Cảnh bảo lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hô Hấp Nhi Việt Nam cảnh báo các bậc cha mẹ không nên lạm dụng dùng kháng sinh cho trẻ nhỏ mà hãy tập làm quen với việc nuôi trẻ không kháng sinh (Chi tiết xem báo Tiền phong, trang 6).
Hàng trăm bạn trẻ Đà Nẵng hiến tặng 343 đơn vị máu
Ngày hội Chủ nhật Đỏ tại ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng thu hút sự tham gia của hàng trăm bạn trẻ. Ngày hội thu về 343 đơn vị máu phục vụ công tác cấp cứu và điều trị. Sáng 4/12, tại Đà Nẵng, Ngày hội hiến máu Chủ nhật Đỏ lần thứ XV (đợt 2) diễn ra ở ĐH Kỹ thuật Y - Dược, thu hút hàng trăm bạn trẻ đăng ký tham gia hiến máu.
Chương trình do Báo Tiền Phong phối hợp Thành Đoàn Đà Nẵng và Đoàn trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng tổ chức. Từ sáng sớm, hàng trăm bạn sinh viên, giảng viên và người lao động đã có mặt tại hội trường trường ĐH Kỹ Thuật Y - Dược để đăng ký hiến máu. Khu vực đăng ký được bố trí ở sảnh tầng 1, các khu sàng lọc, xét nghiệm, hiến máu và tặng quà được bố trí ở Hội trường lớn của ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, đảm bảo không gian rộng rãi cho quá trình hiến máu… Chủ nhật Đỏ là sự kiện hiến máu thường niên do Báo Tiền Phong khởi xướng từ năm 2009 với mục tiêu tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện trong đoàn viên, thanh niên và nhân dân. Năm 2023, Ngày hội Chủ nhật Đỏ dự kiến tổ chức tại 40 tỉnh, thành phố, bắt đầu từ tháng 11/2022 đến hết tháng 2/2023. (Tiền phong, trang 6).
Bộ Y tế khảo sát sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký ban hành Quyết định 3186/QĐ-BYT về thực hiện đánh giá chất lượng bệnh viện (BV) và khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2022, áp dụng chung cho BV nhà nước và tư nhân.
Theo đó, kiểm tra về thông tin, số liệu hoạt động BV trong 12 tháng (chuyên môn, tài chính, nhân lực, tổ chức, danh mục kỹ thuật, danh sách người hành nghề, danh mục trang thiết bị, sử dụng thuốc, báo cáo mô hình bệnh tật). Ngoài ra, kiểm tra công tác an toàn phòng chống dịch Covid-19; công tác thu dung, điều trị Covid-19 và sự sẵn sàng tham gia cấp cứu, hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 và người bệnh khác; triển khai thực hiện đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các BV điều trị người bệnh Covid-19 nặng”; kiểm tra tình hình áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các BV cũng thực hiện khảo sát sự hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú, khảo sát ý kiến người mẹ sinh con tại BV và toàn bộ nhân viên y tế (khuyết danh). Nội dung khảo sát tập trung vào các nhóm vấn đề: sự minh bạch thông tin và thủ tục khám bệnh, điều trị; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh; thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế, nhân viên phục vụ; kết quả cung cấp dịch vụ (cấp phát thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc đầy đủ, chất lượng); kết quả điều trị đáp ứng được nguyện vọng; đánh giá chung BV đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm so với mong đợi của người bệnh trước khi nằm viện… Có 5 mức độ đánh giá từ rất kém đến rất tốt. Trong tháng 12.2022, các BV hoàn thành việc tự kiểm tra, đánh giá trên. Sau khi BV hoàn thành tự kiểm tra, đánh giá, từ tháng 12.2022 đến quý 2/2023, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, đánh giá lại đối với các BV trực thuộc (trọng tâm kiểm tra kỹ các BV có kết quả bất thường hoặc không thực hiện các chỉ đạo của cơ quan quản lý).
Việc khảo sát thực hiện với người bệnh và người nhà chăm bệnh nhằm tìm hiểu nguyện vọng người bệnh. Các ý kiến này sẽ giúp ngành y tế khắc phục khó khăn, từng bước cải tiến chất lượng để phục vụ người dân tốt hơn. Bộ Y tế bảo đảm giữ bí mật thông tin và không ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh tham gia khảo sát. (Thanh niên, trang 16).
Từ 1-1-2023, phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng, cơ sở sẽ tăng mạnh?
Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 1-1-2023 sẽ tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở. Vâỵ mức tăng cụ thể là bao nhiêu, nhóm đối tượng nào sẽ được tăng nhiều nhất?
Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/NĐ-CP, Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập như sau: Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và Bệnh viện tuyến huyện.
Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 3 Nghị định 56/2011/NĐ-CP.
Về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở hiện hành, Điều 3 Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập như sau:
Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc: Xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.
Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc: Khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm; Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm; Kiểm dịch y tế biên giới.
Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.
Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 3 Nghị định 56/2011/NĐ-CP.
Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế để thực hiện các công việc: truyền thông giáo dục sức khỏe; dân số - kế hoạch hóa gia đình;
Công chức, viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Sốt xuất huyết bùng phát, ghi nhận hơn 8.000 ca mắc ở Quảng Bình
Dịch sốt xuất huyết còn tiếp diễn phức tạp và có xu hướng gia tăng. Theo dự báo nguy cơ số bệnh nhân tăng sẽ tiếp tục ghi nhận ở mức cao trong tháng 12/2022. Điều đáng nói, hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Ngày 4/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, Quảng Bình ghi nhận gần 8.400 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có một trường hợp trẻ em bị tử vong. Huyện Lệ Thuỷ là địa bàn có số mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh với gần 2.400 ca; tiếp đến là huyện Bố Trạch với hơn 1.600 ca; huyện Quảng Ninh có gần 1.140 ca; thành phố Đồng Hới có 980 ca mắc…Được biết, nguyên nhân ở Quảng Bình tăng mạnh số ca mắc sốt xuất huyết là do đặc điểm thời tiết mưa, nắng thất thường thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn chủ quan trong việc phòng chống dịch như: thiếu vệ sinh môi trường sạch sẽ nơi ở, để các ổ loăng quăng, bọ gậy ở hộ gia đình sinh sôi, ngủ không dùng màn…khi mắc bệnh lại thường tự chữa trị ở nhà, không thăm khám ở các cơ sở y tế, nên nhiều người từ sốt chuyển sang bệnh nặng phải điều trị dài ngày.
Hiện, ngành Y tế Quảng Bình đang đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ, nâng cao ý thức và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh dịch bệnh sốt xuất huyết cho cộng đồng. Phối hợp với chính quyền địa phương và người dân chủ động triển khai tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi và phòng muỗi đốt, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, làm việc, học tập thoáng mát, sạch sẽ, an toàn; đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; không để nước tù, động ở các vật chứa, dụng cụ tránh phát sinh các ổ loăng quăng, bọ gậy; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn và thường xuyên thau rửa dụng cụ chứa nước… (Công an nhân dân, trang 7).