Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 4/1/2016

  • |
T5g.org.vn - Hệ thống y tế cơ sở sẽ đi theo mô hình của Hoa Kỳ từ tháng Một; Những kỳ vọng từ phẫu thuật nội soi nhi bằng rô-bốt; Khánh Hòa: Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao kỷ lục; Quảng Bình: Chơi lon bia, bé hơn 1 tuổi bị cắt rách miệng

Hệ thống y tế cơ sở sẽ đi theo mô hình của Hoa Kỳ từ tháng Một

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, sắp tới Bộ Y tế sẽ tiến hành sáp nhập các trung tâm y tế dự phòng, trung tâm phòng chống HIV/AIDS, trung tâm phòng chống bệnh xã hội… thành một đơn vị thống nhất.

Tại hội nghị đổi mới hệ thống y tế địa phương ngày 30/12, ông Tác cho hay, việc cải cách hành chính ở tuyến tỉnh sẽ được thực hiện ngay từ tháng 1/2016 theo mô hình CDC Hoa Kỳ (kiểm soát dịch bệnh) theo tinh thần của thông tư số 51/2015/TTLT-BYT-BNV.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay ở nhiều địa phương tồn tại trung bình 5-7 trung tâm, cá biệt có địa phương lên đến 12 trung tâm..

Cũng theo thông tư 51, cấp sở sẽ khống chế đội ngũ lãnh đạo không quá 3 cấp phó; tại cấp tổng cục lãnh đạo có không quá 4 cấp phó.

Như vậy việc sáp nhập các trung tâm này sẽ giúp tinh giảm rất nhiều về nhân lực. Điển hình như riêng đội ngũ giám đốc các trung tâm sẽ giảm 5-12 người xuống còn 1 giám đốc duy nhất. Như vậy, tính chung trên toàn quốc sẽ giảm hàng trăm xe công phục vụ riêng các giám đốc; giảm xây dựng mới hàng trăm trụ sở công…

Cũng theo ông Tác, với quy định mới tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo yêu cầu lãnh đạo phải có trình độ sau đại học và thêm một quy định buộc phải có đó là chứng chỉ về đào tạo quản lý ngành y tế.

"Bởi lâu nay người quản lý trong ngành thường có bằng cấp về chuyên môn, chuyên ngành liên quan đến điều trị, dự phòng trong khi việc quản lý phải có kỹ năng, nghiệp vụ về điều hành nhân sự, tài chính," ông Tác nhấn mạnh.

Theo quy định mới, đối với tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, do đặc thù của ngành y tế là ngành chuyên môn kỹ thuật cao, Giám đốc Sở Y tế phải có trình độ chuyên môn sau đại học về y, dược, y tế công cộng, hoặc quản lý y tế.

Đối với Phó Giám đốc Sở Y tế phải có trình độ chuyên môn sau đại học một trong các chuyên ngành y, dược hoặc chuyên ngành khác phù hợp với lĩnh vực công tác đảm nhiệm.

Đối với tiêu chuẩn về ngạch, yêu cầu Giám đốc và Phó giám đốc Sở y tế giữ ngạch chuyên viên chính hoặc các ngạch tương đương trở lên.

Cũng trong thời gian tới, tại cấp xã phường cũng sẽ thành lập trung tâm hai chức năng trên cơ sở sáp nhập trung tâm y tế dự phòng, trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện. Việc này đảm bảo thống nhất điều hành trong việc phòng chống và điều trị cho người dân đạt kết quả tốt nhất ngay tại tuyến cơ sở, nguồn lực đầu tư tập trung.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy thực tế thời gian qua, một số địa phương còn xem nhẹ đầu tư cho y tế dự phòng, khiến dịch bệnh lây lan, chỉ tập trung cho các cơ sở điều trị vì đây là cơ sở có nguồn thu.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/he-thong-y-te-co-so-se-di-theo-mo-hinh-cua-hoa-ky-tu-thang-mot-20160102214725252.htm

Những kỳ vọng từ phẫu thuật nội soi nhi bằng rô-bốt

Phẫu thuật nội soi (PTNS) được ứng dụng ở nước ta đã hơn 15 năm nhưng PTNS bằng rô-bốt thì lần đầu tiên được thực hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương mới gần hai năm nay. Tuy nhiên, đây là loại phẫu thuật công nghệ cao nên Nhà nước cần có cơ chế bảo hiểm y tế (BHYT) phù hợp nhằm hỗ trợ các bệnh nhi nghèo không may mắc các bệnh lý phức tạp.

Tiến sĩ Phạm Duy Hiền, Chủ nhiệm Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Triển khai từ cuối tháng 2-2014 đến hết năm 2015, bệnh viện đã thực hiện được 83 ca PTNS bằng rô-bốt. Hai trường hợp gần đây nhất là cháu Trần Thị Ngọc Bích (1 tuổi), bị bệnh phình đại tràng bẩm sinh được mổ vào ngày 15-12-2015 và cháu Đồng Việt Anh (8 tuổi) bị hẹp khúc nối bể thận niệu quản, thực hiện vào ngày 17-12-2015. Sau PTNS bằng rô-bốt, các cháu chỉ điều trị khoảng năm ngày, an toàn rồi xuất viện. PTNS bằng rô-bốt thực ra đã được tiến hành cách đây hơn 20 năm ở một số nước phát triển và được áp dụng cho bệnh nhân lớn tuổi.

Khi chuyển giao vào Việt Nam, với sự sáng tạo (cải tiến một số chi tiết), các thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã ứng dụng để phẫu thuật cho đối tượng bệnh nhân nhỏ tuổi. PTNS bằng rô-bốt như Tiến sĩ Hiền trao đổi, là loại phẫu thuật công nghệ cao đặc biệt mà anh chính là người đi tiếp thu ở nước ngoài về, và lâu nay là người trực tiếp mổ và điều hành các ca PTNS bằng rô-bốt ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

PTNS bằng rô-bốt (hay còn gọi phẫu thuật rô-bốt) là một kỹ thuật hiện đại trong PTNS. Nó được thực hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào những năm cuối 80 của thế kỷ trước. Hiện nay PTNS rô-bốt đã trở thành thường quy tại các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản… và được thực hiện trên các mặt bệnh của người lớn như cắt dạ dày, cắt gan, cắt khối u tiền liệt tuyến, phẫu thuật lồng ngực. Tuy nhiên để triển khai thực hiện loại phẫu thuật này cần có trang thiết bị đắt tiền. Đầu năm 2014, sau một thời gian chuẩn bị và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bệnh viện Nhi Trung ương nhập khẩu thiết bị và khai trương PTNS rô-bốt đúng dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-2014).

Có thể nói, đây là trung tâm nhi khoa đầu tiên của Đông Nam Á và là nước thức 3 ở châu Á thực hiện loại phẫu thuật hiện đại này.

Tiến sĩ Phạm Duy Hiền, chuyên gia hàng đầu, người mổ quá nửa số ca (83 trường hợp đến thời điểm này) tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng: So với PTNS quy ước thì PTNS rô-bốt có độ chính xác cao hơn. Bởi với đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ trên hình ảnh 3D, cho phép các "cánh tay" rô-bốt có thể xoay chuyển ở mọi góc độ, ngóc ngách của vị trí cần mổ (mà cánh tay người phẫu thuật viên khó thực hiện). Ưu việt của PTNS rô-bốt là vùng phẫu thuật thu hẹp, ít xâm lấn, không gây sang chấn và ít chảy máu, mức độ cảm giác đau của bệnh nhân được hạn chế đến mức tối đa, nên trạng thái phục hồi sức khỏe nhanh (sau mổ, người bệnh điều trị không quá một tuần thì xuất viện).

Đáng chú ý, đến nay đã có hơn 80 ca PTNS rô-bốt được thực hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương với các mặt bệnh phức tạp như phình đại tràng bẩm sinh, u nang ống mật chủ, hội chứng hẹp khúc nối bể thận niệu quản, các khối u trong ổ bụng hoặc ở lồng ngực nhưng chưa hề có ca nào bị biến chứng. Về chi phí cho một ca PTNS rô-bốt nếu tính đúng và tính đủ thì từ 50 - 80 triệu đồng/ca, nhưng lâu nay Bệnh viện chỉ thu như một ca mổ nội soi thông thường (khoảng 2 triệu đồng/ca).

Thiết bị PTNS rô-bốt sử dụng tại Bệnh viện Nhi Trung ương được nhập khẩu với trị giá hơn 90 tỷ đồng. Song gần hai năm đi vào hoạt động mới thực hiện được 83 ca cho các bệnh lý ở trẻ nhỏ. Thực tế cho thấy hằng năm, cả nước có hàng chục nghìn trường hợp bệnh nhi cần được điều trị bằng phương pháp này, nhưng khá nhiều trường hợp không có khả năng tài chính. Cho nên thiết nghĩ, Nhà nước cần sớm có chính sách BHYT phù hợp để hỗ trợ các đối tượng trẻ nhỏ không may mắc các chứng bệnh phức tạp nêu trên, nhất là những trường hợp gia cảnh nghèo khó ở địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; đặng giúp các em có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng kỹ thuật mới trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

Mặt khác, PTNS rô-bốt còn được áp dụng cho các bệnh lý ở người lớn tuổi, bởi vậy nên chăng cần có cơ chế phối hợp giữa Bệnh viện Nhi Trung ương với các bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai, Hữu nghị Việt- Đức, Trung ương Quân đội 108… nhằm khai thác cao hơn công suất của hệ thống máy móc, thiết bị đắt tiền này.

http://cand.com.vn/y-te/Nhung-ky-vong-tu-phau-thuat-noi-soi-nhi-bang-ro-bot-378367/

Khánh Hòa: Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao kỷ lục

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận hơn 9.200 người mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ trước đến nay và cao gấp gần 10 lần so với năm 2014.

Trong tháng 12 vừa qua, bình quân mỗi ngày tỉnh Khánh Hòa ghi nhận gần 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bệnh này đã xuất hiện tại tất cả các địa phương ở tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, nhiều nhất là ở thị xã Ninh Hòa với hơn 2400 ca, tiếp theo là thành phố Nha Trang gần 1900 ca mắc. Hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bà Trần Thị Kim Loan ở thôn Xuân Hòa, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Gia đình tôi có 7 người mà có 4 người vô viện, tự lo chăm sóc cho nhau. Vô đây bệnh nhân nhiều quá, chật chội ghê lắm, bất tiện nhất là chỗ ngủ, chỗ nằm”.

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận hơn 9.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 10 lần so với năm ngoái. Đã có 2 trường hợp tại huyện Vạn Ninh tử vong do sốt xuất huyết. Tỉnh Khánh Hòa đã thành lập và  đưa vào hoạt động Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tại huyện Diên Khánh để làm nơi điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, số ca mắc bệnh nhập viện tăng cao gấp nhiều lần so với quy mô của các bệnh viện khiến nhiều bệnh viện đều bị quá tải. Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa chỉ có 35 giường bệnh nhưng phải tiếp nhận từ 150-180 bệnh nhân điều trị. Bệnh viện này đã sử dụng lán, trại để kê giường tạm nhưng vẫn xảy ra tình trạng 2 - 3 bệnh nhân nằm chung giường.

Hiện tại Sở Y tế đã tăng cường bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Diên đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Bác sỹ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Cơ sở vật chất Bệnh viện nhiệt đới tương đối đảm bảo được yêu cầu. Tuy nhiên, ở Ninh Hòa với một quy mô một khoa truyền nhiễm khoảng 70 giường, 150 bệnh nhân thì quá tải rất lớn. Bệnh viện phải tổ chức cho điều trị nằm tại hành lang và có những lán trại tạm để mà điều trị cho bệnh nhân, dịch tăng cao thì đây là giải pháp cấp thời”./.

http://vov.vn/xa-hoi/khanh-hoa-benh-nhan-sot-xuat-huyet-tang-cao-ky-luc-465088.vov

Quảng Bình: Chơi lon bia, bé hơn 1 tuổi bị cắt rách miệng

Sáng 3/1, tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và cấp cứu một bệnh nhân bị rách miệng do cắn phải lon bia.

Trước đó, bé Đ.V.Q. (15 tháng tuổi, trú tại Đồng Hới) được người nhà đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới trong tình trạng máu chảy loang miệng.

Sau khi thăm khám và tiêm thuốc giảm đau, các bác sĩ bệnh viện này đã tiến hành khâu 3 mũi ở môi trên cháu bé. Gia đình bệnh nhân cho biết, trong lúc bé Q. đang chơi lon bia ở sàn nhà, do trượt chân ngã nên miệng cháu đã cắn vào lon bia làm rách môi.

Cũng ở tỉnh Quảng Bình, vào tháng 8/2015, cháu N.Q.B. (2 tuổi), ở xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, con anh N.V.L., và chị N.T.C. đã chết oan uổng do đút chìa khóa xe máy vào ổ cắm điện. Cháu C. chết tức tưởi do người nhà không để ý khi cháu lấy chìa khóa chơi lung tung.

Nhiều chuyên gia cũng đã từng khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên cho con cái chơi những đồ vật bằng kim loại, sắc nhọn… để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Các tai nạn ở trẻ em thường do người lớn không thể ý, đôi khi chỉ trong một phút có thể xảy ra tai nạn. Vì thế, với trẻ nhỏ hãy luôn để mắt đến trẻ, tạo một môi trường an toàn cho trẻ bằng cách để khỏi tầm với các loại thuốc men, phích nước nóng, các vật nhỏ trẻ có thể nuốt, cho vào mũi...

http://dantri.com.vn/suc-khoe/quang-binh-choi-lon-bia-be-hon-1-tuoi-bi-cat-rach-mieng-20160103101927298.htm

Môi trường sống đang làm giảm khả năng sinh sản của nam giới

Nhiều nghiên cứu gần đây đã đặt ra vấn đề về xu hướng tăng tỉ lệ vô sinh nam do bất thường tinh trùng (TT) ở VN.

Và môi trường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc con người ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các tác nhân ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của chính từng cá thể tiếp xúc và các thế hệ sau đó.

Nhiều nghiên cứu gần đây đã đặt ra vấn đề về xu hướng tăng tỉ lệ vô sinh nam do bất thường tinh trùng (TT) ở VN. Và môi trường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc con người ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các tác nhân ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của chính từng cá thể tiếp xúc và các thế hệ sau đó.

PV Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với ThS.BS. Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và sức khỏe sinh sản (CGRH), Khoa Y, Đại học quốc gia TP.HCM; Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM (HOSREM)xung quanh vấn đề này.

- PV: Trước đây, người ta vẫn cho rằng chuyện không có con hoàn toàn do người vợ. Tuy nhiên, y học hiện đại đã chứng minh nguyên nhân đến từ phía các ông chồng không phải ít, đặc biệt là trong những năm gần đây đang tăng lên rõ rệt. Tại VN đã có nghiên cứu nào về tình hình vô sinh nam với các con số cụ thể không, thưa BS?

ThS.BS. Hồ Mạnh Tường: Khoảng 10% các cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản có vấn đề về hiếm muộn. Trong đó, nguyên nhân hiếm muộn do nam giới, đơn thuần hoặc kết hợp, chiếm ít nhất 50%. Vấn đề này đang trở thành mối lo ngại của không riêng các ông chồng mà còn là mối quan tâm của ngành Y tế nói chung.

Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy sự bất thường tinh dịch đồ ở nam giới VN có khuynh hướng gia tăng. Sự suy giảm số lượng và chất lượng TT ở nam giới, đặc biệt là sự bất thường về hình dạng của TT đã ảnh hưởng lớn đến khả năng thụ tinh.

- PV: Vậy theo BS, đâu là căn nguyên của sự gia tăng tỉ lệ bất thường ở TT?

ThS.BS. Hồ Mạnh Tường: Trở ngại lớn nhất của việc điều trị vô sinh nam chủ yếu là do các nguyên nhân của vô sinh nam đến nay chưa được hiểu rõ. Sự phức tạp của các cơ chế liên quan đến quá trình sinh TT trong cơ thể là một trong những nguyên nhân chính khiến các nhà khoa học hiện còn hiểu biết rất ít về căn nguyên và cơ chế gây vô sinh.

Rất nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho hiện tượng số lượng và chất lượng TT người trong tinh dịch có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, có một số vấn đề chính được tổng hợp từ các báo cáo trong y văn thế giới, chẳng hạn do: tổn thương cấu trúc di truyền (AND và ARN) của TT và tế bào sinh tinh (nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với nhiệt độ cao, ô nhiễm môi trường và hóa chất công nghiệp, các gốc oxy hóa tự do có thể làm tổn thương cấu trúc di truyền của TT, dẫn đến TT dị dạng, giảm khả năng thụ tinh, tăng khả năng sảy thai…); các tác nhân gây rối loạn hệ thống nội tiết trong môi trường sống mà con người có thể tiếp xúc từ giai đoạn phôi thai, sau sinh đến dậy thì và sau dậy thì là tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và hoạt động của hệ sinh sản

Cuối cùng là vai trò lối sống và ảnh hưởng của môi trường. Rõ ràng các thay đổi về lối sống và môi trường trên thế giới là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc con người ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các tác nhân ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản. Xã hội hiện đại và công nghiệp hóa được nhiều người cho là đóng vai trò chính.

- PV: BS có thể nói rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng từ một xã hội hiện đại và công nghiệp hóa đến quá trình sinh sản của con người, nhất là đối với nam giới?

ThS.BS. Hồ Mạnh Tường: Một số vấn đề lớn về lối sống và thay đổi môi trường hiện nay được y văn đề cập đến bao gồm: chế độ ăn không tốt cho sức khỏe; tỉ lệ béo phì ngày càng tăng; hút thuốc lá; ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông, khí thải công nghiệp; ô nhiễm nguồn nước sử dụng; thực phẩm chứa độc chất… hay bị stress trong đời sống hiện đại...

Các nghiên cứu gần đây cho thấy tác nhân oxy hóa (stress oxy hóa - oxidantive stress, viết tắt là OS) là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tinh trùng nam giới. OS là hậu quả của sự mất cân bằng giữa sự hình thành các gốc tự do có oxy (ROS) và cơ chế kháng oxy hóa của cơ thể. OS cũng được xem là nguyên nhân của nhiều bệnh lý khác như: xơ vữa động mạch, ung thư, thấp khớp, Parkinson, bệnh lý phụ khoa…

- PV: Như vậy, ý của BS là muốn cải thiện chất lượng TT thì nguyên tắc quan trọng là phải làm sao loại bỏ các gốc tự do này?

ThS.BS. Hồ Mạnh Tường: Đúng vậy. Việc sử dụng các chất kháng oxy hóa (antioxidant) trong điều trị nhằm làm giảm tác động của OS lên TT, qua đó sẽ phục hồi chức năng của TT được nghiên cứu rất nhiều trong những năm gần đây. Các antioxidant được sử dụng phổ biến gồm: vitamin C, vitamin E, kẽm, selenium, acid folic, carnitine, astaxanthin, N-acetyl cysteine, trong đó, đặc biệt là L-carnitine giúp nâng cao chất lượng tinh trùng.

Tại VN, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhằm đánh giá hiệu quả antioxidant trong 3 tháng trên 150 bệnh nhân vô sinh (từ các tỉnh, thành phố khác nhau) do TT kém. Kết quả là các trị số có lợi trong tinh dịch đồ đều tăng, chẳng hạn: tổng số TT trong một lần xuất tinh tăng khoảng 31 - 40%, mật độ TT tăng trung bình 38 - 60%, tỉ lệ TT có khả năng tiến tới cũng tăng 33 - 57%, TT không tiến tới hoặc không di chuyển giảm đáng kể. Bên cạnh đó, tỉ lệ TT sống tăng 28 - 50%, tỉ lệ TT có hình dạng bình thường tăng 1 - 2%.

- PV: Theo BS, có cách nào chẩn đoán sớm nguy cơ giảm khả năng sinh sản ở nam giới để có giải pháp hữu hiệu hơn là đợi có bệnh rồi mới chữa?

ThS.BS. Hồ Mạnh Tường: Có thể thực hiện các chương trình tầm soát về sức khỏe sinh sản sớm trước khi đến tuổi có con để có các biện pháp can thiệp sớm để ngăn chặn hoặc giảm các tác hại hoặc áp dụng các biện pháp lưu trữ TT để duy trì khả năng sinh sản.

Do bất thường về di truyền ở TT do các yếu tố môi trường ngày càng tăng, tỉ lệ bất thường di truyền ở phôi có thể cũng tăng theo. Do đó, vai trò của các kỹ thuật chọn lọc tinh trùng có cấu trúc di truyền bình thường để thực hiện ICSI (tiêm TT vào bào tương noãn) và kỹ thuật chẩn đoán di truyền phôi trước khi làm tổ có thể sẽ ngày càng trở nên quan trọng.

Về lâu dài, các giải pháp toàn diện về cải thiện lối sống và ngăn chặn các biến đổi xấu về môi trường sống sẽ là những vấn đề mang tính toàn cầu.

http://infonet.vn/moi-truong-song-dang-lam-giam-kha-nang-sinh-san-cua-nam-gioi-post187742.info

U tủy sống có thể trị khỏi bằng phẫu thuật

Đa số trường hợp u tủy đều phải mổ để giải quyết khối u và giải phóng sự chèn ép.

Thông thường các loại u tân sinh phát triển không ngừng, ngày càng to ra, chèn ép nhiều vào tủy và hệ thống thần kinh nên buộc phải mổ.

Một số loại không phải là u tân sinh nhưng cũng phát triển to ra, chẳng hạn như nang thượng bì hoặc u quái, u mỡ… khi đã có triệu chứng cũng phải mổ lấy u.

Chỉ có các u lympho (lymphoma) đáp ứng nhạy với hóa trị và u tế bào mầm (germinoma) nhạy với tia xạ, còn hầu hết các trường hợp khác đều phải giải quyết bằng phẫu thuật.

Đối với u ở màng cứng ngoài tủy, việc mổ lấy u khá dễ dàng vì chúng thường chỉ dính một phần nhỏ vào các dây thần kinh hoặc màng tủy.

Những trường hợp u màng não tủy dính vào màng tủy ở phía trước, có thể dễ dàng cắt bỏ màng tủy để tránh tái phát, song việc khâu kín nó để tránh dò dịch não tủy ra ngoài rất khó khăn.

Hiện nay, với xu hướng phẫu thuật ít xâm lấn, nhiều tác giả chủ trương chỉ bóc tách cơ một bên, cắt một bên bản sống và sau đó cắt u ra từng mảnh nhỏ để lấy ra khối u trong màng cứng. Nhờ vậy, cuộc mổ trở nên nhẹ nhàng hơn.

Trong các trường hợp u ngoài màng cứng, việc lấy hết khối u thường khó khăn hơn vì chúng có thể ăn lan ra nhiều hướng khác nhau, hủy xương nhiều, chảy máu nhiều, đặc biệt khi xương bị hủy thì phải nạo sạch, ghép xương rồi cố định nẹp vít…

Cuộc mổ này khá nặng nề. Hơn nữa những ca u ngoài màng cứng thường là di căn, khả năng hồi phục kém, thời gian sống còn lại không dài.

Chính vì vậy bác sĩ phải cân nhắc có nên mổ không. Nếu thấy phẫu thuật không có lợi, nhiều bác sĩ chỉ định hóa trị, xạ trị, dù hầu như không có tác dụng gì mà chỉ giúp người bệnh không cảm thấy bị bỏ rơi.

Đối với các trường hợp u nội tủy, trước đây người ta cho rằng mổ chỉ nhằm giải ép chứ không thể lấy hết khối u. Phần xử lý khối u được giao cho khâu xạ trị.

Tuy nhiên càng về sau các bác sĩ nhận thấy xạ trị không những không diệt được khối u mà còn diệt cả phần tủy không bị bệnh, góp phần sinh ra các u khác.

Gần đây vai trò của phẫu thuật trong điều trị u nội tủy mới được xác định một cách đúng đắn. Với sự phát triển của các phương tiện hỗ trợ phẫu thuật và chẩn đoán, việc mổ lấy hết khối u trong tủy không còn là "chuyện viễn vông".

Sau nhiều ca mổ lấy hết u, người ta mới nhận ra rằng đối với u nội tủy có độ ác tính thấp, chỉ cần mổ lấy hết u là triệt để, không cần xạ trị hay hóa trị, khả năng tái phát rất thấp.

Khó khăn lớn nhất trong phẫu thuật u nội tủy là phải đảm bảo mổ lấy hết u mà không làm hư tủy. Đây thực sự là một thách thức rất lớn cho các phẫu thuật viên thần kinh. Hiện nay, số phẫu thuật viên còn sống trên thế giới mổ thành công trên 100 trường hợp u nội tủy chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Tuy nhiên, số bác sĩ đã từng mổ u nội tủy thì nhiều hơn, mỗi người mổ một hoặc vài ca và chỉ cần một trong số các ca đó thành công thực sự (nghĩa là lấy hết u mà bệnh nhân không xấu hơn) cũng xếp vào hàng “top” rồi.

Ngoài tay nghề cùa bác sĩ, sự thành công của ca mổ lấy toàn bộ khối u nội tủy phụ thuộc một phần vào phương tiện. Đầu tiên cần phả có kính hiển vi phẫu thuật.

Bác sĩ sẽ không thể thành công nếu mổ bằng mắt thường bởi để bóc tách được khối u ra khỏi tủy cần phải phóng đại lên cỡ 16 đến 20 lần. Hiện nay một số bác sĩ Việt nam có thể giải quyết khá tốt những trường hợp u nội tủy.

Các chuyên gia kỳ vọng trong tương lai, nước ta sẽ trở thành một trong một số ít nơi trên thế giới điều trị tốt những khối u này.

Ngoài các trường hợp nêu trên còn có một số ca khá đặc biệt là những u hình quả tạ đôi. Những khối u này thường có một phần nhỏ nàm trong ống sống, chèn ép vào tủy, phần u lớn hơn nằm ở ngoài ống sống, lan vào trong bụng hoặc ngực.

Trước đây người ta phải mổ hai lần để lấy hết các khối u này. Tuy nhiên việc mổ nhiều lần không phải lúc nào cũng suôn sẻ vì trong nhiều trường hợp, khâu cầm máu tại vị trí khối u được cắt ở lần đầu rất khó khăn.

Với những trường hợp này, yêu cầu phải mổ lấy hết khối u trong một cuộc phẫu thuật là rất bức bách. Hiện nay có một kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu này đó là một đường mổ được thực hiện từ phía sau và luồn ra phía trước để lấy hết khối u dù nó nằm trong lồng ngực hay bụng.

Hiện tại Việt Nam đã giải quyết thành công những khối u này mang lại hiệu quả điều trị cao không khác gì các trung tâm lớn trên thế giới.

Tóm lại, ngoài một số rất ít các trường hợp đặc biệt, đa số khối u tủy đều phải cần đến một cuộc mổ để giải quyết u, giải phóng sự chèn ép. Cuộc mổ sẽ dễ dàng nếu u ở trong màng cứng và ngoài màng tủy, sẽ khó điều trị hơn nếu u ngoài màng cứng, đặc biệt khó khăn nếu là u nội tủy.

http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/u-tuy-song-co-the-tri-khoi-bang-phau-thuat-1560863-l.html

Cấp cứu kịp thời một bệnh nhân suýt "nổ" động mạch chủ

Một người đàn ông bị đau ngực dữ dội, bị phình 25 động mạch chủ ngực suýt vỡ được các bác sĩ dùng kỹ thuật phẫu thuật "hai trong một" cứu sống.

Ngày 3-1, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đây vừa cứu sống bệnh nhân P.X.Q.(63 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) bị phình suýt vỡ động mạch chủ ngực phức tạp. Trước đó, ông Q. được chuyển đến từ một cơ sở y tế tư nhân trong tình trạng đau nhói ở ngực và khó thở sau với chẩn đoán ban đầu bị viêm phổi tràn dịch màng phổi trái nhưng chưa rõ nguyên nhân.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ xác định ông bị phình động mạch chủ ngực dài 25 cm từ gốc tim đi lên quai ngược ra phía sau lưng và bị vỡ đoạn dưới bao vào khung màng phổi trái khiến bệnh nhân đau ngực, khó thở, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Bệnh nhân được khẩn cấp phẫu thuật bằng kỹ thuật phối hợp vừa mổ hở vừa nội soi đặt stent và qua gần 6 giờ đã được cứu sống.

Theo bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh bị phình động mạch chủ ngực là phổ biến nhưng ở trường hợp này là rất hiếm gặp. Nếu không xử lý kịp thời khả năng tử vong là rất cao.

http://nld.com.vn/suc-khoe/cap-cuu-kip-thoi-mot-benh-nhan-suyt-no-dong-mach-chu-20160103161657261.htm

BV Việt Đức: Nhiều ca chấn thương sọ não nguy kịch vì TNGT

Số bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) vào BV Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu trong 3 ngày nghỉ lễ chiếm khoảng ¾ các ca tai nạn đến viện khám, cấp cứu. Đáng nói, rất nhiều trường hợp nặng do chấn thương sọ não (CTSN), chấn thương chi, đa chấn thương vì TNGT.

15h chiều ngày 3/1, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, có mặt tại Khoa Cấp cứu (BV Việt Đức), phóng viên Dân trí chứng kiến nhiều trường hợp TNGT được chuyển đến cấp cứu. Bệnh nhân đủ các đối tượng, nhưng nhiều nhất vẫn là nam giới.

Sau khi tiến hành khám, phân loại, những bệnh nhân phải nhập viện, mổ cấp cứu nhanh chóng được chuyển lên phòng mổ. Bệnh nhân nặng phải lưu theo dõi được theo dõi ngay tại phòng Hồi sức khoa Cấp cứu. Những trường hợp chấn thương nhẹ, sau khi sơ cứu được nhanh chóng chuyển về tuyến cơ sở.

Nhờ giải quyết nhanh lẹ nên sảnh tiếp đón bệnh nhân cấp cứu luôn có khoảng 5 giường cáng nhưng không kín chỗ. Tuy nhiên đến khoảng 16h, cùng lúc 2 ca TNGT, 2 ca bệnh ở người già được chuyển tới nên khu vực sảnh này kín người. Có người lịm đi vì đau đớn, bác sĩ phải tìm cách “hồi tỉnh” để đánh giá tình trạng bệnh, có người thì la hét kêu đau.

Đến 16h cùng ngày có hơn 60 trường hợp được chuyển đến cấp cứu vì TNGT, trong đó, có tới 40 ca nặng phải chuyển nhập viện, 10 ca chuyển mổ cấp cứu.

TS.BS Dương Trọng Hiền, Phó trưởng khoa phẫu thuật cấp cứu bụng – Trưởng kíp trực cấp cứu Bệnh viện Việt Đức ngày 3/1 cho biết, so với những dịp lễ Tết vài năm trước, lượng bệnh nhân nhập viện vì TNGT ở đợt nghỉ Tết dương lịch 2016 có tăng nhưng không đột biến, mức tăng chỉ từ 10-15%.

Theo đó, trung bình mỗi ngày khoa Cấp cứu tiếp hận từ 120 – 130 trường hợp, trong đó ¾ là các ca chấn thương do TNGT, còn lại là các ca do tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động. Số bệnh nhân phải nhập viện tăng khoảng 10-15% so với thường ngày.

TS Hiền cho biết thêm, đến nay sau gần 3 ngày nghỉ lễ, chưa có ca TNGT nào tử vong. Số tử vong là các ca lưu trước đó. Tuy nhiên, trong số ca nhập viện thì các trường hợp bị chấn thương sọ não hoặc đa chấn thương nghiêm trọng có xu hướng tăng lên.

TS Hiền giải thích, hiện tại các bệnh viện tuyến dưới đã làm rất tốt công tác cấp cứu, điều trị trong lĩnh vực ngoại khoa, hồi sức cấp cứu cho các ca bệnh nặng, trong đó có TNGT. Chỉ những ca thật nặng khó theo đuổi điều trị mới chuyển lên tuyến trên. Vì thế, BV Việt Đức là BV ngoại khoa tuyến cuối tiếp nhận số bệnh nhân nặng này. Rất hiếm bệnh nhân TNGT được chuyển thẳng đến BV Việt Đức mà đều từ các tuyến chuyển lên.

Cũng theo bác sĩ Dương Trọng Hiền, trong số các nạn nhân bị tai nạn giao thông phải nhập viện cấp cứu, tỷ lệ bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu (do sử dụng rượu bia) chiếm khoảng 15%. Rượu bia cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các ca tai nạn nặng, chấn thương sọ não do không làm chủ được tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Thống kê tại khoa Cấp cứu (BV Việt Đức) cho thấy, số ca TNGT có liên quan đến sử dụng bia rượu buổi tối nhiều hơn ban ngày. Vì thế, TS Hiền khuyến cáo mọi người khi tham gia giao thông không nên uống rượu bia. Say xỉn không làm chủ tốc độ không chỉ có nguy cơ gây chấn thương cho mình mà còn có thể gây nguy hại cho nhiều người đi đường.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bv-viet-duc-nhieu-ca-chan-thuong-so-nao-nguy-kich-vi-tngt-20160103170950038.htm

Hiểu để làm dịu “khủng hoảng vắc-xin”

Lướt qua bức tranh sức khỏe đất nước trong năm 2015, có thể thấy ngay một số vệt màu đáng lưu ý. Đó là tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm còn ngổn ngang; là dịch bệnh, trong đó gây xôn xao thế giới là loại dịch MERS-CoV xuất phát từ Trung Đông và trong nước là sốt xuất huyết... Tất nhiên, trên hết, không thể không nhắc đến vấn đề tiêm vắc-xin vốn tạo ra những luồng ý kiến đa chiều, lôi cuốn cả những người thờ ơ nhất.

Có thể nói, sự âm ỉ như vỡ ra ngay khi loại vắc-xin Pentaxim dịch vụ được nhập về Việt Nam. Nó nổ bùng từ một sự việc có thật, đã được soi chiếu, minh định bằng nhãn quan khoa học của các chuyên gia y tế nhưng lại được hiểu và truyền đạt không đầy đủ, thậm chí là suy diễn hời hợt, méo mó.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, năm 2015, trong số 8 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem, có 1 trường hợp sốc phản vệ, 7 trường hợp còn lại do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý trẻ đang mắc và tất cả không liên quan đến vắc-xin. Những con số buồn phiền này có vẻ như là giọt nước tràn ly khiến không ít gia đình tránh né Quinvaxem!

Thông cảm nhưng không hề lay chuyển, quan điểm của các chuyên gia y tế dự phòng là loại vắc-xin nào cũng có tỉ lệ phản ứng nhất định và không ai dám bảo đảm thay vắc-xin thì sẽ tránh được tai biến, tử vong. Chính Tổ chức Y tế thế giới (WHO) luôn khẳng định tỉ lệ phản ứng nặng và gây tử vong của 2 loại vắc-xin Quinvaxem (toàn tế bào) và Pentaxim (vô bào) là như nhau.

Cũng phải thừa nhận rằng vì có thành phần toàn tế bào nên các phản ứng như sốt, sưng, đau… sau khi tiêm Quinvaxem xuất hiện nhiều hơn so với một số vắc-xin vô bào nhưng bù lại, theo đánh giá của WHO, vắc-xin toàn tế bào đáp ứng miễn dịch tốt hơn vắc-xin vô bào. Mặt khác, tổ chức theo dõi sức khỏe lớn nhất toàn cầu cũng xác nhận: Tỉ lệ phản ứng sau tiêm Quinvaxem theo khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO là 20 ca /1 triệu liều sử dụng, trong khi ở Việt Nam tỉ lệ này chỉ là 4,5 ca/1 triệu liều.

Bản chất của khoa học là khách quan, minh bạch. Những điều các nhà khoa học, chuyên gia của Bộ Y tế và WHO đưa ra trên đây có lẽ đủ để lấp chỗ trống trong kiến thức của một bộ phận dân chúng về vắc-xin nói chung và vắc-xin Quinvaxem nói riêng. Tỉnh táo, nhận thức đúng vấn đề và phản ứng nhanh trong lúc này không chỉ bảo vệ con em mình, bảo vệ cộng đồng mà còn góp phần làm dịu những “cơn sốt vắc-xin” vốn chỉ gây phiền khổ cho người dân và làm giàu cho những kẻ đầu cơ trên sức khỏe người khác!

Với tâm trạng của một bộ phận dân chúng hiện nay, thuyết phục bằng chứng lý rất đáng làm nhưng chưa đủ. Bộ Y tế cần tăng cường niềm tin qua việc tổ chức, chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng làm thật tốt trách nhiệm của mình, từ hoạt động bảo quản, sử dụng vắc-xin; khám, sàng lọc bệnh; thao tác tiêm thuần thục đến theo dõi cấp cứu sau tiêm, nhất là trường hợp nặng; đặc biệt cần hỗ trợ thiết thực cho các trạm tiêm chủng ở vùng sâu, vùng xa…

http://nld.com.vn/suc-khoe/hieu-de-lam-diu-khung-hoang-vac-xin-20160103210705446.htm

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang