Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Tạo hình cho những em bé có gương mặt mỏ chim; Gian lận bảo hiểm y tế có thể bị phạt tù đến 10 năm; Khai trương trung tâm tiêm chủng lớn nhất tại TP HCM; Trẻ bị xuất huyết não vì thiếu vitamin K; …

 

Tạo hình cho những em bé có gương mặt mỏ chim

Vừa sinh ra đã mang trên mình gương mặt 'mỏ chim', lưỡi tụt ra phía sau gây tắc nghẽn đường thở khiến nhiều bà mẹ hoảng hốt khi không biết con mình mắc chứng bệnh gì. Đây là hội chứng Pierre Robin – một căn bệnh bẩm sinh hiếm gặp có tỷ lệ 1/9.000-14.000 trẻ sinh ra còn sống.

Với những đứa trẻ có hội chứng Pierre Robin sơ sinh thường có dấu hiệu suy hô hấp ngay sau sinh, tỷ lệ tử vong là 30%. Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viên đầu tiên và duy nhất trên cả nước đã phẫu thuật kéo dãn xương hàm dưới cho hơn 40 em bé mắc hội chứng này, trả về cho các em một gương mặt hoàn thiện như mọi trẻ em bình thường.

Ngày 4-12, có mặt tại Khoa Tạo hình sọ mặt (Bệnh viện Nhi Trung ương), chúng tôi gặp 3 bệnh nhi vừa trải qua ca phẫu thuật kéo dãn xương hàm dưới cho gương mặt “mỏ chim”. 10 ngày trước, các bé đã được phẫu thuật, sau 1 tuần theo dõi hồi sức, các cháu đã được chuyển về Khoa Tạo hình sọ mặt với sức khỏe ổn định.

Bế trên tay đứa con nhỏ hơn 2 tháng tuổi, Đoàn Thị Hoài (phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Đến hôm nay vợ chồng em rất mừng vì thấy gương mặt con đã trở thành bình thường như mọi đứa trẻ khác. Nếu không được các bác sĩ phẫu thuật, con vẫn mang gương mặt như lúc sinh ra thì thật đau lòng”.

Theo lời kể của Hoài thì ngày 10-10-2017, bé Trần Gia Hân chào đời trong niềm vui khôn xiết của gia đình hai bên nội ngoại. Nhưng đón con từ tay bác sĩ, vợ chồng Hoài đã phát hiện thấy điều bất thường. Lưỡi tụt ra phía sau, môi trên nhô ra. Đêm đầu tiên về nhà, con khó thở và quấy khóc, không bú mẹ được.

Đưa con đi nhiều bệnh viện thì mới tìm ra nguyên nhân. Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán con mắc hội chứng Pierre Robin và may mắn là phẫu thuật được” – Hoài vừa dỗ con vừa nói.

10 ngày sau ca phẫu thuật, bé Gia Hân đã uống được sữa bằng thìa, tuy thỉnh thoảng còn quấy khóc nhưng theo người mẹ trẻ thì đó đã là một kỳ tích, gương mặt bé đã hoàn toàn bình thường.

Nằm ở giường kế bên, bé Nguyễn Hồng Ân (hơn 2 tháng tuổi) cũng được phẫu thuật kéo giãn xương hàm do hội chứng Pierre Robin. Nhìn gương mặt kháu khỉnh của bé, tôi không hề nhận thấy dấu hiệu nào của căn bệnh Pierre Robin còn sót lại, ngoại trừ thiết bị vẫn đeo bên hàm.

Mẹ bé – chị Nguyễn Thị Liên (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) xúc động: “Con mỗi lần đã uống được 60-70ml sữa. Mừng nhất là gương mặt đã bình thường trở lại và khả năng bình phục tương đối tốt”.

Nhớ đến hình ảnh đầu tiên khi nhìn thấy con, chị Liên vẫn còn đau xót. Bé gái sơ sinh cằm bị lõm, môi dưới tụt vào, mọc 1 chiếc răng sữa, không bú được chỉ khóc. So với gương mặt giờ đây đã hoàn toàn đổi khác, một cô bé xinh xắn nằm ngoan ngoãn trong lòng mẹ, chị Liên nhìn con lại trào nước mắt vì vui mừng.

Th.s.BS Đặng Hoàng Thơm, Trưởng Khoa Tạo hình sọ mặt (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, đặc trưng của trẻ bị hội chứng Pierre Robin là thiểu sảng xương hàm dưới, bộ mặt “mỏ chim”, lưỡi tụt ra phía sau gây tắc nghẽn đường thở, đường hô hấp với trên 50% kèm theo khe hở vòm.

Với trẻ có hội chứng Pierre Robin sơ sinh thường có dấu hiệu suy hô hấp ngay sau sinh. Vì vậy thường được xử lý bằng các biện pháp không xâm lấn như đặt tư thế nằm sấp, thở ô xi qua mũi họng, đôi khi phải đặt nội khí quản đường thở. Đa số bệnh nhân không đáp ứng được điều trị. Trường hợp mở khí quản có thể được sử dụng như biện pháp cuối cùng nhưng để lại di chứng nặng nề lâu dài.

Theo BS Đặng Hoàng Thơm nếu không can thiệp thì sẽ gây suy hô hấp, khó ăn, khó uống, ảnh hưởng đến thể trạng, tinh thần của trẻ do thiếu ô xi mãn tính, tỷ lệ tử vong cao. Phẫu thuật hội chứng Pierre Robin có nhiều phương pháp như đính môi lưỡi để kéo môi ra, tuy nhiên có rất nhiều nguy cơ như biến đổi cấu trúc của lưỡi, tỷ lệ tái phát cao, không phục hồi được cấu trúc, không khắc phục được tình trạng tiểu sản xương hàm dưới. Hiện nay, trên thế giới phẫu thuật kéo dãn xương hàm dưới là phương pháp tiên tiến đang được áp dụng.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương áp dụng trường hợp đầu tiên vào năm 2015 dưới sự giúp đỡ của chuyên gia Mỹ. Sau 3 năm cháu bé này hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển bình thường. Đến nay Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật cho trên 40 bệnh nhi, tỷ lệ thành công là 95%.

“Đây là phương pháp an toàn, hiệu quả, khả thi, áp dụng tại các trung tâm phẫu thuật tạo hình lớn, đòi hỏi gây mê hồi sức sau mổ tốt”- BS Đặng Hoàng Thơm cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quá trình kéo dãn xương phải trải qua 5 giai đoạn: giai đoạn cắt xương (từ 1-2 ngày); bắt đầu tiến hành kéo dãn (7-15-30 ngày); tốc độ kéo dãn (1-2mm/ngày); giai đoạn giữ vững chắc và ổn định xương (12 tuần); tháo bỏ phương tiện kéo dãn để giúp xương phát triển trở về bình thường.

Phẫu thuật xong trẻ được ăn qua xông dạ dày, ngày thứ 7 rút bỏ ống xông và tập ăn, tập nuốt. Ngày thứ 10 mới tập bú bình. Trong hơn 40 trường hợp đã phẫu thuật ở Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ nhỏ tuổi nhất là 23 ngày tuổi, lớn nhất là 16 tuổi.

Theo khuyến cáo của BS Đặng Hoàng Thơm thì đây là một dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ em, cần phải can thiệp sớm để đường thở được thông thoáng, tránh viêm phổi tắc nghẽn, suy dinh dưỡng do không ăn uống được và nguy cơ tử vong.

Tuy nhiên, một ca phẫu thuật kéo dãn xương với hội chứng Pierre Robin có chi phí tương đối cao, lại chưa được bảo hiểm y tế chi trả, vẫn là một gánh nặng cho nhiều gia đình khó khăn. Chính vì vậy mà còn nhiều trẻ em ở nước ta mắc hội chứng này chưa có điều kiện phẫu thuật. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Gian lận bảo hiểm y tế có thể bị phạt tù đến 10 năm

Chiều 6.12, đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN cho biết tính đến ngày 31.10, tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHYT tự nguyện của các tỉnh, TP là 16.602 tỉ đồng, giảm 64 tỉ đồng; tỷ lệ nợ bằng 6,3% so với kế hoạch thu năm 2017. Trong tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có 2.991 tỉ đồng là tiền ngân sách nhà nước các địa phương chưa cân đối để chuyển cho các đối tượng do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT, chiếm 65,7% tổng số nợ BHYT.

Đại diện BHXH VN cũng cho biết từ 1.1.2018, bộ luật Hình sự có hiệu lực. Tại luật này có quy định xử phạt về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó người gian lận BHYT được xác định phạm tội chuyên nghiệp, hành vi xảo quyệt, gây thiệt hại từ 500.000 đồng trở lên sẽ chịu mức phạt tù từ 1 - 10 năm. Đáng chú ý, theo quy định tại điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, tùy mức độ hành vi có thể bị phạt tiền từ 500 triệu - 1 tỉ đồng, hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm. (Thanh niên, trang 2).

 

Khai trương trung tâm tiêm chủng lớn nhất tại TP HCM

Ngày 6-12, Công ty CP Vacxin Việt Nam khánh thành Trung tâm tiêm chủng VNVC Hồ Chí Minh tại địa chỉ, 198 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM. Đây là Trung tâm tiêm chủng thứ hai của Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam sau Trung tâm tiêm chủng VNVC Hà Nội khai trương vào tháng 6 -2017.

Với 30 phòng khám và phòng tiêm, khu vui chơi và chờ sau tiêm rộng rãi, khu phòng chức năng dành cho mẹ và bé sơ sinh (phòng pha sữa, phòng cho bé bú, phòng thay tã,...), ước tính phục vụ đến 2.500 lượt khách mỗi ngày. Với những tiêu chí này, VNVC TP HCM là trung tâm tiêm chủng vắc xin hiện đại và quy mô nhất TP HCM hiện nay.

Tại VNVC, việc xây dựng hệ thống quản trị công nghệ cao cùng các quy trình từ đón tiếp, chăm sóc khách hàng, khám sàng lọc trước tiêm cho đến theo dõi sau tiêm đều được vận hành thông suốt, rút ngắn tối đa thời gian chờ đợi của khách hàng. 

Điểm nổi bật cũng là mục tiêu của VNVC đó là nơi cung cấp đầy đủ các loại vắc xin dành cho trẻ em và người lớn, kể cả những vắc xin thường xuyên rơi vào tình trạng khan hiếm trên thị trường như: vắc xin 5 trong 1 Pentaxim, vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa, vắc xin ngừa phế cầu khuẩn Synflorix, vắc xin ngừa viêm gan A... Đồng thời cam kết bình ổn giá nhằm mang lại cơ hội được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho nhiều người lớn và trẻ em trên toàn quốc.

Một trong những điểm khác biệt nữa của Hệ thống tiêm chủng VNVC đó là sự đầu tư lớn, bài bản cho hệ thống kho lạnh đạt tiêu chuẩn GSP; Với hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP này, Công ty VNVC hội tụ đủ năng lực để sắp tới có thể tiến hành nhập khẩu trực tiếp các vắc xin nhằm làm giảm sự khan hiếm của một số vắc xin trên thị trường, đảm bảo phục vụ nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất.

Bên cạnh cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng giàu kinh nghiệm, quy trình tiêm chủng bài bản và nguồn vắc xin phong phú. VNVC còn được đánh giá là một trong những trung tâm vắc xin hàng đầu tại Việt Nam hiện nay bởi sự thuận tiện, thoải mái và yên tâm trong dịch vụ mà đội ngũ chăm sóc khách hàng mang lại.

Để đăng ký tiêm chủng tại VNVC, khách hàng có thể gọi tới Tổng đài 1800 6595 hoặc đăng ký đặt lịch tiêm tại website www.vnvc.vn . (Thanh niên, trang 6).

 

Trẻ bị xuất huyết não vì thiếu vitamin K

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, TS.BS Đặng Ánh Dương, phó trưởng khoa Hồi sức Ngoại - Bệnh viện Nhi Trung ương, 3 cháu bé trên (ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam) đều mới hơn 1 tháng tuổi, cùng nhập viện trong tình trạng hôn mê, li bì. Trẻ đã được làm các xét nghiệm chẩn đoán với kết quả là xuất huyết do giảm tỷ lệ prothrombin trong máu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thiếu vitamin K. Tại bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi được truyền các chế phẩm máu để cầm máu, ngăn chặn chảy máu màng não và ổn định chức năng sống như hô hấp, tuần hoàn… các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy máu tụ cho 3 bệnh nhi.

Bác sĩ Dương cho biết, theo nghiên cứu, 90% trẻ xuất huyết não do thiếu vitamin K thường xảy ra vào lúc 30 - 40 ngày tuổi, nguyên nhân là do thiếu vitamin K. Các trẻ bị xuất huyết não dù được điều trị tích cực nhưng tỉ lệ tử vong hoặc để lại di chứng vẫn còn cao (tỉ lệ tử vong là 25 - 40%, di chứng là 40 - 50%). Các di chứng hay gặp nhất gồm có: teo não, não úng thủy, não bé, động kinh, bại não hoặc dị tật về phát triển tâm thần vận động.

Do đó để phòng bệnh, trẻ cần được cung cấp vitamin K ngay sau sinh theo 2 phương pháp: tiêm (bắp) hoặc uống. Tiêm cho tất cả trẻ mới sinh một mũi vitamin K1: 1mg, hoặc vitamin K3: 2mg. Cho tất cả trẻ mới sinh uống vitamin K1 2mg, 3 lần. Lần một: sau khi sinh, lần hai: 7 ngày tuổi và lần ba: 1 tháng tuổi.

Báo Người Đưa Tin, các bác sĩ khuyến cáo, trẻ sinh ra được nuôi bằng sữa mẹ nhưng hàm lượng vitamin K ở sữa mẹ thấp (2 - 5mcg/lít). Lượng dự trữ vitamin K ở trẻ mới sinh cũng rất thấp vì vitamin K tự nhiên khó qua nhau thai. Cùng với đó, hệ vi khuẩn ở ruột của trẻ chưa phát triển nên chưa tổng hợp được vitamin K dẫn đến hiện tượng thiếu vitamin K ở trẻ. Việc này dẫn đến trẻ dễ bị xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết màng não thường để lại những di chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong. Tiêm vitamin K cho trẻ mới sinh là một biện pháp dự phòng chủ động, tránh hiện tượng xuất huyết não, màng não hay gặp ở trẻ khoảng một tháng tuổi.

Các chuyên gia y tế cho hay, vitamin K giúp đông máu, nếu thiếu vitamin K, trẻ sẽ bị xuất huyết máu, dễ dẫn tới tử vong. Vì vậy, việc bổ sung vitamin K đúng cách cho trẻ sơ sinh rất quan trọng, các mẹ nên tham khảo những thông tin dưới đây.

Tuy vitamin K không phổ biến như các loại vitamin khác nhưng chúng vô cùng quan trọng với sự sống, giúp cơ thể bé khỏe mạnh và được phát triển toàn diện. Tình trạng thiếu hụt vitamin K chỉ xảy ra ở trẻ sơ sinh, không xảy ra ở người lớn. Bởi sự vận chuyển vitamin K qua nhau thai của trẻ còn yếu.

Vitamin K là một vitamin tan được trong chất béo, do đó, chúng thường được “lưu trữ” trong mô mỡ và gan. Vitamin K đóng một vai trò đặc biệt trong quá trình làm đông máu, tránh xuất hiện chảy máu ở trẻ. Đông máu, hay còn gọi là tình trạng máu vón cục và quá trình chống đông, hiện tượng này vô cùng quan trọng, giúp duy trì trạng thái cân bằng bên trong cơ thể bé. Vitamin K cũng giúp cho canxi được hấp thụ dễ dàng, giúp cho xương bé chắc khỏe. (Tiền phong, trang 6; Nhân dân, trang 5; An ninh Thủ đô, trang 8).

 

BV tư vẫn được khám chữa bệnh bằng BHYT

Ngày 6-12, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tất cả các bệnh viện tư nhân đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (KCB BHYT) với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ tiếp tục được ký hợp đồng năm 2018.

Tháng 11-2017 vừa qua, BHXH Việt Nam đã gửi công văn đến các cơ sở y tế tư nhân và các cơ quan ban ngành liên quan thông báo về việc các cơ sở y tế tư nhân chưa được phân tuyến về mặt kỹ thuật sẽ không được KCB bằng BHYT từ ngày 1-1-2018. Các cơ sở y tế ngoài công lập đã lo ngại khi thông báo này đồng nghĩa với việc các cơ sở y tế tư nhân sẽ bị dừng hợp đồng KCB BHYT, tức là hàng trăm bệnh viện tư nhân trên cả nước sẽ có nguy cơ phải đóng cửa vì không có bệnh nhân.

Trước những băn khoăn này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam vừa thống nhất quan điểm về việc ký hợp đồng KCB BHYT đối với các bệnh viện tư nhân từ 1-1-2018.

Ông Vũ Xuân Bằng, đại diện BHXH Việt Nam khẳng định, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục ký hợp đồng với các cơ sở y tế tư nhân đã ký hợp đồng để tránh xáo trộn, đồng thời để các cơ sở y tế có thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính đăng ký KCB BHYT.

Hiện nay, có gần 500 cơ sở tư nhân đã ký hợp đồng KCB BHYT, trong đó, một số cơ sở đã được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật tương đương tuyến huyện, tỉnh. Tất cả các bệnh viện tư nhân hiện nay chưa được phân hạng như bệnh viện công. Tuy nhiên, thời gian gia hạn ký hợp đồng với các bệnh viện tư nhân trong năm 2018 có thể sẽ kéo dài 6 tháng hoặc 1 năm, nhằm để các cơ sở y tế hoàn thành hồ sơ theo Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC (về hướng dẫn thực hiện BHYT) để được ký tiếp hợp đồng KCB BHYT.

Riêng về vấn đề phân hạng bệnh viện tư nhân, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo và sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn để tạo điều kiện cho hệ thống y tế tư nhân hoạt động.

Theo thống kê của Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), hiện có 212 bệnh viện tư nhân đang hoạt động tại 46/63 tỉnh, thành phố, chiếm 16% số lượng bệnh viện trong toàn quốc. (Nhân dân, trang 5; Tiền phong, trang 6).

 

Chất lượng thực phẩm - "thủ phạm" khiến 25% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng

Theo GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, hiện vẫn có tới 24,9% trẻ em dưới 5 tuổi nước ta bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, đặc biệt vẫn còn tới xấp xỉ 7% trẻ suy dinh dưỡng thể gầy còm và tình trạng này đang được cải thiện rất chậm…

Thông tin trên được GS.TS Lê Thị Hợp đưa ra sáng nay, 5-12, tại hội thảo khoa học “Dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm với sức khỏe cộng đồng” do Chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm phối hợp với Công ty Nutricare tổ chức. Bà Hợp nêu rõ, dù đã có nhiều cố gắng trong các năm qua song hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi nước ta vẫn ở mức cao.

Cụ thể, tỷ lệ suy sinh dưỡng thể nhẹ cân là 14,5%, thể thấp còi là 24,9%, thể gầy còm là 6,8%. Ngược lại, tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ, nhất là trẻ tiểu học lại đang gia tăng, hiện chiếm 4,8%. Điều này tạo ra một gánh nặng kép về dinh dưỡng ở trẻ em mà nước ta đang phải giải quyết.

Theo bà Hợp, thực phẩm không an toàn không chỉ là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm mà còn là nguồn truyền mầm bệnh vi khuẩn, ký sinh trùng, gây ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe... Hội Dinh dưỡng Việt Nam chỉ ra có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em nước ta được cải thiện chậm, trong đó dinh dưỡng không hợp lý và chất lượng thực phẩm giữ vai trò then chốt.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, ATTP hiện vẫn là một thách thức lớn đối với Việt Nam, nhất là tình trạng tồn dư chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất kích thích sinh trưởng, thuốc kháng sinh và sự hiện diện của vi sinh vật gây bệnh trong các sản phẩm nông nghiệp quá ngưỡng cho phép. Tình trạng thực phẩm chất lượng kém ngày càng nhiều do việc trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm không đúng quy cách…

Đặc biệt, theo báo cáo “Hệ thống đảm bảo có sự tham gia để kiểm soát chất lượng rau an toàn ở Việt Nam” của nhóm nghiên cứu do PGS.TS Trần Thị Định, Chủ tịch Mạng lưới Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt – Bỉ thực hiện đã chỉ ra rằng, trong số các sản phẩm nông nghiệp, rau tươi có tần suất tồn dư hóa chất cao nhất.

Theo PGS.TS Trần Thị Định, để kiểm soát vấn đề này, phương pháp tiếp cận chính là phải xây dựng một chương trình tiêu chuẩn dựa trên quy phạm thực hành nông nghiệp tốt (GAP) kết hợp với chứng nhận của bên thứ ba. Tuy nhiên chi phí để được cấp chứng nhận GAP rất cao và chỉ phù hợp với sản xuất quy mô lớn, trong khi 80% nông hộ ở Việt Nam có quy mô sản xuất nhỏ. Do đó, việc kiểm soát này hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa được các chuyên gia nhấn mạnh, đó là sự hạn chế hiểu biết của người dân về kiến thức dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm, nhất là những người sống ở các vùng sâu, vùng xa, cùng với đời sống kinh tế thấp kém do chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ... đã làm gia tăng các loại bệnh tật, nhất là các biểu hiện lâm sàng về các bệnh suy dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

11,3% hộ gia đình có thể thoát nghèo nếu không dùng tiền mua thuốc lá

Theo kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá cho thấy, các hộ nghèo tại Việt Nam tiêu tốn khoảng 5% thu nhập gia đình vào thuốc lá. Thậm chí, có khoảng 11,3% hộ gia đình thuộc diện nghèo đã thoát nghèo nếu dùng tiền mua thuốc lá mà dùng để chi cho thực phẩm.

Sáng nay, 6-12, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo báo chí với việc thúc đẩy thực hiện công ước quốc tế về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam.

Tại hội thảo này, bác sĩ Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, nhờ công tác tuyên truyền tích cực của các phương tiện truyền thông đại chúng, nhận thức về tác hại của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động đến sức khỏe của người dân tăng lên, mức độ tiếp xúc với khói thuốc lá ở nơi công cộng cũng giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, hiện nay, do các quy định về kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam chưa được thực hiện một cách nghiêm túc khiến tỷ lệ người hút thuốc vẫn gia tăng. Kết quả điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) về tình hình sử dụng thuốc lá cho thấy, các hộ nghèo tại Việt Nam tiêu tốn khoảng 5% thu nhập gia đình vào thuốc lá.

Thậm chí, nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo hóa do gánh nặng bệnh tật từ thuốc lá. Thế nhưng, 11,3% hộ gia đình thuộc diện nghèo đã thoát nghèo nếu dùng tiền mua thuốc lá để chi cho thực phẩm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm vận động tăng thuế thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia đề xuất Việt Nam nên áp dụng phương án thuế hỗn hợp - là phương án kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối - với mức tăng ít nhất là 2.000 đồng/1 bao 20 điếu.

Theo đó, cần tăng thuế tuyệt đối thuốc lá tới 5.000 đồng/1 bao mới có thể tiến tới giảm tỷ lệ hút xuống 39% theo mục tiêu quốc gia. Bởi theo tính toán, nếu tăng thuế thuốc lá sao cho giá bán lẻ tăng thêm 10% sẽ giúp giảm 4% tiêu dùng thuốc lá tại các nước có thu nhập cao và giảm khoảng 8% tại các nước có thu nhập thấp, trung bình. (An ninh Thủ đô, trang 8; Hà Nội mới, trang 5; Tuổi trẻ, trang 14).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang