Bộ Y tế khuyến cáo người dân không tự ý chữa bệnh sốt xuất huyết tại nhà
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay, Bộ Y tế đã cảnh báo người dân về vấn đề tự chữa bệnh tại nhà khi người dân không muốn vào bệnh viện vì sợ lây nhiễm chéo.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết số ca mắc sốt xuất huyết hiện nay không phải tập trung vào trẻ nhỏ hoặc người già mà hơn 50% ca mắc là người đang trong độ tuổi lao động. Vì vậy, người dân cần được biết các đặc điểm nhận diện rõ ràng về loại muỗi truyền bệnh, cách lây bệnh và các týp sốt xuất huyết để có cách chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh chủ quan.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra với 4 týp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp nên một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2, 3, 4 với những týp vi rút khác nhau. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti.
Các chuyên gia y tế cho biết, muỗi lây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn cái, đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa.... Đây là loại muỗi không đẻ ở ao tù, cống rãnh. Đặc biệt, muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình trên 20ºC.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết mọi năm chủ yếu ở thể D1 và D4, nhưng năm nay có sự gia tăng số ca mắc ở thể D2. Hiện, các týp vi rút này chưa có sự biến đổi về độc lực và cũng chưa có biến đổi gien. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 58.888 trường hợp mắc bệnh, 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng gần 10%. Số mắc chủ yếu ở khu vực miền Nam, riêng miền Bắc gần đây có gia tăng số ca mắc tại Hà Nội rất cao. Hiện Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về số mắc tuyệt đối và bị lây nhiễm chéo khi mắc bệnh sốt xuất huyết, và số ca bị lây nhiễm chéo khi vào bệnh viện cũng tăng cao.
Để phòng chống dịch bệnh bùng phát, lan rộng và kéo dài trước diễn biến phức tạp trên mà hiện nay chưa có thuốc phòng, trị bệnh, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh khuyến cáo người dân không tự ý chữa bệnh tại nhà khi có các triệu chứng về sốt xuất huyết. Nếu tự ý điều trị, bệnh sốt xuất huyết ở nhà lâu không khỏi, bệnh nhân rất dễ gặp các biến chứng như tràn dịch màng phổi, bụng to, cổ trướng... Ngoài ra, một biến chứng nữa có thể xuất hiện đó là xuất huyết bất thường do rối loạn đông máu, suy giảm tiểu cầu gây chảy máu cam dữ dội, rong kinh, xuất huyết đường tiêu hóa, suy tạng, xuất huyết não, phổi... và tử vong.
Ngoài ra theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, khi bị sốt người dân cũng tuyệt đối không tự ý truyền dịch. Thực tế cho thấy hiện đa phần mọi người đều nghĩ sốt cần truyền dịch. Tuy nhiên, truyền dịch khi không thích hợp chẳng những bệnh không thuyên giảm mà còn xuất hiện những biến chứng nặng do thừa dịch như: Phù phổi cấp, suy tim do quá tải tuần hoàn. Đặc biệt, với những bệnh nhân đang có các triệu chứng sốc, phù nề nhiều hoặc có bệnh lý về thận tuyệt đối không bù dịch bằng đường truyền.
Ông Khuê cũng khẳng định tất cả các đối tượng đều có thể bị sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh, mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh người mắc sốt xuất huyết kiêng tắm, kiêng ăn sẽ khỏi bệnh, vì vậy người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch.
Dịch bệnh sốt xuất huyết có thể phòng được và chữa được song cần phải truyền thông mạnh hơn nữa, tới tận các xã, phường để người dân có ý thức vệ sinh tại chỗ ở, để phòng chống loại muỗi gây bệnh sinh sản. Ngay từ đầu năm 2017 Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ, đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch, triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng tới tất cả các xã, phường, phun hóa chất chủ động. Đồng thời các cơ quan chức năng của một số tỉnh, TP cũng tiến hành xử phạt một số hộ dân không hợp tác chống dịch.
Chia sẻ với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh vai trò của người dân trong việc phối hợp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, việc phun thuốc muỗi phòng chống dịch là quan trọng nhưng chỉ có tính nhất thời. Cái gốc vấn đề và lâu dài là phải diệt lăng quăng, bọ gậy thường xuyên, liên tục tại từng gia đình và khu dân cư. Có như vậy, việc phòng chống dịch mới mang tính triệt để.
"Hiện nay, các cơ sở y tế tuyến dưới hoàn toàn có thể điều trị khỏi bệnh, chính vì vậy, Bộ Y tế đã thực hiện phân tuyến rất cụ thể để người dân có thể an tâm chữa bệnh. Kkhi người dân mắc bệnh, tuyệt đối không tự ý điều trị, mua thuốc kháng sinh hay tự truyền dịch tại nhà mà phải đến các cơ sở y tế uy tín, tránh tình trạng biến chứng. Khi bị biến chứng rồi thì lúc vào viện chữa bệnh sẽ khá khó khăn vì người bệnh dễ bị phù hoặc tràn dịch khi không điều trị đúng cách", Bộ trưởng cho hay.
Người dân có mất quyền lợi khám bảo hiểm y tế?
http://plo.vn/xa-hoi/nguoi-dan-co-mat-quyen-loi-kham-bao-hiem-y-te-720076.html
Bảo Hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho rằng việc hướng dẫn người dân Hà Tĩnh đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải mang hóa đơn chứng từ về thanh toán với BHXH tỉnh Hà Tĩnh không trái luật.
Vừa qua, báo chí phản ánh việc BHXH tỉnh Hà Tĩnh ra thông báo số 718/BHXH ngày 24-7 đến người dân trên địa bàn tỉnh nếu đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải tự thanh toán chi phí KCB với cơ sở y tế và mang hóa đơn chứng từ về thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Theo phản ánh, việc làm trên là trái với Luật BHYT và làm mất đi quyền lợi được khám BHYT thông tuyến huyện của người dân.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban, phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), khẳng định quy định trên không trái luật và theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
Lý giải về việc tại sao BHXH Việt Nam lại hướng dẫn như vậy, ông Phúc cho biếtchi phí KCB đa tuyến ngoại tỉnh phát sinh của Hà Tĩnh chủ yếu tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Năm 2016, chi phí này chiếm 48% quỹ KCB BHYT, tăng 16% so với năm 2015. Riêng 6 tháng đầu năm nay, tại các cơ sở KCB tuyến huyện của Nghệ An (chủ yếu là các các bệnh viện công tuyến huyện và các bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố Vinh) thì tổng số lượt KCB ngoại trú của tỉnh Hà Tĩnh sang là 66.972 lượt, với tổng chi phí hơn 24,74 tỉ đồng; điều trị nội trú là 8.626 lượt với chi phí hơn 35,44 tỉ đồng.
Tổng chi phí 6 tháng đầu năm cả nội, ngoại trú là khoảng 60 tỉ đồng. Trong khi đó quỹ KCB BHYT năm 2017 của Hà Tĩnh là 763 tỉ đồng. Với mức chi phí hiện nay, thì ước tính riêng các bệnh viện tuyến huyện của Nghệ An tiêu quỹ BHYT của Hà Tĩnh từ 130 - 150 tỉ đồng, chiếm khoảng 17% tổng quỹ được sử dụng của cả tỉnh Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, ông Phúc cũng phân tích, chi phí trung bình nội trú bệnh nhân Nghệ An sang Hà Tĩnh tại các bệnh viện tuyến huyện là hơn 4 triệu đồng, ngoại trú là 369.000 đồng/ lượt điều trị, trong khi chi phí trung bình nội trú các bệnh viện tuyến huyện trên cả nước là từ 2-3 triệu đồng tại tuyến huyện chứ chưa nói đến chi phí chuyển lên tuyến tỉnh.
Qua kiểm soát, nhận thấy chi phí bình quân nội trú, ngoại trú của một số bệnh viện tại thành phố Vinh ở mức cao, nên BHXH Hà Tĩnh phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn quỹ BHYT.
"Khi người dân phải ứng tiền ra chi trả trước thì người dân sẽ quản lý tốt hơn chi phí KCB của mình, sẽ không chi trả cho các dịch vụ chưa cần thiết. Đồng thời, cơ quan BHXH cũng quản lý chặt chẽ hơn khi giám định trực tiếp từng hồ sơ, tránh được tình trạng kê khống, thống kê sai và từ đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT...", ông Phúc nhấn mạnh.
BHXH Việt Nam đã chỉ đạo, khi bệnh nhân Hà Tĩnh chi trả trực tiếp tại các bệnh viện của Nghệ An mang hồ sơ về thanh toán, cơ quan BHXH Hà Tĩnh phải tổ chức triển khai giám định nhanh để thanh toán nhanh cho người bệnh, đảm bảo thuận lợi, tránh tình trạng người bệnh phải đi lại nhiều lần.
Ông Lê Văn Phúc khẳng định, để làm điều này, có thể nói cơ quan BHXH phải mất thêm nhân lực, từ việc giám định tại cơ sở KCB đến tổ chức thanh toán trực tiếp cho người bệnh. BHXH Việt Nam đang tạm thời áp dụng cho hai địa phương là Nghệ An và Hà Tĩnh. Sau thời gian 3 tháng, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức đánh giá về cả quản lý chi phí, sự thuận lợi của người bệnh và nhu cầu thực sự cần thiết về KCB của người dân. Nếu giải pháp này được tổ chức thực hiện hiệu quả, sẽ áp dụng thêm ở các địa phương khác.
Thêm 1 người chết do sốt xuất huyết ở Hà Nội
http://vov.vn/xa-hoi/them-1-nguoi-chet-do-sot-xuat-huyet-o-ha-noi-656760.vov
http://infonet.vn/ha-noi-them-phu-nu-36-tuoi-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-post233914.info
http://ngaynay.vn/suc-khoe/ha-noi-so-benh-nhan-sot-xuat-huyet-tu-vong-tang-len-5-55213.html
Đây là ca tử vong thứ 6 tại Hà Nội tính từ đầu năm do sốt xuất huyết. Sáng 8/8, theo tin từ khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vừa tử vong là chị N.T.N (36 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội).
Bệnh nhân này tử vong ngày 7/8, do các biến chứng nặng khi mắc sốt xuất huyết. Như vậy, tính đến thời điểm này đây là trường hợp thứ 6 tử vong do căn bệnh này.
Trước đó, bệnh nhân đã nhập viện điều trị được 14 ngày tại bệnh viện, tuy nhiên do suy đa tạng nên bệnh nhân đã tử vong ngày 7/8.
Xác nhận thông tin trên, gia đình bệnh nhân N. cho biết, hiện gia đình đã đưa thi thể chị N. về gia đình để mai táng. Nguồn tin từ phía gia đình cũng cho biết, bệnh nhân nhập viện từ ngày 23/7, đến ngày 26/7 thì bắt đầu rơi vào tình trạng hôn mê và ngày 7/8 thì tử vong.
Như vậy, đây là ca tử vong thứ 6 tại Hà Nội tính từ đầu năm do sốt xuất huyết. Trước đó có 4 trường hợp là người lớn mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh cảnh khác (nhiễm khuẩn, đái tháo đường, huyết áp cao, rung nhĩ) và một trường hợp 8 tuổi dương tính với sốt xuất huyết kèm bệnh cảnh sốc nhiễm khuẩn.
Cũng liên quan đến căn bệnh này, theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, hiện cả nước đã ghi nhận 71.410 trường hợp mắc, 19 người tử vong, số mắc tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016.
Riêng ở Hà Nội, trong tuần qua ghi nhận thêm 2.745 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) mới. Như vậy đến nay toàn Thành phố ghi nhận: 11.751 trường hợp.
Số mắc tập trung chủ yếu ở một số quận nội thành như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình và huyện Thanh Trì...
Bác sĩ căng thẳng vì phải từ chối bệnh nhân SXH xin ở lại viện
http://danviet.vn/tin-tuc/bac-si-cang-thang-vi-phai-tu-choi-benh-nhan-sxh-xin-o-lai-vien-794483.html
Đó là tâm sự của bác sĩ Vũ Thị Thu Hương – Phó khoa Khám bệnh (BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư). Theo bác sĩ Hương, dịch sốt xuất huyết đang lên đỉnh khiến cho các bác sĩ quay cuồng chống dịch, trong đó nỗi khổ tâm, căng thẳng nhất chính là phải từ chối bệnh nhân xin ở lại viện.
11h45 ngày 8.8, cửa phòng khám của bác sĩ Hương vẫn còn hàng dài bệnh nhân đang chờ đọc kết quả. Những ngày này, bác sĩ Hương cho biết, việc phải khám bệnh “thông trưa” là chuyện bình thường. Có khi 13h chiều chị mới tranh thủ ăn trưa. Nếu vẫn còn bệnh nhân thì phải nhờ một bác sĩ khác thay để mình có 10-15 phút nghỉ ăn trưa, uống nước. Còn buổi tối, chị và đồng nghiệp lại mải miết khám, điều trị cho bệnh nhân tới 21-22h đêm mới ăn.
“Trước khi chưa có dịch, mỗi ngày bệnh viện chỉ khám 400 bệnh nhân. Nhưng từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi ngày có hơn 1.000 bệnh nhân đến khám trong đó 60-80% là bệnh nhân sốt xuất huyết. Riêng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng gấp 4-5 lần trước kia. Như thứ hai (7.8) có tới 1.200 bệnh nhân. Các bác sĩ quay cuồng”- bác sĩ Hương chia sẻ.
Do quá tải bệnh nhân, Ban giám đốc Bệnh viện đã phải yêu cầu các bác sĩ tăng giờ làm việc. Nếu trước kia, 7h30 mới làm việc thì giờ là 7h sáng, chiều 17h30 mới được về. Thứ 7, Chủ nhật các bác sĩ không được nghỉ mà đi làm bình thường. Có những hôm Chủ nhật, phòng khám tiếp đến hơn 600 bệnh nhân.
Bác sĩ Hương nói, bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám đều trong tình trạng sốt lâu ngày, cơ thể đau đớn, mệt mỏi. Do đó, bệnh nhân dễ cáu gắt, còn bác sĩ dù rất mệt mỏi nhưng càng phải nhẹ nhàng hơn.
“Nhưng điều gây căng thẳng và khổ tâm nhất cho bác sĩ chúng tôi bâu giờ chính là phải từ chối bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. Các bệnh nhân đã đến đây dù bệnh nhẹ hay nặng đều nằng nặc đòi nhập viện. Không được thì năn nỉ, dọa dẫm, thậm chí ăn vạ dù chúng tôi có kiên nhẫn giải thích. Vì bệnh viện đã quá tải nên chúng tôi phải chuyển các bệnh nhân nhẹ về các tuyến cơ sở hoặc khuyên bệnh nhân nên điều trị tại nhà, vài ngày lại tới tái khám một lần. Tuy nhiên, ai đến viện cũng muốn chuyển đi” – bác sĩ Hương tâm sự.
Có những đêm, bệnh nhân sốt xuất huyết dù có triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà dù được bác sĩ giải thích nhưng bệnh nhân không nghe, nằm lỳ ở phòng khám. Dù đã 1h đêm nhưng bác sĩ Hương vẫn kiên nhẫn giải thích, chờ đợi bệnh nhân hiểu vấn đề suốt 1-2h đồng hồ.
Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, thời gian qua mỗi ngày BV đều tiếp nhận từ 900 - 1.000 bệnh nhân có biểu hiện sốt xuất huyết tới khám. Do áp lực quá tải, BV chỉ có thể tiếp nhận 5 – 8% số bệnh nhân nhập viện, còn lại cho chuyển viện hoặc tư vấn cho bệnh nhân theo dõi tại nhà. Những bệnh nhân này khá nặng, nằm viện dài ngày, nên rất khó “giải phóng” giường. Hiện BV đã mượn thêm 400 giường để kê thêm vào “bất kỳ chỗ trống nào” nhưng vẫn không đủ chỗ. BV cũng đã tăng từ 6 lên 10 phòng khám, cộng thêm 3 phòng chỉ chuyên khám bệnh nhân tái khám.
Để tiếp nhận thêm bệnh nhân, từ ngày 7.8, BV đã phải dọn dẹp hội trường để thành lập Trung tâm chăm sóc ban ngày dành riêng cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Tại đây, BV đã kê thêm 20 giường nhưng đến sáng 8.8, các giường cũng đã chật kín, nhiều giường phải nằm ghép đôi.
Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm (Khoa Hồi sức cấp cứu), ngày 7.8, một bệnh nhân sốt xuất huyết (nữ, 36 tuổi) sau 18 ngày điều trị sốt xuất huyết tại BV, dù đã được tận tình cứu chữa nhưng cũng không qua khỏi. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt xuất huyết nặng, sốc, suy đa tạng, rối loạn đông máu.
Ông Hoàng Đức Hạnh- Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua Hà Nội ghi nhận thêm 2.745 trường hợp mắc sốt xuất huyết mới. Như vậy đến ngày 7.8, toàn TP.Hà Nội ghi nhận: 11.751 trường hợp, 4 trường hợp tử vong. Hiện cả nước đã ghi nhận 71.410 trường hợp mắc, 19 tử vong, số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016. Theo các chuyên gia, hiện Hà Nội đang nắng nóng và mưa nhiều, do đó, mọi công tác dọn dẹp các vũng nước đọng để hạn chế muỗi đẻ, sinh sôi rất khó khăn.
Hà Nội thêm gần 2.800 ca mắc sốt xuất huyết mới trong 1 tuần
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua Hà Nội ghi nhận thêm 2.745 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) mới. Như vậy đến nay toàn Thành phố ghi nhận: 11.751 trường hợp, 04 trường hợp tử vong.
Trong đó, số bệnh nhân đã khỏi chiếm 90%, số ổ dịch đã được khống chế (qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới) là 952 ổ dịch, chiếm 65%.
Theo Sở Y tế Hà Nội, dịch SXH đang diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội.
Hiện cả nước đã ghi nhận 71.410 trường hợp mắc, 19 tử vong, số mắc tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016.
Tại Hà Nội, số mắc tập trung chủ yếu ở một số quận nội thành như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình và huyện Thanh Trì...
Trong khi đó thời tiết mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển, vì vậy để chủ động phòng chống dịch cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; đồng thời cần có sự vào cuộc của toàn thể các cấp chính quyền và các ban ngành đoàn thể từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng như ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh của toàn thể người dân và cộng đồng.
Trong tuần qua Hà Nội cũng ghi nhận ca mắc mới liên cầu lợn, 01 trường hợp tại xã Phú Nghĩa huyện Chương Mỹ và 01 trường hợp tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh. Lũy tích năm 2017: 11 trường hợp, 02 trường hợp tử vong.
6 trường hợp ho gà mới được ghi nhận, lũy tích năm 2017: 114 trường hợp, 01 trường hợp tử vong.
Sốt phát ban dạng sởi trong tuần ghi nhận 05 trường hợp. Lũy tích năm 2017: 112 trường hợp, không có trường hợp tử vong.
Tay chân miệng trong tuần ghi nhận 05 trường hợp. Lũy tích năm 2017: 98 trường hợp, không có trường hợp tử vong.
Nghệ An có 106 người mắc sốt xuất huyết
http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201708/nghe-an-co-106-nguoi-mac-sot-xuat-huyet-2832831/
Đến hết ngày 8/8, Nghệ An có 106 người mắc sốt xuất huyết và 4 người nghi ngờ mắc. Công tác khống chế, kiểm soát dịch gặp nhiều khó khăn, các ca mắc mới liên tục xuất hiện, nguy cơ bùng phát dịch ở tỉnh là rất lớn.
Ngày 28/6/2017, sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Nghệ An (ở huyện Diễn Châu) với 3 ca bệnh đầu tiên. Tính đến ngày 8/8, toàn tỉnh đã có 106 người mắc sốt xuất huyết.
Bệnh nhân sốt xuất huyết tập trung lớn tại 2 xã Diễn Thịnh và Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu). Trong đó, xã Diễn Thịnh có 19 ca mắc, cả 19 ca đều đã khỏi bệnh và đến nay sau 16 ngày xã không xuất hiện bệnh nhân mắc mới. Ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Diễn Thịnh đã được khống chế và dập tắt.
Dịch sốt xuất huyết hiện nay đang bùng phát dữ dội tại xã Diễn Ngọc. Đến hết ngày 8/8, toàn xã có 75 người mắc.Trong đó có 49 người đã điều trị khỏi, 26 người đang điều trị (7 người tại Bệnh viện Đa khoa huyện và 19 người tại Trạm y tế xã Diễn Ngọc). Ở Diễn Ngọc, sốt xuất huyết vẫn chưa được kiềm chế: Ngày 31/7, xã có 35 người mắc; ngày 7/8 thêm 13 người mắc mới; ngày 8/8 thêm 5 người mắc mới.
Nhằm khống chế, dập tắt dịch sốt xuất huyết tại Diễn Ngọc, ngành y tế và chính quyền địa phương đang thực hiện giám sát, thu dung bệnh nhân mới điều trị và muỗi truyền bệnh; thu gom phế thải, diệt bọ gậy tại cộng đồng; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành (đã phun được 10/12 xóm); tăng cường công tác truyền thông chống dịch.
Hiện nay nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết ở Nghệ An là rất lớn. Ngày 8/8, Trung tâm y tế huyện Quỳ Hợp phát hiện có 4 trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết (3 người từ Hà Nội, 01 người từ Lào về).
Sốt xuất huyết hoành hành dữ dội
http://laodong.com.vn/suc-khoe/sot-xuat-huyet-hoanh-hanh-du-doi-690670.bld
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, la liệt các ca sốt xuất huyết (SXH) được chuyển tới. Do quá tải, việc thăm khám cho bệnh nhân phải thực hiện cả ở… hội trường.
Tuần đầu tháng 8, Hà Nội ghi nhận đến hơn 2.700 bệnh nhân mắc SXH, nâng số người mắc lên con số hơn 11.750 ca, trong đó có 6 ca tử vong. TPHCM ghi nhận hơn 11.000 ca bệnh, tăng 23% so với cùng kỳ. Hiện cả nước đã ghi nhận 71.410 trường hợp mắc, 20 ca tử vong, số bệnh nhân SXH tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016.
Tận dụng kê giường bệnh mọi nơi
Ths-Bs Nguyễn Trung Cấp - Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương - không ngơi tay, cho biết: Bệnh SXH đang vào giai đoạn căng nhất. Bệnh nhân nhập viện đông, bác sĩ phải làm việc thông trưa, tăng ca, hầu như không có ngày nghỉ. Giờ ăn trưa của bác sĩ chỉ trong chớp nhoáng rồi lại quay vào với bệnh nhân. Giờ làm việc được đẩy lên 7h và kết thúc lúc 17h30. BV phải dùng hội trường kê thêm giường điều trị.
Bác sĩ Trần Hải Ninh - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết, thời điểm này mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân đến khám, trong đó 60-80% là bệnh nhân SXH. Điều đáng nói, do quá tải bệnh nhân SXH bệnh viện buộc phải kê thêm giường ở những khu trống, dùng hội trường làm khu điều trị ban ngày. Bệnh nhân nặng, phải điều trị nội trú sẽ được sắp xếp vào phòng bệnh, bệnh nhân nhẹ sẽ được điều trị ban ngày hoặc chuyển tuyến.
Ngày 7.8, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đưa 20 giường vào hội trường bệnh viện làm khu điều trị ban ngày. Nếu bệnh nhân tiếp tục tăng, bệnh viện phải kê thêm giường điều trị ở hành lang giống như bệnh viện dã chiến và huy động thêm phòng của nhân viên y tế làm nơi điều trị cho bệnh nhân. Hiện BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phải mượn gần 400 giường bệnh của một số công ty thiết bị y tế để tránh tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép.
Tại BV Đống Đa (Hà Nội), một nửa số bệnh nhân đang điều trị nội trú mắc SXH. Các khoa phòng của bệnh viện phải dành đất kê giường cho bệnh nhân SXH. Tuy nhiên, dù tận dụng mọi khoảng trống, một số người vẫn phải ngồi ghế để truyền dịch. Bệnh viện có gần 350 giường thực kê nhưng 350 quá nửa trong đó là bệnh nhân mắc SXH. BV Thanh Nhàn - tuyến dưới - cũng đang phải gồng mình với bệnh SXH. BV đang điều trị cho khoảng hơn 500 bệnh nhân SXH. Tình trạng quá tải khiến bệnh viện phải dồn các khoa phòng để kê giường bệnh. Tình trạng nằm ghép là khó tránh khỏi vào thời điểm này.
Còn tại TPHCM, ghi nhận chiều ngày 8.8 tại khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có hơn 100 trẻ đang điều trị. Trong đó, hơn 45% là trẻ đến từ các tỉnh, thành khác. Bệnh nhân khá đông khiến bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. 2-3 bệnh nhi phải nằm chung 1 giường.
BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết - cho biết, hiện tại, khoa có một số bé bị sốc sốt xuất huyết khá nặng. Tình trạng nhập viện tăng cao khiến cho các bác sĩ làm việc cũng vất vả và áp lực hơn vì phải tăng cường lọc bệnh, dặn dò và theo dõi các ca nặng. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, từ đầu năm đến nay đã điều trị cho hơn 3.600 ca ngoại trú vì sốt xuất huyết, chỉ tháng 7 đã có 506 ca.
Bệnh viện Nhiệt Đới đã tiếp nhận 4.238 ca sốt xuất huyết đến từ các tỉnh, thành khác nhau. Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng kín bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân diễn biến nặng như sốc thoát huyết tương, xuất huyết nặng, suy đa tạng.
Đáng chú ý tại các bệnh viện ở TPHCM ghi nhận nhiều trường hợp cả gia đình cùng bị sốt xuất huyết hay trong một xóm có tới bốn người mắc bệnh. Trường hợp của bà N.T.H (ở Vĩnh Long) có 2 con cùng điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết: “Hai tháng trước, tôi bị sốt xuất huyết và điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Vừa xuất viện thì bé út 4 tuổi bị bệnh phải đưa lên Nhi Đồng 1 điều trị và bác sĩ cho xét nghiệm cũng bảo sốt xuất huyết. Thằng Út vừa xuất viện thì anh nó 10 tuổi lại bệnh, triệu chứng tương tự”.
Sốt xuất huyết còn “phi mã”
Chỉ riêng Hà Nội, sau 8 năm địa phương lại trở thành điểm nóng của bệnh SXH. Tuần đầu tháng 8, Hà Nội ghi nhận đến hơn 2.700 bệnh nhân SXH. Từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận hơn 11.750 ca sốt xuất huyết, 6 ca tử vong. Năm nay, dịch SXH đến sớm hơn tại Hà Nội. Thường đỉnh dịch rơi vào tháng 9, nhưng ngay từ tháng 4 đã có SXH, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. SXH tập trung ở các quận nội thành, chiếm 90% số bệnh nhân, 40% người mắc SXH là học sinh và người lao động tự do, chủ yếu sống ở nhà trọ. Các chuyên gia nhận định, khả năng sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Hà Nội là rất lớn vì thời tiết mưa nắng thất thường và người dân ở nhiều nơi còn thờ ơ với dịch bệnh.
BS Nguyễn Trí Dũng - Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - cho biết, thời điểm hiện, bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa và số ca tăng rất cao. Thống kê đến thời điểm đầu tháng 8, TPHCM ghi nhận hơn 11 ngàn ca bệnh, tăng 23% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tốc độ gia tăng bệnh sốt xuất huyết trong tháng 7 tăng 46% so với tháng 6. Và trong các tháng tiếp theo, bệnh chưa “hứa hẹn” sẽ giảm nhiệt.
Hiện tại, toàn TP đã ghi nhận 4 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Ổ dịch sốt xuất huyết TPHCM đang nằm ở một số vùng ven như quận Bình Tân, quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Chánh - nơi có nhiều kênh rạch, ao tù nước đọng phát sinh loăng quăng, muỗi. Kỷ lục là tại quận Bình Tân, số ca mắc trong tháng 7 tăng 54% so với tháng trước.
Hiện cả nước đã ghi nhận 71.410 trường hợp mắc, 20 ca tử vong, số bệnh nhân SXH tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu cần “hạ hỏa” ngay dịch bệnh SXH, bởi đây là bệnh chữa được và dự phòng được, ngành y tế quyết tâm không để dịch lan rộng, không để xảy ra tử vong nhiều. Người đứng đầu ngành y tế yêu cầu các bệnh viện xử lý, phân loại bệnh nhân nặng, nhẹ để chuyển về các tuyến sao cho hợp lý, tránh tình trạng bệnh nhân đến khám là cho vào viện, nhận điều trị, cần họp lại phân tuyến, tập trung cứu chữa bệnh nặng, bệnh nhân nhẹ cho về tuyến dưới theo dõi.
Muỗi truyền bệnh SXH thường đốt vào ban ngày, từ 8-10 giờ. Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo, với người bệnh khi có các dấu hiệu như sốt, uống hạ sốt không giảm và sống trong vùng có dịch SXH cần đến cơ sở y tế gần nhất, để cứu chữa kịp thời, không xảy ra tử vong.
BV Ninh Bình đề nghị xử lý người nhà bệnh nhân lăng mạ bác sĩ
Ngày 8.8, Sở Y tế Ninh Bình có báo cáo gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về việc gây rối an ninh trật tự tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Ninh Bình được đăng tải trên mạng xã hội vào ngày 30.7.
Ông Vũ Văn Cần, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, tối 30.7 trên mạng xã hội xuất hiện video clip về hình ảnh mất an ninh trật tự tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình). Cụ thể, hồi 22h27 phút, khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân Bùi Thị Duyên (28 tuổi, phường Phúc Thành, TP Ninh Bình) với vết thương vùng lưỡi chảy máu.
Bệnh nhân được tiếp đón, kiểm tra mạch, huyết áp, thăm khám. Tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, vết rách mặt dưới lưỡi dài khoảng 2cm. Các bác sĩ đã chẩn đoán vết thương vùng lưỡi do tự cắn và đã xử trí cầm máu vết thương, đồng thời làm bệnh án và bàn giao người bệnh lên khoa Răng- hàm-Mặt lúc 23h2 phút.
Tại khoa Răng – Hàm –Mặt, bệnh nhân được điều dưỡng đón tiếp, kiểm tra mạch, huyết áp và hướng dẫn người nhà đưa bệnh nhân vào buồng thủ thuật chuẩn bị dụng cụ, báo bác sĩ Phùng Đăng Khoa xử lý vết thương. Trong khi chờ bác sĩ khâu vết thương (lúc này bác sĩ Khoa đang đi khám bệnh nhân sau mổ) thì người nhà tự ý đưa bệnh nhân trở lại khoa Cấp cứu. Khi bệnh nhân đến khoa cấp cứu, điều dưỡng Thược ra xem xét và hỏi người bệnh thì người đi cùng (khai trong bệnh án là Cao Việt Thắng) lập tức chửi, lăng mạ nhân viên y tế, đạp cửa, đánh vệ sĩ.
Khoa Cấp cứu đã báo trực lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ Khoa xuống khoa Cấp cứu khâu vết thương ngay tại đây cho bệnh nhân. Đến 23h55 phút, bệnh nhân được khâu xong vết thương và tỉnh táo, mạch, huyết áp ổn định. Lúc này người đi cùng bệnh nhân không còn gây rối, bệnh nhân xin về. Xét tình trạng bệnh nhân ổn định, bác sĩ kê đơn thuốc và cho về nhà điều trị.
BV Đa khoa tỉnh Ninh Bình nhận định, hai khoa của bệnh viện đã đón tiếp, xử trí người bệnh đúng quy định, hành vi lăng mạ nhân viên y tế, đạp phá, hành hung người thi hành nhiệm vụ của ông Cao Việt Thắng là vi phạm pháp luật.
BV Đa khoa tỉnh Ninh Bình đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý người có hành vi lăng mạ, đe doạ, đap phá, hành hung nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ, tăng cường bảo đảm an ninh bệnh viện giúp nhân viên y tế yên tâm làm việc.
Phụ nữ mang thai có mắc sốt xuất huyết không, xử lý thế nào?
Bệnh sốt xuất huyết đang bước vào đợt cao điểm và trong số các đối tượng mắc bệnh, phụ nữ mang thai chiếm tới gần 10%.
10% ca sốt xuất huyết là phụ nữ đang mang thai
Theo TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), dịch sốt xuất huyết đang bước vào đợt cao điểm, số bệnh nhân đến khám tăng liên tục. Trong đó, phụ nữ có thai chiếm15-20% số bệnh nhân sốt xuất huyết tại Khoa này.
Do diễn biến bệnh trong những trường hợp này rất khó lường, vì vậy các bác sĩ thường khuyên nhập viện điều trị. Vào viện, bệnh nhân sẽ được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận, tình trạng của thai nhi. Các bác sĩ cũng có đánh giá để nhận định người bệnh có dấu hiệu dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không.
Bà bầu cần hết sức thận trong khi bị sốt xuất huyết
TS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo phụ nữ mang thai phụ cần phòng tránh mắc sốt xuất huyết như mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, thoa kem để tránh muỗi đốt... Khi có sốt, các thai phụ nên đi khám sớm để được theo dõi chặt chẽ.
Cách xử lý khi bị sốt xuất huyết trong thai kỳ
Trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết, bà bầu phải đối mặt với ba vấn đề nguy hiểm chính. Thứ nhất, trong những ngày đầu bị sốt, thai phụ có thể bị sốt cao. Nếu sốt cao quá sẽ dẫn đến tình trạng nhịp tim thai đập nhanh hơn và một số trường hợp ảnh hưởng đến thai nhi.Nếu xác định bị sốt xuất huyết, thai phụ nên đi khám ở các bệnh viện để được bác sĩ hướng dẫn theo dõi và xử lý nhanh chóng.
Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 bị sốt xuất huyết, bà bầu đối diện với 2 nguy cơ đó là giảm tiểu cầu máu, dẫn đến hiện tượng sốt xuất huyết chảy máu.
Một tình trạng nữa có thể xảy ra là tình trạng cô đặc máu, có thể dẫn đến sốc. Những ngày này, thai phụ cần đến bệnh viện hàng ngày để kiểm tra và theo dõi sát sao. Nếu cần thiết có thể nằm tại viện để theo dõi.
Bà bầu cần chú ý hơn khi đang ở 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu có hiện tượng chuyển dạ trong giai đoạn tiểu cầu máu hạ có thể dễ gặp hiện tượng băng huyết. Vì vậy, nếu thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ phải nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.
Chế độ ăn uống với bà bầu khi bị sốt xuất huyết không có gì đặc biệt. Nhưng có một số vấn đề quan trọng thai phụ cần lưu ý, nếu như bị sốt cần bổ sung uống nước hoa quả để tăng cường các chất khoáng, nước và vitamin.
Ngoài ra, để phòng tránh tối đa nguy cơ bị sốt xuất huyết, các bà bầu cần phòng tránh muỗi, đi ngủ nhớ mắc màn, khi đi ra ngoài buổi chiều tối nên mặc quần áo dài tay, xoa kem, xịt chống muỗi. Trong nhà không nên để các vật dụng có thể chứa nước để muỗi không có môi trường sinh sôi, phát triển.
Cà Mau: Hơn 1000 ca bệnh sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm
Khi công tác phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, quyết liệt, khẩn trương, dịch sốt xuất huyết sẽ không còn là mối lo ngại thường trực với người dân Cà Mau, nhất là vào thời điểm mùa mưa bắt đầu...
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.140 ca mắc sốt xuất huyết.
Trong đó, bệnh viện đa khoa TP Cà Mau có 70 ca, bệnh viện Sản Nhi Cà Mau tiếp nhận 30 ca, huyện Năm Căn 22 ca. Riêng, huyện Trần Văn Thời có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là 461 ca…
Phần lớn trẻ mắc bệnh thường trong độ tuổi từ 5 - 15 tuổi. Tuy nhiên không có các ca nặng là do phát hiện kịp thời, đưa vào viện đúng và điều trị đúng tiến độ. Toàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp nào tử vong.
Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Cà Mau, bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do đang vào mùa mưa, thuận lợi để muỗi phát triển gây bệnh. Một phần do một bộ phận người dân còn thiếu ý thức, còn chủ quan đối với dịch bệnh này.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác giám sát, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ cao đúng kỹ thuật, đúng thời gian, không để dịch bùng phát và lây lan.
Đồng thời, tổ chức dọn dẹp, vệ sinh, đặc biệt những nơi trú ngụ của của lăng quăng, loại bỏ các vùng nước thải, nước tù, đi ngủ mắc màn... là những việc làm cần thiết để đề phòng sốt xuất huyết.
Chung tay phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/chung-tay-phong-chong-benh-sot-xuat-huyet-514520
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết (SXH) phát triển và lây lan khá mạnh ở nhiều địa phương và các thành phố lớn trong cả nước, nhất là nơi tập trung đông dân cư. Để phòng, chống SXH hiệu quả, vấn đề quan trọng nhất là phải hiểu cơ chế gây ra dịch bệnh, xác định hành động quyết liệt, loại trừ tận gốc côn trùng gây bệnh.
SXH là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh sau đó đốt người lành và truyền virút qua vết đốt, có thể gây thành dịch. Do chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên để phòng bệnh cần tập trung vào các biện pháp phòng, chống muỗi đốt hoặc tiêu diệt, hạn chế sự phát triển của muỗi vằn.
Ở nước ta, muỗi vằn là côn trùng truyền bệnh SXH chủ yếu, chúng có tên khoa học là Aedes aegypti. Muỗi có thân màu đen, đốm trắng. Chúng có đặc tính luôn thích tìm mồi để đốt hút máu suốt ngày, nhưng chủ yếu vào sáng sớm và chập choạng tối. Chúng chỉ đậu nghỉ khi đã no máu hoặc vào ban đêm. Khi có thời cơ, chúng đậu lên chỗ da hở và hút máu ngay, rồi bay đi rất nhanh. Theo các chuyên gia về côn trùng, thời gian đốt hút máu của muỗi vằn vào buổi chiều tối có thể kéo dài đến 20 giờ. Do đó, việc phòng chống muỗi vằn đốt cũng cần đặc biệt quan tâm trong suốt cả ngày, chứ không chỉ về đêm như nhiều người thường nghĩ. Hoạt động tìm mồi hút máu của muỗi phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, nếu nhiệt độ dưới 23 độ C thì muỗi hầu như không có khả năng hoạt động hút máu. Sau khi đốt hút máu no, muỗi vằn thích tìm chỗ trú đậu tiêu máu trong nhà, ở các góc, xó tối, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng, nhất là trên các loại vải có màu sẫm tối, đặc biệt là trên quần áo chưa giặt giũ, có mùi mồ hôi.
Muỗi vằn rất thích đẻ trứng ở các vật chứa nước sạch có sẵn trong nhà và xung quanh nhà, nhất là những vật chứa có ánh nắng mặt trời chiếu làm nước ấm lên, ít thấy chúng đẻ trứng nơi nước dơ bẩn, đục bùn. Bất kỳ một chỗ chứa nước, đọng nước nào cũng có thể làm nơi muỗi vằn đẻ trứng như các vật dụng dùng chứa nước (bể nước, chum, vại, lu, khạp, thùng, xô, chậu, can...), các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước (lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ chai nước, lon nước, chum vại vỡ, xoong nồi hỏng, gáo dừa....), các ổ chứa nước tự nhiên (các ao hồ, giếng nước, hố, vũng nước, hệ thống thoát nước (cống, rãnh, hố ga), hốc cây, vết bánh xe trên đất... Sau khi muỗi đẻ trứng, trứng phát triển thành bọ gậy, loăng quăng rồi thành muỗi trưởng thành mất khoảng 7-13 ngày (tùy nhiệt độ). Như vậy, bất cứ một ổ nước nào tồn tại khoảng thời gian này cũng sẽ là nơi muỗi đẻ trứng và là nơi trứng phát triển thành muỗi trưởng thành. Khoảng 5 ngày sau khi phát triển thành muỗi từ trứng, muỗi cái bắt đầu đốt máu và đẻ trứng. Số lượng trứng đẻ của mỗi con muỗi cái từ 100 đến 150 trứng /lần đẻ, trong đời muỗi đẻ từ 6 tới 7 lần. Ở điều kiện của phòng thí nghiệm, muỗi có thể đẻ tới 13 lần. Trứng muỗi có màu đen, riêng rẽ từng quả một đính vào thành vật chứa hay chìm xuống nước, điều kiện thuận lợi trứng muỗi có thể tồn tại từ 3 đến 6 tháng.
Muỗi vằn trưởng thành có thể sống từ 20 đến 40 ngày, thậm chí trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, chúng có thể sống được đến 2-3 tháng. Do đó chúng truyền virút dengue trong suốt thời gian này vì virút có thể nhân lên, phát triển trong cơ thể muỗi.
Muỗi vằn thường hoạt động gần khu vực chúng sinh ra, khoảng cách bay xa là 200m. Tuy nhiên, mật độ muỗi vằn vào đầu và cuối mùa mưa hoặc những thời kỳ nắng nóng xen kẽ mưa rào trong mùa mưa thường rất cao, chính áp lực mật độ cao cũng buộc chúng phải phân tán tìm mồi, bay xa hơn và gieo rắc mầm bệnh.
Ngoài muỗi vằn Aedes aegypti, có một loại muỗi khác cũng có vai trò truyền bệnh SXH, đó là Aedes albopictus (hay còn gọi là muỗi hổ châu Á). Muỗi hổ châu Á về hình thể rất giống muỗi Aedes aegypti, chỉ khác đặc điểm trên mặt lưng có một vạch trắng chạy dọc lưng. Đặc điểm sinh lý, sinh thái của muỗi hổ châu Á tương tự như muỗi vằn nhưng chúng phân bố hoạt động chủ yếu ở vùng nông thôn, miền núi; ít gặp ở thành phố. Đầu tiên, loài muỗi hổ châu Á chỉ phát hiện được ở châu Á và Madagascar nhưng gần đây, chúng đã xâm nhập đến Bắc Mỹ, Nam Mỹ cũng như Tây Phi. Cũng như loại muỗi vằn, muỗi hổ châu Á thường đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước tạm thời nhưng chúng vẫn thích đẻ trứng tự nhiên ở trong rừng như các hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, vỏ dừa... Ngoài ra, muỗi cũng đẻ trứng ở trong vườn, các dụng cụ chứa nước tạm thời ở trong nhà nhưng mức độ ít hơn.
Từ những hiểu biết về đặc điểm về nơi đẻ trứng và phát triển vòng đời của muỗi vằn, các tập tính hoạt động của chúng, giúp ta có biện pháp phòng chống muỗi đốt tốt hơn, góp phần hạn chế đến mức cao nhất nguy cơ mắc bệnh SXH. Một điều đáng quan tâm là muỗi vằn cũng chính là loại muỗi truyền bệnh Zika, một bệnh mới nổi, đang là tâm điểm chú ý của nhiều người.
Biện pháp đơn giản nhất mà ai cũng có thể làm được để hạn chế muỗi vằn sinh sôi, phát triển, đó là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Với các dụng cụ chứa nước lớn, khó có điều kiện thau rửa thường xuyên: thả cá nhỏ vào để diệt loăng quăng/bọ gậy. Các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ: thường xuyên thau rửa hàng tuần. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải có thể bị đọng nước dài ngày trong nhà và xung quanh nhà như: Chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu, chum, vại vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ... kết hợp dọn vệ sinh môi trường. Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông. San lấp các hố chứa nước, làm phẳng bề mặt đất không để có vũng nước đọng xung quanh đơn vị, nhất là khu vực vườn rau của đơn vị.
Nên nhớ phương châm hàng đầu trong phòng chống SXH mà Bộ Y tế đề ra: “Không có loăng quăng, không có bệnh sốt xuất huyết”.
Bên cạnh việc loại bỏ nơi sinh sản, phát triển của muỗi vằn, các quân nhân cần biết cách hạn chế bị muỗi đốt: Ngoài giờ hành chính, nên mặc quần, áo dài thường xuyên, nhất là những lúc chạng vạng sáng sớm và chiều tối. Nên ngủ trong màn/mùng kể cả ngủ trưa. Nếu có thể mua, trang bị loại kem xua diệt côn trùng để xoa phần da hở khi học tập, công tác, canh gác... Ngay cả người đã bị SXH cũng nên nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác. Đây chính là biện pháp cách ly người bệnh hiệu quả và đơn giản nhất.
Biện pháp phun thuốc xua diệt muỗi thường được các nhân viên y tế tiến hành khi có dịch SXH ở đơn vị. Biện pháp này chỉ có tác dụng diệt muỗi trưởng thành đang chứa mầm bệnh virút ở thời điểm phun thuốc. Sau 5-7 ngày, sẽ có những lứa muỗi trưởng thành khác ra đời, mà không bị thuốc tác động, nên biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy vẫn là biện pháp cơ bản, cần làm thường xuyên để hạn chế muỗi vằn phát triển. Tuy nhiên, khi có dịch, cũng cần tích cực phối hợp với quân y nhằm bảo đảm tất cả các phòng làm việc, phòng ngủ của đơn vị đều được phun thuốc diệt muỗi, nhanh chóng cắt sự lây lan của dịch.
Các biện pháp phòng chống muỗi vằn nêu trên cần được người chỉ huy đơn vị quan tâm với sự tham mưu của quân y, cùng sự tham gia tích cực của các quân nhân trong đơn vị, để trở thành nền nếp thường xuyên của mỗi đơn vị, như thế sẽ góp phần hạn chế sự sinh sôi, phát triển và truyền bệnh của muỗi vằn, kẻ gieo rắc bệnh SXH hiện nay.
Những sai lầm khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
http://antt.vn/nhung-sai-lam-khi-cham-soc-benh-nhan-sot-xuat-huyet-204883.htm
Tắm nước lạnh, xông hơi hay tự điều trị tại nhà là những sai lầm nguy hiểm khi điều trị sốt xuất huyết.
GS. TS. Dương Trọng Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân không nên tắm nước nóng hay xông hơi, tắm lá; bởi như vậy càng làm cho mạch bị giãn ra khiến xuất huyết nặng thêm. Chỉ nên lau người bệnh nhân bằng nước ấm và tuyệt đối không được tắm bằng nước lạnh. Tắm nước lạnh làm co mạch ngoài da nhưng lại làm giãn mạch trong nội tạng.
Người nhà nên nấu những món ăn lỏng cho người bệnh như cháo, súp. Có thể nấu cháo thịt bò, thịt lợn, lươn, hoàng kỳ, táo đỏ, bí đỏ, khoai lang... cho người bị sốt xuất huyết ăn. Tích cho người bệnh sử dụng các thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C như nước cam giúp tăng lượng tiểu cầu, giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn, tăng lượng nước tiểu, giúp người bệnh nhanh phục hồi.
Nên cho người bệnh ăn những thức ăn giúp làm tăng tiểu cầu như tỏi, bí ngô, củ cải đỏ… Trong tỏi có chứa tromboxan A2 giúp làm tăng tiểu cầu, sử dụng tỏi chế biến cùng các món ăn hàng ngày. Củ cải đỏ có nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên và các thuộc tính homeostatic. Có thể ép củ cải tươi lấy nước uống giúp người bệnh tăng lượng tiểu cầu.
Bên cạnh đó, người bệnh cần được bổ sung các thực phẩm giàu chất đạm như trứng, cá, sữa, thịt gà… giúp mau phục hồi, không cần kiêng các thức ăn tanh.
Người bị sốt xuất huyết nên tránh ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ gây khó tiêu, những đồ uống như bia rượu làm giãn mạch mạnh. Những đồ ăn cay, nóng như gừng, ớt, mù tạt... cũng sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng bởi nó sản xuất nhiệt trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự hồi phục của người bệnh.
Theo GS Dương Trọng Hiếu, cần đưa người mắc sốt xuất huyết đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà khiến tình trạng bệnh diễn biến xấu. Đặc biệt, không tự ý cho người bệnh dùng thuốc hạ sốt, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Những trường hợp mắc sốt xuất huyết 3-4 ngày mới cho đi khám thì bệnh đã nặng, giảm tiểu cầu, chảy máu mũi… khi đó điều trị mất nhiều thời gian hoặc khả năng tử vong cao.
Thai phụ chết sau khi nâng ngực: Bác sĩ chỉ được làm đẹp khuôn mặt
Liên quan đến cái chết của một thai phụ sau khi phẫu thuật nâng ngực, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết bác sĩ thực hiện cho bệnh nhân chỉ được phép làm thẩm mỹ khuôn mặt.
Sáng 8/8, trao đổi với Zing.vn, bác sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết đang làm rõ nguyên nhân cái chết của chị Quý (22 tuổi, tạm trú ở huyện Hóc Môn).
Theo bác sĩ Trạng, khoảng giữa tháng 4, chị Quý (22 tuổi, tạm trú ở huyện Hóc Môn) được một bác sĩ công tác tại bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM đưa đến bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (quận 10) để phẫu thuật đặt túi nâng ngực.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được bác sĩ cho về uống thuốc kháng sinh, giảm đau. Hết thuốc, vết mổ chảy dịch, thai phụ đã ra ngoài mua thêm thuốc uống.
Sau đó, bệnh nhân khó thở, tụt huyết áp, được người nhà đưa vào bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn. Tại đây bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn hậu phẫu. Ngày 25/4, chị Quý được chuyển đến bệnh viện Nhân dân 115 điều trị.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mang thai khoảng 16 – 17 tuần, bị suy hô hấp, tụt huyết áp, phải thở máy, lọc máu. Dù được bác sĩ tích cực cứu chữa, người bệnh vẫn bị suy đa tạng phủ, không hồi phục. Ngày 4/5, chị Quý rơi vào hôn mê sâu, gia đình xin đưa về lo hậu sự.
Hiện Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đang yêu cầu bác sĩ phẫu thuật và 3 bệnh viện liên quan báo cáo lại sự việc. Sau đó, giám đốc Sở sẽ quyết định lập hội đồng y khoa để các chuyên gia đánh giá về vụ việc.
“Bác sĩ phẫu thuật đặt túi nâng ngực cho chị Quý có phòng khám giải phẫu thẩm mỹ. Người này nhận bệnh từ phòng khám và đưa sang bệnh viện Vạn Hạnh để mổ. Về chuyên môn, bác sĩ răng hàm mặt chỉ được phép làm trong phạm vi khuôn mặt (từ cổ trở lên)", bác sĩ Trạng nói.