Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 07/6/2017

  • |
T5g.org.vn - Quản lý thực phẩm yếu kém, người dân phải tự cứu mình; Thủ tướng yêu cầu tăng mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm; Nắng nóng kéo dài, số bệnh nhi nhập viện tăng cao; Não mô cầu 'đầu hàng' bác sĩ quân y; ...

 

Quản lý thực phẩm yếu kém, người dân phải tự cứu mình

http://www.sggp.org.vn/quan-ly-thuc-pham-yeu-kem-nguoi-dan-phai-tu-cuu-minh-448660.html

Ngày 5-6, Quốc hội dành trọn 1 ngày để thảo luận kết quả giám sát tối cao của Quốc hội về an toàn thực phẩm (ATTP). Đây là một trong những vấn đề nhức nhối mà người dân quan tâm nhất hiện nay. Ngoài việc chỉ rõ thực trạng vi phạm ATTP hiện nay, các ĐBQH cũng góp ý nhiều giải pháp để chuyển biến tình hình trong giai đoạn tới.

Chúng ta đang tự đầu độc chính mình?

Kết quả giám sát cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực này khá đồng bộ, tuy nhiên hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để xác định thực phẩm an toàn lại thiếu. Đặc biệt, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về ATTP chưa tương xứng với nhiệm vụ; lực lượng còn phân tán ở nhiều bộ ngành, đơn vị nên việc triển khai thực hiện còn thiếu sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Đầu tư kinh phí cho công tác quản lý ATTP chưa đáp ứng yêu cầu, theo đó, tổng ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư cho công tác ATTP giai đoạn 2011-2016 là trên 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện còn thấp do bị cắt giảm (năm 2016 ngân sách trung ương giảm 56%) và cấp chậm. Trung bình NSNN đầu tư từ Trung ương mỗi tỉnh/thành phố giai đoạn 2011 - 2016 khoảng 14 tỷ đồng, trừ một số địa phương có bổ sung thêm ngân sách địa phương cho công tác ATTP, cao nhất là TPHCM, tiếp đến là tỉnh Long An và tỉnh Quảng Ninh, thì một số địa phương nhiều năm ngân sách không bố trí cho công tác ATTP. Cả nước hiện có tới 10 địa phương không có phòng thử nghiệm, kiểm nghiệm ATTP.

Đáng chú ý, bức tranh về việc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh ATTP một lần nữa được trưng ra rất rõ nét. Trong đó đáng sợ nhất là việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Kết quả giám sát cũng đưa ra một con số nhức nhối: Việt Nam mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca ung thư phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội Ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được...

Thảo luận về nội dung quan trọng này, hầu hết các ĐBQH đều có chung câu hỏi: tại sao hành lang pháp lý đầy đủ, nhiều bộ cùng tham gia quản lý mà thực trạng vi phạm ATTP ngày càng trầm trọng? Đâu là giải pháp, là mô hình quản lý hữu hiệu để ngăn chặn thực phẩm bẩn, để không còn cảnh người nông dân trồng 2 luống rau, một để bán, một để ăn? ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn ra hàng loạt ví dụ về thực phẩm bị làm giả, biến đổi cho đẹp mắt, giá cao mà phần lớn là nhờ đến hóa chất để khẳng định, hóa chất độc hại, chất cấm, thực phẩm bẩn đội lốt đã không chừa một sản phẩm nào. “Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình? Và Quốc hội nghĩ gì về con số mỗi năm khoảng 70.000 người chết vì ung thư với một phần nguyên nhân từ thực phẩm không an toàn?”, ĐB Phạm Trọng Nhân bức xúc. ĐB Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) chỉ ra thực tế nhiều người dân phải tận dụng từng khoảng không chật hẹp trên sân thượng để trồng rau trong những thùng xốp và khẳng định, người dân đang phải tự cứu lấy mình trước khi chờ người khác cứu.

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác

Không chỉ ĐB Phạm Trọng Nhân mà hầu hết các ĐBQH đều cho rằng có hạn chế, bất cập trong bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực này khi 3 bộ cùng quản lý nhưng khi sự cố xảy ra thì không biết truy ai. Cùng với đó, thanh tra, kiểm tra quá ít; xử phạt hành chính quá nhẹ, không đủ sức răn đe; chưa có quy định xử phạt hình sự với vi phạm về ATTP, khiến cho tình trạng “văn bản có đủ nhưng thực thi chưa nghiêm, tình hình ngày càng nghiêm trọng”. Cộng với trách nhiệm của người sản xuất thấp, sẵn sàng vì lợi nhuận mà bỏ qua lương tri khiến cho người dân Việt Nam đang hàng ngày phải sống chung với thực phẩm bẩn, nguy cơ bệnh tật rất cao. “Chúng ta cũng đã chờ đợi đủ lâu để cùng nhau giải bài toán quản lý nhà nước về ATTP. Nhưng đến nay, một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn thì lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật” -ĐB Phạm Trọng Nhân phát biểu rất khẩn thiết. ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau), ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bức xúc, chúng ta yêu cầu người dân phải tiêu dùng thông minh. Nhưng thông minh làm sao được khi xung quanh chỗ nào cũng là thực phẩm bẩn, khi mà người dân đói phải ăn, khát phải uống. Vấn đề đặt ra ở đây chính là quản lý nhà nước.

Đáng lưu ý, Đoàn giám sát ghi nhận, trong khi ở các địa phương đến nay vẫn chưa có mô hình tổ chức quản lý ATTP thực sự hiệu quả thì mới đây, TPHCM đã triển khai thí điểm Ban quản lý ATTP trực thuộc UBND TP, có vị trí như một sở và nhân lực là tích hợp từ các sở, ban ngành chức năng của TP. Mô hình này không tăng người nhưng thanh tra, xử lý vi phạm đều nhiều hơn. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho biết, mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP ở TPHCM đã phát huy hiệu quả bước đầu, cần tiếp tục nhân rộng ở một vài địa phương khác để đánh giá chính xác hiệu quả. “Đây không phải là một tổ chức mới, mà là sự tập trung các đầu mối để đảm bảo tính thống nhất, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Nhiều ĐBQH lo ngại nếu lập ra một cơ quan chuyên trách về ATTP sẽ làm phình bộ máy, tăng biên chế, vì thế không nên lập mà chuyển hết đầu mối quản lý về một bộ. Nhưng ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Kiên Giang) cho rằng, nên có một cơ quan chuyên trách về vấn đề này. Sẽ không làm tăng bộ máy mà thậm chí giảm đi nếu đưa hết các bộ phận quản lý về ATTP ở các bộ hiện nay về một đầu mối. Theo một số ĐBQH, cần coi ATTP là an ninh thực phẩm, là một vấn đề của an ninh quốc gia, từ đó phải đầu tư hơn nữa cho cả công tác chỉ đạo, kinh phí, biên chế. Không nên quá nặng nề chuyện tăng biên chế cho lĩnh vực này, tăng biên chế nhưng cần để cứu cả dân tộc thì vẫn phải tăng, hoàn toàn có thể giảm những chỗ không cần thiết để tăng cho chỗ này. Cùng với đó, đề nghị để lại 100% tiền xử phạt vi phạm ATTP cho các địa phương thực thi nhiệm vụ này.

Nước ngọt làm từ nước lã, phẩm màu và đường hóa học

Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải: “Tại sao văn bản nhiều mà thực hiện không nghiêm, tình hình ngày càng trầm trọng? Đó là thực tiễn của chúng ta hiện nay, quản lý nhà nước dù đã nỗ lực nhưng ý thức nhà sản xuất chưa cao, vì thế mới có 2 luống rau, 2 chuồng gà. Người sản xuất vì lợi nhuận mà quên đi lương tri. Văn bản có hết mà vẫn vi phạm do cố tình, vì lợi nhuận, nên mới có chuyện nước ngọt được làm từ nước lã, phẩm màu và đường hóa học. Những vi phạm đều chủ yếu do cố ý làm trái với pháp luật. Quản lý nhà nước có chiếc gậy thì lại xử phạt quá nhẹ, trách nhiệm hình sự thì chưa quy định, nên gây chết người vẫn chưa bị truy tố”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị tới đây cần sửa một số luật, trong đó có việc phải tăng xử phạt hành chính cũng như phải xử hình sự đối với tội phạm về ATTP, vì vừa qua nhiều vụ ngộ độc rượu gây chết người nhưng chưa truy tố được. Cùng với đó, hoàn thiện những quy chuẩn, tiêu chuẩn khoa học về những định mức, giới hạn cho phép sử dụng các loại hóa chất được sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Cho thí điểm mở rộng mô hình Ban quản lý ATTP của TPHCM, vì mô hình này giúp thanh tra, xử lý nhiều hơn. Cùng với đó, trong bối cảnh không cho tăng người thì đề nghị cho phép xã hội hóa nhân lực lĩnh vực ATTP. “Hiện chúng ta chỉ có 350 người quản lý Nhà nước về ATTP ở cấp trung ương, cấp tỉnh, huyện là 2.500; còn ở xã chủ yếu kiêm nhiệm. Trong khi riêng thủ đô Bắc Kinh, Băng Cốc họ đã có tới 2.000 - 3.000 người làm việc này. Vì thế, phải xã hội hóa nhân lực bằng cách sử dụng lực lượng bán chuyên trách ở xã phường, quận huyện để làm công tác này. Muốn thế phải có kinh phí để trang trải”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị.

Phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đồng tình phải có hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn, như thế mới giúp cho người dân tiêu dùng thông thái. Tới đây cũng sẽ bố trí hệ thống kiểm tra thực phẩm ở chợ, trung tâm thương mại để người dân có cơ hội trực tiếp kiểm tra thực phẩm.

Sẽ tăng mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm, bảo đảm tính răn đe

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện Kết luận số 11-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân để đảm bảo ATTP, nhất là trong sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về ATTP, về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm ATTP để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thủ tướng giao Bộ Y tế chậm nhất tháng 11-2017 trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo hướng tăng mức xử phạt, bảo đảm tính răn đe.

Thủ tướng cũng nêu rõ, khuyến khích sản xuất, chế biến thực phẩm theo chuỗi; đẩy mạnh quảng bá các thương hiệu mạnh về ATTP. UBND các cấp đưa nhiệm vụ bảo đảm ATTP là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở các cấp…

 

Thủ tướng yêu cầu tăng mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170606/thu-tuong-yeu-cau-tang-muc-phat-vi-pham-an-toan-thuc-pham/1326861.html

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế sửa nghị định 178 năm 2013 về xử phạt hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, chậm nhất tháng 11-2017 trình Thủ tướng theo hướng tăng nặng mức phạt.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường thanh kiểm tra, phối hợp Ban Chỉ đạo 389 ngăn ngừa hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm soát chặt hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón giả, thức ăn chăn nuôi.

Đồng thời giao Bộ Công thương tập trung chỉ đạo có hiệu quả an toàn thực phẩm ở chợ, siêu thị. Thủ tướng cũng giao UBND các cấp đưa nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Các tỉnh thành có biên giới với nước bạn, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt thực phẩm nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.

 

Xem lọc máu ở cơ sở chạy thận lớn nhất miền Bắc

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/quy-trinh-chay-than-nhan-tao-dien-ra-the-nao-376115.html

Chạy thận nhân tạo là hình thức lọc máu ngoài cơ thể đối với những người suy thận. Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai là đơn vị có số máy chạy thận lớn nhất miền Bắc, với gần 100 máy.

Tại đây đang lọc máu chu kỳ cho hơn 600 bệnh nhân - lớn nhất cả nước. Do số lượng bệnh nhân lớn, bệnh viện phải chạy 4 ca/ngày, mỗi ca kéo dài 3,5-4 giờ. Ca đầu tiên trong ngày bắt đầu lúc 6h30.

Để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân, trung bình cứ 6 máy sẽ có 1 nhân viên y tế giám sát, túc trực.

Trước khi chạy thận, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cầu tay nối thông động tĩnh mạch để tăng lưu lượng dòng chảy từ cơ thể đến máy lọc và tạo thuận lợi cho dòng chảy từ máy lọc máu (đã được lọc sạch) đổ về.

Hệ thống lọc máu là một vòng tuần hoàn, gồm kim ra và kim vào. Máu từ đường ra sẽ qua màng lọc với chất thẩm tách (gồm nước siêu tinh khiết và chất điện giải) để lọc sạch máu và nước dư thừa. Máu sau khi lọc sạch sẽ được truyền dẫn trở lại cơ thể. Để tạo nước siêu tinh khiết cần qua nhiều công đoạn. Trong đó từ nguồn nước sạch phải lọc thô, lọc than hoạt tính, khử ion dương rồi cuối cùng qua hệ thống lọc RO.

Mỗi bệnh nhân sẽ có hệ thống quả lọc riêng biệt, được ghi tên, ngày tháng sử dụng. Thông thường, bệnh nhân sẽ thay quả lọc định kỳ sau 3- 6 lần lọc. Quả lọc trước khi dùng cho lần kế tiếp phải được ngâm rửa kỹ trong hóa chất sau đó rửa lại bằng nước tinh khiết. Trước mỗi lần lọc, bệnh nhân đều phải kiểm tra cân nặng, căn cứ vào đó bác sĩ sẽ cài đặt lượng nước cần rút ra trên máy.

 

Nắng nóng kéo dài, số bệnh nhi nhập viện tăng cao

http://bnews.vn/nang-nong-keo-dai-so-benh-nhi-nhap-vien-tang-cao/47157.html

Nắng nóng kéo dài và liên tục trong một tuần qua khiến số lượng bệnh nhi nhập viện tăng cao. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh Lê Văn Nam, trong thời điểm thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, số trẻ đến khám và nhập viện điều trị nội trú tăng đột biến, khiến bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Trung bình, mỗi ngày có khoảng hơn 200 trẻ đến khám bệnh, tăng 1,5 - 2 lần so với ngày thường.  Bác sĩ Trần Thị Thủy – Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh cho hay: Nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, mức độ bệnh nặng hơn thông thường. Đặc biệt, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh còn tiếp nhận nhiều ca sinh non, trong đó có ngày nhận 6 ca sinh non, dưới 1.000 gam.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình trên 40 độ C khiến đời sống người dân đảo lộn. Bệnh nhi nhập viện chủ yếu mắc các bệnh cấp tính như viêm phổi, viêm phế quản, viêm amidan, rối loạn tiêu hóa, các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, chân tay miệng, quai bị, sốt vi-rút, viêm não…

Để đảm bảo việc cấp cứu và điều trị kịp thời cho trẻ nhỏ, bệnh viện tăng cường số lượng bác sỹ, y tá tại các kíp trực; bố trí nhân viên trực 24/24 giờ điện thoại đường dây nóng, kịp thời trả lời các câu hỏi, thắc mắc người dân.

Ngay từ đầu năm 2017, bệnh viện đã chủ động đảm bảo các điều kiện phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất như lắp đặt và bổ sung các máy điều hòa, quạt với tổng công suất hiện tại khoảng 1.000kW/giờ;

đồng thời, rà soát toàn bộ hệ thống nước sinh hoạt, nước uống tại bệnh viện, trung bình cấp khoảng 30.000 lít nước sạch/ngày phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, ngay từ đầu mùa hè, bệnh viện đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh do nắng nóng gây ra, các cách xử lý khi bị say nắng, cách chăm sóc trẻ trong mùa hè nhằm hạn chế bệnh tật.

Các y bác sĩ của Bệnh viện sản nhi tỉnh Bắc Ninh khuyến cáo, nắng nóng kéo dài khiến cơ thể mất đi lượng nước lớn, phụ huynh cần cho trẻ uống đủ nước, tránh uống nước lạnh, nước đá; bổ sung các loại rau và hoa quả đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tăng cường sức đề kháng phòng bệnh.

Ngoài ra, cần tránh việc lạm dụng điều hòa hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột, khi đi ra ngoài trời nắng cần đội mũ, nón có vành rộng cho trẻ nhỏ; khi thấy trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường cần đưa đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Tại Hưng Yên, sau những ngày nắng nóng đỉnh điểm, số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị do mắc các bệnh mùa nắng nóng cũng tăng cao. Bác sỹ Phạm Mạnh Tiến, Trưởng khoa Nội 2 - Bệnh viện sản nhi Hưng Yên cho biết: Số trẻ đến khám bệnh cũng như phải nhập viện điều trị nội trú trong thời tiết nắng nóng mấy ngày qua tăng cao.

Ước tính, từ ngày 2/6 đến nay, bệnh viện đã khám cho gần 250 trẻ, tăng gần 40% so với bình thường; trong đó, số bệnh nhi phải ở lại điều trị nội trú gần 40 em. S ố trẻ đến khám đều từ 0 – 2 tuổi, chủ yếu mắc các bệnh cấp tính, nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm amidan; tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi. Để ứng phó với thời tiết nắng nóng, bệnh viện đã triển khai nhiều biện pháp như lắp mái tôn chống nóng tại tầng 5 (tầng cao nhất của bệnh viện); tăng cường quạt mát, điều hoà, nước uống cho bệnh nhi và người nhà...

Nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh cho trẻ nói riêng và người dân nói chung, bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Hữu - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Hưng Yên khuyến cáo người dân lưu ý vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cơ thể trong thời điểm nắng nóng; chủ động uống nhiều nước; sử dụng điều hòa, các vật dụng làm mát đúng cách, khoa học; khi bản thân hoặc người thân trong gia đình nghi bị bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời./.

 

Sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tăng cao

http://kinhtedothi.vn/sot-xuat-huyet-tai-ha-noi-dang-tang-cao-289964.html

Đó là thông tin được Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, chiều nay (6/6). Cụ thể, tính đến ngày 4/6, Hà Nội đã ghi nhận 1.281 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó có 126 bệnh nhân đang điều trị, ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Số mắc tăng 481 trường hợp, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016. Bệnh nhân mắc sốt huyết phân bố tại 28/30 quận, huyện (trừ Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây), 224 xã, phường, thị trấn (chiếm 38% số xã, phường, thị trấn của TP). Các đơn vị có số mắc cao tập trung chủ yếu ở các quận nội thành: Đống Đa 372, Hoàng Mai 253, Hai Bà Trưng 111, Thanh Xuân 84… Bệnh nhân có xu hướng gia tăng từ giữa tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây do thời tiết chuyển biến nắng nóng, mưa nhiều.

Để phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, thời gian tới, Hà Nội tập trung thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát trọng điểm, giám sát ổ dịch cũ…). Đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu không để cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có nơi cư trú, sinh sản, áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy như thau rửa dụng cụ chứa nước, thả cá…, phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành.

 

Trưởng phòng Tổ chức từ chối nhận quyết định kỷ luật

http://dantri.com.vn/suc-khoe/truong-phong-to-chuc-tu-choi-nhan-quyet-dinh-ky-luat-20170606175412336.htm

Ngày 6/6, ông Huỳnh Văn Hùng- Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Cà Mau cho biết, một cán bộ của đơn vị này không chịu nhận quyết định kỷ luật và Sở Y tế sẽ xem xét hướng xử lý cụ thể. Trước đó, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Cà Mau tiến hành kỷ luật với hình thức “cảnh cáo” đối với một số cán bộ của đơn vị theo kết luận sai phạm của Sở Y tế tỉnh Cà Mau.

Những cán bộ bị kỷ luật gồm: Ông Nguyễn Thanh Tặng (Trưởng Phòng Tổ chức-Hành chính), ông Võ Minh Luân (Phó Phòng Tài chính-Kế toán), ông Lý Hoàng Quyết (viên chức Phòng Tài chính-Kế toán).

Riêng ông Võ Hoàng Luân (Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS) thì thẩm quyền kiểm điểm, kỷ luật thuộc Sở Y tế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tặng đã không chịu nhận quyết định kỷ luật, vì cho rằng mình bị kỷ luật như vậy là quá nặng, dẫn đến gây xôn xao trong nội bộ đơn vị này.

Như Dân trí đã phản ánh, trước đó, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã kết luận nội dung phản ánh, tố cáo đối với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Cà Mau. Theo đó, tại Trung tâm xảy ra việc y sỹ Lê Hoàng Khanh từ Khoa Giám sát điều về Phòng Tổ chức-Hành chính, nhưng kéo dài 2 năm không phân công nhiệm vụ. Theo Sở Y tế, việc này sai với đề án vị trí việc làm.

Ngoài ra, tại Trung tâm có tình trạng mua test CD4 và Elisa, trong khi ở nhà kho vẫn còn hàng tồn sử dụng đến hết năm 2017; mua nhiều trang thiết bị về nhập kho, không sử dụng; nhận tiền bảo trì máy không đưa vào sổ sách quản lý; không có kinh phí hoạt động nhưng lại để nợ tạm ứng kéo dài chưa thu hồi được.

 

Chỉ đạo mua hơn 500 điều hòa để chống nắng nóng trong viện

http://dantri.com.vn/suc-khoe/chi-dao-mua-hon-500-dieu-hoa-de-chong-nang-nong-trong-vien-20170606150556825.htm

Để kịp thời phòng chống tác hại của nắng nóng, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương mua 551 máy điều hóa nhiệt độ lắp đặt tại các buồng bệnh ở 12 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế.

Ngày 6/6, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Tử Quỳnh Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết; trong những ngày nắng nóng vừa qua, đã nhận được nhiều phản ánh của bệnh nhân và bác sỹ tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện phản ánh tình trạng nắng nóng, ngột ngạt tại các khoa phòng trong bệnh viện do các bệnh viện chưa được trang bị đầy đủ điều hòa không khí.

“Bệnh nhân nằm viện khi thời tiết nắng nóng, ngột ngạt như những ngày qua mà không có điều hòa không khí, có khi bệnh không đỡ mà còn phát sinh thêm bệnh, kể cả người nhà của bệnh nhân”. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Sở Y tế và các cơ quan liên quan mua máy điều hóa nhiệt độ lắp đặt tại các buồng bệnh nhân bằng hình thức chỉ định thầu.

Trong đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh 152 máy, Bệnh viện Da liễu 10 máy, Bệnh viện Phổi 44 máy, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe Tâm thần 36 máy, Bệnh viện Y học cổ truyền 46 máy, bệnh viện phục hồi chức năng 57 máy, Bệnh viện Đa khoa Thuận Thành 72 máy, Bệnh viện Đa khoa Gia Bình 8 máy, Bệnh viện Đa khoa Tiên Du 30 máy, Bệnh viện Đa khoa Từ Sơn 40 máy, Bệnh viện Đa khoa Yên Phong 31 máy, Bệnh viện Đa khoa Quế Võ 25 máy.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất cụ thể nguồn kinh phí để Sở Y tế thực hiện nhiệm vụ. Việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép các đơn vị mua máy điều hóa nhiệt độ lắp đặt tại các buồng bệnh nhân bằng hình thức chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian mua sắm và lắp đặt, giúp các bệnh viện nhanh chóng đưa thiết bị vào hoạt động để phục vụ bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.

 

Quá tải bệnh nhân đột quỵ đến điều trị tại các bệnh viện

HTTP://WWW.VIETNAMPLUS.VN/QUA-TAI-BENH-NHAN-DOT-QUY-DEN-DIEU-TRI-TAI-CAC-BENH-VIEN/450145.VNP

Theo một thống kê gần đây cho thấy, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc đột quỵ đang gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả hai giới nam và nữ ở mọi lứa tuổi. Hàng năm có khoảng 230.000 ca mắc đột quỵ mới và ước tính ngành y tế Việt Nam chi phí khoảng 48 triệu USD/năm. Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp thông tin về Chương trình Avant – hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Áo về phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ diễn ra sáng 6/6, tại Hà Nội.

Qúa tải bệnh nhân

Tại cuộc họp, phó giáo sư Nguyễn Hoàng Ngọc - Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho hay, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ trong thời gian gần đây ở Việt Nam tăng lên đáng kể. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến các bệnh viện gần như luôn trong tình trạng quá tải. Bác sỹ Ngọc phân tích, tại một số bệnh viện lớn, bệnh nhân bị đột quỵ đến điều trị rất đông, chẳng hạn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.

Nguyên nhân bởi sự nhận biết của cộng đồng đã nâng cao hơn trước. Trước kia nhiều người bị đột quỵ không được phát hiện kịp thời, bởi nhiều người cho rằng đó là các bệnh lý mang tính dân gian và đến viện. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đã nhận thức được về bệnh và đưa đến cơ sở y tế kịp thời.

“Chẳng hạn như, trước kia mọi người cho rằng người bị đột quỵ thì cứ cho nằm yên ở nhà, ổn định mới cho đi viện. Như vậy người bệnh đã mất đi cơ hội vàng để khỏi bệnh. Thời gian vàng để cứu sống những người bị đột quỵ đã mở rộng đến 6 giờ. Có nghĩa là khi bệnh nhân bắt đầu bị đột quỵ cho đến khi bệnh nhân được xử trí các biện pháp điều trị đặc hiệu, chỉ có giá trị phục hồi tốt trong 6 giờ đầu,” phó giáo sư Ngọc phân tích.

Theo phó giáo sư Lương Tuấn Khanh – Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai), số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng nề như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm…

Đặc biệt, chỉ có 20-30% số bệnh nhân sau điều trị tự đi lại phục vụ bản thân, 20-50% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày, 15-25% bệnh nhân đột quỵ phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Các biểu hiện bệnh đột quỵ dễ nhầm lẫn

Thống kê của Trung ương Quân đội 108 cho thấy, trước đây bệnh nhân đến viện, tỷ lệ thiếu máu não thoảng qua (giai đoạn sớm của bệnh đột quỵ) chiếm tỷ lệ 3-5%, thì trong một năm gần đây thì những người có triệu chứng sớm của đột quỵ não vào viện chiếm tới 20% và trong số đó và rất nhiều bệnh nhân được các bác sỹ của bệnh viện chẩn đoán phát hiện sớm nên tỷ lệ hồi phục cao.

Theo bác sỹ Nguyễn Hoàng Ngọc, nhận biết bệnh đột quỵ qua một số chức năng như bệnh nhân có méo miệng, liệt miệng. Thứ hai tay chân bệnh nhân đang vận động thấy yếu, tê. Thứ ba là rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm giác, biểu hiện chóng mặt.

Tất cả các triệu chứng đó trùng lặp với nhiều bệnh lý nội khoa khác. Đặc biệt, nhiều người cứ thực hiện theo dân gian, khi thấy méo miệng thì xoa bóp, yếu tê nửa người một lúc xong hết, nhưng thực tế đó là những biểu hiện sớm của đột quỵ, trong đó là những cơn thiếu máu não thoảng qua.

Đó là những triệu chứng rất sớm, nếu như người bệnh chủ quan, bỏ qua thì tỷ lệ tái phát để trở thành đột quỵ thực sự trong một tuần đầu rất cao và những biểu hiện đó mọi người nên nắm và hiểu để phòng tránh. Chính vì vậy, nhân viên y tế các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện phải nhận biết được các biểu hiện sớm đó trong công tác điều trị.

Tổ chức Đột quỵ Thế giới khuyến cáo những phương pháp phục hồi chức năng cần được tiến hành bài bản, có thể bắt đầu từ 24 giờ sau khi đột quỵ khởi phát. Trước thực trạng bệnh nhân đột quỵ sau điều trị giai đoạn cấp chưa được tiếp cận với các phương pháp trị phục hồi chức năng một cách có hệ thống và bài bản, việc phổ cập các kiến thức, bài tập phục hồi chức năng không chỉ giúp bản thân bệnh nhân có thể sinh hoạt độc lập, sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường mà còn giúp giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội. Vì vậy, chương trình Avant ra đời nhằm chuẩn hóa hệ thống hóa việc phục hồi thần kinh sau đột quỵ thông qua các khóa đào tạo dành cho đối tượng tham gia là các bác sỹ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng và người chăm sóc bệnh nhân.

Dưới sự chỉ đạo của Tổng hội Y học Việt Nam, Ever Pharma sẽ phát triển mạng lưới đào tạo trên khắp cả nước, từ các bệnh viện Trung ương đến các cơ sở y tế tuyến tỉnh và thành phố. Dự kiến sẽ có 100 khóa tập huấn dành cho các cán bộ y tế và 100 lớp học cho người nhà bệnh nhân diễn ra trong ba năm, từ 2017-2020./.

Tại hội thảo, phó giáo sư Nghiêm Hữu Thành - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết thêm, người dân cần cẩn trọng khi sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn để điều trị đột quỵ. Bởi sản phẩm trên chỉ hỗ trợ điều trị với bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu (tắc mạch) não, còn bệnh nhân đột quỵ do chảy máu não (thường chiếm khoảng 15% các ca đột quỵ) nếu sử dụng sản phẩm này thì sẽ khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn.

 

Não mô cầu 'đầu hàng' bác sĩ quân y

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/nao-mo-cau-dau-hang-bac-si-quan-y-706963.html

“Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe của anh Nguyễn Hoàng Giang (23 tuổi, công tác tại đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang) đã ổn định. Một tuần nữa anh Giang có thể xuất viện được".

Chiều 6-6, bác sĩ Nguyễn Tuấn Phương, Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm bệnh viện (BV) Quân y 175 (TP.HCM), cho biết thông tin trên.

Trước đó, ngày 25-5, anh Giang bị đau đầu, sốt và hai ngày sau thì rơi vào hôn mê nên bệnh xá đảo Thổ Chu đã liên lạc với BV Quân y 175 nhờ hỗ trợ. Bác sĩ của BV Quân y 175 nghi ngờ anh Giang bị viêm màng não nên hướng dẫn bệnh xá cho anh thở máy và tiêm kháng sinh sớm. Song song với đó, BV Quân y 175 cũng đưa máy bay ra đảo Thổ Chu chở bệnh nhân về đất liền điều trị.

Tại BV Quân y 175, các bác sĩ khám sơ bộ và nhận định anh Giang bị viêm màng não, viêm nhiễm huyết do não mô cầu. Kết quả xét nghiệm do Viện Pasteur TP.HCM thực hiện cho thấy anh bị não mô  cầu tuýp B. Được bác sĩ của BV Quân y 175 điều trị tích cực, anh Giang đã hết sốt, tỉnh táo, không còn nhiễm trùng. “Não mô cầu rất nguy hiểm. Nếu không điều trị kịp thời thì hơn 80% trường hợp mắc bệnh sẽ tử vong", bác sĩ Nguyễn Tuấn Phương cho biết.

 

Đầu năm 2018, TP.HCM sẽ xây trung tâm hóa chất

http://m.plo.vn/thoi-su/dau-nam-2018-tphcm-se-xay-trung-tam-hoa-chat-707079.html

Chiều 6-6, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan tới việc triển khai đề án thành lập Trung tâm Kinh doanh hương liệu và hóa chất TP.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng muốn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thì việc kiểm soát được hóa chất là vấn đề quan trọng nhất. Vì dù công tác VSATTP có làm tốt tới đâu nhưng hóa chất vẫn buôn bán tràn lan thì không có cách nào ngăn chặn được thực phẩm bẩn.

Ông Tuyến khuyến cáo tới những hộ đang kinh doanh hóa chất cần quan tâm tới vấn đề an toàn cho sức khỏe của người dân và chính mình. Vì nếu buôn bán hóa chất không rõ đối tượng, nguồn gốc hóa chất cũng liên đới tiếp tay cho những tệ nạn, tội phạm…

Ông Tuyến cho biết việc xây dựng trung tâm đã được Thành ủy, UBND thông qua và triển khai nhiều tháng qua với mong muốn đây là một trung tâm không chỉ là nơi kinh doanh hóa chất hương liệu cả nước mà còn muốn đây là nơi có nhiều chức năng giúp TP kiểm soát được thị trường hóa chất. “Xa hơn nữa là kiểm soát được vấn đề ATTP. Trung tâm này có thể là nơi giao dịch, tiến tới tổ chức những sàn giao dịch về hương liệu, hóa chất và một sản phẩm nào đó được sử dụng trong tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nó gần như là điều kiện bắt buộc” - ông Tuyến nói.

Theo dự kiến, trung tâm được xây tại khu đất thuộc phường 7, quận 8 (khu đất nằm ngoài ranh 134 ha của Khu công nghiệp Phong Phú), có diện tích hơn 11 ha, nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, giáp sông Cần Giuộc. Từ trung tâm đến cảng Cát Lái và quốc lộ 1A không đi qua nội thành nên hạn chế được tác động xấu nếu xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển hóa chất.

Ông Tuyến yêu cầu các sở, ngành liên quan phấn đấu đến tháng 7 sẽ chỉ định được nhà thầu để đến đầu năm 2018 TP.HCM sẽ triển khai việc xây dựng trung tâm này. “Sau khi thẩm định, chỉ thị thầu thì việc các quận có các hộ đang kinh doanh hóa chất phải vận động được họ vào kinh doanh trong trung tâm. Có vậy mới kiểm soát được. Những hộ kinh doanh nào không vào trung tâm trước khi khai trương đưa vào sử dụng thì các quận phải làm quyết liệt để họ chuyển sang kinh doanh công việc, nghề nghiệp khác. Tuyệt đối không để xảy ra việc buôn bán hóa chất, hương liệu ngoài trung tâm” - ông Tuyến nói.

Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết hiện nay toàn TP có khoảng 638 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất ở địa bàn các quận 5, 10, 11, Tân Bình, Gò Vấp và Bình Tân. Riêng quận 5, tại khu vực xung quanh chợ Kim Biên có trên 70 cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp và 25 cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang