Công an thực nghiệm hiện trường “sự cố” chạy thận 8 người chết tại Hòa Bình
Sáng 7.6, Đoàn công tác của Tổng cục Cảnh sát, Viện Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) và lực lượng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Hòa Bình đã tiến hành thực nghiệm hiện trường, quy trình lọc máu đối với các máy chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, thu thập các mẫu nước, dịch truyền được sử dụng trong quá trình lọc máu, chạy thận cho 18 bệnh nhân ngày 29.5 làm 8 người tử vong nhằm tìm ra nguyên nhân vụ việc.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thông tin, trong tuần này sẽ có kết luận của Hội đồng chuyên môn về sự cố y khoa khiến 8 người tử vong khi chạy thận tại BVĐK Hòa Bình. Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, đây là tai biến lớn nhất trong lịch sử y khoa tại Việt Nam và sự việc này không thể khẳng định là thực hiện đúng quy trình bởi nếu làm đúng quy trình thì không thể xảy ra sự cố.
Tại buổi làm việc với Sở Y tế Hoà Bình ngày 6.6, đoàn công tác của Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hoà Bình chỉ đạo công tác kiểm thảo tử vong đối với 8 trường hợp bị chết trong quá trình chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh; yêu cầu BVĐK tỉnh và đơn vị bảo dưỡng hệ thống đường ống nước phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố, đồng thời lập phương án khắc phục và lựa chọn cơ sở điều trị để hỗ trợ khoảng 100 người bệnh cần lọc máu chu kỳ sớm tại địa phương.
Đoàn công tác đã khảo sát và thống nhất với Sở Y tế Hoà Bình phương án mở rộng khoa thận nhân tạo của BVĐK thành phố Hoà Bình. Trước mắt, Bộ Y tế sẽ cấp bổ sung cho BVĐK thành phố từ 10 - 15 máy chạy thận nhân tạo để hỗ trợ người bệnh không phải xuống Hà Nội lọc máu định kỳ. Đồng thời, đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử chuyên gia hỗ trợ chuyên môn cho BVĐK thành phố Hoà Bình nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh chạy thận.
Trước đó, sáng 29.5, tại Khoa Thận nhân tạo của BVĐK tỉnh Hòa Bình, trong lúc chạy thận chu kỳ 40 phút cho 18 bệnh nhân suy thận đã xuất hiện hiện tượng sốc phản vệ. Ngay lập tức, bệnh viện đã cho ngừng chạy thận, chuyển sang Khoa Hồi sức Cấp cứu để xử trí, tuy nhiên đến nay đã có 8 bệnh nhân tử vong sau vụ việc này.
Bệnh viện Nhi Trung ương: Khám bệnh ngoài giờ giá cao để cân đối tài chính!
“Việc tổ chức khám dịch vụ theo lựa chọn của người dân nhằm cân đối tài chính trong hoạt động cả điều trị bệnh nhân nội trú nặng, kỹ thuật cao mà trong số đó, có khi người bệnh không đủ chi trả” - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương giải thích.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa công bố báo cáo giải trình của Bệnh viện Nhi Trung ương về vụ việc báo chí phản ánh tình trạng người bệnh phải trả viện phí giá cao nhưng vẫn gặp phiền hà khi khám bệnh.
Trước đó, theo lời kể của anh Phan Minh (Hà Nội) được đăng trên báo Tuổi trẻ: Ngày thứ bảy 6/5, tôi có đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội). Tiền khám bệnh đến 310.000 đồng/lần nhưng tôi phải ôm con lòng vòng tìm chỗ khám, bác sĩ thì lại rất kiệm lời giải thích.
Con tôi (2 tuổi) có cái tật nhỏ ở bộ phận sinh dục, lúc khám ở bệnh viện tuyến dưới nơi cháu có bảo hiểm y tế, bác sĩ bảo khoảng 4-5 tuổi đưa cháu đến khám lại và mổ. Nhưng do tối trước đó cháu tắm lâu, vết tật phồng lên, lo sợ cho con nên tôi vượt đường xa đưa con đến Bệnh viện Nhi trung ương.
Cháu được phân khám tại phòng khám số 44. Tôi nhận phiếu, bế con đi tìm phòng khám. Khi tìm thấy phòng 44 thì phòng đóng cửa, trên cửa có ghi tờ giấy tìm đến một phòng khám khác. Tôi vừa tìm đến phòng khám khác thì y tá lại đuổi đi. Một y tá khác thấy thương hại lại dẫn tôi đi tìm bác sĩ ở một phòng khác nữa.
Đến phòng mới, bác sĩ nghe tôi trình bày xong liền bảo đi mua phiếu siêu âm. Trong phiếu siêu âm lại hướng dẫn đến phòng 44. Tôi quay trở lại phòng này nhưng vẫn không có người. Tôi lại bế con khắp nơi để tìm chỗ siêu âm cho con, hỏi nhân viên y tế thì ai cũng kiệm lời. Tìm được phòng siêu âm, tôi chờ đợi đến sốt ruột mới tới phiên siêu âm cho con.
Sau khi siêu âm xong, cầm kết quả đến phòng khám trước đó, bác sĩ nói: “Thứ hai, chị đưa cháu đến khám lại và đặt lịch mổ. Cháu 10kg phải mổ rồi, mà tôi thấy chị khai cháu đã 14kg”. Tôi hỏi thêm rằng: Có nhất thiết phải mổ sớm vậy không, thưa bác sĩ? Bác sĩ nói thủng thẳng như dội thêm lo âu vào lòng của người mẹ như tôi: “Thế chị muốn con khỏi bệnh hay muốn con hỏng bộ phận sinh dục?”.
Về vụ việc trên, theo công văn giải trình của bệnh viện Nhi Trung ương do Phó Giám đốc Trần Minh Điển ký gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh, thì sau khi nhận được thông tin phản ánh về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện, bệnh viện đã xem xét, xác minh tìm hiểu vụ việc.
“Bệnh viện nhận trách nhiệm và lấy làm tiếc vì những phiền hà, bất tiện mà gia đình bệnh nhân gặp phải theo phản ánh. Bệnh viện đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và xem xét thay đổi một số quy trình trong công tác khám chữa bệnh.
Về sự phiền hà của người bệnh khi đến khám vào ngày cuối tuần, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời điểm bệnh nhân tới khám là cuối tuần, không phải giờ làm việc hành chính. Bệnh của bệnh nhân là bệnh khám chuyên khoa Ngoại (chuyên khoa không tổ chức khám ngoại trú vào ngày cuối tuần) và không thuộc trường hợp cấp cứu.
Tuy nhiên, cũng như gia dình bệnh nhân nếu trong đơn, bệnh nhân nhỏ tuổi, lại từ xa đến nên để tạo điều kiện thuận lợi, tránh việc đi lại nhiều lần cho gia đình bệnh nhân, sau khi thống nhất, nhân viên của Khoa khám bệnh đã phát phiếu khám và mời bác sĩ chuyên khoa ngoại đến khám cho bệnh nhân. Do việc khám bệnh thuộc chuyên khoa ngoại này không có sự chuẩn bị trước để khám ngoài giờ nên phải mời bác sĩ từ khu vực khác đến, dẫn tới có sự chậm trễ trong việc khám bệnh, người bệnh gặp một chút phiền hà.
Về tình trạng bệnh, chẩn đoán và liệu pháp điều trị đối với bệnh nhân này, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, sau khi hội chẩn chuyên môn, các bác sĩ chuyên khoa khẳng định trường hợp bệnh nhân có thể phẫu thuật sau khi bệnh nhân đủ 12 tháng tuổi. Việc phẫu thuật sớm sẽ giúp các chức năng sinh lý của bệnh nhân nhanh chóng hoạt động bình thường. Bệnh viện sẽ liên hệ với gia đình người bệnh để lên lịch khám, tư vấn và phẫu thuật cho bệnh nhân.
“Bệnh viện cũng nhận có thiếu sót trong trong giải thích, hướng dẫn cho gia đình bệnh nhân. Bệnh viện đã ghi nhận và đã rút kinh nghiệm đối với các cá nhân và đơn vị liên quan” - Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trần Minh Điển cho biết.
Giá khám cao để bù cho bệnh nhân nội trú?
Về khám bệnh ngoài giờ, theo giải thích của Phó Giám đốc Trần Minh Điển, hiện tại, Nhà nước đã ngừng cấp ngân sách cho hoạt động chi thường xuyên của Bệnh viện nên Bệnh viện phải tự đảm bảo kinh phí trên cơ sở cân đối nguồn thu sự nghiệp.
“Việc tổ chức khám dịch vụ theo lựa chọn của người dân nhằm cân đối tài chính trong hoạt động cả điều trị bệnh nhân nội trú nặng, kỹ thuật cao mà trong số đó, có khi người bệnh không đủ chi trả. Bệnh viện hiện tại có các mức giá khác nhau cho người dân lựa chọn, đối với bệnh nhân khám bảo hiểm, khám cấp cứu vẫn theo giá quy định hiện hành.
Việc tổ chức phòng khám dịch vụ ngoài giờ để giải quyết nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Khi triển khai phòng khám này, bệnh viện phải huy động một đội ngũ nhân lực không nhỏ tham gia làm thêm giờ, từ bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp khám bệnh, đến nhân viên xét nghiệm, hộ lý, bộ phận hỗ trợ, phục vụ gián tiếp. Cùng với đó là chi phí về vật tư tiêu hao, trang thiết bị. Do đó, giá khám dịch vụ ngoài giờ sẽ cao hơn giá khám bệnh trong giờ hành chính.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Đang chệch hướng trong quản lý bảo hiểm y tế
“Bộ Y tế quá yếu trong việc đấu tranh bảo vệ các bệnh viện. Ai rút ruột quỹ BHYT thì phải xử lý người đó, sao lại bắt người ngay phải trả giá? Nếu không muốn vỡ quỹ bảo hiểm, cần phải tính toán lại cách điều hành quỹ", bà Phong Lan nói với Infonet.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 06/06, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đoàn ĐBQH TP.HCM – cho rằng cơ quan quản lý đang bị chệch hướng trong việc quản lý bảo hiểm y tế.
Thời gian qua, do lo ngại vỡ quỹ bảo hiểm, bên cạnh việc vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), cơ quan quản lý đồng thời có những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi BHYT. Tuy nhiên, những bất cập trong quản lý đấu giá thuốc ở các bệnh viện cũng như việc “siết” không đúng cách đã làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh, mục tiêu đem lại công bằng cho người bệnh không thành công.
Bảo hiểm quyết định cho thuốc nào, bác sỹ và bệnh nhân nhận thuốc đó bởi Nghị định 54 của Chính phủ cấm nhà thuốc bệnh viện không bán thuốc khác ngoài số thuốc đã trúng thầu.
“Như thế rõ ràng là bệnh nhân cần thuốc thì phải ra ngoài mua với mức giá trên trời. Còn nếu nhà nước muốn kiểm soát giá thuốc thì thiếu gì cách, đâu cần phải dùng mệnh lệnh hành chính,” nguyên PGĐ Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan nói.
“Đồng ý là việc đấu thầu là để kiểm soát giá thuốc, nhưng cần phải xây dựng tiêu chí kỹ thuật cho rõ ràng. Nếu chỉ còn là cuộc đấu về giá, cứ giá thấp là thắng thầu. Khi đấu giá xong, bên bảo hiểm sẽ tổng hợp để tham chiếu làm giá kế hoạch mời thầu cho năm sau, với giá kế hoạch thấp nhất. Giá trúng thầu sang năm lại thấp hơn, cứ như thế đến một lúc nào đó giá thuốc sẽ bằng không. Làm gì có chuyện của rẻ là của tốt? Chỉ có đồ tốt với giá hợp lý thôi. Chứ muốn tốt là phải kèm theo nhiều điều kiện, cái gì cũng cần tiền cả”.
Bà Lan cho rằng, nếu vẫn tiếp diễn sẽ càng khoét sâu chênh lệch về giá giữa khám chữa bệnh bằng bảo hiểm và khám chữa bệnh bằng dịch vụ.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Thông tư 11 của Bộ Y tế đã loại bỏ gần 100 biệt dược gốc ra khỏi danh mục đấu thầu của biệt dược. Biệt dược gốc là loại thuốc đắt tiền, cần phải tiết kiệm, nhưng loại thuốc này vẫn rất cần cho những bệnh nhân nặng. Như vậy vô hình trung các thuốc này không có mặt trong các cuộc đấu thầu, nên không được bán trong bệnh viện, và đương nhiên không được bác sỹ kê đơn cho những bệnh nhân khám chữa bệnh bằng BHYT. Chỉ có bệnh nhân dịch vụ mới được sử dụng những loại thuốc biệt dược đó, trong khi mục tiêu của BHYT là làm sao giảm chi phí gánh nặng y tế cho người dân, tạo sự công bằng trong xã hội nhưng lại không đạt.
Bà Lan nêu thực trạng có DN chào giá thuốc ở bệnh viện mức giá này, sau đó lại chào giá thấp hơn ở bệnh viện khác. Đến khi bảo hiểm yêu cầu bệnh viện nhập giá cao hơn phải trả lại tiền chênh lệch về giá, trong khi số trước đó đã được thanh toán cho bệnh nhân.
“Thành ra bây giờ các bác sỹ, dược sỹ họ không tập trung được vào chuyên môn, họ cứ bị loạn ra bởi mấy chuyện đó”, bà Phạm Khánh Phong Lan than thở với các phóng viên.
Trong khi đó, cơ quan bảo hiểm không thanh toán bảo hiểm đối với hàng loạt lý do ngoài chuyên môn như: không kết nối mạng, không kê khai giá thuốc trên mạng của Bộ Y tế (trong khi đây là việc của Cục Quản lý dược),…
“Bộ Y tế quá yếu trong việc đấu tranh bảo vệ các bệnh viện. Ai rút ruột quỹ BHYT thì phải xử lý người đó, sao lại bắt người ngay phải trả giá? Nếu không muốn vỡ quỹ bảo hiểm, cần phải tính toán lại cách điều hành quỹ. Sở Y tế TP.HCM có bao nhiêu công việc nhưng trước đây tôi chỉ có 30 dược sỹ dưới quyền, trong khi bản thân đội ngũ dược sỹ của ngành bảo hiểm để "soi", giám sát đã lên đến 80 người” bà Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn chia sẻ.
Nếu giữ cách làm như hiện nay, bà Lan lo ngại đến lúc nào đó các bác sỹ giỏi sẽ chán nản và bỏ ra ngoài làm.
Chu kỳ dịch sốt xuất huyết bất thường, số ca mắc tăng 2,6 lần
http://infonet.vn/ha-noi-chu-ky-dich-sot-xuat-huyet-bat-thuong-so-ca-mac-tang-26-lan-post229212.info
Theo PGĐ Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, chu kỳ dịch sốt xuất huyết thường 5 năm lặp lại một lần nhưng hiện nay chu kỳ này đang có vấn đề. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch.
Tại buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 6/6, PGĐ Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: Đã yêu cầu các xã, phường dùng loa nhỏ đi vào từng ngõ, xóm tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết.
Ông Hạnh cho biết, tính đến ngày 4/6 các đơn vị đã điều tra, giám sát côn trùng tại 1.925 điểm ổ dịch cũ, ổ dịch mới, nơi có bệnh nhân nghi sốt xuất huyết, có điều kiện vệ sinh môi trường kém. Kết quả 25,7% điểm có chỉ số vec-tơ cao tập trung chủ yếu tại các quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoài Đức, Hai Bà Trưng, Thanh Trì… Các dụng cụ chứa nước có bọ gậy bao gồm 13 loại dụng cụ, chủ yếu là các bể hở, xô, thùng nước, chậu cảnh và phế liệu.
Chỉ số côn trùng có tăng cao bắt đầu từ tháng 3, có nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ như An Khánh, Phú Lương, La Phù, Dương Nội, Hoàng Liệt, Trương Định, Láng Thượng - cao nhất vào tháng 5.
Theo ông Hạnh, chu kỳ dịch sốt xuất huyết thường 5 năm lặp lại một lần nhưng hiện nay chu kỳ này đang có vấn đề. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch. Số ca mắc sốt xuất huyết thường tăng từ tháng 4, tháng 5 đến cuối đỉnh dịch nhưng năm nay, so với cùng kỳ 2016 đã tăng 2,6%.
“Chúng tôi đã cảnh báo theo diễn biến thời tiết Elnino, nắng nóng lắm sẽ mưa nhiều, dễ sinh sốt xuất huyết. Chúng tôi không bỡ ngỡ khi sốt xuất huyết tăng mà có kế hoạch ngay từ đầu năm, đã tích cực chủ động ngay từ đầu” - Ông Hạnh cho biết.
Cụ thể, ngành y tế Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch: Tổ chức giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch; triển khai điều tra ổ bọ gậy - nguồn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết dangue đợt 1 tại 10 quận, huyện trọng điểm.
Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các xã phường có loa tuyên truyền về phòng bệnh sốt xuất huyết cho lên xe máy, xe đạp dắt vào các ngõ xóm để tuyên truyền, mong bà con lắng nghe; chỗ nào có dịch thì yêu cầu dân đến họp để tuyên truyền-đây là biện pháp có tác dụng trực tiếp và tác dụng truyền thông rất tốt -ông Hạnh nhấn mạnh.
Ông Hạnh cho biết thêm, tính đến ngày 4/6, số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội là 1.281 ca, bệnh nhân sốt xuất huyết dangue chỉ còn 126 ca (hiện trên 90% đã khỏi bệnh); Ghi nhận 1 bệnh nhân tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện trừ Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây.
Thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và bệnh chưa có vắc-xin phòng đặc hiệu nên có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017.
Theo dự báo thường xuất hiện đỉnh dịch vào tháng 9 và 11 hàng năm. Vì vậy, cần thực hiện tốt công tác giám sát dịch, đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; tập trung tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu không để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có nơi cư trú, sinh sản, áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy.
9000 bác sĩ được đào tạo để lập đội Phản ứng nhanh về đột quỵ
http://infonet.vn/9000-bac-si-duoc-dao-tao-de-lap-doi-phan-ung-nhanh-ve-dot-quy-post229220.info
Đó là thông tin được PGS Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng hội y học Việt Nam - chia sẻ trong buổi cung cấp thông tin về phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân đột quỵ.
Với mong muốn chung tay với ngành y tế Việt Nam đưa bệnh nhân đột quỵ trở về cuộc sống bình thường, được sự hỗ trợ của Tổ chức Đột quỵ thế giới, Tổng hội y học Việt Nam và Hội phục Hồi chức năng Việt Nam triển khai chương trình phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ.
PGS Xuyên cho biết chương trình này nhằm chuẩn hoá và hệ thống hoá việc phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ thông qua các khoá đào tạo dành cho đối tượng tham gia là các bác sĩ, kỹ thuật viên phuc hồi chức năng và người chăm sóc bệnh nhân.
Trước tiên, các nhóm bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên ngành phục hồi chức năng của các bệnh viện đầu ngành tại Việt Nam sẽ sang Áo để được đào tạo chuyên sâu về phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ.
PGS Xuyên cho biết, đây là hoạt động song song với việc thành lập các đơn vị đột quỵ tại các bệnh viện. Khi thành lập đơn vị, trung tâm, khoa không phải mua sắm mới mà các trang thiết vị, xét nghiệm vẫn có thể sử dụng chung của bệnh viện nhưng các bệnh viện phải có đội đột quỵ riêng cấp cứu, đưa bệnh nhân đi xét nghiệm, xử lý ngay lập tức.
Để thực hiện việc thành lập đội đột quỵ phản ứng nhanh, PGS Xuyên cho biết đến nay, về nhân lực, đã đào tạo được 9000 bác sĩ về đột quỵ, chủ yếu bác sĩ đã hiểu sâu về thần kinh, cấp cứu, hồi sức tích cực, họ chỉ thêm kiến thức về đột quỵ.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, vấn đề phục hồi chức năng là bức thiết vì bệnh đột quỵ tăng nhưng ý thức cộng đồng thấp, nhiều bệnh nhân còn bị giữ lại cạo gió, chữa dân gian.
Theo PGS Ngọc riêng đột quỵ não phục hồi được chức năng vận động, tối đa trong nghiên cứu là sau 3 tháng. Các nghiên cứu phải đánh giá hiệu quả điều trị, thang điểm phục hồi chức năng rất tốt nhưng bệnh viện quá tải, bệnh nhân không thể nằm dài 3 tháng.
Vì thế, các điều dưỡng, kỹ thuật viên của trung tâm sẽ hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách phục hồi chức năng cho người bệnh khi họ trở về gia đình. Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân sau đột quỵ được phục hồi chức năng trở lại cộng đồng cao hơn những bệnh nhân không được phục hồi chức năng.
Siết chặt quản lý bếp ăn tập thể
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/870678/siet-chat-quan-ly-bep-an-tap-the
Liên tiếp thời gian qua, tại bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp của nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra không ít các vụ ngộ độc, khiến hàng trăm công nhân phải nhập viện. Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã chỉ đạo, phải tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học trên địa bàn.
Còn nhiều vi phạm
Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 3.200 bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, trường học…, trong đó có những bếp ăn phục vụ hàng nghìn người. Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cho biết, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể có vai trò quan trọng trong giữ gìn sức khỏe, nâng cao năng suất lao động của người lao động. Vì vậy, trong tháng 5-2017, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra 69 bếp ăn tập thể của 58 công ty tại khu công nghiệp, chế xuất và cụm công nghiệp. Kết quả đã có 14 bếp ăn của 13 công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 76 triệu đồng.
Dù từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể nào, song quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng vẫn phát hiện không ít sai phạm. Theo bà Nguyễn Ánh Nguyệt, vi phạm chủ yếu vẫn là bếp ăn chưa tuân thủ theo nguyên tắc một chiều, tủ đựng thực phẩm không có lưới phòng, chống côn trùng và động vật gây hại, các bếp ăn chưa thực hiện kiểm thực ba bước như quy định (kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế biến cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu). Ngoài ra, có những bếp ăn xuống cấp chưa được cải tạo, nền nhà trơn trượt, ứ đọng nước, bàn tay người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa bảo đảm vệ sinh, sử dụng chung dao và thớt thái cả thức ăn chín và thực phẩm tươi sống...
Điển hình như tại Nhà ăn A1-5 (số 15 phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng) cung cấp khoảng 300 suất ăn/ngày cho cán bộ và học sinh, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Mặc dù qua kiểm tra khu vực ăn uống tại đây tương đối sạch sẽ nhưng khu chế biến, nấu ăn đã xuống cấp, nền nhà ứ đọng nước. Thêm vào đó, tủ đựng thức ăn chín chưa có lưới chống côn trùng, thức ăn lưu mẫu được cất chung trong tủ đựng nước ngọt. Qua xét nghiệm nhanh các mẫu bát, đũa tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 6/15 bát bị xước, rửa chưa sạch, dương tính với tinh bột.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, quá trình thanh, kiểm tra cho thấy, ý thức của chủ doanh nghiệp, người kinh doanh, chế biến thực phẩm đã được nâng lên rõ rệt. Tất cả bếp ăn tập thể đều bảo đảm đầy đủ thủ tục về hồ sơ pháp lý, có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân viên được khám sức khỏe, được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ; sử dụng nguồn nước sạch để chế biến và rửa dụng cụ. Bên cạnh đó, 100% bếp ăn được kiểm tra có đủ dụng cụ chia gắp thức ăn, trang thiết bị dụng cụ dùng trong sơ chế, có kho bảo quản thực phẩm, đủ giá kệ kê cao.
Tăng cường kiểm tra trong dịp hè
Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguy cơ ngộ độc từ bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp lâu nay vẫn khiến các cơ quan chức năng “đau đầu”. Theo khảo sát của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 70% số vụ ngộ độc trong các khu công nghiệp là do thức ăn nấu ở nơi khác mang đến, khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Trong số 69 bếp ăn tập thể được cơ quan chức năng Hà Nội kiểm tra mới đây, chỉ có 10 bếp ăn do công ty tự nấu phục vụ nhân viên, còn lại 59 bếp ăn do công ty ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp và có 1.260 nhân viên tham gia chế biến thực phẩm. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, công tác thanh tra, kiểm soát các bếp ăn tập thể cần được duy trì và tiếp tục tăng cường, nhất là kiểm soát nguồn thực phẩm. Riêng đối với những bếp ăn vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đề nghị lãnh đạo các công ty và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký hợp đồng cung cấp suất ăn công nghiệp có biện pháp khắc phục ngay những tồn tại được đoàn kiểm tra chỉ rõ. Cơ sở chỉ được hoạt động trở lại khi bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Không chỉ tăng cường thanh, kiểm tra đối với các bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất, trong mùa hè này, cơ quan chức năng của ngành Y tế còn phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo tăng cường kiểm tra cả bếp ăn bán trú.
Ông Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, ngộ độc thực phẩm thường gia tăng vào mùa hè do thời tiết nóng bức khiến thức ăn rất dễ bị hỏng. Nhiều trường vẫn mở lớp học hè và duy trì bếp ăn, nhất là những trường mầm non. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu các trường học có tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh trong dịp hè phải thực hiện đúng nguyên tắc quản lý nuôi dưỡng, bảo đảm chất lượng bữa ăn, khẩu phần ăn của học sinh hằng ngày như vẫn thực hiện trong năm học. Mặt khác, yêu cầu các trường tiếp tục ký hợp đồng với các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra chất lượng, nguồn gốc thực phẩm của các nhà cung ứng, kiên quyết không để cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung ứng thực phẩm cho nhà trường.
Tạm dừng lưu thông nhiều lô sản phẩm của Công ty Dược phẩm USA
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa thông báo về việc tạm dừng lưu thông đối với 7 lô sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và 3 lô thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế USA (địa chỉ tại Cụm công nghiệp Thanh Oai, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Cụ thể, 7 lô sản phẩm nói trên (bao gồm Pediasure mát gan giải độc; Pediasure ăn ngon ngủ tốt; Anphavit ăn ngon ngủ tốt; Anphavit calci nano; Viên nang mềm GinkGo omega 3; Celevit Calci nano Omega 3 và Arginin B.Complex Extra) vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa. Đồng thời, việc kiểm nghiệm cho thấy 3 lô thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Pediasure ăn ngon ngủ tốt; Arginin B.Complex Extra và Anphavit calci nano) không đạt chất lượng.
Tăng cường công tác khám chữa bệnh mùa nắng nóng
http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/tang-cuong-cong-tac-kham-chua-benh-mua-nang-nong-3392254-b.html
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa hè năm 2017 tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, trái quy luật, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm.
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những đợt nắng nóng trên diện rộng, đặc biệt là khu vực Hà Nội, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân.
Trước tình hình đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản về việc tăng cường công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh mùa hè cho người bệnh. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân và phòng tránh tác hại của nắng nóng đến sức khỏe, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, thủ trưởng y tế các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, tăng cường công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh mùa hè cho người bệnh.
Cụ thể, tại khoa khám bệnh, các bệnh viện tiếp tục duy trì thực hiện tốt Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện; rà soát, áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế), đặc biệt là phần A “Hướng đến người bệnh” như bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường nhân lực, bố trí đầy đủ bàn khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh; bảo đảm tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tốt…
Các bệnh viện bảo đảm bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng hô hấp, tiêu hóa... Chủ động lên kế hoạch tiếp nhận, xử trí, điều trị các bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp và mới nổi.
Chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170607/cham-soc-dinh-duong-cho-nguoi-cao-tuoi/1327533.html
Ngày 6-6, “Ngày hội truyền thống người cao tuổi quận 1” do Hội Người cao tuổi quận 1, TP.HCM tổ chức với nhiều hoạt động chăm sóc dành cho hơn 400 cụ.
Đại diện nhãn hàng Enplus của NutiFood đã trao tặng 80 triệu đồng tiền mặt và 160 phần quà (hơn 40 triệu đồng) cho các cụ tham dự. 158 cụ trên 90 tuổi cũng được mừng thọ đợt này. Hàng trăm cụ đã được thăm, khám sức khỏe (đo loãng xương, đo mỡ...) và tư vấn dinh dưỡng ngay tại ngày hội.
Tại ngày hội, hội thảo với chủ đề “Dinh dưỡng hợp lý cho người già”, bác sĩ Trần Thị Hồng Loan, chuyên gia dinh dưỡng của Nutifood, đã cung cấp, giải đáp cặn kẽ nhiều thông tin về các vấn đề ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi đúng cách cho các cụ.
Trực tiếp thăm khám và tư vấn cho các cụ, bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, phó chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood, cho biết phần lớn các cụ có mật độ xương thấp, nguy cơ loãng xương cao. Đáng lo ngại là rất nhiều cụ quan niệm sai lầm về dinh dưỡng, như nhịn ăn sáng để giảm cân, ăn mì gói thay cơm vì sợ mập, bỏ bữa chính nhưng lại ăn vặt các thực phẩm có đường...
Từ kết quả khám bệnh cho thấy hơn một nửa các cụ có vấn đề về dinh dưỡng. Đặc biệt, tỉ lệ thừa cân béo phì rất cao, đến 51,2%, tỉ lệ mỡ cơ thể cũng cao theo tỉ lệ thừa cân béo phì. Bác sĩ Nguyệt cũng đưa ra lời khuyên cho các cụ là nên ăn uống khoa học, giảm tinh bột và thức ăn ngọt, tham gia câu lạc bộ dành cho người cao tuổi để tinh thần thư thái...
TPHCM: Bệnh sốt xuất huyết tăng theo tay chân miệng
http://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-sot-xuat-huyet-tang-theo-tay-chan-mieng-20170608045317394.htm
Cùng với sự gia tăng nhanh của bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết tại TPHCM cũng bắt đầu tăng. Dự báo, sốt xuất huyết sẽ “vào mùa” sớm, cộng đồng cần chủ động các giải pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe.
Thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM ngày 7/6 cho hay, qua công tác giám sát các loại bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tuần qua cho thấy cả hai loại bệnh gồm sốt xuất huyết và tay chân miệng đều gia tăng.
Trong đó, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu tăng từ 2 tuần trước, đến nay tuy chưa ghi nhận ca từ vong kể từ đầu năm nhưng số ca bệnh đã lên tới 1.659 trường hợp phải nhập viện điều trị. Tuần qua có tới gần 100 ca bệnh được xác định mắc tay chân miệng phân bố rải rác trên nhiều quận huyện.
Sau khi đạt mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm, tuần qua bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng trở lại. Số người mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trong tuần lên tới 233 trường hợp (tăng gần 7%) so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 8.800 ca.
Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cảnh báo, năm nay mùa mưa đến sớm nên nguy cơ sốt xuất huyết “vào mùa” sớm và gia tăng nhanh có thể xảy ra trong thời gian tới. Ngoài việc yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai cá biện pháp kiểm soát điểm nguy cơ, phun hóa chất diệt muỗi, ngành y tế thành phố kêu gọi động đồng chủ động các biện pháp: vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng thường xuyên... khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.
Phẫu thuật tái tạo lại mặt cho bệnh nhân ung thư da vùng má phải
Các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Bàn tay (Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec) vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo khối mặt gồm: má, môi, mũi cho bệnh nhân Hà Sỹ S. (58 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội).
Từ 10 năm trước, bệnh nhân phát hiện ung thư da vùng má phải. Tuy nhiên do không được điều trị hoặc chỉ điều trị bằng thuốc nam nên khối u lan rộng toàn bộ má phải, co kéo môi, má bên phải, biến dạng đầu mũi. Bệnh nhân ăn, uống và khó thở do sự thâm nhiễm của khối ung thư.
Sau khi hội chẩn với các chuyên khoa khác như răng hàm mặt, ung thư, vào ngày 26-5, các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật. Ngoài một ê-kíp gây mê hồi sức gồm tám người, có bảy phẫu thuật viên của Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Bàn tay chia làm bốn kíp thực hiện trong thời gian tám tiếng.
Khối u được cắt bỏ triệt để, đồng thời các phẫu thuật viên cũng lấy một vạt da đùi của người bệnh. Vạt da này được phẫu tích và chia thành ba mảnh riêng biệt cho việc tái tạo từng bộ phận.
Các khuyết lớn vùng má, môi, mũi được tái tạo bởi một vạt da có nối vi phẫu. Đây là một phẫu thuật khó vì việc tái tạo các cơ quan trên mặt đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ năng rất cao của phẫu thuật viên.
Theo GS Trần Thiết Sơn, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Bàn tay, việc tái tạo lại mũi, môi, má phải đáp ứng được yêu cầu phục hồi lại cấu trúc ba chiều của cơ quan bị mất. Ít vạt da nào có thể đáp ứng được yêu cầu này nếu không thực hiện được việc làm mỏng vạt da dưới kính hiển vi.
Việc tái tạo cùng một lúc ba cơ quan trên mặt cũng hiếm gặp. Do vậy, đây là một thành công của các bác sĩ trong việc sử dụng một loạt kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật tạo hình vào việc tái tạo một bộ phận sau khi cắt bỏ vùng ung thư như kỹ thuật tạo vạt chùm, kỹ thuật làm mỏng vạt và kỹ thuật vi phẫu mạch máu mà ít nước trên thế giới chưa thực hiện được.
Bệnh nhân hồi phục nhanh sau phẫu thuật và đã ra viện sau sáu ngày điều trị. Ngoài ra, 90% kinh phí phẫu thuật cho người bệnh được Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup hỗ trợ.