Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 4/2/2016

  • |
T5g.org.vn - TPHCM: Bộ trưởng Y tế thị sát khám chữa bệnh phục vụ Tết tại 4 bệnh viện lớn; Virus Zika tiếp tục lây lan tại nhiều nước trên thế giới…

TPHCM: Bộ trưởng Y tế thị sát khám chữa bệnh phục vụ Tết tại 4 bệnh viện lớn

Nhằm đảm bảo công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết ngày 3/2, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc thị sát các bệnh viện tại TPHCM. Bộ trưởng yêu cầu bệnh viện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, nhân sự và phương tiện, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Theo đó, bốn bệnh viện được Bộ trưởng đích thân đi thị sát gồm: bệnh viện Ung Bướu; bệnh viện Nhi Đồng 2; bệnh viện nguyễn Trãi và bệnh bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Tại buổi làm việc với Bộ Y tế, BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc bệnh viện Ung Bướu, TPHCM, cho hay: Bệnh viện đã chuẩn bị trực tết, trực lãnh đạo, cùng các nhân sự khoa lâm sàng, cận lâm sàng, điều dưỡng, đảm bảo vấn đề an ninh, phòng chống cháy nổ, trực tiếp dân, đường dây nóng do lãnh đạo bệnh viện phụ trách.

Theo thống kê của bệnh viện, đến nay có khoảng 700 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Một số bệnh nhân sẽ về quê vào những ngày cuối cùng của năm. Để hỗ trợ người bệnh và thân nhân, bệnh viện đã chuẩn bị xe đưa bệnh nhân, thân nhân về quê tại các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Cà Mau. Số bệnh nhân tham gia trên các chuyến xe dự kiến khoảng 350 người. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho những bệnh nhân ở lại bệnh viện.

Cảm thông với cảnh khó khăn phải đón tết xa nhà của người bệnh và thân nhân, đồng thời mong muốn hỗ trợ một phần dinh dưỡng, động viên tinh thần những đối tượng nêu trên, thông qua Phòng công tác xã hội bệnh viện Ưng Bướu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã quyết định trích tiền túi giúp bà con 10 thùng sữa và 10 thùng mỳ tôm.

Báo cáo về các hoạt động trong năm 2015 của bệnh viện BS Diệp Bảo Tuấn cho hay, trong năm qua, công tác giảm tải đã được bệnh viện rốt ráo thực hiện với những đề án liên kết công tư giữ bệnh viện Ung Bướu và bệnh viện Hồng Đức. Từ sự hợp tác này, mỗi tháng có khoảng 80 bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Hồng Đức phẫu thuật, góp phần giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.

Bên cạnh đó, từ chủ trương xã hội hóa, bệnh viện đã đầu tư máy CT cắt lớp 64 lát, nhờ đó bệnh nhân có chỉ định được chụp ngay trong ngày, không phải chờ đợi kéo dài như trước đây. Nhằm nâng cao chất lượng điều trị, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Ung Bướu đã thành lập phòng Công tác Xã hội với đơn vị chăm sóc khách hàng kịp thời ghi nhận và xử lý những thông tin liên quan đến công tác chuyên môn.

Trọng tâm của việc giảm tải đã được bệnh viện triển khai trên cơ sở các bệnh viện vệ tinh tại bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ, bệnh viện Quân Y 175. Thành công của việc nâng cao chất lượng chuyên môn, trang thiết bị tại hệ thống bệnh viện vệ tinh đã góp phần giảm số lượng bệnh nhân chuyển tuyến, hạn chế tình trạng nằm ghép.

Tuy nhiên, những vấn đề phát sinh sau khi quy định chuyển tuyến đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế đang gây ra một số tác động ngược, bởi số bệnh nhân tới khám tại bệnh viện Ung Bướu vẫn tăng 10% so với 2014, nhưng số bệnh nhân có bảo hiểm y tế giảm từ 44% trong năm 2014 xuống còn 24% năm 2015. Điều đó cho thấy, bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng không sử dụng đến mà chấp nhận vượt tuyến đến Ung Bướu điều trị.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại bệnh viện Nhi Đồng 2, BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc bệnh viện, cho hay, mặc dù bệnh viện đã triển khai nhiều khoa bệnh vệ tinh tại bệnh viện Quận 2, Quận 9, Quận 4 và huyện Cần Giờ, khả năng mỗi đơn vị có thể đáp ứng khám và điều trị khoảng 150 - 200 bệnh nhân trong ngày, nhưng tình trạng vượt tuyến vẫn chưa được đẩy lùi.

Nhi Đồng 2 không phải là nơi khám chữa bệnh ban đầu nhưng có tới 95% bệnh nhi ngoại trú tại thành phố và các tỉnh thành lân cận vẫn chấp nhận vượt tuyến đến đây để khám chữa bệnh mà không cần hưởng bảo hiểm y tế. Trong khi đó, bệnh nhân nội trú cũng chỉ có 80% có bảo hiểm y tế, nhóm trẻ dưới 6 tuổi chiếm tới 75%.

Tương tự hai bệnh viện trên, trong buổi làm việc với bệnh viện Nguyễn Trãi và bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới cần triển khai mạnh mẽ hơn các chiến lược giảm tải, nâng cao chất lượng điều trị, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bộ trưởng cũng yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm túc việc trực đường dây nóng, xử lý nhanh và triệt để đối với các sai phạm của cán bộ viện chức, không để “con sâu làm rầu nồi canh”.

Trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị đẩy đủ nhân lực, thuốc men và vật tư trang thiết bị, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh đặc biệt là dịch Zika có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên Đán. Các bệnh viện phải chủ động đảm bảo an toàn trong chăm sóc và điều trị, đồng thời đáp ứng nhu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh của nhân dân trong những ngày nghỉ Tết.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-truong-y-te-thi-sat-kham-chua-benh-phuc-vu-tet-tai-4-benh-vien-lon-20160204080256813.htm

Virus Zika tiếp tục lây lan tại nhiều nước trên thế giới

Ngày 3-2, nhiều nước trên thế giới tiếp tục ghi nhận những trường hợp nhiễm virus Zika. Peru đã nâng mức độ cảnh báo y tế, đồng thời tăng cường các biện pháp đề phòng dịch bệnh lây lan sau khi một bệnh nhân được xác nhận đã nhiễm virus Zika.

Cùng ngày tại Ecuador, Bộ Y tế nước này xác nhận một phụ nữ mang thai đã nhiễm virus Zika và hiện được theo dõi chặt chẽ. Chile cũng là nước tiếp theo ghi nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, Bộ Y tế Chile khẳng định dịch bệnh Zika khó có thể lây lan tại nước này do điều kiện khí hậu không thuận lợi cho muỗi phát triển. 

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục lây lan, cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribe (CELAC) triệu tập Hội nghị Bộ trưởng Y tế tại Uruguay nhằm bàn các biện pháp tăng cường phối hợp giữa các quốc gia để đối phó với virus Zika. Tại Mỹ, bang Texas đã xác nhận trường hợp lây nhiễm virus Zika đầu tiên qua đường tình dục. Trong khi đó, giới chức y tế Thái Lan đã kêu gọi người dân không nên quá lo lắng sau khi một bệnh nhân nhiễm virus Zika đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện. 

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/824192/virus-zika-tiep-tuc-lay-lan-tai-nhieu-nuoc-tren-the-gioi

Những dịch cúm gây chết người đang đe dọa Việt Nam

Theo các chuyên gia y tế dự phòng, hiện nay dịch cúm đang vào mùa. Đặc biệt là thời tiết lạnh, ẩm như bây giờ càng dễ bùng phát dịch cúm.

Có thể tử cong vì cúm

Theo PGS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị cúm A. 

Anh Nguyễn Văn L. 23 tuổi, đến bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị với triệu chứng đau đầu, mệt mỏi. Lúc đầu, anh tưởng đó là do thay đổi thời tiết nên chủ quan nhưng anh nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp. Khi đến viện, bệnh nhân đã phải thở máy và kèm theo suy đa tạng vì cúm.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Khoa Truyền nhiễm cho biết, hiện nay có nhiều trẻ bị cúm A nhập viện với triệu chứng ho, sốt. 

Theo bác sĩ Hải với những bệnh cảm cúm thông thường sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc 1 tuần mà không cần dùng kháng sinh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị cúm diễn biến của bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, làm trẻ biếng ăn, mệt mỏi. Nếu người nhà không chăm sóc đúng cách khi trẻ bị cúm có thể làm bệnh tiến triển và gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa...

Còn tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã từng cấp cứu cho rất nhiều trường hợp phải thở máy ecmo ngoài cơ thể vì cảm cúm và chủ quan với cúm. Theo PGS Kính, bệnh cúm là bệnh đặc trưng do sự xuất hiện đột ngột các triệu chứng toàn thân như đau đầu, sốt, gai rét, đau cơ đi kèm với các biểu hiện đường hô hấp. 

Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất rộng, thay đổi từ nhẹ, không sốt giống cảm cúm thông thường đến hội chứng nặng với biểu hiện của đường hô hấp nặng và suy đa tạng. Đặc biệt với những bệnh nhân người già, trẻ nhỏ cần chú ý bệnh cúm A. 

Lo ngại dịch cúm

PGS TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trên thế giới chủng vi rút cúm A(H1N1) lưu hành rộng khắp ở tất cả các châu lục, lưu hành cao tại các nước khu vực Trung và Tây Á. 

Tại Việt Nam theo kết quả giám sát cúm trọng điểm: ghi nhận các trường hợp mắc chủ yếu là cúm A(H3N2) (80%), cúm B (11%), cúm A(H1N1) (9%). Trong thời điểm hiện nay do thời tiết lạnh, ẩm số bệnh nhân nhập viện do cúm có tăng lên.

Ngoài dịch cúm thường A (H1N1) trên thế giới còn nhiều dịch cúm đặc biệt nguy hiểm đặc biệt cúm A (H7N9).

Bệnh cúm A(H7N9) ghi nhận từ năm 2013 tại Trung Quốc đến nay vẫn chưa khống chế được. Ngày 11/01/2016, WHO thông báo 10 ca mắc cúm A(H7N9) tại Chiết Giang (6) , Giang Tô (2), Quảng Đông (1) và Giang Tây (1), trong đó 03 trường hợp tử vong. Tích lũy đến ngày 11/01/2016, trên thế giới ghi nhận 693 trường hợp mắc, trong đó có 278 trường hợp tử vong: Trung Quốc (673), Đài Loan (4), Hồng Kông (13), Malaysia (1), Canada (2). 

Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam vì nước ta có đường biên giới dài với Trung Quốc, đặc biệt dịch đã xảy ra tại tỉnh Quảng Đông, nơi có sự giao lưu thương mại rất lớn với Việt Nam, trong khi việc buôn bán gia cầm nhập lậu giữa hai quốc gia còn xảy ra.

Bệnh cúm A(H5N1): dịch xảy ra từ năm 2003 đến nay vẫn đang lưu hành tại 16 quốc gia. Đặc biệt năm 2015 vẫn ghi nhận 143 trường hợp mắc, trong đó có 42 trường hợp tử vong: Ai Cập (136/39), Trung Quốc (05/01), Indonesia (02/02), tích lũy từ năm 2003 đến nay tổng số có 844 trường hợp mắc, 449 tử vong. 

Tại Việt Nam mặc dù năm 2015 không ghi nhận trường hợp mắc, song dịch liên tiếp xảy ra trên các đàn gia cầm tại một số tỉnh trên phạm vi cả nước. Nguy cơ lây nhiễm sang người là rất cao do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như tập quán giết mổ và ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

Cúm A(H5N6): ngày 09/01/2016 WHO thông báo thêm 02 trường hợp mắc cúm A(H5N6), tích lũy từ tháng 12/2014 đến nay Trung Quốc đã ghi nhận 8 trường hợp nhiễm.

Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N6) trên gia cầm tại miền Bắc, miền Trung. Cúm A(H9N2), cúm A(H5N8): đã ghi nhận trên gia cầm tại Trung Quốc.

http://infonet.vn/nhung-dich-cum-gay-chet-nguoi-dang-de-doa-viet-nam-post190644.info

Tâm thư viết cho "thiên thần bị đày đọa" ở bệnh viện công

Tâm thư của một bác sĩ về những cái khó, cái khổ ở một bệnh viện công đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và hàng chục nghìn bình luận khác nhau. Mỗi người một ý kiến nhưng với đa số bác sĩ, đây là sự thật.

Bức tâm thư của bác sĩ Huyên Thảo đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng, không ít bình luận cho rằng đây chỉ là một chiều của ngành y, thu nhập của y bác sĩ như thế này là một sự thật chưa được trừ bì.

Infonet xin đăng lại câu chuyện “Viết cho các bạn còn đang làm ở bệnh viện công”. 

3-4 triệu: lương của một điều dưỡng công – 6-7 triệu/tháng cho tất cả: trực gác, ngồi thêm phòng khám ngoài giờ, gặp 200 ca bệnh mỗi ngày – chạy lăng xăng như một con ong không biết bao giờ xong việc.

5-6 triệu: lương của một bác sĩ công – 9-10 triệu/tháng cho tất cả: trực gác, ngồi phòng khám gặp trên 100 bệnh/ngày – mỗi ngày ngồi xong uống nước giá, ngậm chanh vì tắt tiếng, nhận khoảng 20-30 hoặc hơn, ca bệnh nặng cần nhập viện mỗi ngày – và khi tôi nói“nhận” – không có nghĩa là chỉ nhận, mà còn khám, xét nghiệm, theo dõi, khám lại khi cần...

1-3 triệu: tổng lương của một bác sĩ mới ra trường, được bệnh viện “ưu ái” nhận vào.

15 ngàn đồng: tiền cơm tối cho nhân viên y tế trực đêm, chạy chít bỏ vì lăng xăng thăm khám xét nghiệm

25 ngàn đồng: tiền công thêm cho một ca vá thủng ruột cho bác sĩ chuyên ngoại khoa

Đây là thực tế của những người mà chúng ta yêu cầu trở thành “thiên thần áo trắng” cho chúng ta!

Đây cũng là thực tế: 

Khi vật dụng hư hỏng, có liên can đến nhân viên y tế, nhân viên y tế sẽ phải trả tiền.

Khi người nhà bệnh nhân không đóng viện phí đủ, nhân viên y tế có thể sẽ phải trả tiền.

Khi có ca gây khó dễ, không cần biết là do người nhà “tự phát” hay không, nhân viên y tế sẽ phải làm bản kiểm điểm, và có thể sẽ bị trừ tiền thi đua – là một phần tiền lớn so với lương căn bản.

Khi bệnh nhân phàn nàn sao đông quá, chật quá, ít giường quá, và nhiều lúc nổi khùng vì những điều kiện nghèo nàn tại bệnh viện công – nhân viên y tế là người đầu tiên, và có thể là duy nhất, để hứng rác những phàn nàn “rất liên quan” đến chuyên môn của họ, và có thểsẽ bị trừ tiền thi đua!

Khi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bạo hành, hăm dọa, vì bất kỳ lý do gì, nhân viên y tế cảm thấy cực kỳ đơn độc, vì không tìm được bất kỳ một bảo trợ nào của bất kì ai – lỡ xui thì tự xử nhé! Và có thể sẽ bị trừ tiền thi đua!

Tôi đã từng có đồng nghiệp, vì bệnh nhân bệnh quá nặng và mất đi, người nhà bệnh nhân cho giang hồ cầm dao cầm dùi cui, lùng sục truy sát suốt mấy ngày trời trong bệnh viện. Đồng nghiệp của tôi hôm đầu tiên phải núp vào trong tủ áo của phòng nhân viên, ở đó suốt đêm, mấy hôm sau trốn được về nhà, sống trong lo sợ. Tháng sau nộp đơn xin nghỉ! Và tuyệt nhiên không thấy một động thái can thiệp, hỗ trợ nào của bất kì ai!

Đây, đây chính là thực tế của những người xã hội yêu cầu phải lúc nào cũng niềm nở, vui vẻ, và trở thành mẹ hiền, hoặc theo thông điệp gần đây nhất, xem bệnh nhân là “thượng đế”!

Nếu là bạn, bạn có muốn làm hay không?

Trả lời lý thuyết rất dễ, vì là người thầy thuốc, phải biết hy sinh cho bệnh nhân, phải biết yêu thương bệnh nhân mình, phải biết cống hiến mà không đòi hỏi, blah blah blah blah.... Nhưng khi thực hành thật sự, mới biết được điều đó khó đến mức nào!

Hôm nay, nếu rảnh, các bạn thử gặp 100 người “không bệnh” một buổi sáng này, tươi cười chào họ một câu thôi, để xem các bạn có thấy cạn kiệt không? 

Đừng nói đến việc gặp 100 bệnh nhân nheo nhóc, kèm theo người nhà, trong một môi trường căng thẳng, mỗi ngày!

Hôm nay, nếu quởn, các bạn thử nhờ bạn đồng nghiệp, người nào bạn biết là không ưa bạn chút chút, chừng nào hứng lên bất tử, chạy qua tát bạn một cái vào mặt mà không báo trước, thử xem! 

Xem cảm giác “chờ đợi” cái tát bất tử đó như thế nào! 

Vì nhân viên y tế công là những người sống trong chờ đợi cái tát bất chợt – hoặc còn hơn thế nữa” trong mỗi ngày làm việc! Và tệ hơn bạn, chúng tôi có thể phải trả tiền cho cái tát bất chợt này!

Hôm nay, nếu rảnh hơn xíu nữa, bạn thử bật đồng hồ báo thức ban đêm, cứ mỗi 30 phút đánh thức 1 lần, xem sáng hôm sau bạn có thể tươi cười ôm hôn đồng nghiệp và 100 khách hàng của mình hay không nhé! 

Vì đây cũng là một phần trong công việc của chúng tôi – trực đêm xong làm luôn buổi sáng, khám bệnh và chào bệnh!

Nếu quá rảnh và đã làm hết mọi thứ rồi, và vẫn còn thời gian, bạn thử qua chùa Vĩnh Nghiêm, dự” hai đám tang, người nhà khóc lóc thảm thương, đau đớn, xem bạn cảm thấy ra sao trong ngày luôn nhé. 

Vì đây cũng là số tử vong trung bình mà chúng tôi phải chứng kiến, mỗi ngày, và phải tự điều tiết và chỉnh đốn lại tâm tư tình cảm, suy nghĩ cá nhân, để tiếp tục “đi tiếp”, vì nghề nghiệp của mình.

Vì vậy, tôi thật sự cảm thấy rằng, nếu thật sự gọi nhân viên y tế là “thiên thần áo trắng” – chúng tôi là những “thiên thần bị đày đọa”, còn nếu gọi là “mẹ hiền” – chúng tôi là những “người mẹ bị bạo hành gia đình” mà không có một tổ chức xã hội nào đi vào can thiệp.

Thật sự, phải chăng, xã hội đã đòi hỏi quá nhiều vào người nhân viên y tế, mà không có một hỗ trợ nào chính đáng để bù trừ.

Tại sao có mạnh thường quân trợ giúp bệnh nhân, và người nhà bệnh nhân, mà chưa thấy một tổ chức, một mạnh thường quân nào hỗ trợ cho nhân viên y tế gặp khó khăn, hoặc giúp cải thiện khoa phòng, bệnh viện để nơi nghỉ ngơi, làm việc của người nhân viên y tế được tốt hơn, và để hiệu quả làm việc, phục vụ cho bệnh nhân được tốt hơn?

Chúng tôi không là thánh, vì thánh thì đã ở trên trời! Chúng tôi chỉ là những con người đủ thông minh, đủ siêng năng, và đủ “mắc nợ đời” để chạy vô ngành chữa bệnh! 

Vì vậy, hãy thông cảm cho nhau, và hãy hỗ trợ nhau khi có thể!

Xin hãy nghĩ đến những gì chúng tôi phải trải qua trong ngày, mỗi ngày trong đời mình, tại các bệnh viên công, để trân trọng và bảo vệ chúng tôi hơn, bạn nhé!

Sau chia sẻ trên, bác sĩ Võ Xuân Sơn cho rằng "Bài viết nói lên nỗi khổ của nhân viên y tế trong hệ thống y tế công của Việt nam. Thực ra mà nói, đây cũng là nỗi khổ của nhân viên y tế trong hệ thống y tế tư nhân, tùy mức độ khác nhau. 

Tuy nhiên, thông điệp chính của bài viết là tình trạng xã hội đòi hỏi quá mức ở nhân viên y tế, mà không cần xem xét đến khả năng đáp ứng các đòi hỏi của nhân viên y tế. Trong cái gọi là "xã hội", có cả các cấp lãnh đạo của ngành y. Tất cả mọi người, chỉ biết đòi hỏi, mà không tạo điều kiện cho nhân viên y tế đáp ứng được đòi hỏi của họ, không ai bảo vệ hay bênh vực cho họ, chỉ biết đòi hỏi, đòi hỏi và đòi hỏi.

Tuy nhiên, phía người ngoài ngành y lại không đồng ý, chị Lại Thị Huê chia sẻ, con chị nằm viện rất nhiều lần và chị thường bị các nhân viên y tế phân biệt đối xử vì cảm ơn bác sĩ ít. Thậm chí, có những lần mang tiền và cảm ơn còn bị bác sĩ bảo ít, cho thêm vào. Tất nhiên bác sĩ thì có người này, người kia nhưng đa số bác sĩ không nghèo như người ta than.

http://infonet.vn/tam-thu-viet-cho-thien-than-bi-day-doa-o-benh-vien-cong-post190618.info

Bệnh do virus zika: Bộ Y tế yêu cầu trực dịch 24/24

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế  tại cuộc họp trực tuyến giữa 2 đầu cầu Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Zika và nguy cơ các dịch bệnh nguy hiểm khác trong dịp Tết cổ truyền 2016.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết tính đến ngày 01/02/2016, đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm vi rút Zika, trong đó có 25 quốc gia có dịch lây lan mạnh như Braxin, Colombia, Mexico.

Hiện, có một sự liên hệ giữa việc nhiễm vi rút Zika trong thời điểm thai kỳ của người mẹ và chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh, điều này đang được các nhà nghiên cứu tiếp tục làm rõ hơn.

Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh sự lưu hành của muỗi Aedes sẽ tạo điều kiện để lây truyền vi rút Zika trên thế giới, nguy cơ vi rút xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể bởi đang là điểm đến của trung bình 200.000 lượt hành khách nhập cảng hàng tuần. Đây là những thách thức trong công tác phòng chống dịch do vi rút Zika xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.

Trước tình hình trên, Cục trưởng Phu khẳng định, Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục phối hợp đa ngành với các Bộ, ngành và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các tổ chức y tế quốc tế tại Việt Nam, thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh, giám sát cửa khẩu để phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh, tăng cường hoạt động của văn phòng EOC, tăng cường các hoạt động đáp ứng phòng chống dịch, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, xét nghiệm, chẩn đoán và điều tra dịch tễ ca bệnh, chuẩn bị đủ sinh phẩm, vật tư y tế cho các viện, bệnh viện,...

Cũng trong cuộc họp, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết sự kiện chứng não nhỏ và hội chứng Guillain Barre (Hội chứng viêm đa rễ thần kinh) tại các ổ dịch Zika là Sự kiện y tế công cộng gây quan ngại quốc tế. Do đó, WHO đánh giá cao việc Việt Nam đã tổ chức nhanh chóng buổi họp khẩn cấp này, điều đó thể hiện phản ứng rất linh hoạt, kịp thời, chủ động của chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh mang tính quốc tế, đồng thời cho thấy sự quan tâm chu đáo của Bộ Y tế Việt Nam đối với sức khỏe toàn dân.

Đại diện điểm cầu phía Nam, Viện trưởng Viện Pasteur Tp.Hồ Chí Minh, ông Phan Trọng Lân cho biết trước nguy cơ vi rút Zika có thể xâm nhập vào Việt Nam, các bệnh viện và viện đã lên kịch bản sẵn sàng phối hợp với nhau trong các công tác giám sát, đáp ứng phòng chống dịch, truyền thông thông tin đến với mỗi người dân. Điểm đáng chú ý là Việt Nam có đủ khả năng và các thiết bị cần thiết để xét nghiệm chẩn đoán vi rút Zika và sẽ được WHO, CDC US hỗ trợ, cũng như các chuyên gia về bệnh dịch phối hợp, giúp đỡ trong công tác chẩn đoán, xét nghiệm. Về công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trong đợt nghỉ lễ, các tỉnh, thành phía Nam cũng đã có những biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân trong dịp Tết cổ truyền, Bộ Y tế mạnh mẽ khuyến cáo người dân nên chủ động theo dõi thông tin cập nhật về dịch bệnh trên các website chính thức của ngành y tế, tuân thủ các quy định về y tế, hạn chế đi đến các vùng có dịch lưu hành, đặc biệt là phụ nữ có thai hoặc có ý định mang thai, chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và sẵn sàng phối hợp với cán bộ y tế trong các hoạt động cần thiết khi có dịch bệnh xảy ra. Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch đã được công bố chính thức trên website của Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế.

http://vnmedia.vn/suc-khoe/201602/benh-do-virus-zika-bo-y-te-yeu-cau-truc-dich-2424-521088/

Ăn tiết canh lợn, 4 người nguy kịch

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 4 ca liên cầu lợn trong tình trạng rất nặng sau khi ăn tiết canh lợn, số tiền điều trị lên đến cả trăm triệu.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 1-2 ca liên cầu lợn; riêng dịp giáp Tết số bệnh nhân tăng cao do ăn nhiều thịt lợn. Từ Tết dương lịch đến nay bệnh viện tiếp nhận cấp cứu 4 ca bệnh đều trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nguy hiểm, nguyên nhân do ăn tiết canh. 

“Tình trạng các bệnh nhân đều nặng, dự kiến thời gian điều trị lâu dài, chi phí nằm viện có thể lên đến 200 triệu đồng. Bệnh nhân chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc có thói quen mổ lợn là đánh tiết canh ăn; người miền Nam ít ăn nên rất hiếm bệnh”, tiến sĩ Kính nói.

Tiết canh là món khoái khẩu nhưng lại tiềm ẩn lây truyền rất nhiều bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, sán đến liên cầu lợn. Đặc biệt liên cầu lợn có thể gây bệnh trầm trọng cho người, bệnh diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng. 

Phát biểu tại buổi họp khẩn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chiều 2/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bày tỏ lo ngại về dịch bệnh liên cầu khuẩn do ăn tiết canh, các bệnh sán do ăn nem chua, nem chạo, rau ngổ, cần… trong dịp Tết. Để phòng bệnh, Bộ trưởng lưu ý người dân cần ăn chín uống sôi; không ăn tiết canh và các sản phẩm từ lợn chưa nấu chín...

Trong năm 2015, nước ta ghi nhận 96 ca mắc liên cầu khuẩn, trong đó 13 người tử vong; tăng 51 ca và tăng 5 người tử vong so với năm 2014. Nguyên nhân do tập quán ăn tiết canh, ăn thịt sống cũng như ăn uống không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, trong khi hầu hết lợn mang vi khuẩn liên cầu lợn không có biểu hiện bệnh. 

Bệnh liên cầu lợn nguy hiểm ở chỗ có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%. Những người bị mắc bệnh chết còn do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có người chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng tùy vào cơ địa.

Ban đầu bệnh thường không có dấu hiệu điển hình ngoài sốt cao, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao (40, 41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/824088/an-tiet-canh-lon-4-nguoi-nguy-kich

Zika lây qua đường tình dục?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua cho biết họ đang dốc sức đối phó Zika bùng phát ở Mỹ Latin, khi virus liên quan bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh này có nguy cơ lan sang châu Á và châu Phi - những nơi có tỷ lệ sinh cao nhất thế giới.

Trường hợp đầu tiên virus Zika được phát hiện nhiều khả năng lây qua đường tình dục là ở thành phố Dallas, bang Texas (Mỹ). Các quan chức y tế địa phương hôm qua nói rằng, ca này rất có thể nhiễm Zika sau khi quan hệ tình dục chứ không phải bị muỗi đốt. Bệnh nhân chưa từng đi đến các vùng có dịch, nhưng bạn tình của người này vừa trở về từ Venezuela.

Trước đó, Texas ghi nhận tổng số 7 trường hợp nhiễm Zika, tất cả đều liên quan việc ra nước ngoài. Cơ quan y tế địa phương cho biết, ca mới nhất là trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh không phải do đến vùng dịch,AP đưa tin. Giới chuyên gia cho rằng, nếu được xác nhận đúng là Zika lây qua đường tình dục, đường máu và truyền từ mẹ sang con như virus HIV, thì tình hình dịch bệnh sẽ phức tạp hơn rất nhiều. “Chúng tôi hiểu quan ngại này. Cần phải điều tra thêm để tìm hiểu tình hình và biết được sự lây truyền Zika qua đường tình dục có thể xảy ra ở mức độ nào, và liệu những chất dịch cơ thể khác có thể mang virus hay không”, CNN dẫn lời phát ngôn viên WHO Gregory Hartl.

“Đây mới là trường hợp thứ hai phát hiện Zika có thể lây qua quan hệ tình dục”, ông Hartl nói. Trường hợp hợp thứ nhất là một người đàn ông Mỹ trở về từ Senegal bị nghi truyền virus cho vợ mà báo chí đăng tải gần đây.

Hiện nay, virus Zika lây lan nhanh chóng ở châu Mỹ. Nhóm phản ứng nhanh toàn cầu của WHO hôm qua nhóm họp để bàn về nguy cơ này và các vấn đề liên quan khác. “Có nhiều điều chúng ta không biết về Zika. Cần giám sát thêm nhiều nữa… Chúng tôi đã thành lập đội chuyên gia và chắc chắn sẽ sớm có tiến triển”, ông Hartl nói. Vấn đề chủ chốt hiện nay ở những vùng có dịch là phải nỗ lực kiểm soát muỗi, và người dân cần mặc quần áo phù hợp, sử dụng thuốc diệt côn trùng và ngủ trong màn, ông Hartl nói.

Ấn Độ điều chế vắc-xin

Ngày 3/2, công ty công nghệ sinh học Ấn Độ Bharat Biotech thông báo họ đang điều chế hai loại vắc-xin có thể kháng lại Zika. Đến nay, chưa có vắc-xin ngừa Zika - loại virus được cho là gây ra bệnh đầu nhỏ ở trẻ em.

Một trong hai loại vắc-xin đang được điều chế là loại tái tổ hợp, nghĩa là nó được tạo ra bằng công nghệ gene. Loại vắc-xin còn lại là loại bất hoạt, và sẽ được đưa vào giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng ở động vật trong 2 tuần tới, India Times dẫn lời giám đốc điều hành Bharat Biotech - ông Krishna Ella. Vắc-xin bất hoạt được điều chế bằng cách tiêu diệt mầm bệnh thông qua phá hủy khả năng tái tạo của nó, nhưng vẫn bị hệ miễn dịch trong cơ thể nhận dạng.

Thông báo của Bharat Biotech được đưa ra sau khi hãng dược Sanofi của Pháp nói rằng, họ vừa triển khai dự án phát triển vắc-xin phòng Zika. Hôm qua, một hãng dược Nhật Bản cũng cho biết họ đang nghiên cứu khả năng phát triển vắc-xin phòng bệnh đầu nhỏ.

Bharat Biotech thông báo họ bắt đầu nghiên cứu Zika một năm trước, đồng thời điều chế vắc-xin phòng bệnh chikungunya và sốt xuất huyết. Zika có quan hệ với bệnh sốt xuất huyết và lây truyền qua cùng một loại muỗi. Theo thông tin trên trang web của Bharat Biotech, hãng này đang cung cấp vắc-xin phòng bệnh bại liệt, viêm gan B, cúm H1N1, bệnh dại và nhiều loại bệnh khác cho gần 70 quốc gia.

Bà Soumya Swaminathan, Tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ, cơ quan cao nhất quản lý nghiên cứu y sinh ở Ấn Độ, nói rằng, vẫn còn sớm để bình luận về hai loại vắc-xin phòng Zika. Nhưng Hội đồng đã tập hợp một nhóm chuyên gia để xem xét triển vọng này.

Chưa có trường hợp nhiễm Zika nào được phát hiện ở Ấn Độ, nhưng Bộ Y tế nước này hôm 2/2 ban hành hướng dẫn phòng bệnh, trong đó có khuyến cáo công dân không nên đến các vùng đang có dịch bệnh. Tổ chức Chữ Thập đỏ Mỹ khuyên những người vừa trở về từ vùng dịch Zika đợi ít nhất 28 ngày trước khi hiến máu.

Ireland vừa phát hiện hai trường hợp riêng biệt nhiễm Zika. Một người đàn ông và một phụ nữ lớn tuổi từng đến vùng có dịch, nhưng họ đã bình phục. Trong khi đó, Brazil, nước hứng chịu dịch Zika nghiêm trọng nhất, vừa cho biết họ đang điều tra 3.670 trường hợp bệnh đầu nhỏ ở trẻ liên quan virus Zika. Bộ Y tế Brazil đã xác nhận 404 ca nhiễm bệnh, tăng so với con số 270 tuần trước. Tổng cộng 709 người nhiễm Zika đã hồi phục và được xuất viện. Có 76 trẻ sơ sinh Brazil được xác định đã tử vong vì bệnh đầu nhỏ, BBC đưa tin.

http://www.tienphong.vn/the-gioi/zika-lay-qua-duong-tinh-duc-967303.tpo

Tránh ngộ độc mùa lễ hội

Độc tố tự nhiên trong thực phẩm “lạ”, lạm dụng đồ uống có cồn, bồi bổ không đúng cách... là những yếu tố gây ngộ độc có thể gặp trong mùa tết và lễ hội.

Sự cố từ “tẩm bổ” đón tết

Bệnh nhân nam 53 tuổi (quê Quảng Ninh) đang điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) do bị viêm gan, suy gan cấp sau khi uống thuốc bắc để bồi bổ sức khỏe. “Tôi đang bình thường nhưng vẫn đi cắt thuốc bắc để uống, tăng cường sức khỏe đón tết. Nhưng sau một đợt uống bỗng thấy người chán ăn, mệt mỏi nên lên khám tại Trung tâm chống độc. Tại đây xét nghiệm cho biết tôi bị nhiễm độc do lưu huỳnh”, bệnh nhân kể. Các bác sĩ nhận định, hóa chất này được tẩm ướp trong các vị thuốc để chống nấm mốc, nhưng có thể do nồng độ quá cao khiến bệnh nhân uống phải gây viêm gan.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc tư vấn: nếu cơ thể đang khỏe mạnh bình thường thì không cần thiết phải bồi bổ, nên có chế độ ăn uống tập luyện để duy trì sức khỏe, đặc biệt là không nên tự ý bổ sung các chất, các vị thuốc mà không biết rõ tác dụng.

Bác sĩ cũng cho biết thêm, dịp cuối năm, mùa lễ tết là thời điểm ghi nhận bệnh nhân nhập viện sau khi nuốt mật cá trắm để tăng cường sức khỏe, trị bệnh mãn tính. “Chưa có nghiên cứu khoa học nào xác định mật cá trắm các tác dụng bổ dưỡng hay trị bệnh. Ngược lại, nhiều bệnh nhân đã nhập viện do viêm gan, suy gan, suy thận cấp sau khi nuốt mật cá trắm”, bác sĩ Nguyên lưu ý.

Ngộ độc do độc tố tự nhiên

“Gần đây có xu hướng thích lựa chọn sản phẩm độc đáo, lạ để thưởng thức ngày tết. Tuy nhiên, rất cần cẩn trọng với các loại thực phẩm như vậy. Bởi nếu đó không phải là sản phẩm từng được sử dụng phổ biến, có thể chúng tồn tại độc tố tự nhiên mà chưa được phát hiện”, bác sĩ Nguyên lo ngại. Theo chuyên gia này, các sản phẩm độc đáo, lạ cũng có nguy cơ bị ô nhiễm các vi sinh vật, nấm trong môi trường, có độc tố tự nhiên. Nhiều độc tố không mất đi trong quá trình chế biến sẽ gây độc cho cơ thể. Tùy mức độ khác nhau, có thể gây tiêu chảy đau bụng dữ dội, nôn, thậm chí một số chất gây độc thần kinh biểu hiện tê môi, co giật. Ngộ độc nặng có thể tử vong.

Với món ăn thông dụng nhất như măng, các chuyên gia cũng lưu ý khi chế biến bởi măng tre có độc tố tự nhiên là xianua khiến người ăn bị ngộ độc. “Nên dùng măng đã muối chua, trước khi chế biến làm món ăn cần luộc kỹ, chắt bỏ nước để loại bỏ thành phần có thể gây ngộ độc”, bác sĩ Nguyên tư vấn.

Ngộ độc rượu

Theo Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc rượu do lạm dụng, uống quá nhiều, uống triền miên, đang tăng trong các tuần gần đây. Tình trạng uống rượu “quên” ăn dẫn đến hạ đường huyết, mất não, tử vong là nguy cơ có thể gặp ở bệnh nhân lạm dụng rượu quá mức.

Đặc biệt nguy hại với trường hợp ngộ độc do rượu giả (chứa cồn công nghiệp methanol). Methanol là hóa chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Rượu chứa cồn công nghiệp ban đầu có thể gây say như rượu thông thường với biểu hiện buồn nôn, đau đầu nhưng sau đó gây độc rất mạnh cho thần kinh khiến người uống có thể bị mù, suy gan, suy thận và nguy cơ tử vong rất cao. “Chỉ nên sử dụng rượu có nguồn gốc rõ ràng. Nhưng với rượu được công bố chất lượng cũng cần uống có kiểm soát”, bác sĩ Nguyên đặc biệt lưu ý.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc rượu, mỗi người không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới; một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); 1 cốc bia hơi 330 ml hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).

http://thanhnien.vn/doi-song/tranh-ngo-doc-mua-le-hoi-665285.html

Gần 10.000 liều vaccine ‘5 trong 1’ được đăng ký hết trong 10 phút

Sáng 3-2,  chỉ sau ít phút từ khi đồng hồ các điểm tiêm chủng ở Hà Nội mở hệ thống đăng ký tiêm chủng vaccine Pentaxim (lúc 9 giờ sáng), gần 10.000 liều vaccine đã được đăng ký hết.

Theo ghi nhận trên hệ thông đăng ký của các trung tâm, từ khi mở mạng đăng ký, chỉ trong khoảng vài phút ngắn ngủi, gần 10.000 liều vaccine Pentaxim đã được các khách hàng đăng ký hết.

Tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, trong thời gian từ 9 giờ đến 9 giờ 11 phút, 6.104 liều vaccine đã được đăng ký hết.

Tuy nhiên, tại điểm tiêm chủng  70 Nguyễn Chí Thanh có hơn 6.000 liều vaccine nhưng sau khi khách hàng mở mạng đăng ký thì hệ thống của trung tâm lại ở trong tình trạng không xác nhận được. 

Tương tự, hệ thống đăng ký tiêm chủng của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, sau khi mở mạng hệ thống của trung tâm này bị sập, 30 phút sau đó hệ thống đã được mở nhưng vẫn báo lỗi xử lý số tiêm. Được biết, số lượng vaccine lần này của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương  là 3.550 liều.

Như đã đưa tin trước đó,  các trung tâm đã thông báo sẽ chính thức mở hệ thống đăng ký vaccine Pentaxim trực tuyến vào lúc 9 giờ ngày 3-2 và sẽ tổ chức tiêm từ ngày 4-2. Tuy nhiên, với nhu cầu quá lớn của khách hàng, các trung tâm này đều hết số thứ tự đăng ký trên hệ thông chỉ trong ít phút đồng hồ mở hệ thống đăng ký và đều phải cáo lỗi với khách hàng chờ đợt sau. 

http://phapluattp.vn/suc-khoe/gan-10000-lieu-vaccine-5-trong-1-duoc-dang-ky-het-trong-10-phut-610649.html

Hai tấn thịt heo 'hóa' thịt bò nhờ hóa chất

Sáng 3-2, Chi cục Thú y TP.HCM bất ngờ kiểm tra Công ty TNHH Thương mại Bính Hạnh (209/14 Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3, TP.HCM) do ông Nguyễn Xuân Bính làm tổng giám đốc.

Tại thời điểm kiểm tra, chi cục phát hiện nhiều bịch đựng thịt heo để dưới đất và một số thau đựng thịt heo đã xắt nhỏ. Chưa hết, chi cục còn ghi nhận thịt heo được ngâm trong dung dịch đỏ au, bốc mùi khó chịu. Khu vực sơ chế ẩm ướt, dơ bẩn, bốc mùi tanh tưởi. Chi cục còn phát hiện 1,7 kg bột màu trắng không nguồn gốc. Nhân viên công ty cho biết số bột này được mua ở chợ Kim Biên (TP.HCM) với giá 25.000 đồng/kg.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Bính cho biết thịt heo được một người ở tỉnh Đồng Nai chở giao tận nơi và không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Sau khi ngâm hóa chất, thịt heo “biến” thành thịt bò thơm phức. Số thịt “bò” này được công ty bỏ mối các tiệm phở trên địa bàn TP.HCM với giá mỗi ký từ 130.000 đồng đến 140.000 đồng.

Sau khi cân, chi cục ghi nhận 755 kg thịt heo đã thành thịt “bò”, 110 kg thịt heo đang ngâm trong hóa chất và gần 1.180 kg thịt heo chưa ngâm hóa chất. Ông Bính tự nguyện làm đơn xin tiêu hủy toàn bộ lô hàng nói trên.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết chi cục sẽ lấy mẫu thịt “bò” và hóa chất mang xét nghiệm để có cơ sở đề xuất UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt.

http://phapluattp.vn/suc-khoe/hai-tan-thit-heo-hoa-thit-bo-nho-hoa-chat-610636.html

Liên tiếp nhập viện vì ngộ độc chì trong thuốc cam

Trong vòng một tuần qua, Bệnh viện Nhi T.Ư liên tục tiếp nhận hai trường hợp trẻ 1 và 6 tháng tuổi bị ngộ độc chì nặng do cha mẹ cho sử dụng thuốc cam do cha mẹ cho sử dụng giúp trẻ tăng cân mau lớn, vệ sinh lưỡi miệng…

Đặc biệt, trường hợp bé gái 6 tháng tuổi ở Hiệp Hòa, Bắc Giang bị ngộ độc chì là do trước đó được người nhà pha loãng thuốc cam để đánh tưa lưỡi cho bé.

Sau hai ngày, bé xuất hiện các triệu chứng co giật, nhanh chóng tiến triển thành cơn hôn mê sâu được chuyển từ bệnh viện tỉnh lên Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng nguy kịch.

Trường hợp thứ hai là bé trai một tháng tuổi. Vì muốn con hay ăn, chóng lớn, mẹ của bé đã hòa thuốc cam với nước sôi cho con uống mỗi ngày ba lần.

Trong vòng một tháng, bé tăng được 1,3 kg nhưng đến ngày 19 -1, bé có biểu hiện bỏ bú, da xanh tái, kèm theo co giật toàn thân, mắt trợn ngược…

Tại bệnh viện đa khoa Xanh pôn, bé được chẩn đoán bị viêm phổi nặng, viêm màng não do ngộ độc chì sau đó được đặt nội khí quản và được chuyển lên Bệnh viện Nhi T.Ư.

Hiện nay, tuy đã qua một tuần điều trị tích cực nhưng sức khỏe của hai bé vẫn chưa ổn định.

Qua những trường hợp này, các bác sĩ bệnh viện Nhi T.Ư cảnh báo - chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày, tim mạch và thận.

Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.

Để đề phòng ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, gia đình không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc nam để uống, bôi.

Khi có bệnh, chỉ sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có nhãn mác ghi rõ địa chỉ, chứng nhận cho phép của các cơ quan chức năng.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160203/lien-tiep-nhap-vien-vi-ngo-doc-chi-trong-thuoc-cam/1048978.html

Phát hiện dị vật bỏ quên hai năm trong đường thở

Chiều 3-2, thạc sĩ - bác sĩ Phan Đình Long, khoa Mũi Xoang Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM cho biết các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng mới vừa lấy răng giả trong thanh quản cho ông L.M.H.

Ông H., 40 tuổi, ở Phú Quốc, Kiên Giang.

Ngày 2-2, nhân dịp vào TP.HCM chơi ông H. ghé Bệnh viện Tai mũi họng để khám bệnh vì khoảng hai năm nay ông bị khàn tiếng, làm việc nặng thấy khó thở. Các bác sĩ hỏi kỹ bệnh sử thì được biết cách đây hai năm có một lần ông H. bị ho sặc sụa, khó thở, tím tái.

Đây là một yếu tố làm các bác sĩ nghĩ nhiều đến dị vật đường thở. Các bác sĩ đã nội soi thanh khí quản gây mê và phát hiện có một dị vật găm vào thành trước thanh quản, dưới thanh môn gây nhiễm trùng thanh quản. Sau khi được lấy dị vật ra, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện sau 2-3 ngày tới.

Các bác sĩ cho biết đối với những người sử dụng hàm giả, răng giả mà không được khám răng định kỳ hàm giả, răng giả sẽ bị lỏng ra, trong những lúc ăn uống, nhậu, la hét, cười giỡn... sẽ dễ có nguy cơ bị hóc hàm giả, răng giả.

Các bác sĩ cũng lưu ý các bậc cha mẹ nên chăm sóc kỹ trẻ trong những ngày tết sắp tới vì cho trẻ nhỏ ăn các hạt nhỏ như hạt dưa, hạt bí… sẽ có nhiều nguy cơ bị hóc dị vật.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160203/phat-hien-di-vat-bo-quen-hai-nam-trong-duong-tho/1049059.html

Lợi ích của công nghệ in 3D trong ghép thận

Lần đầu tiên trên thế giới, một bệnh nhân 2 tuổi đã trải qua phẫu thuật ghép thận thành công nhờ vận dụng những thông tin hữu ích từ mô hình in 3D của quả thận người cho và cơ thể người nhận.

Có nhiều vấn đề phức tạp khi đưa quả thận người lớn vào cơ thể bệnh nhân quá nhỏ. Do đó nhóm phẫu thuật viên thuộc Tổ chức Guy’s and St. Thomas’ (Anh) đã nhờ công nghệ in 3D tạo hình quả thận người cho và khoang bụng của bệnh nhân bằng chất dẻo với kích thước và cấu trúc mô giống như thật.

Sau khi phân tích và thao tác trên mô hình trước để giảm thiểu tối đa các nguy cơ, cuộc mổ thật đã được tiến hành sau đó và họ chỉ mất bốn giờ để hoàn thành.

Kết quả đạt được sau cùng là bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng chạy thận nhân tạo ba lần mỗi tuần, có thể sinh hoạt và đi học bình thường sau khi được ghép thận.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160203/loi-ich-cua-cong-nghe-in-3d-trong-ghep-than/1048630.html

Bệnh liên cầu lợn, cúm, viêm phổi...nguy cơ phát trong dịp tết

Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ có thể bùng phát các loại dịch bệnh trong dịp tết. Các dịp tết trước hầu như năm nào cũng có bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm...

Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với đại diện các bộ Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng, đại diện các tổ chức quốc tế ngày 2-2 nhằm ngăn chặn bệnh do virút Zika và cảnh báo các loại dịch bệnh có thể bùng phát trong dịp tết.

Cách đây bốn ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã phải tiễn một bệnh nhân bị sốc do xuất huyết mặt và toàn thân, suy đa phủ tạng về quê do không có khả năng tiếp tục cứu chữa. Còn cách đây một ngày, có thêm một bệnh nhân viêm màng não mủ do liên cầu lợn nhập viện.

Liên cầu lợn, cúm, viêm phổi...

Theo ông Nguyễn Trung Cấp - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, từ Tết dương lịch tới nay có 4 bệnh nhân liên cầu lợn vào bệnh viện này và hầu hết đều rất nặng.

Với bệnh nhân viêm màng não mủ do liên cầu lợn, dù không nguy hiểm tính mạng nhưng 40% sẽ bị di chứng điếc sau khi điều trị xong viêm màng não mủ. Cả hai bệnh nhân này mắc bệnh và một trong hai đã tử vong vì lý do tưởng rất bình thường: ăn tiết canh lòng heo ở quán rượu gần nhà.

Tại phiên họp trực tuyến ngày 2-2, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Nguyễn Văn Kính rất lo ngại bệnh do liên cầu lợn bùng nổ trong dịp tết. “Người miền Bắc có thói quen “đụng” lợn.

Vài nhà chung nhau mổ một con lợn ăn tết và cho đó là lợn sạch, họ mời nhau ăn tiết canh vì nghĩ rằng chẳng mấy khi có lợn sạch, trong khi vi khuẩn liên cầu lợn trú ở hầu họng bất kỳ con lợn nào và hoàn toàn có thể gây bệnh” - ông Kính cảnh báo.

Các loại cúm cũng có nguy cơ bùng phát trong dịp tết, bởi theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, gà lậu vẫn qua đường tiểu ngạch về VN, trong khi tại Trung Quốc có các chủng cúm H7N9, H5N8, H9N2... Khi giết mổ gà hoặc gia cầm mang virút cúm gia cầm (gia cầm lành mang trùng), nguy cơ lây sang người là hoàn toàn có thể.

Các dịp tết trước hầu như năm nào cũng có bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm. Ông Kính thì cảnh báo loại bệnh viêm phế quản, viêm phổi do virút Hanta. Đây là bệnh hiếm gặp nhưng rất khó chẩn đoán và gần đây đã rải rác có bệnh nhân vào bệnh viện nhiễm loại virút này.

Xét nghiệm phát hiện nhanh bệnh nhân nhiễm Zika

Ông Nguyễn Văn Kính cho hay hai chứng bệnh nguy hiểm được cho là có liên quan tới virút Zika gồm viêm đa rễ thần kinh làm yếu cơ ở tay, chân và hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Điều khó khăn khi phòng dịch, theo ông Kính, là thời gian ủ bệnh và có thể làm lây truyền sang người bệnh khác dài tới 12 ngày, 80% người bệnh nhiễm virút Zika không có biểu hiện lâm sàng. Trong trường hợp người từ vùng dịch đã bị truyền virút Zika, khi đến VN bị loài muỗi aedes đang lưu hành rất phổ biến đốt thì hoàn toàn có thể làm lây lan mạnh căn bệnh này.

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến, ông Kato - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN - cho biết trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sĩ) đã tổ chức cuộc họp khẩn hôm 1-2, xác định chùm ca bệnh não nhỏ và viêm đa rễ thần kinh ở các nước Nam Mỹ đang lan tràn đến mức “WHO đủ điều kiện công bố đây là vấn đề sức khỏe y tế công cộng tạo ra những mối quan ngại quốc tế”.

Theo ông Kato, điều khó khăn với VN là xét nghiệm phát hiện nhanh bệnh nhân nhiễm virút Zika để đưa vào điều trị, trong khi chưa có thuốc đặc trị cho căn bệnh này.

Trả lời băn khoăn của đại diện WHO, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Phan Trọng Lân cho biết trong hôm nay 3-2, Viện Pasteur TP.HCM sẽ nhận được mẫu thử Zika ở mức độ phát hiện được bệnh nhân nhanh và chính xác hơn nhiều so với mẫu đang có, trong 6-8 giờ.

Ông Lân cũng cho biết sẽ lưu ý kinh nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khi kết hợp xét nghiệm Zika tại các khu vực nhiều muỗi và nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết. Tại khu vực phía Nam sẽ có 10 điểm giám sát như vậy, còn khu vực phía Bắc là 20 điểm.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160203/benh-lien-cau-lon-cum-viem-phoinguy-co-phat-trong-dip-tet/1048822.html

29% mẫu thực phẩm không đạt yêu cầu, nhiễm hàn the

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết trong gần 1.900 mẫu thực phẩm được kiểm tra sàng lọc bằng test nhanh có gần 550 mẫu (29%) không đạt

Báo cáo nhanh đợt kiểm tra thực phẩm dịp tết 2016 ngày 2-2, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết trong gần 1.900 mẫu thực phẩm được kiểm tra sàng lọc bằng test nhanh có gần 550 mẫu (29%) không đạt, chủ yếu do nhiễm hàn the, ôi khét...

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng công bố trong 11 mẫu được lấy mẫu kiểm nghiệm tại các chuyến kiểm tra thực phẩm Tết Nguyên đán có ba mẫu không đạt chất lượng. Đó là mẫu sản phẩm kim chi cải thảo cắt lát của Công ty cổ phần CJ foods VN (Q.Tân Phú, TP.HCM) được lấy tại tỉnh Hòa Bình không đạt về chỉ tiêu coliforms.

Bên cạnh đó, sản phẩm ô mai mơ cam thảo sản xuất ngày 5-12-2015, hạn dùng 5-12-2016 của cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Phương Soát (Long Biên, Hà Nội) và ô mai mơ chua ngọt sản xuất ngày 
17-11-2015, hạn sử dụng 17-11-2017 của Công ty cổ phần Hồng Lam (Mê Linh, Hà Nội) không đạt về chỉ tiêu chất tạo ngọt.

Ông Phong cho biết các mẫu thực phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng đều được yêu cầu dừng lưu thông, đồng thời yêu cầu chi cục an toàn thực phẩm tại địa bàn giám sát cơ sở sản xuất.

 http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160203/29-mau-thuc-pham-khong-dat-yeu-cau-nhiem-han-the/1048783.html

Website đăng ký tiêm Pentaxim quá tải

Ngay khi bắt đầu đăng ký, website của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội không thể truy cập được do quá tải. Sau khi website này hoạt động trở lại, trong vòng 10 phút, hơn 6.000 liều vắc xin đã hết số. 

Sáng 3.2, nhiều điểm tiêm chủng trên địa bàn TP.Hà Nội đã tổ chức đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim đợt 2 trực tuyến trên các website.

Đợt này đối tượng đăng ký là những trẻ đủ 2 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi. Ngay khi bắt đầu đăng ký, website của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (http://www.ytdphanoi.gov.vn) không thể truy cập được do quá tải, có thời điểm cùng lúc hơn 79.000 lượt người truy cập đăng ký.

Sau khi website này hoạt động trở lại, trong vòng 10 phút, hơn 6.000 liều vắc xin đã hết số. Thời gian triển khai tiêm tại trung tâm từ 4.2 - 3.3.2016 (trừ thứ bảy, chủ nhật). Riêng trong đợt nghỉ Tết Bính Thân, trẻ được tiêm vào các buổi sáng.

Cùng ngày, việc đăng ký tiêm qua website của Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Đúc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) diễn ra thuận lợi hơn do lượng truy cập không ồ ạt.

Tại đây, có hơn 3.600 liều vắc xin Pentaxim, triển khai tiêm từ 17.2 - 5.3. Tương tự, tại phòng khám đa khoa 182 Lương Thế Vinh, đến hơn 9 giờ cùng ngày, toàn bộ 799 liều vắc xin Pentaxim đã được đăng ký xong, thời gian tiêm diễn ra từ 16 - 21.2.

http://thanhnien.vn/thoi-su/website-dang-ky-tiem-pentaxim-qua-tai-665379.html

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/2/411103/

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang