Dịch bạch hầu áp sát biên giới Việt: Tiêm vắc xin đơn để phòng bệnh?
http://dantri.com.vn/suc-khoe/dich-bach-hau-ap-sat-bien-gioi-viet-tiem-vac-xin-don-de-phong-benh-20151104163001644.htm
Dịch bạch hầu tại Lào hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Trong khi đó, năm 2015 Việt Nam cũng ghi nhận 2 ổ bạch hầu ở Quảng Nam, Gia Lai. Trước thực trạng này nhiều bạn đọc băn khoăn có thể tiêm mũi vắc xin đơn lẻ để phòng bạch hầu?
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trao đổi với Dân trí về những thắc mắc của bạn đọc về việc phòng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu ở cả người lớn, trẻ em.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về nguy cơ dịch bạch hầu từ Lào xâm nhập Việt Nam. Tình hình dịch bạch hầu tại nước ta trong những năm qua như thế nào?
Ở thời điểm hiện tại, dịch bạch hầu tại Lào rất có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam do việc giao lưu, đi lại giữa Việt Nam và Lào là rất lớn. Hơn nữa đây là bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp, người chưa có miễn dịch với bệnh này (miễn dịch tự nhiên do đã từng mắc bệnh và miễn dịch chủ động do tiêm phòng) rất dễ mắc bệnh.
Trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến. Tuy nhiên, từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình TCMR (đầu tiên là mũi DPT 3 trong 1 bạch hầu - ho gà - uốn ván và nay là mũi 5 trong 1 Quinvaxem phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi - viêm màng não do vi khuẩn Hib), bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh. Nơi xảy ra bệnh thường ở các khu vực vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Còn trong năm 2015 Việt Nam xác định 2 ổ dịch bạch hầu ở Quảng Nam và Gia Lai nhưng số mắc rất ít. Phần lớn người dân ở vùng khó khăn, không được tiêm chủng.
Như tại Quảng Nam trong tháng 6, tháng 7/2015 (ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) đã xảy ra dịch bạch hầu với nhiều người mắc. Khi các bệnh nhân đầu tiên xuất hiện triệu chứng sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó, viêm họng, 3 người tử vong khiến người dân nơi hoang mang, lo lắng về căn “bệnh lạ” lấy đi tính mạng người dân.
Vậy ông có khuyến cáo gì với người dân để phòng bệnh bạch hầu? Làm thế nào để xử lý triệt để một ổ dịch bạch hầu, giảm lây lan ra cộng đồng, thưa ông?
Dù có nguy cơ xâm nhập nhưng may mắn, cộng đồng có miễn dịch với bệnh bạch hầu ở nước ta khá lớn do được tiêm phòng. Tuy nhiên nếu người dân có giao du, sang Lào phải phải giữ vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ như đau họng cần đi khám bởi đau họng trong bạch hầu là giả mạc, chỉ đi khám cán bộ y tế mới phát hiện.
Tại một ổ dịch bạch hầu được xác định, bệnh nhân, người có nguy cơ được dùng kháng sinh để điều trị, dự phòng và ngành y tế sẽ tổ chức tiêm vắc xin TD (vắc xin bạch hầu - uốn ván) cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Như tại Quảng Nam, ngành y tế nhanh chóng tiến hành tiêm vắc xin cho gần 900 người dân và sau đó, dịch bệnh nhanh chóng được khống chế. Bởi khi cộng đồng được bảo vệ do đã có miễn dịch bạch hầu từ tiêm vắc xin thì số mắc sẽ giảm và dần tiến đến không có ca mắc mới.
Người dân có nhu cầu có thể tiêm vắc xin bạch hầu phòng bệnh hay không, thưa ông?
Tại Việt Nam không có mũi vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có vắc xin TD. Tuy nhiên vắc xin này chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập. Hơn nữa, do đối tượng tiêm của vắc xin TD chủ yếu là người lớn nên nhà sản xuất đã loại bỏ thành phần ho gà chỉ còn thành phần phòng bệnh uốn ván và bạch hầu.
Cũng xin nói rõ hơn, với bệnh bạch hầu có thể tồn tại người có miễn dịch tự nhiên (do đã mắc lúc nhỏ) hoặc ở dạng người lành mang trùng, có miễn dịch tự nhiên bởi trước kia bệnh bạch hầu phổ biến. Thực tế có những bác sĩ làm bệnh viện không mắc bạch hầu nhưng mang vi khuẩn này về lây cho con.
Còn hiện nay, dịch bạch hầu rất hiếm do tỉ lệ tiêm vắc xin càng cao lên thì những người có miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng càng giảm đi, vì thế phải tạo miễn dịch chủ động bằng tiêm phòng vắc xin.
Liên quan đến một số phản ứng sau tiêm Quinvaxem gần đây, nhiều người dân băn khoăn liệu họ có thể lựa chọn vắc xin TD hoặc vắc xin DPT 3 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) thay thế cho Quinvaxem để giảm nguy cơ phản ứng? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Như tôi đã nói, hiện nay Việt Nam không tổ chức tiêm phổ biến vắc xin TD trong cả nước mà chỉ huy động cho chống dịch và chủ yếu là tiêm cho đối tượng người lớn. Còn với trẻ em, bệnh ho gà nguy hiểm không kém bệnh bạch hầu, uốn ván nên vắc xin TD không được chỉ định cho trẻ. Trước đó trẻ được tiêm vắc xin DPT và từ năm 2010 là vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem
Nói về nguy cơ phản ứng, bản chất của vắc xin DPT và Quinvaxem là như nhau bởi cả hai vắc xin này đều chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Vì thế, không có sự khác biệt về nguy cơ phản ứng khi tiêm hai vắc xin này. Tuy nhiên khi tiêm vắc xin, chủ yếu là phản ứng nhẹ như nóng sốt, quấy khóc, sưng đau vết tiêm… còn phản ứng nặng là hi hữu, hiếm gặp. Trong khi đó, vắc xin Quinvaxem ngoài phòng 3 bệnh trên có thêm thành phần phòng bệnh viêm gan B, Hib. Xu hướng chung của thế giới hiện nay cũng hướng tới tiêm vắc xin đa giá càng nhiều càng tốt, giảm mũi tiêm mà phòng được nhiều bệnh cho trẻ.
Ông có khuyến cáo gì cho các bà mẹ phòng bệnh cho trẻ trong mùa đông xuân sắp đến?
Trong mùa đông xuân nhiều bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp có điều kiện phát triển. Vì thế, để phòng bệnh cho trẻ cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, luôn giữ vệ sinh bàn tay, thân thể sạch sẽ.
Với các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin thì cần cho trẻ tiêm vắc xin đúng lịch để phòng bệnh. Như ho gà, bạch hầu, hay sởi trong thời gian qua xảy ra dịch, đặc biệt ho gà gặp nhiều nhất ở Hà Nội, chủ yếu rơi vào nhóm trẻ tiêm phòng muộn, trì hoãn chưa tiêm phòng.
Bạch hầu, ho gà đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với trẻ. Vì thế, gia đình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đúng độ tuổi theo quy định của chương trình TCMR.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hải (thực hiện)
Đà Nẵng: Báo động dịch sốt xuất huyết và tay-chân-miệng
http://phapluattp.vn/suc-khoe/da-nang-bao-dong-dich-sot-xuat-huyet-va-taychanmieng-589259.html
Trung bình mỗi tuần có 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tính đến ngày 25-10 đã ghi nhận 591 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 374 trường hợp so với cùng kỳ năm 2014.
Sở Y tế TP Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Đà Nẵng về tình hình của ngành này trong năm 2015.
Theo báo cáo, trong tháng 9 và đầu tháng 10-2015, một số bệnh có xu hướng tăng nhanh và diễn biến tương đối phức tạp như sốt xuất huyết (SXH) và tay-chân-miệng (TCM).
Trung bình mỗi tuần có 100 trường hợp mắc SXH, tính đến ngày 25-10 đã ghi nhận 591 trường hợp mắc SXH, tăng 374 trường hợp so với cùng kỳ năm 2014. Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, SXH xuất hiện tại 42/56 xã phường và tập trung chủ yếu tại quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Hòa Vang, Hải Châu.
Riêng bệnh TCM, trong tháng 10, trung bình mỗi tuần có 60 trường hợp mắc. Tính đến ngày 25-10, đã ghi nhận 1.695 trường hợp mắc, tăng 469 trường hợp so với cùng kỳ năm 2014. Bệnh thủy đậu tính đến ngày 25-10 đã ghi nhận 952 trường hợp mắc.
Theo đó, trước tình hình dịch bệnh SXH và TCM đang có xu hướng tăng nhanh, Sở Y tế đã làm việc với lãnh đạo UBND TP và các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là dịch SXH; chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP tăng cường công tác giám sát dịch hằng ngày tại các bệnh viện và giám sát xử lý ổ dịch tại địa phương.
Tiến hành cảnh báo dịch tại các địa phương có bệnh SXH cao như: phường Hòa Khánh Nam, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), phường Thọ Quang, phường Mân Thái (quận Sơn Trà), phường Thuận Phước, phường Bình Thuận (quận Hải Châu), xã Hòa Tiến, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang)…
Cũng theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, năm 2015 ngân sách chi cho y tế dự phòng tăng. Cụ thể năm 2014 chi trên 94 tỉ đồng nhưng năm 2015 là trên 103 tỉ đồng.
Người mắc sốt xuất huyết giảm nhưng dịch vẫn phức tạp
http://sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/11/401678/
(SGGP).- Ngày 4-11, Bộ Y tế cho biết, hiện nay dịch sốt xuất huyết trong cả nước đã có xu hướng giảm số người mắc, nhưng tại khu vực phía Nam vẫn căng thẳng, phải hết mùa mưa số người mắc mới sốt xuất huyết mới giảm.
Từ đầu năm 2015 tới nay, cả nước đã ghi nhận hơn 53.000 người bị sốt xuất huyết tại 54/63 tỉnh thành, đặc biệt đã có 34 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, sốt xuất huyết là dịch bệnh lưu hành quanh năm ở nước ta, mỗi năm cả nước có từ 50.000 - 100.000 ca mắc. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và so với những năm trước thì số mắc và tử vong do sốt xuất huyết hiện nay ở nước ta ở mức thấp. Dự báo dịch còn kéo dài thời gian nữa, có thể diễn biến phức tạp do thời tiết thay đổi, đặc biệt là do hiện tượng El Nino.
* Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong tuần qua, toàn thành phố có hơn 770 ca sốt xuất huyết nhập viện. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay toàn thành phố có hơn 13.800 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Không chỉ tập trung tại một số điểm dịch như những năm trước, năm nay sốt xuất huyết đang có xu hướng lan ra hầu khắp tất cả các quận huyện tại TPHCM.
Hơn 44 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng
http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/27894102-hon-44-nghin-truong-hop-mac-benh-tay-chan-mieng.html
Theo thống kê mới nhất của Cục Y tế dự (Bộ Y tế) tính tới thời điểm hiện tại cả nước có hơn 44 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 tỉnh, thành phố. Trong đó, ghi nhận năm trường hợp tử vong tại khu vực phía nam.
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết giao mùa là thời điểm thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng là rất lớn. Bệnh tay chân miệng do virus đường ruột, lây qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Hiện, chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu loại bệnh này.
Năm nay, do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên số ca mắc giảm 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Các địa phương có số ca mắc cao như: TP Hồ Chí Minh với 6.554 trường hợp, Đồng Nai với 4.673 trường hợp, Đồng Tháp với 3.066 trường hợp, Đà Nẵng với 1.689 trường hợp, Thanh Hóa với 1.399 trường hợp, Hải Phòng với 1.251 trường hợp.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân. Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho trẻ khác, nhất là tại cơ sở giáo dục mầm non.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khóc trong họp báo
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151105/giam-doc-so-y-te-tphcm-khoc-trong-hop-bao/997795.html
Chiều 5-11, Sở Y tế TP.HCM gặp gỡ báo chí để thông tin quan điểm chính thức của sở về bài báo “Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đá trách nhiệm, đuổi phóng viên” (báo Người Tiêu dùng bản giấy và điện tử ngày 30-10).
Tham dự cuộc họp có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin Truyền thông TP, tác giả bài báo và thư ký tòa soạn báo Người Tiêu dùng cùng khoảng 40 phóng viên báo đài.
Tại cuộc họp báo, ông Lê Anh Tuấn - chánh văn phòng Sở Y tế TP, người phát ngôn của sở - nói cuộc họp hôm nay là thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND TP.HCM.
Theo ông Tuấn, nội dung bài báo nói trên phản ánh ba vấn đề chính: Sở Y tế TP.HCM từ chối tiếp xúc, đuổi phóng viên; giám đốc sở “say xỉn, mặt đỏ gay, người thì nồng nặc mùi rượu bia”; giám đốc sở “đá” trách nhiệm về quá tải hai bệnh viện nhi, việc cho thuê mặt bằng ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. Sở Y tế không đồng tình các nội dung này.
Ông Tuấn trình bày, ngày 26-10 ông Hoàng Hùng có mang giấy giới thiệu đến gặp ông nhưng giấy giới thiệu không ghi rõ nội dung làm việc và ông Hùng không xuất trình thẻ phóng viên hoặc cộng tác viên.
Ông Tuấn cung cấp thông tin ngắn gọn về việc quá tải hai bệnh viện nhi và về việc cho thuê mặt bằng ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ngày 27-10, ông Trần Phong tiếp tục đến gặp bộ phận tiếp nhận thông tin báo chí cũng mang giấy giới thiệu đến nhưng không ghi rõ nội dung làm việc và không xuất trình thẻ phóng viên hoặc cộng tác viên.
Ông Trần Phong cũng không đồng ý để lại câu hỏi phỏng vấn và để lại giấy giới thiệu để chuyển cho người phát ngôn. Hình của ông Bỉnh đăng trên báo Người Tiêu dùng không phải hình ảnh của ông khi tiếp xúc với hai phóng viên báo này mà là hình khi ông Bỉnh tham dự mít tinh Ngày Asean phòng chống sốt xuất huyết ngày 14-6-2015 tại Q.7…
Về việc giám đốc sở “say xỉn, mặt đỏ gay, người thì nồng nặc mùi rượu bia”, ông Tuấn nói 14g40 ngày 30-10 ông Bỉnh vừa kết thúc chủ trì cuộc họp do bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo về phối hợp thực hiện bệnh viện vệ tinh giữa Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện Thống Nhất.
Giám đốc sở cũng không đá trách nhiệm về quá tải hai bệnh viện và thông tin ngắn gọn về tình hình quá tải và nỗ lực của TP và ngành y tế. Đồng thời hướng dẫn gặp bác sĩ Tăng Chí Thượng - phó giám đốc sở và chánh văn phòng - người phát ngôn chính thức của sở.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Bỉnh chia sẻ: “Khi tôi đang dự hội nghị ghép tủy châu Á Thái Bình Dương ở Nhật Bản thì biết tin báo Người Tiêu dùng có bài viết này. Tôi rất buồn, tôi không đồng tình với bài báo này” - nói đến đây, ông Bỉnh lặng đi mấy giây rồi xúc động khóc.
Ông Bỉnh giải thích, khi tiếp xúc với hai phóng viên báo Người Tiêu dùng, ông đã tiếp xúc quá thân tình nên mới xưng hô “tụi bây” như vậy. Ông Bỉnh khẳng định, từ khi làm giám đốc Sở Y tế ông chưa bao giờ ký văn bản cho bệnh viện nào thuê đất.
Việc cho thuê mặt bằng ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 là theo chỉ đạo của UBND TP, và việc này xảy ra từ năm 2009 - khi ông chưa làm giám đốc sở. Quá tải bệnh viện là nhức nhối không chỉ của ngành y tế mà còn của cả các ban ngành khác, dù ngành y tế đã có cố gắng, nhiều giải pháp để giảm tải.
Đối với phóng viên báo đài, ông Bỉnh nói ông luôn trả lời tất cả, công khai, minh bạch. Những gì còn khuyết điểm cũng luôn nhìn nhận rõ ràng. Trong lúc phát biểu, có những lúc ông Bỉnh rưng rưng nói ông từng là hiệu trưởng, là người thầy của nhiều thế hệ học trò nên ông luôn cố gắng sống gương mẫu.
“Việc đưa hình ảnh của tôi như vậy và những ngôn từ đó khiến người dân nhìn không đúng về ngành y tế. Không lẽ cá nhân tôi lại đi xóa bỏ cả một ngành như vậy. Nó là sự xúc phạm lớn lắm…” - ông Bỉnh khẳng định.
Tuy nhiên, sau phần thông tin của Sở Y tế TP, một số phóng viên đề nghị để báo Người Tiêu dùng trao đổi lại để báo đài được nghe cả hai bên cũng như hỏi một số vấn đề khác, nhưng Sở Y tế TP nói cuộc họp chỉ dừng lại ở việc thông báo quan điểm của Sở về nội dung bài báo, những vấn đề khác sẽ thông tin sau.
Giao mùa lo trẻ nhập viện tăng
http://www.baohaiquan.vn/pages/giao-mua-lo-tre-nhap-vien-tang.aspx
(HQ Online)- Bên lề Hội thảo Nhi khoa Việt Mỹ do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 5-11-2015, bác sỹ Nguyễn Thành Nam- Trưởng Khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay tại Khoa Nhi, số trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi nhập viện do bệnh lý hô hấp tăng cao với biến chứng nguy hiểm.
Bác sỹ Nam thông tin, hiện số bệnh nhân đến khám và điều trị tại Khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai tăng gấp 1, 5 lần so với thời gian trước, ở mức 250-300 bệnh nhân, trong đó hơn 50% bệnh nhân mắc các bệnh lý hô hấp.
Chia sẻ về triệu trứng ban đầu của trẻ có thể dẫn tới tình trạng bệnh nặng nhưng cha mẹ bỏ qua là việc trẻ thở gấp, thở nhanh kèm theo khò khè.
Cụ thể, với trẻ từ 0 tới 6 tháng, số nhịp thở lớn hơn 60 lần/ phút, cha mẹ nghĩ tới trường hợp trẻ bị viêm phổi.
Tương tự với trẻ từ 6- 12 tháng tuổi, nhịp thở lớn hơn 50 lần/ phút và trẻ trên 1 tuổi nhịp thở lớn hơn 40 lần/ phút là những dấu hiệu cảnh báo biến chứng nhanh, nguy hiểm của bệnh lý hô hấp.
Kèm theo với việc trẻ thở nhanh là trẻ bị sốt, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, thở khò khè, tim đập nhanh...
Các bác sỹ khuyến cáo để chủ động phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết thay đổi, khi ra đường cha mẹ cần đeo khẩu trang, mặc quần áo ấm cho trẻ.
Khi trẻ ra mồ hôi, cần cởi bớt áo ngoài ra và lau mồ hôi ngực, lưng để tránh bị nhiễm lạnh. Khi trẻ có dấu hiệu ho, hắt hơi, chảy nước mũi cần đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời, phòng biến chứng.
Tại Hội nghị Nhi khoa Việt Mỹ do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức trong hai ngày 5 và 6- 11, nhiều tiến bộ y khoa trong lĩnh vực chăm sóc trẻ nhỏ như cấp cứu, hồi sức trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, xử lý bệnh lý hô hấp, nhiễm trùng... sẽ được các giáo sư đầu ngành Nhi khoa của Việt Nam và Mỹ trình bày.
Triển khai nhiều giải pháp giảm tải bệnh viện tuyến cuối
http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/27893002-trien-khai-nhieu-giai-phap-giam-tai-benh-vien-tuyen-cuoi.html
Chiều 5-11, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh họp báo về các biện pháp giảm tải bệnh viện. PGS,TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chủ trì họp báo.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, vấn đề giảm tải cho các bệnh viện thành phố luôn được Bộ Y tế, lãnh đạo thành phố và Sở quan tâm, chỉ đạo sâu sát triển khai nhiều giải pháp giảm tải. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ 10 giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải.
Trước mắt, ngành y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả của đề án “Bệnh viện vệ tinh”, “Khoa vệ tinh”, “Phòng khám vệ tinh” của các bệnh viện (BV) chuyên khoa, đa khoa của thành phố cho các BV tuyến tỉnh, quận, huyện của thành phố. Tiếp tục triển khai đề án luân phiên bác sĩ từ các BV thành phố xuống các BV quận, huyện còn gặp khó khăn trong bổ sung nguồn nhân lực. Đồng thời, bổ sung bác sĩ từ BV quận, huyện xuống các Trạm y tế, bảo đảm mỗi trạm có ít nhất một bác sĩ, phấn đấu có hai bác sĩ trong thời gian tới.
Đối với các biện pháp giảm tải ngay ở từng bệnh viện: ngành y tế sẽ tăng bàn khám, kê thêm giường, ứng dụng công nghệ thông tin rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, tăng giờ làm việc kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ. Đẩy mạnh hoạt động điều trị ngoại trú, như phẫu thuật trong ngày, giường lưu; chuyển ngược bệnh nhân đã được chẩn đoán, điều trị ổn định, với kế hoạch điều trị tiếp theo cho BV tuyến dưới tiếp tục điều trị. Tăng cường phối hợp công – tư, sử dụng nguồn giường bệnh hiện chưa sử dụng hết công suất tại các BV ngoài công lập, nghiên cứu các cơ sở pháp lý triển khai thí điểm để các BV đang quá tải có thêm cơ sở hai. Triển khai quy trình chủ động phối hợp và hỗ trợ của các BV thành phố với BV quận, huyện và BV quận, huyện với các Trạm y tế. Triển khai “quy trình phản ứng nhanh” trong cấp cứu người bệnh tại mỗi BV và liên viện, bước đầu cứu sống nhiều trường hợp nặng, tạo niềm tin cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại một số BV quận, huyện.
Về các giải pháp lâu dài, PGS,TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết sẽ tăng số giường bệnh và chất lượng giường bệnh, xây thêm BV mới.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định sẽ tăng số lượng và năng lực nguồn nhân lực y tế cả về nhân lực chuyên môn và nhân lực quản lý. Tăng quy mô đào tạo bác sĩ của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, để mỗi năm thành phố có thêm 1.000 bác sĩ mới tốt nghiệp; chuẩn hóa năng lực chuyên môn bác sĩ. Đào tạo kiến thức quản lý bệnh viện cho gần một nghìn bác sĩ, đồng thời tăng năng lực và chất lượng khám chữa bệnh tại y tế cơ sở…
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị BV tuyến tỉnh phải phát triển đồng bộ. Các BV tuyến cuối của thành phố góp sức cho các BV tỉnh triển khai đề án BV vệ tinh tại các tỉnh khu vực phía nam theo sự phân công của Bộ Y tế.
“Mong các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền cho người dân biết các BV quận, huyện, BV tỉnh đã phát triển tốt kỹ thuật khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ… tạo sự an tâm và niềm tin cho người dân để góp phần giảm tải trước mắt cũng như lâu dài. Các biện pháp đang được ngành y tế triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ chắc chắn sẽ giữ vai trò quan trọng để giải quyết tình trạng quá tải kéo dài tại các bệnh viện tuyến cuối của thành phố”, PGS, TS Nguyễn Tấn Bỉnh nói.
Được biết TP Hồ Chí Minh có 32 BV thuộc thành phố, 23 BV quận - huyện, 14 BV tuyến T.Ư, 38 BV tư nhân. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân đạt cao hơn mức trung bình cả nước. Tuy nhiên, do người bệnh các tỉnh phía nam thường đổ về TP Hồ Chí Minh nên các BV luôn trong tình trạng quá tải. Năm năm qua, các BV (thuộc thành phố) đã khám, điều trị cho hơn 12 triệu lượt người bệnh.
Bệnh viện tuyến huyện còn thiếu thiết bị y tế
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/benh-vien-tuyen-huyen-con-thieu-thiet-bi-y-te/997303.html
Đánh giá của Bộ Y tế ngày 4-11 tại Hội thảo về khai thác và sử dụng thiết bị y tế, được Hội Thiết bị y tế VN tổ chức tại Hà Nội, cho biết như trên.
Tình trạng chung về trang thiết bị y tế ở VN là thiếu, chưa đồng bộ, còn lạc hậu so với khu vực, phần lớn không được định kỳ bảo dưỡng, kiểm chuẩn, bệnh viện tuyến huyện có mới 30 - 50%, cá biệt có bệnh viện chỉ 20% thiết bị y tế theo yêu cầu, thiếu nhiều trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, điều trị như đèn mổ, máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, máy thở, máy theo dõi bệnh nhân...
Theo ông Hà Đắc Biên, Hội Thiết bị y tế VN, kết quả một khảo sát gần đây cho thấy chỉ 6% trong số cán bộ kỹ thuật đảm nhiệm hệ thống trang thiết bị y tế là kỹ sư, 35% là kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật, số còn lại là cán bộ kiêm nhiệm, vì vậy hiệu quả đầu tư trang thiết bị y tế thấp.
Theo ông Phạm Lê Tuấn, thứ trưởng Bộ Y tế, từ nay đến năm 2020 các bệnh viện VN sẽ chi hàng trăm triệu USD mua sắm trang thiết bị y tế, chủ yếu là nhóm thiết bị phòng mổ, khử khuẩn, theo dõi bệnh nhân, nội soi, xử lý chất thải y tế, chẩn đoán hình ảnh, thiết bị phục vụ điều trị ung bướu...
Tuy nhiên xu hướng đầu tư thiết bị không chỉ tập trung ở các bệnh viện lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, mà sẽ mở rộng ra các địa phương và các tuyến.
Sắp có thêm văcxin 6 trong 1 dịch vụ mới
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/sap-co-them-vacxin-6-trong-1-dich-vu-moi/997147.html
Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho hay nghiên cứu lâm sàng về văcxin Hexaxim trên 330 trẻ em ở Thái Bình đã hoàn tất. Đây là văcxin 6 trong 1 được lưu hành tại khoảng 80 quốc gia trên thế giới.
Hiện viện đang đợi kết quả thử kháng thể để báo cáo lên Bộ Y tế, sau đó nhà cung cấp văcxin sẽ hoàn tất các hồ sơ để đăng ký lưu hành văcxin này tại VN dự định trong năm 2016.
Hexaxim là văcxin 6 trong 1 đóng gói dạng hỗn dịch bơm sẵn trong bơm kim tiêm, được sử dụng ngừa 6 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib và bại liệt. Đây là loại văcxin 6 trong 1 thứ hai, có thành phần ho gà vô bào được đăng ký lưu hành tại VN và sử dụng cho nhóm trẻ tiêm phòng dịch vụ, theo nhu cầu.
Trên thị trường còn một loại văcxin 6 trong 1 dịch vụ khác nhưng do thay đổi về nhà máy sản xuất, cả năm 2015 hầu như không có văcxin 6 trong 1 được nhập khẩu về, dẫn đến tình trạng khan hiếm văcxin dịch vụ nghiêm trọng.
Cùng ngày, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư có thống kê cho biết các văcxin đều có tỉ lệ gặp phản ứng phụ, tuy nhiên văcxin có thành phần ho gà toàn tế bào có tỉ lệ phản ứng vào nhóm cao: 50% trẻ sưng, đỏ, đau chỗ tiêm; 50% sốt trên 38 độ C; tới 60% có các phản ứng toàn thân như khó chịu, kích thích.
Kế đến là văcxin phế cầu cộng hợp, 10-20% trẻ gặp các biểu hiện kể trên sau khi tiêm, văcxin phế cầu cộng hợp có tỉ lệ trẻ sưng, đỏ, đau chỗ tiêm lên tới 50%, tỉ lệ trẻ sốt trên 38 độ C dưới 1%.
Văcxin cúm bất hoạt có 10-64% người được tiêm có phản ứng tại chỗ, 5-12% sốt trên 38 độ C. Văcxin viêm não và văcxin bại liệt uống là hai văcxin có tỉ lệ gặp phản ứng phụ sau tiêm thấp nhất, trong đó chỉ 1-4% người tiêm văcxin cúm có tỉ lệ phản ứng tại chỗ, chỉ 1% người uống văcxin ngừa bại liệt có sốt, trên 38% hoặc khó chịu toàn thân.
Lần đầu tiên 900 đại biểu nhi khoa trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm điều trị
http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/lan-dau-tien-900-dai-bieu-nhi-khoa-truc-tuyen-chia-se-kinh-nghiem-dieu-tri-2015110514352731.htm
SKĐS - Các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ chia sẻ nhiều nội dung y khoa bổ ích trong công tác hàng ngày cũng như trong hoạt động nghiên cứu.
Trong hai ngày 5 và 6/11/2015, tại BV Bạch Mai diễn ra Hội nghi Nhi khoa Việt – Mỹ năm 2015. Đây là hội nghị thường niên lần thứ 5 được tổ chức có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và Hoa Kỳ với nhiều nội dung y khoa bổ ích trong công tác hàng ngày cũng như trong hoạt động nghiên cứu.
ThS.BS. Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, hội nghị lần này có nhiều cập nhật nghiên cứu mới, điển hình là áp dụng PK/PD trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cấp và trường hợp lâm sàng về viêm phổi kẽ đặc biệt; Những cập nhật về kháng kháng sinh trong lâm sàng và các vấn đề về nhiễm virus bẩm sinh – một bệnh lý thường gặp trong thực hành lâm sàng; Hồi sức sơ sinh tại phòng đẻ, nhấn mạnh vai trò liên kết sản - nhi giúp giảm những tai biến trong quá trình sinh và việc áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt trong điều trị bệnh lý của trẻ sơ sinh; Những vấn đề cấp bách trong xử trí cấp cứu đường thở ở trẻ em – một vấn đề gặp rất nhiều trong thực hành lâm sàng hàng ngày và một vấn đề mang tính thời sự không kém trong công tác điều trị đó là cấp cứu tim mạch trong nhi khoa; Các bệnh lý thận – tiết niệu thường gặp ở trẻ em như hội chứng tan huyết tăng urê máu và bệnh lý thận hư…
Đặc biệt, trong thời điểm chuyển mùa ở nước ta như hiện nay, các bệnh lý hô hấp khá phổ biến. Theo ThS. Nguyễn Thành Nam, trong công tác điều trị hàng ngày, có đến trên 50% là các bệnh lý đường hô hấp. Do đó, tại hội nghị lần này, chuyên gia về các bệnh lý phổi trẻ em đến từ BV Mayo Clinic sẽ chia sẻ hai vấn đề hay gặp hiện nay đó là bệnh lýviêm phổi, viêm tiểu phế quản và Xử trí khò khè ở trẻ em.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ cập nhật mới trong sinh lý bệnh và quản lý chấn thương; đánh giá và kiểm soát bất thường chảy máu ở trẻ em, những phản ứng trong truyền máu; xử trí cấp cứu co giật…
Đây cũng là lần đầu tiên BV Bạch Mai triển khai truyền hình trực tuyến với sự tham gia của gần 900 đại biểu từ khắp mọi miền đất nước đăng ký tham dự, tạo điều kiện thuận lợi cho các y bác sĩ ở xa không có điều kiện tham dự hội nghị vẫn có thể trực tiếp theo dõi thông tin chia sẻ của các chuyên gia.
Triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS hướng đến mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=361611
(ĐBNDO) - Tăng cường sự lãnh đạo và đầu tư từ nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế là giải pháp được đưa ra tại Hội thảo Triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS hướng đến mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020 do Ban quản lý Dự án Nâng cao năng lực của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nan ma túy, mại dâm về điều phối và vận động chính sách phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AID, Bộ Y tế tổ chức ngày 5.11, tại Hải Phòng.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến tháng 9.2015 cả nước phát hiện 7.054 trường hợp nhiễm HIV mới, số bệnh nhân AIDS là 4.257, số HIV tử vong là 1.640. Tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao có xu hướng giảm mạnh, tuy nhiên ở một số tỉnh, thành phố tình trạng nhiễm HIV vẫn ở mức cao. Cùng với đó, hệ thống cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS phát triển mạnh với 63 trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố; 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV, 95 phòng xét nghiệm khẳng định, 91 phòng xét nghiệm CD4 tại 48 tỉnh, thành phố, 7 cơ sở xét nghiệm tải lượng virus… Các hoạt động truyền thông cũng được đa dạng hóa với truyền thông báo chí, hệ thống phát thanh xã, phường, truyền thông theo nhóm, mít tinh, diễu hành… Tuy nhiên, HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe quan trọng của cộng đồng, vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở nước ta. Theo đó, số lượng người nhiễm HIV/AIDS tiếp tục tăng cao với khoảng 227.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời; nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao; tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế, trật tự an ninh xã hội…
Để đạt được mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là đạt được chỉ tiêu 90 - 90 - 90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, 90% người nhiễm HIV được chuẩn đoán được điều trị bằng thuốc ARV, 90% người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo và đầu tư từ nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế; củng cố và tăng cường năng lực hệ thống trong việc cung cấp các can thiệp, thực hiện mô hình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS liên tục.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90 cần đổi mới công tác thay đổi hành vi, thực hiện các hình thức truyền thông trực tiếp, truyền thông nhóm nhỏ cho người tiêm chích ma túy và gia đình họ; người có uy tín trong lòng, bản; kết hợp với đó là các hoạt động truyền thông trong khi cung cấp dịch vụ, tập trung và lợi ích của các biện pháp can thiệp dự phòng, điều trị methadone, dùng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, lợi ích của việc xét nghiệm HIV và điều trị ARV. Đồng thời nhấn mạnh đến thông điệp điều trị ARV kết hợp với các biện pháp dự phòng khác là biện pháp dự phòng nhiễm HIV mới hiệu quả nhất. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần tiến hành rà soát số liệu theo từng xã, phường; xác định các huyện, xã cần tập trung can thiệp và chỉ tiêu mỗi “90”; xác định biện pháp cần làm để đạt được mỗi chỉ tiêu “90”; theo dõi chặt chẽ các chỉ tiêu của mỗi mục tiêu “90”.
Hà Tĩnh:CSGT bắt xe tải chở gần 4 tạ nội tạng thối
http://dantri.com.vn/suc-khoe/csgt-bat-xe-tai-cho-gan-4-ta-noi-tang-thoi-20151105161157128.htm
Sáng ngày 5/11, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 15B, đội CSGT Công an huyện Lộc Hà(Hà Tĩnh) đã phát hiện và bắt giữ chiếc xe tải mang BKS 92C – 068.01 vận chuyển 360kg nội tạng thối đi tiêu thụ.
Vào khoảng 9h30’ ngày 05/11, tại Quốc lộ 15B giao cắt với đường tỉnh 549 thuộc thôn Tân Quý xã Hộ Độ huyện Lộc Hà, Tổ TTKS Đội CSGT Công an huyện Lộc Hà do Trung úy Lê Viết Tính làm tổ trưởng phát hiện xe ô tô BKS 92C - 068.01 do Lê Văn Vân (trú tại thị trấn Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) điều khiển chạy từ hướng Quốc lộ 1A xuống cảng cá Thạch Kim ( Lộc Hà) có dấu hiệu vi phạm.
Tổ tuần tra đã tiến hành dừng phương tiện để kiểm tra hành chính, quá trình kiểm tra, tổ đã phát hiện toàn xe bốc mùi hôi thối và tiến hành mở thùng lạnh của xe, kiểm tra từng thùng xốp loại 45kg đã phát hiện 8 thùng chứa nội tạng động vật (lợn, trâu, bò) đang trong quá trình phân hủy.
Tại cơ quan công an huyện Lộc Hà, lái xe khai nhận, ngoài số tôm, cá chở theo hợp đồng ra nhập tại cảng cá Thạch Kim( Lộc Hà) thì lái xe đã tăng bo thêm số nội tạng trên ở Bến cá Phú Thọ ( Tp Đà Nẵng) ra nhập cho một khách hàng ở Quảng Ninh, quá trình vận chuyển ra cảng cá Thạch Kim thì bị Tổ TTKS - Đội CSGT CA huyện Lộc Hà phát hiện.
Hiện các cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính, đồng thời tiêu hủy toàn bộ lượng nội tạng thối trên.
Cho luộc một tấn thịt bò bơm nước
http://phapluattp.vn/suc-khoe/cho-luoc-mot-tan-thit-bo-bom-nuoc-589447.html
Sau gần một năm tạm lắng, cơ quan chức năng lại phát hiện thịt bò bơm nước tại chợ.
Sáng 5-11, Trạm Thú y quận Tân Bình kiểm tra xe tải 57M-2835 chở 740 kg thịt bò và 130 kg phụ phẩm bò (tổng cộng 870 kg) có nguồn gốc từ cơ sở giết mổ Cổ Văn Mông (huyện Đức Hòa, Long An) vào chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình tiêu thụ. Chủ nhân lô hàng trên là bà Trần Thị Phượng (Long An). Mặc dù 870 kg thịt, phụ phẩm bò nói trên đã được Chi cục Thú y tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng nhân viên thú y phát hiện một số quầy thịt có hiện tượng ẩm, rỉ dịch.
Tại buổi làm việc, bà Phượng khai mua 12 con bò sống từ Châu Đốc (An Giang) rồi đưa vào cơ sở Cổ Văn Mông giết mổ. Sau một giờ tạm giữ, nhân viên thú y tiến hành cân lại số lượng thực tế thì ghi nhận thịt có màu tái nhợt, hiện tượng rỉ dịch nhiều hơn và chảy xuống sàn xe. Sau khi cân lại 870 kg thịt, phụ phẩm bò, Trạm Thú y quận Tân Bình bất ngờ trước con số thực tế lên tới 1.050 kg, chênh lệch 180 kg so với số lượng ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch. Theo ông Huỳnh Thanh Hải, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y quận Tân Bình, bà Phượng cố tình “độn” thêm thịt ngoài luồng (thịt chưa kiểm dịch) đưa vào TP.HCM tiêu thụ. Bà Phượng cũng đã thừa nhận bò đưa vào giết mổ đã bị bơm nước.
Sau buổi làm việc, bà Phượng có đơn đề nghị được chuyển mục đích sử dụng. Theo đó, toàn bộ 1.050 kg thịt và phụ phẩm bò bơm nước được chở tới một cơ sở giết mổ ở quận Bình Thạnh để luộc dưới sự giám sát của cơ quan thú y. Sau khi luộc xong, Trạm Thú y quận Tân Bình cấp giấy kiểm dịch, niêm phong xe và báo Chi cục Thú y tỉnh Long An giám sát khi thịt được chở tới trại nuôi cá.
Với hành vi sai phạm trên, căn cứ mục b khoản 4 Điều 14 của Nghị định 119/2013/NĐ-CP, Chi cục Thú y TP.HCM ra quyết định phạt bà Phượng 2,5 triệu đồng do vi phạm hành vi kinh doanh thịt bò bơm nước.
Mổ heo bệnh xuất huyết đem bán
10 giờ 30 ngày 5-11, lực lượng liên ngành gồm Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, Đội Quản lý thị trường số 2 cùng Trạm Thú y Biên Hòa bất ngờ kiểm tra và phát hiện cơ sở giết mổ heo lậu tại khu phố 2, phường Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai) do bà Phạm Thị Mai (32 tuổi) làm chủ, đang tiến hành giết mổ hai con heo bệnh với tổng trọng lượng trên 200 kg. Ngoài ra, tại đây còn có năm con heo khác trong chuồng không có giấy kiểm dịch đang được chờ giết mổ.
Qua quan sát tại hiện trường, đại diện cơ quan thú y tỉnh Đồng Nai nhận định số heo được giết mổ là heo chết đã đổi màu tím tái, đây là heo mắc bệnh xuất huyết.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Mai thừa nhận thu mua heo chết từ thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) về giết mổ rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Đoàn liên ngành đã lập biên bản tịch thu và tiêu hủy toàn bộ số thịt và nội tạng của hai con heo bệnh đã được giết mổ. Đồng thời, số heo chờ giết mổ không có kiểm dịch cũng được cơ quan chức năng tạm giữ đem về lò mổ tập trung lấy mẫu xét nghiệm và xử lý theo quy định.
Cách đây khoảng một tháng, Chi cục Thú y tỉnh Long An đã xử phạt và tạm ngưng hoạt động cơ sở giết mổ Cổ Văn Mông (huyện Đức Hòa) 10 ngày để cơ sở chấn chỉnh tình trạng vi phạm vệ sinh thú y. Sau việc xảy ra hôm nay, Chi cục Thú y tỉnh Long An sẽ làm việc với Chi cục Thú y TP.HCM và có hướng xử lý đúng pháp luật đối với cơ sở giết mổ Cổ Văn Mông.
Hiểm họa từ bữa ăn trưa của sinh viên
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151105/hiem-hoa-tu-bua-an-trua-cua-sinh-vien/997732.html
Nước lèo đựng trong hàng chục can nhựa 10 lít cùng tô nhựa, hộp nhựa, túi ni lông, khói bụi bủa vây bữa ăn sinh viên. Dù biết không đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng, nhưng nhiều bạn vẫn ăn.
Nhanh, gọn, lẹ, rẻ
Trước cổng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐHQG TP.HCM, các gánh hàng rong bán bún, miến, hủ tíu, cơm đậu quanh vỉa hè. Sát bên các gánh hàng rong là trạm xe buýt liên tục luân chuyển, xả khói đen xì vào thức ăn không được che đậy.
Tầm 11g trưa là lúc sinh viên tan học ùa ra cổng trường mua bữa ăn trưa. Cứ thế, nồi nước lèo cạn dần rồi lại tiếp thêm từ những can nhựa méo mó nổi váng. Nước lèo được đựng trong can nhựa cả buổi dưới trời nắng chỉ chờ để châm đầy nồi nước dùng. Thức ăn nóng được để trong hộp nhựa hoặc túi ni lông. Sinh viên ăn bằng chiếc thìa nhựa có những vết bụi hoặc những đôi đũa bốc mùi.
T.K.M (sinh viên năm 3, ĐH KHXH&NV) đi học cả tuần, ăn trưa bằng hộp nhựa ngoài cổng trường mỗi ngày, cho biết lí do chọn ăn trước cổng trường: “Dù biết hộp nhựa không tốt cho sức khỏe nhưng mỗi bữa trưa rẻ được hơn 10 ngàn so với ăn ở các chỗ khác thì một tuần cũng tiết kiệm được chút ít".
N.M.L (sinh viên năm nhất, ĐHKHXHVNV) vừa mua hộp cơm trứng ốp la được người bán mang từ nhà đến trường. Trứng ốp la trong hộp cơm của L được để trong giỏ xe, không che đậy khi đi ngoài đường. L chia sẻ: “Không phải mình không nhìn thấy điều đó, nhưng ăn quen rồi, nhanh, gọn, lẹ, rẻ là tiêu chí của mình. Ra ngay cổng trường mua không phải đi xa”.
Đối diện ĐH Sài Gòn trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1) cũng có một gánh bún riêu với hàng chục lít nước lèo đựng trong can nhựa. Bún, đậu, chả để trong ni lông nằm lăn lóc dưới đất.
Một phụ huynh đón con ở cổng ĐH Sài Gòn nói: “Nước lèo chứa cả ngày trong can nhựa cũ thế này thì mất vệ sinh lắm. Loại can này cũng khó để vệ sinh sạch sẽ, đồ ăn thì để trên mặt đường. Chưa kể, nếu cả tuần các em ăn thức ăn nóng đựng trong hộp nhựa tái chế thì cũng rất nguy hiểm”.
Ngoài ra, trước cổng ĐH Luật TP.HCM và ĐH Nguyễn Tất Thành (Q.4), bữa trưa của sinh viên cũng có sự xuất hiện của những chảo dầu két lại, đen xì, những chai dầu ăn cùng tương ớt không nhãn mác. Sinh viên cũng phải ăn thức ăn được đựng trong hộp nhựa, múc bằng thìa nhựa.
Tiết kiệm tiền mà có hại cho sức khỏe thì… lợi bất cập hại
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khẳng định sử dụng bao bì đựng thức ăn bằng hộp xốp, can nhựa…thì rất khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những thứ đó sản xuất ra rồi qua chợ, đến thẳng nơi bán hàng chứ không có bao bì chứng tỏ đã qua kiểm nghiệm an toàn để đựng thực phẩm.
Ăn ở lề đường thì nguy cơ nhiễm bệnh cao vì nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo. Trong căn tin hay những nơi có đăng kí kinh doanh sẽ được kiểm soát thực phẩm đầu vào nên an toàn hơn. Hơn nữa, hàng quán cố định sẽ có nguồn nước đảm bảo hơn.
Đối với hàng rong bên ngoài thì người bán sẽ thiên về lợi nhuận hơn là chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Cái nào có lợi thì họ bán, nguồn thực phẩm, nguồn nước không được kiểm soát, kể cả quá trình chế biến không ai biết đảm bảo hay không. Khi họ bán hàng mà không có đăng kí kinh doanh rõ ràng và không được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hậu quả gây ra do ăn uống không hợp vệ sinh có thể nhận thấy tức thời nên sẽ nhận biết ngay, nhưng cũng có thể sau một thời gian mới biểu hiện ra nên hậu quả sẽ lâu dài. Đến lúc đó dù có muốn khắc phục hậu quả thì cũng đã muộn.
Vì vậy, nghĩ một cách sâu xa thì đó không phải là cách tiết kiệm mà có khi còn tốn kém nhiều hơn cho các chi phí thuốc men, y tế.
Để đảm bảo an toàn cho mình thì các bạn sinh viên nên chọn chỗ ăn uống an toàn, đó là những chỗ có đăng kí kinh doanh, có cơ sở đàng hoàng. Vẫn có những hàng quán như vậy nhưng bán giá chấp nhận được đối với sinh viên.
Ngoài vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì sinh viên cũng cần quan tâm đến việc đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đủ và cân đối các chất bột đường, chất đạm, chất béo, các chất khoáng, và vitamin để đảm bảo sức khỏe. Chất bột đường có trong cơm, chất đạm từ thịt, cá, trứng, các loại đậu. Vitamin và chất khoáng thì có trong trái cây, mùa nào ăn thức nấy, vừa rẻ, vừa an toàn mà lại đảm bảo dinh dưỡng.
Để tăng dinh dưỡng cho bữa ăn sinh viên thì có thể trộn thêm muối mè, muối đậu phộng (dùng ít muối) vào bữa ăn.
'Ăn chất cấm, chết rồi mới truy xuất thì phi thực tế'
http://phapluattp.vn/suc-khoe/an-chat-cam-chet-roi-moi-truy-xuat-thi-phi-thuc-te-589407.html
"Ăn chất cấm chỉ chết rồi mới truy xuất thì phi thực tế. Tôi kiến nghị khi phát hiện chất cấm thì xử lý hình sự, chứ không chờ chết rồi thì mới truy lại...".
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM như trên bên hành lang Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản diễn ra ngày 5-11 tại Hà Nội do Bộ NN&PTNT tổ chức.
. Phóng viên: Việc truy xuất nguồn gốc sử dụng chất cấm tại sao đến bây giờ vẫn chưa ngăn chặn?
+ Bà Đinh Thị Phương Khanh: Lo ngại nhất hiện nay của chúng tôi đó là việc truy xuất nguồn gốc chất cấm từ đâu. Thí dụ khi kiểm tra một sản phẩm xác định rõ là sử dụng chất cấm nhưng khi truy xuất lại thì không thể nào xác định được nguồn gốc của chất cấm đó có nguồn gốc từ đâu.
Hiện nay, có một vấn đề là thương lái ngấm ngầm ép nông dân phải sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo thì giá thành sản phẩm tăng lên. Cụ thể nếu sử dụng thì giá thành được thương lái trả 1.000-2.000 đồng, thậm chí là 5.000 đồng/kg thịt hơi.
. Ở Long An thì những sản phẩm nào dễ bị vi phạm và sử dụng chất cấm?
+ Đó là trong lĩnh vực chăn nuôi heo và sản phẩm rau, đặc biệt là rau muống. Phải xem việc “đánh” người sử dụng chất cấm như việc chúng ta “đánh” tội phạm buôn bán ma túy và cũng phải xem như tội phạm hình sự. Không thể nào cứ như cách làm hiện nay. Về lâu, về dài mình đã thấy rõ tác hại như thế nào đối với người tiêu dùng, bản thân của chúng ta. Nếu như người tiêu dùng nội
. Quá trình thực hiện kiểm tra đối với doanh nghiệp sử dụng chất cấm ra sao?
+ Đối với các vùng sản xuất tập trung rau, củ quả, Chi cục Bảo vệ thực vật phải thường xuyên kiểm tra, loại bỏ ngay những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn trước khi bán ra thị trường. Tăng cường tuyên truyền cho người nông dân. Trên lĩnh vực chăn nuôi thì phải phối hợp với công an tỉnh đi các vùng trọng điểm. Loại trừ cả yếu tố nội gián bên trong có như thế thì “đánh” người sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật được hiệu quả.
. Như vậy, sử dụng chất cấm là đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự?
+ Tới đây phải đưa việc sử dụng chất cấm vào Bộ luật Hình sự, bởi vì những lý lẽ như về lâu dài nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Không thể chờ được đến lúc chúng ta chết đi mới truy xuất chúng ta ăn cái gì thì làm sao truy xuất được, ăn cái gì như thế nào? Chất cấm thì không có ngưỡng cho phép vì thực phẩm mỗi ngày vào một chút, một chút, chưa có bằng chứng khoa học. Đừng để sự việc xảy ra chúng ta mới điều chỉnh thì khổ cho nhân dân. Trong sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này, tôi đã kiến nghị Điều 316/BLHS cho rằng khi ảnh hưởng sức khỏe tổn hại 10%-20% mới xử lý vi phạm thì không bao giờ đi vào thực tế.
Ăn chất cấm chỉ chết rồi mới truy xuất thì phi thực tế. Tôi kiến nghị khi phát hiện chất cấm thì xử lý hình sự, chứ không chờ chết rồi thì mới truy lại. Tại phiên họp Quốc hội tôi cũng đã kiến nghị, đề nghị đưa việc sử dụng chất cấm vào xử lý hình sự. Ví dụ Methadophot được sử dụng trong trồng rau muống, cho rau phát triển, phun xịt, Bộ NN&PTNT cấm sử dụng trong khi Bộ Y tế cho phép vì vậy thời gian tới hai bộ cần có sự thống nhất điều chỉnh cụ thể.
. Xin cám ơn bà.
Con số rất đáng giật mình, số người bị bệnh ung thư tăng rất nhanh, số người mắc trung bình hằng năm 150.000-200.000 người và tỉ lệ tử vong do ung thư năm 2014 là 80.000 người. Tỉ lệ chết vì nguyên nhân môi trường, an toàn thực phẩm là 75%, còn di truyền chỉ 5%, các bệnh khác như hô hấp… đang trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng đang ngày càng trở nên báo động”.
Đình chỉ lưu hành 1 thuốc trị ký sinh trùng
http://dantri.com.vn/suc-khoe/dinh-chi-luu-hanh-1-thuoc-tri-ky-sinh-trung-20151105092838111.htm
Theo quyết định mới đây của Cục Quản lý Dược, một loại thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn nhập khẩu từ Hàn Quốc sẽ bị rút số đăng ký, đình chỉ lưu hành và thu hồi được do không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định về quản lý chất lượng thuốc của Bộ Y tế.
Cụ thể, thuốc viên nén bao phim Proexen Tablet 200mg, SĐK VN-10774-10 do Công ty Dea Han New Pharm Co., Ltd sản xuất, Công ty Binex Co., Ltd đứng tên đăng ký sẽ ra khỏi Danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam do không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định về quản lý chất lượng thuốc của Bộ Y tế.
Cục Quản lý Dược cũng đình chỉ lưu hànhvtrên toàn quốc và thu hồi toàn bộ các lô thuốc viên nén bao phim Proexen Tablet 200mg, SĐK VN-10774-10.
Đặc biệt, Cục Quản lý Dược sẽ tạm ngừng nhận mới hồ sơ đăng ký thuốc và tạm ngừng cấp số đăng ký lưu hành thuốc cho các hồ sơ đã nộp trong thời hạn 12 tháng đối với các thuốc do Công ty Dea Han New Pharm Co., Ltd đăng ký và/hoặc sản xuất, thuốc do Công ty Binex Co., Ltd đứng tên đăng ký
Thuốc viên nén bao phim Proexen Tablet thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng,chống nhiễm khuẩn
Lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức thi ảnh ‘Vì sức khỏe nhân dân’
http://phapluattp.vn/suc-khoe/lan-dau-tien-bo-y-te-to-chuc-thi-anh-vi-suc-khoe-nhan-dan-589372.html
Chiều nay (5-11), tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức gặp gỡ báo chí thông báo về cuộc thi ảnh "Vì sức khỏe nhân dân".
Đây là cuộc thi ảnh đầu tiên của ngành y tế dành cho mọi công dân Việt Nam sinh sống trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế, cho biết cuộc thi ảnh nhằm để người dân hiểu công việc của những người thầy thuốc, tạo động lực cho người thầy thuốc có niềm tin để làm tốt hơn công việc của mình. Đồng thời cuộc thi cũng nhằm phát hiện và tôn vinh tấm gương sáng, hành động nhân văn của các cán bộ, nhân viên và y, bác sĩ làm việc trong ngành y.
Thời gian nhận ảnh dự thi từ ngày 15-11-2015 đến hết ngày 25-1-2016. Lễ trao giải diễn ra vào ngày 27-2, nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Cơ cấu giải thưởng gồm: Một giải nhất 15 triệu đồng; hai giải nhì, mỗi giải 10 triệu đồng; ba giải ba, mỗi giải 7 triệu đồng; năm giải khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng. Ngoài ra còn có giải ảnh do bạn đọc bình chọn với số lượng bình chọn cao nhất (trên fanpage) và ảnh do nhà tài trợ bình chọn. Tất cả giải đều được Bộ Y tế tặng kỷ niệm chương.
Chi tiết thể lệ tham gia cuộc thi bạn đọc tham khảo tại website www.visuckhoenhandan.khoe24h.vn.
Nghệ An: Phẫu thuật thành công cho 1 bệnh nhân thủng manh tràng hiếm gặp
http://laodong.com.vn/suc-khoe/nghe-an-phau-thuat-thanh-cong-cho-1-benh-nhan-thung-manh-trang-hiem-gap-394132.bld
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cho biết, bệnh viện vừa tiến hành phẫu thuật cấp cứu thành công cho 1 bệnh nhân nữ bị thủng manh tràng hiếm gặp.
Theo đó, bệnh nhân Nguyễn Thanh Hà (83 tuổi) quê huyện Diễn Châu nhập viện sáng ngày 3.11 trong tình trạng đau bụng vật vã, nôn mửa, bí trung đại tiện, có dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn, sức khỏe yếu.
Qua thăm khám, các bác sỹ khoa Ngoại Tiêu hóa chẩn đoán bệnh nhân Hà bị viêm phúc mạc nhiễm độc do thủng tạng rỗng. Tiên lượng bệnh nhân rất nặng, cần khẩn trương phẫu thuật, bởi bệnh nhân diễn biến nặng nên dễ dẫn tới sốc không phục hồi và tử vong.
Sau khi các khoa và bác sỹ bàn kế hoạch, bệnh nhân đã được đưa lên bàn mổ, may mắn ca phẫu thuật thành công đã cứu sống được bệnh nhân.
Theo một số bác sỹ bệnh viện “Hầu hết các trường hợp thủng đại tràng thường gặp ở đại tràng Sigma và trực tràng, rất hiếm khi gặp ở manh tràng. Vì vậy trường hợp bênh nhân Hà là trường hợp hiếm gặp ở Nghệ An”.
Hiện bệnh nhân đang được chăm sóc chu đáo tại phòng hậu phẫu.
Cắt khối u hơn 4kg, cứu sống bệnh nhân ung thư
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/271517/cat-khoi-u-hon-4kg--cuu-song-benh-nhan-ung-thu.html
Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết đã mổ thành công cắt bỏ khối u nặng hơn 4kg cứu sống một bệnh nhân.
Trước đó, bệnh nhân tên N.T.B (59 tuổi, trú Quảng Ngãi) được BV Đa khoa Quảng Ngãi chuyển ra BV Ung bướu Đà Nẵng với chẩn đoán có khối u hạ vị lớn, nghi ung thư.
Bệnh nhân B. cho biết, cách đó một tháng, bà thấy bụng lớn nhanh nhưng chủ quan không đi khám. Đến khi bụng quá to, như mang thai 4 tháng, bà mới đến bệnh viện thì kết quả siêu âm cho thấy có khối u lớn.
Sau khi chụp và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được ê-kíp BV Ung bướu Đà Nẵng chẩn đoán là u xơ tử cung lớn và tiến hành phẫu thuật.
Khối u đã xâm lấn và cắm sâu vào tiểu khung, thay đổi nhiều giải phẫu vùng chậu.
Sau hơn 2,5 tiếng hồ phẫu thuật, các bác sĩ đã phải cắt cả tử cung và buồng trứng để lấy được khối u nặng 4,3kg.
Đến nay bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và đã xuất viện sau hơn 1 tuần điều trị.
10 người được phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/10-nguoi-duoc-phau-thuat-tham-my-mien-phi/997318.html
Bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Q.2, TP.HCM - đã cho biết như vậy.
10 người này sẽ được các bác sĩ của Hội Thẩm mỹ TP.HCM, Bệnh viện Q.2 và Tổ chức Dasil (một tổ chức quốc tế về da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ được thành lập tại Mỹ với thành viên là các bác sĩ thẩm mỹ, bác sĩ da liễu đến từ 43 quốc gia) phối hợp hút mỡ, cấy mô mỡ, làm tan mỡ bụng bằng laser, trẻ hóa vùng kín.
Bệnh viện Q.2 là một trong số rất ít bệnh viện quận huyện tại TP.HCM thành lập được khoa phẫu thuật - tạo hình - thẩm mỹ.
Theo bác sĩ Khanh, trong thời gian tới với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược, người dân Q.2 sẽ có cơ hội được hưởng dịch vụ chăm sóc sắc đẹp chất lượng cao và toàn diện tại Bệnh viện Q.2.