Cung ứng trang thiết bị y tế còn đứt gãy: Cuối 2024, xử lý hết hồ sơ còn bị 'tắc'
Về sự chậm trễ cấp số lưu hành trang thiết bị y tế với hơn 7.000 hồ sơ mà DN nộp lên Bộ Y tế, TS Nguyễn Minh Lợi, Cục trưởng Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế, Bộ Y tế nói: “Sau nhiều vụ án về lĩnh vực y tế xảy ra ở T.Ư và nhiều địa phương, chuyên gia độc lập ngại, không tham gia thẩm định hồ sơ; cán bộ của Cục quá ít lại “được” cử tham gia các hội đồng theo yêu cầu của nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật nên thẩm định bị chậm. Bộ đã có giải pháp, đến cuối năm 2024 giải quyết dứt điểm tồn đọng”.
Lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp
Thưa ông, cấp số lưu hành trang thiết bị y tế (TTBYT) lâu nay diễn ra như thế nào? Như doanh nghiệp (DN) phản ánh, hiện có đến hơn 7.000 hồ sơ xin đề nghị cấp số lưu hành vẫn phải xếp hàng chờ Bộ Y tế. Thực tế có đúng không?
Nói khái quát chung thì công tác quản lý TTBYT trong đó việc cấp phép số lưu hành TTBYT là lĩnh vực khó khăn, nhạy cảm, phức tạp. Trong thực tế, việc thẩm định hồ sơ chịu nhiều áp lực. Thể chế về quản lý TTBYT từng bước theo xu hướng chung của thế giới, Việt Nam bắt đầu tiếp cận trong thỏa thuận chung ASEAN với việc từ 2016 - lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị định riêng về quản lý TTBYT, sau đó sửa đổi, bổ sung, thay bằng các văn bản khác nhau... Hiện nay, theo thống kê, còn hơn 7.000 hồ sơ đã nộp nhưng chưa được cấp phép.
Vì sao cơ quan cấp phép trong lĩnh vực liên quan sức khỏe nhân dân lại để tồn đọng lượng hồ sơ lớn đến thế, thưa ông?
Việc xử lý chậm có nhiều nguyên nhân với 4 nhóm nguyên nhân chính, cụ thể là: Thứ nhất, trước đây khi Cục còn là Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, nhân lực quản lý TTBYT chỉ có 9 chuyên viên (các lĩnh vực quản lý tương tự khác là khoảng 90 biên chế), ngoài việc thẩm định hồ sơ còn rất nhiều nhiệm vụ khác như quản lý chất lượng, quản lý giá... Thứ hai, từ năm 2021 đến nay, do xảy ra một số sự cố, vụ việc liên quan lĩnh vực quản lý TTBYT, các chuyên gia có tâm lý e ngại nên đã không tham gia thẩm định; Thứ ba, mức phí thẩm định hồ sơ ở Việt Nam thấp nhất trong khu vực cũng như so với các nước. Hồ sơ tài liệu nhiều vài trăm trang tiếng Anh. Mức phí chưa tương xứng với công sức người làm trực tiếp, đặc biệt là chuyên gia.
Thứ tư, việc chuẩn bị hồ sơ của DN chưa đáp ứng yêu cầu, phải bổ sung, làm lại nhiều lần; trong khi số lần được bổ sung từ 3 đến 5 lần.
Số lượng hồ sơ mà DN phải làm lại, bổ sung có nhiều không? Hồ sơ DN nộp thường bị sai sót gì mà phải trả lại; vì sao không “cưỡng bức” DN làm hồ sơ chuẩn hơn, thưa ông?
Qua thống kê, số hồ sơ phải bổ sung chiếm khoảng 70% đến 80%, dẫn đến số lượt hồ sơ phải đọc tăng lên. Hồ sơ DN nộp rất đa dạng do tính đa dạng của TTBYT và lỗi cũng cơ bản không giống nhau. Ví dụ, có hồ sơ gặp lỗi vì tên gọi thiết bị, tên gọi DN; có chỗ thì lệch nhau về thông tin hoặc có nhiều giấy tờ không đồng nhất với nhau... Như thế là DN phải sửa lại cho đúng. Một bộ hồ sơ như thế nào là đạt yêu cầu thì đã có hướng dẫn, công bố công khai. Tất nhiên, khi xử lý thẩm định thì chúng tôi cũng xét theo tỷ lệ, hiện nay là 60% hồ sơ mới và 40% hồ sơ bổ sung, chúng tôi đang đề nghị điều chỉnh thành 50% hồ sơ mới và 50% hồ sơ bổ sung để cho các DN có hồ sơ bổ sung đỡ bị thiệt thòi, nếu không thì DN có hồ sơ phải bổ sung buộc phải quay lại xếp hàng sau 7.000 hồ sơ đang tồn đọng.
Những giải pháp căn cơ nhất để giải quyết 7.000 hồ sơ tồn đọng này là gì, liệu giải pháp đó có khả thi?
Chúng tôi đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể là: Một là, từ tháng 9/2022, chúng tôi đã tham mưu báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế và được điều chỉnh lại quy trình. Cụ thể: chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, các chuyên viên của Cục sẽ thẩm định, nếu đạt sẽ trình Hội đồng (Hội đồng gồm những người ở bên ngoài Bộ Y tế) xem xét, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt, sau đó các chuyên gia độc lập sẽ thực hiện hậu kiểm. Làm như vậy sẽ bớt đi một khâu nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc không bị khép kín, tiến độ sẽ rút ngắn lại. Sau khi điều chỉnh, tiến độ đọc, thẩm định hồ sơ được cải thiện nhiều. Hiện nay, mỗi một tháng chúng tôi giải quyết được khoảng 600 đến 800 hồ sơ. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì chưa đáp ứng được. Với tốc độ như vậy, nếu không được tăng thêm nhân sự thì dự báo sẽ khó đáp ứng đúng yêu cầu mà Bộ Y tế đã cam kết với Thủ tướng (và chúng tôi cũng phải cam kết với Bộ trưởng Bộ Y tế) là đến cuối năm 2024 sẽ giải quyết dứt điểm số hồ sơ bị “tắc” nói trên.
Hai là, về bổ sung nhân sự, năm 2022 chúng tôi được bổ sung thêm 3 biên chế và mới đây được bổ sung thêm 5 biên chế, tháng 9 này sẽ tuyển dụng ngay. Khi có thêm 5 biên chế, dự báo mỗi tháng Cục sẽ xử lý được khoảng 900 đến 1.000 hồ sơ, dự kiến sẽ mất 7 đến 8 tháng nữa sẽ giải quyết hết hơn 7.000 hồ sơ đang tồn đọng. Tất nhiên, ngoài số hồ sơ này, mỗi ngày DN đều nộp lượng hồ sơ mới bên cạnh lượng hồ sơ sai sót DN phải bổ sung làm lại. Bên cạnh đó, Cục cũng đang đề nghị thành lập Trung tâm Thẩm định hồ sơ cấp số lưu hành TTBYT, bổ sung thêm 15 nhân sự, số nhân sự này được trả lương từ phí cấp phép (hiện Bộ Tài chính đã đồng ý tăng mức phí thẩm định hồ sơ từ 5 triệu đồng lên 6 triệu đồng/hồ sơ). Khi có thêm 15 biên chế, tiến độ thẩm định hồ sơ sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Ba là, Bộ đã áp dụng mạnh mẽ việc phân cấp, ủy quyền. Theo đó, Bộ trưởng ủy quyền và phân cấp cho Cục trưởng tổ chức thẩm định, ký giấy phép và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện.
Chậm còn vì phải phục vụ cơ quan bảo vệ pháp luật
Ngoài những hồ sơ xin cấp số lưu hành, còn có thiết bị đã được cấp số lưu hành nhưng DN muốn cập nhật tính năng mới, thay đổi thông tin thì cũng phải xếp hàng chờ đợi sau 7.000 hồ sơ nói trên, thực tế ra sao? Vì sao không tinh giản, rút ngắn thời gian trong cấp phép giống như ở các nước khác nhất là với thiết bị đã có chứng chỉ của các nước tiên tiến?
Trong quá trình cấp phép, chúng tôi cũng nhận được kiến nghị, phản ánh của một số DN về vấn đề này. Về cơ bản, theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, một số thông tin của TTBYT thay đổi thì không nhất thiết phải cấp lại số lưu hành. Tuy nhiên, có một số trường hợp thay đổi thông tin đó dẫn đến thay đổi tính năng, thay đổi chỉ định sử dụng của TTBYT thì DN phải làm lại hồ sơ để xin cấp phép lại số lưu hành.
Trường hợp DN muốn bổ sung công nghệ mới để áp dụng lần đầu vào Việt Nam thì chúng tôi cũng đang rà soát, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế theo hướng có một số trường hợp ưu tiên cấp số lưu hành trước, phù hợp thực tiễn để người dân có thể tiếp cận được các công nghệ mới. Còn nếu cứ theo quy trình bình thường, DN nào nộp trước được thẩm định trước thì sẽ bị chậm. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nêu, do nhân lực có hạn nên nếu ưu tiên cho hồ sơ này thì hồ sơ khác sẽ bị chậm!
Còn vì sao không tinh giản, rút ngắn thời gian thẩm định ... Chúng tôi cũng đã nghiên cứu thông lệ quốc tế, lấy ví dụ khi chúng tôi sang Nhật Bản khảo sát năm 2022 thì thấy ngay cả các thiết bị y tế mặc dù đã được FDA của Mỹ hoặc các tổ chức của châu Âu rất uy tín cấp phép lưu hành, song để TTBYT đó vào Nhật Bản được thì cũng phải trải qua ít nhất là 4 tháng thẩm định. Nguyên tắc chung là TTBYT sử dụng cho khám bệnh, chữa bệnh tác động trực tiếp đến người bệnh phải đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả nên cần phải thẩm định kỹ càng.
Thời gian qua ở T.Ư và địa phương đều xảy ra nhiều vụ việc liên quan mua sắm TTBYT, vật tư y tế. Đây có phải nguyên nhân làm cho cán bộ cấp phép bị phân tán, lo sợ, “chùn tay” trong thẩm định?
Đúng là hai năm qua xảy ra một số vụ việc liên quan mua sắm TTBYT như vậy, nhiều cán bộ lãnh đạo và chuyên viên của Cục phải tham gia các hội đồng thẩm định, định giá tài sản để phục vụ cho cơ quan bảo vệ pháp luật ở T.Ư và địa phương. Do đó, cán bộ cũng bị chi phối, dành thời gian cho hoạt động này để đảm bảo tiến độ. Từ năm 2022 đến nay, chúng tôi phải tham gia khoảng 12 hội đồng khác nhau. Mỗi hội đồng phải có một lãnh đạo Cục và một chuyên viên tham gia. Có lãnh đạo phải tham gia làm chủ tịch 4 hội đồng và làm phó chủ tịch của 4 hội đồng khác, nên có thời gian họ đã phải tạm dừng công việc điều hành để tập trung phục vụ công tác hội đồng, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Cảm ơn TS Lợi!
Theo TS Lợi, hệ quả của việc cấp phép lưu hành TTBYT chậm không chỉ có DN phải chịu mà người dân bị tác động trực tiếp nhất, vì họ chưa được tiếp cận TTBYT công nghệ mới. Còn việc các cơ sở y tế thiếu, chậm mua sắm được thiết bị y tế thì cấp phép chỉ là một phần nguyên nhân. (Tiền phong, trang 5)
TPHCM ghi nhận 63.309 ca đau mắt đỏ trong 8 tháng đầu năm
Chiều 5-9, Sở Y tế TPHCM cho biết, từ đầu năm 2023 đến ngày 31-8, TPHCM ghi nhận 63.309 ca mắc bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 là 53.573 ca.
Trong đó, có 1.001 ca có biến chứng, chiếm 1,59% (cùng kỳ năm 2022 là 873 ca biến chứng, chiếm 1,63% tổng số ca bệnh). Các biến chứng của bệnh viêm kết mạc thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực…
Số trẻ em dưới 16 tuổi bị viêm kết mạc trong 8 tháng đầu năm 2023 là 15.402 ca, chiếm 24,43% (cùng kỳ năm 2022 có 10.467 ca, chiếm 19,54% tổng số ca bệnh). Trong 15.402 ca trẻ em dưới 16 tuổi bị viêm kết mạc, có 288 ca biến chứng, chiếm 1,87% (cùng kỳ năm 2022 có 241 ca biến chứng, chiếm 2,3% tổng số ca bệnh).
Trước thực trạng này, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các đơn vị tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân, giáo viên, phụ huynh học sinh về các dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ, khuyến cáo phòng ngừa lây lan, phân biệt với các bệnh lý về mắt khác, hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với các trường hợp nhẹ và các dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận và điều trị bệnh đau mắt đỏ, trong đó đặc biệt lưu ý: dặn dò, tư vấn kỹ người bệnh và người thân về các dấu hiệu chuyển nặng cần phải nhập viện và ghi rõ trong toa thuốc ngoại trú. Yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh báo cáo nhanh khi tình hình bệnh có diễn biến bất thường; sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, vật tư, thuốc điều trị và kế hoạch ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
* Không xông, đắp lá cây để chữa đau mắt đỏ
Ngày 5-9, trước tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Nam, đại diện Bệnh viện Bạch Mai thông tin, gần đây các bác sĩ của bệnh viện đã tiếp nhận điều trị một số trường hợp bị di chứng do sử dụng các loại lá cây để đắp hoặc xông mắt, gây viêm loét giác mạc, thậm chí để lại sẹo giác mạc gây nhìn mờ vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, một số trường hợp bị đau mắt đỏ nhưng không đến bệnh viện sớm, tự ý mua thuốc nhỏ mắt về điều trị nên khi đã bị biến chứng nặng, gây ảnh hưởng nhiều tới thị lực.
Theo bác sĩ Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai, người bị bệnh đau mắt đỏ thường có các biểu hiện: ngứa mắt, cộm đỏ, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt... Khi có các biểu hiện trên, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở nhãn khoa để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng các lá cây để đắp hoặc xông mắt vì ít có tác dụng và có thể gây ra những tổn thương cho mắt.
Ngoài ra, một số loài nấm và vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc, gây ra viêm loét giác mạc, khiến việc điều trị rất khó khăn, di chứng để lại là sẹo giác mạc gây nhìn mờ vĩnh viễn, thậm chí một số trường hợp nặng phải khoét bỏ mắt. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)
"Tăng tốc" phòng, chống HIV/AIDS
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; đồng thời giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, song thời gian không còn nhiều nên các cơ quan chức năng đã bổ sung một số giải pháp quyết liệt hơn.
Những kết quả tích cực
Giải pháp xuyên suốt được các cơ quan chức năng thực hiện là tăng cường truyền thông phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức, tập trung vào nhóm người có nguy cơ cao (người nghiện chích ma túy, người hoạt động mại dâm…). Cùng với đó, những trường hợp trẻ tuổi đang là học sinh bậc trung học phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, công nhân, người lao động… cũng thường xuyên được trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống HIV/AIDS.
Em Nguyễn Hoàng Việt, sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Tham gia nhiều buổi truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, chúng em biết cách bảo vệ bản thân, tuyệt đối không sử dụng ma túy, không quan hệ tình dục thiếu an toàn…”.
Giải pháp quan trọng khác được triển khai là khám, tư vấn cho những người có nguy cơ cao, điều trị cho những người có HIV. Hiện tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đều tiến hành tư vấn, xét nghiệm HIV, nhất là với nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ (người mắc bệnh lao, con của người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV…). Nhờ đó, người dân, bệnh nhân có thể đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị. Chẳng hạn, tại quận Nam Từ Liêm, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, trung tâm đã tư vấn, điều trị cho gần 2.000 bệnh nhân, trong đó hơn 94% người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phần lớn chi phí điều trị.
Cùng đó, các cơ quan chức năng luôn quan tâm đến đời sống của người có HIV. Hà Nội là số ít địa phương chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung trẻ em có HIV mất nguồn nuôi dưỡng ngoài cộng đồng. Ngôi nhà chung dành cho trẻ em có HIV là Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) thường có 50-70 trẻ đến từ nhiều địa phương. Tại đây, trẻ em được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, tạo điều kiện thuận lợi để học tập, hòa nhập cộng đồng.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, số người mới nhiễm HIV có xu hướng giảm. Đến nay, số người có HIV còn sống trên địa bàn thành phố khoảng gần 20.000 người. Đa số người có HIV được quản lý và biết tình trạng bệnh tật của bản thân để chủ động có giải pháp giảm nguy cơ lây truyền cho cộng đồng.
Tăng tốc để hiện thực hóa mục tiêu
Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của Hà Nội được các bộ, ngành chức năng trong nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, số người mới nhiễm HIV ở Hà Nội có tuổi đời còn trẻ, thường dưới 30 tuổi. Đối tượng mới nhiễm là nam giới nhiều hơn nữ giới. Đáng chú ý, hơn 99% xã, phường, thị trấn ở tất cả các quận, huyện, thị xã đã phát hiện người có HIV. Nếu không kiểm soát tốt, Hà Nội vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng. Trong khi đó, thời gian để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 không còn nhiều nên đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng tốc hơn, triển khai những giải pháp phòng, chống đạt hiệu quả cao hơn.
Thấy rõ những việc cần làm, ngoài những giải pháp đã triển khai, từ giữa năm 2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 199/KH-UBND về bảo đảm tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn thành phố. Ước tính, việc triển khai Kế hoạch số 199/KH-UBND giúp các bên huy động kinh phí đạt khoảng hơn 1.500 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030. UBND thành phố cũng xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS cụ thể theo từng năm, làm căn cứ cho các sở, ngành, địa phương có cách thức triển khai hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với đặc thù dân cư.
Năm 2023, UBND thành phố yêu cầu các bên liên quan tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp trọng tâm, đó là dự phòng và can thiệp giảm tác hại; xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS; điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV. Thông qua những giải pháp này, Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu, 90% số người có HIV biết tình trạng nhiễm HIV của bản thân; 90% người nhiễm HIV trong diện quản lý được điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV); 98% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế…
Ở cấp cơ sở, các quận, huyện, thị xã cũng nỗ lực nâng cao hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS. Chẳng hạn, tại quận Hà Đông, từ đầu năm 2023 đến nay, các bên liên quan phối hợp để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng giúp 70% người dân trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS, không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; hỗ trợ, tạo thuận lợi để 100% người nhiễm HIV/AIDS được chuyển gửi điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV).
Với phụ nữ mang thai có HIV, họ được điều trị thuốc ARV, còn trẻ sinh ra từ người mẹ có HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV và xét nghiệm, chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV của trẻ. Tương tự, huyện Chương Mỹ có phương án hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS gặp hoàn cảnh khó khăn phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể…
Thông qua nhiều giải pháp cụ thể, việc làm thiết thực, hy vọng tác động của dịch HIV/AIDS đến mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng sẽ giảm dần. (Hà Nội mới, trang 6)
Hà Nội: Số mắc sốt xuất huyết ở Đống Đa và Cầu Giấy tăng vọt
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần từ ngày 25 đến 31-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.129 ca mắc SXH mới, tăng 73 ca so với tuần trước đó và cũng là tuần ghi nhận số ca mắc nhiều nhất kể từ đầu năm 2023.
Số mắc mới tập trung nhiều nhất tại Đống Đa với 105 ca bệnh, tiếp đến là Cầu Giấy có 86 ca, Nam Từ Liêm (77 ca), Hoàng Mai (76 ca), Đan Phượng (68 ca), Phú Xuyên (63 ca).
Cùng đó, tuần qua ghi nhận thêm 66 ổ dịch tại 21 quận, huyện, thị xã, nhiều nhất là Đông Anh (10 ổ dịch); tiếp đến là Phúc Thọ (8 ổ dịch); Bắc Từ Liêm (7 ổ dịch); Nam Từ Liêm (6 ổ dịch); Cầu Giấy (4 ổ dịch); Đống Đa (3 ổ dịch)…
Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.693 ca mắc SXH, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời có 473 ổ dịch, hiện còn 142 ổ dịch đang hoạt động.
Qua kiểm tra đánh giá của CDC Hà Nội, tại một số ổ dịch, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ từ 2-3 lần. Dự báo, tình hình dịch SXH tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới. (An ninh Thủ đô, trang 4)
Cùng chủ đề Báo Sức khoẻ & Đời sống, trang 3: “Dịch bệnh sốt xuất huyết: Hà Nội có thêm 1.129 ca mắc trong 1 tuần, TP.HCM tiếp tục diễn biến phức tạp”
Chi gần 1,2 nghìn tỷ đồng phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân
Bộ Tài chính cho biết, trong 8 tháng qua, ngân sách Trung ương đã chi từ dự phòng bổ sung cho các địa phương gần 1,2 nghìn tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Trung ương đã thực hiện xuất cấp 18,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước. (Công an Nhân dân, trang 1).