Chưa thể “nới lỏng” mục tiêu giảm sinh
Dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế lấy ý kiến để hoàn thiện. Nhiều ý kiến cho rằng nên trao quyền lựa chọn về số con cho các cặp vợ chồng, cá nhân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dân số, nếu để quyền tự quyết định số con cho các cặp vợ chồng, cá nhân, vô hình trung sẽ làm tăng sinh trở lại, khi đó sẽ gây ra nhiều thách thức cho an sinh xã hội...
Theo kết quả điều tra biến động dân số năm 2014, cả nước có khoảng 25 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 tuổi đến 49 tuổi). Điều này cho thấy “tiềm năng” sinh đẻ trong những năm tới là rất lớn. Và nếu để các cặp vợ chồng, cá nhân tự quyết định số con sẽ tiềm ẩn nguy cơ tăng dân số, với ước tính mỗi năm có khoảng 200 nghìn đến 500 nghìn trẻ em được sinh thêm. Với tỷ lệ sinh tăng vài phần nghìn mỗi năm, thì sau năm đến mười năm, số trẻ em này lớn lên, nhu cầu về an sinh xã hội sẽ đặt ra nhiều vấn đề bức thiết khi tăng tới hàng triệu người ở mỗi nhóm tuổi. Các trường học sẽ gặp khó khăn vì lượng học sinh tăng đột biến, dẫn đến không bảo đảm số lớp; ngành y tế cũng sẽ chịu áp lực không nhỏ trong công tác khám chữa bệnh, quá tải bệnh viện... Đó là chưa tính đến giải quyết việc làm, bảo đảm làm đúng ngành, nghề được đào tạo...
Mối quan hệ dân số và phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, nước ta chưa thể nới lỏng mức sinh trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Các nhà kinh tế đã tính toán, nếu tỷ lệ tăng dân số là 1%, để duy trì mức sống như hiện tại, thì mức tăng trưởng kinh tế phải tăng thêm 4%. Như năm 2014, với nền kinh tế được phục hồi, nước ta đạt mục tiêu tăng trưởng là 5,8%. Như vậy, nếu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra và tỷ lệ dân số không tăng, thì chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện. Còn nếu “nới lỏng” để tỷ lệ dân số tăng lên như những năm hiểu nhầm về Pháp lệnh Dân số (năm 2003), thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ phải là 6,0%. Như vậy, nếu để dân số tăng trở lại thì mục tiêu tăng trưởng 6,2% cũng chỉ có thể duy trì chất lượng cuộc sống như cũ.
Theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS - KHHGĐ (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Tân, có ba kịch bản cho quy mô dân số: nếu mức sinh tăng trở lại và tổng tỷ suất sinh có thể lên tới 2,3 - 2,5 con/phụ nữ, thì đến năm 2040 quy mô dân số ở nước ta đạt cực đại ở mức quá cao (khoảng 130 - 140 triệu người); nếu để mức sinh giảm xuống quá thấp và tổng tỷ suất chỉ khoảng 1,35 con/phụ nữ thì vào khoảng năm 2040, quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại khoảng 95 - 100 triệu dân. Kịch bản thứ ba, duy trì mức sinh thấp hợp lý, với tổng tỷ suất sinh khoảng từ 1,9 đến 2,0 con/phụ nữ thì quy mô dân số nước ta sẽ chỉ đạt mức cao nhất khoảng 115 triệu người vào năm 2040 là hợp lý nhất.
Tuy nước ta đã đạt mức sinh thay thế nhưng chưa thật ổn định và có sự khác biệt giữa các vùng, miền. Các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì mức sinh thấp trong năm, sáu năm qua như TP Hồ Chí Minh là 1,68 con/phụ nữ; tỷ lệ này ở Cà Mau là 1,7... Ngược lại, một số tỉnh như Hà Tĩnh, tổng tỷ suất sinh lên đến 2,95; Quảng Trị là 2,75; Kon Tum là 2,7... Cho nên, cần có những chính sách cụ thể cho từng vùng, từng địa phương. Đối với những nơi như vùng cao, miền núi, vùng khó khăn vẫn chưa đạt mức sinh thay thế, cần tiếp tục thực hiện các chính sách để giảm mức sinh nhằm đưa về mức sinh thay thế. Còn đối với những tỉnh đã duy trì được mức sinh thay thế (từ 1,9 đến 2,1) thì tiếp tục duy trì mức sinh như hiện nay, đồng thời tập trung các chương trình, dự án để từng bước nâng cao chất lượng dân số. Còn với những tỉnh, thành phố hiện ở mức sinh thấp, thì cần có những chính sách phù hợp để mỗi gia đình sinh đủ hai con theo quy định.
Nhiều chuyên gia lĩnh vực dân số cho rằng, với quy mô dân số như hiện nay, duy trì mức sinh với tổng tỷ suất sinh từ 1,9 - 2,0 con/phụ nữ là hợp lý nhất. Như vậy, quy mô dân số nước ta sẽ ổn định ở mức 115 - 120 triệu người. Việc duy trì mức sinh hợp lý sẽ tạo ra quy mô dân số ổn định ở mức thấp, cơ cấu tuổi của dân số sẽ cân bằng, giảm dần sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các vùng miền, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện tại và tương lai.
Chiến lược DS/KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng phê duyệt nêu rõ các lĩnh vực ưu tiên trong công tác dân số: Giải quyết đồng bộ các vấn đề dân số, sức khỏe sinh sản, tập trung nâng cao chất lượng dân số; cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng”; chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh và đặt ra mục tiêu “duy trì mức sinh thấp hợp lý”. Theo đó, tổng tỷ suất sinh hợp lý nhất là 1,9 con vào năm 2015 và 1,8 con vào năm 2020 (Nhân dân (trang 5).
Bé trai 18 tháng tuổi nuốt cây đinh dài 4,5 cm vào bụng
Đó là trường hợp của bé trai P.T.T. (18 tháng tuồi, ngụ Cà Mau). Trước đó, cha ruột của bé khi đi làm về đã bất cẩn cho con 2 cây đinh để chơi dẫn đến trường hợp hi hữu đáng tiếc xảy ra. Chiều 31.10, bác sĩ Phạm Trung Dũng, Trưởng phòng Nội soi, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết, qua phim chụp X-quang, các bác sĩ đã phát hiện dị vật trong ruột non của bé trai P.T.T. (18 tháng, ngụ Cà Mau). Sau khi nội soi, dị vật được lấy ra là... một cây đinh dài 4,5 cm.
Bên cạnh đó, bác sĩ Dũng cũng cho biết thêm, cây đinh đã di chuyển và làm tổn thương, trầy xước dạ dày của bé. Rất may gia đình đã phát hiện và đưa bé đến cơ sở y tế kịp thời.
Ba của bé T. kể lại, đi làm về, thấy con trai đang nằm chơi trên võng, anh đã bất cẩn đưa hai cây đinh cho con cầm. Một lúc sau thì thấy bé khóc thét và nôn ói. Nhìn quanh võng thì anh chỉ thấy còn lại một cây đinh. Nghi ngờ con đã nuốt phải cây đinh kia nên anh và gia đình đã đưa bé đến bệnh viện.
Theo bác sĩ Dũng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 thường xuyên tiếp nhận và xử lý nhiều trường hợp trẻ nuốt phải dị vật như đồng xu, tăm bông, bông tai, muỗng, tăm xỉa răng... Nhiều trường hợp, trẻ nuốt phải dị vật nhưng gia đình không phát hiện kịp thời dẫn đến nguy hiểm tính mạng và những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Qua đó, bác sĩ khuyến cáo, trẻ nhỏ không phân biệt được nguy hiểm, bất cứ vật gì cũng có thể đưa vào miệng và nuốt. Vì vậy, phụ huynh phải rất cẩn trọng khi đưa đồ vật cho trẻ chơi, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra như trên. (Thanh niên (trang 2).
"Vi khuẩn ăn mô người" lại tấn công
Ông Nguyễn Văn Thường (75 tuổi ở xã Hậu Thành, huyện Cái Bè) là ca bệnh thứ 2 ở tỉnh Tiền Giang được ghi nhận mắc căn bệnh cam tẩu mã do vi khuẩn ăn mô người gây nên. Bệnh nhân này bị hoại tử tổ chức vùng thái dương bên phải, mất vành tai phải, liệt mặt bên phải trên cơ địa suy tim do cao huyết áp. Tình trạng của bệnh nhân diễn biến hơn 6 năm qua với những dấu hiệu bất thường ngày càng tăng ở vùng mặt, tai. Ông Thường khám ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh và TP.HCM được chẩn đoán ung thư vành tai phải. Vì không có tiền chạy chữa nên ông xin về nhà, từ đó đến nay bệnh diễn tiến chậm với nhiều đợt cấp tính xen kẽ gây đau nhức, tạo mủ vàng xanh. Gần đây ông bị hoại tử tổ chức vùng thái dương bên phải và tai phải.
Tuy nhiên kết quả phân tích cho thấy ông Thường có thể không phải mắc ung thư mà do vi khuẩn ăn mô gây hoại tử. Đây là một bệnh hiếm, địa phương chưa có tiền lệ nên chưa thể phân lập chủng loại vi khuẩn để đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh phù hợp. Ngành y tế địa phương đã có báo cáo lên Bộ Y tế và đang tiến hành các xét nghiệm tầm soát vi trùng để hội chẩn các chuyên khoa trong thời gian tới.
Trước đó ở Tiền Giang cũng đã ghi nhận trường hợp ông Huỳnh Văn Đạt (44 tuổi, cũng ở xã Hậu Thành) mắc căn bệnh tương tự. Đến nay bệnh của ông Đạt tiến triển rất nặng, toàn bộ gương mặt bị biến dạng hoàn toàn, hoại tử cả xương hàm trên, lan vào ống tai ngoài bên trái, bắt đầu lan qua tai bên phải và còn lan rộng lên trên hầu họng và vào đến nền sọ. Anh Đạt không còn nhìn thấy đường, ăn uống khó khăn, sức khoẻ ngày càng yếu và không còn đi lại được.
Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ, Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang thì qua quan sát dịch tễ có thể có 2 vấn đề là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ở các bệnh nhân trên. Thứ nhất là do môi trường sinh sống của người dân ở vùng sông nước nuôi nhiều gia súc gia cầm, môi trường không vệ sinh nên dễ dẫn đến lây nhiễm vi khuẩn. Bên cạnh đó nông dân phải làm lụng vất vả mà chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thể trạng suy yếu nên dễ bị vi khuẩn tấn công.
Bệnh cam tẩu mã là bệnh do vi khuẩn ăn mô người gây nên, thường xuất hiện đầu tiên ở lợi hay niêm mạc má sau đó lan nhanh ra các vùng xung quanh, làm thủng thành trên miệng, thông vào hốc mũi ở sàn mũi. Nếu bệnh nhân không được điều trị sớm thì vi trùng sẽ ăn sứt mũi ngoài, lan ra xương gò má, mắt, ăn dần lên não và tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 500.000 người bị ảnh hưởng bởi bệnh này, mỗi năm có 140.000 ca mới được ghi nhận.
Bệnh này hoàn toàn có thể chữa được nếu phát hiện sớm. Ở Việt Nam, một bệnh nhân 27 tuổi ở Bình Phước đã được chữa khỏi bằng cách cắt lọc, rửa mô hoại tử và điều trị. Bệnh nhân đã khỏi bệnh hoàn toàn trong vòng 3 tuần. (An ninh thủ đô (trang 8).
Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho vợ chồng hiếm muộn
30 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn sẽ được Bệnh viện Mỹ Đức (TP HCM) hỗ trợ chi phí thụ tinh ống nghiệm. Chương trình từ thiện “Ươm mầm hạnh phúc” lần hai bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1/12 đến 10/12. Điều kiện tham gia là các cặp vợ chồng chưa có con, đã có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm mà chưa đủ điều kiện kinh tế thực hiện hoặc đã thất bại một chu kỳ. Người vợ dưới 37 tuổi, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, không có tổn thương ở buồng trứng, tử cung bình thường và ống dẫn trứng không ứ dịch. Người chồng cần có từ một triệu tinh trùng di động trong tinh dịch trở lên.
Các cặp vợ chồng muốn tham gia chương trình cần có xác nhận hộ nghèo từ địa phương, giấy tóm tắt bệnh án từ bác sĩ của cơ sở y tế đang điều trị hiếm muộn. Chương trình tài trợ chi phí quá trình thụ tinh ống nghiệm, không hỗ trợ việc đi lại, ăn ở, khám sàng lọc... Chi phí sẽ được hỗ trợ từ khi bắt đầu điều trị cho đến khi bệnh nhân có thai 7 tuần (siêu âm thấy túi thai) hoặc khi đã sử dụng hết phôi trữ lạnh sau lần làm thụ tinh trong ống nghiệm. Số phôi còn trữ lạnh sau khi sinh em bé sẽ được xử trí theo đề xuất của bệnh viện và chọn lựa của các cặp vợ chồng.
Các hồ sơ thông qua 2 vòng xét duyệt bởi hội đồng chuyên môn và bắt đầu quá trình điều trị từ ngày 22/12. Trường hợp có nhiều hơn 30 hồ sơ đạt yêu cầu, hồ sơ được chọn dựa trên hai yếu tố là đủ điều kiện tham gia chương trình và theo thứ tự thời gian nhận hồ sơ.
Chương trình "Ươm mầm hạnh phúc" lần thứ nhất bắt đầu từ cuối năm 2014, điều trị hiếm muộn bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí hoàn toàn cho 30 trường hợp. Trong 30 trường hợp được theo dõi điều trị đã có 16 ca mang thai, một trường hợp có thai tự nhiên sau chọc hút trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm. Trong đó có 8 thai phụ sinh em bé khỏe mạnh, 8 trường hợp còn lại thai đã trên 4 tháng tuổi và phát triển tốt. Bé gái đầu tiên của chương trình chào đời vào ngày 28/8 tại Hà Nội.
Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 80 triệu cặp vợ chồng gặp vấn đề về hiếm muộn. Tại Việt Nam, ước tính có gần một triệu cặp vợ chồng gặp vấn đề khó khăn trong việc mang thai tự nhiên. Hai phương pháp điều trị hiếm muộn phổ biến hiện nay là bơm tinh trùng vào buồng tử cung, hay còn gọi là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.
Thụ tinh trong ống nghiệm là kỹ thuật thường được dùng trong trường hợp tắc 2 ống dẫn trứng, tinh trùng bất thường nặng (thậm chí không có tinh trùng), thụ tinh nhân tạo thất bại nhiều chu kỳ… Với kỹ thuật này, người vợ được tiêm thuốc để kích thích buồng trứng. Khi các nang noãn đạt đến kích thước nhất định, noãn sẽ được chọc hút ra ngoài và kết hợp với tinh trùng chồng để thành phôi. Khoảng 2-3 ngày sau khi lấy noãn ra ngoài, phôi được chuyển vào buồng tử cung. Các phôi dư còn lại nếu chất lượng tốt sẽ được trữ lạnh để sử dụng sau này.
Tổng thời gian để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm trung bình 2-4 tuần. Chi phí tại Việt Nam ước tính 50-60 triệu đồng cho một chu kỳ điều trị, thấp hơn khoảng 3-5 lần so với thực hiện tại nước ngoài. Hiện nay cơ hội thành công của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trung bình khoảng 40%, có thể thay đổi tùy theo từng bệnh nhân.
Địa chỉ nhận hồ sơ: Bệnh viện Mỹ Đức, số 4 Núi Thành, Phường 13, Quận Tân Bình, TP HCM, gửi qua đường bưu điện từ ngày 1/12 đến 10/12.
Hội đồng chuyên môn gồm: Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM; Tiến sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM; Thầy thuốc ưu tú Trịnh Viết Tín, Giám đốc Bệnh viện Mỹ Đức; Thạc sĩ Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức.
Liên hệ chương trình qua mail info.ivfmd@gmail.com hay https://www.facebook.com/IVFMD.Vietnam(Gia đình & Xã hội (trang 2).
Cứu sống bệnh nhân bị đâm thủng tim, thủng phổi
Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang vừa mổ cứu sống một bệnh nhân không may bị đâm thủng tim, thủng phổi. Đó là bệnh nhân Lê Nghiệp Thành, 26 tuổi, ngụ phường 4, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Bệnh nhân Thành được đưa vào viện vào lúc 18g ngày 30.10, trong tình trạng bị 5 vết đâm trên người và huyết áp bệnh nhân bằng 0, thở nhanh.
Các y bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán: Bệnh nhân có đa vết thương ngay vùng trước ngực và sau lưng; bị thủng tim, thủng phổi. Trước tình trạng nguy kịch, bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang khẩn trương phẫu thuật cứu người.
Khi tiến hành ca mổ, người bệnh nhân bị 2 vết đâm làm thủng phía dưới phổi trái, thủng mặt trước tâm thất trái dài khoảng 0,5cm và máu đang phun ra nhiều nên được ê kíp phẫu thuật khâu vết thương tim và vết thương phổi.
Ngoài ra, bệnh nhân Thành còn bị đâm 1 vết thủng mặt trước gan trái, 3 vết thương phần mềm ở vai phải, lưng phải.
Sau gần 2 giờ làm việc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, ca phẫu thuật đặc biệt này hoàn thành. Sau khi giải phẫu, bệnh nhân đã dần hồi phục sức khỏe. Hiện bệnh nhân đang đang được tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại bệnh.
Riêng việc “hung thủ” có hành động gây thương tích nghiêm trọng đối với Lê Nghiệp Thành đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. (Thanh niên (trang 17).