Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/9/2023

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế chấn chỉnh việc cơ sở khám chữa bệnh để người dân bức xúc, tạo dư luận không tốt; Bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ lan thành dịch…

 

Chấn chỉnh tình trạng lạm thu dịch vụ vận chuyển cấp cứu

Thời gian qua, nhiều bệnh nhân cấp cứu từ các địa phương lên Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh vốn đã nhọc nhằn vì đường xa thì lại càng khốn khổ hơn khi gặp nạn "chặt, chém", nâng giá vận chuyển cấp cứu.

Bên cạnh những chuyến xe thiện nguyện 0 đồng giúp đỡ những bệnh nhân nghèo thì tình trạng lạm thu dịch vụ vận chuyển cấp cứu làm mất tính nhân văn trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Hiện nay, việc đầu tư xe cấp cứu cho các bệnh viện cần nguồn kinh phí rất lớn, nhưng ngành y tế chưa có quy định cụ thể về số lượng xe cấp cứu cho nên các bệnh viện vẫn bỏ ngỏ việc mua sắm xe. Thiếu xe cấp cứu đang là tình trạng chung của hầu hết các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ðể đáp ứng nhu cầu, không còn cách nào khác, các bệnh viện phải liên kết với các đơn vị vận chuyển cấp cứu tư nhân. Theo Sở Y tế, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có chín cơ sở được phép cung cấp dịch vụ hỗ trợ, vận chuyển cấp cứu (kể cả Trung tâm cấp cứu 115, không tính các cơ sở y tế).

Ðiều bất cập là cho đến nay là các cơ quan quản lý, các địa phương chưa đưa ra quy định cụ thể về mức giá vận chuyển cấp cứu bệnh nhân cho nên dễ xảy ra tình trạng bát nháo lạm thu, ép giá khách hàng. Theo tìm hiểu, chi phí vận chuyển cấp cứu bệnh nhân từ thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) lên các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 1,2 triệu đồng/lượt, bao gồm trang bị máy thở, bình ô-xi và có nhân viên y tế đi kèm. Mức giá này cũng tương tự đối với chiều về nếu đăng ký xe từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang lên đón. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy muốn về Tiền Giang bằng xe dịch vụ bên ngoài thì mức giá có thể lên đến 1,7 triệu đồng/lượt, thậm chí có bệnh nhân phải trả mức phí hơn 2 triệu đồng/lượt…

Ðể chấn chỉnh tình trạng lạm thu dịch vụ vận chuyển cấp cứu, vừa qua Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã họp về công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề chuyển bệnh nhân cấp cứu. Tại cuộc họp, PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cho biết sẽ phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc cấp phép hành nghề, hậu kiểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính; hướng dẫn các cơ sở tư nhân đã được Sở Y tế cấp phép hoạt động về việc kê khai giá dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh theo đúng quy định của Luật Giá; xây dựng phần mềm quản lý việc kê khai giá các dịch vụ khám, chữa bệnh. Sở Y tế cũng sẽ kiến nghị thành lập Hội đồng thẩm định các trường hợp kê khai giá cao bất thường, từ đó đề xuất và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về các trường hợp này.

Sự vào cuộc của Sở Y tế là một tín hiệu đáng mừng vì đã phát hiện, xử lý mạnh tay những sai phạm. Ngày 29/8 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế thành phố đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và đình chỉ hoạt động đối với Công ty TNHH Sang Chí Thành - đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển cấp cứu người bệnh với tổng số tiền 90 triệu đồng. Nguyên nhân, công ty này cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép. Trước đó, đầu tháng 5/2023, Thanh tra Sở Y tế từng ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH vận chuyển cấp cứu 115 Huỳnh Quốc tổng số tiền 160 triệu đồng. Công ty này có hành vi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và quảng cáo dịch vụ mà không có giấy phép. Ngoài ra, công ty này còn bị đình chỉ hoạt động trong 18 tháng, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo…

Tuy nhiên, lạm thu dịch vụ vận chuyển người bệnh là câu chuyện đã diễn ra nhiều năm mà chưa được xử lý triệt để. Muốn giải quyết được tình trạng này, cần có quy định giá vận chuyển cụ thể để bảo vệ quyền lợi người bệnh; cần cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai liên kết với các đơn vị vận chuyển tư nhân tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố; các bệnh viện cần nâng cao trách nhiệm quản lý hoạt động dịch vụ vận chuyển bệnh nhân tại đơn vị mình để ngăn ngừa tình trạng ép giá vận chuyển bệnh nhân. Người dân cũng nâng cao cảnh giác, tìm hiểu liên hệ đặt chỗ những đơn vị vận chuyển uy tín, nếu phát hiện những trường hợp đưa ra mức giá quá cao thì phản ánh với Thanh tra Sở Y tế thành phố qua số đường dây nóng 0989401155. (Nhân dân, trang TPHCM)

 

Cung ứng trang thiết bị y tế còn đứt gãy

Tình trạng xét cấp phép đăng ký lưu hành (số lưu hành) đối với trang thiết bị y tế (TTBYT) nhập khẩu chậm đến mức tính đến trung tuần tháng 8/2023, có đến 7.000 hồ sơ đang phải xếp hàng chờ Bộ Y tế xét duyệt. Sự chậm trễ này được cho là kết quả của khoảng trống pháp lý “gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý và gây đứt gãy chuỗi cung ứng trang thiết bị y tế” chậm được quan tâm giải quyết.

Phía Bộ Y tế cho biết, đã có sự chuẩn bị kế hoạch và sẽ ưu tiên giải quyết sớm trong thời gian tới, tuy nhiên cũng phải đến hết năm 2024 mới có thể xử lý cơ bản.

Bài I: 7.000 hồ sơ tồn đọng vì cấp phép lưu hành trì trệ

Phải xếp hàng chờ đợi lâu, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã gửi thư đề nghị Bộ Y tế quan tâm, hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ xử lý vướng mắc để việc cấp số lưu hành TTBYT bớt trì trệ. Không ít doanh nghiệp (DN) như ngồi trên lửa, vì cho rằng họ đang phải chịu nhiều bất lợi, mất quá nhiều chi phí cơ hội, thậm chí thiệt hại không đáng có. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở y tế, người dân không được tiếp cận thiết bị y tế mới trong chẩn đoán điều trị.

Sau khi dịch COVID-19 xảy ra, vấn đề nhập khẩu, xem xét hồ sơ cấp số lưu hành cho thiết bị y tế ở nước ta dường như được quản lý chặt và quy trình nhập khẩu, lưu hành phải được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Thực tiễn quản lý, nhập khẩu và đấu thầu TTBYT luôn được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để các cơ sở y tế có điều kiện tốt hơn trong mua sắm mới; tạo điều kiện để quá trình khám chữa bệnh cho người bệnh được tốt, được chẩn đoán bằng thiết bị y tế chất lượng cao hơn.

Tuy nhiên, từ tháng 8/2022 đến nay, vấn đề cấp số lưu hành cho TTBYT nhập khẩu trở nên rất chậm trễ, thủ tục xem xét hồ sơ bị cho là nhiêu khê và nhiều vướng mắc đang khó giải quyết, gây thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp nhập khẩu. Thực tế này dẫn đến lượng hồ sơ của DN gửi lên Bộ Y tế xin cấp số lưu hành phải chờ đợi để được đọc, xét duyệt tăng kỷ lục lên đến hơn 7.000. Đây là số lượng quá lớn để có thể giải quyết, do đó, sự chờ đợi của các doanh nghiệp ngày càng mòn mỏi. Cụ thể hơn nữa, số lượng TTBYT đề nghị được cấp số lưu hành ghi trong 7.000 hồ sơ trên rất lớn, đa dạng và có nhiều loại thiết bị khá cần kíp cho quá trình hiện đại hóa, đồng bộ thiết bị của nhiều cơ sở y tế.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 17/8/2023 về thực trạng chậm trễ cấp số lưu hành TTBYT đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, ông Vũ Đức Nhất- Tổng Giám đốc Philips Việt Nam kể: Để hình dung về thiệt hại của DN, người dân do phải chờ đợi cấp số lưu hành quá lâu, tôi lấy ví dụ thế này: Philips vừa cho ra đời máy CT scaner mới. Máy này muốn được bán ra thị trường Việt Nam thì việc đầu tiên DN phải đi xin phép Bộ Y tế. Chúng tôi nộp hồ sơ xin phép xét cấp số lưu hành TTBYT từ tháng 8/2022 nhưng đến giờ vẫn chưa đến lượt xem xét hồ sơ để phê duyệt, như thế là rất chậm trễ. Từ giờ đến cuối năm 2023, chúng tôi cũng chưa biết lúc nào hồ sơ được đọc và phê duyệt. Nếu theo trình tự bình thường, chúng tôi chỉ mất 2 đến 4 tháng chờ đợi là hồ sơ được Bộ Y tế duyệt nhưng giờ đây, chỉ riêng khâu xét duyệt hồ sơ đã phải chờ cả năm trời. Cuối cùng sản phẩm có nhưng DN chưa thể nhập về bán trên thị trường chỉ vì cơ quan cấp phép làm chậm. Không thể triển khai được sản phẩm mới, Philips gặp rất nhiều khó khăn, bí bách.

Toàn bộ DN không nhập khẩu được thiết bị mới và bán hàng thì cả khách hàng, các bệnh viện cũng không được tiếp cận nâng cấp sản phẩm TTBYT mới, công nghệ mới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho dân. Như thế chính ngành Y tế cũng chịu thiệt thòi”, ông Nhất nói.

Ngoài phàn nàn về việc bị chậm cấp số lưu hành TTBYT, đại diện Philips Việt Nam còn than rằng, họ còn gặp khó khăn lớn trong việc đưa các thiết bị y tế đã được cấp số lưu hành trên thị trường vào các bệnh viện khi thiết bị này được cập nhật, nâng cấp một số tính năng mới không làm thay đổi nhiều tính năng của thiết bị. Cụ thể, với những TTBYT đang lưu hành trên thị trường mà cập nhật tính năng mới thì DN cũng phải nộp hồ sơ xin cấp số lưu hành lại từ đầu. Nghĩa là nếu nộp vào cuối tháng 8/2023, thì hồ sơ đó sẽ phải xếp sau 7.000 hồ sơ đang phải “xếp hàng” ở Bộ Y tế. Nếu cứ duy trì quy trình, sự chậm trễ này thì TTBYT mới hoặc được cập nhật tính năng mới có được cấp phép thì cũng trở thành TTBYT cũ, lạc hậu...

Một DN kinh doanh TTBYT khác cho rằng, họ không những mất chi phí cơ hội kinh doanh do phải chờ đợi, khó khăn nhập thiết bị, mà còn mất khoản đầu tư rất lớn. Cụ thể là khi triển khai một số TTBYT mới đến các bệnh viện, DN phải chi tiền tuyển thêm nhân sự, kỹ sư hiểu biết về thiết bị y tế mới để đào tạo, cập nhật kiến thức về TTBYT. Thế nhưng DN tuyển dụng, đào tạo xong, chờ đợi mãi mà TBYT không được cấp phép lưu hành, DN đành phải sa thải nhân công chất lượng cao, vì không có tiền để chi lương cho họ để chờ đợi cấp phép cả năm trời chưa xong. “Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng, Bộ Y tế cải tiến ngay quy trình, phân cấp phân quyền; cử nhân sự đọc và trả lời hồ sơ sớm nhất có thể, nếu không thực hiện thế thì nhiều DN, cơ sở y tế không có sức, nguồn lực chịu đựng lâu hơn được nữa...”, đại diện DN này nói và thông tin thêm rằng, nhiều DN đã được gặp lãnh đạo cấp cục của Bộ Y tế, đã được nghe phương án xử lý vấn đề nhưng không chắc chắn là khi nào mới có thể gỡ vướng được khâu chậm trễ cấp số lưu hành TTBYT này!

Khoảng trống pháp lý làm đứt gãy chuỗi cung ứng

Hơn một năm qua, DN gặp khó khăn trong cấp số lưu hành TTBYT đề nghị nhưng vẫn chậm được giải quyết, một số hiệp hội, tổ chức đã gửi thư, đề nghị giải quyết gấp vấn đề này đến lãnh đạo Bộ Y tế. Trong công thư số 1007, ngày 10/7/2023 gửi lãnh đạo Bộ Y tế, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá cao sự nỗ lực tích cực của Bộ Y tế trong việc củng cố, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý TTBYT. Tuy nhiên, EuroCham đề nghị bộ này: Điều chỉnh thời gian áp dụng hồ sơ kỹ thuật chung về TTBYT theo quy định của ASEAN đến ngày 1/1/2025; Có cơ chế ưu tiên để đánh giá và cấp số đăng ký lưu hành mới đối với TTBYT đã được cấp phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành còn hiệu lực nhưng có thay đổi các thông tin trên giấy phép. Kiến nghị này mục đích là để đẩy nhanh tiến độ cấp phép số lưu hành với TTBYT đang rất chậm trễ, “nguy cơ làm gián đoạn việc cung cấp TTBYT cho các cơ sở khám chữa bệnh”.

Trước đó, ngày 5/7, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực kiêm Trưởng đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng gửi “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)” đến Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Tại bản góp ý này, ông Thành thể hiện sự ủng hộ và đánh giá cao các nỗ lực của Bộ Y tế trong việc hoàn thiện quy định pháp luật...Tuy nhiên, trong bản góp ý, ông Thành cũng nhận định rằng, có một khoảng trống pháp lý đang gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng các TTBYT và vật tư y tế tại Việt Nam. Lý do là Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chấm dứt hiệu lực của Thông tư 30, Thông tư 44 và Thông tư 47 khiến DN không thể xin cấp giấy phép nhập khẩu sửa đổi và đăng ký lưu hành sửa đổi theo các thông tư này. Trong khi đó, cơ quan quản lý chưa có các cơ sở pháp lý để xử lý cấp phép cho các trường hợp thay đổi tên gọi TTBYT, sáp nhập doanh nghiệp thay đổi tên nhà xản xuất thiết bị y tế...

Theo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, các DN đang phải ngừng nhập khẩu TTBYT do lo ngại nếu nhập sẽ vi phạm các quy định về hải quan, khi thông tin thực tế của hàng hóa nhập về khác với thông tin ghi trên giấy phép nhập khẩu và đăng ký lưu hành đã được cấp trước đây. DN buộc phải ngừng nhập khẩu để chờ đợi cơ quan có thẩm quyền khắc phục khoảng trống pháp lý này. (còn nữa) (Tiền phong, trang 5)

 

GS-TS-BS Văn Tần: Biểu tượng trong lĩnh vực ngoại khoa đã đi xa...

4-9 năm nay là ngày đau buồn nhất của toàn thể cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Bình Dân nói chung và các thế hệ học trò của GS-TS-BS Văn Tần nói riêng, khi chứng kiến sự ra đi mãi mãi của Thầy.

Cách đây hơn 48 năm, lúc đó tôi mới vào Nội trú thì GS-TS-BS Văn Tần đã là Trưởng khoa Ngoại tại Bệnh viện Bình Dân. Tôi đã học được rất nhiều từ Thầy. GS-TS-BS Văn Tần là người tận tâm, là thầy thuốc mổ giỏi, mát tay, không quản ngày đêm đối với những ca cấp cứu khó mà đàn em mời tham vấn. Đó là điều tôi cảm phục nhất ở Thầy.

Mặc dù, đáng lẽ ra khi nghỉ hưu, Thầy được nghỉ ngơi sau nhiều năm dài cống hiến cho ngành y học nước nhà nhưng với Thầy, niềm vui lớn nhất là mỗi ngày được khám, điều trị, phẫu thuật cho người bệnh. Chính vì thế, dù đã đến tuổi nghỉ hưu, Thầy vẫn tiếp tục ở lại bệnh viện làm công tác chuyên môn. Ít ai biết rằng, lúc nào GS-TS-BS Văn Tần cũng đến bệnh viện rất sớm, từ 5-6 giờ sáng và ra về khi thành phố đã lên đèn. Hàng chục năm qua, Thầy vẫn luôn có mặt bất cứ lúc nào người bệnh cần, dù là ngày lễ, tết hay đêm khuya. Và trong các cuộc thăm bệnh, người bệnh nặng hơn luôn được ông sắp xếp thăm, tư vấn trước - thói quen này được duy trì nhiều năm và không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào.

Nhiều thế hệ sinh viên y khoa tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế (nay là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) không bao giờ quên hình ảnh người thầy mặc bộ blouse đặc biệt, hiền lành nhưng vô cùng nghiêm khắc. Bao giờ cũng thế, bài học đầu tiên mà thầy giáo Văn Tần dạy các học trò của mình là bài học về đạo đức, hướng về người bệnh. Với ông, người bác sĩ ngoài chuyên môn cần phải đặt y đức lên hàng đầu.

Là người yêu thích nghiên cứu khoa học, GS-TS-BS Văn Tần đã viết gần như mọi chủ đề về ngoại khoa. Thầy đã thực hiện hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Kiến thức, kinh nghiệm phẫu thuật trong gần 60 năm được Thầy đúc rút và mang vào từng bài giảng “truyền lửa” cho các thế hệ sinh viên y khoa, những người sẽ thay ông nối tiếp y đức, chữa bệnh cứu người. Với mọi bệnh nhân, GS-TS-BS Văn Tần luôn tận tụy và chu đáo trong việc điều trị và đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh.

GS-TS-BS Văn Tần ra đi là một mất mát của ngành ngoại khoa Việt Nam nói chung và của Bệnh viện Bình Dân nói riêng. Một biểu tượng cao quý của ngành y về ngoại khoa đã mất! Trân trọng cúi đầu tiễn biệt trước sự ra đi mãi mãi của Thầy với lòng thương tiếc khôn nguôi! (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

 

Bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ lan thành dịch

Sau khi bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) bùng phát và lây lan ở Hà Nội thì những ngày qua, tại TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam cũng bắt đầu xuất hiện nhiều trường hợp mắc căn bệnh này, có nguy cơ lây lan thành dịch.

Tăng ở người lớn và trẻ em

Ngày 31-8, chị Mai Thị Anh Đào (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đưa con trai 3 tuổi đến Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 trong tình trạng đôi mắt sưng, đỏ và liên tục đổ ghèn. Trước đó 4 ngày, bé xuất hiện các triệu chứng đổ ghèn, đỏ mắt, chảy nước mắt và dụi mắt liên tục. Dù chị Đào thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho con nhưng tình trạng không thuyên giảm, có dấu hiệu ngày càng nặng hơn. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bé bị viêm kết mạc…

Bác sĩ CKI Nguyễn Đình Trung Chính, chuyên khoa mắt, Khoa Liên chuyên khoa BV Nhi đồng 2, cho biết, thời điểm này, BV thường xuyên tiếp nhận nhiều trẻ bị viêm kết mạc cấp, trong đó có những trẻ kèm biểu hiện xuất huyết. Đa phần trẻ bị viêm kết mạc đều nhanh khỏi sau khi được điều trị theo chỉ định của bác sĩ, nhưng nếu không được điều trị hoặc điều trị trễ thì có thể gây ra biến chứng viêm loét giác mạc, ảnh hưởng nhiều đến thị lực.

Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn cũng bị đau mắt đỏ trong thời gian gần đây. Bác sĩ Nguyễn Thành Luân, Khoa Mắt, BV Đại học Y Dược TPHCM, thông tin, số ca bệnh đau mắt đỏ đến khám tại BV có dấu hiệu gia tăng; trung bình mỗi buổi bác sĩ thăm khám cho 15-20 ca bệnh, trong khi trước đó chỉ vài ca.

Tại BV Mắt TPHCM, số bệnh nhân đến thăm khám đau mắt đỏ cũng gia tăng trong những ngày gần đây, nhiều trường hợp phải cấp cứu do biến chứng. Chị Lê Thủy Vân (47 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) cho biết, cách đây ít ngày, mắt chị sưng đau, đổ ghèn, dù nhỏ thuốc và xông nước muối nhưng vẫn không đỡ. Để tránh ảnh hưởng đến công việc, chị Vân đã đến BV Mắt để được điều trị dứt điểm. Tại đây, các bác sĩ kết luận chị bị viêm kết mạc cấp, phải điều trị dài ngày.

Dễ lây lan thành dịch

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Luân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ, trong đó virus là nguyên nhân phổ biến nhất. Các trường hợp đau mắt đỏ do virus thường có các triệu chứng: chảy nước mắt, đổ ghèn trong, sưng phù mi, cộm. Bên cạnh đó, một số người có thể bị đau mắt do vi khuẩn Haemophilus Influenzae, Staphylococcus tấn công gây nên tình trạng chảy nước mắt, phù mi, ghèn vàng hoặc xanh. Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với lông vật nuôi, phấn hoa, bụi…. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan qua nhiều đường: do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi... hoặc lây qua tay của người đã mắc bệnh.

Còn theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bạch Tuyết, BV Nhi đồng 2, ở trẻ nhỏ, đau mắt đỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ... Đặc biệt, bệnh có thể xuất hiện giả mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi. Bệnh thường khởi phát từ vài giờ đến vài ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Ban đầu, triệu chứng bệnh thường xuất hiện ở một mắt, sau đó lan sang hai mắt với các biểu hiện như: xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều gỉ, khó mở mắt khi ngủ dậy.

“Hiện nay, thời tiết với độ ẩm cao thường là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi trùng sinh sôi phát triển nhanh hơn nên bệnh đau mắt đỏ cũng thường xảy ra trong thời gian này, nhất là trong thời điểm giao mùa hè - thu. Khi bị đau mắt đỏ, một số người không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc tự ý điều trị khiến bệnh tiến triển nặng và phức tạp hơn, gây ra một số biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bạch Tuyết khuyến cáo.

Các chuyên gia lưu ý, những phương pháp dân gian như xông nước thuốc, nhỏ chanh, đắp lá nha đam hay đắp lá trầu không… để điều trị đau mắt đỏ có thể khiến mắt sưng phù, bỏng. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần đi khám chuyên khoa mắt và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Để phòng tránh bệnh và lây bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, hàng ngày người dân nên nhỏ nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%) để rửa mắt sau khi đi ngoài đường hoặc đi bơi về; hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Tại trường học, cơ quan, gia đình..., cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người bệnh, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay; cách ly người bệnh, dùng riêng các dụng cụ như khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối…

Hà Nội: Dịch đau mắt đỏ gia tăng bất thường

Theo bác sĩ Lưu Quỳnh Anh, Phó trưởng Khoa Mắt, BV Nhi Trung ương, bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện vào mùa xuân - hè, dễ lây lan thành dịch. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, dịch đau mắt đỏ lại đang gia tăng bất thường, với nhiều trẻ bị mắc bệnh có biến chứng nguy hiểm. Trong 1 tháng trở lại đây, Khoa Mắt của BV đã tiếp nhận liên tiếp trên 50 bệnh nhi/ngày bị viêm kết mạc cấp, trong đó có tới 20% gặp biến chứng nặng. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 8: “Bệnh đau mắt đỏ gia tăng sau thời gian dài vắng bóng”

 

Bộ Y tế chấn chỉnh việc cơ sở khám chữa bệnh để người dân bức xúc, tạo dư luận không tốt

Các cơ sở khám chữa bệnh cần rà soát, chấn chỉnh, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; tăng cường tập huấn các kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế. Xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.

Ngày 29/8, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; Y tế các Bộ, ngành; Các cơ quan, đơn vị báo chí, truyền thông về việc xử lý thông tin báo chí, ra soát chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, từ đại dịch COVID-19 đến nay, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế luôn ghi nhận và đánh giá cao sự vất vả, nỗ lực của các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại các bệnh viện, đã và đang cố gắng, từng bước khắc phục khó khăn về thiếu nhân lực, kinh phí, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… bảo đảm duy trì công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng hình ảnh tích cực về người thầy thuốc, sự tin tưởng của người dân đối với ngành y tế.

Tuy nhiên trong thời gian qua, các cơ quan truyền thông phản ánh một số vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện K… về tinh thần, thái độ giao tiếp, y đức của một vài nhân viên y tế khiến người dân bức xúc, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành y tế.

Vì vậy, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và Y tế các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các nội dung sau: Rà soát, chấn chỉnh, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; tăng cường tập huấn các kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế. Xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.

Đồng thời, quán triệt phương châm "Lấy người bệnh là trung tâm", đẩy mạnh triển khai hoạt động bảo đảm an toàn người bệnh với mục tiêu "Y tế trước tiên là không gây hại cho người bệnh", hưởng ứng chủ đề Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2023 "Lắng nghe tiếng nói, tâm tư người bệnh".

Với các đơn vị báo chí, truyền thông, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trân trọng sự chủ động phát hiện và phản ánh các vụ việc tiêu cực trong thời gian qua.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh bày tỏ mong muốn các Quý đơn vị tiếp tục đồng hành cùng hệ thống khám, chữa bệnh trong hành trình cải tiến chất lượng bệnh viện, không chi phát hiện các tiêu cực mà còn ghi nhận, tôn vinh những tấm gương tốt của các cá nhân, tập thể, góp phần nâng cao hình ảnh, chân dung người thầy thuốc "Lương y như từ mẫu". (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang