Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/1/2023

  • |
T5g.org.vn - TPHCM tiêm vắc xin COVID-19 xuyên Tết: Chặn biến thể mới của Omicron; Quảng Nam xin không nhận 74.000 liều vắc xin do tiêm không kịp; Thực hư máy làm to 'cậu nhỏ'; Hà Nội không có thêm ổ dịch sốt xuất huyết mới; Lợi ích của bệnh án điện tử, vì sao triển khai còn chậm?

 

TPHCM tiêm vắc xin COVID-19 xuyên Tết: Chặn biến thể mới của Omicron

Ngày 9/1, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, ngành y tế thành phố sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 xuyên Tết Nguyên đán. Trước sự xuất hiện các biến thể mới của Omicron, chuyên gia y tế khuyến cáo cộng đồng tăng cường biện pháp bảo vệ trong dịp Tết và mùa lễ hội đầu năm.

Theo HCDC, đợt cao điểm tiêm phòng COVID-19 sẽ được ngành y tế TPHCM thực hiện từ nay đến hết ngày 2/2/2023. Hoạt động tiêm chủng diễn ra liên tục kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Ngành y tế thành phố sẽ tổ chức các điểm tiêm ở tất cả quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các bệnh viện. Những điểm tổ chức tiêm sẽ được treo băng rôn thông báo và đảm bảo an toàn tiêm chủng cho cộng đồng.

Liên quan khả năng miễn dịch cộng đồng trước COVID-19, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, kết quả khảo sát ngẫu nhiên vào tháng 9/2022 ghi nhận, miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 của người dân sinh sống tại thành phố đạt 98,7%. “Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ cộng đồng của vắc xin sẽ giảm theo thời gian nếu người dân không tham gia tiêm hoặc không tiêm nhắc lại đúng theo quy định, đặc biệt là với đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch” - bà Quỳnh Như nói.

Tình hình dịch COVID-19 vào giai đoạn cuối năm đang diễn biến phức tạp. Trên địa bàn TPHCM đã phát hiện biến thể XBB của Omicron qua các kết quả giải trình tự gen ở người bệnh của OUCRU (đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford) từ những trường hợp điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM. Hiện một biến thể khác có mức độ lây lan nhanh hơn là XBB.1.5 đang lưu hành tại Mỹ, được cảnh báo có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam ở mức cao do sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân vào dịp lễ, Tết.

Nguy cơ xâm nhập Việt Nam ở mức cao

Phân tích chuyên môn của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng trường Đại học Y Dược TPHCM về các biến thể mới chỉ ra: “XBB là một loại biến thể phụ do sự bắt chéo của 2 biến thể cũ, sự lai tạo hình thành protein gai hay protein S khác so với protein S cũ sinh ra hiện tượng lẩn tránh miễn dịch. Những người đã có miễn dịch do từng mắc bệnh hoặc tiêm vắc xin có thể không còn được bảo vệ đầy đủ như trước. Tuy nhiên, protein gai sau khi thay đổi thì sự xâm nhập vào tế bào kém hơn so với trước, dù có sự lẩn tránh miễn dịch nhưng khả năng lây lan lại ít hơn”.

Về biến thể XBB.1.5 đang lưu hành tại Mỹ khiến nhiều người mắc bệnh, PGS Đỗ Văn Dũng cho biết: “Biến thể này xuất phát từ XBB. Biến thể mới có sự thay đổi so với XBB thông thường khi có đột biến ở vị trí F468P. Đột biến này giúp protein S dễ xâm nhập vào tế bào bình thường hơn. Do đó, XBB.1.5 có mức độ nguy hiểm hơn. Điều này đã được chứng minh trên thực tế vào tháng 10 năm trước tỉ lệ nhiễm COVID-19 ở Mỹ thấp, nhưng hiện nay có tới 40% số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ là do biến thể XBB.1.5 gây ra”.

PGS Đỗ Văn Dũng cảnh báo, biến thể mới có sự lây lan nhanh, nguy cơ xâm nhập Việt Nam ở mức cao. Khi xuất hiện biến thể mới, chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 so với hiện nay. Các biến thể mới có thể lây lan nhiều hơn nhưng khó xâm nhập qua được hàng rào bảo vệ chủ động như mang khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn tay thường xuyên.

“Mặc dù biến thể mới có khả năng đề kháng một phần các miễn dịch cũ nhưng miễn dịch mỗi người đã có vẫn bảo vệ được cơ thể hạn chế nguy cơ bệnh chuyển nặng, tử vong ở người nhiễm”- ông Dũng nói thêm.

Để chủ động bảo vệ sức khỏe trong dịp Tết, ông Dũng khuyến cáo cộng đồng cần tăng cường mang khẩu trang, không tụ tập nơi đông người, rửa tay thường xuyên, khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc. Những người chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ thì nên tiêm vắc xin theo hướng dẫn của ngành y tế (Tiền phong, trang 4).

 

Quảng Nam xin không nhận 74.000 liều vắc xin do tiêm không kịp

Ngày 9-1, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn vừa có văn bản xin không tiếp nhận vắc xin Astra Zeneca đợt 184 gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan.

Theo tỉnh này, thời gian qua tỉnh luôn khẳng định vắc xin là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID19.

Do đó đã nghiêm túc, khẩn trương tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế, đến ngày 4-1-2023, kết quả tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên cụ thể: số người đã tiêm đủ liều cơ bản đạt 97,7%; mũi nhắc lại lần 1 đạt 62,8%; mũi 3 đạt 99,6%; mũi 4 (nhắc lại lần 2) đạt 96,2%. 

Quảng Nam cũng đã đăng ký 3.144 liều vắc xin để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 12-2022 và tháng 1-2023.

Trong quá trình triển khai tiêm vắc xin mũi nhắc lại lần 1 và nhắc lại lần 2, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do nhận hơn 1 triệu liều vắc xin Verocell nên có gần 500.000 người (khoảng 46,0%) đã tiêm bổ sung vắc xin phòng COVID-19.

Tuy nhiên do tình hình di biến động dân cư, người dân tỉnh này đang học tập, làm ăn, sinh sống... ở ngoài tỉnh khoảng 100.000 người nên hiện tại không có mặt trên địa bàn để tiêm mũi tiếp theo.

Theo quyết định của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tỉnh được cấp 73.900 liều vắc xin Astra Zeneca có hạn sử dụng đến ngày 1-2, theo thời gian này thì chỉ có 23 ngày để triển khai tiêm hết số vắc xin trên.

Do đó việc tổ chức vận động và triển khai tiêm vắc xin cho người dân theo số lượng được phân bổ như trên là rất khó khả thi và dễ dẫn đến tồn đọng, gây lãng phí số vắc xin được cấp. Vì vậy tỉnh xin không tiếp nhận 73.900 liều vắc xin Astra Zeneca đợt này và sẽ nhận vắc xin vào thời điểm tháng 6-2023 theo số lượng đã đăng ký nêu trên.

Để vắc xin sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, tỉnh đề nghị Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur Nha Trang xem xét, điều chuyển số vắc xin nêu trên (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Thực hư máy làm to 'cậu nhỏ'

Chỉ cần gõ từ khóa "máy massage làm to dương vật", các trang thương mại điện tử sẽ hiển thị hàng trăm kết quả với những lời quảng cáo "có cánh". Bác sĩ cảnh báo những công dụng này đã bị thổi phồng, nam giới dùng có thể gặp nhiều biến chứng.
Đã có nhiều trường hợp gặp bác sĩ để "cầu cứu cậu nhỏ" vì sử dụng máy massage dương vật tại nhà được mua trên mạng xã hội.

Nhộn nhịp thị trường "làm to cậu nhỏ"

"Máy massage giúp nam giới tăng kích thích dương vật, kéo dài thời gian quan hệ. Giúp cánh mày râu tự tin chiều lòng đối tác". "Chỉ cần chăm chỉ tập luyện, mỗi ngày 15 phút vào buổi sáng, chỉ sau một tháng tập luyện chăm chỉ, cậu nhỏ sẽ có kích thước thay đổi đáng kể". "Sau ba tháng tập luyện, dương vật có thể dài ra lên đến 4 - 6cm"...

Đây là những dòng giới thiệu của những sản phẩm máy massage làm tăng kích thước dương vật đang bán trên thị trường. Với sản phẩm này, nam giới có thể tự sử dụng tại nhà với những bước hướng dẫn đơn giản. Mỗi sản phẩm có giá từ 700.000 đồng đến vài triệu đồng với đủ loại chất liệu, được giới thiệu là hàng "xách tay" từ nhiều nước.

Thực tế không ít nam giới tự sử dụng máy massage tăng kích thước dương vật phải nhập viện trong tình trạng tụ máu, sưng phù hay thậm chí hoại tử.

Bác sĩ Vũ Thái Hoàng, khoa ngoại tiết niệu Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho biết khoa từng điều trị một số "quý ông" gặp biến chứng sau khi sử dụng máy massage dương vật mua trên mạng xã hội. Độ tuổi thường gặp nhất là 20 - 25 (độ tuổi đang rất quan tâm về vấn đề tình dục) và có điều kiện kinh tế.

Các biến chứng hay gặp ở người sử dụng là đứt dây hãm bao quy đầu (còn gọi là dây thắng dương vật) do bệnh nhân thủ dâm quá mạnh hoặc bị dị ứng, viêm nhiễm bao quy đầu do sử dụng chất xúc tác (hóa chất, chất bôi trơn) có trong máy massage mà không đảm bảo chất lượng, vệ sinh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức, khoa phẫu thuật tiết niệu - nam học Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chia sẻ mới đây đã điều trị cho nam bệnh nhân 30 tuổi nhập viện trong tình trạng dương vật sưng tím, tụ máu sau khi dùng máy massage tăng kích cỡ. Nam bệnh nhân này đã tự mua máy massage sử dụng trong suốt một tháng.

"May mắn bệnh nhân nhập viện sớm, dương vật chưa tổn thương nặng nề như hoại tử nhưng vẫn phải phẫu thuật. Dương vật của bệnh nhân bị tụ máu, sưng phù có thể để lại những ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục sau này như rối loạn cực khoái và giảm ham muốn", bác sĩ Đức cho hay.

Phóng đại công dụng, chưa có nghiên cứu

Bác sĩ Hoàng cho biết bản chất của máy massage đều là đưa dương vật tiếp xúc với máy massage, với nhiều cách kích thích khác nhau.

So với trước đây thì hiện nhiều người trẻ sử dụng đồ chơi tình dục hơn, tiếp cận qua mạng xã hội dễ hơn. Tuy nhiên, hàng đặt qua mạng thường không đảm bảo chất lượng, người dùng chỉ đọc hoặc nghe tư vấn hoặc bạn bè rỉ tai nhau.

"Những chiếc máy này thường quảng cáo là sẽ "luyện tập" cho dương vật để tăng kích thước, tránh xuất tinh sớm, kéo dài cuộc yêu, nhưng điều này không đúng và về mặt y khoa cũng không có bằng chứng", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Trong khi đó, bác sĩ Đức cho hay hiện có một số phương pháp giúp làm tăng kích thước "cậu nhỏ" một cách tự nhiên như massage dương vật, hút chân không, bổ sung các nhóm thực phẩm, luyện tập thể thao. Mặc dù chưa được nghiên cứu cụ thể nhưng những phương pháp này là tốt nhất cho bộ phận sinh dục phát triển ở độ tuổi dậy thì.

"Tập luyện bằng massage bằng tay hoàn toàn không phải thủ dâm. Nếu sử dụng các loại máy massage, máy hút chân không tăng kích thước đang được quảng cáo thì phải đúng kỹ thuật. Nếu hút áp lực mạnh quá có thể gây bầm tím, sưng phù. Đặc biệt, phải sử dụng đúng mục đích, không sử dụng để thủ dâm", bác sĩ Đức khuyến cáo (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Hà Nội không có thêm ổ dịch sốt xuất huyết mới

Ngày 9-1, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 30-12-2022 đến ngày 6-1-2023, trên địa bàn thành phố ghi nhận 92 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 74,8% so với tuần trước). Bệnh nhân ghi nhận tại 14/30 quận, huyện, thị xã.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã có 19.670 ca mắc sốt xuất huyết (số ca mắc tăng gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 25 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 567/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.

Ngoài ra, trong tuần qua không ghi nhận thêm ổ dịch sốt xuất huyết mới. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay đã ghi nhận 1.432 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại không còn ổ dịch đang hoạt động.

Cũng theo số liệu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong tuần đầu của năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước đã giảm mạnh.

Cụ thể, so với các tuần của tháng 10, tháng 11 và đầu tháng 12-2022, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước vào khoảng 10.000 ca/tuần, thậm chí có những đợt cao điểm còn gần 12.000 ca/tuần thì trong tuần đầu tiên của năm 2023, cả nước chỉ ghi nhận 4.275 ca/tuần (giảm 34,7% so với tuần trước đó) và không ghi nhận trường hợp tử vong. Trong đó, số nhập viện là 3.371 ca, giảm 36,8% so với tuần trước.

Tích lũy từ đầu năm 2022 cho đến nay, cả nước ghi nhận 367.729 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 140 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 5 lần, tử vong tăng 113 trường hợp (Hà Nội mới, trang 7).

 

Lợi ích của bệnh án điện tử, vì sao triển khai còn chậm?

Theo thống kê, đến nay mới có 20% bệnh viện hạng I triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy. Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh là mục tiêu mà ngành y tế hướng đến, rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, đặc biệt đang triển khai khám, chữa bệnh bằng CCCD thay thế thẻ BHYT. Cả nước có khoảng 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 135 bệnh viện hạng I, nhưng đến nay mới có khoảng 37 bệnh viện triển khai.

Nhiều nơi chưa triển khai

Đến Bệnh viện Tim Hà Nội vào ngày 6/1, chúng tôi ghi nhận sự quá tải tại khu vực đăng ký chờ khám bệnh. Khoảng 10h sáng, số khám đã lên tới hơn 300, tại khu vực chờ lấy máu xét nghiệm, bệnh nhân đông nghẹt; các cửa nộp viện phí, thanh toán viện phí BHYT xếp hàng dài.

Anh Bùi Minh Hải, khám chữa bệnh BHYT ở đây cho biết: “Mỗi lần tôi đi khám đều mất một ngày, đa số sáng khám, chiều lấy kết quả vì quá đông. Nếu triển khai bệnh án điện tử thì sẽ rút ngắn được thời gian chờ đợi và làm các thủ tục của người bệnh”.

Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị Phạm Thị Hồng (Đống Đa) đi khám thai ở tuần 16 cho biết: “Cách đây 5 năm, khi sinh đứa con thứ nhất, mỗi lần xuống đây khám tôi phải đem theo tất cả các phiếu siêu âm cũ, sổ khám bệnh, kết quả xét nghiệm… Nếu như triển khai bệnh án điện tử mà kịp lần sinh này thì tôi không phải đem theo giấy tờ, rất tiện lợi”.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là 1 trong 7 bệnh viện hạng I nằm trong kế hoạch triển khai bệnh án điện tử giai đoạn 2019-2020 của Sở Y tế Hà Nội theo lộ trình triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy của Bộ Y tế.

Theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hơn 2 năm qua, bệnh viện đã đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, vật tư cần thiết, chỉnh sửa phần mềm để tích hợp các hệ thống như: Hệ thống quản lý bệnh viện; hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm; hệ thống lưu trữ và thu nhận hình ảnh…để triển khai bệnh án điện tử trong khám chữa bệnh. Hiện nay, việc triển khai bệnh án điện tử được sử dụng thống nhất, liên kết với các khoa, phòng trong bệnh viện, bệnh nhân được quản lý bằng mã số. Thông tin các lần khám chữa bệnh của bệnh nhân đều được số hoá, lưu trữ một cách khoa học. Việc áp dụng bệnh án điện tử giúp mọi dữ liệu dễ dàng liên thông, nhất là giúp bác sĩ hội chẩn tức thì mọi nơi, mọi lúc, tiết kiệm diện tích, không gian lưu giữ hồ sơ. Đặc biệt, người bệnh không cần phải lưu trữ tất cả các loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh.

Theo thống kê, Phú Thọ là địa phương dẫn đầu có nhiều bệnh viện triển khai bệnh án điện tử nhất. Trong chuyến công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế vừa qua, khi chúng tôi đề cập tới việc triển khai bệnh án điện tử, lãnh đạo bệnh viện cho biết, bệnh viện đã được triển khai bệnh án điện tử thuận lợi, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh, giúp bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Lợi ích của bệnh án điện tử là giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và dịch vụ khám, chữa bệnh.

Tiện ích thì đã rõ, nhưng theo PGS.TS Trần Quý Tường, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Nhưng đến nay, mới chỉ có 37/135 bệnh viện hạng I triển khai, đạt 20%, trong đó hầu hết là các bệnh viện địa phương và tư nhân, bệnh viện tuyến Trung ương còn rất ít. Ông Tường cũng nhấn mạnh: “Theo thông tư 46, yêu cầu đặt ra, hết năm 2023 triển khai bệnh án điện tử ở tất cả các bệnh viện tuyến Trung ương là không khả thi”.

Sớm tháo gỡ những điểm nghẽn

Tiện lợi và ưu việt, tuy nhiên triển khai bệnh án điện tử hiện vẫn còn chậm, vì sao lại có hiện tượng này? Theo ông Tường, đến thời điểm này, nhiều giám đốc bệnh viện vẫn chưa hiểu hết bệnh án điện tử là gì, có thay thế được bệnh án giấy hay không, thậm chí còn chưa biết tới Thông tư 46 của Bộ Y tế. Chính vì điều này mà nhiều bệnh viện còn chậm triển khai.

Theo Thông tư 46 yêu cầu, năm 2023 phải triển khai xong bệnh án điện tử ở tất cả các bệnh viện hạng I, mặc dù khó thực hiện được trong năm nay, nhưng không thể chần chừ với những bước đi chậm chạp, mà phải đẩy nhanh quá trình thực hiện. Để làm được điều này, theo Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam, cần phải giải quyết được 3 vấn đề. Thứ nhất, lãnh đạo các cơ sở y tế phải quan tâm sâu sát đến số hoá, chuyển đổi số y tế. Hai là cần có cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính cho chuyển đổi số. Thứ ba cần có phần mềm bệnh án điện tử hoàn thiện, tuy các công ty Việt Nam đã triển khai được các phần mềm này, nhưng nhiều cơ sở y tế còn lúng túng sử dụng phần mềm nào trên thị trường.

Bên cạnh đó, để triển khai được bệnh án điện tử, cần phải có chữ ký số. Ông Tường cũng nhấn mạnh, nếu bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bỏ được bệnh án giấy thì coi như chuyển đổi số thành công đến 70%; 30% còn lại đến từ việc ứng dụng thêm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ cao…

Trong thời gian tới, để triển khai bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở y tế, ông Tường kiến nghị Bộ Y tế cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt xây dựng cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin, định giá công nghệ thông tin trong giá thành dịch vụ y tế, xác định giá phần mềm lưu trữ và chuyển tải hình ảnh để đẩy mạnh phần mềm PACS trong bệnh viện. Bộ Y tế cần cơ chế khen và xử phạt các bệnh viện không triển khai chuyển đổi số. Nếu thời gian tới khi có Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những điểm nghẽn trong chuyển đổi số sẽ được tháo gỡ (Công an nhân dân, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang