng nhưng bệnh nhân mới chỉ thanh toán được 40 triệu đồng.
Qua đây, bệnh viện mong muốn sự quan tâm, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng người Hàn Quốc sinh sống làm việc tại Việt Nam có thể chia sẻ cho bệnh nhân một phần chi phí. Mọi thông tin xin liên hệ, bệnh nhân Jeong Jea Geun, khoa Ngoại bụng, bệnh viện Quân y 175.
Tăng cường quản lý, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản
Chiều 2-8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối hợp với Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2017-2020.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT cho biết, việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm động vật. Việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, trộn kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản mà không có sự giám sát về chuyên môn cho thấy, thuốc kháng sinh được sử dụng thiếu trách nhiệm ở Việt Nam. Do vậy, kế hoạch hành động quốc gia này sẽ góp phần giảm thiểu các nguy cơ kháng thuốc cho cộng đồng liên quan tới việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, Kế hoạch hành động quốc gia có 5 mục tiêu: Rà soát, sửa đổi và thi hành các quy định và chính sách liên quan đến kháng kháng sinh (KKS) và SDSK trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; nâng cao nhận thức về SDKS và nguy cơ về sự hình thành KKS cho cán bộ kỹ thuật, người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, cho nông dân và người tiêu dùng; thực hiện các thực hành tốt trong khám chữa bệnh, thực hành tốt trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thực hành tốt trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giám sát SDSK, kháng sinh tồn dư và KKS trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác liên ngành về quản lý KKS.
Thuốc kháng sinh có thể giết hoặc ức chế sự phát triển của vi sinh vật như vi khuẩn, nấm hoặc động vật nguyên sinh. Chúng đã được sử dụng rộng rãi trong những thập kỷ gần đây và cho phép chúng ta đạt được những thành tựu nổi bật về thuốc thú y và thuốc cho người. Là một công cụ thiết yếu để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, thuốc kháng sinh cũng góp phần cải thiện an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và phúc lợi động vật. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc kháng sinh đã bị cản trở bởi sự phát triển của các cơ chế kháng thuốc giữa các chủng vi khuẩn có nguồn gốc từ người, động vật, thực phẩm và môi trường. Việc nhiễm các vi khuẩn kháng thuốc có thể khiến cho điều trị bệnh bị thất bại, bệnh trở nên nặng hơn và thậm chí gây tử vong. Để triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động quốc gia, Bộ NN và PTNT coi trọng tầm quan trọng các hành động phối hợp không chỉ giữa các đơn vị trực thuộc Bộ NN & PTNT mà còn sự phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Theo ông JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO, kháng kháng sinh đe doạ đến sức khoẻ và sinh kế của người dân Việt Nam, đe doạ tính bền vững của hệ thống sản xuất nông nghiệp và thực phẩm cũng như môi trường. Người chăn nuôi, bác sĩ thú y và người bán thuốc thú y cần chia sẻ trách nhiệm bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm hơn, tìm ra các giải pháp thay thế để duy trì sức khỏe và năng suất chăn nuôi như cải thiện an toàn sinh học và các thực hành trong chăn nuôi.
Còn theo ông Craig Hart, Phó giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, việc khởi động kế hoạch hành động là một bước đi rất quan trọng, nhưng sự thành công của nó phụ thuộc vào việc thực hiện hiệu quả, vào việc tuân thủ và thực thi pháp luật khi cần thiết. Các hành động cần phải dựa trên bằng chứng tốt nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Danh mục các bệnh viện và các xét nghiệm thực hiện liên thông kết quả
Trước mắt, 38 bệnh viện Trung ương trực thuộc Bộ Y tế thí điểm thực hiện liên thông 65 kết quả xét nghiệm thuộc 3 chuyên ngành gồm: Huyết học, hóa sinh và vi sinh, bắt đầu từ ngày 1/8.
Hiện, các bệnh viện Trung ương thực hiện liên thông từ 1/8 vẫn đang tiếp tục tự đánh giá và xếp hạng mức chất lượng xét nghiệm theo Bộ tiêu chí đánh giá do Bộ Y tế xây dựng gồm 5 mức: Rất tốt, tốt, khá, trung bình khá, trung bình và chưa xếp hạng.
Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, đến thời điểm hiện tại, mới có một số bệnh viện gửi thông tin tự đánh giá và xếp hạng mức chất lượng xét nghiệm về Cục. Theo đó, những bệnh viện này đa số tự đánh giá ở mức trung bình khá và trung bình theo Bộ tiêu chí của Bộ Y tế.
Theo nguyên tắc, để thực hiện liên thông, các bệnh viện sẽ được đánh giá và xếp hạng mức chất lượng xét nghiệm. Khi đó, các bệnh viện liên thông phải cùng mức đánh giá với nhau.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, đến nay, các văn bản liên quan đến liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện đã tương đối hoàn tất. Một số kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định. Và quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết theo diễn biến bệnh của bệnh nhân.
Hiện, cả nước có 38 bệnh viện tuyến Trung ương, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, 645 bệnh viện huyện và 31 bệnh viện ngành. Theo lộ trình, chậm nhất đến năm 2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương. Đến năm 2020 liên thông với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành phố. Đến năm 2025 sẽ liên thông trên phạm vi toàn quốc.
Hằng năm, các bệnh viện có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỉ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm. Trong khi đó, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm riêng số xét nghiệm không phải thực hiện khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì tiết kiệm được khoảng 237,5 tỷ đồng mỗi năm.
Việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, kiểm soát lạm dụng xét nghiệm, giảm chi phí và phiền hà cho bệnh nhân khi khám chữa bệnh.
Phòng biến chứng nguy hiểm ở trẻ bị sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng nhanh khiến nhiều bệnh viện quá tải; trong đó, có không ít bệnh nhi với những biến chứng trầm trọng.
Bộ Y tế cho biết: Tích lũy 7 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận gần 60.000 ca mắc sốt xuất huyết và 18 trường hợp tử vong. Đặc biệt, hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có số bệnh nhân gia tăng đột biến, khiến nhiều bệnh viện quá tải; trong đó có trẻ em và có những biến chứng nặng.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, năm nay số trẻ đến khám sốt xuất huyết tăng cao gần 10 lần với so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, hiện có 28 bệnh nhi điều trị nội trú. Đáng chú ý, 5 bệnh nhi trong số này có dấu hiệu cảnh báo vì biến chứng.
Tại Bệnh viện E, lượng bệnh nhi bị sốt xuất huyết đang gia tăng, có đêm khoa Cấp cứu tiếp nhận 6 trẻ bị sốt xuất huyết. Hiện tại khoa Nhi của bệnh viện có 18/42 bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết với nhiều biến chứng nặng.
heo các bác sỹ, bệnh sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm với trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy, người lớn phải theo dõi sát sao con em mình, khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc sốt xuất huyết nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.
Các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết là: Trẻ sốt cao đột ngột, liên tục trên 38,5 độ C; toàn thân mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau các khớp, chán ăn, buồn nôn, đầy bụng khó tiêu; xuất huyết dưới da dạng chấm, nốt; xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng); đau bụng âm ỉ; buồn nôn, nôn hay nôn khan. Đặc biệt, khi đã xuất huyết tiêu hóa là dấu hiệu nặng như: nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc ra máu đỏ tươi.
Các bác sỹ khuyến cáo: Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu như trẻ mệt, quấy khóc, lừ đừ, vật vã, vã mồ hôi, chân tay lạnh; trẻ buồn nôn và nôn; đau bụng; chảy máu chân răng, chảy máu mũi; tiểu ít, đi ngoài phân đen. Tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và theo dõi.
Bộ Y tế khuyến cáo, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để ngăn dịch bệnh bùng phát và lan rộng, kéo dài, thời gian tới, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.
Các gia đình nên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà...
TPHCM: Nguy cơ bệnh tay chân miệng tăng nhanh theo sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành dữ dội khiến 4 người tử vong. Bên cạnh đó bệnh tay chân miệng cũng tăng theo, nguy cơ vào mùa dịch khi trẻ bắt đầu năm học mới. Ngành y tế khuyến cáo cộng đông chủ động các biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Ngày 2/8, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho hay: Trên địa bàn thành phố có 11.195 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị trong 7 tháng đầu năm, bệnh đã tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016.
Mặc dù ngành y tế đang chủ đông triển khai các biện pháp phòng bệnh nhưng vẫn chưa kiểm soát được sự gia tăng sốt xuất huyết. Điểm nóng dịch bệnh này đang tập trung tại quận Bình Tân, quận 12, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn.
Trong 7 tháng qua, sốt xuất huyết đã khiến 4 người tử vong gồm 1 ca ngụ tại quận 5; 2 ca ngụ tại quận 12 và 1 ca ngụ tại quận Bình Thạnh. Các bệnh nhân đều nhập viện trễ khi đã vào giai đoạn sốc dẫn tới biến chứng suy đa tạng, không còn khả năng cứu chữa.
Cùng với sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cũng gia tăng, số liệu thống kê giám sát các bệnh truyền nhiễm cho thấy, tuần qua 138 trẻ mắc bệnh được ghi nhận tại các cơ sở điều trị. Tay chân miệng đã tăng 8% so với trung bình của 4 tuần trước, tổng kết sơ bộ trong 7 tháng có gần 2.500 trẻ bị bệnh.
BS Trí Dũng cảnh báo, từ nửa cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn sẽ bước vào năm học mới. Khi trẻ nhập học trở lại, những nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng sẽ tăng cao, đây cũng là thời điểm bệnh vào mùa theo tính chu kỳ.
Ngoài lời kêu gọi cộng đồng chủ động triển khai các giải pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe, BS Trí Dũng cho biết Trung tâm Y tế Dự phòng sẽ yêu cầu các đơn vị trực thuộc ở tuyến quận huyện, phường xã tích cực phối hợp với các trường học trên địa bàn thực hiện các biện pháp dự phòng. Mục tiêu trong tâm hướng tới các giải pháp vệ sinh khử khuẩn, truyền thông để giảm tối đa nguy cơ phát sinh mầm bệnh cũng như sẵn sàng xử lý các điểm phát hiện ca bệnh, không để tay chân miệng phát tán trên diện rộng.
Quảng Ngãi: Trẻ sơ sinh tử vong vì dây rốn quấn cổ 4 vòng sau kết luận siêu âm bình thường
Dù đã được BVĐK huyện Sơn Tịnh siêu ẩm chẩn đoán tình trạng thai nhi bình thường vào chiều ngày 1/8, tuy nhiên đến sáng hôm sau con trai của sản phụ Đinh Thị Tuyết Ngân (25 tuổi, xã Tịnh Bình, Sơn Tịnh) đã tử vong ngay sau khi sinh do dây rốn quấn cổ 4 vòng.
Thông tin với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Xuân (mẹ sản phụ Ngân), cho biết: trong vòng 1 tháng trước khi sinh, sản phụ Ngân đã đến BVĐK huyện Sơn Tịnh siêu âm kiểm tra tình trạng thai nhi 2 lần. Lần gần nhất là vào chiều ngày 1/8, kết quả siêu âm cho thấy thai nhi bình thường.
Theo bà Xuân, sau khi siêu âm về sản phụ Ngân bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ. Đến 3h sáng ngày 2/8, gia đình đưa sản phụ Ngân đến BVĐK huyện Sơn Tịnh để sinh con. Đến khoảng 4h sản phụ Ngân được chỉ định chuyển thẳng vào phòng sinh.
Theo bà Xuân, vào thời điểm đó trong phòng sinh còn một sản phụ khác cũng đang chuyển dạ. Phụ trách 2 ca sinh cùng lúc chỉ có 2 nữ cán bộ y tế. Gần 1 tiếng sau, bà Xuân nhận được tin cháu trai của mình đã tử vong do dây rốn quấn cổ 4 vòng.
"Đợi ngoài phòng sinh hơn nửa tiếng thì có một cô đưa nhau của cháu tôi ra mà không nói gì. Khoảng 15 phút sau có 1 bác sĩ đến thông báo là cháu tôi đã tử vong do dây rốn quấn cổ và bảo đưa cháu về nhà lo hậu sự. Tại sao mới siêu âm chiều hôm qua bảo thai khỏe mà đến sáng thì cháu tôi mất do dây rốn quấn cổ 4 vòng", bà Xuân bức xúc.
Quá bức xúc trước cái chết của cháu trai, gia đình bà Xuân đã điện báo lực lượng Công an để làm rõ sự việc.
Ngay trong sáng ngày 2/8, phóng viên đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc BVĐK huyện Sơn Tịnh để tìm hiểu sự việc.
Bà Ngọc xác nhận, chiều 1/8 sản phụ Ngân đã được siêu âm chẩn đoán tình trạng sức khỏe thai nhi. Theo báo cáo, thai nhi cân nặng 3,2 kg, tình trạng bình thường nhưng đến sáng hôm sau thì cháu bé tử vong sau sinh vì dây rốn quấn cổ 4 vòng.
"Có thể do tư thế thai nhi không bình thường nên khi siêu âm không phát hiện ra dây rốn quấn cổ", bà Ngọc cho biết.
Cũng theo bà Ngọc, phụ trách kíp trực thời điểm đó có có 1 Bác sĩ, 1 nữ hộ sinh và 1 Y sĩ. Tuy nhiên chỉ có 1 nữ hộ sinh và 1 Y sĩ trực tiếp phụ trách 2 ca sinh cùng lúc, trong đó có ca sinh của sản phụ Ngân.
Khi được hỏi tại sao 2 ca sinh cùng lúc nhưng chỉ có 1 nữ hộ sinh và 1 Y sĩ phụ trách, bà Ngọc cho rằng, chỉ có những ca sinh tiên lượng khó mới cần thêm sự hỗ trợ.
"Phần lớn những ca sinh rất bình thường, chỉ có những ca sinh khó mới tăng cường hỗ trợ. Lần này do không lường trước được thai nhi bị dây rốn quấn cổ nên đã xảy sự việc đáng tiếc".
Cũng theo bà Ngọc, bệnh viện sẽ tiến hành kiểm thảo tử vong để có kết luận chính xác nhất vụ việc.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.