Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 06/7/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế không cấm hoàn toàn gây tê tủy sống khi sinh mổ; Chỉ hạn chế gây tê tủy sống cho khoảng 5% sản phụ khi mổ bắt con; Điều dưỡng tiêm truyền cho bệnh nhân dưới sàn nhà bị tạm ngưng công tác; Vụ tai biến chạy thận: Axit Flohydric trong nước vượt ngưỡng 260 lần; Sở Y tế xin lỗi những người dân phơi nhiễm HIV trong vụ tai nạn giao thông; Chuyển giao kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim theo phương pháp Ozaki; Vụ tử vong chạy thận: Bác sĩ Lương được tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú; Hơn 800 người dân được khám bệnh, phát thuốc miễn phí; ...

 

Bộ Y tế không cấm hoàn toàn gây tê tủy sống khi sinh mổ

http://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/bo-y-te-khong-cam-hoan-toan-gay-te-tuy-song-khi-sinh-mo-c62a886469.html

Với 30 năm kinh nghiệm trong nghề, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ông rất đau xót dù chỉ 1 trường hợp tử vong mổ lấy thai.

Liên quan đến văn bản của Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế không thực hiện phương pháp gây tê tủy sống khi sinh mổ trên các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật,.... có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, công văn này không phải là cấm hoàn toàn việc thực hiện gây tê tủy sống khi sinh mổ.

“Nó chỉ mang tính chất nhắc nhở các cơ sở y tế, đặc biệt là ở tuyến cơ sở về việc không thực hiện phương pháp này trong một số trường hợp vì dễ xảy ra tai biến”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Một số trường hợp có nguy cơ xảy ra tai biến trong lúc mổ như rau bong non, rau tiền đạo chảy máu nhiều, sản giật, tiền sản giật, rối loạn chức năng các cơ quan nặng. Những trường hợp này, cần gây mê toàn thân qua đường nội khí quản mới đảm bảo an toàn. Còn đại đa số các trường hợp khác, tình trạng của người mẹ khỏe mạnh bình thường thì hoàn toàn có thể gây tê tủy sống trong mổ lấy thai.

“Hiện nay, trên Thế giới có đến 95% áp dụng phương pháp gây tê tủy sống trong mổ lấy thai, một số trường hợp không gây tê tủy sống chỉ rơi vào dưới 5%. Nếu chủ quan (với 5%) sẽ phải trả giá đắt cho việc mổ lấy thai bằng gây tê tuỷ sống này”, Thứ trưởng Tiến nói.

Thứ trưởng Tiến cho hay, trong trường hợp bắt buộc phải gây mê nội khí quản mổ khẩn cấp thì bác sĩ phải hút sạch dạ dày rồi mới gây mê để đảm bảo hệ số an toàn là cao nhất. Nếu không phải mổ khẩn cấp thì bệnh nhân cần mổ sau khi ăn 6 tiếng.

Bởi ngay tại những cơ sở y tế hiện đại, việc cấp cứu các sự cố trong những trường hợp sản phụ bong nhau non, nhau tiền đạo, sản giật, tiền sản giật, rối loạn đông máu… do gây tê tuỷ sống còn khó. Nếu ở tuyến thấp hơn, bác sĩ có thể sẽ bó tay vì phương tiện cấp cứu không có... Nhất là khi để sản phụ ngừng tim trên bàn mổ sẽ dẫn tới rối loạn đông máu, một biến chứng mà phẫu thuật viên nào cũng kinh hãi và nguy cơ dẫn đến tử vong người mẹ rất cao.

GS. Tiến cho biết, với 30 năm kinh nghiệm trong nghề, ông rất đau xót dù chỉ 1 trường hợp tử vong mổ lấy thai nên thời gian qua, ông đã ký 1 văn bản để chỉ đạo các bệnh viện sản khoa, khoa sản, trung tâm sản khoa trường hợp nào nên áp dụng gây mê toàn thân để đảm bảo an toàn cho người mẹ.

Theo Thứ trưởng Tiến, nếu các sản phụ có nguy cơ xảy ra tai biến trong lúc mổ như rau bong non, rau tiền đạo chảy máu nhiều, sản giật, tiền sản giật, rối loạn chức năng các cơ quan nặng. Những trường hợp nêu trên vẫn áp dụng gây tê tủy sống sẽ rất nguy hiểm. Bởi vì, trong lúc mổ đẻ có thể gây chảy máu, tụt huyết áp, nặng có bệnh nhân ngừng tuần hoàn, ngừng tim, điều trị rất khó khăn. Do đó, nếu chúng ta chủ quan thì sẽ phải trả cái giá rất đắt, người mẹ có thể tử vong.

 

Chỉ hạn chế gây tê tủy sống cho khoảng 5% sản phụ khi mổ bắt con"

http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/33372702-chi-han-che-gay-te-tuy-song-cho-khoang-5-san-phu-khi-mo-bat-con.html

 “Tỷ lệ áp dụng phương pháp gây tê tủy sống khi phẫu thuật lấy thai chiếm khoảng 95%. Các trường hợp đặc biệt không áp dụng gây tê tủy sống chỉ rơi vào khoảng dưới 5%” - Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định.

Ngày 26-6 vừa qua, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến đã ký công văn gửi các cơ sở y tế trên cả nước yêu cầu không lạm dụng phương pháp gây tê tủy sống khi thực hiện phẫu thuật lấy thai. Tuy nhiên, tinh thần nội dung công văn này làm nhiều bà mẹ, nhiều phụ nữ đang và sắp làm mẹ chưa hiểu thấu đáo, chia sẻ những thông tin gây hoang mang dư luận.

Phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc phỏng vấn GS, TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế để có một cái nhìn khoa học về câu chuyện nên hay không nên sử dụng phương pháp gây tê tủy sống khi phẫu thuật lấy thai.

- Thưa Thứ trưởng, với tỷ lệ rất cao các phụ nữ được can thiệp mổ bắt con được sử dụng phương pháp gây tê tủy sống. Tuy nhiên, vừa qua, Bộ Y tế có ban hành công văn đề nghị các cơ sở y tế không lạm dụng phương pháp gây tê tủy sống trong phẫu thuật lấy thai khiến có một luồng ý kiến trên mạng xã hội hiểu chưa đúng và cho rằng Bộ Y tế quyết định cấm phương pháp này. Xin Thứ trưởng cho ý kiến về vấn đề này ạ?

Không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới, kỹ thuật giảm đau khi mổ lấy thai chủ yếu bằng phương pháp gây tê tủy sống với tỷ lệ áp dụng là trên 95%. Đối với các trường hợp đặc biệt không áp dụng gây tê tủy sống chỉ rơi vào khoảng dưới 5%.

Do đó, tôi xin khẳng định, thông tin mà dư luận đang hoang mang, nhất là các bà mẹ, các sản phụ là do chưa hiểu hết tinh thần của công văn.

Tôi xin đính chính ngay, đây không phải là văn bản cấm gây tê tủy sống trong mổ lấy thai vốn dĩ đã áp dụng từ trước tới nay mà là không áp dụng gây tê tủy sống cho một số trường hợp có nguy cơ dễ bị tai biến trong lúc mổ lấy thai.

Đó là các trường hợp sản phụ bị rau bong non, rau tiền đạo chảy máu nhiều, sản giật, tiền sản giật, rối loạn chức năng các cơ quan mặt.Những trường hợp đó cần gây mê nội khí quản mới bảo đảm an toàn cho sản phụ. Trên 95% các sản phụ khỏe mạnh bình thường trong lúc mang thai thì hoàn toàn có thể gây tê tủy sống để mổ lấy thai.

- Từ thực tiễn của ngành sản khoa, xin Thứ trưởng có thể phân tích 5% các thai phụ có sức khỏe không tốt trong lúc mang bầu như rau bong non, sản giật, tiền sản giật… sẽ gặp những phản ứng nào nếu các cơ sở y tế vẫn tiến hành gây tê tủy sống để mổ bắt con?

Những trường hợp đặc biệt, nếu áp dụng gây tê tủy sống sẽ rất nguy hiểm. Đã có trường hợp trong lúc mổ đẻ gây chảy máu, băng huyết, tụt huyết áp, thậm chí có trường hợp ngừng tim… nguy hiểm cho tính mạng, việc xử trí rất khó khăn.

Ngay tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đã có trường hợp sản phụ tử vong do biến chứng gây tê tủy sống. Nếu xảy ra sự cố khi gây tê tủy sống thì ngay cả ở những bệnh viện đầu ngành về sản khoa, nhiều khi cấp cứu còn không kịp.

Chúng tôi nhìn rõ nguy cơ đó sẽ xảy ra, đặc biệt đối với các bệnh viện ở tuyến thấp hơn, nếu sử dụng phương pháp gây tê tủy sống với những sản phụ này mà chậm trễ trong hồi sức khi có sự cố, thiếu phương tiện hồi sức cấp cứu, làm sản phụ ngừng tim trên bàn mổ, gây rối loạn đông máu thì nguy cơ tử vong cho người mẹ rất cao. Nếu chủ quan, sẽ phải trả giá đắt cho việc mổ lấy thai cho những sản phụ này bằng gây tê tủy sống.

Vì thế, Lãnh đạo Bộ Y tế phải chỉ đạo rất sát sao các cơ sở y tế, từ nhiều năm trước và Công văn mới nhất ngày 26-6 vừa qua, có tính chất nhắc nhở các cơ sở y tế, cần thận trọng và nghiêm túc hơn để tránh xảy ra những tai biến đáng tiếc.

Trong quá trình triển khai thực tiễn, chúng tôi cũng yêu cầu các cơ sở có vấn đề gì phải báo cáo về Bộ Y tế. Vì thế, có những đơn vị sản khoa ở các địa phương không đủ điều kiện máy móc, nhân lực để tiến hành gây mê nội khí quản cho sản phụ đối với những trường hợp đã nêu trên thì bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên để bảo đảm an toàn cho cuộc sinh nở cũng như hồi sức cho các sản phụ.

- Về phương pháp gây tê tủy sống trong phẫu thuật lấy thai nhi mà nhiều bà mẹ vẫn hoang mang cho rằng mình gặp không ít phản ứng phụ như đau lưng, mệt mỏi sau khi phẫu thuật. Xin Thứ trưởng hãy phân tích kỹ hơn, để các thai phụ nếu cần phải phẫu thuật bắt con có thể yên tâm về phương pháp này?

Như tôi đã nói, phương pháp này được áp dụng rộng rãi cho khoảng 95% các thai phụ khi được chẩn đoán cần phải phẫu thuật để mổ lấy thai.

Với sự phát triển của nền y học hiện nay, cụ thể là việc sử dụng kim rất nhỏ trong việc gây tê tủy sống, hầu như không để lại những di chứng cho các sản phụ.

Trước đây, chúng ta sử dụng phương pháp gây tê tủy sống với kim to dễ bị rò dịch não tủy, dẫn tới những di chứng đau đầu, đau gáy sau khi mổ.

Do đó, tôi xin trấn an các bà mẹ, các chị em phụ nữ đang mang bầu mà khỏe mạnh, không rơi vào các trường hợp đặc biệt, nếu được bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật lấy thai thì hãy yên tâm với phương pháp gây tê tủy sống.

- Với 5% sản phụ được khuyến cáo nên dùng phương pháp gây mê nội khí quản để bắt con, có cần lưu ý đặc biệt gì khi dùng phương pháp này để mổ không, thưa Thứ trưởng?

Gây mê nội khí quản không được sử dụng cho trường hợp sản phụ ăn no. Nếu phải mổ cấp cứu thì nên hút sạch thức ăn ở dạ dày mới được gây mê nội khí quản. Do đó, nếu bác sĩ ngại phiền toái không hút thức ăn ở dạ dày vẫn gây mê cho bệnh nhân thì cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây ra trào ngược cho sản phụ.

Do đó, nếu ca mổ đẻ không phải là cấp cứu thì sản phụ sẽ được tư vấn là không nên ăn trước ca mổ sáu giờ đồng hồ để thức ăn tiêu hóa hết, không gặp biến chứng khi gây mê nội khí quản.

Đối với trường hợp sản phụ vừa có bệnh lý nêu trên kèm theo hen phế quản không thể gây mê nội khí quản mà cần gây tê tủy sống, thì tôi khuyến cáo các cơ sở y tế cần phải lường trước được những biến chứng có thể xảy ra, chuẩn bị sẵn sàng có thể cấp cứu được để tránh nguy hiểm cho sản phụ trong cuộc mổ.

Xin cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến!

 

Điều dưỡng tiêm truyền cho bệnh nhân dưới sàn nhà bị tạm ngưng công tác

http://suckhoedoisong.vn/dieu-duong-tiem-truyen-cho-benh-nhan-duoi-san-nha-bi-tam-ngung-cong-tac-n133681.html

Thấy bệnh nhân bị co giật, nữ điều dưỡng của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh đã vội thực hiện hiện đường truyền ngay để cấp cứu trong khi người này đang nằm trên sàn nhà.

 Theo báo cáo số 5794/SYT-VP của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế về các thông tin phản ánh liên quan đến Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vào ngày 4/6/2017 tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân nữ, 60 tuổi bị ung thư phổi di căn xương, não; suy thận, ung thư cổ tử cung, buồng trứng đang nằm điều trị bị co giật. Khi được báo bệnh nhân co giật, điều dưỡng Thái Thị Thanh lập tức báo bác sĩ, đồng thời thực hiện đường truyền ngay cho bệnh nhân để cấp cứu trong khi bệnh nhân đang nằm trên sàn nhà.

Theo Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, điều dưỡng Thái Thị Thanh trong quá trình cấp cứu người bệnh đã không thực hiện đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật. Cụ thể, điều dưỡng này đã  không mang khẩu trang, găng tay và thực hiện trong lúc người bệnh nằm dưới sàn nhà không an toàn cho người bệnh. “Vì thế, Bệnh viện đã tạm ngưng công tác của điều dưỡng, làm bản kiểm điểm. Ngoài ra, mặc dù điều dưỡng Thanh đã quá tuổi tham gia hội thi tay nghề năm 2017, nhưng Bệnh viện vẫn sẽ bổ sung tên điều dưỡng Thanh vào danh sách thí sinh thi”- ông Nguyễn Tấn Bỉnh- giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết trong báo cáo gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh.

Báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng nêu rõ,  Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, giám sát, nhắc nhở nhân viên thực hiện đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật, ngay cả khi cấp cứu nhằm đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.

Đồng thời báo cáo cũng cho biết, tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cũng xảy ra tình trạng quá tải, người bệnh phải nằm ghép 3 người một giường, thậm chí chen nhau dưới gầm giường và dọc các lối đi. Theo Giám đốc Bệnh viện, sắp tới khi khu Khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao và bệnh viện cơ sở 2 đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải.

Trước đó để giảm quá tải, Bệnh viện đã thực hiện khám ngoài giờ buổi sáng (5-7h30), khám và điều trị cả ngày nghỉ, ứng dụng công nghệ thông tin, lấy số bằng máy tự động, cải cách thủ tục hành chính, từng bước cải thiện tình trạng mất trật tự bệnh viện và “cò” bệnh viện; Bệnh viện cũng tăng cường hỗ trợ đào tạo tuyến dưới...; tăng cường chuyển bệnh nhân từ nội trú sang điều trị ngoại trú, liên kết các bệnh viện để giảm tải; Liên kết với một số bệnh viện để điều trị xạ trị, phẫu thuật bệnh lý tuyến giáp cho bệnh nhân…

Bên cạnh đó, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng cơ sở 2, khu điều trị theo yêu cầu khi đi vào hoạt động sẽ góp phần làm giảm tình trạng quá tải hiện nay của bệnh viện.

Trước đó, ngày 8/6/2017, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn số 764/KCB-QLCL đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẩn trương xác minh thông tin phản ánh tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép 2 đến 3 người/giường tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh; Áp dụng các giải pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng quá tải tại Bệnh viện Ung bướu, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị của người bệnh và báo cáo về Cục Quản lý Khám chữa bệnh các nội dung này.

 

Vụ tai biến chạy thận: Axit Flohydric trong nước vượt ngưỡng 260 lần

http://vov.vn/xa-hoi/vu-tai-bien-chay-than-axit-flohydric-trong-nuoc-vuot-nguong-260-lan-643210.vov

Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong nước RO chạy thận có hóa chất Axit Flohydric nồng độ rất cao, vượt mức hàng trăm lần, đã gây nên vụ tai biến.

Liên quan đến nguyên nhân vụ tai biến chạy thận làm 8 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình xảy ra cuối tháng 5 vừa qua, hôm nay 5/7, các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai chính thức cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy, trong nước RO chạy thận có hóa chất Axit Flohydric nồng độ rất cao, vượt mức hàng trăm lần, đã gây nên vụ tai biến.

Kết quả trưng cầu giám định ban đầu của cơ quan điều tra cho thấy, nồng độ Axit Flohydric trong hệ thống lọc nước tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình gấp 260 lần mức cho phép. Ngưỡng bình thường cho phép của Axit Flohydric trong nước chạy thận chỉ là 0,2 mg/lít.

Theo Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Axit Flohydric tuyệt đối không được phép sử dụng trong y tế mà chỉ dùng trong công nghiệp để tẩy chất cặn… Đây là hóa chất có tính ôxy hóa cực mạnh, nếu sử dụng vượt quá nồng độ cho phép sẽ phá hủy tế bào, làm vỡ hồng cầu, tê liệt thần kinh. Đặc biệt, hóa chất này sẽ gây ra các triệu chứng về tim mạch như loạn nhịp tim, làm người bệnh tử vong nhanh chóng. Ngoài ra, nó cũng gây ra các rối loạn khác như thiếu canxi, gây đau xương, viêm gan… cho cơ thể.

Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống sản xuất nước RO và máy chạy thận được bảo dưỡng định kỳ. Chẳng hạn, tại Bệnh viện Bạch Mai, máy chạy thận được sát trùng sau mỗi ca lọc. Hệ thống tiền xử lý nước được vệ sinh hàng ngày. Màng lọc RO, hai tháng được vệ sinh một lần; bồn đựng nước được vệ sinh mỗi tháng một lần. Với hệ thống đường ống dẫn nước là 1 tháng 1 lần. Tai biến khiến 8 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận nhân tạo thường quy tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình là sự cố y khoa nghiêm trọng. 45 năm chạy thận nhân tạo chu kỳ tại Việt Nam, chưa từng xảy ra sự cố đau thương như vừa qua.

Cũng liên quan đến vụ việc này, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, tạm giam 3 người trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương thuộc khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sau khi bác sỹ Lương bị tạm giam, Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc Việt Nam cho rằng, khuyết điểm của bác sĩ Lương chỉ là "thiếu sót về thủ tục hành chính". Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Công an xem xét cho bác sĩ Lương được tại ngoại.

2 người khác bị tạm giam là Bùi Mạnh Quốc (người của Công ty Trâm Anh) đã có vi phạm trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO, làm tồn dư hóa chất trong các đường ống nước dẫn vào máy lọc thận và Trần Văn Sơn, cán bộ phòng vật tư trang thiết bị y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã không giám sát quá trình bảo dưỡng, thay thế vật tư, không kiểm tra, lập biên bản nghiệm thu theo đúng quy định./.

 

Sự cố y khoa ở Hòa Bình: Hóa chất cực độc đưa vào ở khâu nào?

http://www.vietnamplus.vn/su-co-y-khoa-o-hoa-binh-hoa-chat-cuc-doc-dua-vao-o-khau-nao/454641.vnp

Vụ tai biến y khoa khiến 8 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận nhân tạo thường quy tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là sự cố y khoa nghiêm trọng trong ngành y tế nhiều năm qua.

45 năm chạy thận nhân tạo chu kỳ tại Việt Nam, có không biết bao nhiêu lần bảo dưỡng định kỳ máy chạy, hệ thống sản xuất nước chạy thận nhưng chưa từng xảy ra sự cố đau thương như vừa qua.

Cùng nhìn lại cái sự cố y khoa ở Hòa Bình, câu hỏi hóa chất bất thường cực độc trên được đưa vào trong máy móc chạy thận xảy ra ở khâu nào và ai phải chịu trách nhiệm về việc này? Các chuyên gia về lĩnh vực thận nhân tạo và chống độc đã có những phân tích thấu đáo và chi tiết.

Axit Flohydric tuyệt đối không được dùng trong y tế

Chia sẻ về nguyên nhân vì sao xảy ra một sự cố y khoa “động trời” trong chạy thận khiến 8 người tử vong ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, kết quả xét nghiệm phát hiện trong nước RO chạy thận của bệnh nhân ở Hòa Bình có chất Axit Flohydric có nồng độ rất cao, vượt ngưỡng cho phép 260 lần (ngưỡng bình thường cho phép của Axit Flohydric trong nước chạy thận là 0,2 mg/lít).

Theo tiến sỹ Dũng: “Đây chính là nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân lọc máu chu kỳ tử vong.”  Phân tích về "hóa chất lạ" trên, thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho hay việc hóa chất Axit Flohydric (HF) có mặt trong nguồn nước nằm ngoài danh mục được cấp phép của ngành y tế, ngoài quy trình của việc bảo dưỡng hệ thống máy chạy thận nhân tạo và là điều không ngờ tới với các cán bộ nhân viên y tế và cơ quan chức năng.

Axit Flohydric tuyệt đối không được sử dụng trong y tế mà chỉ dùng trong công nghiệp để tẩy chất cặn… Axit Flohydric là hóa chất có tính ôxy hóa cực mạnh, nếu sử dụng vượt quá nồng độ cho phép sẽ phá hủy tế bào, làm vỡ hồng cầu, tê liệt thần kinh. Đặc biệt, hóa chất này sẽ gây ra các triệu chứng về tim mạch như loạn nhịp tim, làm người bệnh tử vong nhanh chóng. Ngoài ra, nó cũng gây ra các rối loạn khác như thiếu canxi, gây đau xương, viêm gan… cho cơ thể.

“Vì thế, với việc có mặt hóa chất bất thường, trái phép, dù có áp dụng quy trình đúng về mặt y tế cũng không thể nào loại trừ được sự cố xảy ra như vừa qua. Tôi cho rằng, cơ quan điều tra cần phải làm rõ việc tại sao hóa chất có mặt trong vật liệu sử dụng y tế?” bác sỹ Nguyên nhấn mạnh.

Axit Flohydric được đưa vào bằng cách nào?

Nói tới các quy trình của việc chạy thận, bác sỹ Dũng phân tích, việc chạy thận liên quan đến máy móc rất nhiều. Để phục vụ máy móc và để hoạt động được phải có một số hệ thống khác đi kèm, đặc biệt là hệ thống nước. Trong quy trình hoạt động có những quy định hết sức chặt chẽ. Chẳng hạn như hệ thống nước thì có ba phần: phần tiền xử lý, phần thứ hai là phần màng RO, phần thứ ba là phần chứa và cấp nước. Ba phần này có quy định rất rõ ràng.

Bác sỹ Dũng chỉ rõ: Phần tiền xử lý nước ngày nào cũng phải làm phải vệ sinh và phần này không có liên quan đến hóa chất. Cái khó nhất ở đây là màng RO và hệ thống chứa nước, cung cấp nước, bởi nó liên quan nhiều đến hóa chất rửa. Các đơn vị khác như hồi sức, thận nhân tạo họ sẽ không có đủ người để làm những việc này, thông thường là phòng vật tư chịu trách nhiệm và việc ký với công ty nào là do ban giám đốc và chắc chắn việc ký này Ban giám đốc phải kiểm tra xem họ có đủ năng lực hay không, họ có chuyên về cái đó hay không. Bởi việc ký hợp đồng có những quy định rất rõ ràng trong việc sau này có xảy ra chuyện gì thì phải có người đứng ra chịu trách nhiệm.

 “Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) là một khoa lớn, có hơn 600 bệnh nhân với hơn 100 máy chạy thận. Việc ký hợp đồng với bộ phận sửa chữa bảo dưỡng bên ngoài với khoa của chúng tôi là rất khó bởi có thể phải chờ tới chục ngày trong khi việc lúc là đột xuất, lúc lại là định kỳ. Có những việc đột xuất không thể chờ đến chục ngày nên bắt buộc Khoa phải có người làm chuyên trách về vấn đề này,” bác sỹ Dũng nhấn mạnh.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Dũng cho biết, hệ thống sản xuất nước RO và máy chạy thận bao giờ cũng được bảo dưỡng định kỳ. Tại Bệnh viện Bạch Mai, máy thận được sát trùng sau mỗi ca lọc, hệ thống tiền xử lý nước phải vệ sinh hàng ngày; màng RO hai tháng phải vệ sinh một lần; bồn đựng nước vệ sinh một lần/tháng; hệ thống đường ống dẫn nước 1 tháng 1 lần.

Là một trong những bác sỹ đầu tiên lên Bệnh viện đa khoa Hòa Bình hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân và giải quyết hậu quả, tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh: “Trong tai biến chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, đơn vị làm công tác khử khuẩn và làm sạch hệ thống sản xuất nước RO đưa vào hóa chất không được phép sử dụng thì phải chịu trách nhiệm cao nhất; sau đó là cán bộ kiểm soát và nghiệm thu công việc. Bác sỹ chỉ phụ trách chuyên môn, được đào tạo để cấp cứu, chẩn đoán, chữa bệnh chứ không phải làm công việc về xét nghiệm, xử lý đường nước hay kiểm tra thiết bị, không thể kiểm soát tất cả thông số trong quá trình bảo trì. Vì thế, các cơ quan chức năng cần có cái nhìn thông cảm để công tâm với bác sỹ, đồng thời động viên chia sẻ với các cán bộ ngành y tế.”

Nói về vấn đề xử lý khâu cấp cứu cho các bệnh nhân sau khi sự cố trên xảy ra, giáo sư Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), đơn vị đã đồng hành cùng Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình ngay từ khi sự cố xảy ra:  "Khi trực tiếp hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cấp cứu bệnh nhân, tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của các bác sỹ trong việc cấp cứu bệnh nhân. Họ lập tức điều trị thải độc cho bệnh nhân sau khi phát hiện tai biến bất thường. Tuy nhiên đây là hóa chất cực độc nếu ở nồng độ cao như vậy nên nhiều bệnh nhân đã không thể qua khỏi."

Giáo sư Bình khẳng định: “Tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là sự cố không mong muốn. Từ khi nghe tin bác sỹ Hoàng Công Lương bị bắt, không chỉ bác sỹ của Bệnh viện Hòa Bình hoang mang mà các bác sỹ trên cả nước xôn xao… Chúng tôi hy vọng cơ quan chức năng xử lý đúng người đúng tội, kết thúc có hậu để cán bộ y tế yên tâm công tác".

 

Sở Y tế xin lỗi những người dân phơi nhiễm HIV trong vụ tai nạn giao thông

http://dantri.com.vn/suc-khoe/so-y-te-xin-loi-nhung-nguoi-dan-phoi-nhiem-hiv-trong-vu-tai-nan-giao-thong-20170705093205798.htm

Sau khi thực hiện tư vấn, xét nghiệm cho tất cả người dân bị phơi nhiễm HIV trong vụ tai nạn giao thông ngày 30/6, bác sĩ trực tiếp có những sai sót với người dân đã có buổi nhận lỗi và giải thích về những hiểu lầm. Vừa qua, ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum cùng với một số cơ quan chức năng đã trực tiếp xuống thăm hỏi và xin lỗi những người dân tham gia cứu nạn trong vụ tai nạn giao thông xảy ra trưa 30/6, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà.

Trước đó, sau khi vụ tai nạn giao thông xảy ra thì những người dân trên địa bàn đã kịp thời cứu nạn đưa những nạn nhân đi cấp cứu. Nhưng đến chiều cùng ngày, một số người dân nhận được tin báo từ Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà là có một nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn giao thông bị nhiễm HIV.

Cũng vì lo sợ nên người dân đã đến gặp bác sĩ Nguyễn Văn Đôn- Trưởng khoa Khám, điều trị HIV/AIDS và điều trị nghiện chất thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum để xin thuốc nhưng không được chấp nhận.

Theo lời bác sĩ Đôn giải thích, người dân tham gia cứu nạn không thuộc đối tượng được cấp phát thuốc ARV miễn phí. Trong khi đó, để đề phòng phơi nhiễm HIV phải điều trị càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước 72 giờ. Cùng với việc bệnh viện không có thuốc nên bác sĩ cho biết nếu cần, bác sĩ sẽ giúp đi mượn thuốc của bệnh nhân khác trong lúc nguy cấp này, còn sau này nếu có nhu cầu thì mua.

Bác sĩ Đôn cho biết thêm: “Trước đây, thuốc nhập khẩu rất đắt giá từ 4-4,5 triệu đồng, nhưng giờ chỉ còn 1,2-1,3 triệu đồng”. Sau Anh Tùng và anh Đức đồng ý nhờ bác sĩ Đôn đi mượn được 18 viên thuốc của một bệnh nhân ở TP Kon Tum. Nhưng khi bác sĩ Đôn quay lại thì 2 anh Tùng, Đức đã về nhà.

Vào sáng 1/7, theo chỉ đạo của Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, bác sĩ Đôn lên Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà cùng đội ngũ y, bác sĩ tư vấn, xét nghiệm cho tất cả người dân bị phơi nhiễm tại đây. Bác sĩ Đôn đã đưa cho anh Lê Văn Tùng 18 viên thuốc hôm trước mượn được của bệnh nhân, đồng thời thông tin là hiện nay giá thành thuốc ARV nhập về tương đối thấp, giá 2,1 triệu đồng/2 liều, 1 liều 30 viên. Anh Lê Văn Tùng đồng ý nhận 18 viên thuốc và đưa cho bác sĩ Đôn 700 ngàn đồng. Nhưng sau đó anh Tùng đã trả lại 16 viên và bác sĩ Đôn cũng đã trả lại tiền cho anh Tùng.

Tại buổi gặp, bác sĩ Đôn cũng đã xin lỗi người dân vì những sai sót trong quá trình tư vấn, cấp thuốc cho người dân. Cùng vì do nóng lòng muốn giúp những người bị nghi phơi nhiễm được sử dụng thuốc càng sớm càng tốt nên chưa kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, mà tự ý xử lý, nên dễ bị hiểu nhầm.

Qua đây, ông Đào Duy Khánh đã xin lỗi những người dân tham gia cứu nạn trong vụ tai nạn giao thông ngày 30/6. Thời gian tới, lãnh đạo Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tiếp tục theo dõi, tư vấn, hướng dẫn tận tình để giúp người bị phơi nhiễm HIV trong vụ tai nạn giao thông này yên tâm.

 

Chuyển giao kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim theo phương pháp Ozaki

http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/33373202-chuyen-giao-ky-thuat-tai-tao-van-dong-mach-chu-bang-mang-tim-theo-phuong-phap-ozaki.html

Giảm biến chứng đào thải van động mạch được thay thế, hạn chế biến chứng khi dùng thuốc chống đông, chi phí thấp hơn… là những tiến bộ y học của kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim theo phương pháp Ozaki. Kỹ thuật này vừa được Bệnh viện E chuyển giao cho nhiều bệnh viện khác.

GS Shigeyaki Ozaki và các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện (BV) E tiếp tục thực hiện phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim theo phương pháp Ozaki cho hai bệnh nhân N.V.S (63 tuổi, Hà Nội) và N.T.T (38 tuổi, Thanh Hóa) vào cuối tháng 6-2017.

Bệnh nhân N.V.S (63 tuổi, Hà Nội) được phát hiện hẹp khít van động mạch chủ dẫn đến đau tức ngực, khó thở, với tình trạng suy tim mức độ trung bình. Người bệnh có các triệu chứng: ngất xỉu, đặc biệt khi làm việc quá sức, đau thắt ngực, khó thở, tim đập nhanh… Đây là tình trạng van của động mạch chủ bị hẹp, không mở ra hết làm giảm lưu lượng máu qua van, khiến cho tâm thất làm việc nhiều hơn để bù đắp cho sự giảm lưu lượng, theo thời gian có thể dẫn tới suy yếu cơ tim.

Ngược lại, bệnh nhân N.T.T (38 tuổi, Thanh Hóa) bị hở van động mạch chủ nặng, suy tim nặng với tình trạng van tim không đóng kín ở thì tâm thu khiến máu chảy ngược trở lại vào động mạch chủ từ tâm thất trái mỗi khi tim bóp đẩy máu ra ngoại vi nuôi dưỡng cơ thể. Bệnh tiến triển âm thầm trong nhiều năm, nhưng khi đã xuất hiện các triệu chứng thì bệnh có xu hướng tiến triển rất nhanh, dẫn đến suy tim toàn bộ và đe dọa tính mạng của người bệnh.

Sau khi hội chẩn, dưới sự giúp sức chuyển giao kỹ thuật từ GS Ozaki (trưởng khoa phẫu thuật tim mạch của BV Đại học Toho, Tokyo, Nhật Bản), các bác sĩ Trung tâm Tim mạch đã quyết định thực hiện kỹ thuật thay van động mạch chủ bằng màng tim tự thân theo phương pháp Ozaki cho hai bệnh nhân này.

GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, với tạo hình van động mạch chủ bằng màng tim, các thao tác khó nhất đều dồn hết cho phẫu thuật viên. Phẫu thuật viên phải tạo hình được các lá van động mạch chủ tương ứng với vòng van động mạch chủ của bệnh nhân. Từ đó, van động mạch chủ bằng màng tim thích ứng, hoạt động tốt, giảm biến chứng đào thải van động mạch được thay thế.

GS Thành phân tích, vì van động mạch chủ được làm từ “nguyên liệu” là màng tim của bệnh nhân nên hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh nhân không phải dùng thuốc chống đông sau mổ, hạn chế được những biến chứng khi dùng thuốc chống đông. Chi phí điều trị cho bệnh nhân có chỉ định thay van động mạch chủ sẽ giảm, vì bệnh nhân không mất chi phí mua van tim nhân tạo (khoảng 40 triệu đồng).

Sáng nay, 5-7, TS.BS Đỗ Anh Tiến – Phó Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực đã tiến hành khám lại cho hai bệnh nhân này, cho thấy vết mổ khô, không có biến chứng sau mổ. Sau hơn một tuần mổ, hai bệnh nhân đã có thể đi lại, ăn uống và sinh hoạt bình thường và dự kiến được xuất viện vào cuối tuần này.

Với tư cách là Chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, GS Thành khẳng định, đây là kỹ thuật hiện đại rất phù hợp với những quốc gia như Việt Nam có mức thu nhập của người dân còn thấp, kiểm soát đông máu sau mổ kém và bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa là phổ biến.

Trong lần thứ ba GS Ozaki tới Việt Nam và Trung tâm Tim mạch, BV E vào ngày 26-6 và 27-6 vừa qua, GS Thành đã quyết định mời GS Ozaki chuyển giao kỹ thuật tiên tiến này cho các bác sĩ chuyên ngành tim mạch ở các bệnh viện: BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), BV Y dược TP.HCM, BV Nhi Trung ương, BV Tim Hà Nội, BV đa khoa Việt Tiệp (Hải Phòng), BV đa khoa Thanh Hóa, BV đa khoa Thái Bình, BV đa khoa Hải Dương… với mong muốn, người bệnh được hưởng lợi từ những tiến bộ khoa học trong điều trị các bệnh lý tim mạch, trong đó có van động mạch chủ.

Theo các bác sĩ, dị tật bẩm sinh, thấp tim là nguyên nhân chính của hẹp van động mạch chủ ở những người dưới 50 tuổi. Ở những bệnh nhân lớn tuổi, tình trạng lắng đọng can xi và sự xơ cứng của các mô sợi trên van động mạch chủ có thể khiến các lá van bị dày, dính lại với nhau (còn gọi là vôi hóa van tim), gây hẹp van.

Bệnh nhân hở, hẹp van động mạch chủ có thể được điều trị nội khoa thường có tỷ lệ sống sau 5 năm là 75% và sau 10 năm là 50%. Tỷ lệ này sẽ tăng nếu họ được điều trị tích cực bằng thuốc, hay được chỉ định sớm thời điểm phẫu thuật. Mặc dù điều trị bằng thuốc có thể giúp cải thiện phần nào cuộc sống của bệnh nhân, nhưng đó chỉ là giải pháp để trì hoãn thời gian mổ.

 

Vụ tử vong chạy thận: Bác sĩ Lương được tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú

http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-tu-vong-chay-than-bac-si-luong-duoc-tai-ngoai-nhung-cam-di-khoi-noi-cu-tru-20170705185749072.htm

 Thông tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình cho hay, 16h chiều nay (5/7) ông Hồ Đức Anh - Viện trưởng VKSND tỉnh Hòa Bình đã ký quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối vơi bác sĩ Lương. Cụ thể, từ biện pháp tạm giam bác sĩ Lương sang biện pháp cấm bác sĩ Lương ra khỏi nơi cư trú.

Thủ tục thay đổi biện pháp ngăn chặn được hoàn tất vào lúc 17h chiều nay. Như vậy bác sĩ Lương chính thức được tại ngoại nhưng sẽ không được phép rời khỏi nơi cư trú. Bên cạnh đó, bác sĩ Lương vẫn phải tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để phục vụ công tác điều tra.

Phóng viên Dân trí tại Hòa Bình cho biết: Ngay sau khi hoàn tất thủ tục, bác sĩ Lương đã về nhà đoàn tụ cùng với gia đình.

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, bác sĩ Quách Thiên Tường Phó giám đốc thường trực - Phụ trách BV Đa khoa Tỉnh Hòa Bình cho biết thêm: Trước tiên bác sĩ Lương sẽ nghỉ ngơi để ổn đinh tâm lý sau đó sẽ đối chiếu, xem xét các quy định của pháp luật, nếu được phép thì bệnh viện sẽ cho bác sĩ Lương tiếp tục đi làm binh thường.

 

Cà Mau: Gần 1.000 ca bệnh sốt xuất huyết

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ca-mau-gan-1000-ca-benh-sot-xuat-huyet-20170705140102836.htm

 Theo ngành y tế tỉnh Cà Mau, trong 6 tháng đầu năm 2017, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tăng gần 40% so với cùng kỳ 2016.

Thống kê của ngành y tế tỉnh Cà Mau cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết; trong khi đó, cùng kỳ năm 2016 chỉ hơn 700 ca.

Hầu hết các huyện, thành phố của tỉnh Cà Mau đều có ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, huyện Trần Văn Thời có số người mắc bệnh cao nhất, với trên 350 ca.

Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Cà Mau, bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do đang vào mùa mưa, thuận lợi để muỗi phát triển gây bệnh.

Theo bác sĩ Trần Quang Khóa- Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Cà Mau), tình hình bệnh sốt xuất huyết những năm gần đây có phần diễn biến phức tạp. Bởi, trước đây bệnh này thường xuyết hiện nhiều vào mùa mưa thì năm nay xảy ra rải rác ngay từ đầu năm.

Do đó, ngành y tế tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân cần chủ động trong việc phòng, chống bệnh, nhất là tích cực diệt loăn quăng, muỗi; khi ngủ phải mắc màn, nhất là đối với trẻ nhỏ; khi có dấu hiệu bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.

 

Hơn 9.100 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện tại TP. Hồ Chí Minh

http://www.vietnamplus.vn/hon-9100-ca-mac-sot-xuat-huyet-nhap-vien-tai-tp-ho-chi-minh/454707.vnp

Chiều 5/7, tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh và cần có giải pháp chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ làm tình trạng quá tải bệnh viện càng thêm nặng nề. Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến nay Thành phố ghi nhận có 9.141 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện, tăng 11% so với cùng năm 2016; trong đó có ba ca tử vong, tăng hai ca so với cùng kỳ 2016.

Cũng trong sáu tháng đầu năm 2017, Thành phố ghi nhận 21 ca dương tính với virus Zika, trong đó có 13 phụ nữ mang thai. Trong khi đó, tích lũy từ đầu năm, Thành phố cũng có 2.032 ca bệnh tay chân miệng, thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm 2016.

Cùng với sự gia tăng của dịch bệnh, những ngày gần đây, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố cũng đang trở nên quá tải. Đơn cử tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tính từ đầu năm đến nay bệnh viện này tiếp nhận gần 1.700 ca bệnh truyền nhiễm, trong đó hơn 40% bệnh nhi đến từ các tỉnh, thành khác. Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết Bệnh viện được giao 1.400 giường nhưng thực kê là hơn 1.600 giường. Tuy nhiên, hiện nay số bệnh nhi nhập viện vượt quá số giường nói trên dẫn đến tình trạng 2-3 bệnh nhi phải nằm chung một giường bệnh. Mặc dù vậy, theo bác sỹ Nguyễn Thanh Hùng, bệnh nhân từ các tỉnh khác chuyển đến là những ca nặng, không thể từ chối.

Trước thực trạng này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu lo ngại khả năng dịch bệnh sẽ lây nhiễm chéo trong bệnh viện là rất cao và nếu để tình trạng này kéo dài thì tình trạng quá tải bệnh viện càng thêm nặng nề. Tỷ lệ nhập viện càng tăng thì khả năng các ca tử vong càng cao. Do vậy các đơn vị cần chuẩn bị hậu cần thật tốt, tránh trường hợp như một số ca tử vong ở phía Bắc trong thời gian qua là do chẩn đoán tình hình lệch lạc, chuyển tuyến sai, dẫn đến xử lý không kịp thời.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cũng nhận định năm nay dịch bệnh trên cả nước nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vào mùa sớm và có diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu cộng với sự dịch chuyển dân số tăng cao. Chính vì vậy, Thành phố không được lơ là đối với bất cứ loại dịch bệnh nào, tránh để bùng phát thành dịch trên diện rộng.

Trong khi đó, phó giáo sư-tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng các bệnh truyền nhiễm hiện nay như sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika, viêm não Nhật Bản đều có nguyên nhân truyền bệnh từ con muỗi. Do vậy, Thành phố Hồ Chí Minh cần có những giải pháp hiệu quả, tập trung vào vấn đề tiêu diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy. Bên cạnh đó, vận động người dân cùng chung tay, chủ động phòng chống dịch bệnh cùng với ngành y tế thì mới đạt hiệu quả cao./.

 

Cứu bệnh nhân bị nhồi máu thận hiếm gặp

http://thanhnien.vn/suc-khoe/cuu-benh-nhan-bi-nhoi-mau-than-hiem-gap-852409.html

Bệnh nhân N.X.L (51 tuổi, ngụ tại quận 8, TP.HCM) đến khám tại Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM do đau bụng vùng hông trái thì được phát hiện bị tắc động mạch trái dẫn đến tình trạng nhồi máu thận.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành phương pháp can thiệp nội mạch chữa trị cho bệnh nhân. Đầu tiên các bác sĩ luồn ống thông siêu nhỏ vào động mạch thận để hút cục máu đông gây tắc mạch máu, đồng thời dùng bóng làm to mạch máu, đưa máu tới các cơ quan cần thiết... Sau khi được chữa trị bệnh nhân không còn đau bụng nữa.

Bác sĩ Ngô Minh Tuấn, Trưởng đơn vị Can thiệp mạch máu Bệnh viện Trưng Vương, cho biết thời gian nhồi máu của bệnh nhân đã qua 36 giờ, nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng tắc mạch có thể khiến một bên thận của bệnh nhân bị hư hỏng.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Lê Nguyễn Quyền, Phó giám đốc Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM, tình trạng nhồi máu thận rất hiếm khi xảy ra và thường có triệu chứng mơ hồ nên khiến người bệnh chủ quan. Do đó, khi thấy có dấu hiệu đau vùng hông nhiều giờ liền mà không khỏi thì nên đi khám, chụp CT scan để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Hơn 800 người dân được khám bệnh, phát thuốc miễn phí

http://www.daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/hon-800-nguoi-dan-duoc-kham-benh-phat-thuoc-mien-phi-371831

Ngày 5/7, Đoàn thanh niên Trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng cho biết, đã tổ chức chương trình khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân tại xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, Đoàn có 9 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng là cán bộ của Trường Đại học Y-Dược Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có 3 bác sĩ, dược sĩ từ Đoàn thanh niên Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi và 15 tình nguyện viên là sinh viên của trường.

Chương trình được thực hiện từ nguồn tài trợ từ “Quỹ tình nguyện của Đoàn trường”. Qua đó, nhằm giúp người dân phát hiện bệnh tật.

Từ ngày 6 đến 8/7, Đoàn Trường Đại học Kỹ thuật Y- Dược Đà Nẵng tiếp tục tổ chức chương trình Khám và phát thuốc miễn phí tại Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

 

Phẫu thuật lấy khối u buồng trứng nặng 16kg

http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/33376202-phau-thuat-lay-khoi-u-buong-trung-nang-16kg.html

Chiều 5-7, các bác sĩ khoa Ngoại phụ khoa (Bệnh viện K cơ sở Tân Triều) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy khối u buồng trứng nặng tới 16 kg trong bụng bệnh nhân Hoàng Thị V. (22 tuổi ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Đây là khối u buống trứng lớn nhất mà ekip bác sĩ này từng phẫu thuật.

Bác sĩ Lê Trí Chinh, Trưởng Khoa Ngoại phụ khoa cho biết nếu không được phẫu thuật kịp thời thì nguy cơ người bệnh tử vong rất cao.

Được biết, tháng 3- 2016, bệnh nhân đã mổ cắt u buồng trứng (trái) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Khi nhập viện với khối u to vượt mặt, chị V. giống hệt phụ nữ đang mang bầu 9 tháng. Qua thăm khám, và các xét nghiệm các bác sĩ phát hiện khối u quá lớn khiến người bệnh đau đớn, khó thở do u to chèn ép đẩy cơ hoành lên cao, không đi lại, không ăn được...

Các bác sĩ kết luận, đây là khối u buồng trứng phải to chiếm toàn bộ ổ bụng, thành hóa vào phúc mạc ổ bụng dính và đè đẩy gan, cơ hoành, dạ dày, ruột non lên cao. U chèn ép làm giãn niệu quản và đài bể thận hai bên.

Ê kíp mổ đã phẫu thuật gỡ dính cắt bỏ khối u và xét nghiệm sinh thiết tức thì khối u.

Ca phẫu thuật thành công, hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được theo dõi. Bệnh nhân sau mổ chỉ còn 31kg, trong khi đó lúc nhập viện phẫu thuật là 47 kg.

 

Cô giáo bị liệt sau khi tiêm: BVĐK tỉnh Hà Giang “đổ lỗi” tại người bệnh?

http://laodong.com.vn/suc-khoe/co-giao-bi-liet-sau-khi-tiem-bvdk-tinh-ha-giang-do-loi-tai-nguoi-benh-679248.bld

Trao đổi với PV về trường hợp chị Hồ Thị Thảo (SN 1982) trú tại Làng Cúng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang bị liệt nửa người sau khi tiêm tại khoa Y học cổ truyền, BSCKII Vũ Hùng Vương – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Giang - cho rằng liệt là do bệnh sẵn có của bệnh nhân chứ không phải do tiêm.

Tiêm thuốc giảm đau không thể bị liệt

Trao đổi với PV báo Lao Động, BS Vũ Hùng Vương cho biết, bệnh nhân đến viện hôm thứ 6, chuyển về BV Bạch Mai hôm chủ nhât. Bệnh nhân Thảo bị giảm vận động hai chân, tê bì hai chân trước khi đến viện hơn một tuần, đã từng điều trị ở Trạm y tế xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Theo BS Vương: “Do bệnh nhân bị đau vùng thắt lưng và hai chi dưới nên có tiêm một mũi giảm đau. Liệt có thể do nguyên nhân khác nữa, chứ bảo do tiêm mà bị liệt thì tôi khẳng định chắc chắn không phải. Trường hợp không kiểm soát được, tiêm vào dây thần kinh hông to thì chỉ liệt một chi thôi. Mà liệt thực thể, chứ không phải như thế này, trường hợp này cấu véo vẫn thấy đau. Trước đó bệnh nhân bị tê bì hai chân và đau vai gáy.”

“Trước khi tiêm, điều dưỡng bắt co chân lên vẫn được thì nghĩa là không thể tiêm vào dây thần kinh được”- BS Vương khẳng định.

BS Vương cung cấp thêm, loại thuốc mà điều dưỡng viên tiêm cho bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ điều trị là thuốc giảm đau. “Ngày 23.6, người bệnh được xử trí tiêm thuốc Nefopam 20mg x 1 ống tiêm bắp sâu (hoạt chất Nefopam hydroclorid được chỉ định trong giảm đau cấp tính và mãn tính: Đau do nguồn gốc thần kinh, đau đầu, đau cơ và các chứng co thắt...) và các thuốc hỗ trợ, sinh tố, giảm tiết”- báo cáo của BVĐK tỉnh Hà Giang nêu rõ.

BS Vương cũng khẳng định, đã xem tác dụng phụ của thuốc này và chắc chắn kỹ thuật tiêm như thế thì không thể gây liệt được. Bệnh nhân buồn nôn có thể do tác dụng phụ của thuốc, thuốc gây choáng váng, gây buồn nôn chứ không gây liệt

BV khăng khăng bệnh nhân bị giảm vận động trước khi tiêm

Về quy trình tiếp đón, khám chữa bệnh cho bệnh nhân Hồ Thị Thảo, BS Vương cho biết, đã kiểm tra lại quy trình và không thấy vấn đề gì. BS Vương cũng cho rằng, có thể một phần do tâm lý của bệnh nhân làm ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Các BS BV Bạch Mai sẽ hội chẩn cả vấn đề tâm lý cho bệnh nhân.

Khi phóng viên đặt câu hỏi tại sao bệnh nhân sau khi tiêm mới bị liệt mà không bị liệt trước đấy thì BS Vương cho rằng: “Trước đó bệnh nhân đã bị giảm vận động. Tôi nghĩ là bệnh nhân bị liệt là diễn biến của bệnh, do quá trình phát triển của bệnh. Nếu không tiêm thì ngày hôm ấy có thể bệnh nhân cũng sẽ bị giảm vận động. Việc bệnh nhân bị liệt và tiêm chỉ là diễn ra cùng một thời điểm. Kể cả hôm đó không làm gì thì trong quá trình diễn biến của bệnh nó cũng có thể gây giảm vận động như thế”.

Theo BS Vương, Bệnh viện đã yêu cầu khoa Y học cổ truyền có báo cáo giải trình, mang hồ sơ bệnh án của bệnh nhân để kiểm tra, báo cáo quá trình điều trị tại bệnh viện. “Chúng tôi muốn cung cấp thông tin 2 chiều. Làm gì có bác sĩ nào muốn bệnh nhân bị như thế. Mà bệnh nhân có bệnh mới vào viện, khỏe thì chả ai đến viện cả. Mà phải gặp bệnh lý gì đó, giảm vận động mới vào khoa Y học cổ truyền”- BS Vương quả quyết.

Trong khi khăng khăng rằng bệnh nhân đã bị giảm vận động trước khi tiêm thì chính BSCKII Vũ Hùng Vương – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Giang đã nói "hở" ra rằng: “Trước khi tiêm, điều dưỡng bắt bệnh nhân co chân lên vẫn được..." Vậy rõ ràng, trước khi tiêm bệnh nhân không hề bị liệt vẫn co duỗi chân bình thường. Điều này cũng được chính bệnh nhân Thảo và người nhà của chị khẳng định, tình trạng của chị trước khi đến BVĐK tỉnh Hà Giang vẫn khỏe mạnh, vận động, đi lại bình thường, thậm chí ngày hôm đó (23.6) vẫn có thể lái xe máy đi hàng chục cây số đưa mẹ đi khám. Chị Thảo chỉ tranh thủ khám khi thấy ngón tay cái bị tê và thấy đau vai gáy.

Trong vụ việc này, BV Hà Giang có vẻ đang tìm cách "chối tội". Đến lúc này nguyên nhân gây liệt của bệnh nhân chưa được tìm ra song "đổ" lỗi tại người bệnh của BV Hà Giang là không thuyết phục.

 

1 phụ nữ nhập viện với máy xay thịt dính vào tay

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/1-phu-nu-nhap-vien-voi-may-xay-thit-dinh-vao-tay-713326.html

Do bàn tay bị dập nát khá nặng nên có thể bệnh nhân sẽ bị cắt bỏ từ hết phần cổ tay.

Tối 5-7, BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho biết đang điều trị vết thương dập nát bàn tay cho bệnh nhân NTP (55 tuổi, ngụ tại quận 12). Bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu khoảng 14 giờ cùng ngày trong tình trạng bàn tay đã bị dập nát, dính vào máy xay thịt.

Qua xử trí vết thương ban đầu và kiểm tra bàn tay, bệnh nhân được đưa lên phòng mổ để lấy máy xay ra khỏi người.

BS Võ Hòa Khánh, phòng quản lý chất lượng BV Chấn thương Chỉnh hình, cho biết bàn tay của bệnh nhân đã bị dập nát đến mức không thể cứu vãn được nên có thể sẽ bị cắt bỏ đến cổ tay.

Theo người nhà kể lại, bà P. làm việc tại một công ty nấu suất ăn công nghiệp. Lúc 12 giờ 30 cùng ngày, khi máy xay thịt đang chạy, bà P. đã lấy tay bỏ miếng thịt vào máng và nhét thịt xuống cối xay thì không may bị máy cuốn vào.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang