Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 14/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Việt Nam mất nhiều dược liệu quý; Đội phản ứng nhanh cấp cứu đột quỵ đầu tiên ở miền Bắc; Sóc Trăng: Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng thông tin nguyên nhân tử vong của sản phụ; Phó giám đốc bệnh viện tự ý trực tiếp thu tiền bệnh nhân; Lãng phí trong khám BHYT: 'Cảm cúm cũng đè ra chụp CT'; Gần 90% trẻ mắc ho gà chưa tiêm phòng; ...

 

Việt Nam mất nhiều dược liệu quý

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170413/viet-nam-mat-nhieu-duoc-lieu-quy/1297094.html

Điều kiện tự nhiên ở Việt Nam là tiềm năng to lớn để phát triển nhiều loại dược liệu, đặc biệt là nhiều loại dược liệu quý, nhưng hiện nay việc phát triển dược liệu chỉ mới ở bước đầu...

Ngày 12-4, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiều loại cây dược liệu quý “chưa được quy hoạch dẫn đến hiệu quả khai thác thấp”. Trong khi đó VN phải nhập khẩu dược liệu, một số đã bị tách chiết hoạt chất trước khi được đưa về VN.

Chọn dược liệu quý 
làm sản phẩm quốc gia

“Cần quy hoạch sản xuất loại dược liệu gì, trồng ở đâu và lựa chọn một số dược liệu có tiềm năng để áp dụng cơ chế như với sản phẩm quốc gia”- Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, phát triển ngành dược liệu phải gắn với các doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp dược để chế biến tiết kiệm, có hiệu quả, bao bì đẹp, quảng bá mạnh mẽ là cách làm chúng ta đang cần đặt ra hiện nay và phải có hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra quốc tế.

Trước thực trạng quy mô phát triển cây dược liệu ở VN còn nhỏ bé, chưa có hiệu quả cao, còn nhiều lãng phí, một số cây có nguy cơ không tồn tại, Thủ tướng yêu cầu phải thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, ở từng địa phương cũng như các ngành, đặc biệt ngành y tế, để chú trọng tập trung phát triển.

Phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.Cùng với đó, phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, đặc biệt là sản xuất, chế biến, sử dụng kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.

Chưa phát huy được ưu điểm của dược liệu

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hiện VN chỉ còn 206 loài cây dược liệu có thể khai thác tự nhiên (trong khi có trên 5.000 loài cây dược liệu và nấm có thể dùng làm thuốc đã được tìm thấy).

VN cũng chưa phát huy được ưu điểm của các loài cây dược liệu đã có, như sâm Ngọc Linh có hàm lượng hoạt chất cao hơn nhân sâm Triều Tiên nhưng hầu hết dùng để... ngâm rượu và hầu như chưa đầu tư nuôi trồng, nghiên cứu, phát triển thương mại được nhiều. Cây thông đỏ Lâm Đồng có hàm lượng hoạt chất chữa ung thư cao nhất thế giới nhưng VN vẫn chưa sản xuất được loại thuốc sử dụng hoạt chất này, trong khi thế giới đã làm được từ năm 1994.

Thương mại hóa các bài thuốc cổ truyền

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT và các bộ liên quan chú trọng bảo tồn nguồn gen, phát triển dược liệu quý hiếm, hỗ trợ, phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ, thương mại hóa các bài thuốc y học cổ truyền..., thu hút đưa nhà máy chế biến vào những vùng sản xuất dược liệu có quy mô lớn.

“Dược liệu làm thuốc chữa bệnh thì phải chặt chẽ trước khi áp dụng, còn thuốc bồi bổ thì phải phổ cập cho nhân dân.Ngoài ra, ngành y tế phải mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng thuốc dược liệu, y học cổ truyền, khuyến khích người dân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.Nhu cầu về dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng.

Tăng cường quản lý, khai thác dược liệu buôn bán thuốc nam

Thời gian qua, người dân ở các huyện miền núi, vùng cao tỉnh Thanh Hóa như: Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Mường Lát thường vào rừng khai thác các loại cây, củ dược liệu (hà thủ ô, thiên niên kiện, máu chó, củ mài, củ ráy rừng...) bán cho tư thương xuất sang Trung Quốc, làm cạn kiệt nguồn dược liệu quý.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tại huyện miền núi Thường Xuân, Lang Chánh, người dân địa phương thường vào rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ khai thác cây, củ dược liệu như cây máu chó, củ thiên niên kiện, quả sa nhân, củ cu ly... bán cho tư thương, với giá thu mua tại địa phương chỉ dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg (tùy từng loại).

Còn tại huyện vùng cao Mường Lát, một số tư thương ở dưới miền xuôi lên tận xã Trung Lý, Nhi Sơn thu mua cây, củ dược liệu từ đồng bào dân tộc thiểu số đi vào rừng khai thác, cũng chỉ với giá trên dưới 7.000 đồng/kg (tùy từng loại).

Phần lớn nguồn dược liệu người dân khai thác ở miền núi Thanh Hóa, sau khi các tư thương thu mua rồi bán sang thị trường Trung Quốc đều ở dạng thô, nên giá trị kinh tế không cao. Việc người dân miền núi Thanh Hóa khai thác ồ ạt cây dược liệu, với tổng trọng lượng khai thác ước khoảng hàng tấn mỗi tháng, bán với giá rẻ mạt đã và đang làm cạn kiệt nguồn dược liệu quý của quốc gia.

Bên cạnh đó, việc người dân vào rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn khai thác cây dược liệu đã và đang gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh rừng, công tác bảo vệ rừng. Để giải quyết tình trạng nêu trên, mới đây phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền đã có ý kiến chỉ đạo Sở Y tế và các địa phương cần chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác dược liệu, buôn bán thuốc nam trên địa bàn.HÀ ĐỒNG

Cây hoàng liên trước đây là đặc trưng của dãy núi Hoàng Liên Sơn, nay chỉ thấy dấu tích. Nhiều dược liệu trước đây có thể thu hoạch hàng ngàn tấn/năm, nay gần như cạn kiệt, thậm chí nhiều cây dược liệu được đưa vào sách đỏ do có nguy cơ tuyệt chủng - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

 

Bé trai teo chân do bác sĩ để sót dị vật

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170413/be-trai-teo-chan-do-bac-si-de-sot-di-vat/1297091.html

Vết thương tưởng chừng rất đơn giản khi bị mảnh vỡ của kính bắn vào nhưng sau 4 tháng điều trị, chân phải của bé Mai Hoàng Thiên Bảo (7 tuổi ở xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) bị teo...

Gia đình bé cho rằng do bác sĩ làm sót dị vật khi sơ cứu ban đầu nên mới dẫn đến tình trạng chân bé biến chứng, ngày càng nặng. Trong khi đó, phía Bệnh viện II Lâm Đồng thương lượng với gia đình bé nhiều lần nhưng không thành do không thống nhất được mức bồi thường.

Theo chị Điệp (mẹ bé Bảo), vào đầu tháng 12-2016 con chị đang chơi trước nhà, bất ngờ bị cửa kính vỡ văng vào chân. Lúc đó, hai chân bé đều bị chảy máu rất nhiều nên gia đình đưa cháu đến Bệnh viện II Lâm Đồng cấp cứu. Lúc cấp cứu bé, chỉ có một điều dưỡng tên Vân thăm khám, lau rửa, khâu vết thương, chích ngừa. Khi mọi việc hoàn tất thì có bác sĩ Hoằng đến khám, cho đơn thuốc.

Gia đình lo lắng đã yêu cầu bác sĩ cho bé được chụp phim, truyền máu nhưng bác sĩ cho rằng vết thương không nghiêm trọng nên cho bé về, hẹn hôm sau tái khám. Do nghĩ vết thương không nghiêm trọng như lời bác sĩ nói nên gia đình rửa vết thương, cho con uống thuốc theo chỉ dẫn tại nhà. Sau khoảng nửa tháng, gia đình đưa bé đi cắt chỉ ở bác sĩ tư, lúc này bàn chân phải của bé không nhấc lên đi được.

Gia đình đã cho bé đi khám ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM). Các bác sĩ chẩn đoán bàn chân phải của cháu “rớt tổn thương hông khoeo ngoài”, phải mổ chuyển gân. Do chân bị teo nên các bác sĩ chưa thể mổ ngay mà đề nghị gia đình cho bé về tập vật lý trị liệu, hẹn 6 tháng sau sẽ mổ.

“Con tôi vừa uống thuốc, vừa tập vật lý trị liệu 20 ngày tại Bệnh viện II Lâm Đồng nhưng càng tập chân bé lại càng không đi được, chân ngày càng teo, không duỗi thẳng được. Tôi lại đưa con về Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình khám thì các bác sĩ chẩn đoán chân cháu bị đứt dây thần kinh và mổ lại vết thương. Khi mổ, các bác sĩ phát hiện trong chân bé còn 2 mảnh kính dài khoảng 2cm chèn lên dây thần kinh chân bé. Các bác sĩ cho rằng do còn sót dị vật bên trong nên con tôi mới bị chèn, liệt dây thần kinh” - chị Điệp kể lại.

Khi biết sự việc, gia đình cháu Bảo đã làm đơn kiến nghị gởi Bệnh viện II Lâm Đồng. Phía bệnh viện nhiều lần đến gia đình để thương lượng bồi thường. Đầu tiên bệnh viện chỉ đề nghị bồi thường 1 triệu đồng, rồi lên 10 triệu đồng và gần đây nhất vào ngày 10-4 là thương lượng mức 30 triệu đồng.

Theo chị Điệp, gia đình không đồng ý mức bồi thường này vì chi phí điều trị đến nay cho bé đã là 30 triệu đồng, trong khi bé còn phải trải qua một đợt phẫu thuật nữa. “Điều khiến tôi bức xúc nhất là phía bệnh viện cứ đổ lỗi cho gia đình, không nhận có sai sót. Chân của con tôi như thế, một phần là do lỗi của bác sĩ mà bây giờ họ lại không nhận lỗi. Từ đó đến nay, để có thời gian điều trị, bé phải nghỉ học lớp 2” - chị Điệp nói.

Theo thông tin từ Bệnh viện II Lâm Đồng, bệnh viện có nhiều lần mời gia đình cháu Bảo lên làm việc.

Bác sĩ Huỳnh Văn Thiên, giám đốc Bệnh viện II Lâm Đồng, cho biết dù ông đã nhận được biên bản làm việc của hội đồng y khoa của bệnh viện nhưng ông vẫn chưa thể ký văn bản trả lời cho gia đình bà Điệp vì biên bản này chưa ổn, có nhiều điểm đi ngược với ý kiến của ông. Ông đã yêu cầu mọi người họp lại, đưa ra cách giải quyết ổn thỏa mới ký văn bản.

Bác sĩ Thiên khẳng định: “Kíp trực hôm đó có sai sót khi đã không phát hiện ra dị vật. Kíp trực cho người bệnh về, hẹn tái khám mà không giải thích rõ với gia đình người bệnh là khả năng còn sót dị vật bên trong. Điều này khiến gia đình người bệnh không nắm rõ, không lường hết được tình trạng bệnh nên đã không quay lại tái khám theo hẹn. Tôi đã yêu cầu kíp trực và hội đồng y khoa của bệnh viện tiếp tục làm việc với gia đình để hỗ trợ tiền, mong nhận được sự thông cảm từ gia đình. Nếu không thỏa thuận được sẽ để vụ việc cho tòa án giải quyết theo đơn kiện của gia đình”.

 

Sóc Trăng: Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng thông tin nguyên nhân tử vong của sản phụ

http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/soc-trang-so-y-te-tinh-soc-trang-thong-tin-nguyen-nhan-tu-vong-cua-san-phu-205084.html

Ngày 12/4, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng đã thông tin chính thức về nguyên nhân tử vong của sản phụ sinh mổ Trà Thị Bích Liên (sinh năm 1987, ngụ ấp Tâm Kiên, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).

Theo kết quả họp của Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh, về mặt lâm sàng từ khâu nhận định tình trạng bệnh, đến khâu chuẩn bị mổ cũng như khi hồi sức cấp cứu, diễn biến bệnh tình của sản phụ Liên tương tự bệnh cảnh thuyên tắc ối. Diễn biến bệnh của sản phụ có hai yếu tố có nguy cơ dẫn đến thuyên tắc ối: thai phụ được chẩn đoán là nhau tiền đạo trung tâm và những chấn thương cho cơ tử cung khi mở tử cung để lấy thai, làm mở toang các mạch máu.

Theo bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM: “Hiện nay, trong y văn và bệnh viện Từ Dũ cùng một số bệnh viện khác, thuyên tắc ối được gọi chung là Hội chứng phản vệ trong thai kỳ vì bệnh cảnh diễn ra giống như một dị ứng toàn thân với nhiều lý do mà một trong những lý do đó là do nước ối đi vào trong lòng mạch gây nên những phản ứng.

Thuyên tắc ối là một bệnh rất hiếm, tỷ lệ tử vong chung cho bệnh này là 80 – 90%. Cơ hội cứu sống bệnh nhân rất thấp. Do đó, y văn gọi bệnh nhân tử vong do thuyên tắc ối là nạn nhân để chỉ những người mắc tai biến này và là một rủi ro y khoa không hề mong đợi.

Về trường hợp của sản phụ Trà Thị Bích Liên, sản phụ có diễn biến từ phù phổi cấp đến tím tái phù hợp với diễn biến sốc phản vệ trong thai nhi giai đoạn đầu tiên khởi phát với dấu hiệu sốc phản vệ trong thai kỳ sau đó, dẫn đến hội chứng rối loạn đông máu và cuối cùng bệnh nhân đi vào hôn mê. Diễn tiến theo trình tự giống hệt như một thuyên tắc động mạch phổi, bệnh cảnh cuối cùng là rối loạn đông máu và chảy máu.

Do đó, kết quả chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến tử vong của thai phụ là do chẩn đoán sốc phản vệ trong thai kỳ (thuyên tắc ối) và mất máu cấp gây ra tử vong. Kết quả kết luận cuối cùng sẽ dựa vào kết quả giải phẫu bệnh của Viện Pháp y Quốc gia.

Từ kết quả cuộc họp, Hội đồng thẩm định tỉnh đã kiến nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo bệnh viện Chuyên khoa Sản – Nhi cần tiếp tục quan tâm chia sẻ với gia đình thai phụ, đặc biệt quan tâm chăm sóc tốt cho bé trai – con của thai phụ, hiện đang được chăm sóc tại bệnh viện. Hai bệnh viện phối hợp tổ chức kiểm thảo tử vong theo đúng quy chế bệnh viện, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm qua cấp cứu điều trị đối với trường hợp bệnh nhân bị thuyên tắc ối khi sinh.

Như tin đã đưa trước đó, vào khoảng 12 giờ 45 phút ngày 2/4, sản phụ Trà Thị Bích Liên nhập viện và được các y bác sỹ chẩn đoán chuyển dạ sinh, thai tuần thứ 38 nhau tiền đạo trung tâm.

Đến ngày 5/4, sau khi làm các thủ tục xét nghiệm, các y bác sỹ đã mổ lấy thai nhi lúc 14 giờ 30 phút cùng ngày.

Trong quá trình mổ, ngay sau khi lấy thai nhi ra ngoài sản phụ Liên đột ngột ngừng tim, ngừng thở, nồng độ oxi trong máu giảm dần. Tại đây, các bác sỹ tiến hành dùng phương pháp đặt nội khí quản ngay trên bàn mổ.Đồng thời, bệnh viện có mời bác sỹ Chuyên khoa hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng hỗ trợ về chyên môn. Sau hơn 1 giờ mổ, tình trạng sức khỏe bệnh nhân không được cải thiện, mạch, huyết áp không bắt, không đo được, nhịp tim không đều, vết mổ rỉ máu, ống nội khí quản trào ra...

Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, tình trạng sức khỏe bệnh nhân diễn biến xấu và được chuyển qua Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng điều trị và đã tử vong lúc 21 giờ cùng ngày.

 

Phó giám đốc bệnh viện tự ý trực tiếp thu tiền bệnh nhân

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170413/pho-giam-doc-benh-vien-tu-y-truc-tiep-thu-tien-benh-nhan/1297517.html

Bệnh viện Gò Vấp, TP.HCM vừa báo cáo ban giám đốc Sở Y tế TP.HCM các nội dung phản ánh của báo Tuổi Trẻ liên quan bác sĩ Vũ Hoàng Hà - phó giám đốc Bệnh viện Gò Vấp kiêm trưởng khoa ngoại tổng hợp.

Theo Bệnh viện Gò Vấp, bệnh viện đã ban hành quy trình tiếp nhận bệnh, quy trình phẫu thuật dịch vụ. Các dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện đều được thực hiện trên sự tự nguyện của bệnh nhân thông qua giấy cam kết thực hiện dịch vụ và được lưu vào hồ sơ bệnh án.

Bệnh viện cũng có thông báo cụ thể cho bệnh nhân đến khám chữa bệnh nắm rõ qui định về thu phí khám chữa bệnh.

Ngoài ra, bệnh viện còn thông báo và thường xuyên nhắc nhở trong các buổi giao ban bệnh viện là nghiêm cấm tất cả nhân viên bệnh viện (trừ kế toán, nhân viên thu phí được giao nhiệm vụ) không được thu và nhận tiền trực tiếp của bệnh nhân dưới bất kỳ mọi hình thức.

Nếu cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo nội quy, quy chế bệnh viện và quy định của pháp luật.

Đối với bệnh nhân đến khám chữa bệnh, bệnh viện có ban hành thông báo hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh và được dán công khai tại từng khoa phòng.

Về nội dung báo Tuổi Trẻ phản ánh liên quan đến bác sĩ Vũ Hoàng Hà - phó giám đốc Bệnh viện Gò vấp, theo Bệnh viện Gò Vấp, ông Hà được phân công phụ trách kiểm tra, giám sát, phụ trách hoạt động chuyên môn khối ngoại và trực tiếp lãnh đạo, điều hành khoa ngoại tổng hợp từ tháng 8-2016.

Qua sự việc xảy ra, cấp ủy, ban giám đốc bệnh viện nhận định là do ông Vũ Hoàng Hà chưa tuân thủ nội quy, quy trình, quy chế của bệnh viện, đã tự ý trực tiếp thu tiền của bệnh nhân sau khi mổ mà không có hóa đơn.

Hiện bệnh viện đã tạm đình chỉ việc khám và phẫu thuật cho bệnh nhân của ông Hà trong thời gian xem xét, kiểm tra, xác minh vụ việc.

 

Lãng phí trong khám BHYT: 'Cảm cúm cũng đè ra chụp CT'

http://plo.vn/xa-hoi/lang-phi-trong-kham-bhyt-cam-cum-cung-de-ra-chup-ct-695265.html

Kiểm tra hồ sơ khoa da liễu tại một bệnh viện cho thấy có nhiều chỉ định siêu âm trong khi bệnh án lại không thể hiện.

Tại buổi tọa đàm MTTQ Việt Nam tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ngày 13-4 do Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp BHXH Việt Nam tổ chức, ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHYT Việt Nam, đã đưa ra một số dẫn chứng về sự lãng phí trong việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.

Theo ông Bằng, qua kiểm tra thực tế hơn 1.000 hồ sơ khoa da liễu tại một bệnh viện cho thấy nhiều hồ sơ có chỉ định siêu âm, trong khi bệnh án lại không thể hiện. Ngoài ra, một số bệnh viện còn đặt máy móc, thiết bị y tế đắt tiền để thu hồi vốn nhanh bằng cách tăng cường chỉ định chụp, siêu âm vì chi phí cho các dịch vụ này khá cao.

“Đây là những lạm dụng về chỉ định y thuật, gây lãng phí trong khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT mà chưa thể đánh giá được.Với những vi phạm như vậy, cơ quan BHYT kiên quyết không chi" - ông Bằng nói.

 

Gần 90% trẻ mắc ho gà chưa tiêm phòng

http://dantri.com.vn/suc-khoe/gan-90-tre-mac-ho-ga-chua-tiem-phong-20170413082913845.htm

Trong số 226 bệnh nhi được chuẩn đoán ho gà tại BV Nhi Trung ương, thì có đến 89,8% trẻ chưa được tiêm phòng. Trong đó, hơn 88% trẻ đến tuổi tiêm nhưng chưa được tiêm mũi vắc xin phòng ho gà.

Tại Hội nghị khoa học điều dưỡng Nhi khoa toàn quốc lần thứ 13 diễn ra tại BV Nhi Trung ương ngày 12/4, nghiên cứu khoa học của tập thể khoa Truyền nhiễm cho thấy, tỉ lệ mắc ho gà ở trẻ em liên quan chặt chẽ tới tiêm ngừa vắc xin.

Theo đó, trong 226 bệnh nhi được chẩn đoán ho gà tại viện, trẻ mắc bệnh nhỏ tuổi nhất là 7 ngày, lớn nhất là 80 tháng (có tiêm phòng 3 mũi cơ bản nhưng chưa được tiêm nhắc lại). Đối tượng bệnh nhân chủ yếu ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi, trong đó nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi chiếm tỷ lệ 37%. Tỷ lệ trẻ chưa được tiêm phòng bệnh ho gà cao, chiếm tỷ lệ gần 90%, trong đó có 88% trẻ đến tuổi tiêm phòng nhưng chưa được tiêm.

Về tình hình dịch ho gà những tháng đầu năm 2017, thống kê của Cục Y tế Dự phòng cho biết có 55 trường hợp mắc bệnh ho gà, trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ.Đáng lưu ý, có 5 trường hợp trẻ tử vong vì bệnh ho gà trong tổng số 55 ca mắc bệnh.Tỷ lệ trẻ tử vong cao trong tổng số ca mắc bệnh ho gà là vấn đề đáng lưu tâm để các bậc phụ huynh phòng bệnh cho trẻ nhỏ.

Tại hội nghị khoa học điều dưỡng nhi khoa toàn quốc lần thứ 13 có 17 báo cáo khoa học cả trong nước và quốc tế được trình bày với các chủ đề như: Đặc điểm chăm sóc các trường hợp hở thành bụng bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 2; Đánh giá kiến thức về phòng và xử trí sốc phản vệ của điều dưỡng các khoa lâm sàng Bệnh viện 198; Thực trạng tuân thủ quy trình kỹ thuật đặt thông tiểu của điều dưỡng khoa phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An.

PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, vai trò của điều dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân là vô cùng quan trọng. Trong 30 năm qua kể từ ngày được thành lập, điều dưỡng BV Nhi Trung ương luôn là người đồng hành với các bác sĩ, chăm sóc bệnh nhân từ những điều đơn giản nhất như tắm bé, chăm sóc da, rốn trẻ sơ sinh… cho đến ứng dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong ghép gan, ghép thận, ghép tế bào gốc, mổ tim... Ngay với các phẫu thuật khó nhất, ca bệnh thành công, sự đóng góp của điều dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân, chống nhiễm khuẩn sau mổ là vô cùng quan trọng.

 

Đi khám đau răng, bé trai 9 tuổi được kê thuốc... đặt âm đạo

http://khampha.vn/suc-khoe/di-kham-dau-rang-be-trai-9-tuoi-duoc-ke-don-thuoc-dat-am-dao-c11a517376.html

Đến bệnh viện để khám đau răng, khi cầm đơn thuốc trong tay phụ huynh hốt hoảng khi thấy bác sĩ kê thuốc đặt âm đạo cho con trai mình.

Bé trai P.K.Q. (9 tuổi, ở Yên Bái) được bố đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 (Yên Bái) để khám răng. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm cuống răng số 21.

Sau khi có chỉ định, các bác sĩ đã kê đơn thuốc cho bé Q. Điều đáng nói, trong đơn thuốc đó dù giới tính ghi rõ là nam, nhưng lại chỉ định đặt thuốc âm đạo.

Theo chia sẻ của bố bé Q., sự việc trên xảy ra hồi cuối tháng 3/2017 và được phát hiện sau khi đã rời bệnh viện. “Khi về nhà, mọi người xem đơn thuốc để đi mua thì mới phát hiện ra sự việc trầm trọng này”, bố bé Q. chia sẻ.

Ngay sau đó, gia đình đã liên hệ ngay với bệnh viện và đã nhận được lời xin lỗi từ lãnh đạo bệnh viện. Phía bệnh viện cũng giải thích rằng đó là do sơ suất khi thực hiện thao tác đánh máy.

Liên hệ với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 Yên Bái thì được xác nhận đây đúng là đơn thuốc của bệnh viện kê. Đồng thời vị phó giám đốc bệnh viện cho rằng đây là do lỗi đánh máy, phía bệnh viện cũng đã gửi lời xin lỗi gia đình bệnh nhân.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của gia đình, phía bệnh viện cũng đã điều chỉnh lại đơn thuốc cho bé Q. và gửi lại phía gia đình. Riêng đối với nhân viên y tế để xảy ra sai sót trên, lãnh đạo bệnh viện cũng đã họp và kiểm điểm.

Thực tế những trườn hợp như bé Q. không phải là hiếm gặp. Khoảng giữa năm 2016, một bệnh nhân nam đến Bệnh viện Đa khoa Gia Lai để khám bệnh.Sau khi thăm khám, bệnh viện chẩn đoán nam bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và kê đơn thuốc về nhà điều trị, bác sĩ kê 5 loại thuốc kèm hướng dẫn sử dụng.

Khi về nhà, nam bệnh nhân mang đơn thuốc ra xem thì tá hỏa phát hiện trong đơn thuốc, ngay ở mục 1, ghi tên thuốc “Clanzaer 200mg” chỉ định “đặt vào âm đạo, tối 1 viên”.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo bệnh viện này cho biết, đó là do lỗi y tá đánh máy và lỗi chưa đến mức kỷ luật.Tuy nhiên, phía bệnh viện sẽ xem xét để có biện pháp xử lý cụ thể.

 

Rượu bán khắp nơi, giá rẻ như mua một chai nước lọc

http://www.vietnamplus.vn/bai-2-ruou-ban-khap-noi-gia-re-nhu-mua-mot-chai-nuoc-loc/440542.vnp

Thực tế hiện nay, những chai, những can rượu trắng không nhãn mác, cơ sở sản xuất hiện được bày bán ở khắp nơi, từ quán hàng ăn vỉa hè, quán cơm, quán ốc… thậm chí vào cả các nhà hàng từ thành phố tới các vùng nông thôn.

Các vụ ngộ độc rượu có Methanol liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây và mức độ nghiêm trọng của các ca ngộ độc đã làm dấy lên câu hỏi về chất lượng rượu sản xuất trong nước và công tác quản lý ngành cồn rượu của Việt Nam.

10.000 đồng một lít rượu trắng

Những tháng gần đây, sau một số vụ việc người dân sử dụng rượu không rõ nguồn gốc gây ra ngộ độc rượu dẫn tới các trường hợp tử vong liên tiếp tại tỉnh Lai Châu và thủ đô Hà Nội đã gây bức xúc trong dư luận.

Bàn luận về việc sử dụng rượu, phó giáo sư Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho biết, rượu bia là một thức uống cần có trong cuộc sống và trở thành một nét văn hóa với người dân Việt Nam. Hiện nay, tình trạng báo động là hầu như nhà hàng, quán ăn nào cũng đều có bán các loại rượu không nhãn mác, rượu trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ với các tên gọi như “rượu quê”, rượu “quốc lủi,” rượu “nút lá chuối”…

Về chất lượng của các loại rượu, theo thống kê của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, có tới hơn 80% rượu tiêu dùng trong dân hiện nay là rượu không nhãn mác.

Theo tiến sỹ Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), những vụ ngộ độc rượu do Methanol không phải do rượu truyền thống. Ông Cường chỉ rõ, dù qua quá trình chưng cất rượu truyền thống có thể sinh ra một lượng Methanol nhưng nó không đủ để gây ngộ độc cho người sử dụng. Nguyên nhân của tình trạng ngộ độc và tử vong hàng loạt thời gian gần đây là do việc sử dụng cồn công nghiệp có chủ đích trong sản xuất rượu.

Ông Cường dẫn chứng thẳng thắn: “Thực tế, rượu không chỉ chứa Methanol mà còn chứa chất Andehit gây hại. Song, trong quá trình khảo sát, nhiều địa phương có nơi bán rượu chỉ bán với giá 10-12.000 đồng/lít. Với mức giá đó thì giá bán rượu trắng như giá của 1 lít nước lọc. Vì vậy, nếu người bán không pha chế thì không có mức giá như trên.”

Phân tích về nguyên nhân của những ca tử vong do rượu trong thời gian qua, ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) dẫn chứng, các đây 4-5 năm, từ vụ ngộ độc tử vong do rượu có Methanol ở Bình Định và ở Tây Nguyên đầu tiên. Khi đó, có 5 người tử vong. Qua công tác điều tra cho thấy, có một thanh niên mang can rượu ở nơi khác đến bán cho những cửa hàng nhỏ lẻ. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, loại rượu đó là cồn công nghiệp pha với nước lã.

Ông Long phân tích thêm, các vụ tử vong do rượu trong thời gian từ đầu năm đến nay được xác định đa số là do cồn Methanol pha với nước, điển hình như một số vụ ngộ độc rượu vừa xảy ra tại Lai Châu và Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm: Ngộ độc rượu – Thực trạng và giải pháp tổ chức gần đây, nhiều ý kiến đặt vấn đề của các đại biểu cho rằng: từ xưa đến nay người dân vẫn có thói quen uống rượu nấu như vậy tại sao không ngộ độc Methanol mà gần đây lại tăng mạnh?

Lý giải về vấn đề trên, ông Việt nhấn mạnh, các vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy từ đầu năm 2017 tới nay đã được các cơ quan chuyên môn xác định là do các nạn nhân sử dụng các loại rượu tự pha chế với cồn công nghiệp, không rõ nguồn gốc, không phải cứ rượu tự nấu là gây ngộ độc. Các loại rượu tự pha chế trên có chứa Methanol vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí có trường hợp lượng Methanol vượt ngưỡng đến hàng ngàn lần.

1 lít rượu: Hơn nửa hàm lượng là Methanol

Những thông tin kiểm nghiệm về chất lượng rượu của cơ quan chức năng trong thời gian gần đây khiến nhiều người bàng hoàng, giật mình bởi những hóa chất độc hại có trong rượu cao ngất ngưởng và ở mức cực kỳ nguy hại.

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) dẫn chứng, một số trường hợp rượu có Methanol vượt giới hạn cho phép như: Sở Y tế Hà Nội công bố mẫu rượu được lấy từ 2 chai rượu trắng pha cẩm ở hàng cơm V.T, số 95 khu giãn dân phường Mộ Lao, Hà Đông cho kết quả có hàm lượng Methanol là 202.475/mg/l vượt tiêu chuẩn 2.000 lần (mức cho phép 100mg/l); mẫu rượu được lấy từ rượu ngâm ở gia đình ông Nguyễn Đình Ch. địa chỉ số 59, tổ 24, phường Khương Đình, Thanh Xuân, có hàm lượng Methanol 89.680mg/l, vượt gần 900 lần.

Tại các tỉnh phía Nam, Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ phát hiện một cơ sở bán rượu tại thành phố Cần Thơ có hàm lượng Methanol vượt gần 700 lần, Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến thực phẩm Sài Gòn Safoco có hàm lượng Methanol trong rượu cao gấp 172 lần.

Điển hình nhất là vụ ngộ độc rượu tại tỉnh Lai Châu xảy ra gần đây, qua công tác kiểm tra của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy lượng Methanol có trong rượu của người dân uống lên tới 556.000 mg/l – vượt mức cho phép hơn 5.000 lần.

“Như kết quả xét nghiệm rượu trong vụ ngộ độc tại Lai Châu vừa xảy ra tháng trước cho thấy lượng Methanol có trong rượu của người dân uống lên tới 556.000 mg/l – như vậy, trong một lít rượu đó có hơn một nửa là Methanol, còn lại là nước. Ơ Hà Nội, qua công tác kiểm tra cũng cho kết quả những loại rượu gây ngộ độc chết người là do Methanol được pha với nước lã và các trường hợp ngộ độc gây tử vong chủ yếu là do Methanol,” ông Nguyễn Hùng Long chỉ rõ.

Theo ông Thịnh, rượu pha Methanol rất nguy hiểm bởi khởi đầu nó có tác dụng tương tự như rượu thông thường. Khi vào cơ thể, Methanol được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là mắt và não. Phải mất 12 giờ, thậm chí 1-2 ngày sau khi uống, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê… Khi đó tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng.

Những lỗ hổng trong quản lý cồn công nghiệp

Chưa bao giờ, tình trạng số người tử vong vì rượu xảy ra dồn dập và trên diện rộng như hiện nay.

Những kết quả phân tích từ ngành y tế cho thấy, đa phần nạn nhân ngộ độc rượu do có hàm lượng Methanol trong máu ở ngưỡng rất cao. Nguyên nhân là do có một bộ phận người kinh doanh buôn bán đã pha cồn công nghiệp để tạo ra rượu với mức độ vô cùng nguy hại.

Cùng lật lại việc quản lý việc mua bán Methanol, một loại hóa chất chỉ được dùng trong công nghiệp – nếu như dùng vào thực phẩm gây ra ngộ độc nặng dẫn tới tử vong.

Thực tế, việc mua phụ gia hóa chất Methanol trên thị trường rất dễ dàng trên thị trường như các cơ sở kinh doanh, bán buôn phụ gia, hóa chất công nghiệp, các loại cồn khô, cồn lỏng công nghiệp (Methanol, Ethanol)...

Trên mạng, chỉ cần tìm cụm từ “mua cồn công nghiệp” là hiện ra hàng loạt trang web đăng tải, quảng cáo việc bán cồn công nghiệp rất dễ dàng.Họ đăng hình ảnh, số điện thoại liên hệ, với giá cả dao động từ 12.000-20.000 nghìn đồng/lít.Người mua chỉ cần thêm sản phẩm vào giỏ hàng của mình hay gọi điện tới số điện thoại liên hệ trên đó là có thể mua được số lượng lớn cồng công nghiệp (Methanol).

Phân tích về công tác quản lý các loại hóa chất, ông Cường nhấn mạnh, để giải quyết được bài toán về an toàn thực phẩm nói trên, chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính là chúng ta là phải kiểm soát chặt chẽ và làm tốt khâu quản lý được nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thực phẩm. Chẳng hạn như công tác quản lý các chất phụ gia cho vào thực phẩm, các hóa chất như Methanol đang nhập khẩu, cồn công nghiệp không đạt yêu cầu…

"Chúng ta có thể thấy tại Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, bất kỳ ai ra khu vực ở Hàng Buồm, hàng Hòm hay tại Thành phố Hồ Chí Minh ra chợ Kim Biên là có thể mua được các chất phụ gia hay hóa chất một cách rất dễ dàng. Chính vì những kẽ hở đó mà trong chương trình làm việc của Bộ Công thương cùng lãnh đạo hai thành phố lớn trên cố gắng làm sao để giải quyết được tình trạng mua bán, sử dụng hóa chất một cách tùy tiện đang diễn ra ở một số trung tâm đô thị lớn cho hiệu quả,” ông Cường thẳng thắn.

Methanol là hóa chất độc hại, theo quy định của pháp luật, sản xuất, kinh doanh loại hóa chất này phải thực hiện xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh tại Sở Công Thương. Đồng thời, khi mua/bán phải xây dựng Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc, trong đó, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường.

Tiến sỹ Nguyễn Huy Cường chỉ rõ, theo Nghị định 94 thì rượu là một chất lỏng trong đó chứa etilic, ethanol hay... được lên men từ sản phẩm có các dung dịch từ đường để qua chưng cất mới tạo ra được rượu. Điều đó có nghĩa là Methanol không được định nghĩa là rượu.

Ông Cường nhấn mạnh, Methanol hiện nay ở Việt Nam cũng chưa sản xuất được, chủ yếu là nhập khẩu, dùng trong công nghiệp. Trong các giai đoạn trước kia, để quản lý cồn công nghiệp, người ta cho Xanh methylen vào, vì vậy cồn công nghiệp sẽ có màu xanh vào để tránh nhầm với cồn thực phẩm. Còn hiện nay, việc quản lý loại hóa chất này vẫn thực hiện chưa nghiêm.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, việc dùng cồn công nghiệp Methanol pha thành rượu, đâu phải bây giờ mới phát hiện ra. Rượu được pha chế từ loại hóa chất trên không thể coi là rượu, mà đó là một thứ thuốc độc cực mạnh.

Các đây mấy năm, các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo, nhất là tại Nghệ An, người ta bán trong thùng phi, bán vô tư, bao nhiêu cũng có, nguồn Methanol nhập lậu, thải loại.

Vị Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng phân tích, hiện nay tại các cửa hàng ăn hầu như đều bán đồ uống, nhưng ai sẽ là người kiểm tra chất lượng rượu ở các hàng ăn đó? Chính quyền không thể đứng ngoài cuộc được. Điều đáng lo ngại là hiện nay cơ quan chức năng và các địa phương chưa chưa kiểm soát được việc pha chế rượu từ cồn công nghiệp Methanol, cũng như chưa quản lý được rượu nấu thủ công trong các hộ gia đình.

“Rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và được quy định hạn chế kinh doanh. Vậy việc cấp phép đã làm nghiêm chưa hay có tình trạng cấp phép dễ dàng? Công tác thanh kiểm tra chỉ kiểm tra cửa hàng lớn mà bỏ qua các cửa hàng nhỏ lẻ?Một vụ ngộ độc rượu chết cùng lúc mấy người thì rất nghiêm trọng. Vì vậy, không thể để thực trạng rượu không có nhãn mác mà vẫn lưu thông hồn nhiên trên thị trường được,” ông Hùng cương quyết.

Thực trạng công tác quản lý hóa chất methanol hiện nay.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc lưu hành rượu có chứa Methanol trên thị trường cũng được các chuyên gia chỉ rõ do người pha chế rượu, sản xuất rượu một phần vì ham lợi, một phần vì thiếu hiểu biết nên chế ra loại rượu có chứa Methanol từ các loại cồn công nghiệp có hàm lượng methanol cao.

Hậu quả của tình trạng trên là người tiêu dùng uống bị ngộ độc thậm chí dẫn tới tử vong. Bên cạnh đó là các làng nghề bị ảnh hưởng không nhỏ trong cơn bão rượu có Methanol…

 

Ma túy dạng giấy thấm có thể gây ảo giác nhiều năm

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170413/ma-tuy-dang-giay-tham-co-the-gay-ao-giac-nhieu-nam/1297565.html

Đây là loại ma túy có nguy cơ xâm nhập vào khu vực trường học, đặc biệt các thành phố lớn, trẻ có thể sử dụng bằng cách đặt dưới lưỡi và để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe tâm thần.

Thông tin từ hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 13 và 14-4 cho biết ngày càng có nhiều loại ma túy thế hệ mới xuất hiện tại VN. Trong số này có loại ma túy thường được bán ở dạng giấy thấm LSD, miếng hình vuông nhỏ.

Loại ma túy này làm nặng thêm tình trạng rối loạn tâm thần có sẵn, có thể khiến bệnh nhân tiến triển thành tâm thần phân liệt, trầm cảm nặng do tình trạng ảo giác kéo dài, thường kéo dài tới 18 tháng hoặc nhiều năm.

Đây là loại ma túy từng gây lo ngại có thể xâm nhập vào khu vực trường học, đặc biệt trường học ở các thành phố lớn, trẻ có thể sử dụng bằng cách đặt dưới lưỡi và để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe tâm thần.

Các bác sĩ ở Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay qua điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc ma túy thế hệ mới, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân ngộ độc sau khi sử dụng ma túy thế hệ mới gặp nhiều tình huống nguy hiểm tới tính mạng và sức khỏe, như tính khí thay đổi, hung hãn, ảo giác, loạn thần kiểu tâm thần phân liệt, tăng thân nhiệt, co giật, xuất huyết nội sọ, nghiến răng, có người vận động kiểu múa vờn và nghiến răng liên tục.

Các bác sĩ cho biết đang tăng cường cập nhật kiến thức điều trị bệnh nhân ngộ độc ma túy thế hệ mới nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

 

Bị phát hiện mổ bò lậu cắn răng tiêu hủy hơn 6 tấn thịt

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/bi-phat-hien-mo-bo-lau-can-rang-tieu-huy-hon-6-tan-thit-695369.html

“Do biết giết mổ trái phép là sai quy định nên ông Trần Hữu Thanh (Đồng Tháp) tự nguyện tiêu hủy 6.130 kg thịt bò và phụ phẩm”.

Chiều 13-4, ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết thông tin trên.

Trước đó, rạng sáng cùng ngày, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an TP.HCM phối hợp Chi cục Thú y TP kiểm tra nhà không số tại tổ 7, ấp 2A, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM). Đoàn kiểm tra đã phát hiện ông Trần Hữu Thanh đang tổ chức giết mổ bò trái phép.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận hoạt động giết mổ được thực hiện trên sàn nhà dơ bẩn, đọng máu, đọng nước. Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Thanh thừa nhận hoạt động giết mổ trái phép tại địa chỉ trên được thực hiện từ tháng 1-2017.Đoàn kiểm tra còn phát hiện hai kho lạnh cũng tại địa chỉ trên đang chứa nhiều thịt bò và phụ phẩm.

 

Thử nghiệm chữa tiểu đường type 1 bằng tế bào gốc

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170413/thu-nghiem-chua-tieu-duong-type-1-bang-te-bao-goc/1297469.html

Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM) là bệnh viện duy nhất hiện nay được thử nghiệm lâm sàng phương pháp này.

Bộ Y tế vừa cho phép Bệnh viện Vạn Hạnh thử nghiệm lâm sàng đề tài “Đánh giá an toàn và hiệu quả bước đầu của phương pháp ghép tế bào gốc trung mô ở bệnh nhân đái tháo đường type 1”, thực hiện từ nay đến tháng 9-2018.

Theo ThS.BS Lê Thị Bích Phượng, trưởng đơn vị Tế bào gốc Bệnh viện Vạn Hạnh, phương pháp ghép tế bào gốc trung mô thích hợp với những bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường type 1, tuổi từ 40 trở xuống.

Bệnh nhân đái tháo đường type 1 hiện nay phải tiêm insulin hằng ngày để duy trì mức đường huyết và liều dùng insulin thì ngày càng tăng.

Tế bào gốc giúp ngăn quá trình hủy hoại tế bào beta, và tái tạo lại 1 phần tế bào beta.Nhờ đó, bệnh nhân sẽ ổn định đường huyết, giảm liều dùng insulin và phòng ngừa biến chứng.Đối với các bệnh nhân mới phát hiện tiểu đường type 1 thì có thể ngừng sử dụng insulin ngoại sinh trong một thời gian.

 

Nhiều bệnh nhân nặng, tiên lượng tử vong được thầy thuốc hồi sức cứu sống

http://suckhoedoisong.vn/nhieu-benh-nhan-nang-tien-luong-tu-vong-duoc-thay-thuoc-hoi-suc-cuu-song-n130321.html

Hiện nay, Việt Nam đã ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong hồi sức cấp cứu như công nghệ tim phổi nhân tạo, kỹ thuật lọc máu liên tục, một số kỹ thuật thông khí nhân tạo đặc biệt

Thông tin tại Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành cấp cứu hồi sức cấp cứu được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 13-14/4, cho biết, nếu như trước đây bệnh nhân bị ảnh hưởng hô hấp do bại liệt, uốn ván thể nặng, sốc nhiệt, viêm cơ tim, phù phổi cấp tổn thương, hội chứng suy đa phủ tạng hoặc cúm A (H5N1), nguy cơ tử vong rất cao thì ngày nay cơ hội sống của bệnh nhân tăng rất nhiều đó là do Việt Nam đã áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân.

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, chuyên ngành hồi sức cấp cứu và chống độc ở Việt Nam ngày càng phát triển với hàng loạt khoa chuyên sâu ra đời, hội nhập nhanh chóng và tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong hồi sức cấp cứu như công nghệ tim phổi nhân tạo, kỹ thuật lọc máu liên tục, một số kỹ thuật thông khí nhân tạo đặc biệt, nhờ vậy mà có nhiều bệnh nặng, tiên lượng tử vong cao đã được giảm xuống rất nhiều, như bệnh viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn... tuy nhiên, chi phí cho những hoạt động này hết sức đắt đỏ, nhiều khi vượt quá khả năng chi trả của người bệnh.

Trước thực trạng này, Hội hồi sức và chống độc đang đề xuất với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thanh toán hoặc chi trả 1 phần đối với các kỹ thuật cao này.

Bên lề Hội nghị, TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai) đưa ra những cảnh báo trong việc cấp cứu người bệnh đột quỵ. Theo TS Chi, một thực tế tồn tại trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là người nhà thường cuống quá nên đã “chạy quanh”. Trong khi đó với đột quỵ, tiếp cận can thiệp càng sớm càng tốt. Chỉ một phút chậm trễ đã có thể khiến hàng triệu tế bào não bị chết, để lại tình trạng di chứng não không phục hồi

“Với cấp cứu đột quỵ, thời gian và não cực kỳ quan trọng.Chậm trễ về thời gian sẽ phải trả giá bằng tổn thương não”- TS Chi nói.

Theo TS Nguyễn Văn Chi, các ca cấp cứu do đột quỵ đang gia tăng trong các năm gần đây, thậm chí có thời điểm, tại đây tiếp nhận 3-5 ca/ngày. Đột quỵ nếu không được xử trí sớm và đúng cách sẽ gây các tai biến nặng nề như: Tổn thương não, liệt… Do vậy, người dân cần nhận biết các triệu chứng của đột quỵ.

TS Chi cũng nêu lên một thực trạng là khó phân biệt “trúng gió” và đột quỵ.Hiện  trong dân gian có khái niệm “trúng gió”, “cảm”. Đây là khái niệm chỉ tình trạng bất thường về sức khỏe một cách đột ngột.Mọi vấn đề, từ đau bụng nôn nhiều, sau tắm thấy lạnh, đêm ngủ đi vệ sinh bị yếu nửa người… lâu nay chúng ta nghĩ rằng là cảm, trúng gió.Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhóm bệnh nhân này cũng đã có những người là do đột quỵ não. Một người xuất hiện nói khó, nói ngọng, liệt, sau đó trở về bình thường đó là những nghi ngờ của cơn thiếu máu thoáng qua, người dân không thể có kiến thức để khẳng định, giải quyết được vấn đề đó.

Vì vậy khi thấy người có biểu hiện đột cần cho họ nằm ở tư thế đầu cao nghiêng 1 bên để nếu có bị nôn không bị sặc, gây tắc đường thở, sau đó liên hệ với BV. “Đột quỵ nhẹ có thể thoáng qua rồi tự hết khiến người đó có thể chủ quan nhưng hoàn toàn không phải là trúng gió như theo cách gọi trong cộng đồng. Do đó, khi thấy bất thường cần đến ngay cơ sở y tế”, TS Chi khuyến cáo

Cũng theo TS Nguyễn Văn Chi, để chẩn đoán đúng, nhanh tình trạng người bệnh, từ đó cho ra quyết định điều trị hiệu quả đòi hỏi các bác sĩ phải thành thạo, có đủ kiến thức, trang thiết bị tốt. Hiện BV Bạch Mai đã thành lập đội phản ứng nhanh cấp cứu bệnh nhân đột quỵ ngoại viện. Tiêu chí đưa ra là việc tiếp cận, chẩn đoán cho đến khi thực hiện can thiệp điều trị cho bệnh nhân đột quỵ không quá 45 phút. Thế nhưng, tại khoa Cấp cứu A9 đã đạt được tiêu chí tiếp cận, chẩn đoán bệnh nhân trước 45 phút với hầu hết các ca cấp cứu đột quỵ

Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành Hồi sức cấp cứu và chống độc được diễn ra trong 2 ngày 13/14-4 với sự tham gia của các bác sỹ chuyên ngành hồi sức cấp cứu và chống độc đến từ các bệnh viện trên cả nước. Hội nghị cũng có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế đến từ những nước có nền y học phát triển.Đây là dịp để các chuyên gia y tế trong nước tiếp cận với những công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, cập nhật những thông tin mới, kỹ thuật mới để cứu sống những bệnh nhân nặng.

 

Hy hữu: Sản phụ suy thận giai đoạn cuối vẫn sinh con an toàn

http://giadinhphapluat.vn/hy-huu-san-phu-suy-than-giai-doan-cuoi-van-sinh-con-an-toan-p47224.html

Bị suy thận giai đoạn cuối và phải chạy thận nhân tạo định kỳ, chị Mơ (Thái Bình) không bao giờ nghĩ đến chuyện có thai chứ chưa nói đến việc sinh con khỏe mạnh.

Nhưng với sự nỗ lực của bản thân cùng với gia đình và các bác sĩ, điều kỳ diệu đã thành hiện thực.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai vừa mổ lấy thai thành công cho sản phụ Nguyễn Thị Mơ (30 tuổi, xã Đông Mỹ, Thái Bình) đang mang thai ở tuần thứ 33. Cháu bé ra đời nặng 2,2kg, đang được chăm sóc đặc biệt tại khoa Nhi.

Sản phụ Nguyễn Thị Mơ mắc bệnh suy thận mạn tính 7 năm nay và phải chạy thận chu kỳ tại Bệnh viện đa khoa Thái Bình. Khi phát hiện có thai do “vỡ kế hoạch”, chị Mơ đã đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám, xin ý kiến tư vấn của các bác sĩ.

Khi đó thai đã lớn 18 tuần, mẹ suy thận nặng nên nếu hủy thai kỳ sẽ gây nhiều nguy cơ về tính mạng cho mẹ. Trước mong mỏi của người mẹ được giữ và sinh đứa con cho gia đình, các bác sĩ khoa sản và khoa thận phải hội chẩn, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều lần, quyết định cùng thai phụ theo dõi thai kỳ chờ ngày sinh nở.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng (Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Người bình thường có thai khó một thì bệnh nhân suy thận mạn tính lọc máu chu kỳ có thai khó khăn hơn cả trăm lần. Điều quan trọng là rất khó duy trì được thai nhi cho đến khi đủ tuổi thai. Với người mẹ suy thận, các độc tố trong máu thường cao nên thai nhi khó có thể phát triển bình thường."

Để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi, quá trình lọc máu được thực hiện với một quy trình đặc biệt kết hợp theo dõi với nhiều chuyên khoa. Các bác sĩ khoa Thận nhân tạo, khoa Sản phải theo dõi người mẹ từng ngày để điều chỉnh tăng cân, theo dõi từng chỉ số, tình trạng nước ối, siêu âm kiểm tra sự phát triển của thai nhi, rau thai… Bệnh nhân có bất cứ vấn đề gì bất thường phải vào viện ngay lập tức.

Đến tuần thai thứ 33, các bác sĩ thống nhất mổ bắt con để tránh những nguy cơ rủi ro cho mẹ và con. Ngày 4/4, bé gái chào đời nặng 2,2 kg được đặt tên Bảo Châu và được chăm sóc đặc biệt tại khoa Nhi. Sau 1 tuần chăm sóc, ngày 10/4 cháu bé Bảo Châu đã được ra viện trong niềm vui của gia đình và tập thể các bác sĩ.

Tiến sĩ Dũng cho biết, từ năm 2015 đến nay, đây là sản phụ thứ 3 bị suy thận giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ được bệnh viện Bạch Mai điều trị quản lý thai kỳ và sinh con an toàn.

Trước đó, cuối năm 2015, cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, sản phụ Hoàng Ngọc Yến (31 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) bị suy thận giai đoạn cuối, lọc máu chu kỳ 7 năm, nhưng vẫn có thai và sinh con khỏe mạnh.

Trên thế giới có 52 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo thì mang thai, song chỉ 23 bé ra đời, trong số đó 10 bé sống không có khuyết tật về thể chất và phát triển.

Theo TS Dũng, các bệnh nhân suy thận khi quyết định sinh con, phải hết sức cân nhắc và được theo dõi, tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để có thể quản lý và duy trì thai nghén an toàn cho cả mẹ và con.

 

Đội phản ứng nhanh cấp cứu đột quỵ đầu tiên ở miền Bắc

http://vov.vn/xa-hoi/doi-phan-ung-nhanh-cap-cuu-dot-quy-dau-tien-o-mien-bac-613382.vov

BV Bạch Mai là đơn vị đầu tiên ở miền Bắc có đội phản ứng nhanh cấp cứu bệnh nhân đột quỵ.

Hôm nay (13/4), tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành hồi sức cấp cứu và chống độc.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, với các trường hợp đột quỵ, việc đáp ứng nhanh, tiếp cận sớm là điều vô cùng quan trọng để can thiệp, giảm tổn thương não cho bệnh nhân. Đội phản ứng nhanh được thành lập nhằm đáp ứng kịp thời việc khám, chụp chẩn đoán, can thiệp mạch tiêu sợi huyết cho bệnh nhân, nhất là khi số ca cấp cứu do đột quỵ đang gia tăng trong các năm gần đây, có thời điểm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ 3 đến 5 ca/1 ngày.

Tiêu chuẩn vàng trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là thực hiện tiêu sợi huyết dưới 3 tiếng đồng hồ sau khi bệnh nhân có triệu chứng và thời gian cho phép tối đa là sau khoảng 4 giờ. Thời gian từ khi tiếp cận, chẩn đoán đến khi can thiệp điều trị cho bệnh nhân cần đạt tiêu chuẩn không quá 45 phút nhưng tại Bệnh viện Bạch Mai, việc này được thực hiện trước 45 phút với hầu hết các ca cấp cứu đột quỵ.

Các triệu chứng đột quỵ gồm những dấu hiệu bất thường về chức năng ý thức, vận động như: nói khó, nói ngọng, liệt nửa mặt… Khi đó nên cho bệnh nhân nằm với tư thế an toàn: đầu cao nghiêng 1 bên để lưỡi không tụt vào đường thở và bệnh nhân không bị sặc nếu có đờm dãi hoặc nôn. Sau đó, liên lạc trung tâm cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Nếu xử trí không đúng, bệnh nhân có thể tử vong do sặc vào phổi.

Các dấu hiệu của đột quỵ nhẹ có thể thoáng qua rồi tự hết khiến người bệnh chủ quan, cho là bị trúng gió. Do vậy, khi thấy bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế. Đặc biệt, không nên cho bệnh nhân uống an cung ngưu hoàng hoàng để cấp cứu đột quỵ vì khi đó bệnh nhân phản xạ kém, có thể bị sặc vào phổi, gây nguy hiểm tính mạng.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang