HIV không còn đáng ngại, sợ nhất là ung thư
Ngày 9-11, Cục Phòng chống HIV/AIDS tổ chức công bố sự kiện 100.000 người bệnh AIDS ở VN được tiếp cận với thuốc kháng virút ARV. Theo ông Nguyễn Hoàng Long - cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tính đến hết tháng 9-2015 VN có trên 282.000 người nhiễm HIV được ghi nhận, số tử vong giảm dần so với trước nhưng tính đến hết tháng 9-2015 VN đã có trên 86.000 người tử vong do căn bệnh này. Hiện có trên 102.000 người bệnh được tiếp cận với thuốc kháng virút, nhưng so với các nước trong khu vực tỉ lệ này còn thấp.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng HIV không còn là căn bệnh đáng sợ nhất ở VN, mà đáng sợ nhất phải là ung thư. Trung bình mỗi năm VN có 150.000 - 200.000 người mắc ung thư mới phát hiện, khoảng 75.000 - 100.000 người tử vong do ung thư mỗi năm.
Nhưng các nỗ lực phòng chống ung thư chưa đầy đủ, chưa xứng tầm, chuyên ngành ung bướu mới chỉ phát triển ở bệnh viện tuyến T.Ư, tuyến dưới rất yếu và chưa thực hiện được chức năng phát hiện bệnh sớm. HIV/AIDS là căn bệnh duy nhất có hẳn một cục có chức năng quản lý nhà nước để phòng chống căn bệnh này, còn ung thư, có phải đến lúc cần thành lập Cục Phòng chống ung thư? (Tuổi trẻ trang 14)
Bệnh tay chân miệng tăng cao tại Đồng Tháp
Ông Đoàn Tấn Bửu, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có gần 3.100 ca mắc bệnh tay chân miệng với 1 ca tử vong.
Mặc dù số ca bệnh thấp hơn cùng kỳ năm 2014 nhưng bệnh đang có dấu hiệu tăng cao. Cụ thể là từ tuần 38 đến tuần 43 số ca mắc tăng cao đột biến, đưa Đồng Tháp trở thành tỉnh thành có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao thứ ba trong cả nước.
Cũng theo ông Bửu, trước tình hình bệnh tăng cao, ngành y tế đã có nhiều biện pháp như đôn đốc tuyến dưới về hoạt động phòng chống dịch, đảm bảo công tác giám sát bệnh, giám sát virút... Ngoài ra, ông Bửu khuyến cáo bệnh tay chân miệng lây theo đường tiêu hóa, do đó người dân cần thường xuyên rửa tay đúng cách, ăn chín, uống chín, vệ sinh nhà cửa và các vật dụng sinh hoạt. Khi phát hiện bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và xử lý kịp thời (Tuổi trẻ trang 14).
Hà Nội giảm chuyển tuyến ở lĩnh vực ngoại khoa
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền - giám đốc Sở Y tế Hà Nội, năm 2015 Hà Nội đã đầu tư thêm 8 hệ thống phẫu thuật nội soi cho 8 bệnh viện tuyến huyện. Hiện 100% bệnh viện huyện của Hà Nội có thể phẫu thuật nội soi các dịch vụ như nội soi ruột thừa, u xơ cổ tử cung, một số bệnh viện có thể nội soi điều trị u xơ tuyến tiền liệt, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức có thể nội soi điều trị thủng dạ dày...
Ông Hiền cho rằng nhờ mở rộng phẫu thuật nội soi ở tuyến dưới, bệnh nhân phải chuyển viện trong lĩnh vực ngoại khoa ở Hà Nội có giảm, tuy nhiên thời gian tới còn các lĩnh vực như hồi sức cấp cứu, cấp cứu sản, nhi thì Hà Nội cần phải cải thiện chất lượng dịch vụ. "Hà Nội có cách làm riêng là một bệnh viện tuyến trên hỗ trợ 2 - 3 bệnh viện tuyến dưới, không làm theo cách 2 - 3 bệnh viện tuyến trên hỗ trợ một bệnh viện tuyến dưới, sau này tuyến dưới không cải thiện chất lượng không ai chịu trách nhiệm" - ông Hiền nói (Tuổi trẻ trang 14).
Bệnh viện Đà Nẵng có máy siêu âm tim xách tay
Sáng 9-11, Tổ chức từ thiện Trái tim vì trái tim (Đức) đã trao tặng cho khoa phẫu thuật - can thiệp tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng một máy siêu âm tim xách tay Philips có trị giá hơn 1 tỉ đồng. Máy siêu âm này sẽ giúp nhiều trẻ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa trong việc phát hiện sớm, kịp thời các bệnh về tim.
Cũng dịp này, Tổ chức từ thiện Trái tim vì trái tim ký một cam kết tài trợ trị giá 3 tỉ đồng trong 5 năm để duy tu, bảo dưỡng hệ thống chụp mạch kỹ thuật số xóa nền - DSA, một thiết bị mới được sử dụng trong chẩn đoán bệnh tim mạch và các bệnh liên quan đến mạch máu (Tuổi trẻ trang 14).
Đề xuất mua thẻ BHYT cho người có HIV/AIDS
Ngày 9.11, tại Hà Nội, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS, diễn ra từ 10.11 - 10.12. Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết cả nước đã phát hiện mới 7.054 người có HIV, 1.640 người tử vong do AIDS, 80% số người mắc ở độ tuổi từ 20 - 40. VN hiện có 100.000 người có HIV/AIDS được điều trị thuốc miễn phí, trong đó gần 5.000 trẻ em. Được điều trị sớm, người có HIV có thể kéo dài cuộc sống và giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người có HIV/AIDS.
Dự kiến từ ngày 1.6.2016, Quỹ BHYT sẽ chi trả cho thuốc ARV (kháng vi rút) cho người có HIV có thẻ BHYT. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 30% nhóm đối tượng này có thẻ BHYT. Người có HIV đang được cấp thuốc ARV miễn phí, từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhưng khoản tiền này đang giảm dần và sẽ bị cắt từ cuối năm 2017 (Thanh niên trang 2, An ninh thủ đô trang 2).
Bảo đảm chỉ tiêu số người tham gia bảo hiểm y tế: Vào hồi “nước rút”
Theo chỉ tiêu được giao, đến hết năm 2015, Hà Nội phải đạt tỷ lệ 77,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên tính đến hết quý III này, tỷ lệ bao phủ mới đạt 72,8%. Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2015, trước nguy cơ không đạt được mục tiêu, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp và tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương rốt ráo triển khai nhiều biện pháp nhằm đạt chỉ tiêu trong thời điểm nước rút. Huyện Đan Phượng vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với hàng loạt các chỉ tiêu đạt cao như: Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2%, thu nhập bình quân 28,8 triệu đồng/người/năm; 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế, trong đó 14/15 xã đạt chuẩn mức độ 2; 45 làng đạt danh hiệu văn hóa, 90% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa… Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn huyện Đan Phượng lại nằm trong tốp cuối của thành phố. Tính đến ngày 30-9, bình quân toàn huyện Đan Phượng có 443 người/xã tham gia BHYT, xếp thứ 22/30 quận, huyện; tỷ lệ bao phủ BHYT trên tổng số dân đạt hơn 62%, trong khi chỉ tiêu đề ra hết năm 2015 là 75%. Mặc dù, ngành BHXH huyện Đan Phượng đã và đang tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo sát sao các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các xã, thị trấn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, song đây vẫn là chỉ tiêu khó có thể "về đích".
Theo thống kê của BHXH thành phố, tỷ lệ bao phủ BHYT ở các khối có đặc thù, thấp nhất phải kể đến là khối doanh nghiệp, mới đạt khoảng 40% so với tổng số doanh nghiệp thực tế. Trong khối học sinh (HS) tham gia BHYT, dù tỷ lệ luôn đạt khá cao với 88,3% bình quân toàn thành phố năm học 2014-2015, song còn 11 huyện, thị xã có tỷ lệ HS tham gia dưới mức bình quân này. Đối với khối sinh viên (SV) các trường đại học, cao đẳng, THCN, năm học 2014-2015 đạt 83,3% nhưng vẫn còn nhiều trường chỉ đạt dưới 50%. Đặc biệt, tỷ lệ SV năm thứ hai trở đi không tham gia là khá cao.
Đối với BHYT hộ gia đình, toàn thành phố có hơn 349 nghìn người tham gia, bình quân mỗi xã, phường, thị trấn là 598 người/xã. Một số quận, huyện có số người tham gia bình quân cao như: Hoàng Mai 1.244 người/phường, Thanh Xuân có 1.064 người/phường, Đống Đa có 1.032 người/phường, Hai Bà Trưng có 974 người/phường… Một số xã, phường tiêu biểu như: Khương Trung (Thanh Xuân) có 2.636 người tham gia; xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) có 2.133 người tham gia… Tuy nhiên, ở khu vực ngoại thành còn chưa "đả thông" được tư tưởng cho người dân tham gia BHYT nên con số rất thấp như ở Mỹ Đức chỉ đạt 251 người/xã; Phúc Thọ 282 người/xã; Quốc Oai 304 người/xã; Ba Vì 316 người/xã; Thanh Oai 410 người/xã và ở Đan Phượng là 443 người/xã…
Tăng số tiền đóng, tăng một số quyền lợi cho người tham gia BHYT, đặc biệt là viện phí và một số dịch vụ y tế tăng cao là những điểm mới, "nóng", không chỉ những người đang tham gia BHYT quan tâm mà cần tuyên truyền mạnh cho những người chưa tham gia. Không ai mong muốn mình bị đau ốm, bệnh tật hay tai nạn rủi ro, tuy nhiên, tấm thẻ BHYT vừa là sự phòng hộ cho bản thân và gia đình khi lỡ gặp phải, vừa là sự chung tay sẻ chia với những người kém may mắn trong xã hội, để chính sách an sinh cho toàn dân đạt kết quả cao.
Chỉ còn gần 2 tháng nữa để thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT 77,2% dân số mà Chính phủ giao. Đây rõ ràng không chỉ là bài toán khó mà còn là thách thức đối với ngành BHXH cũng như toàn thành phố. Cùng với nhiều biện pháp, ngành BHXH đang đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi cho các bên tham gia BHXH, BHYT, triển khai giao dịch điện tử trong cấp, đổi thẻ… UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã cần đưa chỉ tiêu BHYT vào chuẩn nông thôn mới với tỷ lệ đạt trên 70%. Đặc biệt, thành phố yêu cầu giao chỉ tiêu cho mỗi xã, phường phải đạt 1.000 người tham gia BHYT trở lên; đối tượng HS, SV phấn đấu phải đạt 100%. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm cho người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi cao nhất (Hà Nội mới trang 6).