Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 02/08/2023

  • |
T5g.org.vn - Ngành y tế tiếp tục tập trung cao độ hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Huy động nguồn nhân lực y tế chất lượng cao phục vụ khám, chữa bệnh…

 

Hà Nội kiểm tra đột xuất cơ sở y, dược tư nhân

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, Sở đã cấp 226 giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; 1.190 chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh; cấp 637 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, 898 chứng chỉ hành nghề dược.

Đối với công tác kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan quản lý đã thực hiện kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 42 cơ sở, qua đó thu hồi giấy phép hoạt động của 6 cơ sở; chuyển Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử lý, xử phạt 26 cơ sở; đề nghị quận, huyện, thị xã xử lý 5 cơ sở; dừng hoạt động để khắc phục 2 cơ sở và yêu cầu khắc phục đối với 3 cơ sở.

Với các cơ sở hành nghề dược, các đoàn kiểm tra đã phát hiện vi phạm, thu hồi 36 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chuyển Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử lý 5 cơ sở, chuyển quận, huyện xử lý 13 cơ sở.

Theo Sở Y tế Hà Nội, ngay từ đầu năm 2023, Sở đã xây dựng kế hoạch về việc kiểm tra, hậu kiểm hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn thành phố; tổ chức giao ban công tác quản lý hành nghề đối với các quận, huyện, thị xã và các cơ sở hành nghề ngoài công lập trên địa bàn để đánh giá tình hình, nêu rõ các tồn tại, hạn chế và yêu cầu phối hợp theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm. Công tác kiểm tra, hậu kiểm ưu tiên hình thức kiểm tra đột xuất những cơ sở có thực hiện kỹ thuật, thủ thuật xâm lấn, cơ sở hành nghề có yếu tố nước ngoài. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phê duyệt; không đảm bảo về điều kiện nhân sự, sử dụng người nước ngoài hành nghề không đúng quy định; trong quá trình hoạt động cơ sở không đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và vệ sinh môi trường được thẩm định.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết khuyến khích người dân cùng tham gia giám sát, phát hiện các sai phạm để có thông tin nhanh, có phương án xử lý kịp thời. Đồng thời, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường rà soát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn, đặc biệt chú trọng chấn chỉnh các cơ sở hành nghề không phép, các cơ sở khám chữa bệnh đăng tải quảng cáo chưa được cấp phép, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các lỗi vi phạm. (Thanh niên, trang 14).

 

Huy động nguồn nhân lực y tế chất lượng cao phục vụ khám, chữa bệnh

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về lĩnh vực y tế tại hội thảo khoa học diễn ra sáng 1-8, GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội kiến nghị: Cần có cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn để phục vụ công tác khám, chữa bệnh của Thủ đô.

Chưa xứng tầm với vị thế

Trong lĩnh vực y tế, việc sửa đổi Luật Thủ đô cần quán triệt các quan điểm, định hướng Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Việc sửa đổi Luật Thủ đô trong lĩnh vực y tế phải xuất phát từ thực trạng, tính đặc thù, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô qua từng giai đoạn cụ thể.

Trên thực tế, chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn chưa xứng tầm với vị thế là cơ sở y tế tuyến cuối của Thủ đô Hà Nội. Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở còn thiếu và xuống cấp. Nguồn nhân lực y tế còn thiếu về số lượng khi tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân của thành phố chưa cao.

Bên cạnh đó, sự mất cân đối nghiêm trọng về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học dự phòng; giữa các chuyên khoa trong từng lĩnh vực với nhau là vấn đề tồn tại nhiều năm nay mà vẫn chưa có những giải pháp chính sách để giải quyết hiệu quả.

Theo ông Tạ Thành Văn, chất lượng cán bộ y tế của Hà Nội còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Một minh chứng cho thấy, trước năm 2013, khi Hà Nội ký kết dự án đào tạo đội ngũ bác sĩ nội trú với Trường Đại học Y Hà Nội thì số bác sĩ nội trú tốt nghiệp làm việc cho các bệnh viện trực thuộc Hà Nội trong vòng 40 năm chỉ là 60 người (giai đoạn 1974-2012).

Khắc phục điều này, giai đoạn 2013-2020, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã ký kết hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú cho Hà Nội với Trường Đại học Y Hà Nội và chỉ trong 8 năm, đơn vị đã cung cấp cho Hà Nội 182 bác sĩ nội trú thuộc các chuyên ngành khác nhau. Nếu tính đến sự cân đối về chất lượng nguồn nhân lực y tế giữa các chuyên khoa thì bức tranh còn “ảm đạm” hơn nhiều.

“Hãy tạm so sánh danh mục chuyên môn mà các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội làm được với các bệnh viện tuyến trung ương đóng ngay trên địa bàn thì sẽ thấy rõ. Sự thiếu vắng các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế chất lượng cao ở ngay các bệnh viện của Hà Nội như giải phẫu bệnh, lao, truyền nhiễm, xét nghiệm... Nếu tính đến các bệnh viện ở các quận/huyện ngoại thành thì tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều”, đại biểu nêu thực trạng.

Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh

Từ thực tế trên, đại biểu đã góp ý một số nội dung tập trung vào lĩnh vực y tế được quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cụ thể, trong điều 27 của dự thảo Luật về “Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân”, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi này tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và có trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bởi lẽ Thủ đô Hà Nội mặc nhiên được “tận hưởng” nguồn nhân lực chất lượng cao nhất của đất nước, thuộc các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội, trong các lĩnh vực như quy hoạch quản lý đô thị, giao thông đô thị và quản lý xử lý môi trường, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ...

Hà Nội cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Các chính sách này không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí.

Ngoài ra, Luật sửa đổi cần bổ sung cơ chế, chính sách cho việc chuyển vượt tuyến thuận lợi khi tuyến dưới không thực hiện được các nhiệm vụ chuyên môn. Cơ chế tính toán chi phí và phân bổ tài chính cũng không nên tập trung vào các cơ sở y tế tuyến trên. Việc đầu tư cho tuyến y tế cơ sở kết hợp với phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình không chỉ góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên mà còn bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Vì vậy, dự thảo cần làm rõ hơn việc xây dựng hệ thống y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế gia đình gắn với cơ chế đặc thù cho y tế Hà Nội.

Trong dự thảo Luật cũng cần đề cập vai trò của y tế tư nhân với chính sách ưu đãi đặc thù trong việc thực thi nhiệm vụ trong chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô. Bài học về công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy sự tham gia rất khiêm tốn của các cơ sở y tế ngoài công lập trong khi toàn bộ hệ thống y tế công lập từ trung ương xuống cơ sở đều quá tải. Do vậy, dự thảo Luật cần thiết đưa ra chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư các cơ sở y tế tư nhân trong lĩnh vực y học dự phòng. (Hà Nội mới, trang 3).

 

Ngành y tế tiếp tục tập trung cao độ hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Y tế đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực chuyên môn; công tác xây dựng thể chế chính sách được đẩy mạnh; khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được tháo gỡ...

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ Y tế tổ chức ngày 31/7.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Lê Đức Luận; Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.

Không để 'dịch chồng dịch'

Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin về công tác y tế thời gian qua và những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Bộ Y tế cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, ngành Y tế đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực chuyên môn. Toàn ngành tiếp tục giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh khác, không để 'dịch chồng dịch'.

Các chính sách đãi ngộ đối với lực lượng y tế, đặc biệt cán bộ tuyến đầu phòng chống dịch được chú trọng; hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ Y tế chủ động, khẩn trương, kịp thời tổ chức quán triệt, xây dựng và ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình công tác để triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngành đã đẩy mạnh công tác thể chế, kiện toàn hệ thống tổ chức, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án được phê duyệt và triển khai các giải pháp chuyên môn phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, nhất là khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án còn tồn tại như các dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức.

Bộ Y tế đã tích cực triển khai thực hiện 201 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó hoàn thành 56 nhiệm vụ; các nhiệm vụ quá hạn, chưa hoàn thành đang được Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt xử lý và báo cáo theo quy định.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành tiếp tục giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh khác, không để "dịch chồng dịch".

Bộ Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả vai trò Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Bộ đề xuất việc điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền việc công bố hết dịch COVID-19; rà soát sửa đổi, bãi bỏ các quy định liên quan đến phòng, chống dịch.

Song song đó, Bộ xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025; nghiên cứu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 phù hợp tình hình và việc tiêm vaccine phòng COVID-19 hằng năm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Bộ Y tế chủ động triển khai tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp để bảo đảm nguồn vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Đồng thời tiếp tục theo dõi, bám sát các diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhất là dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết,…); chuẩn bị sẵn sàng kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh.

Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở khám chữa bệnh áp dụng các phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị

Bộ Y tế đánh giá, công tác khám bệnh, chữa bệnh thông thường đã được hồi phục sau hơn 3 năm phòng chống dịch COVID-19. Cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trên toàn quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượt khám bệnh ngoại trú và nội trú đều tăng tại các bệnh viện, một số bệnh viện có số lượng tăng hơn trên 50% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ người bệnh hài lòng đạt trên 90%.

Bộ thường xuyên rà soát, cập nhật và ban hành các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh, các quy trình kỹ thuật theo thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh áp dụng các phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến như mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh (có 23 bệnh viện hạt nhân, 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó 100% bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh, ngoài ra có một số bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa); tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới…

Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát và thúc đẩy công tác cải tiến chất lượng, đẩy mạnh triển khai tư vấn, khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối bệnh viện tuyến trên với các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Thực hiện công tác tài chính y tế, Bộ thực hiện rà soát, sắp xếp danh mục dịch vụ kỹ thuật và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở thực hiện giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, đảm bảo vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các Thông tư tạo hành lang pháp lý cho việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.

Tiếp tục tập trung cao độ công tác hoàn thiện thể chế, chính sách

Lắng nghe gần 20 ý kiến tham luận, chia sẻ và đề xuất của các đơn vị thuộc/ trực thuộc Bộ và ý kiến trao đổi của các đồng chí Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, phát biểu kết luận cuộc họp, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận và biểu dương những kết quả các Cục/Vụ/Văn phòng/Viện/Trung tâm/Bệnh viện/Trường và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ nỗ lực đạt được thời gian qua.

Bộ trưởng cho biết trong thời gian qua ngành đã tập trung cao độ cho công tác xây dựng, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật như Thông tư, Nghị định, Nghị quyết, Đề án để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của ngành sau thời gian dài chống dịch COVID-19. "Chúng ta còn 7 dự luật phải xây dựng từ nay đến cuối nhiệm kỳ và nhiều Nghị định khác về những nội dung liên quan đến ngành. Đây là những nhiệm vụ vô cùng nặng nề, vất vả nhưng bắt buộc chúng ta phải làm"- Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng xây dựng kế hoạch của Bộ Y tế về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến ngành.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành y tế cũng thẳng thắn cho rằng mặc dù đã nỗ lực đạt được không ít kết quả trong thời gian qua, nhưng ngành còn phải tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao, trong đó có việc tăng cường thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền tối đa cho các đơn vị; tập trung tháo gỡ khó khăn trong vấn đề cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng...

"Đề nghị các Cục/Vụ/đơn vị liên quan đến những nhiệm vụ này quan tâm thực hiện đúng quy định, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân"- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đánh giá cao các bệnh viện đã tích cực, nỗ lực trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế… nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Liên quan đến vaccine tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng thông tin, thời gian qua Bộ Y tế đã nỗ lực trao đổi với các Tổ chức quốc tế WHO, UNICEF cũng như các đơn vị liên quan trong nước và đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình. Đến nay doanh nghiệp và WHO, UNICEF đã hỗ trợ 258.000 liều vaccine 5 trong 1 về Việt Nam để phục vụ công tác tiêm chủng miễn phí cho trẻ em. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị liên quan tiếp tục nỗ lực phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan để nhanh chóng tiến hành mua sắm, đặt hàng vaccine tiêm chủng mở rộng.

Đánh giá thời gian qua, các Cục/Vụ/ đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao về tài chính y tế, đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, chính sách BHYT, công tác truyền thông y tế, xây dựng định mức kỹ thuật, danh mục kỹ thuật… nhưng Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các đơn vị tiếp tục phải nỗ lực, phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của các đồng chí Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực. Những nội dung nào còn vướng mắc, cần trao đổi phải khẩn trương báo cáo lãnh đạo Bộ để có phương hướng tháo gỡ, báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ… (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Gặp họa vì ăn tiết canh

Từ đầu năm đến nay, ghi nhận hàng chục ca bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh, tiếp xúc với thịt lợn bệnh hoặc ăn thịt lợn chưa nấu kỹ. Nhiều người nhập viện trong tình trạng chân bị hoại tử với nhiều mảng tím đen, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy đa tạng hôn mê phải thở máy.

Liên cầu khuẩn lợn là bệnh thường gặp, gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, thời gian điều trị dài ngày và rất tốn kém, di chứng để lại nặng nề.

Tỉnh lại trên giường bệnh sau nhiều ngày cấp cứu, ông Phạm Văn B. (47 tuổi, phường Đại Yên, TP Hạ Long) không thể ngờ mình suýt mất mạng chỉ vì mua thịt lợn ở chợ về chế biến mà gây họa. Theo các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), ông B bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn biến chứng suy đa tạng do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Ông D. phải thở máy và điều trị hồi sức tích cực 8 ngày mới thoát khỏi nguy hiểm.

BS CKI Nguyễn Sỹ Mạnh - Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Người bệnh nhiễm liên cầu lợn gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết; viêm màng não mủ; hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng. Biểu hiện của bệnh thường sau vài tiếng đến 4 – 5 ngày, có trường hợp ủ bệnh tới 14 ngày tùy cơ địa mỗi người. Bệnh nếu không điều trị kịp thời, một số trường hợp nguy kịch có diễn tiến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tử vong nhanh chóng. Di chứng viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn để lại khiến người bệnh có thể bị điếc, đau đầu…”.

Không chỉ ăn thịt lợn chưa nấu chín có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn mà các bác sĩ cho biết, nhiều người chỉ tiếp xúc với lợn bệnh, trên da có vết thương hở hoặc trầy xước cũng dễ dàng nhiễm bệnh. Nữ bệnh nhân 44 tuổi (Giao Thuỷ, Nam Định) làm nghề giết mổ lợn là một trường hợp bị những liên cầu khuẩn lợn như vậy. Chị bị hôn mê, suy hô hấp. Bệnh nhân phải trải qua 17 ngày thở máy và điều trị hồi sức tích cực, mới thoát khỏi “cửa tử”.

Theo các bác sĩ Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108), gần đây Khoa tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn. Đa phần bệnh nhân nhập viện với triệu chứng điếc, ù tai. Những người đến viện đều có tiền sử ăn tiết canh. Nhiều người bị điếc đột ngột chỉ sau vài ngày ăn tiết canh. Điển hình là nam bệnh nhân N.V.T (50 tuổi) vốn là thợ xây và thường ăn món khoái khẩu tiết canh. Gần đây anh thấy đau đầu, buồn nôn và giảm thích lực, đã đến Bệnh viện 108 thăm khám. Qua khai thác yếu tố dịch tễ được biết, 2 ngày trước khởi phát bệnh, anh này có ăn lòng lợn tiết canh. Sau khi kết hợp thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh T bị viêm màng não do Streptococcus suis (virus gây bệnh liên cầu khuẩn lợn) biến chứng điếc 2 tai.

Nhiều người cho rằng, chỉ ăn tiết canh lợn mới bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, thực tế đã có người ăn tiết canh ngan mà vẫn mắc căn bệnh này. Theo lời kể của người nhà anh Đinh Văn Kh. (41 tuổi, Hưng Yên), trước 9 ngày vào viện, anh ăn tiết canh ngan mua ở chợ. Một ngày sau, anh đau đầu nhiều, vật vã, kích thích nên đã được đưa đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Với kinh nghiệm lâm sàng, sau khi cấy dịch não tủy, các bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm màng não mủdo liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh ngan.

Lý giải về trường hợp này, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Một số nhà hàng hiện nay dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê.. để bán ở các cửa hàng nhưng khi xét nghiệm vẫn ra vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh do có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.

Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai mỗi năm tiếp nhận và điều trị hàng chục ca nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn nhập viện trong tình trạng nặng với tỷ lệ tử vong lên tới 20-30%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỉ lệ di chứng cũng rất cao, phổ biến là điếc không hồi phục. Hiện nay bệnh này chưa có vaccine, vì thế để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết. Nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt. Người dân cũng cần bỏ các thói quen ăn uống không lành mạnh như tiết canh (kể cả tiết canh lợn và các loại tiết canh dê, ngan, vịt). Khi có các triệu chứng của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời”, PGS Cường khuyến cáo.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang