Phẫu thuật chân gãy cho mẹ Việt Nam anh hùng 100 tuổi
“Hiện sức khỏe của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kẹo (100 tuổi) đã tốt. Mẹ vẫn tiếp tục được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực chống độc A”.
Sáng 8-12, BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết thông tin trên.
Trước đó, ngày 27-11, mẹ Nguyễn Thị Kẹo được đưa vào BV quận Thủ Đức trong tình trạng đùi phải biến dạng, sưng, đau do té ngã tại nhà. Kết quả chụp X quang cho thấy mẹ bị gãy đầu dưới xương đùi phải trên nền suy thận cấp, nhiễm trùng tiểu và suy kiệt nặng.
Các bác sĩ tiến hành cố định ngoài xương đùi, hỗ trợ nâng đỡ, điều trị kháng sinh, giảm đau. Bên cạnh đó, các bác sĩ bổ sung dinh dưỡng qua đặt sonde dạ dày, đường tĩnh mạch cho mẹ.
Sau một tuần điều trị, tình trạng suy kiệt trước đó và chức năng thận của mẹ Nguyễn Thị Kẹo ổn định. Các bác sĩ tiếp tục tiến hành phẫu thuật kết hợp xương nẹp khóa đùi phải. Hiện vết mổ đã khô, mẹ đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
“Mẹ Nguyễn Thị Kẹo đang được nhân viên y tế BV quận Thủ Đức chăm sóc toàn diện. Ngoài hỗ trợ 100% tiền viện phí, bệnh viện còn cung cấp đầy đủ vật dụng hàng ngày, thức ăn, nước uống… cho mẹ” – BS Nguyễn Minh Quân nói. (Pháp luật TPHCM, trang 13)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng trang 3: “Phẫu thuật nẹp xương đùi thành công cho Mẹ Việt Nam Anh hùng 100 tuổi”
Còn nhiều khoảng trống về trình độ cán bộ y tế cơ sở
Đó là kết quả nghiên cứu về Chất lượng và công bằng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) và Ngân hàng Thế giới phối hợp triển khai tại sáu tỉnh với 78 bệnh viện huyện và 246 trạm y tế xã. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ số câu hỏi mà bác sĩ hỏi người bệnh và câu hỏi cần có để đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác hơn mới đạt thấp; số nội dung khám lâm sàng mà bác sĩ dự định khám (đã chỉ định khám) cho người bệnh cũng chưa đạt một nửa nội dung cần khám. Điều đó dẫn đến một tỷ lệ đáng kể các bác sĩ chẩn đoán sai, chẩn đoán đúng một phần về bệnh lý... Bên cạnh đó, tỷ lệ các bác sĩ chẩn đoán đúng thì cao nhưng “không chắc” đưa ra chỉ định điều trị đúng. Các bác sĩ tuyến xã ít kiến thức hơn nhưng khi khám bệnh họ luôn cố gắng khám, hỏi người bệnh nhiều hơn, còn các bác sĩ tuyến huyện kiến thức tốt hơn nhưng lại khám ít hơn (Nhân dân, trang 5).
Bệnh viện tự chủ mới nâng được chất lượng
Cần tập trung nguồn lực giúp các bệnh viện có điều kiện tự chủ, nâng chất lượng khám chữa bệnh để thu hút người bệnh.
Tại buổi chất vấn giám đốc Sở Y tế TP.HCM tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM ngày 8-12, PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng vấn đề tự chủ bệnh viện (BV) vẫn đang là một vấn đề đau đầu của ngành y tế.
Lùi thời gian tăng viện phí đến 1-7-2017
Theo quy định của Bộ Y tế về tự chủ BV thì từ ngày 1-1-2017, tiền lương và phụ cấp của các bác sĩ, điều dưỡng sẽ được tính vào giá bảo hiểm y tế (BHYT). Do đó, chi phí y tế sẽ nâng cao hơn. Có ba đợt tăng viện phí song song với quá trình tự thu, tự chi phụ thuộc vào BHYT bao gồm: Đợt 1 đối với các địa phương có tỉ lệ BHYT bao phủ 95%, đợt 2 trên 90% cho các tỉnh/thành phía Bắc. TP.HCM có tỉ lệ bao phủ BHYT chỉ mới đạt 79% nên thuộc đợt tăng viện phí cuối cùng là vào ngày 1-1-2017.
Vì vậy, theo giám đốc Sở Y tế TP, hiện toàn TP đã có tám BV thực hiện tự chủ, trong đó có sáu BV chuyên khoa và hai BV tuyến quận, huyện. Các BV đi đầu sẽ trở thành mô hình và là nơi truyền đạt kinh nghiệm cho các BV đi sau. “Không tự chủ tài chính thì rất khó nâng chất lượng BV. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn” - ông Bỉnh nói.
Cụ thể, các BV chưa thể tự chủ được hết do giá cả dịch vụ cho người không có BHYT khá cao. Nếu đột ngột tăng viện phí sẽ dễ xảy ra đột biến, ảnh hưởng đối tượng này. Do đó, trong lộ trình tự chủ sắp tới Bộ Y Tế và Bộ Tài chính đã đồng ý lùi việc tăng viện phí cho người chưa mua BHYT lại sáu tháng. Tức giữ nguyên giá dịch vụ đến ngày 1-7-2017 để người dân có thời gian mua BHYT, tham gia vào lộ trình tự chủ BV mà vẫn được hưởng đúng quyền lợi. Như vậy đến tháng 7-2017, TP.HCM sẽ có 32 BV tuyến TP và 23 BV tuyến quận, huyện tham gia tự chủ.
Nâng cấp các bệnh viện yếu, nhỏ
Vấn đề khó khăn hàng đầu đối với y tế TP chính là những BV tuyến quận, huyện có lượt khám chữa bệnh thấp, thu nhập ít rất dễ rơi vào khủng hoảng, không đủ lương trả cho đội ngũ y, bác sĩ nếu tham gia lộ trình này. “Với một BV nhỏ như BV quận 9, nằm giữa hai BV có số lượng bệnh nhân và chất lượng tốt như BV quận Thủ Đức và BV quận 2, nếu tham gia vào tự chủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn” - ông Bỉnh ví dụ.
Trước thực tế này, giám đốc Sở Y tế cũng cho biết TP phải tập trung nguồn nhân lực trong một năm để cố gắng vực lên các BV nhỏ, hỗ trợ phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh về các BV này. Đồng thời, đề nghị Sở Tài chính có biện pháp hỗ trợ cho các BV có lượng bệnh nhân thấp trong một năm đầu để trả lương và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
Cũng theo ông Bỉnh, việc nâng chất lượng khám chữa bệnh không chỉ thực hiện ở các BV lớn mà ở cả các trạm y tế phường/xã. Sắp tới, TP sẽ thí điểm mô hình phối hợp công tư ở một số trạm y tế ở quận trung tâm thành phòng khám đa khoa, có chức năng khám chữa bệnh để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. (Pháp luật TPHCM, trang 13)
Báo động sản phẩm y tế “dỏm”
Các sản phẩm y tế điều trị và hỗ trợ điều trị như thuốc, thực phẩm chức năng, dược liệu ngày càng bị làm giả, làm nhái. Thậm chí, các đối tượng còn làm giả cả giấy tờ của cơ quan, tổ chức nhà nước để qua mặt cơ quan có thẩm quyền quản lý. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng mất tiền mua phải hàng “dỏm” mà đang gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng.
Làm giả cả phiếu kiểm nghiệm
Qua quá trình kiểm tra giám sát, thời gian gần đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phát hiện hàng loạt cơ sở, doanh nghiệp (DN) sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm y tế như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Điển hình như Công ty TNHH TM SX HD (Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) bị xử phạt 60 triệu đồng do sản xuất mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho người sử dụng đối với sản phẩm sữa rửa mặt Rice & Milk foaming cleaner she (số lô L002). Tương tự, Công ty TNHH MTV SX TM XNK Mỹ phẩm T.A (quận Tân Phú) cũng bị phạt 60 triệu đồng do sản xuất mỹ phẩm có thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm (chứa Clobetasol Propionat)…
Theo TS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay, thanh tra sở đã phát hiện hàng chục cơ sở, DN có sai phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng, dược liệu giả, nhái, kém chất lượng hoặc có chất cấm. “Nhìn chung có sự gia tăng cơ sở vi phạm là do tần suất kiểm tra nhiều hơn, có trách nhiệm hơn và chúng tôi đều phạt ở khung cao nhất để răn đe”, ông Trạng chia sẻ. Điều đáng nói, tình trạng các sản phẩm y tế phục vụ điều trị, hỗ trợ điều trị kém chất lượng, làm giả ngày càng tinh vi hơn. Thậm chí làm giả cả phiếu kiểm nghiệm chất lượng, phiếu công bố chất lượng sản phẩm để qua mặt cơ quan chức năng. Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã “vạch mặt” hai DN dược sử dụng Phiếu kết quả kiểm nghiệm giả khi thực hiện công bố sản phẩm là thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe con người.
Không chỉ thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng mà ngay cả thực phẩm sử dụng hàng ngày của người dân cũng đang báo động làm giả, hàng nhái. Theo ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 10 tháng của năm 2016 đã kiểm tra 345.106 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 56.978 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (chiếm 16,51%). Ngoài việc xử phạt hơn 26 tỷ đồng, 145 cơ sở còn bị đình chỉ hoạt động, 133 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành... Đó là chưa kể hàng ngàn loại thực phẩm bị tiêu hủy do không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...
Cơ quan chức năng: Khó kiểm soát!
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), thực trạng hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực y tế, nhất là thực phẩm chức năng, thuốc, dược liệu, mỹ phẩm... ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Thời gian qua, nhiều vụ vi phạm lớn của những đường dây, ổ nhóm hoạt động tinh vi đã bị phanh phui. Có những vụ nghiêm trọng đến nỗi đoàn công tác phải bố trí cả lực lượng mang vũ khí đi theo để bảo vệ.
Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trước cổng Trường THCS Phước Lộc (huyện Nhà Bè) hồi cuối tháng 11 vừa qua khiến 18 học sinh nhập viện là một minh chứng. Nguyên do là các em đã uống sản phẩm sữa do một nhóm người tiếp thị không nhãn hiệu, không nguồn gốc. Hay như vụ Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú (TPHCM) bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm và chuyển cơ quan điều tra do có hành vi sai phạm trong buôn bán dược liệu nhưng vẫn trúng thầu vào nhiều bệnh viện. Quan ngại hơn, qua thanh tra Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM mới đây, cơ quan chức năng phát hiện mặc dù mua sắm hàng chục tỷ đồng dược liệu đã sơ chế, chưa sơ chế để phục vụ chữa bệnh, nhưng qua kiểm nghiệm cho thấy một lỷ lệ rất lớn dược liệu kém chất lượng. Năm 2014, Viện Kiểm nghiệm TPHCM lấy 17 mẫu thì hết 7 mẫu không đạt chất lượng; năm 2015, Viện Kiểm nghiệm TPHCM lấy 11 mẫu thì 5 mẫu không đạt chất lượng…
Hành vi gian lận trong lĩnh vực y tế ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người dân, đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng chống. Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn yêu cầu trong thời gian tới các đơn vị trực thuộc trung ương và địa phương tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực y tế, tập trung vào thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm và dược liệu. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Chất trong thuốc lá có thể gây sẩy thai
Ngày 10/ 12, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và chăm sóc sức khỏe sinh sản Hội LHPN VN phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương tổ chức hội thảo “Tác hại của các chất hóa học đối với thai phụ và thai nhi”. Theo các chuyên gia y tế, trong các hóa chất độc hại có coumarin là nguyên nhân gây sẩy thai, thai chết lưu, dị tật thai nhi nếu trong thai kỳ, người mẹ có tiếp xúc với chất này.
Ông Nguyễn Đình Trường – Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá VN cảnh báo: “Coumarin được tẩm ướp vào sợi thuốc lá để gia tăng hương vị cho sản phẩm chứ không phải là thành phần tự nhiên trong thuốc lá nguyên liệu. Đây là chất nằm trong danh mục cấm dùng trong thực phẩm của Bộ Y tế nên các sản phẩm thuốc lá trong nước không được phép sử dụng”. (Tiền phong, trang 4)
Y tế dự phòng chưa phòng đúng bệnh
Các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng và là nguyên nhân gây ra 73% tổng số ca tử vong của cả nước. Mới đây tại hội nghị về y tế dự phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ ra những bất cập trong công tác dự phòng bệnh tật.
Bệnh không lây nhiễm tăng - chi phí dự phòng ít
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết : “Từ năm 2008, Quốc hội đã có nghị quyết yêu cầu phải dành 30% chi ngân sách y tế cho dự phòng nhưng hầu như tất cả các địa phương chỉ dành tỷ lệ 20-25% cho công tác này. Một thực tế khác là hiện nay 70% gánh nặng điều trị đến từ các bệnh không truyền nhiễm liên quan đến tim mạch, tiểu đường, hô hấp mãn tính, ung thư… nhưng mới chỉ có 12% kinh phí y tế dự phòng dành cho các nhóm bệnh này, còn phần lớn dành cho những bệnh lây nhiễm”.
Hơn 1/3 ca tử vong ở Việt Nam là do các bệnh tim mạch. Tại Việt Nam, bệnh tăng huyết áp đang gia tăng nhanh chóng và hiện nay, cứ 5 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp. Bên cạnh đó, 15,6% số người dân Việt Nam hiện đang bị thừa cân béo phì và tỷ lệ này lại đang có xu hướng tăng nhanh theo thời gian.
Các chuyên gia y tế nhận định, phát hiện sớm nguy cơ để dự phòng và điều trị sớm sẽ giúp tăng tuổi thọ và giảm chi phí điều trị. Phải giải quyết tận gốc chứ không phải phần ngọn, tức là phải từ hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu với hệ thống bác sĩ gia đình, y tế xã phường… để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Sửa luật để phòng bệnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành y tế phải rà soát lại toàn bộ từ hệ thống tổ chức y tế dự phòng từ hoạt động thường quy đến cách thức vận hành, kết nối mạng lưới các trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: “Phải chăng ngân sách trung ương và nguồn lực Nhà nước nên tập trung cho dự phòng, còn lĩnh vực điều trị, khám chữa bệnh cần huy động tối đa các nguồn lực khác, từ đó xem xét việc phát triển, sử dụng kinh phí của bảo hiểm y tế dành cho y tế dự phòng”.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Bộ Y tế đã xây dựng các dự án để thực hiện các chiến lược về y tế dự phòng. Kết hợp với hệ thống khám, phát hiện quản lý tại cộng đồng. Còn vấn đề tài chính cũng sẽ phải tính toán, ví dụ như sửa luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) để chi cho khám sàng lọc, phát hiện tại cộng đồng... Hiện nay BHYT không chi trả cho các hoạt động y tế dự phòng”.
Nói đến quyết định mới ban hành của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới hệ thống y tế cơ sở với trên 14.000 trạm y tế xã, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam băn khoăn khi có một tỷ lệ rất lớn các trạm y tế cơ sở không được khai thác đúng, hết năng lực. Nhiều cán bộ y tế cơ sở chưa được giao nhiệm vụ để học tập, làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. (Tiền phong, trang 10).
32 công nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
Tin từ BV Quận 7 (TP.HCM) cho biết chiều 9.12, bệnh viện tiếp nhận 32 công nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm ở hai công ty trong khu công nghiệp Tân Thuận (Q.7). Các công nhân nhập viện với các triệu chứng đau bụng, chóng mặt, nôn ói... và cho biết buổi trưa cùng ngày họ ăn cơm với nấm xào, sau khi ăn thì xuất hiện triệu chứng như trên. (Thanh niên, trang 5)
Tạm giữ gần 2.000 chai giấm gạo "chế" thêm axit
Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành thành phố Hà Nội đã phát hiện một cơ sở sản xuất giấm gạo sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ tại phường Bồ Đề, quận Long Biên.
Ngày 9/12, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 thành phố Hà Nội do Đội QLTT số 4 chủ trì, phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường và Đội 8, Phòng CSKT, CATP đã tiến hành kiểm tra cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh giấm gạo do ông Đào Trọng Khánh, SN 1954 làm chủ, tại địa chỉ số 1/76 Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang tiến hành sản xuất giấm gạo và bán thành phẩm. Chủ cơ sở đã xuất trình được đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm năm 2015. Tuy nhiên, lực lượng chức năng phát hiện, cơ sở này đã pha trộn thêm axit, chất tạo màu và một số nguyên liệu không có trong hồ sơ đăng ký vào quy trình sản xuất giấm thành phẩm. Chủ cơ sở cũng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của số nguyên liệu dùng để sản xuất giấm ăn này.
Ông Đào Trọng Khánh thừa nhận, cơ sở đã sản xuất sản phẩm giấm gạo từ lâu, có đăng ký kinh doanh từ năm 2008, tuy nhiên thời gian gần đây, do áp lực cạnh tranh của thị trường đã sử dụng axit và các nguyên liệu khác để giấm không bị vẩn đục và giảm giá thành sản xuất sản phẩm.
Theo ông Tô Cẩm Tú, Phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1 thành phố Hà Nội, cơ sở này đã sử dụng nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc và ngoài hồ sơ công bố. Bên cạnh đó, qua cảm quan, các chai đựng cũng đều là chai đã được tái sử dụng. Do đó, để đánh giá được rõ vi phạm của cơ sở, đoàn liên ngành sẽ tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm đồng thời lấy mẫu giám định để xem mức độ ảnh hưởng của sản phẩm tới sức khỏe người tiêu dùng.
Được biết, mỗi ngày, cơ sở này có thể sản xuất ra khoảng 1000 chai giấm gạo cung cấp ra thị trường. Qua kiểm đếm, cơ quan chức năng đã tiến hành tạm giữ gần 2000 sản phẩm cùng 13 can nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ. (An ninh Thủ đô, trang 13)
Phẫu thuật bằng robot
Phẫu thuật robot phát triển đến thế hệ thứ tư với bốn cánh tay phẫu thuật, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ, hình ảnh 3D. Với góc mổ này, không cánh tay người nào có thể thực hiện được.
Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) là đơn vị đầu tiên của cả nước triển khai mổ nội soi robot cho người lớn tại Việt Nam từ cuối tháng 11-2016 (trước đó, năm 2014 Trung tâm Phẫu thuật nội soi nhi khoa có sử dụng robot trong phẫu thuật trẻ em ở Bệnh viện Nhi trung ương).
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ về việc thực hiện kỹ thuật hiện đại này, TS.BS Trần Vĩnh Hưng - giám đốc Bệnh viện Bình Dân - chia sẻ:
- Robot ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật trên thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của những ứng dụng công nghệ cao vào trong y học là một thành quả vượt bậc, đưa ngành phẫu thuật đến một đỉnh cao mới.
Phẫu thuật nội soi robot (gọi tắt phẫu thuật robot) được thực hiện đầu tiên ở Mỹ từ cuối những năm 1980.
Hiện phẫu thuật robot đã phổ biến tại các trung tâm phẫu thuật lớn ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... để điều trị các loại phẫu thuật lớn, phức tạp.
* Thưa TS, vì sao bệnh viện quyết tâm trang bị robot phẫu thuật, kinh phí mua robot bao nhiêu?
- Với mong muốn hoàn thiện hơn nữa trong kỹ thuật phẫu thuật nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh, bắt kịp y học thế giới, bệnh viện lập đề án triển khai phẫu thuật nội soi robot.
Đề án này đã được UBND TP và Sở Y tế TP phê duyệt với kinh phí 71 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay kích cầu của thành phố.
Đầu tháng 11-2016 vừa qua, bệnh viện đã nhận hệ thống phẫu thuật Robot Da Vinci do Mỹ sản xuất, đây là hệ thống robot phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay.
* Phẫu thuật robot có những ưu điểm gì, thưa TS?
- Robot có khả năng mổ ở những vị trí khó, có thể di chuyển tự do ở sáu góc độ, vận động tinh vi.
Các dụng cụ mổ do robot điều khiển có khả năng luồn lách vào các khoang nhỏ nhất và sâu một cách linh hoạt, chính xác, đặc biệt hữu ích trong mổ nạo vét hạch trong khi mổ các khối ung thư ổ bụng hay lồng ngực.
Nhờ đó, khắc phục được những hạn chế của mổ mở cũng như phẫu thuật nội soi kinh điển (hạn chế tầm nhìn...).
Đặc biệt, do có khả năng kết nối với máy tính nên phẫu thuật robot sẽ giúp thực hiện khả năng mổ từ xa, khi mà bác sĩ phẫu thuật viên từ khoảng cách rất xa vẫn có thể mổ được cho người bệnh.
Điều này mở ra những khả năng ứng dụng lớn trong tương lai như trong các thảm họa thiên tai, ở các hải đảo hay các khu vực địa lý xa xôi...
* Theo TS, robot dùng để mổ các loại bệnh gì?
- Về nguyên tắc có thể sử dụng cho tất cả bệnh lý (ở hệ tiêu hóa, gan mật tụy, tiết niệu, tim mạch, lồng ngực...) có chỉ định phẫu thuật nội soi và khi người bệnh yêu cầu được phẫu thuật robot.
Tuy nhiên, chỉ có những phẫu thuật lớn (như cắt bướu ác tuyến tiền liệt, cắt bàng quang trong ung thư bàng quang, tạo hình bàng quang, cắt tụy, cắt khối u ác trực tràng...), vị trí mổ khó, đòi hỏi có phương tiện kỹ thuật cao, thao tác tinh vi, khéo léo, phẫu thuật viên mới cần đến robot hỗ trợ cho mình.
Với kinh nghiệm và trình độ chuyên môn giỏi của các bác sĩ, cộng thêm sự hỗ trợ của robot chắc chắn sẽ cho kết quả phẫu thuật tốt hơn nữa nhờ độ chính xác cao, giúp giảm thiểu biến chứng, giảm tỉ lệ tử vong, thời gian nằm viện.
* Thưa TS, nhân sự thực hiện phẫu thuật robot được đào tạo ở đâu?
- Bệnh viện chọn các bác sĩ phẫu thuật viên có trình độ và kinh nghiệm mổ mở cũng như phẫu thuật nội soi để đi đào tạo, tập huấn cả về lý thuyết cũng như thực hành, được cấp chứng nhận tại nước ngoài.
Sau đó được các giáo sư chuyên ngành nước ngoài giám sát và chuyển giao tại bệnh viện. Hiện bệnh viện có sáu bác sĩ được đào tạo về phẫu thuật robot, ngoài ra còn một số bác sĩ khác đang được đào tạo tại chỗ.
* Về hiệu quả xã hội thì thế nào, thưa TS?
- Triển khai phẫu thuật robot đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong việc áp dụng công nghệ cao vào việc điều trị chăm sóc người bệnh.
Qua đó xây dựng mô hình để phát triển ứng dụng kỹ thuật cao trong ngành y tế VN, tiến tới phát triển thành trung tâm đào tạo chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật robot cho các bệnh viện bạn và trong khu vực Đông Nam Á, tạo điều kiện để tăng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này.
Đặc biệt là cơ hội để VN được hưởng những tiến bộ khoa học hiện đại nhất trong chăm sóc y tế, góp phần khẳng định vị thế của y học VN trên trường quốc tế...
* Xin cảm ơn TS! . (Tuổi trẻ (trang 1)