Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 04/8/2023

  • |
T5g.org.vn - Điểm chuẩn khối ngành sức khỏe thay đổi ra sao?; Gia tăng ca mắc tay chân miệng biến chứng nặng: Khuyến cáo quan trọng của bác sĩ…

 

Nguy cơ rối loạn chỉ đạo tuyến trong hệ thống y tế nếu Hà Nội "quản" bệnh viện trung ương

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập việc chuyển các bệnh viện trung ương Bộ Y tế quản lý về Hà Nội. Nhiều lãnh đạo các bệnh viện đầu ngành, chuyên khoa bày tỏ quan điểm thống nhất: Bộ Y tế cần tiếp tục quản lý.

Công tác chỉ đạo tuyến sẽ thế nào?

Ông Trần Cao Bính - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương phân tích: vai trò của Bộ Y tế là quản trị ngành y tế cả nước. Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều là các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành, có cả hạng đặc biệt, là bệnh viện tuyến cuối, có tầm ảnh hưởng quốc tế và quan hệ quốc tế, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.

"Chúng tôi không chỉ làm công tác khám chữa bệnh tuyến cuối, mà còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, chỉ đạo tuyến; cập nhật các kỹ thuật tiên tiến của thế giới về thực hiện nhuần nhuyễn trước khi chuyển giao cho tuyến dưới… Đặc biệt các bệnh viện này giữ vai trò dẫn dắt của ngành y trong việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tuyến dưới, như Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương chỉ đạo cho các cơ sở y tế trên cả nước chứ không riêng gì Hà Nội. Nếu chuyển về Hà Nội quản lý thì việc phát triển chuyên môn và chỉ đạo tuyến dưới sẽ ra sao?"- ông Bính phân tích.

Đồng quan điểm, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai  Đào Xuân Cơ nêu thực trạng: sau khi đi khảo sát, tham gia trực tiếp công tác phòng chống dịch COVID-19 ở phía Nam và Tây Nguyên cho thấy, ngay chỉ một chuyên ngành hồi sức tích cực cả vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên gần như 'trắng', do đó nếu không có các bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt, đầu ngành của Bộ Y tế chỉ đạo tuyến, sẽ khó cho công tác chỉ đạo tuyến cũng như công tác bảo vệ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo ông Cơ, trên thế giới, hầu hết các nước phát triển có nhiều bệnh viện tư, nhưng họ vẫn có 20-30% bệnh viện công do chính phủ trực tiếp quản lý để làm công tác an sinh xã hội.

"Với vai trò là giám đốc Câu lạc bộ các bệnh viện phía Bắc, qua trao đổi với nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh, tôi đều nhận được thông tin đề nghị các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành vẫn tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương.

Đồng thời các tỉnh cũng băn khoăn nếu bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuyển về Hà Nội quản lý, lúc đó công tác chỉ đạo tuyến sẽ thế nào? Rồi mối quan hệ giữa bệnh viện các tỉnh với bệnh viện của Hà Nội sẽ thế nào?"- ông Đào Xuân Cơ nói thêm.

Nói riêng về Bệnh viện Bạch Mai, ông Cơ phân tích: "Ngoài các nhiệm vụ khám chữa bệnh, chỉ đạo tuyến, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học hỏi, ứng dụng và triển khai các kỹ thuật cao, mới tiên tiến của thế giới vào Việt Nam... chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ Bộ Y tế giao về xây dựng danh mục định mức kinh tế kỹ thuật. Với sự đồng hành của các cục/vụ liên quan của Bộ Y tế, chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng được hơn 5.000 danh mục. Vậy nếu trực thuộc Hà Nội quản lý, việc này sẽ thực hiện thế nào"?

Giám đốc Bệnh viện E Nguyễn Công Hựu và và Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TW Vũ Nam đều cho biết mỗi bệnh viện đang làm công tác chỉ đạo tuyến cho vài chục bệnh viện tuyến huyện và tỉnh. Do đó nếu thuộc Hà Nội quản lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác này.

Tâm tư, nguyện vọng  của hơn 1.300 y bác sĩ Bệnh viện E

Giám đốc Đào Xuân Cơ cũng thông tin thêm, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới về việc "Thí điểm hình thành chuỗi các bệnh viện", Bệnh viện Bạch Mai đang hướng tới thí điểm mô hình này.

"Dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện tuyến trung ương sẽ có điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình chuỗi bệnh viện. Vậy chuyển chúng tôi về Hà Nội quản lý thì sẽ thực hiện mô hình này thế nào?"- ông Cơ băn khoăn.

Vai trò của các bệnh viện tuyến cuối, chuyên khoa do Bộ Y tế quản lý trong công tác đào tạo nhân lực y tế cũng được các lãnh đạo bệnh viện trung ương đề cấp đến. Từ nhiều năm nay, tại các Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K, Tai mũi họng Trung ương, Bệnh viện E... đều là các cơ sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong đó có nhiều cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng như Trường Đại học Y Hà Nội.

"Hiện Bệnh viện E đang là cơ sở thực hành của Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội. Vậỵ nếu chuyển về trực thuộc Hà Nội, công tác đào tạo thực hành của các trường này có bị ảnh hưởng?" - Giám đốc Bệnh viện E nói.

Trước đó tại cuộc họp về nội dung này ở Bộ Y tế diễn ra chiều 31/7, Giám đốc Bệnh viện E thông tin, hơn 1.300 cán bộ y bác sĩ của Bệnh viện E khi được hỏi về tâm tư, nguyện vọng đã thống nhất đề nghị Bệnh viện E tiếp tục do Bộ Y tế quản lý.  (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 1: “Đề xuất Hà Nội “quản” bệnh viện trung ương: Nhiều bất cập”; Công an Nhân dân, trang 1: “Nhiều xáo trộn lớn nếu đưa các bệnh viện trung ương về Hà Nội quản lý”.

 

Gia tăng ca mắc tay chân miệng biến chứng nặng: Khuyến cáo quan trọng của bác sĩ

Thời gian gần đây, một số địa phương trên cả nước ghi nhận nhiều ca mắc tay chân miệng, đặc biệt có ca tử vong. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, đến nay mặc dù chưa có ca tử vong nhưng đã ghi nhận nhiều ca biến chứng nặng, thậm chí phải thở máy.

ThS.BS Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từ đầu năm đến nay Trung tâm tiếp nhận 79 ca bệnh tay chân miệng, riêng tháng 7 đột biến với 54 ca. Có 15 ca bệnh nặng cấp độ 2 trở lên đến cấp độ 3, 2 ca phải thở máy. Qua điều trị, tất cả các ca bệnh nặng đến thời điểm này sức khỏe đã bình phục, nhiều ca đã ra viện.

Theo lãnh đạo Trung tâm Nhi, năm nay, chủng EV71 gây bệnh tay chân miệng phổ biến hơn những năm trước và nhiều ca bệnh diễn biến nặng. Nguồn lây tay chân miệng ở tỉnh chủ yếu xuất phát từ nguồn lây ở các tỉnh phía Nam. Số bệnh nặng chủ yếu được chuyển đến từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và các tỉnh phía Nam.

"Hiện tại, Bệnh viện Trung ương Huế vẫn đảm bảo về cung ứng thuốc, trang thiết bị để cấp cứu, điều trị cho các ca bệnh nặng", ThS.BS Phạm Hữu Trí nói.

PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. Dịch bệnh tay chân miệng giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Do đó để chủ động phòng, chống bệnh người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Ngoài ra, cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Đặc biệt, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Điểm chuẩn khối ngành sức khỏe thay đổi ra sao?

Năm nay, điểm sàn khối ngành khoa học sức khỏe tăng 0,5 điểm so với năm ngoái xuất phát từ thực tế phổ điểm thi của thí sinh ở các môn thuộc tổ hợp khối B00 tăng mạnh. Điều này sẽ tác động tới điểm chuẩn các ngành sức khỏe.

Dự kiến tăng bình quân khoảng 1 điểm

Năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) từ điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 để tuyển sinh các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH cao hơn năm ngoái. Theo đó, thí sinh (TS) khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 bài thi/môn thi xét tuyển vào ngành y khoa, răng hàm mặt cần đạt từ 22,5 điểm. So với mấy năm gần đây, năm nay điểm sàn 2 ngành này cao hơn 0,5 điểm. Các ngành còn lại điểm sàn tương đương năm trước ở mức 19 (hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, điều dưỡng, y học dự phòng, kỹ thuật phục hồi chức năng) và 21 điểm (y học cổ truyền, dược học).

Quyết định trên xuất phát từ nguồn tuyển cho tổ hợp xét tuyển khối B00 (toán, hóa, sinh) tăng mạnh so với năm ngoái. Trong đó, tăng nhiều nhất là khoảng điểm từ 17 đến 22,5 điểm (từ 10 đến gần 20%). Trong khi đó, mốc điểm từ trên 22,5 trở lên tương đương năm ngoái.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: "Với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe như Bộ GD-ĐT công bố, có thể dự đoán điểm chuẩn khối ngành này ở các trường ĐH có thể giữ ổn định hoặc có xu hướng tăng nhẹ".

Đồng quan điểm, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho hay năm nay số lượng TS có tổng điểm 3 môn từ 25 trở lên ít hơn năm 2022. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các phương thức xét tuyển sớm các ngành khối sức khỏe cao hơn các ngành khác bằng điểm khối B00 tăng hơn năm 2022 trung bình 1 điểm. Do đó, dự báo điểm chuẩn có thể tăng bình quân 1 điểm.

Biến động tùy thuộc số lượng và chất lượng thí sinh

PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, nhận định: "Phổ điểm khối B năm nay tăng do điểm môn sinh tăng. Do đó, điểm chuẩn các ngành khoa học sức khỏe cũng có thể tăng". Tuy nhiên, theo ông Khôi, điểm chuẩn biến động tùy thuộc vào số lượng và chất lượng của TS tham gia đăng ký xét tuyển vào từng ngành cụ thể.

Năm 2022, điểm trúng tuyển các ngành của Trường ĐH Y dược TP.HCM dao động từ 19,05 đến 27,55. Ngành có đầu vào cao nhất là y khoa với 27,55 điểm, răng hàm mặt vẫn có điểm chuẩn cao thứ hai ở mức 27 điểm. Nếu sử dụng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, TS đăng ký hai ngành này sẽ được áp dụng mức điểm trúng tuyển lần lượt là 26,6 và 26,25 điểm. Ngành lấy điểm chuẩn thấp nhất là y tế công cộng với 19,1 điểm. Năm 2022, điểm sàn xét tuyển các ngành của trường này từ 19 - 23 điểm. Năm nay, điểm sàn 2 ngành tăng lên 23,5 gồm: y khoa, y khoa (kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế), răng hàm mặt, răng hàm mặt (kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế). (Thanh niên, trang 6).

 

Lấy lại giọng nói cho bệnh nhân ung thư lưỡi

Sau 3 tuần phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ lưỡi và tái tạo bằng phần da đùi, anh Nguyễn Thanh Thuận (26 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh) đã có thể nói chuyện được. Trên gương mặt anh Thuận giờ đây đã có lại nụ cười tự tin sau gần 1 năm anh phát hiện căn bệnh ung thư lưỡi.

Tỷ lệ phẫu thuật thành công đạt 98%

Anh Thuận là một trong hàng trăm bệnh nhân ung thư lưỡi được phẫu thuật, tái tạo theo phương pháp “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư” của nhóm tác giả: TS-BS Nguyễn Anh Khôi, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Cần và Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hùng Khương (thuộc Bệnh viện Ung bướu TPHCM). Phương pháp trên vừa được đề cử giải nhất Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3-2023.

“Tôi không còn đau đớn như trước, hy vọng sẽ nhanh khỏe để đi làm…”, dòng nước mắt chảy cắt ngang lời tâm sự của chàng trai trẻ. Anh Thuận nói rằng anh khóc không phải vì buồn mà vì niềm vui khi thấy mình khỏe hơn, trò chuyện được với mọi người và chờ mong sớm đi làm trở lại. Thăm bệnh, TS-BS Nguyễn Anh Khôi động viên bệnh nhân tập trung điều trị để nhanh đi làm trở lại.

Khoa Ngoại Đầu cổ - Hàm mặt những ngày này có hàng chục ca vừa được điều trị phẫu thuật tái tạo lưỡi. Bệnh nhân N.Đ.T. cũng vừa ra khỏi phòng mổ được 4 ngày. Người nhà bệnh nhân N.Đ.T. kể, gần 1 năm từ khi phát hiện triệu chứng đầu tiên, anh T. đi thăm khám nhiều nơi. Được đề nghị phẫu thuật cắt toàn bộ lưỡi để loại bỏ khối u, anh T. đắn đo mãi. Sau đó, anh được người quen hướng dẫn đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM thử phương pháp tái tạo khuyết hổng. Lựa chọn tin tưởng vào phương pháp trên, anh an tâm điều trị. Chỉ sau mấy ngày phẫu thuật, sức khỏe anh T. chuyển biến tích cực.

TS-BS Nguyễn Anh Khôi cho biết, khoảng năm 2011, ông mày mò nghiên cứu và đưa phương pháp tái tạo khuyết hổng sau phẫu thuật lưỡi vào điều trị bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, khi đó, vị bác sĩ này chỉ thực hiện đối với những khuyết hổng nhỏ. Sau đó, ông cùng nhóm cộng sự nghiên cứu, thử nghiệm phương pháp trên với những bệnh nhân phải cắt bỏ phần lớn hoặc toàn bộ lưỡi, lấy da đùi, da bụng hoặc da cánh tay để tái tạo. Sau rất nhiều nỗ lực của TS-BS Nguyễn Anh Khôi và cộng sự, kết hợp với các phác đồ điều trị sau phẫu thuật, năm 2017, phương pháp trên được ứng dụng vào thực tế, tỷ lệ thành công lên tới 98%. Năm 2021, phương pháp trên được áp dụng rộng rãi và mọi người bệnh đều có thể tiếp cận.

Chất lượng quốc tế, chi phí chưa tới 1%

Chia sẻ về nguyên nhân dành nhiều thời gian để nghiên cứu, ứng dụng phương pháp “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư”, TS-BS Nguyễn Anh Khôi nói rằng, trước đây khi chưa có phương pháp tái tạo khuyết hổng, trong phẫu thuật, bác sĩ chỉ cắt bỏ, xử lý được một phần khối u. Phương pháp này không mới nhưng chi phí rất đắt (như ở Singapore, chi phí khoảng 100.000 USD/ca), rất ít bệnh nhân tiếp cận được.

Trăn trở với những vấn đề bệnh nhân gặp phải, TS-BS Nguyễn Anh Khôi cùng cộng sự đã nỗ lực nghiên cứu các phương pháp trên thế giới để có thể thực hiện tái tạo lưỡi cho bệnh nhân trong trường hợp phải cắt bỏ toàn bộ lưỡi. “Mục tiêu ngắn hạn của phương pháp này là giúp bệnh nhân hết đau, mục tiêu dài hạn là giúp bệnh nhân ở giai đoạn trễ kéo dài sự sống, giao tiếp được”, TS-BS Nguyễn Anh Khôi cho hay.

Mỗi ca phẫu thuật, tái tạo khuyết hổng kéo dài khoảng 9-10 tiếng đồng hồ. Khó khăn nhất của phương pháp trên là làm vi phẫu vì phải theo dõi rất sát. Thường sau phẫu thuật, cứ 2-3 tiếng, bác sĩ phải kiểm tra một lần để theo dõi vết nối mạch máu. May mắn là những nỗ lực của các bác sĩ đã được ghi nhận và mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh. “Đợt tết vừa rồi, tôi nhận được cuộc điện thoại chúc tết của một bệnh nhân nam là giáo viên tiếng Anh, từng điều trị bằng phương pháp này ở giai đoạn đầu chúng tôi ứng dụng vào thực tiễn. Vui nhất là dù tái tạo toàn bộ lưỡi sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u nhưng anh vẫn nói bình thường, sức khỏe tốt, thậm chí vẫn tiếp tục dạy học”, TS-BS Nguyễn Anh Khôi kể.

Cũng theo vị bác sĩ này, bệnh nhân ung thư lưỡi ở giai đoạn phải phẫu thuật cắt bỏ u thường tiên lượng khá xấu, rất hiếm trường hợp có thể sống được khoảng 2 năm. Với phương pháp trên, kết hợp với phác độ điều trị sau phẫu thuật, hơn 40% bệnh nhân có thể sống trên 2 năm.

Đến nay, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã áp dụng phương pháp tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư cho hơn 300 trường hợp. Chi phí mỗi ca phẫu thuật chỉ khoảng 17-18 triệu đồng, ngoài ra còn được BHYT hỗ trợ nên bệnh nhân an tâm hơn. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang