Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 04/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Nâng cao chất lượng y tế cơ sở để thu hút người dân mua BHYT; Phấn đấu 99,8% trẻ em từ 6-36 tháng tuổi được uống Vitamin A liều cao; Nâng cao chất lượng y tế cơ sở để thu hút người dân mua BHYT; Cứu sống nạn nhân bị cưa máy cắt thủng bụng, dạ dày tràn ra ngoài...

 

Nâng cao chất lượng y tế cơ sở để thu hút người dân mua BHYT

http://vov.vn/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-y-te-co-so-de-thu-hut-nguoi-dan-mua-bhyt-703064.vov

http://www.sggp.org.vn/nang-cao-chat-luong-kham-chua-benh-de-thu-hut-nguoi-dan-tham-gia-bao-hiem-y-te-485994.html

Người dân mong muốn được khám chữa bệnh ở những cơ sở gần nhất, trong khi đó cơ sở vật chất các trạm y tế còn hạn chế và thiếu bác sĩ.

Sáng 3/12, HĐND TP HCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình “Lắng nghe và Trao đổi”tháng 12 với chủ đề “Bảo hiểm y tế toàn dân – Chất lượng khám chữa bệnh".

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP HCM có khoảng 81% người dân tham gia BHYT, thấp hơn tỷ lệ bao phủ trung bình của cả nước là trên 82% dân số. Trong số hơn 6,7 triệu người tham gia thì trên 5 triệu người đã được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn hoặc 1 phần, hoặc chủ sử dụng đóng cho người lao động.

Hiện thành phố có trên 3 triệu người đang là lao động tự do, không có mối quan hệ lao động nào. Trong năm 2017,  Bảo hiểm Xã hội TP HCM đã phát hành hơn 1.600 BHYT theo hộ gia đình. Như vậy, hiện nay còn khoảng 50% người dân phải tự đóng bảo hiểm. Đây là một thách thức dể đạt mục tiêu 90% người dân tham gia Bảo hiểm Y tế.

Tại chương trình, một số ý kiến cho rằng việc tham gia BHYT còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là người dân lao động tự do không có hộ khẩu tại TP HCM.

Giải đáp vấn đề này, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM cho biết: Hiện nay các khu công nghiệp có người dân lao động tự do tạm trú muốn tham gia BHYT thì địa phương chỉ cần xác nhận ở phòng trọ đó có bao nhiêu người, thì sẽ BHXH sẽ hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Còn người dân ở khu vực khác nếu đã có BHYT thì vẫn có thể khám chữa bệnh mà không cần hộ khẩu.

Bà Lưu Thị Thanh Huyền cho biết: “Tất cả các tỉnh khác không riêng gì TP HCM, người dân đang được phát thẻ ở địa bàn tỉnh khác nhưng về TPHCM lao động thì vẫn có thể sử dụng thẻ đó để đi khám chữa bệnh, chỉ cần mang thẻ và các giấy tờ tùy thân có ảnh, đến các bệnh viện tuyến quận huyện để khám”.

9 tháng đầu năm 2017, số người khám chữa bệnh bằng BHYT trên địa bàn TPHCM là 25 triệu lượt khám, tăng 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các cử tri mong muốn được khám chữa bệnh ở những cơ sở gần nhất, trong khi đó cơ sở vật chất các trạm y tế còn hạn chế và thiếu bác sĩ. Bên cạnh đó, thuốc Bảo hiểm Y tế ở trạm còn hạn chế, bác sĩ phải cho toa ra ngoài mua thuốc.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, trạm y tế trực thuộc Trung tâm y tế, nhưng trung tâm lại không phải khám chữa bệnh nên Bảo hiểm Xã hội không ký hợp đồng với trung tâm mà phải thông qua bệnh viện. Vì vậy mà bệnh viện không biết đưa bao nhiêu loại thuốc về trạm, không xác định được nhiều loại thuốc có được thanh toán hay không. Sắp tới các bệnh viện hạng 3 được sát nhập với trung tâm y tế sẽ giải quyết vấn đề nêu trên.

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản có 241 loại thuốc được triển khai tại trạm y tế. Đây là một điều thuận lợi trong việc phục vụ thuốc cho người dân mà không lo thiếu.

Về vấn đề nhân lực trạm y tế, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM nói: “Sau khi đã triển khai luân phiên bác sĩ bệnh viện thành phố về bệnh viện quân huyện rồi thì bây giờ đến giai đoạn triển khai bác sĩ quận huyện về trạm y tế. Làm thế nào phấn đấu mỗi trạm có 2 bác sĩ. Mình chọn những trạm ở vùng xa trung tâm, những nơi còn khó khăn để tăng cường bác sĩ về trạm”.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, để đạt mục tiêu về Bảo hiểm Y tế toàn dân của Chính phủ đề ra, Ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội thành phố cần phối hợp tích cực khắc phục những vướng mắc trong thực hiện Bảo hiểm Y tế, mục đích phục vụ người dân một cách tốt nhất. Cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia Bảo hiểm Y tế. Đồng thời công tác tuyên truyền cần có sự tư vấn, quyền lợi lợi ích cho người dân, thuyết phục và vận động người dân người dân muốn tham gia.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: “Trang thiết bị phải đón đầu, đầu tư đúng tầm để phục vụ người dân, không để thiếu thuốc, UBND phải chỉ đạo quyết liệt phối hợp với nhau không để thiếu thuốc. Phải tăng cường hơn nữa chuyên khoa về những cơ sở y tế bây giờ còn ít quá mà bà con rất hoan nghênh”.

Chất lượng khám chữa bệnh càng ngày được nâng cao, cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh.....đó chính là những điều mà các ngành, các cấp TP HCM đang tích cực thực hiện để phục vụ người dân tốt hơn, tiến đến mục tiêu bao phủ y tế toàn dân.

 

Cứu sống nạn nhân bị cưa máy cắt thủng bụng, dạ dày tràn ra ngoài

http://vov.vn/xa-hoi/cuu-song-nan-nhan-bi-cua-may-cat-thung-bung-da-day-tran-ra-ngoai-703036.vov

Lưỡi cưa tuột ra cắt ngang qua bụng anh Tú, làm dạ dày của nạn nhân tràn ra ngoài, chảy nhiều máu và ngất xỉu.

Hôm nay (3/12),  Bệnh viện Quân y 120, Quân khu 9 cho biết, vừa cứu sống một nạn nhân bị cưa máy cắt thủng bụng, dạ dày tràn ra ngoài trong tình trạng nguy kịch. Nạn nhân may mắn thoát chết là anh Trần Văn Tú, sinh 1980, làm nghề  thợ mộc, quê thị trấn Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Ngày 23/11, trong lúc đang cưa xẻ gỗ tại nhà anh ruột ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre thì lưỡi cưa máy tuột ra cắt ngang qua bụng của anh Trần Văn Tú. Lưỡi cưa vô tình đã làm dạ dày của nạn nhân tràn ra ngoài, chảy nhiều máu và ngất xỉu.

Sau khi xảy ra tai nạn, gia đình đưa anh Tú đến cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, sau đó chuyển đến bệnh viện Quân y 120. Sau khi khi hội chẩn, Bệnh viện quân y 120 đã chỉ định mổ cấp cứu tức thời; sau gần 2 giờ các bác sĩ đã hoàn thành ca phẫu thuật. 

Thạc sĩ, BS Nguyễn Xuân Mích - Chủ nhiệm Khoa Ngoại, Bệnh viện quân y 120 - Trưởng kíp mổ cho biết: Đây là trường hợp tai nạn hy hữu đã được đưa đến bệnh viện kịp thời, vết thương do lưỡi cưa máy cắt ngang qua thành bụng dài 21cm, cắt đứt toàn bộ cơ thành bụng, cắt ngang một phần của xương sườn IX-X (T), rách đứt một phần gan (T), rách mạc nối làm dạ dày lòi ra ngoài. Nếu lưỡi cưa cắt sâu vào 1cm nữa sẽ đứt động mạch gan, bệnh nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay bệnh nhân đã phục hồi và chuẩn bị xuất viện./.

 

Nguy kịch vì chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan

https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/nguy-kich-vi-chua-benh-theo-kieu-me-tin-di-doan-578906.ldo

Mới đây, lại có thêm những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, biến chứng nặng do chữa bệnh bằng những phương pháp mê tín dị đoan. Đây không phải là những trường hợp hiếm, đã có rất nhiều người chịu hậu quả nặng nề vì những phương pháp này.

Nguy kịch sau khi bị thầy pháp hành xác

Mới đây, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy đã giật mình khi tiếp nhận 2 bệnh nhân là 2 chị em ruột cùng nhập viện sau khi bị thầy pháp hành xác. “Tôi cứ nghĩ bây giờ người ta không còn tin vào cách chữa bệnh này nữa. Ai ngờ vẫn có người tin và chữa bệnh bằng cách đó. Bệnh nhân không phải ở vùng sâu vùng xa mà lại ở cách Sài Gòn chỉ vài chục cây số” - BS Vũ Dzuy, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

2 bệnh nhân trên là chị N.T.Th (47 tuổi) và N.T.N (34 tuổi) cùng sống ở Bình Dương, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Cả 2 bệnh nhân đều có rất nhiều vết bầm tím trên người. Người nhà cho biết, cách đây 1 tháng, chị N.T.Th (47 tuổi) có biểu hiện thường xuyên nói nhảm, tự xưng là hồn ma của ông bà. Thấy vậy, gia đình đã mời một thầy pháp từ Đắk Lắk xuống nhà để làm phép trừ tà cho chị N.T.Th .

Vào ngày 14.11, thầy pháp xuống nhà riêng của vợ chồng chị N.T.Th để làm phép. Theo người nhà, mỗi lần làm phép, “thầy” dùng một cây roi bằng cây dâu tằm rất to để đánh liên tiếp vào người chị Th. Mỗi lần làm phép này diễn ra từ 1-1,5 giờ đồng hồ. Tuy chị Th bị bầm tím khắp người, nhưng “thầy” vẫn tiếp tục làm phép cho chị Th thêm 1 lần vào ngày 15.11. Sau đó, khi chị Th gần ngất xỉu, “thầy” phán rằng ma đã từ chị N.T.Th nhập sang cô em gái là N.T.N. Do vậy, thầy đã tiến hành làm phép luôn cho chị N.T.N.

Sau khi được thầy làm phép, 17 giờ cùng ngày, cả hai chị em bị mệt, khó thở nên được người nhà đưa vào bệnh viện Bình Dương. Do tình trạng 2 bệnh nhân quá nặng nên đã được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu. BS Vũ Dzuy cho biết, chị N.T.Th nhập viện trong tình trạng rất nặng. Chị với chẩn đoán đa chấn thương, vùng cổ có tụ máu lớn nên gây suy hô hấp. Bệnh nhân đã được đặt nội khí quản và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.

Người em gái là chị N.T.N bị bầm máu toàn thân kèm chẩn đoán suy thận cấp. Bệnh nhân đã được chuyển lên khoa Nội thận của Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo BS Vũ Dzuy, khi bệnh nhân bị đánh đến bầm dập, cơ bị tổn thương và sinh ra chất độc đi vào máu. Thận không lọc được chất độc nên dẫn đến suy thận cấp.

Theo anh N.N.Cường, chồng chị N.T.N, mỗi lần làm phép, “thầy” đuổi hết người nhà ra ngoài. “Thầy” sắm 27 cây roi, cứ đánh gãy cây này thì lại dùng cây khác để đánh: “Lúc thầy đánh vợ, tôi thấy vợ la lên. Tôi thấy vợ đau, đi không nổi nên thương lắm, nhưng thầy không cho nghỉ. Gia đình vốn không tin mấy kiểu điều trị bệnh như thế này. Nhưng ông thầy pháp là bạn của chồng chị N.T.Th và đã chữa khỏi cho vài người trong xóm nên gia đình khá kì vọng. Gia đình chỉ nghĩ thầy làm phép bằng cách đốt bùa, khấn vái gì đó, không nghĩ ông đánh người nhà của tôi ra đến nông nỗi này” - Anh Cường bức xúc.

Theo BS Vũ Dzuy, qua miêu tả của người nhà bệnh nhân, với biểu hiện nói nhảm và tự xưng là hồn ma, bệnh nhân có thể đang mắc chứng rối loạn tâm thần. Lẽ ra, thay vì mời thầy pháp, gia đình nên đưa bệnh nhân đến các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần để chẩn đoán và điều trị.

Hoại tử tuyến giáp vì chữa bệnh bằng bùa phép

Mới đây, Khoa Ngoại lồng ngực- mạch máu - bướu cổ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng phải tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân bị biến chứng vì phương pháp chữa bệnh phản khoa học.

Ông N.T.B (ở Thủ Đức, TPHCM) được người nhà đưa đến Bệnh viện trong tình trạng khối bướu cổ lớn, choán hết vùng cổ và biến dạng. Qua thăm khám và các xét nghiệm, ông B được xác định ung thư tuyến giáp dạng nhú. Ông B cho biết, cách đây 5 năm, ông phát hiện bướu cổ nhưng không đến bệnh viện điều trị vì ám ảnh phẫu thuật. Ông tìm đến phương pháp dân gian, ai mách gì ông đều làm theo: “Người thì bày tôi đắp lá cây, đắp thuốc rượu này kia lên khối bướu. Nhưng tôi không thấy bướu xẹp và khô như người ta nói mà càng ngày càng lớn, không chịu nổi nữa nên mới tới bác sĩ”. Ông B kể lại.

Theo các bác sĩ, trong vài tháng gần đây, Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu - bướu cổ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM tiếp nhận trên 5 trường hợp mắc bệnh lý về tuyến giáp vào viện trong giai đoạn muộn với nhiều biến chứng.

Cũng điều trị tại đây với một khối bướu cổ bị nhiễm trùng nặng, có nguy cơ hoại tử, ông P.N.B (ở Tây Ninh) cho biết mình đã chữa bướu cổ thông qua… thầy phán. Ông B phát hiện bướu cổ nhưng cũng tìm đến thầy phán thay vì đi bệnh viện: “Mấy cục u, bướu ở chỗ nào ông thầy cũng phán cho nó hết. Đầu tiên là dùng viết chữa, bùa chú lên khối bướu. Sau đó, thầy lấy nhang đốt và lẩm nhẩm phán”. Ông B tả lại. Bướu không những không hết, nhưng hậu quả thì thấy rõ ngay sau đó. Ông B phải đến Bệnh viện điều trị trong tình trạng bướu ngày một xấu đi, phẫu thuật cũng khó.

BS Trần Như Hưng Việt, Phó Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu - bướu cổ - Bệnh viện Nhân dân Gia Đình cho biết, việc bệnh nhân đắp lá, đốt khối bướu sẽ gây viêm dính, cản trở trong quá trình phẫu thuật sau đó. Điều này đồng nghĩa với việc gây biến chứng làm cho bệnh nhân mất tiếng và gây biến chứng chảy máu và đặc biệt có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng cho bệnh nhân.

Trong khi đó, BS Nguyễn Tuấn Anh, Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu - bướu cổ - Bệnh viện Nhân dân Gia Đình khẳng định, bướu tuyến giáp là bệnh dễ điều trị. Bệnh nhân có triệu chứng khối ở cổ, hoặc là các triệu chứng nuốt nghẹn, nuốt vướng, hay khó thở thì nên đến bệnh khám và chẩn đoán thích hợp. Nếu bướu nhỏ, bệnh nhân có thể không cần phẫu thuật. Đối với bướu lớn, bướu độc, bướu ung thư sẽ được phẫu thuật. Cũng theo các bác sĩ, việc điều trị tuyến giáp có nhiều phương thức khác nhau, nhưng điều kiện quan trọng nhất là phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Qua những trường hợp trên, các bác sĩ cho rằng bệnh nhân không nên tin, nghe theo các phương pháp chữa bệnh bằng mẹo, mê tín dị đoan. Bởi các phương pháp này không dựa trên cơ sở khoa học nào. Bệnh nhân không những không hết bệnh mà còn tốn tiền, tốn thời gian vàng trong điều trị. Bên cạnh đó, phương pháp chữa bệnh này còn gây biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nặng tới bệnh lý của bệnh nhân, có thể khiến bệnh nhẹ thành nặng. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, bệnh nhân buộc phải đến bệnh viện khám và chẩn đoán, điều trị bệnh với bác sĩ chuyên khoa.

 

500 người dân Quảng Nam được khám bệnh và nhận quà sau lũ lụt

https://laodong.vn/suc-khoe/500-nguoi-dan-quang-nam-duoc-kham-benh-va-nhan-qua-sau-lu-lut-579464.ldo

Đầu tháng 12, gần 50 cán bộ y bác sỹ thuộc Hội Thầy thuốc trẻ Đà Nẵng đã thực hiện tư vấn, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho gần 500 người dân chịu ảnh hưởng của bão lũ tại xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, Quảng Nam.

Chương trình nhằm chia sẻ những đau thương, thiệt hại của nhân dân miền Trung trong mùa mưa bão, lũ lụt do Hội thầy thuốc trẻ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Đoàn cơ sở Bệnh viện Đà Nẵng tổ chức.

 

Thuốc giả tràn lan, người bệnh gánh quả đắng

https://laodong.vn/suc-khoe/thuoc-gia-tran-lan-nguoi-benh-ganh-qua-dang-579472.ldo

Thuốc giả tràn lan, được sản xuất ngày càng tinh vi nhưng năng lực kiểm tra còn hạn chế. Hậu quả của việc sử dụng thuốc giả là người bệnh chịu cảnh "tiền mất, tật mang". Điều đáng nói, tình trạng thuốc giả ở các nước đang phát triển đang gia tăng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cho biết khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và có thể là nguyên nhân mỗi năm gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mắc các chứng bệnh như sốt rét hay sưng phổi.

Đây là nỗ lực lần đầu tiên của WHO để đánh giá vấn đề này. Các chuyên gia đã duyệt xét 100 cuộc nghiên cứu liên quan đến 48.000 loại thuốc chữa bệnh và thấy rằng trong số các loại thuốc giả, thuốc chữa trị sốt rét và nhiễm trùng chiếm gần 65%.

Tại Việt Nam, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng là có. Hầu như tháng nào, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng có quyết định đình chỉ, thu hồi sản phẩm thuốc kém chất lượng. Đơn cử gần đây nhất vụ thuốc tẩy giun Fugacar của Công ty Janssen Pharmaceutica N.V., Beerse (Bỉ) mà cơ quan chức năng phát hiện tại một số nhà thuốc tại TPHCM. Thuốc Fugacar giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau. Nhưng điểm khác này không phải người tiêu dùng nào cũng phát hiện được.

Hay như vụ thuốc ung thư H-Capita 500mg Caplet do Công ty VN Pharma nhập về Việt Nam là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng vẫn chưa có câu trả lời.

Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, đến nay hệ thống kiểm nghiệm chỉ mới kiểm tra được khoảng 500 hoạt chất trên tổng số 1.000 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, để đảm bảo được chất lượng thuốc, không chỉ có kiểm nghiệm mà phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố, đồng bộ nhiều công tác quản lý khác, từ cấp số đăng ký thuốc, thanh tra, kiểm tra động hành nghề của các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc… Những năm gần đây, bình quân mỗi năm, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương lấy khoảng 1.000 mẫu thuốc, còn toàn hệ thống kiểm nghiệm trong cả nước (64 đơn vị) lấy khoảng trên 30.000 mẫu thuốc để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả cho thấy, năm 2016, tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng chiếm khoảng 2%, thuốc giả chiếm khoảng 0,01%. Nhìn chung, trong vài năm gần đây, tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng qua kiểm nghiệm ở nước ta được duy trì ở mức 2-3%.

Cục Quản lý Dược cũng thừa nhận, những năm gần đây, tỷ lệ thuốc giả trên thị trường nước ta đã giảm, song việc phát hiện thuốc giả không đơn giản. Thuốc giả được sản xuất ngày càng tinh vi. Hiện Cục đang cùng các cơ quan chức năng đang thực hiện việc kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại VN.

 

Đông y Dung Hà: Mạo nhận giải thưởng, quảng cáo gian lận và lừa dối khách hàng?

http://ngaynay.vn/suc-khoe/dong-y-dung-ha-mao-nhan-giai-thuong-quang-cao-gian-lan-va-lua-doi-khach-hang-64373.html

Những sản phẩm của Công ty Dung Hà còn có nhiều dấu hiệu sai phạm rất nghiêm trọng, mặc dù đã bị các cơ quan chức năng tiến hành tiêu huỷ nhưng hiện nay vẫn được rao bán một cách công khai trên các trang mạng xã hội…

Dù chỉ mới được thành lập vào tháng 3/2017, thế nhưng Công ty cổ phần Đông y gia truyền Dung Hà lại đăng tải trên website chính thức của mình những nội dung quảng cáo về việc đã được nhận những giải thưởng từ ngày 16/6/2016. Không những vậy, những sản phẩm của Công ty này còn có nhiều dấu hiệu sai phạm rất nghiêm trọng, mặc dù đã bị các cơ quan chức năng tiến hành tiêu huỷ nhưng hiện nay vẫn được rao bán một cách công khai trên các trang mạng xã hội…

Giả mạo logo của VINASME để… tự phong giải thưởng?

“Đông y Dung Hà rất tự hào vì luôn đưa ra các sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng. Sản phẩm được chính người sử dụng, cho tới các cơ quan báo chí, các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao. Ngày 16/6/2016, Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã vinh danh “Thương hiệu vàng Việt Nam” cho Đông y Dung Hà. Sản phẩm “Thuốc xoa bóp xương khớp Dung Hà” đã đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng vàng năm 2016” - đó là những gì mà Công ty này đã “nổ” trên trang Web của mình.

Trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại Bộ Y tế chưa cấp giấy chứng nhận nào cho sản phẩm có tên “Thuốc xoa bóp xương khớp Dung Hà”. Sự vô lý trong thời gian Công ty cổ phần Đông y gia truyền Dung Hà được thành lập với thời gian được nhận giải thưởng cũng đặt ra rất nhiều nghi vấn?

Thông tin từ ông Nguyễn Văn Từ - Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), ông này khẳng định: “VINASME không trao bất kỳ chứng nhận hay giải thưởng nào cho Công ty Dung Hà. Chúng tôi cũng không vinh danh cho sản phẩm có tên “Thuốc xoa bóp xương khớp Dung Hà”. Công ty Dung Hà đã giả mạo tên và logo của VINASME chúng tôi”.

Ông Nguyễn Văn Từ cho biết, VINASME không hề có giải thưởng “Hàng Việt Nam chất lượng vàng” mà chỉ có giải thưởng “Doanh nhân, Doanh nghiệp Việt Nam vàng”. Và việc để công nhận một doanh nhân hay doanh nghiệp nào đó, VINASME  có quy định rất chặt chẽ, phải có Hội đồng thẩm định đánh giá trong số hàng nghìn hồ sơ gửi về để chọn ra được một số hồ sơ đủ điều kiện.

“Tên đầy đủ của Hiệp hội chúng tôi là “Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chứ không phải “Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” như Công ty Dung Hà đã công bố . Chúng tôi không vinh danh cho sản phẩm, chỉ vinh danh cho các doanh nhân hoặc doanh nghiệp” - Chánh văn phòng VINASME nói thêm.

Tung hô mỹ phẩm như một loại… thần dược

Trong hàng loạt các sản phẩm được bán tràn lan trên thị trường bằng hình thức bàn hàng online, “Bách nhi tán” và “Đặc trị xương khớp” là hai sản phẩm được Công ty Dung Hà và các đại lý của công ty này ca tụng “hết lời”.

Trong đó, “Bách nhi tán” được khuyên dùng cho trẻ nhỏ với những  công dụng như: giảm đau, giảm sưng tấy, giảm bầm tím, hỗ trợ điều trị cho hàng loạt những chứng bệnh khác như: ho, dị ứng các thể, chữa bỏng, nhanh làm lành vết thương, côn trùng đốt, mụn nhọt và mẩn ngứa. Thế nhưng sự thực lại không phải như vậy…

Công ty Cổ phần đông y gia truyền Dung Hà dù hoạt động tại Hà Nội nhưng sản phẩm lại được kê khai ở Hưng Yên. Thông tin từ Sở Y tế Hưng Yên cho thấy, căn cứ vào một loạt các hồ sơ do Sở này đang quản lý về các sản phẩm của Công ty Dung Hà thì tại Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 46/17/CBMP-HY được Sở này tiếp nhận và quản lý thì nhãn hàng Dầu thảo dược Dung Hà có tên “Bách nhi tán”. Sản phẩm này có dạng được công bố dưới hình thức là kem nhũ tương, có tác dụng khử mùi và chống mùi. Mục đích sử dụng chỉ dùng để xoa bóp, massage và dưỡng da!?

Dù chỉ có những chức năng đơn thuần như vậy, nhưng khi tung ra thị trường, Công ty Dung Hà lại quảng cáo nó như một loại thuốc “thần thánh” dành cho trẻ em, khiến cho không ít người tiêu dùng lầm tưởng rằng sản phẩm này có công dụng đặc trị bệnh.

Điều đáng báo động rằng, mặc dù quảng cáo gian lận như vậy nhưng những loại mỹ phẩm đội lốt thuốc đông y gia truyền này vẫn ngang nhiên được bày bán tràn lan, lừa dối khách hàng một cách “trắng trợn” hòng trục lợi.

Chiếu theo tất cả các quy định về quản lý mỹ phẩm của Bộ Y tế như quy định về nhãn mỹ phẩm, tên sản phẩm, công dụng, chức năng và thành phần của sản phẩm thì “Bách nhi tán” và Công ty này đang chào bán sản phẩm theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”.

Dù sau hàng loạt những cuộc thanh tra, kiểm tra gắt gao từ Sở Y tế Hưng Yên đối với Công ty hoá chất Quang Xanh - Doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại sản phẩm “Bách nhi tán” và “Đặc trị xương khớp” cho Đông y Dung Hà, kèm theo quyết định xử phạt Công ty này 30 triệu đồng cùng việc buộc hai công ty phải tiến hành kiểm kê, thu hồi và tiêu huỷ toàn bộ số mỹ phẩm còn tồn nhưng hiện tại các sản phẩm này vẫn được các đại lý của Đông y Dung Hà rao bán tràn lan.

Phải chăng Công ty cổ phần Đông y gia truyền Dung Hà hiện nay dù đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý mạnh tay đối với những vi phạm của mình nhưng vẫn ngang nhiên bất chấp các quy định của pháp luật và thách thức dư luận để tiếp tục sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm thuốc “chui” như vậy!?

 

50.000 người có thể nhiễm HIV mà không biết

http://thuonghieuvaphapluat.vn/50000-nguoi-co-the-nhiem-hiv-ma-khong-biet-94750

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, tỷ lệ lây nhiễm HIV ở nước ta đang có xu hướng tăng và có tới 50.000 người có thể nhiễm HIV mà không biết.

Hôm nay (01/12) là ngày Quốc tế phòng chống HIV/AIDS. Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tỷ lệ lây nhiễm HIV ở nước ta đang có xu hướng tăng và có tới 50.000 người có thể nhiễm HIV mà không biết. Trong nhóm đồng tính nam có 20% bị nhiễm HIV không biết mình bị bệnh và đây chính là nguồn lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Bởi vậy, chủ đề mà Việt Nam chọn năm nay chính là: "Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020", nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm. Một trong những giải pháp đang được triển khai là mô hình xét nghiệm nhanh HIV tại cộng đồng của nhóm đồng đẳng thực hiện.

Việc xét nghiệm HIV sớm sẽ giúp mọi người biết tình trạng nhiễm HIV của mình giúp đạt được các mục tiêu 90-90-90 đến năm 2020 của Liên Hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết tức là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp.

Việc xét nghiệm sàng lọc HIV sớm để có thể điều trị dự phòng, ngăn ngừa lây nhiễm sang những người khác. Hơn nữa hiện nay thuốc kháng vi rút ARV có thể kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, an toàn cho người nhiễm HIV.

Đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết, hiện nay hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước đều có thể xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, thông qua các cán bộ y tế thực hiện lưu động hoặc do các nhân viên tiếp cận cộng đồng cũng có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV. Kỹ thuật xét nghiệm phát hiện HIV hiện nay rất đơn giản, người bệnh có thể tự lấy máu đầu ngón tay hoặc lấy dịch miệng để xét nghiệm.

Tại Việt Nam, HIV/AIDS được phát hiện cách đây 25 năm với 250.000 nhiễm và hơn 90.000 người tử vong. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, tại Việt Nam, những năm gần đây tỷ lệ người nhiễm bệnh và tử vong liên tục giảm.

Trước đây, 90% kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là do các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí này đang dần bị cắt giảm. Trước tình hình này, cùng với nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam sẽ dành thêm ngân sách cho hoạt động này, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV để họ tiếp tục được khám và điều trị bệnh.

Liên quan tới việc điều trị Methadone cho người nghiện ma túy, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, hiện nay trên thế giới có trên 600 loại ma túy tổng hợp. Trong khi các đối tượng nghiện ma túy đang có xu hướng chuyển từ sử dụng cần sa, heroin sang ma túy tổng hợp với nhiều tên gọi khác nhau.

Đáng báo động khi các loại ma túy tổng hợp có tác động rất nguy hại làm não bộ người sử dụng bị tổn thương nặng nề, gây loạn thần, hoang tưởng, mất kiểm soát về hành vi. Hơn nữa, hiện nay, những người nghiện các chất dạng thuốc phiện còn có thuốc Methadone để điều trị, làm lại cuộc đời thì người nghiện ma túy tổng hợp vẫn chưa có phương thuốc nào có thể điều trị được.

 

Nỗi lo nhiễm khuẩn bệnh viện

http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/noi-lo-nhiem-khuan-benh-vien-387652

Sau sự cố y khoa khiến 4 trẻ sơ sinh bị tử vong và hàng loạt trẻ bị bội nhiễm tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh vừa qua, vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện lại được dư luận đặc biệt quan tâm và lo lắng. Theo các chuyên gia y tế, tình trạng nhiễm khuẩn tại các bệnh viện ở nước ta hiện nay là khoảng 8%. Đây cũng là tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Đối với các nước phát triển, tỉ lệ này dưới 5%.

Nguyên nhân

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhiễm khuẩn bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn do người bệnh mắc phải trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện mà vào thời điểm nhập viện không phát hiện thấy có yếu tố nhiễm khuẩn hay ủ bệnh nào có liên quan; chúng thường xuất hiện sau 48 đến 72 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện và trong vòng 10 ngày sau khi bệnh nhân xuất viện. Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể dẫn đến 5 hậu quả tồi tệ như: làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, tăng số ngày điều trị, tăng chi phí chữa bệnh và tăng sự kháng thuốc.

Một nghiên cứu của Bộ Y tế được thực hiện trên 9.345 người bệnh của 10 bệnh viện trong thời gian mới đây cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8%, trong đó viêm phổi đứng đầu, chiếm 55,4%. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khảo sát trên khoảng gần 4.000 bệnh nhân tại các khoa Hồi sức tích cực của 15 bệnh viện trên cả nước cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 29,5%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn bệnh viện tuyến cơ sở. Nguy hiểm hiện nay là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị dao động trong khoảng 50% đến 75%.

Ông Lương Ngọc Khuê- cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết nhiễm khuẩn thường xảy ra ở đường hô hấp, vết mổ, đường tiết niệu, đường tiêu hóa, đường máu và các loại nhiễm trùng khác, chủ yếu tập trung vào 3 loại là nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng vết mổ và nhiễm trùng tiết niệu. Thực tế, đã có không ít trường hợp tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện như người mổ đẻ bị nhiễm khuẩn bệnh viện nên bị hậu sản, phải cắt bỏ dạ con hoặc tử vong; nhiều người cũng bị nhiễm khuẩn bệnh viện nên thời gian điều trị kéo dài, chi phí chữa trị gia tăng, đặc biệt mức độ gây biến chứng và tử vong của nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn nhiễm khuẩn cộng đồng.

Ông Khuê cho rằng, hiện nay các cơ sở y tế thường chỉ chú trọng vào việc mua sắm máy móc hiện đại, phục vụ chất lượng khám chữa bệnh, trong khi công tác kiểm soát nhiễm khuẩn- một lĩnh vực  cũng vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị thì lại bị coi nhẹ.

Theo BS Nguyễn Việt Hùng- trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, trẻ sơ sinh là đối tượng nhiễm khuẩn cao nhất. Đặc biệt, khi mắc nhiễm khuẩn, trẻ sơ sinh nhất là trẻ sơ sinh thiếu tháng có tỷ lệ tử vong cao, chiếm 50% do hệ thống miễn dịch của các bé chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm trùng. Vì thế, các nhân viên y tế làm trong các khoa sơ sinh nói chung và hồi sức sơ sinh nói riêng rất bị áp lực. Hơn nữa, các bác sĩ phải làm nhiều thủ thuật với trẻ để cứu chữa nên nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào càng cao, trẻ dễ bị nhiễm trùng huyết, đa phủ tạng, suy đa phủ tạng và tử vong.

“Trong không khí luôn tồn tại vi khuẩn, nhưng chúng thường không gây bệnh. Vi khuẩn này sẽ thường trú trên cơ thể trẻ. Khi có can thiệp thủ thuật, sẽ mở đường cho vi khuẩn vào trong cơ thể gây ra nhiễm khuẩn. Người có hệ miễn dịch bị suy giảm, can thiệp thủ thuật, mổ xẻ… là đối tượng dễ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện. Trẻ mắc bệnh nặng phải can thiệp nhiều, nguy cơ nhiễm khuẩn cũng tăng lên. Một minh chứng rất cụ thể là dịch sởi ở nước ta năm 2014 đã khiến hơn 100 trẻ em tử vong. Nguyên nhân lớn là do kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt khiến bệnh nhi bị lây chéo bệnh ”- BS Hùng nói.

Về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Tiến Dũng- nguyên trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai nhấn mạnh vi khuẩn bệnh viện dễ nhờn kháng sinh. Các vi khuẩn chia làm hai nhóm là: cộng đồng và bệnh viện. Trong đó, vi khuẩn bệnh viện thường độc vì sống trong môi trường bệnh viện. BS Dũng dẫn một trường hợp cụ thể đó là bé Đỗ Bảo L. được chuyển từ bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh lên Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhiễm trùng nặng, tổn thương rất nhiều cơ quan, cơ quan đầu tiên đó là phổi.

Nhiễm khuẩn có thể khiến bệnh viện thành nhà xác

Theo BS Nguyễn Việt Hùng, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô khuẩn của nhân viên y tế đã tốt nhưng vẫn cần sự hợp tác từ phía người nhà vì chỉ cần một sơ suất nhỏ như không rửa tay thì lồng ấp, giường bệnh bị nhiễm khuẩn. Để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, việc đầu tiên phải giảm được lượng vi khuẩn định cư ngoài môi trường, từ đó giảm vi khuẩn định cư trên cơ thể người bệnh.

Vẫn theo BS Hùng, vi khuẩn trước khi vào cơ thể gây nhiễm khuẩn sẽ nằm ngay chính trên cơ thể các trẻ chứ không phải trong không khí hay luồng gió. Vì vậy, việc phòng ngừa phải được thực hiện từ trước khi bước vào buồng bệnh chứ không phải khi làm thủ thuật mới vô khuẩn.

Khi xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn, BS Hùng cho rằng, trách nhiệm thuộc về người quản lý vì liên quan tới các quy chuẩn về vô khuẩn, chăm sóc bệnh nhân còn nhân viên y tế chỉ là lỗi hành vi. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được các quy chuẩn đó. Nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện kể cả khi chúng ta vô khuẩn tốt.

Hiện, cả nước có tới 20,8% bệnh có quy mô trên 150 giường bệnh chưa thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn. Hầu hết bộ phận giám sát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện đều thiếu và chưa được đào tạo về giám sát chuyên trách. Ngoài ra, hầu hết bộ phận giám sát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện đều thiếu nhân lực so với quy định lại chưa được đào tạo về giám sát chuyên trách do vậy chưa thực hiện được giám sát chủ động, liên tục. Bên cạnh đó nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Được biết, hiện tỷ lệ rửa tay của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt 50% trong khi thế giới là 90%. Rất ít người có thói quen này và là một trong những lỗ hổng, cơ hội để vi khuẩn gây bệnh. Cuộc chiến giảm vi khuẩn phải trường kỳ và rất nhiều đối tượng cùng tham gia mới giải quyết được vấn đề. Nếu bị nhiễm khuẩn, phun thuốc diệt khuẩn chỉ là biện pháp tạm thời chứ không phải là giải quyết tận gốc. Khi có con người vào môi trường đó, nhiễm khuẩn sẽ lại xuất hiện. Có thể nói, nhiễm khuẩn bệnh viện là thách thức đồng hành cùng thầy thuốc đặc biệt những thầy thuốc cấp cứu, phải làm các thủ thuật.

Phân tích thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận định: Thời tiết Việt Nam mưa ẩm, gió mùa, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút phát triển. Song nguyên nhân chủ yếu là do một số người đứng đầu cơ sở khám bệnh chữa bệnh hiện nay vẫn chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Tại các bệnh viện hiện nay mới chỉ tập trung vào việc giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải mà chưa chú trọng công tác giám sát, trong khi đây mới là nhiệm vụ trọng tâm. Nói như TS.BS Nguyễn Khánh Hòa (Trường ĐH Alberta, Canada) thì nếu ngành y tế không kiểm soát được nhiễm khuẩn bệnh viện thì bệnh viện sẽ trở thành nhà xác giống như trường hợp dịch sởi năm 2014 và đợt bùng phát tử vong ở Bắc Ninh. Cái khó xử lý của nhiễm khuẩn bệnh viện chính là việc không thể ngay lập tức phát hiện sớm và đóng cửa toàn bộ bệnh viện để xử lý. Đồng thời khi nó đã xảy ra, việc điều trị cho bệnh nhân cực kỳ tốn kém.

 

Phấn đấu 99,8% trẻ em từ 6-36 tháng tuổi được uống Vitamin A liều cao

http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/phan-dau-998-tre-em-tu-6-36-thang-tuoi-duoc-uong-vitamin-a-lieu-cao_t114c9n127787

Trong các ngày 1-2/12/2017, toàn TP Hà Nội đã đồng loạt triển khai Ngày Vi chất dinh dưỡng đợt II/2017 với 1.888 điểm uống. Phấn đấu đến hết ngày 4/12, có 99,8% trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao; trên 95% trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao và phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống vitamin A liều cao dự phòng.

Theo thống kê, trong đợt này, TP có 480.531 đối tượng uống vitamin A gồm 1.859 trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú sữa mẹ, 456.882 trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, 13.387 trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp, trẻ bị sởi; 8.223 phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng chưa được uống vitamin A liều cao.

Để thực hiện tốt chiến dịch, trước đó Trung tâm Y tế (TTYT) Dự phòng Hà Nội đã tổ chức triển khai kế hoạch đến các TTYT quận, huyện, các trạm y tế xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế chuyên trách; ban hành hướng dẫn chung quy định về kỹ thuật cho trẻ uống vitamin A, quy định về điểm uống vtamin A; thông điệp hướng dẫn Ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2017; chuẩn bị đầy đủ viên nang vitamin A; sẵn sàng trang thiết bị, vật tư tiêu hao và cơ sở vật chất tại các điểm uống. Đồng thời, cấp phát đủ số lượng vitamin A cho các quận, huyện, thị xã…

TP Hà Nội cũng thành lập 6 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế tại các điểm uống vitamin, trong đó, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và ThS Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trực tiếp làm Trưởng Đoàn đi kiểm tra thực tế tại các điểm uống của huyện Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây; quận Bắc Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm và huyện Thường Tín.

Qua kiểm tra, các trạm y tế đã xây dựng và có kế hoạch triển khai cụ thể cho Ngày Vi chất dinh dưỡng đợt II/2017; tổ chức rà soát đối tượng và chuẩn bị chu đáo về nhân lực, các điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất để triển khai chiến dịch.

Các trạm đã chuẩn bị chu đáo từ khâu tiếp đón; sắp xếp bàn đăng ký danh sách và phân loại đối tượng, bàn uống vitamin A, bàn tư vấn và vào sổ trẻ được uống vitamin A theo quy trình một chiều. Treo băng rôn, khẩu hiệu và các thông điệp truyền thông Ngày Vi chất dinh dưỡng và tăng cường công tác tuyên truyền ý nghĩa của chiến dịch.

Điển hình tại Trạm y tế phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, từ đầu giờ sáng rất đông các bậc phụ huynh đưa con em đến điểm uống tại trạm y tế để được uống vitamin A.

Cán bộ y tế đã chuẩn bị chu đáo từ khâu tiếp đón, sắp xếp bàn đăng ký danh sách và phân loại đối tượng, bàn uống vitamin A, bàn tư vấn và vào sổ trẻ được uống vitamin A theo quy trình một chiều.

Trạm cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông về vi chất dinh dưỡng, treo băng rôn, khẩu hiệu và các thông điệp truyền thông Ngày vi chất dinh dưỡng ngay tại cổng trạm để các bậc phụ huynh biết và nhận thức được tầm quan trọng của việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh và ThS Nguyễn Văn Dung đã đánh giá cao công tác triển khai chiến dịch của các trạm y tế trên các địa bàn được kiểm tra. Đồng thời, lưu ý các trạm y tế cần chú ý bố trí vị trí các bàn uống hợp lý khi thời tiết lạnh để đảm bảo sức khỏe cho các cháu; tiếp tục thực hiện nghiêm túc chiến dịch, cho trẻ uống đúng và đủ liều; tăng cường công tác tuyên truyền cho các bà mẹ về lợi ích của việc bổ sung vitamin A và cách phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của Ngày vi chất dinh dưỡng và tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Từ đó, có phương pháp nuôi dạy trẻ tốt nhất, góp phần cải thiện dinh dưỡng cho trẻ.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang