Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/10/2015

  • |
T5g.org.vn - Tạm giữ nghi phạm giả danh bác sĩ để lừa đảo; Báo động kiến ba khoang ‘tấn công’ người; Giá dịch vụ y tế sẽ tăng 20%; Sẽ chuyển ngược bệnh nhi xuống tuyến dưới; Sẽ chuyển ngược bệnh nhi xuống tuyến dưới; Hà Nội bố trí thêm 14 tỷ đồng phòng chống dịch sốt xuất huyết ...

 Tạm giữ nghi phạm giả danh bác sĩ để lừa đảo

Trong lúc chờ khám bệnh, bà N.T.T được một người lạ mặt lân la làm quen và giới thiệu đến 'bác sĩ' Trúc Loan.

Chiều 9.10, Cơ quan CSĐT Công an quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Bích Liên ( 55 tuổi, ngụ đường Trần Hoàng Na, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo

Trước đó ngày 28.9, bà N.T.T (ngụ tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đến Bệnh viện đa khoa T.P Cần Thơ khám, chữa bệnh.

Trong khi đang ngồi chờ tại phòng khám, một phụ nữ xưng tên là Oanh lân la đến làm quen với bà T., rồi giới thiệu là mình "có quen biết với bác sĩ bên ngoài, chữa bệnh nhanh, khỏi phải chờ đợi".

Sau khi bà T. đồng ý, Oanh gọi điện thoại cho cho một phụ nữ khác xưng tên là Hạnh, đến chở bà T. đến một căn nhà trên đường Mậu Thân (phường An Hòa, quận Ninh Kiều) gặp Liên.

Liên tự xưng là "bác sĩ" Trúc Loan, đang công tác tại Bệnh viện Ung bướu TP.Cần Thơ. "Bác sĩ" Trúc Loan cũng khám, tiêm 6 mũi thuốc cho bà T và bán một số thuốc với giá 2,6 triệu đồng. "Bác sĩ" Trúc Loan cũng không quên dặn bà T. ngày 8.10 quay lại tái khám và đem theo 7 triệu đồng để trả chi phí điều trị.

Ngày 8.10, sau khi thăm khám, "bác sĩ" Trúc Loan tiếp tục tiêm  cho bà T. và nhận 7 triệu đồng thì bị công an bắt quả tang.

Kiểm tra nhà của Liên,  cơ quan công an thu giữ thu giữ 10 bơm kim tiêm, số lượng lớn loại thuốc tây, thuốc bổ, nước cất dùng để “ trị bệnh”.

Tại cơ quan công an, Liên khai nhận mình chỉ tiêm vitamin C và nước cất cho bà T.

Hiện Công an quận Ninh Kiều đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc. Ai là nạn nhân của Liên cần đến trình báo với Cơ quan CSĐT Công an quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. (Thanh niên trang 2)

 Báo động kiến ba khoang ‘tấn công’ người

Ngày 9/10, các hộ dân ngụ ở tòa chung cư N03, khu tái định cư Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội phản ánh tình trạng kiến ba khoang vào nhà thường xuyên trong những ngày gần đây. Có hộ dân mỗi tối bắt và diệt từ 10 - 20 con kiến.

Vào chung cư, ký túc xá

Theo Bệnh viện (BV) Da liễu Hà Nội, số bệnh nhân đến khám do kiến ba khoang cắn tăng trong những ngày gần đây, có cả người lớn và trẻ nhỏ. 

“Đã có những bệnh nhân tự bôi thuốc điều trị nhưng không khỏi mới đến BV khám trong tình trạng bội nhiễm, viêm da. Chất tiết của kiến ba khoang khi tiếp xúc với da người sẽ gây bỏng, rát, tổn thương bề mặt da khiến vi khuẩn dễ xâm nhập cũng là nguyên nhân gây viêm da”, bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc BV Da liễu Hà Nội, cho biết.

Theo thống kê của Trung tâm quản lý ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia TP HCM (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM), trong tháng 9/2015, tại đây có 294 sinh viên bị kiến ba khoang cắn phải điều trị; từ đầu tháng 9 đến hôm qua đã có 630 lượt các phòng trong KTX phát hiện loại kiến này.

Bà Phùng Thị Hương Lan - Phó giám đốc Trung tâm quản lý KTX, cho biết hằng năm khoảng tháng 9, kiến ba khoang xuất hiện nhiều tại KTX; đặc biệt 2 tuần cuối tháng 9.2015 số lượng kiến ba khoang tăng đột biến, mỗi ngày có tới 40 - 45 sinh viên bị kiến này cắn phải đến trạm y tế khám, điều trị.

Trước tình trạng này, tối 3/10 KTX phối hợp Trung tâm y tế dự phòng Q.Thủ Đức dùng 15 máy phun, một xe chuyên dụng để phun xịt thuốc tại 3.500 phòng và toàn bộ khuôn viên KTX để diệt kiến ba khoang. 

Theo bà Lan, sau lần phun thuốc ngày 3/10 sinh viên bị kiến ba khoang cắn giảm xuống. Tại chung cư Era Town (Q.7, TP HCM) những ngày qua kiến ba khoang cũng xuất hiện tại đây cắn một số người.

Vào cả bệnh viện

Nhiều ngày qua, người bệnh cũng như người nuôi bệnh tại BV đa khoa (BVĐK) TP.Vĩnh Long (Vĩnh Long) lo lắng vì bị kiến ba khoang tấn công, gây tổn thương da. Sản phụ Phạm Thị Hiền (ngụ xã An Khánh, H.Châu Thành, Đồng Tháp) nằm hậu sản tại BV nhiều lần bị kiến ba khoang cắn gây tổn thương da trên mặt và cổ. 

Bà Phạm Thị Nương (ngụ xã An Bình, H.Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết: “Tôi nuôi đứa cháu bệnh ở BV này 4 ngày nay thấy kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào ban đêm, tôi không dám ngủ mà ngồi bắt kiến cho cháu”.

Theo lãnh đạo BVĐK TP.Vĩnh Long, những ngày gần đây kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều trong BV và hầu như khoa phòng nào cũng có kiến này hiện diện. Không ít bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh bị kiến cắn, độc tố của kiến ba khoang làm tổn thương da, ngứa rát.

Bác sĩ Dương Đình Vũ, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BVĐK TP.Vĩnh Long, nói: “Trung tâm y tế dự phòng cũng đến phun hóa chất nhưng hiện chưa diệt hết được loài kiến này”.

Độc tố kiến có thể gây cháy, bỏng da

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Châu (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư), kiến ba khoang có chứa độc tố. Khi thân kiến bị dập, độc tố trong cơ thể kiến dính lên da sẽ gây phồng rát và viêm da. Loài kiến này có chứa chất pederine, độc gấp 12 lần nọc độc rắn hổ mang, có thể gây cháy, bỏng da giống như chất phospho ở con giời leo.

PGS-TS Nguyễn Văn Châu lưu ý, vào mùa mưa, ban đêm kiến ba khoang theo ánh đèn bay vào nhà, khi chúng ta vô tình đưa tay quệt, đập sẽ khiến chất pederine dính lên da gây viêm da, bỏng da. Ban đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, sau 6 - 12 giờ tạo thành một đám phù nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ, vài ngày sau chuyển thành phỏng nước, phỏng mủ, cảm giác đau, rát càng tăng. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả 2 mắt. Cần tránh phản xạ quệt tay khi có cảm giác kiến rơi vào cổ, mặt./. (Thanh niên trang 2)

 Giá dịch vụ y tế sẽ tăng 20%

Tại Hội nghị tập huấn công tác truyền thông về Bảo hiểm y tế (BHYT) của Bộ Y tế tổ chức vào sáng 9.10, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết dự kiến giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng từ tháng 11 với việc tính thêm chi phí phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật cho nhân viên y tế.

Sẽ có 1.800 dịch vụ y tế điều chỉnh giá, với mức tăng thêm ước khoảng 20% so với giá hiện hành. Việc điều chỉnh lần này sẽ áp dụng với các bệnh nhân có thẻ BHYT hiện chiếm 70% dân số, khi đi khám bệnh sẽ do Quỹ BHYT thanh toán với bệnh viện. Đây là lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần thứ hai trong vòng hơn 3 năm qua.

Theo Bộ Y tế, để giảm gánh nặng cho người bệnh BHYT do phải cùng chi trả (tối đa 20% chi phí điều trị), Quỹ BHYT đã áp dụng quy định, người bệnh BHYT chỉ phải cùng chi trả với mức tiền tương đương 6 tháng lương cơ bản, tất cả các chi phí vượt quá sẽ do Quỹ BHYT thanh toán 100% theo quyền lợi được hưởng.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế vào cuối năm nay tác động trực tiếp đến Quỹ BHYT nhưng quỹ vẫn có khả năng cân đối được đến hết năm 2017. Từ năm 2018 sẽ xem xét điều chỉnh tăng mức đóng (luật quy định mức đóng tối đa 6% lương cơ bản).

Về tác động của giá dịch vụ y tế tới 30% dân số (khoảng 27 triệu người) chưa có BHYT phải tự chi trả khi khám chữa bệnh, ông Liên cho rằng, những đối tượng này sẽ không chịu tác động của lần tăng giá viện phí tới đây do các bệnh viện (BV) công vẫn áp dụng mức giá dịch vụ y tế hiện hành. (Thanh niên trang 4)

Cùng chủ đề - Báo Tiền phong trang 10: “Từ tháng 11, tăng gia 1.800 dịch vụ y tế”; Báo Nhân dân trang 5: “Sẽ ban hành mức giá 1.800 dịch vụ bảo hiểm y tế”;An ninh Thủ đô trang 1: “Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế từ cuối tháng 11”

 Viện phí sẽ “gánh” thêm lương bác sĩ

Cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12-2015 sẽ đưa tất cả chi phí khám chữa bệnh trực tiếp cho người bệnh và một loạt phụ cấp của cán bộ, nhân viên y tế vào viện phí. 

 Cũng theo lộ trình vừa công bố của Bộ Y tế, thì đến 1-3-2016 sẽ đưa thêm lương bác sĩ, y tá... vào viện phí. 

Với cách tính viện phí này, dự kiến khoảng 1.800 dịch vụ y tế cơ bản sẽ tăng, ước tính tối thiểu tăng 20% so với hiện hành. Trước mắt, sẽ áp dụng ở nhóm bệnh nhân bảo hiểm y tế, trong năm 2016 áp dụng với nhóm chi trả viện phí trực tiếp.

Viện phí tăng
 bao nhiêu?

Tại hội thảo về viện phí và các vấn đề y tế với báo chí, được Bộ Y tế tổ chức ngày 9-10 ở Hải Phòng, vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết với việc tính thêm phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật, chi phí giường bệnh sẽ tăng 10.000 - 20.000 đồng/ngày, phí phẫu thuật hoặc thủ thuật sẽ tăng 300.000 - 1,5 triệu đồng/ca.

Từ 1-3-2016 khi tính lương vào viện phí thì ước tính trong tổng chi phí điều trị một ca bệnh 6 triệu đồng, sẽ có 350.000 - 400.000 đồng để trả lương cho cán bộ y tế.

Điểm khác biệt là lương, phụ cấp này trước đây do Nhà nước trả, từ thời điểm kể trên do người bệnh trực tiếp chi trả hoặc trả thông qua quỹ bảo hiểm y tế.

Theo ông Liên, sau khi thực hiện các khoản thu mới thì khoản phụ cấp và lương lâu nay do Nhà nước cấp sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng bằng cách cấp bảo hiểm y tế.

“Tổng phần hỗ trợ sẽ chuyển này chưa chính xác là bao nhiêu, nhưng ví dụ mỗi năm Nhà nước chi 15.000 - 16.000 tỉ đồng lương cho cán bộ y tế, nếu trừ đi 5.000 - 6.000 tỉ đồng là 
lương của cán bộ các bệnh viện lao, phong, tâm thần, y tế dự phòng...

Nhà nước tiếp tục cấp, còn lại ít nhất mỗi năm có 10.000 tỉ đồng được chuyển sang hỗ trợ hoặc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, hộ gia đình nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình hoặc điều chỉnh 
mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế lên mức cao hơn để nâng chất 
lượng dịch vụ...” - ông Liên 
giải thích.

Giải thích về việc lo ngại viện phí tăng sẽ ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân chưa có bảo hiểm y tế (hiện chiếm gần 29% dân số, xấp xỉ 30 triệu người), ông Liên cho biết “cách làm mới” thận trọng hơn.

Nghĩa là năm nay áp dụng trước ở nhóm bệnh nhân bảo hiểm y tế, năm 2016 mới áp dụng với bệnh nhân chi trả viện phí trực tiếp.


Chất lượng dịch vụ có tăng?

Đây là câu hỏi được đặt ra nhiều trong thời điểm chuẩn bị tăng viện phí này. Theo bà Phạm Thu Xanh - giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, hiện Hải Phòng đang áp dụng mức viện phí bằng 73% khung đã được liên bộ Y tế - Tài chính phê duyệt năm 2012.

Với mức viện phí này thì khó khăn vẫn còn, đến nỗi có lúc Bệnh viện Việt Tiệp - bệnh viện lớn nhất Hải Phòng - phải nợ đến 50 tỉ đồng, càng mổ càng lỗ do viện phí quá thấp.

“Chúng tôi đang chờ thông tư mới về đưa chi phí trực tiếp, phụ cấp, lương vào viện phí, nếu được áp dụng mức 100% trong khung hiện hành, chắc chắn chất lượng dịch vụ sẽ tăng” - bà Xanh nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Liên đánh giá không phải giá tăng là chất lượng dịch vụ sẽ tăng mức tương ứng, “bởi phần thu trước đây các chi phí đó được Nhà nước chi trả, nay phần chi ấy chuyển cho người bệnh chi trả, còn tổng giá trị gói dịch vụ không tăng”.

Ông Liên còn nói đang có hàng loạt chủ trương để nâng chất lượng dịch vụ, chẳng hạn như từ năm 2020 sẽ bắt buộc tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, lúc đó giá khám chữa bệnh viện công và bệnh viện tư là tương đương nhau, chỉ còn cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, bệnh viện nào tốt bệnh nhân mới đến.

Viện phí tăng, người bệnh có ảnh hưởng?

Dù cách triển khai trong đợt tăng viện phí lần này có vẻ thận trọng nhưng vẫn có những nhóm bệnh nhân bị ảnh hưởng.

Trong số này, có khoảng 20 triệu người là thành viên các hộ gia đình làm nghề nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình, đang được hỗ trợ 30% phí bảo hiểm y tế, nhưng các địa phương vẫn chưa có danh sách gia đình nào là gia đình có mức sống trung bình, như vậy chưa có hộ nào được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế.

Tại hội thảo, đại diện Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết có rất nhiều bệnh nhân từ vùng sâu vùng xa, rất nhiều người thuộc diện nghèo nhưng chưa có thẻ bảo hiểm y tế, thậm chí có thẻ bảo hiểm rồi thì lại có nhiều loại thuốc và vật tư y tế ngoài phạm vi quỹ bảo hiểm chi trả, bệnh nhân nghèo không thể trả được. (Tuổi trẻ trang 1)

 ​Sẽ chuyển ngược bệnh nhi xuống tuyến dưới

Đó là thông tin từ cuộc họp báo chiều 9-10 với chủ trì của Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện nhi ở TP.HCM.

Chiều 9-10, bác sĩ Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cùng giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 đã tổ chức cuộc họp báo phân tích những nguyên nhân làm bệnh nhi đến khám bệnh và nhập viện tăng cao trong các ngày qua. 

Song song đó, cuộc họp cũng đưa ra các giải pháp để giảm quá tải, hạn chế tình trạng bệnh nhi phải nằm hành lang như nhiều báo chí phản ánh trong những ngày qua.

Theo TS.BS Tăng Chí Thượng, nguyên nhân khiến số bệnh nhi nhập viện tăng cao trong những ngày qua là do đây là thời điểm nhiều bệnh lý ở trẻ em cùng tăng cao như bệnh hô hấp, viêm phế quản, viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Người dân ở tuyến tỉnh lại chưa tin tưởng đưa trẻ đến điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà bệnh gì cũng đưa trẻ lên thành phố điều trị dẫn đến tình trạng quá tải tại hai bệnh viện nhi.

Những giải pháp giảm quá tải mà Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang thực hiện là tăng giường điều trị bệnh ban ngày, tăng bàn khám bệnh, kê thêm giường bệnh tại hành lang cho bệnh nhi nằm, luân phiên đưa cán bộ y tế xuống các bệnh viện quận, huyện khám chữa bệnh.

TS.BS Tăng Chí Thượng chỉ đạo hai bệnh viện ngoài các giải pháp trên, cần đẩy mạnh việc chuyển ngược lại bệnh nhi xuống tuyến dưới (các bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tỉnh) với điều kiện những bệnh nhi này đã được chẩn đoán bệnh và có kế hoạch điều trị bệnh.

Sau khi chuyển bệnh nhi xuống tuyến dưới, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 cần tiếp tục tăng cướng kết nối với các bệnh viện tuyến dưới để hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới trong quá trình điều trị bệnh nhi.

Khi bệnh nhi được chuyển ngược về tuyến dưới sẽ được xe của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 đưa về. Ngoài xe của hai bệnh viện, hai bệnh viện sẽ phối hợp với các xe chuyển bệnh nhi từ các tỉnh lên để chuyển bệnh nhân về.

Trong những ngày qua, ngày cao điểm nhất tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có hơn 8.000 bệnh nhi đến khám, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 là hơn 7.800 bệnh nhi đến khám.

Số bệnh nhi điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 là hơn 2.000 bệnh nhi trong khi bệnh viện chỉ có 1.400 giường chỉ tiêu, kê thêm giường mới được 1.500 giường, Bệnh viện Nhi Đồng 2 kê thêm giường mới có 1.750 giường bệnh trong khi mỗi ngày có khoảng 1.900 bệnh nhi nằm điều trị nội trú. (Tuổi trẻ trang 3)

BV Ung bướu Đà Nẵng không còn cơ hội nhận lại 37,2 tỷ

Nguồn tin của Tiền Phong cho hay, trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của UBND thành phố Đà Nẵng với lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tại Hà Nội chiều 9/10, ngân hàng cam kết vẫn giữ nguyên số tiền 37,2 tỷ đồng tài trợ cho Đà Nẵng, nhưng chuyển hướng sang giáo dục, chứ không cho BV Ung bướu nữa.

Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (người dẫn đầu đoàn công tác của Đà Nẵng ra Hà Nội với mục đích “xin” lại số tiền mà Ban Giám đốc BV Ung bướu đã tự ý chuyển trả lại cho nhà tài trợ vào ngày 31/8), cho hay, sau khi bàn bạc và đi đến thống nhất, lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt vẫn cam kết tài trợ số tiền 37,2 tỷ đồng cho thành phố Đà Nẵng. 

Tuy nhiên, ngân hàng này không tài trợ cho y tế nữa mà chuyển qua giáo dục. BV Ung bướu Đà Nẵng không còn cơ hội được nhận lại số tiền 37,2 tỷ đã nằm trong tài khoản của họ trong một năm qua, nhưng không được chi tiêu đồng nào.

“Ngân hàng vẫn dành số tiền đó cho Đà Nẵng là tốt quá rồi. Y tế thì cũng như giáo dục, ngành nào, lĩnh vực nào cũng cần đầu tư phát triển mà hiện nay tình hình lại rất thiếu thốn”, ông Dũng nói. 

Phía ngân hàng cũng rất vui vẻ, thiện chí và cam kết sẽ còn hợp tác, tài trợ lâu dài cho Đà Nẵng. Về thông tin chuyển hướng qua giáo dục, nhiều khả năng, ngân hàng sẽ dành số tiền này đầu tư xây trường học cho huyện Hòa Vang - quê hương của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh.

Tiền lãi của 37,2 tỷ đi đâu?

Tại buổi làm việc sáng 8/10, khi được hỏi về số tiền lãi của 37,2 tỷ đồng nằm trong tài khoản của BV Ung bướu Đà Nẵng hơn 1 năm qua, ông Trịnh Lương Trân, nguyên Giám đốc BV Ung bướu Đà Nẵng, không trả lời được. Ông nói rằng phải xem xét lại, giờ không biết số tiền lãi nằm ở đâu, tiêu vào việc gì.

Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thanh Sang, cho rằng, bất kỳ một khoản tiền nào khi được gửi vào ngân hàng đều phát sinh lãi. Tùy theo kỳ hạn mà ngân hàng đó sẽ tính lãi cụ thể là bao nhiêu. 

“Tiền chỉ không có lãi khi cất ở kho bạc nhà nước, còn gửi vào ngân hàng sẽ có lãi. Số lãi này chủ tài khoản sẽ được hưởng”, ông Sang nói. 

Chủ tài khoản của BV Ung bướu Đà Nẵng (thời gian trước chuyển giao) chính là Giám đốc Trịnh Lương Trân. Theo một nguồn tin, với 37,2 tỷ đồng, số lãi tạm tính trong một tháng hàng chục triệu đồng.

Ông Trân cho rằng, các phương án mua máy móc đã được lên kế hoạch ngay từ khi tiền vào tài khoản, nhưng do ông Nguyễn Bá Thanh đi chữa bệnh ở Mỹ nên không ai duyệt cho mà mua. 

Dù vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, trong thời gian chữa bệnh ở Mỹ, ông Thanh nhiều lần liên lạc qua email để phê duyệt các dự toán mua sắm thiết bị, máy móc. 

Thậm chí, ông Thanh điện thoại cho bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh, yêu cầu mua sắm nhiều thiết bị hiện đại cho BV Ung bướu, từ số tiền 37,2 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, không hiểu vì sao Ban giám đốc cũng như ông Trân trì hoãn cho đến tận cuối ngày chuyển giao, dẫn đến tiền không thể tiêu được, đành trả lại cho nhà tài trợ. (Tuổi trẻ trang 15)

Chương trình Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt

Tối 9-10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt. Đồng hành cùng chương trình là Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu sữa TH truemilk) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc.

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đến dự. Chương trình Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt nhằm mục đích nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam, thực hiện chính sách về dinh dưỡng của Chính phủ đối với trẻ em từ hai đến 12 tuổi, nhất là trẻ em nghèo. Hiện nay, số trẻ em có tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp, còi khá lớn, nhất là trẻ ở khu vực nông thôn, miền núi. So sánh mặt bằng chung về tầm vóc, chiều cao nam, nữ thanh niên Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.
Hai năm qua, Tập đoàn TH đã trao 17.916.000 ly sữa tươi tặng học sinh ở 49 tỉnh, thành phố.

Tại buổi lễ, Tập đoàn TH cam kết sẽ giúp 428.306 học sinh mầm non và tiểu học ở 21 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Nghệ An được sử dụng một hộp (180 ml) sữa tươi mỗi ngày trong năm học 2015-2016. Theo đó, học sinh thuộc diện hộ nghèo, gia đình người có công sẽ được hưởng miễn phí; hỗ trợ 50% cho học sinh hộ cận nghèo, 30% cho học sinh bình thường.

Buổi lễ cũng ghi nhận sự tiếp sức của cộng đồng xã hội thông qua những đóng góp cho Quỹ Vì tầm vóc Việt hỗ trợ học sinh nghèo tại tỉnh Nghệ An trong chương trình Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt với sự ủng hộ của ngành ngân hàng và nhiều doanh nghiệp, tổ chức. Nhân dịp này, Tập đoàn TH tiếp tục dành tặng một triệu ly sữa TH truemilk cho học sinh là con công nhân, học sinh huyện đảo Lý Sơn, huyện đảo Trường Sa thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng chí Tòng Thị Phóng đã trao tặng món quà ý nghĩa này. (Nhân dân trang 1)

Bệnh sốt xuất huyết ở Đồng Tháp tăng đột biến

Tính đến thời điểm này, TP.Cao Lãnh đang đúng đầu toàn tỉnh với 311 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Bệnh SXH tăng đột biến từ tuần 31 với số ca mắc ghi nhận được từ 16 - 23 ca, tập trung ở phường 6, phường 2, xã Tịnh Thới, phường Mỹ Phú. Thời gian qua, ngành y tế đã triển khai 5 đợt chiến dịch, phối hợp Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh thực hiện phun xịt hóa chất chủ động tại các khóm ấp của 5 phường có nguy cơ bùng phát dịch là phường 1, 2, 3, 4, 6.

Bệnh SXH ở huyện Cao Lãnh cũng tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên địa bàn ấp 5, xã Phương Trà đã xảy ra ổ dịch SXH làm 8 trẻ em mắc bệnh, ổ dịch vừa được khống chế thì hiện tại ở tổ 10 và tổ 22 thuộc ấp 4, xã Ba Sao lại tiếp tục xuất hiện ổ dịch mới làm 2 trẻ em bị bệnh.

Được biết, từ đầu năm đến nay toàn huyện Cao Lãnh có 198 ca mắc SXH, tăng 153 ca so với cùng kỳ năm 2014. Riêng ở xã Ba Sao xảy ra 36 ca, tăng 35 ca so với cùng kỳ năm 2014 và là xã có số ca mắc bệnh SXH cao nhất trong huyện. (Nhân dân trang 5)

Dự kiến điều chỉnh viện phí từ cuối năm 2015

Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí do Bộ Y tế tổ chức ngày 9-10 tại Hải Phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Theo đó, toàn bộ khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được BHYT thanh toán sẽ được điều chỉnh giá trong thông tư này. Bộ Y tế dự kiến lộ trình thực hiện việc điều chỉnh viện phí theo 2 bước. Cụ thể, trong năm 2015 (dự kiến từ cuối tháng 11, đầu tháng 12) khi thông tư ban hành có hiệu lực thì thực hiện theo mức giá dịch vụ y tế tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù; từ ngày 1-3-2016, thực hiện mức giá theo đúng lộ trình, bao gồm cả tiền lương.
Mặt khác, trước mắt trong năm 2015, việc điều chỉnh giá viện phí theo thông tư mới này chỉ áp dụng với người bệnh thanh toán BHYT. Còn đối với người không có thẻ BHYT thì vẫn áp dụng theo mức giá hiện nay. Trong năm 2016, Bộ sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp để chính thức điều chỉnh theo giá viện phí mới.
Cũng theo ông Nguyễn Nam Liên, với việc điều chỉnh giá viện phí mới bắt đầu từ cuối năm nay, khoảng 23,7 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT sẽ có lợi hơn. Các đối tượng đang tham gia BHYT cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều. Với những người chưa có thẻ BHYT, chắc chắn gánh nặng viện phí sẽ tăng.  (Hà Nội mới trang 7)

 10% học sinh có nguy cơ trầm cảm nặng

Có tới 90% học sinh được tư vấn tâm lý do gặp khó khăn khi bố mẹ gây áp lực hay ly hôn, bên cạnh đó là hàng loạt áp lực do điểm số hay khúc mắc trong quan hệ tình cảm, quan hệ với bạn bè, thầy cô. Những vấn đề đặt ra từ  phòng tư vấn tâm lý một trường THPT này cho thấy,  công tác tư vấn học đường đang được đòi hỏi như hoạt động không thể thiếu trong trường học.

Vướng mắc tâm lý gia tăng vì bố mẹ ly hôn
Học sinh hiện nay đang gặp không ít khó khăn về vấn đề tâm lý tuổi mới lớn. Hậu quả của việc không tìm được hướng giải quyết vướng mắc này có thể rất nghiêm trọng. Mới đây nhất, sự việc khiến các bậc phụ huynh cũng như thầy cô giáo đau xót, phải suy nghĩ là trường hợp em Trần Hoàng H. – học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn nhảy xuống sông tự tử vì bị điểm kém.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ở Hà Nội cũng đã xảy ra những vụ việc hết sức đáng tiếc khi có những học sinh ngoan, học giỏi lại tự tử vì bị nghi lấy trộm tiền quỹ lớp hay vì bị đăng ảnh ghép trên Facebook. “Học sinh hiện nay chịu nhiều áp lực do kỳ vọng của gia đình, áp lực điểm số, thứ hạng, khúc mắc trong quan hệ với thầy cô, bạn bè, các cám dỗ của trò chơi điện tử, mối quan hệ xã hội chưa được sàng lọc… Chưa kể đến các vấn đề tâm lý, giới tính, bạo hành gia đình… Có thể thấy, học sinh lúc này đặc biệt rất cần chia sẻ, tư vấn. Tôi cho rằng những trường hợp đáng tiếc nói trên hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu các em được chia sẻ, tư vấn kịp thời”- ông Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Liên tục nhận được những yêu cầu giải đáp thắc mắc từ học sinh qua điện thoại, đặc biệt qua Facebook, bà Bùi Thị Kiều, giáo viên tư vấn tâm lý, trường THPT Marie Curie, TP.HCM cho biết, có tới 90% vướng mắc của học sinh xuất phát từ mâu thuẫn trong quan hệ gia đình. Đặc biệt  khi tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, các em càng có nhiều áp lực về tâm lý.
Cá biệt, hiện trường này đã thống kê một lớp có tới 50% bố mẹ ly hôn khiến các em chịu những cú sốc về tinh thần rất lớn. Kết quả kiểm tra sàng lọc của trường THPT Marie Curie, TP.HCM cho thấy, những học sinh có nguy cơ cao trầm cảm, tự tử chiếm tới 5-10% học sinh toàn trường. Được biết, kết quả này vẫn đúng trong 3 năm liên tục nhà trường tiến hành kiểm tra sàng lọc. Tương tự, tại Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng khẳng định, có những lớp, tỷ lệ học sinh có bố mẹ ly hôn lên tới 30-40%, điều này khiến cho việc giáo dục trong trường học gặp nhiều khó khăn. 
Cần sớm tháo gỡ khủng hoảng tâm lý học sinh
Ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, học sinh hiện nay chủ yếu  ở  trường từ sáng đến tối mới về nhà nếu học bán trú. Do vậy, ngoài nhiệm vụ giảng dạy nhà trường phải gánh thêm trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, tâm lý học sinh, bởi vậy công tác tư vấn tâm lý trường học đang rất được ngành giáo dục quan tâm. Được biết, tại Hà Nội, hiện có hơn 20 trường tham gia dự án thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường.
Hoạt động này đã góp phần giải quyết được vấn đề phòng ngừa, ngăn chặn những trường hợp khủng hoảng tâm lý mức độ nghiêm trọng như muốn tự tử vì bố mẹ chia tay hay phát hiện, giải quyết trường hợp học sinh bị bạo lực tình dục nhiều năm… Tuy nhiên, với con số trên 1.000 trường học trên địa bàn Thủ đô, số trường thực hiện được công tác tư vấn tâm lý còn quá khiêm tốn.
Nói về hiệu quả của công tác tư vấn tâm lý, bà Bùi Thị Kiều khẳng định: “Chính vì kiểm tra sàng lọc và tiến hành tư vấn kịp thời, trường đã phát hiện 3 trường hợp tâm thần hoang tưởng và ngăn chặn thành công ý định tự tử hay hành hung bạn. Những trường hợp này phải được sự can thiệp của bệnh viện và sau khi phát hiện, điều trị, các em đã quay trở lại trường học tập”.
“Có thể thấy, nếu không được tư vấn, chia sẻ, giải tỏa kịp thời thì những vấn đề tâm lý của học sinh dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Nhẹ thì chán học, bỏ học, nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường, tự tử. Một số học sinh dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội như lô đề, cờ bạc, nghiện game, rượu bia, thậm chí ma túy, mại dâm, sống buông thả, sao nhãng học hành, dẫn đến kết quả học tập yếu kém, bị buộc thôi học, thậm chí vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự” - ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT nhận định.
Trước vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng ngành giáo dục cần mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học tâm lý giáo dục đến với giáo viên, phụ huynh, học sinh để giải quyết vướng mắc đang cản trở việc học tập của học sinh, góp phần định hướng, phát triển nhân cách lành mạnh, toàn diện cho học sinh. (An ninh Thủ đô trang 4)

Hà Nội bố trí thêm 14 tỷ đồng phòng chống dịch sốt xuất huyết

Thành phố Hà Nội tiếp tục chi thêm 14 tỷ đồng để quyết tâm khống chế dịch sốt xuất huyết trong 3 tháng cuối năm 2015. Dự kiến bằng nguồn kinh phí bổ sung, Hà Nội tiếp tục trang bị bổ sung máy móc, hóa chất; tổ chức thêm hàng loạt các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng tại vùng có dịch và các vùng có nguy cơ cao...

UBND TP Hà Nội có công văn hỏa tốc yêu cầu các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành thành phố thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Cụ thể, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai ngay các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy vào các ngày thứ 7 hằng tuần, bắt đầu từ ngày 10/10/2015. Huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, huy động các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng tham gia tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt muỗi, diệt bọ gậy, kiên quyết không để dịch kéo dài, lan rộng.

Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ ca bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng để mọi người tự áp dụng các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết như: ngủ màn, diệt muỗi, diệt bọ gậy và tích cực hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng. Bố trí kinh phí và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương.

UBND TP cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Chỉ đạo các cơ sở y tế đáp ứng điều trị tích cực cho bệnh nhân sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất tử vong. Sở Y tế đảm bảo kinh phí từ nguồn kinh phí phòng dịch, kinh phí chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống sốt xuất huyết cho các hoạt động chuyên môn trong tổ chức chiến dịch tại các xã, phường trọng điểm và nguy cơ cao theo quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã và Sở Y tế trong tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố có 3.471 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố, trong đó 7 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo và 1 trường hợp sốt xuất huyết nặng tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, chưa có trường hợp tử vong. Thống kê cho thấy các ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội hiện tại chủ yếu là tuýp D1 và D2. (Sức khỏe & Đời sống, An ninh Thủ đô trang 17)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang