Mỗi người dân khỏe mạnh sẽ giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế
Đó là thông điệp được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đưa ra tại lễ phát động cuộc thi “Tôi khỏe đẹp hơn” lần 2 do Báo Sức khỏe và đời sống (Bộ Y tế) phối hợp với Herbalife Việt Nam tổ chức sáng 6-9 nhằm cổ vũ phong trào tập luyện khoa học và dinh dưỡng hợp lý trong cộng đồng.
Khoảng 10 năm gần đây, tỷ lệ thừa cân, béo phì của Việt Nam đã tăng gần hơn 2 lần, tập trung nhiều ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân gây ra tình trạng này, một nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, có ít nhất 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, béo phì từ lâu đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là bệnh mạn tính, đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài. Bởi vì béo phì gây ra rất nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Chính vì vậy, vào tháng 10-2022, lần đầu tiên, Bộ Y tế ban hành một hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì để áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước. Theo đó, các nguyên tắc chung trong điều trị béo phì và hướng dẫn điều trị bằng dinh dưỡng, vận động, tâm lý…
Trước đó, vào tháng 8-2022, Báo Sức khỏe và đời sống đã phát động cuộc thi “Tôi khỏe đẹp hơn” lần thứ nhất với mục tiêu vận động toàn dân tham gia tập luyện và thực hành dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe, hướng tới giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ người Việt Nam.
“Nếu chúng ta không đối mặt và ứng phó với tình trạng béo phì đang gia tăng nhanh, áp lực lên hệ thống y tế cũng không ngừng lớn hơn. Cuộc thi đã tạo nên sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng, góp phần vào thành công chung của ngành Y tế về truyền thông nâng cao nhận thức của người dân đối với việc rèn luyện, nâng cao sức khỏe. Tác động xã hội tích cực nhất là mỗi người dân khỏe mạnh sẽ giúp làm giảm một phần áp lực lên hệ thống y tế”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Cuộc thi “Tôi khỏe đẹp hơn” lần 2 bắt đầu từ ngày 6-9 đến hết ngày 15-12-2023, dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Cuộc thi gồm ba vòng, thử thách người tham gia đạt được những thay đổi tích cực về thể chất dựa trên những kiến thức về dinh dưỡng đã tiếp thu và quá trình rèn luyện thể chất trong thời gian 3 tháng. Cụ thể, những người tham gia được yêu cầu trả lời các câu hỏi về dinh dưỡng, phương pháp luyện tập thể dục thể thao, tương tác với các chuyên gia và chia sẻ các bài tập đã áp dụng để đạt được sự thay đổi tích cực cho cơ thể. (Hà Nội mới, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 15: “30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực”
Cảnh báo bệnh đau mắt đỏ ở TP.HCM
Ngày 6.9, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, từ đầu năm 2023 đến ngày 6.9, đã có 71.740 lượt người đến bệnh viện khám chữa bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ).
Trong đó, có khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học. Đáng chú ý là những ngày gần đây bệnh đau mắt đỏ có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm.
Báo cáo của Bệnh viện Mắt TP.HCM cho thấy, điều đáng lo ngại là số trường hợp viêm kết - giác mạc (một dạng lâm sàng nặng của bệnh đau mắt đỏ) đã được phát hiện trong thời gian gần đây, tuy chưa phổ biến.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, tại TP.HCM, vào năm 2013 số trường hợp đau mắt đỏ được ghi nhận cao nhất trong vòng 10 năm (tính tới thời điểm đó). Từ đó đến nay, số trường hợp đau mắt đỏ vẫn được ghi nhận hằng năm nhưng chỉ là những ca lẻ tẻ.
Trước tình hình số mắc bệnh đau mắt đỏ có dấu hiệu tăng trên địa bàn TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện nghiên cứu để tìm và xác định chính xác tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT để chủ động tăng cường phát hiện, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh cách phát hiện và phòng bệnh đau mắt đỏ.
Theo Sở Y tế, đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm… thì nguyên nhân thường gặp là viêm kết mạc do vi rút Adeno, dễ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp. Trong trường hợp này, người mắc bệnh nên ở nhà (nghỉ làm, nghỉ học từ 5 - 7 ngày), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác. Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp. Việc chỉ định nghỉ làm, nghỉ học là do bác sĩ tư vấn, quyết định.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia mắt và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút (thường gặp là vi rút Adeno), gồm:
-Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.
-Không đưa tay lên sờ lên mắt, mũi, miệng.
-Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
-Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
-Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
-Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.
-Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
-Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. (Thanh niên, trang 22)
TPHCM: Nguy cơ bùng phát bệnh chốc lở
Trong vòng một tháng qua, Bệnh viện Da Liễu TPHCM tiếp nhận, điều trị cho 227 trường hợp trẻ bị bệnh chốc lở (còn gọi là bệnh chốc).
Ngày 5/9, thông tin từ Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 6 đến 8 trẻ mắc bệnh chốc. Bệnh đang có xu hướng gia tăng trong tháng qua và nguy cơ tiếp tục tăng cao vào thời gian tới khi học sinh đi học trở lại, gia tăng tiếp xúc kéo theo nguy cơ lây nhiễm. Thống kê của bệnh viện từ ngày 1/8 đến ngày 5/9 ghi nhận 227 trường hợp nhiễm bệnh, đa phần là nhóm trẻ nhỏ trong độ tuổi mầm non, mẫu giáo.
Trường hợp điển hình nhất là bé gái N.T.L (3 tuổi ngụ tại thành phố Thủ Đức) được gia đình đưa đến Bệnh viện Da Liễu thăm khám trong tình trạng da vùng miệng, tay, chân có nhiều vết trợt da, lở loét, rỉ dịch vàng. Tình trạng nhiễm trùng da khiến trẻ ngứa ngáy cào gãi, quấy khóc.
Chị T.T.B mẹ bệnh nhi cho biết, khoảng 5 ngày trước, tay chân bé nổi các mụn nước nhỏ rải rác. Bé hay gãi nên chị đã mua lá chè xanh về tắm cho con.
Tuy nhiên, tình trạng của bé không cải thiện và có biểu hiện ngày càng nặng thêm. Các mụn nước bị vỡ, lan ra nhiều vị trí ở vùng miệng, bụng, lưng gây ngứa ngáy, khó chịu. Tại Bệnh viện Da Liễu, qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ xác định bé bị bệnh chốc.
Một trường hợp khác là bé trai L.T.Đ (5 tuổi, ngụ tại TPHCM) cũng bị những bọng nước ở tay, chân, lưng. Trước khi đến bệnh viện, bé được người nhà tự mua thuốc bôi ngoài da về điều trị.
Tuy nhiên, tình trạng của bé không thuyên giảm nên được đưa đến bệnh viện thăm khám. Thời điểm nhập viện, da của bé đã bị nhiễm trùng nặng ở nhiều vùng trên cơ thể. Sau khi được bác sĩ chăm sóc, điều trị, các sang thương trên da của bệnh nhi đang dần bình phục.
Bệnh dễ lây lan
Theo BS Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da Liễu TPHCM bệnh chốc là tình trạng nhiễm trùng ngoài da do vi khuẩn gây ra và thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện của bệnh chốc là xuất hiện các mụn nước hay bọng nước trên da. Các bóng nước sẽ đục dần, có mủ rồi vỡ, tạo thành vết trầy, đóng vảy màu vàng mật ong đặc trưng.
Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trùng sẽ nhanh chóng lan rộng ra vùng da xung quanh. Vị trí thường gặp của bệnh chốc là ở mặt, xung quanh hốc mũi, miệng hoặc tay chân. Khi điều trị đúng cách, trẻ có thể khỏi bệnh trong thời gian từ 7 đến 10 ngày.
Theo BS Đoan Phượng, chốc là bệnh rất dễ lây lan trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành và lây từ người bệnh sang người lành khi có tiếp xúc với chất dịch từ các vết trầy da, rỉ dịch. Bệnh thường lây truyền trong các trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em do tình trạng đông đúc, dùng chung khăn lau, khăn trải giường, đồ chơi hoặc các vật dụng khác với người nhiễm bệnh.
“Chốc có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh này thường bị nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da khác. Nếu phát hiện muộn và điều trị sai phương pháp, trẻ sẽ đối mặt với tình trạng nhiễm trùng, nguy cơ dẫn tới các biến chứng như: hội chứng bong vảy da do tụ cầu, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng” - BS Phượng cảnh báo.
Để bảo vệ trẻ tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh chốc, ngăn chặn sự lây lan của bệnh trong mùa tựu trường, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh và nhà trường cần thường xuyên cho trẻ rửa tay với nước và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh có chứa cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với vùng da bệnh. Giữ vệ sinh cá nhân bằng những giải pháp đơn giản như giặt quần áo, khăn mặt và khăn tắm của người bị bệnh mỗi ngày, thành viên trong gia đình không dùng chung vật dụng vệ sinh cá nhân.
Bên cạnh đó, các gia đình và nhà trường cần phải vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và nơi vui chơi của trẻ, đặc biệt là những bề mặt mà da trần của trẻ thường xuyên phải tiếp xúc như tay vặn cửa, mặt bàn, bệ ngồi bồn cầu trong nhà vệ sinh. Bệnh chốc rất dễ lây nhiễm, trường hợp trẻ bị mắc bệnh phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn, có giấy xác nhận của bác sĩ mới đưa trẻ đi học trở lại. (Tiền phong, trang 10)
Bộ Y tế lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát phòng chống bệnh bạch hầu
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế vừa ký quyết định thành lập 2 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh bạch hầu tại tỉnh Hà Giang và tỉnh Điện Biên.
Theo quyết định của Bộ Y tế, 2 đoàn kiểm tra, giám sát phòng chống bệnh bạch hầu này do lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh làm trưởng đoàn.
Thành phần đoàn có sự tham gia của một số vụ/cục chức năng của Bộ Y tế và các chuyên gia đến từ Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Bệnh viện Nhi TW.
2 đoàn công tác có nhiệm vụ làm việc với Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh Điện Biên, Hà Giang về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn; kiểm tra các nội dung về giám sát xử lý ổ dịch; tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh; công tác thu dung, điều trị bệnh nhân bạch hầu; công tác truyền thông và đáp ứng chống dịch.
Đồng thời, đánh giá, nhận định tình hình và đề xuất các giải pháp kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại địa phương trong thời gian tới.
Mới đây tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã ghi nhận trường hợp một bệnh nhân tử vong do mắc bệnh Bạch hầu. Trước tình hình này, huyện tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan, hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong.
Bệnh nhân vừa tử vong do mắc bệnh Bạch hầu là V.M.D, 15 tuổi, dân tộc Mông, địa chỉ tại thôn Khâu Vai B, xã Khâu Vai. Đây cũng là trường hợp đầu tiên trên địa bàn tỉnh mắc bệnh Bạch hầu trong gần 20 năm qua.
Trước đó, ngày 14/8, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Mèo Vạc trong tình trạng đau rát họng, mệt mỏi, sốt cao, kèm theo các triệu chứng của bệnh Bạch hầu.
Ngày 23/8, bệnh nhân được chuyển đến BVĐK tỉnh để khám, làm các xét nghiệm và điều trị theo chuyên môn. Ngày 24/8, Viện Dịch tễ T.Ư trả lời mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân V.M.D dương tính với bệnh Bạch hầu. Cùng ngày 24/8, bệnh nhân đã tử vong và được đưa về địa phương để mai táng.
Trước đó nữa, từ ngày 30/4 - 21/5/2023, tỉnh Điện Biên ghi nhận 2 trường hợp mắc bạch hầu, có 1 ca tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông. 2 ca mắc trong đợt dịch này yếu tố dịch tễ không rõ ràng.
Đường lây truyền và biểu hiện của bệnh bạch hầu
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Phòng chống bệnh bạch hầu thế nào?
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 7: “2 ca tử vong vì bạch hầu, Bộ Y tế thành lập 2 đoàn kiểm tra”
Vẫn tràn lan quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai quy định
Tình trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai quy định vẫn diễn ra tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, khiến nhiều người rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang.
Những lời quảng cáo hoa mỹ
“Bài thuốc khắc tinh số 1 được Bộ Y tế công bố, chữa dứt điểm đau xương khớp chỉ sau 15 ngày” - ngay sau khi đọc được bài quảng cáo này trên mạng xã hội, bà Nguyễn Thị Bình (phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội) đã lập tức đặt mua 1 liệu trình với giá 2 triệu đồng.
Bà Bình cho biết, chồng bà bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nhiều năm nay. Vì vậy, khi thấy bài quảng cáo về bài thuốc đông y giúp chữa khỏi bệnh trong vòng chưa đến 1 tháng, bà Bình “vui như bắt được vàng”.
“Khi đó tôi mừng lắm vì thấy họ quảng cáo người bị nặng thì cũng chỉ mất gần 1 tháng là khỏi, còn nếu nhẹ chỉ mất 15 ngày. Họ còn viết dòng họ đã 5 đời làm nghề y nên tôi nghĩ rằng chắc là uy tín” - bà Bình kể lại.
3 ngày sau khi đặt mua trên mạng, sản phẩm đã được giao đến nhà bà. Ngoài ra, bà còn được tặng kèm 1 hộp cao xoa xương khớp. Thế nhưng, 2 tháng trôi qua, tình trạng bệnh của chồng bà Bình không hề thuyên giảm. Khi liên lạc lại với người bán, thứ bà Bình nhận lại chỉ là những tiếng chuông điện thoại kéo dài.
Anh Hoàng Đức Cường (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) từng rơi vào trường hợp tương tự khi đặt mua thực phẩm chức năng để điều trị khô khớp đầu gối. Anh Cường cho biết, thời điểm đặt mua hàng, anh được quảng cáo chỉ mất khoảng 30-45 ngày là tình trạng bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Nếu không khỏi, đơn vị này sẽ hoàn lại tiền 100%. Tuy nhiên, dù đã sử dụng sang lọ thuốc thứ 3, anh Cường vẫn thấy đau mỏi khớp.
Tràn lan quảng cáo sai quy định
Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm quy định: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Như vậy bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của Lao Động, hiện tại trên các nền tảng mạng xã hội đang quảng cáo tràn lan các loại thuốc và thực phẩm chức năng. Những bài quảng cáo này thường dùng các cụm từ như “khắc tinh số 1”, “điều trị dứt điểm”, “cam kết không tái phát”... nhằm thổi phồng chức năng của sản phẩm, đánh vào tâm lý người tiêu dùng.
Đáng nói, một số đối tượng còn mạo danh các bác sĩ, thầy thuốc chân chính nhằm mục đích tăng uy tín cho sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan quản lý vẫn đang rất quyết liệt để xử phạt những trường hợp quảng cáo sai sự thật. Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đã xây dựng phần mềm phát hiện các quảng cáo này.
Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện gần 500 đường link vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng chuyển cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương để xử phạt.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh. (Lao động, trang 1).