Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 07/11/2017

  • |
T5g.org.vn - Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại sau mưa bão tại tỉnh Quảng Nam; Nguy cơ bùng phát dịch sởi; Kon Tum: Hơn 80 học sinh ngộ độc vì ăn bánh và sữa miễn phí; ...

 

Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại sau mưa bão tại tỉnh Quảng Nam

http://moh.gov.vn/news/pages/tinhoatdongv2.aspx?ItemID=2307

Ngày 06/11/2017, Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Thành viên Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai quốc gia, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đến tỉnh Quảng Nam để kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau mưa bão.

Thứ trưởng Bộ Y tế, Phạm Lê Tuấn và Đoàn công tác đã đến thăm và kiểm tra công tác khám chữa bệnh khắc phục hậu quả sau mưa bão tại huyện Thăng Bình, phòng khám đa khoa khu vực Đông Quế Sơn và Thành phố Tam Kỳ.

Nhằm chủ động đối phó với hậu quả về vệ sinh môi trường, phát sinh dịch bệnh trên địa bàn sau mưa lũ, Sở Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng công tác hậu cần về thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ; tổ chức thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sau khi nước rút; chủ động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm. Các đơn vị y tế cung cấp Chloramine B cho nhân dân nhằm khử khuẩn nguồn nước; thu gom và sử dụng vôi bột hoặc hóa chất để xử lý xác động vật, tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đánh giá cao công tác hỗ trợ, cứu hộ các nạn nhân trong mưa bão của ngành Y tế tỉnh Quảng Nam. Ngành Y tế đã thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu; công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa bão cho nhân dân. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, tình hình mưa lũ vẫn còn tiếp diễn, do đó ngành Y tế Quảng Nam cần rà soát trang thiết bị y tế, cơ số thuốc, các phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn giao Văn phòng Bộ làm đầu mối phối hợp với Sở Y tế Quảng Nam lên các danh mục trang thiết bị y tế, cơ số thuốc cần thiết báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế để có phương án hỗ trợ kịp thời trong thời gian sớm nhất. Ngành Y tế tỉnh Quảng Nam cần nâng cao tinh thần cảnh giác, luôn sẵn sàng đối phó với tình trạng mưa lũ trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường; hướng dẫn nhân dân làm tốt công tác khử khuẩn nguồn nước, tiêu hủy xác động vật chết.

 

Nguy cơ bùng phát dịch sởi

http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34631802-nguy-co-bung-phat-dich-soi.html

Những ngày gần đây, tại Hà Nội, dịch sốt xuất huyết cơ bản được khống chế, nhưng bệnh sởi lại bắt đầu gia tăng và có nguy cơ lan thành dịch. Các chuyên gia y tế lo ngại, dịch bệnh này sẽ khó kiểm soát bởi hiện còn 3% số trẻ chưa được tiêm sởi, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng vẫn có thể mắc bệnh.

Đến thời điểm này, tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội đã ghi nhận 17 ca mắc sởi, tất cả đều chưa tiêm vắc-xin, trong đó một số trẻ mắc bệnh do chưa đến tuổi tiêm phòng. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị hơn mười bệnh nhi bị sởi, phần lớn là các cháu nhỏ dưới một tuổi, chủ yếu đã bị biến chứng sang viêm phổi. TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong hai tháng gần đây, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân mắc sởi, chủ yếu là trẻ dưới chín tháng tuổi.

TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 45 trường hợp mắc sởi, một ca tử vong. Số ca bệnh tăng nhanh trong hai tháng 9 và 10, xuất hiện tại 21 quận, huyện. Ðề cập đến ca tử vong vừa qua, ông Cảm cho biết, đó là trường hợp trẻ bảy tháng rưỡi tuổi, ở xã Thọ Xuân, huyện Ðan Phượng. Trẻ cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Ðan Phượng trong tình trạng sốt, li bì, khó thở, bỏ bú, được chẩn đoán viêm phổi nặng, được cho thở ô-xi và chuyển lên Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, rồi sang Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, trẻ được xác định dương tính với sởi và tử vong tại khoa Cấp cứu.

Theo TS Trần Như Dương - Trưởng Ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực miền bắc, tính đến tháng 10-2017, toàn miền bắc ghi nhận 99 ca mắc sởi, chủ yếu tại Hà Nội. Tuy số ca mắc chưa cao, không có ổ dịch lớn, nhưng đáng chú ý là địa bàn phân bố ca bệnh rộng, rải rác, khả năng dịch bùng phát có thể xảy ra nếu công tác phòng, chống bị lơ là.

Ðối với bệnh sởi, biện pháp quan trọng nhất để chủ động phòng bệnh là tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Nếu lơ là công tác tiêm chủng thì nền miễn dịch trong cộng đồng giảm xuống, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại là có đến 43% số ca bệnh là trẻ dưới chín tháng tuổi - đây là đối tượng chưa đến tuổi tiêm chủng, cho nên việc phòng bệnh rất khó khăn. Ngoài ra, trẻ chưa được tiêm đủ mũi, hoặc chưa tiêm chủng đều rất dễ mắc bệnh.

Sở Y tế Hà Nội đang phối hợp các đơn vị chức năng thực hiện vệ sinh môi trường, điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh được ghi nhận. Ðồng thời, các lực lượng cộng tác viên, tổ trưởng dân phố và cán bộ y tế tại Hà Nội rà soát đối tượng tiêm chủng (trẻ dưới 5 tuổi) trên địa bàn trong tháng 11, để tiêm bổ sung cho trẻ. "Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện của Hà Nội tổ chức tốt việc phân tuyến, phân luồng bệnh nhân nhằm bảo đảm công tác cấp cứu, điều trị kịp thời bệnh nhân sởi và các dịch bệnh khác", Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh cho biết.

TS Trần Như Dương đề nghị Hà Nội có sự phối hợp tốt giữa ngành y tế và ngành giáo dục, hướng dẫn các trường học, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non cách phát hiện bệnh sởi, thông báo trường hợp sốt phát ban nghi sởi để kịp thời có biện pháp ứng phó. Hà Nội cũng cần lập kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng vắc-xin, thuốc, vật tư, hóa chất, và dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sởi là bệnh nhiễm vi-rút đặc biệt nguy hiểm ở những trẻ em nuôi dưỡng kém hoặc bị bệnh lao. Ðể phòng bệnh, không để trẻ bị sởi lại gần các trẻ khác. Cần bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

 

Kon Tum: Hơn 80 học sinh ngộ độc vì ăn bánh và sữa miễn phí

http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/kon-tum-hon-80-hoc-sinh-ngo-doc-vi-an-banh-va-sua-mien-phi-232638.html

Sáng 6/11, 84 học sinh của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Sa Thầy, Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành và Tiểu học Lê Hồng Phong ở thị trấn Sa Thầy (Sa Thầy, Kon Tum) đã bị ngộ độc sau khi ăn bánh miễn phí từ một người dân.

Khoảng 8 giờ ngày 6/11, các em học sinh sau khi ăn bánh và sữa có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện huyện Sa Thầy. Nguyên nhân ngộ độc ban đầu nghi là do các em ăn bánh bông lan và uống sữa fami do một người dân trên địa bàn huyện làm từ thiện, phát miễn phí cho các em học sinh.

 Sau khi nhận được tin báo, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã có mặt tại huyện Sa Thầy để thăm hỏi, động viên các em học sinh. Đồng thời, Sở đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy các mẫu bánh và sữa để kiểm nghiệm.

Ông Hoàng Chí Trung – Chi cục trưởng Chi An toàn thực phẩm tỉnh Kon Tum cho biết: “Sữa của các em uống vẫn còn thời hạn sử dụng nhưng sản phẩm bánh bông lan thì không rõ ràng về thời gian sử dụng. Bước đầu, xác định bánh này được làm tại huyện Ia Grai (Gia Lai). Qua trao đổi với cơ quan chức năng ở Gia Lai, xác định bánh này không có hợp quy, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện. Trên bánh có ghi thời gian sử dụng 15 ngày nhưng không có ngày sản xuất, rõ ràng bánh này là “bánh lậu”. Hiện các mẫu bánh và sữa đã được mang đi kiểm nghiệm”.

Đến thời điểm hiện tại, có 47 trong tổng số 84 em học sinh bị ngộ độc thực phẩm đã xuất viện, các em còn lại hiện sức khỏe đã ổn định, nhưng vẫn phải theo dõi và truyền dịch tại Bệnh viện.

Nguyên nhân vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh, làm rõ.

 

Ngày càng nhiều nguyên nhân dẫn tới tai biến y khoa

http://www.baogiaothong.vn/ngay-cang-nhieu-nguyen-nhan-dan-toi-tai-bien-y-khoa-d231800.html

Ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình khám, chữa bệnh đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Tại hội thảo “Tăng cường và bảo đảm an toàn người bệnh” tổ chức mới đây, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Đối với ngành Y tế Việt Nam, an toàn người bệnh được coi là điều ‘cốt tử” bởi bệnh viện là một môi trường nguy cơ cao, nơi các sai sót có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào từ khâu chẩn đoán cho đến điều trị.

“Ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình khám bệnh, chữa bệnh đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Hơn thế nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý. Vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát. Khi sự cố không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân, đặc biệt đối với người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả của các sự cố không mong muốn làm ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc bị khuyết tật tạm thời hay vĩnh viễn, thậm chí chết người…”, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn giải.

Tương tự, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, bệnh viện là môi trường có nhiều nguy cơ để tai biến xảy ra. “Các hành vi như kê đơn nhiều thuốc, y lệnh không rõ ràng, quá nhiều y lệnh…; cùng với các vấn đề như cấp cứu với tốc độ cao, quá tải bệnh nhân, môi trường nhiễm khuẩn, đồng nghiệp kiệm lời… cũng là các nguy cơ dẫn đến mất an toàn người bệnh. Theo Phó cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa, để đảm bảo an toàn người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh cần nghiêm túc thực hiện việc bảo đảm thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế; thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo sai sót chuyên môn, sự cố y khoa; xây dựng quy trình phân tích xác định nguyên nhân gốc gây nên sự cố y khoa, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn; hướng dẫn biện pháp phòng ngừa sự cố y khoa và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và người bệnh trong công tác đảm bảo an toàn người bệnh.

 

Điều chỉnh Dự án nâng cấp trang thiết bị y tế cho Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy

http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/dieu-chinh-du-an-nang-cap-trang-thiet-bi-y-te-cho-trung-tam-ung-buou-cho-ray.html

Về việc điều chỉnh Dự án đầu tư “Nâng cấp trang thiết bị y tế cho Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy - Bệnh viện Chợ Rẫy” sử dụng ODA của Chính phủ Áo theo hồ sơ dự án, vừa qua Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2577/BXD-HĐXD gửi Bộ Y tế.

Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư “Nâng cấp trang thiết bị y tế cho Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy” sử dụng ODA của Chính phủ Áo đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 2716/QĐ-BYT ngày 20/6/2016. Theo đó, kinh phí của dự án gồm: Vốn vay ODA của Chính phủ Áo là 15 triệu EUR; vốn đối ứng là 50 tỷ đồng do Bộ Y tế cấp phát theo quy định của Luật Ngân sách và tiến độ thực hiện dự án.

Theo Hồ sơ dự án điều chỉnh kèm theo Tờ trình số 1855/TTr-BVCR ngày 05/10/2017 của Bệnh viện Chợ Rẫy về việc phê duyệt điều chỉnh Quyết định dự án đầu tư “Nâng cấp trang thiết bị y tế cho Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy - Bệnh viện Chợ Rẫy” sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Áo, nội dung của dự án điều chỉnh chủ yếu là mua sắm trang thiết bị chuyên ngành, nguồn vốn cho Dự án là 1.130,8 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ODA của Chính phủ Áo: 40 triệu EUR, tương đương 1.005,4 tỷ đồng, theo 2 đợt thực hiện: Đợt 1: 15 triệu EUR, tương đương 370,4 tỷ đồng từ Hiệp định tín dụng cụ thể số 9 ký ngày 27/10/2016 giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng tài trợ RBI (Áo) (đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 2716/QĐ-BYT ngày 20/6/2016). Đợt 2: 25 triệu EUR, tương đương 635 tỷ đồng. Vốn đối ứng: 125,4 tỷ đồng tương ứng theo 2 đợt thực hiện: Đợt 1: 50 tỷ đồng (đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 2716/QĐ-BYT ngày 20/6/2016). Đợt 2: 75,4 tỷ đồng, Bệnh viện Chợ Rẫy tự bảo đảm từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của bệnh viện.

Theo Hồ sơ thiết kế cơ sở, dự án đợt 2 (gói 2) có chi phí cho cấu phần xây dựng rất nhỏ so với tổng mức đầu tư dự án, chủ yếu là cải tạo bên trong các khối công trình để đáp ứng yêu cầu hoạt động của trang thiết bị chuyên ngành, chi phí cải tạo xây dựng và thiết bị phụ trợ khoảng 22,88 tỷ đồng (chiếm 3,22% tổng mức đầu tư gói 2 của dự án). Các hạng mục cải tạo gồm: Tầng 1 của Khoa Hóa xạ trị, diện tích 1.100m2; tầng 1 của Khoa Y học hạt nhân, diện tích 451m2, diện tích xây mở rộng 68m2 và hoàn thiện xây dựng tầng 1 của Kho lưu trữ hồ sơ, diện tích 265m2; hoàn thiện xây dựng 02 phòng chức năng ở tầng trệt và tầng 2 của Trung tâm Ung bướu.

Để đủ cơ sở đánh giá sự phù hợp với chủ trương đầu tư, quy hoạch xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, năng lực hoạt động xây dựng và các nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng, chủ dự án cần bổ sung một số nội dung: Theo Hồ sơ dự án, chủ trương điều chỉnh Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 944/QĐ-TTg ngày 04/7/2017. Hồ sơ pháp lý dự án cần bổ sung Văn bản này. Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500 hoặc tổng mặt bằng xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hồ sơ hiện trạng công trình; báo cáo khảo sát đánh giá hiện trạng công trình; kết quả đánh giá kiểm định chất lượng công trình xây dựng. Bản sao chứng chỉ năng lực (hoặc mã số chứng chỉ năng lực) của nhà thầu lập dự án, nhà thầu thực hiện khảo sát hiện trạng, địa chất phục vụ lập dự án, nhà thầu thẩm tra; thông tin năng lực và chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của các cá nhân chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, khảo sát địa hình, địa chất. Ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế cơ sở Dự án theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; hồ sơ quy hoạch.

Theo hồ sơ dự án, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống hạ tầng hiện có đang cấp cho khu đất. Tuy nhiên, trường hợp nhu cầu sử dụng của công trình vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu đất thì chủ đầu tư cần liên hệ với các cơ quan/đơn vị quản lý ngành để được hướng dẫn, thỏa thuận.

 

Người dân cần hiểu rõ về những lợi ích từ mô hình phòng khám bác sĩ gia đình

http://phapluatxahoi.vn/nguoi-dan-can-hieu-ro-ve-nhung-loi-ich-tu-mo-hinh-phong-kham-bac-si-gia-dinh-106631.html

Theo kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2020, phòng khám BSGĐ là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh.

Mô hình BSGĐ được áp dụng từ lâu ở nhiều nước trên thế giới. Mỗi nước sẽ có một cách áp dụng mô hình khác nhau. Tuy nhiên, các nước đều làm theo một nguyên lý chung là nguyên lý của chuyên ngành y học bác sĩ gia đình.

Khi áp dụng vào Việt Nam, mô hình bác sĩ gia đình sẽ kéo dài tuổi thọ cho người dân. Mô hình này hướng đến dự phòng, do đó, nếu phát hiện sớm, chữa trị sớm sẽ ngăn ngừa được các ca bệnh nặng, giảm tử vong. Người dân cần hiểu rõ về những lợi ích từ mô hình BSGĐ để đặt trọn niềm tin khám chữa bệnh tại nhà, gần nhà.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện.

Có hai mô hình tổ chức của phòng khám bác sỹ gia đình bao gồm trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và phòng khám bác sỹ gia đình. Trong mô hình phòng khám BSGĐ bao gồm phòng khám BSGĐ tư nhân (gồm cả phòng khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính có nhu cầu hoạt động theo mô hình phòng khám bác sỹ gia đình); phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện (bệnh viện nhà nước).

Mô hình phòng khám BSGĐ có nhiều nhiệm vụ, tạo điều kiện cho người bệnh được chăm sóc tốt hơn. Cụ thể, với trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình có nhiệm vụ thực hiện chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh theo quy định chuyển tuyến y học gia đình. Theo đó, tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, BSGĐ có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến. Họ được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường, thực hiện một số thủ thuật như thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu nước tiểu, lấy máu để xét nghiệm, tiêm, truyền dịch,...

Với các phòng khám BSGĐ được thực hiện các nhiệm vụ như sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế.

Phòng khám BSGĐ là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị. Theo quy định, tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, BSGĐ tại các phòng khám có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến. Riêng đối với phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện việc chuyển tuyến y học gia đình bao gồm cả việc chuyển người bệnh vào các khoa lâm sàng của bệnh viện mà vẫn được coi là đúng tuyến.

Các BSGĐ được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh như: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch…Với sự tiện ích từ mô hình BSGĐ, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám BSGĐ.

 

Mạt bụi nhà - nguyên nhân hàng đầu gây bệnh hen suyễn ở Việt Nam

http://tapchimattran.vn/suc-khoe/mat-bui-nha-nguyen-nhan-hang-dau-gay-benh-hen-suyen-o-viet-nam-10416.html

Sáng 20/10, các giáo sư đến từ Vương quốc Bỉ và giảng viên đến từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã báo cáo kết quả của dự án PIC “Đánh giá nguy cơ và dự phòng bệnh lý mạn tính đường hô hấp tại khu vực phía Nam Việt Nam”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, bệnh hô hấp mạn tính có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 3 (chỉ sau bệnh tim mạch và ung thư). Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh. Theo GS. Olivier Michel - điều phối viên của chương trình PIC phía Vương Quốc Bỉ, ở Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là khoảng 40% và nữ giới chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1%. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là tỷ lệ mắc bệnh hô hấp mạn tính ở phụ nữ Việt Nam lên đến 45,5%. Do đó, các nhà khoa học cho rằng có mối quan hệ giữa yếu tố môi trường, nhà ở và bệnh lý hô hấp.

Nhóm nghiên cứu đã xác định đặc điểm bệnh lý hô hấp trên 610 bệnh nhân Việt Nam dựa trên câu hỏi, đo hô hấp ký, test tại gia để tìm kháng nguyên dị ứng. Ngoài ra, nghiên cứu sử dụng các xét nghiệm miễn dịch dị ứng và cách thức khác nhau để xác định tình trạng dị ứng ở Việt Nam.

Kết quả cho thấy, bệnh lý hen suyễn có nguyên nhân liên quan đến yếu tố dị ứng. Ở Việt Nam, con mạt bụi nhà là tác nhân gây dị ứng nhiều nhất. Nguy cơ dị ứng với con mạt bụi nhà xảy ra ở thành thị nhiều hơn nông thôn. Người ta nhận thấy, người dân ở nông thôn khi vào khu vực thành thị sống thì khả năng bị dị ứng tăng lên rất nhiều. Nghiên cứu cũng chứng minh khả năng gây dị ứng của con mạt bụi nhà ở nông thôn cũng giống như ở thành thị. Nhưng chất endotoxin chống lại dị ứng ở nông thôn lại nhiều hơn thành thị.

Mục tiêu dự án PIC hô hấp nhằm đánh giá bệnh hô hấp mạn được thực hiện bởi các giáo sư đến từ Vương Quốc Bỉ và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Công nghiệp TPHCM và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Dự án nhằm xác định yếu tố nguy cơ và dự phòng các bệnh hô hấp này ở tuyến y tế cơ sở. Dự án kéo dài từ năm 2012 đến 2017 và dự kiến sẽ còn tiếp tục.

GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đánh giá cao dự án PIC. GS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, hiện, TPHCM khoảng 13 triệu dân tính gồm dân nhập cư. Bộ Y tế hiện nay đang tập trung phát triển y tế cơ sở, tập trung khám chữa bệnh ban đầu. Đặc biệt là các bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm. Dự án PIC hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Bộ Y tế là phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh ở tuyến y tế cơ sở để điều trị sớm với chi phí thấp nhất.

 

Sẵn sàng ứng phó mưa lũ để cứu chữa bệnh nhân

https://thanhnien.vn/suc-khoe/san-sang-ung-pho-mua-lu-de-cuu-chua-benh-nhan-897131.html

Chiều tối 5.11, nước lũ sông Hương dâng cao đã bắt đầu tràn vào Bệnh viện T.Ư Huế, Ban giám đốc bệnh viện yêu cầu đội ngũ cán bộ y tế chủ động ứng phó để đảm bảo cứu chữa bệnh nhân trong mọi tình huống. PGS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), cho biết hiện nay tại cơ sở 1 của bệnh viện có 3.230 bệnh nhân đang điều trị nội trú, cơ sở 2 có 500 bệnh nhân đang điều trị nội trú.

Trước tình hình mưa lũ đang diễn biến rất phức tạp, TP.Huế đang có nhiều điểm ngập sâu và một số điểm trong bệnh viện cũng bắt đầu ngập lũ, lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu các khoa, phòng tăng cường giám sát, cập nhật tình hình mưa lũ, kịp thời sơ tán bệnh nhân nếu có yêu cầu, kê cao vật tư, trang thiết bị tránh bị nước lũ làm ướt hư hỏng.

Về phương án dự phòng lương thực, thực phẩm để phục vụ cấp dưỡng cho bệnh nhân trong tình huống mưa lũ kéo dài, lãnh đạo bệnh viện cũng đã yêu cầu khoa dinh dưỡng cùng hệ thống 6 căn tin (ở cơn sở 1) và 2 căn tin (ở cơ sở 2, tại Phong Điền) chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm để phục vụ. Theo đó, các căn tin và khoa dinh dưỡng đã chuẩn bị và có thể đủ sức phục vụ cho bệnh nhân và 350 cán bộ y tế trực trong thời gian 10 ngày.

Trong ngày 5.11, mặc dù mưa lũ nhưng bệnh viện vẫn tiếp nhận 150 bệnh nhân vào khám cấp cứu, trong đó có những trường hợp nặng được các thầy thuốc tận tình cứu chữa. Ngoài ra, khu dịch vụ quốc tế cũng đã đón 200 bệnh nhân/ngày.

 

Hậu Giang: Công bố nguyên nhân hơn 400 học sinh nhập viện sau khi uống sữa

http://dantri.com.vn/suc-khoe/hau-giang-cong-bo-nguyen-nhan-hon-400-hoc-sinh-nhap-vien-sau-khi-uong-sua-20171106182041749.htm

Dân trí Liên quan đến vụ hơn 400 học sinh phải nhập viện sau khi uống sữa, ngày 6/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang có cuộc họp để thông báo nguyên nhân vụ việc.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang cho biết, căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm mẫu sữa và mẫu chất nôn có dương tính vi sinh và vi khuẩn. Kết quả hai mẫu xét nghiệm có vi khuẩn Staphylococcus aureus - một loại vi khuẩn cầu vàng sống trong đất, trong nước, gây ghẻ lở ngoài da, tuy nhiên nhiễm nhiều sẽ gây ngộ độc thực phẩm đường tiêu hóa.

Cũng theo ông Tùng: Từ kết quả xét nghiệm có thể kết luận học sinh bị nhập viện do thức uống của công ty Dịch vụ quảng cáo M.C pha chế không tuân thủ các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ngộ độc.

Từ các hành vi vi phạm của công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC, tỉnh Hậu Giang giao Sở Y tế kiến nghị Cục An toàn thực phẩm áp dụng Nghị định 178/2013/NĐ CP ngày 14 tháng 11 năm 2013, của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để xử phạt theo quy định.

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của công ty M.C về việc pha chế thức uống cấp phát cho học sinh các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho đến khi khắc phục các hậu quả và có xác nhận của các cơ quan chức năng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ quản cáo M. C chịu mọi kinh phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, xét nghiệm mẫu, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm và các chi phí khác có liên quan.

Phía Hậu Giang cũng yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC phải công khai xin lỗi gia đình các em học sinh phải nhập viện.

Như Dân trí đã thông tin, sáng 27/10, hơn 400 học sinh của 2 trường tiểu học Lái Hiếu và Nguyễn Hiền (thị xã Ngã Bảy) sau khi uống sữa có triệu chứng chóng mặt, khó chịu, phải đến bệnh viện. Trong số này, có 39 em bị ngộ độc phải nhập viện để theo dõi điều trị và truyền dịch.

Sau khi vụ việc xảy ra, lo sợ học sinh sẽ bị ngộ độc giống Hậu Giang, Sở GDĐT TP Cần Thơ đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc chỉ đạo các trường tiểu học tạm ngưng tiếp nhận và không cho học sinh uống thức uống Milo cho đến khi có kết quả kiểm nghiệm và sự cho phép trở lại của sở.

Cùng ngày, Sở Y tế TP Cần Thơ cũng có văn bản yêu cầu Công ty TNHH dịch vụ quảng cáo MC ngưng thực hiện Chương trình phát thức uống Milo miễn phí tại các trường học trên địa bàn TP kể từ ngày 27/10.

 

Bị tố phá thai không sạch, thu 15 triệu đồng: BV Phụ sản Hà Nội lên tiếng

http://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/bi-to-pha-thai-khong-sach-thu-15-trieu-dong-bv-phu-san-ha-noi-len-tieng-c62a915836.html

Theo Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, có thể do bác sĩ chưa giải thích rõ ràng nên đã xảy ra hiểu lầm. Vừa qua, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin một bệnh nhân đi hút thai ở BV Phụ sản Hà Nội 2 lần không sạch.

Theo đó, chị B. ở Hà Nội đang mang thai 12 tuần đến BV Phụ sản Hà Nội thăm khám. Tại đây, chị được định chấm dứt thai nghén do thai bị phù. Sau khi được bác sĩ tư vấn, chị được Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình trực tiếp thực hiện với gói chi phí 7,5 triệu đồng.

Sau khi thực hiện thủ thuật 4 ngày, chị B. thấy bụng chướng, đau âm ỉ, cơ thể mệt mỏi. Chị đến BV Phụ sản Hà Nội kiểm tra lại. Bác sĩ cho biết thai sót nên phải hút lại. Lần này, chị phải đóng thêm 1,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau 2 lần làm thủ thuật chị vẫn thấy đau bụng. Chị đến một cơ sở y tế khác để kiểm tra thì được chẩn đoán “thai nhi vẫn còn lưu”. Quá lo lắng, chị B. tiếp tục quay lại BV Phụ sản Hà Nội, đóng thêm 400 ngàn đồng tiền khám và nhận được kết luận “vẫn nguyên túi dịch hỗn hợp”.

Do đã làm thủ thuật 2 lần nên các bác sĩ hướng dẫn cho uống thuốc co bóp tử cung để đẩy thai ra và tiếp tục theo dõi. Tổng cộng, chị B. phải trả số tiền từ các hóa đơn mà chị lên đến gần 15 triệu đồng.

Bức xúc, chị B. phản ánh lên mạng xã hội. Ngay sau đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hà Nội xác minh làm rõ thông tin bệnh nhân N.T.B (Hà Nội) tố BV Phụ sản Hà Nội phá thai 2 lần nhưng không sạch, trong khi chi phí phá thai lên đến 15 triệu đồng.

Ngày 6/11, trao đổi với PV về sự việc, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói: “Sự việc không hoàn toàn như những gì mạng xã hội phản ánh. Tuy nhiên, vì bệnh nhân không hài lòng với dịch vụ nên bệnh viện trả lại toàn bộ tiền viện phí”.

Ông Ánh cho biết, bệnh nhân B. bị ứ dịch sau thủ thuật phải hút lại là bình thường. Ngay từ lần đầu tiên, bác sĩ đã lấy sạch sẽ thai lưu. Tuy nhiên, do cơ địa bệnh nhân nên xảy ra tình trạng ứ sản dịch dẫn đến việc bệnh nhân phải nhập viện xử lý hút dịch và tiếp tục phải uống thuốc để đẩy hết toàn bộ sản dịch ra ở lần tiếp theo. Không có chuyện bệnh nhân hút thai 2 lần không sạch.

Cũng theo ông Ánh, có thể do bác sĩ chưa giải thích rõ ràng nên đã xảy ra sự hiểu lầm đó. Về chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân, ông Ánh cho hay, tổng chi phí điều trị tại bệnh viện chỉ hết 8,5 triệu, không phải 15 triệu như mạng xã hội phản ánh. Hiện nay, chi phí thủ thuật hút thại tại viện có giá hơn 3 triệu đồng/lần.“Số tiền chênh lệch còn lại là do bệnh nhân nhu cầu lựa chọn dịch vụ giảm đau toàn thân (thay vì giảm đau cổ tử cung thông thường) và dịch vụ phân tích nhiễm sắc thể đồ nhau thai (tìm nguyên nhân khiến thai lưu).

 

Thời nhà thương thiếu vắng bình yên

http://danviet.vn/y-te/thoi-nha-thuong-thieu-vang-binh-yen-819254.html

Hàng loạt nhân viên y tế bị tấn công hoặc đe doạ rộ lên trong tháng qua là lời cảnh báo cần có biện pháp nhanh chóng giải quyết tình trạng này. Nhưng biện pháp cần giải quyết từ gốc chứ không làm đối phó như bấy lâu nay.

Tại một bệnh viện trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM, sáng 24.10, bước vào khu khám bệnh người ta bắt gặp ngay những nữ nhân viên tiếp đón rất chu đáo. Thời bệnh viện công lập tự chủ tài chính hoàn toàn, bệnh viện nào cũng xem khách hàng là “thượng đế”, nên cố gắng làm hài lòng bệnh nhân là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, có những điều dù muốn cũng không làm được. Bệnh viện xây lâu đời, khu khám ngoại trú chật chội, đông đúc, bệnh nhân chờ đợi lớp ngồi, lớp đứng lố nhố. Dù các quạt máy trên trần đã tăng hết công suất, nhưng cái nóng hầm hập vẫn khiến người ta ngột ngạt, tội nhất là những người già.

Chưa hết, xen vào đó là tiếng loa phát ra từ các quầy thu ngân và phát thuốc bảo hiểm y tế. Nhân viên gọi tên bệnh nhân đóng tiền, nhưng thay vì xưng hô “ông/bà” theo giới tính ghi trên phiếu, người ta chỉ gọi tên trống không một cách lạnh lùng, kèm theo số tiền phải đóng: “Nguyễn Văn A, 500.000 đồng”.

Một bác sĩ làm việc ở bệnh viện cho biết, năm qua lãnh đạo cũng mời người đến huấn luyện cách giao tiếp ứng xử cho nhân viên, mọi người đều phải học, nhưng có huấn luyện thế nào cũng khó thay đổi vì mọi thứ đã thành thói quen, rất khó bỏ.

Trục trặc trong quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân là nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng tấn công nhân viên y tế, nhưng gốc rễ vấn đề là quá tải bệnh viện. Tại phòng cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, quá tải bệnh nhân là chuyện thường tình, vì thế các nhân viên y tế cũng quá quen với những kiểu quát tháo, la hét, phẫn nộ của không ít người do chờ quá lâu không thấy bác sĩ đến khám cho mình.

Nhưng theo điều dưỡng P., người có gần 20 năm làm việc ở đây, có làm hết mức cũng không xuể. Anh nói: “Phòng cấp cứu này lúc nào cũng quá tải, bệnh nhân khắp nơi đổ về, kể cả những bệnh nhẹ mà người ta hoàn toàn có thể đi cấp cứu bệnh viện gần nhà”.

Nhận ra nguy cơ phát sinh những chuyện không hay từ quá tải bệnh nhân, vừa qua lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy đã đề nghị sở Y tế TP.HCM thông báo các bệnh viện trong thành phố tăng cường tiếp nhận và giữ bệnh nhân lại điều trị, thay vì chuyển lên tuyến trên. Nhưng khó tin mọi chuyện sẽ được giải quyết tốt vì trong suy nghĩ của nhiều người, hễ cấp cứu là phải vào bệnh viện Chợ Rẫy.

Ở bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, TS.BS Nguyễn Đình Phú, phó giám đốc bệnh viện, cho biết chuyện nhân viên cấp cứu bị bệnh nhân hoặc người nhà của họ chửi bới, hăm doạ hành hung khá phổ biến. Thậm chí có trường hợp người nhà bệnh nhân quay phim, chụp hình, hăm doạ tung lên mạng xã hội nếu bác sĩ không ưu tiên cấp cứu cho người thân họ.

Một bác sĩ cấp cứu làm việc tại một bệnh viện quận Tân Bình, nói: “Tại lối vào phòng cấp cứu của các bệnh viện lớn người ta đều phân loại bệnh nhân, nguyên tắc cấp cứu là ưu tiên bệnh nặng rồi mới đến bệnh nhẹ, chứ có bỏ bê ai đâu”. Biết như thế, nhưng nếu bệnh viện thông tin rõ ràng cho mọi người dân biết, thì có lẽ không nảy sinh căng thẳng. 

Quá tải bệnh viện, môi trường bệnh viện xuống cấp, thiếu thông tin giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, kết hợp với những căng thẳng thường ngày trong cuộc sống, nên người dân vào bệnh viện dễ sinh bực bội, cáu gắt, dẫn đến những ứng xử thiếu kềm chế.

Tuy nhiên, tình trạng này cũng từng thấy ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi dân số bùng nổ mà hệ thống y tế lại không đủ đáp ứng được nhu cầu chữa trị của người dân.

Tại Trung Quốc, tình trạng bác sĩ bị hành hung trở thành chuyện lớn của xã hội nước này, khi số vụ nhân viên y tế bị tấn công tăng từ 10.000 vào năm 2005 lên hơn 17.000 vào năm 2010. Năm 2012, một bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín The Lancet gọi đây là “cơn khủng hoảng cho những người hành nghề y ở Trung Quốc”, vì trong năm đó trung bình mỗi bệnh viện có 27,3 trường hợp nhân viên y tế bị tấn công, trong khi năm 2006 là 20,6, thậm chí có bác sĩ còn bị giết chết.

Trước sự gia tăng số vụ tấn công nhân viên y tế tại nước ta, lần đầu tiên bộ trưởng bộ Y tế đã lên án mạnh mẽ, kêu gọi cộng đồng và cơ quan chức năng hỗ trợ ngăn chặn thực trạng này. Thế nhưng liệu điều này và những giải pháp lâu nay mà bộ Y tế đặt ra, như huấn luyện cách ứng xử của nhân viên y tế với bệnh nhân, tăng cường an ninh ở bệnh viện có giải quyết được không?

Giải pháp căn cơ và có hệ thống cần làm phải là đầu tư đúng mức cho hệ thống y tế để giảm tải bệnh nhân, tạo ra một môi trường làm việc thân thiện cho bệnh viện, và nâng cao đời sống cho nhân viên y tế để họ làm việc tốt hơn. Khi nào những biện pháp này chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, thì xung đột trong bệnh viện vẫn có chỗ để nảy sinh và phát triển.

Chuyện của ngành y tế, nhưng đó là chuyện của xã hội, một mình ngành y tế không thể nào làm được.

 

Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc khắc phục khó khăn, mang niềm tin đến với nhân dân

http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/suc-khoe/benh-vien-da-khoa-tinh-vinh-phuc-khac-phuc-kho-khan-mang-niem-tin-den-voi-nhan-dan.html

Mặc dù hiện nay đang phải hoạt động trong điều kiện khó khăn, cơ sở vật chất thiếu nhiều do phải đi ở tạm để chờ bệnh viện mới đang xây dựng lại. Tuy nhiên, bằng tâm huyết của những người thầy thuốc, sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc là bệnh viện tuyến tỉnh hạng I, với quy mô 750 giường bệnh kế hoạch và với 42 khoa, phòng (9 phòng chức năng, 26 khoa lâm sàng và 7 khoa cận lâm sàng). Tổng số cán bộ là 773 người (193 bác sĩ, 21 dược sĩ, 424 điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh). Để nâng cao chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh, những năm qua, ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã có biện pháp quản lý phù hợp, nỗ lực khắc phục khó khăn chung, có kế hoạch chiến lược phát triển Bệnh viện và từng bước phát triển các mục tiêu ưu tiên của Bệnh viện. Theo đó, bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tích cực đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh theo Quyết định 2151 do Bộ Y tế ban hành được triển khai thực hiện trong toàn Bệnh viện đến các khoa, phòng chuyên môn.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đặt lên hàng đầu đó là đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, để từ đó giúp cho người dân tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến nhất trong khám và điều trị bệnh. Năm 2017, bệnh viện được tiếp nhận một số trang thiết bị y tế mới hiện đại như: Hệ thống chụp MRI 1.5 Tesla; hệ thống SPECT/CT2 dãy; hệ thống thăm dò điện sinh lý tim; hệ thống chụp can thiệp tim mạch… Bên cạnh trang thiết bị y tế được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước thì bệnh viện tích cực, chủ động liên doanh liên kết các trang thiết bị được đầu tư đã đóng góp một phần quan trọng trong cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao, phát triển chuyên môn của bệnh viện.

Cùng với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, thì đội ngũ bác sĩ đã được chuẩn hóa, có năng lực chuyên môn giỏi, hết lòng vì bệnh nhân, luôn quán triệt phương châm mà Ban lãnh đạo Bệnh viện đã đề ra “Y đức tạo niềm tin” là thế mạnh đồng thời cũng là niềm tự hào của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Đội ngũ nhân viên của bệnh viện từ hộ lý đến y bác sĩ luôn được đào tạo liên tục về kiến thức chuyên môn, tác phong làm việc chuyên nghiệp, ý thức cảm thông chia sẽ với nỗi đau về bệnh tật của người bệnh, ý thức về cộng đồng xã hội. Để đạt được chuyên môn giỏi trong điều trị, bệnh viện luôn động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để CBNV học tập, nghiên cứu khoa học. Theo đó, bệnh viện đã cử 271 cán bộ được đào tạo tại tuyến trung ương theo Đề án Bệnh viện vệ tinh; tập huấn hội nghị, hội thảo tại các trường y dược…

Bên cạnh đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, liên thông được với phần mềm giám định Bảo hiểm y tế (BHYT) của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực hiện kết xuất dữ liệu BHYT hàng ngày. Đồng thời, bệnh viện cũng triển khai thực hiện kết nối với Bệnh viện Bạch Mai thông qua Telemedicine. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe được chú trọng. Công tác tiếp nhận, xử lý những thông tin phản ánh thông qua đường dây nóng, hòm thư góp ý của người bệnh được thực hiện nghiêm túc.

Với đội ngũ nhân lực giàu chuyên môn, giỏi nghiệp vụ, những năm qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc liên tục gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực khám và điều trị bệnh, nhiều kỹ thuật mới được triển khai hiệu quả. Trong 9 tháng đầu năm 2017, bệnh viện đã thực hiện khám bệnh 98.245 lượt người đạt 89%, điều trị nội trú 33.896 người bệnh đạt 91%, ngày điều trị trung bình cho một người bệnh là 6,3 ngày, công suất sử dụng giường bệnh tính theo giường bệnh kế hoạch được giao là 104,1%.

Với hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, cơ sở vật chất đồng bộ cùng đội ngũ bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, nhiệt tình trong công tác, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, tạo lòng tin của người bệnh khi đến với bệnh viện; đồng thời góp phần giảm số lượng bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.

Với kết quả đã đạt được trong những năm qua như có hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành khen thưởng; năm 2010 bệnh viện vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2015, vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Điều đó có được là nhờ sự đóng góp to lớn của người lãnh đạo giản dị và tâm huyết ThS.BS Lê Hồng Trung - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc và hàng trăm cán bộ, y bác sĩ bệnh viện đang hàng ngày mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

 

Thuốc mới kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư vú Việt Nam

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/ung-thu/thuoc-moi-keo-dai-thoi-gian-song-cho-benh-nhan-ung-thu-vu-viet-nam-3665830.html

Bộ Y tế vừa cấp phép hai loại thuốc mới điều trị ung thư vú di căn HER2 dương tính, giúp kéo dài thời gian sống thêm khoảng năm năm. Tiến sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết liệu pháp nhắm trúng đích HER2 có hai thuốc mới vừa được Bộ Y Tế cấp phép là pertuzumab để điều trị bước một và trastuzumab emtansine điều trị bước hai. Hai thuốc này được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA) phê duyệt năm 2012-2013, nay chính thức sử dụng tại Việt Nam. Hai loại thuốc mới này được các bác sĩ kỳ vọng mở ra cơ hội điều trị kéo dài thời gian sống còn và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.

Bề mặt của tế bào ung thư có mật độ protein HER2 vượt ngưỡng thông thường sẽ khiến tế bào ung thư phân chia quá mức và tăng khả năng di chuyển tới các cơ quan khác trong cơ thể. gọi là Ung thư vú dương tính với HER2, hoặc Ung thư vú HER2 dương tính). Đây là yếu tố sinh ung quan trọng, vì HER2 khiến tế bào ung thư phân chia quá mức và tăng khả năng di chuyển tới các cơ quan khác trong cơ thể.

Bác sĩ Trần Nguyên Hà, Trưởng Khoa Nội 4, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết, ung thư vú có nhiều nhóm bệnh. Nhóm thụ thể nội tiết chiếm khoảng 65%, điều trị khá hiệu quả, nhiều bệnh nhân hiện có thể sống khỏe hơn 15-20 năm. Nhóm tam âm chiếm khoảng 10%, rất ác tính, diễn tiến khá nhanh, khó đáp ứng điều trị và dễ tái phát. Nhóm HER2 dương tính khoảng 25%, trước đây tiên lượng rất xấu nhưng hiện đã được kiểm soát hiệu quả hơn.

Theo bác sĩ Hà, ở nhóm HER2 dương tính, tế bào ung thư phân chia quá mức và tăng khả năng di chuyển tới các cơ quan khác trong cơ thể. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hai loại thuốc mới này có thể giúp kéo dài thời gian sống của bệnh nhân, sống chất lượng hơn và khỏe mạnh hơn.

Hiện việc điều trị ung thư vú tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ bắt kịp với các nước tiên tiến trong khu vực, qua đó giúp cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân. Nhờ các chương trình nâng cao nhận thức về bệnh cũng như tầm soát ung thư vú miễn phí, nhiều phụ nữ trên tuổi 40 cũng như người có nguy cơ cao cũng đã được khám tầm soát và trị bệnh ở giai đoạn sớm.

So với khoảng 10 năm về trước, tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị ở giai đoạn sớm đã tăng. Tỷ lệ chữa khỏi của bệnh này đối với các trường hợp phát hiện sớm đã lên tới khoảng 90%. Tuy nhiên việc điều trị cho khoảng 40% bệnh nhân đến khám ở giai đoạn trễ và bệnh nhân được chẩn đoán sau điều trị tái phát và di căn, vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức.

 

Ấn Độ: 30 trẻ sơ sinh tử vong tại một bệnh viện trong 48 giờ

http://vtv.vn/the-gioi/an-do-30-tre-so-sinh-tu-vong-tai-mot-benh-vien-trong-48-gio-20171106202558076.htm

30 trẻ sơ sinh đã tử vong trong vòng 48 giờ qua tại một bệnh viện Nhà nước tại bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ.

Giới chức y tế Ấn Độ đã lên tiếng xác nhận thông tin 30 trẻ sơ sinh tử vong trên. Trường Cao đẳng Y Baba Raghav Das cho biết, 15 trẻ sơ sinh đã tử vong tại Khoa Chăm sóc trẻ sơ sinh và 15 trẻ khác tử vong tại Khoa Chăm sóc nhi đặc biệt của Bệnh viện Gorakhpur. Trong số này, có 6 trẻ chết do viêm não Nhật Bản. Những trẻ còn lại mắc nhiều bệnh khác nhau.

Vụ việc xảy ra chỉ 2 tháng sau khi hàng chục trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại một bệnh viện của bang Uttar Pradesh đã tử vong khi nhà cung cấp cho bệnh viện này rút các thiết bị y tế đi vì bệnh viện này chưa thanh toán tài chính từ năm 2016. Sự việc đã gây ra sự phẫn nộ trong dân chúng Ấn Độ.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang