Phát hiện thuốc kháng sinh Amoxycilin 500mg giả
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế về việc phát hiện mẫu thuốc mang tên Amoxycilin 500mg (SĐK YD-4682-08, số lô 0090409, NSX 12/2014, HD 12/2017, nơi sản xuất: Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương Vidipha) là giả.
Theo đó, Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Trà Vinh đã lấy mẫu thuốc kháng sinh nêu trên tại đại lý thuốc Mỹ Anh (ấp Vĩnh Hưng, xã Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) và kết quả thử nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương không cho phản ứng định tính của hoạt chất Amoxycilin. Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc viên nang Amoxycilin nêu trên. Hà nội mới (trang 5), Nhân dân (trang 5)
Thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán 2016
Ngày 1-12, theo tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP) -Bộ Y tế, Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã ban hành kế hoạch về việc Triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa Lễ hội Xuân 2016.
Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành trung ương sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra ATTP tại 12 tỉnh, thành phố từ ngày 20/12/2015 đến hết 25/3/2016. Còn tại địa phương, theo hướng dẫn của trung ương tiến hành thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tại tất cả các cấp từ tỉnh đến quận/huyện, xã/phường. Các đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong năm và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Mục tiêu của kế hoạch này là giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và trong thời gian diễn ra Lễ hội Xuân so với cùng kỳ năm 2015.
Quá trình triển khai thực hiện theo hướng các cơ quan quản lý trung ương, địa phương chỉ đạo, giám sát việc tuyên truyền, thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuyệt đối chấp hành các quy định của pháp luật và áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. Người tiêu dùng cùng với các đoàn thể quần chúng và chính quyền tham gia việc giám sát thực hiện cam kết bảo đảm ATVSTP của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm ô nhiễm, biết chất, đồng thời tố cáo các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật. Hà nội mới (trang 5)
Nỗi lo chất lượng nhân lực y tế ở các trường ngoài công lập
Trong khi điểm đầu vào của các trường đại học (ĐH) chuyên ngành đào tạo về nhân lực y dược lấy điểm đầu vào khá cao, thậm chí đến 27 điểm mới trúng tuyển vào ngành y đa khoa, tuy nhiên...
Trong khi điểm đầu vào của các trường đại học (ĐH) chuyên ngành đào tạo về nhân lực y dược lấy điểm đầu vào khá cao, thậm chí đến 27 điểm mới trúng tuyển vào ngành y đa khoa, tuy nhiên, tại các trường ngoài công lập, không chuyên về đào tạo y dược, thí sinh chỉ cần đạt điểm sàn hoặc trên mức sàn không đáng kể đã có thể theo học ngành y, dược. Thực tế này đã và đang đặt ra dấu hỏi trong đào tạo nhân lực y tế tại các cơ sở không chuyên về y dược ngoài công lập bởi chất lượng đầu ra có được thay đổi?
Chỉ trên điểm sàn là được học y, dược?
Năm 2015, điểm đầu vào của các trường ĐH Y Hà Nội, Dược Hà Nội, Y-Dược TP. Hồ Chí Minh, Y-Dược Huế, Y Hải Phòng, Y Thái Bình, Y Cần Thơ... dao động từ 17-27 điểm tùy theo chuyên ngành khác nhau thì điểm chuẩn đầu vào khối ngành y, dược năm 2015 của các trường như ngoài công lập, không chuyên như: Trường ĐH Đại Nam, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang); Trường ĐH Lạc Hồng... mức điểm chuẩn cho các ngành này chỉ từ 15-18,75 điểm, trong đó đa số là 15 điểm - trên điểm sàn 1-2 điểm.
Đơn cử, Trường ĐH Đại Nam và Trường ĐH Lạc Hồng, ĐH Thành Đô (Hà Nội) đều tuyển sinh dược sĩ đại học với mức điểm từ 15 điểm trở lên. Ở Trường ĐH Thăng Long năm 2015 cũng tuyển ngành điều dưỡng, y tế công cộng với mức điểm trúng tuyển từ 15-16 điểm. Năm 2015, ĐH Tây Đô công bố mức điểm chuẩn vào ngành dược học và điều dưỡng là 15 điểm. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có mức điểm chuẩn vào ngành dược học cao hơn (18,75 điểm) nhưng đầu vào ngành điều dưỡng của trường chỉ ở mức 15 điểm.
ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) năm 2015, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là từ 18 điểm trở lên đối với ngành y đa khoa sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Trường ĐH Nam Cần Thơ trong mùa tuyển sinh trước cũng tuyển ngành dược học với mức điểm 15.
Thậm chí, một số trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh ĐH khối ngành y, dược chỉ thông qua xét tuyển học bạ THPT như: Trường ĐH Công nghệ miền Đông (Đồng Nai), Trường ĐH Thành Tây, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng... Việc các trường xét tuyển học bạ THPT có thể dẫn đến tình trạng thí sinh có điểm thi dưới điểm sàn của Bộ GD&ĐT đều có thể đăng ký xét tuyển.
Để có thầy thuốc giỏi phải kết hợp nhiều yếu tố
Về vấn đề đào tạo nhân lực y dược của các trường không chuyên và ngoài công lập có điểm tuyển đầu vào chỉ hơn điểm sàn, khiến nhiều chuyên gia, nhất là các chuyên gia y tế lo ngại. GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, khi đào tạo đội ngũ thầy thuốc trong đó có bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh... điều quan trọng nhất là ngay từ ngày đầu sinh viên phải gắn bó với nghề nghiệp của mình. Môi trường tốt nhất để gắn bó chính là bệnh viện, nơi người bệnh đang chịu đau đớn, cần sự thương yêu của cán bộ y tế. Cho nên trong đào tạo cán bộ y tế phải có bệnh viện. Nghề y rất đặc biệt, gắn với sức khỏe, tính mạng người bệnh cho nên cơ sở vật chất để đào tạo đòi hỏi những điều đặc biệt.
PGS.TS. Thái Nguyễn Hùng Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội chia sẻ với phóng viên báo SK&ĐS rằng, vấn đề người dạy và trang thiết bị phục vụ giảng dạy, đặc biệt là môi trường thực hành rất quan trọng. Ngoài cơ sở thực hành trong trường, sinh viên phải được thực hành trong môi trường bệnh viện và tiếp xúc với người bệnh. Còn PGS.TS. Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Y Hà Nội cho biết, để mở ngành y dược, đặc biệt là ngành y đa khoa, cơ sở vật chất tốt chỉ chiếm một phần. Việc có giáo viên giỏi truyền thụ kiến thức, truyền tải kinh nghiệm, cái tâm của nghề rất quan trọng. Bên cạnh đó cũng cần có sinh viên tốt, mới tạo nên một bác sĩ giỏi. “Đào tạo bác sĩ đa khoa là ngành đặc thù, cần đảm bảo nhiều yếu tố như: Sinh viên phải có năng lực và tố chất tốt. Cơ sở đào tạo phải có đủ giảng đường, bệnh viện để thực tập và thực hành. Bên cạnh đó, giảng viên ngoài việc có năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học, năng lực quản lý, phải là người yêu nghề” - PGS.TS. Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.
Theo PGS.TS. Trần Quang Phục - Phó Hiệu trưởng ĐH Y-Dược Hải Phòng, ở một số nước tiên tiến, để được hành nghề bác sĩ đa khoa, nhà trường yêu cầu các trường phải đáp ứng cơ sở vật chất hiện đại hơn chúng ta rất nhiều. Để hành nghề bác sĩ, người học phải qua một chương trình y khoa được kiểm định và công nhận bởi cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia, phải thi đỗ kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề. “Trong khi đó, các trường dân lập mở ngành này nhưng chưa rõ lấy cơ sở thực hành ở đâu thì giới chuyên môn chúng tôi rất lo lắng. Nếu chỉ dạy lý thuyết mà không có cơ sở thực hành đúng quy định, sẽ chỉ đào tạo ra một thế hệ cử nhân y dược, khó mà hành nghề bác sĩ”, PGS. Phục cho biết. Sức khỏe đời sống (trang 3)
Xử phạt 22 công ty vi phạm an toàn thực phẩm
Ngày 1-12, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Từ ngày 1-11 đến ngày 30-11, Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 22 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), với tổng số tiền là 385 triệu đồng. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung không phù hợp với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh...
Tính từ đầu năm đến nay, Cục ATTP ra quyết định xử phạt 238 công ty vi phạm về ATTP, với tổng số tiền phạt hơn 4,2 tỷ đồng, trong đó có 201 công ty vi phạm về quảng cáo. Đồng thời, thu hồi 30 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; bảy Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; tạm dừng lưu thông 60 lô sản phẩm... và chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng khác xử lý 15 trường hợp vi phạm ATTP. Nhân dân (trang 5)
Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân
Ngày 1-12, tại buổi gặp mặt báo chí triển khai công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Vào mùa đông xuân, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như sốt xuất huyết, cúm, cúm gia cầm, liên cầu lợn và một số bệnh dịch khác là rất lớn. Thời tiết biến động thất thường, độ ẩm cao, trên cả nước diễn ra nhiều lễ hội đầu xuân, là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh phát sinh và phát triển. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, bên cạnh việc tổ chức các hoạt động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; điều tra, tập trung nguồn lực xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh… mà ngành y tế sẽ triển khai. Chính quyền, các ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh tại gia đình và cộng đồng... Nhân dân (trang 5), Sức khỏe đời sống (trang 3), Gia đình & xã hội (trang 7)